Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Tạp Sự [根本說一切有部毘奈耶雜事] »» Bản Việt dịch quyển số 6 »»

Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Tạp Sự [根本說一切有部毘奈耶雜事] »» Bản Việt dịch quyển số 6

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.42 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.53 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Các Duyên Sự

Kinh này có 40 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |
Việt dịch: Thích Tâm Hạnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Quyển thứ sáu
Nhiếp tụng chín trong biệt môn một:
Ưng vi tẩy túc xứ
Cập dĩ trạc túc bồn
Nhiệt thời tu phiến thính
Văn trùng khai ngũ phất.
* Duyên xứ như trước. Các Bí-sô rửa chân bừa bãi ở khắp nơi trên đất, làm cho nhiều ruồi bu lại những chỗ ấy. Có những Bà-la-môn cư sĩ đến chùa thấy những nơi rửa chân ấy, hỏi:
- Thánh giả! Vì sao những nơi này ruồi trùng bay lượn lu bù vậy?
Ðáp:
- Ðó là nơi chúng tôi rửa chân.
Họ nghe nói vậy nên bất mãn chê bai:
- Sa-môn Thích tử sống nhơ bẩn, tùy tiện rửa chân khắp nơi.
Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Bí-sô không được rửa chân bừa bãi khắp nơi, nên chọn góc Ðông Nam chùa làm nơi rửa chân.
Như Phật dạy xếp đặt chỗ rửa chân, Bí-sô không biết nên làm thế nào? Phật dạy:
- Nên làm như hình mai rùa.
Bí-sô làm xong nhưng quá trơn nên không thể chà chân, Phật dạy:
- Nên làm cho nhám. (Nơi rửa chân này cũng có thể tắm rửa, Chùa và gia đình ở phương Tây đều có, lớn nhỏ không chừng, làm nơi đất trống, hoặc lớn như cái giường, hoặc nhỏ như nữa chiếc chiếu, bốn bên xây gạch cao chừng một thước, giữa lát gạch, xây hình lưng rùa; dùng đá than bùn cho nước rửa không thấm qua, làm ống thoát bên cạnh cho nước chảy ra ngoài, cần thiết cho việc rửa chân và thân.)
Có Bí-sô già thân thể suy nhược không thể đi đến nơi rửa chân. Phật dạy:
- Nên nuôi người chấp sự để họ rửa chân và nên làm bồn rửa chân.
Lục chúng Bí-sô nghe Phật cho phép, liền dùng vàng bạc lưu ly làm bồn rửa chân. Người tục thấy vậy hỏi:
- Ðây là vật gì?
Ðáp:
- Thế Tôn cho phép làm bồn rửa chân. Chính là vật này.
Họ nói:
- Thánh giả! Ngài tuy cạo tóc nhưng tham dục không giảm.
Ðáp:
- Ðạp vào cổ ngươi, ta có lỗi gì! Ngươi chẳng phải là Thầy ta, việc gì lại chê trách?
Người tục sinh bất mãn chê bai. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Vật để rửa chân không nên dùng bằng vật quý, nên làm bằng đất .
Bí-sô làm như hình con lạc đà. Phật dạy:
- Không được! Nên làm như dấu chân voi in trên đất, bên trong hơi cao để vừa chân, hoặc bên trong làm hình gương sen, nên chà sạch chỗ nhám.
Bí-sô dùng vật rửa chân xong, vứt bỏ bừa bãi. Phật dạy:
- Không nên, nếu là vật của Tăng thì cất chỗ kín khuất, nếu vật của cá nhân thì để sau cửa.
* Duyên xứ như trước. Vào tiết mùa xuân, Bí-sô bị bệnh nhiệt, thân thể vàng ốm gầy yếu không chịu nổi. Người tục thấy vậy hỏi:
- Thánh giả! Vì sao thân thể vàng ốm gầy yếu không có sức lực vậy?
Ðáp:
- Thời tiết mùa xuân chúng tôi khổ vì nóng .
Hỏi:
- Thánh giả! Vì sao không dùng quạt.
Ðáp:
- Hiền thủ! Thế Tôn không cho phép.
Nói:
- Ðại sư của quý vị có lòng từ bi, nếu biết các vị khổ vì nóng chắc chắn cho dùng quạt.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Nay Ta cho phép Bí-sô dùng quạt.
Lục chúng Bí-sô nghe Phật cho phép dùng quạt, liền dùng vàng bạc lưu ly, đá đỏ tía chạm vào, các loại màu sắc để trang trí cán quạt. Người tục thấy vậy nên bất mãn chê bai. Lục chúng vẫn ngạo mạn như trước ... cho đến Phật dạy:
- Không nên dùng vật quý làm cán quạt, nên biết quạt có hai loại, một làm bằng tre, hai dùng bằng lá.
Khi ấy có những người tục với nhiều tín tâm đem nhiều loại quạt vẽ màu sắc, đến dâng cho Bí-sô. Bí-sô không nhận; Phật dạy:
- Nếu nhận cho Tăng, không phạm.
* Duyên xứ, tại giảng đường Cao Các, bên ao Di Hầu, thành Quảng Nghiêm. Bí-sô bị trùng muỗi cắn, thân thể sinh ghẻ nên gãi không ngừng. Người tục thấy vậy hỏi:
- Thánh giả! Vì sao như vậy?
Họ kể lại sự việc.
- Thhánh giả vì sao không dùng phất đuổi muỗi?
Ðáp:
- Thế Tôn chưa cho phép ... nói đầy đủ như trước, cho đến đem sự việc bạch Phật.
Phật dạy:
- Ta cho phép các Bí-sô sắm vật đuổi muỗi.Nghe Phật cho phép sắm phất đuổi muỗi, Lục chúng Bí-sô liền làm cán phất bằng vật quý, dùng đuôi trâu mao làm phất. Người tục thấy vậy ... như trước, cho đến Phật nói:
- Có năm loại phất đuổi muỗi, một làm bằng lông dê mượt, hai làm bằng sợi gai, ba làm bằng vải bố xé mịn, bốn làm bằng vật cũ phá ra, năm làm bằng nhánh đọt cây. Nếu dùng vật báu bị tội tác ác.
Nhiếp tụng thứ mười trong biệt môn thứ nhất:.
Kiết hạ quần bất cao
Bất trì ư trọng đảm
Nhược bệnh hứa trượng lạc
Phục toán đẳng tùy thính.
* Duyên xứ như trước. Như lời Phật dạy:
- Bí-sô nên hỗ trợ người làm việc của Tăng.
Có việc cần làm, Bí-sô nọ leo lên thang, những người ở dưới nhìn lên thấy hình thể vị kia, nói:
- Thánh giả! Ðến nay tôi mới biết ngài là đàn ông vì có đủ nam căn.
Vị đang ở trên thang xấu hổ nên im lặng. Bí-sô bạch Phật. Phật suy nghĩ: "Bí-sô leo thang không túm hạ y nên có lỗi như vậy". Ngài dạy các Bí-sô:
- Nếu người làm việc cần phải leo thang, nên túm hạ y rồi mới leo lên cao.
Lại có Bí-sô khi làm việc túm hạ y quá cao, kẻ thế tục không tín tâm thấy vậy chê cười, hỏi:
- Thánh giả muốn đánh lộn phải không?
Ðáp:
- Ta đang có việc cần làm.
Họ nghe nói im lặng. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Nếu cần leo thang nên túm hạ y, làm trên mặt đất thì không cần. (Nói túm hạ y là giữ biên dưới của y túm ra sau, buộc chặt giữa eo trước)
Duyên xứ như trước. Lục chúng Bí-sô tự vác vật nặng. Người bất tín thấy vậy hỏi:
- Tôi vì sợ cha mẹ vợ con không đủ sống nên phải đem thân gánh vác nặng nề, các ngài vì sao cũng ra sức chịu khổ nhọc vậy?
Ðáp:
- Hiền thủ! Chúng tôi có nhiều việc, một là cúng dường Thế Tôn. Hai là việc ăn uống của Tăng. Ba sử dụng cần thiết khi bệnh hoạn. Vì lý do này nên phải vác nặng.
Họ im lặng. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Bí-sô không gánh vác vật nặng. Ai vi phạm, bị tội vượt pháp.
* Duyên tại núi Thứu Phong, thành Vương Xá, có Bí-sô già đi lên xuống núi, bị vấp chân té ngã. Phật dạy:
- Nên sắm gậy.
Nghe Phật cho sắm gậy, Lục chúng Bí-sô dùng vàng bạc ... và các vật nhiều màu chạm vẽ trên gậy. Người tục thấy vậy cùng nhau bất mãn chê bai. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Này Bí-sô! Có hai trường hợp sắm gậy, một già yếu không có sức, hai bị bệnh nặng.
Có Bí-sô giả vờ già bệnh nên sắm gậy chống, Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Ai thật già bệnh nên xin với Tăng già yết ma súc trượng. Nếu Tăng già cho phép, nên tiến hành theo trình tự: Trải tòa, đánh kiền chùy, thưa với tất cả, đại chúng tập họp lại xong, khi ấy Bí-sô già, bệnh ngồi xổm trước thượng tọa, chắp tay thưa:
- Ðại đức Tăng già lắng nghe. Tôi Bí-sô tên ... già bệnh suy nhược, hoặc bệnh, không có gậy thì không thể nương vào đâu, nay cầu xin Tăng già cho yết ma súc trượng. Nguyện đại đức Tăng cho tôi là Bí-sô ... yết ma súc trượng. Tôi là người đáng từ mẫn, nguyện xin từ mẫn (thưa ba lần).
Thứ đến sai một Bí-sô tác bạch yết ma:
- Ðại đức Tăng già lắng nghe. Bí-sô ... này già bệnh suy nhược, hoặc bị bệnh, nếu không có gậy thì không thể nương vào đâu, nay cầu xin Tăng già cho yết ma súc trượng. Nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng đồng ý, nay Tăng già cho Bí-sô ... vì già yếu hoặc bị bệnh, yết ma súc trượng. Ðây là lời tác bạch (yết ma làm theo văn tác bạch). Ai được Tăng già cho yết ma súc trượng rồi, chống gậy không phạm.
* Duyên tại thành Vương Xá. Có những Bí-sô già yếu, lại thêm bệnh phong, khi lên xuống núi Linh Thứu trượt chân ngã ra đất, bình rửa bình lược nước đều bị vỡ. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Bí-sô nên sử dụng lưới bọc.
Lục chúng nghe vậy, dùng tơ ngũ sắc làm lưới bọc, bị người tục bất mãn chê bai.. hỏi đáp như ở phần sắm gậy. Nếu ai cần cả gậy và lưới bọc, cùng làm yết ma một lần không có lỗi. Sau khi được cho phép, sử dụng không phạm.Duyên tại thành Thất La Phạt. Có Bí-sô sau khi ăn tỏi, đến gặp đức Phật, làm lễ sát hai chân, đứng qua một bên. Phật dạy:
- Này Bí-sô! Hãy ngồi xuống nhất tâm nghe Ta thuyết pháp.
Nghe Phật bảo, Bí-sô lạy Phật lần nữa và ngồi qua một bên. Trong lúc nghe Phật thuyết pháp, vị này thường quay mặt qua chỗ khác vì sợ mùi hôi xúc phạm Thế Tôn. Như vậy đến ba lần, Thế Tôn đều bảo:
- Bí-sô thầy hãy nhất tâm nghe lời Ta dạy.
Bí-sô vẫn cứ quay mặt qua chỗ khác đến lần thứ ba, rồi lạy sát chân Phật, từ giã ra đi. Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi:
- Này A Nan Ðà, vì sao Bí-sô kia khi nghe Ta thuyết pháp thường quay mặt chỗ khác.
A Nan Ðà thưa:
- Vì vị ấy ăn tỏi, sợ mùi hôi xúc phạm đến tôn nghi nên thường quay mặt nơi khác.
Phật hỏi A Nan Ðà:
- Các Bí-sô có ăn tỏi à?
Ðáp:
- Có.
Phật nói:
- Do vị ấy ăn tỏi nên bị trở ngại việc đi vào Thánh đạo, vừa rồi nếu không ăn tỏi, nghe Ta thuyết pháp dùng trí tuệ như chày kim cương phá tan núi lớn hai mươi lăm thân kiến, đắc quả Dự lưu. Thế nên, này A Nan Ðà, từ nay về sau chế định các Bí-sô không nên ăn các loại hành tỏi. Ai ăn bị tội vượt pháp.
Khi ấy, Tôn giả Xá Lợi Phất đang ngồi trong chúng, suy nghĩ: nay Bí-sô này không được kiến đế, ngày mai có được không? Tôn giả quán sát biết ngày mai vị ấy cũng không có duyên thấy được đế lý, liền nhập vào tịnh-lự thứ tư, quán sát về sau này cũng không thấy ngày vị ấy chứng thánh, nên xuất định và nói kệ:
Vì trong thời gian ngắn
Tán tâm, không chánh niệm
Nên vị ấy đời sau
Không thấy chân-đế-lý.
Bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm của Xá Lợi Phất nên bảo:
- Này Xá Lợi Tử! Ông không nên suy lường về cảnh giới của Phật, nó vượt trên tất cả cảnh giới của Thanh văn và Bích chi Phật. Trong tương lai có Phật ra đời hiệu là Nhất Thiết Tôn.
Người này xuất gia tu tập trong Phật pháp ấy, đoạn trừ hết các lậu chứng quả A-la-hán. Ðức Phật suy nghĩ:
- Ăn tỏi nên Bí-sô kia bị trở ngại việc thấy chân lý, vì vậy Bí-sô không nên ăn tỏi. Ai vi phạm, bị tội vượt pháp.
Có Bí-sô bị bệnh nặng, đến gặp thầy thuốc, nói:
- Hiền thủ! Tôi bị bệnh như vậy, mong ngài chữa trị cho.
Ðáp:
- Thánh giả hãy ăn tỏi thì hết bệnh.
Bí-sô:
- Hiền thủ! Thế Tôn không cho ăn.
Thầy thuốc:
- Bệnh này thuốc khác không trị được.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Phải dùng thuốc này mới hết bệnh, dùng không phạm.
Bí-sô nghe dạy, bị bệnh dùng tỏi nên khi ở trong chùa, thọ dụng phòng nhà giường chỏng nệm chiếu chỗ đi đại tiểu, ra vào trong chúng, nhiễu bái tháp, lễ hương đài, đến thuyết pháp cho người thế tục, đến nhà thí chủ thọ thỉnh, đến nơi vườn cây, miếu thiên thần, vào giữa đám đông người, đến đâu mọi người đều nghe mùi hôi tỏi, nên sinh chê bai, nói:
- Sa-môn Thích tử tuy đã xuất gia mà vẫn dùng tỏi bay mùi hôi khắp, khác gì chúng ta!
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Bí-sô có bệnh muốn ăn tỏi, Ta sẽ dạy cho cách làm. Các Bí-sô bệnh muốn dùng tỏi, nên ở phòng bên cạnh chùa, không được dùng ngoạ cụ của Tăng và phòng đi đại tiểu, không được vào giữa chúng, không được thuyết pháp cho người thế tục, không đi nhiễu tháp, không lễ bái hương đài, không đến nhà thế tục, không nên đến vườn cây miếu thờ trời chỗ đông người, nên dùng ở chỗ khuất; giả như có người thấy không sinh chê bai. Khi dùng xong, ở tại chỗ cũ trong bảy ngày, dùng hành thì ba ngày, dùng hẹ thì một ngày, sau đó tắm rửa thân thể và y phục sạch, xông mùi thơm, không còn hôi rồi mới được vào chùa. Ai không làm theo sự chế định ở trên, bị tội vượt pháp.
(Hết phần biệt môn thứ nhất).
Tụng tổng nhiếp biệt môn thứ hai:
Ngưu mao tinh suất cái
Phi thiêm Thắng man duyên
Xuất gia dược thang bình
Môn phiến chùy cân phủ.
Tụng thứ nhất trong biệt môn hai:
Ngưu mao cập ẩn xứ
Ðồng sàng bất độc phi
Nhược đắc bạch sắc y
Nhiễm phú phương ưng dụng.
* Duyên xứ như trước. Sau khi dâng rừng Thệ Ða cho tứ phương Tăng, một hôm Trưởng giả Cấp Cô Ðộc sai người cạo tóc vào chùa cạo râu tóc ... như trước. Ô Ba Nan Ðà hỏi người cạo tóc:
- Ngươi có biết cắt kiểu lông bò không?
Ðáp:
- Ðây là tài nghệ của con, sao lại không biết?
Người thợ dùng dao kéo hớt kiểu lông bò, giữ tóc còn lại hai phần gọi là cắt kiểu lông bò. Ô Ba Ðà Di lại bảo:
- Hớt ngắn đi một phần.
Cứ như vậy, cuối cùng bảo:
- Người là kẻ ngu không biết cắt tóc, hãy cắt sạch tóc rồi cho ngươi về nhà ... nói rộng như trước cho đến Phật dạy:
- Bí-sô không cắt tóc kiểu lông bò, ai vi phạm bị tội vượt pháp.
Như Thế Tôn dạy:
- Không cho Bí-sô cắt tóc hình lông bò, có Bí-sô bị mọc mụt trên đầu, khi dùng dao cạo tóc thì rất đau khổ.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Nên dùng kéo cắt tóc chỗ có mụt, phần còn lại cạo như thường.
* Duyên xứ như trước. Trưởng giả sai người cạo tóc cho Tăng như trên ... Ô Ba Nan Ðà thấy vậy bảo:
- Ngươi có thể làm sạch lông chỗ kín cho ta không?
Ðáp:
- Ðó nghề của tôi.
Cũng như trước, Ô Ba sai họ làm mãi đến chiều mới cho về, nên người thế tục chê bai. Phật dạy:
- Bí-sô không được cạo lông ở ba chỗ kín, ai cạo bị tôi vượt pháp.
Có Bí-sô bị mụt chỗ kín, hoặc khi có trùng đau đớn khó chịu, phế bỏ việc tu tập. Phật dạy:
- Người có bệnh nên thưa với Bí-sô kỳ túc, sau đó giúp nhau cạo sạch lông chỗ vết thương, không nên nghi ngờ.
* Duyên xứ như trước. Lục chúng Bí-sô nằm chung một giường, cùng nhau xô đẩy lôi kéo cười giỡn. Bí-sô bạch Phật. Phật suy nghĩ: "Cùng ngủ chung giường có những lỗi như vậy. Ai ngủ chung giường bị tội vượt pháp".
Có nhiều Bí-sô du hành trong nhân gian, đến một làng nọ, mượn giường của người khác, chủ nhân cho mượn một cái. Nói:
- Xin mượn thêm.
Ðáp:
- Nhà tôi nhiều người ngủ chung một giường, tại sao Bí-sô lại đòi hỏi riêng, nhiều người nằm chung theo lý có hại gì?
Bí-sô đáp:
- Thế Tôn không cho.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Nếu các Bí-sô có tâm tàm quý, giới hạnh đầy đủ thì trải vật lót thân, nằm chánh niệm tỉnh giác, giữa đặt túi đựng y hay đựng bát để cách ly nhau. Giường phải như vậy thì chiếu nệm khác căn cứ theo đây để biết.
* Duyên xứ như trước. Nhiều Bí-sô du hành nhân gian, đến một thôn nọ vào nhà trưởng giả xin chỗ nằm.Trời lạnh nên họ tìm vật lót nằm. Người trong nhà sinh tâm thương xót các Bí-sô nên đem vật lót nằm của mình cho các Bí-sô mượn. Ai mượn được trước thì dùng nằm một mình, người sau không có phải chịu nằm lạnh suốt đêm. Họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Không nên mượn được trước dùng nằm riêng, nên dùng chung và tùy theo vị già cả.
Sau đó, Ô Ba Nan Ðà nhờ vị lớn tuổi nên được vật để nằm, liền dùng đắp đi kinh hành một mình, gặp đêm lạnh người khác phải chịu khổ . Vị nhỏ nói:
- Tôi chịu khổ lạnh, còn ngài kinh hành.
Ô Ba Nan Ðà nói:
- Ai ngăn không cho các ngươi kinh hành.
Các Bí-sô ấy phải chịu lạnh suốt đêm. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Khi mọi người cùng được vật để nằm nên dùng đắp chung, nếu cần kinh hành thì dùng vật riêng của mình. Ai dùng vật của chung, bị tội vượt pháp.
* Duyên xứ như trước. Vào tháng mùa đông, Bí-sô bị lạnh, co ro nằm nghiêng một bên. Khi trưởng giả Cấp Cô Ðộc vào chùa, thấy các Bí-sô co ro nằm nghiêng một bên, hỏi:
- Thánh giả! Giáo pháp của Bậc Ðại Sư chú trọng ở tinh cần, tại sao quý vị mãi co ro nằm để ngày trôi qua trống rỗng, không tu thiện pháp?
Bí-sô đáp:
- Tâm có hỷ lạc mới có thể tu thiện pháp, đang bị lạnh cóng, làm sao tinh tấn được, tôi đang bị lạnh cóng nào ai biết được.
Trưởng giả từ giã, về đến nhà lấy năm trăm xấp vải choàng bằng bạch điệp dày gửi cúng chư Tăng. Bấy giờ, các Bí-sô lấy mặc và ra ngoài du hành. Người thế tục bất tín thấy vậy có ý bất mãn chê bai, hỏi:
- Thánh giả! Chả lẽ các ngài đều hoàn tục hết hay sao?
Ðáp:
- Các người không nên nói như vậy, chúng ta vì lạnh nên mặc y phục thế tục này.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Không được mặc y phục thế tục, nếu có việc cần dùng, lấy vật hoại sắc phủ trên y phục thế tục rồi mới được mặc. Nếu áo choàng của tăng, phải dùng vật hoại sắc lót phủ bên trong và bên ngoài, sau đó mới được mặc, làm khác vậy, bị tội.
Nhiếp tụng hai trong biệt môn thứ hai:
Suất cái vô hậu thế
Ca thanh bất phóng hỏa
Du hành mích y chỉ
Mao thiêm bất phiên phi.
* Duyên xứ như trước. Trong thành này có một cư sĩ thường buôn bán y vật để sinh sống. Sau đó ông ta thu nhập nhiều của cải, nghĩ rằng: "Có phương pháp gì tu phước nghiệp để được nhiều lợi ích". Cư sĩ này vốn có tín tâm nên suy nghĩ: "Ta nên thỉnh Phật và Tăng, trải tấm vải đẹp lên tòa, dọn các món ăn thơm ngon, cúng dường y phục thực phẩm là phước điền lớn, nhờ nhân duyên cúng dường này ta được nhiều lợi ích". Sau khi suy nghĩ, ông ta đến gặp Phật, lạy sát chân Ngài rồi đứng qua một bên, bạch Phật:
- Thế Tôn! Ngưỡng mong Phật và Tăng vào sáng mai đến nhà con nhận cúng dường vật mọn, nguyện Ngài từ bi nhận lời thỉnh cầu.
Ðức Phật im lặng nhận lời. Biết như vậy, trưởng giả lễ Phật từ giã.Về nhà, ông ta dọn các món ăn uống thơm ngon nhất, xếp đặt tòa ngồi tốt đẹp trải bằng tấm vải tối thượng và sai sứ giả đến bạch với Phật:
- Bữa ăn đã dọn xong xin Phật biết tùy thời.
Bấy giờ đại chúng đều đến nhà ấy, chỉ có đức Phật và người tri sự ở lại chùa. Chư Phật Thế Tôn có năm nhân duyên giữ vị tri sự lại để lấy thức ăn cho Phật. Thế nào là năm?
Một: Muốn yên tịnh xa lánh nơi ồn ào.
Hai : Muốn giảng pháp yếu cho chư Thiên.
Ba : Muốn xem xét người bệnh.
Bốn: Muốn xem xét ngọa cu.
Năm: Muốn chế học xứ cho các đệ tử.
Hiện nay, Thế Tôn muốn chế học xứ. Trong khi các Bí-sô đang trên đường đi đến nhà thí chủ, gặp phải mưa lớn nên y phục đều ướt. Ðến nhà, họ ngồi vào tòa làm cho ố bẩn tấm vải trải. Cư sĩ thấy vậy rất bực bội bất mãn, nên suy nghĩ: "Các tấm vải của ta đều bị hỏng, vậy ta nên đem chúng cho các Bí-sô". Suy nghĩ xong, họ thưa:
- Thánh giả! Con dâng hết những vật lót ngồi, quý vị tùy ý mang đi.
Bí-sô đáp:
- Hãy chờ thưa với Thế Tôn, chẳng biết Ngài có cho phép không!
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Các thầy nên biết, nếu cư sĩ vốn không có ý dâng cúng, cho vì bất mãn thì không được nhận.
Các Bí-sô vâng lệnh Phật dạy nên sai người đến nói với cư sĩ:
- Quý vị biết cho, đức Phật dạy: nếu chẳng phải cư sĩ có ý dâng trước, dâng chỉ vì bất mãn thì không được nhận.
Cư sĩ ấy nghe nói như vậy, sinh tâm rất cung kính, suy nghĩ: "Những tấm vải này nếu ta đem bán thì giá trị không được một nữa, các Thánh giả đã làm cho hoại sắc, nếu họ sử dụng thật là thích hợp". Ông ta mang những tấm vải này đến chùa, thưa với Thánh chúng:
- Trước đây con không có ý bỏ vật này, nhưng nay thật tâm đem dâng cúng chư Tăng, xin vì con mà nhận và nhuộm để sử dụng. Xin quý ngài nên che tán, dù để y không bị ướt.
Ðáp:
- Cư sĩ hãy chờ ta thưa với Phật.
Họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Trước đó, cư sĩ không có tâm muốn cúng, nay quyết ý đem dâng chúng Tăng, các thầy nên nhận nhuộm rồi mặc vì lợi ích cho người hiện tiền chớ nghi ngại. Vì vậy, từ nay Ta bảo các Bí-sô nên che lọng, dù, ai không che bị tội vượt pháp.
Lục chúng Bí-sô nghe Phật cho che tán, dù, liền làm cán lọng, dù bằng vàng ... bốn loại báu, và vẽ vời các màu tía rực rỡ, dùng lông chim công lợp ở trên. Bà-la-môn cư sĩ thấy vậy bất mãn chê bai, hỏi đáp như trước ... cho đến Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Bí-sô không nên che loại lọng, dù như vậy. Có hai loại dù: 1.- Bằng tre; 2.- Bằng lá.
Lục chúng nghe Phật cho phép sắm dù liền sắm tán cán dài, giương lên đi lại giữa thành. Người tục thấy vậy hỏi:
- Người che tán là vị thương chủ nào, hay là trưởng giả đại phú từ phương khác đến?
Mọi người cùng tập trung lại vị kia xem hỏi, thấy là Bí-sô nên cùng sinh bất mãn ... cho đến Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Không nên làm tán cán dài, nên dài bằng hai khuỷu tay hay dài bằng dù ... lại nữa, khi vào làng xóm không nên che dù.
Có Bí-sô đi theo đoàn buôn du hành nhân gian, đi đến một tụ-lạc, đường đi ngang qua trong xóm. Bí-sô che dù không dám vào xóm, đi bên ngoài xóm, bị lạc đoàn buôn, đi sau một mình nên bị giặc cướp. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Nếu đường đi ngay trong xóm thì không được giương dù lên, ôm nghiêng một bên đi không phạm.
Có Bí-sô vào xóm khất thực, vì cán dù bẩn, không dám cầm đi, gặp mưa nên bị ướt y. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Người khất thực rửa sạch cán dù rồi nên mang theo, khi tạnh mưa tùy chỗ mà gửi cất, khi muốn đi khỏi xóm, mới mang theo.
* Duyên xứ như trước. Có du sĩ ngoại đạo ở phương Nam, tên Ô Ðà Di thuộc nhóm Lô Ca Da, bài bác không có đời sau, lần lượt đi khắp các nơi, đến Thất La Phiệt, muốn nghỉ ngơi nên vào rừng Thệ Ða.Trước hết, ông ta đến gặp Tôn giả Kiều Trần Như, nói:
- Này Bí-sô, tôi đến sư môn học ít chữ nghĩa, muốn cùng với ngài đàm luận chút ít.
Tôn giả đáp:
- Luận bàn kiêu ngạo không phải là việc của tôi, ông hãy tìm chỗ khác không nên ở đây.
Ông ta đến gặp Mã Thắng Bạt Ðà La, Ðại Danh Bà Sáp Ba, Danh Xứng Bộ Luật Noa, Ngưu Chủ Tỳ Ma La, Thiện Tý La Hổ La. Gặp vị nào, ông ta cũng nói:
- Này Bí-sô! Tôi đến sư môn học ít chữ nghĩa, muốn cùng Tôn giả đàm luận chút ít.
Các Tôn giả đều nói:
- Này Bà-la-môn, luận bàn kiêu ngạo không phải là việc của tôi, ông hãy tìm nơi khác không nên ở đây.
Lần lượt ông ta đến gặp Tôn giả Xá Lợi Tử, cũng hỏi như trước. Tôn giả Xá Lợi Tử liền nhập định quán sát, xem xét ngoại đạo này có thiện căn không?
- Quán sát biết có Nhân duyên với ai?
- Biết có duyên với mình, lại có người khác nhờ nghe luận nghị mà được điều phục không?
- Quán sát thấy có bao lâu mới thành tựu?
Trong vòng bảy ngày.
Sau khi biết như vậy, Xá Lợi Tử bảo:
- Người muốn tranh luận, thật là việc tốt, hãy tổ chức luận nghị trường tại chỗ ...
Vào ngày đầu tiên, Tôn giả Xá Lợi Tử lên trên tòa cao, đưa ra chủ trương của tông môn mình, cùng đàm luận với vị kia, mỗi khi xuống tòa thường chưa giải quyết hết ý nghĩa vấn đề. Như vậy từ hai, ba cho đến bảy ngày, tiếng đồn vang dậy khắp các nước cùng biết phương Nam có một ngoại đạo thuộc nhóm Lô Già Da, bài bác không có đời sau, tên là Ô Ðà Di thông minh đại trí, du hành khắp nơi, đến Thất La Phiệt cùng Xá Lợi Tử lập luận với nhau, đã qua bảy ngày chưa phân thắng bại.Có vô lượng trăm ngàn chúng sinh có duyên đều vân tập đến. Có người phát tâm hoan hỷ, hoặc có thiện căn trước đây nay thuần thục. Tôn giả Xá Lợi Tử suy nghĩ:
- Người có duyên với ta, nhân nghe luận nghị mà được hóa độ, nên tập họp lại trong lúc này.
Tôn giả đem hết ý nghĩa ra giảng thuyết cho khắp mọi người. Khi ấy, ngoại đạo kia tin hiểu, tâm ý khai thông, chắp tay đứng dậy thưa:
- Ðại đức! Con xin được xuất gia trong pháp luật thiện thuyết, mong ngài từ bi cứu tế cho con, được siêng năng tu tập phạm hạnh với đức Thế Tôn.
Xá Lợi Tử biết tâm chí thành của vị này nên cho xuất gia, thọ cận-viện và dạy bảo chánh pháp. Vị này tinh tấn phát tâm dũng mãnh, đoạn trừ sạch các lậu hoặc chứng quả A-la-hán. Khi ấy, tất cả đại chúng trong hội thấy sự việc này đều cho là việc hy hữu, cùng nói:
- Tôn giả Xá Lợi Tử thật là thông minh, đã dùng pháp chiến thắng ngoại đạo kiêu mạn, làm cho họ xuất gia.
Tôn giả quán sát căn cơ khác nhau và sự ưa thích không đồng của đại chúng, tùy theo túc duyên của họ mà thuyết pháp làm cho ức vạn chúng sinh nghe pháp đều được chứng ngộ khác nhau, hoặc chứng quả Dự Lưu Nhất Lai Bất Hoàn, hoặc xuất gia chứng quả A-la-hán, hoặc thọ Tam Quy và năm Học Xứ, ngoài ra đều phát sinh tín tâm sâu xa với Tam Bảo, chắp tay ân cần từ giã ra về.
Bí-sô đem sự việc này bạch Phật. Phật bảo:
- Này các Bí-sô, không phải khắp nơi đều có Xá Lợi Phất, người tương tự như vậy cũng không th? tìm, vậy nên Ta cho phép các Bí-sô học Lô Già Ða ... các loại ngoại đạo luận.
Các Bí-sô nghe Phật cho phép học luận thư bên ngoài, thì không biết chọn lựa, kẻ ngu muội cũng học ngoại thư. Phật dạy:
- Không nên cho kẻ ngu si ít trí tuệ không phân minh học ngoại thư. Người tự biết thông tuệ đa văn có trí nhớ tốt, có thể chiến thắng ngoại đạo mới được học tập.
Những người thông minh trí tuệ mãi học ngoại điển không tu tập thiện pháp. Phật dạy:
- Không được như vậy.
Họ thường học tập ngoại điển. Phật dạy:
- Chia thành ba thời gian, hai thời đọc kinh Phật, một thời học tập ngoại điển.
Bí-sô chia năm, tháng thành ba thời gian. Ðem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Mạïng sống mau lẹ, vô định trong sát-na không nên chia năm tháng thành ba thời. Hãy chia một ngày làm ba thời gian.
Bí-sô học ngoại điển vào buổi sáng, buổi chiều đọc kinh Phật. Phật dạy:
- Vào sáng và sau trưa đọc kinh Phật, đến chiều tối mới xem ngoại điển.
Bí-sô đọc qua, không tụng thuộc văn, bỏ qua liền quên. Phật dạy:
- Nên tụng.
Họ không biết lúc nào nên tụng. Phật dạy:
- Như ngày có ba tiết, đêm cũng có ba thời.
* Duyên xứ như trước. Tôn giả Xá Lợi Tử cho hai người con nhà Bà-la-môn xuất gia, tên Ngưu Thọ và Ngưu Sanh và dạy hai người đọc tụng kinh pháp. Sau đó, hai vị này cùng nhau du hành nhân gian, đến một tụ lạc được nhiều lợi dưỡng nên ở lại thôn này. Trước khi xuất gia, hai vị này đã học pháp ca vịnh theo âm của Bà-la-môn, do tập quán này nên vẫn đọc tụng theo âm thanh ngôn từ cũ. Bỗng nhiên, một người bị bệnh qua đời. Người còn lại buồn rầu suy nhược, quên gần hết chuyện đã qua, nên trở về thành Thất La Phạt, vào rừng Thệ Ða. Sau khi nghĩ ngơi, đến gặp Tôn giả Kiều Trần Như, sau khi lễ bái, bạch với Tôn giả:
- Xin ngài ôn kinh cho con.
Ðáp:
- Lành thay! Ta sẽ tụng cho ông nghe.
Khi Tôn giả tụng được ít nhiều, Bí-sô thưa:
- Kinh điển Tôn giả vừa tụng, văn từ đều sai lạc, âm vận không dài, có sự thiếu sót.
Ðáp:
- Này con, xưa nay ta tụng tập như vậy.
Bí-sô làm lễ từ giã rồi đi đến gặp các Tôn giả Mã Thắng Bạt Ðà La Ðại Danh Bà Sáp Ba Danh Xưng Bộ Luật Noa Ngưu Chủ Tỳ Ma La Thiện Tý La Hổ La. Sau khi đến nơi, bạch:
- Tôn giả! Xin ôn kinh cho con.
Ðáp:
- Lành thay, ta sẽ tụng cho ông nghe.
Khi Tôn giả tụng được ít nhiều ... như ở trước ... cho đến từ giã rồi đi đến Tôn giả Xá Lợi Tử, sau khi làm lễ, thưa:
- Ông Ba Ðà Da xin ôn kinh cho con.
Ðáp:
- Lành thay, ta sẽ tụng cho ông.
Khi đồng tụng, Bí-sô kéo âm vận dài, âm thanh của Xá Lợi Tử lại kéo dài hơn, nên Bí-sô thưa:
- Ðại sư! Các Tôn giả khác đều đọc tụng nhầm lẫn, chỉ có câu và tiếng của thầy không sai.
Ðáp:
- Ngươi là kẻ ngu si tự mình sai lầm, lại bài báng bậc trí khác tụng kinh không đúng. Các vị đại đức ấy đều không sai lầm.
Sau khi bị thầy đả phá, Bí-sô này phải im lặng. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật suy nghĩ:
- Bí-sô tụng kinh với âm thanh kéo dài như ca vịnh, gây ra lỗi như vậy. Vì vậy Bí-sô tụng kinh không được kéo dài âm thanh như ca vịnh. Bí-sô nào dùng âm thanh Xiển Ðà để tụng kinh điển, bị tội vượt pháp. Nếu ai theo tiếng địa phương cần phải kéo dài âm thanh, thì tụng vậy không phạm. (Xiển Ðà là pháp đọc tụng của Bà-la-môn, kéo dài âm thanh, dùng ngón tay ra dấu để phân tiết đoạn, bác-sĩ đọc trước, những người khác đọc theo)
CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU-BỘ
TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ
Quyển thứ sáu hết.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 40 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ


Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt


Những tâm tình cô đơn


Kinh nghiệm tu tập trong đời thường

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.239.157 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập