Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Chưa từng có ai trở nên nghèo khó vì cho đi những gì mình có. (No-one has ever become poor by giving.)Anne Frank
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» QUYỂN 25 - Phẩm BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG - Phẩm thứ mười – Phần năm »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» QUYỂN 25 - Phẩm BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG - Phẩm thứ mười – Phần năm

Donate

(Lượt xem: 11.886)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Kinh Đại Bát Niết-bàn - QUYỂN 25 - Phẩm BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG - Phẩm thứ mười – Phần năm

Font chữ:


Diễn đọc: Diệu Pháp Âm
Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát Ma-ha-tát tu hành kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, thành tựu trọn vẹn công đức thứ bảy như thế nào?

“Thiện nam tử! Bồ Tát Ma-ha-tát tu hành kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn khởi tâm suy xét rằng: ‘Pháp nào có thể làm nhân thiết thực gần gũi dẫn đến Đại Niết-bàn?’ [Suy xét như vậy rồi,] Bồ Tát liền nhận biết bốn pháp có thể làm nhân đến gần Đại Niết-bàn.

“Nếu nói rằng siêng tu tất cả khổ hạnh là nhân duyên đến gần Đại Niết-bàn, nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Vì nếu lìa khỏi bốn pháp này mà được Niết-bàn là hoàn toàn vô lý. Những gì là bốn pháp? Một là gần gũi các bậc thiện tri thức, hai là hết lòng nghe pháp, ba là chú tâm suy xét và bốn là y theo pháp tu hành.

“Thiện nam tử! Ví như có người thân mang nhiều bệnh, khi nóng khi lạnh, suy nhược hao tổn, khí huyết chẳng thông, nhiễm tà trúng độc... liền tìm đến thầy thuốc giỏi. Thầy thuốc tùy bệnh mà chỉ dạy cách dùng thuốc. Người ấy hết lòng lắng nghe và tin nhận lời chỉ dạy của thầy thuốc, theo đó hòa hợp các vị thuốc và uống thuốc đúng phương pháp. Uống thuốc rồi liền khỏi bệnh, thân được yên vui.

“Người có bệnh đó ví như các vị Bồ Tát. Vị thầy thuốc giỏi đó ví như bậc thiện tri thức. Lời chỉ dạy của thầy thuốc ví như kinh Phương đẳng. Biết tin nhận lời dạy ấy cũng ví như biết suy xét nghĩa lý trong kinh Phương đẳng. Tùy theo lời dạy mà hòa hợp các vị thuốc ví như tu hành theo đúng Ba mươi bảy pháp trợ đạo. Bệnh được khỏi hẳn ví như phiền não được dứt trừ. Thân được yên vui ví như người tu hành đạt đến Niết-bàn với thường, lạc, ngã, tịnh.

“Thiện nam tử! Ví như một vị vua muốn tìm phương pháp cai trị và giáo hóa sao cho nhân dân được yên vui; liền hỏi các vị quan có trí tuệ về phương pháp ấy. Các quan liền đem phương pháp trị nước của các vua trước đây mà trình bày. Vị vua ấy nghe rồi liền hết lòng tin nhận và làm theo, trị nước đúng theo phương pháp ấy, không còn những sự hờn oán đối nghịch. Nhờ đó nhân dân được yên vui, không có hoạn nạn.

“Thiện nam tử! Vị vua đó ví như các vị Bồ Tát. Các vị quan có trí tuệ ví như những bậc thiện tri thức. Phương pháp trị nước mà các quan trình bày với vua ví như Mười hai bộ kinh. Vua nghe rồi hết lòng tin nhận và làm theo, ví như các vị Bồ Tát chú tâm suy xét ý nghĩa sâu xa kín đáo của Mười hai bộ kinh. Theo đúng phương pháp trị nước là ví như các vị Bồ Tát y theo Chánh pháp mà tu hành, chẳng hạn như tu sáu pháp Ba-la-mật. Nhờ tu tập sáu pháp Ba-la-mật nên không còn những sự hờn oán đối nghịch, ví như các vị Bồ Tát đã dứt lìa quân giặc xấu ác là những trói buộc phiền não. Nhân dân được yên vui ví như các vị Bồ Tát đạt đến Niết-bàn với thường, lạc, ngã, tịnh.

“Thiện nam tử! Ví như người mắc bệnh cùi, có vị thiện tri thức bảo rằng: ‘Nếu ông đến được nơi ven núi Tu-di thì có thể khỏi bệnh. Vì sao vậy? Vì ở đó có một loại thuốc hay, mùi vị như cam lộ. Ai đã dùng thuốc ấy thì cho dù bệnh gì cũng được khỏi cả!’ Người ấy hết lòng tin tưởng việc này, liền đi đến nơi ven núi Tu-di, tìm hái được và uống vị thuốc [có mùi vị] như cam lộ kia. Uống rồi liền khỏi bệnh, thân được yên vui.

“Người mắc bệnh cùi ví như những kẻ phàm phu. Vị thiện tri thức kia ví như các vị Đại Bồ Tát. Hết lòng tin nhận sự việc ví như Bốn tâm vô lượng. Núi Tu-di ví như Tám Thánh đạo. Mùi vị cam lộ ví như tánh Phật. Bệnh cùi được khỏi ví như dứt lìa mọi phiền não. Thân được yên vui ví như đạt đến Niết-bàn với thường, lạc, ngã, tịnh.

“Thiện nam tử! Ví như có người nuôi các đệ tử đều thông minh lanh lợi. Người ấy ngày đêm thường dạy dỗ không mệt mỏi. Các vị Bồ Tát cũng vậy, thường giáo hóa tất cả chúng sanh không hề mệt mỏi, chán nản, dù cho có kẻ [phát khởi lòng] tin hoặc không tin.

“Thiện nam tử! Những bậc thiện tri thức là Phật, Bồ Tát, Phật Bích-chi, Thanh văn và những người tin nhận kinh Phương đẳng.

“Vì sao gọi đó là các bậc thiện tri thức? Thiện tri thức là bạn lành có hiểu biết, là những người có thể dạy cho chúng sanh lìa xa Mười điều ác, tu hành Mười điều thiện. Vì thế nên gọi là thiện tri thức, nghĩa là có sự hiểu biết tốt lành.

“Lại nữa, thiện tri thức là những người thuyết giảng đúng theo Chánh pháp và thực hành theo đúng như sự thuyết giảng đó. Sao gọi là thuyết giảng đúng theo Chánh pháp và thực hành theo đúng như sự thuyết giảng? Đó là tự mình không làm việc giết hại và dạy người khác đừng giết hại, cho đến tự mình thực hành Chánh kiến và dạy người khác thực hành Chánh kiến. Nếu có thể được như vậy mới đáng gọi là bậc thiện tri thức chân thật.

“Tự mình tu đạo giác ngộ và cũng dạy cho người khác tu hành giác ngộ. Vì nghĩa ấy nên gọi là bậc thiện tri thức. Tự mình có thể tu hành tín, giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, lại cũng có thể dạy người tu hành tín, giới, bố thí, đa văn, trí tuệ. Vì nghĩa ấy nên gọi là bậc thiện tri thức.

“Thiện tri thức là người có những pháp lành. Những gì là pháp lành? Đó là khi làm bất cứ việc gì đều chẳng cầu sự an vui cho riêng mình, mà luôn cầu sự an vui cho hết thảy chúng sanh. Thấy người khác có sự lỗi lầm cũng không thường nói ra chỗ khiếm khuyết của họ [để chê bai], chỉ thường nói ra toàn những việc tốt lành [để khuyến khích]. Vì nghĩa ấy nên gọi là bậc thiện tri thức.

“Thiện nam tử! Như mặt trăng giữa không trung, từ mồng một cho đến rằm cứ mỗi ngày một lớn hơn. Bậc thiện tri thức cũng vậy, giúp cho những người tu học dần dần lìa xa các pháp xấu ác, tăng trưởng các pháp lành [mỗi ngày một lớn mạnh hơn].

“Thiện nam tử! Người chưa từng có giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, nếu gần gũi bậc thiện tri thức liền được có; nếu đã có nhưng chưa đầy đủ, liền được tăng trưởng thêm. Vì sao vậy? Đó là nhờ gần gũi với các bậc thiện tri thức. Nhờ sự gần gũi ấy lại được hiểu rõ nghĩa lý sâu xa của Mười hai bộ kinh. Nếu có thể nghe được nghĩa lý sâu xa của Mười hai bộ kinh mới gọi là nghe pháp.

“Nghe pháp [ở đây] tức là nghe những kinh điển Phương đẳng Đại thừa. Nghe được những kinh điển Phương đẳng mới thật là nghe pháp. Người thật nghe pháp là lắng nghe và thọ nhận kinh Đại Niết-bàn. Từ trong kinh Đại Niết-bàn mà nghe biết rằng có tánh Phật, rằng Như Lai rốt cùng không dứt bỏ tất cả mà nhập Niết-bàn. Nghe được như vậy nên gọi là hết lòng nghe pháp.

“Hết lòng nghe pháp, đó là nghe Tám Thánh đạo. Vì Tám Thánh đạo có thể đoạn tuyệt tham dục, sân khuể, ngu si, cho nên nghe Tám Thánh đạo gọi là nghe pháp.

“Nghe pháp, tức là [nghe về] Mười một pháp không. Do nơi các pháp không này mà đối với tất cả các pháp đều không tạo tác tướng trạng, hình mạo.

“Nghe pháp, tức là từ chỗ phát tâm ban đầu [rồi tu tập] cho đến chỗ cứu cánh cuối cùng của tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nhân chỗ phát tâm ban đầu mà [tu tập dần dần] đạt đến Đại Niết-bàn. Không phải chỉ nghe mà đạt đến Đại Niết-bàn, chính nhờ sự tu tập mới đạt đến Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Ví như người bệnh, tuy được nghe lời chỉ dạy của thầy thuốc và nghe tên các vị thuốc, nhưng chẳng khỏi bệnh. Phải uống thuốc vào mới được khỏi bệnh. [Cũng vậy,] tuy có được nghe pháp Mười hai nhân duyên sâu xa cũng không thể dứt trừ hết thảy phiền não; cần phải chú tâm suy xét kỹ lưỡng mới có thể dứt trừ phiền não. Đó là pháp thứ ba trong bốn pháp làm nhân duyên đạt đến Đại Niết-bàn: phải chú tâm suy xét.

“Chú tâm suy xét còn có ý nghĩa gì khác nữa? Đó là ba pháp Tam-muội: Tam-muội Không, Tam-muội Vô tác và Tam-muội Vô tướng.

“Không, nghĩa là đối với Hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu không thấy có cảnh giới nào là có thật. Vô tác, nghĩa là đối với Hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu không có một sự ước nguyện mong cầu nào cả. Vô tướng, nghĩa là không có mười tướng: tướng hình sắc, tướng âm thanh, tướng mùi hương, tướng vị nếm, tướng xúc chạm, tướng sanh ra, tướng tồn tại, tướng diệt mất, tướng nam và tướng nữ.

“Tu tập ba pháp Tam-muội như trên gọi là sự chú tâm suy xét của hàng Bồ Tát.

“Sao gọi là y theo pháp mà tu hành? Đó là tu hành các pháp ba-la-mật, từ Bố thí cho đến Bát-nhã; rõ biết tướng chân thật của các ấm, nhập, giới; cũng rõ biết rằng các vị Thanh văn, Duyên giác và chư Phật đều theo cùng một đường mà nhập Niết-bàn. Pháp của Niết-bàn là thường, lạc, ngã, tịnh, không sanh, không già, không bệnh, không chết, không đói khát, không khổ não, không thối chuyển, không diệt mất.

“Thiện nam tử! Hiểu được ý nghĩa rất sâu xa của Đại Niết-bàn thì biết rằng chư Phật rốt cùng không dứt bỏ tất cả mà nhập Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Bậc thiện tri thức chân thật nhất là chư Bồ Tát và chư Phật Thế Tôn. Vì sao vậy? Vì thường khéo dùng ba cách điều phục giáo hóa chúng sanh. Ba cách ấy là gì? Một là [có khi] dùng toàn những lời dịu ngọt, hai là [có khi] dùng toàn những lời quở trách và ba là [có khi lại] vừa dùng lời dịu ngọt vừa quở trách. Vì nghĩa ấy nên Bồ Tát và chư Phật là những bậc thiện tri thức chân thật nhất!

“Lại nữa, thiện nam tử! Phật và Bồ Tát là những bậc đại lương y nên xưng là thiện tri thức. Vì sao vậy? Vì biết rõ bệnh, biết rõ thuốc, có thể tùy bệnh mà cho thuốc thích hợp.

“Ví như vị lương y thông thạo tám phép trị bệnh, trước hết phải xem tướng trạng của bệnh. Có ba tướng trạng khác nhau là phong, nhiệt và thủy. Người có bệnh phong thì cho dùng dầu váng sữa, người có bệnh nhiệt thì cho dùng đường phèn, người có bệnh thủy thì cho cho uống nước gừng. Vì rõ biết gốc bệnh nên cho dùng thuốc liền khỏi bệnh, được tôn xưng là lương y.

“Chư Phật và Bồ Tát cũng vậy, các ngài rõ biết bệnh của phàm phu có ba loại: tham dục, sân khuể và ngu si. Những kẻ có bệnh tham dục liền dạy họ phép quán xương trắng. Những kẻ có bệnh sân khuể liền dạy cho họ phép quán từ bi. Những kẻ có bệnh ngu si liền dạy cho họ phép quán Mười hai nhân duyên. Vì nghĩa ấy nên tôn xưng chư Phật và Bồ Tát là thiện tri thức.

“Thiện nam tử! Ví như vị đại thuyền sư, có tài đưa người vượt biển nên được tôn xưng là đại thuyền sư. Chư Phật và Bồ Tát cũng vậy, các ngài cứu độ chúng sanh vượt khỏi biển sanh tử. Vì nghĩa ấy nên được tôn xưng là thiện tri thức.

“Lại nữa, thiện nam tử! Nhờ có chư Phật và Bồ Tát nên chúng sanh mới tu hành đạt được đầy đủ các pháp lành căn bản. Thiện nam tử! Ví như Tuyết sơn là cội nguồn căn bản của đủ mọi thứ thuốc hay lạ quý báu. Chư Phật và Bồ Tát cũng vậy, là căn bản của mọi điều lành. Vì nghĩa ấy nên được tôn xưng là thiện tri thức.

“Thiện nam tử! Nơi Tuyết sơn có loại thuốc quý rất thơm, gọi là Ta-ha. Ai gặp được loại thuốc ấy thì sống lâu, không có bệnh khổ. Dầu gặp bốn thứ độc cũng không làm hại được. Ai chạm vào thuốc ấy thì tuổi thọ tăng thêm, sống đến một trăm hai mươi tuổi. Ai niệm tưởng thuốc ấy thì được trí túc mạng. Vì sao vậy? Đó là nhờ thế lực của thuốc ấy. Chư Phật và Bồ Tát cũng vậy. Những ai được gặp Phật và Bồ Tát đều dứt trừ tất cả phiền não. Dầu gặp bốn thứ ma cũng không bị nhiễu loạn. Những ai được tiếp xúc với Phật và Bồ Tát thì đời sống được dài lâu, vượt khỏi sanh tử, không còn thối chuyển, diệt mất. Tiếp xúc ở đây có nghĩa là được ở bên Phật, được nghe và lãnh thọ Chánh pháp nhiệm mầu. Những ai niệm tưởng chư Phật và Bồ Tát đều sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nghĩa ấy nên tôn xưng chư Phật và Bồ Tát là thiện tri thức.

“Thiện nam tử! Như ở Hương sơn có hồ A-na-bà-đạp-đa. Từ nơi hồ ấy có bốn con sông cái chảy ra là sông Hằng, sông Tân-đầu, sông Tư-đà và sông Bác-xoa. Người đời thường nói rằng những ai có tội mà tắm ở bốn sông ấy thì các tội đều tiêu diệt. Nên biết rằng lời ấy là hư dối, [vì việc tắm sông] không thật trừ diệt được những việc làm [xấu ác] đã qua. Những gì là thật? Chỉ có chư Phật và Bồ Tát mới là thật. Vì sao vậy? Những ai thân cận chư Phật và Bồ Tát ắt trừ diệt được tất cả các tội lỗi [trước đây]. Vì nghĩa ấy nên tôn xưng chư Phật và Bồ Tát là thiện tri thức.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như trên mặt đất có những loại cây thuốc, rừng rậm, trăm giống lúa, mía đường, hoa quả... Gặp lúc nắng hạn, hết thảy những thứ ấy đều khô cằn sắp chết. Các vị long vương Nan-đà và Bạt-nan-đà thương xót chúng sanh nên ra khỏi biển cả, đổ xuống trận mưa lành. Nhờ đó, hết thảy rừng rậm, lúa thóc, cỏ cây đều được tươi nhuận và sống lại.

“Tất cả chúng sanh cũng giống như thế, có bao nhiêu căn lành đều sắp diệt mất cả. Chư Phật và Bồ Tát sanh lòng đại từ bi, từ nơi biển trí tuệ đổ xuống cơn mưa cam lộ [là Chánh pháp], giúp cho chúng sanh được đầy đủ pháp Thập thiện. Vì nghĩa ấy nên tôn xưng chư Phật và Bồ Tát là thiện tri thức.

“Thiện nam tử! Ví như vị lương y thông thạo tám phép trị bệnh, khi gặp người bệnh không hề quan tâm đến dòng họ chủng tộc, không phân biệt đẹp hay xấu, giàu hay nghèo... chỉ lo việc chữa trị ngay. Vì thế nên được tôn xưng là đại lương y. Chư Phật và Bồ Tát cũng vậy, khi chúng sanh có bệnh phiền não, các ngài chẳng quan tâm đến dòng họ chủng tộc, chẳng phân biệt tốt xấu, giàu nghèo... đều vì tất cả mà khởi lòng từ mẫn thuyết pháp cho nghe. Chúng sanh nghe rồi thì bệnh phiền não được dứt trừ. Vì nghĩa ấy nên chư Phật và Bồ Tát được tôn xưng là thiện tri thức.

“Nhờ nhân duyên gần gũi các bậc thiện hữu như thế mà được đến gần Đại Niết-bàn.

“Thế nào là Bồ Tát nhờ nhân duyên nghe pháp mà được đến gần Đại Niết-bàn?

“Hết thảy chúng sanh nhờ nghe pháp mà đầy đủ tín căn. Nhờ có tín căn nên ưa thích thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ; chứng quả Tu-đà-hoàn cho đến quả Phật. Vì thế nên biết rằng có được các pháp lành đều là nhờ tác dụng của nhân duyên nghe pháp.

“Thiện nam tử! Ví như vị trưởng giả chỉ có một người con duy nhất, vì có việc buôn bán cần thiết ở nước khác nên sai con đến đó. Ông chỉ rõ đường sá cho con, chỗ nào thuận tiện, chỗ nào hiểm trở, rồi lại răn dạy rằng: ‘Nếu gặp phải hạng đàn bà dâm đãng thì phải thận trọng không được gần gũi yêu mến. Nếu con yêu mến hạng người ấy thì phải táng thân mất mạng và tiêu tan hết cả tiền của. Đối với những kẻ xấu ác cũng không được giao du.’ Người con kính vâng lời cha dạy, thân tâm được yên ổn, mang về rất nhiều tiền của.

“Đại Bồ Tát vì chúng sanh giảng giải pháp yếu cũng giống như vậy, chỉ rõ những con đường thuận tiện hoặc hiểm trở cho hết thảy chúng sanh và Bốn bộ chúng. Nhờ nghe pháp rồi, tất cả đều lìa xa các pháp xấu ác, được đầy đủ các pháp lành. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên nghe pháp mà được đến gần Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Ví như gương sáng soi vào thấy rõ mặt người. Việc nghe pháp cũng như gương sáng, soi vào đó ắt thấy rõ những việc thiện ác, không có gì ngăn ngại. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên nghe pháp mà được đến gần Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Ví như người khách buôn muốn đến nơi có châu báu nhưng không biết đường đi. Có người liền chỉ đường cho. Khách buôn theo lời chỉ dẫn, đi đến nơi có châu báu, tìm lấy được nhiều không kể xiết. Tất cả chúng sanh cũng giống như vậy, muốn đến cảnh giới tốt lành để được vật báu là đạo pháp, nhưng không biết đường sá khó dễ thế nào. Bồ Tát liền chỉ dạy cho họ. Theo lời dạy ấy, chúng sanh đến được cảnh giới tốt lành, tìm được vật báu là Vô thượng Đại Niết-bàn. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên nghe pháp mà được đến gần Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Ví như con voi say cuồng ngây hung bạo muốn giết hại nhiều người. Có người nài voi dùng móc sắt lớn móc vào đầu, voi liền khuất phục, dứt bỏ lòng hung dữ. Tất cả chúng sanh cũng vậy, bởi say vì tham dục, sân khuể, ngu si nên muốn tạo nhiều việc ác. Chư Bồ Tát dùng móc sắt lớn là việc nghe pháp mà điều phục, khiến họ trụ yên, không còn khởi lên những tâm xấu ác. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên nghe pháp mà được đến gần Đại Niết-bàn.

“Vì thế nên trong tất cả các kinh ta thường dạy đệ tử rằng, nếu hết lòng lắng nghe và thọ nhận Mười hai bộ kinh ắt sẽ lìa khỏi Năm sự che chướng, tu tập được Bảy phần giác. Nhờ tu tập Bảy phần giác mà được đến gần Đại Niết-bàn.

“Nhờ nghe pháp mà hàng Tu-đà-hoàn lìa khỏi những sự sợ sệt. Vì sao vậy? Trưởng giả Tu-đạt thân mang bệnh nặng, lòng hết sức lo buồn sợ sệt, nghe Xá-lợi-phất dạy rằng hàng Tu-đà-hoàn có bốn công đức, mười loại ủy dụ; nghe việc ấy rồi thì dứt lòng sợ sệt. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên nghe pháp mà được đến gần Đại Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì khai mở được con mắt pháp.

“Thế gian có ba hạng người, một là không có mắt, hai là chỉ có một mắt và ba là có đủ hai mắt. Người không có mắt ví như người không được nghe pháp. Người chỉ có một mắt ví như người tuy tạm được nghe pháp nhưng tâm chẳng trụ yên. Người có đủ hai mắt ví như người chuyên tâm lắng nghe và thọ nhận, y theo chỗ đã nghe mà thực hành. Nhờ nghe pháp mà rõ biết được ba hạng người như vậy ở đời. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên nghe pháp mà được đến gần Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Lúc trước ta ở thành Câu-thi-na. Khi ấy, Xá-lợi-phất thân mang bệnh khổ, ta liền sai tỳ-kheo A-nan đến, vì ông ấy mà thuyết rộng Chánh pháp. Nghe pháp như vậy rồi, Xá-lợi-phất liền bảo bốn vị đệ tử của mình rằng: ‘Các ông hãy dùng võng mà khiêng ta đến chỗ Phật. Ta muốn được nghe Chánh pháp.’

“Bốn vị đệ tử liền cùng nhau khiêng Xá-lợi-phất đến chỗ ta. [Xá-lợi-phất] được nghe pháp rồi, nhờ công năng mạnh mẽ của sự nghe pháp nên bệnh khổ liền nhẹ dứt, thân được an ổn. Vì nghĩa ấy, nhờ nhân duyên nghe pháp ắt được đến gần Đại Niết-bàn.

“Thế nào là Bồ Tát do nhân duyên suy xét mà được đến gần Đại Niết-bàn? Nhân việc suy xét này mà tâm được giải thoát. Vì sao vậy? Tất cả chúng sanh thường bị Năm dục trói buộc, nhờ có sự suy xét mà được giải thoát khỏi Năm dục. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên suy xét mà được đến gần Đại Niết-bàn.

“Lại nữa, thiện nam tử! Tất cả chúng sanh thường bị bốn pháp làm cho điên đảo. Đó là cho rằng các pháp thường tồn, vui thích, thật có tự ngã và thanh tịnh. Nhờ sự suy xét mà thấy được rằng các pháp [vốn thật] đều là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh. Thấy được như vậy rồi, bốn sự điên đảo kia liền dứt mất. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên suy xét mà được đến gần Đại Niết-bàn.

“Lại nữa, thiện nam tử! Tất cả các pháp đều có bốn tướng. Những gì là bốn? Một là tướng sanh ra, hai là tướng già yếu, ba là tướng bệnh hoạn, và bốn là tướng diệt mất. Bốn tướng ấy khiến cho tất cả chúng sanh, từ phàm phu cho đến bậc Tu-đà-hoàn đều sanh ra nhiều khổ não. Nếu ai biết chú tâm suy xét kỹ thì dù gặp bốn tướng ấy cũng không sanh ra khổ não. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên suy xét mà được đến gần Đại Niết-bàn.

“Lại nữa, thiện nam tử! Tất cả các pháp lành đều do sự suy xét mà có. Vì sao vậy? Như có người hết lòng nghe pháp trong vô số kiếp, nhưng không suy xét thì cuối cùng cũng không đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên suy xét mà được đến gần Đại Niết-bàn.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như có những chúng sanh tin rằng Phật, Pháp, Tăng không hề biến đổi nên sanh lòng cung kính, nên biết rằng đó đều do sức mạnh của nhân duyên chú tâm suy xét, nhờ đó mà dứt trừ được tất cả phiền não. Vì nghĩa ấy nên nhờ nhân duyên suy xét mà được đến gần Đại Niết-bàn.

“Thế nào là Bồ Tát y theo pháp tu hành? Thiện nam tử! Dứt bỏ các pháp xấu ác, tu tập các pháp lành, đó gọi là Bồ Tát y theo pháp tu hành.

“Lại nữa, thế nào là y theo pháp tu hành? Đối với tất cả các pháp đều thấy là rỗng không, không gì có thể sở hữu, [tất cả đều] không thường tồn, không vui thích, không thật có tự ngã, không thanh tịnh. Vì thấy rõ như vậy nên thà xả bỏ thân mạng cũng quyết không phạm vào các giới cấm. Đó gọi là Bồ Tát y theo pháp tu hành.

“Lại nữa, thế nào là y theo pháp tu hành? Tu hành có hai hạng, một là chân thật, hai là không chân thật. Hạng không chân thật là không rõ biết tướng của Niết-bàn, tánh Phật, Như Lai, Pháp, Tăng, tướng thật, tướng hư không... Đó gọi là [tu hành] không chân thật. Thế nào là chân thật? Là rõ biết được tướng của Niết-bàn, tánh Phật, Như Lai, Pháp, Tăng, tướng thật, tướng hư không... Đó gọi là [tu hành] chân thật.

“Thế nào gọi là rõ biết tướng Niết-bàn? Tướng của Niết-bàn có tám biểu hiện. Những gì là tám? Một là dứt sạch, hai là tánh thiện, ba là thật có, bốn là chân chánh, năm là thường tồn, sáu là an vui, bảy là chân ngã, tám là thanh tịnh. Đó gọi là Niết-bàn.

“Niết-bàn lại có tám biểu hiện khác. Những gì là tám? Một là giải thoát, hai là tánh thiện, ba là không thật, bốn là không chân chánh, năm là không thường tồn, sáu là không an vui, bảy là không chân ngã, tám là không thanh tịnh.

“Niết-bàn lại có sáu biểu hiện khác: Một là giải thoát, hai là tánh thiện, ba là không thật, bốn là không chân chánh, năm là an vui, sáu là thanh tịnh.

“Nếu có những chúng sanh y theo đạo thế tục, dứt trừ phiền não, Niết-bàn mà họ đạt được sẽ có tám biểu hiện: giải thoát, không thật.v.v... Vì sao vậy? Vì không thường tồn. Do không thường tồn nên không thật. Do không thật nên không chân chánh. Tuy dứt trừ phiền não lại khởi lên phiền não, cho nên là không thường tồn, không an vui, không chân ngã, không thanh tịnh. Đó gọi là Niết-bàn với tám biểu hiện [từ giải thoát cho đến không thanh tịnh].

“Còn thế nào là sáu biểu hiện? Hàng Thanh văn, Duyên giác dứt trừ phiền não cho nên gọi là giải thoát, nhưng vì chưa đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên gọi là không thật. Do không thật nên gọi là không chân chánh. Trong đời vị lai sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên gọi là vô thường. Vì đạt được Tám thánh đạo không còn phiền não nên gọi là thanh tịnh, an vui.

“Thiện nam tử! Nếu ai rõ biết như trên [vừa nói], đó là rõ biết Niết-bàn, không gọi là rõ biết tánh Phật, Như Lai, Pháp, Tăng, tướng thật, hư không.

“Thế nào là Bồ Tát rõ biết tánh Phật? Tánh Phật có sáu biểu hiện. Những gì là sáu? Một là thường tồn, hai là thanh tịnh, ba là đúng thật, bốn là hiền thiện, năm là thấy biết hiện tiền, sáu là chân chánh.

“Lại có bảy biểu hiện: Một là có thể chứng biết, cùng với sáu biểu hiện như trên. Đó gọi là Bồ Tát rõ biết tánh Phật.

“Thế nào là Bồ Tát rõ biết tướng Như Lai? Như Lai tức là tướng tỉnh giác, tướng hiền thiện; là thường, lạc, ngã, tịnh, giải thoát, chân chánh, thật có; là chỉ bày đạo pháp có thể thấy được. Đó gọi là Bồ Tát rõ biết tướng Như Lai.

“Thế nào là Bồ Tát rõ biết tướng của pháp? Tướng của pháp có thể là thiện hoặc bất thiện, là thường hoặc vô thường, là an vui hoặc không an vui, là ngã hoặc vô ngã, là thanh tịnh hoặc bất tịnh, là biết hoặc không biết, là giải thoát hoặc không giải thoát, là chân chánh hoặc không chân chánh, là tu hoặc không tu, là thầy hoặc chẳng phải thầy, là thật hoặc chẳng thật. Đó gọi là Bồ Tát rõ biết tướng của pháp.

“Thế nào là Bồ Tát rõ biết tướng của Tăng? Tướng của Tăng nếu là thường, lạc, ngã, tịnh cũng là tướng của hàng đệ tử, là tướng có thể thấy được, tuy hiền thiện, chân chánh nhưng là chẳng thật. Vì sao vậy? Vì tất cả Thanh văn đều đạt được đạo của Phật. Vì sao gọi là chân chánh? Vì tỏ ngộ được tánh của pháp. Đó gọi là Bồ Tát rõ biết tướng của Tăng.

“Thế nào là Bồ Tát rõ biết tướng thật? Tướng thật có thể là thường hoặc vô thường; là an vui hoặc không an vui; là ngã hoặc vô ngã, là thanh tịnh hoặc bất tịnh; là thiện hoặc bất thiện; là có hoặc là không; là Niết-bàn hoặc chẳng phải Niết-bàn; là giải thoát hoặc không giải thoát; là biết hoặc không biết; là dứt mất hoặc không dứt mất; là chứng đắc hoặc không chứng đắc; là tu hoặc không tu; là thấy hoặc không thấy. Như thế gọi là tướng thật, chẳng phải các tướng Niết-bàn, tánh Phật, Như Lai, Pháp, Tăng, hư không.

“Đó gọi là Bồ Tát nhờ tu hành kinh Đại Niết-bàn này mà rõ biết những tướng khác biệt của Niết-bàn, tánh Phật, Như Lai, Pháp, Tăng, hư không.

“Thiện nam tử! Bồ Tát Ma-ha-tát tu hành kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn chẳng thấy hư không. Vì sao vậy? Phật và Bồ Tát tuy có năm thứ mắt nhưng chẳng thấy được hư không. Chỉ có mắt tuệ mới thấy được. Chỗ mà mắt tuệ nhìn thấy là không một pháp nào có thể thấy mới gọi là thấy. Nếu thật không có vật gì thì gọi là hư không; hư không như vậy mới gọi là thật. Vì là thật nên thường là không. Vì thường là không nên không có lạc, ngã, tịnh.

“Thiện nam tử! Không, gọi là không có pháp; không có pháp, gọi là không. Cũng như người thế gian thấy không có vật gì thì gọi là không. Tánh của hư không cũng giống như thế, vì không có gì cả nên gọi là hư không.

“Thiện nam tử! Chúng sanh và hư không đều không có tánh thật. Vì sao vậy? Như có người nói: ‘Trừ hết những vật đang có thì tạo thành hư không.’ Nhưng hư không thật không thể tạo thành. Vì sao vậy? Vì hư không là không có gì cả. Vì không có gì cả nên biết rằng không có cả cái không.

“Tánh của hư không nếu có thể tạo thành thì phải gọi là vô thường. Nếu là vô thường thì chẳng gọi là hư không.

“Thiện nam tử! Như người thế gian nói rằng: ‘Hư không không có hình sắc, không ngăn ngại, thường không thay đổi.’ Vì thế nên người ta gọi tánh của hư không là đại thứ năm.

“Thiện nam tử! Nhưng hư không thật không có tánh, vì có ánh sáng nên gọi là hư không, chứ thật không có hư không; cũng như chân lý thế gian vốn thật không có, nhưng vì chúng sanh nên ta dạy là có chân lý thế gian.

Thiện nam tử! Thể của Niết-bàn cũng giống như vậy, không có chỗ trụ. Chính ngay nơi chư Phật dứt sạch phiền não thì gọi là Niết-bàn. Niết-bàn chính là thường tồn, an vui, chân ngã, thanh tịnh. Niết-bàn tuy là an vui nhưng chẳng phải cái vui hưởng thụ, mà là cái vui tịch diệt cao siêu mầu nhiệm.

“Chư Phật Như Lai có hai sự vui: Một là sự vui tịch diệt, hai là sự vui rõ biết. Thể của tướng thật có ba sự vui: Một là sự vui hưởng thụ, hai là sự vui tịch diệt, ba là sự vui rõ biết. Tánh Phật có một sự vui là thấy biết hiện tiền. Khi chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề gọi là sự vui giác ngộ.”

Lúc ấy, Bồ Tát Ma-ha-tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu nói chỗ dứt sạch phiền não là Niết-bàn thì không hợp lý! Vì sao vậy? Ngày trước, lúc Như Lai vừa mới thành Phật, đi đến bên bờ sông Ni-liên-thiền. Bấy giờ, Ma vương và quyến thuộc đến chỗ Phật, nói rằng: ‘Thế Tôn! Đã đến lúc nhập Niết-bàn, sao ngài không nhập?’ Phật bảo Ma vương: ‘Nay ta chưa có những đệ tử đa văn, khéo giữ giới cấm, thông minh lợi trí, có thể giáo hóa chúng sanh, cho nên ta chưa nhập Niết-bàn.’

“Nếu nói rằng chỗ dứt sạch phiền não là Niết-bàn, tại sao chư Bồ Tát đã lìa khỏi phiền não từ vô lượng kiếp lại không được xưng là Niết-bàn? Cũng đều là chỗ dứt sạch, duyên cớ gì chỉ riêng xưng chư Phật là Niết-bàn, chư Bồ Tát lại là không?

“Nếu dứt sạch phiền não chẳng phải là Niết-bàn, vì sao ngày xưa Như Lai bảo ông Bà-la-môn Sanh Danh rằng: ‘Thân ta hiện nay tức là Niết-bàn.’

“Lại khi Như Lai ở tại thành Tỳ-xá-ly, Ma đến thưa rằng: ‘Ngày xưa vì chưa có những đệ tử đa văn, trì giới, thông minh lợi trí, có thể giáo hóa chúng sanh nên Như Lai không nhập Niết-bàn. Nay đã có đủ rồi, tại sao ngài không nhập?’ Bấy giờ, Như Lai liền bảo Ma rằng: ‘Nay ngươi chớ đem lòng lo lắng cho là chậm trễ, sau ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’

“Thế Tôn! Nếu như sự diệt độ không phải là Niết-bàn, vì sao Như Lai tự đưa ra kỳ hạn ba tháng nữa sẽ nhập Niết-bàn?

“Thế Tôn! Nếu dứt sạch phiền não là Niết-bàn thì ngày xưa, lúc Như Lai ở tại đạo tràng dưới cội Bồ-đề vừa dứt sạch phiền não, hẳn đã là Niết-bàn ngay khi ấy rồi, vì sao lại nói rằng còn ba tháng nữa sẽ nhập Niết-bàn?

“Thế Tôn! Nếu như khi ấy đã là Niết-bàn rồi, vì sao mới đây ở thành Câu-thi-na này Phật lại bảo những người trong tộc họ Lực-sĩ rằng sau lúc nửa đêm sẽ nhập Niết-bàn? Như Lai là thành thật, vì sao nói ra những lời hư dối như vậy?”

Bấy giờ, đức Thế Tôn dạy Đại Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương rằng: “Thiện nam tử! Nếu nói rằng Như Lai được tướng lưỡi rộng dài, nên biết đó là nhờ trong vô lượng kiếp qua Như Lai đã lìa xa những lời hư dối. Những gì mà tất cả chư Phật và Bồ Tát nói ra đều là chân thật không hư dối!

“Thiện nam tử! Như ông vừa nói rằng, ngày xưa Ma Ba-tuần có đến thỉnh cầu ta nhập Niết-bàn. Thiện nam tử! Nhưng Ma vương ấy thật chẳng biết được tướng nhất định của Niết-bàn. Vì sao vậy? Ba-tuần có ý cho rằng: Nếu không giáo hóa chúng sanh, trụ yên lặng lẽ thì đó là Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Ví như người đời thấy kẻ không nói năng, không làm gì cả, liền bảo rằng kẻ ấy chẳng khác gì người chết. Ma Ba-tuần cũng vậy, trong ý cho rằng nếu Như Lai không giáo hóa chúng sanh, lặng yên không thuyết dạy thì đó là Như Lai đã nhập Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Như Lai không nói rằng Phật, Pháp và Tăng không có tướng khác biệt, chỉ dạy rằng hai pháp thường trụ và thanh tịnh là không khác biệt.

“Thiện nam tử! Như Lai cũng không nói Phật và tánh Phật, Niết-bàn không có tướng khác biệt, chỉ dạy rằng các pháp thường hằng và bất biến là không khác biệt.

“Thiện nam tử! Phật cũng không nói rằng Niết-bàn và tướng chân thật không có khác biệt, chỉ dạy rằng các pháp thường hiện hữu và chân thật không biến đổi là không khác biệt.

“Thiện nam tử! Thuở ấy, những đệ tử Thanh văn của ta khởi sự tranh cãi. Như những tỳ-kheo xấu ác ở Câu-thiểm-di trái lời dạy của ta, phạm nhiều giới cấm, thọ nhận những vật bất tịnh, tham cầu lợi dưỡng. Họ tự khoe khoang với hàng cư sĩ rằng: ‘Ta đắc quả vô lậu, là quả Tu-đà-hoàn...’ thậm chí nói rằng: ‘Ta đắc quả A-la-hán.’ Họ nói xấu và nhục mạ người khác, còn đối với Phật, Pháp, Tăng, giới luật, hòa thượng... lại chẳng sanh lòng cung kính. Họ công khai nói trước mặt ta rằng: ‘Những vật như thế này... Phật cho phép chứa trữ; những vật như thế này... Phật không cho phép chứa trữ.’ Ta có bảo họ rằng: ‘Những vật như vậy, thật ta không cho phép chứa trữ.’ Nhưng họ cãi lại rằng: ‘Những vật như vậy, thật là Phật có cho phép.’

“Những kẻ xấu ác đó không tin lời ta. Vì những kẻ ấy mà ta bảo Ma Ba-tuần rằng: ‘Ngươi chớ lo chậm trễ, sau ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’

“Thiện nam tử! Chính vì những tỳ-kheo xấu ác này mà các đệ tử thọ học hàng Thanh văn chẳng thấy được thân ta, chẳng nghe được pháp ta, liền nói rằng: ‘Như Lai đã nhập Niết-bàn.’ Chỉ có hàng Bồ Tát thấy được thân ta, thường nghe pháp ta, nên không nói rằng ta nhập Niết-bàn. Tuy những đệ tử Thanh văn nói rằng Như Lai nhập Niết-bàn, nhưng ta thật không nhập Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Nếu trong các đệ tử Thanh văn của ta, những ai nói rằng: ‘Như Lai đã nhập Niết-bàn’, nên biết rằng đó không phải đệ tử của ta, mà là bè đảng của ma, là kẻ tà kiến xấu ác, chẳng phải người chánh kiến. Nếu những ai nói rằng: ‘Như Lai [thật] không nhập Niết-bàn’, nên biết rằng những người ấy là đệ tử chân thật của ta, không phải bè đảng của ma; là người chánh kiến, không phải kẻ tà kiến xấu ác.

“Thiện nam tử! Ta hoàn toàn không thấy trong số đệ tử của ta có ai nói rằng: ‘Như Lai không giáo hóa chúng sanh, trụ yên lặng lẽ, đó gọi là nhập Niết-bàn.’

“Thiện nam tử! Ví như một vị trưởng giả có nhiều con, phải đi phương xa. Khi chưa trở về, những người con đều bảo rằng cha đã chết. Nhưng trưởng giả ấy thật không hề chết. Những người con ấy điên đảo nghĩ rằng cha mình đã chết.

“Hàng đệ tử Thanh văn của ta cũng vậy; vì không nhìn thấy ta liền bảo rằng: ‘Như Lai đã nhập Niết-bàn tại thành Câu-thi-na, giữa hai cây sa-la.’ Nhưng ta thật không nhập Niết-bàn, chỉ là hàng đệ tử Thanh văn tự có ý nghĩ rằng ta nhập Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Ví như ngọn đèn sáng, có người che lại. Những kẻ không biết đều bảo rằng đèn đã tắt. Nhưng ngọn lửa trong đèn ấy quả thật không tắt. Vì không biết nên sanh ra ý nghĩ rằng đèn đã tắt.

“Hàng đệ tử Thanh văn cũng vậy, tuy có mắt tuệ nhưng bị phiền não che lấp khiến tâm điên đảo chẳng thấy được thân chân thật của Phật, nên sanh ra ý nghĩ rằng Phật diệt độ. Nhưng ta quả thật chẳng hề diệt độ.

“Thiện nam tử! Ví như người sanh ra đã mù, không thấy được mặt trời, mặt trăng. Vì không thấy nên không biết được những tướng trạng ngày, đêm, sáng, tối. Vì không biết nên nói rằng thật không có mặt trời, mặt trăng. Sự thật là có mặt trời, mặt trăng nhưng người mù không thấy. Vì không thấy nên sanh ra tư tưởng điên đảo, nói rằng không có mặt trời, mặt trăng.

“Hàng đệ tử Thanh văn cũng vậy, giống như người sanh ra đã mù, không thấy được Như Lai, liền nói rằng Như Lai đã nhập Niết-bàn. Như Lai thật không nhập Niết-bàn, chỉ vì tư tưởng điên đảo nên sanh tâm như vậy.

“Thiện nam tử! Ví như mây mù che khuất mặt trời, mặt trăng. Người ngu liền nói: ‘Không có mặt trời, mặt trăng.’ Nhưng mặt trời, mặt trăng là thật có, chỉ vì bị che khuất nên chúng sanh không thấy.

“Hàng đệ tử Thanh văn cũng vậy, do phiền não che khuất con mắt trí tuệ nên không thấy được Như Lai, liền nói rằng: ‘Như Lai đã diệt độ.’

“Thiện nam tử! Sự thật là Như Lai thị hiện hạnh Anh nhi, chẳng phải diệt độ.

“Thiện nam tử! Như ở Diêm-phù-đề, khi mặt trời lặn thì chúng sanh không còn thấy mặt trời. Đó là vì núi non che khuất, chứ mặt trời thật không hề mất đi. Chúng sanh không nhìn thấy liền sanh ra ý nghĩ cho rằng mặt trời lặn mất.

“Hàng đệ tử Thanh văn cũng vậy, vì những núi non là phiền não che khuất nên không thấy được thân Phật. Vì không thấy nên sanh ra ý nghĩ cho rằng Như Lai đã diệt độ. Nhưng thật Như Lai chẳng hề diệt độ.

“Vì thế nên khi ở thành Tỳ-xá-ly Phật bảo Ma Ba-tuần rằng: ‘Sau ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’

“Thiện nam tử! Khi ấy Như Lai thấy trước là sau ba tháng thì căn lành của Bồ Tát Ca-diếp sẽ được thành thục; lại cũng thấy ông Tu-bạt-đà-la ở Hương sơn, sau mùa an cư sẽ đến chỗ Phật. Vì vậy nên Phật bảo Ma Ba-tuần rằng: ‘Sau ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’

“Thiện nam tử! Khi ấy lại có 500 người trong tộc họ Lực-sĩ, sau ba tháng sẽ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì những người ấy nên Phật bảo Ma Ba-tuần rằng: ‘Sau ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’

“Thiện nam tử! Khi ấy nhóm ông Thuần-đà với 500 người họ Lê-xa và cô Am-la sau ba tháng sẽ được tâm đạo vô thượng và căn lành thành thục. Vì những người ấy nên Phật bảo Ma Ba-tuần rằng: ‘Sau ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’

“Thiện nam tử! Ông Tu-na-sát-đa thường thân cận với ngoại đạo Ni-kiền-tử. Ta vì ông ấy thuyết pháp trọn 12 năm nhưng ông ấy vẫn giữ tà kiến, chẳng tin nhận giáo pháp. Khi ấy ta biết rằng sau ba tháng nữa gốc rễ tà kiến của ông ấy sẽ bị chặt đứt. Ta cũng vì ông ấy nên bảo Ma Ba-tuần rằng: ‘Sau ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’

“Thiện nam tử! Do nhân duyên gì mà lúc trước bên bờ sông Ni-liên ta bảo Ma Ba-tuần rằng: ‘Nay ta chưa có những đệ tử nhiều trí tuệ nên chưa vào Niết-bàn’?

“Khi ấy, ta muốn vì năm vị tỳ-kheo mà Chuyển Pháp luân ở thành Ba-la-nại. Kế đó, ta lại muốn vì năm vị tỳ-kheo nữa là: Da-xa, Phú-na, Tỳ-ma-la-xà, Kiều-phạm-ba-đề, Tu-bà-hầu [mà giáo hóa]. Kế nữa, ta lại muốn vì nhóm ông trưởng giả Úc-già năm mươi người [mà giáo hóa]. Rồi ta lại muốn vì vua Tần-bà-sa-la nước Ma-già-đà với vô số người và chư thiên [mà giáo hóa]. Tiếp đến ta lại muốn vì Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp với môn đồ của ông là 500 tỳ-kheo [mà giáo hóa]. Kế đó, ta lại muốn vì hai anh em Na-đề Ca-diếp và Già-da Ca-diếp với 500 đệ tử của họ [mà giáo hóa]. Rồi ta lại muốn vì Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên với 250 tỳ-kheo trong nhóm của họ mà chuyển bánh xe pháp nhiệm mầu. Vì [tất cả những điều đó] nên ta bảo Ma vương Ba-tuần rằng ta không nhập Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Có [những trường hợp được] gọi là Niết-bàn nhưng không phải Đại Niết-bàn.

“Thế nào là Niết-bàn, không phải Đại Niết-bàn? Không thấy tánh Phật mà dứt trừ phiền não, đó gọi là Niết-bàn, không phải Đại Niết-bàn. Vì không thấy tánh Phật nên là vô thường, vô ngã; chỉ có an vui và thanh tịnh mà thôi. Vì nghĩa ấy nên dù dứt trừ phiền não cũng chưa được gọi là Đại Niết-bàn.

“Nếu thấy tánh Phật rồi dứt trừ phiền não, đó gọi là Đại Niết-bàn. Nhờ thấy tánh Phật nên được [có đủ] thường, lạc, ngã, tịnh. Vì nghĩa này nên dứt trừ phiền não rồi được xưng là Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Niết là nghĩa không, bàn là nghĩa phiền não. Không có phiền não gọi là Niết-bàn. Bàn lại có nghĩa là che lấp; không che lấp gọi là Niết-bàn. Bàn lại có nghĩa là đến đi; chẳng đến chẳng đi gọi là Niết-bàn. Bàn lại có nghĩa là chấp giữ; không chấp giữ gọi là Niết-bàn. Bàn lại có nghĩa là không nhất định; quyết định không phân vân gọi là Niết-bàn. Bàn lại có nghĩa là cũ và mới; không cũ không mới gọi là Niết-bàn. Bàn lại có nghĩa là chướng ngại; không có chướng ngại gọi là Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Hàng đệ tử các phái ngoại đạo Ưu-lâu-khư, Ca-tỳ-la nói rằng: ‘Bàn là hình tướng; không có hình tướng gọi là Niết-bàn.’

“Thiện nam tử! Bàn lại có nghĩa là hiện hữu; không hiện hữu gọi là Niết-bàn. Bàn lại có nghĩa là hòa hợp [trộn lẫn]; không hòa hợp [trộn lẫn] gọi là Niết-bàn. Bàn lại có nghĩa là khổ não; không khổ não gọi là Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Dứt trừ phiền não không gọi là Niết-bàn; không còn sanh khởi phiền não mới gọi là Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Chư Phật Như Lai không sanh khởi phiền não nên gọi là Niết-bàn. Có được trí tuệ sáng suốt không ngăn ngại đối với các pháp, đó là Như Lai. Như Lai chẳng phải phàm phu, Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, nên gọi là tánh Phật. Thân, tâm và trí tuệ của Như Lai hiện khắp vô lượng vô biên vô số cõi thế giới, không gì chướng ngại được nên gọi là hư không. Như Lai thường trụ, không có biến đổi, gọi là tướng thật. Vì nghĩa ấy nên Như Lai rốt cùng thật không nhập Niết-bàn.

“Như thế gọi là Bồ Tát tu hành kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thành tựu trọn vẹn công đức thứ bảy.

“Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát Ma-ha-tát tu hành kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thành tựu trọn vẹn công đức thức tám?

“Thiện nam tử! Bồ Tát Ma-ha-tát tu hành kinh Đại Niết-bàn dứt trừ năm việc, lìa xa năm việc, thành tựu sáu việc, tu tập năm việc, gìn giữ một việc, thân cận bốn việc, tin theo một lẽ thật, tâm khéo giải thoát, trí tuệ khéo giải thoát.

“Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát dứt trừ năm việc? Đó là nói năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nói ấm đó là nghĩa gì? Là có thể khiến cho chúng sanh phải tiếp nối mãi mãi trong dòng sanh tử, không vất bỏ được gánh nặng, tan rã rồi tụ họp, cuốn mãi trong ba đời mà suy cầu chẳng thấy được nghĩa lý gì cả! Do các nghĩa ấy nên gọi là ấm.

“Bồ Tát Ma-ha-tát tuy thấy sắc ấm nhưng không thấy có tướng của sắc ấm. Vì sao vậy? Vì ở trong mười loại sắc mà suy cầu thể tánh đều không thấy có [gì thật] là thế giới cả, nên gọi đó là ấm.

“Thọ có một trăm lẻ tám loại. [Bồ Tát] tuy thấy thọ ấm nhưng hoàn toàn không có tướng của thọ. Vì sao vậy? Tuy có một trăm lẻ tám loại thọ nhưng xét theo lý đều không có sự nhất định, chân thật. Vì thế Bồ Tát không thấy có thọ ấm.

“Đối với các ấm tưởng, hành, thức cũng đều như vậy. Bồ Tát Ma-ha-tát quán sát sâu xa thấy năm ấm chính là căn bản sanh ra phiền não. Vì nghĩa ấy nên dùng phương tiện khiến phải dứt trừ năm ấm.

“Thế nào là Bồ Tát lìa xa năm việc? Đó là nói năm kiến chấp. Những gì là năm? Một là thân kiến, hai là biên kiến, ba là tà kiến, bốn là giới cấm thủ kiến, năm là kiến thủ kiến. Do năm kiến chấp sai lầm này mà sanh ra sáu mươi hai thứ tà kiến. Do các tà kiến ấy mà dòng sanh tử tiếp nối mãi không dứt. Vì thế nên Bồ Tát thận trọng lìa xa năm kiến chấp ấy.

“Thế nào là Bồ Tát thành tựu sáu việc? Đó là nói sáu chỗ niệm tưởng chân chánh. Những gì là sáu? Một là niệm Phật, hai là niệm Pháp, ba là niệm Tăng, bốn là niệm thiên, năm là niệm thí, sáu là niệm giới. Đó gọi là Bồ Tát thành tựu sáu việc.

“Thế nào là Bồ Tát tu tập năm việc? Đó là nói năm phép định. Một là Tri định, hai là Tịch định, ba là Thân tâm thọ khoái lạc định, bốn là Vô lạc định, năm là Thủ lăng nghiêm định. Tu tập năm phép định tâm ấy, chắc chắn sẽ đạt đến gần Đại Niết-bàn. Vì thế nên Bồ Tát chuyên tâm tu tập.

“Thế nào là Bồ Tát gìn giữ một việc? Đó là nói [gìn giữ] tâm Bồ-đề. Bồ Tát Ma-ha-tát thường chuyên tâm tinh cần bảo vệ, gìn giữ tâm Bồ-đề như người đời bảo vệ gìn giữ đứa con duy nhất; lại cũng như người đã bị mù một mắt bảo vệ giữ gìn con mắt còn lại; lại cũng như kẻ đi trong vùng hoang mạc bảo vệ gìn giữ người dẫn đường. Bồ Tát luôn bảo vệ gìn giữ tâm Bồ-đề như vậy. Nhờ gìn giữ tâm Bồ-đề nên mới đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nhờ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên có đủ thường, lạc, ngã, tịnh, tức là Vô thượng Đại Niết-bàn. Vì thế nên Bồ Tát gìn giữ một việc này.

“Thế nào là Bồ Tát thân cận bốn việc? Đó là nói Bốn tâm vô lượng. Những gì là bốn? Một là đại từ, hai là đại bi, ba là đại hỷ, bốn là đại xả. Bốn tâm ấy có thể khiến cho vô lượng vô biên chúng sanh đều phát tâm Bồ-đề. Vì thế nên Bồ Tát hết lòng thân cận bốn tâm ấy.

“Thế nào là Bồ Tát tin theo một lẽ thật? Bồ Tát biết rõ tất cả chúng sanh đều quay về một đường. Một đường đó tức là Đại thừa. Nhưng vì chúng sanh nên chư Phật và Bồ Tát phân ra làm Ba thừa. Vì thế nên Bồ Tát tin theo [điều này] mà chẳng trái nghịch.

“Thế nào là tâm khéo giải thoát của Bồ Tát? Đó là ba tâm tham, sân, si đều đã dứt trừ vĩnh viễn. Đó gọi là Bồ Tát có tâm khéo giải thoát.

“Thế nào là trí tuệ khéo giải thoát của Bồ Tát? Bồ Tát Ma-ha-tát đối với tất cả các pháp đều rõ biết không chướng ngại. Đó gọi là trí tuệ khéo giải thoát của Bồ Tát. Do trí tuệ giải thoát ấy nên việc chưa nghe thì nay được nghe, việc chưa thấy thì nay được thấy, chỗ chưa đến thì nay được đến.”

Bấy giờ, Bồ Tát Ma-ha-tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật nói về tâm giải thoát đó, nghĩa này không hợp lý. Vì sao vậy? Vì tâm vốn không trói buộc. Thế nào là không trói buộc? Bản tánh của tâm không bị tham dục, sân khuể, ngu si trói buộc. Nếu tâm vốn đã không có sự trói buộc, vì sao nói rằng tâm khéo giải thoát?

“Bạch Thế Tôn! Nếu bản tánh của tâm không bị tham dục trói buộc thì do những nhân duyên gì mà trói buộc được? Ví như người vắt sừng, vốn không có tính chất của bầu vú, dù gắng sức mà vắt mãi cũng không do đâu mà có sữa! Nhưng nếu người ta vắt bầu vú thì không giống như vậy, dù không gắng sức mà sữa vẫn ra nhiều. Tâm cũng như vậy, vốn không có tham, nay vì sao lại có? Nếu vốn không tham mà về sau có tham, thì chư Phật và Bồ Tát vốn không có tướng tham, nay ắt cũng phải có!

“Bạch Thế Tôn! Ví như người phụ nữ vô sanh, vốn không thể sanh con, dù mất nhiều công sức với vô số nhân duyên cũng không thể sanh con. Tâm cũng như vậy, vốn không có tham, dù có nhiều nhân duyên cũng không do đâu mà sanh ra.

“Bạch Thế Tôn! Ví như cọ xát vào gỗ ướt không thể sanh ra lửa. Tâm cũng như vậy, dù cho cọ xát cố tìm tham dục cũng không thể được. Vì sao tham dục lại trói buộc được tâm?

“Bạch Thế Tôn! Ví như ép cát không thể chảy ra dầu. Tâm cũng như vậy, dù có ép cũng chẳng sanh ra tham. Nên biết rằng tham và tâm là hai lẽ khác nhau. Nếu như có sự tham cũng làm sao có thể ô nhiễm được tâm?

“Bạch Thế Tôn! Ví như có người đóng cọc vào không trung, không thể dính chắc vào đó được. Đưa tham dục vào tâm cũng vậy, dù có đủ mọi nhân duyên cũng không thể làm cho tham dục trói buộc được tâm.

“Bạch Thế Tôn! Nếu tâm không tham gọi là giải thoát, vì sao chư Phật và Bồ Tát không nhổ ra gai nhọn trong không trung?

“Bạch Thế Tôn! Tâm quá khứ không gọi là giải thoát; tâm vị lai cũng không giải thoát; tâm hiện tại chẳng chung cùng với đạo. Vậy tâm trong đời nào gọi là được giải thoát?

“Bạch Thế Tôn! Như ngọn đèn trong quá khứ không trừ được bóng tối; ngọn đèn trong tương lai cũng không trừ được bóng tối; ngọn đèn trong hiện tại cũng không trừ được bóng tối. Vì sao vậy? Sáng và tối không thể cùng hiện hữu. Tâm cũng như vậy. Vì sao nói rằng tâm được giải thoát?

“Bạch Thế Tôn! Tham dục là thật có. Nếu tham dục không có thì khi thấy nữ sắc ắt không sanh tham dục! Do [nhìn thấy] nữ sắc sanh ra tham dục, nên biết rằng tham dục thật có. Vì có tham dục mới đọa vào ba đường ác.

“Bạch Thế Tôn! Ví như có người nhìn thấy hình vẽ phụ nữ cũng sanh tham dục. Vì sanh tham dục nên phạm vào đủ mọi tội lỗi. Nếu trong tâm vốn không có tham dục, vì sao nhìn thấy hình vẽ lại sanh ra tham dục? Nếu tâm không tham dục, vì sao Như Lai nói rằng tâm Bồ Tát được giải thoát? Nếu tâm có tham dục, vì sao nhìn thấy hình tướng rồi sau đó mới sanh ra tham dục; nếu không nhìn thấy hình tướng thì không sanh tham dục? Hiện nay con nhìn thấy có quả báo xấu ác, nên biết là thật có tham dục. Đối với sân khuể, ngu si cũng giống như vậy.

“Bạch Thế Tôn! Ví như chúng sanh mang tấm thân vô ngã, nhưng kẻ phàm phu sai lầm cho là thật có bản ngã. Tuy có tư tưởng chấp ngã nhưng không vì thế mà đọa vào ba đường ác. Vì sao những kẻ tham dục, đối với hình vẽ không thật là nữ nhân mà khởi lên ý tưởng tham dục với nữ nhân lại đọa vào ba đường ác?

“Bạch Thế Tôn! Vì như người ta cọ xát vào gỗ liền sanh ra lửa. Nhưng trong các duyên liên quan đều không có tánh lửa. Vậy do nhân duyên gì mà sanh ra được lửa?

“Bạch Thế Tôn! Tham dục cũng như vậy. Trong hình sắc không có tham, trong âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm và các pháp cũng không có tham. Vì sao từ nơi hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm, các pháp lại sanh ra tham? Nếu trong các duyên ấy thảy đều không có tham, vì sao chỉ có chúng sanh khởi sanh tham dục, còn chư Phật, Bồ Tát lại không khởi sanh?

“Bạch Thế Tôn! Tâm cũng là không nhất định. Nếu tâm là nhất định thì không có tham dục, sân khuể, ngu si. Nếu tâm là không nhất định, vì sao nói rằng tâm được giải thoát?

“Tham cũng là không nhất định. Nếu tham là không nhất định, vì sao do nơi tham mà phải sanh vào ba đường ác? Người có tham và cảnh giới [mà người ấy] sanh vào, cả hai đều không nhất định. Vì sao vậy? Vì cả hai đều duyên với một sắc mà sanh ra tham, hoặc sanh ra sân, hoặc sanh ra si. Cho nên người có tham và cảnh giới [mà người ấy] sanh vào, cả hai đều là không nhất định. Nếu cả hai đều là không nhất định, vì sao Như Lai nói rằng Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết-bàn này thì tâm được giải thoát.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Ma-ha-tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Tâm không bị tham dục trói buộc, cũng chẳng phải không bị trói buộc; chẳng phải giải thoát, chẳng phải không giải thoát; chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải hiện tại, chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Vì tất cả các pháp đều không có tự tánh.

“Thiện nam tử! Có những kẻ ngoại đạo nói rằng: ‘Nhân duyên hòa hiệp ắt có quả sanh.’

“Nếu trong các duyên vốn không có tánh sanh mà có thể sanh ra, thì hư không chẳng có tánh sanh ắt cũng sanh ra quả! Nhưng hư không chẳng sanh ra gì cả, vì đó chẳng phải là nhân.

“Bởi trong các duyên vốn sẵn có tánh quả, cho nên khi tập hợp lại mới sanh được quả. Vì sao vậy? Như Đề-bà-đạt muốn đắp tường vách ắt phải lấy bùn đất chứ không lấy màu sắc; muốn vẽ tranh phải lấy màu sắc chứ không lấy cây cỏ; muốn may áo phải lấy chỉ tơ chứ không lấy bùn đất, cây gỗ; muốn xây phòng ốc phải lấy bùn đất chứ không lấy tơ sợi.

“Do sự chọn lấy như vậy nên biết rằng những vật được chọn đó đều có thể sanh quả [tương ứng]. Vì có thể sanh quả [tương ứng] nên biết rằng trong nhân đã sẵn có tánh rồi. Nếu không do sẵn tánh thì một vật hẳn có thể sanh ra hết thảy các vật. Nếu là có thể chọn lấy, có thể làm nên, có thể tạo ra, nên biết rằng trong mỗi vật ấy đã sẵn có quả [tương ứng] rồi. Nếu không có quả [tương ứng] thì người ta hẳn đã không chọn lấy, không làm nên, không tạo ra.

“Chỉ có hư không là không chọn lấy, không tạo thành, cho nên có thể sanh ra hết thảy vạn vật. Là vì có nhân. Như hạt ni-câu-đà sanh ra cây ni-câu-đà, trong sữa sẵn có nhân của đề-hồ, trong sợi tơ sẵn có nhân của tấm vải, trong đất sét sẵn có nhân của cái bình.

“Thiện nam tử! Tất cả phàm phu mê tối vì vô minh nên nói chắc rằng: ‘Hình sắc có nghĩa vướng chấp; tâm có tánh tham muốn.’ Lại nói rằng: ‘Kẻ phàm phu trong tâm có tánh tham, lại cũng có tánh giải thoát. Khi gặp nhân duyên tham thì tâm sanh tham; gặp nhân duyên giải thoát thì được giải thoát.’

“Tuy lập luận như vậy nhưng thật không hợp lý.

“Có những kẻ phàm phu lại nói rằng: ‘Trong hết thảy các nhân đều không có quả.’

“Nhân có hai loại. Một là nhân vi tế, hai là nhân thô lớn. Nhân vi tế là thường, nhân thô lớn là vô thường. Từ nhân vi tế mà chuyển thành nhân thô lớn; từ nhân thô lớn lại chuyển thành quả. Vì nhân thô lớn là vô thường nên quả cũng vô thường.

“Thiện nam tử! Có những kẻ phàm phu lại nói rằng: ‘Tâm không có nhân, tham cũng không có nhân, do điều kiện môi trường thích hợp nên sanh tâm tham.’

“Những kẻ như vậy vì không hiểu được nhân duyên của tâm nên phải luân hồi trong sáu nẻo, chịu đủ mọi cuộc sanh tử.

“Thiện nam tử! Ví như con chó bị buộc vào cây cột, suốt ngày đi quanh cột mà không thể lìa ra. Hết thảy phàm phu cũng vậy, bị vô minh xiềng xích, buộc vào cây cột sanh tử, đi quanh quẩn trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu mà không thể ra khỏi.

“Thiện nam tử! Ví như có người rơi xuống hố xí, vừa lên khỏi rồi lại rơi xuống nữa; hoặc như người vừa khỏi bệnh lại mắc phải mầm bệnh; hoặc như người đi đường gặp chỗ hoang vắng quanh quẩn, vừa qua khỏi rồi quay trở lại; hoặc như người tắm rửa sạch sẽ rồi lại bôi bùn đất vào... Tất cả phàm phu cũng vậy, họ đã được giải thoát khỏi cảnh giới Vô sở hữu, chỉ là chưa thoát khỏi cảnh giới Phi phi tưởng; nhưng rồi quay lại sa vào ba đường ác.

“Vì sao vậy? Hết thảy phàm phu chỉ quán xét nơi quả mà không quán xét nhân duyên. Ví như con chó đuổi theo cục đất chứ không đuổi theo người [ném đất]. Những kẻ phàm phu cũng vậy! Họ chỉ quán xét nơi quả mà không quán xét nhân duyên [tạo thành quả]. Vì không quán xét [nhân duyên như vậy] nên từ cảnh giới Phi tưởng họ phải thối chuyển, quay trở lại Ba nẻo ác.

“Thiện nam tử! Chư Phật, Bồ Tát không bao giờ nói một cách nhất định rằng trong nhân có quả hay trong nhân không có quả; cũng không nói là vừa có vừa không hoặc chẳng phải có cũng chẳng phải không.

“Nếu ai nói chắc rằng trong nhân trước đã có quả, hoặc không có quả, hoặc vừa có vừa không, hoặc chẳng phải có chẳng phải không có quả, nên biết rằng những kẻ ấy đều là bè đảng của ma, bị ma trói buộc, tức là người có tham ái. Người có tham ái như vậy không thể dứt khỏi sự trói buộc của sanh tử, không biết được tướng của tâm và tướng tham dục.

“Thiện nam tử! Chư Phật, Bồ Tát chỉ bày rõ lý trung đạo, [không rơi vào những biên kiến như trên]. Vì sao vậy? Tuy nói rằng các pháp chẳng phải có, chẳng phải không, nhưng không nhất định. Vì lẽ gì? Vì nhân nơi con mắt, nhân nơi hình sắc, nhân nơi ánh sáng, nhân nơi tâm người, nhân nơi ý niệm mà thức được sanh ra. Thức này chắc chắn không ở trong con mắt, trong hình sắc, trong ánh sáng, trong tâm người, trong ý niệm, cũng chẳng ở khoảng giữa [những thứ đó], cũng chẳng phải có, chẳng phải không. Từ nơi các duyên mà sanh nên gọi là có; không có tự tánh nên gọi là không. Vì thế Như Lai dạy rằng các pháp chẳng phải có, chẳng phải không.

“Thiện nam tử! Chư Phật, Bồ Tát chẳng hề nói một cách nhất định rằng tâm có tánh thanh tịnh hoặc bất tịnh, hoặc có cả tịnh và bất tịnh, vì tâm không có chỗ trụ. Do duyên mà có sanh tham dục, nên nói là chẳng phải không; tánh tham vốn là không, nên nói là chẳng phải có.

“Thiện nam tử! Do nhân duyên, tâm mới sanh tham; cũng do nhân duyên, tâm được giải thoát.

“Thiện nam tử! Có hai loại nhân duyên, một loại tùy theo sanh tử, một loại tùy theo Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Bởi có nhân duyên nên tâm và tham dục cùng sanh, cùng diệt.

“Lại có trường hợp tâm và tham dục cùng sanh nhưng không cùng diệt.

“Lại có trường hợp tâm và tham dục không cùng sanh nhưng cùng diệt.

“Lại có trường hợp tâm và tham dục không cùng sanh cũng không cùng diệt.

“Thế nào là tâm và tham dục cùng sanh, cùng diệt?

“Thiện nam tử! Như có những kẻ phàm phu chưa trừ dứt tâm tham dục, dựa trên tâm tham dục mà tu tập. Đối với những kẻ ấy, tâm và tham dục cùng sanh, cùng diệt. Đối với tất cả chúng sanh chưa trừ dứt tâm tham thì tâm và tham dục cùng sanh, cùng diệt. Như chúng sanh ở Dục giới, tất cả đều có mức thiền sơ địa, dù có tu hay không tu cũng thường được thành tựu, khi gặp nhân duyên liền chứng đắc. Nói nhân duyên tức là nói đến lúc có hỏa tai. Tất cả phàm phu cũng vậy; dù có tu hoặc không tu, đều là tâm và tham dục cùng sanh, cùng diệt. Vì sao vậy? Vì chưa trừ dứt tham dục.

“Thế nào là tâm và tham dục cùng sanh nhưng không cùng diệt? Hàng đệ tử Thanh văn do gặp nhân duyên mà sanh tham tâm dục. Vì sợ tâm tham dục nên tu phép quán xương trắng. Đó gọi là tâm và tham dục cùng sanh nhưng không cùng diệt.

“Lại có trường hợp [khác] tâm và tham dục cùng sanh nhưng không cùng diệt. Như hàng Thanh văn khi chưa chứng Bốn quả thánh, nếu gặp nhân duyên liền sanh tâm tham dục. Sau khi chứng Bốn quả thánh thì tâm tham dục diệt mất. Đó gọi là tâm và tham dục cùng sanh nhưng không cùng diệt.

“Khi Bồ Tát Ma-ha-tát chứng đắc Bất động địa thì [cũng là trường hợp] tâm và tham dục cùng sanh nhưng không cùng diệt.

“Thế nào là tâm và tham dục không cùng sanh nhưng cùng diệt? Như Bồ Tát Ma-ha-tát đã trừ dứt tâm tham rồi, nhưng vì chúng sanh nên thị hiện có tham dục. Nhờ thị hiện như vậy giúp cho vô lượng vô biên chúng sanh [có thể đến] thưa hỏi và thọ nhận pháp lành, thành tựu trọn vẹn. Đó gọi là tâm và tham dục không cùng sanh nhưng cùng diệt.

“Thế nào là tâm và tham dục không cùng sanh, không cùng diệt? Đó là nói các vị A-la-hán, Duyên giác, chư Phật và chư Bồ Tát, trừ hàng Bồ Tát ở Bất động địa. Trường hợp của các vị này gọi là tâm và tham dục không cùng sanh, không cùng diệt. Vì nghĩa ấy, chư Phật, Bồ Tát không nói một cách nhất định rằng tánh của tâm vốn là tịnh hay vốn là bất tịnh.

“Thiện nam tử! Tâm này không hòa hợp với phiền não là tham, lại cũng không hòa hợp với sân, với si.

“Thiện nam tử! Ví như mặt trời, mặt trăng bị che khuất bởi khói bụi, mây mù và thân hình vị La-hầu. Do nhân duyên ấy, chúng sanh không thấy được mặt trời, mặt trăng. Tuy không thấy được, nhưng tánh của mặt trời, mặt trăng không hòa hợp với những thứ che khuất ấy. Tâm cũng như vậy, do nhân duyên mà sanh ra phiền não là tham dục. Tuy chúng sanh cho rằng tâm hợp với tham, nhưng tánh của tâm thật không hợp với tham. Nếu tâm tham tức là có tánh tham; nếu tâm không tham tức là có tánh không tham. Tâm không tham thì không thể tham; tâm phiền não tham thì không thể không tham.

“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên phiền não tham dục không thể làm ô nhiễm được tâm. Chư Phật, Bồ Tát phá trừ vĩnh viễn phiền não tham dục nên nói rằng tâm được giải thoát. Tất cả chúng sanh, do nhân duyên mà sanh ra phiền não tham dục; cũng do nhân duyên mà [dứt trừ phiền não tham dục,] tâm được giải thoát.

“Thiện nam tử! Ví như trên Tuyết sơn có chỗ cao vút hiểm trở, con người và loài khỉ đều không đến được. Lại có chỗ loài khỉ đến được nhưng con người không đến được. Lại cũng có chỗ con người và loài khỉ đều đi đến được.

“Thiện nam tử! Ở nơi con người và loài khỉ đều đến được, thợ săn thường lấy keo dính phết trên một tấm ván rồi dùng để bắt khỉ. Vì ngu si, khỉ đi đến lấy tay sờ, liền bị dính chặt tay vào đó. Vì muốn gỡ tay nên dùng chân đạp vào, liền bị dính cả chân. Vì muốn gỡ chân nên dùng miệng cắn vào, liền bị dính cả miệng. Như vậy, cả tay chân và miệng đều không thoát ra được. Khi ấy, thợ săn liền dùng gậy xỏ ngang qua, vác khỉ về nhà.

“Chỗ hiểm trở trên Tuyết sơn là ví như chỗ đạt được Chánh đạo của Phật, Bồ Tát. Con khỉ ví như kẻ phàm phu. Thợ săn ví như Ma Ba-tuần. Keo dính ví như phiền não tham dục.

“Chỗ con người và loài khỉ đều không đến được là ví như phàm phu và Ma vương Ba-tuần đều không đến được.

“Chỗ loài khỉ đến được, con người không đến được là ví như ngoại đạo có trí tuệ, các loại ác ma... tuy dùng năm dục cũng không thể trói buộc họ.

“Chỗ mà con người và loài khỉ đều đến được là ví như tất cả phàm phu và Ma Ba-tuần thường ở trong chốn sanh tử, không thể tu hành. Những kẻ phàm phu bị năm dục trói buộc, khiến Ma Ba-tuần dễ dàng bắt lấy mang đi, như thợ săn dùng keo dính mà bắt khỉ rồi mang về nhà.

“Thiện nam tử! Ví như một vị quốc vương sống ở nước mình, thân tâm đều được an vui. Nếu đến nước khác ắt phải chịu mọi sự khổ. Tất cả chúng sanh cũng vậy, nếu ở cảnh giới của họ, ắt được an vui; nếu đến cảnh giới khác ắt gặp ác ma, chịu các khổ não. Cảnh giới của họ là chỉ cho Bốn niệm xứ; cảnh giới khác là chỉ cho năm dục.

“Thế nào gọi là trói buộc với ma? Có những chúng sanh đối với vô thường lại thấy là thường, thường lại thấy là vô thường; đối với khổ lại thấy là vui, đối với vui lại thấy là khổ; đối với bất tịnh lại thấy là thanh tịnh, đối với thanh tịnh lại thấy là bất tịnh; đối với vô ngã thấy là ngã; đối với ngã thấy là vô ngã; không thật giải thoát lại sai lầm thấy là giải thoát; đối với chân thật giải thoát lại thấy là không giải thoát; chẳng phải giáo pháp lại thấy là giáo pháp; đối với giáo pháp lại thấy là chẳng phải giáo pháp. Những người như vậy gọi là trói buộc với ma. Trói buộc với ma thì tâm không được thanh tịnh.

“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu thấy rằng các pháp thật có tướng nhất định, hoặc chung, hoặc riêng, nên biết rằng người ấy khi thấy sắc liền tạo ra tướng sắc; cho đến thấy thức cũng tạo ra tướng thức! Khi thấy kẻ nam người nữ liền tạo ra tướng nam, tướng nữ; khi thấy ngày, tháng, năm liền tạo ra các tướng ngày, tháng, năm; cho đến khi thấy các ấm, nhập, giới liền tạo ra các tướng ấm, nhập, giới. Cách thấy như vậy gọi là trói buộc với ma. Trói buộc với ma thì tâm không được thanh tịnh.

“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu thấy bản ngã là sắc, hoặc trong sắc có bản ngã, hoặc trong bản ngã có sắc, hoặc sắc thuộc về bản ngã,... cho đến thấy bản ngã là thức, hoặc trong thức có bản ngã, hoặc trong bản ngã có thức, hoặc thức thuộc về bản ngã. Những kẻ thấy như vậy đều là trói buộc với ma, chẳng phải đệ tử Phật.

“Thiện nam tử! Có những đệ tử Thanh văn lìa xa Mười hai bộ kinh của Như Lai, tu tập mọi thứ sách vở của ngoại đạo, chẳng tu hạnh nghiệp tịch diệt xuất gia, làm toàn những việc tại gia thế tục.

“Sao gọi là việc tại gia [thế tục]? Thọ nhận và chứa trữ tất cả những vật không trong sạch như tôi tớ trai gái, ruộng vườn, nhà cửa, voi ngựa, xe cộ, lạc đà, lừa, gà, chó, khỉ, heo, dê, mọi thứ lúa nếp; lìa xa những bậc xuất gia, thân cận và nương dựa người thế tục, trái nghịch lời dạy của Phật. Họ nói với những kẻ thế tục rằng: ‘Phật cho phép tỳ-kheo thọ nhận và chứa trữ mọi thứ bất tịnh.’ Đó gọi là làm toàn những việc tại gia [thế tục].

“Có những đệ tử không vì [mục đích đạt đến] Niết-bàn, chỉ vì lợi dưỡng mà gần gũi và nghe nhận Mười hai bộ kinh, sử dụng những chỗ ở, đồ dùng của chúng tăng và vật cúng dường của tín thí, y phục, thực phẩm... làm tài sản riêng của mình. Họ tham muốn nhà cửa kẻ khác, cho đến bợ đỡ thân cận kẻ quyền thế. Họ dùng bói toán xem việc lành dữ, suy đoán chuyện nên hư, mê chơi đủ các trò cờ bạc, ăn thua... Họ gần gũi các tỳ-kheo ni và những thiếu nữ chưa chồng, nuôi hai sa-di. Họ thường đến nhà những người đồ tể, thợ săn, quán rượu và chỗ ở của hạng chiên-đà-la. Họ thường làm mọi việc mua bán; tự tay làm món ăn; nhận đi sứ đến các nước láng giềng, thông báo tin tức, mệnh lệnh [cho người thế tục]... Nên biết rằng những kẻ như vậy là quyến thuộc của ma, chẳng phải đệ tử Phật.

“Do nhân duyên ấy nên tâm và tham dục cùng sanh, cùng diệt. Cho đến tâm và si cùng sanh, cùng diệt, cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Vì nhân duyên ấy nên tánh của tâm chẳng phải trong sạch, cũng chẳng phải không trong sạch. Cho nên ta nói rằng [có] tâm được giải thoát.

“Nếu có người không thọ nhận, chứa trữ tất cả những vật bất tịnh, vì [mục đích đạt đến] Đại Niết-bàn mà thọ trì, đọc tụng Mười hai bộ kinh, sao chép, giảng giải, nên biết rằng những người ấy là đệ tử chân thật của Phật, không đi đến cảnh giới của ác ma Ba-tuần. Đó là tu tập Ba mươi bảy phẩm đạo. Nhờ tu tập nên tâm và tham dục không cùng sanh, cùng diệt.

“Đó gọi là Bồ Tát tu hành kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thành tựu trọn vẹn công đức thứ tám.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Pháp bảo Đàn kinh


Phật pháp ứng dụng


Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại


Vào thiền

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.43.98 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (130 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...