Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chưa từng có ai trở nên nghèo khó vì cho đi những gì mình có. (No-one has ever become poor by giving.)Anne Frank
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Người khôn ngoan học được nhiều hơn từ một câu hỏi ngốc nghếch so với những gì kẻ ngốc nghếch học được từ một câu trả lời khôn ngoan. (A wise man can learn more from a foolish question than a fool can learn from a wise answer.)Bruce Lee
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Ai vào địa ngục »» Nhất thiết duy tâm tạo »»

Ai vào địa ngục
»» Nhất thiết duy tâm tạo

Donate

(Lượt xem: 8.444)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Ai vào địa ngục - Nhất thiết duy tâm tạo

Font chữ:


Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Nếu ai muốn hiểu rõ được về hết thảy các đức Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai, thì nên quán xét tánh thật của các pháp trên thế gian này tất cả đều là do tâm tạo thành.” (Nhược nhân dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo.)

Nói rằng tánh thật của các pháp tất cả đều do tâm tạo thành, có thể là trừu tượng và do đó có phần khó hiểu đối với một số người. Nhưng chính cái “trừu tượng và khó hiểu” này lại là một trong những điểm cốt tủy của đạo Phật, và cũng là phần giáo lý thiết thực nhất có thể mang lại sự giải thoát, an lạc ngay trong hiện tại cho những ai hiểu rõ, tin nhận và hành trì.

Tuy nhiên, nói là “trừu tượng và khó hiểu”, thật ra chỉ là đối với những ai mới tiếp xúc thoáng qua mà thôi. Nếu có một sự chiêm nghiệm sâu sắc, hầu như bất cứ ai cũng có thể nhận hiểu được ý nghĩa của lời dạy này, cho dù mức độ nhận hiểu và thực hành có thể là khác nhau ở mỗi người.

Có bao giờ bạn quan sát cuộc sống của những người mù? Đối với họ, ánh sáng, màu sắc, hình ảnh đều không còn có giá trị phân biệt gì nữa. Vì thế, ngày và đêm đối với họ là như nhau, sáng và tối không có gì khác, và hết thảy màu sắc, hình ảnh đều không còn được họ nhận biết. Và nếu là những người mù từ lúc mới sinh ra, thì những khái niệm về màu sắc, ánh sáng, hình ảnh đối với họ chính là những khái niệm không thể nắm bắt, hình dung được!

Tương tự như vậy, khi một người bị điếc thì mọi âm thanh cũng không còn có giá trị nhận biết, phân biệt. Bạn không thể bàn luận với người ấy về những âm thanh hay, dở, to, nhỏ... bởi vì đối với họ thì tất cả những tính chất ấy xem như không hiện hữu.

Và nếu chúng ta truy xét đến tận cội nguồn của các giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng sở dĩ mỗi giác quan ấy có thể hoạt động, giúp ta giao tiếp với các đối tượng tương ứng như hình sắc, âm thanh, mùi vị... đó là nhờ có một “năng lực nhận biết” bao trùm tất cả, hiểu được tất cả. Không có “năng lực nhận biết” này, người có mắt sáng cũng như mù, có tai cũng như điếc... bởi thật ra thì hết thảy các giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều chỉ là những ứng dụng khác nhau của cái “năng lực nhận biết” đó. Điều này giải thích vì sao khi một người bị mù thì thính giác và xúc giác sẽ tự nhiên phát triển tốt hơn, giúp họ bù đắp lại phần nào khả năng giao tiếp với môi trường, chẳng hạn như để nhận biết đường đi, đối tượng...

Khi một người ngủ rất say, cho dù các giác quan của anh ta hoàn toàn bình thường, nhưng lúc đó anh ta sẽ không nhận biết được ánh sáng, âm thanh, mùi hương... ở quanh mình. Vì sao vậy? Vì các giác quan tuy vẫn bình thường, nhưng “năng lực nhận biết” của anh ta đang tạm thời không hiển lộ.

Như vậy, chính nhờ có năng lực nhận biết này mà chúng ta mới có thể vận dụng được các giác quan trong sự giao tiếp với môi trường. Khi mắt tiếp xúc với hình sắc, sự nhận biết này biểu hiện thành nhãn thức, hay cái biết của mắt. Khi tai tiếp xúc với âm thanh, sự nhận biết này biểu hiện thành nhĩ thức, hay cái biết của tai. Khi mũi tiếp xúc với mùi hương, sự nhận biết này biểu hiện thành tị thức, hay cái biết của mũi. Khi lưỡi tiếp xúc với vị nếm, sự nhận biết này biểu hiện thành thiệt thức, hay cái biết của lưỡi. Khi thân tiếp xúc, đụng cọ với mọi đối tượng mềm, cứng, trơn, nhám... sự nhận biết này biểu hiện thành thân thức, hay cái biết của thân, cũng gọi là xúc giác. Khi ý tiếp xúc với các ý tưởng, các pháp, sự nhận biết này biểu hiện thành ý thức, hay cái biết của ý.

Như vậy, sự biểu hiện của năng lực nhận biết ở sáu căn tạo thành sáu thức, và các đối tượng nhận biết như hình sắc, âm thanh, mùi hương... cho đến các đối tượng của ý được gọi chung là sáu trần.

Trong sáu thức vừa kể trên thì ý thức là đặc biệt nhất, bởi tính chất hoạt động của nó liên quan đến tất cả các thức kia. Chẳng hạn, khi mắt nhìn thấy các hình sắc thì hoạt động của nhãn thức chỉ đơn thuần là nhận biết hình sắc ấy mà thôi. Trên cơ sở sự nhận biết của nhãn thức, ý thức mới khởi lên sự phân biệt, đánh giá về đối tượng, chẳng hạn như xanh, đỏ, đẹp, xấu... Chính do nơi sự phân biệt, đánh giá của ý thức mà chúng ta mới hình thành những cảm xúc như sự ưa thích hay chán ghét... đối với đối tượng.

Vì tính chất bao quát và quan trọng của ý thức, nên chúng ta rất dễ cho rằng ý thức chính là “ông chủ” của mọi hoạt động. Sự thật thì ý thức cũng chỉ là một trong sáu thức, và do đó cũng chỉ tồn tại trong mối quan hệ tương quan giữa căn và trần như trên đã nói. Khi tách rời mọi đối tượng của ý, ta không thể hình dung được sự hoạt động của ý thức. Hơn nữa, ngay trong khi ý thức đang hoạt động, ta vẫn có thể nhận ra được một năng lực nhận biết có khả năng “nhận biết mọi hoạt động của ý thức”.

Để nhận rõ điều này, chúng ta chỉ cần ngồi yên trong một thời gian ngắn, tập trung sự chú ý quan sát của mình vào dòng tư tưởng, vào những ý nghĩ đang diễn ra trong nội tâm. Khi ấy, ta sẽ nhận ra rằng ngoài cái “tôi” đang tư duy, còn có một cái “tôi” có thể tách biệt ra và nhận thức được cái “tôi” đang tư duy kia.

Điều này thật ra có ý nghĩa gì? Chính là một bằng chứng cho thấy cái dòng tư tưởng thường ngày vẫn chi phối mọi hoạt động của chúng ta thật ra không phải do ý thức làm chủ. Ý thức cũng chỉ là một trong sáu thức, và vì thế, cũng tương tự như năm thức kia, nó chỉ hoạt động được là nhờ có một năng lực nhận biết biểu hiện ra ở nó.

Khi chúng ta chưa hiểu được điều này, chúng ta dễ dàng chấp nhận mọi sự thôi thúc, sai khiến do ý thức đưa ra, khiến cho năm thức còn lại đều phải chịu sự chi phối và sai khiến của nó. Sự chi phối và sai khiến ấy diễn ra như thế nào? Khi mắt (căn) tiếp xúc với hình sắc (trần) và sự thấy hình thành, ý thức lập tức nảy sinh sự phân biệt và đánh giá về đối tượng, phân loại đó là đẹp hay xấu, đáng yêu hay dễ ghét... Do nơi sự phân biệt và đánh giá của ý thức, sự nhận biết của nhãn thức liền không còn đơn thuần chỉ là nhận biết nữa, mà nảy sinh sự mê đắm hoặc chán ghét đối với từng đối tượng. Từ đó, chúng ta bắt đầu có sự say mê, yêu thích, chạy theo những hình sắc xinh đẹp, thích ý, và chê chán những hình sắc xấu xí, thô thiển...

Như vậy, bản thân đối tượng vốn không có những thuộc tính như đáng yêu hay đáng ghét, nhưng qua sự chi phối và sai khiến của ý thức, chúng ta mới rơi vào sự mê đắm hình sắc.

Tương tự, với các đối tượng khác như âm thanh, mùi ngửi, vị nếm, những xúc chạm của thân thể, sự mê đắm của chúng ta đều được hình thành theo cách đó. Trong kinh thường gọi sáu thức là sáu tên giặc (lục tặc), chính là do ý nghĩa này. Và những ai chấp nhận sự chi phối, sai khiến, buông thả sáu căn chạy theo sáu trần được gọi là “nhận giặc làm con” (nhận tặc vi tử). Bởi chính do nơi đây mà chúng ta thực hiện tất cả mọi hành vi tạo tác các nghiệp thiện ác, chính do nơi đây mà chúng ta mê đắm không nhận ra được bản chất thực sự của đời sống.

Nhưng cũng có thể nói rằng việc kết tội sáu thức là có phần nào oan uổng. Bởi chính sự mê đắm, chạy theo trần cảnh mới là thủ phạm thôi thúc, xúi giục chúng ta tạo nghiệp. Còn bản thân sự nhận biết sáng suốt của sáu thức vốn dĩ không có gì sai trái! Chính là khi hiểu được điều này, ta mới có thể ngay tức thời dừng lại mọi cuộc săn đuổi của sáu thức, buông bỏ mọi đối tượng thuộc về trần cảnh; và ngay khi đó sáu thức trở thành sáng suốt, trong sạch, đồng một thể tánh với cái năng lực nhận biết đã hiển lộ ở nơi chúng. Hay nói khác đi, sáu thức vốn không thực có, mà chỉ là sự biểu hiện của một sự sáng suốt duy nhất mà thôi!

Vì thế, khi chúng ta mê đắm một đối tượng nào đó thì sự mê đắm ấy là ở nơi ta chứ không phải là thuộc tính của đối tượng. Và cuộc sống của chúng ta thông thường là sự tiếp nối của vô số những đối tượng làm ta mê đắm, nên việc nhận biết được điều này là cực kỳ quan trọng, vì nó có thể giải thoát chúng ta ra khỏi sợi dây ràng buộc từ muôn kiếp, giúp ta trở thành người tự do, tự tại!

Điều này giải thích vì sao một đối tượng có thể làm cho người nào đó say mê đến điên cuồng nhưng lại chẳng có sức cuốn hút nào đối với một người khác. Bởi vì sự say mê đó vốn dĩ hoàn toàn không phải là thuộc tính của đối tượng.

Đến đây, chúng ta có thể nhận ra được rằng, đối với mỗi người thì sự hiện hữu của cả thế giới này vốn dĩ chỉ có thể có được nhờ vào năng lực nhận biết. Không có cái “biết” của ta thì thế giới này xem như không hiện hữu đối với ta, cũng như hình sắc không hiện hữu đối với người mù, âm thanh không hiện hữu đối với người điếc...

Rất có thể bạn sẽ thấy có phần khó hiểu ở điểm này. Người mù không nhận biết hình sắc, nhưng hình sắc vẫn tồn tại đấy thôi! Người điếc không nhận biết âm thanh, nhưng đâu phải vì thế mà âm thanh không hiện hữu? Tương tự, bạn có thể nghĩ rằng, cho dù bản thân ta có “biết” hay “không biết” thì thế giới này vẫn đang hiện hữu chứ không thể vì thế mà biến mất!

Vấn đề ở đây là, chúng ta đang nói đến sự hiện hữu “đối với” chúng ta, không phải đối với những người khác. Đúng là hình sắc vẫn tồn tại, cho dù một người mù không nhận biết được. Nhưng bạn hãy thử suy nghĩ xem, đối với một người bị mù từ lúc mới sinh ra, cho dù thế giới này có hàng tỷ người sáng mắt, liệu có thể nào làm cho người mù ấy hiểu được thế nào là “màu đỏ” hay chăng? Vậy đối với người mù ấy, màu đỏ có hiện hữu hay chăng?

Tương tự, cho dù thế giới mà ta đang sống có vẻ như vẫn luôn hiện hữu bất chấp sự nhận biết hay không của ta, nhưng thật ra thì sự hiện hữu ấy chỉ có giá trị đối với ta một khi ta nhận biết được nó. Và do đó, tính chất thật sự của thế giới ấy bao giờ cũng do chính bản tâm ta tạo ra.

Khi một đức Phật thành đạo, cả thế giới trở nên trang nghiêm thanh tịnh. Tuy nhiên, đối với những chúng sinh còn mê tối thì thế giới vẫn đầy dẫy những điều cấu uế, bất tịnh. Trong kinh Duy-ma-cật, Phật bảo ngài Xá-lỵ-phất rằng:

“Xá-lỵ-phất! Do tội của chúng sinh, nên họ chẳng thấy quốc độ của Như Lai trang nghiêm thanh tịnh, chẳng phải lỗi của Như Lai. Xá-lỵ-phất! Cõi thế giới này của ta là thanh tịnh, nhưng ngươi chẳng thấy được như vậy.”

Và ý nghĩa này được tóm gọn vào một câu cũng trong kinh Duy-ma-cật: “Tùy tâm thanh tịnh, ắt cõi Phật thanh tịnh.” (Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh.)

Cõi Phật ở đây chính là thế giới mà mỗi chúng ta đang cảm nhận, nhìn thấy trong đời sống. Một khi tâm thức ta được thanh tịnh, thế giới ấy sẽ được thanh tịnh. Như vậy, rõ ràng là “thanh tịnh” hay “bất tịnh” đều không phải là những thuộc tính vốn có của thế giới. Những tính chất ấy đều do nơi tâm thức của ta mà có. Và chính do đây mà chúng ta có thể hiểu được thế nào là “nhất thiết duy tâm tạo”.

Và cái “tâm” mà chúng ta đang nói đến thật ra không phải là gì khác mà chính là cái năng lực nhận biết sáng suốt đã hiển lộ qua sáu căn thành sáu thức. Trong nhiều kinh sách, cái gọi là “năng lực nhận biết” này được gọi bằng rất nhiều tên khác nhau, đơn giản chỉ là vì không một tên gọi nào có thể được xem là hoàn toàn nói rõ được nó, mà tất cả đều chỉ được tạm dùng trong những trường hợp nhất định để mô tả về một điều vốn thật ra là chỉ có thể nhận hiểu mà không thể mô tả được. Những tên gọi khác nhau ấy có thể là “cái biết”, có thể là “chân như”, có thể là “thật tánh”, có thể là “chân tâm”, có thể là “chân tánh”... và rất nhiều tên gọi khác nữa. Tuy nhiên, dù gọi bằng bất cứ tên gọi nào, điều đó cũng không quan trọng. Vấn đề quan trọng nhất chính là nhận biết và tách rời được nó ra khỏi ý thức hư vọng vốn luôn là cái bóng của pháp trần. Và khi chúng ta có thể làm được điều đó, thì ngay chính ý thức tự nó cũng không còn tồn tại, mà sẽ trở thành sự hiển lộ sáng suốt của chân tâm.

Sự phân biệt giữa ý thức hư vọng và chân tâm chính là giới hạn mà khoa học chưa thể vượt qua. Bởi vì mỗi sự nhận biết của giác quan đều có một “trú xứ” cụ thể, chẳng hạn như sự nhận biết của mắt hay nhãn thức nằm ở mắt, sự nhận biết của tai hay nhĩ thức nằm ở tai... Cho đến sự nhận biết của ý hay ý thức vẫn được xem là nằm ở bộ óc. Trong khi đó, năng lực nhận biết hay chân tâm mà chúng ta vừa đề cập đến quả thật không có một “trú xứ” nhất định, nhưng đồng thời mắt, tai, mũi, lưỡi... lại đều có thể xem là trú xứ của nó, bởi đó chính là sự hiển lộ của nó chứ không phải là gì khác.

Vì không nhận biết được sự hiện hữu của một chân tâm, nên việc tin nhận về một sự tồn tại sau khi chết là điều rất khó. Bởi vì khi mắt, tai, mũi... cho đến bộ óc đều hư hoại sau khi chết, thì dựa vào đâu để có được một sự tồn tại? Ngược lại, nếu chúng ta nhận biết rằng nhãn thức cho đến ý thức vốn không thật có, chỉ là sự hiển lộ của một chân tâm sáng suốt, thì sự hoại diệt của chúng hoàn toàn không thể đồng nghĩa với sự hoại diệt của chân tâm. Tuy nhiên, làm thế nào để nhận biết được sự hiện hữu của chân tâm, hay nói theo ngôn ngữ của nhà thiền là “kiến tánh”, lại là một chủ đề khá rộng. Vì thế, điều tất nhiên là chúng ta không thể đề cập đến trong phạm vi của tập sách này.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 11 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)


Vì sao tôi khổ


Sống và chết theo quan niệm Phật giáo


Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.96.236 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...