Bà Dương Thị Chất sanh năm 1934. Song thân là cụ ông Dương Văn Mạnh và cụ bà Nguyễn Thị Chơn.
Năm lên 3 tuổi mẹ mất, cha tục huyền sinh thêm mấy người con nữa, bà cùng các em hòa thuận thương yêu nhau không hề phân biệt.
Khi đến tuổi hoa xuân, bà kết hôn với ông Thạch Văn Đước, sinh được 10 người con, 7 trai 3 gái. Định cư tại xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Gia đình bà sinh sống bằng nghề làm ruộng.
Tính tình bà vui vẻ, cần kiệm, quý tiếc từng tấc vải hạt cơm.
Sau năm 75, bà giác ngộ Phật Pháp, thức tỉnh mộng đời nên phát tâm ăn chay niệm Phật tu hành.
Thấy bà ngồi ăn một mình ông mới nói:
- Thôi để tui ăn chay với bà luôn!
Khi đã phát tâm chay trường giới sát, chuyên chí tu hành, bà ưa thích bố thí, cứu giúp những người nghèo khó đói khổ. Do gia sản của bà ruộng đất nhiều, nên sau những vụ mùa thu hoạch kết thúc, bà thường cùng chồng xay lúa, rồi cho xuống xuồng, đem đến tận các hộ dân thuộc diện neo đơn trong vùng để biếu tặng.
Dù hoàn cảnh kinh tế khá giả, nhưng hai ông bà rất cần kiệm từng ly từng tí, gói ghém mọi thứ dùng xài, để có dư ra đặng mà bố thí nhiều hơn. Bà hay lượm những chiếc dép trôi trên sông rạch, chiếc nào đứt quai thì bà làm lại; bởi vì là mang dép lượm nên chiếc Nam chiếc Bắc, thấy vậy các con cháu mua cho bà nhiều đôi dép mới thế vào, nhưng rồi lụi hụi bà đem đi cho hết, xem kỹ lại trên đôi chân của bà vẫn còn chiếc Bắc chiếc Nam!
Chuyện ăn mặc hai ông bà cũng đồng một kiểu như trên không hơn không kém.
Các cô con gái đã lập gia đình, cứ vài tuần hay vài tháng về thăm bà một lần, mà mỗi lần về thăm là mỗi lần bà nhìn bộ y phục của con rồi nói:
- Bộ… mới may quần áo mới nữa đó, hả con? Sao con may hoài vậy! Mẹ dặn con đừng nên may quần áo, để dành tiền mình làm phước, may đủ mặc thôi, một bộ thay một bộ đổi là được rồi. Không nên may nhiều!
Ngày bà mãn phần, số vải còn chất trong tủ một đống chùn ngụn, cô Hai phải mở ra làm tròn tâm nguyện khi sinh tiền mà bà chưa kịp thực hiện.
Phần đông sống trên cõi đời này ai cũng lo tom góp tích cóp cho bản thân, ít ai quan tâm đến sự sinh hoạt thiết yếu của kẻ khác. Chính vì vậy mà tạo ra rất nhiều nhân khổ đau cho tương lai bản thân mình, như bài kệ:
“Người đời tham đủ thứ,
Rốt cuộc cũng tay không;
Thế mà chưa thấy chán,
Vẫn còn lắm sự mong.
Tội lỗi càng chồng chất,
Đền trả mãi chưa xong;
Hồng trần là tạm giả,
Nên tỉnh ngộ nơi lòng.
Lo tu hành niệm Phật,
Cho khỏi nghiệp cùm gông;
Trọn vui câu giải thoát,
Các nỗi khổ đều không.
Cảnh ấy người muốn đến,
Nghiệp oan chớ đèo bòng;
Hành y lời Phật thuyết,
Sẽ toại ý người mong.”
Ý kệ như trách kẻ trần hồng,
Biết vật tạm mà lòng cứ mến.
Rốt cuộc chỉ não sầu đưa đến,
Người đời không mãn nguyện bao giờ;
Trong cái vui có cái khổ chờ,
Đang ngày sống sẵn hờ ngày chết.
Cái chi đến cuối cùng cũng hết,
Không vật nào người được giữ còn;
Ví dù là sông biển núi non,
Cũng vẫn bị tan mòn khô cạn.
Sanh thì phải tử là định mạng,
Vật hữu hình có hạn số căn;
Nếu không tìm đường lối siêu thăng,
Thì muôn kiếp vẫn còn sanh tử.
Trong lúc sống dù mưu vạn sự,
Khi chết rồi ra thứ bùn lầy;
Từ ngàn xưa cho đến ngày nay,
Ai cũng thế nào ai khỏi được.
Nên cởi mở nghiệp trần thúc phược,
Để tử sanh hết buộc trói mình;
Sự giả chơn phải xét cho minh,
Lẽ siêu đọa cũng nên nhớ lại.
Y lời Phật Tổ xưa chỉ dạy
Giải thoát muôn khổ hải Ta Bà;
Cầu vãng sanh cảnh giới Liên Hoa,
Lục đạo khỏi vào ra thọ nạn.
Đồng Bồ Tát Như Lai trường mạng,
Cứu mình còn cứu đặng Tổ tiên;
Cũng như là các bực Tiền hiền,
Không thẹn kẻ sanh trên mặt đất.
Nếu người chỉ sống theo vật chất,
Thân mất rồi các vật hóa không;
Như dã tràng xe cát biển đông,
Muôn việc đổ theo dòng nước cuốn.
Lo giải thoát cho đời khỏi uổng,
Nên làm lành để chẳng phí công;
Hãy mở tâm bác ái đại đồng,
Cứu giúp kẻ sống trong cảnh khổ.
Nên hoà thuận chớ nên gây gổ,
Tha thứ nhau đừng bó buộc nhau;
Người dù là không phải đồng bào,
Cũng đồng loại nỡ nào nhiễu hại.
Nên giúp đỡ để cùng tồn tại,
Chớ đem lòng phá hoại lẫn nhau;
Tinh thần nhơn loại khá nêu cao,
Lo giải quyết khổ đau đời sống.
Dẹp ích kỷ dẹp lòng tham vọng,
Mở lương tâm mở rộng tình yêu;
Người với người tương trợ mọi điều,
Lấy thành thật ra nêu trước hết.
Sự vui khổ hoặc bề sống chết,
Lo đỡ nâng cứu vớt lẫn nhau.
…Di Đà lục tự là phao,
Cùng nhau trì niệm khổ đau tan tành!
Cùng nhau vượt thoát tử sanh,
Cùng nhau chung hưởng an lành trường miên!”
Bà cũng thường cùng các bạn đạo chung sức chung tiền bào chế Đông dược thành phẩm gởi tặng khắp nơi, nhất là thuốc tể Tô Hiệp vì đây là loại thuốc gần gũi thân thiết tiện dụng cho tầng lớp thường dân tay lấm chân bùn miền Tây Nam Bộ.
Công phu hằng ngày của bà là ba thời lễ niệm, thời gian tổng cộng mất khoảng một cây hương. Ngoài thời khóa chính ra xâu chuỗi luôn có trên tay, bà niệm Phật trong mọi oai nghi, theo phương châm: “Nam Mô A Di Đà Phật, sáu chữ đi, đứng, nằm, ngồi, rán niệm chớ quên, không đợi gì thời khắc.”
Bà thường xuyên đến các đạo tràng tổ chức định kỳ quanh vùng để cùng chư đồng tu niệm Phật. Có một khoảng thời gian bà cũng tổ chức niệm Phật tại nhà, nhưng do duyên chẳng mấy thuận lợi nên dừng lại.
Ngoài ra bà rất thích đọc kinh kệ và nghe băng đĩa, chủ yếu không ngoài Thi Văn Giáo Lý. Do trình độ văn hoá khá khiêm nhường, khi đọc phải nắn nót từng chữ, cà hụt cà hữ từng câu ráp vần. Bà thường đọc cho các con các cháu nghe “Mười Điều Khuyến Tu” của Đức Phật Thầy Tây An:
…“Điều thứ ba, vẹn toàn hạnh đức,
Tuy bán buôn cơ cực tảo tần.
Đổi công nuôi lấy tấm thân,
Đừng ham mến chuyện phi nhân gạt lường.
Dầu vàng bạc đầy rương tràn tủ,
Cuộc trần này chưa đủ con ơi!
Ác gian cũng chỉ một đời,
Thà nghèo trong sạch thảnh thơi linh hồn.
Điều thứ tư, Pháp môn quy luật,
Lục thập chay cố sức trau dồi.
Thịt thà xương máu tanh hôi,
Cỏ cây rau cải cũng rồi bữa ăn.
Đức từ bi thường hằng thể hiện,
Không sát sanh lòng thiện ta còn.
Lạt chay tuy chẳng ngọt ngon,
Còn hơn thú vị cơm chan máu hồng.
Điều thứ năm, quyết không hờn giận,
Ghét ganh chi cho bận lòng mình.
Con xem vạn quyển thiên kinh,
Hiền nhân quân tử rộng tình vô câu.
Muôn việc xảy bắt đầu Sân nộ,
Là nguyên nhân thống khổ ly tan.
Chân truyền chánh pháp đạo vàng,
Tập xong chữ Nhẫn Niết-bàn không xa”…
Sống trên đời ai cũng biết chắc chắn rằng khi hơi thở ra không hít vào nữa là giã biệt dương gian sanh sang đời khác, mọi thứ đều bỏ lại chẳng mang theo được gì ngoài tội và phước, thế mà có mấy ai lạnh nhạt với tài sản của cải bạc vàng; mà trái lại, tom góp càng nhiều thì càng cảm thấy thích thú say sưa. Đôi khi vì muốn sở hữu tài sản đã không ngần ngại tạo ra vô số tội lỗi để đón nhận hậu quả khổ đau cho mình trong tương lai một cách oan uổng, thật hết sức đáng thương!
Lúc nào bà cũng khuyên bảo con cháu cũng như người thân quen ráng làm lành lánh dữ, ráng tu hiền, cố gắng tập ăn chay, cố gắng niệm Phật cầu vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức Từ Phụ A Di Đà.
Bà cũng thường nói với cô Hai:
- Đẹp ơi! Nữa mẹ chết, chắc ăn là mẹ được vãng sanh. Mẹ ngủ, mẹ nằm chiêm bao mẹ thấy vãng sanh hoài hà! Nên lúc nào mẹ cũng ráng lo niệm Phật!
******
Năm 2014 bà ngã bệnh, bác sĩ các nơi đều cho biết là bà bị bệnh tiểu đường, do vì bệnh chưa nhiều chi cho lắm nên thỉnh thoảng mỗi lần bệnh tái phát hơi mệt mệt, đi chích thuốc, uống thuốc, vô nước biển… vài hôm thì sức khỏe tạm ổn.
Chiều ngày mùng 5 tháng 11 bà lên cơn mệt nhiều, gia đình đưa bà vào Bệnh Viện Đa Khoa An Giang, vì là biến chứng của tiểu đường nên bệnh trạng đã lâm cơn nguy ngập trầm trọng. Thấy thế con bà mới hỏi bác sĩ:
- Bác sĩ ơi! Bác sĩ… nhắm… bệnh tình của mẹ tôi có thể trị được không thưa bác sĩ? Nếu không được thì xin cho tôi chở bà về nhà, để lo bề hộ niệm cho bà!
- Thôi! Bà cụ này xin chở về thì chở! Chứ… bệnh của bà nặng dữ lắm rồi. Để ở đây điều trị… thì… điều trị… năm ăn năm thua. Chứ bảo đảm thì không dám bảo đảm!
Thế là qua ngày hôm sau người thân làm hồ sơ thủ tục xuất viện, rồi thuê xe tắc xi đưa bà ra về.
Về tới nhà đã hơn 11 giờ trưa. Con bà đến bên cạnh hỏi:
- Mẹ có nhớ niệm Phật không, vậy mẹ?
- Có, mẹ có niệm Phật trong tâm!
- Mẹ rán niệm Phật, mẹ ơi! Tụi con cũng niệm Phật để hồi hướng công đức cho mẹ nè!
- Mẹ niệm Phật, dữ lắm con ơi!
- Vậy tốt quá rồi, mẹ ráng niệm đi nghen mẹ!
Chiều lại, hưởng ứng lời yêu cầu của gia đình, các đồng tu quanh vùng tề tựu kéo đến tấp nập cùng với con cháu thân thích trong nhà chia ca luân phiên trợ niệm liên tục. Sau đó không bao lâu bà chìm vào hôn mê trải qua hơn 36 giờ đồng hồ. Đến ngày mùng 7, bà tỉnh lại nhưng không nói chuyện được, các con hỏi có nhớ niệm Phật không thì bà gật đầu. Ngày mùng 8 cũng y như vậy.
Cuộc hộ niệm vẫn duy trì mãi đến 9 giờ sáng ngày mùng 9 tháng 11 năm 2012 bà mới an tường trút hơi thở cuối cùng trong âm thanh niệm Phật vang dội trầm hùng của hàng trăm người đưa tiễn. Trước đó một tiếng đồng hồ các con thay y phục mới và mặc áo tràng cho bà. Khi đi bà mở mắt ra nhìn, môi nhép nhép, đôi mắt từ từ khép lại rồi nhẹ nhàng qua đời. Bà hưởng thọ 78 tuổi.
Qua tám giờ hộ niệm sau đó, gương mặt bà trở nên vô cùng xinh đẹp, hồng hào, tươi nhuận, lộ nét vui vẻ y như đang mỉm miệng cười, các khớp xương đều mềm nhũn, toàn thân lạnh đặc biệt duy có đảnh đầu rất nóng.
(Thuật theo lời cô Thạch Thị Đẹp,
con gái thứ Hai của bà)