Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm thứ 15:
Chúng sanh nhập lục đạo
Lúc bấy giờ đức Thế tôn nhập Vô lượng biến quán định ý, quán sát đại chúng còn có điều nghi ngờ. Muốn giải nghi, Ngài hiện chân thật bằng cách nhấn ngón chân phải xuống đất. Ngay lúc đó hiện ra chúng sanh trong lục đạo đứng xếp hàng ngay thẳng.
Thế tôn nói với đại chúng:
- Các ông có thấy chúng sanh trong lục đạo này không?
Đại chúng đều thưa:
- Bạch Thế tôn, thấy ạ.
Khi ấy, trong đại chúng có Bồ tát tên Tự Tại đã đắc Vô lượng pháp môn hư không tạng, có trí huệ biện tài ứng đối vô ngại. Đây là vị đứng đầu trong mười sáu Thánh tử của Hiền kiếp này. Bồ tát đi khắp mười phương cõi để thi hành Phật sự.
Bồ tát dứng dậy, trịch bày vai phải, chân phải sát đất, chấp tay bạch trước Phật:
- Bạch đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế tôn! Con rất muốn nghe nói về quả báo hành nghiệp của chúng sanh trong sáu đường. Những điều con hỏi hơi cạn cợt, cúi xin Ngài chỉ dạy.
Khi ấy, giữa đại chúng Thế tôn mỉm cười với khuôn mặt hiền hòa. Theo thường pháp của chư Phật Như Lai, Phật không phải cười suông, mà cười thì đều có nhân duyên:
Như nếu có chúng sanh nào sanh vào trời Phạm thiên thì khi ấy Phật mỉm cười.
Có ai sắp làm Chuyển luân Thánh vương thì Phật mỉm cười.
Có ai làm ngục tốt hoặc làm vua Diêm La thì khi đó Phật cũng cười.
Có ai thọ thân ngạ quỷ, Phật cũng cười.
Có ai làm vua loài súc sanh, Phật cũng cười.
Bấy giờ, nơi giữa miệng Thế tôn phóng ra ánh sáng năm màu, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, rồi thâu ánh sáng trở lại nhập vào đỉnh đầu và Ngài dạy Bồ tát Tự Tại:
- Những điều ông hỏi chính là điều mà do oai thần của Như Lai ứng tiếp, cũng là do chư Phật mười phương hộ trì nên có thể đưa ra câu hỏi như vậy. Nay Ta sẽ phân biệt rõ ràng cho ông về nhân duyên hành nghiệp của chúng sanh trong sáu đường. Ông hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ.
Bồ tát Tự Tại thưa:
- Bạch đức Thế tôn! Con xin được muốn nghe.
Phật dạy Bồ tát Tự Tại:
- Ông hãy đưa mắt nhìn về phương Đông, có cõi trời Phạm, trời Đại Phạm, trời Thanh Tịnh Phạm và cho đến trời Sắc Cứu Cánh. Các chúng trời này đầu tiên tu hành phạm hạnh đều có chủng tử Phật, tu các công đức. Vì tham phước báo, đắm nhiễm, chìm theo năm dục nên đạo quả theo nhân duyên mà đều thọ thân trời, tính phước của Phạm thiên rất nhiều. Nay Ta sẽ nói rõ ràng cho ông: như Chuyển luân vương có bảy báu tùy tùng đầy cả ba ngàn đại thiên thế giới.
Bảy báu đó là:
1- Voi báu: có ba mươi hai ngà, màu lông trắng tinh, chân đạp trên hoa sen và có thể bay được.
2- Ngựa báu: thân màu xanh biếc, lông cổ bờm ngựa màu đỏ, có thể bay được. Đi đến đâu đều không bị chướng ngại và biết tâm niệm của người.
3- Châu báu: ánh sáng thấu triệt khắp nơi, chiếu khắp cả hư không, cho đến chiếu khắp bốn thiên hạ.
4- Luân báu (xe báu): xe có ngàn căm, điêu khắc chạm vẽ không hình nào giống hình nào. Báu thứ tư này không có thức.
5- Ngọc nữ báu: là người đẹp nhất trong phái nữ, tánh hạnh dịu dàng, đoan trang thùy mị, hiếm có ở thế gian, không cao không thấp, không trắng không đen. Thân có mùi thơm Ưu-đàm-bát-la liên hoa, miệng có mùi thơm Ngưu đầu chiên đàn, cung kính, khiêm nhường, từ tốn, biết tâm ý của Thánh vương.
6- Thần báu giữ kho: khi vua cần báu thì tay cầm thần khí cụ giơ lên hư không mà viết thì thành báu, lấy hay thôi tùy vua.
7- Chủ binh báu: khi Thánh vương xuất hành cần bốn bộ binh. Vua bảo chủ binh báu rằng: “Nay ta muốn đi xem xét đất nước. Hãy mau tập hợp binh chúng trước cung điện của ta. Chớ để trễ giờ. Nhận lệnh vua, chủ binh báu quay nhìn về phía Đông thì binh voi đã tập hợp thẳng hàng ở phía Đông. Liếc mắt nhìn về phía Nam thì binh mã đã tập hợp thẳng hàng ở phía Nam. Quay nhìn lại phía Tây thì binh xa đã tập hợp thẳng hàng ở phía Tây. Quay nhìn phía Bắc thì bộ binh đã tập hợp thẳng hàng ở phía Bắc.
Chuyển luân Thánh vương tùy ý cỡi voi, hoặc ngựa đến Phất Can Tiệp Châu, Uất Đàn Viết, Đề Câu Da, Vi Đề, dạo đi khắp bốn phương nhưng chân không đạp đất. Qua trăm năm, ngàn năm, ngàn trăm năm hưởng phước tự nhiên.
Thân của Chuyển luân Thánh vương khắp cả bốn thiên hạ nhưng không bằng thân Đế Thích. Vì sao? - Vì nơi Đế Thích thống lãnh có cung điện bảy báu, có quyến thuộc, ngọc nữ ngồi trong điện đường bảy báu, hưởng thú voi cõi trời. Nhìn Đông quên Tây, nhìn Nam quên Bắc, khoái lạc không thể tả.
Dù thân Đế Thích như vậy nhưng cũng không bằng Thiên Vương thứ sáu. Thân có ba mươi tướng, thần đức tự tại, tùy theo tâm niệm biến hóa đủ thân hình, binh chúng tùy tùng không thể đếm xuể, công đức phước nghiệp bố thí vô ngại.
Như hạng Lục thiên vương khắp bốn thiên hạ nhưng không bằng một Đại Phạm Thiên Vương, có công đức rộng lớn, trông coi ba ngàn đại thiên quốc độ. Chúng Phạm thiên nhiều vô lượng, không thể tính đếm, sống rất lâu, hơn một Hiền kiếp thọ mạng mới hết.
Bấy giờ, Thế tôn dạy Bồ tát Tự Tại:
- Ông đưa mắt nhìn về phương Nam thì sẽ thấy vô số Chuyển luân Thánh vương đứng sắp hàng ở phía Nam. Công đức của Chuyển luân Thánh vương rất nhiều, như đã nói ở trên. Họ giữ năm giới, mười điều thiện, cung kính phụng thờ bậc Hiền thánh, giữ giới của tiên nhơn, bát trai thanh tịnh, căn tướng hợp nhau, thương xót mọi người, không có tâm làm tổn hại, hưởng quả báo phước ấy khó lường, cho nên được kế thừa ngôi vị Chuyển luân vương.
Phật dạy Bồ tát Tự Tại:
- Ông đưa mắt nhìn về phương Tây thì thấy Sư tử vương đứng thẳng ở phía Tây, theo sáu việc, đứng bất động, lông trắng tinh, ngực vuông vức. Đó là do phước báo đức hạnh của kiếp trước. Mặc dù thọ thân súc sanh nhưng phân biệt rõ về thiện ác. Chân đạp hoa sen không dính bụi đất. Không bao giờ sát sanh, ăn thịt uống máu. Một khi sư tử rống lên thì loài bay trên không đều rơi xuống đất, loài thú chạy phải nép mình. Trong năm giới, sư tử cũng không phạm quá ba, cho nên đạt được phước báo như vậy. Mặc dù đọa làm súc sanh nhưng khi chuyển xả thân đều được thành đạo,
Phật dạy Bồ tát Tự Tại:
- Ông quay nhìn về phía Bắc thấy ngạ quỷ ở cung điện bảy báu, quyến thuộc tùy tùng đều ăn tự nhiên pháp vị cam lồ. Tuy gọi là ngạ quỷ nhưng đều theo ủng hộ loài người để tu thiện. Nó cũng có thần túc đi đến các cõi Phật, lễ kính chư Phật, vâng giữ chánh pháp, đứng biết đứng, đi biết đi, cảm động tùy thời, không tuân giữ thường pháp, dạo qua cõi Ta-bà này để cùng hội họp với chúng thiện. Không bao lâu chuyển xả thân thì thành đạo.
Phật dạy Bồ tát Tự Tại:
- Ông quay nhìn xuống dưới thấy vua Diêm-la lấy năm việc để cai trị, luôn luôn chân chánh. Năm việc đó là gì? - Trước mặt tội nhân chất vấn hỏi:
“Trong nhân gian có Phật, có Pháp, có Tăng Tỳ kheo, có cha, có mẹ không?”.
Tội nhân trả lời:
“Thưa đại vương thật có”.
Khi ấy Thánh vương nói kệ hỏi:
- Gông cùm, xiềng xích sắt
Vạc dầu, trụ đồng cháy
Nước dương đồng, kềm, xoa
Đền trả không bao lâu
Tự tạo gốc nhân duyên
Nghiệp báo chẳng phải ai
Cả cha mẹ, anh em
Chẳng ai thế chịu khổ
Ta muốn học xuất gia
Giữ giới không vi phạm
Hành chánh pháp bình đẳng
Ngày vẫn ba lần nấu.
Hỏi năm việc xong, vua Diêm-la liền ra lệnh và giao phó cho ngục tốt tùy theo tội nặng nhẹ mà sử trị.
Trong số tội nhân ấy, ai nghe tiếng Phật pháp thì tội diệt phước sanh, trở lại làm người, tu hành thanh tịnh. Đó gọi là báo ứng của chúng sanh trong lục đạo.
Nghe Phật dạy xong, Bồ tát Tự Tại lạy sát chân Phật rồi trở về vị trí cũ.
Khi ấy, trong hội chúng có tám ngàn ức chúng sanh ở chỗ không vui, đọa trong sáu đường đều phát Vô thượng tịch diệt không vô và xa lìa sanh tử.. Phẩm thứ 16: Chuyển pháp luân
Vì muốn thị hiện vô lượng di thể báo ứng của chư Phật để tất cả Bồ tát có thần thông, bậc học, vô học và bốn chúng - Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di - Thế tôn hiện sanh thọ báo chuyển đại pháp luân. Sự báo ứng này, Sa môn, Bà la môn, Ma, Phạm thiên chẳng thể nào chuyển được. Ngài liền dùng thần lực, từ lỗ chân lông trên thân phóng ánh sáng chiếu xa đến các cõi Phật khắp mười phương, mỗi vầng ánh sáng đều có ba ngàn đại thiên cõi Phật, mỗi cõi Phật đều có hóa Phật, mỗi hóa Phật đều có ba ngàn đại thiên loài chúng sanh, mỗi chư Phật và chúng hội ấy nói vô tận pháp tạng, có vô lường kỳ diệu, không pháp nào sánh bằng. Pháp chơn tế thâm sâu được nói ra đầu giữa cuối đều thiện, diệt trừ dâm - nộ - si, lấy nước bát giải rửa trừ tâm cấu.
Khi ấy, trong ao chư Phật hóa làm cao đài bảy báu, cách đất bảy nhận. Trên cao đài trải cao tòa báu, bốn góc đều treo kinh báu, ở giữa dùng đủ thứ báu treo xen lẫn nhau, treo lọng lụa, tràng phan năm màu đỏ huyền, khoái lạc không thể tả. Ngay trên tòa, chúng sanh nghe tạng pháp vô tận, ngồi thẳng tư duy, tâm không tán loạn. Tất cả đều muốn nghe pháp bí mật tinh túy của Như Lai.
Theo thường pháp của chư Phật, Thế tôn lại phóng ánh sáng nơi nhục kế chiếu lên đến vô số ức cõi Phật. Cõi Phật trên Không giới có Phật hiệu là Bảo Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế tôn, thấy ánh sáng từ nhục kế của Thích Ca Văn Phật, liền nói với các hội Bồ tát cõi mình rằng:
- Phương dưới có Phật hiệu Thích Ca Văn Ni Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế tôn, hiện đang ở trong thai mẹ rộng nói pháp tạng thâm sâu vô thượng, hướng dẫn cho các Bồ tát có thần thông khắp mười phương. Các ông hãy đến đó lễ lạy thăm hỏi và đem lời thăm hỏi của Ta đến Thích Ca Văn Ni: “Đức Phật giáo hóa có dễ dàng không? Đi lại có khỏe mạnh không? Chúng sanh ở đó có dễ độ không?”. Đến đó các ông phải giữ gìn, thâu nhiếp oai nghi. Chúng sanh cõi đó nhiều phiền não, đầy lòng kiêu mạn.
Khi đó, các Bồ tát cõi này cả mười bảy vạn vạn ức vị, mặc pháp phục đàng hoàng, lễ sát chân Phật rồi biến mất, đến cõi Ta-bà. Đức Thích Ca Văn Ni Phật lại dùng thần lực định tâm làm cho các Bồ tát này không thấy Thích Ca Văn Ni và che xung quanh bốn mặt của đạo tràng thuyết pháp. Các Bồ tát tìm kiếm Thích Ca Văn Ni từ cõi Diêm Phù Đề đến khắp ba ngàn đại thiên cõi nhưng không thấy. Các đại Bồ tát ấy nói với nhau rằng:
- Ở trên cõi thượng hư không của chúng ta cách đây rất xa, ánh sáng mà ta thấy vừa rồi chẳng lẽ do Thích Ca Văn Ni Phật nhập Niết-bàn nên phóng ánh sáng này? Chẳng lẽ chúng ta đã mất thiên nhãn thông rồi ư? Vì sao? - Vì đã đi tìm khắp các thế giới mười phương mà không biết Ngài ở đâu cả.
Các vị Bồ tát suy nghĩ: “Chúng ta đành phải trở về thôi”.
Nghĩ vậy xong, tất cả đều không thể nào đến cõi Phật của mình và rất lo sợ đến nỗi rợn tóc gáy. Vì cho rằng đã mất thần túc nên lòng chán nản, mệt mỏi, không thể tham cứu pháp môn tạng vô tận. Vì sao? - Vì đó đều là oai thần của đức Thích Ca Văn Ni khiến ra như vậy.
Biết rõ tâm của các Bồ tát ấy, đức Phật dùng thần túc tiếp các Bồ tát ở trong thai mẹ. Bấy giờ các Bồ tát cung kính làm lễ, thưa hết những lời dạy thăm hỏi của Phật mình và ngồi qua-’ một bên.
Khi ấy, đức Thích Ca Văn Ni hiệu Đát Tát A Kiệt lại dùng thần túc phóng ánh sáng lớn chiếu thế giới Diệm ở phương Đông. Nước ấy tên Kỳ Đặc, Phật hiệu Thâm Nghĩa Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế tôn hiện đang nói pháp đầu giữa cuối đều thiện.
Thấy ánh sáng này, Phật ấy nói với các Bồ tát:
- Các công hãy chuẩn bị sửa soạn đến chỗ Thích Ca Văn Ni Phật ở cõi Ta-bà để nghe tạng pháp vô tận được nhiều lợi ích. Vì sao? - Vì Bồ tát cõi đó đều là Nhất sanh bổ xứ, chắc chắn có pháp kỳ diệu khó nghĩ bàn.
Các đại Bồ tát cung kính vâng lời Phật, lễ sát chân Phật rồi bỗng nhiên biến mất, đến chỗ Thích Ca Văn Ni Phật ở cõi Ta-bà, đầu mặt lạy sát chân Ngài rồi lui qua một bên. Phật dùng thần đức cho mời ma Ba-tuần, được cảm ứng nên khiến cho ma đến. Thế tôn biết chúng sanh tập hợp, chư thiên trỗi nhạc ca tụng vô lượng phước nghiệp của Như Lai, Phật dạy Văn Thù Sư Lợi:
- Hãy ngưng nhạc chư thiên lại. Ta sắp nói pháp đây.
Phật dạy chúng hội từ xa đến rằng:
- Khi Phật xuất hiện nơi đời ức vạn ngàn kiếp, khi ấy mới có hoa Ưu-đàm-bát. Đại Bồ tát nào lậu tận, có thần thông, biết pháp căn bản, trừ vọng tưởng, bỏ ý niệm, thì gọi là hữu tận. Không thấy lậu tận, không tưởng pháp thì gọi là vô tận.
Đại Bồ tát nghĩ:
Thân bị trói buộc, không đến bờ bên kia thì gọi là hữu tận; có thể bỏ tưởng về thân, không còn bỉ thử thì gọi là vô tận.
Đại Bồ tát đã cởi bỏ trói buộc, không trụ vào chơn tế thì gọi là hữu tận; không còn bị tưởng trói buộc, đạt được về tưởng là không - vô ngã thì gọi là vô tận.
Đại Bồ tát luôn luôn quán các thế giới rõ ràng không thật có thì gọi là hữu tận; phân biệt hư không không có thật, không thấy hữu độ vô độ, thế giới rất nhiều, thì gọi là vô tận.
Đại Bồ tát tu hành mười sáu pháp thù thắng, cứu độ a tăng kỳ chúng sanh thì gọi là hữu tận. Mười sáu pháp thù thắng tự tánh nó là không tịch, không thấy độ, không thấy không độ thì gọi là vô tận.
Đại Bồ tát tu hành khắp nơi, chịu khổ cho chúng sanh mà không lấy làm mệt khổ, đó gọi là hữu tận. Không thấy chúng sanh, quốc độ thanh tịnh, không một không hai, đó gọi là vô tận.
Đại Bồ tát vâng giữ giới, tu pháp nhập ba môn giải thoát, đó gọi là hữu tận. Không thấy chúng sanh giới khuyết thiếu hay giới trọn vẹn, đó gọi là vô tận.
Đại Bồ tát hiểu rõ, phân biệt nghĩa từng câu, nghĩa từng chữ, ứng phó không ngại, đó gọi là hữu tận. Không thấy nghĩa của câu, phân biệt nghĩa chữ, đó gọi là vô tận.
Đại Bồ tát phân biệt cõi trời, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, ở trong đó Bồ tát cứu vớt hết thảy, khiến được giải thoát thì gọi là hữu tận. Mặc dù ở trong năm trược nhưng không nhiễm, không bị nhiễm cũng không chấp trước, đó gọi là vô tận.
Đại Bồ tát bỏ tham, cống cao, không có tăng thượng mạn, cũng không tự ti, tu hành thanh tịnh thì gọi là hữu tận. Pháp tánh là không tịch, không có tâm tự đại, không thấy ngã mạn với pháp được mất, không thấy siêng năng thọ chứng đạo quả, đó gọi là vô tận.
Đại Bồ tát trang nghiêm cây Phật, diễn xướng vô số âm thanh thanh tịnh vang khắp mười phương, phá hoại tham lam chấp trước để hành bố thí thì gọi là hữu tận. Không thấy thế giới thành bại, sanh diệt, có tham trước thì gọi là vô tận.
Đại Bồ tát dùng tâm Kim cang phá kiết ba cõi, từ sơ phát tâm cho đến ngôi Bất thối chuyển không thấy đoạn diệt làm chướng ngại chúng sanh, đó gọi là hữu tận. Sự chấp trước về ngã, không còn có ngã, không còn ngã sở. Thế nào là ngã? - Là tự ngã không thật có; ngã cũng không có ngã, đó gọi là vô tận.
Đại Bồ tát diệt trừ tên họ, không chấp vào pháp thế tục, nói đó là ngã sở chẳng phải ngã sở, là cha, là mẹ, là anh, là em, dòng họ của ta rất tối thắng, dòng họ của người khác không bằng, ta là tộc tánh tử, còn kia chẳng phải là tộc tánh tử..., người chấp danh hiệu ấy gọi là hữu tận. Từ khi mới phát tâm cho đến lúc thành Phật không thấy có chứng thành, cũng không thấy Phật. Giả sử tên tự danh hiệu cũng đều là không tịch, không thấy có không tịch. Thế nào là không? Ai tạo ra không này? Không tự nó không có không, thì làm sao nói không? Đó gọi là vô tận.
Pháp đại Bồ tát nói từng chữ, nói từng câu, nói từng nghĩa, từ vô minh đến hành, cho đến sanh tử. Vô minh, ái, thủ là pháp làm nhơn duyên bất tận. Mê hoặc, điên đảo bị vô minh trói buộc, từ chỗ tối vào chỗ tối mà có thể cứu vớt ra được, đó gọi là hữu tận. Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh duyên Lão tử, ưu bi, khổ não. Sự trói buộc dính mắc đều diệt trừ.
Không bị dính mắc thì Vô minh diệt, Vô minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh sắc diệt, Danh sắc diệt thì Lục nhập diệt, Lục nhập diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Sanh diệt, Sanh diệt thì Lão tử, ưu bi, khổ não diệt.
Lão tử, ưu bi, khổ não duyên sanh, Sanh duyên Hữu, Hữu duyên Thủ, Thủ duyên Ái, Ái duyên Thọ, Thọ duyên Xúc, Xúc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Thức, Thức duyên Hành, Hành duyên Vô minh.
Lão tử, ưu bi, khổ não diệt thì Sanh diệt, Sanh diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì thọ diệt, Thọ diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Lục nhập diệt, Lục nhập diệt thì Sanh sắc diệt, Danh sắc diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Vô minh diệt. Hiểu rõ pháp tánh diệt hay không diệt, cũng không thấy diệt, cũng không thấy không diệt. Sao gọi là diệt diệt? - Không diệt, đó gọi là vô tận.
Đại Bồ tát phân biệt hiểu rõ về pháp khởi pháp tận; khởi không biết từ đâu đến, diệt không biết đi về đâu. Khởi cũng không khởi, tận cũng không tận, đó gọi là vô tận.
Hiểu rõ khởi - tận đều không có xứ sở, giống như hư không, không vướng mắc. Sao gọi là vô trước? - Vì không thấy vô trước, vô trước hoàn toàn không có, đây là vô trước. Đó gọi là vô tận.
Đại Bồ tát muốn đắc tổng trì tam muội, bốn huệ vô ngại, đêm ngày kinh hành, toàn thân nhẹ nặng, đầu tiên tập pháp quán cách mặt đất, ban đầu như quả A-ma-lặc, lần lần như quả Tỳ-hê-lặc, chuyển lần lên như quả Ha-lê-lặc, cách đất bằng bóng của ngón chân, từ từ cách đất bằng bóng của bảy người. Đây là thiền của thế tục mà kẻ phàm phu, tiên nhơn học. Đối với sự học ấy mà Bồ tát trụ thì gọi là hữu tận. Tâm thông suốt, không chướng ngại, không trụ vào năm thần thông, chẳng phải không trụ năm thần thông, hiểu rõ pháp tánh của các pháp là tự nhiên, vô minh và chơn tế đều tự nhiên cũng không tự nhiên.
Sao gọi là tự nhiên? - Là không thấy tự nhiên, không có tự nhiên. Đó gọi là vô tận.
Đại Bồ tát lấy không mà diệt tưởng, không thọ sắc, không bị mọi tầng lớp chúng sanh sai sử, ở nơi thanh vắng ngồi tư duy, không thấy tạo sắc, không thấy không tạo sắc, một lòng chỉ hướng đến cửa Niết-bàn, đó gọi là hữu tận.
Niệm thân là vô thường, nên bố thí, trì giới, định tâm, không lo sợ bị đọa lạc, chìm đắm trong sanh tử. Mặc dù ở trong sanh tử nhưng giống như chim bay trên hư không, không thấy dấu vết, biết tất cả là vô sở hữu, đó gọi là lửa tắt, chỉ còn đống tro, không còn hơi nóng. Tìm người chủ và chất liệu của lửa không phải người, không phải ta, không phải thọ, không phải mạng. Quán sát phân biệt ai đã tạo tác. Thức cũng không phải thức, tìm nơi mười tám giới, nhập cũng không có nguồn gốc. Một trăm lẻ tám phiền não đều vô sở hữu, qua lại đều thông suốt, không thấy, không thể thấy, không nắm giữ, không thấy có người nắm giữ. Thế nào là nắm giữ? - Là nắm giữ mà không có gì để nắm giữ. Đó gọi là vô tận.
Bấy giờ, trong đại chúng có Bồ tát tên Kim Sắc, đắc lục thông, thấu triệt, thâm hiểu Phật huệ, công đức vô lượng, quyền biến muôn hình vạn trạng, muốn hỏi Như Lai về nghĩa vô tận nên liền đứng dậy trịch bày vai phải, gối phải sát đất, chấp tay thưa trước Phật:
- Bạch Thế tôn! Sao gọi là vô tận?
Phật dạy Kim Sắc:
- Pháp vô tận của đại Bồ tát không nói, không lời thì làm sao thấy, nghe, nói về pháp vô tận?
Bấy giờ, Thế tôn dùng kệ nói với Bồ tát Kim Sắc:
- Hư không không hình tướng
Tìm sanh không nguồn gốc
Thai phần không thể lường
Như sông chảy vào biển
Bảo tàng pháp vô tận
Cha mẹ Phật ba đời
Muốn tìm tận nguồn gốc
Chính là tâm mê hoặc
Hiểu rõ pháp tướng không
Dứt sạch hết bụi trần
Thành Phật thân Kim cang
Đầy đủ tướng trang nghiêm
Phân biệt thân Phật không
Không chấp trước trong ngoài
Dầu giảng vô tận báu
Ức vạn không nói một.
Khi Như Lai nói vô tận bảo, các Bồ tát bậc học và vô học ngay nơi chỗ ngồi phát tâm hướng đến tạng pháp vô tận. Chư thiên, rồng, nhơn và phi nhơn đều phát tâm Vô thượng, lập bất thối chuyển.
Phẩm thứ 17: Năm thần thông
Bấy giờ trong đại hội có Bồ tát tên Diệu Thắng, có đầy đủ sáu độ, đầy đủ phương tiện thiện xảo, giáo hóa chỗ nào cũng đều hoàn tất, vào nơi đâu ai nấy cũng vui vẻ, chánh quán định tâm làm ruộng phước cho thế gian. Nếu thiện nam thiện nữ nào gặp đại Bồ tát này thì các ác đều được tiêu trừ sạch mà còn có lòng vui thích.
Vị ấy tư duy về pháp môn bình đẳng bất nhị, luôn luôn coi pháp như huyễn, như hóa, như mộng, cứu độ quần sanh tu hành đạo Phật, không thấy có người và ta.
Khi ấy, Bồ tát Diệu Thắng đứng dậy chấp tay thưa trước Phật:
- Lành thay! Bạch Thế tôn! Bồ tát có năm thần thông làm sao biết được để phân biệt hành động ấy? Tu tập pháp gì để đắc đạo thần thông?
Phật dạy Diệu Thắng:
- Ông hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ, Ta sẽ phân biệt rõ ràng cho ông về trí huệ thần thông.
Bồ tát Diệu Thắng thưa:
- Cúi xin đức Thế tôn chỉ dạy, con rất muốn nghe.
Phật dạy Diệu Thắng:
- Trong cõi Dục này, thiện nam thiện nữ không cần có nhãn thông mà vẫn có thể thấy thấu triệt các chúng sanh trong một Diêm Phù Đề, đến cả thô tế, đẹp xấu, màu xanh, vàng, đỏ, trắng, thành quách, nhà cửa, núi cao, cây cối. Hoặc có người nam người nữ với con mắt có thể thấy hai thiên hạ, ba thiên hạ, bốn thiên hạ, không cần có nhãn thông cũng thấy.
Hoặc có người nam người nữ không cần có nhĩ thông mà tai thông suốt, nghe tiếng nam tiếng nữ, tiếng ngựa, tiếng xe trong thiên hạ, nghe âm thanh vọng lại đều có thể phân biệt biết được. Không cần nhĩ thông mà hiểu rõ một cách rõ ràng.
Hoặc có người nam người nữ không tập không học mà tự mình biết được kiếp trước: “Ta từ chỗ đó đến sanh nơi thế gian này, cha ta họ đó, mẹ ta họ đó”. Anh chị em, dòng họ, chủng tộc nào cũng đều biết rõ.
Hoặc có người nam người nữ không tu tập thần thông mà biết tâm người làm thiện hay hành ác: người này đi đến đường ác, người kia đi đến đường thiện; người này sanh cõi trời, người kia sanh vào cõi người; người này sanh vào ngạ quỷ, người kia sanh vào súc sanh; đây là chúng sanh hữu duyên, kia là chúng sanh vô duyên.
Hoặc có người nam người nữ thân có thể bay được, vòng quanh qua lại. Không tu thân thần thông mà có thể bay không bị chướng ngại; đi trên hư không như đi trên đất, đi trên đất như đi trên hư không.
Phật dạy Diệu Thắng:
- Năm loại người này chẳng phải thần thông chân thật, là chúng sanh đã thối lui pháp.
Hoặc có người nam người nữ tu Nhãn thánh thông, trừ sắc đoạn cấu, niệm bất động rốt ráo về đạo môn. Đạo môn là gì? - Là tam không định, có thể thấy được một thiên hạ, hai thiên hạ, ba thiên hạ, bốn thiên hạ.
Hoặc có người nam người nữ tu Nhĩ thánh thông tịch nhiên nhập định, nghe một thiên hạ, hai thiên hạ, ba thiên hạ, bốn thiên hạ, tiếng nam tiếng nữ, tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng chuông, tiếng trống, phân biệt rõ ràng, biết tiếng hay tiếng dở, biết tiếng sanh lên cõi trời, biết tiếng sanh làm người, biết tiếng sanh vào ngạ quỷ, biết tiếng sanh loài súc sanh, biết tiếng sanh vào địa ngục, biết tiếng chúng sanh có duyên, biết tiếng chúng sanh không có duyên... Tất cả các thứ tiếng đều phân biệt, hiểu rõ một cách tường tận.
Hoặc có người nam người nữ tu đạo thanh tịnh, trừ khử nhơ nhớp của thức, trong ngoài không tỳ vết, đắc ý thánh thông, tự biết được đời trước một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, cho đến vô số a tăng kỳ kiếp từ đâu đến. Cha mẹ, anh em, quốc độ thanh tịnh đều nhận biết rõ ràng
Hoặc có người nam người nữ tu sáu thần thông, biết rõ về pháp tánh, nhớ mãi không quên, ý định giác ngộ đạo, phân biệt tam minh, tâm định không tán loạn, liền có thể biết được tâm niệm người khác một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, cho đến vô số a tăng kỳ kiếp đã từ đâu đến. Tất cả mọi sự đều biết rõ. Biết rõ cha mẹ, anh em, quốc độ thanh tịnh, tên họ, chủng tộc.
Hoặc có người nam người nữ tư duy quán pháp, lấy tâm giữ thân, lấy thân giữ tâm, ăn biết vừa đủ, ngủ nghỉ tỉnh thức, ý tưởng như hư không, không để ý đến dâm - nộ - si, cho thân này là vô ngã, tâm và pháp thanh tịnh. Ý thức theo định rồi mới có thể động thân tâm, tập định dần dần với một tiếng trống, hai tiếng trống, cho đến bảy tiếng trống; dạo đi nột thiên hạ, hai thiên hạ, cho đến ba ngàn đại thiên thế giới; vào đất như đi trên không, không bị chướng ngại bởi núi, sông, tường đá.
Hoặc có người nam người nữ sắp thành Phật thì dùng sức trí huệ để trừ bỏ dơ cấu của chúng sanh, ngồi thẳng tư duy dưới gốc thọ vương, tự phát thệ nguyện: “Nếu ta không thành Phật thì không đứng dậy”, như xưa kia Ta ngồi dưới cây Diêm phù, ba mươi tám ngày ngồi quán cây tư duy. Khi phát lời thệ này làm cảm động cả trời đất, khiến chấn động sáu cách, ác ma Ba-tuần đem binh chúng đến mưa cát đá, sấm sét gầm thét... nhưng không thể nào làm lay động một sợi lông của Ta. Vì sao? - Vì lòng từ bi thấm nhuần thương xót khắp chúng sanh cho nên được thành Phật với sáu thần thông siêu việt.
Bấy giờ Thế tôn nói kệ:
- Thần thông phàm phu đắc
Giống như loài chim bay
Có lúc gần lúc xa
Nhưng không lìa sanh tử
Thần thông Phật vô ngại
Chân thật không cấu bẩn
Niệm liền đến mười phương
Qua lại không mệt mỏi
Vì thương xót chúng sanh
Đắc thần thông không ngại
Năm thông của tiên nhơn
Thối chuyển không thành tựu
Thần thông Ta kiên cố
Quyết vào cửa Niết-bàn.
Khi đức Thế tôn nói pháp này cho Bồ tát Diệu Thắng có bảy mươi ức chúng sanh xả bỏ năm thần thông của thế tục mà đạt được sáu thông huệ. Phẩm thứ 18: Thức trụ xứ
(Chỗ thức trụ)
Bấy giờ trong đại chúng có Bồ tát tên Phổ Quang - đầy lòng đại từ đại bi, có thần túc tự tại, ưa thích công đức sâu mầu, đã thành tựu từ vô số a tăng kỳ kiếp, cứu vớt chúng sanh, nhổ dứt nguồn gốc khổ, đắc sáu thần thông, ở chỗ nào làm Phật sự đều không bị gián đoạn - liền đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải sát đất, chấp tay thưa trước Phật:
- Bạch Thế tôn! Con đã nghe Như Lai phân biệt về sáu thần thông không chướng ngại, biến khắp cả mười phương thế giới chư Phật, làm cho chánh pháp của chư Phật bình đẳng không có sai biệt. Pháp thức này trụ hay không chỗ trụ? Thức của sáu thần thông, thức của pháp là một pháp hay nhiều pháp? Nếu thức là một pháp thì thân sắc Như Lai với thần túc đạo tràng được dạo qua các cõi Phật. Thức đưa đến thân hay thân đưa đến thức? Nếu thân đưa đến thức thì không có sáu thần thông. Nếu thức đưa đến thân thì đây gọi là một pháp, không thân không thức. Cúi xin đức Thế tôn nói cho con về nghĩa này.
Phật dạy Bồ tát Phổ Quang:
- Theo nghĩa của ông hỏi là hỏi theo đệ nhất nghĩa hay hỏi theo thế tục nghĩa? Nếu hỏi theo nghĩa thế tục thì thức pháp rất nhiều, không có tướng nhất định. Còn như hỏi về đệ nhất nghĩa thì không thân không thức. Vì sao? - Vì nếu phân biệt về pháp thức thì tự tánh nó không tịch, không đến không đi, cũng không nhiễm trước. Ông hỏi về thân sắc vàng thì đây là pháp hữu vi do năm ấm thành tựu, chẳng phải pháp tự nhiên, chẳng phải đệ nhất nghĩa. Pháp sắc thân Phật đối với đệ nhất nghĩa thì không có mất. Nay Ta sẽ nói cho ông về pháp tướng của thức:
Bồ tát hành sáu thần thông, thân thức đều có một lượt, chẳng phải thức có trước, thân có sau, chẳng phải thân có trước thức có sau. Vì sao? - Vì pháp tướng tự nhiên, thức không lìa thân mà thân cũng không lìa thức.
Giống như hai con trâu cùng chung một cái ách: Nếu con bò đen ở trước, con bò trắng ở sau thì cày trồng trọt không thành. Nếu như con bò trắng đi trước, con bò đen đi sau thì cày trồng trọt cũng không thành. Chẳng phải bò đen đi trước, bò trắng đi sau; chẳng phải bò trắng đi trước, bò đen đi sau thì cày trồng trọt mới thành.
Thần túc đạo quả cũng như vậy, thân và thức cùng sanh một lượt, không có trước sau hay chặng giữa. Sắc thân của Như Lai có trước có sau có chặng giữa. Đây là pháp thế tục chứ chẳng phải là đệ nhất nghĩa. Đối với pháp không tịch thì không có nhiều.
Bấy giờ Thế tôn nói kệ:
- Thể thân sắc Như Lai
Được cung kính ba đời
Làm trọng trách cho người
Đấng tôn quý vô thượng
Các chúng trời Đao Lợi
Đêm ngày rải hoa hương
Phạm thiên và quyến thuộc
Trổi nhạc để làm vui
Ở trong trăm do-tuần
Khắp cả cõi hư không
Lớn tiếng khen: Lành thay!
Thức Phật không thể thấy
Không có trong, ngoài, giữa
Vì kẻ ngu thế gian
Mà hiện pháp lục thông
Vô số Phật quá khứ
Tướng ánh sáng giống đây
Muốn cầu gốc thức pháp
Tịch diệt không thể thấy
Đạo lục thông Bồ tát
Hiện tận không có tận
Niệm trong hơi thở ra
Không chấp hữu ba cõi
Quán trong ngoài thân tịnh
Kim sắc: không, không chấp
Thức pháp cũng như vậy
Không khứ, lai, hiện tại
Tánh năm ấm thanh tịnh
Không thân này, thân sau
Phân biệt tướng rõ ràng
Được đến nơi an ổn
Tướng thức có sáu điều
Cũng gọi là lục chứng
Sáu thức không chỗ trụ
Sanh diệt không cùng tận
Giống như bọt trên nước
Vừa diệt lại sanh ngay
Thức pháp tự nhiên không
Theo dòng nước muôn nơi
Những gì xưa Ta tạo
Thân thức đủ hai điều
Đi một mình không bạn
Nói pháp vô thượng đạo
Các pháp, thức là gốc
Luôn luôn đi theo thân
Tuy trụ mà không trụ
Giáo hóa người khổ não
Mắt thấy sắc hiện tại
Thức chướng ngại ở giữa
Chẳng phải sắc nhập nhãn
Không phải nhãn nhập sắc
Phân biệt pháp đây - kia
Nhờ thức biết thiện ác
Tự thức không biết pháp
Nhĩ - thanh, tỷ - hương riêng
Sáu nghiệp duyên sanh riêng
Nên tạo thành thiện ác
Thanh không đến với nhĩ
Tỷ, khẩu, ý cũng vậy
Nhơn duyên tướng mỗi pháp
Vô trước, không, vô pháp
Tám phẩm đạo Hiền thánh
Ba mươi bảy hành quán
Cõi hư không tịch nhiên
Không tướng, không có nguyện
Nghiệp có quả trắng đen
Quả báo biết rõ ràng
Muốn cầu thật tướng thức
Không thấy có chỗ trụ
Trang nghiêm quốc độ Phật
Tứ đẳng, vô sở úy
Hiểu rõ các pháp: không
Thức diệt, hành cũng diệt
Bồ tát thành đạo quả
Pháp không, nay ba đời
Thức như đạo huyễn hóa
Không trụ bên đây - kia
Thức diệt về hư không
Giả gọi không chân thật
Sơ nhập Tứ không định
Trừ tưởng không ràng buộc
Dựng cao ngọn cờ pháp
Xiển dương pháp tướng thức
Thức trước khác thức sau
Cũng không xa lìa thức
Đấng đệ nhất ba cõi
Mới hiểu rõ tánh thức
Như người trên đỉnh núi
Thấy thông suốt bốn phía
Phân biệt hạnh ác thiện
Thiên nhãn thông đệ nhất
Thấy xa mười phương cõi
Người có mắt trí tuệ
Như xem ngọc trên tay.
Khi đức Thế tôn nói kệ này, có tám mươi bốn ức chúng sanh muốn được xả ly tướng sáu thức pháp, không muốn sanh tử luân hồi trong năm đường, phát tâm thệ, phát tâm thệ nguyện lớn, trụ vào Vô thức địa. Phẩm thứ 19: Thiện quyền
Bấy giờ trong đại chúng có Bồ tát tên Cử Thủ, bạch trước Thế tôn:
- Bạch Thế tôn! Con muốn nghe vô số sự quyền biến hóa không thể tính kể của đại Bồ tát.
Phật dạy:
- Đại Bồ tát thường thực hành thiện quyền, chẳng phải bên này, chẳng phải bên kia, chẳng phải hai bên, chẳng phải chặng giữa. Tùy theo sự giáo hóa thích hợp mà nói nghĩa, nói câu, tư duy nghĩa lý, trang nghiêm cõi Phật, lục độ vô cực cho đến tưởng tri diệt, dùng phương tiện hướng dẫn không bị chướng ngại, không tự cống cao ngã mạn, dung mạo đoan chánh, đẹp đẽ, pháp phục tề chỉnh đàng hoàng, thọ nhận của tín thí biết vừa đủ, quang tướng trang nghiêm, nói năng thanh tịnh, làm cho một chúng sanh trụ được ức kiếp. Tất cả những gì để lại phía sau đến phương khác giáo hóa. Phân thân như vậy khó có thể nào lường được. Giáo hóa cho người không hiểu biết, hiện đại thông ở cảnh giới của quỷ thần và sai quỷ thần ấy hóa độ chúng sanh, truyền trao dạy lẫn nhau không làm mất đạo giáo.
Lại nữa, thiện quyền làm hình tượng Phật có tướng ánh sáng rực rỡ, được thấy và nghe thuyết pháp lời nói đầu giữa cuối đều làm an ổn khoái lạc, thiền định giác đạo, trí huệ sáng suốt, giải thoát. Khế kinh, Kệ kinh, Ký kinh, Thọ quyết kinh, Xử kinh, Xuất yếu kinh, Quảng trường kinh, Tụ kinh, Sanh kinh, Quảng phổ kinh, Vị tằng hữu, Hiện kinh, Chuyển kinh, Thí dụ kinh, Nhơn duyên kinh, tùy theo chân lý của người nghe mà nói pháp thâm sâu để họ hiểu về không và vô ngã. Tâm niệm của chúng sanh không giống nhau thì có thể làm cho tất cả nhập vào giải thoát môn.
Ví như suối nguồn, đê, ao, năm sông đều có mỗi tên nhưng tất cả đều chảy về biển cả, không còn cái tên xưa nữa. Cũng như núi Tu Di đứng sừng sững khó bị lay động, chim muông đủ màu sắc đến đó nương ở nghỉ ngơi thì đều hòa một màu, không còn màu sắc cũ nữa.
Đại Bồ tát giáo hóa chúng sanh, làm thanh tịnh cõi Phật cũng như vậy. Tâm thức của chúng sanh suy niệm không giống nhau, có rất nhiều tư tưởng nhưng đều có thể làm cho tất cả đạ tđến giải thoát môn, tưởng định ý diệt. Lúc đó không còn niệm riêng mà là đồng một giải thoát như nhau. Đó gọi là đại Bồ tát quyền biến giáo hóa thích hợp không thể nghĩ lường.
Bấy giờ Thế tôn nói kệ:
- Như nông phu làm ruộng
Chọn lựa đất màu mỡ
Gieo trồng đúng thời vụ
Tháo nước theo thời tiết
Chăm bón mạ thành tựu
Không bị nạn sương, sâu
Cuối cùng thu hoạch quả
Cất chứa không lo sợ
Pháp chơn thật Bồ tát
Ruộng lục độ vô cực
Tiêu trừ tâm xan tham
Tưới bằng nước cam lồ
Thiện quyền đạo phương tiện
Hiểu rõ pháp đến đi
Hướng dẫn loài chúng sanh
Được đến nơi bất diệt
Sanh tử bệnh phiền não
Thiêu đốt căn thiện tâm
Thiện quyền phương tiện cứu
Hiểu rõ pháp đến đi
Nếu người muốn xuất gia
Lấy cấm giới làm đầu
Không chấp pháp tốt đẹp
Hành quyền đạo Bồ tát
Mất mạng không tiếc thân
Không phạm,dù mảy lông
Thân như đống cỏ đất
Bị người ta vứt bỏ
Nhẫn như núi An minh
Kiên cố không chướng ngại
Hộ giới phương tiện đạo
Chê khen không tăng giảm
Ra tối, ở chỗ sáng
Đạo thiện quyền Bồ tát
Hiện thân ở nhân gian
Vì thương xót tất cả
Mà hiện thân rất nhỏ
Ra vào không trở ngại
Chư Phật ngòi đạo tràng
Diệt kiết sử không sanh
Thì được đến đạo tràng
Trừ sạch các kiết sử
Cũng như đại đạo sư
Dẫn các người đi buôn
Vào biển lấy chân châu
San hô, châu pha lê
Minh nguyệt bảo tùy ý
Được an ổn về nước
Cha mẹ và anh em
Quyến thuộc, bọn tôi tớ
Vui vẻ và sung sướng
Như định trừ bỏ tưởng
Những Bồ tát hành quyền
Tìm cầu tạng Vô tận
Biết rõ chân châu đẹp
Làm anh lạc đeo thân
Thiện quyền: đạo sư trưởng
Lục độ là vợ con
Tâm tứ đẳng che đậy
Bụi trần không vướng lòng
Đời rất nhiều kẻ ngu
Keo kiệt không bố thí
Chứa của ngàn vạn ức
Nói đó là của ta
Đến khi sắp qua đời
Mắt thấy quỷ thần ác
Gió đao xẻ thân hình
Không còn thở ra vào
Thức tham theo các ác
Thọ báo rất đau khổ
Dẫn đến chỗ nhận tội
Hối hận không kịp nữa
Phật dùng quyền trí độ
Nói pháp cho người kia
Lợi căn tự xét tội
Tâm hối, không che dấu
Nghe pháp được độ thoát
Đạo thiện quyền Bồ tát
Như người mù bẩm sanh
Không biết màu đỏ vàng
Gặp bậc thầy Thánh giỏi
Điều trị bằng thuốc pháp
Xưa nghe có năm màu
Xanh, vàng, đỏ, trắng, đen
Đã được biết mắt sáng
Không biết xanh, vàng, đỏ
Đạo thiện quyền Bồ tát
Phân biệt đến cùng tột
Dẹp sạch bát nạn pháp
Bất sanh cũng bất diệt.
Khi Thế tôn nói kệ này xong, có trăm ức cư sĩ hành đạo Thiện quyền hoàn toàn đạt đến vô vi, trụ vào Vô trụ địa. BỒ TÁT XỬ THAI
Hết quyển 5
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.47.115 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.