Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
NÓI RÕ PHẦN THỨ HAI CỦA BA MƯƠI PHÁP NI TÁT KỲ BA DẠ ÐỀ .
5. GIỚI: NHỜ NI KHÔNG PHẢI BÀ CON GIẶT Y.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, bấy giờ tôn giả Ưu Ðà Di cầm y đưa cho Tỉ-kheo-ni Ðại Ái Ðạo và nói: "Lành thay Cù Ðàm Di! Hãy giặt, nhuộm, ủi giúp cái y này cho tôi".
Ðại Ái Ðạo liền giặt, nhuộm, ủi xong đem trao lại Ưu Bà Di, nói: "Chiếc y này đã giặt nhuộm ủi xong, nay tôi xin gửi lại".
Ưu Ðà Di liền chú nguyện: "Cầu mong được an lạc, không có bệnh", rồi đem cất vào trong phòng.
Thế rồi, Ðại Ái Ðạo bèn đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi đứng qua một bên. Phật biết nhưng vẫn hỏi: "Cù Ðàm Di! Trên tay bà vì sao có màu phẩm?"
Ðáp: "Bạch Thế Tôn! Con giặt, nhuộm y cho Ưu Ðà Di nên tay có màu phẩm".
{300c} Khi Cù Ðàm Di đi chẳng bao lâu, Phật liền nói với các Tỉ-kheo: "Vì sao Ưu Ðà Di lại sai Tỉ-kheo-ni đang tu tập giặt, nhuộm y, làm phương hại đến đạo nghiệp của Tỉ-kheo-ni?"
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, bấy giờ trưởng lão A Nan Ðà không xem xét cẩn thận, đưa y cho Thâu Lan Nan Ðà Tỉ-kheo-ni giặt, nói rằng: "Này chị! Hãy giặt,nhuộm, ủi giúp cái y này cho tôi". Khi ấy Thâu Lan Nan Ðà liền đem y về Tinh xá, căng ra thấy chất bất tịnh dính trên y, bèn đưa y ấy cho các Tỉ-kheo-ni xem và nói: "Các người hãy xem trên cái y này, đó là hình ảnh của trượng phu vậy".
Lúc ấy các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Thâu Lan Nan Ðà rằng: "Những thứ cần phải che giấu như vậy, vì sao lại đưa cho người ta xem, lẽ ra, nếu muốn giặt thì nên giặt, nếu không muốn giặt thì nên đem cất mới phải".
Khi đó, Thâu Lan Nan Ðà Tỉ-kheo-ni bèn nói với các Tỉ-kheo-ni: "Cái đó có gì đáng xấu hổ mà bảo ta phải giấu đi? Ðó chính là trượng phu, là hình ảnh của trượng phu". Bèn cầm đưa lên lần nữa cho các Tỉ-kheo-ni xem.
Bấy giờ nhóm 6 Tỉ-kheo ở cách Tỉ-kheo-ni không xa, nghe nói thế bèn vỗ tay cười lớn, nói: "Thật là việc kỳ lạ, là việc kỳ lạ".
Các Tỉ-kheo nghe lời nói ấy, bèn đến bạch với Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi A Nan Ðà đến. Khi thầy đến rồi Phật liền hỏi: "Ông có việc đó thật không?". Thầy đáp: "Có thật như vậy. Vì con không xem cẩn thận, nên đưa y cho cô ấy".
Phật liền hỏi các Tỉ-kheo: "Giả sử Tỉ-kheo bà con có chiếc y bất tịnh như vậy, thì có nên đưa cho Tỉ-kheo-ni bà con giặt hay không?"
Các Tỉ-kheo đáp: "Không nên đưa, bạch Thế Tôn".
Phật lại hỏi: "Giả sử Tỉ-kheo-ni bà con thấy Tỉ-kheo bà con có việc cần phải che giấu như thế thì có nên đưa cho mọi người xem hay không?"
Họ lại bảo: "Không nên đưa xem, bạch Thế Tôn".
Phật liền nói với Tỉ-kheo: "Tỉ-kheo-ni bà con mà còn không nên bảo giặt y bất tịnh, thì vì sao lại bảo Tỉ-kheo-ni không phải bà con giặt y như thế? Từ nay trở đi Ta không cho phép làm như vậy".
Rồi Phật ra lệnh cho các Tỉ-kheo sống tại thành Xá Vệ phải tập họp tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- "Nếu Tỉ-kheo sai Tỉ-kheo-ni không phải bà con giặt y cũ, hoặc nhuộm, hoặc ủi, thì phạm Ni-tát-kỳ Ba dạ đề".
Giải thích:
- Tỉ-kheo: Như trên đã nói.
- Không phải bà con: Không phải cùng Cha sinh ra, không phải cùng Mẹ sinh ra.
- Y cũ: Dù chỉ dùng gối đầu một lần cũng gọi là y cũ.
- Y: Như trên đã nói.
- Giặt: Tẩy trừ cáu bẩn.
- Nhuộm: Hoặc nhuộm bằng rễ cây, bằng vỏ cây, bằng lá cây, bằng hoa, bằng trái.v.v...các thứ như thế.
- Ủi: Cho đến dùng tay vuốt một lần thì gọi là ủi.
(Một số từ khác đã được giải thích ở trên).
{301a} Tóm lại, nếu Tỉ-kheo bảo giặt, (Tỉ-kheo ni) liền giặt, bảo nhuộm liền nhuộm, bảo ủi liền ủi, thì phạm Ni-tát-kỳ.
Nếu Tỉ-kheo sai Tỉ-kheo-ni không phải là bà con giặt y, cô ta liền nhuộm; hoặc bảo nhuộm cô ta liền ủi; bảo ủi, liền giặt; hoặc bảo mà cô ta không làm; hoặc không bảo mà làm đều phạm tội Việt tỳ ni.
Nếu Tỉ-kheo bảo Tỉ-kheo-ni không phải bà con giặt y, cô ta bèn nhuộm, ủi; hoặc bảo nhuộm, cô ta bèn giặt, ủi; hoặc bảo ủi, cô ta liền giặt, nhuộm; hoặc bảo mà không làm, hoặc không bảo mà làm đều phạm tội Việt tỳ ni.
Lại có các trường hợp Tỉ-kheo đưa y cho Tỉ-kheo-ni bà con mà Tỉ-kheo-ni không phải bà con giặt; hoặc đưa y cho Tỉ-kheo-ni không phải bà con mà người bà con giặt; hoặc đưa y cho người bà con, rồi người không bà con giặt; hoặc đưa y cho người không phải bà con, rồi người không phải bà con giặt.
- Ðưa cho người bà con mà người không phải bà con giặt: Nếu Tỉ-kheo có mẹ, chị, hoặc em xuất gia, và Tỉ-kheo đưa y bảo họ giặt, đoạn Tỉ-kheo-ni ấy đem y về Tinh xá, bấy giờ có người đệ tử ni nói: "Thầy có việc gì cần làm con làm cho", bèn lấy y đem giặt, nhuộm, ủi, thì Tỉ-kheo không có tội. Ðó gọi là đưa cho người bà con mà người không phải bà con giặt.
- Ðưa cho người không phải bà con mà người bà con giặt: Nếu Tỉ-kheo đưa y cho Tỉ-kheo-ni không phải bà con giặt, nhuộm, ủi. Rồi Tỉ-kheo-ni ấy cầm y về Tinh xá, bấy giờ Tỉ-kheo ấy có mẹ, chị hoặc em xuất gia, biết chiếc y ấy (của người thân mình) liền hỏi Tỉ-kheo-ni đó: "Chiếc y ấy là của ai?". Người ấy đáp: "Chiếc y của Tỉ-kheo mỗ giáp". Vị ni bà con này liền suy nghĩ: "Thầy ấy không biết Luật". Rồi cô muốn cho Tỉ-kheo ấy khỏi phạm tội Ni tát kì liền lấy y đi giặt, thì Tỉ-kheo ấy phạm tội Việt tỳ ni. Ðó gọi là đưa cho người không phải bà con mà người bà con giặt.
- Ðưa cho người bà con rồi người (không) bà con giặt: Nếu Tỉ-kheo có mẹ, chị, hoặc em xuất gia, thầy bèn đưa y nhờ họ giặt giúp. Tỉ-kheo-ni ấy nói: "Tôi đang bị bệnh". Tỉ-kheo này liền nói: "Mẹ... có đệ tử khỏe mạnh, vậy hãy bảo họ giặt giúp". Rồi Tỉ-kheo-ni ấy liền sai đệ tử giặt, giặt xong bèn đem y trả lại, thì Tỉ-kheo ấy phạm tội Ni-tát-kỳ. Nhưng nếu Tỉ-kheo không bảo (sai đệ tử giặt) mà Tỉ-kheo-ni tự sai đệ tử giặt, thì Tỉ-kheo không có tội. {301b} Ðó gọi là đưa cho người thân rồi người (không) thân giặt.
- Ðưa cho người không bà con rồi người không bà con giặt: Nếu Tỉ-kheo đưa y cho Tỉ-kheo-ni không phải bà con, rồi Tỉ-kheo-ni không phải bà con giặt, nhuộm, ủi thì Tỉ-kheo phạm Ni-tát-kỳ Ba dạ đề. Ðó gọi là đưa cho người không phải bà con rồi người không phải bà con giặt.
Nếu Tỉ-kheo đem y và đồ dùng để giặt gởi tại một Tinh xá của Tỉ-kheo-ni rồi đi đến một nơi thanh vắng an cư. Tỉ-kheo-ni nhận ký gởi ấy nhân sau mùa hạ, đem y mình ra giặt, luôn tiện giặt giúp y cho Tỉ-kheo. Tỉ-kheo an cư xong, trở về Ni xá đòi lại y để giặt. Tỉ-kheo-ni kia nói: "Tôi đã giặt nhuộm xong rồi", thì Tỉ-kheo ấy không phạm tội. Nhưng nếu khi gởi y, Tỉ-kheo ấy suy nghĩ: "Họ sẽ giặt, nhuộm, ủi giúp ta". Quả nhiên sau đó, y được giặt, nhuộm, ủi thì thì Tỉ-kheo phạm Ni-tát-kỳ Ba dạ đề.
Nếu Tỉ-kheo đi vào thôn xóm, gặp voi điên, hoặc xe ngựa làm văng bùn bẩn cả y, rồi đến Tinh xá Tỉ-kheo ni, nhờ Tỉ-kheo-ni giặt giúp thì phạm Ni-tát-kỳ Ba dạ đề, Nhưng nếu Tỉ-kheo-ni xối nước, Tỉ-kheo tự giặt lấy thì không có tội.
Nếu Tỉ-kheo đang giặt y tại giếng nước, nhằm ngày trai kỳ, các Tỉ-kheo-ni đi đến Tinh xá đảnh lễ chư Tỉ-kheo, rồi họ trông thấy Tỉ-kheo đang giặt y, bèn hỏi: "Thưa thầy, thầy không có ai giặt y giúp cho sao?". Tỉ-kheo đáp: "Không có". Tỉ-kheo-ni này vì có tín tâm nên bảo Tỉ-kheo dừng tay để mình giặt giúp cho. Rồi Tỉ-kheo đồng ý để cho họ giặt giúp thì không có tội. Nhưng nếu Tỉ-kheo ấy cố ý giặt y vào ngày trai kỳ với ý nghĩ: "Tỉ-kheo-ni ắt sẽ đến và họ sẽ giặt giúp y cho ta", rồi đưa cho Tỉ-kheo-ni giặt thì phạm Ni-tát-kỳ Ba dạ đề.
Nếu Tỉ-kheo có nhiều đệ tử ni, tuy không được sai họ giặt, nhuộm, ủi y vẫn có thể sai lượm củi, lấy nước về đun nhuộm, lấy thức ăn, dâng nước uống, cầm quạt quạt, và khi ăn xong dọn cất bát. Tất cả các việc ấy...đều có thể sai làm, nhưng nếu sai họ giặt, nhuộm, ủi y, thì phạm Ni-tát-kỳ Ba dạ đề.
Nếu vì Hòa thượng, A Xà lê mà đưa y bảo Tỉ-kheo-ni giặt thì phạm tội Việt-tì-ni. Nhưng nếu vì tháp, Tăng mà sai Tỉ-kheo-ni giặt, nhuộm, ủi, thì không có tội. Thế nên nói:
"[301c] Nếu Tỉ-kheo sai Tỉ-kheo-ni không phải bà con giặt y cũ, hoặc nhuộm, hoặc ủi thì phạm Ni-tát-kỳ Ba dạ đề".
(Hết giới Ni-tát-kì thứ năm.) 6. GIỚI: XIN Y CỦA NGƯỜI KHÔNG PHẢI BÀ CON.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên, vào ngày mồng 8, 14, 15 dân chúng trong thành đi đến đảnh lễ Thế Tôn. Bấy giờ, có một người tên A Bạt Tra mặc 2 tấm áo lụa trắng, vào Tinh xá Kỳ Hoàn đảnh lễ Thế Tôn, rồi đi tới chỗ trưởng lão Ưu Ba Nan Ðà, chào: "Kính chào thầy".
Ưu Ba Nan Ðà đáp: "Kính chúc lão trượng không bệnh".
A Bạt Tra nói: "Tôi muốn xem các căn phòng và nhà".
Khi ấy Ưu Ba Nan Ðà đáp: "Có thể được. Các vị không muốn xem, tôi cũng dẫn các vị đi xem, huống gì các vị đã thích xem", bèn dẫn lên trên 2 tầng lầu, nói: "Hãy xem này lão trượng: Những đường nét điêu khắc tinh vi, các hình vẽ có 5 màu lộng lẫy, sàn nhà màu lưu ly, và các thứ giường nệm mền gối ..."
Lúc xem xong, ông ta nói: "Thật tuyệt diệu thưa thầy".
Ưu Ba Nan Ðà nói: "Chiếc áo lụa của ông cũng rộng lớn tinh vi tuyệt đẹp".
Khi ấy A Bạt Tra thưa: "Tôi lại muốn xem các phòng xá khác nữa".
Thế rồi, Ưu Ba Nan Ðà bèn đưa ông lên tầng lầu thứ ba để xem, nói rộng như trên, cho đến... "Áo của ông cũng rộng rãi tinh vi tuyệt đẹp".
Bấy giờ, ông ta suy nghĩ: "Vị Sa môn này khen ngợi chiếc áo của ta, ắt muốn xin đây. Nhưng Vị Tỉ-kheo này lại là chỗ quen biết của nhà vua, và các quan đại thần có thế lực lớn, nếu ta không cho thì ông sẽ oán hận ta". Nghĩ thế rồi ông liền nói: "Thưa thầy, thầy muốn chiếc áo này chăng?".
Ưu Ba Nan Ðà đáp: "Rất muốn ".
A Bạt Tra nói: "Thôi hãy theo tôi về nhà, tôi sẽ trao cho thầy chiếc áo khác".
Ưu Ba Nan Ðà nói: "Ôi thôi lão trượng! Vì sao ông lại bảo cho tôi chiếc áo khác? Tôi cũng có nhiều tấm vải lụa hảo hạng, chỉ vì nó không giống cái này. Nên muốn được cái áo của ông cùng một loại vải để may một chiếc y mà thôi. Nếu ý ông muốn cho thì hãy cho tôi chiếc áo này, ngoài ra những cái đẹp khác thì tôi không cần đến".
A Bạt Tra nói: "Tôi mặc chiếc áo này đi đến nhà vua, các trưởng giả và thăm viếng đảnh lễ Thế Tôn, là những việc không thể bỏ ngang được".
Ưu Ba Nan Ðà lại nói: "Vì sao ông lại bảo cho tôi chiếc áo khác? Nếu quả thật ông nghĩ rằng tôi không có vải lụa đẹp mà muốn cho tôi thì hãy cho tôi chiếc áo này đi, ngoài ra những cái đẹp khác thì tôi không cần đến".
A Bạt Tra nói: "Nếu thầy cần loại áo này thì hãy theo tôi về nhà, tôi sẽ cho".
Ưu Ba Nan Ðà nói: "Ông chẳng hiểu sự tình, cũng chẳng biết những chuyện rắc rối trong nhà. Giả sử cha mẹ, anh chị em ông hoặc tiếc của, hoặc không bằng lòng, thì dù ông cho, tôi cũng không thể lấy. [302a] Nếu ông không bố thí làm phước được, thì cả 2 đều bất lợi, vì những rắc rối vừa kể, thế nên cho tôi ngay bây giờ là tiện nhất".
Khi ấy A Bạt Tra đã từ chối một cách khó khăn mà vẫn không được liền cởi áo ngoài đưa cho, chỉ mặc có áo trong, rồi đi đến thành Xá Vệ. Bấy giờ nhiều người trong thành đi đến thăm viếng đảnh lễ Thế Tôn, A Bạt Tra bèn hỏi mọi người: "Hôm nay các người định đi đâu thế?".
Họ đáp: "Muốn đến Kỳ Hoàn".
Ông nói: "Chớ có đi".
Họ hỏi: "Vì cớ sao?".
Ông đáp: "Sa môn là kẻ ăn cướp ".
Họ lại hỏi: "Cưỡng đoạt vật của người ta sao?".
Ông đáp: "Lại còn phải hỏi? Các ngươi hãy xem ta mặc hai lớp áo lụa ra đi mà bây giờ chỉ còn một tấm dính trong mình".
Do thế, những người không tin Phật liền trở về lại trong thành, còn những người khác thì nửa tin nửa ngờ, đứng trầm ngâm suy nghĩ. Trái lại những người tin Phật pháp thì suy nghĩ: "Hoàn toàn không thể có việc đó được .Vì Sa môn Thích-tử hễ của người ta không cho thì không lấy, làm sao lại có thể cướp lấy của người! Hoặc là có thể dùng phương tiện thuyết pháp để nhận lấy mà thôi".
Thế rồi một ít người đi đến Kỳ Hoàn đảnh lễ thăm viếng Thế Tôn. Thế Tôn biết mà vẫn hỏi A Nan: "Vì sao hôm nay ít người đến Kỳ Hoàn thế này?".
Lúc ấy Tôn giả A Nan bèn đem sự việc trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi Ưu Ba Nan Ðà đến. Họ liền gọi đến. Khi đến rồi, Phật liền hỏi Ưu Ba Nan Ðà: "Ông có việc đó thật chăng?"
Thầy đáp: "Có thật như vậy, bạch Thế Tôn"
Phật nói: "Này Tỉ-kheo, đó là việc ác. Vì sao Tỉ-kheo lại xin y của người ta một cách cưỡng bức? Há ông không thường nghe ta ca ngợi thiểu dục, chê trách đa dục không biết chán là gì? Từ nay trở đi, Ta không cho phép Tỉ-kheo xin y của cư sĩ và vợ cư sĩ không phải bà con.
Lại nữa, khi Phật ở tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có 60 Tỉ-kheo ở phương Bắc đi đến thành Xá Vệ để thăm viếng đảnh lễ Thế Tôn, nhưng giữa đường họ bị bọn cướp lấy mất y, nên họ phải lõa thể vào Tinh xá Kỳ Hoàn đảnh lễ các Tỉ-kheo. Các Tỉ-kheo bèn hỏi: "Các ngươi là ai vậy?".
Họ đáp: "Là người xuất gia".
Các Tỉ-kheo lại hỏi: "Xuất gia theo đạo nào?
Họ đáp: "Xuất gia theo dòng họ Thích".
Lại hỏi: "Y của các vị đâu mà ở trần như vậy?".
Ðáp: "Chúng tôi đi đường bị bọn cướp lấy mất y".
Bấy giờ các Tỉ-kheo bèn đem y cho mỗi người, hoặc là cho y Tăng-già-lê, hoặc Uất-đa-la-tăng, hoặc An-đà-hội, hoặc Tọa cụ. Các Tỉ-kheo mặc y xong, bèn đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng sang một bên. Phật biết mà vẫn hỏi các Tỉ-kheo: "Các thầy từ đâu đến?".
Họ đáp: "Bạch Thế Tôn! Chúng con từ phương Bắc đến".
Phật lại hỏi: "Các thầy kham nhẫn được khổ cực, khất thực không khó khăn, đi đường không vất vã chứ?".
Ðáp: "Bạch Thế Tôn! Chúng con [302b] kham nhẫn được khổ cực, khất thực không khó khăn, đi đường không vất vả, nhưng giữa đường gặp bọn cướp lấy mất y, phải ở trần vào Tinh xá Kỳ Hoàn".
Phật lại hỏi các Tỉ-kheo: "Thế ra ở dọc đường không có thành ấp xóm làng gì sao?"
Ðáp: "Thưa có".
Phật hỏi: "Vì sao không xin (y)?"
Các Tỉ-kheo bạch với Phật: "Vì chúng con nghe Thế Tôn chế giới không được xin y của những người không phải bà con, mà chúng con không có bà con, cũng không có thí chủ bố thí, vì thế chúng con không dám xin y, mà phải ở trần đến đây".
Phật liền khen ngợi hạnh giữ giới ấy: "Lành thay, lành thay các Tỉ-kheo! Các thầy là những người tùy thuận, thành tín xuất gia, dù gặp phải sự kiện mất mạng cũng không để phạm giới. Từ nay về sau, Ta cho phép những ai mất y được phép xin y".
Rồi Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- "Nếu Tỉ-kheo xin y từ những người cư sĩ, vợ cư sĩ không phải bà con, thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề, ngoại trừ lúc khác. Lúc khác tức là lúc mất y".
Giải thích
(Một số từ ngữ trên đã giải thích)
- Cư sĩ: Tức là người chủ nhà.
- Y: y khâm-bà-la, y kiếp-bối, y sô- ma, y kiêu-xá-da, y xá-na, y ma, y khu-mâu-đề.
- Xin: Hoặc tự mình xin, hoặc nhờ người khác xin. Trừ ra lúc bị mất y mà xin thì không có tội .
- Lúc khác: Lúc bị mất y. Có 10 trường hợp mất y: Hoặc vua đoạt lấy, hoặc bị bọn cướp lấy, hoặc bị lửa cháy, hoặc gió cuốn mất, hoặc bị nước trôi mất, hoặc bị người nữ sinh lòng tham cướp lấy, hoặc bị cha mẹ bà con muốn cho mình bãi đạo mà đoạt lấy, hoặc mình cất giấu rồi sau quên mất chỗ cất, hoặc đem cất rồi y mục nát, hoặc cất lâu ngày y hư hỏng không dùng được nữa.
Ðó gọi là 10 trường hợp mất y. Gặp các trường hợp này đức Thế Tôn bảo là không có tội
- Ni-tát-kì Ba-dạ-đề: Như trên đã nói.
- Ba-dạ-đề: Như trên đã nói .
Nếu Tỉ-kheo sẽ được y trong phạm vi 3 do tuần, mà hiện tại mất y Tăng-già-lê, nhưng y Uất-la-tăng vẫn còn, thì không nên xin y. Nếu mất y Tăng-già-lê, y Uất-đa-la-tăng mà y An-đà-hội vẫn còn, thì không nên xin y. Nếu mất 3 y, mà y che ghẻ còn, thì không nên xin. Nếu mất cả 3 y, y che ghẻ cũng mất mà còn y tắm mưa, thì không nên xin y. Nếu Tỉ-kheo mất 3 y, y che ghẻ, y tắm mưa cũng mất, mà còn tấm vải trải giường, thì không nên xin y. [302c] Nếu Tỉ-kheo mất 3 y, mất y che ghẻ, y tắm mưa và tấm vải trải giường, mà còn miếng vải có chiều dài 2 khuỷu tay thì cũng không nên xin y. Vì sao vậy? Vì Tỉ-kheo có thể mặc áo lót đi trong 3 do tuần để nhận lại y trước của mình. Nếu trên đường đi có những tai nạn, không thể đi tới đó để nhận lại y thì được xin y che mưa, không có tội.
Nếu Tỉ-kheo xin y từ người không phải bà con, hoặc tự xin, hoặc nhờ người khác xin, hoặc ra dấu để xin, hoặc thuyết pháp để xin ...
- Tự mình xin: Tự mình thân hành đến đó xin .
- Sai người khác xin: Sai người khác đến đó để xin .
- Hiện ra tướng để xin: Hiện ra tướng lạnh tướng nóng.
* Thế nào là tướng lạnh?: Nếu Tỉ-kheo vào đêm mồng 8 giữa mùa đông lúc tuyết rơi, mặc y cũ, đến nhà đàn việt, hiện ra tướng lạnh cóng, khi ấy người đàn việt đảnh lễ chân Tỉ-kheo rồi hỏi: "Thưa thầy, thầy không có y hợp thời ư? Vì sao lạnh cóng như thế? "Tỉ-kheo đáp: "Không có. Khi cha mẹ ngươi còn sống thường cúng dường ta y phục hợp thời, nay cha mẹ ngươi đã qua đời, thì ai sắm y cho ta? Chẳng những cha mẹ ngươi đã mất mà cha mẹ ta cũng quá cố cả rồi? ". Người đàn việt liền thưa: "Thưa thầy, thầy đừng oán hận, con sẽ sắm y hợp thời cho thầy ".
Ðó gọi là hiện tướng lạnh để xin y. Nếu được y, thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề.
* Thế nào gọi là hiện tướng nóng?: Ðó là: Vào tháng 5, tháng 6 lúc trời nóng, Tỉ-kheo mặc y vá nhiều lớp toát mồ hôi đi đến nhà đàn việt hiện ra tướng nóng. Bấy giờ người đàn việt lễ chân Tỉ-kheo, hỏi: "Thưa thầy, thầy không có y hợp thời sao mà mặc y dày toát mồ hôi như thế?"Tỉ-kheo bèn đáp: "Không có. Khi cha mẹ ngươi còn sống thường sắm y hợp thời cho ta, nay cha mẹ ngươi đã qua đời thì ai sắm y cho ta nữa. Không những cha mẹ ngươi đã mất mà cha mẹ ta cũng chẳng còn". Người Ðàn-việt liền nói: "Thưa thầy, thầy chớ oán hận, con sẽ sắm y hợp thời cho thầy".
Ðó là hiện tướng nóng để xin y. Nếu được y thì phạm Ni tát kỳ Ba dạ đề.
- Thuyết pháp để xin: Tỉ-kheo vì muốn xin y mà nói kệ cho Ðàn-việt như sau:
"Nếu ai bố thí y
Sẽ sinh cõi tối thắng
Nhờ vui lòng bố thí
Hưởng phước báo nhân thiên
Sinh thiên được sắc đẹp
Ðiểm trang toàn châu báu
Vì cúng y Tỉ-kheo
Ðời đời được áo đẹp".
Ðó gọi là thuyết pháp để xin. Nếu được y thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề.
Nếu xin đãy lọc nước, hoặc xin miếng vải nhỏ để vá y, hoặc khăn trùm đầu, hoặc vải bó ghẻ, hoặc vải làm đệm, nếu xin một trong những loại vải kể trên thì không phạm. [303a] Nếu xin các vật ấy, rồi Ðàn việt bố thí trọn tấm, hoặc cắt ra từng mảnh mà Tỉ-kheo nhận lấy thì không phạm.
Nếu Tỉ-kheo suy nghĩ: "Ta chỉ cần xin những vật nhỏ, đàn việt sẽ tự cho ta", rồi được cả một tấm vải lớn thì phạm Ni-tát -kì Ba-dạ-đề.
Nếu xin cho Hòa thượng, A Xà Lê thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu xin cho tháp, Tăng, thì không phạm. Thế nên nói:
"Nếu Tỉ-kheo xin y từ cư sĩ hoặc vợ cư sĩ không phải bà con thì phạm Ni tát kỳ Ba dạ đề. Ngoại trừ khi khác. Khi khác tức là khi mất y".
(Hết giới Ni-tát-kì thứ sáu) 7. GIỚI: NHẬN VẢI QUÁ MỨC QUY ÐỊNH.
Khi Phật trú tại thành Xá Vệ, có 60 Tỉ-kheo từ phương Bắc đi đến Xá Vệ, giữa đường bị bọn cướp lấy mất y. Lúc các thầy vào Tinh xá Kỳ Hoàn, Ưu Ba Nan Ðà thấy thế, bèn nói với họ: "Này các trưởng lão, đức Thế Tôn đã cho phép các Tỉ-kheo khi bị mất y có thể xin y của những người không phải bà con, vì sao không xin?"
Họ đáp: "Các vị đồng phạm hạnh đã cho y đủ rồi, vì thế nên không xin".
Lúc ấy Ưu Ba Nan Ðà nói: "Nếu dịp này không xin thì mất lợi rất uổng".
Họ đáp: "Chúng tôi đã được y rồi, thì cần gì nói đến việc thất lợi hay không thất lợi?"
Ưu Ba Nan Ðà lại nói với các Tỉ-kheo mất y:
"Các vị nếu không thể xin thì tôi sẽ xin giúp cho các vị".
Họ nói: "Thầy tự biết thời".
Thế rồi, vào buổi sáng sớm, Ưu Ba Nan Ðà khoác y thường mặc, cầm giấy bút vào thành Xá Vệ, nói với các Ưu-bà-tắc: "Các vị hãy giúp tôi xin y".
Các Ưu-bà-tắc hỏi: "Vì lý do gì mà xin?"
Thầy đáp: "Vì có các Tỉ-kheo từ phương Bắc đến, giữa đường bị bọn cướp lấy hết y vật, nên phải xin y giúp họ".
Ưu-bà-tắc nói: "Ðược".
Khi ấy họ bèn dẫn nhau đến các cửa hàng để khuyến hóa. Vì lúc bấy giờ nhiều người có lòng tín kính, nên xin được chỗ thì một tấm vải, chỗ thì 2 tấm. Như vậy dần dần được khá nhiều y vật, họ phải gánh đi. Có thể nói là đã xin được một phần tư trong những nhà có tín tâm, nhưng vẫn còn muốn xin nữa. Các Ưu-bà-tắc liền nói: "Thưa thầy, có lẽ đủ rồi, chúng ta trở về".
Ưu Ba Nan Ðà nói: "Than ôi Lão trượng! gì mà gấp gáp thế! Ta xin mới có chừng ấy chưa nên đi về. Vì sao vậy? Vì hễ nhiều người bố thí thì nhiều người được phước. Bọn tôi là người xuất gia, ăn uống có thì giờ nhất định, còn chưa muốn trở về, Các vị là người tại gia ăn lúc nào cũng được, không sợ sai giờ giấc, thì có việc gì gấp gáp mà muốn vội vã trở về?à".
Thế rồi, họ bèn tiếp tục đi xin nữa.
Các Ưu-bà-tắc lại nói: "Có lẽ đủ rồi thưa thầy".
Ưu Ba Nan Ðà nói: "Vẫn chưa đủ".
Các Ưu-bà-tắc hỏi: "Có bao nhiêu người vậy?".
Thầy đáp: "Nhiều người".
Họ lại hỏi: "Nhiều người là bao nhiêu?".
Thầy lớn tiếng nói: "Có 60 Tỉ-kheo".
Các Ưu-bà-tắc nói: "[303b] Thưa thầy, số vải này có thể cung cấp cho 500 Tỉ-kheo (cũng đủ) huống gì 60 người, vì sao còn xin nữa, muốn làm sập tiệm người ta chăng?"
Họ liền ném giấy bút xuống đất, giận dữ nói: "Ở đâu mà sinh ra cái loại người tham cầu nhiều, không chán, không biết chừng nào là đủ thế này!"
Bấy giờ có thầy Tỉ-kheo ít dục biết đủ, nghe lời nói ấy, bèn đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Ưu Ba Nan Ðà đến. Họ bèn gọi đến. Phật liền hỏi kỹ việc trên: "Ông có làm điều đó thật không?".
Thầy đáp: "Có thật, bạch Thế Tôn".
Phật hỏi Ưu Ba Nan Ðà: "Vì sao mà xin?"
Thầy đáp: "Con vì các Tỉ-kheo bị mất y mà xin".
Phật liền gọi các Tỉ-kheo bị mất y đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi: "Này các Tỉ-kheo, có thật các thầy nhờ Ưu Ba Nan Ðà xin y giúp không?"
Họ đáp: "Thưa không, bạch Thế Tôn".
Phật lại hỏi họ vì sao Ưu Ba Nan Ðà làm việc đó. Họ bèn đem sự việc trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền nói với Ưu Ba Nan Ðà: "Này kẻ ngu si, đó là việc xấu, lúc không nên xin thì lại xin, lúc nên xin thì lại không xin. Ông không từng nghe ta dùng vô số phương tiện để khen ngợi sự ít muốn, chê trách sự ham muốn nhiều là gì! Ðó là điều phi pháp, trái luật, không phải là điều ta dạy, không thể dùng việc này để nuôi lớn thiện pháp được".
Sau khi Phật quở trách đủ điều rồi truyền lệnh các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu khi Tỉ-kheo bị mất y thì có thể xin y từ cư sĩ, vợ cư sĩ, không phải bà con. Nếu cư sĩ, vợ cư sĩ không phải bà con tùy hỉ cho nhiều vải, thì Tỉ-kheo chỉ được nhận 2 tấm y thượng hạ, quá số đó sẽ phạm Ni tát kỳ Ba dạ đề".
Giải thích:
(Một số từ trên đã giải thích)
- Tùy hỉ: Tùy ý cho.
- Thượng hạ y: Có thể nhận 2 tấm vải chiều dài 5 khuỷu tay, chiều rộng 3 khuỷu tay, nếu nhận quá số đó phạm Ni tát kỳ Ba dạ đề.
- Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đề: Trên đã giải thích.
[303c] Nếu Tỉ-kheo cùng đi đường với khách buôn mà gặp bọn cướp từ 1 phương, 2 phương hay 3 phương đến, thì phải tùy nghi chạy lánh bọn cướp. Nếu bọn cướp ập đến từ 4 phía không thể chạy được, thì nên đứng nghiêm chỉnh, không được xô xát với chúng. Nếu bọn cướp bảo lấy y Tăng-già-lê đưa, thì nên đáp: "Ðây này lão trượng". Như vậy, tùy theo chúng đòi nhiều ít mà đưa cho chúng, chứ không được giận dữ lớn tiếng mắng chửi bọn chúng. Sau khi đưa y vật rồi, nên từ từ đi vào rừng núp để dò xét chúng từ xa, chờ sau khi bọn cướp đi rồi, nếu còn những y vật thừa chúng bỏ lại, thì có thể lấy dùng.
Nếu không còn cái y dư nào, mà trong số các Tỉ-kheo hoặc ngoại đạo xuất gia có người bị bọn cướp giết chết, thì có thể lấy y của họ sử dụng. Nếu không có người xuất gia chết mà có người thế tục chết, thì nên lấy áo của họ cắt may, tác tịnh rồi mới mặc. Nếu không có áo của người chết mà có áo đẹp của khách buôn bỏ lại thì không nên lấy. Nếu áo họ bỏ lại thô xấu, thì nên lấy dùng. Nếu khách buôn quay trở lại, gọi Tỉ-kheo đến cho áo tốt, thì nên lấy, lấy xong đem cắt may, dùng phân bò nhuộm tác tịnh, rồi mới dùng. Nếu người khách buôn ấy nói với Tỉ-kheo: "Tôi cho ông mượn chiếc áo này mặc đi tới chỗ dừng chân rồi trả lại tôi, đừng làm hư hỏng", thì Tỉ-kheo nên lấy chiếc áo đó gấp lại, may qua loa, không để lộ dấu tác tịnh, mặc tạm, đi đến chỗ dừng chân, rồi trả lại họ. Nếu không có các trường hợp ấy thì nên hái lá cây che trước sau thân mà đi.
Nếu không có lá cây thì nên dùng tay che ở trước thân mình và đi bên lề đường, chứ không nên đi ngang nhiên giữa đường như bọn Ni kiền tử. Cũng không được đi sâu vào trong rừng khiến cho bọn cướp tưởng lầm là rình bắt chúng, mà chỉ nên đi dọc theo bên đường trong những chỗ cỏ thưa.
Khi đi, nếu gặp người ta đến, thì phải giả vờ ngồi tiểu tại chổ cỏ thưa để cho họ trông thấy. Nếu họ hỏi: "Ông là ai?"Thì phải đáp: "Người xuất gia"Nếu họ hỏi nữa: "Xuất gia theo đạo nào?"Thì đáp: "Xuất gia theo dòng họ Thích". Lại hỏi: "Vì sao mà lỏa thể?", thì đáp: "Bị bọn cướp lấy mất đồ". Thế rồi, nếu không xin mà họ tự cho nhiều áo, thì lấy không có tội. Nếu họ không cho thì nên xin họ. Khi xin mà họ cho nhiều vải thì chỉ nên lấy 2 tấm, mỗi tấm chiều dài 5 khuỷu tay, chiều rộng 3 khuỷu tay mà thôi. Nếu không gặp trường hợp đó thì nên đi đến các người quen biết ở nơi hoang vắng xin y mà dùng.
Nếu không có nơi hoang vắng [304a] thì nên đến nghĩa trang. Nếu có người giữ nghĩa trang thì nên nói với họ: "Tôi muốn nhặt những chiếc áo hư". Nếu người giữ nghĩa trang bảo lấy, và lấy rồi đưa cho họ xem, thì nên lấy rồi giơ cho họ xem. Nếu lấy áo từ thây của một người nữ mới chết thân chưa hủy hoại, thì nên đến phía đầu mà lấy. Nếu thân đã hư hoại thì được tùy ý lấy. Hoặc là áo của thây chết đàn ông, cũng được tùy ý lấy. Nếu áo của thây chết có châu báu thì nên dùng chân gạt châu báu ra rồi lấy áo mà đi. Nếu không biết là có châu báu, đem về tới Tinh xá mới biết có châu báu, thì nên sai tịnh nhân (cư sĩ ở chùa) lấy đổi dược phẩm. Nếu người giữ nghĩa trang nói với Tỉ-kheo: "Cho ông được lấy áo xấu, còn áo tốt thì chớ lấy". Nhưng Tỉ-kheo đến nghĩa trang, không thấy áo xấu mà thấy có nhiều áo tốt, thì nên cầm đến nói với người giữ nghĩa trang: "Chỉ có những áo tốt này thôi". Nếu họ cho lấy thì liền lấy. Nếu họ nói những cái đó tốt không cho ông lấy, thì Tỉ-kheo nên trả lại, xin cái khác. Nếu họ bảo Tỉ-kheo lấy áo dưới đất thì nên lấy áo dưới đất. Nếu họ bảo lấy áo ở trên không, thì nên lấy áo ở trên không. Nếu áo còn tốt một nữa dưới đất một nữa trên không thì nên cắt lấy một nửa.
Nếu không có trường hợp như thế, thì nên đến trú xứ của Tỉ-kheo ở ngoại vi thôn xóm, chứ không đi vào thôn xóm lúc ban ngày. Và nên đợi lúc hoàng hôn, khi mục đồng lùa bò về mà đi theo đàn bò, cũng không nên đi bên cạnh những con bò đực khỏe mạnh, mà nên đi gần những con bò con ốm yếu. Khi thấy có người thì nên ngồi xuống. Nếu họ hỏi: "Ông là ai?"thì nên đáp: "Là người xuất gia". Lại hỏi: "Xuất gia theo đạo nào?"Thì đáp: "Xuất gia theo dòng họ Thích". Lại hỏi: "Y phục ông đâu?"Thì đáp: "Bị bọn cướp lấy hết cả".
Bấy giờ, nếu không xin mà họ tự cho thì được lấy nhiều ít tùy ý. Nếu họ không cho, thì nên xin họ. Khi xin, nếu họ cho nhiều thì nên lấy 2 cái, mỗi cái chiều dài 5 khuỷu tay, chiều rộng 3 khuỷu tay mà thôi.
Nếu không có trường hợp như thế, thì nên đến Tinh xá hỏi cựu Tỉ-kheo xem ai là Duy na, ai là người coi sóc giường nệm. Khi họ đã chỉ cho biết đối tượng, thì Tỉ-kheo nên đến vị Tỉ-kheo tri sự ấy hỏi rằng: "Tỉ-kheo chừng ấy tuổi thì được giường nệm ngoa cụ như thế nào?"Nếu họ đáp rằng: "Tỉ-kheo chừng ấy tuổi thì được giường nệm ngọa cụ như thế đó". Bấy giờ Tỉ-kheo nhận được mền rồi liền mở ra, lấy lông tóc buộc một chỗ làm dấu bên trong để dùng làm quần, nhận được gối cũng mở ra, lấy lông tóc buộc một chỗ làm dấu bên trong để dùng làm áo lót, và được ngọa cụ cũng lấy làm dấu. Xong đâu đó, nên đi lễ tháp, lễ Thượng-tọa, thăm hỏi Hạ-tọa, rồi trình bày: "Lúc đi đường, tôi bị bọn cướp lấy mất y, mong thầy hãy giúp tôi xin y". Nếu Cựu Tỉ-kheo nói: "[304b] Thầy như con quạ đói, chân không đậu một chỗ thì ai mà giúp thầy. Có lẽ chủ quán rượu hoặc nhà chứa cờ bạc đã cướp y thầy, hoặc là thầy đem đổi thức ăn rồi bảo là bị cướp lấy, để nhờ người ta xin giúp chớ gì?"
Nếu gặp trường hợp như thế, thì nên đến nhà Ưu-bà-tắc, nói: "Này lão trượng, tôi đi đường bị bọn cướp lấy mất y, các vị hãy giúp tôi xin y". Nếu khi ấy Họ đáp: "Thưa thầy, có thể được", rồi họ xin giúp được nhiều vải, thì Tỉ-kheo chỉ nên lấy 2 tấm mỗi tấm chiều dài 5 khuỷu tay, chiều rộng 3 khuỷu tay mà thôi. Lúc ấy Ưu-bà-tắc nói với Tỉ-kheo: "Thầy có thể dùng phương tiện lấy giúp hết số vải này không?". Thì nên đáp: "Ông có thể chọn 2 tấm lụa nhỏ rồi mang đến đây". Nếu Ưu-bà-tắc khéo léo linh động, sẽ đưa Tỉ-kheo ra ngoài đại giới, nói: "Thưa thầy, số vải này dùng bố thí hiện tiền Tăng, mà hiện tại không có chư Tăng, chỉ có thầy hiện diện, vậy xin nhận giúp", thì khi ấy Tỉ-kheo nhận, không có tội.
Nếu Ưu-bà-tắc đưa cho tấm lụa lớn thì Tỉ-kheo nên cắt ra, rồi lấy 2 tấm. Nếu họ hỏi vì sao vậy, thì hãy đáp: Vì Thế Tôn chế giới chỉ được lấy 2 tấm vải. Rồi Ưu-bà-tắc lại bảo: "Thầy hãy đem đi nhuộm", thì Tỉ-kheo đem đi nhuộm rồi mang trả lại. Ưu-bà-tắc lại nói: "Khi chưa nhuộm là áo của người thế tục mà tôi còn không thích, huống gì giờ đây đã nhuộm thành hoại sắc, chính là màu áo của người xuất gia, thì tôi còn lấy làm gì". Khi ấy Tỉ-kheo được phép lấy, may y, tùy ý sử dụng. Thế rồi các thứ mền, áo gối mà trước kia đã dùng làm tạm quần áo lót, Tỉ-kheo phải đem nhuộm hoàn lại vị trí dụng cụ mền, áo gối ... mà trả lại thầy tri sự, rồi mới ra đi. Nếu muốn ở lại đó thì tùy ý xin phép ở lại chứ không được ngang nhiên ở lại. Thế nên nói:
"Nếu Tỉ-kheo bị mất y thì được phép xin vải từ Cư sĩ và vợ Cư sĩ không phải bà con. Nếu Cư sĩ, vợ cư sĩ không phải bà con cho nhiều vải, Tỉ-kheo chỉ được lấy 2 tấm thượng, hạ, quá số đó, thì phạm Ni tát kỳ Ba dạ đề.
(Hết giới Ni-tát-kì thứ 7) 8. GIỚI: XIN TĂNG THÊM TIỀN SẮM Y.
Khi Phật trú tại thành Xá Vệ, có Vị Tỉ-kheo đến giờ khất thực, bèn khoác y, cầm bát vào thành tuần tự khất thực. Khi tới một nhà kia, bà chủ nhà ấy bèn nói với Tỉ-kheo: "Thưa thầy,ngày đó tôi sẽ cúng dường cơm và bố thí y cho chư Tăng".
Tỉ-kheo nói: "Lành thay các chị em! Dùng tài sản để tạo nên 3 thân kiên cố, mong rằng trong việc làm đó không gặp gì trắc trở". Nói thế rồi ra đi. Khi khất thực xong trở về tịnh thất, thầy nói với các Tỉ-kheo: "Tôi báo cho các trưởng lão biết một tin vui".
Các Tỉ-kheo hỏi: "Tin vui gì thế?".
Thầy đáp: "Tôi nghe vị Ưu-bà-di nọ một ngày kia sẽ thỉnh chư Tăng thọ trai và cúng dường y".
Khi nghe nói thế, Nan Ðà, Ưu Ba Nan Ðà liền hỏi: "Trưởng lão, nhà ấy ở xóm nào? Tên họ người ấy là gì?"
[304c] Hỏi rõ sự việc xong, sáng sớm hôm sau, 2 vị này khoác y đến gia đình ấy, chào hỏi: "Ưu-bà-di mạnh khỏe chứ?"
Ưu-bà-di đáp: "Kính chào thầy".
Tỉ-kheo nói: "Tôi vừa nghe có tin vui".
Người ấy hỏi: "Thầy nghe tin gì vậy?"
Ðáp: "Nghe rằng bà định thỉnh chư Tăng cúng dường trai phạn và bố thí y".
Bà ta nói: "Tôi có ý định đó, nhưng sợ nửa chừng gặp trục trặc không thành".
Các Tỉ-kheo nói: "Nếu bà thỉnh chư Tăng cúng dường, bố thí vải thì nên cúng dường các trưởng lão Tỉ-kheo thứ vải tốt, còn vải xấu nên cúng dường cho Sa-di. Nếu cúng dường vải tốt cho tôi, tôi sẽ mặc đi vào Vương cung, vào các nhà hào quý và lễ Phật. Nếu có ai hỏi, tôi sẽ nói là y do Ưu-bà-di có tín tâm mỗ giáp cúng cho tôi, bấy giờ bà sẽ được tiếng khen và công đức".
Bà nói: "Nhưng tôi không có hứa cúng dường chư Tăng. Nếu có thì tôi sẽ dành đặc biệt (cho thầy)".
Tỉ-kheo nói: "Cho hay không cho tùy ý bà".
Nói xong liền ra đi.
Người Ðàn-việt ấy bèn suy nghĩ: "Nếu cúng dường thầy đó, không cúng dường Tăng là ruộng phước tốt (thì ta thất hứa). Còn nếu không cúng dường cho thầy thì sợ thầy dựa thế lực vua chúa có thể làm điều bất lợi ". Do sợ thầy ấy mà bà không cúng dường chư Tăng, và vì bà không hoan hỉ nên không cúng dường cả hai.
Các Tỉ-kheo nói với Tỉ-kheo khất thực ấy: "Việc thầy nghe trước đây tuyệt nhiên không thấy có tin tức gì cả".
Tỉ-kheo khất thực nói: "Tôi biết chắc ngày mai đây mà".
Thế rồi, sáng sớm hôm sau thầy khoác y thường mặc, đi tới nhà ấy, hỏi Ưu-bà-di: "Vì sao không thấy bày biện ra các thức ẩm thực?".
Bà ta nói: "Thưa thầy, tại vì Nan Ðà, Ưu Ba Nan Ðà phá vỡ thiện tâm của tôi".
Thầy hỏi: "Vì cớ gì?".
Bà liền trình bày đầy đủ sự việc kể trên. Thầy Tỉ-kheo khất thực nghe xong bèn trở về nói lại với các Tỉ-kheo.
Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Nan Ðà, Ưu Ba Nan Ðà đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi: "Các ông có việc ấy thực không?"
Họ đáp: "Thưa có thực như vậy".
Phật nói: "Các ông là kẻ ngu si. Ðó là việc xấu, các ông đã làm cho cả 2 đều mất lợi ích: Người bố thí mất phước, người nhận thí mất lợi. Các ông không từng nghe ta dùng vô số phương tiện chê trách đa dục, khen ngợi thiểu dục hay sao? Vì sao người ta không tự nguyện thỉnh cầu mà vì muốn y đẹp, các ông lại đến khuyên người ta bố thí? Ðó là việc phi pháp, trái luật, không đúng lời ta dạy. Không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được".
Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- "Nếu vợ chồng cư sĩ, vì Tỉ-kheo, chuẩn bị số tiền sắm y, rồi bàn nhau: "Chúng ta chuẩn bị số tiền như thế để mua chiếc y như thế [305a] cho Tỉ-kheo mỗ giáp". Vị Tỉ-kheo này trước đó không được cư sĩ tự nguyện hứa cúng y mà vì thích đẹp nên đến nhà họ nói như sau: "Ông bà hãy sắm cho tôi chiếc y như vậy", thì khi được y phạm Ni tát kỳ Ba dạ đề".
Giải thích
- Vị Tỉ-kheo: Hoặc là chư Tăng, hoặc là nhiều người, hoặc là một người.
- Cư sĩ: Như trên đã nói.
- Y: Trên đã nói.
- Giá y: Trị giá bằng các thứ vàng bạc châu báu .v.v.
- Ra giá: Như nói: Hôm nay, hoặc là ngày mai, hoặc nửa tháng, hoặc một tháng nữa, tôi cần chiếc y như vậy, như vậy đáng giá như vậy, để cho Tỉ-kheo mỗ giáp. Ðó gọi là ra giá.
- Trước đó không tự nguyện thỉnh cầu: Mình biết trước là họ không tự ý thỉnh cầu mà bảo rằng họ tự ý thỉnh cầu. Hoặc biết họ tự nguyện thỉnh các Tỉ-kheo khác mà bảo là họ tự nguyện thỉnh mình. Hoặc biết họ tự nguyện thỉnh đến bố thí những vật khác mà nói là họ tự nguyện thỉnh tôi đến bố thí y.
- Ði đến: Hoặc đến ruộng của cư sĩ, hoặc đến nhà hoặc vào trong nhà.
- Yêu cầu: Như nói: Tôi cần màu xanh, hoặc màu vàng, hoặc màu đỏ, hoặc màu đen, hoặc các màu sắc khác. Hoặc dài hoặc rộng, hoặc dài rộng chừng ấy. Nếu họ cho theo yêu cầu của mình, hoặc họ cho vật khác thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề.
- Vì thích đẹp: Thích đẹp có: Tri túc hảo, bất tri túc hảo, thô túc hảo.
- Tri túc hảo: Nếu họ cho vải mịn (vải sợi nhỏ), mình liền bảo: "Tôi cần vải thô". Ðó gọi là tri túc hảo (thích cái đẹp trong sự vừa đủ). Nếu nhận được thì phạm Ni tát kỳ.
- Bất tri túc hảo: Khi người ta cho y xấu, liền nói: "Nếu cho tôi y xấu, tôi không thèm mặc, vì tôi là hạng người cao quý, phải cho tôi y tốt". Ðó gọi là Bất tri túc hảo.
- Thô túc hảo: Khi họ cho y mịn màng liền nói: Tôi không dùng y tốt này, vì tôi là người sống ở nơi hoang vắng như con nai trong rừng, nghỉ chỗ đất trống, nên cho tôi y thô xấu đủ che lạnh nóng mưa gió mà thôi". Ðó gọi là thô túc hảo. Nếu nhận được thì phạm Ni tát kỳ Ba dạ đề.
- Ni-tát-kì Ba-dạ-đề: Trên đã giải thích.
Thế nên đức thế Tôn nói với các Tỉ-kheo:
"Nếu cư sĩ, vợ cơ sĩ v.v.., cho đến vì thích đẹp mà được y, thì phạm Ni tát kỳ Ba dạ đề".
(Hết giới Ni-tát-kì thứ 8) 9. GIỚI: ÐÒI TIỀN Y QUÁ HẠN.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, có thầy Tỉ-kheo đến giờ khất thực bèn mặc y thường mặc, cầm bát vào thành tuần tự khất thực. Bấy giờ có người vợ cư sĩ nói với Tỉ-kheo như trên. Nhưng đó là một cư sĩ nói. Còn ở đây có 2 gia đình cư sĩ mà ý kiến khác nhau thì Tỉ-kheo [305b] nghe rồi cũng phải nghe lại cho rõ. Nếu cả 2 gia đình vợ chồng cư sĩ ấy đều bàn bạc về giá cả của y và nói như sau: "Chúng tôi sẽ sắm y như vậy như vậy, giá cả như vậy như vậy, để cho Tỉ-kheo mỗ giáp". Nhưng trước đó họ không tự ý thỉnh mời mà Tỉ-kheo vì muốn y tốt nên đến 2 nhà cư sĩ, nói: "Cả 2 nhà nên chung sức sắm cho tôi một chiếc y như vậy, với giá trị như thế". Vị này vì thích đẹp, nên nếu được y thì phạm Ni tát kỳ Ba dạ đề.
Trong đây như trường hợp một cư sĩ đã nói rõ ở trên, nhưng 2 cư sĩ thì khác.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, vua Bình Sa có 2 vị đại thần, người thứ nhất là Ni-đề, người thứ 2 tên là Bà-lợi-sa. Vào mùa thu, nhân dân thu hoạch xong, bèn vận chuyển lương thực vào thành. Khi ấy tuyết rơi lạnh, hai vị Ðại thần suy nghĩ: "Hằng năm chúng ta thường mời thầy Nan-Ðà và Ưu Ba Nan Ðà về nhà cúng dường trai phạn và y phục, không biết hiện giờ họ ở đâu". Có người nói: "Họ đang ở tại thành Xá Vệ".
Lúc ấy, 2 vị Ðại thần bèn sai sứ giả mang thư và 800 đồng tiền cũ đến đưa cho Nan Ðà và Ưu Ba Nan Ðà, và dặn họ phải mang thư hồi âm về báo lại. Sứ giả đi đến Tinh xá Kỳ Hoàn bèn hỏi thầy tri khách: "Phòng của Nan Ðà, Ưu Ba Nan Ðà ở đâu?"
Lúc ấy các Tỉ-kheo liền chỉ, nói: "Phòng này đây".
Sứ giả liền bước vào phòng, đảnh lễ, rồi hỏi: "Thầy có phải là Ưu Ba Nan Ðà không?"
Thầy đáp: "Phải. Ông muốn hỏi điều gì?"
Sứ giả đáp: "Hai vị Ðại thần của Vua Bình Sa là Ni-đề và Ba-lợi-Sa sai tôi đem thư và 800 đồng tiền cũ đến thầy, và xin thư hồi âm".
Khi ấy có Ưu-bà-tắc tên Pháp-dự, Ưu Ba Nan Ðà bèn nói với ông ta: "Ông hãy đếm xem số tiền sắm y này có phù hợp với lá thư không".
Ông ta bèn đếm thì thấy số tiền ấy phù hợp với thư, liền viết thư phúc đáp và sai sứ giả đem về. Thế rồi, Pháp-dự định đi về, liền bạch với Ưu Ba Nan Ðà: "Thưa Tôn giả, tiền sắm y này nên để ở đâu?"
Ưu Ba Nan Ðà đáp: "Nên để bên ông".
Ưu-bà-tắc bèn mang về nhà, nhưng chờ một ngày, 2 ngày, 3 ngày mà không thấy Ưu Ba Nan Ðà đến lấy. Vì thầy bận nhiều việc nên quên không đến lấy. Khi ấy, trong nhà Ưu-bà-tắc đang thiếu tiền, nên ông mượn số tiền ấy dùng tạm rồi sau sẽ hoàn lại. Mới vừa tiêu xong, thì ngay trong ngày ấy, Nan-Ðà bảo Ưu Ba Nan Ðà đến đòi lại số tiền sắm y. Ưu-bà-tắc nói: "Khi tôi mang tiền về nhà chờ Tôn giả 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày mà không thấy đến lấy, nhân trong nhà đang thiếu ít tiền, nên tôi mượn dùng tạm rồi sẽ hoàn trả lại".
Ưu Ba Nan Ðà liền giận dữ nói: "Ông là người không thể gởi gấm được! Ðó là tiền của tôi, vì sao tự tiện sử dụng?"
Thế rồi, Nan-đà nói với [305c] Ưu Ba Nan Ðà rằng: "Vật ấy không thể đòi trực tiếp được", bèn báo với quan đến bắt ông ta đi.
Khi ấy dân chúng thấy thế, liền chê trách đủ điều, rằng: "Sa môn Thích tử tự cho mình thánh thiện tốt đẹp, thế mà người đàn Việt kia thường cung cấp cho họ, họ lại nỡ làm khốn khổ như vậy đó, huống gì người khác! Thực là mất hết phép tắc Sa môn, làm ác như vậy thì còn có đạo đức gì nữa!’’.
Ưu Ba Nan Ðà nghe thế lấy làm xấu hổ, liền thả ông ta đi.
Các Tỉ-kheo nghe việc ấy bèn đến bạch với Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Ưu Ba Nan Ðà đến. Khi thầy tới rồi, Phật liền hỏi: "Ưu Ba Nan Ðà, ông có làm việc đó thật chăng?"
Thầy đáp: "Có thật như thế, bạch Thế Tôn".
Phật bèn khiển trách Ưu Ba Nan Ðà: "Ðó là việc ác. Ông không từng nghe ta dùng vô số phương tiện để chê trách sự đa dục, khen ngợi thiểu dục hay sao? Ðó là điều phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được. Từ nay trở đi ta không cho phép đến đòi như thế nữa".
Lại nữa khi Phật an trú tại thành Xá Vệ có Ưu-bà-tắc Pháp-dự thường mời các Tỉ-kheo tuần tự thọ trai. Ðến phiên Tỉ-kheo đến nhà ấy thọ trai, Pháp-dự hỏi: "Vì sao không thấy Ưu Ba Nan Ðà đến nhận lại tiền? Khi tôi chưa có tiền thì đòi một cách khẩn thiết giữa mọi người, nay tôi có tiền thì không thấy đến lấy".
Các Tỉ-kheo nói: "Phật chế giới không được đến đòi".
Pháp-dự nói: "Nếu không cho đòi thì vì sao không đến đây đứng im lặng, tôi sẽ hiểu ý?"
Thầy Tỉ-kheo ấy ăn xong trở về nói với Các Tỉ-kheo. Các Tỉ-kheo bèn đem việc đó đến bạch với Thế Tôn. Phật bèn nói với các Tỉ-kheo: "Ông Ưu-bà-tắc Pháp-dự này là kẻ thông minh, có trí tuệ, và có phương tiện quyền biến. Từ nay ta cho phép các Tỉ-kheo 3 lần đến đòi, 6 lần đến đứng im lặng".
Rồi Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- "Nếu Vua hay Ðại thần sai sứ giả mang tiền sắm y đến cho Tỉ-kheo, rồi sứ giả đến chỗ Tỉ-kheo nói: "Tôn giả, đây là tiền sắm y của Vua, của vị đại thần kia đưa cho tôn giả, tôn giả hãy nhận lấy". Tỉ-kheo này nên nói với sứ giả như sau: "Phép của các Tỉ-kheo không được nhận tiền sắm y. Khi nào ta cần y thanh tịnh (hợp pháp), ta sẽ tự tay nhận tiền để sắm y". Sứ giả nên hỏi Tỉ-kheo: "Thưa Tôn giả! có người chức sự, thường xử lý công việc cho các Tỉ-kheo không?". Tỉ-kheo này nên chỉ cho sứ giả người chức sự như người làm vườn hoặc cư sĩ ở chùa, và nói: "Những người đó thường hay giúp việc cho các Tỉ-kheo". Bấy giờ, sứ giả đến chỗ người chức sự [306a] nói: "Lành thay ông chức sự! Số tiền sắm y như thế này đây dùng để sắm y như vậy, như vậy cho Tỉ-kheo mỗ giáp. Khi nào Tỉ-kheo ấy cần y đến lấy, thì ông nên đưa y cho thầy". Sứ giả này tự mình khuyến dụ, hoặc nhờ người khác khuyến dụ xong, trở lại chỗ Tỉ-kheo, thưa: "Thưa Tôn giả, người chức sự mà Tôn giả đã chỉ tôi đã đến nhờ ông ta may y cho Tôn giả. Khi nào Tôn giả cần y cứ đến lấy, ông ta sẽ đưa y cho Tôn giả".
-- Thầy Tỉ-kheo khi cần y nên đến chỗ người chức sự đòi y, nói như sau: "Tôi cần y". đòi đến lần thứ 2 thứ 3 cũng như thế. Nếu được y thì tốt, nếu không được thì lại đến trước người chức sự đứng im lặng đến lần thứ tư thứ năm, thứ sáu, mà được y thì tốt. Nếu không được mà cứ đến đòi hơn sáu lần thì khi được y, sẽ phạm Ni-tát-kì Ba - dạ- đề.
Nếu không được y, thì hoặc tự đi, hoặc nhờ sứ giả tới người đưa tiền sắm y, nói như sau: "Ông đưa tiền sắm y cho Tỉ-kheo mỗ giáp, nhưng rốt cuộc Tỉ-kheo mỗ giáp không được y. Vậy ông hãy đến lấy lại tiền y kẻo bị mất". Việc này nên làm như vậy".
Giải thích
- Vua: Như đã nói trong giới ăn trộm.
- Bề tôi của Vua: Kể cả viên Tiểu lại biết trông coi việc quan đều gọi là bề tôi.
- Sứ giả: Hoặc trai, hoặc gái, hoặc lớn, hoặc nhỏ, hoặc tại gia, xuất gia.
- Y: Như trên đã nói.
- Tiền sắm y: Tiền, vàng bạc, châu báu, lưu ly, hà bối, san hô, hổ phách, xà cừ, mã não, Xích bảo, đồng, thiết, bạch lạp, chì .v.v. Ðó gọi là tiền sắm y.
- Người làm vườn: Người tịnh nhân phụng sự chúng Tăng, gọi là người làm vườn.
- Ưu-bà-tắc: Người đã thọ 3 quy y, giữ được một phần giới, giữ được một ít giới, giữ được nhiều giới, giữ được giới trọn vẹn, làm một cách nhuần nhuyễn. Người được như thế gọi là Ưu-bà-tắc.
- Nói 3 lần: Không phải chỉ trong một lần đi về, nói 3 lời, mà là đi về đòi 3 lần, thì gọi là nói 3 lần.
- Hoặc 4, 5, 6 lần đến đứng im lặng: Không phải một lần đến đứng im lặng rồi trở về mà là 6 lần đến đứng im lặng rồi trở về. Nghĩa là một lần tự mình đến đòi, một lần sai sứ đến đứng im lặng. Một lần tự mình đến đòi, 2 lần sai sứ đến đứng im lặng. Một lần tự mình đến đòi, 3 lần sai sứ đến đứng im lặng. Một lần tự mình đến đòi, 4 lần sai sứ đến đứng im lặng. Một lần tự mình đến đòi, 5 lần sai sứ đến đứng im lặng. Một lần tự mình đến đòi, 6 lần sai sứ đến đứng im lặng. Hai lần tự mình đến hỏi, 3 lần tự mình đến hỏi cũng như vậy. Hoặc là một lần sai sứ đến đòi, một lần tự mình đến đứng im lặng. Một lần sai sứ đến đòi, 2 lần tự mình đến đứng im lặng. Một lần sai sứ đến đòi, 3 lần tự mình đến đứng im lặng. Một lần sai sứ đến đòi, 4 lần tự mình đến đứng im lặng. Một lần sai sứ đến đòi, 5 lần tự mình đến đứng im lặng [306b]. Một lần sai sứ đến đòi, 6 lần tự mình đến đứng im lặng. Thế rồi, 2 lần sai sứ đến hỏi, 3 lần sai sứ đến hỏi cũng như vậy. Hai lần tự mình đến đòi, 3 lần tự mình đến hỏi cũng như vậy. Sai sứ đến đòi, sai sứ đến đứng im lặng 3 lần cũng như vậy.
Nghĩa là 3 lần đến đòi, 6 lần đến đứng im lặng. Thời gian hoặc hoãn hoặc gấp.
- Thế nào là hoãn?
Nếu Tỉ-kheo đến nhà đàn việt đòi y, hỏi rằng: "Lão trượng đưa cho tôi số tiền sắm y". Rồi đàn việt đáp: "Tôn giả, một tháng nữa hãy đến". Tỉ-kheo đợi đủ một tháng lại đến đòi.
Nếu đàn việt lại nói: "Một tháng nữa lại đến". Rồi Tỉ-kheo đợi đủ một tháng lại đến đòi. Bấy giờ đàn việt lại nói: "Tôn giả, một tháng nữa lại đến"Tỉ-kheo đợi đủ một tháng lại đến đòi. Khi đã qua 3 tháng rồi thì không được đến đòi nữa.
Hoặc họ nói: "Nửa tháng nữa đến lấy", thì quá 3 lần nửa tháng, không được đến đòi nữa.
Hoặc họ nói: "Mười ngày, 5 ngày, 4 ngày, 3 ngày, 2 ngày, 1 ngày, một chốc lát..."mà quá 3 chốc lát thì không được đến đòi nữa.
Khi Tỉ-kheo này 6 lần đến đứng mà đàn việt nói: "Tôi biết Tôn giả đến đứng có ý gì rồi, vậy một tháng nữa hãy đến". Thì Tỉ-kheo đợi đủ một tháng sẽ đến đứng im lặng. Cứ như vậy đủ 6 tháng đến đứng im lặng rồi thì không được đến nữa.
Hoặc họ nói: "Nửa tháng, 10 ngày, 5 ngày, 4 ngày, 3 ngày, 2 ngày, 1 ngày, trong khoảnh khắc". Mà quá 6 khoảnh khắc rồi, thì không được đến đứng im lặng nữa. Thế thì thời gian đứng im lặng là bao lâu? - Khoảng thời gian ấy bằng thời gian một người vào phòng lấy mũ đội lên đầu, hoặc như khoảng thời gian khoác áo vào, rồi ra đi. Nếu Tỉ-kheo tạo phương tiện hiện ra tướng trạng bằng cách cầm y, bát, tích trượng, bình nước, đi qua nhà người mình đã gởi tiền trước kia, rồi người đó hỏi: "Tôn giả định đi đâu vậy?". Bèn đáp: "Ðịnh đi tới người đã gởi tiền trước kia bảo họ lấy lại tiền kẻo để mất". Rồi người nhận ký gởi nói: "Tôi đã chuẩn bị tiền từ lâu, không cần phải đến nữa". Bèn đưa tiền cho Tỉ-kheo, mà Tỉ-kheo lấy thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề.
Nhưng nếu không có dụng ý mà nhân đi đường ngang qua trước họ, rồi họ hỏi: "Tôn giả định đi đến đâu đó". Tỉ-kheo đáp: "Ðịnh đi tới người chủ đã đưa tiền trước kia bảo họ lấy lại tiền kẻo để mất". Rồi người nhận ký gởi nói: "Tôi đã chuẩn bị tiền từ lâu, khỏi cần đi đến nữa"; bèn đưa tiền, mà Tỉ-kheo nhận, thì không có tội.
Trái lại, nếu người nhận ký gởi nói: "Tùy ý mà đi. Giả sử ông có xẻ thịt tôi ra như xẻ cây đa la, thì tôi cũng không đưa ông một đồng xu ten". Thì bấy giờ Tỉ-kheo nên đến người đã gởi tiền bảo họ lấy lại tiền kẻo để mất. Nếu như người chủ đã đưa tiền nói: "Trước đây tôi đã cúng dường cho thầy, thầy tùy phương tiện mà đòi lại". Khi ấy Tỉ-kheo được phép làm như trước 3 lần đến đòi [306c], 6 lần đến đứng im lặng.
Thế nên đức Thế Tôn nói:
"Hoặc nhà Vua, hoặc Ðại thần đưa tiền sắm y.. cho đến chớ để mất. Việc ấy nên làm như vậy".
(Hết Phần đầu của Ni-tát-kì) 10. GIỚI: LÀM PHU CỤ LÔNG ÐEN.
Khi Phật an trú tại Tinh xá có tầng lầu nơi đại lâm ở Tì Xá Li, nói rộng như trên. Bấy giờ tất cả các Tỉ-kheo đều may y Tăng-già-lê, Uất-đa-la-tăng, An-đà-hội, Ni-sư-đàn bằng len, chỉ trừ đãy lọc nước và dây buộc xách là không phải bằng len. Do đó, các Tỉ-kheo đi mọi chỗ xin lông dê để may y bằng len, nhiều người đều làm như thế, khiến ngưòi đời sinh chán ngán.
Khi ấy, có một Tỉ-kheo sáng sớm khoác y, cầm bát vào thành Tì Xá Li để xin lông thú. Bấy giờ, một khách buôn tay cầm chìa khóa đi tới chợ, định mở cửa sạp hàng, nhưng trông thấy Tỉ-kheo từ xa vội vã đi đến, bèn suy nghĩ: "Thầy Tỉ-kheo này tới đây chắc là để xin lông thú, mới sáng sớm mà đã tới đây, chợ búa chưa mở hàng thì ai mà lại cho lông". Thế rồi, ông đóng cửa sạp hàng, trở về nhà.
Tỉ-kheo suy nghĩ: "Ông khách buôn này thấy ta liền đóng cửa sạp hàng, trở về nhà, có lẽ là không muốn cho ta lông thú", bèn đi đường tắt đến chận đầu ông ta hỏi: "Lão trượng, ông đi đâu mà không chờ tôi? Vậy thì tôi xin lông ai đây? Chính là tôi định xin lông thú của ông, vì ông là người tin tưởng Phật Pháp, biết rõ tội phước, việc làm có quả báo mà nếu không cho tôi, thì ai sẽ cho tôi. Lão trượng nên biết, đức Thế Tôn đã dạy rằng: Nên khởi từ tâm, đối với người không thích nghe, tạo phương tiện khiến cho họ nghe; đối với những người không tin tưởng phải khuyên bảo họ tin tưởng; thậm chí dùng tay ghì đầu họ, khuyên họ phải bố thì. Vì lẽ, họ nhờ đó mà khi mệnh chung được sinh lên cõi trời, có sắc đẹp, khỏe mạnh, sống lâu, có bà con sum họp, đời sau sinh vào cõi người cũng hưởng được khoái lạc, có sắc đẹp, khỏe mạnh, sống lâu, và bà con đông đúc. Thế rồi, họ tu tập Phật pháp, làm tăng thêm công đức và chờ đợi quả vị cam lồ. Do vậy, này lão trượng, Thế Tôn đã nói kệ:
"Làm phước hưởng an lạc
Muốn gì đều tự nhiên
Vượt khỏi dòng sinh tử
Lên cảnh giới Niết-bàn
Những kẻ làm việc phước
Ðược thiên thần hộ trì
Nguyện chi đều thành tựu
Ác ma không hại được
Bạc phước nhiều khổ não
Phước dày tai họa tiêu
Phước đức mà vững chắc
Ðịnh kiên cố chóng thành
Sinh thiên hưởng khoái lạc
Ở nhân gian, tự tại
Ðó là do công đức
Ðến đâu đều tự nhiên
[307a] Do phương tiện phước đức
Mà lìa khổ sinh tử
Ðắc đạo đến Niết bàn
Dứt lưu chuyển tái sinh"
Khi Tỉ-kheo thuyết kệ xong, liền nói với khách buôn: "Lão trượng, bố thí lông dê cho tôi phước đức rất lớn".
Khách buôn nghe nói thế, liền bố thí một ít lông dê, đoạn suy nghĩ: "Nếu ta vào chợ, sẽ có nhiều người xin lông, đã chẳng được lợi ích gì mà còn hao tổn vốn liếng. Vậy, thà ngồi ở nhà còn có thể bảo toàn vốn liếng chứ cố vào sạp buôn bán, e mất toi cả vốn lời". Nghĩ thế rồi, ông bèn trở về ngồi trong nhà. Bà vợ trông thấy vậy, nổi giận nói với chồng: "Vì sao ông đến chợ rồi lại tức tốc trở về? Luời biếng như vậy thì lấy gì để nuôi con cái, nạp thuế quan và lo việc sưu dịch?"
Khách buôn đáp: "Bà chớ giận, hãy nghe đã. Sáng sớm nay tôi đến sạp hàng định mua bán... "Nói rộng như trên, cho đến "không bằng trở về nhà ngồi nghỉ".
Bà vợ nghe rồi im lặng không nói nữa. Bấy giờ Tôn giả Xá Lợi Phất tuần tự khuất thực, đến nhà khách buôn ấy, đứng ở ngoài cửa. Bà vợ của ông nhà buôn vốn là người có tín tâm, cung kính, biết tôn giả Xá Lợi Phất, nên dùng cái tô múc đầy thức ăn, đem ra cửa sớt vào bát của Xá Lợi Phất, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, cung kính vấn an. Khi ấy, Xá Lợi Phất cũng an ủi bà ta rằng: "Trong nhà thế nào? sinh hoạt có tốt không?"
Bà ấy đáp: "Trong nhà đều tốt đẹp cả, chỉ có việc sinh nhai bị đình đốn".
Tôn giả hỏi: "Vì sao vậy?"
Bà liền đem sự việc trên bạch đầy đủ với Xá Lợi Phất rằng: "Mọi sinh hoạt trong nhà như ăn uống, quần áo, cung cấp, sưu dịch, thuế khóa đều nhờ vào sạp hàng mà nay ông nhà cứ ngồi ì trong nhà, vì sợ người ta xin lông dê. Thật sự ông đang ở đó mà bảo là đi, thật sự ông đang thức mà bảo là ngủ. Nay thầy là người mà gia đình con cúng dường, cung kính, tôn trọng, không dám giấu giếm điều chi. Vì lẽ lông rất quí, giá một đồng một lạng, cho đến hai ba, bốn đồng tiền vàng một lạng. Hơn nữa, thứ lông này rất mịn, dù châm vào tròng mắt cũng không chảy nước mắt, nên rất khó được. Thưa Tôn giả! Thứ lông dê này phát xuất từ 4 nước lớn là: Nước Tì Xá Li, nước Phất Ca La, nước Ðắc Sát Thi Ra, nước Nan Ðề Bạt Ðà. Chồng tôi và các thân quyến vì đi tìm thứ lông ấy mà có khi còn sống trở về, có khi bị chết không trở về, vì loại lông này khó được như vậy, cho nên rất quí. Thế mà các Tỉ-kheo hết người này đến người khác tới xin hoài, phá gia nghiệp của con, khiến lâm vào cảnh bần cùng".
Khi ấy, Tôn giả Xá Lợi Phất liền thuyết pháp rộng rãi, khiến bà ta phát tâm hoan hỉ, rồi trở về Tinh xá. Và sau khi thọ trai xong, thầy bèn đem nhân duyên trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi Tỉ-kheo ấy đến. Khi thầy tới rồi, Phật liền hỏi: "Có thật là ông vì muốn làm y bằng len mà xin lông dê, [307b] khiến cho bà vợ ông nhà buôn đã trách móc với Xá Lợi Phất chăng?"
Thầy đáp: "Có thật như vậy, bạch Thế Tôn".
Phật nói: "Này Tỉ-kheo, há ông không từng nghe ta dùng vô số phương tiện quở trách đa dục, tán thán thiểu dục hay sao? Việc ông làm là phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được".
Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo sống tại Tì Xá Li phải tập họp lại tất cả, rồi vì 10 điều lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- "Nếu Tỉ-kheo dùng lông dê thuần màu đen làm phu cụ mới thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề".
Giải thích
- Thuần: không pha tạp.
- Lông dê: Có 10 loại là: Dê tương tục, dê đen, dê lang (không đủ sắc), dê núi, dê lang thang, dê hồ, dê đẳng, dê kên, dê nhiều tai, dê mộc liên.
- Mới: Mới làm thành.
- Phu cụ: Dụng cụ để trải, được làm bằng len.
- Làm: Hoặc tự làm, hoặc nhờ người khác làm.
- Ni-tát-kì Ba-dạ-đề: Phu cụ ấy phải xả bỏ giữa chúng Tăng, rồi sám hối tội Ba-dạ-đề. Nếu không xả bỏ mà sám hối thì phạm tội Việt-tì-ni.
- Ba-dạ-đề: Như trên đã nói.
- Dê tương tục: Có 6 loại lông: Màu xanh tự nhiên, màu xanh nhuộm, màu đen tự nhiên, màu đen nhuộm, màu xanh đen tự nhiên, màu xanh đen nhuộm.
Nếu tự mình làm, hoặc nhờ người khác làm thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề. Khi sử dụng thì phạm tội Việt-tì-ni. Cho đến loại lông dê mộc liên cũng như vậy. Loại phu cụ này phải xả bỏ giữa chúng Tăng, nhưng chúng Tăng không được trao lại chủ cũ, cũng không được dùng vào các việc khác, mà chỉ có thể trải dưới đất, hoặc tủ trên mái nhà, làm rèm, phướn. Thế nên nói:
"Nếu Tỉ-kheo dùng lông dê thuần màu đen làm phu cụ mới thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề".
(Hết giới Ni-tát-kì thứ 10) 11. GIỚI: LÀM PHU CỤ THUẦN MÀU ÐEN.
Khi Phật an trú tại một Tinh xá có lầu gác trong rừng ở thành Tì Xá Li, nói rộng như trên. Bấy giờ các Tỉ-kheo làm các loại y bằng len như y Tăng-già-lê, y Uất-đa-la-tăng, y An-đà-hội và Ni-sư-đàn, chỉ trừ đãy lọc nước và dây buộc túi xách. Vì bấy giờ Phật chưa chế giới nên các Tỉ-kheo mặc loại y bằng len này ngồi ở ngoài trời (ban đêm) một cách an ổn. Nhưng sau khi Phật chế giới, các Tỉ-kheo không được mặc y bằng len nên nhiều người đau ốm, sống không yên ổn. Do vậy, họ bèn đem sự kiện ấy nói với Tôn giả A Nan: "Khi Phật chưa chế giới, chúng tôi mặc y bằng len (nên dù ở ngoài trời) cũng yên ổn như ở trong nhà, đến khi Phật chế giới rồi, không được mặc y bằng len nữa, nên nhiều người ốm đau, không yên ổn. Lành thay A Nan! Thầy hãy vì chúng tôi bạch với Phật cho phép chúng tôi dùng lại y bằng len như trước".
Khi ấy, Tôn giả A Nan bèn đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đem sự việc trên bạch đầy đủ với Thế Tôn: "Kính xin Thế Tôn cho phép các Tỉ-kheo mặc y bằng len như trước".
[307c] Phật nói: "Ta cho phép các Tỉ-kheo làm y pha trộn (các loại lông)".
Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo sống tại thành Tì Xá Li phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu Tỉ-kheo muốn làm phu cụ mới nên trộn lẫn 2 phần lông dê thuần đen, phần thứ 3 lông trắng và phần thứ tư màu xám. Trái lại, nếu Tỉ-kheo không trộn lẫn 2 phần lông dê thuần đen, phần thứ 3 lông trắng và phần thứ tư màu xám để làm phu cụ, thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề".
Giải thích:
(Một số từ ngữ đã được giải thích ở trên)
- Hai phần: Dùng 2/4 lông dê đen để làm phu cụ.
- Phần thứ 3 trắng: Dùng 1/4 lông dê trắng để làm phu cụ
- Phần thứ tư màu xám: Dùng 1/4 lông màu xám để làm phu cụ
Nếu Tỉ-kheo làm phu cụ mới (sai qui định trên đây) hoặc tự làm, hoặc nhờ người khác làm, khi làm thành thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề. Khi sử dụng thì phạm tội Việt-tì-ni.
(các từ khác trên đã giải thích).Thế nên nói:
"Nếu Tỉ-kheo muốn làm phu cụ mới thì phải dùng 2/4 lông dê thuần đen, phần thứ 3 màu trắng, phần thứ tư màu xám để làm. Trái lại, nếu không dùng 2/4 lông dê thuần đen, phần thứ 3 màu trắng, phần thứ tư màu xám để làm phu cụ mới, thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề".
(Hết giới Ni-tát-kì thứ 11) 12. GIỚI: DÙNG TƠ TRỘN LÔNG LÀM PHU CỤ.
Khi Phật an trú tại một Tinh xá có lầu gác trong rừng, bấy giờ có một Tỉ-kheo định làm phu cụ nhưng thiếu lông dê, các Tỉ-kheo bèn hỏi: "Làm phu cụ xong chưa?"
Thầy đáp: "Làm chưa xong".
Họ lại hỏi: "Vì sao vậy?".
Thầy đáp: "Vì thiếu lông dê".
Các Tỉ-kheo bèn nói: "Thầy muốn có tơ tằm mịn để làm không?"
Thầy đáp: "Muốn".
Các Tỉ-kheo liền nói: "Thầy hãy đến thôn Khoáng Dã xin tơ tằm về trộn lẫn với lông dê để làm".
Thầy liền theo lời chỉ dẫn, đi tới thôn Khoáng dã vào nhà làm tơ tằm hỏi chủ nhà: "Lão trượng, cho tôi ít tơ tằm".
Chủ nhà đáp: "Thầy đợi một chút, tôi đi lấy tơ tằm đem ra cho".
Tỉ-kheo đứng chờ ở ngoài một lát, bèn tới hỏi: "Ðã lấy xong chưa?"
Họ đáp: "Vừa mới lấy ra, đợi tôi một lát, tôi nấu xong rồi sẽ đưa".
Thế rồi, họ đem ghế ra mời Tỉ-kheo ngồi. Thầy liền ngồi chờ một chốc lát, bèn đi tới xem nồi nước sôi chưa [308a]. Thấy nước đã sôi thầy liền nói: "Nước đã sôi, có thể bỏ kén vào".
Chủ nhân vì muốn chế diễu Tỉ-kheo, nên hỏi: "Tôn giả, nước đã sôi có thể bỏ kén vào thực sao?".
Thầy đáp: "Quả thực đã sôi có thể bỏ vào được".
Chủ nhân bèn đem kén bỏ vào nồi nước sôi, phát ra tiếng kêu sùng sục, rồi ông trách: "Tôi nghe Sa môn Cù-Ðàm dùng vô số phương tiện ca ngợi sự không sát sinh, khiển trách sự sát sinh, vì sao Sa-môn Thích tử lại cố ý sát hại chúng sinh? Thế là mất hết phép tắc Sa môn, còn có đạo hạnh gì nữa?"
Với tâm không hoan hỉ, chủ nhân bèn đem cho Tỉ-kheo một ít tơ tằm. Tỉ-kheo được tơ tằm rồi, bèn đem về trộn với lông dê, làm phu cụ. Các Tỉ-kheo lại hỏi: "Thầy làm phu cụ xong chưa?"
Thầy đáp: "Xong rồi, nhưng trong khi làm lợi ít mà lỗi nhiều".
Các Tỉ-kheo hỏi: "Thế nào là lợi ít mà lỗi nhiều?"
Thầy bèn trình bày đầy đủ sự kiện kể trên. Các Tỉ-kheo nghe xong, liền đến bạch với Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo ấy đến. Khi thầy đến Phật liền hỏi: "Này Tỉ-kheo, ông có làm việc đó thật chăng?"
Thầy đáp: "Có thật như thế, bạch Thế Tôn".
Phật khiển trách: "Ðó là việc ác. Ông không từng nghe ta dùng vô số phương tiện chê trách việc sát sinh, ca ngợi không sát sinh hay sao? Nay vì sao ông lại làm việc ác như thế. Ðó là việc phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được".
Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo sống tại Tỳ Xá Li phải tập họp lại tất cả, rồi vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi, cũng phải nghe lại:
-- "Nếu Tỉ-kheo dùng tơ tằm trộn lẫn với lông dê thuần màu đen làm phu cụ mới thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề".
Giải thích
- Tơ tằm: Gồm có 2 loại. Một là sống, hai là đã làm. Tơ sống nghĩa là tơ mịn. Tơ đã làm nghĩa là tơ đã đánh sợi .
(Một số từ đã giải thích ở trên).
Nếu Tỉ-kheo dùng tơ tằm may y Tăng-già-lê, dùng lông dê may y Uất-đa-la-tăng; hoặc dùng lông dê may y Tăng-già-lê, dùng tơ tằm may y Uất-đa-la-tăng hoặc tự mình làm, hoặc nhờ người khác làm, khi làm xong, phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề. Khi sử dụng, phạm tội Việt-tỳ-ni. Nếu Tỉ-kheo dùng tơ tằm may y Tăng-già-lê, dùng lông dê may y An-đà-hội, hoặc dùng lông dê may y Tăng-già-lê, dùng tơ tằm may y An-đà-hội. Hoặc tự mình làm, hoặc nhờ người khác làm, khi làm xong phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề. Khi sử dụng phạm tội Việt-tì-ni.
Hoặc đường dọc (308b) làm bằng tơ tằm, đường ngang làm bằng lông dê, hoặc đường dọc làm bằng lông dê, đường ngang làm bằng tơ tằm; hoặc tự mình làm, hoặc nhờ người khác, khi làm xong, phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề. Khi sử dụng phạm tội Việt-tì-ni. Hoặc dệt ở ngoài lề bằng lông dê, ở giữa bằng tơ tằm, hoặc dệt ở giữa bằng lông dê, ở ngoài lề bằng tơ tằm, hoặc tự mình dệt, hoặc nhờ người khác dệt, khi dệt xong phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề. Khi sử dụng phạm tội Việt-tì-ni.
Hoặc dệt một sợi bằng tơ tằm, một sợi bằng lông dê, thì cũng như trên đã nói. Hoặc y bằng lông dê, đường viền bằng tơ tằm, hoặc y bằng lông dê, đường xếp bằng tơ tằm, hoặc y bằng lông dê, miếng vá bằng tơ tằm, hoặc tự mình làm, hoặc nhờ người khác làm, đều như trên đã nói. Cái y len này phải đem xả bỏ giữa chúng Tăng, và Tăng không được dùng, cũng không được trả lại chủ cũ, mà chỉ được dùng trải đất và làm rèm, màn che gió mà thôi. Thế nên nói:
"Nếu Tỉ-kheo dùng tơ tằm trộn lẫn với lông dê thuần màu đen làm phu cụ mới thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề".
(Hết giới Ni-tát-kì thứ 12) 13. GIỚI: DÙNG PHU CỤ CHƯA ÐỦ 6 NĂM.
Khi Phật an trú tại Tinh xá có lầu gác trong rừng nơi thành Tì-Xá-Li, nói rộng như trên. Vì 5 điều lợi ích nên Thế Tôn cứ 5 hôm đi quan sát phòng ốc của các Tỉ-kheo một lần. Lúc ấy, Thế Tôn thấy các phu cụ len cũ bỏ ngổn ngang khắp nơi, hoặc trong đống rác, hoặc trong xó nhà, hoặc dưới thềm nhà, bị chim, quạ mang về làm ổ, hoặc chuột tha vào trong hang. Phật biết mà vẫn hỏi các Tỉ-kheo: "Ðây là loại phu cụ len cũ của ai mà bỏ ngổn ngang khắp nơi như thế?"
Các Tỉ-kheo đáp: "Bạch Thế Tôn! Ðó là thứ phu cụ len cũ mà các Tỉ-kheo vứt bỏ, vì thích làm phu cụ mới".
Phật bèn bảo với các Tỉ-kheo: "Từ nay trở đi, các Tỉ-kheo khi làm phu cụ mới phải sử dụng đến 6 năm".
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có một Tỉ-kheo già bệnh mang chiếc y Tăng-già- lê bằng len nặng nề, các Tỉ-kheo thấy thế, nói: "Thầy mang chiếc y Tăng-già-lê bằng len nặng thế này sẽ chết mất, hãy bỏ cái y nặng này đi và mang chiếc y nhẹ khác".
Thầy liền đáp: "Vì dùng chưa đủ 6 năm".
Các Tỉ-kheo lại nói: "Thầy không bỏ cái y này sẽ ốm mà chết".
Thầy đáp: "Thà tôi chết, chứ không dám trái giới luật".
Các Tỉ-kheo bèn đem việc đó bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ-kheo: "Thầy Tỉ-kheo già bệnh ấy vì mang y bằng len nặng mà tăng thêm bệnh thì Tăng nên cho thầy pháp Yết-ma dùng y len. Tỉ-kheo này nên đến xin Tăng và Tăng nên làm pháp Yết-ma cầu thính. Người làm Yết-ma nên nói thế này: "Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo mỗ giáp già bệnh mà chiếc y bằng len nặng nên càng tăng thêm bệnh suy vi. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay Tăng cho phép Tỉ-kheo mỗ giáp đến Tăng xin Yết-ma về y len. Xin các đại đức lắng nghe. Tỉ-kheo mỗ giáp muốn đến Tăng xin pháp Yết-ma y len, [308c] vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng. Việc đó cứ như thế mà thi hành".
Thế rồi, Tỉ-kheo này đến trước Tăng, trật vai áo bên phải, chân phải quỳ xuống đất, tác bạch xin như sau: "Tôi Tỉ-kheo mỗ giáp già bệnh mà chiếc y này nặng càng làm cho bệnh hoạn tôi tăng thêm. Nay tôi đến giữa Tăng xin pháp Yết-ma y len, mong Tăng cho tôi pháp Yết-ma y len". Xin lần thứ 2 thứ 3 cũng như thế.
Bấy giờ người làm Yết-ma nên nói như sau:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo mỗ giáp này bệnh mà chiếc y bằng len nặng, thầy đã đến giữa Tăng xin pháp Yết-ma y len. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay Tăng cho Tỉ-kheo mỗ giáp pháp Yết-ma y len. Ðây là lời tác bạch.
Rồi 3 lần bạch Yết-ma cũng như thế.
Sau đó, Phật hỏi các Tỉ-kheo đã cho Tỉ-kheo già bệnh pháp Yết-ma y len chưa, thì họ đáp rằng đã cho rồi. Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 điều lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu Tỉ-kheo làm phu cụ mới phải dùng đến 6 năm. Nếu chưa đủ 6 năm mà bỏ, hoặc không bỏ phu cụ cũ, làm phu cụ mới, ngoại trừ Tăng làm Yết-ma cho phép, thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề".
Giải thích
(Một số từ đã giải thích ở trên)
- Sáu năm: Tức 6 mùa hạ. Bốn tháng mùa hạ nên ở trong nhà, mỗi đêm nên trải tấm phu cụ bằng len 3 lần, không nên đầu đêm đem ra trải 3 lần; nếu đầu đêm đem ra mà giữa đêm, cuôùi đêm không đem ra, thì phạm 2 tội Việt-tì-ni. Nếu giữa đêm đem ra (dùng) mà đầu đêm, cuối đêm không đem ra thì cũng phạm 2 tội Việt-tì-ni. Nếu cuối đêm đem ra, mà đầu đêm, giữa đêm không đem ra, thì cũng phạm 2 tội Việt-tì-ni. Nếu đầu đêm, giữa đêm và cuối đêm đều không đem ra, thì phạm 3 tội Việt-tì-ni. Trái lại nếu đem ra 3 lần đầu đêm, giữa đêm và cuối đêm, thì không có tội.
- Chưa đủ sáu năm: Chưa đủ 6 mùa hạ.
- Phu cụ cũ: Ðã được dùng trong 6 năm.
- Hoặc xả, hoặc không xả: Cái phu cụ cũ hiện tiền nếu bỏ rồi làm cái mới thì phạm; hoặc cái phu cụ cũ hiện tiền không bỏ mà làm cái mới cũng phạm; hoặc cái phu cụ cũ không hiện tiền, nếu bỏ mà làm cái mới cũng phạm; hoặc cái phu cụ cũ không hiện tiền, không bỏ mà làm cái phu cụ mới, tự mình làm hay nhờ người khác làm, khi làm xong phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề. Khi sử dụng phạm tội Việt-tì-ni.
- Vì muốn tốt: Chẳng hạn hiềm vì "lớn quá, nhỏ quá, nhẹ quá, nặng quá, khi mặc vào lạnh quá, nóng quá, mà ta có đàn việt, có người làm giúp, ta có lông dê, vậy ta hãy làm cái phu cụ mới". Nếu vì muốn tốt, suy nghĩ như thế thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đềà.
- Ngoại trừ Tăng Yết-ma cho phép: Nếu Thế Tôn cho đặc miễn thì không có tội. Nhưng Yết-ma hoặc thành hoặc không thành.
- Yết-ma không thành tựu: Thân thể không gầy yếu (309a) nhan sắc không tiều tuỵ, gân cốt không suy giảm, ăn thực phẩm thô sơ vẫn no; hoặc tác bạch không thành tựu, Yết-ma không thành tựu, tăng không thành tựu, có những sự việc không thành tựu như vậy đó gọi là Yết-ma không thành tựu. Trái lại, nếu Tỉ-kheo ấy bệnh hoạn, thân thể nhan sắc tiều tụy, gân cốt suy giảm, ăn thức ăn nhuyễn cũng không thấy no, đừng nói là thức ăn thô; nhưng khi tác bạch không thành tựu, Yết-ma không thành tựu, tăng không thành tựu, có các việc sai trái như thế, thì cũng gọi là Yết-ma không thành tựu .
- Yết-ma thành tựu: Nếu Tỉ-kheo ấy ốm yếu, nhan sắc tiều tụy, gân cốt suy giảm, ăn thức ăn nhuyễn cũng không no được, tác bạch thành tựu, Yết-ma thành tựu, tăng thành tựu, các việc như thế đều không sai sót, đó gọi là Yết-ma thành tựu.
Vị Tỉ-kheo già bệnh này, khi được Tăng Yết-ma cho phép rồi, phải ghi nhớ số ngày tháng năm đã sử dụng cái phu cụ bằng len cũ, đến lúc lành bệnh phải sử dụng lại cái phu cụ cũ ấy, tính với số thời gian trước kia đủ 6 năm. Nếu Tỉ-kheo này sau khi lành bệnh không dùng lại phu cụ cũ đủ 6 năm, thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dạ-đềà.
Ni-tát-kì Ba-dạ-đề như trên đã nói. Sau khi vị ấy đem xả giữa chúng Tăng, Tăng không nên trả lại vị ấy, mà được sử dụng, nhưng không được khoác mặc vào thân, thế nên nói (như trên).
(Hết giới Ni-tát-kì thứ 13) 14. GIỚI: KHÔNG MAY 1 MIẾNG CŨ TRÊN PHU CỤ MỚI.
Khi Phật an trú tại Tinh xá có lầu gác trong rừng ở Tì Xá Li, nói rộng như trên.Vì 5 việc lợi ích nên Thế Tôn cứ 5 hôm đi thị sát phòng xá của các Tỉ-kheo, thấy phu cụ bằng len cũ bỏ vung vãi khắp nơi như tại đống rác, trong xó nhà, dưới mái hiên, hoặc bị chim quạ tha đi lót ổ, hoặc chuột tha vào hang. Phật biết mà vẫn hỏi các Tỉ-kheo: "Những phu cụ bằng len cũ này của ai mà bỏ vung vãi khắp nơi thế này?"
Các Tỉ-kheo bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Có một số Tỉ-kheo hoặc bãi đạo, hoặc qua đời, hoặc còn đang sống, chính họ vứt bỏ các phu cụ bằng len cũ vung vãi như thế".
Phật bèn nói với các Tỉ-kheo: "Nếu như người bố thí không cân nhắc, thì người thọ thí cũng phải cân nhắc, nghĩa là Tỉ-kheo thọ thí phải sử dụng, không được vứt bỏ. Từ nay trở đi nếu Tỉ-kheo làm phu cụ Ni-sư-đàn bằng len mới thì phải dùng một miếng phu cụ bằng len cũ vuông vức một gang tay Tu-già-đà may chồng lên cái mới để cho hỏng màu sắc đi mới được".
Thế rồi, Phật tryền lệnh cho các Tỉ-kheo sống tại Tì Xá Li phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu Tỉ-kheo làm phu cụ Ni-sư-đàn bằng len mới thì phải dùng một miếng phu cụ bằng len cũ vuông vức một gang tay Tu-già-đà may chồng lên cái mới để cho hỏng màu sắc đi. Nếu Tỉ-kheo làm phu cụ Ni-sư-đàn bằng len mới mà không dùng một miếng phu cụ băng len cũ vuông vức một gang tay Tu-già-đà may chồng lên cái mới, thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề".
Giải thích:
[309b] (Một số từ ngữ đã giải thích ở trên)
- Phu cụ cũ: Phu cụ đã dùng được 6 năm.
- Tu-già-đà: Chỉ cho đức Ðẳng Chánh Giác.
- Một gang tay: Dài 2 thước, 4 tấc (?). Khi dùng cái phu cụ cũ không được dùng phu cụ của những người kém hiểu biết, người phạm giới, người không nghe pháp, người ở trong phòng mà khi phòng hư không sửa chữa, người bị mang tiếng xấu, người có kiến giải đoạn diệt, người xa lìa Hòa thượng, A-xà-lê, không thích thưa hỏi, người không thể phá ác ma, người không phân biệt được việc của ma. Trái lại, nên dùng phu cụ cũ của những người nghe nhiều .... và phân biệt được việc của ma.
Khi dùng một miếng phu cụ cũ vuông vức bằng một gang tay của đức Chánh Ðẳng Giác thì không được dùng miếng mất góc, miếng có hình hạt lúa, miếng như cái chày, miếng có hình chiếc xe, có hình thòng xuống, có hình méo mó, có hình lồi, hình lõm.
- Mất góc: Không có góc.
- Hình hạt lúa: Ở giữa rộng, 2 đầu hẹp.
- Hình cái chày: Hai đầu rộng, chính giữa hẹp.
- Hình chiếc xe: Một đầu rộng, một đầu hẹp.
- Hình thòng xuống: Hình xiên xẹo.
- Hình méo mó: Không cân xứng.
- Hình lồi: Nổi gồ lên.
- Hình lõm: Bốn góc lồi ra, ở các khoảng giữa lõm xuống.
Khi may chồng thêm, không được may những miếng có hình thù kể trên, mà phải may những miếng vuông vức đầy đặn. Khi bị rách thì phải vá lại, hoặc bị bẩn thì phải giặt, rồi dùng các loại len bằng lông khác mà vá lại. Thầy Tỉ-kheo nào may Ni-sư-đàn mới mà không may một miếng cũ chồng lên trên, thì cái Ni-sư-đàn ấy phải đem xả bỏ giữa chúng Tăng, và Tăng không được trả lại chủ cũ mà chỉ để Tăng dùng, nhưng không được khoác lên mình. Thế nên nói (như trên).
(Hết giới Ni-tát-kì thứ 14) 15. GIỚI: CẦM LÔNG DÊ ÐI QUÁ GIỚI HẠN.
Khi Phật an trú tại Tì Xá Li nơi Tinh xá có lầu gác trong rừng, nói rộng như trên. Bấy giờ tôn giả Ưu-đà-di gánh một gánh lông dê nặng nề, thân còng xuống, từ trong thành đi ra, khiến cho người đời chỉ trích: "Hãy xem Sa môn Ưu-Ðà-Di kìa! Giống như con Lạc đà, giống như con lừa, giống như phu khuân vác, gánh lông dê như thế mất hết phép tắc Sa môn, nào còn có đạo hạnh gì nữa!"
Các Tỉ-kheo nghe thế, bèn đem sự việc ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật liền bảo đi gọi Ưu-đà-di đến. Khi Thầy đến rồi, Phật liền hỏi: "Có thật ông gánh lông dê nặng nề, khiến cho người đời chê trách phải không?"
Thầy đáp:"Có thật như vậy, bạch Thế Tôn".
Phật nói: "Ðó là việc xấu, từ nay về sau, ta không cho phép các Tỉ-kheo gánh vác nữa".
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có 60 Tỉ-kheo từ phương Bắc định đến Xá Vệ để thăm viếng Phật, thăm viếng Xá Lợi Phất, Mục Liên các trưởng lão Tỉ-kheo và thăm viếng Cư sĩ Tu-đạt, Tì-xá-khư lộc mẫu, tại Tinh xá Kỳ Hoàn nơi lầu gác trong rừng Khai Nhãn. Nhân có một Tỉ-kheo từ Xá Vệ đến chỗ họ, họ bèn hỏi: "[309c] Chúng tôi muốn đến đó (Xá Vệ) cúng dường các bậc phạm hạnh một ít phẩm vật, không hiểu nên mang theo những vật gì cho hợp với nhu cầu của các vị ấy?"
Vị này đáp: "Thưa trưởng lão, tất cả các Tỉ-kheo ở đó đều mặc y bằng len, chỉ trừ đãy lọc nước và quai buộc xách. Vậy có thể mang theo lông dê đến đó".
Thế rồi, 60 Tỉ-kheo ấy, mỗi người đều gánh những gánh lông dê nặng mà đi, từ thôn xóm này đến thôn xóm khác, từ thành phố này đến thành phố khác. Thấy thế, dân chúng châm biếm: "Các người hãy xem kìa! Những Sa môn thích tử này gánh nặng mà đi giống như đàn lạc đà, đàn lừa, như phu khuân vác, như khách buôn ...."Lại có người nói: "Các vị không biết sao, ở đây mua rẻ nên họ định đem đến đó bán đắt đấy. Thật là mất hết phép tắc Sa môn, nào có đạo hạnh gì nữa!"
Các Tỉ-kheo đi lần lần đến thành Xá Vệ, khi đến nơi, bèn đảnh lễ chân Thế Tôn, rồi đứng qua một bên. Phật biết mà vẫn hỏi các Tỉ-kheo: "Các Thầy từ đâu đến vậy?".
Họ đáp: "Bạch Thế Tôn! Từ phương Bắc đến".
Phật hỏi các Tỉ-kheo: "Ði đường có vất vả, khất thực có khó khăn không?"
Họ đáp: "Bạch Thế Tôn! Ði đường không vất vã, khất thực không khó khăn, chỉ có điều dọc đường bị người đời chê trách".
Phật liền hỏi các Tỉ-kheo: "Người ta chê trách về việc gì?"
Họ đáp: "Bạch Thế Tôn! 60 người chúng con đều gánh lông dê (nói rộng như trên)".
Phật liền nói với các Tỉ-kheo: "Các ông đáng bị người đời chê trách. Từ nay về sau, ta không cho phép Tỉ-kheo gánh lông dê đi".
Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu Tỉ-kheo đi đường được lông dê mà muốn lấy thì có thể tự tay cầm đi trong 3 do tuần. Nếu gánh đi quá 3 do tuần thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề".
Giải thích
- Ðường đi: Hoặc 3 do tuần, 2 do tuần, 1 do tuần, nửa do tuần, hoặc một Câu-lô-xá.
- Ðược: Ðược từ những người đàn ông, đàn bà, người lớn trẻ con, người tại gia hoặc người xuất gia.
- Muốn lấy: Thực sự cần đến.
- Tự mang đi 3 do tuần: Cứ 2000 bộ được gọi là một Câu-lô-sá, 4000 bộ là nửa do tuần, 8000 bộ là một do tuần, 16000 bộ là 2 do tuần, 24000 bộ là 3 do tuần. Tỉ-kheo có thể tự mang lông dê đi trong vòng 3 do tuần, nếu quá 3 do tuần thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề. (về cách xử lý như đã nói ở trước).
[310a] Nếu Tỉ-kheo mang lông dê đi trên đường một do tuần, bỗng quên mất một vật gì bèn trở lại lấy, lấy xong trở lại chỗ khi nãy tức là vừa đúng 3 do tuần, không được đi thêm nữa, nếu đi thêm nữa thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề. Nếu như đi được một do tuần rưởi, rồi quên một vật gì phải trở lại chỗ khởi hành để lấy, thì khi lấy xong không được đi tiếp nữa (vì đã đủ 3 do tuần). Nếu đi tiếp thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề. Nếu đi thẳng đúng 3 do tuần mà còn đi thêm một bước nữa thì phạm tội Việt-tì-ni; đi quá 2 bước nữa thì phạm tội Ni-tát-kì Ba-dạ-đề. Nếu 2 người gánh một gánh, thì người đầu gánh đi 3 do tuần rồi sang vai người kia gánh đi 3 do tuần. Nếu 3 người gánh một gánh thì được thay đổi nhau đi 9 do tuần. Nếu 4 người gánh một gánh thì được đi 12 do tuần. Nếu nhiều người đi thì tùy theo số lượng đó mà tính, nhưng có điều là không được gánh nặng.
Trong khi gánh đi hoặc trao đổi, hoặc được cái mới thì cũng chỉ được gánh đi trong vòng 3 do tuần mà thôi. Nếu Tỉ-kheo đem lông dê bỏ vào trong túi xách y, mang đi từ nhà này đến nhà khác, thì cũng chỉ được trong vòng 3 do tuần, không được đi thêm. Hoặc đem lông dê bỏ vào trong túi đựng bát, rồi đi khất thực từ làng này đến làng khác, thì cũng như thế. Hoặc đem lông dê bỏ vào trong túi đựng kinh rồi đi, cũng như vậy. Nếu lông dê chưa được dệt thành thì dù bỏ trong ống đồng mang đi quá 3 do tuần cũng phạm tội. Trái lại, nếu đã dệt thành len, hoặc làm gối, làm đệm .v.v... thì không phạm. Nếu gánh lông lạc đà, lông bò thì phạm tội Thâu-lan-giá. Nếu gánh lông đuôi trâu đen đi thì phạm tội Việt-tì-ni, Nếu gắn vào cái cán (làm thành chổi lau bụi) thì không có tội. Nếu gánh lông sư tử, lông heo thì phạm tội Việt-tì-ni tâm niệm sám hối. Nếu đã làm thành dụng cụ thì không có tội. Thế nên nói (như trên).
(Hết giới Ni-tát-kì 15) 16. GIỚI: NHỜ TỈ-KHEO-NI GIẶT LÔNG DÊ.
Khi Phật an trú tại Tì Xá Li trong Tinh xá có lầu gác trong rừng, nói rộng như trên. Bấy giờ tôn giả Ưu-đà-di đem lông dê đưa cho Tỉ-kheo-ni Thiện Sinh, vốn là vợ cũ của Tôn giả, và bảo: "Lành thay này em, em hãy giặt nhuộm chải giúp cho ta cái này". Tỉ-kheo-ni Thiện Sinh bèn đem về trú xứ, giặt nhuộm chải xong, bỏ vào trong hộp, lấy lông ngực, ức, của nai phủ lên trên, rồi sai sứ giả mang đến cho Ưu-đà-di. Ưu-đà-di nhận xong, mở hộp ra, thấy có lông nai hoan hỉ, liền đem khoe với các Tỉ-kheo: "Hãy xem này các trưởng lão, tôi đưa ít lông cho Tỉ-kheo-ni không phải thân quyến mà lại nhận được nhiều lông".
Các Tỉ-kheo thấy thế, liền nói: "Ðó là vật nên che giấu vì sao lại đưa cho người ta xem?"
Thầy liền đáp: "Vật này có gì phải che giấu, Tôi đưa (cô ấy) lông ít mà lại nhận được nhiều lông".
Bấy giờ nhóm 6 Tỉ-kheo từ xa nghe được bèn vỗ tay cười lớn: "Quái thay! Quái thay".
Các Tỉ-kheo nghe thế, bèn đến bạch với Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Ưu-đà-di đến. Khi thầy tới rồi, Phật bèn hỏi: "(310b) Ông có việc đó thật chăng?".
Thầy đáp: "Có thật, bạch Thế Tôn!"
Phật liền khiển trách: "Ðó là việc xấu .v.v..."
Rồi Phật hỏi các Tỉ-kheo: "Giả sử có vật cần phải che giấu thì Tỉ-kheo-ni thân quyến có nên đưa cho Tỉ-kheo thân quyến xem hay không?"
Họ đáp: "Không nên, bạch Thế Tôn".
Phật lại hỏi: "Giả sử Tỉ-kheo thân quyến nhận được một vật cần phải che giấu của Tỉ-kheo-ni thân quyến, thì có nên đưa cho người khác xem hay không?"
Họ đáp: "Không nên, bạch Thế Tôn".
Thế rồi Phật nói với các Tỉ-kheo: "Từ nay trở đi (các Tỉ-kheo) không được nhờ Tỉ-kheo-ni không phải thân quyến giặt nhuộm chải lông dê".
Lại nữa, khi Phật trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ tôn giả Ưu-đà-di cầm lông dê đưa cho Tỉ-kheo-ni Ðại Ái Ðạo, nói rằng: "Lành thay này chị, hãy giặt nhuộm, chải giúp cho tôi cái này".
Thế rồi, Tỉ-kheo-ni Ðại Ái Ðạo liền đem giặt nhuộm chải xong, gởi trả lại cho Ưu-đà-di . Rồi bà đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng sang một bên. Phật biết nhưng vẫn hỏi: "Vì sao trên tay bà có màu thuốc nhuộm?"
Bà đáp: "Tôi giặt nhuộm chải giúp lông dê cho tôn giả Ưu-đà-di".
Phật liền nói với các Tỉ-kheo: "Tại sao Ưu-đà-di lại nhờ Tỉ-kheo-ni không phải thân quyến giặt nhuộm chải giúp lông dê?"
Thế rồi, Phật bèn gọi Ưu-đà-di đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi: "Ông có nhờ Tỉ-kheo-ni Ðại Ái Ðạo giặt nhuộm chải lông dê thật chăng?"
Thầy đáp: "Có thật, bạch Thế Tôn".
Phật liền khiển trách Ưu-đà-di: "Vì sao ông lại sai một Tỉ-kheo-ni đang hành đạo làm? Từ nay về sau, ta không cho phép (các Tỉ-kheo) nhờ Tỉ-kheo-ni không phải thân quyến giặt nhuộm chải lông dê".
Rồi Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 điều lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- "Nếu Tỉ-kheo nhờ Tỉ-kheo-ni không phải thân quyến giặt nhuộm chải lông dê thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề".
Giải thích
(Một số từ ngữ đã được giải thích ở trên)
Trong đây tăng thêm việc chải (lông dê), và trừ việc mặc y vấy bùn, y cáu bẩn đến chùa Ni, ngoài ra, như trong giới thứ 5 ở trên đã nói rõ. LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Hết quyển 9
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.140.185.250 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.