Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Bạn có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, hoặc có thể lừa dối một số người mãi mãi, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi. (You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time.)Abraham Lincoln
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Chánh niệm - Thực tập thiền quán »» Lời Kết: Năng lực của tâm từ »»

Chánh niệm - Thực tập thiền quán
»» Lời Kết: Năng lực của tâm từ

Donate

(Lượt xem: 18.355)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Chánh niệm - Thực tập thiền quán - Lời Kết: Năng lực của tâm từ

Font chữ:



SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Phương pháp thực tập chính niệm được trình bày trong quyển sách này, nếu cố gắng thực hành, chắc chắn sẽ chuyển hóa được đời bạn. Giờ đây, tôi xin được giới thiệu và nhấn mạnh thêm về một khía cạnh khác của đạo Phật, con đường này đi song song với chính niệm, đó là metta, hay tâm từ. Thiếu tâm từ, chỉ riêng chính niệm khó có thể nào phá vỡ được sự dính mắc và ngã chấp. Và ngược lại, chính niệm là một nhân tố căn bản cần thiết để phát huy tâm từ. Hai điều này lúc nào cũng phải song hành với nhau.



Mỗi người trong chúng ta đều có đầy đủ những hạt giống và tiềm năng thương yêu. Nhưng chỉ với một tâm thức tĩnh lặng, không bị ảnh hưởng bởi tham lam, sân hận và ganh tỵ, những hạt giống thương yêu này mới có thể trưởng thành. Nhờ mảnh đất phì nhiêu của chính niệm mà hoa tình thương được nở rộ. Chúng ta cần nuôi dưỡng những hạt giống thương yêu ấy trong ta và trong người khác, giúp chúng cắm rễ và trưởng thành.

Tôi có dịp đi rất nhiều nơi trên thế giới để dạy Phật pháp, và vì vậy tôi phải mất nhiều thời gian ở những sân bay. Một hôm, tôi ngồi ở sân bay Gatwick gần London để chờ một chuyến bay. Tôi có nhiều thời gian trống, nhưng đối với tôi điều đó không bao giờ là vấn đề. Thật ra nó là một niềm vui, vì tôi có cơ hội để thực tập thiền quán. Thế là tôi ngồi đó giữa phòng đợi của sân bay, chân xếp bằng trên ghế, mắt nhắm lại, trong khi quanh tôi người ta lũ lượt đến và đi, hối hả đổi chuyến bay. Trong những hoàn cảnh này, khi ngồi thiền tôi thường thực tập niệm tâm từ, đem tình thương ban rải đến cho mọi người, ở khắp mọi nơi. Với mỗi hơi thở, mỗi mạch nhảy, mỗi nhịp tim, tôi để cho toàn thể con người mình được thấm nhuần và tỏa sáng một tình thương, một tâm từ.

Giữa sân bay náo nhiệt ấy, chìm đắm trong một cảm thụ của tâm từ, tôi không còn để ý đến sự ồn ào và xô bồ của thế giới chung quanh. Nhưng bỗng dưng tôi có cảm giác như có một người nào đó đang đến ngồi sát bên tôi. Tôi vẫn không mở mắt ra, tiếp tục hành thiền và phóng rải tâm từ. Rồi tôi cảm thấy có hai bàn tay nhỏ xíu ôm choàng lấy cổ tôi. Tôi từ từ mở mắt ra, và thấy đó là một em bé gái nhỏ thật dễ thương, chắc chỉ độ chừng hai tuổi. Mắt cháu màu xanh thật sáng, với những lọn tóc vàng, đang ôm chầm lấy tôi thật sát. Ngồi trong phi trường, trước đây tôi có thấy cháu đi với mẹ cháu, bàn tay bé nhỏ nắm chặt lấy ngón tay của mẹ. Có lẽ cháu đã rời mẹ cháu và chạy sang chỗ tôi.

Tôi nhìn lên thì thấy mẹ cháu cũng vừa đuổi tới nơi. Thấy nó đang ôm cổ tôi, mẹ cháu bảo: “Xin Thầy ban phước cho cháu và để nó đi.” Tôi không biết đứa bé nói tiếng gì, nhưng tôi bảo cháu bằng tiếng Anh: “Cháu đi đi. Mẹ cháu có nhiều nụ hôn cho cháu lắm, nhiều đồ chơi và nhiều kẹo nữa kìa. Còn ta chẳng có gì hết. Cháu đi đi.” Nhưng đứa bé vẫn cứ bá chặt vào cổ tôi, không chịu buông ra. Và người mẹ lại nhìn tôi, chắp tay lại và nói với một giọng rất ân cần: “Xin Thầy làm ơn ban phước cho cháu, và để cho cháu đi.”

Lúc này, những người khác trong phi trường cũng bắt đầu để ý đến chúng tôi. Có lẽ họ nghĩ tôi quen biết với đứa bé gái, hoặc là tôi với nó có liên hệ với nhau. Họ tin chắc rằng tôi và đứa bé nhất định phải có một sự ràng buộc nào đó. Nhưng trước hôm ấy, tôi chưa từng gặp nó bao giờ. Tôi cũng không rõ cháu nói ngôn ngữ gì nữa. Và tôi lại phải năn nỉ: “Cháu đi đi. Cháu và mẹ cháu còn phải lên phi cơ cho kịp giờ. Trễ rồi đó. Mẹ có nhiều đồ chơi với kẹo lắm kìa. Ta đâu có gì đâu. Hãy đi đi.” Nhưng đứa bé gái vẫn không chút nao núng. Nó lại còn ôm chặt lấy tôi hơn nữa. Người mẹ thấy vậy đến nhẹ nhàng gỡ tay của đứa bé ra và nhờ tôi ban phước cho nó. “Cháu ngoan lắm.” Tôi nói: “Mẹ cháu thương cháu lắm. Nhanh lên. Coi chừng trễ chuyến bay rồi đó. Cháu đi đi.” Nhưng đứa bé gái vẫn không chịu đi. Nó oà khóc lên. Cuối cùng, mẹ nó phải bế nó lên. Đứa bé vùng vẫy và la khóc. Nó muốn tụt xuống và chạy lại tôi. Nhưng lần này mẹ nó cố giữ nó lại và mang nó lên phi cơ. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy cháu vẫn còn đang cố thoát ra khỏi mẹ cháu để chạy lại với tôi.

Có thể vì chiếc y tôi mặc mà đứa bé gái này tưởng tôi là ông già Nô-en hoặc một nhân vật thần thoại nào đó chăng? Nhưng cũng có thể là một lý do khác. Trong lúc đó tôi đang ngồi trên ghế và thực hành niệm tâm từ, metta, phóng rải những tư tưởng thương yêu ra khắp nơi với mỗi hơi thở. Có thể đứa bé gái này cảm nhận được điều đó. Trẻ con rất nhạy cảm trong lĩnh vực này, tâm thức của chúng dễ dàng hấp thụ được những cảm thụ chung quanh chúng. Khi bạn giận, chúng cảm nhận được sự rung động ấy, và khi bạn tràn đầy thương yêu và hạnh phúc, chúng cũng cảm nhận được. Có thể đứa bé gái ấy muốn đến gần tôi vì nó cảm nhận được một tâm từ. Giữa tôi và nó có một sự ràng buộc - bởi một sợi dây của tâm từ.

Bốn trạng thái siêu việt

Tâm từ rất nhiệm mầu. Chúng ta ai cũng có khả năng thương yêu cả. Cho dù ta có nhận biết hay không, năng lượng và hạt giống của thương yêu bao giờ cũng có mặt trong ta. Tâm từ là một trong bốn trạng thái siêu việt mà đức Phật có nói đến trong kinh. Ba tâm kia là tâm bi, tâm hỷ và tâm xả. Bốn trạng thái ấy đều liên kết mật thiết với nhau, ta không thể nào phát triển một cái này mà lại không cần đến ba cái kia.

Một cách dễ hiểu hơn là lấy ví dụ của tình thương cha mẹ. Khi một người đàn bà trẻ biết rằng mình đang có thai một đứa bé, cô sẽ cảm thấy có một tình thương vô bờ bến đối với đứa con trong bụng. Cô ta sẽ sẵn sàng làm tất cả mọi việc để bảo vệ nó. Cô sẽ cố gắng hết sức mình để cái bào thai được khỏe mạnh và tốt lành. Người mẹ trẻ ấy có đầy những tư tưởng thương yêu và hy vọng về đứa con trong bụng mình. Cũng giống như tâm từ, metta, tình cảm của một người mẹ đối với đứa con là vô bờ bến, bao trùm tất cả và hoàn toàn vô điều kiện!

Khi đứa bé sinh ra và lớn lên, nó bắt đầu khám phá thế giới chung quanh, cha mẹ sẽ bắt đầu có tâm bi đối với nó. Mỗi khi đứa bé bị té trầy đầu gối, u đầu sứt trán, cha mẹ luôn cảm nhận được cái đau của con mình. Có nhiều bậc cha mẹ còn nói rằng, mỗi khi con mình đau là họ cũng cảm thấy như chính mình đang bị đau. Nhưng đây không phải là một sự thương hại, vì lòng thương hại chỉ tạo nên khoảng cách giữa ta và người khác. Tâm bi là một tâm muốn cho người khác được bớt khổ đau. Tâm bi dẫn ta đến những hành động thích hợp. Và một hành động thích hợp của tâm bi là muốn làm sao để sự đau đớn sớm chấm dứt, để con mình không còn khổ nữa.

Thời gian trôi qua, đứa con lớn lên và cắp sách đến trường. Cha mẹ nhìn con mình kết bạn mới, học hành tiến bộ, tham gia các môn thể thao... Có thể đứa con học xuất sắc về môn toán, hoặc được nhận vào đội đá banh, hoặc được bầu làm lớp trưởng... Cha mẹ không bao giờ cảm thấy ganh tỵ về những thành công của con mình, ngược lại còn hân hoan vui mừng theo nó nữa. Đó chính là tâm hỷ. Ta mừng vui cho kẻ khác như là niềm vui của chính ta. Mặc dù người khác có vượt trội hơn ta, may mắn hơn ta, chúng ta vẫn hoan hỷ với những thành công của họ, mừng vui theo với niềm hạnh phúc của họ.

Và rồi khi đứa con trưởng thành. Nó ra trường, có sự nghiệp, lập gia đình và có con cái. Đây là lúc cha mẹ thực tập tâm xả. Lẽ dĩ nhiên, chắc chắn đây không phải là một thái độ lạnh lùng và dửng dưng. Nó là một sự bình an, hạnh phúc vì thấy rằng mình đã làm hết những gì cần phải làm cho con. Ta cũng ý thức được sự giới hạn của mình. Và lẽ dĩ nhiên, cha mẹ vẫn tiếp tục thương yêu và giúp đỡ con cái, nhưng họ biết rằng mình không còn kiểm soát được chúng nữa. Đó là sự thực tập tâm xả.

Mục đích tối thượng của thiền tập là nuôi dưỡng và phát triển bốn trạng thái này của tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả.



Hạt giống có mặt trong mỗi chúng ta

Mỗi sự vật sẽ phản chiếu ánh sáng mặt trời qua những cách khác nhau. Cũng vậy, mỗi người biểu lộ tâm từ qua những phương cách khác nhau. Có người bộc lộ sự nồng nhiệt một cách tự nhiên, có người hơi kín đáo và do dự khi mở con tim mình ra... Có người thực tập tâm từ một cách khá vất vả, trong khi có người lại không có khó khăn gì nhiều... Nhưng không một ai lại hoàn toàn không có tâm từ! Chúng ta đều sinh ra với một bản năng thương yêu, metta. Bạn hãy nhìn những đứa bé thơ mỉm cười rạng rỡ trước hình ảnh của một gương mặt người, bất cứ là gương mặt của ai. Tội nghiệp một điều là có nhiều người không ý thức được khả năng thương yêu của mình. Tiềm năng thương yêu ấy bị chôn vùi bên dưới những sân hận, giận hờn, ghét bỏ, mà ta đã huân tập trong một đời - mà có lẽ là rất nhiều đời - qua những tư tưởng và hành động bất thiện. Nhưng ai trong chúng ta cũng đều có thể nuôi dưỡng lại con tim biết thương yêu ấy, cho dầu trong bất cứ một hoàn cảnh nào. Chúng ta vẫn có thể tưới tẩm và nuôi dưỡng hạt giống từ bi, cho đến ngày hoa tình thương nở rộ và bay về trăm hướng.

Vào thời đức Phật, có một người tên là Aṅgulimla (Ương-quật-ma-la). Anh ta là một kẻ sát nhân giết hại rất nhiều người. Anh ta tàn ác đến nỗi đeo trên cổ mình một xâu chuỗi làm bằng ngón tay của những người anh đã giết. Và anh có ý định chọn đức Phật để làm nạn nhân thứ một ngàn của anh! Mặc dù đứng trước những lời đồn và bề ngoài dữ tợn của Aṅgulimla, đức Phật vẫn có thể nhận thấy được tiềm năng thương yêu của anh. Và nhờ khơi dậy được tiềm năng đó trong chính anh ta mà đức Phật đã cảm hoá được anh, và giảng Pháp cho kẻ giết người không gớm tay này. Sau khi nghe lời giảng của đức Phật, Aṅgulimla đã buông gươm xuống và quy y Phật. Anh ta xin xuất gia và đi theo tăng đoàn của ngài.

Trong kinh kể rằng, nhiều năm về trước, Aṅgulimla bắt đầu đi giết hại nhiều người vì tin theo lời chỉ bảo của một đạo sĩ mà anh nhận làm thầy. Bản chất của Aṅgulimla không phải là tàn bạo, cũng không phải là ác độc. Thật ra, khi còn nhỏ anh là một cậu bé rất hiền lành. Trong tim anh có đầy sự thương yêu, dịu dàng và thân thiện. Sau khi xuất gia, những tiềm năng ấy trong anh lại được hiển bày, và chỉ trong một thời gian ngắn anh đã đạt được sự giác ngộ.

Câu chuyện về Aṅgulimla nhắc nhở ta một điều. Đôi khi con người có thể có những hành động rất nhẫn tâm và tàn bạo, nhưng ta nên hiểu rằng đó không phải là tự tính của họ. Có thể vì hoàn cảnh, điều kiện trong cuộc đời đã khiến họ có những cách hành xử bất thiện ấy. Trong trường hợp của Aṅgulimla, đó là vì anh hoàn toàn tin tưởng theo lời hướng dẫn của thầy mình. Và đối với tất cả chúng ta, không phải chỉ riêng gì những kẻ tội phạm, có rất nhiều lý do và điều kiện khác nhau - thiện và bất thiện - đã đưa đẩy làm cho ta có cách hành xử như ngày hôm nay.

Cùng với những bài thiền tập đã trình bày trong sách này, tôi xin được giới thiệu thêm một bài thiền tập niệm tâm từ. Trước hết, bạn bắt đầu bằng cách loại bỏ hết những tư tưởng tự ghét bỏ hoặc tự trách móc mình. Bắt đầu mỗi thời ngồi thiền, bạn hãy tự niệm thầm những câu sau đây, và phải thật sự cảm nhận được sự chân thành của mình:

“Mong sao cho tâm tôi có đầy những tư tưởng từ, bi, hỷ và xả. Mong sao cho tôi được nhiều rộng lượng. Mong sao cho tôi được thoải mái. Mong sao cho tôi được vui vẻ và hạnh phúc. Mong sao cho tôi được khỏe mạnh. Mong sao cho con tim tôi được dịu dàng. Mong sao cho tôi luôn nói lời ái ngữ. Mong sao cho tôi luôn hành động tử tế.

“Mong sao cho những gì tôi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ sẽ giúp cho tôi nuôi dưỡng thêm tâm từ, bi, hỷ và xả. Mong sao cho chúng giúp tôi được thêm rộng lượng và tử tế. Mong sao cho chúng giúp tôi được nghỉ ngơi. Mong sao cho chúng làm khơi dậy những hành động thân ái trong tôi. Mong sao cho những kinh nghiệm ấy là sẽ nguồn suối của hạnh phúc và an vui. Mong sao cho chúng sẽ giúp tôi giải thoát ra khỏi mọi sự sợ hãi, căng thẳng, lo lắng và bất an.

“Bất cứ nơi nào tôi đến trên thế gian này, trong bất cứ một phương nào, mong sao cho tôi luôn tiếp xúc với mọi người bằng một niềm an vui và thân thiện. Mọng sao cho tôi được bảo vệ trong mười phương khỏi những tham lam, sân hận, ghen tỵ, nhỏ nhen và sợ hãi.”

Khi chúng ta phát triển tâm từ trong ta, ta sẽ thấy rằng nó cũng có mặt trong người khác - cho dù có bị vùi lấp đến đâu. Đôi khi ta phải đào thật sâu, và đôi khi nó hiển nhiên ngay trên bề mặt.

Nhìn xuyên qua những vết dơ bẩn

Đức Phật có kể câu chuyện về một thầy nọ tìm thấy một miếng vải dơ trên đường. Tấm giẻ rách ấy bẩn thỉu đến nỗi thầy ấy không dám sờ tới. Ông ta lấy chân đá nó một hồi cho những thứ dơ bẩn ấy rơi ra bớt. Kinh tởm, ông ta lấy hết can đảm dùng hai ngón tay cẩn thận cầm nó lên đưa ra xa, sợ chạm vào người mình. Dầu vậy, vị thầy ấy vẫn nhận thấy được tiềm năng và giá trị của miếng vải ấy, ông ta mang về và giặt rửa thật nhiều lần cho thật sạch. Cuối cùng, nước giặt trở nên trong, và phía dưới những lớp bẩn thỉu, dơ dáy ấy là một chất liệu có thể sử dụng ích lợi. Vị thầy ấy thấy rằng, nếu ông có thể tìm được thêm những miếng vải như vậy, ông có thể may được cho mình một chiếc y thật tốt.

Cũng vậy, vì một người nào đó có những lời lẽ lỗ mãng và ác độc, người ấy có thể được xem như là hoàn toàn vô dụng. Ta khó có thể nào thấy được những hạt giống và tiềm năng thương yêu trong họ. Nhưng đây chính là chỗ ta nên thực tập sử dụng những phương tiện thiện xảo. Bên dưới lớp vỏ thô lỗ và cục cằn của người ấy, bạn vẫn có thể tìm thấy được một hạt châu sáng chói và tỏa chiếu, nó chính là chân tính của họ.

Một người có thể dùng những lời lẽ thô lỗ đối với người khác, nhưng đôi khi vẫn hành xử rất thương yêu và dịu dàng. Họ có thể là những người “khẩu xà tâm Phật”. Đức Phật so sánh hạng người này với một ao nước bị rong rêu phủ kín. Muốn dùng nước ấy, bạn phải biết dùng tay gạt những rong rêu sang một bên. Cũng vậy, đôi khi chúng ta cũng cần phải bỏ qua những sơ xuất bề ngoài của một người, và nhìn thấy con tim chân thành của họ.

Nhưng nếu một người có lời nói không dễ thương và cử chỉ, hành động cũng không dễ thương thì sao? Hạng người này cũng vẫn có một con tim chân thật. Thử tưởng tượng bạn đang đi trên sa mạc. Bạn không mang theo nước, và chung quanh cũng không có nước. Bạn mệt và khát. Mỗi bước đi làm bạn khát thêm và lại càng khát thêm. Bạn tuyệt vọng, cầu mong cho có nước uống. Và lúc ấy, bạn tìm thấy một dấu chân trâu. Trong dấu chân trâu có một chút nước, nhưng không nhiều lắm vì lỗ rất cạn. Nếu bạn lấy tay vốc nước lên, nó sẽ nổi bùn. Trong cơn khát, bạn quỳ và cúi xuống. Từ từ, bạn đưa miệng mình kề sát xuống và húp từ ngụm nhỏ, chầm chậm, không để cho bùn dơ bị khuấy lên. Mặc dù bùn dơ có mặt nhưng nước vẫn được trong. Bạn có thể làm hết cơn khát của mình. Cũng với cùng một thái độ cố gắng ấy, bạn có thể tìm thấy được một con tim chân thành trong một người mà hoàn toàn có vẻ như không có chút gì muốn hối cải.

Thiền viện của tôi nằm ở một miền đồi núi thuộc vùng đồng quê tiểu bang West Virginia. Khi trung tâm thiền tập này mới mở, có một ông hàng xóm ở cuối đường tỏ vẻ dường như không có thiện cảm với chúng tôi. Mỗi ngày tôi thường đi bộ rất lâu, và mỗi khi thấy ông ta, tôi vẫy tay chào, nhưng lần nào ông cũng nhíu mày và quay đi nơi khác. Dù vậy, lần nào gặp ông tôi cũng đưa tay vẫy chào và phóng gởi những tư tưởng từ bi, tốt lành đến cho ông. Tôi không hề nản lòng trước thái độ của ông ta, tôi không bao giờ bỏ cuộc với ông. Mỗi khi gặp ông, tôi vẫy tay chào. Sau chừng một năm trời, thái độ của ông bắt đầu thay đổi. Ông ta không còn nhíu mày nữa. Tôi cảm thấy rất vui. Sự thực tập ban rải tâm từ có lẽ bắt đầu có hoa trái.

Một năm sau nữa, khi tôi đi ngang ông trong lúc đi bộ, có một phép lạ xảy ra. Ông lái xe đi ngang qua và đưa một ngón tay lên khỏi tay cầm lái. Và tôi nghĩ: “Ồ, thật là tuyệt vời! Từ bi quán có hiệu quả quá!” Và rồi lại một năm nữa trôi qua, mỗi lần gặp ông tôi vẫn vẫy tay chào và chúc lành cho ông. Năm thứ ba, ông giơ hai ngón tay lên về hướng tôi. Và rồi năm kế đó, ông dở lên cả bốn ngón tay khỏi tay cầm lái. Thời gian vẫn trôi qua. Một ngày nọ tôi đang đi trên đường và gặp ông đang cho xe vào ngõ nhà mình. Lần này ông dở hẳn tay mình lên khỏi tay cầm lái, đưa ra bên ngoài cửa xe, và vẫy lại tôi.

Sau đó không lâu, một ngày nọ, tôi gặp ông đậu xe bên một con đường rừng nhỏ. Ông ta ngồi bên phía tay lái và đang hút thuốc lá. Tôi đến cạnh bên ông và chúng tôi bắt chuyện. Lúc đầu chúng tôi nói về chuyện thời tiết, và dần dần, ông bắt đầu kể câu chuyện của ông. Mấy năm trước đây ông bị một tai nạn rất nặng, một cây to ngã đè lên chiếc xe tải của ông. Ông bị gãy hết phần lớn xương trong người và bị hôn mê trong một thời gian rất lâu. Lần đầu tiên tôi gặp ông trên đường, lúc ấy ông cũng mới vừa bắt đầu bình phục. Ông không vẫy tay chào lại tôi không phải vì ông là một người khó chịu, nhưng vì ông không thể cử động hết những ngón tay. Nếu tôi bỏ cuộc thì có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết được ông là một người tốt như thế nào! Có một ngày nọ, khi tôi phải đi xa, ông có ghé sang trung tâm để tìm tôi. Ông lo lắng vì đã nhiều ngày không thấy tôi đi bộ. Bây giờ chúng tôi là bạn.

Thực hành niệm tâm từ


    « Xem chương trước «      « Sách này có 18 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.58.158 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...