Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận [念佛三昧寶王論] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận [念佛三昧寶王論] »» Bản Việt dịch quyển số 2


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » Việt dịch (3) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận

Kinh này có 3 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 |
Việt dịch: Định Huệ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

MÔN THỨ VIII
NIỆM PHẬT HIỆN TẠI CHUYÊN CHÚ MỘT CẢNH

Hỏi: Niệm Phật vị lai tức là niệm chúng sanh, tôi đã được nghe nghĩa lý huyền diệu, được hiểu nghĩa lý sâu rộng rồi. Nhưng e rằng tâm tản mác khó kiểm điểm, nay tôi muốn dùng một để xâu suốt tất cả. Chuyên chú niệm một đức Phật ở phương Tây, bước lên ngôi bất thoái, bỏ tâm hữu lậu, thả con thuyền trên ao vàng, lễ Phật A-di-đà trong điện ngọc có thể thông ba đời, lên ngôi cửu phẩm có được chăng?
Đáp: Luận Thập Trụ Tỳ-bà-sa là bộ luận Bồ-tát Long Thọ tạo ra để giải thích kinh Hoa Nghiêm, trong phẩm Dị Hành Hạnh có nói: “Đạo Bồ-tát có hạnh khó hành như đi thuyền trên đất liền, có hạnh dễ hành như đi thuyền xuôi nước. Do sức bản nguyện của Phật A-di-đà, nếu người nào nghe danh hiệu Ngài, dốc lòng xưng niệm, nguyện sanh về cõi nước kia thì như dong thuyền xuôi nước lại gặp gió thuận chiều, một lần lướt đi ngàn dặm, chẳng phải dễ sao! Nhờ đâu mà phụ vương của đức Thích-ca và sáu muôn ngàn người quyến thuộc dòng họ Thích được sanh về nước Cực Lạc. Điều đó chứng tỏ Phật A-di-đà với chúng sanh cõi này có duyên rất sâu. Vậy chuyên chú một cảnh thông cả ba đời chẳng phải là hay ư!
Hỏi: Chuyên chú một cảnh thông cả ba đời, lý này đúng lắm. Nhưng sự xưng niệm, phát nguyện vãng sanh về cõi Cực Lạc là hữu vi hư vọng cũng như gió nhiều nổi sóng. Nếu thế, chi bằng không chạy theo cái tưởng bên ngoài, nhiếp tâm vào trong để hợp với chỉ thú vô vi.
Đáp: Hữu vi dù là hư ngụy nhưng nếu bỏ đó thì đạo nghiệp không thành. Vô vi tuy là chân thật nhưng nếu chấp lấy thì huệ tâm không sáng. Kinh nói: “Chán bỏ công đức hữu vi tức là nghiệp ma, ưa thích chấp trước công đức vô vi cũng là nghiệp ma”. Nay ông để sự chán bỏ và ưa thích tranh nhau thì không rơi vào lưới ma có được chăng? Nếu Thánh hiền nhiếp tâm gọi đó là trong, phàm phu theo đuổi vọng tưởng gọi đó là ngoài và nếu cho sự chạy đuổi theo bên ngoài là loạn, cái an trụ bên trong là định, rồi để cái trong cái ngoài chi phối thì thật không hợp với ý chỉ nhiếp tâm của niệm Phật Tam-muội.
Trong phần chú thích kinh Duy-ma-cật, ngài Cưu-ma-la-thập ghi: “Ở nước ngoài có một cô gái thân sắc vàng xinh đẹp, con trai của vị trưởng giả tên là Đạt-mộ-đa-la đem một ngàn lượng vàng ra mời nàng vào vườn Trúc Lâm, cùng với nàng đi chung một cổ xe. Ngài Văn-thù biến làm một người cư sĩ mặc áo quý đẹp đi trên đường. Cô gái thấy áo đẹp khởi tâm ham muốn. Ngài Văn-thù nói với cô gái:
- Nàng muốn được áo đẹp, phải phát tâm Bồ-đề.
Cô gái hỏi:
- Tâm Bồ-đề là gì?
- Chính là thân của nàng.
- Tại sao Bồ-đề là thân tôi?
- Bồ-đề tánh không, thân nàng tánh không.
Cô gái này đã từng ở thời Phật Ca Diếp trồng căn lành, rộng tu trí tuệ, sau khi nghe lời nói của ngài Văn-thù liền chứng vô sanh pháp nhẫn. Chứng vô sanh pháp nhẫn rồi, cô muốn chỉ cái lỗi của ái dục, nên cùng với con ông trưởng giả đi vào rừng. Nàng liền thị hiện thân chết rã thối, con ông trưởng giả trông thấy hết sức sợ hãi, ông liền đến chỗ Phật ngự. Đức Phật thuyết pháp cho ông nghe, ông cũng đắc Vô sanh pháp nhẫn”.
Chưa thành bậc đại giác thì chưa nhàn hạ, nên gọi là nhẫn. Như tự quán thật tướng của thân, quán Phật cũng vậy, thân người nữ không, thân Phật cũng không, chưa từng khác, do đó cái nghĩa Bồ-đề cũng đâu có khác. Nếu như thế thì tất cả hữu vi đều là vô vi, tất cả trong ngoài đều chẳng phải trong ngoài. Vậy ở nơi có mà chưa từng có, có mà thường không, ở trong không mà chưa từng không, không mà thường có. Như vậy, đâu có ngại gì Phật có tướng và tâm có niệm!
MÔN THỨ IX
ĐỜI NÀY, ĐỜI KHÁC VÀ MỘT NIỆM, MƯỜI NIỆM

Hỏi: Luận về sự dễ hành, khó hành và quán thân tức là Bồ-đề, ý chỉ đã sáng tỏ. Đời người thoắt qua như đá bật lửa, nếu một niệm dần dà e hối không kịp. Người tu hành không chấp tâm, huống là chấp thân, thân còn không chấp huống là chấp vật ở ngoài thân. Người ta thường sợ một hơi thở ra không trở vào, đã thuộc đời sau, như trận cuồng phong thổi cọng cỏ khô không biết về đâu. Xin Ngài chỉ dạy cho môn một niệm, mười niệm và sự dự bị cho đời này, đời khác.
Đáp: Công nghiệp của hội Tịnh Độ vĩ đại thay! Hàng Nhị thừa lóng thần nơi hư vô, mê chấp vào không, sợ hãi sự tướng, không nghĩ nhớ đến chúng sanh nên không có Tịnh Độ, còn Đại thừa do phát tâm Bồ-đề nên có Tịnh Độ. Căn cứ lời kinh Bi Hoa như sau: “Đức Phật A-di-đà xưa kia làm Chuyển Luân Thánh Vương, hiệu là Vô Tránh Niệm. Vua có đủ bảy báu và một ngàn người con trai, nhờ ngài Bảo Hải làm thiện tri thức, nhà vua phát tâm Bồ-đề nơi đức Phật Bảo Tạng, tạo nên cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Theo như trên, thì chư Phật, Bồ-tát, Thanh Văn trong các kinh đều là hậu thân của một ngàn vương tử. Vị vương tử lớn nhất tên là Bất Thuấn tức Quán Thế Âm, lần lượt kế tiếp các vị vương tử như ngài Ma-ni tức Đại Thế Chí, Vương Chúng tức Văn-thù-sư-lợi, Năng-già-nô tức Kim Cương Trí Huệ Quang Minh Bồ-tát, Vô Úy tức Liên Hoa Tôn Như Lai, Am-bà-la tức Hư Không Quang Minh Bồ-tát, Thiên Tý tức Sư Tử Hương Bồ-tát, Dẫn Đồ tức Phổ Hiền Bồ-tát, Mật-tô tức A-súc Phật. Vương tử Mật-tô từ lúc mới phát tâm cho đến nay cứ mỗi bước đi tâm và tâm sở chuyên chú tưởng niệm chư Phật, nên trở thành bậc Chánh Giác ở thế giới Diệu Hỷ”.
Tôi cho rằng dù đi trên đường rộng hay thả bước trong rừng sâu vẫn không khác vương tử Mật-tô. Khi khua hốt ngọc bước vào công đường hay vào chầu vua nơi điện ngọc, trang nghiêm oai vệ, rần rộ ngựa xe, há không thể dụng tâm trong mỗi bước đi hay sao? Chẳng lẽ lại thay đổi cái động dụng thông thường từ trước sao? Luận về người đến bên bờ sông chết, lúc chưa tắt hơi, chỉ một hơi thở ra không trở vào phút chốc đã qua đời sau, thật đúng như lời ông hỏi. Người đời phần nhiều dùng châu ngọc, thủy tinh, bồ-đề, kim cang, các thứ hột cây để làm chuỗi niệm Phật, còn tôi thì lấy hơi thở ra vào làm xâu chuỗi niệm Phật, xưng danh hiệu theo hơi thở, có chỗ nương tựa vững chắc, không còn sợ hơi thở chẳng vào đã qua đời khác. Tôi đi đứng nằm ngồi thường dùng xâu chuỗi này, lúc mỏi mệt thì ngậm Phật mà ngủ, thức dậy tiếp tục niệm Phật, ắt trong chiêm bao được thấy Phật A-di-đà, giống như dùi cây lấy lửa, thấy có khói biết là sắp có lửa. Nếu cứ chiêm bao như thế thì tam-muội chắc chắn sẽ thành, tận mắt sẽ được thấy ngọc hào, được Phật thọ ký thì muôn người vãng sanh không sót một, do đó ông nên cố gắng!
Hỏi: Một niệm và mười niệm vãng sanh Tịnh Độ, cái nào là chánh?
Đáp: Chỉ một niệm vãng sanh trụ bậc bất thoái là chánh. Như lời Phật nói: Chê bai đức Phật, hủy hoại kinh điển, đánh Tăng, chưởi cha mắng mẹ, tội ngũ nghịch và tứ trọng đều do một niệm ác nghiệp mà thành, bị đọa vào địa ngục mau như tên bắn. Ngày nay niệm Phật sanh về Tịnh Độ cũng do một niệm thiện nghiệp mà thành, về Cực Lạc trong khoảnh khắc co cánh tay. Một niệm trước, năm ấm diệt, một niệm sau, năm ấm sanh như cái ấn bằng sáp ấn trên bùn, ấn hoại mà dấu chữ in vẫn còn, hai niệm còn không cần đến, huống chi là mười niệm. Còn sự đánh Tăng, chưởi cha mắng mẹ tuy không phải chánh tội nghịch, song cũng thuộc về ngũ nghịch.
Về vấn đề một niệm, xin dẫn kinh có chuyện tích như sau: Một chú sa-di thích bơ sữa, vì một niệm tâm ưa thích mà sau khi chết bị đọa làm con trùng ở trong bơ sữa. Vợ một ông trưởng giả tên Đại-tát-bà soi gương, yêu thích dung nhan của mình trong lúc đi thuyền. Bỗng đâu biển dậy sóng gió đánh đắm thuyền, vợ trưởng giả chết, đời sau liền sanh làm con dòi trong thây cũ, chơi đùa qua lại trong thây đó. Đây cũng chỉ do một niệm thôi, chứ đâu đến mười niệm.
Kinh Vô Lượng Thọ nói: Một niệm niệm Phật chắc chắn vãng sanh, còn Quán Kinh nói mười niệm là vì người bệnh sức yếu, tâm lực kém cỏi, cho đến cần phải mười lần xưng danh hiệu Phật A-di-đà để trợ giúp cho một niệm ấy. Nếu người tâm vững mạnh, sáng suốt, không mê muội thì một niệm vãng sanh cũng như vun trồng một cái mầm bằng mảy tơ sợi tóc mà được cội cây xum xuê lớn gấp trăm lần.
MÔN THỨ X
TÂM NÀY LÀ PHẬT,TÂM NÀY LÀM PHẬT

Hỏi: Như kinh đã dạy: Tâm này là Phật, tâm này làm Phật, thì đâu cần đến việc xa vời như xưng danh hiệu Phật A-di-đà, quán tưởng cõi Cực Lạc và việc gần gũi như niệm chư Phật, cung kính các đức Phật vị lai. Tất cả những việc ấy đều là tìm cầu từ bên ngoài, há bảo tâm này là Phật sao?
Đáp: Ông hỏi như vậy không đúng. Ông chỉ dẫn lời trong kinh mà không hiểu chỉ thú của kinh. Kinh này chính là kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, chuyên thuyết minh về ý nghĩa của niệm Phật A-di-đà. Do niệm Phật mà Phật từ tâm tưởng sanh nên gọi tâm này là Phật. Đâu được trộm lấy pháp quán A-di-đà rồi trở lại chê tâm niệm A-di-đà. Nếu ta không niệm Phật mà nói tâm này là Phật, thì cũng như tâm không nghĩ điều ác mà nói tâm này là ác sao! Không thể nào được! Vấn đề này cũng thế. Huống chi ở cõi Cực Lạc, đức A-di-đà như núi chúa Tu-di, mười muôn ức ([10])không làm chướng ngại con mắt, hằng hà sa quang minh tướng hảo do nguyện lực của Phật mà sự quán tưởng được thành tựu. Chỉ trong khoảnh co cánh tay là được vãng sanh, đâu tính chi đến sự xa gần của cõi ấy.
Hỏi: Tâm này là Phật, tôi đã được nghe ý nghĩa rồi. Nhưng chỗ thuyết minh của kinh này về mười sáu diệu quán mà bà Vi-đề-hy đạt được, như băng và mặt trời đều có thể quán tưởng, còn thân Phật như hòn núi vàng chói lọi thì ánh sáng của Phật, ánh sáng của ma, tự quán, tha quán, chánh tà hỗn tạp làm sao phân biệt. Xin Ngài chỉ dạy để người niệm Phật không cần ở bên thầy mà vẫn an tâm tu tập.
Đáp: Quán tưởng băng là căn bản cho sự quán tưởng đất bằng lưu ly, còn quán mặt trời là để dần dần dẫn đến quán tưởng ánh sáng của bạch hào. Đúng theo sự quán tưởng mà hiện thì gọi là tự, là chánh, còn không đúng theo sự quán tưởng mà hiện thì gọi là tha, là tà. Bản tâm quán tưởng bạch hào mà bạch hào không hiện, chưa tưởng mắt biếc mà mắt biếc đã hiện, như vậy là trái với bản tâm, như vậy chẳng phải là tà sao! Huống chi những điều nghĩ tưởng khác nữa. Vả lại, ánh sáng của ma có bóng và làm chói mắt, còn ánh sáng của Phật không có bóng, không làm chói mắt. Cho nên kinh Lăng-già có bài kệ:
Phật địa là tối thắng
Thanh tịnh diệu trang nghiêm
Chiếu sáng như lửa lớn
Ánh sáng đến khắp nơi
Rực rỡ không chói mắt
Trùm khắp độ ba cõi([11]).
Hỏi: Ánh sáng xuất hiện rực rỡ làm hư mắt không phải là ma sao? Còn ánh sáng không chói mắt không phải của Phật sao?
Đáp: Ánh sáng chân thật làm cho người niệm Phật cảm thấy thân tâm được lóng lặng thanh tịnh, còn ánh sáng giả tạo khiến người niệm Phật tâm bị xao động hoảng hốt. Vì thế, kinh Niết Bàn có nói: “Lóng lặng thanh tịnh là chân giải thoát”. Chân giải thoát hẳn là ánh sáng của đức Như Lai rồi.
Hỏi: Bậc chí nhân vô tư, mà nay lại dùng đến tưởng, há chẳng lầm sao?
Đáp: Như kinh Đại Oai Đức Đà-la-ni nói: “Muốn vượt qua phiền não, phải phát tâm dục nghĩ về cái vô dục”. Hiện tại cũng vậy, muốn tu niệm Phật phải phát tâm tưởng tưởng về cái vô tưởng. Cho nên kinh Phương Đẳng Hiền Hộ: “Ý muốn xấu ác nghĩ tưởng người nữ thì mộng thấy người nữ, ý muốn tốt lành nghĩ tưởng đến Phật, nằm mộng thấy Phật”. Tôi cho rằng hai cái tưởng ấy đều được gọi là tưởng, nhưng thiện ác cách xa nhau như trời với đất, do đó không nên nghe nói đến tưởng rồi chán bỏ hết. Nếu như chán bỏ hết, thì tuy chẳng phỉ báng kinh Phật ắt hẳn sanh vào cung trời Vô Tưởng. Nếu cố chấp vào vô tưởng, chê bai người tưởng Phật thì đó là kẻ hủy báng pháp. Vì hủy báng Phật pháp, e rằng ở trong địa ngục không hẹn ngày ra, như vậy còn hy vọng gì ở Thiên cung nữa. Dẫu cho được sanh về Trời cũng thuộc về ngoại đạo thiên, không phải là con đường giải thoát.
Kinh Niết-bàn ghi: “Âm thanh giết người của tiếng trống được phát lên, dù xa hay gần kẻ nghe tiếng trống đều phải chết”. Ở đây cũng vậy, tùy theo sự bài bác quán tưởng mà xa gần gì cũng đều bị đọa. Trong kinh gọi là: Hoặc có lúc rời khỏi mặt đất một thước hay hai thước lui tới đi lại, là cái nghĩa này vậy. Há ra khỏi sự lưu chuyển của ba cõi, há đồng với sự vãng sanh về chín phẩm ư! Huống là sự làm đắm thuyền hay đẩy thuyền đi cũng do dòng nước, sự té ngã hay đứng dậy cũng ngay nơi đất. Phát tưởng hư vọng là chúng sanh, khởi tưởng chân thật là Phật. Ngoài cái tưởng này ra, còn dùng tới cái chi nữa đâu.
Hỏi: Phần sự Ngài đã giải thích rồi, còn phần lý thì như thế nào? Như kinh Bát-chu Tam-muội nói: “Tâm khởi tưởng tức là si, vô tưởng tức Niết-bàn”. Nay dùng đến cái tưởng là không đúng chăng?
Đáp: Không phải vậy đâu! Nếu còn ý niệm cho Phật là sở tưởng, tâm là năng tưởng rồi tránh tưởng Phật, lấy ác thủ không làm vô tưởng thì là quá ngu si. Nay tôi hiểu rằng Phật đều từ tưởng sanh, vô Phật vô tưởng thì đâu có si. Đó chính là pháp quán không Tam-muội, không còn tà kiến.
Ông lại hỏi tôi cái lý ở tại chỗ nào? Bậc chí nhân thầm khế hợp với chân thể tịch lặng, lòng rỗng rang, tuy chiếu soi vạn pháp mà tâm chưa từng có, ắt được chân trí vô duyên cho nên được gọi là vô niệm. Tục trí hữu duyên cho nên niệm tưởng phát sanh. Lại nữa, tưởng chẳng khác với không, không chẳng khác với tưởng, gọi là cái Lý trung đạo đệ nhất nghĩa, đây là hiển bày Pháp thân. Không tức là tưởng được gọi là lý tục đế, hà sa công đức đều nương nơi tục đế, đây là hiển bày Báo thân. Tưởng tức là không được gọi là lý chân đế, phá hai mươi lăm cõi([12]), được hai mươi lăm môn tam-muội([13]) thường không mà thường ứng hóa, hòa quang lợi vật, đây là hiển bày Hóa thân. Như vậy là dùng tam quán([14]) mà quán tam đế([15]), chứng tam đức([16]), thành tam thân([17]) cho đến mười thứ ba pháp([18]) có gì không được mà lại muốn bỏ cái tưởng thanh tịnh để giữ lấy cái tưởng vô tưởng, đó là làm bế tắc cửa thiền định bám lấy ngạch cửa của sự thành Phật.
Kinh Lăng-già và Mật Nghiêm đều có dạy: Thà khởi cái chấp “có” như núi Tu-di vì còn tin nhân quả, vì còn nghĩ đến niệm Phật sinh về cõi Cực Lạc, cho nên nói: “Thà chấp có”. Không khởi quan niệm chấp “không” dù như hạt cải vì như thế là bài bác nhân quả, chê bai sự niệm Phật ắt bị sa vào địa ngục A-tỳ, do đó nói: “Đừng nên khởi quan niệm chấp không”. Ôi! Quan niệm này đáng sợ thay!
MÔN THỨ XI
TO TIẾNG NIỆM PHẬT VÀ DAY MẶT VỀ HƯỚNG TÂY

Hỏi: Tưởng tức là vô tưởng, tôi đã được nghe rồi. Nhưng trong kinh Phương Đẳng dạy tu môn thiền định vô thượng thâm diệu là phải quán tưởng tướng bạch hào liên tục kiêm cả xưng danh hiệu Phật để mong đạt tới cái định thù thắng. Sau khi đã khế hợp rồi thì tâm, Phật đều quên, tôi tin điều đó. Tuy nhiên, niệm thầm như dòng suối lóng trong tức thì tam-muội tự đến, hà tất phải niệm huyên náo cả xóm làng, làm chấn động cả núi rừng mới gọi là Đạo sao?
Đáp: Đúng như lời ông nói. Song âm thanh cũng không lỗi lầm gì. Nay chúng ta thử bàn về âm thanh:
Yếu thuật trừ tán loạn là phải nhờ đến âm thanh. Tiếng nhỏ thì tâm tản mát không định. Như nhổ cây cả gốc rễ, phải nhờ tiếng to thúc giục, trọn đời tinh tấn ắt dứt sạch trăm mối lo âu, đây là nghĩa thứ nhất.
Nói gần thì tiếng vang đến đâu thì muôn tai họa đều dứt tuyệt, công đức tòng lâm tăng trưởng thịnh đạt, đó là nghĩa thứ hai.
Nói xa thì kim dung chói lọi ánh sáng soi khắp, hoa báu rãi tuôn phơi phới rõ ràng như chỉ vật trong lòng bàn tay([19]), đều do âm thanh mà được, đó là nghĩa thứ ba.
Như kéo gỗ, đá nặng, kéo không nổi phải phát tiếng to để kéo được nhẹ nhàng, đó là nghĩa thứ tư.
Như chiến đấu với quân ma, phải đủ cờ trống, dùng tiếng to cổ vũ để quân đội tập trung ý chí phá cường địch, đấy là nghĩa thứ năm.
Âm thanh có những ý nghĩa như thế, có gì đáng chán bỏ đâu!
Có gì hay cho bằng niệm to tiếng và tưởng thầm đều vận dụng cả hai, tu cả hai pháp chỉ quán là phù hớp với ý Phật. Định huệ nếu đồng đều thì tâm, Phật đều quên, đó là đúng với điều ông vừa hỏi. Vì thế trong bài tựa niệm Phật tam-muội của ngài Huệ Viễn ở Lô Sơn có nói: “Công cao mà dễ tu thì niệm Phật đứng đầu”. Tâm lắng nghe tiếng huyền được gõ thì mọi trần lụy đều dứt, trệ tình đều thông, không phải là chỗ chí diệu của thiên hạ thì ai chịu tham dự vào. Tôi xin dẫn bài kệ trong kinh Hoa Nghiêm để làm chứng cứ:
Thà chịu vô lượng khổ
Nghe được âm thanh Phật
Không thọ mọi thú vui
Không được nghe danh Phật.
Vậy thì, tiếng niệm Phật vang xa làm nẩy nở căn lành cho muôn loài cũng như tiếng sấm mùa xuân làm động sinh lực của cây cỏ, chớ nên khinh thường.
Hỏi: Xưng danh hiệu Phật bằng tiếng lớn hay tiếng nhỏ, tôi đã nghe ý nghĩa ấy rồi. Mười phương Tịnh Độ đều có Như Lai, sao lại chấp vào sự day mặt về hướng Tây?
Đáp: Ông hỏi như vậy không đúng, vì đó là lời Phật dạy trong các kinh Phương Đẳng, chớ chẳng phải là ý của các sư, ông đâu nên hủy báng kinh Phương Đẳng.
Hỏi: Tôi xin được nghe lời dạy về lý ấy.
Đáp: Cũng có cái lý của việc ấy. Như nói người ngu thấy đức Quán Thế Âm có mười một mặt, rồi đặt câu hỏi tại sao không có mười hai mặt. Nếu đức Quán Thế Âm có mười hai mặt như lời của họ thì họ sẽ hỏi sao không mười một mặt. Ông muốn đem Đông để hỏi Tây, ý nghĩa cũng như vậy. Như người mê chưa tỉnh, phải đem cái thân này đặt yên một chỗ không cho quay về một phương nào khác ắt sẽ tự ngộ, còn như không ngộ thì chắc chắn là không thể giáo hóa, chỉ đáng thương thôi.
Kinh Thắng Thiên Vương, phẩm Nhị Hạnh có nói đến tám mươi vẻ đẹp của đức Như Lai, trong đó có một tùy hảo quang minh công đức tên là Nhất thiết hướng bất bối tha. Vậy chư Phật không quay lưng mà lúc nào cũng hướng về tất cả chúng sanh, chứ không phải như kẻ oán thù không muốn thấy nhau, đủ thấy lòng từ bi tột cùng của chư Phật. Đại sư Trí Giả từ bé đến lớn lúc nào nằm cũng chắp tay, ngồi cũng day mặt về hướng Tây, lúc sắp viên tịch bảo chúng đọc bốn mươi tám lời nguyện và chín phẩm vãng sanh, ánh sáng tỏa đầy núi, thiên nhạc trỗi vang, Ngài được sanh về Tịnh Độ. Ý nghĩa của sự day mặt về hướng Tây chẳng rộng lớn sao?
Hỏi: Lý “day mặt về hướng Tây” tôi đã nghe rồi, còn ý nghĩa của Bát-chu thì như thế nào?
Đáp: Tiếng Phạn Bát-chu, Trung Hoa dịch là Hiện tiền, nghĩa là nghĩ nhớ không thôi, Phật hiện trong định. Nói trong suốt 90 ngày đi mãi không nằm ngồi đó là trợ duyên cho Bát-chu, chớ chẳng phải giải thích ngay cái nghĩa Bát-chu.
Hỏi: Nghĩa của Bát-chu trong diệu môn Tịnh Độ đã được nghe phân tích đầy đủ rồi. Nhưng gần đây có vị nào được sanh về cõi nước An Dưỡng, đã không trở lại báo tin thì làm sao biết họ về đâu. Mong Ngài thuyết minh cho.
Đáp: Vào đời Tấn ở Lô Sơn có pháp sư Huệ Viễn là người đầu tiên đề xướng môn niệm Phật tam-muội, cùng với sư đệ là Huệ Trì, cao tăng Huệ Vĩnh và những vị cao sĩ thượng hiền sống đời ẩn dật thanh bần như các ông Tôn Bính, Trương Dã, Lưu Di Dân, Lôi Thứ Tôn, Châu Tục Chi, Khuyết Công Tắc v.v…một trăm hai mươi ba người khắc bài minh vào núi, phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ. Ông Lưu Di Dân viết bài văn đại lược như sau: “Xét sự chìm đắm có thể xảy ra trong khoảnh khắc, bỗng ngộ được một cách thống thiết về lẽ vô thường. Nghĩ đến nghiệp báo trong ba đường hiểm khó ra. Do đó các bạn đồng chí nên sớm tối tinh cần để mong giải thoát. Nhờ diệu quán mở tâm chánh chiếu mà biết y chánh cõi kia. Tạm mượn cái thân như phù dung sớm nở tối tàn giữa dòng dưới bóng cây quỳnh để niệm Phật. Áo mây bay lúc tám chục, gió hương thoảng lúc tàn niên. Thân quên an mà càng hòa, tâm vượt trên lạc thú để tự vui. Đến trong ba đường nhưng không vướng mắc, dạo chốn thiên cung mà vẫn tạ từ. Giới thiệu với mọi người về con đường tốt đẹp tiếp nối mai sau, chỉ cho thấy cái chỗ an nghĩ hoàn toàn lấy làm điểm hẹn”. Xét kỹ đạo lý này, há chẳng rộng lớn sao!
Ngài Huệ Viễn viết bài tựa niệm Phật tam-muội như sau: “Thế nào là tam-muội? Chính là nhớ chuyên, tưởng lặng. “Nhớ chuyên” thì ý chí không đổi dời, “Tưởng lặng” ắt khí thanh thần sáng. Khí thanh thì trí soi ngộ đến lý nhiệm mầu, thần sáng thì không chỗ u vi nào chẳng thấu. Hai điểm này tự nhiên thầm hợp với lý huyền mà lại phát sanh diệu dụng. Lại, các môn tam-muội danh mục rất nhiều, mà công cao dễ tu thì niệm Phật là hơn hết”. Như vậy, không thể nào đem các định sở duyên của phàm phu so sánh được với tam-muội này.
Tạ Linh Vận có làm bài vịnh Tịnh Độ như sau:
Pháp Tạng ở vương cung
Mến đạo bỏ quốc thành
Phát bốn mươi tám nguyện
Thệ độ khắp quần sanh.
Tịnh Độ cõi vi diệu
Người đến đều tinh anh
Cõi không có suy lão
Được độ, sớm vãng sanh.
Ông hỏi: Chưa thấy có người vãng sanh nào trở lại báo tin.
Tôi xin trả lời: Có ông Khuyết Công Tắc ở đời Tấn nguyện vãng sanh rồi trở lại báo tin. Sau khi ông chết, người bạn đồng tu với ông đến chùa Bạch Mã ở Đông Kinh tụng kinh hồi hướng công đức cho ông, đêm đó trong điện bỗng sáng rực, trên hư không có tiếng nói: Tôi là Khuyết Công Tắc, nguyện sanh Cực Lạc nay được kết quả, cho nên về đây báo tin cho mọi người biết”. Nói xong ẩn mất. Ông Chi Đạo Lâm có làm bài tán:
Cao cả thay! Khuyết Công
Thần dị linh thiêng
Thần sanh Cực Lạc
Ứng tích Đông Kinh
Bay trên hư không
Thân sáng, giọng hòa
Kính dâng vài lời
Ghi truyền cõi thế.
Ngu Hiếu Kính cũng làm bài tán:
Lạ thay! Ngài Công Tắc
Được nếm pháp vị trước
Mấy ai biết được Ngài
Đạo huyền vi mới quý
Kim quang rực bóng đêm
Ngọc nhan bừng mặt nhật
Không bỏ người hữu duyên
Báo cùng bạn đồng hạnh.
MÔN THỨ XII
LẤY MỘT TÂM MỘNG VÀ THỰC ĐỂ THUYẾT MINH TAM-MUỘI

Hỏi: Việc ông Khuyết Công Tắc vãng sanh trở lại báo tin, tôi đã tin rồi. Đức Phật nói tất cả pháp như mộng, chẳng biết đức Phật được niệm và cõi Tịnh Độ để sanh về có như mộng chăng? Nếu không phải là mộng thì Phật ở ngoài tâm. Nếu là mộng thì Phật ở trong tâm như trong mộng thấy vàng mà thức dậy không thấy gì cả. E rằng luống niệm ba thân, rốt cuộc chỉ là một vọng. Xin Ngài vì tôi trình bày điều ấy.
Đáp: Không phải vọng đâu! Vì sao biết như thế? Nếu người tu pháp niệm Phật tam-muội như người nằm mộng thấy vàng mà thức dậy không có vàng thì đồng là vọng. Song người niệm Phật cứu cánh nhân niệm Phật mà được vãng sanh Tịnh Độ, thì đâu được gọi là vọng. Cũng như người tập pháp thiên nhãn, lúc đầu tưởng ánh sáng của châu, của lửa v.v.. Tưởng như thế không ngừng cho đến khi thiên nhãn thật sự phát sanh thì ai gọi là vọng. Như thế đâu có giống với trường hợp mộng thấy vàng mà rốt cuộc không có chi cả. Chớ đem việc xa thấy gần (pháp thiên nhãn) ví với mộng, cũng như chẳng nên việc niệm Phật vãng sanh cho là đồng với mộng.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không sai khác”. Tâm mê thì như mộng ắt hiện bày đủ chín pháp giới chúng sanh. Tâm ngộ như tỉnh thức thì một pháp giới tức là pháp giới chư Phật. Sự mê ngộ chỉ ở tại một tâm, mộng và thức không có hai, cho nên kinh thường nói: “Liễu ngộ vọng vốn tự chân ắt thấy Lô-xá-na”. Dẫu cho mộng này là vọng cũng đâu sai lầm, chỉ nên dùng duy tâm để quán sát chớ nên cố chấp.
MÔN THỨ XIII
NIỆM BA THÂN PHẬT ĐỂ PHÁ BA CHƯỚNG

Hỏi: Phật có ba thân, làm thế nào ức niệm? Xin Ngài chỉ cho phương tiện để tôi tránh được chỗ sơ sót.
Đáp: Ba thân Phật là pháp thân, báo thân và hóa thân. Pháp thân như cái thể của mặt trăng. Báo thân như ánh sáng của mặt trăng. Hóa thân như bóng mặt trăng. Trong muôn dòng nước đều có mặt trăng hiện, mặt trăng này là nhiều hay là một? Không thể nói là một, vì ánh trăng trong muôn dòng nước khác nhau, cũng không thể nói là nhiều, vì ánh trăng trên hư không vẫn là một. Như chữ “ ... ” (Y) trong Phạn ngữ gồm ba chấm, cũng như vị trời Ma-hê có ba mắt, dọc ngang đều sai khác, đều chẳng thể nghĩ bàn vậy.
Kinh nói: “Hoặc hiện thân nhỏ một trượng sáu hay tám thước” đều là Phật ở trong nước tâm của chúng sanh. Phật còn không có hình tướng, há lại có hai thân sao? Tịnh độ, uế độ có ra cũng từ tâm chúng sanh. Nếu muốn đem sự tưởng niệm ba thân để phá ba chướng, nay tôi xin thử thuyết minh điều này.
Sự tưởng niệm thân Phật phát khởi là nhờ tu pháp chỉ quán. Nếu chỉ quán không đồng đều thì các chướng nổi lên. Người niệm Phật tu chỉ, tâm bị chìm đắm, chướng hôn ám khởi che mất hóa thân Phật, cần phải nhờ sự quán chiếu giúp thêm cho phấn chấn, đó là quán tướng bạch hào mới phá được chướng hôn ám.
Tu quán, tâm phù động, vọng niệm nổi lên làm chướng báo thân Phật, trở lại tu chỉ để dừng vọng niệm, nhờ niệm cái nhân thuở quá khứ của chư Phật có hà sa công đức, trí huệ viên mãn, vì thù đáp cái nhân trước kia nên gọi là báo, phá được cái chướng của vọng niệm.
Nếu cái chướng của hai bên (hôn, tán) phát động, bày ra muôn tướng sai khác lăng xăng, cả hai thứ giặc này (hôn, tán) hoặc mạnh hoặc yếu đều ngăn che pháp thân Phật, nên phải dùng Trung đạo đệ nhất nghĩa không để phá trừ.
Kệ rằng:
Không sắc, không hình tướng
Không căn, không trụ xứ
Vì không sanh, không diệt
Kính lễ Vô sở quán.
Lý của sở quán như cơn gió mạnh Tỳ Lam thổi tan đám mây dày đặc, hiện rõ vầng trăng báu pháp thân thanh tịnh phá cái chướng bức não, cũng không khác chi với việc tùy bệnh cho thuốc. Ta đã giáo hóa người, người lại giáo hóa người khác, mình người đều thành tựu, tam-muội càng hưng thạnh, vì chúng sanh vô tận nên tam-muội không bao giờ dứt.
Sáu môn đã trình bày trên đều mang cái ý: “Niệm Phật A-di-đà hiện tại thông tam thế”. Trong các tập như Anh Lạc Tập, Thập Nghi Luận của ngài Thiên Thai, Thích Quần Nghi Luận của Pháp sư Hoài Cảm, Vãng Sanh Truyện, Pháp Bảo Nghĩa Luận của Trù thiền sư đều giải thích vấn đề này một cách rộng rãi. Phi Tích tôi trước kia cũng có soạn một quyển sách nhan đề Vô Thượng Thâm Diệu Thiền Môn Truyền Tập Pháp Bảo cũng với mục đích nói rộng về pháp môn này.


Chú thích:
[10] Trong kinh A-di-đà nói: Cõi Cực Lạc cách đây mười muôn ức cõi Phật.
[11] Ba cõi (tam hữu): Dục giới, sắc giới, vô sắc giới.
[12] Hai mươi lăm cõi: 1. Địa ngục, 2. Súc sanh, 3. Ngạ quỷ, 4. A-tu-la, 5. Đông Phất-sa-đề, 6. Tây Cù-da-ni, 7. Bắc Uất-đan-việt, 8. Nam Diêm-phù-đề, 9. Tứ Thiên Xứ, 10. Tam Thập Tam Thiên Xứ, 11. Diêm-ma Thiên, 12. Đâu-suất Thiên, 13. Hóa Lạc Thiên, 14. Tha Hóa Tự Tại Thiên, 15. Đại Phạm Thiên, 16. Sơ Thiền, 17. Nhị Thiền, 18. Tam Thiền, 19. Tứ Thiền, 20. Vô Tưởng, 21. Tịnh Cư A-na-hàm, 22. Không Xứ, 23. Thức Xứ, 24. Bất Dụng Xứ, 25. Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng Xứ.
[13] Hai mươi lăm tam-muội: 1. Vô cấu tam-muội, 2. Bất thoái tam-muội, 3. Tâm lạc tam-muội, 4. Hoan hỷ tam-muội, 5. Nhật quang tam-muội, 6. Nguyệt quang tam-muội, 7. Nhiệt diễm tam-muội, 8. Như huyễn tam-muội, 9. Bất động tam-muội, 10. Nan phục tam-muội, 11. Duyệt ý tam-muội, 12. Thanh sắc tam-muội, 13. Hoàng sắc tam-muội, 14. Xích sắc tam-muội, 15. Bạch sắc tam-muội, 16. Chủng chủng tam-muội, 17. Song tam-muội, 18. Lôi âm tam-muội, 19. Chú vũ tam-muội, 20. Hư không tam-muội, 21. Chiếu cảnh tam-muội, 22. Vô ngại tam-muội, 23. Thường tam-muội, 24. Lạc tam-muội, 25 Ngã tam-muội.
[14] Tam quán: Không quán, giả quán, trung quán.
[15] Tam đế: 1. Không đế còn gọi là chân đế, vô đế; 2. Giả đế còn gọi là tục đế, hữu đế; 3. Trung đế còn gọi là Trung đạo đệ nhất nghĩa đế.
[16] Tam đức: Ba đức Niết-bàn: Pháp thân, Bát-nhã, Giải thoát.
Ba đức của Phật quả: Trí đức, Đoạn đức, Ân đức.
[17] Tam thân: Pháp thân, Hóa thân, Báo thân.
[18] Mười thứ ba pháp: Thuyết của tông Thiên Thai:
1. Ba đạo (hoặc, nghiệp, khổ)
2. Ba thức (Am-ma-la thức, A-lê-da thức, A-đà-na thức)
3. Ba Phật tánh (chánh nhân, liễu nhân, duyên nhân)
4. Ba Bát-nhã (thật tướng, quán chiếu, tam-muội)
5. Ba Bồ-đề (thật tướng, thật trí, phương tiện)
6. Ba đại thừa (lý, tùy, đắc)
7. Ba thân (pháp thân, báo thân, ứng thân)
8. Ba Niết-bàn (tánh tịnh, viên tịnh, phương tiện tịnh)
9. Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng)
10. Tam đức (Pháp thân, Bát-nhã, Giải thoát)
[19] Đoạn này ý nói Thánh cảnh hiện tiền.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 3 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Quy nguyên trực chỉ


Kinh Đại Bát Niết bàn Tập 1


Phù trợ người lâm chung


Đức Phật và chúng đệ tử

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.253.161 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập