Ta đã nói về những cảm xúc phiền não và tác hại của chúng trong sự tu tập tâm linh của ta. Tôi phải thừa nhận rằng, việc chúng ta trải qua những cảm xúc như sân hận và tham ái là điều hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ta không cần phải làm bất cứ điều gì đối với những cảm xúc ấy.
Tôi vẫn biết rằng trong tâm lý học phương Tây, việc bộc lộ những cảm xúc và tình cảm, ngay cả sự giận dữ, thường được khuyến khích. Tất nhiên, có nhiều người đã từng chịu đựng những kinh nghiệm thương tổn trong quá khứ, và nếu những tình cảm này bị kìm nén, chúng có thể thực sự gây ra những tổn thương tâm lý kéo dài. Trong những trường hợp như thế, người Tây Tạng chúng tôi thường nói rằng: “Khi cái vỏ ốc bị khép chặt, cách tốt nhất để tách ra là thổi vào bên trong nó.”
Dù là nói thế, nhưng tôi thật sự cảm thấy rằng việc chấp nhận khuynh hướng chống lại những cảm xúc mạnh mẽ như sân hận, tham ái và ghen tỵ cũng như nỗ lực hết mình để phát triển khả năng kiềm chế cảm xúc là điều quan trọng đối với những người tu tập tâm linh. Thay vì buông thả mình trong những trường hợp khởi sinh cảm xúc mạnh mẽ, ta nên nỗ lực để làm suy giảm khuynh hướng thuận theo những cảm xúc đó. Nếu ta tự hỏi, ta được hạnh phúc hơn khi giận dữ hay khi bình tĩnh, câu trả lời sẽ rất rõ ràng. Như chúng ta đã thảo luận trong một phần trước, trạng thái tinh thần bất ổn xuất phát từ những cảm xúc phiền não sẽ ngay lập tức khuấy động sự ổn định nội tâm của ta, khiến ta cảm thấy bất an và không hạnh phúc. Trong sự mưu cầu hạnh phúc, mục đích chính của chúng ta là chống lại những cảm xúc này. Ta chỉ có thể đạt được điều đó nhờ vào sự nỗ lực chuyên tâm và kiên trì trong suốt một quãng thời gian lâu dài - người Phật tử chúng ta thường nói là trong nhiều đời nhiều kiếp.
Như chúng ta đã biết, những cảm xúc phiền não không tự chúng mất đi, chúng cũng không đơn giản là mất đi theo thời gian. Phiền não chỉ diệt mất nhờ vào sự nỗ lực có chủ tâm tấn công vào chúng, làm suy giảm sức mạnh của chúng và cuối cùng loại bỏ chúng hoàn toàn.
Nếu muốn thành công, ta phải biết cách chống lại những xúc phiền não của mình như thế nào. Chúng ta bắt đầu tu tập Phật pháp bằng cách đọc [kinh sách] và lắng nghe [lời dạy của] những vị thầy nhiều kinh nghiệm. Đây là cách để chúng ta cải thiện cuộc sống khổ đau của mình trong vòng luân hồi và làm quen dần với những pháp tu tập thích hợp để vượt thoát luân hồi. Sự học hỏi như vậy sẽ dẫn đến điều được gọi là “nhận hiểu qua lắng nghe”. Đó là nền tảng thiết yếu cho sự tiến triển tâm linh. Tiếp đó, ta phải nghiền ngẫm những gì đã học được đến mức độ có được sự tin tưởng sâu sắc vào đó. Điều này dẫn đến “sự nhận hiểu qua quán chiếu”. Một khi ta đã có được sự tin cậy chắc thật vào chủ đề đã học, ta thiền định về chủ đề đó để tâm thức ta trở nên hoàn toàn hòa nhập vào đó. Điều này dẫn đến một sự tri giác thực nghiệm gọi là “nhận hiểu qua thiền định”.
Ba mức độ nhận hiểu này là thiết yếu trong việc tạo ra những thay đổi chân thật trong cuộc đời ta. Với nhận thức sâu rộng hơn thông qua sự học hỏi, sự tin tưởng của ta trở nên sâu sắc hơn, đưa đến sự thực hành mạnh mẽ hơn trong thiền định. Nếu ta thiếu sự nhận hiểu thông qua học hỏi và quán chiếu, thì cho dù ta có thiền định thật mãnh liệt, ta cũng rất khó trở nên quen thuộc với đề mục thiền định, cho dù đề mục đó là bản chất nguy hại của phiền não hay tính chất vi tế của tánh Không. Điều này cũng tương tự như khi ta bị ép buộc phải gặp một người nào đó mà ta không muốn gặp. Vì thế, điều quan trọng là phải thực hiện cả ba giai đoạn tu tập này theo đúng trình tự tiếp nối nhau.
Môi trường quanh ta cũng ảnh hưởng rất lớn. Ta cần có một môi trường yên tĩnh để thực hành tu tập. Điều quan trọng nhất là ta cần sự cách biệt hoàn toàn. Ý tôi muốn nói là, một trạng thái tinh thần hoàn toàn không bị quấy nhiễu, chứ không chỉ đơn thuần là dành thời gian ngồi một mình ở nơi yên tĩnh.
KẺ THÙ NGUY HẠI NHẤT Sự tu tập Phật pháp phải là một tiến trình nỗ lực không ngừng để đạt đến trạng thái vượt thoát đau khổ. Tiến trình đó không chỉ đơn giản là thuộc phạm trù đạo đức, trong đó ta tránh không làm những việc xấu ác và thực hiện những hành vi hiền thiện. Trong sự tu tập Phật pháp, chúng ta cố gắng để vượt thoát một thực trạng mà trong đó tất cả chúng ta đều nhận biết mình đang là nạn nhân của những cảm xúc phiền não của chính mình, kẻ thù của sự an bình và thanh thản. Những cảm xúc phiền não này, chẳng hạn như sự luyến ái, căm ghét, kiêu mạn, tham lam v.v… là những trạng thái tinh thần thôi thúc ta hành xử theo những phương thức luôn mang đến cho ta tất cả những bất hạnh và đau khổ. Trong khi nỗ lực để đạt được sự an bình nội tâm và hạnh phúc, việc xem những cảm xúc phiền não như ma quỷ trong nội tâm sẽ rất hữu ích, bởi vì cũng giống như ma quỷ, chúng đeo bám theo ta và chỉ toàn gây ra đau khổ. Trạng thái vượt ngoài mọi tư tưởng, cảm xúc tiêu cực như thế, vượt ngoài tất cả khổ đau, được gọi là Niết-bàn.
Ban đầu, ta không thể trực tiếp chống lại những tác động tiêu cực mạnh mẽ này. Ta nhất thiết phải giải quyết chúng theo cách dần dần. Trước hết, ta thọ trì giới luật, kiềm chế không để cho những tư tưởng và cảm xúc phiền não lấn áp. Ta thực hiện được điều đó nhờ áp dụng một nếp sống đạo đức khép mình vào giới luật. Đối với một người Phật tử, điều này có nghĩa là ta từ bỏ mười hành vi bất thiện. Những hành vi bất thiện này, có thể được ta thực hiện bằng thân thể (thân nghiệp), như giết hại hoặc trộm cắp, hoặc thực hiện bằng lời nói, như nói dối hoặc nói lời vô nghĩa (khẩu nghiệp), và thực hiện bằng tâm ý, như tham muốn những thứ không thuộc về mình (ý nghiệp). Tất cả những hành vi đó đều là sự bộc lộ của những phiền não nằm sâu hơn trong tâm thức, chẳng hạn như sự sân hận, căm ghét và tham ái.
Khi suy nghĩ theo cách đó, ta đi đến nhận thức rằng những cảm xúc cực mạnh như sự tham ái - và đặc biệt là sự sân hận và căm ghét - là rất nguy hại khi sinh khởi trong ta và cũng rất nguy hiểm khi chúng sinh khởi ở những người khác! Chúng ta gần như có thể nói rằng, những cảm xúc này là những sức mạnh hủy diệt thật sự trong vũ trụ. Ta có thể đi xa hơn nữa và nói rằng, hầu hết những phiền toái và đau khổ mà ta trải qua, chủ yếu là do chính ta tạo nên, đều là phát sinh từ những cảm xúc phiền não này. Ta có thể nói rằng, tất cả mọi khổ đau thực ra chính là kết quả của những cảm xúc tiêu cực như ái luyến, tham lam, ghen tỵ, kiêu căng, sân hận và căm ghét.
Mặc dù ban đầu ta không thể trực tiếp diệt trừ tận gốc những cảm xúc tiêu cực này, nhưng ít nhất ta cũng không hành xử buông thả theo chúng. Từ đó, ta hướng những nỗ lực thiền định của mình đến chỗ trực tiếp đối trị những phiền não của tâm thức và phát triển lòng từ bi sâu sắc hơn. Đến giai đoạn cuối cùng của hành trì tu tập, chúng ta cần diệt trừ tận gốc tất cả mọi phiền não. Điều này cần thiết phải có một sự chứng ngộ về tánh Không.