Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm thứ 11 :
Tùy hỷ
Khi ấy, trong đại hội có Bồ tát tên Đảnh Vương, dẫn hai vạn năm ngàn người từ thế giới An Trụ ở phương Đông đến. Ông ta bước đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ đức Phật và lui qua ngồi một bên, bạch Phật :
- Con nghe Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế tôn ở trong thai giáo hóa có vô lượng thần biến, có cung điện bảy báu được trang hoàng rất nhiều vật báu, được chư Phật Thế tôn tôn trọng cung kính. Chư Phật Thế tôn quá khứ, tương lai và hiện tại chưa từng nói pháp khó có này. Tướng pháp chơn tế không thể cùng tận, luôn thực hành những hạnh khổ cực từ vô số kiếp. Trong thời gian đó cũng có sanh có diệt. Con muốn nghe biết tất cả những quốc độ khác nhau mà thần đức Như Lai đã giáo hóa, luôn hành bình đẳng nhập vào đạo vô vi, bát giải đồng chơn, phạm hạnh thanh tịnh để cho chúng con không còn sự nghi ngờ.
Phật dạy :
- Lành thay ! Lành thay ! Này đại sĩ Đảnh Vương, những điều ông hỏi thật sâu xa khó nghĩ, có nhiều lợi ích cứu độ những người mê lầm, phước nhiều không thể tận.
Bấy giờ, Thế tôn liền dùng sức thiền định tam muội duỗi cánh tay vàng xuống hai mươi hai ức cõi Phật ở hạ phương bưng thần tháp bảy báu của Thi Khí Như Lai, tháp ngang rộng một vạn tám ngàn do-tuần. Bên ngoài vách tháp có hành lang bằng bảy báu. Nước ao, vườn, trái cây cũng đều bằng bảy báu. Ao sau vườn có bờ bằng vàng bạc. Trong ao ấy tự nhiên có nước cam lồ tám vị, có vô số trăm ngàn loại chim kỳ lạ : uyên ương, nhạn, le le... Tiếng chim kêu rất hay và mọi người cùng nhau vui chơi rất thú vị.
Khi ấy, Thế tôn nói kệ với Bồ tát Đảnh Vương :
- Quá khứ Phật Thức Khí
Thần tháp bằng bảy báu
Cây hoa rất nhiều màu
Hoa vàng, thân bằng bạc
Ao nước có tám vị
Người đói khát no đủ
Phước cúng được quả báo
Đạt công đức trong thai
Lại sau Phật diệt độ
Đấng bổn nguyện Tùy Thi
Tháp bảy báu Phật ấy
Khắp cả hằng sa cõi
Có rất nhiều châu báu
Khoái lạc cũng khó lường
Đức Phật thủ diệt độ
Bậc tối thắng đệ nhất
Cũng có tháp bảy báu
Đầy khắp cõi hư không
Người mắt sáng hiểu biết
Cung phụng tâm cung kính
Dẹp mạn không cống cao
Không tham đắm lợi dưỡng
Quả báo ao bảy báu
Dứt tưởng không chấp trước
Cũng trong thai giáo hóa
Lưu bố vô số kiếp
Sau Phật bát Niết-bàn
Câu Na Hàm Mâu Ni
Thần đức đại thông đạt
Độ thoát hơn ba Phật
Giáo hóa các đệ tử
Ba thừa không dứt đoạn
Rời khỏi phương Đông này
Trong thai hiện biến hóa
Khuyến khích kẻ hậu lai
Dẫn dắt vào nhãn tịnh
Lại Phật Ca Diếp tôn
Ngồi thẳng ức trăm kiếp
Chư thiên làm quyến thuộc
Tịch tịnh không lay động
Cũng có tháp bảy báu
Ở cõi Phật Kim Cang
Cứu hộ kẻ đọa lạc
Không rơi vào đường tà
Ta nay Thích Ca Văn
Dõng mãnh hiện một mình
Chuyên tâm giữ ý chí
Không vướng đường sanh tử
Cõi Phật tuy xấu ác
Nhưng độ không thể lường
Nay ở bào thai mẹ
Lấy thần biến làm vui
Chúng sanh cõi Dục giới
Đọa lạc vào vạc dầu
Dìu dắt họ ra khỏi
Giống như con thiêu thân.
Bấy giờ, Thế tôn dùng thần lực biến ba ngàn đại thiên thế giới sáng rực màu vàng ròng, khiến cho chúng trong đại hội đều thấy thế giới an lạc. Các đại Bồ tát ở đó đều ngồi trên hoa sen bảy báu. Đệ tử quyến thuộc ở đây đều màu vàng ròng, họ ăn uống bằng thiền định giải thoát, giới luật oai nghi chưa từng sai trái.
- Thế nào, này Bồ tát Đảnh Vương ! Ai đến cõi Phật vừa hiện du hóa để cúng dường, phụng thờ thì phước ấy nhiều không ?
Bồ tát Đảnh Vương thưa Phật :
- Rất nhiều, rất nhiều, bạch Thế tôn ! Vì sao ? - Vì cúng dường một cõi Phật phước ấy khó lường, huống chi nhiều cõi Phật như vậy.
Phật dạy :
- Nếu có Bồ tát vượt qua bất thối chuyển ở Nhất sanh bổ xứ, ở trong thai hiện thần thông biến hóa, ai cung kính Bồ tát này thì đức ấy rất tối thắng. Vì sao ? - Vì Bồ tát này đã làm Phật sự không thể nghĩ bàn.
Phật lại dạy Bồ tát Đảnh Vương :
- Nay Ta sẽ nói cho ông về tám đường chánh để trừ bỏ tám điên đảo :
Hằng hà sa các cõi Phật khắp mười phương xây đầy tháp bảy báu, nhưng không bằng cúng dường Bồ tát Bát chánh đạo này với y phục, thức ăn uống, giường chiếu, ngọa cụ, thuốc thang, hương viên, hương bột, hương vụn, chiên đàn, gấm lụa, vòng hoa, những vật trang hoàng thân... thì phước ấy rất nhiều.
Có đại Bồ tát có thể đối với bốn loài sanh: thai, hóa, thấp, noãn mà phân biệt bốn ý chỉ trong một ngày, hai ngày, cho đến bảy ngày; một tháng, hai tháng cho đến bảy tháng; một năm, hai năm cho đến bảy năm; một kiếp, hai kiếp cho đến bảy kiếp. Nếu có chúng sanh phụng thờ cúng dường trước tháp bảy báu cho đến Bồ tát Bát chánh đạo thì không bằng người cúng dường cho Bồ tát Tứ ý chỉ, phước ấy rất nhiều.
Nếu Bồ tát Nhất sanh bổ xứ ở trong thai chuyển pháp luân Vô thượng bao hàm hết tất cả sự biến hóa, vô số đại sĩ thần đức qua lại xoay vần không bị chướng ngại, rồi trở lại hợp lại một người không giác tri. Nếu có chúng sanh cúng dường phụng thờ, không thương tiếc những gì của bản thân, giống như ngày nay Ta đã trải qua ba a tăng kỳ kiếp đoạn trừ diệt tưởng, đây là thân cuối cùng vào thai để giáo hóa, chứng quả thần thông, đều được giải thoát.
Giống như quả chín, nó biến dổi không dừng, thân Phật là không, không có giới - định - huệ - giải nhưng mùi hương của Ngài xông ướp bằng đạo đức oai nghi, không làm mất mười hai hạnh đầu đà. Một phần khổ này là cảnh giới của Ta.
Khi ấy, Bồ tát Đảnh Vương đến trước Phật tán thán với kệ :
- Thức là gốc sanh tử
Là đường đến Niết-bàn
Tự tại trong bào thai
Du hí vô lượng cõi
Bốn sanh thành cõi Phật
Biến mười sáu thần túc
Đạo vốn không một tướng
Thệ nguyện đều như nhau
Chúng sanh bị trói buộc
Hiện có người tốt xấu
Vô hình không thể thấy
Nay mới được quán sát
Các thân Phật quá khứ
Dạy bảo không bờ bến
Pháp bát đạo vô thượng
Chuyên về độ quần manh
Kinh pháp hình xá lợi
Hiện thần thông nơi đời
Để người ta dẫn dắt
Được nghe bất tư nghì
Sáu thần tháp báu Phật
Kho báu, đài bảy báu
Mỗi mỗi phân biệt kỹ
Ý nghĩa không thể lường
Xưa kia Phật hành đạo
Như không,không chấp trước
Nay ở bào thai mẹ
Thọ hóa chẳng phải một
Đắc tánh chơn như Phật
Cũng trụ tánh như thật
Trừ bỏ tâm kiêu mạn
Lạy đấng không, vô tánh
Mỗi ánh sáng xá lợi
Chiếu khắp các cõi Phật
Thọ hóa như hằng sa
Là do thần đức Phật
Quốc độ cách đây xa
Nhuận đạo cam lồ Phật
Nay muốn về cõi xưa
Tuyên dương pháp Như Lai.
Nói kệ xong, Bồ tát Đảnh Vương đi nhiễu Phật ba vòng và lạy Phật, lui ra. Phẩm thứ 12 : Ngũ đạo tầm thức
Bấy giờ đức Thế tôn muốn thị hiện chỗ mà thức sẽ đi đến là : hướng đến thức đạo, thức tục, thức hữu vi, thức vô vi, thức hữu lậu, thức vô lậu, thức hoa, thức quả, thức báo, thức vô báo, thức trời, rồng, thức quỷ thần, A tu la, Ca lầu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, nhơn và phi nhơn, trên lên đến thức hai mươi tám tầng trời, dưới đến thức ngục Vô cứu.
Khi ấy Thế tôn ở trong thai hiện dây móc xích bằng hài cốt đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới.
Phật dạy A-Tư-Đà :
- Ông có thể phân biệt thức của hài cốt này không ?
A Tư Đà thưa :
- Không phân biệt được. Vì sao ? - Vì chưa được thấu triệt, sức tu hành chưa đạt.
Phật dạy Bồ tát Di Lặc :
- Trong cõi trời này ông chưa đắc thần thông ư ?
Di Lặc bạch Phật :
- Có điều thành tựu, có điều chưa thành tựu.
Phật dạy Di Lặc :
- Ông hãy quán sát dây móc xích hài cốt để cho tất cả chúng sanh biết nơi mà thức đến. Hãy phân biệt, xác định rõ ràng để không còn nghi ngờ.
Khi ấy, Bồ tát Di Lặc liền đứng dậy, cầm thần gậy bảy báu kim cương gõ vào dây móc xích hài cốt để nghe tiếng của xương cốt ấy. Ngay khi ấy, Bồ tát Di Lặc bạch Phật :
- Người này qua đời vì nội kết sân giận quá nhiều nên thức đọa làm loài rồng.
Lại gõ vào xương và nói :
- Người này kiếp trước hành đầy đủ mười điều thiện nên được sanh lên cõi trời.
Lại gõ vào xương, nói :
- Người này đời trước phá giới phạm luật nên sanh trong địa ngục.
Cứ như vậy, Bồ tát gõ xương : hữu lậu - vô lậu, hữu vi - vô vi, trên là hai mươi tám tầng trời, dưới đến địa ngục Vô cứu và biết nơi thức đi đến, biết quả báo thiện ác, hành quả báo của nghiệp trắng đen; trong đó chỉ có một toàn thân xá lợi là không bị sứt mẻ.
Khi ấy Di Lặc lấy gậy gõ vào để suy tìm thức này nhưng lại không biết thức của ai . Gõ như vậy ba lần, Di Lặc thưa trước Phật :
- Thần thức của người này con không thể biết được. Chẳng lẽ Như Lai nhập Niết-bàn rồi sao ?
Phật dạy Di Lặc :
- Ông là người vào đời tương lai sẽ tiếp nối quả vị Phật, sẽ được thành Phật, đắc đạo Vô thượng, vậy sao gõ vào xá lợi mà ông không biết thức của ai ?
Di Lặc bạch Phật :
- Phật bất tư nghì, không thể hạn lượng vì chẳng phải cảnh giới của chúng con để có thể đo lường. Nay con có điều nghi ngờ, cúi xin Thế tôn hãy nói thần thức của năm đường để cho hết thảy mọi người được biết chỗ thiện ác mà họ đến để không còn ai nghi ngờ gì cả. Với Như Lai, nay xá lợi này không có sứt mẻ, xin Ngài hãy nói thức ấy để chúng con biết.
Phật dạy Di Lặc :
- Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều lưu bố xá lợi, chẳng phải cảnh giới của các ông phân biệt. Vì sao ? - Vì xá lợi này tức là xá lợi của Ta, làm sao có thể tìm kiếm thần thức của Như Lai được ! Nay Ta sẽ phân biệt rõ cho ông về thức thượng - trung - hạ của Như Lai. Dù là Bồ tát nhưng đều khác nhau :
Bồ tát Sơ trụ chưa tạo được sức căn đức mà chỉ đắc thần thông.
Bồ tát Nhị trụ thì dùng thiên nhãn nhìn biết nơi mà thức hướng đến là thối hay bất thối địa. Cũng nhìn thấy người ở cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, hoặc nhìn thấy chúng sanh ở vô số hằng hà sa cõi Phật phương Đông cúng dường chư Phật, phụng thờ không bị chướng ngại. Còn biết kiếp số mà họ thọ ký là một kiếp, hai kiếp, cho đến trăm ngàn ức kiếp.
Hoặc có Bồ tát ở địa tam trụ nhìn thấy xá lợi thì biết nơi thức đi đến là Hữu dư Niết-bàn hay Vô dư Niết-bàn. Như Lai không thấy chỗ đi đến của hành thức, tứ trụ.
Bồ tát Tứ trụ thấy thức pháp của Sơ trụ, Nhị trụ, Tam trụ, nhưng không thấy chỗ đi đến của thức pháp xá lợi bậc Ngũ trụ.
Phật dạy Di Lặc :
- Bồ tát Ngũ trụ phân biệt phẩm hạ.
Đối với Lục trụ thì thấy hoặc không thấy nơi thức đi đến. Bồ tát Bất thối chuyển lên đến Nhất sanh bổ xứ thì không biết ý nghĩ của Như Lai khi Ngài cất bước chân.
Bồ tát kế thấy Bát trụ, Thất trụ, Lục trụ nhưng lại không biết ý nghĩ của Nhất sanh bổ xứ khi cất bước chân, huống chi muốn gõ vào móc xích xương cốt để phân biệt. Việc này không thể làm được.
Phật dạy Di Lặc :
- Ông nên biết điều này, mười hiệu : Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế tôn chỉ có Phật mới biết ý nghĩ theo thần thức của Phật.
Khi ấy, Thế tôn nói với đại chúng bằng kệ:
- Luân hồi vực năm đường
Thần thức ấy rất khổ
Tai, mũi, thân tâm dơ
Không thể nào xa lìa
Thức tưởng kết thêm cấu
Lấy đạo trí huệ chặt
Huệ chiếu chỗ tối tăm
Được đến trường Vô úy
Thức Phật đều thấy pháp
Những bộ xương xá lợi
Giả sử nát như bụi
Rất nhỏ không thể thấy
Như Lai biết rõ ràng
Pháp thiện ác báo ứng
Thức Phật rất vi diệu
Chẳng phải, chẳng không phải
Vừa nói độ vạn ức
A tăng kỳ chúng sanh
Di Lặc lại thành Phật
Cũng sẽ bỏ xá lợi
Vốn do mẹ sanh ra
Thai pháp cũng như nay.
Nghe Phật nói xong, đại Bồ tát Di Lặc đi nhiễu Phật bảy vòng, đầu mặt lạy sát chân Ngài rồi về chỗ cũ. Phẩm thứ 13: Chư Phật hành tề vô sai biệt
Bấy giờ, đức Thế tôn liền thị hiện tướng kỳ lạ đặc biệt : biến tất cả Bồ tát thành Phật có đầy đủ tướng ánh sáng. Tất cả mặc dù khác nhau nhưng đều thuyết pháp cùng một giọng nói, phân biệt vô thường, đời đời đều trở về không.
Đức của các Ngài khó lường được và cung kính tôn trọng nhau, có đầy đủ oai nghi lễ độ và chỉ nói pháp vi diệu, không có bớt thêm, co, duỗi, cúi, ngước. Các vị đều ngồi cao tòa bằng bảy báu cực đẹp, có màn trướng bằng the lụa.
Đầu tiên : nói pháp độ vô số toàn là nam, không có nữ.
Nói pháp lần thứ hai: độ toàn nữ, không có nam.
Nói pháp lần thứ ba: độ toàn người chánh kiến.
Nói pháp lần thứ tư: độ toàn người tà kiến.
Nói pháp lần thứ năm: độ nam nữ chân chánh bằng nhau.
Nói pháp lần thứ sáu: độ tà chánh cũng bằng nhau.
Ngay khi ấy, tất cả pháp đều được thành tựu, không còn ngã sở và đạo quả được thành thục.
Theo thường pháp của chư Phật nói là nói về nghĩa lý.
Thần túc thứ ba có tám vạn bốn ngàn pháp môn không hành, tám vạn bốn ngàn pháp môn vô tướng, tám vạn bốn ngàn pháp môn vô nguyện. Mỗi pháp môn đều có vô lượng nghĩa. Giống như thân người trí huệ có một ngàn cái đầu, mỗi đầu có ngàn cái lưỡi, mỗi lưỡi có một ngàn nghĩa. Nếu muốn đạt hoàn toàn nghĩa của ba pháp môn thì đối với trăm ngàn phần chưa đạt được một. Đây là kho tàng bí mật tinh túy của chư Phật. Được như vậy là đều nhờ kiếp trước đã thành tựu trong sự học.
Khi ấy, dù khác nhau nhưng chư Phật đều đồng thanh nói kệ :
- Nguyện xưa của chúng ta
Nay đã được thành quả
Thân vàng, lời thanh nhã
Các tướng đều đầy đủ
Muốn cầu huệ vô cực
Thành tựu không còn nghi
Lành thay, đấng ba cõi
Tối thắng không ai bằng
Xưa Ta ở Đâu Suất
Chọn lựa nơi thọ sanh
Giáng xuống vào thai mẹ
Kết duyên chư Như Lai
Những chúng sanh không duyên
Nói Ta không thành đạo
Trong thai dạy chúng sanh
Trong thời gian thành Phật
Kinh Ta nói trước sau
Tám mươi bốn ức voi
Sức voi và sức người
Chở vác không thể nổi
Nay Ta phải hoan hỷ
Ghi nhớ đừng quên mất
Nói pháp chưa thành đạo
Trong thai giảng chánh pháp
Phật hành không sai khác
Tất cả đều bình đẳng
Chỉ Phật mới biết Phật
Công đức nghĩa nhiều ít
Muốn đắc tư nghì Phật
Việc làm phải kỳ diệu
Trải qua vô số kiếp
Không đạt được mảy lông.
Sau khi nói kệ này, Thế tôn thuyết pháp lần đầu tiên toàn là nam, không có nữ, và ngay trên tòa họ đắc bất thối chuyển, có lòng tin kiên cố, không thể nào làm trở ngại được.
Bấy giờ, Thích Ca mâu Ni thâu oai thần trở lại giống như trước và nói kệ :
- Chứng quả Bát chánh đạo
Không thầy tự nhiên ngộ
Một mình dạo ba cõi
Tự đạt đạo Niết-bàn
Pháp vốn không một tướng
Đại biện tài mau lẹ
Nay Ta đã chứng quả
Dứt ái không chấp trước
Vốn tánh pháp năm ấm
Không thấy có thiện ác
Dùng thần lực cứu khổ
Thản nhiên đạo tịch diệt
Các ông trong hội này
Thệ nguyện đã thành tựu
Chưa đắc, nay đã đắc
Vui thay, nghiệp lành này
Dây nhân duyên làm ngại
Trừ sạch không còn gì
Pháp la võng của Ta
Tự nhiên bị hủy hoại
Ngu si không thấy chơn
Tự đọa bốn sắc duyên
Chưa quán sát kỹ càng
Phân biệt gốc tướng khổ
Như nay Ta thành đạo
Công phu nói không hết
Phật rống tiếng sư tử
Kiếp lửa, kiếm ác cướp
Đúc nặn chúng sanh khổ
Lấy màu nhuộm tơ trắng
Nhẫn nhục chịu khổ hại
Đến chết không trả thù
Giữ tâm như hư không
Thay đổi không lâu dài
Đối với đời bấy giờ
Tội ngũ nghịch khổ não
Khó dạy, không thể độ
Chư Phật không cứu được
Tìm gốc làm hiện duyên
Chỉ dẫn chỗ vô vi
Phá tâm ương ngạnh ấy
Chuyên nhất được giải thoát
Giáo pháp nói lần đầu
Không sanh, không khởi diệt
Đều hướng về Phật đạo
Không ai bị đọa lạc.
Khi Phật nói kệ này xong, các chúng nam, chúng nữ, chúng chánh, chúng tà đều có lòng tin rốt ráo, đắc địa bất thối chuyển.
Phật dạy các đại Bồ tát :
- Các ông muốn thấy Như Lai dùng thần lực giáo hóa đạo bất tư nghì, pháp tánh thuần thục, không có người nam, người nữ, rành mạch về nghĩa lý thọ thân người nữ, không được Phật thọ ký. Ma, Thích, Phạm vương không có tướng chân thật. Các ông có muốn biết bốn chúng này được thọ ký thành Phật không ?
Khi ấy, Bồ tát tên Vô Tận Ý đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải chấm đất, chấp tay thưa trước Phật :
- Con chưa hề nghe Như Lai nói pháp về bốn hạng người này được thành Phật. Nay mới khai diễn đại nghĩa.
Và lại bạch Phật :
- Xả thân thọ thân liền thành Phật sao ?
Phật dạy Vô Tận Ý :
- Ông hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ, Ta sẽ phân biệt rõ ràng cho ông : Chín mươi mốt kiếp về quá khứ có Phạm thiên vương tên Đại Biện Tài, thông suốt xưa và nay, thường thích nhàn cư, ngồi trong cung trời suy nghĩ: “Nay ta có thể giáo hóa cung nữ và các Phạm vương ở đây. Khi Ta được thành Phật đều có chư thiên đi theo, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, đồng thời thành Phật không vui sao ?”.
Nghĩ như vậy xong, Phạm thiên vương liền ở thiên cung, đến cây Trí Độ, ngồi ngay thẳng tư duy, nhất ý nhất tâm, chánh niệm tỉnh giác, không có tưởng niệm gì khác, liền thành Phật với ba mươi hai tướng đại nhân và tám mươi vẻ đẹp.
Quyến thuộc của chư thiên tu hành chánh pháp Tỳ kheo, đắc A-la-hán và tất cả đều là hàng lợi căn. Chúng thiên nữ ấy có người đắc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, không còn sanh trở lại thế gian này nữa, rồi liền bát Niết-bàn. Đó gọi là Phạm thiên vương không xả thân thọ thân mà thân hiện tại được thành Phật đạo.
Phật dạy Bồ tát Vô Tận Ý :
- Bảy mươi sáu kiếp về quá khứ có thiên vương thứ sáu - thống lãnh ba ngàn đại thiên thế giới - tên là Hại Ác. Từ tầng trời thứ sáu trở xuống đến tự tại vô ngại, ở cung trời ấy trải qua vô số biết bao sự tư duy, hối hận những việc xưa kia hủy báng Tam bảo, ngăn cản đạo quả. Giả sử Ta thọ báo, đọa vào ba đường, không rời khỏi đường ác, thì nay Ta có thể sửa đổi tâm làm ác và cùng với quyến thuộc chư thiên trong thiên cung này tu phạm hạnh, cầu đạo Vô thượng, tiến tới thành Phật, không phải vui sao ?!
Lại suy nghĩ : “Cảnh giới mà Ta cai quản có vô lượng vô số thiên nữ vui chơi, không gì vui hơn đây. Giả sử Ta thành Phật thì cũng giống như cõi này, dần dần giải đãi” .
Lại tới kiếp số loài ma có tri thức tu hành, bước lên địa vị Thập trụ, giảng nói công đức của Phật, xuất gia tu đạo, có các tướng đầy đủ. Tâm ma khai mở, sửa đổi, tâm tánh nhập vào thiền định, không có dấy nhiều tưởng niệm, căn tánh mau lẹ. Ngay đó, liền ở thiên cung mà chứng đạt tam minh, trang nghiêm cõi Phật, không còn tái sanh nữa, liền thành Vô thượng chí chơn Chánh đẳng Chánh giác, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp tất cả cõi ma, không chỗ nào mà không thấy.
Khi ma thành Phật, có ba ức thiên tử tâm tự sanh niệm, cho rằng: do ma huyễn hóa chứ chẳng phải đạo chân thật và hết thảy rút lui trở về cung. Mười sáu ức thiên tử đều đến thân cận, phụng thờ, cúng dường như Phật không khác. Và ngay nơi tòa chứng bốn quả. Đó là Đại thiên vương Hại Ác, không xả thân thọ thân mà thành Phật đạo.
Phật lại dạy Bồ tát Vô Tận Ý:
- Sáu mươi mốt kiếp về quá khứ, ở phương Đông có Thích Thiên Tử tu thiên nhãn, tâm thanh tịnh, thích thiền định, luôn muốn xuất gia tiến đến Phật đạo. Pháp của chư thiên ấy bị suy nên có điềm ứng và không bao lâu qua đời.
Chư thiên từ từ giảm sút sự ham thích ngủ nghỉ, thân thể dơ bẩn, hoa tự khô héo, không thích tòa báu, thức ăn không ngon, rồi liền đi ra sau vườn tắm rửa, giặt giũ. Với thân trời này, mắt thấy rất xa. “Làm thế nào có Phật để đến lễ lạy, viếng thăm, cung kính cúng dường, được thọ cấm giới của Phật, và liền ngay thân này đắc thành Phật đạo” . Nghĩ vậy xong, ngồi ngay thẳng tư duy, dùng thiên nhãn thấy phương trên có Phật hiệu Vô Lượng Không Hành, thế giới thanh tịnh, hiện đang nói pháp, đầu giữa cuối hoàn toàn thiện.
Thế rồi Thích thiên tử dùng thần lực khoảng như người co duỗi cánh tay, đến chỗ Phật ấy lễ lạy sát chân, lui qua đứng một bên và khen Phật bằng kệ :
“Tướng sáng chiếu mười phương
Chiến thắng bọn ma oán
Giảng nói con đường đạo
Dứt nghi, không còn lầm
Người phạm hạnh thanh tịnh
Đều nhờ hạnh tối thắng
Tùy cơ nói chơn pháp
Không trái pháp bổn hạnh
Con là chủ chư thiên
Muốn tu đạo thanh tịnh
Cúi xin Phật thương xót
Được đến chỗ an ổn” .
Bấy giờ, Thế tôn dạy Thích thiên tử :
- Lành thay ! Lành thay ! Ông phát tâm rộng lớn, muốn được cứu vớt khổ của chúng sanh: người chưa đắc được đắc, người chưa đạt được đạt, người chưa thành tựu muốn được thành tựu, muốn cho người mù được mắt sáng, người điếc được nghe, người gù lưng được thẳng, người không có tay chân được có tay chân. Ông hãy trở về bổn cung, ngồi dưới cây đạo, phân biệt các hành là pháp trụ hay pháp tán.
Nghe xong, Thích thiên tử lạy trước Phật. Khi ấy, ông ta biến mất, trở về cung trời. Quyến thuộc chư thiên đều quy về nương tựa, làm cho công đức của ông ta càng tăng trưởng, tướng suy hao đã tiêu mất sạch. Ông ta ngồi thẳng thâu nhiếp thân, tâm ý bất động, liền đắc thành Vô thượng Chí chơn Đẳng chánh giác, hướng dẫn chín mươi ba ức thiên nữ chứng bốn đạo quả. Đó gọi là Thiên Đế Thích không xả thân thọ thân mà thành Phật đạo.
Phật dạy Bồ tát Vô Tận Ý :
- Năm mươi bốn ức hằng hà sa kiếp về quá khứ có thế giới tên Hỏa Diệm, Phật hiệu Vô Dục Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế tôn nói pháp độ người , khéo tu phạm hạnh, biết rõ về pháp Tứ đế, bố thí cho tất cả. Nhân dân cõi đó đều thọ thân nữ, hiểu rõ vô thường, khổ, không, vô ngã, phân biệt về thọ nhập, không còn phiền não, nhàm chán thân khổ này ; cùng nhau phát thệ nguyện rộng lớn, mặc áo giáp vô úy muốn cứu độ chúng sanh, làm thanh tịnh cõi Phật, quăng trừ các xấu ác, lập ý chí kiên cố, đạt đến Bất thối chuyển ; cùng nhau thực hành hiểu rõ về pháp không, vô tướng, vô nguyện. Trong một lúc, trong một ngày thông đạt Tam đẳng, liền thành Phật đạo, các tướng đầy đủ, sống chết tự tại, lấy nhỏ nhập vào lớn, lấy lớn nhập vào nhỏ. Trong một ngày độ vô lượng a tăng kỳ chúng sanh, giáo hóa chúng sanh vào Vô dư y Niết-bàn. Đó gọi là bất xả thân thọ thân mà thành Phật đạo.
Bấy giờ muốn tuyên lại nghĩa này, Thế tôn nói kệ :
- Pháp tánh như biển lớn
Không nói có đúng - sai
Kẻ phàm phu, hiền thánh
Bình đẳng không cao thấp
Chỉ do tâm dơ nhiếp
Thủ chứng như trở tay
Đạo thành vua ba cõi
Xiển dương tiếng sư tử
Pháp biệt không có pháp
Không có hạnh nam nữ
Nay đời năm trược này
Hiện có phần thọ thân
Đoạn diệt kẻ chấp thường
Làm chướng ngại kiếp số.
Khi Thế tôn nói kệ này xong, có tám vạn bốn ngàn ức chúng sanh lập chí kiên cố và tất cả đều nguyện thành Phật, không còn tái sanh. Phẩm thứ 14 : Hành định bất định
Bấy giờ, trong hội có Bồ tát tên là Thường Tiếu, đạt sáu thông, có oai đức và thần lực tự tại, biện tài vô úy, chấm dứt phần sanh tử, không còn chấp trước việc gì, những điều nói ra đều được tin dùng, hiểu rõ các pháp không, như huyễn hóa, như mộng, như sóng nắng, như lá đỏ trong nước mà loài thú ngu si cho là nước thịt, cuối cùng không lấy được, như tiếng vọng trong núi ; hiểu rõ các pháp không sanh không diệt, muốn đoạn trừ tất cả sự nghi ngờ của chúng sanh, nên liền đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải sát đất, chấp tay thưa trước Phật :
- Cúi xin Thế tôn, con có chút nghi ngờ. Nếu được cho phép con mới dám thưa. Trí tuệ của Đại thánh Như Lai vô ngại, trước biết do nhân duyên quá khứ mà trói các hành, sau làm rõ nguyên lý thành bại và nhân duyên hợp tan của vị lai. Hành nghiệp thiện ác là do phát tâm khác nhau. Nay con nghe Như Lai ở trong thai giáo hóa chúng sanh là các hành có sai khác, có đối không đối, có quả báo không có quả báo, có hành đen trắng, không có hành đen trắng. Lại có chúng sanh từ khi mới phát tâm trải qua vô số kiếp mà không được thành tựu, hoặc có chúng sanh chỉ sáng phát tâm mà chiều liền thành Phật. Cúi xin Thế tôn hãy nói cho, con rất muốn nghe.
Thế tôn dạy Bồ tát Thường Tiếu :
- Theo lý lẽ mà ông hỏi đều là do oai thần của Như Lai cảm vời ra. Muốn thành tựu các pháp thì không đoạn thật tánh của Như Lai, trước cũng như sau. Vì sao ? - Vì pháp tánh của Như Lai không thể nào nắm bắt, giữ gìn được, cũng chẳng phải phạm vi A-la-hán, Bích Chi Phật biết được.
Khi ấy, Thế tôn dùng thần lực xuất ra tướng lưỡi rộng dài, ánh sáng tướng lưỡi chiếu a tăng kỳ kiếp cõi Phật, tận cùng phương Đông, khiến cho chúng sanh năm đường thấy ánh sáng ấy tìm đến chỗ Như Lai. Ngay giữa chặng mày, Thế tôn lại xuất ánh sáng tướng lông trắng, trên chiếu tám mươi bốn ức hằng hà sa cõi chúng sanh.
Bấy giờ, Thế tôn nói kệ cho Bồ tát Thường Tiếu:
- Ba mươi mốt âm vang
Nghiệp báo được trong sạch
Bốn mươi tám trần cấu
Trời hành năm mươi năm
Bồ tát tóc bảy báu
Phát sanh tâm chúng sanh
Bốn loại cây đạo quả
Tâm thức định không loạn
Kẻ thiếu trí vô phước
Mắc khẩu nghiệp rất nhiều
Ăn uống biết vừa đủ
Đi đứng đúng oai nghi
Bình đẳng thương tất cả
Mới gọi đạo Bồ tát
Đời năm trược ba cõi
Điên đảo vướng cõi ma
Phá hoại gốc nghiệp thiện
Như bóng không rời hình
Căn tánh có lanh chậm
Tới lui lòng do dự
Phát nguyện độ chúng sanh
Công đức trọn đầy đủ
Thành tựu thân mười lực
Thế tục pháp hữu vi
Tư duy khó lường được
Vừa chết lại tái sanh
Như lửa cháy núi rừng
Tâm niệm đốt chánh pháp
Lan đến a tăng kỳ
Thân mặc giáp thệ nguyện
Dõng mãnh độ kẻ dữ
Tiêu diệt chúng quân ma
Lỗ chân lông thân người
Hơn sáu mươi bốn vạn
Người trí huệ biết rõ
Các nghiệp báo nhỏ nhặt
Người lợi căn Diêm Phù
Thọ thân rất xấu xí
Từ mỗi lỗ chân lông
Rịn chảy không kín đáo
Thân Kim cang Như Lai
Chân lông ba mươi bảy
Kín đáo không rịn chảy
Không bị lửa thiêu cháy
Ma và quyến thuộc ma
Sa môn, Bà la môn
Phạm thiên và chúng Thích
Thần lực bọn quỷ thần
Muốn đụng lông tóc Phật
Việc này không thể được
Hư không thành địa giới
Nhật nguyệt có thể rơi
Muốn đụng lông tóc Phật
Không thể nào làm được
Đây là nghiệp pháp tục
Chẳng phải tướng vô vi
Thọ hành chịu nghiệp quả
Các tướng đều khác nhau
Thân Phật thể Kim cang
Ngoài hành theo báo nghiệp
Là quả báo thế tục
Lìa xa pháp vô vi
Tướng Phật pháp chân thật
Không hiện ra bên ngoài
Muốn biết tướng trong Phật
Như dùng thần túc vậy.
Nói kệ xong, đức Thế tôn dạy Bồ tát Thường Tiếu :
- Duyên báo duyên duyên báo
Chí đạo vô ngại báo
Tam bảo chơn tánh báo
Hành thú Niết-bàn báo
Thế tục vô trước báo
Nhất hướng cứu cánh báo.
Đó là đệ nhất nghĩa của đại Bồ tát, không nhiễm, không chấp trước, không thể nắm bắt, không vướng vào cõi Dục mà cũng không lìa cõi Dục. Quá khứ có, vị lai có, hiện tại có. Chẳng phải quá khứ có, chẳng phải vị lai có, chẳng phải hiện tại có, không sanh không diệt. Qua trăm ngàn kiếp, đại Bồ tát đã thông đạt, không còn chướng ngại, khiến cho mọi tầng lớp chúng sanh đều hiểu rõ cái không đó vốn có quả báo để thành tựu khẩu nghiệp, thông đạt cả âm thanh.
Hoặc có đại Bồ tát trong phút chốc có thể làm cho ba ngàn đại thiên thế giới hóa thành thủy giới, giống như Tỳ kheo đắc thiền quán vô lượng thủy giới. Con trùng, rùa, ba ba trong thủy giới ấy không xúc chạm nhau. Do chứa công đức nhiều kiếp nên không hư không hoại. Đó gọi là đại Bồ tát nhập vào Thủy giới tam muội.
Hoặc có chúng sanh thấy Bồ tát nhập định cho là nước, rồi lấy gạch, ngói, đá, cây cỏ quăng vào. Bồ tát nhập định, tâm như hư không, không biết có người đến xúc não. Đó là đại Bồ tát nhập vào lực của thủy giới.
Hoặc có Bồ tát thiền định nhiếp tâm nhập vào Hỏa giới tam muội, khiến cho ba ngàn đại thiên quốc độ này bùng cháy. Chúng sanh ngu si nói rằng Bồ tát gặp lửa kiếp thiêu, chạy tán loạn nhưng không tránh được lửa. Mặc dù lửa cháy đỏ nhưng Bồ tát thấy mát mẻ không nóng. Đó là đại Bồ tát nhập vào Hỏa quang tam muội. Oai thần của tam muội này không thể so lường. La hán, Bích Chi Phật cũng không thể đạt được.
Hoặc có Bồ tát nhập năm phần pháp thân, tâm định bất động, khiến ba ngàn đại thiên thế giới nào bò - bay - máy - cựa cho đến trùng, kiến đều dùng oai thần tiếp đỡ chúng, nên chúng không gặp phiền não, bảy ngày được an ổn. Sau khi qua đời, tất cả đều sanh lên cõi trời. Trong một ngày nói pháp mà hóa có mặt khắp mọi nơi, trong đó người nào thấy thần đức của Như Lai thì trần cấu đều được trừ sạch, muốn gì được nấy, hoặc sanh vào cõi chư Phật ở phương khác. Đó là nhờ đại Bồ tát nhập năm phần pháp thân định tâm ban cho.
Có Bồ tát nhập vào Bất động sư tử phấn tấn tam muội, khiến cho ba ngàn đại thiên thế giới chấn động sáu cách. Chúng sanh trong đó đều quy phục, tu hành thanh tịnh, mặc áo tàm quý, bỏ tâm kiêu mạn, hướng dẫn chúng sanh đến tám con đường chân chánh, trừ khử bảy mươi bảy tâm chấp ngã. Cấu nhiễm chất chứa lâu đời chỉ trong nhất thời đều trừ sạch cả. Đó là do đại Bồ tát nhập vào Phấn tấn vô úy tam muội cảm vời ra.
Có đại Bồ tát nhập Tán thân định ý, phân biệt thức tụ từ đâu đến và đi về đâu. Mỗi mỗi đều phân biệt rõ ràng là không, vô tịch nhiên. Trước - sau - giữa đều không có đầu mối. Đó là do đại Bồ tát nhập Tán thân định ý tam muội mà cảm vời ra.
Có đại Bồ tát nhập Nhẫn đảnh tam muội, có thể làm thân này biến thành con trùng không có chân tay đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Chúng sanh thấy chẳng biết đó là gì nên nói là đống thịt. Nếu ai lấy ăn thì mùi vị như cam lồ và đều làm no đủ cho chúng sanh bị đói khát. Đó là do đại Bồ tát nhập Nhẫn đảnh tam muội mà cảm vời ra.
Có Bồ tát dùng Thần lực tam muội khiến núi sông, đá, vách trong ba ngàn đại thiên thế giới này hóa thành cam lồ, giống như đường phèn, ăn vào không biết ớn, khiến cho bốn chứng bệnh nặng kiết sử của chúng sanh vĩnh viễn lành hẳn không còn trở lại. Chúng sanh phát nguyện : “Nguyện muốn sanh về thế giới vô tận” . Đó là nhờ thần lực của đại Bồ tát cảm vời ra.
Lại nữa, đại Bồ tát nhập vào Độc bộ tam muội, làm cho tất cả chúng sanh trong ba ngàn đại thiên thế giới này thấy Bồ tát đi cất bước chân, hạ chân xuống. Ai gặp Bồ tát đi bộ thì có thể ngăn chận người tội không còn địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đây đều do thân - khẩu - ý Bồ tát thanh tịnh và phát nguyện cứu độ đạt đến nơi cứu cánh, không bao giờ quay trở lại. Đó là nhờ vô lượng tâm nguyện phước lành của đại Bồ tát cảm vời ra.
Lại nữa, đại Bồ tát dùng thần thông định nhập vào Nhạo pháp tam muội, khiến cho các loài chúng sanh trong ba ngàn đại thiên thế giới này đều quay về, đến chỗ Bồ tát để cầu xin xuất gia, tu phạm hạnh vô thượng, phát tâm giống nhau, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, theo thường pháp của chư Phật về pháp oai nghi, cấm giới, giáo thọ thì có thể tức thời ở vào Minh huệ địa. Minh huệ địa là nơi hành pháp của Bồ tát Bát trụ, chẳng phải nơi Nhị thừa tu tập. Đó gọi là nhờ thần lực của đại Bồ tát cảm vời ra.
Lại nữa, đại Bồ tát dùng đại bi của Phật nhập vào Vô ngại đinh, khiến cho các loài quần manh trong ba ngàn đại thiên thế giới này cùng làm cha mẹ, anh em, bạn bè, dòng họ, tri thức, ai không có của cải thì cho của cải, cung cấp các vật cần dùng cho đến quốc thành, vợ con, voi ngựa, vàng bạc, trân bảo, xe cộ, mã não, bạch châu, hổ phách, thủy tinh, lưu ly, bích thạch, trân bảo lẫn lộn, y phục, thức ăn uống, giường mùng, chiếu chăn, thuốc thang, hương hoa, phấn xoa... đều cho họ sung túc. Những người được sự giáo hóa trong đó đều đầy đủ, làm chúng sanh phát tâm ở trong địa Nhạo pháp.
Sao gọi là địa Nhạo pháp ? - Nghĩa là ai hợp với đạo Tu-đà-hoàn thì có pháp chân thật cốt yếu để đoạn ba kiến pháp.
Ai hợp với đạo Tư-đà-hàm thì còn bảy đời nữa thành đạo.
Ai hợp với đạo A-na-hàm thì nói thiện pháp không có năm ấm che lấp.
Ai hợp với đạo A-la-hán thì nói Niết-bàn thọ chứng không trở ngại.
Ai hợp với đạo Bồ tát thì nói pháp Lục độ đảnh nhẫn, phát tâm tiến lên.
Ai hướng đến Phật đạo thì nói cứu cánh tịnh Nhất thiết trí, trang nghiêm Phật giáo chúng sanh. Từ cõi Phật này đến cõi Phật khác cúng dường, lễ lạy, thờ phụng chư Phật Thế tôn, được đắc sáu thần thông :
- Mắt có thể thấy thấu triệt.
- Tai có thể nghe thông suốt
- Tự biết đời trước
- Biết tâm người khác.
- Thân có thể bay.
- Các trần cấu đều đoạn sạch, không còn nghi ngờ về Phật, Pháp, Tăng.
Đó gọi là nhờ thần lực của đại Bồ tát nhập Nhạo pháp tam muội mà cảm vời ra.
Có đại Bồ tát nhập vào Kim cang tam muội, khiến cho ba ngàn đại thiên thế giới biến thành bảy báu, cứu giúp, ban bố cho người nghèo khổ. Ai xin thức uống cho thức uống, ai xin thức ăn cho thức ăn và rồi nói cho họ về quả báo của sự xan tham. Hễ người nào xan tham thì chết đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nghèo khổ, áo không đủ che thân, bị người ghét bỏ, hoặc làm nô tỳ, làm người ở mướn, hoặc đọa làm súc sanh gánh vác mang nặng.
Bồ tát nói cho họ về hạnh không dâm dục thì được sanh lên trời. Dâm là ô uế, chết đọa vào đường ác như núi đao, rừng kiếm, xe lửa, lò than, địa ngục thiết chủy, địa ngục hắc thằng, địa ngục phất thỉ, núi băng, cối giã,... chịu vô lượng khổ. Hoặc vào trong ngục hoa sen đỏ, gió thổi lửa đốt xương cốt phân ly.
Trong đó Bồ tát nói vô thường, thân không tồn tại lâu dài như đánh đá thấy lửa, như sấm sét qua trước mắt, huyễn hóa chẳng phải một thì vì sao chịu khổ, tinh thần suy sụp mà không mong cầu thoát khỏi.
Bồ tát nói pháp chân thật cho họ như vậy để người tội đều được hết khổ. Đó gọi là nhờ đại Bồ tát dùng định ý đại bi tam muội của Phật mà cảm động đến.
Bấy giờ Thế tôn nói kệ :
- Chúng sanh muốn giải thoát
Cửa năm đường ba cõi
Tinh tấn không giải đãi
An trụ đạo vô vi
Như người xây nhà cửa
Không cây gỗ mà thành
Chủ yếu trước ban đất
Rồi dựng trụ, xây tường
Phật đạo như hư không
Không do một hạnh thành
Giữ ý thật kiên cố
Ruộng tâm không quyến luyến
Hằng sa Phật quá khứ
Vị lai cũng không tận
Có vị lần lượt thành
Có vị được siêu việt
Ta dạy ngộ chưa ngộ
Khiến đến tám chánh đạo
Nghe rồi không thọ nữa
Pháp này do ai tạo
Xưa ta xả tưởng thân
Kiếp số không cho khó
Không thầy mà tự ngộ
Là đạo sư tất cả
Đạo sư hiện ra đời
Không duyên,không thần thông
Cốt độ người chưa độ
Thị hiện thành vô vi.
Khi Thế tôn nói kệ này xong, có năm mươi sáu ức hằng hà sa chúng sanh đoạn diệt vọng tưởng, không còn ưa thích nghiệp của thế tục và đồng thời phát nguyện cầu đạo vô thượng. BỒ TÁT XỬ THAI
Hết quyển 4
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.255.247 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.