Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Bạn có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, hoặc có thể lừa dối một số người mãi mãi, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi. (You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time.)Abraham Lincoln
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Hạnh phúc không tạo thành bởi số lượng những gì ta có, mà từ mức độ vui hưởng cuộc sống của chúng ta. (It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness.)Charles Spurgeon
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Chuyện Vãng Sanh - Tập 3 »» 08. NGUYỄN THỊ HOA (1930 - 1992) 62 tuổi »»

Chuyện Vãng Sanh - Tập 3
»» 08. NGUYỄN THỊ HOA (1930 - 1992) 62 tuổi

Donate

(Lượt xem: 1.504)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Chuyện Vãng Sanh - Tập 3 - 08. NGUYỄN THỊ HOA (1930 - 1992) 62 tuổi

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Bà Nguyễn Thị Hoa sinh năm 1930, nguyên quán tại Tân Thuận Đông, Cao Lãnh. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Năm, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Bảy, vì chiến cuộc loạn ly nên cha đã cải họ cho con mình. Anh em của bà đều mất sớm, bà chỉ có duy nhất người chị thứ Tư.

Khi tuổi trưởng thành bà kết hôn với ông Nguyễn Văn Trọng Sanh, sinh được tám người con nhưng còn hai trai ba gái. Hai ông bà đều là giáo viên. Chỗ ở di dời nhiều nơi, sau rốt định cư tại: đường Cách mạng tháng 8, số nhà 550, tổ 76, khóm Mỹ Thiện, phường 3, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Tính tình của bà ôn hòa, nhân hậu. Sự ăn mặc giản đơn, bình dị, chưa hề son phấn se sua.

Nhờ thừa hưởng di sản tinh thần quý báu của thân phụ mà bà biết đến Tam Bảo rất sớm, bà dùng chay kỳ mỗi tháng mười ngày. Mỗi khi thấy quý sư đi khất thực trên đường bà hay mua xôi hoặc bánh… để cúng dường.

Đối với học trò nghèo bà hay tặng: tập, bút… và quần áo của các con mình.

Bà thường dạy con có thói quen niệm Phật mỗi tối, trước khi vào mùng nằm ngủ niệm Phật mãi cho đến khi ngủ quên. Lúc gặp người tàn tật xin ăn bà hay trút túi để bố thí, và cũng thường dạy con mình làm y theo như thế.

Bà rất thương những kẻ nghèo đói khốn khổ nhất là lân cận chung quanh, tận tâm giúp đỡ bằng tất cả năng lực hiện có, từ tiền bạc gạo lúa đến cây trái trong vườn.

Có lần bà cho người hàng xóm mượn 5 bao lúa. Khi thu hoạch vụ mùa xong, họ đem lúa ngọn trả cho bà. Vừa lúc bà từ trường học về, cô con gái thưa:

- Sáng này có con của chú Năm trả lúa cho mình, đó mẹ!

Bà mở bao ra xem, thấy lúa quá tệ nên liền đi thẳng đến tận nhà. Trông thấy chủ nhà bà cất tiếng hỏi:

- Tôi mới đi dạy về gặp mấy bao lúa, có phải của chú trả cho tôi đó không chú Năm?

- Ừ! Em sai mấy đứa trả cho chị 5 bao, lúa tốt lắm chị Hai ơi!

Nghe lời đáp như thế bà lập tức quay về không một lời phân bua phải quấy.

Ông chồng khi trông thấy lúa, bèn hỏi:

- Sao bà không nói cho chú Năm hay?

- Em có tới hỏi chú… Chú… nói lúa tốt lắm!... Chú đã nói như vậy rồi, mình còn nói gì nữa bây giờ!

Sau đó bà phải mang xuống sông gút lại từng thúng, rồi đem đi phơi, nhưng không một lời than oán mà còn căn dặn với con rằng:

- Ở đời… người ta là vậy… đó con! Mình đừng nên bắt chước học theo! Và con cũng không được đem chuyện này nói cho ai hay biết hết, nghen con!

Mặc dù thế thái nhân tình là như vậy, nhưng tấm lòng thương yêu đùm bọc những người bất hạnh nơi bà vẫn được duy trì kiên định, không thoái tâm nản chí!

Bà Út người hàng xóm có lần qua nhà mượn tiền, nói:

- Chị Hai ơi! Tui hết vốn mua bán, chị làm ơn cho tôi mượn chút ít tiền, để tui lên chợ mua đồ bán!

Bà trả lời :

- Tui cũng chưa có lãnh lương. Thôi, thiếm Út đem hai xề sa-pô-chê (hồng xiêm) chín của tôi về bán đi. Rồi lấy đó mà làm vốn!

Thế là bà cho luôn hai xề sa-pô-chê; gia đình đó bà giúp gạo, dầu lửa, đường, muối, nước tương, nước mắm… thậm chí cả đến kim, chỉ vá đồ mặc, luôn cả thuốc uống, cần cái gì tới xin bà, là giúp liền, mặc dầu bà biết thiếm Út đó là người ham chơi đánh bài.

Lúc nửa đêm có ai đau ốm bà biết được là tới ngay, bà rất sẵn lòng với mọi người.

Đúng như lời của Cổ Đức dạy :

“Dù người không ở đạo nào,
Làm người thì phải thương nhau là thường.
Huống chi đạo Phật biết nương,
Phải nên mở rộng tình thương xa gần.
Sự tu không những tinh thần,
Mà bề vật chất cũng cần giúp nhau.
Dù là chén cháo nắm rau,
Giúp người buổi đói giá cao hơn vàng.
Thật tâm muốn giúp xóm làng,
Nói không đâu giá trị bằng làm ra.
Hãy nên biểu hiện lòng ta,
Bằng bao hành động lợi tha cho đời.
Chung lo khuyến khích mọi nơi,
Rán làm tốt đẹp như lời nói ra.
Từ gần chí những đến xa,
Khá thương nhau thể một nhà anh em.
Thấy người khổ chớ ngồi xem,
Hãy nên thương xót đua chen giúp giùm.
An nguy cùng biết bọc đùm,
Tâm hồn ấy phải được trùm tứ phương.
Người nào cũng rộng tình thương,
Tất cùng đi một con đường Thích Ca.
Giúp nhau sống được an hòa,
Cùng lo tương trợ cùng tha lỗi lầm.
Của người không nỡ hại xâm,
Người nào cũng lấy lương tâm ở đời.
Cùng nhau đối xử như lời,
Nhà nhà an lạc nơi nơi thái bình.
Thân không vướng mắc tội tình,
Hồn còn sẽ được siêu sinh Phật đài.
…Việc mình làm ở ngày nay,
Mai sau nó sẽ hườn lai cho mình.
Khó mong trốn luật Thiên đình,
Thế gian nên tạo nghiệp lành tốt hơn.
Việc làm nào của thế nhơn,
Cũng đều có cặp mắt Thần ngó coi.
Trong lòng người mới nghĩ thôi,
Tai thần nghe rõ như trời sấm vang.
Người dù lấy núi chận ngang,
Mắt thần cũng thấy rõ ràng như không.
Làm ra hoặc tính trong lòng,
Việc nào cũng có Thánh Thần xét soi.
Trước khi làm hãy nghĩ coi,
Tội hay là phước để rồi làm sau.
Lời ra khó hốt lại nào,
Phạm rồi muốn gỡ dễ dầu gì ư.
Hư rồi dễ bị thêm hư,
Lỗi rồi dễ khiến cho người lỗi thêm.
Cho nên từ cổ chí kim,
Quấy rồi hối được thử tìm mấy ai.
Biết ngăn ngừa ít phạm sai,
Muốn làm chẳng nghĩ tất hay lỗi lầm.
Một lần để kiếp luân trầm,
Có khi chịu đến muôn năm chưa rồi.
Lở đi đâu phải dễ bồi,
Bị giòng nước cuốn thêm trôi là thường.
Cho nên mỗi việc phải lường,
Tránh cho mình khỏi thêm đường mê ly.
Tu hành phải giữ luật nghi,
Nam Mô thì phải từ bi trong lòng.
Quy y thì phải y tòng,
Tụng kinh thì phải rèn lòng như kinh.
Tu thì lời Phật phải tin,
Sửa cho hơn trước khi mình chưa tu.
…Dương gian nào khác ngục tù,
Ở lâu nên nghiện, quá ngu si mà!
Giờ nên sáng suốt thoát ra,
Bằng câu lục tự Di Đà Hồng Danh.
Chí tâm tha thiết cầu sanh,
Về nơi Cửu Phẩm Liên Thành Lạc Bang.
Không còn chìm nổi trần gian,
Lắm điều đau khổ khốn nàn bao vây.”

******

Năm lên 16 tuổi, bà được chứng kiến phụ thân chắp tay niệm Phật trước khi mất, cho nên pháp môn Tịnh Độ có lẽ đã ngấm ngầm ăn sâu vào tâm hồn của bà từ thuở ấy. Bà công phu hằng ngày là hai thời lễ nguyện sớm tối. Ngoài ra bà thường lần chuỗi vì thế xâu chuỗi ít khi rời tay, cho đến lúc vào lớp dạy học cũng vậy.

Một hôm trên đường đến trường, vừa gần tới cổng trường bà vội bảo ông quay xe trở về. Ông nghe theo, trong lòng ông đinh ninh rằng có lẽ bà quên mang sổ điểm danh hay thứ gì đó rất cần thiết trong giảng dạy. Nhưng khi ông ở trước sân chờ bà vào nhà, đưa mắt nhìn theo thì thấy bà bước lên sàn nhà, với tay lấy xâu chuỗi bỏ vào túi áo rồi đi ra. Ông vô cùng bực bội vì khoảng cách từ nhà đến trường là hai cây số! Dự định buông lời cáu gắt, nhưng rồi ông dằn nén lại, cố đề khởi niệm tùy hỷ, bởi vì ông cũng đã chay trường niệm Phật tu hành!

Ngoài thời gian dạy ở trường và soạn giáo án ra bà thường xem đi xem lại quyển Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ, đặc biệt là phẩm ‘Giác Mê Tâm Kệ’.

Năm 1989 (lúc bà 59 tuổi) vùng hạ vị của bà đau ê ẩm, kèm theo sốt nhẹ. Điều trị qua loa thấy không thuyên giảm, gia đình bèn đưa bà ra Bệnh Viện Từ Dũ ngoài Sài Gòn. Sau khi khám và kiểm nghiệm các cận lâm sàng xong, bác sĩ cho biết bà đã bị bệnh ung thư tử cung ở giai đoạn 3. Từ đó cứ vài tháng là phải tái khám một lần cho đến lúc bà qua đời. Thường thì chỉ mang thuốc về nhà, còn khi nào bệnh nguy ngập thì mới nhập viện một vài tuần.

Bệnh tật cứ đeo bám bà ròng rã ba năm trời trôi qua. Sự ăn uống lần hồi suy giảm, cơ thể lần hồi suy sụp, bà sụt cân trầm trọng.

Cũng từ đó công phu tu trì của bà ngày càng tinh chuyên hơn, câu Lục Tự dường như là chiếc phao duy nhất đưa bà vượt qua phong ba nguy hiểm thẳng tiến đến bờ bến bình yên!

Sinh ra trên cõi đời ai rồi cũng phải già, rồi bệnh, rồi chết! Như chiếc lá thu chín vàng sắp sửa rời cành để trở về cội nguồn, cho dù thế nhân ít có mấy ai đủ can đảm đối diện với sự thật của định luật vô thường này!

Không biết do bệnh chẳng hoành hành dữ dội hay do bà công phu miên mật mà gương mặt tươi tỉnh, hiền từ nhân hậu của bà ở thường nhật chưa hề thay đổi và chưa hề chứa đựng vết tích khốn đốn, oằn oại đớn đau như bao nhiêu nạn nhân của căn bệnh ung thư quái ác trong thời kỳ cuối!

Lần nhập viện cuối cùng của bà trước khi mất hơn ba tháng, lần này là lần bệnh nặng nhất, và cũng là lần có thời gian dài nhất. Bác sĩ đã từ chối điều trị đồng thời cho biết chắc chắn rằng sắp phải ra đi, nhưng thấy bà tỉnh bơ xem như chẳng có gì xảy ra. Bà thường lân la với các bệnh nhân giàu có, để xin y phục cũ của họ, rồi xếp gọn cho vào bao. Khi xuất viện, mọi người láng giềng hay tin bà Giáo Sanh bệnh nặng từ bệnh viện trở về, họ lũ lượt kéo đến nhà thăm. Bà đem những quần áo xin được tặng lại cho họ, bởi vì xóm của bà định cư phần đông là thành phần neo đơn, mà thời điểm đó tặng phẩm ấy vô cùng quý giá và rất cần thiết trong sinh hoạt thường nhật.

******

Ngày mùng 2 tháng 3 (ba ngày trước khi mất) bà nhờ ông đặt bàn Phật cầu nguyện để ba hôm sau bà về Phật. Người nhà hỏi thì bà đáp là Đức Phật đã mách trước như vậy.

Sang tối ngày mùng 3, bà nhìn thấy có nhiều cá nhảy đến gần bên giường bà nằm để đòi nợ mạng. Bà gọi con bà tới vừa chỉ vừa nói:

- Kìa! Thấy không... cá dưới sông nó lóc lên kìa!

Mọi người nhìn thì chẳng thấy gì.

Giây lát bà cho biết:

- Không sao!... Như vậy mà không sao! Có Long Thần Hộ Pháp ở bốn góc năn nỉ nó: “Bà này vãng sanh, nữa sẽ về cứu cho!.”.. Chúng nó bỏ đi hết rồi!

Kế đó bà lại thấy đàn gà đến mổ vào mình của bà, và cũng được Hộ Pháp gia hộ như lần trước.

Đến khoảng 01 giờ khuya, cô Sáu đang nằm ngủ bỗng nghe bà kêu:

- Kim Châu ơi! Coi kìa tụi nó ở dưới lên quậy kìa.

Cô Sáu nghe bà nói “tụi nó”, cô cứ ngỡ là chỉ mấy đứa cháu ở dưới Tháp Mười vừa mới lên thăm, mà khuya đâu có ai quậy đâu, nên cô Sáu nghĩ bà nói sảng, liền đáp:

- Mẹ ơi, đâu có ai quậy đâu, tụi nó đã ngủ hết trơn rồi!

- Mẹ nói tụi ma da, bà Thủy ở dưới sông lên quậy, nó đi từ dưới bến bà Chức ở bên sông qua.

Bà vừa dứt lời thì người con trai thứ Tư đập cửa kêu:

- Kim Châu ơi! Mở cửa cho anh ngủ. Anh ngủ không được, tụi nó ở dưới sông… nó sắp hàng đi lên, trai, gái, lớn, nhỏ… nó lôi tay, lôi chân bảo đi tắm hoài nên anh không ngủ được!

Vì chú Tư và con trai ngủ ngoài mái che cạnh nhà. Khi chú lên nhà trên giăng mùng thì cũng lúc đó con trai chú la lớn:

- Tui không đi tắm đâu!

Bà bảo tụi nó không dám lên nhà, bà còn kêu cô Sáu thắp hương bàn thờ Phật.

Khi bà mất, bà Hai Kén bên kia sông sang dự lễ tang, cô Sáu mới hỏi thăm:

- Bến bà Chức có ai chết đuối dưới sông không, thưa dì?

Bà Hai trả lời:

- Có, con cháu bà Chức chết 2 đứa, còn những thây ma trôi tấp vào bến thì nhiều.

Vì bến bà Chức có chất đống chà bẫy cá nên dễ tấp vào, như vậy lời nói và nhìn thấy của bà là đúng.

******

Gần 7 giờ tối ngày mùng 4, bà gọi cô Sáu lại, bèn bảo:

- Kim Châu ơi! Con ra thất kêu ba con vô đây giùm mẹ!

Khi ông vào, bà nói:

- Cái kim tỉnh của tui hình như không vừa! Đâu ông kiểm tra thử coi!

Kim tỉnh được an trí cạnh bên nhà, và mời thợ mới thi công xong. Ông liền cầm đèn và thước ra đo lại thì quả thật, kích thước đã sai lệch!

Cũng tối hôm đó các con và dâu tề tựu quanh bên giường bà, bà cho biết là 8 giờ sáng hôm sau bà sẽ vãng sanh về Phật, và còn dặn rằng:

- Ngày mai mấy đứa phải dậy thật sớm đi chợ... nấu cơm... ăn, để không thôi lu bu đói bụng lắm... đó nghen!

Khi mọi người giải tán, trời cũng đã về khuya, cảnh vật xung quanh chìm vào tĩnh lặng. Đúng 1 giờ, đang nằm im bà bỗng gọi cô Sáu:

- Kim Châu!... Kim Châu! Con quỷ đầu trọc, cái cổ bằng cây kim, cái mặt bằng thúng giạ... nó kêu mẹ đi theo nó!

Cô Sáu nổi da gà, tức tốc chạy tìm người em trai thứ Tám:

- Phước ơi, Phước! Em qua... em trì chú Chuẩn Đề... chú trừ tà đi!... Chị quên hết rồi... chị chỉ nhớ niệm Phật mà thôi!

Rồi cả hai, một vị niệm chú Chuẩn Đề, một vị niệm Phật. Niệm như thế suốt một tiếng đồng hồ, chợt nghe bà cho biết:

- Nó đã đi rồi!

Chưa bao lâu, bà lại nói:

- Có con quỷ nữ... mặc nguyên bộ đồ đen, xõa tóc dài... Nó khều mẹ... Nó kêu mẹ đi theo nó!

Cô Sáu nói:

- Mẹ ơi! Đừng đi theo nó, nghen mẹ!

Bà đáp:

- Mẹ chỉ theo Phật thôi!

Hai vị trì niệm quyết liệt một chập nữa, rồi bà cũng cho biết rằng con quỷ tóc dài đã bỏ đi.

******

Sáng sớm mùng 5, khi các con và dâu vào phòng để tắm rửa thay y phục cho bà, bà nói:

- Sao mấy đứa không đi chợ mua đồ về nấu ăn, mà ăn cơm bầu luộc với nước tương không vậy?

Ai nghe bà nói cũng đều giật mình, vì mấy tháng trời nay bà chưa bao giờ ra khỏi phòng, thì làm sao mà bà biết!

Do thông báo trước nên khách khứa cũng như chư đồng đạo lần lượt đến nhà mỗi lúc một đông nhiều. Các con bà trong lòng ai cũng nghĩ rằng bà chưa thể ra đi trong giờ phút này, bởi vì thấy bà vẫn còn khỏe bình thường và tỉnh táo, sáng suốt, chưa có dấu hiệu gì biểu hiện của người sắp chết cả.

Gần 8 giờ, bà đang nằm lần chuỗi bỗng hỏi rằng các con đã tề tựu đông đủ hết chưa, khi được trả lời là đã đầy đủ hết rồi thì bà bảo cô Kim Châu:

- Con ra kêu ba của con vô đây... niệm Phật cho mẹ!... Để khách ở ngoài đó đi!

Nói xong bà định đưa đôi tay lên để chắp lại đặt giữa ngực, nhưng nó cứ run run hoài không thành được búp sen.

Ông vừa vào tới nơi, bà lên tiếng:

- Đâu ông chắp giùm... hai tay của tôi lại, coi ông!

Bấy giờ mọi người đồng thanh niệm Phật vang dội. Chưa mấy chốc, bà nói:

- Tòa sen đến rước mẹ rồi! Mẹ đi nghen các con! Các con ở lại rán lo tu! Không đứa nào được khóc hết nghen!

Nói xong bà nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng, lúc ấy 8 giờ sáng ngày mùng 5 tháng 3 năm 1992, đúng như lời bà đã cho biết trước. Thọ 62 tuổi.

Qua 8 tiếng đồng hồ trợ niệm tiếp theo sau đó, gương mặt của bà tươi tỉnh như người đang nằm ngủ, các khớp xương mềm mại, toàn thân đều lạnh duy đảnh đầu vẫn còn ấm nóng.

(Thuật theo lời cô Kim Châu, con gái thứ Sáu của bà và đồng đạo Hồng Vân)


    « Xem chương trước «      « Sách này có 36 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đừng bận tâm chuyện vặt


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ


Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)


Những Đêm Mưa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.227.140.195 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...