Em Dương Minh Luân sinh năm 2003. Địa chỉ cư ngụ ở 268/20, tổ 8, ấp Châu Long, Châu Đốc, An Giang.
Cha em tên là Dương Minh Hiếu,mẹ là Huỳnh Thị Ngọc Thắm. Em là con trai duy nhứt trong gia đình.
Cha mẹ em làm nghề buôn bán y phục cũ, kế đó thì chuyển sang làm công nhân lao động ở Bình Dương. Minh Luân học hết lớp 4 vì lý do cha mẹ đều đi làm khó khăn trong việc đưa rước, nên em phải nghỉ học về ở với bà ngoại tại núi Cấm. Mỗi khi bà ngoại đi chùa, hay đến các đạo tràng niệm Phật bà đều dẫn em theo.
Tính tình của em ít nói, trầm ngâm, đời sống nghiêng về nội tâm; còn phần nhận thức thì sâu sắc hơn hẳn những trẻ nhỏ đồng trang lứa. Cách cư xử của em với mọi người thì rất vui vẻ, hòa nhã, ngoan hiền.
Em rất thích nghe Phật Pháp, nhất là quý sư ở tịnh thất, hay mấy chú trong Ban Hộ Niệm mỗi khi giải thích về thế giới Tây Phương Cực Lạc.
******
Em có căn lành từ nhiều kiếp trước, nên từ khi sanh ra và lớn lên em thích ăn chay theo bà ngoại mà không chịu ăn thịt cá. Cha mẹ thấy em ốm yếu, suy dinh dưỡng, không muốn con mình ăn chay nên làm thịt cá cho em ăn, nhưng em không chịu ăn, chỉ xịt nước tương mà ăn. Cha mẹ thương rầy và la mắng, thậm chí còn giận đánh em, nhưng em cũng không chịu ăn, mà chỉ ăn rau củ!
Thuở nhỏ bà ngoại dắt em đến một ngôi chùa ở Lai Vung quy y Tam Bảo, được sư bà trụ trì đặt cho pháp danh là Thiện Lớn.
May mắn hơn, em sống với bà ngoại chuyên tu pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ngày ngày hai bà cháu hay đi chùa tụng kinh A Di Đà, và chuyên cần niệm Phật, lạy Phật A Di Đà.
Bà ngoại có đi tham gia tổ cơm từ thiện ở Bảo Hòa cũng dắt em theo.
Bà ngoại cũng thường mở các băng giảng Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ, hoặc các bài giảng của Hòa Thượng Tịnh Không, Thầy Giác Nhàn... cho em cùng nghe.
Vào khoảng tháng 4 năm 2016, bỗng nhiên chân bên trái em bị đau nhức, rồi từ từ sưng lên to bằng quả bóng.
Ban đầu chân em bị đau, gia đình mua thuốc uống giảm đau và đắp thuốc Nam cho em, nhưng không bớt mà còn sưng đỏ và nhức nhiều hơn. Gia đình đưa em đến bệnh viện Châu Đốc để khám. Ở đây bác sĩ cho chụp X-Quang thì phát hiện hình ảnh lạ và chẩn đoán là bị bướu xương, liền chuyển lên Trung Tâm Chỉnh Hình ngoài Sài Gòn. Lần này các bác sĩ cho biết là em bị ung thư xương và đề nghị vô hóa chất theo phác đồ chia làm 6 đợt, nhưng chỉ vô được 3 đợt bởi sức khỏe của em kém, không đủ sức, thiếu máu nặng vì thế thời gian vô hóa chất của em so với người khác là gấp hai lần (mỗi đợt khoảng mười mấy ngày).
Do bướu đã ăn bào mòn xương, nên lần vô hóa chất đầu tiên khi em bước lên xe bị chỏi xương, chân em bị gãy không còn đi được nữa, chỉ ngồi một chỗ cho đến mất là bảy, tám tháng trời!
Bác sĩ còn cho biết thêm, tế bào ung thư đã di căn lên phổi, nên đến đợt vô hóa chất thứ hai thì em bị chết ngạt, được chuyển sang phòng săn sóc đặc biệt, sau khi tỉnh lại thì chuyển qua bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để điều trị phổi cho ổn định. Ở đây mất khoảng hai mươi mấy ngày thì chuyển về lại Trung Tâm Chỉnh Hình để vô hóa chất tiếp.
Đến đợt ba thì bướu phát triển lớn thêm, em bị đau nhức nhiều, nên em không chịu đi nữa, đòi ở nhà niệm Phật. Mặc dù biết bệnh nhưng em không hề sợ chết.
Ở nhà em được bà ngoại thường xuyên nhắc nhở niệm Phật. Bà thường nói:
-Ở cõi Ta Bà này cái gì cũng khổ hết, thôi con về cõi Tây Phương Cực Lạc, ở cõi đó vui sướng, không còn đau khổ, không còn bệnh tật như ở cõi này đâu!
Em rất nghe lời và cố gắng niệm Phật phát nguyện cầu vãng sanh.
Có lắng lòng suy nghiệm chúng ta mới thắm thía lời chỉ dạy tràn đầy từ tâm, khô môi rát miệng của Cổ Đức:
“...Nhớ lời đức Như Lai chỉ giáo,
Thân huyễn hư đời ảo mộng trần;
Giả đời giả cảnh giả thân,
Ta bà sanh chúng đạo chân khá tìm.
Xưa nay vẫn đắm chìm biển khổ,
Lặn hụp luôn đâu có an vui;
Đời dù có nếm đủ mùi,
Cuối cùng cũng chết có người nào không.
Qua rồi kiếp cha ông cũng thế,
Lần lượt đây đến kế cháu con;
Nối nhau đi mãi không mòn,
Đường sanh tử cũng vẫn còn tử sanh.
Không ai dạy tự mình cũng rõ,
Nhưng ít người tìm ngõ thoát ly;
Đường trần cứ nhắm mắt đi,
Ai sao mình vậy sống lì ngày qua.
Nào cái bịnh cái già đục khoét,
Kế sau cùng cái chết đến tha;
Thế là hết kiếp người ta,
Trong đời ai cũng chỉ là thế thôi.
Để tâm xét kỹ rồi thấy rõ,
Muốn thoát ly cảnh khổ chúng sanh,
Không chi hơn việc tu hành,
Xác thân được nhẹ hồn linh được nhàn.
Nặng nề bởi thân mang nợ lắm,
Sầu não do lòng đắm mê nhiều;
Để hoài muôn kiếp khó tiêu,
Cho nên cần phải lo điều tỉnh tu.
Việc cải hối mặc dù rất khó,
Nhưng quyết tâm thì có thể nên;
Hơn nhau ở cái chí bền,
Chớ đời ai khỏi gây nên lỗi lầm.
Kiếp giả tạm khi tâm nhận biết,
Đời khổ đau lúc xét thấy ra,
Nên lo tu chớ dần dà.
Vì rằng ngày tháng trôi qua lẹ làng.
Khó biết trước thời gian chết đến,
Cái chết không nhất định trẻ già,
Đời nhiều cách chết xảy ra,
Cho nên thường có tre già khóc măng.
Việc sanh tử Phật rằng đại sự;
Còn luân hồi còn tử sanh luôn;
Tử sanh không gỡ cho suông,
Dù làm đến bậc đế vương ra gì.
Do lẽ ấy cần qui y Phật,
Giải quyết xong tạm vật hồng trần;
Hoàn toàn khỏi cuộc chuyển luân,
Không còn mang ngũ trược thân nặng nề.
Đời nếu chẳng say mê đến nữa,
Tất nhiên không còn cớ sanh ra;
Còn tham ái cõi Ta bà,
Thì còn phải chịu sanh ra hồng trần.
Muốn giải thoát phải cần phủi cả,
Chẳng còn lưu trong dạ sự đời;
Siêu sanh chỉ một lần thôi,
Đời dù cám dỗ mặc đời không theo.
Nghiệp rán gỡ chớ đeo thêm nữa,
Tội lo chừa đừng có gây thêm,
Sóng tình cố lóng cho êm,
Đường trần lùi lại chớ kềm chân lâu.
Hướng về Phật để cầu hóa độ,
Ngó lại tâm để mở cõi lòng;
Cả hai cùng được dung thông,
Giúp cho đạo quả như rồng gặp mây.
Cầu Phật độ phải đầy khẩn thiết,
Muốn tâm khai phải diệt niệm tà.
Nếu lòng nửa Phật nửa ma,
Phật không thể độ tâm nhà khó khai.
Trăng chẳng thấy vì mây che khuất,
Phật không trông bởi bức vô minh.
Phật không ở cách xa mình,
Tại mình chẳng thức tưởng hình Phật ra.
Mê mấy cũng rán mà mở mắt,
Đừng để cho mộng dắt đi sâu,
Mộng thì tan chẳng còn đâu,
Dù cho mộng ấy đài lầu vinh quang.
Tìm sống thật cho an hồn xác,
Sống mộng chi cho nát thân tâm;
Phải can đảm nhận đời lầm,
Quyết bừng tỉnh dậy kiếm tầm đường tu.
Đạo mới giải được câu đời tạm,
Đời vẫn nằm trong phạm vi mê;
Bởi mê thành khổ nhiều bề,
Mà điều chi cũng chẳng hề được lâu;
Thân không thật vật đâu có thật,
Người luống công giành giựt đeo mang;
Hơi tàn mọi vật đều tàn,
Dù cho vật ấy nồng nàn thương yêu.
Đời tan hợp là điều khó tránh,
Thân mất còn là cảnh người đời;
Trong khi còn mấy tấc hơi,
Nên lo giải thoát hỡi người thế gian!
Chớ rằng bận lo toan việc thế,
Mà chẳng lo tìm kế thoát thân.
Đến khi thấy mặt tử thần,
Bảo đừng nó chẳng hề đừng cho đâu.
Phải tính trước khỏi câu hận tiếc,
Đợi nguy rồi mới biết muộn màng.
Sớm tu thì sớm được an,
Chỉ tu mới cứu khỏi đàng trầm luân.
Tu là phúc của thân hiện tại,
Tu là vui của cái đời sau.
Tu làm nhẹ kiếp khổ đau,
Tu cho hồn khỏi đọa vào đường mê.
Sớm tu được sớm kề Sen báu,
Sớm tu thì phiền não sớm tan;
Mau tu chớ để muộn màng,
Vô thường chẳng đợi thời gian không chờ.
Người khó giữ tuổi thơ trẻ mãi,
Người khó ngăn niên đại già lần;
Khi già khó tránh chết thân.
Trẻ, già, chết ấy số phần người ta;
Người hễ có sanh ra có tử,
Dù vua quan dân thứ như nhau.
Ấy là định nghiệp trần lao,
Từ xưa đã thế chớ nào mới đây.
Trần là chỗ chôn thây thiên hạ,
Trần là nơi đày đọa sanh linh.
Chung qui nó vẫn phụ mình,
Mặc dù mình có tận tình thương yêu.
Đau khổ với đời nhiều vô số,
Rốt cuộc như nước đổ lá môn;
Thân không một vật nào tồn,
Chỉ còn tội lỗi để hồn gánh mang.
...Sớm giác ngộ trần hoàng là mộng,
Nhanh chân tìm cuộc sống vĩnh hằng.
Chẳng còn lặn hụp trầm thăng,
Chẳng còn ách nạn lung lăng bao đời!
An Dưỡng Quốc là nơi tối thượng,
Chúng sanh nên thẳng hướng tìm về.
Thệ lòng quyết ngự liên huê!”
******
Mặc dù gia đình đã cố gắng chữa trị cho em, nhưng căn bệnh không những không biến chuyển tốt hơn mà ngày càng nặng. Sau một thời gian, khối u ngày càng to lên, làm em đau nhức cả ngày lẫn đêm, nhiều khi em khóc lớn vì cơn đau quá dữ tợn. Nhưng em vẫn gắng sức niệm Phật, thậm chí những phút đau tột cùng thì em vẫn kêu lớn Phật A Di Đà để quên đi cơn đau. Em không ngừng cầu xin Phật rước:
- Cho con được vãng sanh thành Phật, xin Phật A Di Đà rước con nhanh!
Dù biết căn bịnh quái ác không thể cứu chữa được nữa, tuổi đời của em còn rất nhỏ, tuổi mà các em còn ham chơi vui đùa, nhưng cậu bé không còn tham sống mong hết bệnh để khỏe lại, cũng không sợ chết, chỉ muốn vãng sanh mà thôi.
Trong lúc bệnh, có lần em khuyên mẹ:
- Mẹ ráng tu, ráng niệm Phật đi! Nếu mà mẹ tu khi nào con vãng sanh xong con sẽ trở lại rước mẹ, còn nếu mẹ không tu thì con không rước đâu! Con rước bà ngoại hà! Bởi vì bà ngoại biết niệm Phật! Mẹ ráng tu, ráng niệm Phật đi! Chừng nữa con sẽ về rước mẹ!
Mẹ em giả vờ hỏi:
- Khi mà con đi rồi mẹ ở lại mẹ nhớ con thì sao?
Em trả lời:
- Thì lúc nào mẹ nhớ... con về thăm mẹ! Nhưng con về bằng hồn thiêng chứ không phải con về bằng cái xác thịt này đâu!
Vào khoảng cuối tháng 2, có lần em lên cơn mệt nhiều, đang ngồi dựa vào mình mẹ, em thấy đức Phật xuống hút em lên hoa sen rồi để xuống.
Em nói:
- Con thấy đức Phật xuống hút con lên xa, mà lực niệm Phật của mình không mạnh; cái lực niệm Phật của mẹ yếu lắm! Mẹ niệm Phật không đủ! Nên đức Phật thả con xuống! Nếu mà con không vãng sanh được... con tiếc lắm!
Rồi em hỏi bà ngoại:
- Phật không rước con như vậy con có cơ hội nào đi theo Phật nữa không?
Bà ngoại trả lời:
- Có! Con ráng niệm Phật đi thì Phật sẽ rước con!
******
Cuối tháng 3 đầu tháng 4, gia đình mời Ban Hộ Niệm về nhà cộng tu liên tiếp được 3 ngày vào mỗi buổi chiều, rồi tạm ngưng một tuần lễ.
Trước lúc mất em bỏ ăn khoảng một tuần lễ.
Một buổi chiều nọ thấy em mệt, mẹ đến gần liền hỏi em:
- Bây giờ mẹ chở con đi bệnh viện... nghen?
Em trả lời:
- Thôi, con không đi bệnh viện đâu! Con ở nhà!
Mẹ em nói tiếp:
- Vậy con ở nhà con ráng niệm Phật nghen!
- Dạ!
Vào ngày mùng 9 (trước khi mất 3 ngày), em bị mệt nhiều, em đòi gia đình mời Ban Hộ Niệm. Lúc 5 giờ chiều, trong khi hộ niệm, em nhìn chăm chú vào bức ảnh Đức Phật A Di Đà đang treo trên vách, liền lấy tay dụi mắt, ai cũng thấy lạ, liền hỏi thì em nói thấy Đức Phật vàng chói mắt. Em hỏi chú Đông:
- Sao mà mắt của con kỳ quá chú ơi! Con nhìn hình Phật đang treo y phục là màu đỏ, vậy sao bây giờ con lại thấy Đức Phật là màu vàng ánh rực rỡ?
Chú Đông trả lời:
- Con thấy như vậy là đúng rồi! Đức Phật mặc y là màu vàng chứ không phải màu đỏ như bức hình này đâu!
****
Có lần quý cô trong Ban Hộ Niệm hỏi em rằng:
- Hôm nay con bệnh như vầy, mà con có buồn không?
- Dạ buồn!
- Vậy con muốn về Tây Phương không?
- Dạ, con muốn!
- Con muốn thành Phật không?
- Dạ muốn!
- Con muốn đạo tràng đến hộ niệm tiễn con về Tây Phương không?
- Dạ muốn!
Rồi cô khen em giỏi và hướng dẫn em phát nguyện, em vâng lời chấp hai tay lại và đọc theo:
- Nam Mô A Di Đà Phật, xin đức Phật A Di Đà cho con là Dương Minh Luân, pháp danh: Thiện Lớn, sớm được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Con nguyện, trên thành Phật đạo, dưới cứu độ chúng sanh. Xin đức Phật A Di Đà từ bi, hiện tiền phóng quang tiếp độ con cùng tất cả Cửu huyền của con, cùng những oan thân trái chủ của con đồng được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật!
Nơi em ngủ, xung quanh đều treo ảnh Phật A Di Đà, trên tủ và trên tường. Có lần em nói với bà:
- Bà ngoại ơi! Mắt con mờ hay sao mà con nhìn xuyên qua cái màn con nhìn Phật không rõ, ngoại cho con quyển kinh Vô Lượng Thọ có hình đức Phật A Di Đà để con đặt trên bụng, con nhìn Phật rồi niệm Phật cho Phật mau rước!
Mỗi lần đau em đều kêu to:
- A Di Đà Phật, xin Phật rước con liền, con muốn vãng sanh, con không muốn sống nữa!
Có lần mẹ nói với em:
- Con trai... sau này sẽ là Bồ Tát!
Em không chịu và nói:
- Con muốn làm Phật cơ!
Trước 20 ngày em vãng sanh, trong lúc đang niệm Phật thì em thấy Phật A Di Đà ánh sáng vàng rực hiện đến thì mẹ lấy khăn lau mặt cho em, khi tỉnh dậy em kể và khóc nói:
- Tại mẹ lau mặt nên đức Phật bỏ con! Biết chừng nào Phật đến rước con lần thứ hai!
******
Đến ngày 10 tháng 3 vào khoảng 4 - 5 giờ chiều bé mệt nhiều, gia đình nhờ Ban Hộ Niệm của chú Đông, được 2 người đến trợ niệm. Khi chú Đông đến gần bên nhắc nhở, em còn nắm tay chú, chú Đông khai thị và khuyên em cố gắng niệm Phật, em gật đầu và niệm Phật theo. Sau đó khoảng hơn 8 giờ tối thì có Ban Hộ Niệm của cô Diệu Phước ở Mỹ Tho, sư cô Như Bình ở Lai Vung đến cùng trợ niệm liên tục cho em.
Đêm mùng 10, lúc em đang mệt nhiều, cô Diệu Phước đến bên cạnh nhắc nhở rằng:
- Minh Luân ơi, cố gắng niệm Phật nghe con! Phật sắp rước con rồi nhe! Hổm con thấy Đức Phật rồi đó! Phật A Di Đà rất là thương con, con niệm Phật ăn chay nè, con niệm Phật giỏi lắm nghen! Con niệm không nổi mấy cô niệm phụ con nghe! Phật A Di Đà sắp rước con rồi nghe con! Con niệm Phật nhép môi cho cô Diệu Phước mừng! Con niệm Phật giỏi nè! Phật A Di Đà sắp rước Dương Minh Luân rồi, pháp danh: Thiện Lớn, con về Tây Phương con không còn khổ, con không còn đau nữa nghe con! Từ bé con đã thích ăn chay rồi, con là con của Phật nghe...!
Em vẫn nghe được.
Hai mươi phút sau cô lại nhắc tiếp:
- Minh Luân ơi, con niệm Phật nghen! Bây giờ con niệm không nổi... không ra tiếng, cô và đạo tràng niệm phụ con nghen! Trong tâm con phải luôn nhớ Đức Phật A Di Đà, con phải niệm Đức Phật A Di Đà mà con trông đợi đó. Con nói con thấy Phật rồi, thì sau này con đi Phật đến rước con. Phật đang phóng quang gia trì gia hộ rước con về cõi Tây Phương Cực Lạc không còn bệnh khổ nữa nghe Minh Luân, con giỏi quá! Con là con của Đức Phật nghe! Con ráng nhép môi theo! Giờ này con đừng nghĩ nhớ gì tới ai hết nghe! Con chỉ nhớ Phật thôi nhe! Giỏi quá con đang niệm Phật, cô biết rồi!
Mặc dù mệt nhưng em rất tỉnh táo và niệm Phật theo mọi người. Ban đầu em nằm xoay mặt hướng vào nhà, đến khoảng gần 3 giờ 45 em thở nhẹ, tự xoay mặt hướng ra cửa, mở mắt to lên nhìn hướng ra ngoài, rồi nhìn thẳng vào hình đức Phật đang treo trước mặt, đồng thời nhẹ nhàng trút hơi thở sau cùng, đúng 3 giờ 45 phút sáng, trong tư thế ngay ngắn, không co giật, không vùng vẫy. Nhằm ngày 11 tháng 3 năm 2017. Em hưởng dương 14 tuổi.
******
* Hộ niệm sau 12 tiếng thì thăm thân, cô Phước cho biết tay chân mềm dịu, toàn thân lạnh hoàn toàn.
Đến đủ 26 tiếng, thì thăm khám lần 2, rồi thay đồ và liệm. Gương mặt hồng hào tươi sáng hơn so với ngày thường, môi chuyển sang màu đỏ son, mũi cũng đẹp hơn bình thường, khối u xẹp nhỏ lại không chảy mủ máu.
* Sau khi hoàn thành tang lễ cho em. Linh cữu của em được đưa đi hỏa táng. Thật bất ngờ một kỳ tích xảy ra, khi người thân và đạo tràng tiếp nhận tro cốt của em thì có tới 992 viên xá lợi với nhiều màu sắc khác nhau lấp lánh như những viên pha lê đá quý.
(Thuật theo lời bà
Huỳnh Thị Ngọc Thắm
- mẹ của em)