Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tị Nại Da [鼻奈耶] »» Bản Việt dịch quyển số 4 »»

Tị Nại Da [鼻奈耶] »» Bản Việt dịch quyển số 4

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Tỳ Nại Da

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Tâm Tịnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phần thứ hai của pháp:
TĂNG-TÀN GIỚI LÀM MAI MỐI

Phật ở tại vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ có một Tỳ-kheo tên Ca-lưu, con của Lộc Viên (tên mẹ) cư trú ở đó; có nhiều bạn bè như: quốc vương, đại thần, trưởng giả, Phạm chí và theo họ xin y phục, đồ ăn, ngọa cụ, thuốc trị bệnh.
Lúc ấy có nhiều phụ nữ trưởng giả suy nghĩ: "Tỳ-kheo Ca-lưu quen biết rất nhiều quốc vương, đại thần, trưởng giả, Phạm chí... Bất cứ ai vị ấy cũng đều quen cả và xin gì cũng đều được. Chúng ta hãy cùng đến thuyết phục Tỳ-kheo Ca-lưu vì chúng ta mà đến nhà người khác".
Lúc ấy, các phụ nữ liền đến chỗ Tỳ-kheo Ca-lưu, bạch với Tỳ-kheo ấy rằng:
- Tôn giả có nhiều bạn bè như: quốc vương, đại thần... xin gì cũng đều được. Xin ngài hãy chịu khó đến nhà ấy làm mai giúp chúng tôi. Ðến đó, ngài hãy thay tôi mà nói rằng: "Nghe nói con gái ông xinh đẹp. Con trai tôi cũng tuấn tú. Hãy gả con gái của ông cho làm vợ con tôi. Như vậy dòng giống không bị giảm". Xong việc, chúng tôi sẽ hậu tạ. Xin thầy hãy giúp chúng tôi.
Tỳ-kheo ấy liền nhận lời và lập tức đi đến nhà người nữ ấy để làm mai mối.
Lại có một quả phụ nhờ Tỳ-kheo rằng:
- Hãy đến nhà trưởng giả ấy nói rằng: "Quả phụ nọ xinh đẹp không ai bằng. Ông có thể làm chồng bà ấy không? Nếu không thể làm vợ chồng thì hãy cùng nhau tư thông".
Tỳ-kheo ấy liền đến đó để làm mối lái. Lại có một trưởng giả bảo Tỳ-kheo rằng:
- Tôn giả có nhiều bạn bè như: quốc vương, đại thần, trưởng giả, Phạm chí. Xin hãy giúp tôi đến nhà phụ nữ ấy nói với cô ấy rằng: "Cô không có chồng, tôi không có vợ. Tôi là đại trưởng giả, cô có thể làm vợ tôi không?".
Các trưởng giả nhờ Tỳ-kheo ấy làm vậy chẳng phải một lần.
Tỳ-kheo ấy liền đến nhà các phụ nữ truyền đạt lại đầy đủ việc ấy. Các phụ nữ ấy có người đồng ý, có người không đồng ý. Người không đồng ý lần lượt nói lại với các người thân quen. Nghe nói việc ấy, các trưởng giả đều oán trách rằng:
- Sa-môn Thích tử này tự xưng là tinh tấn, lại giống như lái buôn, làm mai mối mua bán nam nữ.
Các trưởng giả nghe lời ấy, liền nói lại với các Tỳ-kheo thực hành mười hai pháp. Các Tỳ-kheo nghe xong buồn rầu không biết đối đáp làm sao, liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi Tỳ-kheo Ca-lưu:
- Việc ấy có thật không?
Ðáp:
- Ðúng vậy, thưa Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
- Ông đã làm trái với hạnh của Tỳ-kheo. Ông xuất gia học đạo mà đi làm mai mối cho nam nữ và lấy đó làm vui. Khi có đám tang ông cũng có mặt, khi họ vui đùa ông cũng có mặt. Ông chẳng có thực hành hạnh Sa-môn. Ông là Sa-môn mà lại đi làm tôi tớ cho người.
Sau khi dùng vô số phương tiện quở trách, dạy dỗ xong, Thế Tôn tập hợp chúng Tăng, vì muốn đủ mười công đức nên kiết giới cho Sa-môn:
- Tỳ-kheo nào cố tâm làm mai mối người nữ với người nam, mai mối người nam với người nữ, mai mối quả phụ với đàn ông góa vợ... thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa.
Phật ở tại vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.
Tỳ-kheo Ca-lưu quen biết rộng rãi với các trưởng giả, hướng dẫn các trưởng giả làm việc phước. Vợ chồng các trưởng giả gây lộn với nhau, Tỳ-kheo ấy đến khuyên răn, hòa giải, lôi kéo lên giường cho ngủ chung. Các trưởng giả thân quen khác cười chê việc làm của Tỳ-kheo ấy và nói:
- Ðáng lẽ chúng tôi làm việc hòa giải ấy, vậy mà Tỳ-kheo lại làm.
Các trưởng giả sanh tâm chán ghét, liền đến nói với các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo không biết trả lời ra sao, liền đến chỗ Phật, bạch đầy đủ với Thế Tôn. Thế Tôn bảo:
- Các Tỳ-kheo không được đến nhà cư sĩ để hòa giải và tái hợp cho họ.
Do việc ấy, Thế Tôn tập hợp chúng Tăng, vì muốn đủ mười công đức nên kiết giới cho các Sa-môn:
- Tỳ-kheo nào cố tâm mai mối người nữ với người nam, mai mối người nam với người nữ, hoặc mai mối quả phụ với đàn ông góa vợ, cho đến hòa giải tái hợp thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa.
Người nam có ba vợ: một người do cướp được, người thứ hai do mua được, người thứ ba do kết duyên. Trong số ba người vợ ấy, nếu Tỳ-kheo nói với người chồng hãy nằm ngủ cùng với người vợ này, hoặc hòa giải khi vợ chồng họ gây lộn thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa.
Tỳ-kheo nào thả súc sanh và cho con đực con cái hợp đôi thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa.
Phật ở tại vườn Trúc Ca-lan-đà, thuộc La-duyệt-kỳ.
Lúc ấy, Tỳ-kheo Ðạt-nị-ca - con của người thợ gốm - suy nghĩ: "Nghề gốm của ta không có ai sánh kịp. Ta lại mạnh khỏe. Trước đây ta làm nhà gỗ, vua A-xà-thế định bắt giết ta, ta sẽ làm nhà gốm và ở trong đó".
Ông ta liền trộn bùn làm căn nhà lớn với các thứ như: cửa, khung cửa, xà ngang, cửa sổ, cột chống, giá phơi y... đều bằng gốm. Tỳ-kheo ấy gom góp củi, cỏ, cành, lá, cỏ tranh, cỏ lau, nổi lửa nung căn nhà bằng đất. Ngọn lửa rất mạnh, người trong nước không ai không thấy.
Nung căn nhà gốm xong, ông ấy đi du hành, khất thực trong sáu mươi ngày để có đồ đãi khi mời các Tỳ-kheo tập hợp vào nhà mới.
Thấy việc ấy, Phật biết nhưng vẫn bảo A-Nan:
- Ông hãy đem y đến đây. Ta muốn đến nơi ấy xem xét.
Lúc ấy, Thế Tôn dẫn A-Nan đến căn nhà gốm của Tỳ-kheo Ðạt-nị-ca. Trông thấy căn nhà có màu đỏ rực rỡ như lửa, Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi A-Nan:
- Vật gì đỏ như đống lửa thế kia?
Tôn giả A-Nan liền bạch với Thế Tôn đầy đủ việc ấy. Thế Tôn bảo:
- A-Nan! Ông hãy đến phá căn nhà gốm ấy. Vì sao vậy? - Ðể người đời sau thấy ở trong pháp của Ta, lúc đầu không có ai làm nhà gốm.
A-Nan liền đến phá căn nhà gốm ấy.
Sau hai tháng du hành, Tỳ-kheo Ðạt-nị trở về thành La-duyệt. Trông thấy căn nhà gốm bị phá, Ðạt-nị liền nổi giận, hỏi Tỳ-kheo ở cạnh đó:
- Ai đến phá căn nhà gốm này vậy?
Ðáp:
- Thế Tôn đến phá.
Ðạt-nị nói:
- Nếu đúng là Thế Tôn phá thì đành chịu vậy.
Phật ở tại vườn Ni-câu-đà, thuộc Ca-duy-la-việt, nước Thích-ky-sấu.
Khi ấy dòng họ Thích ở Ca-duy-la-việt vừa mới cất tòa nhà lớn. Tòa nhà ấy vừa cất xong không bao lâu, có kích thước không sai pháp, cửa hướng về phía Ðông. Nghe tin Phật đã đến vườn Ni-câu-đà, những người dòng họ Thích ở Ca-duy-la-việt liền suy nghĩ: "Chúng ta vừa cất xong tòa nhà này cách đây không lâu, kích thước không sai pháp, cửa hướng về phía Ðông, chưa có người ở. Sa-môn, Bà-la-môn và những người dòng họ Thích phải thỉnh Phật và chúng Tăng vào nhà đó trước, cúng dường đồ ăn uống và giữ Phật cùng Tăng nghỉ lại đó một đêm để được phước đức, lợi ích lớn".
Khi ấy, những người dòng họ Thích ra cửa phía Ðông của thành Ca-tỳ-la-việt, đến vườn Ni-câu-đà. Lúc đó Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số người đang vây quanh nghe. Trông thấy Thế Tôn đang ngồi dưới gốc cây, xinh đẹp không ai bằng, thân như núi vàng, là vị thầy đứng đầu trời người, đủ ba mươi hai tướng trang nghiêm thân, những người dòng họ Thích đều xuống xe, xuống ngựa, tiến đến chỗ Phật đảnh lễ sát đất rồi ngồi qua một phía.
Thế Tôn thuyết pháp cho những người dòng họ Thích, làm cho họ hoan hỷ. Sau khi thuyết pháp xong, Thế Tôn im lặng. Những người dòng họ Thích đứng dậy, sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải sát đất, chấp tay bạch Thế Tôn rằng:
- Bạch Thế Tôn! Chúng con đã xây một tòa nhà lớn ở Ca-duy-la-việt. Tòa nhà ấy vừa xây xong không bao lâu, có kích thước hợp pháp, cửa hướng về phương Ðông nhưng chưa có người ở. Sa-môn, Bà-la-môn và những người dòng họ Thích cúi xin Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo đến đó xem để chúng con được lợi ích lớn.
Thế Tôn im lặng chấp nhận.
Thấy Thế Tôn đã im lặng chấp nhận, những người họ Thích liền rời khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ sát đất, nhiễu Phật ba vòng rồi đi đến tòa nhà mới cất, quét dọn, trải tọa cụ, dùng các thứ như đệm dệt bằng lông, thảm lông, vải bông - được trang sức bằng lông chim - trải lên đất, múc nước trong đổ đầy bình, lấy vải bông tẩm dầu sạch và tốt làm đuốc, đốt ngọn đèn rất sáng... Những việc cúng dường như vậy không thể kể hết.
Họ lại đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ, chấp tay bạch Thế Tôn rằng:
- Ðồ cúng dường đã được sắp đặt xong. Ðã đến giờ, xin Thế Tôn thọ nhận.
Sau khi thọ thực xong, Thế Tôn đắp y mang bát cùng chúng Tăng đến tòa nhà mới cất, rửa chân ở bên ngoài rồi vào trong giảng đường, quan sát khắp giảng đường và đến ngồi trên tòa cao với dáng vẻ rất vui tươi.
Chúng Tăng cũng rửa chân rồi vào trong giảng đường, tuần tự ngồi ở vách phía Tây và xoay mặt về phía Ðông.
Lúc ấy, những người dòng họ Thích cũng rửa chân ở bên ngoài, vào giảng đường, ngồi ở vách tường phía Ðông và xoay mặt về phía Tây.
Ngay đêm ấy, khi thấy hội chúng đã ổn định, đức Thế Tôn liền nói pháp cho những người dòng họ Thích. Sau khi dùng vô số phương tiện để nói pháp, Thế Tôn bảo:
- Ðã quá nửa đêm, các vị hãy nghỉ ngơi.
Những người họ Thích liền rời khỏi chỗ ngồi, lạy Phật rồi ra đi.
Khi những người họ Thích đi được một lát, Thế Tôn quán sát tâm các Tỳ-kheo và thấy cần phải bảo họ hãy giữ yên tĩnh, hãy giữ yên tĩnh để nhập vào các loại tam muội sâu xa vi diệu.
Thế Tôn bảo Mục-kiền-liên:
- Hãy bảo các Tỳ-kheo giữ yên tĩnh để Ta nhập vào các loại tam muội sâu xa vi diệu. Thầy hãy nói pháp cho các Tỳ-kheo. Ta đang bị đau lưng, không thể nói pháp.
Vâng lời Phật dạy, Mục-kiền-liên nói:
- Hãy giữ yên lặng để tĩnh tâm.
Lúc ấy, Thế Tôn xếp tư y thượng, trải lên giường, gối đầu trên Tăng-già-lê, nằm nghiêng qua hông phải như sư tử, hai đầu gối chồng lên nhau, chân duỗi thẳng, chú tâm nghĩ đến ánh sáng cho đến khi nào trời sáng.
Tôn giả Mục-kiền-liên bảo các Tỳ-kheo:
- Tôi sẽ giảng lại cho các thầy nghe pháp mà trước đây tôi đã từng được nghe Thế Tôn giảng dạy. Ðó là pháp không nghe và nghe, như là việc thực hành của Tỳ-kheo không nghe pháp; hặc việc có thể thực hành của Tỳ-kheo có nghe pháp.
Tỳ-kheo không nghe pháp thực hành như thế nào?
- Tỳ-kheo nào nếu mắt thấy sắc, suy nghĩ về sắc thì liền dính mắc trong sắc, không nghĩ cách thoát ly sắc, ý không chuyên nhất, không chứng được trí tuệ giải thoát và như thật giải thoát, không hiểu rõ nơi phát sanh ra các pháp ác nên chúng tồn tại không bị diệt, không thể đắc đượïc quả Hữu-dư và Vô-dư Niết-bàn. Ðó là việc niệm sắc, dính mắc sắc của Tỳ-kheo không nghe pháp.
Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm sự trơn láng, tâm xúc chạm pháp, hoặc nghĩ về các sắc pháp... thì bị dính mắc pháp, không nghĩ cách thoát ly sắc pháp, ý không chuyên nhất, không chứng được như thật giải thoát và trí tuệ giải thoát, không hiểu như thật nơi phát sanh các pháp ác, nên chúng không được diệt trừ, không đạt được Niết-bàn Hữu-dư và Vô-dư. Ðó là việc dính mắc vào các pháp của Tỳ-kheo không nghe pháp.
Tỳ-kheo không nghe pháp mà thực hành như vậy sẽ bị ma tìm được sơ hở và làm hư hoại tâm ý. Nếu mắt thấy ma thì ma liền thấy được lỗi của mắt. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý thấy ma thì liền bị ma làm hại.
Này các Tỳ-kheo! Giống như có rừng tre, cỏ lau khô, nếu đập nát ra, dồn đống lại, rồi lấy lửa đốt bốn phía thì có thể cháy được không? - Cũng vậy, Tỳ-kheo ấy nếu mắt thấy ma thì liền bị ma phát hiện thấy lỗi của mắt và làm hư hoại tâm ý. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng bị ma làm hại như vậy.
Tỳ-kheo này bị sắc chế phục, không thể chế phục sắc, âm thanh, hương thơm, vị, sự trơn láng và pháp. Tỳ-kheo ấy bị pháp ấy chế phục, không thể chế phục pháp. Do bị sắc chế phục, bị pháp chế phục nên không thể chế phục pháp ác. Do không thể chế phục pháp ác nên làm các kiết sử phát sanh và lớn mạnh, phải chịu khổ sanh - già - bệnh - chết ở đời sau.
Ðó là sự thực hành của Tỳ-kheo không nghe pháp.
Sự thực hành của Tỳ-kheo có nghe pháp xảy ra thế nào?
- Tỳ-kheo này mắt thấy sắc, nghĩ về sắc, không đắm trước sắc. Không nghĩ đến sắc thì sắc lìa khỏi tâm, ý được chuyên nhất, được ý giải thoát (chỉ) và trí tuệ giải thoát (quán), biết như thật nơi phát sanh của các pháp ác nên chúng bị diệt mất, không phát sanh, đạt được Niết-bàn Hữu-dư và Vô-dư. Ðó là sự thực hành của Tỳ-kheo có nghe pháp.
Mắt thấy sắc không bị đắm trước, không bị dính mắc vào âm thanh, hương thơm, vị ngon, sự trơn láng và pháp; nghĩ về sắc pháp không bị dính mắc; không nghĩ về sắc pháp thì lìa sắc pháp, tâm được chuyên nhất, đạt được ý giải thoát, trí tuệ giải thoát, biết như thật nơi pháp ác phát sanh nên chúng liền diệt mất, không phát sanh, đạt được Niết-bàn Hữu-dư và Vô dư. Ðó là sự thực hành của Tỳ-kheo có nghe pháp.
Tỳ-kheo nào thực hành như vậy thì ở bất cứ nơi đâu cũng không bị ma khống chế và không hủy hoại được.
Giống như có người cất nhà bằng đá, lại lấy bùn trét khắp bốn phía, nếu cầm ngọn đuốc để thiêu đốt thì không thể thiêu đốt được. Cũng vậy, Tỳ-kheo này ở bất cứ nơi nào, khi mắt thấy ma, ma không thể làm hại. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với ma cũng không bị ma làm hại. Tỳ-kheo này có thể chế phục sắc, không bị sắc chế phục. Cũng vậy, đối với âm thanh, hương thơm, vị ngon, sự trơn láng và pháp, Tỳ-kheo này có thể chế phục pháp, không bị pháp chế phục, không tạo ra pháp ác ở đời sau, các kiết sử bị tan rã, sanh lão bệnh tử bị dứt trừ. Ðó là sự thực hành của Tỳ-kheo có nghe pháp.
Lúc ấy, từ trong trạng thái nằm, Thế Tôn nhổm dậy, ngồi kiết-già, lưng đã bớt đau. Thế Tôn bảo tôn giả Mục-kiền-liên:
- Vừa rồi ông đã nói cho các Tỳ-kheo nghe pháp không nghe và nghe, phải không?
Ðáp:
- Ðúng vậy, thưa Thế Tôn.
Thế Tôn khen Mục-kiền-liên:
- Lành thay! Lành thay Mục-liên! Ông phải thường thuyết pháp cho các Tỳ-kheo, đừng để gián đoạn.
Lúc ấy Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy thực hành và tụng đọc pháp không nghe và nghe này, và phải diễn giảng cho chư thiên và người đời nghe ý nghĩa của pháp ấy.
Vì Tỳ-kheo Ðạt-nị, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Các trưởng giả họ Thích còn cất giảng đường có kích thước hợp pháp, cửa chính quay về hướng Ðông. Người đời còn vậy, huống là Ðạt-nị, ở trong pháp của Ta không được phép mà lại cất nhà bằng gốm.
Do việc ấy và muốn có đầy đủ mười công đức, Thế Tôn liền kiết giới cho các Sa-môn:
- Tỳ-kheo nào tự ý làm nhà gốm như Ðạt-nị-ca thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Tự làm, tự làm chủ thì phải đúng lượng. Hạn lượng của nhà ấy là: Dài mười hai khuỷu tay (một khuỷu tay bằng một gang tay của Như Lai). Rộng bảy khuỷu tay. Khi làm, cần phải mời Tỳ-kheo biết pháp đến. Tỳ-kheo biết pháp cần phải dùng pháp để đo lường, không được dùng dâm, nộ, si để đo lường. Nếu dùng dâm, nộ, si để đo lường thì không được làm nhà.
Tỳ-kheo nào tự tìm xin để cất thất; tự làm, tự làm chủ, không mời Tỳ-kheo biết pháp đến, lại làm quá hạn lượng thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa.
(Phần trên là tự làm, phần dưới là lời ngăn chặn những việc phi kinh luật).
Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc La-duyệt-kỳ.
Lúc ấy, có một Tỳ-kheo vô tri chặt cây bạch dương lớn ở ngã tư đường để làm giảng đường. Vị thần sống ở cây ấy cõng con trai, con gái cả thảy ba người đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát đất, đứng qua một phía, bạch Thế Tôn rằng:
- Ở chỗ Thế Tôn có Tỳ-kheo vô tri đã chặt cây lớn ở ngã tư đường. Cây ấy là nhà của chúng con. Bây giờ sắp đến mùa lạnh, lá cây trong vườn Trúc rụng hết, những đứa con này sẽ sống ở đâu?
Thế Tôn dùng tâm từ bi bảo một vị thiên dẫn gia đình vị thần cây ấy đến nơi an ổn thích hợp để họ sống qua mùa lạnh. Người dân nước ấy không ai là không biết và đều rao truyền với nhau là Tỳ-kheo vô tri đã chặt cây đại thọ ở ngã tư đường để làm nhà. Nghe vậy, các trưởng giả đều hờn trách việc làm của Tỳ-kheo ấy rằng:
- Các Tỳ-kheo Thích tử đều tự nói là tinh tấn, không quấy nhiễu người. Vậy mà đã chặt cây bạch dương lớn đó để làm giảng đường, chẳng khác gì người thế tục chúng ta.
Nghe lời nói không tốt ấy, các Sa-môn đầu-đà đến bạch với Thế Tôn. Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi Tỳ-kheo vô tri ấy:
- Có thật ông đã chặt cây ấy không?
Tỳ-kheo vô tri ấy bên trong thì hổ thẹn, bên ngoài thì ngượng ngùng, quỳ gối phải sát đất, chấp tay bạch Thế Tôn rằng:
- Ðúng vậy, thưa Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
- Ông là Tỳ-kheo, phải thường có lòng từ. Vậy vì sao lại chặt cây lớn có thần sống ở ngã tư đường để làm giảng đường?
Thế Tôn dùng vô số phương tiện để quở trách, dạy dỗ Tỳ-kheo ấy rồi tập hợp chúng Tăng, vì muốn đủ mười công đức nên kiết giới cho các Sa-môn:
- Tỳ-kheo nào vô tri xây cất giảng đường lớn, phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Nếu muốn xây cất giảng đường thì phải mời Tỳ-kheo biết pháp và mời đàn-việt đến. Tỳ-kheo biết pháp phải đến nói rõ kích thước, đừng cho tăng giảm. Nếu Tỳ-kheo vô tri làm nhà lớn, không mời Tỳ-kheo biết pháp và đàn-việt mà tự ý làm thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa.
(Kích thước tùy theo đàn-việt)
Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt.
Lúc ấy, vua Tần-bà-sa-la bảo người đánh xe:
- Khanh hãy chuẩn bị xe ngựa báu. Ta muốn đến chỗ Thế Tôn để đảnh lễ Ngài.
Người đánh xe liền chuẩn bị xe ngựa rồi đến tâu với vua rằng:
- Vua ra lệnh chuẩn bị xe, giờ xe đã được chuẩn bị xong.
Vua Tần-bà-sa-la liền cỡi xe báu ra khỏi thành La-duyệt, đến núi Kỳ-xà-quật. Khi đến chỗ Thế Tôn, nhà vua xuống xe và đi lên núi, tháo bỏ năm oai nghi của vua Sát-lợi như: tháo kiếm, hạ lọng, cởi mũ ngọc châu, bỏ phất trần có chuôi bằng ngọc, cởi đôi giày nạm vàng, bỏ tùy tùng lại, chỉ dẫn theo vài người đến chỗ Phật, đảnh lễ sát đất rồi ngồi qua một phía.
Những người đi theo vua, có người lạy Phật, có người vái chào, có người chấp tay cung kính, có người đứng chiêm ngưỡng Phật.
Lúc ấy, Thế Tôn thuyết pháp cho vua nghe. Mọi người im lặng không có một tiếng động. Nghe Phật thuyết pháp xong, vua Tần-bà-sa-la liền đứng dậy, quỳ gối phải sát đất, bày vai phải, chấp tay bạch Phật rằng:
- Ngày mai con sẽ chuẩn bị ít thức ăn thanh tịnh. Cúi xin Thế Tôn và chúng Tăng đến thọ nhận.
Thế Tôn im lặng trong giây lát để nhận lời thỉnh của vua Tần-bà-sa-la.
Thấy Thế Tôn im lặng chấp nhận, vua liền đứng dậy, đảnh lễ sát đất, nhiễu Phật ba vòng rồi ra đi.
Khi đã về đến chỗ, ngay đêm ấy, vua cho chuẩn bị đầy đủ đồ ăn uống, tọa cụ tốt rồi bảo với cận thần:
- Khanh hãy đến chỗ Thế Tôn, nhân danh ta thăm hỏi Thế Tôn rồi thưa: "Ðồ ăn uống đã được chuẩn bị xong. Xin thỉnh Thế Tôn và đại chúng đến".
Vâng lệnh vua, vị quan ấy liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát đất, bạch Thế Tôn rằng:
- Ðồ ăn uống đã được chuẩn bị xong. Xin thỉnh Thế Tôn đến thọ nhận.
Thế Tôn liền đắp y mang bát, cùng chúng Tăng đến cung vua, ngồi theo thứ lớp. Thấy Phật và chúng Tăng đã ngồi yên, vua Tần-bà-sa-la tự đi rót nước, kế đó dâng các đồ ăn uống và tự tay châm đồ ăn, không chút mệt nhọc.
Sau khi đại chúng thọ thực xong, vua ngồi qua một bên trong chốc lát rồi đứng dậy chấp tay bạch Thế Tôn rằng:
- Xin Phật và chúng Tăng nhận sự cúng dường của con trong cả kỳ kiết-hạ này. Ở thành La-duyệt-kỳ chúng con sẽ cất cho Thế Tôn một giảng đường có kích thước đúng pháp, cửa xoay về hướng Ðông, vách phía Tây có cánh cửa lớn, kín đáo, ngay thẳng. Lại cất năm trăm phòng cho chúng Tăng, cung cấp năm trăm giường, năm trăm chiếu cói, năm trăm cái gối đầu... Các vật được dâng cúng đều là loại tốt, như lúa gạo thơm, thuốc trị bệnh trong kho của vua. Tất cả đều được dâng cúng cho Phật và Tăng.
Thế Tôn im lặng chấp nhận lời vua nói. Lúc ấy, Thế Tôn nói lời chúc phúc cho nhà vua:
- Phạm chí thờ lửa (Suốt cả cuộc đời không tìm cầu nơi người khác) Không để cho tắt (Lửa là cửa cổng là phương hướng, là mặt trước, là đầu)
Bốn bộ sách Phạm
Ðứng đầu các sách
Trong các người dân
Vua là đứng đầu
Trong các sông suối
Biển là rộng nhất
Sao trên không trung
Mặt trăng đứng đầu
Trong các sức nóng
Mặt trời hơn hết
Bốn phương trên dưới
Cùng khắp mọi phương
Trời người hai chân
Phật là đứng đầu.
Sau khi chúc phúc xong, Thế Tôn trở về. Nhân việc ấy, Thế Tôn tập hợp chúng Tăng hòa hợp mà dạy rằng:
- Này các Tỳ-kheo! Vua là người đứng đầu tất cả, cai trị một vùng rộng lớn, lo làm việc nước, có thế lực lớn, còn không dám chặt cây có thần cư ngụ ở ngã tư đường để làm giảng đường, chỉ làm giảng đường không quá lượng, đúng kích thước, cửa nằm ở hướng Ðông, vách chắn ở phía Tây, có cửa sổ và cửa chính ngay ngắn. Vậy, vì sao Tỳ-kheo lại làm nhà không đúng lượng?
Phật ở vườn Trúc Ca-lan-đà, thuộc La-duyệt-kỳ.
Lúc ấy, tôn giả Ðà-tạ-mạc-lộ-tử coi việc phân chia nơi thọ thực ở thành Vương-xá, coi việc phân chia giường nằm, phân phát thức ăn cho các Tỳ-kheo, không phân biệt thân quen hay xa lạ, không chọn tốt xấu, không lo sợ, không nghi ngờ, không trái thứ lớp, trên dưới, trước sau.
Lúc ấy có một Tỳ-kheo tên Mật-đố-lộ-địa theo thứ lớp được phân đến nhà nghèo thọ thực. Tỳ-kheo ấy phải ăn thức ăn dở nên suy nghĩ: "Ta bị khổ sở, bị tai nạn, bị khốn đốn nên bị Mạc-lộ-tử phân cho ta đi nhận thức ăn dở. Ta phải làm gì để trả oán thù này? Ta phải tìm cách hủy báng ông ta bằng pháp Ba-la-di không căn cứ".
Lúc ấy, Tỳ-kheo đó có người em là Tỳ-kheo ni Mật-đố-lộ (họ). Khi Tỳ-kheo ni nọ đến chỗ Tỳ-kheo ấy đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một phía. Tỳ-kheo ấy không thèm nói chuyện, không mời ngồi. Tỳ-kheo ni nọ liền suy nghĩ: "Ta không có xâm phạm các thầy ấy, không có gây sự, không có lỗi gì. Vậy mà hôm nay các thầy ấy không nói chuyện với ta, không mời ta ngồi".
Các Tỳ-kheo nói:
- Này cô em! Cô không biết sao? Bọn ta đã bị Mạc-lộ-tử bắt nhận thức ăn dở để xúc phạm ta. Vậy mà cô không giúp đỡ. Vì vậy tôi không nói chuyện với cô, không mời cô ngồi.
Tỳ-kheo ni đáp:
- Tôi phải làm sao?
Tỳ-kheo ấy nói:
- Cô phải đến chỗ Thế Tôn nói rằng: "Thưa Thế Tôn! Ở đây có gì là bình đẳng, có gì là đáng quý?! Ðà-tạ-mạc-lộ-tử đã cùng con làm hạnh bất tịnh, phạm Ba-la-di".
Tỳ-kheo ni đáp:
- Làm sao tôi phải hủy báng vị Tỳ-kheo thật sự thanh tịnh bằng pháp Ba-la-di không căn cứ?!
Tỳ-kheo đáp:
- Nếu cô không đến bạch với Phật, tôi sẽ không ngồi nói chuyện với cô.
Tỳ-kheo ni đáp:
- Có thể nói lời ấy nhưng thật khó có cơ hội.
Tỳ-kheo đáp:
- Cô từ từ đến sau, để chúng tôi đến chỗ Phật trước, sau đó cô mới đến.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo đến chỗ Phật đảnh lễ sát đất rồi ngồi qua một phía. Họ ngồi được một lát thì Tỳ-kheo ni đến đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng qua một phía, bạch Thế Tôn rằng:
- Bạch Thế Tôn! Ở đây có gì bình đẳng, có gì đáng quý! Tỳ-kheo Ðà-tạ đã cùng con làm việc bất tịnh, phạm Ba-la-di.
Lúc ấy các Tỳ-kheo kia đồng tình bạch Thế Tôn rằng:
- Ðúng vậy, thưa Thế Tôn! Ðúng như lời Tỳ-kheo ni nói, chúng con đều biết hết.
Lúc ấy, tôn giả Ðà-tạ đang cầm phất trần phất qua phất lại sau lưng Thế Tôn. Thế Tôn quay lại hỏi Tỳ-kheo Ðà-tạ:
- Ông có gì để nói không? Tỳ-kheo ni Mật-đố-lộ đã nói: "Có gì bình đẳng, có gì đáng quý! Tỳ-kheo Ðà-tạ đã cùng con làm việc bất tịnh, phạm Ba-la-di".
Tỳ-kheo Ðà-tạ bạch:
- Việc ấy chỉ có Như Lai biết, chỉ có Thế Tôn biết.
Thế Tôn bảo:
- Này Ðà-tạ! Ông không nên lấy ta làm chứng. Không nên nói rằng chỉ có Như Lai biết, chỉ có Thế Tôn biết. Nếu ông nhớ là có làm thì nói là đã làm, nếu nhớ không có làm thì nói là không có làm.
Tỳ-kheo ấy bạch Phật:
- Con không nhớ, thưa Thế Tôn. Con không nhớ, thưa Như Lai.
Lúc ấy, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo rằng:
- Theo lời bạch của Tỳ-kheo Ðà-tạ và theo lời thưa của Tỳ-kheo Mật-đố-lộ, nếu đúng như vậy thì phạm Ba-la-di.
Nói xong, Thế Tôn đứng dậy, trở vào tịnh thất.
Thế Tôn vừa đi được một lát, các Tỳ-kheo liền gạn hỏi Tỳ-kheo ni Mật đố lộ, gạn hỏi luôn các Tỳ-kheo đồng tình rằng:
- Các vị có thấy lỗi của Tỳ-kheo Ðà-tạ không? Thấy lúc nào? Thấy làm sao? Nghe theo ai mà nói thấy?
Các Tỳ-kheo liên tục quở trách và hỏi rõ sự thật. Các Tỳ-kheo đã đồng tình đáp:
- Do sân hận, ngu si nên chúng tôi nói vậy. Thật sự phạm hạnh của Tỳ-kheo Ðà-tạ hoàn toàn trong sạch.
Các Tỳ-kheo nói:
- Vì sao các ông đem ý sân hận, ngu si phỉ báng vị ấy, rồi giờ lại nói Tỳ-kheo ấy thanh tịnh?
Họ trách các Tỳ-kheo đồng tình bằng lời như vậy đến ba lần.
(Các Tỳ-kheo kia liền thuật lại sự việc như sau)
Bấy giờ, Phật ở vườn Trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt-kỳ.
Lúc ấy, tôn giả Ðà-tạ giữ nhiệm vụ phân chia cơm và ghế ngồi, giường chiếu cho các Tỳ-kheo. Vị ấy không có ý riêng tư, không sân hận, không ngu si, phân chia theo thứ lớp từ trên đến dưới, hoặc từ đưới lên trên không có trái oai nghi.
Lúc ấy, có Tỳ-kheo nọ được phân trúng nhà nghèo khổ, phải nhận thức ăn dở, liền sanh ý nghĩ này: "Ta thật khổ kịch liệt, thật nguy ách. Tỳ-kheo Ðà-tạ đã gây cho chúng ta nỗi khổ này. Chúng ta phải cho ông ta mắc lỗi Ba-la-di không căn cứ".
Thưa các thầy, vì lý do đó, vì sân hận, si mê nên chúng tôi đã nói lời như vậy. Thật ra thì phạm hạnh của Tỳ-kheo Ðà-tạ hoàn toàn thanh tịnh.
Lúc ấy, Thế Tôn từ tịnh thất trở lại giảng đường, ngồi trước các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo chấp tay bạch Phật:
- Lúc nãy, khi Như Lai vào trong thất được một lát, chúng con gạn hỏi Tỳ-kheo Mật-đố-lộ-địa rằng: "Các ông thấy làm sao? Thấy lúc nào? Nghe theo ai mà nói là thấy?", thì Mật-đố-lộ-địa nói là do sân hận ngu si mà nói lời ấy.
Thế Tôn bảo:
- Vì sao vậy, các Tỳ-kheo?! Chẳng phải Ta đã từng nói nghĩa này sao? Lời bạch của Tỳ-kheo Ðà-tạ và lời Tỳ-kheo Mật-đố-lộ tự nói, nếu đúng như vậy thì phạm Ba-la-di.
Nhơn việc này và để đầy đủ mười công đức, Phật liền kiết-giới cho các Sa-môn:
- Tỳ-kheo nào vì giận hờn, ganh ghét nên đối với Tỳ-kheo thanh tịnh không phạm Ba-la-di lại phỉ báng bằng pháp Ba-la-di không căn cứ để hủy hoại phạm hạnh của vị ấy. Về sau, khi bị gạn hỏi nhiều lần, việc ấy được biết là không căn cứ, Tỳ-kheo đã hủy báng không chịu hối cải thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa.
Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành La-duyệt.
Lúc ấy, tôn giả Ðà-tạ cư trú trong một cái thất bằng đá. Các Tỳ-kheo thay nhau giáo huấn Tỳ-kheo ni. Lúc đó đến lượt Tỳ-kheo Ðà-tạ phải giáo huấn Tỳ-kheo ni. Các Tỳ-kheo ni đến chỗ Tỳ-kheo Ðà-tạ. Do việc thù oán về đồ ăn uống trước đây, các Tỳ-kheo đồng tình của Tỳ-kheo Mật-đố-lộ-địa thường rình tìm lỗi lầm của Tỳ-kheo Ðà-tạ. Họ ngồi rình ở hốc đá trong tịnh thất. Trông thấy các Tỳ-kheo ni ra vào căn thất bằng đá, các Tỳ-kheo ấy suy nghĩ: "Các Tỳ-kheo ni này chợt ra chợt vào, chắc chắn là Tỳ-kheo Ðà-tạ đã níu kéo và nói chuyện riêng tư với các cô ấy".
Họ cùng nói với nhau: "Chắc chắn như vậy, không còn nghi ngờ", và lập tức thông báo với các Tỳ-kheo về việc ấy. Nghe lời này, các Tỳ-kheo khờ khạo liền tin ngay. Các Tỳ-kheo đầu-đà nghe việc ấy xong đều không vui, liền đến bạch đầy đủ với Thế Tôn. Do việc ấy, Thế Tôn liền tập hợp chúng Tăng hòa hợp đủ mười công đức để kiết giới cho các Tỳ-kheo:
Tỳ-kheo nào vì giận hờn, ganh ghét đối với Tỳ-kheo thanh tịnh, lại vu khống đã phạm hạnh bất tịnh, rình tìm từng lỗi nhỏ, không phạm Ba-la-di lại nói là phạm Ba-la-di. Về sau, khi bị gạn hỏi nhiều lần mà hối hận trở lại thì tốt, nếu không hối hận mà cố rình tìm những lỗi nhỏ khác để diễn thành lỗi lớn thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa.
Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành La-duyệt.
Vào sáng sớm, lúc ấy tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đắp y mang bát đi từ núi Kỳ-xà-quật vào thành La-duyệt. Trên đường chợt gặp mưa lớn, họ liền vào hang đá tránh mưa. Có một cô gái chăn bò đã vào trong ấy tránh mưa từ trước, nằm mộng xuất tinh. Thấy vậy, Xá-lợi-phất liền đi trở ra.
Lúc ấy, thấy Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đi ra, Tỳ-kheo Cù-bà-ly - đệ tử của Ðiều-đạt - liền vào hang đá và thấy người nữ ấy, liền suy nghĩ: "Chắc chắn Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đã làm việc bất tịnh hạnh với người nữ này".
Cù-bà-ly liền vào thành nói với các Tỳ-kheo:
- Các thầy thường nói Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên thanh tịnh, nay họ đã làm dơ hạnh thanh tịnh ấy. Vừa rồi, tôi đã thấy rõ việc này.
Các Tỳ-kheo không biết trả lời thế nào liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:
- Kẻ ngu si này mắc tội rất nặng, đã vu khống Tỳ-kheo thanh tịnh bằng pháp Ba-la-di không căn cứ. Kẻ ngu si này sẽ phải đọa địa ngục, chịu khổ trong thời gian lâu dài.
Lúc ấy, Tỳ-kheo Cù-ba-ly đến chỗ Phật, đảnh lễ sát đất rồi ngồi qua một phía. Thế Tôn bảo Cù-bà-ly:
- Này Tỳ-kheo Cù-bà-ly! Ông phải lập tức sám hối với Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Vì sao vậy? - Các thầy ấy đầy đủ phạm hạnh.
Cù-bà-ly bạch Phật:
- Con biết Như Lai tin người ấy thanh tịnh, nhưng chính mắt con thấy Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên làm ác.
Thế Tôn lại bảo Cù-bà-ly:
- Này Cù-bà-ly! Ông phải lập tức sám hối với Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Vì sao vậy? - Các thầy ấy đầy đủ phạm hạnh.
Cù-bà-ly bạch Phật:
- Con biết Như Lai tin Xá-lợi-phất.... nhưng chính mắt con thấy Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên làm ác.
Phật lại nói với Cù-bà-ly lần thứ ba:
- Ông phải sám hối với Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Vì sao vậy? - Các thầy ấy hoàn toàn đầy đủ phạm hạnh.
Cù-bà-ly lại bạch Phật:
- Con biết Như Lai tin các thầy ấy trong sạch, nhưng chính mắt con đã thấy Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên làm ác.
Phật nói ba lần, Tỳ-kheo Cù-bà-ly vẫn không nghe và lập tức đứng dậy bỏ đi.
Sau khi đi không được bao lâu, khắp thân thể ông ta liền sanh mụt ghẻ giống như hạt cải. Mụt ấy lớn dần lên như hạt đậu ve, rồi như hạt đậu nành, rồi lớn như hạt đậu thư (giống hạt táo), rồi lớn như quả A-ma-lặc, rồi như quả Lặc-lộ, rồi thối rửa, vỡ tung, máu mủ tuôn trào khắp thân thể.
Ngay đêm ấy, Tỳ-kheo Cù-bà-ly qua đời, đọa xuống địa ngục Bà-đàm-mộ. Ngay đêm ấy, có một vị thiên đến chỗ Phật, đảnh lễ sát đất rồi đứng qua một phía, bạch Thế Tôn rằng:
- Tỳ-kheo Cù-bà-ly phát sanh ý ác, vu khống Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên phạm phạm-hạnh nên bị đọa vào địa ngục Bà-đàm-mộ.
Sau khi bạch xong, vị thiên ấy đảnh lễ Thế Tôn rồi trở về cõi trời.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Ðêm qua có một vị thiên đến chỗ Ta, đảnh lễ sát chân Ta rồi đứng qua một phía, bạch với Ta rằng: "Tỳ-kheo Cù-bà-ly phát sanh ý ác, phỉ báng Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên phạm phạm-hạnh nên chết đọa vào địa ngục Bà-đàm-mộ. Tỳ-kheo ấy chỉ nhân việc nhỏ mà phỉ báng các Tỳ-kheo có phạm hạnh thanh tịnh. Tỳ-kheo nào phỉ báng như vậy, phạm Tăng-già-bà-thi-sa.
Lúc ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Các vị có muốn nghe thọ mạng của chúng sanh ở địa ngục lớn Bà-đàm-mộ dài ngắn thế nào không?
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin Thế Tôn hãy nói về địa ngục lớn Bà-đàm-mộ ngay lúc này. Nghe xong các Tỳ-kheo sẽ ghi nhớ phụng hành.
Thế Tôn nói:
- Này các Tỳ-kheo! Ví như có cái đấu rất lớn có sức chứa mười hai hộc, được đựng đầy hạt mè đến nỗi vun thành ngọn. Có người cứ một trăm năm đến lấy một hạt mè, này các Tỳ-kheo, thời gian mà người ấy lấy hết số hạt mè trong đấu ấy còn có thể tính biết được, tuổi thọ của người ở trong địa ngục A-phù thì không thể tính được. Như hai mươi lần tuổi thọ ở địa ngục Vô-thật không bằng một tuổi thọ của địa ngục Không-vô-thật. Hai mươi địa ngục Không-vô-thật không bằng một địa ngục Kêu gào. Hai mươi địa ngục Kêu gào không bằng một địa ngục Xử-bà. Hai mươi địa ngục Xử-bà không bằng một địa ngục Tu-càn-đề. Hai mươi địa ngục Tu-càn-đề không bằng một địa ngục Ma-đầu. Hai mươi địa ngục Ma-đầu không bằng một địa ngục Ưu-ba-la. Hai mươi địa ngục Ưu-ba-la không bằng một địa ngục Câu-vật-đầu. Hai mươi địa ngục Câu-vật-đầu không bằng một địa ngục Phân-đà-ly. Hai mươi địa ngục Phân-đà-ly không bằng một địa ngục Bà-đàm-mộ.
Tỳ-kheo Cù-bà-ly - đệ tử của Ðiều-đạt - sanh vào địa ngục này vì tội phỉ báng Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên.
TỲ NẠI DA
Hết quyển bốn

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Dưới bóng đa chùa Viên Giác


Dưới cội Bồ-đề


Truyện tích Vu Lan Phật Giáo


Tổng quan về Nghiệp

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.20.132 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập