Dựa vào Biên Niên Sử, chúng ta biết rằng Phật giáo được Đại đức Mahinda, Thái tử con vua A Dục, truyền vào đảo quốc Tích Lan từ giữa thế kỷ 3 trước Tây lịch. Lúc bấy giờ, Tích Lan được xem là một trong những nước chư hầu của Ấn Độ. Vì vậy, sau khi vua Mutasiva băng hà, Đại đế A-dục sai sứ đến phong vương cho Thái tử Devānampiyatissa. Theo Ngài Buddhagosa: “Khi Đại Đức Mahinda vâng lệnh Đức Vua A-dục đến Tích Lan truyền giáo, trên đường đi Ngài ghé về quê Mẹ để làm một số Phật sự. Lúc ngồi quán chiếu, thấy nhân duyên đã đến, có thể làm hưng thịnh Phật pháp tại Tích Lan, Ngài cùng đoàn truyền giáo lập tức lên đường.” Rồi từ đó đến nay, Phật giáo tại xứ sở này đã trở thành quốc giáo, trải qua nhiều giai đoạn cực thịnh.
Hôm nay trong một dịp tình cờ đến thật hy hữu, Hòa Thượng Phương Trượng Chùa Viên Giác đã chọn bốn huynh đệ chúng tôi trong số những Tăng Ni đang du học tại các trường Đại học trên đất nước Ấn Độ, để cùng “đăng trình” với Ngài đến Tích Lan nhận giải thưởng danh dự tuyên dương việc hoằng truyền Chánh pháp tại Âu châu, do Chính phủ và Hội Đồng Tăng-già Tích Lan tổ chức trao tặng vào ngày 8 tháng 7 năm 2011.
Để chuẩn bị cho chuyến đi này, công việc đầu tiên của chúng tôi là liên lạc lấy thông tin để thống nhất giờ bay và làm các thủ tục xin visa nhập cảnh. Vì mỗi người học mỗi nơi, Đại Đức Thích Nhuận Huệ đang làm nghiên cứu tại Đại học Mumbai, Đại Đức Thích Huệ Pháp ở tận xứ gần Pakistan, trường Đại học Jammu, riêng Đại Đức Thích Nguyên Tân và chúng tôi cùng học tại trường Đại học Delhi. Trường này xây dựng vào năm 1922, được xếp hạng thứ 371 trên thế giới từ năm 2010 với rất nhiều phân khoa, trong số đó đặc biệt có Phân khoa Phật Học.
Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển đã quan tâm đến tình trạng khó khăn về vấn đề tài chánh của Tăng Ni du học tại phân khoa Phật học thuộc các trường đại học ở Ấn Độ, nên Ngài hoan hỷ giúp đỡ cho số tăng sinh này từ năm 1994 cho đến nay.
Chúng con được có duyên may tu học tại Ấn Độ nhưng cảm thấy bơ vơ lạc lõng giữa ngàn phương, nhận được ân tình của Ngài dành cho chúng con nơi xứ người, thật không biết lấy gì để đền đáp công ơn ấy trong muôn một. Con xin thay mặt cho quý Thầy Cô đang nhận học bổng Chùa Viên Giác kính tri ân tấm lòng Ngài và Quý Phật Tử bấy lâu nay đã đóng góp cúng dường vào quỹ “Học bổng Tăng Ni”.
Hướng tâm đảnh lễ công ơn ngài,
Một chút tình riêng đến chúng con.
Để ấm cõi lòng nơi đất khách,
Ân tình cao vọi tựa ngàn non.
Trở lại chuyến đi, xin kể nơi đây một vài chi tiết nhỏ để giúp cho những ai đang du học tại Ấn Độ muốn tham quan Tích Lan có thể lấy làm kinh nghiệm. Lúc đầu chúng tôi gặp khó khăn khi xin visa nhập cảnh Tích Lan, bởi lẽ Đại sứ quán Tích Lan yêu cầu mọi thủ tục phải được đầy đủ, rõ ràng và do vậy đã khước từ đơn xin của chúng tôi. Sau đó, chúng tôi nhờ một vị sư người Miến Điện đang tu học tại Tích Lan hoan hỷ gửi cho một giấy mời có địa chỉ nơi đến rõ ràng, khi đó Đại sứ quán Tích Lan tại đây mới đồng ý cấp visa.
Thời gian chờ đợi cũng đã qua và ngày khởi hành cũng đến. Chúng tôi bắt Metro đến Phi trường Quốc tế New Delhi để từ đó bay đi Tích Lan. Chúng tôi đáp xuống Phi trường Quốc tế Colombo an toàn đúng vào lúc 17:45 ngày 4 tháng 7 năm 2011. Một ấn tượng sâu thẳm mà chúng tôi ghi nhận ngay lúc ban đầu tại Tích Lan này là ngay mỗi bàn đăng ký hải quan đều có một câu kinh Pháp cú, tưởng chừng như đang chào đón và đưa lữ hành đi vào một thế giới tâm linh của đạo Từ Bi và Giải Thoát.
Chiều hôm đó, chúng tôi được vị sư Tích Lan Balagalle Dhammaseeha Thero cùng vài Phật tử đến đón và đưa về một khách sạn nằm ven biển thuộc vùng ngoại ô Negombo. Negombo là tên gọi do người Bồ Đào Nha đặt vào đầu những năm thập niên 1510. Negombo có một cảng nhỏ và nền kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch và ngành đánh bắt thủy sản. Chúng tôi đảnh lễ Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển và được giới thiệu làm quen với từng thành viên trong đoàn của Hòa Thượng đến từ Âu châu. Đặc biệt trong phái đoàn hầu hết là những văn nhân, thi sĩ tên tuổi gắn liền với văn bút Âu châu: Chủ bút Báo Viên Giác - Ông Phù Vân, nhà thơ Đan Hà, và hai cây bút nữ Hoa Lan, Trần Thị Nhật Hưng v.v… Bên cạnh những nhà thơ, nhà văn còn có các đạo hữu trong Ban Từ Thiện Xã Hội như vợ chồng đạo hữu Nguyên Trí cùng tháp tùng Hòa Thượng. Từ đây chúng tôi chính thức nhập đoàn cùng mọi người.
Chiều ngày 5 tháng 7, đoàn chúng tôi đi thăm ngôi chùa cổ Kelaniya, cách Thủ đô Colombo 12km về hướng đông. Ngôi chùa được xây dựng dọc theo bờ sông Kelani là một trong những nơi thiêng liêng nhất ở Tích Lan, bởi vì người Phật tử Tích Lan tin rằng Đức Phật đã đến nơi đây vào một ngày vesak.
Ngôi cổ tự này bị tàn phá bởi quân đội Bồ Đào Nha vào năm 1510. Sau đó, chùa được xây dựng lại vào năm 1767 do công lao của Venerable Mapitigama Buddharakkhita, với sự tài trợ của đức vua Kirthi Sri Rajasingha.
Trong suốt thời gian đô hộ của người Anh, ngôi chùa không còn nhận được sự trợ giúp từ hoàng gia để duy trì, sửa chữa. Do vậy, cho đến cuối thế kỷ 19, ngôi chùa lại rơi vào tình trạng hư hỏng nghiêm trọng. Chuyện kể rằng, vào một ngày trăng tròn năm 1880, Bà Helena Wijewardene đến viếng chùa Kelaniya và cầu nguyện, dâng hoa cúng dường. Khi bước đến trước tượng Phật, bàn chân bà dính đầy bùn đất vì nền không được lát gạch. Bà cảm thấy buồn và ước nguyện sẽ xây dựng lại ngôi chùa thật khang trang hơn. Năm 1888, bà ủng hộ để nhà chùa bắt đầu tiến hành việc lát đá nền cho ngôi chùa. Cuối năm 1902, bà lại hỗ trợ để thay thế điện thờ gỗ bằng điện thờ mới bằng đá cẩm thạch. Công việc tu sửa sau đó vẫn liên tục tiến hành, nhưng phải đến năm 1927 mới có thể bắt đầu công trình tu sửa toàn diện và hoàn thành vào năm 1946. Bà đã thuê rất nhiều họa sĩ, điêu khắc gia từ Ấn Độ cũng như tại Tích Lan để thực hiện công trình. Trên vách tường hiện còn nhiều tranh vẽ với màu sắc hài hòa mô tả cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đây là tuyệt tác nghệ thuật của họa sĩ tài ba Soliyas Mendis.
Bên cạnh ngôi cổ tự có một Đại tháp tên là Dageba, nơi tưởng niệm pháp tòa sư tử của Đức Phật nói pháp cho vua Chulodara và vua Mahodara Naga cùng các vị đệ tử trong lần viếng thăm thứ 3 của Đức Phật. Nơi đây, vào năm 1984 có vị tu sĩ người Hàn quốc, Tiến sĩ Byun đã gởi tặng nước Tích Lan một Đại Hồng Chung nặng khoảng 1 tấn, được gọi là Chuông Hòa Bình. Ngày nay, ngôi chùa trở thành di sản văn hóa quốc gia.
Có hai người làm vinh quang cho đảo quốc tươi đẹp này, là Tỳ-kheo Mahinda và Tỳ-kheo ni Sanghamitta, chính là hoàng tử và công chúa con vua A-dục. Hai vị đã làm cho Tích Lan không chỉ là một hòn đảo tươi đẹp mà còn trở thành nơi tiếp nhận và truyền thừa mạng mạch Phật giáo qua muôn đời. Chính sự lưu giữ Phật pháp tại đảo quốc này đã giúp chấn hưng đạo Phật tại Ấn Độ sau khi bị suy tàn từ thế kỷ 12. Sự chấn hưng này cũng bao gồm cả việc đòi lại quyền quản lý, bảo tồn và phát triển các thánh tích của Phật giáo Ấn Độ, sau nhiều thế kỷ bị Ấn Độ giáo và một số tôn giáo khác chiếm dụng.
Ngoài sự nỗ lực của Panchen Lama xây dựng một ngôi chùa ngoại quốc đầu tiên tại xứ Phật vào cuối thế kỷ thứ 18 bên bờ sông Hằng gần Calcutta. Đến đầu thập niên 1890, một vị cư sĩ Tích Lan là Anagarika Dharmapala đã đến Ấn Độ và thành lập Hội Phật Giáo Maha Bodhi Society tại Bodhgaya.
Chính phủ và Hội Đồng Tăng-già Tích Lan luôn trân trọng và bảo trì hai quốc bảo từ hơn hai ngàn năm qua. Một là nhánh bồ-đề được chiết từ cây mẹ ở Bodhgaya Ấn Độ, do Tỳ-kheo ni Saṅghamittā mang về đây. Nhánh bồ-đề lịch sử thiêng liêng được trồng tại đại uyển Mahameghavana và luôn được chăm sóc, gìn giữ rất công phu, cẩn trọng. Quốc bảo thứ hai là Xá-lợi răng của đức Phật, do Sa-di Sumana thỉnh về đảo quốc này. Sumana là con trai của Công chúa Saṅghamittā.
Hôm đó, đoàn chúng tôi có đầy đủ phước duyên nên tất cả đều được vào tận bảo tháp chiêm bái và đảnh lễ. Kandy là kinh đô của các đời vua Sinhalese từ năm 1592 đến 1815. Thành phố này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Với nét kiến trúc nghệ thuật của cung điện tôn thờ Xá-lợi thật lộng lẫy, uy nghi. Sáng rực một màu vàng của đêm huyền diệu. Những ánh sao lấp lánh trên bầu trời Kandy đã ló dạng. Nhưng đoàn người đi lễ vẫn tiếp tục xếp thành hàng đi vào chánh điện trong pháp phục chỉnh tề. Chúng tôi rảo bước dạo quanh hồ nước thiêng dưới ánh đèn màu huyền ảo lung linh trước điện thờ xá lợi trước khi trở về lại khách sạn Queen nằm bên kia đường, đối diện cung điện để nghỉ ngơi.
Nhớ lại năm 1950, Hội Nghị Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (The World Fellowship of Buddhists - WFB) được tổ chức lần đầu tiên tại thủ đô Colombo - Tích Lan, từ ngày 25 tháng 5 năm 1950 đến ngày 6 tháng 6 năm 1950. Cố Hòa Thượng Thích Tố Liên làm Trưởng đoàn Hội Phật Giáo Tăng Già Bắc Việt, là một trong số 129 đoàn đại biểu của 29 nước Phật giáo tham dự, không tính nước chủ nhà là Tích Lan. Tại đây, một bản điều lệ của Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới được thống nhất và lễ tuyên thệ thành lập Hội Phật Giáo Thế Giới diễn ra trước điện thờ răng của đức Phật ở thành phố Kandy này.
Năm nay, chúng tôi được tháp tùng Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển đến Tích Lan cũng vừa tròn 10 ngày, nhằm tham dự lễ trao giải thưởng danh dự để tuyên dương công lao hoằng pháp trong cộng đồng Phật giáo Âu châu.
Buổi lễ diễn ra vào ngày 8 tháng 7 năm 2011 dưới sự chứng minh của vị Đại Trưởng lão Tăng thống và chư vị trưởng lão cao niên trong Hội Đồng Tăng-già Phật giáo Tích Lan cũng như các vị cao cấp trong Chính phủ Tích Lan.
Trong không khí thật trang nghiêm của buổi lễ, tiếng nhạc và âm thanh tù và vang lên rộn ràng theo nhịp trống của đoàn cung nghinh. Tiếp theo là các Phật tử cầm hai hàng cờ và lọng che, theo truyền thống nghi lễ của Tích Lan, cung nghinh nhị vị Hòa thượng Thích Minh Tâm, tọa chủ Chùa Khánh Anh tại Paris và Hòa thượng Phương Trượng Chùa Viên Giác tại Hannover, Đức quốc, cùng hai vị cư sĩ người Áo vào phòng khánh tiết Hội nghị Quốc tế.
Bên trong phòng có rất nhiều vị trưởng lão tỳ-kheo, Phật tử Tích lan và Phật tử của các quốc gia khác. Buổi lễ được bắt đầu bằng bài đồng ca trầm hương cúng dường chào đón các vị quan khách, do đoàn Phật tử Tích Lan biểu diễn.
Quyện cùng màu khói lung linh dưới ngọn nến do nhị vị Hòa Thượng và Thủ tướng Chính phủ Tích Lan vừa thắp lên, màu y vàng rực rỡ của chư tăng đã toát lên trong không gian phòng khánh tiết một sắc màu cao quý của Phật giáo.
Qua lời giới thiệu của Ban tổ chức, Hòa Thượng Thích Minh Tâm được cung thỉnh an vị vào một chiếc ghế trang trọng ở khán đài và vị Đại Trưởng lão Tăng Thống trao tặng tấm văn bằng đầu tiên. Tiếp đến là Thủ Tướng Chính phủ Tích Lan đảnh lễ dưới chân ngài theo cung cách của một Phật tử và tôn phong một ngôi vị quốc sư theo truyền thống Nam tông, tượng trưng bằng chiếc quạt đỏ.
Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển cũng được vị Trưởng lão Tuyên Luật Sư trao tặng văn bằng và Phó Thủ Tướng đảng đối lập cũng theo cung cách một Phật tử đảnh lễ dưới chân ngài và tôn phong một ngôi vị quốc sư theo truyền thống Nam tông với chiếc quạt đỏ.
Riêng hai vị cư sĩ người Áo được vị Hội Trưởng Hội Phật giáo Tích Lan trao văn bằng và quà lưu niệm.
Ánh đèn flash của các máy thu hình được chớp lên xen lẫn một tràng pháo tay giòn giã kéo dài một hồi lâu trong phòng khánh tiết như cung hỉ các vị nhận giải thưởng. Sự tiếp đãi nồng hậu của các vị cao cấp trong Chính phủ và Hội Đồng Tăng-già Tích Lan, không phải chỉ qua những hành động, lễ nghi tươm tất, mà còn bằng sự có mặt nghiêm trang và thật trọn vẹn của họ. Chúng tôi có cảm tưởng như đang được sống trong một tình lam gắn bó, chợt nhớ đến hai câu kệ của Thiền sư Hoàng Bá:
Nếu chẳng một phen rét thấu xương,
Hoa mai sao thưởng được mùi hương?
Nhị vị Hòa Thượng của chúng ta được như ngày hôm nay cũng đã không quản bao thăng trầm thế sự, mặc nhiên qua bao nỗi đắng cay, đã từng “nguyện là một dòng sông để chuyên chở những đục trong của cuộc đời và nguyện là mặt đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế”. Để tiếp nối hoằng truyền “Chúc Thánh dư hương”, ra sức bảo tồn và phát huy tinh thần văn hóa Phật giáo Việt Nam tại xứ người. Công hạnh ấy, chúng con luôn cung kính đảnh lễ. Hương vị ấy, mãi mãi được thơm lây.
Đúng 6 giờ chiều, chúng tôi trở về lại khách sạn và một buổi liên hoan chúc mừng nhị vị Hòa Thượng được gói gọn trong tình đạo vị. Một hợp ca được tuyển chọn để mở màn cho buổi trình diễn hôm đó là “nhóm văn nhân thi sĩ”. Tiếp theo là những tiết mục đơn ca, ngâm thơ và cả tân cổ giao duyên, cải lương trích đoạn cũng được lần lượt góp vui cúng dường. Đúng vào lúc 11 giờ khuya, chương trình khép lại để chúng tôi trở về gác trọ.
Hồi tưởng lại một chuyến hành hương trôi qua quá nhanh nhưng cũng đã tạm đủ để chúng tôi cảm nhận được đôi điều về một đảo quốc Sri Lanka với những trang sử Phật giáo qua bao “phế hưng xô dậy sóng cồn” mà đến nay vẫn giữ vững được niềm tin vào Chánh pháp trong đại đa số người dân nơi đây.