Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
PHẦN CÒN LẠI CỦA GIỚI TRỘM CẮP
Lại nữa, khi Phật ở tại thành Vương Xá, nói rộng như trên, phép trị người có tội trong thời tổ tiên của Vua Bình Sa như sau:
- Nếu có kẻ ăn trộm thì dùng tay tát vào đầu để nghiêm trị, kẻ ấy sẽ thấy xấu hổ chẳng khác gì sắp chết, về sau không dám tái phạm.
Ðến đời ông nội của vua, phép trừng trị kẻ ăn trộm như sau:
- Nếu có kẻ ăn trộm thì bắt đứng một chỗ, dùng tro rắc chung quanh, một lát thì thả đi, kẻ trộm đó sẽ rất xấu hổ (242c) chẳng khác gì người chết, về sau không tái phạm.
Ðến đời phụ vương của vua, phép trị tội kẻ ăn trộm như sau:
- Nếu có kẻ ăn trộm thì đuổi ra khỏi thành, kẻ trộm sẽ lấy làm xấu hổ như người chết không khác, về sau không dám tái phạm nữa.
Còn phép trị tội của vua Bình Sa như sau:
- Nếu có kẻ ăn trộm thì đuổi ra khỏi nước, lấy đó làm điều răn đe.
Lúc bấy giờ có kẻ trộm đã bị trục xuất bảy lần, nhưng y vẫn trở lại cướp của giết người nơi các thành ấp. Khi ấy có người bắt được y trói lại, đem đến vua, tâu với vua rằng: "Tên trộm này đã bị trục xuất bảy lần, nhưng vẫn trở lại cướp của giết người tại các thành ấp, xin đại vương hãy nghiêm trị thật nặng"
Vua nói với vị đại thần ấy: "Ðem tên trộm này đi, tuỳ theo tội mà ttrừng rị ".
Vị đại thần bèn tâu: "Thôi đi, thôi đi đại vương. Ðại vương hãy tự trị tội y, chớ giao cho hạ thần. Hạ thần sao dám chuyên quyền qua mặt đại vương. Mệnh lệnh của đại vương giờ đây vẫn được tôn trọng, phép trừng trị phát xuất từ đại vương, hãy còn lâu dài".
Vua nói: "Hãy đem hắn ra chặt ngón tay út đi"
Bấy giờ quan hữu ty liền cấp tốc đem tội nhân ra chặt ngón tay út của hắn, vì sợ vua sẽ sinh hối hận. Khi ấy vua liền cắn thử ngón tay mình bèn cảm thấy đau đớn không chịu nổi, liền sai người đến truyền lệnh cho đại thần rằng: "Chớ chặt ngón tay của hắn".
Vị đại thần bèn trả lời với vua: "Ðã chặt ngón tay của hắn rồi".
Vua rất hối hận, âu sầu, liền tự nghĩ: "Ta nay chính là vị pháp vương cuối cùng, chứ chẳng phải là vị pháp vương đầu tiên. Phàm làm vua thì phải lo nghĩ đến dân chúng và muôn loài, chứ lẽ nào làm vua người ta mà lại chặt tay người ta".
Thế rồi, vua Bình Sa ra lệnh cấp tốc chuẩn bị xa giá đi đến Thế Tôn. Ðến nơi, vua đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi sang một bên, bạch với Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Phép trị những kẻ có tội của tằng tổ trẫm là dùng tay tát vào đầu, lần hồi trải qua các đời vua cho đến đời của trẫm, thì ác pháp mỗi ngày mỗi gia tăng, chánh lệnh dần dần suy giảm. Trẫm may mắn được làm vua, lại làm thương tổn đến thân người, tự trách mình vô đạo, thấy hổ thẹn, sợ hãi cực độ".
Phật hỏi: "Ðại vương! Theo phép nước thì kẻ ăn trộm bao nhiêu tiền bị tội tử hình? Ăn trộm bao nhiêu tiền thì bị trục xuất ra khỏi nước? Ăn trộm bao nhiêu tiền thì dùng đến hình phạt roi gậy?"
Bấy giờ vua Bình Sa bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Cứ một kế lợi sa bàn là mười chín tiền chia làm bốn phần, nếu ăn trộm một phần (4,75 tiền) hay hơn một phần thì đáng tội tử hình".
Khi ấy, đức Thế Tôn tùy thuận thuyết pháp giảng dạy cho vua Bình Sa, khiến vua được lợi ích, hoan hỷ, những mối hối hận phiền muộn liền trừ diệt, vua bèn lễ Phật, rồi từ biệt.
Vua đi không lâu sau đó, Thế Tôn liền đi đến chỗ có đông các Tỉ-kheo, trải tòa mà ngồi, rồi nói với các Tỉ-kheo : "Vừa rồi vua Bình Sa đến chỗ ta, đảnh lễ ta rồi ngồi sang một bên, bạch với ta rằng: "Bạch Thế Tôn! Phép trị tội của tằng tổ Trẫm là dùng tay tát vào đầu tội nhân, và chánh lệnh giáo hóa được kế thừa cho đến đời của Trẫm". Ta liền hỏi nhà vua: "Ðại vương, ăn trộm bao nhiêu (243a) tiền thì đáng tội chết? Cho đến ăn trộm bao nhiêu thì bị hình phạt roi gậy?"Vua nói: "Cứ một kế lợi sa bàn là 19 tiền, trong 19 tiền chia là 4 phần, nếu ăn trộm một phần (4,75 tiền) hay hơn một phần thì đáng tội tử hình". Ta vì vua Bình Sa tùy thuận thuyết pháp, sau khi nghe pháp, nhà vua đã hoan hỉ, từ giã ra đi. Này các Tỉ-kheo ! Từ nay phải biết: Cứ 19 đồng tiền xưa được gọi là một kế lợi sa bàn, chia một kế lợi Sa bàn ra làm 4 phần, nếu lấy trộm một phần (4,75 tiền) hay hơn một phần thì phạm tội Ba La Di".
Bấy giờ, các Tỉ-kheo bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Vì sao vua Bình Sa sợ tội đến như thế?"
Phật nói với các Tỉ-kheo : "Vua Bình Sa không những đời này sợ tội như vậy, mà trong đời quá khứ cũng đã từng sợ tội".
Các Tỉ-kheo bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Ðã từng có như vậy sao?"
Phật dạy: "Ðúng như vậy! Trong đời quá khứ có một thành phố tên Ba La Nại, nước tên Ca Thi. Khi ấy, có một vị vua tên là Danh Xưng. Nhân dân trong nước lúc bấy giờ đều dùng những kỹ thuật khéo léo để sinh sống như kỹ nhạc, ca xướng, hoặc dùng các dụng cụ để trang sức như vàng bạc, châu báu vòng hoa anh lạc, hoặc điều khiển voi ngựa và làm các đạo thuật, thứ gì cũng khéo léo, không gì là không tinh xảo, dùng những phương tiện ấy làm kế sinh sống. Nếu kẻ nào không biết những kỹ thuật khéo léo, thì được xem là người ngu. Hoặc có kẻ nào ăn trộm cũng được gọi là người ngu si. Bấy giờ, có một người ăn trộm, dân chúng biết được, trói y đem lên vua, thưa rằng: "Tâu đại vương! Kẻ này làm việc ngu si, xin đại vương trừng trị hắn". Vua nói: "Thôi đi, thôi đi, người đời kẻ thì mất của, kẻ thì ăn trộm, lẽ nào ta lại thêm việc ác nữa". Thế rồi vua suy nghĩ: "Ta dùng phương tiện gì đây để chỉnh đốn quốc pháp, khiến cho quần thần không biết (việc này), ác pháp không sinh khởi?"Vua lại suy nghĩ: "Từ xưa đến nay, giờ đây mới có người ngu. Những người ngu không đến ngàn người. Ta phải sai kẻ hầu cận đem người ngu này giao lại cho một vị đại thần và bảo khi nào đủ ngàn người ngu, sẽ bảo lại cho ta hay, ta sẽ mở một đại hội". Viên đại thần ấy bèn nhận lấy người ngu, rồi giam vào một chỗ. Liền sau đó, vua suy nghĩ: "Kẻ ngu si kia chưa chết đói chăng?", liền bảo quan đại thần dẫn kẻ ngu đến, lại nhắc nhở ông: "Phải khéo trông nom người này chớ để cho y đau ốm, đem y vào sống trong vườn Vô ưu của ta, rồi cung cấp các thứ ngũ dục âm nhạc tiêu khiển". Viên đại thần tuân chỉ, đối xử với người ngu ấy như những gì vua đã căn dặn.
Lúc bấy giờ lại có một kẻ ngu khác nghe vua bắt được một người ngu, rồi đưa vào an trí trong vườn Vô Ưu, cung cấp các thứ kỹ nhạc, bèn dẫn thân đến chỗ quan viên đại thần thưa: "Tôi là kẻ ngu si". Viên đại thần vì muốn tuân thủ mệnh lệnh của vua, liền đưa y vào (243b) trong vườn Vô Ưu. Làm như vậy không bao lâu thì đã đủ số ngàn người. Viên đại thần liền tâu lên nhà vua: "Những kẻ ngu nay đã được ngàn người, bệ hạ muốn làm gì thì hãy làm gấp". Vua nghe lời tâu ấy rất đổi ưu sầu, tự nhủ: "Từ xưa lại đây lâu xa lắm mới có một kẻ ngu si, vì sao ngày nay trong thời gian không lâu mà đã có cả nghìn người, hay là đời mạt thế ác pháp tăng trưởng?". Thế rồi, vua ra lệnh quần thần quét dọn, đốt hương, treo tràng phan bảo cái, sửa soạn các thức ẩm thực ngon lành tại vườn Vô Ưu. Các bề tôi bèn tuân lệnh làm đầy đủ các việc mà vua đã ban truyền. Khi ấy, vua cùng các quan, 18 bộ chúng du hành đến vườn Vô Ưu. Ðến nơi, an tọa xong, vua hỏi các quan: "Những người ngu nay ở đâu hãy gọi cả đến đây". Những người ngu đều đến đầy đủ. Vua thấy những người ngu sống lâu trong vườn quần áo dơ bẩn, móng tay dài, tóc rối, liền ra lệnh các quan: "Dẫn những người ngu này đi tắm rửa, thay quần áo mới, hớt tóc, cắt móng tay, rồi mới dẫn đến đây". Khi họ đã trở lại, vua liền ban các thức ăn uống, đem cho của cải và các thứ cần thiết, rồi truyền lệnh: "Các ngươi hãy trở về nhà lo cung cấp cho cha mẹ, siêng lo nghiệp nhà, chớ có ăn trộm nữa". Bấy giờ, những người ngu nghe vua truyền lệnh, đều hoan hỷ phụng hành. Thế rồi, nhà vua ấy bèn đem ngôi báu truyền lại cho thái tử, xuất gia, vào núi, học pháp của tiên nhân. Khi ấy nhà vua đọc kệ:
"Xưa tìm ngàn người ngu,
Mở đại hội khó được.
Vì sao chẳng bao lâu,
Ðã đủ số ngàn người?
Ác pháp ngày đêm tăng
Ðại hội từ nay thôi.
Muốn lìa xa kẻ ác
Giờ đây nên xuất gia".
Phật nói với các Tỉ-kheo : "Quốc vương Danh Xưng thuở ấy đâu phải người nào khác mà chính là vua Bình Sa ngày nay vậy. Vua Bình Sa từ xưa đến nay thường sợ tội báo, ngày nay làm vua lại tiếp tục sợ tội".
Các Tỳ kheo liền bạch với Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vì sao vua Bình Sa ra lệnh thi hành rồi, phút chốc lại hối hận?".
Phật bảo với các Tỉ-kheo : "Vua Bình Sa này không những ngày nay ra lệnh thi hành rồi liền hối hận, mà trong đời quá khứ cũng đã từng hối hận".
Các Tỳ kheo liền bạch với Phật: "Ðã từng có như thế sao?"
Phật dạy: "Ðúng như vậy. Trong đời quá khứ, có một người Bà la môn không có tiền của, lấy nghề ăn xin để nuôi sống. Vợ người Bà la môn này không sinh con, nhưng trong nhà có con Na Câu La (?) sinh được một con. Vì không có con nên người Bà la môn này xem (243c) con của Na Câu La như con trai của mình, đồng thời con của Na Câu La cũng xem ông Bà la môn như cha mình.
Bấy giờ ông Bà la môn đến chơi nhà người khác, nếu được sữa, bơ và bánh thịt đều đem về nhà cho Na Câu La. Sau đó vợ ông bỗng nhiên mang thai, khi đủ mười tháng liền sanh một con trai, bèn suy nghĩ: "Có lẽ nhờ Na Câu La sinh ra đứa con tốt lành (Cát tường) nên ta mới có con". Khi ấy, Bà la môn muốn đi khất thực, bèn bảo vợ: "Nếu bà có đi đâu, phải đem con theo, cẩn thận chớ để nó ở nhà". Người vợ Bà la môn cho con ăn xong bèn đến nhà láng giềng mượn cối giã gạo. Lúc ấy đứa con bà ăn tô lạc có mùi hương thơm, nên một con rắn độc đánh hơi bò đến, hả miệng nhả độc, muốn giết đứa bé. Na Câu La liền suy nghĩ: "Cha ta đã ra đi, mẹ ta cũng không có ở nhà, thế mà con rắn độc này lại muốn giết em ta, bèn đọc kệ:
"Ðộc xà, Na Câu La
Chim bay và chim kêu
Sa môn, Bà la môn
Mẹ kế, con đời trước
Thường mang lòng ganh ghét,
Muốn hãm hại lẫn nhau".
Khi ấy Na Câu La liền giết rắn độc, chặt làm bảy khúc, rồi suy nghĩ: "Nay ta giết rắn để em được sống, cha mẹ biết được ắt khen thưởng ta, rồi lấy máu bôi lên miệng ra đứng chờ ngoài cửa, mong rằng cha mẹ thấy thì sẽ rất vui mừng". Lúc ấy ông Bà la môn đang trên đường trở về, từ xa trông thấy bà vợ ở nhà hàng xóm, bèn nổi giận mắng: "Ta đã bảo bà có đi đâu thì đem con theo, vì sao lại đi một mình?".
Rồi ông định vào nhà, thì thấy trong miệng Na Câu La có máu, liền tự nghĩ: "Vợ chồng ta đi vắng, Na Câu La ở nhà đã bắt giết con ta ăn thịt rồi chăng?", bèn nổi giận nói: "Uổng công ta nuôi đồ súc vật này, đến nỗi bị nó làm hại", liến sấn đến dùng gậy đập chết Na Câu La. Ðoạn bước vào trong nhà, thì thấy đứa con trai đang mút tay vui đùa, lại thấy bên cạnh nó bảy khúc thân con rắn độc. Thấy sự việc như thế, ông rất ưu sầu, hối hận, bèn tự thống trách mình: "Na Câu La này rất có nhân tình, đã cứu mạng con ta, mà ta không xem xét cẩn thận, lại đập chết nó, thật đáng xót thương. Thế rồi, ông nằm lăn quay trên đất bất tỉnh. Lúc ấy có vị thiên nhân đang ở trên không trung đọc kệ:
"Nên quan sát cẩn thận,
Chớ nổi giận bốc đồng
Lìa bạn tốt đáng yêu,
Hại oai người lương thiện
(244a) Ví như Bà la môn
Giết Na Câu La nọ".
Phật bảo các Tỉ-kheo: "Người Bà la môn thuở ấy đâu phải ai khác mà chính là Vua Bình Sa. Ngày xưa ông đã từng làm việc khinh suất rồi sau lại hối hận, ngày nay cũng lại như vậy". Thế rồi, Phật bảo các Tỉ-kheo đang sống xung quanh thành Vương Xá phải tập họp lại tất cả, dù cho ai nghe rồi, cũng phải nghe lại, bèn chế giới như sau:
"Nếu Tỉ-kheo ở trong xóm làng hoặc nơi vắng vẻ mà lấy vật người ta không cho, bị vua bắt, hoặc giết, hoặc trói, hoặc tẫn xuất, nói: "Ôi nam tử! Ngươi là kẻ trộm chăng? là kẻ ngu si chăng?"Tỉ-kheo ăn trộm như vậy thì phạm tội Ba la di, không được sống chung (với tăng chúng).
[Giới thứ hai (trộm cắp) đến đây là hết]
Giải thích:
Tỉ-kheo: Là người đã thọ giới cụ túc, đã khéo thọ giới cụ túc, tuổi đủ hai mươi, không bị các già nạn, thọ giới trước mười vị thầy (thập sư) hay hơn mười vị, trải qua một lần tác bạch và ba lần yết ma. Ðó gọi là Tỉ-kheo .
Xóm làng: (tụ lạc) là nơi có những bờ tường vây quanh hoặc có những hàng rào, bờ sông, kinh đào vây quanh.
Xóm làng còn có nghĩa: Vùng đất thả trâu, khu đất trẻ em vui chơi, bãi đậu xe, chỗ trâu nằm nghỉ, nới có từ bốn căn hộ và một chỗ chất củi cũng gọi là xóm làng.
Chỗ đất trống: (không địa): Chỗ đất trống là nơi ở ngoài bờ tường, ngoài thiền viện, trừ ranh giới của xóm làng, ngoài ra đều là chỗ đất trống.
Ranh giới của xóm làng: Không xa chỗ ở, nơi đường cái người ta đi lại, gọi là ranh giới của xóm làng, như ở bên ngoài bờ đê, hào mương, hàng rào, trừ ranh giới của xóm làng, ngoài ra đều là chỗ đất trống.
Vùng đất thả trâu: Ở ngoài xa ranh giới của nhà cửa xóm làng, trừ ranh giới của xóm làng, ngoài ra đều là chỗ đất trống.
Những công viên trẻ em vui chơi: Là chỗ ở rất xa bãi xe, trừ ranh giới của xóm làng, ngoài ra đều là vùng đất trống.
Bãi đậu xe (doanh xa tụ lạc): Những bãi đậu xe cách xa xóm làng, trừ ranh giới của xóm làng, ngoài ra đều là chỗ đất trống.
Chỗ trâu nằm nghỉ (ngưu miên tụ lạc): Ở bên ngoài rất xa nhà cửa, trừ ranh giới của xóm làng, ngoài ra đều là chỗ đất trống.
Xóm làng có từ bốn ngôi nhà và một chỗ để củi: Chỗ cách nhà cửa rất xa, trừ ranh giới của xóm làng, ngoài ra đều là chỗ đất trống.
Không cho: Hoặc là nam, hoặc là nữ, hoặc là kẻ hoàng môn phi nam phi nữ, hoặc là cư sĩ, hoặc người xuất gia, dùng tâm trộm cắp để lấy vật mà người ta không cho, thì tùy theo vật lấy trộm... Các vật ấy có tám loại:
1.- Thời dược (thuốc dùng đúng thời)
2.- Dạ phần dược (thuốc dùng ban đêm)
3.- Thất nhật dược (thuốc dùng trong vòng bảy ngày).
4.- Tận hình dược (thuốc dùng suốt đời)
5.- Tùy vật (vật tùy thân)
6.- Trọng vật (vật quan trọng)
7.- Bất tịnh vật (vật không thanh tịnh)
8.- Tịnh bất tịnh vật (vật vừa thanh tịnh vừa không thanh tịnh).
Ðó gọi là tám vật.
Lấy: Nghĩa là cầm vật dời khỏi chỗ cũ, đó gọi là lấy.
Tùy theo ăn trộm: Không giống như mười sáu trường hợp giám hộ, chẳng hạn lấy trộm của nhà vua một món tiền nhỏ (244b)để mua dưa ăn mà bị vua bắt giết. Vì vua không có phép nhất định mà tùy theo ý mình, hoặc ăn trộm chút ít mà bị giết, hoặc ăn trộm nhiều mà không bị giết.
Như trường hợp đức Thế Tôn hỏi về pháp của vua Bình Sa sau đây: "Ðại vương trị nước, ăn trộm chừng bao nhiêu tiền thì bị tử hình? Bao nhiêu tiền thì bị trục xuất? Bao nhiêu tiền thì bị đánh khảo?".
Vua Bình Sa trả lời Phật: "Cứ 19 tiền là một kế lợi sa bàn, một kế lợi sa bàn chia làm bốn phần, nếu lấy một phần, hay hơn một phần, thì đáng tội chết. Nay tùy theo mức độ ăn trộm mà lấy đó làm chuẩn".
Vua: Nghĩa là Sát đế lợi, Bà la môn, trưởng giả, cư sĩ nhận chức làm vua.
Vua bắt: Vua sai người bắt, hoặc họ nắm tay, hoặc nắm các chỗ khác, thì gọi là bắt.
Giết: Kết liễu mạng sống thì gọi là giết.
Hoặc giam: Hoặc giam trong nhà, hoặc giam trong thành, hoặc giam trong thôn, hoặc gông cùm, hoặc xiềng xích, thì gọi là giam.
Tẫn xuất: Trục xuất ra khỏi xóm làng, trục xuất ra khỏi thành thị, trục xuất ra khỏi nước, thì gọi là tẫn xuất.
Than ôi, kẻ nam tử: Nếu Tỉ-kheo bị những lời khiển trách như: Ngươi là kẻ trộm, ngươi là kẻ si mê, ngươi là kẻ ngu muội, thì phạm tội Ba la di, không được sống chung (với Tăng chúng).
Ba la di: Nghĩa là đối với giáo pháp, tâm trí bị lui sụt, đọa lạc, không được đạo quả. Ðó gọi là Ba la di. Như vậy cho đến tận trí, vô sinh trí, đối với các trí ấy bị lui sụt, đọa lạc, không được đạo quả, thì gọi là Ba la di.
Ba la di còn có nghĩa là: Ðối với đạo quả Niết bàn bị lui sụt, đọa lạc, không chứng đắc, thì gọi là Ba la di.
Ba la di còn có nghĩa là: Vi phạm giới không lấy trộm, lui sụt, đọa lạc, thì gọi là Ba la di.
Ba la di lại còn có nghĩa là: Những tội vi phạm không thể phát lồ sám hối, nên gọi là Ba la di.
Thời dược: Tất cả các rễ cây, tất cả các thứ ngũ cốc, tất cả các thứ thịt.
Rễ cây: Thuốc trị bệnh, rễ cỏ, rễ sen, rễ tre, rễ khoai nước, rễ nho, rẽ hành, thì gọi là rễ.
Ngũ cốc: Gồm mười bảy loại. Ðó là:
1) Lúa. 2) Lúa đỏ. 3) Tiểu mạch. 4) Ðại mạch. 5) Ðậu nhỏ. 6) Ðậu hồ.7) Ðậu lớn. 8) Ðậu đăng. 9) Lúa tẻ. 10) Lúa mạ. 11) Mè. 12) Gừng. 13) Xà trí. 14) Ba tát đà. 15) Hạt cỏ lát. 16) Chỉ na câu. 17) Câu đà bà.
Ðó gọi là mười bảy loại mễ cốc.
Thịt: Thịt của các loài trên đất và dưới nước.
Thế nào là loài vật ở dưới nước?
- Loài vật ở dưới nước là: Cá, rùa, đề di, chi la, tu la, tu tu la, tu tu ma la. Những loài ở trong nước có thể ăn thịt được như vậy gọi là các loài ở trong nước.
Thế nào là loài vật ở trên đất?
- Loài vật ở trên đất là: Loài hai chân, bốn chân, không (244c) chân, nhiều chân, như vậy đều gọi là loài vật ở trên đất.
Các thức ăn bằng rễ, bằng hạt, bằng thịt như vậy đều thuộc về thời thực (thức ăn đúng lúc). Vì sao vậy? - Vì đúng giờ mới được ăn, không đúng giờ thì không được ăn, nên gọi là thời thực. Nếu Tỉ-kheo với tâm trộm cắp, xúc chạm các thứ thuốc đúng thời (thời dược) thì phạm tội Việt tỳ ni. Nếu lay động vật ấy thì phạm tội Thâu lan giá. Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ (năm tiền) thì phạm tội Ba la di.
Loại thuốc dùng ban đêm (dạ phần dược): Gồm 14 loại nước trái cây (tương) như sau:
1) Nước trái Am la. 2) Nước trái lê. 3) Nước trái lựu. 4) Nước điện đa lê (?). 5) Nước nho. 6) Nước Ba lâu sa. 7) Nước kiền kiền. 8) Nước chuối. 9) Nước Kế già đề. 10) Nước kiết phả la. 11) Nước bù lung cừ. 12) Nước mía. 13) Nước Kha lê đà. 14) Nước Khư ba lê.
Các loại nước này, nếu nhận được vào lúc tối thì uống vào lúc tối, nếu nửa đêm nhận được thì uống vào lúc nửa đêm, nếu cuối đêm nhận được thì uống vào lúc cuối đêm, hoặc trước bữa ăn nhận được để đến chiều tối uống, thì gọi là thuốc dùng ban đêm (dạ phần dược). Nếu Tỉ-kheo có tâm lấy trộm xúc chạm vào loại thuốc dùng ban đêm này thì phạm tội Việt tỳ ni.
Nếu làm lay động chúng thì phạm tội Thâu lan giá.
Nếu di chuyển khỏi chỗ cũ đủ số (quy định) thì phạm tội Ba la di.
- Thuốc dùng trong bảy ngày: Sữa, dầu, mật, đường phèn, mỡ, sữa tươi.
- Sữa: Các loại sữa như sữa bò, sữa trâu, sữa dê, sữa linh dương, sữa lạc đà.v.v..
- Dầu: dầu mè, dầu xà lách, dầu hoàng lam, dầu a đà tư, dầu tì ma, dầu tỉ lâu, dầu tỉ châu mạn đà, dầu ca lan giá, dầu sa la, dầu a đề mục đa, dầu mạn đầu, dầu đại ma, và các loại dầu khác thì gọi là dầu.
- Mật: Các thứ mật quân trà, mật bố để, mật ong ruồi, mật ong đất, đều gọi là mật.
- Ðường khối: Như đường bàn đà, đường na la, đường mạn xà, đường ma ha tì lê.v.v... thì gọi là đường khối.
- Mỡ: như mỡ cá, mỡ gấu, mỡ bi, mỡ tu tu la, mỡ heo. Những thứ mỡ này không có xương, không có thịt, không có máu, không có mùi hôi, không phải thức ăn chính, nếu Tỉ-kheo bệnh nhận được thì cho phép dùng trong bảy ngày. Ðó gọi là mỡ.
- Sữa tươi: Như các thứ sữa tươi của bò, dê.v.v... được lọc sạch, không phải thức ăn chính, nếu bỗng nhiên nhận được thì được phép uống trong bảy ngày. Ðó gọi là thuốc dùng trong bảy ngày.
Nếu Tỉ-kheo với tâm trộm cắp, xúc chạm loại thuốc dùng trong bảy ngày, thì phạm tội Việt Tì Ni.
Nếu làm lay động vật đó, thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
- Thuốc dùng suốt đời: Ha lê lặc, Tỳ lê lặc, A ma lặc, cây lá lốt, tiêu, gừng, quả sống đời (trường thọ), quả đào tiên, quả vú sữa, quả đậu đỏ, quả Ba la tất đa, quả chuối, (bàn na); loại có năm rễ nhỏ, loại năm rễ lớn, (245a) tất cả các thứ muối, tất cả các loại tro trừ 8 loại tro, tất cả các thứ đất, trừ đường khối, đất sỏi; những loại thuốc này không phải là thức ăn.
Nếu vừa mới nhận thì Tỉ-kheo bệnh có thể để uống suốt đời. Ðó gọi là loại thuốc uống suốt đời.
Nếu Tỉ-kheo với tâm trộm cắp xúc chạm loại thuốc dùng suốt đời thì phạm tội Việt Tì Ni.
Nếu làm lay động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu di chuyển khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
- Vật tùy thân: Ba y, tọa cụ, y che ghẻ, áo mưa, bát, đại kiền tư, tiểu kiền tư, đãy đựng bát, túi đựng đồ tắm, đãy lọc nước, hai loại đai thắt lưng, dao cạo, muỗng bằng đồng, bát nhỏ, ống đựng kim, bình nước, cái gáo để tắm, bình đựng dầu, bình con, tích trượng, giày da, dù, quạt và các vật dụng cần thiết khác, đó gọi là vật tùy thân, lại có những vật tùy thân của người thế tục như khí giới, dao, gậy, quần áo và các vật dụng cần thiết khác của người bạch y cũng gọi là vật tùy thân.
Nếu Tỉ-kheo dùng tâm trộm cắp xúc chạm vào các vật ấy thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu lay động vật đó thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
- Vật nặng (trọng vật): Như giường, vật dùng để nằm và các vật nặng khác.
- Giường, vật dùng để nằm: Giường nằm, giường để ngồi, mền nhỏ, mền lớn, khúc gỗ, tấm ra, cái gối, và các vật nặng khác như các vật bằng đồng, bằng gỗ, bằng tre, bằng gạch.v.v....
- Các vật bằng đồng: Bình đồng, nồi đồng, chảo đồng, muỗng đồng và các dụng cụ bằng đồng khác, gọi là dụng cụ bằng đồng.
- Các vật bằng gỗ và tre: Hộp bằng gỗ, bình gỗ, chậu bằng gỗ, chén gỗ, thìa bằng gỗ, cái giỏ tre, chiếu tre, cái sọt bằng tre, và tất cả các vật bằng gỗ, bằng tre khác, gọi là các vật bằng gỗ và bằng tre.
- Vật bằng đất: Từ cái vò lớn cho đến cái chén dùng làm đèn đều gọi là vật bằng đất, gạch.
Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp rờ vào các vật nặng ấy thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu lay động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
- Vật bất tịnh: Tiền, vàng, bạc; vì Tỉ-kheo không được chạm đến nên gọi là vật bất tịnh (vật không tinh khiết).
Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp sờ vào các vật bất tịnh thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu lay động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
- Vật thanh tịnh và không thanh tịnh: Trân châu, lưu ly, ngọc trai, san hô, pha lê, xà cừ, mã não, ngọc bích. Vì các bảo vật ấy có thể rờ đụng mà không thể mang vào mình, nên gọi là vật thanh tịnh và không thanh tịnh.
Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp sờ vào vật thanh tịnh và không thanh tịnh thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu lay động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
- Lại có mười sáu loại vật khác: Ðất, vật trong đất, nước, vật trong nước, thuyền, vật trong thuyền, xe, vật trên xe, loài bốn chân, (245b) vật ở trên loài bốn chân, loài hai chân, vật ở trên loài hai chân, loài không chân, vật ở trên loài không chân, hư không, vật ở trên hư không.
1- Thế nào là đất?
- Mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ đồng, mỏ thiết, mỏ bạch lạp, không thanh thư (?), đá vàng, đá diêm sinh, bụi, đất đỏ, đất trắng dẻo và các thứ đất thợ gốm dùng đều gọi là đất.
Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp sờ vào các loại đất ấy thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu lay động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
2- Vật ở trong đất: Nếu người ta chôn dấu các thứ vào trong đất như: Tiền, vàng, bạc, pha lê, ngọc trai, trân châu, xa cừ, mã não, bình sữa, bình dầu, bình đường khối và các loại cây, rễ, cành, lá, quả dùng làm thuốc.v.v... cho đến tám vật cất giấu vào trong đất thì gọi là vật trong đất.
Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp sờ vào các vật trong đất ấy thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu lay động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
3- Nước: Nước gồm có mười loại: Nước sông, nước ao, nước giếng, nước đầm sâu có rồng ở, nước trong, nước suối nóng, nước không nhiễm bệnh, nước mưa đã lọc, nước trên không trung, nước đang chảy; có nơi thì nước rất quí, có nơi thì nước không quí, hoặc một đồng được bốn năm bình, hoặc đổi tất cả vật sở hữu mới được một bình, như ở gần thôn ấp thành thị mà có nước tốt, thì một đồng được năm sáu bình.
Như có người khách buôn phải đi qua những con đường xa xôi hoang vắng, hoặc năm do tuần, hoặc mười do tuần, cho đến năm trăm do tuần, trên đường đi không có nước, các vị khách buôn ấy đều phải đem nước theo, hoặc tự tìm lấy, hoặc phải mua lấy. Khi ấy có một khách buôn còn một ít nước, không đủ dùng, vì khát bức bách, suy nghĩ: "Nếu ta còn sống, sẽ kiếm ra tiền, còn nếu ta khát nước mà chết thì tiền dùng để làm gì?", bèn đem tất cả tài vật đổi lấy một bình nước. Bấy giờ, có Tỉ-kheo đi theo người khách buôn, người này thường cung cấp nước cho Tỉ-kheo ; nhưng khi chưa đến nơi thì nước sắp hết, lúc ấy người khách buôn nói với Tỉ-kheo : "Ðường đi còn xa mà nước lại sắp hết, vậy xin hiến số nước này cho tôn giả, và số nước này để tôi uống". Tỉ-kheo phải lượng số nước mà khách buôn đã cho để dùng, nếu dấy tâm ăn trộm uống nhiều nước, đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di.
Nếu chưa đủ số quy định thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu khách buôn nói: "Nước tôi cung cấp cho tôn giả, xin chớ cho người khác". Nhưng nếu lúc ấy có người già cả bệnh hoạn bị khát bức bách, đến Tỉ-kheo xin nước uống, vì lòng từ bi, Tỉ-kheo muốn cung cấp nước cho người bệnh ấy, bèn suy nghĩ: "Chủ nhân tuy đã nói như thế, nhưng người bệnh này đáng thương, nay ta nên đem nước cho ông". Nếu chủ nhân cũng có lòng chiếu cố, đồng ý, không khiển trách (245c) thì không phạm.
Có người dùng thuyền chở nước, Tỉ-kheo vì khát nước bức bách, dấy tâm trộm cắp chạm vào nước trên thuyền của ông ta thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu dùng bát hoặc gáo múc nước ấy mà chưa rời khỏi thuyền thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu đã mang nước đi mà thân thể và y phục đều rời khỏi thuyền, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo khoét bình chứa nước của người ấy thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu dùng ống đút qua lỗ trống uống nước, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu thoắt uống thoắt nghỉ, thì mỗi hớp phạm mỗi tội Thâu Lan Giá.
Nếu đồ đựng nước trước đó được đậy nắp mà Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp mở nắp ra thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Khi đang rót nước thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Rót xong mà đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di.
Nếu lúc đang rót nước, liền sanh tâm hối hận, sợ phạm tội nặng, bèn đổ nước vào lại trong bình, thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu muốn kéo thuyền đi để lấy trộm nước, khi kéo thuyền tới, đuôi thuyền quá chỗ đầu thuyền thì phạm tội Ba La Di. Hoặc kéo ngược thuyền về phía sau, khi đầu thuyền qua khỏi chỗ đuôi thuyền, hoặc kéo qua bên phải, khi bên trái thuyền qua khỏi chỗ bên phải, hay ngược lại, liền phạm tội Ba La Di.
Nếu thuyền nhỏ dễ lay động mà Tỉ-kheo khởi tâm trộm cắp đụng vào thuyền thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu di động nó thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cu,õ đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu có người đắp bờ ngăn nước (chảy vào ruộng) mỗi đêm đáng giá một tiền cho đến 2,3,4,5 tiền mà Tỉ-kheo vì Phật Pháp Tăng khởi tâm trộm cắp phá hoại bờ của họ thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu nước chảy vào ruộng mình thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo không muốn trực tiếp phá hoại mà dùng phương tiện kéo gạch, cây đi qua khiến cho bờ vỡ, nước chảy thì lúc kéo qua phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu chảy vào ruộng thì phạm tội Thâu Lan Giá
Ðủ số quy định, phạm tội Ba La Di.
Nếu dùng phương tiện lùa bò, dê, lạc đà đi qua làm hư bờ cũng như thế.
Nếu Tỉ-kheo có tâm ganh tỵ, phá bờ cho nước chảy thoát thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu Tỉ-kheo cùng với khách buôn đi qua vùng hoang dã, có người nói: "Ngày mai sẽ tới chỗ có nước". Lúc ấy có người khách buôn đang gánh nước đi, Tỉ-kheo vì khát nước, đến xin Y mà không được, liền nổi giận mắng: "Kẻ tệ ác kia! Vì sao ngươi keo kiệt quá thế? Mang nước đi nhiều mà không dám uống, cũng không cho loài súc vật, cũng không cho Sa môn, Bà la môn, chẳng bao lâu cũng phải bỏ, chớ dùng nó làm gì nữa?". Tỉ-kheo liền phá thùng nước của y, vì tâm ác nên phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu có người dùng bồn chứa nước để tại nhà, rồi những bà con, bạn bè của Tỉ-kheo bị cháy nhà, Tỉ-kheo dấy tâm lấy trộm nước để chữa lửa, nếu đụng vào nước thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu làm lay động bồn nước của họ thì phạm tội (246a) Thâu Lan Giá.
Nếu dùng nước tưới lên lửa đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di.
Nếu tự suy nghĩ: "Sẽ trả lại đủ số nước đã lấy dùng", thì không phạm.
Nếu nhà của người ấy bị cháy dùng nước của Y để tưới lửa tắt thì không phạm. Nếu gặp lúc hạn hán mười năm, hai mươi năm, nước ao hoặc nước giếng có người giữ gìn mà Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp mang thùng đến lấy nước, chạm vào nước ấy thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu múc nước thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu gánh nước rời khỏi ao, đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di.
Nếu hồ nằm ở trong vườn, họ đóng cổng lại, mà Tỉ-kheo khởi tâm trộm cắp, dùng ống từ xa hút nước uống, khi nước đang chảy liên tục không ngừng mà đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di.
Nếu uống từng hớp từng hớp rồi dừng lại, thì mỗi hớp phạm mỗi tội Thâu Lan Giá.
Nếu nước ở dưới giếng, Tỉ-kheo dấy tâm lấy trộm, thì khi múc nước, phạm tội Việt Tỳ Ni.
Khi đã múc nước đổ vào thùng thì phạm tội Thâu Lan Giá. Và khi mang nước rời khỏi giếng, đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di.
Có những nhà ngoại đạo dùng bình chứa nước, khi nhà bị cháy, họ hoảng sợ mà khi ấy Tỉ-kheo suy nghĩ: "Kẻ ngoại đạo tà ác như thế, như thế thường đố kỵ Phật pháp, hủy báng Sa môn Thích Tử, nay ngươi đang bị họa". Liền đi tới dùng gậy đập vỡ bình nước, vì ác tâm phá hoại đồ của người ta nên phạm tội Việt Tỳ Ni.
Có các loại nước danh tiếng như nước Chiêm Ba có nước của sông Hằng, tại thành Vương Xá có nước suối nóng, tại ấp Ba Liên Phất có sông Thứ Nô, tại nước Ba La Nại có nước ao Phật Du Hành, tại nước Sa Kỳ có nước Huyền chú, tại thành Xá Vệ có nước Bổ Ða Lê, tại nước Ma Thâu La có loại nước Diêu Bồ Na, tại nước Tăng Già Xá có nước Thạch mật. Có những nhà quyền quí sai người đi lấy các thứ nước ấy, trên đường về nhà, nghỉ ở dọc đường, nếu Tỉ-kheo vì khát nước bức bách, dấy tâm trộm cắp rờ vào nước ấy thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu rót nước ấy vào bình của mình thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu rót vừa dứt mà đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di.
Nếu lúc đang rót mà sanh tâm hối hận, sợ phạm tội nặng, bèn đổ nước vào bình trở lại thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Có những hàng quí tộc đi chơi ở hoa viên, bèn xây cái hồ, pha dầu thơm vào nước, rồi có Tỉ-kheo dấy tâm lấy trộm, lấy nước ấy, nhưng nước không đáng giá tiền, thì tính theo thời giá dầu thơm (pha vào nước) mà quy định mức phạm tội.
Ðó gọi là các thứ nước.
4- Vật ở trong nước: Ðó là các thứ sinh trong nước như: Ưu bát la, Bát đàm ma, Câu vật đầu, Phân đà lợi, Tu kiền đề, rễ sen.v.v.. và các vật sinh ra trong nước khác, nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp, đụng chạm vào các vật sinh trong nước này thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu làm lay động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di. (246b) Nếu chỉ lấy một hoa mà trị giá đủ số quy định, cũng phạm tội Ba La Di.
Nếu chưa đủ số quy định thì mỗi hoa phạm mỗi tội Thâu Lan Giá.
Nhưng hái hoa để trên đất thì chưa phạm tội Ba La Di. Hoặc vì bó hoa lớn nặng không dỡ lên nổi, dù kéo đi hơi xa cũng không phạm Ba La Di. Nhưng nếu đã dỡ lên khỏi đất, thì phạm tội Ba La Di. Kể cả các vật sinh trong nước cũng như thế.
Nếu các nhà quyền quí làm các loại hoa bằng vàng bạc và các loại thuyền có hình các giống chim như le le, nhạn, uyên ương, để ở hồ tắm, khu giải trí, mà Tỉ-kheo dấy tâm lấy trộm, đụng vào các vật đó, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu di động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di.
Hoặc có người đem các vật như vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, ngọc trai, xích châu và tám loại khác cất giấu dưới nước mà Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp, chạm vào các vật ấy thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu di động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di.
Ðó gọi là những vật ở trong nước.
5- Thuyền: Thuyền có các loại như: Thuyền Tỳ câu la, thuyền Câu ha tra, thuyền Bạt cù lê, thuyền Tỳ thi già, thuyền mặt ngựa, thuyền mặt voi, thuyền mặt dê, thuyền mặt cá, hoặc một tầng cho đến bảy tầng, hoặc có vách ngăn, hoặc không có vách ngăn, hoặc dùng chở voi, hoặc dùng chở ngựa, hoặc dùng chở của cải, hoặc chở gạch ngói, hoặc chở da, hoặc chở kim loại, cho đến những cái bè chở liếp. Nếu những thuyền bè ấy buộc tại một chỗ mà Tỉ-kheo sinh tâm trộm cắp chạm vào chúng, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu di động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu cắt dây buộc thuyền mà chưa dời khỏi chỗ cũ, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Hoặc đã đời khỏi chỗ cũ mà chưa cắt dây buộc, cũng phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu đã cắt dây buộc và rời khỏi chỗ cũ thì phạm tội Ba La Di.
Nếu ý muốn trộm thuyền, không định trộm vật, nhưng sợ người ta biết, bèn lấy cả vật mang đi, thì dù rời khỏi chỗ cũ cũng chưa phạm Ba La Di.
Nhưng nếu bỏ vật lại, chỉ lấy thuyền, thì rời khỏi chỗ cũ, liền phạm tội Ba La Di.
Nếu có ý định trộm vật, không trộm thuyền, mà sợ người ta phát giác, nên mang cả thuyền đi thì chưa phạm Ba La Di.
Nhưng bỏ thuyền lại lấy vật mang đi, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu muốn lấy trộm cả thuyền và vật, thì khi thuyền rời khỏi chỗ cũ liền phạm Ba La Di.
Nếu muốn bỏ vật xuống đáy sông để lấy trộm thì lúc vật chìm khuất, phạm Ba La Di.
Nếu có người buộc thuyền bên bờ sông, lên ngồi nghỉ một chỗ khuất, có Tỉ-kheo định lấy trộm thuyền, bấy giờ có người khác nói với chủ thuyền: "Có người xuất gia muốn lấy trộm thuyền của ông đấy". Khi ấy chủ thuyền hỏi: "Người xuất gia ấy theo đạo nào?"
Ðáp: "Sa môn Thích Tử".
Chủ thuyền nói: "Khỏi lo, Sa môn Thích tử không lấy của không cho".
Nhưng lúc ấy thân Tỉ-kheo đã chạm đến thuyền, người kia lại nói (246c) với chủ thuyền: "Thầy Tỉ-kheo kia đã lấy thuyền của ông rồi". Chủ thuyền liền sanh nghi: Lẽ nào vị Tỉ-kheo kia lại muốn lấy trộm thuyền của ta sao?, bèn hỏi: "Tôn giả định làm gì đấy?"Lúc ấy Tỉ-kheo im lặng, không đáp liền dùng sào chèo thuyền đi. Chủ thuyền liền đuổi theo gọi: "Tôn giả! Thuyền ấy là thuyền của vua, của đại thần, của Bà la môn, trưởng giả cư sĩ, là thuyền để làm phước, thuyền để chở người". Lại hăm dọa Tỉ-kheo, nói: "Quân tệ ác, nếu ngươi lấy thuyền ta đi, thì ta sẽ trừng trị ngươi thích đáng". Thầy Tỉ-kheo ấy tuy chèo thuyền đi xa, nhưng nếu chủ thuyền không nghĩ là thuyền đã mất, và Tỉ-kheo cũng không nghĩ là đã được, thì chưa phạm tội Ba La Di. Trái lại nếu chủ thuyền nghĩ là thuyền đã mất và Tỉ-kheo nghĩ là đã được, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu chủ thuyền buộc thuyền bên bờ sông, rồi có khách Tỉ-kheo đến nói với chủ thuyền: "Lão trượng (trường thọ) chở giúp tôi đi". Chủ thuyền đáp: "Chỉ có một người mà tôi chở thế nào được!".Tỉ-kheo lại nói: "Lão trượng, giờ ăn của tôi đã đến, chớ làm cho tôi mất bữa ăn. Nay ông chở tôi tức là cho tôi ăn, là bố thí niềm vui cho tôi. Nay tôi với ông nguyện đời này đời sau giúp đỡ lẫn nhau". Chủ thuyền lại nói: "Ông không có đồng xu nào, thì làm sao muốn giúp đỡ người ta? Chân ông như con quạ đói, không đậu nhất định chỗ nào, thì ai sẽ giúp ông?"Tỉ-kheo bèn hạ giọng khẩn cầu. Chủ thuyền lại hỏi: "Tôi tự độ (giúp mình) được. Tôn giả giờ đây chỉ có một mình, thì bảo chở làm sao?" Tỉ-kheo đáp: "Lão trượng! Ông chỉ cần cầm lái, để tôi chèo cho". Chủ thuyền bèn đồng ý, liền bảo Tỉ-kheo lên thuyền. Khi đến giữa sông, thầy Tỉ-kheo bèn cầm mái chèo đánh chủ thuyền, mắng: "Quân tệ ác, dám hủy nhục Sa môn Thích Tử!". Mắng rồi lại đánh chủ thuyền, làm cho tay chân bị thương tích trầm trọng, đoạn đem vứt xuống nước, thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu chủ thuyền chết, mà trước đó Tỉ-kheo có tâm giết hại, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu trước không có tâm sát hại, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Lúc ấy, nếu Tỉ-kheo lấy trộm thuyền của Y, hoặc lấy trộm hành lý, mà đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di.
Nếu chưa đủ số thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu Tỉ-kheo có ác tâm nhận chìm thuyền của Y, hoặc phá hủy, hoặc thả trôi đi, vì làm hư hỏng, mất mát vật của người khác nên phạm tội Việt Tỳ Ni.
Có người muốn tạo phước nên dùng thuyền chở người, nếu Tỉ-kheo tự chèo thuyền ấy qua sông, thì phải buộc thuyền vào bờ để người sau còn đi nữa; nếu Tỉ-kheo lấy trộm thuyền hoặc hành trang của họ mà đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di.
Nếu nhận chìm trong nước, hoặc phá hỏng, hoặc thả cho trôi đi, thì phạm (247a) tội Việt Tỳ Ni. Tỉ-kheo nếu chèo thuyền đến bờ bên kia, thì phải buộc thuyền vào bờ ở chỗ trống trải để người sau còn sử dụng, không được buộc thuyền ở chỗ khuất.
Ðó gọi là Thuyền.
6- Vật ở trên thuyền: Các vật ở trên thuyền như vàng, bạc, trân châu, tiền của, hổ phách, lưu ly, ngọc trai, san hô, xa cừ, xích châu, kiếp bối, cho đến tất cả y phục, ngũ cốc và tám thứ vật, hoặc được che phủ, hoặc không che phủ mà Tỉ-kheo dấy tâm lấy trộm rờ vào các vật ấy thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu di động các vật ấy thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
7- Xe: Hoặc xe hành khách, hoặc xe chở hàng, hoặc xe ba gác, hoặc xe xích lô, cho đến các loại xe trẻ con chơi, đó gọi là xe.
Nếu Tỉ-kheo lấy trộm xe hai bánh, đẩy tới trước mà đuôi xe qua khỏi đầu xe, đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di. Hoặc đẩy lui mà đầu xe qua khỏi đuôi xe, thì phạm tội Ba La Di. Hoặc đẩy sang hai bên mà bánh trái qua khỏi bánh phải hay bánh phải qua khỏi bánh trái, cũng phạm tội Ba La Di. Hoặc Tỉ-kheo đập phá xe ấy, rồi lấy trộm từng khúc gỗ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di. Chưa đủ số quy định thì phạm tội Thâu Lan Giá. Hoặc xe nhỏ có thể mang đi, nếu chạm đến thì phạm tội Việt tỳ ni. Nếu di động nó thì phạm tội Thâu lan giá. Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Ðó gọi là các loại xe.
8- Vật ở trên xe: Hoặc da sư tử dùng để che, hoặc da cọp, hoặc hoàng khâm bà la (?) và các vật dùng để che khác, tất cả các vật dùng để lót và tất cả các vật dùng để trang trí xe. Ðó gọi là các vật ở trên xe.
- Tất cả những vật để trong xe: Ðó là: vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, trân châu, ngọc trai, san hô, hổ phách, xích bảo.v.v..., y phục, ẩm thực và tám thứ vật, hoặc được che kín, hoặc không được che kín, nếu Tỉ-kheo dùng tâm trộm cắp sờ vào những vật ấy thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu di động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di.
Ðó gọi là những vật để trong xe.
9- Loài vật bốn chân: Ðó là voi, ngựa, lạc đà, bò, lừa, la, dê, cả đến chuột, chó sói.v.v... Nếu Tỉ-kheo muốn ăn trộm voi, dắt nó đi, khi nó đã dỡ lên từ một chân cho đến ba chân, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Khi nó đã dỡ lên cả bốn chân, rời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di. Kể cả ngựa, lạc đà cho đến dê cũng như vậy. Nếu con vật ấy nhỏ có thể vác đi được thì khi chạm vào nó phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu di động nó phạm tội Thâu Lan Giá, nếu rời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di. Ðó gọi là các con vật bốn chân.
10- Những vật dụng ở trên loài bốn chân: Ðó là các dụng cụ dùng để trang bị cho voi, kể cả các dụng cụ trang bị cho chuột, chó sói và tám loài vật khác, hoặc được che kín, hoặc không che kín; nếu Tỉ-kheo dùng tâm trộm cắp sờ vào các vật đó, thì phạm tội Việt Tỳ Ni; nếu di động chúng, thì phạm tội Thâu Lan Giá. (247b); nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di. Ðó gọi là những vật dụng ở trên loài bốn chân.
11- Loài vật hai chân: Ðó là người và chim.v.v.. Nếu Tỉ-kheo trộm người (thuộc quyền quản lý) của người khác, hoặc quyến rũ di theo, hoặc dùng dao gậy bức hiếp, khi người ấy dở lên một chân thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu dở cả hai chân thì phạm tội Ba La Di. Nếu người ấy nhỏ có thể cõng, vác đi, mà chạm đến họ thì phạm tội Việt Tỳ Ni; nếu di động họ thì phạm tội Thâu Lan Giá; nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di. Kể cả các loài chim cũng như thế. Ðó gọi là loài vật hai chân.
12- Những vật dụng ở trên loài hai chân: Ðó là những vật trang điểm của phụ nữ, những vật trang điểm của nam giới, cho đến những thứ trang điểm trên mình chim oanh vũ.
- Những vật trang điểm của phụ nữ: Ðó là xoa, xuyến, y phục.v.v...
- Những vật trang điểm của nam giới: Như áo, mão ngọc, anh lạc.v.v...
Cho đến những thứ trang điểm trên chim oanh vũ như vàng, ngọc, lục lạc đeo vào cổ, chân của chúng, và tám thứ vật khác, hoặc được che kín, hoặc không che kín. Nếu Tỉ-kheo khởi tâm trộm cắp chạm vào các vật trên loài hai chân ấy thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu di động chúng, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu rời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di.
Ðó gọi là những vật dụng ở trên loài hai chân.
13- Loài vật không chân: Ðó là rắn, trăn, hoặc ăn hoa, ăn trái, ăn thịt, hay chỉ thở bằng không khí, hoặc rắn được nhốt trong lọ hay trong lồng.
Có một Tỉ-kheo vốn là người nuôi rắn, về sau xuất gia. Vị này muốn bắt trộm con rắn của một người khác, nhưng sợ người chủ hay biết, liền xách cả cái lồng đi, thì chưa phạm tội Ba La Di. Nhưng nếu bắt rắn, bỏ lồng lại, đủ số quy định thì phạm tội Ba La Di. Nhưng nếu chỉ có ý trộm lồng, không trộm rắn, mà vì sợ chủ biết, nên lấy luôn cả rắn thì chưa phạm tội Ba La Di. Nếu bỏ rắn lấy lồng, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di. Nếu định trộm cả lồng và rắn, thì khi xách đi khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, phạm tội Ba La Di. Nếu bắt trộm con rắn trong lọ mà đuôi rắn chưa ra khỏi miệng lọ thì chưa phạm Ba La Di. Nếu cả đầu và đuôi đều ra khỏi lọ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu tức giận, khiển trách kẻ ấy, mắng rằng: "Quân ác độc, vì sao lại dùng lồng để nhốt chúng sinh!"Liền mở lồng để cho rắn bò ra, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp chạm vào loài không chân, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu di động chúng, thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Ðó gọi là những loài vật không chân.
14- Những đồ vật ở trên loài không chân: Ðó là vàng, bạc, trân châu, xà cừ, hổ phách, san hô, ngọc trai, lưu ly, xích châu cho đến tám loài vật, hoặc được che kín, hoặc không che kín, vì người ta sợ loài vật không chân này nên không dám lấy (vật trên nó). Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp chạm vào những đồ vật ở trên loài không chân này thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu di động các vật ấy thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định (247c) thì phạm tội Ba La Di.
Ðó gọi là những vật ở trên loài không chân.
15- Vật không trung: Ðó là cây Am la, cây Chim bặc, cây Diêm phù, cây Da tử, cây Chỉ ba la, cây Long hoa, cây Cát tường, quả, cho đến tất cả cây có hoa trái. Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp lấy trộm các cây đó, khi lấy một cây mà đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu chưa đủ số quy định, tùy theo mức độ, như nhổ các cây con thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu nhổ cây con để lại một chỗ thì chưa phạm tội Ba La Di.
Nếu mang đi khỏi khu đất ấy, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu cây nặng, kéo đi mà chưa rời khu đất dù đã đi xa thì chưa phạm tội Ba La Di.
Nếu đem đi khỏi khu đất thì phạm tội Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp đụng vào vật trên hư không thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu lay động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Ðó gọi là vật không trung.
16- Vật ở trên không trung: Ðó là quả Am la (xoài) cho đến quả cát tường. Nếu Tỉ-kheo dấy tâm lấy trộm các loại trái cây ấy để ăn, nếu ăn một trái mà đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu chưa đủ, thì cứ mỗi miếng phạm mỗi tội Thâu Lan Giá.
Nếu Tỉ-kheo đụng vào cây, trái rơi xuống đất, thì chưa phạm Ba La Di.
Nếu nhặt trái mang đi, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu hai người đi hái trộm quả, một người lên cây hái quả ném xuống, một người dưới đất nhặt quả, thì chưa phạm tội Ba La Di.
Nếu người trên cây đã xuống tới đất, mang quả đi, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di. Lấy trộm tất cả các loại quả khác cũng như thế.
Nếu tại các nơi như Phật đản sinh, đắc đạo, chuyển pháp luân, chỗ tôn giả A Nan mở đại hội, La Hầu La mở đại hội, Ban Giá Vu Sắt mở đại hội, có trồng các hàng cây, và trên các cây được trang trí các thứ châu báu và tám loại vật, hoặc được che kín, hoặc không che kín. Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp sờ vào các vật báu đó, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu lay động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Ðó gọi là những vật ở trên không trung.
Trong mười sáu vật đã kể trên, nếu Tỉ-kheo dùng tâm trộm cắp đụng vào chúng thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu lay động thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
- Lại có mười ba trường hợp sai biệt. Ðó là:
1- Vật sai biệt.
2- Xứ sai biệt.
3- Bất định sai biệt.
4- Tường vách sai biệt.
5- Lồng sai biệt.
6- Ký sai biệt.
7- Tạp sai biệt.
8- Phương sai biệt.
9- Tướng sai biệt.
10- Cây cọc sai biệt.
11- Vườn sai biệt.
12- Ăn trộm sai biệt.
13- Thuế sai biệt.
1- Vật sai biệt: Vật gồm có tám loại:
a- Thuốc (248a) dùng đúng thời.
b- Thuốc dùng ban đêm.
c- Thuốc dùng trong vòng bảy ngày.
d- Thuốc dùng suốt đời.
đ- Vật tùy thân.
e- Vật nặng.
g- Vật không thanh tịnh.
h- Vật thanh tịnh và không thanh tịnh.
Ðó gọi là những vật sai biệt.
Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp chạm vào các vật ấy thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu di động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
2- Xứ sai biệt: Ðó là đất và những vật trong đất, nước và những vật trong nước, thuyền và những vật trên thuyền, xe và những vật trên xe, loài bốn chân và những đồ vật trên loài bốn chân, loài hai chân và những đồ vật trên loài hai chân, loài không chân và những đồ vật trên loài không chân, không trung và những vật trên không trung.
Ðó gọi là xứ sai biệt.
Nếu Tỉ-kheo khởi tâm trộm cắp sờ vào những vật đó, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu di động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
3- Bất định sai biệt: Có trường hợp biết mà nói dối, phạm tội Ba Dạ Ðề. Có trường hợp không biết mà nói dối, phạm tội Ba Dạ Ðề. Hoặc biết mà nói dối phạm tội Ba La Di. Hoặc biết mà nói dối phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa. Hoặc biết mà nói dối phạm tội Thâu Lan Giá. Hoặc biết mà nói dối phạm tội Việt Tỳ Ni.
- Biết mà nói dối phạm tội Ba La Di: Nếu Tỉ-kheo không thật sự đạt được pháp siêu việt hơn người mà nói: "Tôi được A La Hán", thì đó là biết mà nói dối, không phải phạm tội Ba Dạ Ðề mà là phạm tội Ba La Di.
- Biết mà nói dối phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa: Nếu Tỉ-kheo vô cớ vu khống Tỉ-kheo khác phạm tội Ba La Di, thì đó là biết mà nói dối, không phải phạm tội Ba Dạ Ðề mà là phạm tội Tăng Già Bà Thi Sa.
- Biết mà nói dối phạm tội Thâu Lan Giá: Nếu Tỉ-kheo nói: "Tôi là bậc A La Hán", thì đó là biết mà nói dối, nên không phải phạm tội Ba Dạ Ðề mà là phạm tội Thâu Lan Giá.
- Biết mà nói dối phạm tội Việt Tỳ Ni: Nếu Tỉ-kheo tự nói: "Tôi là A La Hán chăng?"Ðó là biết mà nói dối, không phải phạm tội Ba Dạ Ðề, mà phạm tội Việt Tỳ Ni.
- Biết mà nói dối, phạm Ba Dạ Ðề: Trừ các việc trên, ngoài ra tất cả những lời nói dối đều thuộc về biết mà nói dối, phạm tội Ba Dạ Ðề.
Lại có các trường hợp: Tàn hại cây cỏ, phạm Ba La Di. Có trường hợp tàn hại cây cỏ phạm Thâu Lan Giá. Có trường hợp tàn hại cây cỏ phạm Ba Dạ Ðề.
- Trường hợp tàn hại cây cỏ phạm Ba La Di: Như cây cối hoa quả có chủ giữ gìn mà Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp định lấy rồi làm tàn hại chúng, nếu đủ số quy định, thì không phải phạm tội Ba Dạ Ðề mà là phạm tội Ba La Di.
- Tàn hại cây cỏ phạm Thâu Lan Giá: Nếu cây cối hoa quả có chủ giữ gìn mà Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp, lấy trộm chúng, chưa đủ số quy định thì không phải tội Ba Dạ Ðề mà là tội Thâu Lan Giá.
- Tàn hại cây cỏ phạm Ba Dạ Ðề: Tàn hại (248b) tất cả cây cỏ đều phạm tội Ba Dạ Ðề.
Có trường hợp ăn phi thời phạm Ba La Di. Có trường hợp ăn phi thời phạm Thâu Lan Giá. Có trường hợp ăn phi thời phạm Ba Dạ Ðề.
- Ăn phi thời (không đúng giờ) phạm Ba La Di: Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp lấy trộm thức ăn của người khác rồi ăn phi thời, nếu đủ số quy định thì không phải phạm Ba Dạ Ðề mà là phạm Ba La Di.
- Ăn phi thời phạm Thâu Lan Giá: Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp lấy thức ăn của người khác ăn lúc phi thời mà chưa đủ số quy định thì không phải phạm Ba Dạ Ðề mà là phạm Thâu Lan Giá.
- Ăn phi thời phạm Ba Dạ Ðề: Nếu Tỉ-kheo nhận thức ăn hợp pháp nhưng ăn lúc phi thời, thì phạm Ba Dạ Ðề.
Không phải uống rượu chỉ phạm Ba Dạ Ðề, mà có trường hợp uống rượu phạm Ba La Di. Có trường hợp uống rượu phạm Thâu Lan Giá. Có trường hợp uống rượu phạm Ba Dạ Ðề.
- Trường hợp uống rượu phạm Ba La Di: Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp, lấy rượu của người khác uống, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
- Trường hợp uống rượu phạm Thâu Lan Giá: Nếu Tỉ-kheo khởi tâm trộm cắp lấy rượu của người khác uống, chưa đủ số quy định, thì phạm tội Thâu Lan Giá.
- Trường hợp uống rượu phạm Ba Dạ Ðề: Nếu Tỉ-kheo nhận được rượu hợp pháp mà uống thì phạm tội Ba Dạ Ðề.
Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp xúc chạm vào các vật bất định sai biệt thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu di động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Ðó gọi là các vật bất định sai biệt.
4- Tường vách sai biệt: Chuồng voi, chuồng ngựa, chuồng lạc đà, chuồng lừa, bò, dê, vườn rau, vườn cải, vườn dưa, vườn mía.v.v... Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp bắt voi của người ta, voi dở lên một chân cho đến bốn chân, ra tới cửa chuồng, nhưng thân nó chưa ra khỏi cửa thì phạm tội Thâu Lan Giá, khi thân ra khỏi cửa thì phạm tội Ba La Di. Kể cả các con vật khác kia cũng thế. Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp bắt dê của người ta, dê sợ bỏ chạy, bèn nổi giận đánh chết thì phạm tội Ba Dạ Ðề.
Nếu Tỉ-kheo cắt thịt nó ném ra ngoài hàng rào thì chưa phạm Ba La Di, nhưng khi mình ra khỏi hàng rào, rồi mang thịt rời khỏi khu vực đó đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Hoặc trở lại trong chuồng, ăn thịt, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu hai Tỉ-kheo đi bắt trộm dê, một người ở ngoài rào, một người ở trong rào, người ở trong cắt thịt ném ra ngoài rào, thì chưa phạm Ba La Di.
Nếu người ấy ra ngoài, mang thịt rời khỏi khu vực đó, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp đi nhổ cải trộm, nếu nhổ một cây mà đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di. Nếu chưa đủ, thì khi nhổ, cứ mỗi cây phạm mỗi tội Thâu Lan Giá.
Nếu nhổ chất lại một đống, thì chưa phạm Ba La Di, nhưng khi mang ra khỏi vườn thì phạm tội Ba La Di.
Nếu nhổ những gốc lớn không thể mang đi được, dù kéo đi hơi xa, cũng chưa phạm Ba La Di.
Nếu đã rời khỏi đám đất, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di. Tất cả các thứ rau cho đến dưa cũng như thế.
Nếu Tỉ-kheo khởi tâm trộm cắp, chặt trộm mía của người, ăn đúng thời, (248c) dù một cây mà đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu chưa đủ số quy định, thì cứ mỗi cây phạm mỗi tội Thâu Lan Giá.
Nếu chặt vứt ra ngoài hàng rào thì chưa phạm Ba La Di, mà phạm Ba Dạ Ðề.
Nếu ra khỏi vườn, mang đi, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo có tâm trộm cắp, lại xảo trá lấy mía buộc dưới gót chân kéo đi, dù đi hơi xa, vẫn chưa phạm Ba La Di.
Nếu rời khỏi khu đất, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo ở trong vườn chặt mía vứt ra cho Tỉ-kheo ở ngoài vườn, thì chưa phạm Ba La Di.
Nếu người ấy ra rồi vác mía rời khỏi khu vườn, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu lúc Tỉ-kheo vác mía đi, tuy chạm vào cây và lá mía, nhưng chưa rời khỏi vườn, thì chưa phạm Ba La Di.
Sau khi đã rời khỏi vườn, thì phạm Ba La Di.
Tóm lại, nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp, chạm vào các vật kể trên, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu di động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
5- Lồng sai biệt: Ðó là các giống chim như Oanh vũ.v.v... các giống thú như Sư tử.v.v...
Nếu Tỉ-kheo khởi tâm trộm cắp, khi lấy trộm chỉ muốn trộm chim không muốn trộm lồng, nhưng sợ người ta phát giác nên xách cả lồng đi, thì chưa phạm Ba La Di.
Nếu bỏ lồng lại bắt chim đi, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di. Nếu muốn trộm lồng, không trộm chim, nhưng sợ người ta biết nên đem cả chim đi, thì chưa phạm Ba La Di.
Nếu thả chim ra, xách lồng đi, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu muốn lấy trộm cả lồng và chim đi, khi mang đi khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp, khi tay còn đang bắt chim trong lồng, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Khi một chân chim ra khỏi lồng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Khi hai chân ra khỏi lồng mà cánh, đuôi chưa ra khỏi miệng lồng thì chưa phạm tội Ba La Di.
Khi hoàn toàn rời khỏi lồng, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo bắt trộm Sư tử mà tay còn ở trong chuồng thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu kéo ra được một chân (sư tử) thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nhưng khi bốn chân ra khỏi chuồng mà đuôi chưa ra khỏi, thì chưa phạm Ba La Di.
Nếu hoàn toàn ra khỏi, thì phạm tội Ba La Di. Tất cả các loài thú khác cũng như vậy.
Tóm lại, nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp chạm vào các vật ở trong lồng sai biệt như vậy, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu di động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
6- Ký gởi sai biệt: Nếu Hòa thượng, thầy, đệ tử bạn hữu gởi vật nhờ ai đó giữ giúp, như bát, y và các vật khác, mà người nhận suy nghĩ: "Người gởi đã đi xa, mà vật gởi không biết thứ gì, vậy vật này ta phải xử dụng", bèn sinh tâm trộm cắp lấy vật đó, từ dưới đất để lên đầu gối, từ đầu gối đặt xuống đất, từ vai trái đặt lên vai phải, cho đến từ đầu để lên vai, mỗi mỗi sự di động, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo nhận gởi gấm rồi, bèn đi qua sông, hoặc lội qua ao, hoặc qua chỗ nước xoáy, hoặc gặp mưa, sợ ướt (249a) nên mở ra xem, thấy y ấy đẹp, liền suy nghĩ: "Người gởi ấy đã đi xa, người hiện tiền không biết, vật này ta nên sử dụng". Bèn sinh tâm trộm cắp lấy vật ấy, từ đất để lên đầu gối, từ đầu gối đặt xuống đất, từ vai trái đặt qua vai phải, hoặc từ vai để lên đầu, mỗi mỗi sự di động, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Vị Tỉ-kheo nhận ký gởi đang đi trên đường, thấy vị Tỉ-kheo khác từ chỗ ở trước kia đến, liền hỏi Tỉ-kheo ấy: "Trưởng lão từ nơi nào đến vậy?"
Ðáp: "Từ chỗ nọ đến".
Hỏi: "Biết vị Tỉ-kheo kia chăng?"
Ðáp: "Biết".
Liền hỏi: "Vị Tỉ-kheo ấy có bình an không?"
Ðáp: "Chết"hoặc "Ðã nhập Niết bàn".
Nếu thế, thì các y phục và vật dụng ấy phải thuộc về hiện tiền Tăng. Nhưng nếu vị Tỉ-kheo nhận vật ký gởi biết pháp mà gian trá, liền suy nghĩ: "Tội gì mà ta chia cho vị Tỉ-kheo này", liền im lặng bỏ vị Tỉ-kheo ấy, đi tới chỗ khuất không thể nghe thấy, rồi nói: "Vị Tỉ-kheo mỗ giáp kia đã quá cố, đã nhập Niết bàn. Các y bát và vật dụng khác của vị ấy nên chia cho Tăng chúng hiện tiền, nhưng hiện tiền không có Tăng chúng, nên tôi phải nhận lấy". Vị Tỉ-kheo này dùng tâm gian trá để độc chiếm các vật đó, nên phạm tội Việt Tỳ Ni.
Hoặc giả, vị Tỉ-kheo nhận đồ ký gởi muốn đi thuyền qua sông, bỗng có vị Tỉ-kheo khác từ bờ kia đi qua. Vị này hỏi vị ấy: "Thầy từ đâu đến?"
Ðáp: "Từ chỗ ấy đến".
Lại hỏi: "Có biết vị Tỉ-kheo kia chăng?"
Ðáp: "Biết".
Lại hỏi: "Vị Tỉ-kheo ấy bình an chăng?"
Ðáp: "Ðã chết, đã nhập Niết bàn".
Bấy giờ, y phục và vật dụng (của Tỉ-kheo quá cố) phải thuộc về Tăng chúng hiện tiền, nhưng thầy Tỉ-kheo này biết pháp mà gian trá, làm yết ma để độc chiếm y vật, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Hoặc vị Tỉ-kheo nhận đồ ký gởi đi thuyền đến giữa sông thì gặp một Tỉ-kheo khác từ bên kia đi lại, thầy liền hỏi: "Trưởng lão từ đâu đến?".v.v.. cho đến dùng tâm yết ma gian trá thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Hoặc giả thầy Tỉ-kheo nhận đồ ký gởi đến bờ bên kia, xuống thuyền, liền gặp một Tỉ-kheo khác sắp lên thuyền.v.v.. cho đến dùng tâm yết ma gian trá thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Hoặc Tỉ-kheo nhận đồ ký gởi đã lên khỏi bờ, gặp một Tỉ-kheo khác từ bên kia đi lại, liền hỏi: "Trưởng lão từ đâu đến?"Ðáp: "Từ nơi ấy đến".v.v... cho đến dùng tâm gian trá làm phép yết ma thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Thầy Tỉ-kheo ấy hoặc suy nghĩ: "Hiện tại thấy có nhiều người cùng tên, vậy phải làm cách nào đến được nơi ấy?"Ðến nơi ấy rồi, liền hỏi vị Tỉ-kheo kia có được bình an không thì được biết, hoặc đã chết, hoặc đã nhập Niết bàn. Khi ấy y vật đương nhiên thuộc về Tăng chúng hiện tiền. Thầy Tỉ-kheo này tuy biết pháp, nhưng gian trá suy nghĩ: "Y ấy vì sao phải chia cho nhiều người?" Liền gọi riêng (249b) thầy Tỉ-kheo quen biết ra ngoài giới trường, bảo: "Thầy Tỉ-kheo mỗ giáp đã quá cố, đã nhập Niết bàn, y bát và các tạp vật nên chia cho Tăng hiện tiền, giờ đây hai chúng ta là người hiện diện, nên nhận lấy". Cách nhận ấy là phép yết ma gian trá, nên phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu Tỉ-kheo này suy nghĩ: "Trước đây (vị ấy) bảo ta tặng y này cho tháp, cho Tăng, mà nay thầy đã mất, đã nhập Niết bàn", liền mang vật ấy trở về lại chỗ cũ (trú xứ của Tỉ-kheo đã mất), thì không phạm tội. Ðó gọi là ký gởi sai biệt.
Tóm lại, nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp chạm vào vật ký gởi thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Cho đến dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
7- Tạp vật sai biệt: Như người chăn nuôi, chăn các loài súc vật như: voi, ngựa, bò, lạc đà, lừa, dê.v.v...
- Voi: Voi có nhiều thứ, như voi tốt, thuần dưỡng, đẹp đẽ, khỏe mạnh, chạy nhanh.
Nếu Tỉ-kheo khởi tâm trộm cắp bắt lấy voi, leo lên cưỡi rồi thúc voi về một phương nào đó như phương Ðông, nhưng voi nổi khùng chạy về phương Nam, Tây, Bắc thì chưa phạm Ba La Di. Hoặc muốn dắt voi về phương Nam, nhưng voi phát khùng chạy về phương Tây, Bắc, Ðông, thì chưa phạm Ba La Di; hoặc về phương Tây, Bắc cũng thế.
Nhưng nếu muốn dắt trộm voi về phương Ðông mà voi đi về phương Ðông, thì phạm Ba La Di; phương Nam, Tây, Bắc cũng thế.
Nếu lúc đầu không định phương hướng, tùy nơi mà đi, thì khi voi dở lên đủ bốn chân, phạm tội Ba La Di.
- Ngựa: Ngựa có nhiều loại, có loài thuần dưỡng, sắc đẹp, chạy nhanh.
Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp, bắt con ngựa ấy, rồi leo lên ngựa thúc về phương Ðông, nhưng ngựa nổi cuồng chạy về phương Nam, Tây, Bắc thì chưa phạm Ba La Di.
Cũng vậy, các phương Nam, Tây, Bắc kia cũng thế,ngựa tùy phương đi như trên đã nói. Nếu không định phương hướng, tùy chỗ mà đi, thì khi ngựa đã dở lên cả bốn chân, phạm Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo trộm con ngựa tốt, cưỡi chạy, rồi chủ ngựa hay được, lên ngựa đuổi theo, nhưng chủ chưa cho là đã mất ngựa, Tỉ-kheo không nghĩ là mình đã được, thì chưa phạm Ba La Di.
Nếu chủ ngựa nghĩ là đã mất ngựa, Tỉ-kheo tưởng là đã được ngựa, thì phạm Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp, dùng mồi hoặc cỏ nhử ngựa người ta đem đến chỗ không thấy, không ghe được nữa, thì phạm tội Ba La Di.
- Bò: Bò có nhiều loại, có loại thuần dưỡng, lông mịn, sắc đẹp, chạy nhanh.
Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp, cầm roi đuổi bò về phương Ðông, phạm và không phạm như đã nói trong trường hợp voi. Cho đến, nếu chủ bò hay được, đuổi theo, mà chủ không nghĩ là đã mất bò, Tỉ-kheo cũng không nghĩ là đã được, thì chưa phạm Ba La Di.
Nhưng nếu chủ bò nghĩ là đã mất, Tỉ-kheo nghĩ mình đã được, (249c) thì phạm Ba La Di.
Nếu khởi tâm trộm cắp dùng mồi hay cỏ nhử bò người ta dắt đi, hoặc dùng dây dài buộc dắt tới chỗ không còn ai trông thấy nữa, thì phạm Ba La Di. Trường hợp trộm lạc đà, lừa, dê cũng như thế.
Ðó gọi là tạp vật sai biệt.
Tóm lại, nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp, chạm vào các vật kể trên thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Cho đến rời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
8- Tràng phan sai biệt: Nếu tại các nơi Phật đản sinh, đắc đạo, chuyển pháp luân, chỗ A Nan mở đại hội, La Hầu La mở đại hội, Ban Giá Vu Sắt mở đại hội, được trang các thứ như treo biểu ngữ, che lọng và các thứ linh quí; nếu Tỉ-kheo dấy tâm lấy trộm tràng phan, mở được một đầu dây thì chưa phạm Ba La Di.
Khi mở cả hai đầu, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp nói gạt là mình đi treo tràng phan các nơi thì chưa phạm Ba La Di.
Khi lấy rồi mang đi luôn, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo lấy trộm vòng hoa, mới mở một đầu thì chưa phạm Ba La Di.
Khi mở cả hai đầu xong, đủ số quy định, thì phạm Ba La Di.
Nếu hai Tỉ-kheo cùng đi lấy trộm tràng phan trong chỗ tối không thấy nhau, mỗi người mở một đầu cuốn lại, gặp nhau ở chỗ giữa, liền hỏi: "Ông là ai?"Người nghe hỏi hoảng sợ bỏ tràng phan mà chạy, thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu hai Tỉ-kheo đụng độ, hỏi nhau, mỗi người đều nói mình lấy trộm tràng phan, rồi lấy mang đi, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu nhiều lá cờ có nhiều màu cùng cột một dây nặng nề, mỗi người mở một đầu rơi xuống đất, nhưng vì nặng mang không nổi, kéo lê đi, tuy xa chỗ cũ, vẫn chưa phạm tội Ba La Di.
Khi đã dở lên khỏi đất, cả hai đều phạm tội Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo này suy nghĩ: "Ðây là vật trang trí tháp mà lấy đi, thì mang tội nặng. Ta chỉ cần một cái hai màu". Rồi lấy cái ấy, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu nghĩ: "Ta chỉ cần nửa màu", rồi lấy cái ấy, chưa đủ số quy định, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu hai Tỉ-kheo lấy trộm cờ trong chỗ tối, cả hai không biết nhau, mỗi người mở một đầu cuốn lại, đến chỗ giữa gặp nhau, bèn hỏi: "Ông là ai?"Rồi hoảng sợ bỏ cờ mà chạy, thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Một Tỉ-kheo khác buổi sáng sớm đi nhiễu tháp, thấy cờ ấy rơi xuống đất, liền khởi tâm trộm cắp lấy đi, nếu đủ số quy định, thì phạm Ba La Di.
Có người dùng bảy thứ báu trang trí cúng dường cây Bồ đề như: vàng, bạc, trân châu, các lá cờ hoa dây vàng, kim tuyến, móc vàng, linh treo, ánh vàng rực rỡ cả núi. Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp, lấy các vật ấy, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Lại nữa, các tháp của ngoại đạo cũng có các thứ lụa là rực rỡ cúng dường. Nếu Tỉ-kheo dùng tâm trộm cắp để lấy, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu gió thổi làm rơi (các vật kia) xuống đất, (mà Tỉ-kheo) biết đó là các vật cúng dường của tháp (250a), thì không nên lấy. Nếu bị gió thổi bay xa bụi bặm vấy bẩn, mình tưởng là vật phấn tảo (vứt bỏ) mà lấy, thì không có tội. Hoặc trong Thiên Tự (chùa thờ trời) có các y vật, Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp để lấy, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu (các vật ấy) bị gió thổi bay xa, bụi bặm vấy bẩn, mình tưởng là đồ bỏ mà lấy, thì không có tội.
Ðó gọi là tràng phan sai biệt.
Tóm lại, nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp chạm vào các thứ tràng phan sai biệt ấy thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu di động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
9- Tướng sai biệt: Nếu có nhà trưởng giả để y phục, chuỗi anh lạc bừa bãi chưa thu cất, khi ấy Tỉ-kheo dẫn Sa di đến nhà, trông thấy rồi sinh tâm trộm cắp, lấy y vật đó bỏ vào trong xách, bảo Sa di mang đi, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Khi Sa di đem đi khỏi phạm vi nhà, thì (Tỉ-kheo) phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu (Tỉ-kheo) nghĩ mình đã được, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu khi ấy chủ nhân phát hiện, liền hỏi Tỉ-kheo : "Trưởng lão làm gì thế?"
Ðáp: "Lão gia, tôi sờ thử đó mà". Thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu Tỉ-kheo bảo người thế tục mang đi, thì cũng phạm tội như trên đã nói. Như trường hợp dẫn dê lông dài đi cũng thế.
Nếu Tỉ-kheo vào nhà trưởng giả, dê con thấy sắc y của Tỉ-kheo tưởng là mẹ nó,nó bèn chạy tới, thì Tỉ-kheo phải đuổi nó trở lại, nhược bằng dùng mồi hay cỏ nhử nó chạy theo, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Khi dẫn nó đi chưa khỏi ranh giới, thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Khi ra khỏi ranh giới thì phạm tội Ba La Di.
Nếu trong lúc thọ trai, Tỉ-kheo sinh tâm trộm cắp, bỏ chén, thìa vào trong bát mình, rồi bảo đệ tử mang đi thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Khi đệ tử ra khỏi ranh giới thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu nghĩ là mình đã được, thì phạm tội Ba La Di. Nếu Tỉ-kheo đệ tử biết được, liền hỏi: "Trưởng lão làm gì thế?"
Ðáp: "Ta đùa đấy mà", thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu Tỉ-kheo cùng với khách buôn đi đường, giữa đường lại gặp một đoàn khách buôn từ bên kia đi lại. Rồi hai đoàn cùng nghỉ một chỗ. Nửa đêm, Tỉ-kheo khởi tâm trộm cắp, đem xe của người này đổi xe của người khác, đem đàn ông của người này hoán vị đàn ông của người kia, đem phụ nữ của người này hoán vị phụ nữ của người kia, đem trẻ con của người này hoán vị trẻ con của người kia, muốn hai đoàn khách mang đi lẫn lộn. Khi làm như vậy, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Khi họ rời khỏi ranh giới chỗ tạm trú, thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu nghĩ là mình đã được, thì phạm tội Ba La Di.
Ðó gọi là tướng trạng sai biệt của vật.
Tóm lại, nếu Tỉ-kheo khởi tâm trộm cắp, chạm vào các tướng sai biệt của vật thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu di động chúng, thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
10- Cây cọc sai biệt: Các nơi như chỗ Phật đản sinh (250b), chỗ Phật thành đạo, chỗ chuyển pháp luân, chỗ A Nan mở đại hội, chỗ La Hầu La mở đại hội, chỗ Ban Giá Vu Sắt đại hội, có các vật trang trí đẹp đẽ tại các tinh xá, các cờ lọng nhiều màu sắc treo trên các cây cọc đó đây, các loại châu báu treo trên các cây cọc.v.v..., nếu Tỉ-kheo khởi tâm trộm cắp định lấy các báu vật trên các cây cọc ấy, đưa tay lấy báu vật mà chưa gỡ khỏi dây buộc vào cọc, thì chưa phạm tội Ba La Di. Nhưng khi rời khỏi cọc thì phạm tội Ba La Di.
Nếu dây buộc cứng chắc, khi lấy báu vật dây buộc rời khỏi cây cọc, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu muốn lấy trộm cả cọc, thì khi tay chạm vào sẽ phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu làm lay động cây cọc ấy thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu trên cọc treo các bình sữa, bình dầu, bình mật, hoặc bát, tơ lụa mà Tỉ-kheo khởi tâm trộm cắp lấy bình sữa ấy, thì khi dùng tay dở lên, do dây mềm cọc thẳng, nên tuy dở, chưa phạm Ba La Di. Khi tất cả rời khỏi cọc, thì phạm Ba La Di.
Nếu dây cứng chắc cọc cong, tuy dở chưa phạm Ba La Di.
Khi tất cả đều rời khỏi cọc đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di. Nếu dây cứng chắc mà cọc lại thẳng, thì khi dở lên liền phạm Ba La Di.
Nếu khoét cho lủng bình thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Khi rót từ bình kia qua bình mình thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Khi ngưng rót, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu khi đang rót mà bỗng hối hận, sợ phạm tội nặng, bèn trút lại vào trong bình thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Các bình dầu, bình mật kia cũng thế.
Nếu Tỉ-kheo muốn lấy trộm bát, khi dùng tay dở lên, do dây mềm cọc thẳng, nên dù dở vẫn chưa phạm Ba La Di.
Khi bát rời khỏi cọc thì phạm Ba La Di.
Nếu dây cứng chắc mà cọc cong, thì dù dở vẫn chưa phạm Ba La Di.
Khi rời khỏi cọc thì phạm Ba La Di.
Nếu dây mềm trụ cong, thì dù dở cầm vẫn chưa phạm Ba La Di.
Khi rời khỏi cọc thì phạm Ba La Di.
Nếu dây cứng chắc, cọc thẳng, thì dở lên liền phạm Ba La Di.
Nếu lấy trộm tơ lụa thì cũng giống như trường hợp đã nói ở trên. Lại nữa, khi ăn trộm tơ lụa, nếu suy nghĩ: "Ta cần một ít lụa", rồi leo lên cọc cuốn lấy lụa thì khi cuốn chưa xong chưa phạm Ba La Di.
Khi đã cắt đứt lụa, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Khi Tỉ-kheo cuốn lấy lụa, nhưng cuốn chưa xong, liền hối hận, sợ phạm tội nặng, bèn để lại chỗ cũ, thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Ðó gọi là cây cọc sai biệt.
Tóm lại, nếu Tỉ-kheo khởi tâm trộm cắp chạm vào những cây cọc sai biệt, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu lay động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
11- Vườn sai biệt: Bấy giờ, có một trưởng giả thuộc hàng đại phú, có một Tỉ-kheo tên (250c) Câu Lô thường vào ra nhà ông. Gia đình ông, cha mẹ anh em thường sống chung một nhà, nhưng khi cha mẹ chết thì trong nhà bất hòa, người em muốn chia gia tài mà người anh không bằng lòng, muốn sống chung cho có tình nghĩa. Người em đòi chia gia tài mãi, người anh bất đắc dĩ phải đồng ý. Thế rồi họ bàn bạc: "Ai có thể chia được?", và cùng nhau nhất trí là chỉ có thầy Câu Lô, vì khi cha mẹ còn sống, cúng dường thầy rất trọng hậu, trong nhà có gì hay không thầy biết rất rõ. Lúc ấy, người em gian manh liền đến Câu Lô lễ bái rồi thưa: "Thưa thầy, thầy được cha mẹ tôi tôn trọng, anh em tôi kính mến, trong nhà có gì hay không thầy đều biết rõ. Khi cha mẹ còn sinh tiền, anh em sống với nhau, nay cha mẹ đã qua đời, trong nhà bất hòa, muốn chia gia tài, nên tôi đến đây thưa với thầy, sau khi ở riêng tôi sẽ cúng dường thầy, và sẽ tự nuôi sống với những vật cúng dường còn lại, mong khi chia gia tài, thầy dành phần tốt cho tôi". Nếu Tỉ-kheo nhận lời người ấy, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Khi giữ lại vật tốt thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Khi đã chia vật dụng xong, thì phạm tội Ba La Di.
Lúc sắp chia vật dụng, Tỉ-kheo hỏi: "Nên chia vật gì trước hết?"Chủ nhân đáp: "Trước hết chia loài hai chân và bốn chân". Tỉ-kheo liền chia loài hai chân trước. Trong hàng nô tỳ những người già cả khó sai bảo, không tin cậy được chia thành một phần, còn những người trai trẻ, không bệnh, dễ sai bảo, tin cậy được chia thành một phần. Khi chia loài bốn chân thì trong đàn bò những con già nua mất sức, xấu xí, khó dùng, không sinh sản, ít sữa, hoặc có sữa mà không vắt được, chia thành một phần, còn những con răng nhỏ, mập mạp, lanh lẹ, dễ sử dụng, mắn đẻ, nhiều sữa, hiền lành, dễ dạy, chia thành một phần.
Khi chia phòng xá thì xếp các loại cũ kỹ, mục nát, thành một phần, còn những ngôi nhà mới đẹp đẽ, xếp thành một phần.
Về lầu gác, hàng quán cũng như thế.
Cho đến chia ruộng thì xếp những đám cằn cỗi, đất xấu thành một phần, những đám phì nhiêu, đất tốt thành một phần. Trong vườn, những chỗ đất chết, ít hoa trái chia thành một phần, còn chỗ đất tốt, hoa trái sum sê chia thành một phần. Lại sắp chia lúa thóc, vàng bạc, của cải.
Bấy giờ, người anh nói với Tỉ-kheo : "Thầy là người mà cha mẹ tôi kính mến, anh em tôi tôn trọng, vì sao chia của lại chia như thế?"
Thầy ấy bèn suy nghĩ lại về Phật dạy: "Nếu Tỉ-kheo đem cái tâm như thế mà chia của cho người ta, thì dù chủ không đồng ý nhận phần, cũng phạm tội Việt Tỳ Ni".
Khi Câu Lô trở về rồi, hai anh em người ấy bèn bàn bạc: Vậy thì ai là người mà cha mẹ kính trọng, là bậc kỳ cựu đại đức biết trong nhà có gì hay không có, để nhờ họ chia của? Nếu không chia nhanh, sợ vua nghe được (251a) hoặc có thể đánh thuế đoạt mất". Họ nghĩ lại thì thấy Câu Lô không có lỗi, nên anh em bàn nhau mời Câu Lô chia gia tài trở lại. Thế rồi, họ đi đến Câu Lô, lễ bái thăm hỏi, rồi ngồi sang một bên, bạch với Câu Lô: "Thầy là người mà cha mẹ tôi kính trọng, trong nhà có gì hay không thầy đều biết, nay hãy vì chúng tôi mà chia giúp gia tài này".
Lúc ấy, Câu Lô tức giận, vì trước đó họ không chịu nhận sự phân chia, nên bảo: "Anh em ngươi bạc nghĩa, đa nghi, bất tín, ai còn nhẫn nại để chia gia tài cho bọn ngươi nữa?"
Anh em họ liền thưa: "Trước đây vì chúng tôi bồng bột nên cảm thấy hổ thẹn với thầy, trong nhà của cải nhiều ít thầy đều biết rõ, nay xin thầy hãy chia giúp tài sản này. Nếu để quan thuế biết được, e họ đánh thuế cướp mất, cho nên chúng tôi muốn chia cho nhanh".
Tỉ-kheo hỏi lại: "Các ngươi nhất định muốn nhờ ta chia sao?"
Ðáp: "Ðúng thế thưa thầy!"
Tỉ-kheo ấy liền bảo: "Nếu đã nhất quyết thì phải cam kết, sau khi chia của, được phần liền nhận, không ai được nói gì nữa, thì ta mới chia cho các ngươi". Họ đồng thanh đáp: "Xin vâng lời dạy, không dám trái lời nữa". Thầy Tỉ-kheo ấy khi đã nhận lời thỉnh cầu của họ phải chia phần bằng nhau. Khi chia ruộng phải dùng dây căng ra đo đất, nếu đem tâm thiên vị mà đo đất thì dù chênh lệch nhau một buội lúa, Tỉ-kheo này liền phạm tội Ba La Di. Vì đất vốn là vật vô giá.
Ðó gọi là vườn (đất) sai biệt.
Tóm lại, nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp chạm vào các vườn sai biệt này thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Cho đến đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
12- Ăn trộm sai biệt: Có các Tỉ-kheo đang đi đường bị bọn cướp cướp của, nhưng bọn cướp ít, Tỉ-kheo đông. Lúc ấy, các Tỉ-kheo bèn bảo nhau: "Nay bọn cướp ít mà chúng ta đông, ta phải hợp nhau lấy lại vật đã mất", bèn cùng nhau cầm gạch, đá, đuổi theo bọn cướp ấy mà mắng lớn: "Quân trộm cướp tệ ác tội lỗi kia! Chúng ta đã tự mình cạo bỏ râu tóc, các ngươi tưởng ta cắt bỏ luôn cả tay rồi ư?". Lúc ấy, bọn cướp liền vứt y bát, tìm đường tẩu thoát. Nếu các Tỉ-kheo ấy chưa nghĩ là mình đã mất của, rồi lấy lại vật cũ thì không có tội. Nếu nghĩ là mình đã mất, rồi lấy lại vật ấy, tức là kẻ cướp lấy đồ của kẻ cướp, hễ đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Có các Tỉ-kheo đang đi đường bị bọn cướp cướp đoạt. Các Tỉ-kheo mất y bát rồi, vào núp trong rừng, bọn cướp suy nghĩ: "Ðồ đảng chúng ta đông mà vật này thì ít, chia nhau sao đủ? Ta phải tìm thêm chút ít nữa". Liền đem y bát cất giấu một chỗ, rồi cướp của những người đang đi đường khác. Khi ấy các Tỉ-kheo thấy được các vật bọn chúng cất giấu, rình bọn cướp đi khỏi, bèn lấy lại y bát. Nếu các Tỉ-kheo ấy trước đó không nghĩ là mình đã mất của, rồi lấy lại vật cũ, thì không có tội. Nếu nghĩ là đã mất (251b) thì không nên lấy. Nếu lấy tức là đi cướp đồ của kẻ cướp, hễ đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Lại có Tỉ-kheo đi đường bị bọn cướp cướp đoạt y bát của Tỉ-kheo, rồi thuận đường đi tiếp. Khi ấy, Tỉ-kheo trông chừng xem chúng đi đâu, rồi theo sát chúng không ngừng. Ðến một làng kia, bọn cướp liền chia đồ vật. Tỉ-kheo bèn nói với chúng: "Các lão trượng! Tôi là người xuất gia, xin của người khác để nuôi sống. Các vị có thể xin y bát của tôi, nhưng các vị đâu có dùng y bát này làm gì?"Nếu Tỉ-kheo nói như thế mà đòi lại được, thì không có tội.
Nếu bọn cướp mắng rằng: "Này kẻ Samôn tệ ác! Ta định xin cả tính mạng của ngươi. Sao ngươi còn dám tới đây mong đòi lại y bát?"
Tỉ-kheo suy nghĩ: "Ở đây gần làng xóm, bọn cướp này ắt không dám hại ta, ta phải dọa chúng".
Liền nói với bọn cướp: "Các ngươi tưởng ta không có ai che chở sao? Ta sẽ tâu với vua và các quan đại thần biết các ngươi là bọn cướp". Nếu đe dọa chúng mà được, thì không có tội.
Nếu quân cướp nổi giận nói: "Ta nhất định không cho, ngươi muốn đi thưa tùy ý". Nếu Tỉ-kheo trình báo với xã trưởng, rồi ông ta bắt bọn cướp hoặc trói, hoặc giết, thì không nên báo. Nếu báo với xã trưởng tìm phương tiện khuyến dụ họ mà được y bát, thì không có tội.
Lại có thầy Tỉ-kheo có nhiều y bát, nuôi đệ tử đông đúc, mà đệ tử của thầy thì không tu giới hạnh, nên họ nghĩ như sau: "Hãy đến phòng của thầy Hòa thượng lấy trộm các y bát. Y bát của tôi cũng để trong phòng của thầy". Bèn hẹn nhau: "Nếu ông được y bát thì chia cho tôi, nếu tôi được cũng chia cho ông", rồi vào trong phòng, đến chỗ móc y, lấy y của Hòa thượng đem để vào chỗ y của mình. Nếu chưa rời khỏi móc y cũ, thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu đã lấy y của thầy ra khỏi móc y, đem để vào chỗ y của mình, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu y của thầy còn vướng ở móc y, hoặc là dây tơ chưa rời khỏi móc y thì chưa phạm tội Ba La Di, khi tất cả đều rời khỏi móc y, thì phạm tội Ba La Di. Nếu thầy Hòa thượng nghi đệ tử có thể lấy trộm y bát của mình, bèn lấy y bát đó đem cất một chỗ khác. Người đệ tử bèn vào trong phòng tối ăn trộm nhầm y bát của mình, khi ra ngoài không phân biệt được. Nếu trong nửa số y đó mà đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Có một Tỉ-kheo ma ha la (bán thế xuất gia), đã xuất gia mà không khéo giữ giới hạnh, nên có một Tỉ-kheo khác rủ: "Trưởng lão! Chúng ta hãy đi ăn trộm".
Ma Ha La đáp: "Lúc còn ở nhà, tôi không làm kẻ trộm, nay đã xuất gia lẽ nào lại làm kẻ trộm?".
Tỉ-kheo kia nói: "Thầy không muốn ăn trộm thì chỉ cần giữ cửa, tôi sẽ chia phần cho thầy".
Ma Ha La suy nghĩ: "Ta không ăn trộm mà được chia phần bằng nhau, vì sao không (251c) đi", bèn đáp: "Ðược".
Thế rồi hai người cùng đi. Ma Ha La giữ cửa, thầy Tỉ-kheo kia vào nhà ăn trộm đồ đạc. Lúc chạm vào đồ đạc, thì cả hai cùng phạm tội Việt Tỳ Ni.
Khi di động đồ đạc thì cả hai phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì cả hai phạm tội Ba La Di.
Nếu có Tỉ-kheo khách đến, rồi nghỉ tại phòng ăn, hoặc tại phòng tọa thiền, đến sáng sớm ra đi, bèn quên y bát và các vật khác. Bấy giờ, Tỉ-kheo tri khách (ma ma đế) đi tuần hành các phòng ốc để xem Tỉ-kheo khách kia đi hay chưa, bỗng thấy y bát liền sinh tâm trộm cắp, lấy y bát dời sang một chỗ khác (cất giấu), thì phạm tội Ba La Di.
Lại có Tỉ-kheo khác đến trông thấy y bát cũng sinh tâm trộm cắp, liền lấy dời một chỗ khác cất giấu, cũng phạm Ba La Di.
Lại một người thứ ba đến trông thấy lại sinh tâm trộm cắp, đem cất giấu một chỗ khác nữa, cũng phạm Ba La Di. Tùy số người nhiều ít khởi tâm trộm cắp di chuyển (các vật ấy), tất cả đều phạm tội Ba La Di. Nhưng nếu người chủ y vật khi đã đi xa bỗng nhớ lại, bèn quay về chỗ tạm trú, nhận lại được y vật, thì không có tội.
Có Tỉ-kheo quên y bát, Tỉ-kheo khác thấy, liền sinh tâm trộm cắp, nhưng không tự tay lấy mà khiến Tỉ-kheo thị giả (Ma ha la) lấy. Tỉ-kheo thị giả tưởng là y bát của thầy ấy bèn cầm lấy. Khi chạm vào y bát thì Tỉ-kheo có tâm trộm cắp kia phạm tội Việt Tỳ Ni.
Khi di động thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Khi dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Còn Tỉ-kheo thị giả vì không có tâm trộm cắp, nên cả ba lúc đều không có tội. Nếu vị kia ban đầu bảo thị giả lấy y bát rồi sẽ chia phần, mà thị giả sinh tâm trộm cắp chạm vào thì ngay lúc ấy cả hai đều phạm tội Việt Tỳ Ni.
Khi di động, cả hai phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì cả hai phạm tội Ba La Di.
Nếu thị giả thấy rồi, suy nghĩ: "Việc gì phải chia phần cho ông ấy? Ta hãy độc chiếm", rồi lấy đi thì phạm tội Ba La Di.
Còn vị Tỉ-kheo kia phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu Tỉ-kheo muốn làm tháp Phật mà không có vật liệu, trong khi chúng Tăng có vật liệu, liền suy nghĩ: "Trời người sở dĩ cúng dường chúng Tăng là đều mong ân Phật, cúng dường Phật tức là cúng dường chúng Tăng", bèn đem vật của chúng Tăng sửa chữa tháp, thì Tỉ-kheo kiến thiết ấy phạm tội Ba La Di. Nếu tháp có vật liệu mà chúng Tăng không có,liền suy nghĩ: "Cúng dường Tăng thì Phật cũng có trong đó", liền đem vật của tháp cúng dường chúng Tăng, thì vị Tỉ-kheo kiến thiết này phạm tội Ba La Di.
Nếu tháp không có vật liệu mà chúng Tăng có vật liệu thì được phép mượn dùng, nhưng phải làm biên bản ghi rõ: Lúc nào mượn dùng, lúc nào trả lại; trái lại, nếu Tăng không có vật liệu mà tháp có vật liệu, thì được phép (252a) mượn dùng cũng như thế. Khi bàn giao, thầy tri sự phải đọc biên bản bàn giao rõ ràng giữa chúng Tăng, nếu không đọc biên bản, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Ðó gọi là mượn dùng tạm.
Hai Tỉ-kheo có tài vật chung phải chia nhau, nhưng một Tỉ-kheo sinh tâm trộm cắp độc chiếm, thì trừ ra phần của thầy, phần kia đủ số quy định sẽ phạm tội Ba La Di.
Nếu thầy kia đồng ý, thì giữ lấy không có tội. Hoặc suy nghĩ: "Nay tôi mượn dùng, sau này sẽ trả lại", thì không có tội.
Có hai Tỉ-kheo chuyên giáo hóa cùng cam kết với nhau: "Từ nay trở đi nếu tôi hoặc thầy được phẩm vật thì phải chia hai". Nhưng sau đó, một người được một tấm y đẹp, bèn suy nghĩ: "Nếu sau này được cái khác chưa chắc được như thế này", liền nói với bạn: "Từ nay trở đi lộc của ai thì thuộc về người ấy. Nếu thầy được thì thầy tự giữ lấy, nếu tôi được thì tôi tự giữ lấy".
Vì chiếc y vừa được kia trái với cam kết, nên một nửa trong đó mà đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo này nhận bố thí, chú nguyện xong rồi, nói với thí chủ: "Hãy để vật này ở chỗ ông, sau này tôi sẽ lấy", bèn nói với bạn: "Trưởng lão! Từ nay trở đi lộc của ai thì người ấy giữ lấy. Nếu thầy được thì thầy giữ, nếu tôi được thì tôi giữ".
Khi nói lời ấy thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu Tỉ-kheo này nghe có người kia định bố thí y, liền nói trước với bạn: "Trưởng lão! Từ nay trở đi lộc của ai thì người ấy giữ lấy. Nếu tôi được thì tôi giữ, nếu thầy được thì thầy giữ". Khi nói như thế thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Có hai Tỉ-kheo theo hạnh phấn tảo y, cùng cam kết: "Từ nay trở đi nếu được phấn tảo y, thì chúng ta chia nhau".
Lúc ấy một Tỉ-kheo được y phấn tảo đẹp, liền suy nghĩ: "Y này rất đẹp, sau này nếu được nữa thì chưa chắc được như vậy", bèn nói với bạn: "Trưởng lão! Từ nay trở đi lộc của ai thì người ấy giữ lấy. Nếu thầy được thì thầy giữ, nếu tôi được thì tôi giữ". Vì Tỉ-kheo này trái lời cam kết trước, nên trong nửa phần y ấy mà đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo này được y phấn tảo đẹp mà không mang về, lại đem cất giấu, lấy cỏ, gạch phủ lên, rồi trở về giải lời cam kết như trên đã nói, thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu Tỉ-kheo này thấy y phấn tảo đẹp nhưng không lấy cũng không cất giấu mà trở về giải lời cam kết như trên đã nói, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Các Tỉ-kheo phải biết vật của Tăng có trường hợp nên cho, có trường hợp không nên cho. Thế nào là nên cho? Hoặc là vì tổn hại, hoặc là vì lợi ích.
Thế nào là vì tổn hại?
Có bọn cướp đến chùa đòi các thức ẩm thực, nếu không cho, thì chúng có thể đốt chùa cướp của, nên dù không đáng cho mà vì sợ chúng gây sự tổn hại, do đó, ta phải tùy nghi cho chúng nhiều ít.
(252b) Thế nào là vì lợi ích?
Khi sửa chữa phòng ốc của chúng Tăng, nên cho các thợ nề, thợ mộc, thợ vẽ, cai thầu ăn bữa sáng và bữa chiều, và cho các thứ dầu thoa, nước giải khát v.v... Hoặc vua và các người có thế lực lớn, ta phải cho họ ăn uống.
Ðó gọi là vì lợi ích nên phải cho.
Có Tỉ-kheo mất y bát, vật dụng, nếu chưa nghĩ xả bỏ nó, mà sau đó biết nó ở đâu rồi đến đó tìm, tìm được thì không phạm. Trái lại, nếu đã nghĩ đã xả bỏ nó, thì dù biết nó ở đâu cũng không nên đến tìm, vì tìm thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu khi mất, bụng thầm nhủ: Sau này nếu biết nó ở đâu ta sẽ đến tìm, thì khi tìm được sẽ không có tội.
Có hai Tỉ-kheo cùng cam kết: Cùng thọ trì kinh chung, cùng tụng kinh chung. Nhưng về sau, không thọ trì, không đọc tụng thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Ðó gọi là vật ăn trộm sai biệt.
Nếu Tỉ-kheo dấy tâm trộm cắp chạm vào những vật ăn trộm sai biệt ấy thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu di động chúng, thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
13- Thuế sai biệt: Có một Tỉ-kheo đi đường cùng với khách buôn. Tỉ-kheo này có đồ chúng đông đảo. Khi ấy khách buôn nói với một Tỉ-kheo : "Thầy của ông là bậc đại đức, đến chỗ thuế quan, ai mà dám kiểm tra. Ông hãy vì tôi cầm vật này bỏ vào trong xách y của thầy ông, đi qua chỗ thuế quan". Người đệ tử ấy bằng lòng, cầm vật kia bỏ vào trong xách y của thầy, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Còn thầy không biết nên không có tội.
Nếu đi qua chỗ thuế quan thì đệ tử phạm tội Thâu Lan Giá. Thầy không phạm.
Nếu qua khỏi chỗ thuế quan thì đệ tử phạm tội Ba La Di. Thầy không phạm.
Nếu khách buôn nói với vị thầy rằng: "Thầy là người phước đức, đồ chúng cùng đi ai dám kiểm tra, xin thầy vì tôi đem ít vật này bỏ vào túi xách của đệ tử thầy để qua chỗ quan thuế". Thầy ấy liền đồng ý, lấy bỏ vào trong túi xách của đệ tử, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Ðệ tử không biết nên không có tội.
Nếu đến chỗ quan thuế, thì thầy phạm tội Thâu Lan Giá. Ðệ tử không có tội.
Nếu qua khỏi chỗ quan thuế, thì thầy phạm tội Ba La Di. Ðệ tử không có tội.
Nếu khách buôn nói với cả hai thầy trò và hai người đều đồng ý, thì cả hai phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu đến chỗ quan thuế, thì cả hai phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu qua khỏi chỗ quan thuế, thì cả hai phạm tội Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo đi đường cùng với khách buôn, đến nơi xóm làng, Tỉ-kheo rửa tay, khách buôn hỏi: "Trưởng lão định đi đâu?". Ðáp: "Ta định đi khất thực". Khách buôn nói: "Thầy khỏi đi khất thực, tôi sẽ cho đồ ăn", bèn cho Tỉ-kheo các thức ăn ngon.
Khi ăn xong, nói với Tỉ-kheo : "Thầy hãy vì (252) tôi cầm một ít vật này qua chỗ quan thuế".
Tỉ-kheo nói: "Ðức Thế Tôn chế giới không cho phép ta mang vật phải đóng thuế qua cửa thuế quan".
Khách buôn suy nghĩ: "Qua cửa thuế quan cũng mất, cho Tỉ-kheo cũng mất, cả hai đều mất, nhưng cho Tỉ-kheo có thể được phước đức", bèn nói với các Tỉ-kheo : "Hãy đứng theo thứ tự, tôi muốn bố thí", liền tuần tự bố thí. Trong bát của mỗi người đều đầy những vật báu. Khi bố thí xong, khách buôn bèn đi qua cửa khẩu, dừng lại đợi các Tỉ-kheo . Các Tỉ-kheo sau đó đi đến. Người khách buôn ấy liền đảnh lễ dưới chân các Tỉ-kheo, bạch rằng: "Các tôn đức có biết không?"
Các Tỉ-kheo đáp: "Biết".
Lại hỏi:"Có biết trước đây tôi bố thí không?" Ðáp: "Biết".
Hỏi: "Nếu biết, thì vì sao tôi bố thí?"
Ðáp: "Vì ông muốn làm phước".
Khách buôn nói: "Ðúng vậy! Nhưng vợ con tôi đang cần đến cơm áo. Mắc nợ thì phải trả. Vậy xin trả lại các vật trước đây".
Tỉ-kheo nên nói: "Kẻ tệ ác! Sao ngươi dám khinh thường chúng tôi đến thế? Trước đây bảo là làm phước, bây giờ thì đòi lại".
Nói thế rồi mà kẻ ấy vẫn cố đòi, Tỉ-kheo trả lại thì không phạm. Nếu trước kia biết họ không thật bố thí mà Tỉ-kheo vẫn nhận, đem hàng qua cửa thuế quan, thì dù trả lại vẫn phạm tội Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo đi cùng khách buôn, cho đến nói: "Phật không cho mang giúp vật phải đóng thuế, qua cửa thuế quan". Mà khách buôn nói với Tỉ-kheo : "Tôi không nhờ thầy mang vật này qua cửa khẩu, mà chỉ nhờ thầy giữ giúp cho tôi, tôi muốn gặp người giữ cửa khẩu một tí, giây lát sẽ trở lại".
Thế rồi, Tỉ-kheo nhận vật gởi gấm, khách buôn đi qua khỏi cửa khẩu, dừng lại đợi Tỉ-kheo . Tỉ-kheo chờ lâu, không biết giao vật đó cho ai, bèn mang qua cửa khẩu, thì phạm tội Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo cùng đi đường chung với khách buôn... cho đến "Phật không cho mang giúp vật phải đóng thuế qua cửa khẩu". Rồi khách buôn nói: "Tôi không bảo Tỉ-kheo mang vật này qua cửa khẩu, mà chỉ nhờ giữ giúp cho tôi, tôi đi gặp người giữ cửa khẩu một tí rồi trở lại". Tỉ-kheo liền giữ giúp, và nói: "Nếu ông không trở lại, tôi sẽ bỏ vật của ông mà đi". Khách buôn lại suy nghĩ: "Tỉ-kheo tuy nói vậy, nhưng sẽ không bỏ vật của ta mà đi đâu", liền đi qua khỏi cửa khẩu, dừng lại đợi Tỉ-kheo . Tỉ-kheo dừng lại lâu mà không thấy Y trở lại, bèn bỏ vật tại đó, đi qua cửa khẩu. Khách buôn bèn hỏi Tỉ-kheo : "Hàng hóa của tôi đâu rồi?".
Tỉ-kheo nổi giận nói: "Ngươi dám đùa cợt với ta sao? Trước đây ta há không bảo: "Nếu trong chốc lát ngươi không trở lại, thì ta bỏ hàng hóa của ngươi mà đi là gì? Hàng hóa của ngươi vẫn còn tại chỗ cũ hãy trở lại mà lấy". Nếu Tỉ-kheo làm như vậy thì không phạm.
Tỉ-kheo cùng đi chung đường với khách buôn... cho đến "Phật không cho mang giúp hàng hóa phải đóng thuế qua cửa khẩu"(253a) rồi khách buôn nói với Tỉ-kheo : "Tôi không bảo Tỉ-kheo mang hàng hóa qua cửa khẩu, mà chỉ nhờ giữ giùm tôi, tôi đến gặp người giữ cửa khẩu một lát rồi trở lại". Tỉ-kheo bèn giữ giúp, và nói: "Nếu ông không trở lại thì tôi sẽ đem hàng hóa của ông gởi cho người giữ cửa khẩu". Khách buôn suy nghĩ: "Tỉ-kheo tuy nói vậy, nhưng lẽ nào lại đang tâm đem hàng hóa của ta gởi cho người giữ cửa khẩu?", bèn đi qua cửa khẩu, dừng lại đợi Tỉ-kheo . Tỉ-kheo chờ lâu không thấy Y trở lại, bèn đem hàng hóa của Y gởi cho người giữ cửa khẩu, nói: "Có khách buôn diện mạo như thế, tên họ như thế thì ông hãy thâu thuế theo hàng hóa và trả hàng lại cho Y"...
Rồi Tỉ-kheo đi qua cửa khẩu. Khách buôn hỏi: "Hàng hóa của tôi đâu rồi?’ Tỉ-kheo nổi giận nói: "Ngươi dám đùa cợt với ta sao? Trước đây ta há không bảo, nếu trong chốc lát ngươi không trở lại, thì ta đem hàng hóa của ngươi gởi cho người giữ cửa khẩu là gì? Hàng hóa của người giờ đây ở chỗ người giữ cửa khẩu, hãy đến đó mà lấy". Nếu Tỉ-kheo làm như vậy thì không phạm.
Tinh xá của Tỉ-kheo ở gần đại lộ, có một Tỉ-kheo đang đi kinh hành (trong ấy), rồi khách buôn (trông thấy) nói với Tỉ-kheo : "Tôi có món hàng phải đóng thuế, xin trưởng lão mang vào thành giúp tôi".
Tỉ-kheo đáp: "Ðức Thế Tôn không cho phép ta mang hàng hóa phải đóng thuế qua cửa thuế quan. Nhưng nay ta bày cho ngươi một cách: Ngươi hãy đi băng qua đường, hoặc đi ngang qua hàng rào, hoặc đi ngang qua cái ngòi, hoặc có thể chất lên xe hàng đã đóng thuế, hoặc có thể gởi vào trong xe hàng của nhà vua, hoặc gởi vào trong thùng nước của nô tỳ, hoặc giấu dưới lông của con dê mà đi qua". Nếu chỉ vẽ cho họ như vậy thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Từ trong thành chỉ vẽ cho họ ra ngoài thành cũng như thế.
Nếu Tỉ-kheo biết hàng phải đóng thuế mà không biết rằng đem hàng phải đóng thuế qua cửa khẩu sẽ phạm Ba la di, thì khi đem hàng ấy qua cửa khẩu, đủ số quy định, sẽ phạm tội Ba la di.
Hoặc Tỉ-kheo biết đem hàng phải đóng thuế qua cửa khẩu sẽ phạm Ba la di, mà không biết hàng ấy phải đóng thuế, thì khi đem hàng ấy qua khỏi cửa khẩu, đủ số quy định, phạm tội Ba la di.
Hoặc Tỉ-kheo biết hàng phải đóng thuế, cũng biết rằng đem hàng phải đóng thuế qua cửa khẩu phạm Ba la di, thì khi món hàng ấy qua khỏi cửa khẩu, đủ số quy định, phạm tội Ba la di.
Tỉ-kheo không biết hàng phải đóng thuế, cũng không biết đem hàng phải đóng thuế qua cửa khẩu phạm Ba la di, thì đem qua không phạm.
- Thế nào là vật không phải đóng thuế?
- Thế nào là vật phải đóng thuế?
Các vật của Tỉ-kheo, Tỉ-kheo ni đệ tử của Thế Tôn, và vật của tất cả những người ngoại đạo xuất gia, đó là vật không phải đóng thuế. Nếu mua bán các vật đó thì phải nộp thuế.
Ðó gọi là thuế sai biệt.
Tóm lại, nếu Tỉ-kheo khởi tâm trộm cắp chạm vào các vật phải đóng thuế sai khác này, (253b)thì phạm tội Việt tỳ ni. Nếu như đủ số quy định, thì phạm tội Ba la di.
Nếu một Tỉ-kheo có tâm trộm cắp chạm vào thuốc đúng thời, thì phạm tội Việt tỳ ni.
Nếu di động chúng, thì phạm tội Thâu lan giá. Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba la di.
Hoặc hai, hoặc ba cho đến nhiều Tỉ-kheo khởi tâm trộm cắp, chạm vào thuốc đúng thời thì phạm tội Việt tỳ ni.
Cho đến đủ số quy định, thì phạm tội Ba la di.
Nếu Tỉ-kheo sai một Tỉ-kheo có tâm trộm cắp, chạm vào thuốc đúng thời, thì phạm tội Việt tỳ ni. Cho đến đủ số quy định, thì phạm tội Ba la di.
Nếu sai hai người, ba người, cho đến sai nhiều Tỉ-kheo có tâm trộm cắp chạm vào thuốc đúng thời, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Cho đến đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di. Nếu Tỉ-kheo được sai khiến lại sai một Tỉ-kheo khác, hoặc sai hai người, ba người, cho đến nhiều Tỉ-kheo có tâm trộm cắp, chạm vào thuốc đúng thời thì phạm tội Việt Tỳ Ni.
Nếu di động chúng thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dời khỏi chỗ cũ, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di. Kể cả các loại thuốc (thức ăn) dùng ban đêm, dùng bảy ngày, dùng suốt đời, cho đến những vật thanh tịnh và không thanh tịnh cũng như vậy.
Tỉ-kheo có năm pháp đầy đủ, lấy của không cho, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di.
- Ðủ năm yếu tố sau đây, phạm Ba La Di: Ðó là:
1- Ðủ số quy định (đủ năm tiền).
2- Có chủ.
3- Biết là có chủ.
4- Sinh tâm trộm cắp.
5- Rời khỏi chỗ cũ.
- Lại đủ năm yếu tố lấy của không cho, đủ số quy định, thì phạm tội Ba La Di. Ðó là:
1- Biết là vật của người ta không cho.
2- Biết là không phải của mình.
3- Biết là có chủ.
4- Biết là họ không đồng ý.
5- Không nghĩ là mình mượn tạm.
Lại có năm yếu tố đầy đủ không phạm Ba La Di.
- Ðủ năm yếu tố sau đây, không phạm Ba La Di. Ðó là:
1- Tưởng là người ta cho.
2- Tưởng là của mình.
3- Tưởng là vật vô chủ.
4- Tưởng là người chủ đồng ý.
5- Nghĩ là mình mượn tạm.
Ðó là năm trường hợp Tỉ-kheo lấy của không cho, không phạm Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo lấy của không cho, tại phương Ðông, Tây, Bắc, Nam, trên hư không, chỗ trú xứ, đều phạm Ba La Di.
Nếu Tỉ-kheo sai đầy tớ, hoặc người giúp việc, hoặc người quen biết, hoặc làm thử, hoặc chưa từng làm mà làm, hoặc ngu si, hoặc không biết xấu hổ tưởng là việc tốt, đi lấy của không cho, thì đều phạm tội.
- Trường hợp không phạm: Nếu tâm loạn điên cuồng thì không có tội. Thế nên nói: "Nếu Tỉ-kheo lấy của không cho nơi làng xóm, chỗ hoang vắng, tùy theo vật lấy trộm, khiến vua bắt, hoặc giết, hoặc trói, hoặc trục xuất, nói: "Ôi, kẻ nam tử! Ngươi là kẻ trộm sao? Ngươi là kẻ ngu si sao?".
Nếu Tỉ-kheo là kẻ ăn trộm như thế, thì phạm tội Ba La Di, không được sống chung (cùng Tăng chúng)".
Khi ấy, Ðức Thế Tôn trú tại thành Vương xá, sau bữa thọ trai, Ngài ngồi quay mặt về hướng Ðông, bóng xế dài chừng hai người, vào ngày thứ mười giữa tháng thứ hai của mùa đông, sáu năm sau khi thành Phật, vì trưởng lão Ðạt Nị Già con của người thợ gốm nhân liên hệ đến vua Bình Sa và Tỉ-kheo mặc y phấn tảo mà chế giới này. Những gì Phật đã chế phải tùy thuận chấp hành. Ðó gọi là pháp tùy thuận. LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Hết quyển thứ ba.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.129.8 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.