Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp Cô Ðộc, thuộc nước Xá-vệ.
Lúc ấy Thế Tôn chưa kiết giới không ăn quá giờ ngọ.
Vào lúc xẩm tối, tôn giả Ca-lưu-đà-di đắp y, mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Lúc ấy mây dày đặc, trời âm u tối đen, nổi sấm sét đùng đùng, chớp lóe sáng rực. Có một phụ nữ mang thai đi ra ngoài lấy nước. Tôn giả Ca-lưu-đà-di đến cửa định vào khất thực, chợt thấy Ca-lưu-đà-di trong ánh chớp, phụ nữ nọ kinh sợ quá độ, liền kêu thất thanh:
- Quỷ Tỳ-xá-chi !
Ca-lưu-đà-di đáp:
- Ta là Sa-môn chứ không phải quỷ.
Phụ nữ ấy nói:
- Này Sa-môn ! Tôi không giết cha hại mẹ ông, sao ông làm hại thai tôi?
Phụ nữ ấy liền đi nói với Tỳ-kheo thực hành mười hai pháp. Tỳ-kheo mười hai pháp đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:
- Tỳ-kheo nào ăn quá giờ ngọ thì phạm tội đọa.
Lúc ấy tôn giả Bà-đặc-bà-lê nghe Thế Tôn kiết giới không ăn quá giờ ngọ, liền nói:
- Trong hai bữa ăn, bữa ăn chiều là bữa ăn ngon nhất, vậy mà Sa-môn Cù-đàm cắt mất bữa ăn đó.
Nghe vậy, các Tỳ-kheo đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:
- Ngày xưa ông ấy cũng đã tham đắm vị, chứ chẳng phải chỉ có ngày nay. Các vị hãy nghe ta kể:
Ngày xưa, cách đây vô số kiếp, vào kiếp tận thế, trời đất tan rã. Sau đó, đất có lớp mỡ rất ngon ngọt, như cục đường phèn. Có một thiên tử A-bà-tối-la hạ xuống đất ấy, dùng ngón tay nếm lớp mỡ ngon ngọt trên đất, ý sanh ưa thích, liền trở lên trời nói với các thiên tử và dẫn các thiên tử xuống để nếm mỡ đất. Ðến ngày thứ ba, thân họ nặng nề không thể bay được nữa. Mỡ đất từ từ lặn mất, đất sanh chất mặn. Về sau, tự nhiên gạo tẻ xuất hiện. Họ liền ăn gạo đó. Lúc ấy người này tham đắm vị, ngày nay lại đắm vị.
Phật đến vườn Kỳ-thọ Cấ-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.
Tôn giả Tất-lăng-lệ-bạt bị đau mắt. Các trưởng giả Bà-la-môn đem đến bơ, dầu, mật, đường đen, đường phèn và các thức ăn tươi. Các đệ tử thường để thức ăn lại qua đêm mà ăn, Tỳ-kheo mười hai pháp liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn chế giới:
- Tỳ-kheo nào không bệnh mà giữ thức ăn lại qua đêm để ăn thì phạm tội đọa.
Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp Cô Ðộc, thuộc nước Xá-vệ.
Nhóm sáu Tỳ-kheo dùng nước và thức ăn không được trao nhận. Thấy vậy, Tỳ-kheo mười hai pháp đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:
- Tỳ-kheo nào đưa vào miệng thuốc và thức ăn không được trao nhận - trừ nước và tăm - thì phạm tội đọa.
Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp Cô Ðộc, thuộc nước Xá-vệ.
Nhóm sáu Tỳ-kheo vào thôn xóm thấy cao, sữa, bơ, thịt, cá, nem... liền tự động vào xin. Thấy vậy, các trưởng giả nói với nhau:
- Thích tử xin nhiều cá, nem để làm gì?
Họ liền đến thưa Tỳ-kheo mười hai pháp. Tỳ-kheo mười hai pháp đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn tập hợp chúng Tăng hòa hợp đủ mười công đức, kiết giới cho Sa-môn:
- Tỳ-kheo nào biết làng ấy có bơ, sữa, cao sữa, cá, thịt, nem... Nếu không bệnh mà đến xin thì phạm Ba-dật-đề.
Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp Cô Ðộc, thuộc nước Xá-vệ.
Lúc ấy có hai Tỳ-kheo ở trong núi sâu, tại biên giới nước Câu-tát-la, chưa từng thấy Phật, thường trông mong được gặp Phật.
Hai người cùng bàn bạc rồi lên đường đi gặp Thế Tôn. Lúc ấy là cuối mùa Xuân, trời rất nóng, quáng nắng giống như nước. Mặt trời đã đứng bóng, ở giữa nơi hoang vắng không có một chút nước, thân thể khát cháy. Hai người tìm nước khắp nơi nhưng chỉ gặp một vũng nước nhỏ, nước ít mà trùng nhiều.
Một Tỳ-kheo nói với Tỳ-kheo kia rằng:
- Uống nước có trùng này để đủ sức vượt qua nơi hoang vắng này và được chiêm ngưỡng Như Lai.
Tỳ-kheo kia đáp:
- Ðã thọ giới của Thế Tôn, làm sao phá hoại được.
Lúc ấy một người uống, một người không uống.
Người không uống qua đời, sanh lên trời Tam thập tam, đội mũ làm bằng trăm thứ châu báu, đến gặp Thế Tôn, đảnh lễ sát đất rồi đứng qua một phía. Thế Tôn thuyết pháp, vị ấy liền kiến đế.
Sau đó người uống nước mới đến. Thấy Tỳ-kheo ấy đến, Thế Tôn cởi y thượng, bày thân vàng ròng và nói:
- Ông là người ngu nên mới chiêm ngưỡng thân bốn đại, là nơi chứa đầy chất hôi hám. Ai thấy pháp thì thấy thân Ta.
Thế Tôn bảo:
- Tỳ-kheo nào biết nước có trùng mà lấy uống thì phạm tội đọa.
Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp Cô Ðộc, thuộc nước Xá-vệ.
Có một trưởng giả thỉnh Phật và chúng Tăng. Nhóm sáu Tỳ-kheo đến nhà bếp trước và nghỉ ở đó. Thấy vậy, các trưởng giả nói với nhau:
- Sa-môn Thích tử đến đây trước, làm trở ngại việc nấu thức ăn.
Nghe vậy, Tỳ-kheo mười hai pháp bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:
- Tỳ-kheo nào đến quá sớm nơi nhà đã thỉnh chúng Tăng và ngồi hoặc nằm, đùa với trẻ con thì phạm tội đọa.
Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp Cô Ðộc, thuộc nước Xá-vệ.
Có một trưởng giả thỉnh chúng Tăng. Trưởng giả ra đi không có ở nhà, một mình vợ trưởng giả làm thức ăn ở phía sau.
Lúc ấy, tôn giả Ca-lưu-đà-di đến sớm, ngồi ở nhà trưởng giả. Thấy vậy, các trưởng giả nói với nhau:
- Vì sao Tỳ-kheo Thích tử lại cùng phụ nữ ngồi chung một chỗ?
Tỳ-kheo mười hai pháp đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:
- Tỳ-kheo nào đến nhà thỉnh chúng Tăng trước và cùng với phụ nữ ngồi chung một chỗ thì phạm tội đọa.
Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp Cô Ðộc, thuộc nước Xá-vệ cùng với năm trăm Tỳ-kheo.
Lúc ấy, thôn Tỳ-la-nhiên có Bà-la-môn tên A-kỳ-đạt-đâu, rất giàu tiền của, ruộng vường sung túc. Ông ta đến Xá-vệ, ở nhà một trưởng giả, nói với trưởng giả ấy rằng:
- Ở đây có Sa-môn, Bà-la-môn nào thông minh trí tuệ, là thầy dẫn dắt đồ chúng không? Nếu có người ấy thì tôi muốn thường xuyên đến lễ lạy, thăm hỏi người ấy để tâm ý tôi được khai mở.
Trưởng giả đáp:
- Ở đây có Sa-môn Cù-đàm, thuộc dòng họ Thích, xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, nay đã chứng quả Vô thượng Bồ-đề. Nếu muốn đi gặp thì đã đến lúc rồi. Hãy đến đó thăm hỏi.
Bà-la-môn hỏi:
- Cù-đàm đang ở đâu? Tôi muốn đi thăm hỏi.
Trưởng giả đáp:
- Thế Tôn đang ở nước Xá-vệ, tại vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc. Muốn đi thì đi.
Sáng sớm, Bà-la-môn A-kỳ-đạt-đâu ra khỏi thành Xá-vệ, đến tịnh xá Kỳ-hoàn.
Lúc ấy, Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số trăm ngàn người. Trông thấy Thế Tôn trang nghiêm không ai bằng, các căn đầy đủ, thân màu vàng ròng, Bà-la-môn A-kỳ-đạt-đâu liền đến chỗ Phật, vòng tay chào rồi ngồi qua một phía.
Thế Tôn nói đủ loại pháp vi diệu. Nói pháp xong, Thế Tôn đứng im lặng. Bà-la-môn bạch Thế Tôn rằng:
- Xin Xa-môn Cù-đàm và chúng Tăng nhận lời thỉnh của con trong chín mươi ngày kiết hạ.
Lúc ấy Thế Tôn nhớ lại nghiệp báo trước kia, không thể tránh, liền im lặng nhận lời thỉnh của Bà-la-môn. Bà-la-môn liền đứng dậy, vòng tay từ giã.
Khi từ Xá-vệ đến Tỳ-la-nhiên, ông ta chuẩn bị đủ loại thức ăn cho bốn tháng Hạ.
Khi đến mùa hạ, ông ta dặn người giữ cửa:
- Trong bốn tháng này, ta ở trong đây, không muốn ra ngoài. Chớ có cho ai vào. Dù có các việc khổ, vui,lành, dữ cũng chớ có vào thưa với ta.
Người giữ cửa liền vâng lệnh.
Khi đến mùa Hạ, Thế Tôn tập hợp chúng Tăng hòa hợp, Thế Tôn bảo:
- Các vị phải thu dọn y bát để đến thôn Tỳ-la-nhiên.
Năm trăm Tỳ-kheo liền đắp y, mang bát theo Thế Tôn đến Tỳ-la-nhiên.
Lúc ấy ở Tỳ-la-nhiên không có tịnh xá, phía Bắc có núi Ðại-thất-lợi-sa. Hang núi rộng lớn, cây cỏ sum suê, có đủ loại hoa, đủ loại chim... Lúc ấy Thế Tôn và chúng Tăng nghỉ đêm ở núi ấy.
Khi đó, Tỳ-la-nhiên toàn là Bà-la-môn, nhân dân đói kém, khất thực khó được. Ngay đêm ấy, Thế Tôn tập hợp chúng Tăng, bảo các Tỳ-kheo:
- Các Tỳ-kheo nên biết, Tỳ-la-nhiên này toàn là Bà-la-môn, nhân dân đói kém, khất thực khó được. Tỳ-kheo nào muốn ở đây kiết hạ thì ở lại, ai không muốn thì đi đâu tùy ý.
Xá-lợi-phất liền lên đỉnh núi A-mậu-ha nhận sự cúng dường của vợ Thích Ðề Hoàn Nhơn Tu-di-a-tu-luân và ăn cơm cõi trời trong bốn tháng.
Thế Tôn cùng bốn trăm chín mươi chín Tỳ-kheo kiết-hạ ở Tỳ-la-nhiên.
Các trưởng giả Bà-la-môn tin Phật, hoặc cúng bốn bữa ăn, năm bữa ăn, hoặc sáu bữa ăn rồi ngừng. Các Tỳ-kheo khất thực không được.
Tôn giả Mục-kiền-liên bạch Phật:
- Sở dĩ gọi là Diêm-phù-đề là vì quả Diêm-phù-đề cách đây vô số ngàn dặm về phía Ðông. Ðể con đi lấy quả Diêm-phù-đề về cho các Tỳ-kheo ăn. Cách nơi ấy không xa có vườn Ha-lê-lặc, A-ma-lặc, hoặc là đến Uất-đan-việt lấy loại gạo mọc tự nhiên, đến trời Tam-thập-tam lấy cam lồ cõi trời cho các Tỳ-kheo ăn, hoặc lấy chất béo bổ của quả đất, dùng tay trái lật lên, tay phải lấy mỡ đất cho các Tỳ-kheo ăn.
Thế Tôn bảo Mục-kiền-liên:
- Ta biết ông có thần thông, nhưng nghiệp báo đời trước của các Tỳ-kheo đã đến, sẽ đem để ở đâu?
Thế Tôn không chấp nhận đề nghị ấy.
Ở Tỳ-la-nhiên có nhiều cỏ mềm và nước. Có người buôn ngựa thả ngựa ở đó. Thấy các Tỳ-kheo khất thực không được gì, ông ta bảo các Tỳ-kheo:
- Ở đây thóc lúa mắc, khất thực khó được. Tôi không có thức ăn chín, bột gạo rang hay cơm khô, chỉ có lúa mạch. Nếu các vị cần tôi sẽ cúng.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Thế Tôn chưa cho phép ăn lúa mạch của ngựa.
Họ đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:
- Tuy biết là lúa mạch dành cho ngựa, nhưng hãy tùy thời ngâm nước cho nứt mộng thì có thể lấy ăn.
Lúc ấy, bầy ngựa gồm năm trăm con, chúng Tăng còn thiếu một người là đủ năm trăm vị. Mỗi con ngựa một ngày ăn một đấu lúa mạch, người chăn ngựa mỗi ngày ăn hai đấu. Người buôn ngựa liền phân đều mỗi người ngựa là nửa đấu một ngày và đem cúng cho Phật và chúng Tăng.
A-Nan đem phần của Thế Tôn và phần mình vào Tỳ-la-nhiên để nhờ người nấu. Gặp một phụ nữ, A-Nan ca ngợi công đức của Phật:
- Thế Tôn có giới - định - tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, có ba mươi hai tướng đại trượng phu, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân thể. Ánh sáng bao quanh thân trong phạm vi bảy thước (tính luôn ánh sáng bao quanh hai tay, hai Phật thì hơn bảy thước). Thân có màu vàng ròng, nhìn không biết chán, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, xuất gia học đạo, đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cứu chúng sanh thoát khỏi nguy ách, độ người chưa được độ, giải thoát người chưa giải thoát, giúp người chưa nhập Niết-bàn được nhập Niết-bàn, không còn sanh - già - bệnh - chết, buồn rầu khổ não. Nếu không xuất gia học đạo, vị ấy sẽ làm vua Chuyển luân có đủ bảy báu là: bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, ngọc nữ báu, trưởng giả báu và quan cầm binh báu. Vị ấy sẽ có ngàn người con cường tráng, mạnh mẽ, thống lãnh khắp bốn phương, không cần dùng dao gậy... Tôi và các cô đều là bề tôi của vị ấy. Hôm nay vị ấy nhận thỉnh, đến kiết-hạ ở Tỳ-la-nhiên, chị có thể đem lúa mạch này làm bột gạo rang giúp không?
Phụ nữ đáp:
- Nhà tôi có nhiều việc gấp. Việc của mình làm còn không xuể, làm sao giúùp người khác được !
Cách đó không xa, có một phụ nữ nghe A-Nan khen ngợi công đức của Phật thật là kỳ lạ, cô ta liền suy nghĩ: “Thế gian lại có người như vậy sao?”. Cô ấy liền bảo A-Nan:
- Ðem lúa mạch đến đây tôi làm bột gạo cho. Từ nay trở đi, Phật, A_Nan và những người tu phạm hạnh khác cứ đem lúa mạch đến, tôi sẽ làm bột gạo giúp cho.
Phụ nữ ấy liền xay lúa mạch rồi trao cho A-Nan.
A-Nan đem bột đến chỗ Phật, dâng nước rửa tay chân rồi trao bột cho Phật. Phật liền ăn bột ấy. Thấy Phật ăn bột, A-Nan buồn rơi lệ, suy nghĩ: “Phật là con của quốc vương, thường ăn thức ăn ngon, chưa từng ăn thức ăn dở. Hôm nay lại ăn bột lúa mạch làm sao có sức khỏe được?!”.
Biết được ý nghĩ ấy, Thế Tôn bảo A-Nan:
- Ông có thể ăn bột này không?
Ðáp:
- Có thể.
Thế Tôn liền trao một bụm cho A-Nan ăn. A-Nan thấy có vị như cam lồ cõi trời. A-Nan lại suy nghĩ: “Thế Tôn ăn thức ăn này chắc có sức khỏe”.
Khi Thế Tôn ăn xong, A-Nan rửa bát, rót nước rồi bạch Phật:
- Vừa rồi con nhờ một phụ nữ làm bột nhưng cô ấy không làm. Có một phụ nữ không cần nhờ mà tự nhận làm. Xin Thế Tôn nói ý nghĩa việc ấy.
Thế Tôn bảo:
- Người không chịu làm, nếu chịu làm thì sẽ được làm đệ nhất phu nhân của Chuyển luân Thánh vương. Người không nhờ mà làm sẽ thu được công đức lớn. Tuy không làm thêm việc phước nào nữa, nhưng cũng đã gây nhân Vô thượng Chánh đẳng giác.
Không bao lâu mọi người đều nghe tin Phật và chúng Tăng phải ăn lúa mạch. Có thiên ma Ba-tuần hóa làm chúng Tăng, quảy túi đựng cơm khô, đường phèn, tay mang chín trăm tấm bánh, đi đến ngã tư đường. Các trưởng giả hỏi các Tỳ-kheo ấy:
- Các vị từ đâu đến?
Các Tỳ-kheo đáp:
- Từ Tỳ-la-nhiên đến.
Hỏi:
- Phật và Tỳ-kheo Tăng không có thiếu thốn sao?
Các Tỳ-kheo giả đáp:
- Ðồ ăn uống dồi dào, không thể ăn hết. Chúng tôi đang mang phần còn dư đến Xá-vệ.
Lúc ấy, mười sáu nước lớn đều hay tin Phật và chúng Tăng, trong ba tháng an cư ở Tỳ-la-nhiên chỉ ăn toàn lúa mạch. Các trưởng giả, Bà-la-môn đem lượng của cải có giá trị một ức tiền đến nghinh đón Thế Tôn và chúng Tăng.
Còn bảy ngày nữa là hết hạ, Phật biết mà vẫn hỏi A-Nan:
- Còn bao nhiêu ngày nữa mãn hạ?
A-Nan bạch Phật:
- Còn có bảy ngày.
Phật bảo A-Nan:
- Dẫn hai Tỳ-kheo vào thôn Tỳ-la-nhiên, bảo với Bà-la-môn A-kỳ-đạt-đâu rằng: “Phật đã nhận lời thỉnh của ông trong chín mươi ngày, nay đã hết hạn, phải đi du hóa trong nhơn gian”.
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
- A-kỳ-đạt-đâu không có ý cúng Phật một bữa cơm nào, thì việc gì phải cáo biệt?
Thế Tôn đáp:
- Tuy không dọn cơm đãi, nhưng là người đã thỉnh nên phải đến cáo biệt.
Vâng lời Phật dạy, A-Nan dẫn hai Tỳ-kheo vào Tỳ-la-nhiên, đứng ở cửa nhà A-kỳ-đạt-đâu, nói với người giữ cửa:
- Anh vào thưa với chủ rằng: A-Nan đang ở ngoài, muốn vào gặp.
Lúc ấy A-kỳ-đạt-đâu đang ở sân trước gội đầu, mặc áo trắng ngồi trên giường dây. Người giữ cửa liền thưa như trên. Trưởng giả đáp:
- Mời vị ấy vào.
A-Nan liền vào, từ từ đến chỗ ngồi và im lặng trong chốc lát. Bà-la-môn hỏi:
- Thầy đến có việc gì?
A-Nan đáp:
- Thế Tôn bảo đã nhận lời thỉnh của ông trong chín mươi ngày, nay Ngài sắp đi du hóa nhơn gian.
Bà-la-môn hỏi:
- Thưa thầy A-Nan, Cù-đàm đã kiết hạ ở đây sao?
A-Nan đáp:
- Trước đây ông đã thỉnh mà lại quên sao?
Bà-la-môn hỏi:
- Trong chín mươi ngày, các vị đã lấy gì ăn?
A-Nan đáp:
- Rất là nguy khốn. Thế Tôn và chúng Tăng đã ăn lúa mạch của ngựa trong ba tháng.
Bà-la-môn nhớ là mình đã thỉnh Phật và chúng Tăng, chuẩn bị tọa cụ, ra lệnh người giữ cửa đừng cho ai vào. Bà-la-môn A-kỳ-đạt-đâu lại suy nghĩ: “Bốn phương xa gần đều đã nghe tin ta làm việc ác này: A-kỳ-đạt-đâu thỉnh Phật và chúng Tăng mà không hề cúng dường”.
Ông ta lại hỏi A-Nan:
- Có thể lưu giữ Sa-môn Cù-đàm lại để tôi được sám hối không?
A-Nan đáp:
- Không thể lưu được.
Nghe vậy, A-kỳ-đạt-đâu buồn rầu áo não, ngã nhào xuống đất. Những người nhà liền lấy nước rưới lên mặt, ông ta mới ngồi dậy được.
Người nhà nói với A-kỳ-đạt-đâu:
- Ông chớ có buồn rầu. Chúng tôi sẽ cùng ông đến sám hối Sa-môn Cù-đàm. Nếu Phật không chịu ở lại thì hãy cho người mang các đồ ăn uống này đi theo sau xem Ngài có thiếu thốn gì thì cúng dường.
Lúc ấy, A-Nan cùng Bà-la-môn và người nhà ông ta đến nhà Bà-la-môn để sám hối. Trông thấy họ đến, Thế Tôn suy nghĩ: “Nếu Ta không ở lại thì ông ấy sẽ hộc máu miệng”.
Do từ bi, Thế Tôn lại ở thêm bảy ngày. Trưởng giả liền cho chở tất cả đồ ăn uống đã chuẩn bị cho bốn tháng đến chất đầy ngập.
Nghe tin sáu mươi ngày tới, Thế Tôn sẽ du hóa khắp nơi, nhân dân Bạt-thị đều chuẩn bị các món cúng dường để đãi Như Lai.
Lúc ấy Thế Tôn may vá y ở Tỳ-la-nhiên.
Vào ngày y đã được may vá xong, Ngài đắp y, mang bát đến nước Bạt-thị. A-kỳ-đạt-đâu cũng cho chở đồ ăn uống đi theo sau Như Lai để xem Ngài có thiếu gì thì liền cung cấp đầy đủ.
Biết được nơi Như Lai sắp dừng chân, ông ta liền đến đó trước, chuẩn bị và nói rằng:
- Ngày nay và ngày mai tôi đã thỉnh Phật.
Nghe tin A-kỳ-đạt-đâu chở đồ ăn uống đi theo sau Như Lai, nhân dân Bạt-thị nghĩ: “Như vậy chắc chắn sẽ trở ngại cho việc cúng dường Phật của chúng ta”. Họ liền tập hợp lại để tìm cách hạn chế không cho Bà-la-môn ấy nấu cơm dâng Phật, hoặc nấu ít lại, hoặc chỉ làm nước mật. Họ nói với nhau:
- Ðừng cho Bà-la-môn ấy làm cơm dâng Phật.
Người nào thấy A-kỳ-đạt-đâu liền mắng rằng:
- Bà-la-môn ác độc kia ! Ngươi cho Phật và chúng Tăng ăn lúa mạch suốt chín mươi ngày, nay lại chở đồ ăn theo Phật, làm trở ngại việc cúng dường của người khác
Bà-la-môn ấy buồn rầu, đứng ở một phía để xem nhân dân cúng thiếu món gì thì cúng thêm cho đủ và thấy chỉ thiếu món cháo đậu. Ông ta liền lấy hạt mè, tía tô, đậu, giã A-ma-lặc, Tỳ-hê-lặc, lá lốt, gừng để nấu cháo dâng cho Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
- Hãy phân chia cho chúng Tăng.
Chúng Tăng không nhận, vì Thế Tôn chưa cho phép ăn loại cháo này. Bà-la-môn liền đến bạch Thế Tôn:
- Các Tỳ-kheo không chịu nhận cháo.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Từ nay trở đi, dù có bệnh hay không có bệnh cũng thường ăn cháo này, vì nó có năm lợi ích là: trừ đói khát, không bị trúng gió, thương hàn, đường tiêu hóa được thông suốt và không bị các bệnh do thức ăn gây ra.
A-kỳ-đạt-đâu lại suy nghĩ: “Ðủ loại thức ăn được chuẩn bị cho bốn tháng hạ, ta đã chở đến đây, lại không được dâng cho Phật và chúng Tăng. Ta phải làm như pháp tế thần là trải thức ăn dưới đất cho các Tỳ-kheo bước qua. Như vậy là họ đã thọ nhận của ta”.
Thế Tôn bảo:
- Ðó chẳng phải là vật để dùng chân bước qua. Ðó la vật được ăm bằng miệng.
Thế Tôn liền thuyết pháp cho Bà-la-môn. Nghe pháp xong, Bà-la-môn liền trở về.
Lúc ấy, Thế Tôn đắp y, mang bát trở về nước Xá-vệ. Có một ngoại đạo Phạm chí thân thể béo phì đi theo sau Thế Tôn.
Có một Bà-la-môn mộ đạo đến hỏi Phạm chí ấy rằng:
- Ở đây có nhận được đồ ăn uống không?
Ðáp:
- Nhận được.
Lại hỏi:
- Do đâu mà được?
Ðáp:
- Từ trưởng giả trọc đầu mà được.
Bà-la-môn nói:
- Hãy đi ngay đi. Ông đã nói lời nói xấu xa. Ông được mập mạp là nhờ Sa-môn Cù-đàm mà lại mắng ông ấy. Nếu nghe được, Sa-môn Cù-đàm sẽ kiết giới là không được cho ngoại đạo đồ ăn uống.
Các Tỳ-kheo đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:
- Ngoại đạo ấy đã quen thói điên đảo từ lâu. Nếu ông ta bị trúng độc thì sẽ báo với quan là bị Sa-môn Cù-đàm hạ độc.
Lúc ấy Thế Tôn chưa kiết giới cho Sa-môn mà đi thẳng đến nước Xá-vệ. Trưởng giả ở nước Xá-vệ làm bánh bơ và một trăm tấm bánh xốp cúng cho Phật và chúng Tăng.
Thường pháp của chư Phật Thế Tôn là khi ăn uống chưa đủ thì không đứng dậy, phải đợi đến lúc ăn no. Nếu đàn-việt cúng thiếu thì nhờ Phật lực, tất cả đều được đầy đủ.
Có hai phụ nữ Bà-la-môn đến xin tôn giả A-Nan ít bánh. Tôn giả lấy cho người này hai cái và người kia một cái bánh.
Người được một cái hỏi người kia:
- Chị được mấy cái?
Ðáp:
- Ðược hai cái.
Người kia hỏi ngược lại:
- Còn chị được mấy cái?
Ðáp:
- Ðược một cái. Chị được dư một cái, vậy hãy chia bớt cho tôi.
Ðáp:
- Ai có phần nấy, tôi không chia đâu.
Người nọ nói:
- Chắc A-Nan là chồng của chị.
Hai người cãi lộn nhau rất lớn. Thế Tôn biết mà vẫn hỏi A-Nan: - Vì sao hai người ấy cãi nhau?
A-Nan bạch đầy đủ việc trên với Thế Tôn, Thế Tôn bảo:
- Tỳ-kheo nào đích thân đem bánh cho Bà-la-môn và vợ Bà-la-môn thì phạm tội đọa.
Thức ăn có năm loại:
Một là thức ăn rễ. củ. Thức ăn rễ là: ngó sen, rau cải, hệ-bà-đà (loại rễ nhỏ mà ngọt).
Hai là thức ăn bằng thân, như: mía, thúc-cơ và các thân cây có thể ăn được.
Ba là thức ăn bằng lá cây: là các loại lá có thể ăn được.
Bốn là thức ăn bằng hoa như: hoa bà-bà, la-lê.
Năm là thức ăn bằng quả như: nho, cam, quất...
Lại có năm loại thức ăn là: bắp, gạo nát, lúa mạch xanh, đậu oản, gạo tẻ.
Khi đang ăn các loại thức ăn này, nếu có Bà-la-môn đến xin thì phải nói đó chẳng phải là thức ăn của tôi.
Có ai xin nước thì nói đó chẳng phải nước của tôi.
Xin trái cây thì nói chẳng phải trái cây của tôi.
Không được cho bất cứ thứ gì, trừ khi đó là cha mẹ, hoặc bệnh nhân.
Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.
Vua Ba-tư-nặc và A-xà-thế thường gây chiến nhau, đem binh đánh nhau. Nhóm sáu Tỳ-kheo bảo nhau cùng đến xem quân mã và lập tức đi xem.
Thấy vậy, các trưởng giả nói với nhau: “Sa-môn Thích tử xuất gia học đạo mà lại đi xem quân mã”, rồi đem việc ấy bạch lại với Phật. Thế Tôn bảo:
- Tỳ-kheo nào khi quân mã sắp ra trận mà đi xem thì phạm tội đọa. TỲ NẠI DA
Hết quyển tám
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.222.167.85 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.