Bà Trương Thị Nên sinh năm 1923. Song thân là cụ ông Trương Văn Kiều, và cụ bà Đặng Thị Lãnh. Bà là người con Út trong gia đình có bảy anh em.
Khi đến tuổi trưởng thành bà lập gia đình với ông Lê Văn Tấn, cùng tuổi với bà, sanh được 7 người con, 3 trai 4 gái. Nhà định cư tại ấp Đông An, xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Nghề nghiệp chính là làm ruộng.
******
Tính tình ông hiếu thuận, hiền hòa.
Thuở thiếu thời ông học nghề lương y. Sau khi hoàn tất học nghiệp, ông đến làm việc ở tiệm thuốc Bắc tại chợ Phú Hòa.
Năm 1954 (lúc 31 tuổi) ông ghi danh dự học khóa huấn luyện đạo đức do Ban Hoằng Pháp nơi ngôi Tây An Cổ Tự thuộc Xã Long Kiến, Quận Chợ Mới, Tỉnh Long Xuyên tổ chức. Ông tham gia vào Ban Thư Ký, thường ghi tốc ký những bài giảng của giáo thọ, vì thời điểm này máy ghi âm chưa được phổ biến. Nhờ nhân duyên này mà ông thâm nhập Phật Pháp, nhất là căn bản tu tròn “Đạo Làm Người”, làm lành lánh dữ, chuyên tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương.
Ông đứng thứ mười cũng là con trai út trong gia đình, nên lo phần phụng dưỡng cha mẹ khi còn sanh tiền. Mỗi ngày đi làm ông thường mua mang về các loại bánh, như: bánh bò, bánh canh, bánh tằm… cho cha điểm tâm, cùng các thứ vật thực. Khi nấu xong dọn mâm riêng cho cha dùng trước, không cho các con ăn chung với cha. Những khi ông đi vắng đều căn dặn người nhà phải giữ nguyên tắc này.
Năm 1967 ông sang Đài Loan bồi huấn về nông nghiệp. Khi về nước ông làm việc tại xã nhà chuyên ngành Nông Vụ, giúp bà con nông dân chuyển từ canh tác lúa mùa sang canh tác lúa thần nông, tức là lúa một vụ đổi thành hai vụ. Ông công tác mãi đến năm 1975 thì ngưng.
Năm 1976, một hôm ông gọi các con lại mà nói rằng:
- Bây giờ ba phát tâm ăn chay trường! Mấy đứa tính sao?
Các con ông đều đồng ý:
- Nếu ba ăn chay, tụi con cũng phát tâm ăn chay theo hết!
Bà cũng vui vẻ hưởng ứng.
Ông còn nói vui:
- Đứa nào lên xe thì ba chở đi. Đứa nào muốn xuống xe thì ba ngừng lại cho xuống!
(Duy chỉ có cô con gái thứ Hai là chay trường trước đó bảy tám năm, và cô đã xuất gia với hòa thượng trụ trì chùa Châu Long tại Châu Đốc.
Gần mười năm sau, người con trai thứ Năm của ông xin “xuống xe”, ông bèn lo cưới vợ và cất nhà ra riêng cho chú).
Từ khi dùng chay trường, công khóa hành trì của ông là hai thời lễ nguyện, sau lễ nguyện thì ông ngồi niệm Phật. Đặc biệt là xâu chuỗi chẳng rời tay, và sự lễ nguyện của ông hết sức thành khẩn cung kính, một tí qua loa khinh xuất cũng không có, nên thời gian lễ bái sám nguyện dài hơn rất nhiều so với mọi người. Hằng ngày ông cũng thường đem Phật Pháp hướng dẫn con cháu trong thân tộc, nhất là khuyên niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
Thỉnh thoảng ông cũng đi trợ niệm cho những người già bệnh trong vùng, hoặc các đồng tu khi sắp sửa giã từ dương thế. Tùy phần đóng góp mọi công tác từ thiện xã hội tại bổn xứ. Đúng như lời khai thị:
“...Khi muốn đem thí của thí lời,
Phải thành thật từ nơi tâm não.
Giúp đỡ cho người do lòng thảo,
Chớ không do lòng háo lợi danh.
Và cũng không mong biết ơn mình,
Lòng thảo ấy giống tình của Phật.
Cho, thấy mất nhưng đâu có mất,
Giữ, tưởng còn nhưng thật không còn.
Của tuy mòn phước đức chẳng mòn,
Sự còn mất do lòng chọn lựa.
Việc tốt xấu tự mình sửa chữa,
Phước đức là cái cửa giải oan.
Nợ hồng trần muốn được rảnh rang,
Người nên sớm mở toang cửa ấy.
Phải lo tính trước khi sóng dậy,
Nổi gió rồi quát cạy sao xong.
Biết rằng khi chết nắm tay không,
Chớ tạo nghiệp ác trong lẽ sống.
Tạo nghiệp ác dù dày hay mỏng
Cũng phải đền chẳng trốn khỏi đâu.
Nghiệp mỏng thì bị nhẹ thảm sầu,
Nghiệp dày phải chịu đau khổ nặng.
Chúng sanh nhớ thật tâm tránh hẳn,
Đừng khinh thường nhầm lẫn nhỏ nhen.
Tập cho lòng sợ lỗi được quen,
Lần lượt sẽ trở nên hoàn thiện.
Thuốc thường hút lâu thành ra nghiện,
Tội hay làm sẽ biến thói quen.
Việc nhơn từ lòng cố đua chen,
Tánh hung ác đâu len vào được.
Suốt đời vẫn lo làm việc phước,
Một lòng nguyền giải thoát hồng trần;
Tất không còn bị nghiệp chuyển luân,
Đời sau hết chịu cơn sanh tử.
Còn sống chết vì còn nghiệp dữ,
Hết luân hồi vì đã trọn lành.
Cõi Ta Bà tất cả chúng sanh,
Chớ để dạ mong manh việc ác.
Một lần lọt vào đường sống thác,
Dễ bị đời dẫn dắt trăm lần.
Há không lo dừng lại bước chân
Cho khỏi kiếp trầm luân khổ hải.
Rừng mê có rất nhiều cạm bẫy,
Không chạy ra tất phải máng vào.
Khi bị rồi khó nỗi bôn đào,
Thân ấy sẽ ra sao thử nghĩ?
Tuồng đời có rất nhiều dối mị,
Nhiều muốn ham nhiều bị gạt lừa.
Bã lợi danh chớ có mến ưa,
Sự tài sắc đừng mơ mộng đến.
Tránh khỏi các việc đời rù quến,
Mới mong ra khỏi bến mê tân.
Nếu còn chiều thị dục nơi thân,
Thì còn bị nhiều cơn chìm nổi.
Còn mê tất nhiên còn tăm tối,
Rán làm cho hết thói say mê.
Cõi siêu sanh thấy lối trở về,
Được khoái lạc còn chi sánh kịp.
Còn mê tất là còn tạo nghiệp,
Nghiệp còn thì còn kiếp luân hồi.
Mê là nguồn gốc tạo ra đời,
Khi đời hết vì người mê hết.
Bởi mê thấy vật chi cũng mết,
Thân chết nhưng không chết nghiệp mê.
Mê đâu thì sanh đó không xê,
Luân hồi bởi tại mê mà có.
Điều ấy chúng sanh nên nhớ rõ,
Bứng gốc mê cho nó hết sanh;
Tất không còn bị nghiệp hoành hành,
Chừng đó mới trở thành tự tại.
Lầm lạc biết quày đầu trở lại,
Cố đi dầu xa mấy cũng gần.
Đem phàm thân đổi lấy Phật thân;
Vạn sự ở tinh thần cương quyết.
Lo liệu trước khi đời tận diệt;
Gần lâm chung hối tiếc đã rồi.
Việc đáng thôi phải nhứt quyết thôi,
Thì mới trở thành người siêu thoát.
Cõi thế gian là nơi tội ác,
Kém thiện tâm khó vượt cho qua.
…
Tin sâu câu Di Đà,
Cực Lạc là quê nhà.
Một lòng nguyền quay gót,
Tất sẽ gặp Di Đà!”
*******
Năm 1995 ông bị tai biến nhẹ, gia đình đưa ông vào Bệnh Viện Đa Khoa An Giang, điều trị một tuần thì ra viện, sức khỏe tạm thời hồi phục trở lại như bình thường.
Tháng 6 năm 1998 ông đột quỵ, thân nhân đưa vào Bệnh Viện Tim Mạch An Giang. Sau khi chụp CT (CT-Scanner) xong bác sĩ cho biết ông đã nhũn não. Từ đó ông bị liệt nửa người bên phải, không nói chuyện được và khi ăn phải bơm thức ăn, chứ không tự ăn như người bình thường được nữa. Nằm viện được 17 ngày thì xuất viện ra về.
Vì lúc đi không nhớ mang xâu chuỗi theo cho ông, nên tới chừng bác sĩ đến khám bệnh thấy ngón tay ông cứ cà lần cà lần hoài, liền hỏi:
- Cha của cô làm cái gì, vậy cô?
- Ba tôi đang lần chuỗi niệm Phật đó!
Nằm ở đây hai tuần thì xuất viện về nhà, hơn ba tháng sau sự ăn uống của ông được phục hồi bình thường trở lại không cần bơm ống như trước.
Các con mở máy niệm Phật suốt ngày suốt đêm cho ông nghe để ông lần chuỗi niệm theo.
Vào giữa tháng 5 sức khỏe của ông lần hồi suy kiệt, những lúc ông lên cơn mệt các con cháu quyến thuộc và đồng tu vây quanh trợ niệm, qua cơn thì ông vẫn nghe máy lần chuỗi như cũ. Vì vậy các con muốn biết ba mình có niệm Phật hay không thì chỉ nhìn các ngón tay của ông là biết được ngay tức khắc.
Ngày 22 mọi sinh hoạt vẫn diễn ra như mọi khi. Sau bữa cơm trưa vào lúc gần 11 giờ không bao lâu thì ông hơi mệt. Thấy ông mệt, các con cùng ngồi xung quanh niệm Phật, còn ông tay lần chuỗi chầm chậm niệm theo. Niệm Phật được một lát, tay ông đang lần chuỗi bỗng nhiên ngưng động, nhẹ nhàng trút hơi thở sau cùng, đôi mắt từ từ khép lại vĩnh biệt trần dương mơ mộng đầy giả tạm tang thương, chẳng hề lộ một nét gì khó khăn hay thống khổ cả! Khi ấy đúng 1 giờ chiều ngày 22 tháng 5 năm 1999. Ông hưởng thọ 76 tuổi.
Qua tám tiếng đồng hồ trợ niệm sau đó, thì thấy gương mặt ông tươi như người đang nằm ngủ, các khớp xương mềm mại, đặc biệt là toàn thân lạnh duy có đảnh đầu ấm nóng.
******
Tính tình bà nhân ái từ hòa, có dạ bao dung, sẵn lòng thương yêu cứu giúp những người khó khổ. Chưa từng mích lòng với lối xóm láng giềng.
Năm 1976 khi chồng cùng các con phát tâm chay trường, bà cũng phát tâm theo. Từ đó bà lần hồi thâm nhập pháp môn Tịnh Độ, chuyên tu niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương. Mỗi ngày bà 4 thời lễ Phật, sau lễ bái thì ngồi niệm Phật năm ba mươi phút. Băng đĩa mà bà thích nghe nhất là phẩm Khuyến Thiện của ông Vô Danh cư sĩ. Bà cũng thường khuyên các con cháu rán lo niệm Phật tu hiền.
Những dịp rằm lớn trong năm bà thường xay lúa bố thí gạo cho các hộ dân nghèo, và đến chùa Phước Ân gần nhà để làm công quả. Các con cháu cho tiền, bà đều giúp đỡ hết cho những người túng thiếu đang lâm cơn quẫn bách.
Càng lớn tuổi công trì niệm càng gia tăng nhiều thêm. Mỗi khi hơi nhức đầu, hay trong người có chỗ nào đau nhức bà đều gọi cô con gái thứ Sáu (cô này là cô giáo dạy trẻ ở chợ Phú Hòa), mà nói với cô rằng:
- Con ơi! Lấy tiền đi cúng thập tự cho má,… đi phóng sanh cho má, đi con!
*******
Thuở còn trẻ bà có bệnh đau bao tử rất nặng, lỡ như ăn nhằm các thứ mà cơ địa không dung nạp thì bà bị nôn mửa dữ dội, mửa liên tục đến khi ra hết thức ăn mới thôi. Chứng bệnh quái ác này đeo đẳng hành hạ bà mãi cho đến lúc tuổi đã ngoài tám mươi. Bỗng dưng hôm nọ bà thèm ăn canh mồng tơi với tàu hủ trắng kho. Ăn như vậy thấy khỏe ra, bao tử không còn hoành hành nữa. Kể từ đó bà dùng chuyên ròng thực đơn này suốt mấy năm liền. Các con phải trồng những giàn mồng tơi để cung ứng cho bà hằng ngày. Ngoài ra dường như bà không dùng thêm bất cứ loại thực phẩm nào nữa hết.
Đến năm 2012 lại tự nhiên thực đơn duy nhất của mấy năm trước bà nghe không còn thích nghi với cơ địa của mình nữa, chỉ uống được sữa Ensure mà thôi. Ban đầu bà dùng sữa dạng bột, kế đó chuyển sang dùng loại nước cho đến khi bà mất là hơn một năm trời. Mỗi ngày bà uống bốn lần: sáng, trưa, chiều và tối. Sữa Ensure nước 237ml bà uống mỗi ngày một hộp rưỡi, thêm chút nước sôi cho âm ấm.
Cũng trong suốt một năm này, mỗi tuần cô con dâu thứ Năm đều truyền cho bà một chai nước biển, cô này là y sĩ.
Khi tuổi hạc dần cao công phu niệm Phật của bà càng tinh chuyên thuần thục nhiều hơn, ngoài niệm Phật và khuyên con cháu niệm Phật khi chúng đến thăm bà, dường như bà không có chuyện gì để bận tâm đến nữa.
Một hôm bà kể cho cô Ba nghe:
-Hồi tối này má nằm chiêm bao, má nghe âm thanh ồn náo của đoàn binh gia, họ kéo đến trước nhà mình đông dữ lắm. Má hé cửa thử nhìn ra thì thấy có Thầy mình đứng, bọn chúng hoảng sợ rút lui mất hết!
******
Thời tiết xoay vần bốn mùa luân chuyển, ngày đêm đắp đổi, mưa nắng đan xen. Vạn sự vạn vật ở giữa cõi thế trần vốn dĩ phù hư tạm giả, hết thịnh tới suy như chiếc lá trên cành khi xanh tươi khi thì úa tàn rơi rụng, như vầng trăng lúc khuyết lúc tròn. Sanh già bệnh chết là định luật của tạo hóa sẵn dành cho mọi nhân sinh nơi chốn dương gian sông sầu bể khổ này, đúng như lời Cổ Đức đã khẳng định:
“Nhớ lời đức Như Lai chỉ giáo,
Thân huyễn hư đời ảo mộng trần;
Giả đời giả cảnh giả thân,
Ta Bà sanh chúng đạo chân khá tìm.
Xưa nay vẫn đắm chìm biển khổ,
Lặn hụp luôn đâu có an vui;
Đời dù có nếm đủ mùi,
Cuối cùng cũng chết có người nào không.
Qua rồi kiếp cha ông cũng thế,
Lần lượt đây đến kế cháu con;
Nối nhau đi mãi không mòn,
Đường sanh tử cũng vẫn còn tử sanh.
Không ai dạy tự mình cũng rõ,
Nhưng ít người tìm ngõ thoát ly;
Đường trần cứ nhắm mắt đi,
Ai sao mình vậy sống lì ngày qua.
Nào cái bịnh cái già đục khoét,
Kế sau cùng cái chết đến tha;
Thế là hết kiếp người ta,
Trong đời ai cũng chỉ là thế thôi.”
Gần 20 ngày cuối đời bà không đi được, khi đi vệ sinh phải nhờ người khiêng.
Năm bà 80 tuổi các con đã tổ chức trai tăng để hồi hướng công đức mừng thọ cho bà. Sau lễ mừng thọ thì thấy bà khỏe mạnh hẳn ra, vì vậy mà năm nay nhân dịp bà 90 tuổi các con dự tính y bổn cũ soạn lại. Khi hỏi ý kiến của bà được bà chấp thuận nên các con đã liên hệ với chùa Phước Ân, cung thỉnh sư bà Như Hoa cùng một số chư sư, chư ni về nhà tổ chức trai tăng vào ngày 20 tháng 2 để làm lễ chúc thọ cho bà.
Ngày 19 mọi người xôn xao lo chuẩn bị những thứ cần thiết cho trai tăng.
Lúc 4 giờ chiều, cũng như thường lệ cô Út lau mình thay y phục cho bà. Khi lau xong chưa bao lâu thì bà hơi mệt. Sư cô Nguyện vừa mới tới thấy sắc diện của bà thay đổi, bèn vào nhà bếp thông báo cho con cháu và đồng tu đang xắt gọt tạm ngưng lại để tập trung hết ra niệm Phật cho bà. Bà đưa tay chỉ vào miệng. Cô Út hỏi bà có phải bà muốn đánh răng súc miệng hay không, thì bà gật đầu. Kế đó bà chỉ vào cổ tay nơi mà bà thường đeo xâu chuỗi, vì hồi nảy lau mình đã tháo xâu chuỗi ra. Khi mang xâu chuỗi đến trao cho bà, bà cầm lấy, lần từng hạt, từng hạt theo âm thanh Phật hiệu của đại chúng. Niệm được một đỗi, tay bà đang lần chuỗi bỗng nhiên dừng lại, rồi bà nhẹ nhàng qua đời, lúc ấy là 6 giờ chiều, ngày 19 tháng 2 năm 2013. Bà hưởng thọ 90 tuổi.
******
Sáng hôm sau chư sư chư ni mà gia đình cung thỉnh lễ mừng thọ được đổi thành lễ an táng cho bà. Giờ nhập mạch, gương mặt bà hồng hào tươi đẹp, các khớp xương mềm mại, đảnh đầu ấm nóng trong khi toàn thân đều lạnh.
* Khi bà mất, cây cối xung quanh nhà, như: các loại lan, mai vàng, hoa lài… đều trổ hoa. Trổ suốt 49 ngày sau mà vẫn còn trổ.
* Một tuần trước khi bà mất, vào giữa khuya đang ngủ, cô Ba giật mình nghe bà gọi:
- Hồng ơi! Thức dậy đi con!
- Chi vậy, thưa má?
- Con pha cho má một ly sữa nóng!
Cô lồm cồm ngồi dậy lẹ làng y theo, trong bụng cứ ngỡ hôm nay có lẽ bà đói bụng đột xuất. Chưa kịp hỏi, thì nghe bà giải thích:
- Má mới vừa gặp Đức Bồ Tát Quan Thế Âm!
Thì ra bà nằm chiêm bao thấy Bồ Tát, nên bà muốn cúng cho Ngài một ly sữa.
(Thuật theo lời Lê Thị Hồng Thu,
con gái thứ Ba của hai ông bà)