Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Quyển thứ tám
(Tiếp theo tụng thứ tư trong biệt môn thứ hai).
(Nói về sự việc vua Thắng Quang tin Phật và những chuyện Ác Sinh tàn sát họ Thích ... )
Một hôm, thái tử Ác Sinh sanh tâm ác nghịch, cùng các quan lén mưu tính việc soán ngôi. Năm trăm đại thần của vua đều nghe theo, chỉ có một vị là người được vua ái trọng tên là Trưởng Hành không thuận theo kế này. Sau đó, Ác Sinh bảo Trưởng Hành:
- Chẳng lẽ ngài không muốn ta lên ngôi vua hay sao?
Ðáp:
- Vì sao thái tử nói lời phi pháp như vậy? Phụ vương ngài đã già không bao lâu sẽ băng hà, tất nhiên thái tử sẽ lên ngôi vua. Tại sao vì chỗ ngồi mà mưu đồ nghịch hại để chôn tên mình vào chỗ xấu? Tuy ngu si nhưng thần trộm nghĩ không nên.
Ác Sinh nói:
- Ta thử lòng ngài nên nói như vậy, ngài hãy giữ miệng chớ cho ai nghe.
Trưởng Hành nói:
- Thần không dám trái lệnh.
Sau đó, vua Thắng Quang cùng đại thần Trưởng Hành du hành đêán các tụ lạc nhưng không đem theo tùy tùng. Ðến nơi, thấy có chỗ A Lan Nhã trong sáng khoáng đãng thanh tịnh không có tạp uế, thích hợp với việc tu tập thiền định di dưỡng tinh thần, vua bảo Trưởng Hành:
- Thắng xứ thế này, Thế Tôn Ðại sư có thể trú ở đây. Làm sao ta được phục vụ thân cận cúng dường Ngài? Không biết đức Ðiều ngự đang ở đâu?
Ðáp:
- Thần nghe Thế Tôn đang ở trú xứ Thích chủng nơi tụ lạc Kiết Tường.
Vua hỏi:
- Ðến đó gần hay xa?
Ðáp:
- Cách đây ba Câu-lô-xá.
Vua nói:
- Ta muốn đến đó thân cận Thế Tôn.
Trưởng Hành tâu:
- Xin tuân ý Ngài.
Muốn gặp Thế Tôn, họ quay xe lại, đến vườn Kiết Tường, xuống xe đi bộ vào. Khi ấy, Thế Tôn đang thiền định trong căn phòng khép cửa. Các Bí-sô đang kinh hành ở ngoài. Thấy các Bí-sô, vua làm lễ và thưa hỏi:
- Ðức Thế Tôn đang ở đâu?
Ðáp:
- Ngài đang thiền định trong căn phòng khép cửa. Muốn gặp Thế Tôn, Ðại vương hãy đến đó và nhẹ nhàng gõ cửa, đức Phật tự biết.
Vua có năm vật trang sức uy nghiêm thắng diệu: Một là mão báu; Hai là lọng báu; Ba là kiếm báu; Bốn là phất báu; Năm là giày báu.
Khi ấy, ý muốn đến đó với sự nghiêm trang để thân cận Thế Tôn, vua ra lệnh Trường Hành:
- Giao năm vật báu cho khanh và để ngay trước mặt để trông chừng.
Trường Hành suy nghĩ: "Vua ra lệnh ta cầm những vật này ngay trước mặt nhìn luôn, ý muốn không bận bịu, để an tâm gặp Phật, vậy ta hãy ở đây". Ðến căn phòng, vua nhẹ nhàng gõ cửa. Sau khi đức Phật mở cửa, vua vào làm lễ sát chân đức Ðại sư và thưa:
- Ðã lâu, con không được gặp Như Lai, nay may mắn được diện kiến tôn nhan nên vui mừng không kể xiết.
Phật nói:
- Ðại vương! Vì sao ngài có thể hạ mình phục tùng ân cần với Ta như vậy?
Vua thưa:
- Con rất tin giáo pháp của Thế Tôn, vì kính tin nên làm cho con phát tâm ân cần tôn trọng. Vả lại, đức Phật Thế Tôn Ứng Cúng Chánh Ðẳng Giác khéo thuyết giảng giáo pháp, làm cho chúng Thanh văn đều phụng hành theo, không ai làm ngược lại.
Phật dạy:
- Ðại vương! Ðối với pháp nào mà ngài có tâm cung kính?
Vua bạch Phật:
- Trước đây, con từng thấy các Sa-môn Bà-la-môn khác có ít trí tuệ đã tự thị cống cao, làm sách vở để bắt bẻ người khác. Vì cho là họ giỏi phân tích, theo hiểu biết của mình mọi người hùa theo. Vì vậy, họ lập môn phái riêng dựng lên chủ thuyết của mình. Làm việc này xong, họ lại suy nghĩ: "Ta hãy đến gặp Sa-môn Kiều Ðáp Ma để cùng nhau đàm luận. Nếu không đáp được, ta sẽ làm nhục ông ta. Nếu ông ấy giải thích đúng, ta sẽ nói ngược: Sự giải thích này phi lý không đúng".
Sau khi có tà niệm như vậy, họ đến gặp đức Phật. Vừa thấy sức thần uy của Ðại sư, họ còn chẳng dám nhìn thẳng vào Ngài, huống chi có thể trực tiếp đàm luận. Thế nên con phát sinh lòng tin sâu xa với Thế Tôn. Do kính tín làm cho con có tâm ân cần tôn trọng như vậy.
Lại nữa, Ðức Phật Thế Tôn Ứng Cúng Chánh Ðẳng Giác khéo giảng thuyết pháp luật, làm cho chúng Thanh văn đều phụng hành. Lại nữa, bạch Thế Tôn! Con từng thấy: Các Bà-la-môn khác có ít trí tuệ lại tự thị cống cao, v.v ... tự tạo chủ thuyết muốn đến bắt bẻ Phật. Khi chiêm ngưỡng Thế Tôn, họ không dám hỏi, còn khen: - Ðại sư là bậc Pháp-vương đệ nhất trong Trời người. Hiểu biết của Ngài thông suốt tất cả, bứng hết gốc tà làm cho người tuân theo chánh đạo. Thế nên, con có lòng tin sâu xa với Thế Tôn. Do lòng tin kính này, làm cho con phát tâm ân cần tôn trọng như vậy.
Lại nữa, Phật Thế Tôn Ứng Cúng Chánh Ðẳng Giác khéo thuyết pháp luật, làm cho chúng Thanh văn đều phụng hành theo.Lại nữa, bạch Thế Tôn! Con từng thấy: các Sa-môn Bà-la-môn khác có ít trí tuệ đã tự thị cống cao, v.v ... tạo nhiều chủ thuyết, muốn đến luận chiến với Phật. Ðến gặp Phật, được chiêm ngưỡng Thế Tôn, họ đặt câu hỏi không hoàn chỉnh. Phật trả lời cho họ bằng câu đáp hoàn chỉnh. Nghe xong, họ rất vui mừng, phát tín tâm lớn quy y Tam-bảo, thọ trì học-xứ. Thế nên, con đối với Thế Tôn, sinh tín tâm sâu xa. Do tín tâm làm cho con có tâm ân cần tôn trọng như vậy.
Lại nữa, Phật Thế Tôn Ứng Cúng Chánh Ðẳng Giác khéo thuyết giảng pháp luật, làm cho chúng Thanh-văn đều phụng hành. Lại nữa, Thế Tôn! Con từng thấy các Sa-môn Bà-la-môn khác có ít trí tuệ đã tự thị cống cao, v.v ... muốn đến bắt bẻ Phật. Khi gặp Phật, được chiêm ngưỡng Thế Tôn, họ hỏi câu hỏi hoàn chỉnh. Tùy theo căn cơ, đức Phật trả lời bằng câu đáp hoàn chỉnh hơn nữa. Họ hoan hỷ vô cùng khi nghe được diệu nghĩa của Phật nên vứt bỏ tà đạo, tuân sùng chánh pháp và xin xuất gia, được thọ giới cụ-túc, siêng tu tập phạm hạnh, không bao lâu trừ sạch trần cấu nhiều đời, chứng A-la-hán, hưởng an lạc giải thoát và suy nghĩ: "Biết bao uổng phí cho ta vì tự dối trá, chẳng phải Sa-môn cho là Sa-môn, chẳng phải Bà-la-môn cho là Bà-la-môn, chẳng phải A-la-hán cho là A-la-hán. Ðến nay, ta mới thật là chân Sa-môn Bà-la-môn, chân A-la-hán. Thế Tôn! Do đó nên con có tín tâm sâu xa.v.v ... như trên.
Lại nữa, Thế Tôn! Trước đây con từng thấy các Sa-môn Bà-la-môn khác sắc diện vàng vọt hình dáng suy nhược, thân thể khuyết tật, thật không ưa nhìn. Thấy như vậy, sau khi suy nghĩ: "Lẽ nào người ấy không thích sống phạm hạnh, hay bị bệnh lâu dài đến nỗi suy nhược như vậy, hay là làm việc tội lỗi ở chỗ vắng mà che dấu nên mang thân hình này". Người không ưa nhìn, con đến hỏi:
- Vì sao quý vị không còn nhan sắc, hình dung tiều tụy, người không muốn nhìn.
Họ đáp với con:
- Ðại vương, tôi bị ái dục giày vò nên thân thể thế này.
Nghe như vậy, con suy nghĩ: "Người không bỏ được ái dục nên có tai hại như vậy".
- Nếu người nhiều hành động ái dục, tham ái dục đáng lẽ được tăng trưởng sức lực, nhan sắc xinh đẹp?
- Không đúng như vậy.
- Vì sao?
- Con làm quốc vương quyền lực tự do thụ hưởng rất đầy đủ năm dục, đáng lẽ được tướng mạo xinh đẹp thù thắng siêu tuyệt, nhưng đã không như vậy. Thế nên biết không phải do thân cận với dục mà sắc đẹp và sức lực tăng trưởng. Nhưng người ngu si đều yêu thích dục. Con thấy chúng Thanh văn đệ tử đức Thế Tôn, yêu thích phạm hạnh nên thân thể sáng sạch, diện mạo tươi nhuận, sống vui vẻ, thường sợ ái dục, như nai sống trong rừng, trọn đời thuần nhất không tạp, thanh bạch hoàn toàn, phạm hạnh đầy đủ. Vì vậy, con có lòng tin sâu xa.v.v... như trên.
Lại nữa, Thế Tôn! Con nhớ có lúc ngồi trên chánh điện xử lý việc nước, thấy có nhiều người đều vì năm dục nên đến gặp con, hoặc đối với cha mẹ nam nữ anh chị em tri thức bằng hữu mà kiện tụng nhau, tranh luận tốt xấu, huống chi với người khác.
Lại nữa, con từng thấy, có hai Bí-sô cùng các Bí-sô cạnh tranh đến nỗi phải xả giới. Nhưng hai Bí-sô ấy không nói một chút nào về lỗi của Phật, Pháp, Tăng bảo, chỉ biết tự trách mình là người cực ác là người vô phước không thể tu tập phạm hạnh thanh tịnh để trọn đời sống theo giáo pháp của đức Thế Tôn, tâm không vi phạm. Vì vậy, con có tâm rất kính tín ... như trên.
Lại nữa, Thế Tôn! Con từng thấy một hạng Sa-môn Bà-la-môn cố giữ tâm yên tịnh, thọ trì phạm hạnh, sau tám chín tháng bị dục lôi kéo, liền xả luật nghi làm việc nhiễm ô, quấn quýt theo năm dục để vui thú. Con thấy các vị Thanh-văn đệ tử đức Thế Tôn tu tập phạm hạnh thanh tịnh viên mãn, trọn đời sống theo lời dạy của Thế Tôn, tâm không vi phạm. Do đó, con có lòng tin sâu xa ... như trên.
Lại nữa, Thế Tôn con là chủ đất nước, hiệu là Thắng Quang với quyền lực tự tại thống lĩnh đất nư?c này, giết chết người không đáng chết, cho phép người đáng chết được sống, cai quản trong nước ai cũng tôn trọng. Nhưng đại thần tể tướng đều là hào tộc Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Trưởng giả . Khi bàn việc chính trị, truất phế quần thần, khi tâu trình họ vẫn còn ý kiêu mạn, thái độ không nghiêm túc, triều nghi bị rối loạn. Con thấy Thế Tôn đang thuyết pháp ở giữa vô số trăm ngàn đại chúng, tất cả trời người đều chú ý chiêm ngưỡng tôn nhan, cùng nhau lắng nghe không có tán loạn, dưới tòa im lặng cho đến không nghe tiếng ho chép miệng, huống chi tiếng ồn. Khi ấy trong hội, bỗng có một ngừơi ho lên tiếng, người bên cạnh khẻ nói:
- Nhân giả! Xin ngài im lặng chớ làm ồn. Chẳng lẽ ngài không nghe đang đúng lúc Thế Tôn thuyết pháp vi diệu như mật thượng hạng.
Nói xong, vị kia liền im lặng. Nghe nói như vậy, con suy nghĩ: "Thế Tôn thật có uy lực lớn bất khả tư nghị, không dùng đao gậy hình phạt mà điều phục được mọi người, tất cả đều tuân phụng". Vì vậy, con phát sinh lòng tin sâu xa ... như trên.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Con có hai cận thần, một tên Tiên Thọ, một tên Cố Cựu. Tất cả những đất đai chức tước giàu sang tiếng tăm của họ đều nhờ nơi con, từ nhỏ đến nay thường hưởng an lạc. Ðối với con, tuy họ có nhớ ân nhưng không cung kính nồng hậu bằng đối với Thế Tôn.
Lại nữa, một lúc nọ, con thống lĩnh binh mã ra khỏi thành trừ giặc, ý muốn thử lòng hai vị cận thần kia. Ðối với con và Phật, họ trọng ai hơn. Ðến chỗ kín, con hỏi họ:
- Khi ngủ, đối với ta và Phật, đầu và chân các khanh hướng về ai?
Khi ấy, sau khi khen ngợi công đức của Phật, và nói về phước điền của chánh Pháp, Tăng Bảo, và như vậy, họ nói hướng đầu về Phật, quay chân về vua. Nghe như vậy, con càng kính trọng Thế Tôn có uy lực lớn bất khả tư nghị, vì họ đều nhờ vào ân sủng bổng lộc của con nên được tiếng tăm giàu sang an lạc. Nhưng họ đối với con, sự không cung kính bằng với đức Thế Tôn. Vì vậy, con có lòng kính tín sâu xa ... như trên ...
Lại nữa, Thế Tôn! Con là vua nước Kiều Tát La, Phật cũng ở Kiều Tát La. Con sinh trong giòng Sát đế lợi, Phật cũng giòng Sát đế lợi. Ðến nay, con đã cao niên, sống hơn tám mươi tuổi, Thế Tôn cũng thọ hơn 80 tuổi. Con là vua Sát đế lợi quán đảnh, Thế Tôn cũng là bậc Pháp Vương vô thượng. So với Phật, sức của con không thể ví dụ so sánh được. Vì sự thật này, nên con có lòng tin sâu xa ... như trên ... cho đến đều phụng hành.
Ngay trước Thế Tôn, sau khi trình bày rõ những việc thấy nghe, với sự kỳ diệu xong, vua Thắng Quang đảnh lễ dưới hai chân Phật rồi từ giã. Vua vừa đi khỏi, Phật bảo các Bí-sô:
- Các thầy nên ghi nhớ những điều vua đã nói, là pháp tụ kỳ diệu nên thọ trì đọc tụng. Vì sao? Vì văn và nghĩa đầy đủ, khế hợp với chánh pháp, thành tựu phạm hạnh, có thể làm cho được quả Biến trí Ðẳng giác Viên minh Niết bàn vậy. Thế nên, các thầy phải chuyên cần tu học.
Khi Thế Tôn dạy lời này xong, các Bí-sô đều hoan hỷ tín thọ phụng hành.
Tụng tóm lược ở trước:
Luận về bốn hạng người
Nhớ dục thân thể gầy
Hai quan cung kính vua
Không bằng đối với Phật.
Khi ấy, biết vua gặp Phật, sau khi suy nghĩ: "Năm trăm đại thần của vua đ?u theo phe Ác Sinh, chỉ một mình ta không theo, vậy họ làm sao thành tựu việc lớn được.Ta hãy về nước, đưa Ác Sinh lên ngôi vua và đuổi hai phu nhân Thắng Man, Hành Vũ ra khỏi cung".
Ðại thần Trưởng Hành bỏ chỗ bảo vệ, lên xe ra đi. Ðến thành Thất La Phiệt, Trưởng Hành tâu với Ác Sinh:
- Nay thái tử muốn lên ngôi không?
Ác Sinh đáp:
- Chính là điều ta muốn.
Trưởng Hành cùng các quan theo kế hoạch lập vua mới, ra lệnh hai phu nhân phải đến chỗ vua cũ.
Thắng Man và Hành Vũ hỏi Trưởng Hành:
- Hiện nay vua ở đâu?
Ðáp:
- Vua đang ở trong vườn Thích Ca Diệu Quang .
Hai phu nhân đi bộ tìm kiếm vua cũ. Bấy giờ, ra đến cổng, không thấy Trưởng-hành, vua hỏi các Bí-sô:
- Thưa đại đức! Thấy đại thần của con đang đi đâu không?
Bí-sô đáp:
- Ðại vương vào chưa bao lâu, Trưởng Hành liền lên xe bỏ đi.
Nghe xong, vua từ từ đi bộ. Khi ấy, Phật cũng đi về thành Vương-xá. Giữa đường, gặp Hành Vũ, nhà vua hỏi:
- Vì sao các khanh đi bộ xa xôi vậy?
Ðáp:
- Tâu đại vương! Ðại thần Trưởng Hành mưu tính lập Ác Sinh lên ngôi, đuổi chúng thiếp ra, nên phải đi bộ đến đây tìm kiếm đại vương.
Nghe như vậy, vua bảo Thắng Man:
- Trước đây, khanh đã hưởng ân sủng bổng lộc của vua chồng, nay tạm trở về nhận sự phụng dưỡng của vua con. Ta cùng Hành Vũ từ đây không trở lại nữa.
Bị quay trở lại thành Thất La Phiệt, theo đường Thắng Man vừa đi vừa khóc.
Cùng đi dần về hướng thành Vương-xá, đến địa phận thành, thấy một khu vườn, vua ngừng lại và bảo Hành Vũ:
- Ta tạm ở đây, khanh vào trong thành, báo với vua Vị Sanh Oán, đại vương Thắng Quang nước Câu Tát La đang ở ngoài vườn, muốn gặp ngài.
Hành Vũ đi gặp vua Vị Sanh Oán tâu lại sự việc trên. Nghe nói xong, rất kinh ngạc, vua Vị-Sanh Oán nói với Hành Vũ:
- Vua Thắng Quang nước Kiều Tát La có uy lực lớn với bốn loại binh hùng cường, vì sao đến đột ngột mà chúng tôi không được biết?
Hành Vũ đáp:
- Nay nhà vua nào có binh sĩ cường thịnh, thái tử mưu nghịch chiếm ngôi vua của cha, chỉ có thiếp theo vua đến đây mà thôi.
Vị Sanh Oán nói:
- Nếu như vậy, ta xin đề nghị ngài làm vua xứ này, ta tự lui xuống làm thái tử.
Sau khi triệu tập quần thần, nhà vua ra lệnh:
- Vua Thắng Quang là chúa của đại quốc, là vua quán đảnh thuộc Sát đế lợi, nay bỗng nhiên đến đây, cần phải cung kính phục vụ, các khanh hãy sửa sang sạch sẽ đường sá trong thành, thống lĩnh bốn loại binh với trăm ngàn người, ta muốn chính mình nghênh đón vua vào đây.
Các quan vâng lệnh vua, đánh trống thổi loa báo cáo mọi người sửa sang thành quách, quét dọn đường sá thật sạch sẽ như vườn Hoan Hỷ của Thiên Ðế Thích.
Trong lúc này, vua Thắng Quang nhịn đói đã lâu, lấy làm lạ vì sao sứ giả đến chậm nên ra khỏi vườn để tìm thức ăn uống, run sợ nhìn chừng nên đi đến vườn trồng rau cải. Khi ấy, người giữ vườn là kẻ phàm phu, nên đưa vua năm củ. Vì quá đói, vua ăn cả củ và lá. Ăn xong, bị khát, vua đến chỗ có nước và uống quá nhiều nên thân thể bị rối loạn suy nhược, nhớ đến Thắng Man nên bước tới trước, mất thăng bằng ngã xuống đất, miệng bị ngậm đất vụn nên qua đời.
Thống lĩnh bốn loại binh đến vườn, nhưng Vị Sanh Oán không thấy vua, liền sai binh mã tìm kiếm bốn phía. Có một kỵ mã đến vườn trồng cải, hỏi người ở vườn:
- Ngươi có thấy người như vậy không?
Ðáp:
- Tôi thấy một người mới đến đây, xin củ cải rồi đến bên bờ nước.
Vội chạy đi tìm, người ấy thấy vua, thi thể vua chết cứng bên góc đường, liền đi báo cho vua Vị Sinh Oán. Nghe báo, vua kêu lên:
- Tai họa thay! Nay ta lại bị thêm tiếng xấu. Trước đây ta đã mang tiếng hại cha đoạt ngôi, nay lại bị kêu là giết bạn của cha.
Vua liền sai vô số quân đội đến phục vụ chỗ thây chết, và ra lệnh đại thần:
- Ðây là vua Thắng Quang, đại vướng quán đảnh Sát đế lợi, gặp nguy khốn nên băng hà ở đây, phải tổ chức nghi lễ long trọng hỏa táng thi thể.
Theo lệnh vua, các quan trang hoàng linh xa đưa thi thể đến Hàn Lâm hoàn tất việc hỏa thiêu.
Nhà vua đến gặp Phật, lạy sát hai chân, ngồi qua một bên, bạch:
- Ðại đức Thế Tôn! Không biết trước đây làm nghiệp gì, mà nay vua Thắng Quang vì ăn củ cải nên khốn khổ qua đời?
Thế Tôn bảo:
- Ðại vương! Vua Thắng Quang nhận quả báo như trên do nghiệp đã làm. Ðại vương! Thời quá khứ tại làng kia có một Bà-la-môn lấy vợ chưa bao lâu, sinh được một con. Lớn lên, người này khất thực để sinh sống. Một hôm, được năm củ cải dâng lên mẹ, anh ta nói: "Con đi tắm rửa, mẹ chờ con trở về dâng thức ăn". Này Ðại vương, bấy giờ vào thời không có bậc Chánh giác, chỉ có Ðộc giác xuất hiện ở thế gian, từ mẫn kẻ cô độc yếu ớt, thích sống an tịnh, làm phước điền cho thế gian. Khi ấy, có một vị Ðộc giác du hành trong nhân gian, vào sáng sớm, mặc y mang bát vào thành khất thực, đi đ?n nhà kia. Thấy vị Ðộc Giác này thân tướng đoan nghiêm sáu căn thanh tịnh, vợ người Bà-la-môn liền đem củ cải dâng cho vị ấy. Nhận vật cúng dường này xong, vị Ðộc giác vọt lên hư không hiện các thần biến. Khi kẻ phàm phu thấy các thần thông này, tâm được điều phục, ý rất hoan hỷ liền hướng đến lễ bái.
Sau khi tắm rửa, về đến nhà con người Bà-la-môn thưa:
- Mẹ đưa cho con củ cải lúc nãy.
Mẹ nói:
- Mới vừa có vị Bích Chi đến đây khất thực, ta đã dâng cho ngài.
Ðang đói bụng, nghe nói như vậy, người con tức giận phát sinh ác niệm: "Mong cho ông ấy ăn củ cải bị rối loạn mà chết ".
Ðại vương nên biết, đứa bé kia nào phải ai khác, chính là vua Thắng Quang. Ðời trước, vì có ác tâm với vị Ðộc giác, do nghiệp lực này nên trong vô lượng trăm ngàn năm bị đọa địa ngục chịu nhiều khổ não, do sức của nghiệp báo còn lại trải qua sáu mươi lần bị bệnh rối loạn mà chết. Ðời này, tuy đã chứng Thất Sinh, vẫn còn nghiệp lực dư tàn nên nhà vua ăn củ cải bị rối loạn mà qua đời. Ðại vương nên biết, nghiệp báo của Thắng Quang từ nay dứt hẳn không còn thọ nữa. Ðại vương nên biết, nghiệp trắng quả báo trắng, nghiệp đen quả báo đen, nghiệp tạp quả báo tạp. Vậy nên từ bỏ hai nghiệp đen và tạp, tu tập nghiệp trắng, chớ nói lời ác. Khi nghe lời Phật dạy, vua Vị Sinh Oán hoan hỷ cả thân tâm, đảnh lễ sát chân Phật, tín thọ từ giã.
Sau khi thái tử Ác Sinh lên ngôi vua, một hôm cùng các đại thần lâm triều nơi đại điện, Khổ Mẫu tâu:
- Ðại vương nhớ không, ngày trước, ở trước đại chúng, ngài đã rống lên tiếng sư tử: Nếu ta lên ngôi, trước hết tru diệt những tên họ Thích, báo mối thù đầu tiên của ta.
Vua hỏi Khổ Mẫu:
- Có nên thực hiện lời ta nói không?
Khổ Mẫu tâu:
- Nay Ðại vương đã lên ngôi báu, nên nhớ lại lời nói lúc trước chinh phạt họ Thích, đúng lúc không làm thì thành nói dối, xin ngài hạ lệnh chọn ngày xuất quân, cả bốn loại binh tượng mã xa bộ đều xuất phát, mâu giáp hăng hái, chuông trống vang lừng, ra khỏi thành Thất La Phiệt hướng về nước Kiếp Tỷ La, tru diệt họ Thích.
Nghe theo lời của Khổ Mẫu, vua Ác Sinh hạ lệnh đem quân đi chinh phạt nước kia. Ðại sư Thế Tôn với tri kiến hoàn toàn, biết các Thích tử chắc bị bỏ mạng. Ngay bên đường, giữa biên giới hai nước, Phật ngồi thẳng dưới gốc cây nhỏ có ít cành lá. Trông thấy Thế Tôn, vua Ác Sinh liền đến nơi, bạch:
- Ðại đức! Có nhiều vườn rừng với bóng mát rậm rạp, vì sao Ngài bỏ đi đến nơi này?
Cây này ít lá thiếu bóng mát, làm sao trú được?
Phật nói:
- Ðại vương! Có gì bằng bóng mát của cây thân tộc!
Nghe Phật nói, sau khi suy nghĩ: "Giòng họ Thích trong nước Kiếp Tỷ La đều là thân quyến của Phật. Như Lai thương họ, ta không nên trái ý, vua Ác Sinh liền lui binh về nước".
Ðến ba lần, Khổ Mẫu cầu thỉnh tru diệt, cuối cùng với các cận thần, ngay giữa triều, vua bảo quần thần:
- Những người họ Thích ở thành Kiếp Tỷ La thường kêu ta là con của nô tỳ, mạ nhục quá nặng, không thể quên được. Nhưng họ là thân tộc của đức Như Lai, Thế Tôn thương mến, ta đành phải chịu nhịn không dám tiến hành việc tru diệt, làm sao trả được mối thù bị mắng này!
Khổ Mẫu tâu:
- Thần nghe Sa-môn Kiều Ðáp Ma tự tuyên bố ly dục. Bậc ly dục không còn tâm niệm thân quyến, nếu còn tâm thân quyến thì không phải ly dục. Ðạo, tục, khác nhau, đại vương nên tự quyết ... Tâu đại vương, hôm nay chính là lúc tru diệt họ Thích.
Bấy giờ, vua Ác Sinh muốn thống lĩnh bốn loại binh đi tàn sát. Trong lúc vua chưa đi, Ðức Phật đi đến vườn nhiều gốc cây thuộc nước Kiếp Tỷ La, sau khi suy nghĩ: "Trong thành, những người họ Thích chưa kiến đế, khi họ chiến đấu với vua Ác Sinh thì không có cơ hội để kiến đế ".
Nghe Thế Tôn đến trong vườn ấy, những người họ Thích tập trung đến gặp Ngài, lạy sát chân, ngồi qua một bên. Thế Tôn tùy theo căn cơ nhân duyên của các Thích Chủng mà thuyết giảng diệu pháp. Bấy giờ, trong hội có vô số trăm ngàn hữu tình, được lợi ích lớn, hoặc đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, hoặc gây nhân Ðộc giác, hoặc tạo nhân duyên thành bậc Chánh giác.
Lại có vô lượng chúng sinh quy y Tam bảo thọ trì các học xứ phụng hành lời Phật dạy. Các Thích chủng ở thành Kiếp Tỷ La được pháp lợi này xong, đảnh lễ Thế Tôn từ giã ra về.
Khi ấy, Vua Ác Sinh thống lĩnh bốn loại binh đóng gần thành Kiếp Tỷ La.
Cụ thọ Mục Kiền Liên đến gặp Thế Tôn, lạy sát chân Phật, ngồi qua một bên, bạch:
- Thế Tôn! Con nghe kẻ ngu si Ác Sinh thống lĩnh bốn loại binh đến tiêu diệt họ Thích. Thần lực của con có thể dời binh lính ấy đến nơi xa xôi khác. Cầu xin Thế Tôn từ bi cho phép, con lại dùng thần lực biến thành hóa ra sắt, dùng lưới sắt lớn che ở trên, làm cho Ác Sinh không thấy được thành Kiếp Ty La, làm sao tru diệt được.
Phật nói:
- Ta cũng biết thầy có sức thần thông của bậc giải thoát, nhưng do túc nghiệp Thích chủng đã gây, nay nghiệp thành thục phải chịu quả báo, như nước thác chảy không thể ngăn lại, nên phải tự nhận ... như trên. Thế Tôn nói kệ:
Giả sử trăm ngàn kiếp
Nghiệp đã làm không mất
Khi nhân duyên gặp nhau
Tự nhận lấy quả báo.
Phật bảo Ðại Mục Liên:
- Nên biết thế gian nhận lấy quả báo đều do nghiệp lực, do nghiệp lực mà sinh, do nghiệp lực mà trụ. Tất cả chúng sinh đều do nghiệp thiện ác mà nhận lấy quả báo.
Không đuợc mãn nguyện, Mục Kiền Liên lễ Phật từ giã.
Tại thành Kiếp Tỷ La, nghe vua Ác Sinh đưa đại binh đến muốn tiêu diệt, các Thích chủng liền ra lệnh bốn loại binh trang bị vũ khí xuất thành cự địch, họ chẳng phòng bị quân xung phong của vua Ác Sinh. Ðều là bậc kiến đế nên các Thích Chủng này không làm việc sát hại, chỉ dùng roi gậy, quơ trái vẫy phải để đánh, hoặc dùng cung bắn tên làm cho đứt dây đai dưới bụng voi ngựa, hoặc bắn làm rơi mão, giáp xuống đất, hoặc bắn hai bên tai, trúng vào dây cương đai giáp, chỉ làm té ngã không gây thương tích cho đầu thân, không giết chết.
Khi ấy, quân của Ác Sinh bị tán loạn, các Thích Chủng đắc thắng.
Sau khi tất cả binh tướng đều vào trong, đóng cửa, lên trên thành, họ ra lệnh:
- Chúng ta không được gây hại cho Ác Sinh và quân lính, ai vi phạm không phải thuộc họ Thích.
Ác Sinh thấy các Thích Chủng này đầy đủ nhân từ và dũng lực lớn, nên bảo Khổ Mẫu:
- Chúng ta hãy thu quân, tạm thời về nước.
Khổ Mẫu tâu:
- Ðại vương chớ buồn, Thích chủng ở Kiếp Tỷ La đều là bậc kiến đế, đến nổi không giết cả ruồi muỗi, huống chi hại người. Nếu không tin, vua hãy nghiệm xem, trận lớn vừa rồi chẳng thương tổn ai cả. Họ lại ra lệnh, không được làm hại chúng sinh Ác Sinh và quân lính, ai vi phạm không phải là họ Thích.
Nghe tâu, chúng sinh Ác Sinh vẫn im lặng. Có một Thích chủng tên Thiểm Bà đang ở ngoài thành kiểm soát nông nghiệp, nghe vua Ác Sinh thống lĩnh bốn loại binh đến thành Kiếp Tỷ La tiêu diệt Thích chủng, nhưng không nghe lệnh truyền của các Thích chủng và cũng chưa kiến đế, nên dẫn quân đến đánh úp Ác Sinh. Hai bên giao chiến, quân Thiểm Bà thua nặng bị quân Ác Sinh tàn sát gần hết.
Bấy giờ, Ác Sinh bảo Khổ mẫu:
- Vừa rồi, ngươi nói các Thích chủng kiến đế đến ruồi muỗi cũng không giết, huống chi với người, nay một mình Thiểm Bà dẫn quân đến đánh, giết hại cũng nhiều, huống chi các Thích chủng khác ở Kiếp Tỷ La dẫn binh đến đánh thật khó đối phó, tạm thời trở về, muốn thắng chỉ có chết.
Khổ mẫu tâu:
- Ðại vương, Thiểm Bà đến từ bên ngoài, trước đây chưa vào thành Kiếp Tỷ La, không biết quy chế, cho nên phát tâm hung bạo chiến đấu, trong ngoài họ không liên lạc nhau, xin ngài chớ lo.
Bấy giờ, Thích tử Thiểm Bà muốn vào thành, đến cửa thành kêu mở cửa. Người giữ cửa hỏi:
- Ông là ai?
- Ðáp:
- Ta là Thiểm Bà ngươi hãy báo với các Thích chủng.
Trong thành sai sứ ra bảo:
- Từ đây về sau, ngươi không còn thuộc họ Thích Ca, hãy đi đâu tùy ý, vì ngươi đã vi phạm pháp lệnh trong thành, thế nên không được vào trong thành.
Thiểm Bà hỏi:
- Họ chế lệnh gì mà nói ta phạm tội?
Ðáp:
- Chúng tôi ra lệnh không được sát hại binh lính của Ác Sinh, ai vi phạm thì không còn là Thích chủng.
Ðáp:
- Tôi thật không nghe, xin dung thứ cho.
Khẩn cầu như vậy nhưng mọi người vẫn không đồng ý, Thiểm Bà bảo họ:
- Nếu không cho vào, xin đưa gia đình tôi ra.
Họ đưa gia đình Thiểm Bà ra khỏi thành.
Sau khi đoàn tụ gia đình, Thiểm Bà đến gặp Thế Tôn, lạy sát chân Phật, ngồi qua một bên bạch Phật:
- Các Thích chủng ở thành Kiếp Tỳ La đuổi con ra, xin Phật từ bi ban cho con vật kỷ niệm, để thường cúng dường kính thờ Như Lai.
Với từ bi, đức Phật đem tóc và móng của mình trao cho Thiểm Bà.
Với tâm trân trọng, Thiểm Bà nhận lấy tóc và móng của Như Lai rồi đi đến nước Bà Cụ Trà.
Nghe nói có vị giàu có khỏe mạnh thuộc họ Thích tên Thiểm Bà đến đây, muốn làm chủ, nhân dân ở đó bàn nhau:
- Chúng ta hãy cùng nhau thương nghị nên theo ông ta hay không?
Dân trong nước đều tập trung đến dưới núi để bàn tính việc này. Khi ấy, để tùy tùng tại một nơi khuất, tự mình giả làm sứ giả mang thư, dấu đao bén dưới nách, đến chỗ họ tập họp, Thiểm Bà nói: - Các bạn nên biết, Thích tử Thiểm Bà có thế lực lớn sức mạnh khó chống lại, sai tôi đem thư đến cho quý vị.
Hỏi:
- Ðể làm gì?
Ðáp:
- Ông ta muốn làm vua thống lĩnh quý vị. Hãy ngồi vào để cùng đọc thư.
Mọi người nói:
- Nơi đây không có vật để ngồi vậy ngồi vào đâu?
Sứ giả liền rút đao chặt tảng đá thành từng miếng để ngồi và mời mọi người cùng ngồi. Thấy vậy, mọi người đều thán phục là kỳ lạ, hỏi:
- Bậc trượng phu như bạn, ông ấy có bao nhiêu người?
Ðáp:
- Tôi là người đưa thư có gì đáng nói, có những người khác giỏi gấp bội tôi.
Nghe như vậy, mọi người rất kinh sợ, bảo nhau:
- Sứ giả còn như vậy, huống chi Thiểm Bà, hơn hết là lập ông ta làm vua.
Sau khi đọc thư, họ viết thư báo lại và nói với sứ giả:
- Lành thay đại vương! Chúng tôi khâm phục phong độ, rất mong ngài giáng lâm sớm.
Sau khi từ giã, về lại chổ cũ, Thiểm Bà trang sức lại thân quyến, chỉnh đốn tùy tùng đi vào nước Bà Cụ Trà. Già trẻ mọi người đều vui mừng hết lòng phục vụ các nhu cầu, chọn ngày lành đưa lên làm vua.
Từ xa, các nước đều nghe trong nước Bà Cụ Trà có Thích chủng tên Thiểm Bà lên làm vua, lập hiệu nước là Thiểm Bà quốc.
Sau khi lên ngôi, Thiểm Bà xây một tháp lớn, an trí tóc và móng của Như Lai để cúng dường, đặt tên là tháp Thiểm Bà.
Trước đây, người vợ không tin Phật, hạ lệnh trong nước lập miếu thần, thờ cúng theo tục mãi đến nay. CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ
Quyển thứ tám hết.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.217.222.205 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.