Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thông minh tạo nên một nhà khoa học lớn. Nhưng họ đã lầm, chính nhân cách mới làm nên điều đó. (Most people say that it is the intellect which makes a great scientist. They are wrong: it is character.)Albert Einstein
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Chánh pháp và Hạnh phúc »» 2. TRÍ TUỆ TRONG ĐẠO PHẬT »»

Chánh pháp và Hạnh phúc
»» 2. TRÍ TUỆ TRONG ĐẠO PHẬT

Donate

(Lượt xem: 939)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Chánh pháp và Hạnh phúc - 2. TRÍ TUỆ TRONG ĐẠO PHẬT

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Mục đích của đạo Phật là diệt khổ và đem vui cho mọi loài, nhưng phải là người có trí mới biết được con đường đưa đến an lạc và hạnh phúc. Mục đích của đạo Phật là giải thoát và giác ngộ, và chỉ có trí tuệ (paññā) mới là phương tiện duy nhất đưa loài người đến bờ giải thoát và giác ngộ.

Do vậy vai trò của người có trí và vai trò của trí tuệ chiếm cứ vị trí then chốt trong mọi lời dạy của Đức Bổn Sư chúng ta. Và chúng ta có thể nói đạo Phật là đạo của người có trí, là đạo của tuệ giác để tìm cho được một định nghĩa thỏa đáng cho đạo Phật.

Trước hết chúng ta nên phân biệt giữa người có trí thức như thông thường được hiểu và người có trí tuệ như đạo Phật thường định nghĩa. Người có trí thức là người có thể có một trí thức uyên bác về một vấn đề gì, có thể phân tích trình bày vấn đề ấy một cách khúc chiết và triệt để, nhưng người ấy là người chỉ có biết chớ không có hành, và người ấy đối với vấn đề ấy vẫn có thể bị chi phối, không được tự tại. Ví như một người có thể hiểu biết rất nhiều về vấn đề rượu, hiểu rượu gồm có những chất liệu gì, tác động của rượu đến với cơ thể như thế nào. Người ấy gọi là người có trí thức về rượu, nhưng người ấy vẫn uống rượu, vẫn bị say rượu, vẫn bị rượu chi phối. Như vậy người ấy chưa có trí tuệ về rượu. Trái lại, một người hiểu rõ được rượu là gì, biết rõ được sự nguy hại của rượu, lại có khả năng không bị rượu chi phối, không uống rượu, không nghiện rượu, không say rượu, vượt ra khỏi sự chi phối của rượu. Như vậy người ấy được xem là người có trí tuệ về rượu. Có người hỏi, nếu có người không có trí thức về rượu, nhưng không uống rượu, người ấy được xem là có trí tuệ không? Lẽ dĩ nhiên là không. Người ấy vẫn hưởng được những lợi ích do không uống rượu đưa đến, như không say rượu, không nghiện rượu do cử chỉ không uống rượu của mình. Nhưng rất có thể, trong một trường hợp đặc biệt nào đó, vì thiếu khả năng đối trị với sự cám dỗ của rượu, vị ấy bắt đầu uống rượu, đi đến say rượu và nghiện rượu.

Với sự phân biệt này chúng ta mới hiểu được định nghĩa người có trí như đã được Đức Phật định nghĩa rất rộng rãi trong những lời dạy của Ngài. Sự phân biệt này giúp chúng ta nhận định hai dạng người thường có trong những người Phật tử. Một hạng người rất uyên bác trong đạo Phật, hiểu biết về kinh điển rất nhiều, nhưng vẫn không được xem là người có trí tuệ. Hạng người này hiện có khá nhiều trong những học giả, thuần túy nghiên cứu đạo Phật, uyên thâm ba tạng giáo điển, cả ba tạng nguyên thủy lẫn ba tạng phát triển, nhưng chỉ có nghiên cứu, không có hành trì. Miệng chỉ nói hành thiền giỏi nhưng không hành thiền, trình bày hay về diệu dụng của trí tuệ, nhưng không phát triển trí tuệ, như vậy cũng chưa được gọi là có trí tuệ. Một hạng người khác, có lòng tín thành, hành trì theo những giới cấm trong đạo Phật, nhưng chỉ có lòng tin, chưa chuyển lòng tin thành trí, nên cũng không thể xem là người có trí tuệ được, vì người ấy vẫn có khả năng bị tham, sân, si chi phối và do vậy, chưa được xem là người có trí tuệ.

Tuy vậy, người có trí tuệ được đề cập rất nhiều trong những lời dạy của Ngài, và người có trí ở đây được diễn tả như một thứ lương tri, giúp chúng ta phân biệt chánh tà, thiện ác, tịnh uế, lạc khổ, thắng liệt. Điều quan trọng là trí tuệ ở nơi đây không còn là một đặc tánh hy hữu, có một không hai, mà trở thành một thứ lương tri luôn luôn có mặt trong chúng ta, tác động như một ngọn đèn soi sáng chúng ta biết phân biệt chọn lựa giữa thiện và ác, giữa chánh với tà, khiến chúng ta có thể nhận biết những gì nên làm, những gì không nên làm, để chúng ta có thể tự hướng dẫn mình tiến đến an lạc và giải thoát. Diệu dụng này được Đức Bổn Sư chúng ta khéo léo diễn tả đặc tánh, những thái độ, những việc làm của hai hạng người, được gọi là kẻ ngu, người trí. Khi đọc qua những đoạn kinh diễn tả người ngu và người trí, chính lương tri chúng ta trở thành sinh động, giúp chúng ta nhận hiểu một cách rõ ràng những gì là tốt đẹp và những gì là không tốt đẹp cho mình và cho người.

Trong Tăng chi có nêu rõ sự sai khác một trời một vực giữa người ngu và kẻ trí: “Thành tựu ba pháp, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm ác, miệng làm ác, ý nghĩ ác. Thành tựu ba pháp, người trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện.” (AN 3.1)

Cũng theo ý nghĩa này, Đức Phật nói thêm: “Phàm có sợ hãi nào khởi lên, này các tỳ kheo, tất cả sự sợ hãi ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí... Như vậy người ngu có sợ hãi, người trí không sợ hãi; người ngu có nguy hiểm, người trí không có nguy hiểm; người ngu có tai họa, người trí không có tai họa. Này các tỳ kheo, không có sợ hãi đến với người trí, không có nguy hiểm đến với người trí, không có tai họa đến với người trí” (AN 3.1). Thật là một sự xác chứng quá rõ rệt về sự sai biệt giữa người ngu và người hiền trí, dưới cái nhìn của một bậc đã giác ngộ.

Một sự sai khác rõ rệt nữa giữa người ngu và kẻ trí là đối với các cảm thọ. Người ngu khi gặp khổ thọ về thân thường sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực đi đến bất tỉnh. Đức Phật ví dụ như người rơi vào vực thẳm, không đứng trên bờ, không đạt chỗ chân đứng an toàn. Còn bậc trí, đối với khổ thọ về thân, thời “không sầu muộn, không than van, không khóc lóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh”. Như vậy Đức Phật dạy, vị ấy được gọi là: “Bậc Thánh đệ tử nghe nhiều đã đứng trên bờ vực thẳm, đã đạt tới chỗ chân đứng an toàn” (SN 36.6). Bậc Đạo sư lại nói thêm: “Người ngu si nghe ít, khi cảm xúc khổ thọ, thời sầu muộn, than van, ... đi đến bất tỉnh.” Như vậy cảm thọ có hai loại, cảm thọ về thân và cảm thọ về tâm. Đức Phật ví như người bị bắn trúng hai mũi tên, vừa đau khổ về thân, vừa đau khổ về tâm.

Lại nữa, người ngu si nghe ít, khi cảm xúc khổ thọ, cảm thấy sân hận nên sân tùy miên tồn tại và tăng trưởng. Vị ấy tìm sự xuất ly khỏi khổ thọ bằng cách hoan hỷ dục lạc, do không tìm được một xuất ly nào khác. Do hoan hỷ dục lạc ấy, tham tùy miên đối với lạc thọ tồn tại và tùy tăng. Vị ấy không như thật biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy. Do vậy vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ tồn tại và tùy tăng. Như vậy, nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, vị ấy cảm giác lạc thọ, cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm giác như người bị trói buộc. Ở đây, Đức Phật dạy: “Người ngu si nghe ít, bị trói buộc bởi sanh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não. Ta nói rằng người ấy bị trói buộc bởi đau khổ” (SN 36.6). Còn đối với bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, khi cảm xúc khổ thọ, không có sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, vị ấy chỉ cảm giác một cảm thọ, tức cảm thọ về thân, không cảm thọ về tâm. Đức Phật ví như người ấy bị bắn bởi một mũi tên, chỉ đau khổ về thân, không đau khổ về tâm. Lại nữa vị Thánh đệ tử nghe nhiều, khi cảm xúc khổ thọ, không cảm thấy sân hận nên sân tùy miên không tồn tại và tăng trưởng. Vị ấy tìm được sự xuất ly ra khỏi khổ thọ, ngoài dục lạc. Vị ấy, không hoan hỷ dục lạc, nên tham tùy miên đối với dục lạc không có tồn tại, không có tùy tăng. Vị ấy như thật tuệ tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly của những cảm thọ ấy. Do vậy vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ không tồn tại, không có tùy tăng. Như vậy, vị Thánh đệ tử nghe nhiều ấy cảm giác khổ thọ, cảm giác lạc thọ, cảm giác bất khổ bất lạc thọ, không có như người bị trói buộc. Ở đây, Đức Phật dạy: “Vị Thánh đệ tử nghe nhiều, không bị trói buộc bởi sanh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não. Ta nói người ấy không bị trói buộc bởi đau khổ” (SN 36.6).

Được hỏi sự sai khác giữa người ngu và bậc hiền trí, đối với các thân do vô minh che đậy, do ác phược ràng buộc khởi lên quan điểm có thân này, có danh sắc ở ngoài, do duyên thân này, có sáu xúc xứ và có cảm thọ lạc khổ, vậy có sự sai khác gì giữa bậc hiền trí và kẻ ngu? Đức Phật dạy: “Này các tỳ kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, thân này của người ngu được sanh khởi. Vô minh ấy, người ngu không đoạn tận. Tham ái ấy, người ngu không tận trừ. Vì cớ sao? Này các tỳ kheo, người ngu sống phạm hạnh không phải vì chơn chánh đoạn tận khổ đau. Do vậy, người ngu khi thân hoại mạng chung, đi đến một thân khác. Do đi đến một thân khác, vị ấy không thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não. Ta nói rằng vị ấy không thoát khổ đau” (SN 12.19).

“Và này các tỳ kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, thân người hiền trí được sanh khởi. Vô minh ấy, người hiền trí đoạn tận. Tham ái ấy, người hiền trí tận trừ. Vì cớ sao? Này các tỳ kheo, người hiền trí sống phạm hạnh, vì chơn chánh đoạn trừ khổ đau. Do vậy, người hiền trí khi thân hoại mạng chung, không đi đến một thân khác. Do không đi đến một thân khác, vị ấy giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não. Ta nói rằng vị ấy thoát khỏi đau khổ” (SN 12.19).

Một phân biệt tế nhị nữa là người có trí ưa thích im lặng như biển lớn, như cái gì đầy tràn, như ao đầy nước, còn kẻ ngu thì ồn ào như khe núi, như cái gì trống rỗng, như ghè với nước.

“Hãy học các dòng nước Nước khe núi chảy ồn, Từ khe núi vực sâu,
Biển lớn đầy, im lặng. (Snp 720)

Cái gì trống, kêu to, Ngu như ghè với nước, Cái gì đầy im lặng.
Bậc trí như ao đầy.” (Snp 721)

Có người hỏi, vì sao bậc có trí sống phạm hạnh rừng sâu, ăn một ngày một bữa, lại có dung sắc thù diệu, còn kẻ ngu lại héo mòn, như lau xanh rời cành. Đức Phật trả lời với bài kệ:

“Thường sống trong rừng núi,
Bậc Thánh sống phạm hạnh
Một ngày ăn một bữa,
Sao sắc chúng thù diệu?

Không than việc đã qua,
Không mong việc sắp đến,
Sống ngay với hiện tại,
Do vậy sắc thù diệu.

Do mong việc sắp tới,
Do than việc đã qua,
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh rời cành.” (SN 1.10)

Một số sự sai biệt nữa giữa người ngu, kẻ trí được khéo diễn tả trong một số bài kệ sau đây. Về hạnh không phóng dật:

“Người ngu si thiếu trí,
Chuyên đời sống phóng dật.
Người trí không phóng dật,
Như giữ tài sản quý.”
(Dhp 26)

“Người trí dẹp phóng dật,
Với hạnh không phóng dật,
Leo lầu cao trí tuệ,
Không sầu, nhìn khổ sầu,
Bậc trí đứng núi cao,
Nhìn kẻ ngu, đất bằng.”
(Dhp 28)

Đối với đời, người ngu, kẻ trí có thái độ thật sai khác:

“Hãy đến nhìn đời này
Như xe vua lộng lẫy,
Người ngu mới tham đắm,
Bậc trí nào đắm say. ”
(Dhp 7)

Nhiều sự sai biệt giữa người trí, kẻ ngu, sai biệt chỉ bằng gang tấc, tiến tới thành ngu, dừng lại là trí:

“Người ngu nghĩ mình ngu,
Như vậy thành có trí.
Người ngu tưởng có trí,
Thật xứng gọi chí ngu.”
(Dhp 63)

Một sự sai biệt khác, khá rõ rệt là thái độ người ngu, kẻ trí đối với Chánh pháp:

“Người ngu dầu trọn đời,
Thân cận người có trí,
Không biết được Chánh pháp
Như muỗng với vị canh.

Người trí dầu một khắc,
Thân cận người có trí,
Biết ngay chân diệu pháp,
Như lưỡi với vị canh.” (Dhp 64-65)

Ở nơi đây, chúng ta đã thấy vì sao người ngu hay xuyên tạc lời dạy của Đức Phật, còn người hiền trí bao giờ cũng giữ một thái độ đúng đắn, trung thành với lời dạy của Ngài:

“Này các tỳ kheo, có hai hạng người này hay xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? Người nêu rõ Như Lai có nói có thuyết là Như Lai không nói không thuyết. Và người nêu rõ Như Lai không nói không thuyết là Như Lai có nói có thuyết.”

“Này các tỳ kheo, có hai hạng người này không xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? Người nêu rõ Như Lai có nói có thuyết là Như Lai có nói có thuyết. Và người nêu rõ Như Lai không nói không thuyết là Như Lai không nói không thuyết. Cả hai hạng người này không xuyên tạc Như Lai.” (AN 2.23)

Khi chúng ta hiểu được định nghĩa người có trí thông qua một số lời dạy của Đức Phật, chúng ta nay có khả năng trình bày các định nghĩa căn bản của trí tuệ (paññā) trong đạo Phật và khả năng của trí tuệ đưa đến giác ngộ và giải thoát.

Trước hết là một số định nghĩa căn bản về trí tuệ: “Như thế nào được gọi là trí tuệ? Vì có tuệ tri, vì có tuệ tri, nên được gọi là trí tuệ. Tuệ tri là gì? Tuệ tri (pajānāti) đây là khổ. Tuệ tri đây là khổ tập. Tuệ tri đây là khổ diệt. Tuệ tri đây là con đường đi đến khổ diệt. Vì tuệ tri, vì tuệ tri nên được gọi là trí tuệ” (MN 43).Như vậy, trí tuệ là biết với tuệ tri, biết sự kiện, biết sự kiện tập khởi, biết sự kiện đoạn diệt, biết con đường đưa đến sự kiện đoạn diệt. Mở rộng thêm định nghĩa này là tuệ tri vị ngọt, tuệ tri sự nguy hiểm và tuệ tri sự xuất ly của các pháp, và do vậy nói chung có tất cả bảy lãnh vực cần phải tuệ tri, đối với một pháp, hay đối với bất cứ sự kiện nào, dầu tốt hay xấu cũng vậy. Như lấy dục làm đối tượng, thời phải tuệ tri dục, dục tập khởi, dục đoạn diệt, con đường đưa đến dục đoạn diệt, vị ngọt của dục, sự nguy hiểm của dục và sự xuất ly ra khỏi dục. Biết như vậy mới gọi là tuệ tri.

Một định nghĩa nữa về trí tuệ được đề cập đến. “Thế nào là tuệ lực? Ở đây, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với sự thể nhập bậc Thánh vào con đường đoạn tận khổ đau” (AN 7.4). Danh từ Pāli chuyên môn là ariyāya nibbedhikāya sammā dukkhakkhayagāminiyā (DN 34). Ở đây chữ nibbedhikāya có hai cách dịch, một là sự thể nhập, đi sâu vào con đường có khả năng đoạn tận khổ đau, tức là có khả năng giải thoát khỏi đau khổ. Cách dịch thứ hai là có khả năng đâm thủng dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, hay tham, sân, si, để cuối cùng đoạn tận khổ đau. Như vậy trí tuệ, ngoài khả năng tuệ tri sự tập khởi và sự đoạn diệt còn có khả năng đâm thủng được vô minh để cuối cùng được giải thoát.

Một định nghĩa nữa lại càng làm rõ rệt hơn cái công năng diệu dụng của trí tuệ (paññā): “Trí tuệ có nghĩa là thắng tri (abhiññāttha), có nghĩa là liễu tri (pariññāttha), có nghĩa là đoạn tận (pahānattha). Như vậy trí tuệ có khả năng thắng tri, tức là biết với thiền định, và thiền định đây là thiền định bất động thứ tư. Lại có khả năng liễu tri với sự hiểu biết rốt ráo trọn vẹn; và cuối cùng có khả năng đoạn tận được các lậu hoặc, dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, đoạn diệt được tham, sân, si, chấm dứt khổ đau.

Cho được rõ ràng hơn, chúng ta cần phân biệt tưởng tri (sanjānāti) nhờ tưởng (saññā) đưa đến, thức tri (vijānāti) do thức (viññāṇa) đưa đến, và ý tri (jānāti) do ý (mana) đưa đến. Tưởng tri, thức tri và ý tri là ba sự hiểu biết thông thường của thế gian đưa đến sự hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, triết học, bác học, v.v. Đạo Phật đóng góp thêm thắng tri và tuệ tri, sự hiểu biết ngang qua thiền định, tạo thêm sức mạnh cần thiết để con người làm chủ được bản thân, làm chủ được hoàn cảnh. Tuệ tri đưa đến một hiểu biết toàn diện, hoàn mãn, có khả năng đâm thủng vô minh, đoạn tận tham, sân, si, đưa đến chấm dứt khổ đau.

Nhưng trí tuệ chưa phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện đưa đến giải thoát. Với trí tuệ như vậy, vị ấy sanh nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, cuối cùng đưa đến giải thoát, theo tiến trình như sau: “Do nhàm chán nên ly tham; do ly tham nên giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết rõ: ‘Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc gì nên làm đã làm. Nay không còn trở lại trạng thái này nữa’” (SN 22.76).

Như vậy, vai trò của trí tuệ là lựa chọn các đối tượng để quán tri, để tuệ tri, và nhờ tuệ tri mới đưa đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, và cuối cùng là giải thoát. Các đối tượng rất nhiều, tùy theo pháp môn lựa chọn, tùy theo căn cơ của vị hành giả nhưng nếu đối tượng có khác, pháp môn tu tập có khác, tiến trình giải thoát có thể xem là giống nhau hay gần giống nhau.

Sau đây là một số tiến trình giải thoát, trích thuật từ kinh tạng Pāli, nói lên vai trò của trí tuệ đưa đến giải thoát tri kiến.

Trong kinh Xà dụ (MN 22), đối tượng cần phải tuệ quán là năm thủ uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Bất cứ năm thủ uẩn nào, quá khứ, hiện tại, vị lai, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả năm thủ uẩn cần phải tuệ quán: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi. Nhờ tuệ quán như vậy, vị đa văn Thánh đệ tử yếm ly sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Do yếm ly nên ly tham, do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát khởi lên sự hiểu biết: ‘Ta đã được giải thoát’. Vị ấy biết: ‘Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa’.”

Trong Đại kinh Mã ấp (MN 39), đối tượng cần phải tuệ quán là khổ và các lậu hoặc. “Vị hành giả cần phải tuệ tri: ‘Đây là khổ’; Đây là khổ tập’; “Đây là khổ diệt’; ‘Đây là con đường đưa đến khổ diệt’; ‘Đây là những lậu hoặc’; ‘Đây là những lậu hoặc tập khởi’; ‘Đây là những lậu hoặc đoạn diệt’; ‘Đây là con đường đưa đến lậu hoặc đoạn diệt’. Nhờ tuệ tri như vậy, hiểu biết như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát, như vậy, khởi lên sự hiểu biết: ‘Ta đã giải thoát’. Vị ấy biết: ‘Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm. Sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa’.”

Trong kinh Đoạn giảm (MN 8), đối tượng cần phải tuệ quán là các sở kiến: “Này Cunda, những loại sở kiến này khởi lên trên đời, hoặc liên hệ đến ngã luận, hoặc liên hệ đến thế giới luận, chỗ nào những sở kiến này tiềm ẩn và chỗ nào những sở kiến này hiện hành, chỉ có cách như thật quán sát chúng với trí tuệ rằng: ‘Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi’. Có vậy thời có sự đoạn trừ các sở kiến ấy, có sự xả ly những sở kiến ấy.”

Trong kinh Mật hoàn (MN 18), đối tượng được lựa chọn là các vọng tưởng hý luận (papañcasaññāsaṅkhā): “Này các tỳ kheo, do bất cứ nhân duyên gì, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người, nếu ở đây không có gì đáng tùy hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ, thời như vậy là sự đoạn tận tham tùy miên; sự đoạn tận sân tùy miên; sự đoạn tận kiến tùy miên; sự đoạn tận hỷ tùy miên; sự đoạn tận mạn tùy miên; sự đoạn tận hữu ái tùy miên; sự đoạn tận vô minh tùy miên; sự đoạn tận chấp trượng, chấp kiến, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ. Chính ở nơi ấy, những ác, bất thiện pháp này đều được tiêu diệt, không có dư tàn.”

Trong kinh Song tầm (MN 19), Đức Phật kể lại kinh nghiệm của Ngài khi Ngài chưa giác ngộ, Ngài đã sử dụng bất thiện tầm và thiện tầm như thế nào để hành trì giới, định, tuệ, cuối cùng đưa đến giải thoát giác ngộ. Ngài chia các loại tầm ra hai loại - Bất thiện tầm là dục tầm, sân tầm, hại tầm, và Thiện tầm là ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm. Khi dục tầm, sân tầm, hại tầm khởi lên, vị Bồ Tát tuệ tri: “Các bất thiện tầm này khởi lên nơi Ta, và các bất thiện tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết bàn”.

Khi Bồ Tát khởi lên suy tư như vậy, thời các bất thiện tầm biến mất và vị Bồ Tát tiếp tục từ bỏ, tẩy trừ, chấm dứt các bất thiện tầm khởi lên.

Khi ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm khởi lên, vị Bồ Tát tuệ tri: “Các thiện tầm này khởi lên nơi Ta, và các thiện tầm này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào phiền não, đưa đến Niết bàn. Nếu ban đêm Ta suy tư về ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm, không phải từ nhân duyên ấy, Ta thấy sợ hãi. Nếu ban ngày ta suy tầm, suy tư về ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm, không phải từ nhân duyên ấy, Ta thấy sợ hãi. Và nếu Ta suy tầm, suy tư quá lâu, thân thể Ta có thể mệt mỏi. Khi thân mệt mỏi thì tâm bị dao động. Khi tâm bị dao động thì tâm xa lìa định tĩnh. Rồi tự nội thân, Ta trấn an tâm, trấn tịnh tâm, khiến được nhất tâm, khiến được định tĩnh” (MN 19). Với tâm định tĩnh như vậy, vị Bồ Tát đoạn trừ năm triền cái, chứng sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, chứng túc mạng trí, thiên nhãn trí, lậu tận trí và cuối cùng được giải thoát giác ngộ.

Nay chúng tôi đề cập đến lý duyên khởi để giải thích vai trò của trí tuệ, lấy con người làm đối tượng để tuệ quán và từ nơi đây, vừa tìm được công thức đưa đến sự có mặt của con người và sự tập khởi của toàn bộ năm thủ uẩn, vừa tìm được công thức duyên diệt, đưa đến sự chấm dứt sanh tử và toàn bộ năm thủ uẩn này, như đã được diễn tả trong Đại kinh Ðoạn tận ái (MN 38). Trước hết, Đức Phật đặt vấn đề sự có mặt của con người (bhūta), sự có mặt này lấy bốn thức ăn làm nhân duyên, làm tập khởi, làm sanh chủng, làm hiện hữu, và một khi bốn món ăn này được đoạn diệt thì cũng chấm dứt sự có mặt của sinh vật này. Sinh vật đã do bốn món ăn làm tập khởi, ái do thọ làm tập khởi, thọ do xúc làm tập khởi, xúc do sáu xứ làm tập khởi, sáu xứ do danh sắc làm tập khởi, danh sắc do thức làm tập khởi, thức do hành làm tập khởi, hành do vô minh làm tập khởi. Như vậy, duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ năm thủ uẩn.

Như vậy, do duyên sanh nên có già chết, do duyên hữu nên có sanh, do duyên thủ nên có hữu, do duyên ái nên có thủ, do duyên thọ nên có ái, do duyên xúc nên có thọ, do duyên sáu xứ nên có xúc, do duyên danh sắc nên có sáu xứ, do duyên thức nên có danh sắc, do duyên hành nên có thức, do duyên vô minh nên có hành. Như vậy Đức Phật xác chứng duyên sanh của toàn bộ khổ uẩn tức là con người với công thức: “Cái này có mặt, cái đây có mặt. Cái này sanh, cái đây sanh” (Imasmiṃ sati idaṃ hoti, imassuppādā idaṃ uppajjati) – (SN 12.21).

Từ lý duyên sanh, Đức Phật đi đến lý duyên diệt. Do vô mimh đoạn diệt xả ly một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu bi khổ ưu não diệt. Như vậy là toàn bộ năm thủ uẩn diệt.

Như vậy do sanh diệt nên già chết diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt.

Do thức diệt nên minh danh sắc diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do vô minh diệt nên hành diệt. Như vậy, Đức Phật xác chứng duyên diệt với công thức: “Cái này không có mặt, cái đây không có mặt; cái này diệt, cái đây diệt.” (Imasmiṁ asati idaṁ na hoti, imassa nirodhā idaṁ nirujjhati). Vị hành giả, với trí tuệ biết được hai công thức duyên sanh và duyên diệt, nên sau khi giữ giới, sau khi chứng bốn thiền định, khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, vị ấy không tham ái đối với sáu trần khả ái hoặc không khả ái, vị ấy sống an trú niệm trên thân, với một tâm vô lượng. Vị ấy như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng, các bất thiện pháp được trừ diệt một cách hoàn toàn. Như vậy vị ấy từ bỏ thuận ứng nghịch ứng, có cảm thọ nào khởi lên, vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước thọ ấy. Vì vị ấy không có tùy hỷ, không có hoan nghênh, không có đắm trước, nếu có dục hỷ (nandi) khởi lên đối với các cảm thọ, dục hỷ ấy được trừ diệt không có dư tàn. Do dục hỷ của vị ấy diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu bi khổ ưu não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ năm thủ uẩn này.

Như vậy, với những đối tượng sai khác như năm thủ uẩn, khổ và các lậu hoặc, các sở kiến, các vọng tưởng hý luận, các bất thiện tầm và các thiện tầm, lý duyên khởi, trí tuệ đóng một vai trò then chốt trong trách nhiệm tuệ tri các đối tượng, liễu tri các đối tượng, cuối cùng đoạn tận được các lậu hoặc để chứng quả A-la-hán.

Để nêu rõ định nghĩa và vai trò của trí tuệ hơn nữa, chúng tôi ghi chép sau đây một vài câu Phật dạy trích dẫn từ kinh tạng Pāli để chứng minh các sự giải thích trên:

“Tất cả hành vô thường,
Với tuệ, quán thấy vậy.
Đau khổ được nhàm chán,
Chính con đường thanh tịnh.

Tất cả hành khổ đau,
Với tuệ, quán thấy vậy.
Đau khổ được nhàm chán,
Chính con đường thanh tịnh.

Tất cả pháp vô ngã,
Với tuệ, quán thấy vậy.
Đau khổ được nhàm chán,
Chính con đường thanh tịnh.”
(Dhp 277-279)

"Thấy khổ và khổ tập
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy đường Thánh tám ngành,
Đưa đến khổ não tận".
(Dhp 191)

“Mắt thịt, mắt chư Thiên,
Vô thượng mắt trí tuệ,
Cả ba loại mắt ấy
Được bậc vô thượng nhân
Đã tuyên bố trình bày...
Từ đây trí khởi lên,
Tuệ nhãn là tối thượng;
Ai chứng được mắt ấy
Giải thoát mọi khổ đau.”
(It 61)

    « Xem chương trước «      « Sách này có 4 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.104.120 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...