Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng bận tâm về những thất bại, hãy bận tâm đến những cơ hội bạn bỏ lỡ khi thậm chí còn chưa hề thử qua. (Don’t worry about failures, worry about the chances you miss when you don’t even try. )Jack Canfield
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Nếu tiền bạc không được dùng để phục vụ cho bạn, nó sẽ trở thành ông chủ. Những kẻ tham lam không sở hữu tài sản, vì có thể nói là tài sản sở hữu họ. (If money be not thy servant, it will be thy master. The covetous man cannot so properly be said to possess wealth, as that may be said to possess him. )Francis Bacon
Bạn có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, hoặc có thể lừa dối một số người mãi mãi, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi. (You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time.)Abraham Lincoln
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Ba mươi ngày thiền quán »» Buổi tối thứ hai mươi hai »»

Ba mươi ngày thiền quán
»» Buổi tối thứ hai mươi hai

Donate

(Lượt xem: 6.394)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Ba mươi ngày thiền quán - Buổi tối thứ hai mươi hai

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Cái chết và lòng từ bi

Hình ảnh thường được dùng để diễn tả sự tu tập thiền quán, trí tuệ là một người đang đi trên một sợi dây treo trên không. Khi chúng ta đi trên một sợi dây treo lơ lững giữa trời, thì điều cần phải quan tâm là sự cân bằng: luôn luôn giữ một thái độ ung dung, quân bình. Khi ta đang đi, sẽ có nhiều sự vật bay ngang qua: những hình ảnh, những âm thanh, tình cảm, tư tưởng và ý niệm khác nhau. Nếu ta ưa thích, ta sẽ có khuynh hướng vói theo, cố nắm bắt, muốn giữ lại. Còn nếu những âm thanh, hình ảnh kia là khó chịu, bực mình, ta cũng có khuynh hướng xua đuổi, đẩy chúng đi nơi khác. Trong cả hai trường hợp, ta đều ngả mình tới, mất đi sự quân bình và có thể rơi xuống.

Cả hai phản ứng ưa thích và ghét bỏ đều có cùng một nguy hiểm như nhau. Bất cứ một việc gì, dù có huy hoàng hay ghê sợ đến đâu, nếu chúng khiến ta mất đi tâm quân bình, đều sẽ làm ta ngã. Cho nên lúc nào chúng ta cũng phải tiếp tục và tiếp tục đào luyện một tâm an nhiên, không phản ứng bằng cách nắm bắt hay xua đuổi bất cứ một đối tượng nào. Hãy tu tập một tâm vô chấp, không dính mắc vào đâu cả, vào bất cứ một chuyện gì, cứ để chúng tự nhiên đến rồi đi.

Sự vô chấp phát sinh từ sự hiểu biết thâm sâu về lý vô thường. Trên một bình diện, trí tuệ này nhận thức được sự cấp bách và tính cách tất nhiên của cái chết. Trong Chí Tôn Ca, Bhagavad Gita, có câu hỏi: “Trong mọi điều kỳ lạ trên thế giới này, sự việc nào là kỳ lạ nhất?” Và câu trả lời là: “Tất cả mọi người, mặc dù thấy những người chung quanh mình chết, vẫn không tin rằng có một ngày mình cũng sẽ chết.”

Thường vì thất niệm mà ta trở nên tham lam thu thập và chiếm hữu, muốn mình trở thành một nhân vật quan trọng. Chúng ta chấp vào các việc làm của những tâm ý nhỏ nhen, coi những tham vọng, cái tôi của mình là quan trọng nhất. Chúng ta đánh mất đi viễn tượng của một tâm lớn, về cái chết của mình.

Don Juan xem cái chết như một vị thầy; biết ý thức được cái chết không thể tránh khỏi của mình với một thái độ sáng suốt và chấp nhận, mà không hề hối tiếc, buồn lo hay sợ hãi. Quán tưởng về cái chết sẽ đem lại cho ta một sức mạnh, giúp ta biết trân quý và sống trọn vẹn trong mỗi giây phút, mỗi hành động.

Trong tâm thức của mỗi chúng ta đều có những khuôn mẫu, tạo nên bởi các hành động của mình. Thường thì đa số những hành động ấy là các thói quen xấu như giận dữ, yếm thế. Nhưng ta cũng có thể đem vào tâm một ý thức về cái chết, và dùng nó để chiếu soi mọi sinh hoạt của mình. Nếu ta biết lấy cái chết làm thầy, chúng ta sẽ sống mỗi giây phút thật trọn vẹn và chí tình, như là một nỗ lực cuối cùng trong cuộc sống.

Khi ta biết giữ cái chết trong tầm tay, ta sẽ bớt đi sự đam mê và quyến luyến những giây phút vui thú, thỏa mãn tạm thời. Và khi tâm không còn bị mê mờ vì ái dục và ảo tưởng, ta sẽ bớt đi khuynh hướng muốn chiếm hữu và sẵn lòng san sẻ tình thương và sự độ lượng của mình. Chánh niệm về cái chết cho ta một khoảng không gian sáng tỏ, giúp ta hiểu được thật sự mình là ai và ai là người sẽ chết.

Trên bình diện này, hiểu được lý vô thường có nghĩa là ý thức được những giai đoạn chuyển tiếp, ý thức được tính cách tạm thời của mọi hiện tượng từ giây phút này sang giây phút kế tiếp. Trong mỗi sát-na, tiến trình thân tâm và cả vũ trụ này đang khởi lên và mất đi, sinh và diệt tiếp nối nhau không ngừng nghỉ. Sự tu tập của ta là để đào luyện một tâm tĩnh lặng và an nhiên, không xao động trước mọi sự thay đổi.

Phương pháp tu tập này bắt nguồn từ một yêu cầu duy nhất là: ý thức được những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại mà không phản ứng. Một thiền sư ở Ấn Độ có dạy rằng, chúng ta chỉ cần ngồi và ý thức được rõ ràng là mình đang ngồi thì toàn bộ giáo pháp sẽ tự nhiên hiển bày. Bạn sẽ thấy được thông suốt tự tính của vạn vật, và khi ấy giáo pháp sẽ thật sự trở thành chính bạn.

Trong giai đoạn chuyển hóa này, nhờ ở sự quân bình và vô chấp, những đức tính tốt đẹp và tự tại của tâm sẽ bắt đầu hiển lộ. Một trong những đức tính này là lòng từ (metta). Lòng từ có nghĩa là lòng thương mình bằng một sự chấp nhận, không phê phán, giữ một không gian thanh thản trong tâm; và lòng thương kẻ khác, nhưng không vì lòng quyến luyến, muốn chiếm hữu. Đây không phải là một thứ tình thương có điều kiện - thương người khác vì một đức tính hay đặc điểm nào đó, và nếu họ thay đổi, tình thương của ta cũng chấm dứt. Nó không phải là một loại tình thương “đổi chác” theo kiểu “Tôi thương bạn nếu bạn thương tôi.”

Lòng từ phát xuất do trí tuệ là một thứ tình thương vô điều kiện, một lòng đại từ - một tình thân hữu, ấm áp đối với mọi loài ở mọi nơi. Tình thương ấy không chỉ có giới hạn trong những người đang có liên hệ với mình. Nhưng không phải ta đi tìm kiếm người khác vì nhu cầu, vì mong muốn, mà do sự phát tỏa tự nhiên của một tình thương không bờ bến.

Một đức tính nữa cũng bắt đầu hiển lộ là lòng bi. Lòng bi không phải là tự thương hại hoặc thương hại người khác, mà là thấy được sự đau khổ của mình và cảm nhận được những khổ đau của người khác.

Trong tiếng Pali có chữ “kilesa” thường được dịch là “những gì bất thiện”, nó cũng có một nghĩa đặc biệt là “phiền não”. Những sự giận dữ, tham lam, các tâm bất thiện đều có thể gây ra đau khổ. Chúng ta có thể thấy rõ ảnh hưởng của chúng đối với thân tâm mình, nếu ta biết quán chiếu khi chúng khởi sinh lên. Một khi chúng ta hiểu sâu giáo pháp, ta sẽ cảm thấy thương xót chứ không phê phán hay lên án những tính xấu của mình và ta sẽ thông cảm được nỗi khổ đau của người khác khi họ rơi vào những trạng thái như vậy. Thấy được tấm màn lưới chằng chịt của khổ đau mà tất cả chúng ta đang vướng vào, ta sẽ có lòng thương xót đối với nhau hơn.

Một biểu lộ cao quí nhất trong những đức tính này là sự phô bày của một cái rỗng không - vô ngã. Khi đã không còn “tôi” thì sẽ không còn “người khác”. Ý niệm phân chia sẽ biến mất. Lúc này ta cũng sẽ kinh nghiệm được cái một, sự đồng nhất của vạn vật.

Albert Einstein có viết: “Con người là một phần nhỏ của một cái lớn mà chúng ta quen gọi là vũ trụ. Phần nhỏ ấy bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Con người kinh nghiệm bản thân, tư tưởng của mình, cảm giác của mình như là những gì riêng biệt với tất cả, đây chỉ là một loại vọng tưởng. Vọng tưởng này là một thứ ngục tù của chúng ta, giới hạn ta vào một số tham vọng cá nhân và tình thương đối với người quanh ta. Mục đích của ta là tự giải thoát mình ra khỏi ngục tù này, bằng cách mở rộng lòng từ bi ra để ôm trọn mọi loài sinh linh và toàn cõi thiên nhiên với vẻ đẹp vô cùng của nó.”

Ánh sáng của đức từ bi trong tâm ta bấy lâu nay bị tham, sân, si che phủ. Khi chúng ta phá tan những đám mây mù này bằng sự quán chiếu của trí tuệ, thì đức từ bi sẽ lại bắt đầu chiếu soi một cách tự tại như xưa.

Đức Phật có dạy một phương pháp tu tập để phát triển mạnh mẽ những đức tính này trong đời sống. Pháp tu này được gọi là Metta Bhavana hay là Từ bi quán. Thực hành phương pháp này sẽ làm cho thiền Vipassana thêm phong phú, vì tạo ra được khoảng không gian thênh thang và sự nhẹ nhàng trong tâm. Pháp tu này củng cố khả năng quan sát mà không phê phán và giúp ta tránh được khuynh hướng thường tình trên đường tu tập, tránh được sự mong muốn trở thành một nhân vật nào khác.

Trên con đường tu tập, bạn sẽ nhận thấy rằng phương tiện và mục đích chỉ là một. Muốn đạt đến mục đích an lạc, chánh niệm và tình thương, ta phải biết cách thực hiện nó trong mỗi giây phút hiện tại.

Thường thì nên chúng ta thực hành Từ bi quán khoảng chừng năm hay mười phút trước hoặc sau mỗi lần ngồi thiền, hoặc vào cả hai thời điểm. Vào trước khi ngồi thiền, Từ bi quán sẽ tạo ra một khoảng không gian cởi mở mà ta có thể áp dụng vào sự chú ý đơn thuần, và vào cuối giờ thiền thì những tư tưởng từ bi có một ảnh hưởng rất mạnh vì tâm ta lúc đó đã được an định.

Phương pháp này rất giản dị. Ngồi xuống trong một tư thế thoải mái. Trước hết, chúng ta phải giải thoát tâm mình ra khỏi mọi sự căng thẳng hay thù hận, nếu có, bằng cách xin và ban bố sự tha thứ: “Nếu tôi đã từng làm cho ai đau khổ hay thương tổn bằng tư tưởng, lời nói hay hành động, tôi xin được tha thứ. Và tôi cũng tha thứ hoàn toàn cho những ai đã từng làm tôi đau khổ hay tổn thương.” Niệm thầm câu này vài ba lần trong sự tĩnh lặng là một phương pháp hiệu quả để gột rửa tâm khỏi những cặn bã của hận thù hay tức giận.

Tiếp đó, trong khoảng một vài phút hãy hồi hướng những tư tưởng tốt lành đến cho mình bằng cách niệm thầm câu này vài ba lần: “Xin cho tôi được hạnh phúc, xin cho tôi được an lạc, xin cho tôi được thoát khỏi những khổ đau.” Tập trung vào ý nghĩa của câu này. Chúng ta không thể nào thật sự thương một người khác nếu ta không chấp nhận và thương chính mình. Những danh từ, cách dùng chữ không quan trọng. Bạn hãy chọn câu nào có thể gây một sự rung động trong bạn và biến nó thành một câu thần chú của tình thương.

Tiếp tục thực hành, bắt đầu phóng tỏa những tư tưởng và tình cảm này đến những người khác: “Cũng như tôi muốn được hạnh phúc, cầu xin cho tất cả mọi loài được hạnh phúc. Cũng như tôi muốn được an lạc, cầu xin cho mọi loài đều được an lạc. Cũng như tôi muốn được thoát khỏi khổ đau, cầu xin cho mọi loài đều được thoát khỏi khổ đau.” Niệm thầm câu này vài ba lần, rồi bắt đầu phóng tỏa tư tưởng từ bi đến những người khác. Những câu này có thể được rút gọn lại một cách nhịp nhàng và tụng đọc trong vòng năm hay mười phút: “Xin cho tất cả được hạnh phúc, an lạc và không bị khổ đau.”

Bạn cũng có thể hướng những tư tưởng này đến một số người chọn lọc nào đó, có thể là những người thân yêu hay chính những người bạn đang tức giận hoặc có hiềm thù, như là cách cởi mở ra với lòng nhân hậu. Hãy hình dung những người ấy trong đầu khi bạn niệm những lời này. Và sau cùng hãy phóng tâm từ một lần nữa đến với mọi loài ở mọi nơi.

Trong thời gian đầu phương pháp này có vẻ như hơi máy móc, nhưng khi bạn thực tập đều đặn, cố gắng tập trung vào ý nghĩa của những lời ấy, vào sự chúc lành của bạn đến kẻ khác, dần dần tâm từ bi sẽ phát triển và trở nên vững mạnh.

Hỏi: Xin ông vui lòng giải thích thêm về sự liên hệ giữa từ bi và trí tuệ?

Đáp: Sự phát triển tâm từ là một loại thiền định làm cho tâm ta tập trung vào một điểm duy nhất là tình thương. Nó hoạt động trên bình diện thuộc về khái niệm, với một khái niệm “trở thành”. Đây là một phương pháp sử dụng khái niệm vô cùng khéo léo, vì nó tạo nên một khoảng không gian, nhờ đó mà chánh niệm có thể hoạt động hiệu quả hơn. Nói tóm lại, nó sử dụng định để đem lại sự nhẹ nhàng thanh thản trong tâm, nhờ đó ta có thể đi sâu hơn vào bình diện trí tuệ.

Hỏi: Ông có thể nói thêm một chút về sự sáng tỏ được không?

Đáp: Trong những giờ ngồi thiền, có thể bạn đã có những kinh nghiệm là đôi khi tâm mình rất sắc bén và sáng suốt, ý thức được mọi chuyện đang xảy ra trong mỗi giây phút; và cũng có những lúc tâm bạn bị mù mờ, lộn xộn, không nhận diện được sự việc một cách rõ ràng, mọi vật có vẻ mơ hồ. Nó cũng giống như trong một căn phòng tối lờ mờ, nếu chúng ta vặn đèn lên thì mọi vật sẽ trở nên rõ rệt và sáng tỏ hơn. Khi tâm ta không có đủ ánh sáng, ta không thể nào thấy rõ sự vật, ta có thể thấy lờ mờ bóng dáng của chúng chứ không thấy những chi tiết. Còn khi tâm ta có đủ ánh sáng, mọi vật có thể được phân biệt rõ ràng và nhờ vậy mọi tiến trình đều trở thành sáng tỏ, dễ hiểu. Ánh sáng đó chính là ánh sáng của ý thức và chánh niệm.

Hỏi: Nhưng rồi ta có bị chấp vào sự sáng tỏ đó không?

Đáp: Bạn có thể lắm chứ. Ta gọi đó là sự hư hoại của trí tuệ. Bạn phải ý thức được tự thân của sự sáng tỏ, để khỏi bị vướng mắc hay chấp cho nó là mình. Bởi vì sự sáng tỏ cũng chỉ là một phần của tiến trình. Khi chánh niệm và định lực mới bắt đầu phát triển, người ta thường tưởng rằng lúc này mình đã được giác ngộ, đã đến đích rồi, không còn gì nữa để làm. Bởi vì lúc ấy ta cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng, an lạc và hạnh phúc lắm. Lúc ấy, vai trò của vị thầy rất quan trọng, ông chỉ khuyên: “Hãy cứ tiếp tục ngồi thiền.”

Hỏi: Sự sáng tỏ ấy ở với ta qua mọi giai đoạn hay là chúng cũng chỉ đến rồi đi như những hiện tượng khác?

Đáp: Khi ta tu tập tiến bộ, nó ở với ta lâu hơn, mặc dù không phải là mãi mãi. Nó là một tâm hành phát triển mạnh theo sự thực hành của mình. Bạn sẽ trải qua những giai đoạn tiến bộ của sự sáng tỏ, cho dù ở những giai đoạn này ta không còn cảm thấy vui thú hay hỷ lạc nữa. Trong những trạng thái khổ đau cũng vẫn có thể có sự sáng tỏ. Bạn sẽ trải qua những giai đoạn mà bạn kinh nghiệm một sự khổ đau vô bờ cũng như niềm an lạc bất tận. Trong cả hai trạng thái đều có một sự sáng tỏ. Con đường, như Don Juan đã nói, là để đạt đến một sự toàn vẹn của con người. Không phải chỉ để kinh nghiệm một khía cạnh, nhưng là để kinh nghiệm niềm hạnh phúc, nỗi khổ đau, sự trong sáng, tất cả. Thấy được một cách trọn vẹn ta là ai.

Hỏi: Có phải từ bi chỉ ảnh hưởng tới tâm của mình mà thôi?

Đáp: Sức mạnh của một tâm từ khi được trợ lực bởi sự tập trung của tâm ý thì rất mãnh liệt. Có một câu chuyện về đức Phật và người em họ của ngài là Đề-bà-đạt-đa. Ông này muốn giết Phật để trở thành giáo chủ của Tăng đoàn. Đề-bà-đạt-đa biết rằng ông không thể nào giết Phật một cách công khai được, nên ông sắp đặt để cho một con voi đã uống rượu say chạy đến chỗ đức Phật đang đi khất thực. Ông nghĩ rằng, hoặc là đức Phật sẽ sợ hãi bỏ chạy, như vậy thì uy tín của ngài sẽ bị tiêu tan; hoặc nếu ngài ở lại thì sẽ bị con voi say kia dày xéo đến chết. Khi đức Phật đang đi khất thực trên một con đường nhỏ hẹp, Đề-bà-đạt-đa thả con voi say ra. Nhưng đức Phật không hề hoảng sợ hay bỏ chạy. Ngài vẫn đứng điềm nhiên với một tâm định kiên cố, rồi ngài phóng tỏa những tư tưởng từ bi đến con voi say ấy. Trong kinh kể lại rằng tâm từ của đức Phật làm cho con voi trở nên an tĩnh, và nó từ từ quỳ xuống trước chân ngài.

Hỏi: Tâm từ bi biểu lộ ra bằng cách nào?

Đáp: Lòng từ bi không nhất thiết phải theo một luật hành động nhất định nào. Nó chỉ có nghĩa là cố hết sức mình để hành động bằng tình thương, bằng tâm từ qua những phương thức thích hợp với hoàn cảnh. Điều quan trọng là không nên tìm kiếm một công thức hành động nhất định để đem áp dụng cho mọi hoàn cảnh, vì bạn phải thành thực với chính mình, với những gì mình đang cảm nghĩ. Trong giai đoạn đầu thì cách thực hành Từ bi quán rất máy móc. Tâm từ là một tâm hành, nó không phải là một cái gì huyền bí mà ta nghĩ rằng mình có hay không có. Trên phương diện này, nó cũng giống như là chánh niệm, tâm định, trí tuệ hay là tham, sân. Nếu ta biết trau dồi, nó sẽ phát triển, còn nếu bỏ quên, nó sẽ héo hon đi. Lúc đầu thì nó không có vẻ tự nhiên, nó đòi hỏi một sự cố gắng, nhưng khi luyện tập tiến bộ ta sẽ trở nên thuần thục và tâm từ sẽ tự nó phát khởi.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 29 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hoa nhẫn nhục


Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)


Quy nguyên trực chỉ


Bhutan có gì lạ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.148.105.127 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (141 lượt xem) - Hoa Kỳ (6 lượt xem) - ... ...