Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Giải Thích: Phẩm Như Hóa Thứ 87
(Kinh Ðại Bát-nhã hội 2 ghi: Phẩm Không Tính thứ 85)
KINH: Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, nếu các pháp bình đẳng, không có làm gì, thời Bồ-tát làm thế nào hành Bát-nhã ba-la-mật mà đối với pháp bình đẳng không lay động, lại hành việc của Bồ-tát như bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự v.v... ?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Như vậy, như vậy, như lời ông nói. Các pháp bình đẳng, không có làm gì. Nếu chúng sinh tự biết các pháp bình đẳng thời Phật không dùng thần lực mà đối với các pháp bình đẳng không lay động, kéo chúng sinh ra khỏi chấp trước tướng tôi, ta; lấy Không mà làm cho thoát khỏi năm đường sinh tử cho đến làm cho thoát khỏi chấp trước tướng kẻ biết, kẻ thấy; làm cho thoát khỏi sắc tướng cho đến thức tướng, nhãn tướng cho đến ý tướng, địa chủng tướng cho đến thức chủng tướng; xa lìa tướng của tính hữu vi khiến được tướng của tính vô vi, mà tướng của tính vô vi tức là không.
Tu-bồ-đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, dùng Không gì nên hết thảy pháp không?
Phật dạy: Bồ-tát xa lìa tướng hết thảy pháp, dùng không ấy nên hết thảy pháp không. Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, nếu có người biến hóa làm ra người biến hóa, việc biến hóa ấy phải chăng thật sự có cái chẳng không ư?
Tu-bồ-đề thưa: Thưa không, bạch Thế Tôn. Người biến hoá ấy, không cái gì thật sự mà chẳng không. Người biến hóa và không ấy hai việc không hợp, không tán; vì không không cho nên không, không nên phân biệt là không, là hóa, vì sao? Vì trong hai việc không ấy không thể có được là không, là hóa, vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, sắc tức là hóa; thọ, tưởng, hành, thức tức là hóa, cho đến trí Nhất thiết chủng tức là hóa.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, nếu pháp thế gian là hóa; pháp xuất thế gian như bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần, tám phần thánh đạo, ba môn giải thoát, mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, cùng các quả pháp và hiền thánh là Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát, chư Phật Thế Tôn, các pháp ấy cũng là hóa chăng?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Hết thảy pháp đều là hóa. Ðối với pháp ấy có pháp do Thanh văn biến hóa, có pháp do Bích-chi Phật biến hóa, có pháp do Bồ-tát biến hóa, có pháp do chư Phật biến hóa, có pháp do phiền não biến hóa, có pháp do nghiệp nhân duyên biến hóa. Vì nhân duyên ấy nên hết thảy pháp đều là hóa.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, các phiền não dứt nên gọi là quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, đạo Bích-chi Phật, Phật đạo; dứt các phiền não tập khí đều là biến hóa chăng?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu pháp có tướng sinh, diệt, thời đều là biến hóa.
Tu-bồ-đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, những pháp nào chẳng phải biến hóa?
Phật dạy: Nếu pháp không sinh, không diệt, là chẳng phải biến hóa.
Tu-bồ-đề thưa: Thế nào là pháp không sinh không diệt thời chẳng phải biến hóa?
Phật dạy: Như tướng Niết-bàn không đối, pháp ấy chẳng phải biến hóa.
Tu-bồ-đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, như Phật tự nói: Các pháp bình đẳng, chẳng phải Thanh văn làm, chẳng phải Bích-chi Phật làm, chẳng phải Bồ-tát làm, chẳng phải chư Phật làm, dù có Phật hay không có Phật thời tính các pháp vẫn thường không; tính không tức là Niết-bàn, cớ sao nay nói pháp Niết-bàn chẳng phải như biến hóa?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Như vậy, như vậy. Các pháp bình đẳng, chẳng phải Thanh văn làm, cho đến tính không tức là Niết-bàn. Nếu Bồ-tát mới phát tâm nghe hết thảy pháp đều rốt ráo, tính không cho đến Niết-bàn cũng đều như biến hóa thời tâm kinh sợ. Vì hàng Bồ-tát mới phát tâm ấy nên phân biệt nói pháp có sinh diệt như biến hóa, pháp không sinh diệt chẳng như biến hóa.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, làm thế nào dạy hàng Bồ-tát mới phát tâm khiến biết tính không ấy?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Các pháp vốn có nay không ư?
LUẬN: Hỏi: Việc ấy Phật trước đã đáp rồi, nay cớ sao Tu-bồ-đề còn hỏi rằng: Nếu các pháp bình đẳng, không có làm gì, thời làm thế nào Bồ-tát đối với các pháp bình đẳng không lay động mà làm lợi ích lớn cho chúng sinh?
Ðáp: Vì việc ấy khó hiều nên tuy trước đã nói mà nay hỏi lại. Lại thời kinh sắp hết Phật nói tính không sâu xa, phàm phu và thánh nhân không thể hành được, không thể đến được. Nên Tu-bồ-đề biết hết thảy pháp tướng bình đẳng chắc chắn không, thời làm thế nào Bồ-tát trú trong pháp ấy mà có thể làm lợi ích chúng sinh, vì pháp bình đẳng, không có tướng tạo tác, mà làm lợi ích là có tướng tạo tác? Phật hứa khả lời Tu-bồ-đề, theo câu hỏi của Tu-bồ-đề mà đáp, hứa khả tính bình đẳng và đáp việc làm lợi ích chúng sinh. Nghĩa là nếu chúng sinh tự biết các pháp bình đẳng rốt ráo không, thời Phật không có ơn gì; nếu người bệnh tự biết sắp qua khỏi thời thầy thuốc vô công.
Tu-bồ-đề lại hỏi: Nếu các pháp thật tướng rốt ráo không, không thể tạo tác, thời vì cớ gì Bồ-tát trú trong ấy mà làm lợi ích chúng sinh? Nếu Bồ-tát dùng pháp bình đẳng ấy làm lợi ích chúng sinh thời phá hoại thật tướng?
Phật dạy: Bồ-tát không lấy các pháp thật tướng làm lợi ích chúng sinh, mà chỉ vì chúng sinh không biết pháp rốt ráo không nên Bồ-tát dạy khiến biết. Bồ-tát giáo hóa chúng sinh, đó là cách đối trị tất đàn; Tu-bồ-đề cho đệ nhất nghĩa tất đàn là không có làm lợi ích để vấn nạn. Phật đáp: Chúng sinh điên đảo không biết, Phật chỉ phá cái điên đảo ấy mà không cho là thật. Thế nên Bồ-tát trú trong tướng bình đẳng xa lìa tướng ngã cho đến tướng kẻ biết kẻ thấy, ấy gọi là chúng sinh không và đem pháp hết thảy vô ngã ấy giáo hóa chúng sinh. Chúng sinh có hai, một là ái nhiều, hai là kiến nhiều. Người ái nhiều gặp được pháp vô ngã ấy thời sinh tâm lìa dục, nghĩ rằng: Nếu vô ngã thời cần gì các vật khác mà tham? Người kiến nhiều tuy biết vô ngã mà đối với sắc pháp v.v... vẫn hý luận cho rằng hoặc thường hoặc vô thường. Thế nên kế tiếp nói sắc tướng, năm uẩn, mười hai nhập, mười tám giới cho đến xa lìa tướng của tính hữu vi, khiến được tướng của tính vô vi, mà tướng vô tính tức là không; ấy gọi là pháp không.
Hỏi: Cớ gì Tu-bồ-đề hỏi dùng không gì cho nên hết thảy pháp không?
Ðáp: “Không” có nhiều thứ: Như trong lửa không có nước, trong nước không có lửa, cũng là không; trong ngũ uẩn không có ngã cũng như vậy. Hoặc có chúng sinh không, hoặc có pháp không. Ðối với pháp không, có người nói rằng các pháp tuy không cũng chẳng phải không hết; như trong sắc không có vi trần gốc tồn tại. Thế nên Tu-bồ-đề hỏi vì không gì nên hết thảy pháp không. Phật đáp: Vì vô sở đắc rốt ráo không, nên xa lìa hết thảy tướng. Do vậy mà trong đây nói chúng sinh không và pháp không. Vì hai không ấy nên hết thảy pháp không có pháp nào chẳng không.
Hỏi: Nếu như vậy thời cớ gì trong đây nói lìa tướng hết thảy pháp?
Ðáp: Hết thảy pháp không thể phá hoại cùng tận, chỉ lìa cái ức tưởng tà vạy đối với nó nên tất cả pháp tự xa lìa. Như người có thần thông vì hoại sắc tướng nên vách đá không làm chướng ngại. Như Phật nói: Các ông đối với năm uẩn tu chánh ức niệm, dứt tham dục, được chánh giải thoát nên nói là lìa tướng. Tu-bồ-đề nghe xong tâm kinh hãi, nghĩ rằng: Vì sao hết thảy pháp hoặc lớn hoặc nhỏ đều không có căn gốc chơn thật? Hạng phàm phu hư vọng có thể không có sự thật, còn thánh nhân phải có chút ít sự thật? Tu-bồ-đề tuy là A-la-hán, rất quý Phật pháp, song vì hàng Bồ-tát mới pháp tâm cho nên hỏi Phật.
Phật biết ý Tu-bồ-đề muốn làm rõ việc ấy nên nói thí dụ mà hỏi ngược lại Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao, như người biến hóa lại làm ra việc biến hóa, sự biến hóa ấy có căn gốc thật chẳng không chăng? Ðáp: Thưa không. Sự biến hóa ấy không có sự thật mà chẳng không. Không và người biến hóa, hai việc chẳng hợp, chẳng tán, vì đều là không, nên dùng không không, nên không.
Hỏi: Cớ gì nói là vì không không, nên không?
Ðáp: Vì phá mười tám sự thật nên có mười tám không; vì phá sự biến hóa không trong tâm chúng sinh nên dùng không không. Người thế gian đều biết huyễn hóa không trụ lâu, không có làm gì nên gọi là không, nên nói vì không không, nên không, không nên phân biệt đó là không, là hóa. Người phàm phu biết việc biến hóa là không, không thật, còn các pháp khác là thật. Vì vậy mà lấy việc biến hóa ví dụ, nên biết các pháp khác cùng với biến hóa không khác nhau. Như chỗ hiểu của thánh nhân thời không được dùng biến hóa làm ví dụ, vì không có phân biệt. Hết thảy pháp gọi là năm uẩn. Phật nói sắc, thọ, tưởng, hành, thức không có cái gì chẳng là biến hóa, vì là không.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, pháp phàm phu hư dối nên như biến hóa, pháp xuất thế gian cũng như biến hóa ư? Nghĩa là bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung, hoặc pháp bốn niệm xứ theo mặt nhân duyên sinh cho nên như hóa, nhưng quả pháp của bốn niệm xứ là Niết-bàn cũng lại như hóa ư? Hoặc hành giả tu các pháp ấy là các bậc Tu-đà-hoàn cho đến Phật cũng lại như hóa ư?
Phật dạy: Hoặc hữu vi hoặc vô vi và các hiền thánh đều là hóa, vì rốt ráo không. Nghĩa ấy từ phẩm đầu lại đây nơi nơi đã nói rộng. Thế nên nói hết thảy pháp không, đều như hóa.
Hỏi: Nếu hết thảy pháp đều không, như hóa, cớ gì có các pháp sai khác?
Ðáp: Như việc Phật biến hóa và người khác biến hóa, tuy đều không thật mà có các hình tượng sai khác; cũng như các thứ thấy trong mộng. Người thấy việc tốt xấu trong mộng có việc sinh mừng, có việc sinh sợ; như tượng trong gương tuy thật sự không có mà tùy theo hình thật nên tượng có đẹp có xấu. Các pháp cũng như vậy, tuy không mà mỗi mỗi có nhân duyên sai khác; như trong đây Phật tự nói: Trong pháp biến hóa có Thanh văn biến hóa, có Bích-chi Phật biến hóa, có Bồ-tát biến hóa, có Phật biến hóa, có phiền não biến hóa, có nghiệp biến hóa; thế nên hết thảy pháp đều là biến hóa.
Thanh văn biến hóa là ba mươi bảy pháp trợ đạo, bốn thánh đế cho đến ba môn giải thoát, vì sao? Vì người Thanh văn trú trong trì giới, thiền định nhiếp tâm mà cầu Niết-bàn; quán trong thân ngoài thân bất tịnh gọi là thân niệm xứ. Tu các pháp như vậy vì Niết-bàn nên siêng tinh tấn; pháp ấy vốn không nay có, có rồi lại không; ấy gọi là Thanh văn biến hóa.
Bích-chi Phật biến hóa là quán mười hai nhân duyên, vì sao? Vì trí tuệ của Bích-chi Phật sâu hơn trí tuệ của Thanh văn.
Bồ-tát biến hóa là sáu Ba-la-mật với hai thứ thần thông do quả báo được và do tu được.
Phật biến hóa là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình, mười trí lực, trí Nhất thiết chủng, vô lượng Phật pháp.
Phiền não biến hóa là phiền não khởi lên các nghiệp lành, chẳng lành và vô ký; nghiệp định, nghiệp bất định, nghiệp lành, chẳng lành, bất động, vô lượng các nghiệp.
Hỏi: Các phiền não là pháp ác, làm sao có thể sinh nghiệp lành và nghiệp bất động?
Ðáp: Có hai nhân: Một là nhân gần, hai là nhân xa. Người có tâm chấp ngã, vì muốn thân sau được giàu vui nên tu bố thí, ấy là nhân gần; vì xa lìa thân bất tịnh, sự suy não của cõi dục nên tu thiền định; ấy là nhân xa.
Lại, có người nói: Hết thảy phàm phu đều do tâm chấp ngã nên tạo nghiệp. Có người nói: Không có việc lìa tâm chấp ngã mà khởi lên thức thứ sáu, vì có tâm chấp ngã nên khởi lên thức thứ sáu; và tâm chấp ngã tức là căn gốc của phiền não.
Hỏi: Phiền não là tâm nhơ nhớp, tâm lành là tâm trong sạch; nhơ nhớp và trong sạch không hòa hợp được, cớ gì nói ở nơi tâm chấp ngã có thể khởi lên nghiệp lành?
Ðáp: Không phải vậy. Hết thảy tâm đều cùng sinh với tuệ, trong tâm vô minh cũng phải có tuệ. Tuệ với vô minh trái nhau mà khởi lên trong một tâm; sạch và nhơ cũng như vậy. Phàm phu chưa được thánh đạo thời làm sao có thể lìa tâm chấp ngã mà làm việc lành? Trong phiền não sân v.v... thời không thể làm lành. Còn tâm chấp ngã thời vô kí nhu nhuyến, nên trong tâm phiền não sinh khởi nghiệp lành và nghiệp bất động, không lỗi.
Nghiệp biến hóa là sinh ra hết thảy quả báo, đó là sáu đường. Quả báo của nghiệp ác là ba đường ác; quả báo của nghiệp lành là ba đường lành. Nghiệp ác có thượng, trung và hạ. Thượng thời đọa địa ngục, trung thời đọa súc sinh, hạ thời đọa ngạ quỷ. Nghiệp lành cũng có thượng, trung và hạ. Thượng thời sinh cõi trời; trung thời sinh cõi người; hạ thời sinh cõi A-tu-la. Nghiệp lành có phân biệt các thứ nặng nhẹ, nghiệp ác cũng có phân biệt nặng nhẹ. Thứ lớp nặng nhẹ như nói ở trong cảnh địa ngục, các đạo khác cũng đã nói như trong phẩm Phân biệt nghiệp.
Hỏi: Nếu từ nghiệp mà có, thời cớ gì nói biến hóa?
Ðáp: Người phàm phu thấy các pháp chẳng như biến hóa; còn thánh nhân vì biết rốt ráo không nên dùng thiên nhãn xem thấy chúng sinh đều không có đầu, cuối, khoảng giữa. Như người chủ biến hóa đi đến nơi xa làm việc biến hóa; nghiệp cũng như vậy, từ trong đời quá khứ làm ra thân này. Như việc biến hóa có thể làm cho con người sinh lo, mừng, sợ hãi. Người trí thấy đều không có gì thật, mà người ta vọng sinh ra lo, mừng, thật đáng cười; nghiệp cũng như vậy, nên nói nghiệp biến hóa.
Hỏi: Các biến hóa ấy đều do nghiệp làm ra, cớ gì không chỉ nói nghiệp biến hóa mà nói thêm các biến hóa khác?
Ðáp: Nghiệp có hai thứ là nghiệp sạch và nghiệp nhơ. Nghiệp sạch là Thanh văn biến hóa cho đến Phật biến hóa; nghiệp nhơ là phiền não biến hóa.
* Lại nữa, có hai nghiệp: Nghiệp phàm phu và nghiệp thánh nhân. Nghiệp phàm phu là phiền não biến hóa, nghiệp thánh nhân là Tu-đà-hoàn cho đến Phật. Nên tuy đều là nghiệp biến hóa mà phân biệt nói rộng, không lỗi. Vì vậy nên biết, hết thảy pháp không, đều như biến hóa.
Tu-bồ-đề lại hỏi: Bạch đức Thế Tôn, các thánh nhân dứt hết phiền não được quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán, đạo Bích-chi Phật; dứt hết phiền não tập khí, các sự dứt ấy đều như biến hóa chăng? Ý Tu-bồ-đề là, pháp hữu vi hư dối cho nên như biến hóa, còn pháp vô vi thật không có làm gì, nên không thể như biến hóa? Thế nên hỏi.
Phật dạy: Hết thảy pháp hoặc sinh hoặc diệt đều như hóa, vì sao? Vì vốn không nay có, nay có sau không, dối gạt lòng người. Ý Phật là, hết thảy pháp theo nhân duyên sinh đều không có tự tính, vì không có tự tính nên rốt ráo không, vì rốt ráo không nên đều như biến hóa. Tu-bồ-đề tìm thật tướng các pháp ý còn chưa dứt cho nên hỏi Phật: Pháp gì chẳng như biến hóa? Ý Tu-bồ-đề muốn hỏi rằng, có một pháp chắc thật chẳng như biến hóa, có thể nương pháp ấy mà tinh tấn chăng? Phật đáp: Có. Nếu pháp không sinh không diệt tức chẳng phải như biến hóa. Pháp ấy là pháp gì? Ðó là Niết-bàn không có tướng hư dối. Pháp ấy không sinh nên không diệt, không diệt nên không khiến người ta sinh lo. Phật phân biệt hết thảy pháp hữu vi rốt ráo không, đều như hóa, duy chỉ có pháp Niết-bàn chẳng phải như biến hóa.
Bấy giờ Tu-bồ-đề bạch Phật: Như Phật nói, pháp bình đẳng chẳng phải Phật làm, chẳng phải Thanh văn làm, Bích-chi Phật làm, dù có Phật hay không có Phật thời các pháp tính vẫn thường trú. Tính không, tính không tức là Niết-bàn. Ý Tu-bồ-đề muốn nói rằng, vào sâu Bát-nhã ba-la-mật thời Niết-bàn cũng không, ở phẩm trước nơi nơi đã nói, nay cớ gì Phật nói chỉ một pháp Niết-bàn chẳng như biến hóa? Thế nên dẫn lời Phật để vấn nạn: Thật tướng các pháp tính không, thường trú. Chư Phật chỉ vì người nên diễn nói tính không tức là Niết-bàn, nay cớ gì đối với pháp sinh diệt nói riêng Niết-bàn không có tướng hư dối, chẳng như biến hóa? Phật đáp: Các pháp bình đẳng thường trú, chẳng phải hiền thánh làm; nếu hàng Bồ-tát mới học mà nghe thời sợ hãi, thế nên phân biệt nói: Cái gì sinh diệt thời như biến hóa, cái gì không sinh diệt thời không như biến hóa.
Hỏi: Duy chỉ có Phật là người không nói quanh co nên tất cả mọi người đều muốn tìm sự thật ở nơi Phật, cớ sao nay Phật nói hết thảy pháp đều không, hoặc nói đều chẳng không?
Ðáp: Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Vì đối với hàng Bồ-tát mới phát tâm nên nói Niết-bàn chẳng như biến hóa.
Hỏi: Có thể vì người mà chuyển biến các pháp tướng ư?
Ðáp: Trong đây Phật nói các pháp tính, tính không, thời làm sao chuyển được? Khi Phật mới được thật tướng các pháp ấy, tâm chỉ hướng đến Niết-bàn tịch diệt; khi ấy mười phương chư Phật và chư thiên thỉnh Phật chớ vào Niết-bàn, mà nên độ thoát cho hết thảy chúng sinh khổ não. Phật liền nhận lời thỉnh, chỉ vì độ chúng sinh nên trụ lại. Do vậy nên biết, chúng sinh không thể làm lợi ích chúng sinh, nên Phật theo việc vì chúng sinh mà nói. Vì quán thấy các pháp hữu vi hư dối nên nói Niết-bàn là thật, chẳng đổi khác. Hàng Bồ-tát mới phát tâm đắm trước Niết-bàn ấy, nhân đó khởi lên phiền não; vì dứt sự đắm trước ấy cho Bồ-tát nên nói Niết-bàn như biến hóa. Nếu không có tâm đắm trước thời khi ấy nói Niết-bàn chẳng phải như biến hóa.
* Lại nữa, có hai đạo là đạo Tiểu thừa và đạo Ðại thừa. Tiểu thừa hí luận cho rằng Niết-bàn là thật; Ðại thừa hí luận cho rằng vì trí tuệ lanh lợi, có thể vào sâu nên xem sắc pháp v.v... đều như Niết-bàn. Cho nên hai cách nói đều không có lỗi.
Lại hỏi: Làm thế nào giáo hóa Bồ-tát mới phát tâm khiến biết tính không bình đẳng? Ý Tu-bồ-đề muốn nói rằng, pháp tính không là chỗ hàng phàm phu sợ hãi. Họ nghe nói tính không, không có sở hữu, thời như rơi vào hố sâu, vì sao? Vì hết thảy những người chưa đắc đạo do tâm chấp ngã sâu xa nên sợ hãi pháp không, nghĩ rằng: Phật dạy người siêng tu hạnh lành chung quy đi vào chỗ không có sở hữu. Vì thế nên Tu-bồ-đề hỏi: Dùng phương tiện gì giáo hóa Bồ-tát mới phát tâm ấy? Phật dạy: Các pháp trước có nay không ư? Ý Phật là, vì hàng mới phát tâm sợ về sau sẽ không có gì, nên nói các pháp trước có nay không ư? Tu-bồ-đề tự mình biết rõ các pháp trước tự nó không nay cũng không, chỉ vì kẻ mới học bị tâm chấp ngã che lấp mà sinh ra sợ hãi. Vì trừ cái điên đảo ấy khiến được thật thấy, rốt ráo không có lỗi. Biết thật tướng của các phiền não điên đảo là tính không, khi ấy thời không còn sợ hãi; các pháp như vậy nên đem dạy hàng mới phát tâm. Nếu cho rằng pháp trước có, song vì do hành đạo nên không, mới nên sợ hãi; còn pháp trước tự nó đã không, nên không nên sợ hãi, chỉ vì trừ điên đảo mà thôi.
Giải Thích: Phẩm Tát-Ðà-Ba-Luân Thứ 88
KINH: Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát cầu Bát-nhã ba-la-mật nên như Bồ-tát Tát-đà-ba-luân. Bồ-tát ấy hiện ở chỗ Phật Ðại Lôi Âm, hành đạo Bồ-tát.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân làm thế nào cầu Bát-nhã ba-la-mật?
Phật dạy: Bồ-tát Tát-đà-ba-luân khi cầu Bát-nhã ba-la-mật-đa không tiếc thân mạng, không cầu danh lợi, ở chỗ núi rừng trống vắng nghe giữa hư không có tiếng nói rằng: Này ông, thiện nam tử, nên đi về phương đông, chớ nghĩ đến mệt nhọc, chớ nghĩ đến ngủ nghỉ, chớ nghĩ đến ăn uống, chớ nghĩ đến ngày đêm, chớ nghĩ đến lạnh nóng, chớ nghĩ đến trong ngoài. Này thiện nam tử, khi đi chớ ngó qua phải trái, khi đi chớ hủy hoại tướng thân, chớ hủy hoại tướng sắc, chớ hủy hoại tướng thọ, tưởng, hành, thức, vì sao? Vì nếu hủy hoại các tướng ấy thời đối với Phật pháp có chướng ngại. Nếu đối với Phật pháp có chướng ngại, bèn qua lại trong năm đường sinh tử, cũng không thể được Bát-nhã ba-la-mật.
Bấy giờ Bồ-tát Tát-đà-ba-luân đáp lại tiếng giữa hư không: Tôi sẽ theo lời dạy bảo, vì sao? Vì tôi muốn vì hết thảy chúng sinh làm ánh sáng lớn, muốn tập hợp hết thảy Phật pháp, muốn được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bồ-tát Tát-đà-ba-luân lại nghe giữa hư không nói rằng: Lành thay, lành thay, thiện nam tử! Ông đối với không, vô tướng, vô tác nên sinh tín tâm, đem tâm lìa tướng mà cầu Bát-nhã ba-la-mật; lìa tướng ngã cho đến lìa tướng kẻ biết kẻ thấy; nên xa lìa ác tri thức, nên gần gũi cúng dường thiện tri thức. Những ai là thiện tri thức? Là những người nói pháp không, vô tướng, vô tác, không sinh, không diệt và trí Nhất thiết chủng, làm cho người khác vào cái vui hoan hỷ, tín thọ; ấy là thiện tri thức. Này thiện nam tử, nếu ông hành được như vậy thời không bao lâu sẽ nghe được Bát-nhã ba-la-mật, hoặc nghe từ trong kinh, hoặc nghe từ Bồ-tát nói. Này thiện nam tử, ở chỗ ông được nghe Bát-nhã ba-la-mật nên sinh tâm tưởng như Phật. Này thiện nam tử, ông nên biết ơn, nghĩ rằng, từ chỗ được nghe Bát-nhã ba-la-mật tức là thiện tri thức của ta, ta nhờ nghe pháp ấy nên mau được không thoái chuyển đối với Vô thượng chánh đẳng chánh giác, gần gũi chư Phật, thường sinh trong nước có Phật, xa lìa các nạn, được chỗ đầy đủ không có hoạn nạn. Này thiện nam tử, nên suy nghĩ trù lượng công đức ấy, đối với chỗ được nghe pháp nên sinh tâm tưởng như Phật. Này thiện nam tử, chớ đem tâm lợi dưỡng thế gian mà đi theo pháp sư, chỉ vì tâm yêu pháp, cung kính pháp nên đi theo Bồ-tát thuyết pháp. Bấy giờ nên giác biết việc ma: Hoặc ác ma làm ra năm dục đem đến cho Bồ-tát thuyết pháp, giả vờ vì pháp nên khiến lãnh thọ. Nếu Bồ-tát thuyết pháp vào được pháp môn chân thật, do công đức ấy nên lãnh thọ mà không bị ô nhiễm. Lại do việc ma nên lãnh thọ năm dục: Một, vì có sức phương tiện; hai, vì khiến chúng sinh gieo trồng căn lành; ba, vì muốn đồng sự với chúng sinh. Ông ở trong ấy chớ sinh tâm ô nhiễm, nên khởi tướng thanh tịnh, tự nghĩ rằng: Ta chưa biết Âu-hòa-câu-xá-la, mà đại sư dùng phương tiện vì độ chúng sinh, khiến được phước đức nên lãnh thọ năm dục ấy; đối với trí tuệ không chấp trước, không ngại, không bị dục làm ô nhiễm. Này thiện nam tử, phải quán chơn chính thật tướng các pháp. Thật tướng các pháp là hết thảy pháp không nhơ, không sạch, vì sao? Vì hết thảy pháp tự tính không, không có chúng sinh, không có nhân, không có ngã. Hết thảy pháp như huyễn, như mộng, như tiếng vang, như ảnh, như sóng nắng, như hóa. Này thiện nam tử, quán thật tướng các pháp ấy rồi nên theo pháp sư, ông không bao lâu sẽ thành tựu được Bát-nhã ba-la-mật.
* Lại nữa, này thiện nam tử, ông lại nên giác biết việc ma. Nếu Bồ-tát thuyết pháp, thấy người muốn lãnh thọ Bát-nhã ba-la-mật mà không để ý đến thời ông không nên khởi sinh oán hận. Ông chỉ nên vì pháp, nên cung kính, chớ khởi tâm nhàm chán, giải đãi, thường nên đi theo pháp sư.
LUẬn: Phẩm trên hỏi, đối với Bồ-tát mới pháp tâm làm thế nào dạy tính không? Vì pháp tính không rốt ráo không, không có sở hữu, khó hiểu, khó biết? Phật đáp bằng cách hỏi ngược lại: Pháp trước có nay không ư? Ý Phật muốn nói rằng, pháp tính không chẳng phải khó được, khó hiểu, vì sao? Vì xưa nay thường không, lại không có cái mới khác, cớ gì tâm ông sợ hãi cho rằng khó được? Pháp tính không ấy tuy sâu xa, mà Bồ-tát chỉ có thể nhất tâm siêng tinh tấn, không tiếc thân mạng, đem nhất tâm cầu như vậy bèn có thể được. Trong đây nêu việc đời trước của Bồ-tát Tát-đà-ba-luân để làm chứng. Phật pháp có mười hai bộ loại kinh. Hoặc có người nhân Khế kinh, Phúng tụng, kinh Bản sinh mà được độ; nay Phật đem kinh Bản sinh để làm chứng. Như có người nghe nghĩ rằng, người kia có thể được thời ta cũng có thể được! Vì thế mà nêu nhân duyên đời trước của Bồ-tát Tát-đà-ba-luân để làm chứng.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát cầu Bát-nhã ba-la-mật nên như Tát-đà-ba-luân.
Hỏi: Nếu Bát-nhã ba-la-mật rốt ráo không, không có tướng, thời hành thiền định còn khó được, huống nữa là ưu sầu, khóc lóc, tán tâm tìm cầu mà có thể được?
Ðáp: Vì Bồ-tát mới phát tâm nên dẫn nói Tát-đà-ba-luân.
Hỏi: Nếu Tát-đà-ba-luân là Bồ-tát mới phát tâm, thời mười phương chư Phật làm thế nào hiện ở trước người đó khiến được các tam-muội, không tiếc thân và thấy Ðàm-vô-kiệt? Lại, được vô lượng vô số tam-muội, cớ sao gọi là mới phát tâm?
Ðáp: Bồ-tát mới học có hai hạng: Một là tâm đắm trước lớn cái vui thế gian, phát tâm mền yếu; hai là phát tâm sâu xa, không đắm trước thế gian. Phát tâm mềm yếu thời Phật không cho là phát tâm; phát tâm sâu xa mới gọi là phát tâm. Như trong pháp Thanh văn Phật nói với hai Tỳ-kheo: “Ở trong pháp Ta, cho đến không có chút noãn pháp như mảy lông”. Phật xem noãn pháp là rất nhỏ, người phàm phu xem cho là lớn. Thí như vị quốc vương thấy một tấm vải không cho là nhiều, còn người nghèo thấy thời cho là nhiều. Vì nhất tâm không tiếc thân mạng nên nêu Tát-đà-ba-luân làm chứng.
Hỏi: Nếu Bồ-tát Tát-đà-ba-luân có thể khổ hạnh được như vậy, từ nơi Ðàm-vô-kiệt được các tam-muội, sẽ làm Phật, cớ gì nay còn ở chỗ Phật Ðại Lôi Âm tu hạnh Bồ-tát?
Ðáp: Phật pháp vô lượng vô biên, nếu trải qua ngàn vạn vô số kiếp siêng tu khổ hạnh còn không thể được huống nữa là Tát-đà-ba-luân một đời khổ hạnh! Lại có Bồ-tát đầy đủ đạo Bồ-tát, mười lực, bốn điều không sợ v.v... vì chúng sinh nên trú ở thế gian, chưa thủ chứng thật tế, như Bồ-tát Văn thù sư lợi v.v... Tát-đà-ba-luân hoặc có thể như vậy nên chưa làm Phật. Tam-muội của Bồ-tát nhiều như số vi trần trong mười phương các cõi nước, mà Tát-đà-ba-luân mới được sáu vạn tam-muội thời đâu đủ cho là nhiều? Phật Ðại Lôi Âm như rồng chúa lớn sắp muốn mưa nên làm chấn động sấm sét; chim sẻ, côn trùng nhỏ thảy đều sợ hãi. Phật ấy khi mới Chuyển pháp luân, mười phương chúng sinh đều phát tâm, ngoại đạo tà kiến đều sợ hãi nhiếp phục, nên người trời và chúng sinh xưng gọi Phật là Ðại Lôi Âm. Phật ấy nay đang ở trong hiện tại.
Tu-bồ-đề hỏi: Bồ-tát Tát-đà-ba-luân làm thế nào cầu Bát-nhã ba-la-mật? Bồ-tát Tát-đà-ba-luân chưa được bất thoái chuyển, cớ sao gọi là Bồ-tát ma-ha-tát?
Ðáp: Vì có đại tâm lớn nên tuy nhỏ mà cũng gọi là đại. Vì người kia tuy chưa được trí tuệ chơn thật mà có thể nhớ nghĩ sâu Bát-nhã ba-la-mật, do không tiếc thân mạng nên có công đức lớn, cũng gọi là Bồ-tát ma-ha-tát.
Hỏi: Sao gọi là Tát-đà-ba-luân? Tát-đà nghĩa là thường; ba-luân nghĩa là khóc; đó là tên do cha mẹ đặt, hay là tên theo nhân duyên nào?
Ðáp: Có người nói: Do vị ấy khi nhỏ ưa khóc nên tên là Thường khóc. Có người nói: Bồ-tát ấy thực hành tâm đại bi nhu nhuyến nên thấy chúng sinh ở trong đời ác nghèo cùng, già chết, ưu khổ mà thường khóc, vì thế nên mọi người gọi là Tát-đà-ba-luân. Có người nói: Bồ-tát ấy vì cầu Phật đạo, xa lìa mọi người, ở chổ trống vắng, tâm cầu xa lìa, nhất tâm, suy nghĩ, trù lượng, siêng cầu Phật đạo. Ðời bấy giờ không có Phật, Bồ-tát ấy thực hành tâm từ bi. Vì có ít nhân duyên nên sinh vào đời không có Phật, vị ấy có tâm bi, đối với chúng sinh muốn siêng năng không dứt, nên ở chỗ rừng núi trống vắng. Vị ấy nhờ nhân duyên đời trước và đời nay nhất tâm, có ước muốn lớn, sức tinh tấn lớn, do hai nhân duyên ấy nên nghe trong hư không có tiếng dạy bảo, không bao lâu liền dứt, tâm lại nghĩ rằng: Tại sao ta không hỏi? Do nhân duyên ấy nên ưu sầu, khóc lóc bảy ngày bảy đêm. Nhân vì thế mà trời, rồng, quỷ, thần gọi là thường khóc. Như Phật đáp Tu-bồ-đề: Ðời quá khứ có Bồ-tát Tát-đà-ba-luân không tiếc thân mạng, không tham tài lợi; khi cầu Bát-nhã, ở rừng đồi trống vắng nghe có tiếng giữa hư không.
Hỏi: Tiếng giữa hư không là tiếng gì?
Ðáp: Hoặc chư Phật, Bồ-tát, chư thiên, long vương vì thương xót chúng sinh nên thấy người ấy không đắm trước thế gian, nhất tâm cầu Phật đạo, song vì lúc đó không có Phật pháp nên chư Phật muốn làm nhân duyên mở bày cho người kia được Bát-nhã nên giữa hư không phát ra âm thanh.
Có người nói: Tát-đà-ba-luân là người có nhân duyên lành đời trước, ở trong rừng làm quỷ thần thấy người kia sầu khổ, vì người là nhân duyên đời trước. Lại, quỷ thần ấy cũng cầu Phật đạo; do hai nhân duyên ấy nên phát ra âm thanh.
Như Bà-la-môn Mật-bát vì Tu-đạt-đa mà đi đến thành Vương-xá. Khi đến nhà vị đại trưởng giả hỏi vợ cho con, Mật-bát ở giữa chúng lớn Bà-la-môn của thành Vương-xá, vì ăn uống quá độ, sình bụng mà chết, nên sinh làm quỷ thần ở trên cửa thành Vương-xá.
Tu-đạt-đa nghe Bà-la-môn ấy đã chết nên tự mình đi đến nhà vị trưởng giả ở lại. Vị trưởng giả cuối đêm thức dậy sắm đủ thức ăn uống, Tu-đạt-đa hỏi: “Ông có việc gì vậy? Vì muốn cưới vợ, gả chồng cho con, hoặc muốn mời đại quốc vương hay vì trẩy hội, cớ sao sửa soạn gấp rút như vậy?”.
Trưởng giả đáp: “Tôi muốn thỉnh Phật và chúng Tăng”.
Tu-đạt nghe tên Phật thời kinh hãi, mừng rỡ đến dựng lông. Trưởng giả trước đã được dấu đạo, bèn nói rộng công đức cho Tu-đạt nghe. Tu-đạt-đa nghe xong ưa vui tột độ nên rất muốn thấy Phật. Do tâm nhớ nghĩ Phật mà đêm ít ngủ, vì tâm nhớ nghĩ Phật chí thiết nên giây lát thức dậy, giữa đêm thấy trăng sáng cho là mặt trời mọc, liền đứng dậy đi đến cửa, thấy cửa an toàn đã mỡ. Cửa thành Vương-xá đầu đêm chưa đóng, vì khách đến; cuối đêm mở sớm, vì khách đi. Ðã thấy cửa mở liền đi thẳng đến chỗ Phật.
Lúc ấy Phật đang ở giữa rừng lạnh. Khi đang đi giữa đường thời trăng lặng, trời trở lại tối. Tâm Tu-đạt hối hận do dự muốn vào thành trở lại.
Bấy giờ thần Mật-bát phóng ánh sáng nơi thân chiếu khắp khu rừng vắng, bảo: “Này cư sĩ, cư sĩ chớ sợ hãi, cứ đi, đừng trở lại. Ði thời được lợi ích lớn”, như trong kinh đây nói rộng. Tu-đạt-đa thấy Phật thời chứng được quả Tu-đà-hoàn, thỉnh Phật và Tỳ-kheo tăng đến nước Xá-vệ, suốt đời cúng dường. Phật sai Xá-lợi-phất làm thầy Tu-đạt-đa, ở tại nước Xá-vệ dựng tinh xá. Như vị thần tri thức của Tu-đạt chỉ đường, thiện tri thức của Tát-đà-ba-luân cũng chỉ đường như vậy. Thế nên thấy người kia sầu khổ mà chỉ đường, nói rằng: Này thiện nam tử, ông từ đây đi về phương đông, trong khi đi chớ nghĩ đến mỏi mệt v.v...
Hỏi: Mỏi mệt, đói khát, lửa đến bức thân, vì sao không nghĩ đến?
Ðáp: Vì sức muốn tinh tấn nên nhất tâm ưa vui Phật đạo mà không tiếc thân mạng. Những việc nghỉ ngơi, ăn uống đều là giúp cho thân, việc ấy tuy đến mà không làm loạn tâm, vì đều vô thường, hư vọng, không thật như giặc, như oán, chỉ làm vui cho thân, nên đâu đủ để nghỉ đến? Nên chớ vì đói khát, mệt nhọc mà bỏ Phật đạo.
Chớ nghĩ đến ngày đêm là chớ nghĩ đến ngày tu hành, đêm phải nghỉ ngơi. Thật ra không có ngày đêm, vì cớ sao? Vì mặt trời bị bóng núi Tu-di che khuất nên gọi là đêm.
Chớ nghĩ đến trong ngoài là chúng sinh phần nhiều đắm trước pháp bên trong. Pháp bên trong là thân, pháp bên ngoài là năm dục. Pháp trong ngoài không nhất định, vì tính không, nên không nên đắm trước.
Chớ xem phải trái là do tâm tà vạy mà hành đạo nên mới xem phải, xem trái. Hành giả không có việc gì phải xem lui sau, còn trước mặt thời không thể không xem, nên chỉ nói chớ xem phải, trái.
* Lại nữa, ma thường làm loạn và mê hoặc hành giả: Hoặc hiện các hình tướng, hiện sắc đẹp, hiện làm thú dữ ở hai bên phải trái, cho nên chớ xem. Ðây đều là năn dứt tâm niệm thô động.
Chớ hủy hoại tướng thân và tướng sắc là, năm uẩn hòa hợp nên giả gọi là thân. Nếu nói nhất định có thân ấy riêng thời là phá hoại thân tướng; nếu đắm pháp không có thân cũng là hủy hoại thân tướng. Lìa tướng một, khác, có, không, ấy mà thực hành trung đạo thời mau được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì thế nên nói chớ hủy hoại tướng thân. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Nếu hủy hoại các tướng ấy thời đối với Phật pháp có chướng ngại.
Phật pháp có chướng ngại là phải qua lại trong năm đường sinh tử, không thể được Bát-nhã ba-la-mật. Tát-đà-ba-luân đáp lại tiếng giữa hư không mà tự nói nhân duyên: Tát-đà-ba-luân thấy hết thảy chúng sinh đọa trong chỗ vô minh tăm tối, ta muốn vì họ thắp ánh sáng trí tuệ. Hết thảy chúng sinh có hết thảy phiền não, ta muốn thiết lập hết thảy thứ thuốc Phật pháp, vì hết thảy chúng sinh đều đọa vào đường tà nên ta cầu đạo vô thượng. Ba thệ nguyện ấy khi được Bát-nhã ba-la-mật thời có thể đầy đủ; thế nên nói là thọ giáo.
Hỏi: Tát-đà-ba-luân không thấy hình tướng người kia, chỉ nghe âm thanh người kia, cớ sao lại nói là thọ giáo?
Ðáp: Như người tìm việc gấp, nên nghe tiếng liền cảm ứng. Tát-đà-ba-luân cũng như vậy.
* Lại nữa, nghe người kia nói lí lẽ hay ho thời biết người kia cũng hay ho nên không cần mắt thấy. Như trong chỗ tối tăm có các chúng sinh mắt tuy không trông thấy mà nghe tiếng nói cũng biết nó loại gì.
Bấy giờ tiếng giữa hư không lại tán thán rằng lành thay. Người đó tuy không thấy hình tướng mà có thể tín thọ lời nói để thực hành. Lại người đó muốn độ hết thảy chúng sinh nên cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tâm không biếng nhác, dừng nghỉ. Có các nhân duyên như vậy nên tán thán lành thay.
Ðối với ba môn giải thoát nên sinh tín tâm là, ba môn ấy là cửa vào thật tướng các pháp, lìa ba môn ấy đều là hư dối, không có chơn thật. Người tuy chưa được mà nhờ sinh tín căn, tín lực lớn; vì tín căn tín lực nên dần dần đầy đủ các căn.
Ðem tâm lìa tướng mà cầu Bát-nhã ba-la-mật là, quán các pháp rốt ráo không, lìa tướng chúng sinh, lìa tướng pháp.
Hỏi: Ba môn giải thoát thu nhiếp vào hết trong Bát-nhã chăng? Nếu thu nhiếp thời cớ gì lại nói riêng? nếu không thu nhiếp thời cớ gì nói hết thảy pháp trợ đạo đều thu nhiếp trong Bát-nhã?
Ðáp: Hết thảy pháp đều vào trong Bát-nhã. Con người đều vì sợ khổ nên cầu giải thoát. Cho nên đối với phần Bát-nhã trước tiên nói ba môn giải thoát. Do nhân duyên gì được giải thoát ấy? Do lìa hai bên là tướng chúng sinh và tướng pháp mà hành Bát-nhã ba-la-mật.
Hỏi: Trước tiên dạy tinh tấn, sau dạy ba môn giải thoát và Bát-nhã; nay lại muốn vì việc gì nữa nên dạy gần gũi thiện tri thức?
Ðáp: Tuy có pháp tốt lành song nếu không ai dạy thời tuy có thực hành mà sai lầm nhiều; thí như tuy có thuốc tốt mà cũng cần có thầy thuốc giỏi. Lại, Tát-đà-ba-luân là Bồ-tát mới phát tâm, mà Bát-nhã ba-la-mật rất sâu xa, làm sao chỉ nghe giữa hư không dạy sơ lượt mà có thể đầy đủ được? Nên dạy rằng, phải thân cận thiện tri thức. Ý nghĩa thiện tri thức như trước đã nói, nay lược nói hai tướng thiện tri thức: Một là dạy nhất tâm hướng đến Nhất thiết trí; hai là dạy pháp Bát-nhã ba-la-mật không, vô tướng, vô tác, không sinh, không diệt v.v... Nếu dạy được như vậy thời không bao lâu được Bát-nhã ba-la-mật; như thầy thuốc vì người bệnh nói cách uống thuốc: Ông có thể uống đúng cách thời bệnh mau lành.
Hoặc nghe từ trong kinh, từ Bồ-tát nói là, khiến Tát-đà-ba-luân đi đến chỗ Bồ-tát Ðàm-vô-kiệt, ở đó hai nơi có Bát-nhã: Một là quyển sách vàng ở trên đài báu; hai là Bồ-tát Ðàm-vô-kiệt nói. Nếu người có nhiều phước đức thời nghe từ Ðàm-vô-kiệt; người có phước đức ít thời nghe từ quyển kinh. Ðối với thầy sinh tâm tưởng như Phật, vì là nhân duyên dạy cho Phật đạo. Kẻ tiểu nhân ở thế gian khi được việc rồi thời quên mất ơn nghĩa, nghĩ rằng: Như người cưỡi thuyền qua sông, đến bờ kia rồi cần gì chiếc bè. Vì thế nên nói: Ông nên biết ơn, nên nghĩ rằng, từ người đó ta nghe được Bát-nhã, tức là thiện tri thức của ta. Trong tất cả lợi ích, lợi ích của Bát-nhã là hơn hết. Thực hành Bát-nhã ấy mau được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, không thoái chuyển. Lại, nhân thực hành Bát-nhã nên gần gũi chư Phật, thường sinh trong nước có Phật, xa lìa chỗ tám nạn, được gặp Phật ở đời. Bồ-tát nên nghĩ rằng : Ta được các công đức như vậy đều từ Bát-nhã, mà Bát-nhã ba-la-mật từ nơi thầy mà có được; vì thế nên xem thầy như Phật. Có người nói: Ðược Bát-nhã ba-la-mật thời có phước đức lớn, nhiều thiện tri thức, được nhiều cúng dường.
Ðệ tử lúc đầu vì Bát-nhã nên theo thầy, nhưng sau dần dần vì cúng dường, lợi dưỡng. Vì thế nên nói chớ vì lợi dưỡng thế gian đi theo thầy.
Hỏi::Vì cớ gì không chỉ nói thân cận thiện tri thức mà còn nói các nhân duyên ấy?
Ðáp: Có người đã được thiện tri thức mà không được vừa ý, trở lại thành oán thù, nên bị đọa vào địa ngục, lại hủy báng nhau. Duy chỉ có Phật mới không có các lỗi lầm, còn những người khác, ai có thể không có lỗi lầm? Ðệ tử thấy lỗi của thầy hoặc thật hoặc hư, tâm người đó tự bại hoại, không còn được lợi ích của pháp. Thế nên tiếng nói giữa hư không dạy rằng: Nếu thấy lỗi thầy chớ khởi tâm hiềm hận, mà nên nghĩ rằng phước đức đời trước của ta không đầy đủ nên không được gặp Phật. Nay gặp vị thầy thực hành hỗn tạp ấy, ta không nên nghĩ đến tội lỗi của người đó để rồi ngăn mất Bát-nhã của mình. Tội lỗi của thầy không dính gì ta, ta chỉ theo thầy thọ học Bát-nhã ba-la-mật. Thí như đẫy da chó đựng vật báu, không nên vì da mà bỏ vật báu; như người tội cầm đuốc soi đường, không thể vì người tội mà không chịu ánh sáng ấy để tự rơi vào hầm hố. Lại, như đi xa có kẻ tiểu nhân dẫn đường, không thể vì người nhỏ nên không theo lời họ. Có các nhân duyên như vậy, nên không nên xa lìa thầy. Thầy nếu thật có tội còn không nên xa lìa, huống nữa trong đây do ma biến trá khiến người thuyết pháp đắm năm dục thâm diệu khiến đệ tử không nhiễm trước pháp! Người thuyết pháp vì phương tiện nên thị hiện lãnh thọ cúng dường. Phương tiện là muốn làm nhân duyên cho chúng sinh gieo phước, cũng vì lấy đồng sự nhiếp mà nhiếp hóa chúng sinh. Lại có các Bồ-tát vì thông đạt thật tướng các pháp nên không bị chướng ngại, không có tội lỗi; tuy có tội lỗi cũng không trở ngại, như người tuổi trẻ sức mạnh, lửa nóng trong bụng, tuy không thích ăn uống mà không sinh bệnh. Lại như có thuốc tốt, tuy bị chất độc mà không thể làm hại. Có các nhân duyên như vậy nên chớ khởi tâm hiềm hận mà mất Bát-nhã của mình như trong kinh đây nói. Lại có người thuyết pháp trì giới thanh tịnh, xa lìa năm dục, hiểu nhiều biết nhiều, có tiếng tăm tốt, oai đức tôn trọng, đệ tử thọ pháp mà không đoái nghĩ đến lợi lộc của đệ tử; nơi đó ông chớ sinh oán hận, mà nên nghĩ rằng, vì tội ta đời trước nên nay làm tiểu nhân. Thầy không khinh ta, mà ta tự vô phước nên không được gần gũi. Lại, ta ở chỗ thầy nên phá tâm kiêu mạn, tâm vì lợi cầu pháp. Có các hạng thầy như vậy, Bồ-tát vì cầu Bát-nhã ba-la-mật nên chỉ nhất tâm cung kính, không nghĩ đến chỗ hay dở của thầy. Nếu nhẫn nhục được như vậy, đối với thầy nhất tâm, không khởi tâm thêm bớt thời ông ở chỗ thầy được nhiều diệu pháp; như đồ vật hoàn hảo bền chắc, đựng gì cũng không lọt mất.
Tát-đà-ba-luân nghe tiếng nói giữa hư không xong, từ đó đi về phương đông như trong kinh này nói rộng.
(Hết cuốn 96 theo bản Hán)
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.69.134 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.