Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Trí Độ Luận [大智度論] »» Bản Việt dịch quyển số 93 »»

Đại Trí Độ Luận [大智度論] »» Bản Việt dịch quyển số 93

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.56 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.65 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Đại Trí Độ

Kinh này có 100 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 82 | 83 | 84 | 85 | 86 | 87 | 88 | 89 | 90 | 91 | 92 | 93 | 94 | 95 | 96 | 97 | 98 | 99 | 100 |
Việt dịch: Thích Thiện Siêu

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Kinh: Tu Bồ Đề, Bồ Tát thủ tướng sắc, thọ, tưởng, hành, thức; tướng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; tướng, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; tướng nam, tướng nữ; tướng cõi Dục, tướng cõi Sắc, tướng cõi Vô sắc, tướng phá thiện, tướng pháp bất thiện, tướng pháp hữu vi, tướng pháp vô vi; ấy gọi là nghiệp thô của Bồ Tát. Bồ Tát đều xa lìa nghiệp thô như vậy; tự mình bố thí, cũng dạy người bố thí; cần ăn cho ăn, cần áo cho áo, cho đến các vật cần dùng để nuôi sống. Dạy người mỗi mỗi bố thí như vậy, đem phước đức bố thí ấy chia sẻ cho chúng sinh cùng hồi hướng đến cõi nước Thanh tịnh của Phật; tự mình trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ cũng như vậy. Bồ Tát hoặc đem châu báu đầy cõi nước ba ngàn đại thiên cúng dường Tam bảo, phát nguyện rằng: Nhờ thiện căn này mà khiến cõi nước tôi đều do bảy báu tạo thành. Lại nữa, lấy nhạc trời làm vui nơi Phật và pháp, phát nguyện rằng: Nhờ thiện căn này mà khiến trong cõi nước tôi thường nghe nhạc trời. Lại nữa, lấy hương trời đầy cõi nước ba ngàn đại thiên cúng dường Phật và Pháp, phát nguyện rằng: Nhờ thiện căn này mà khiến trong cõi nước tôi thường có hương thơm trời. Lại nữa, lấy thức ăn trăm vị cúng dường Phật và chúng Tăng, phát nguyện rằng: Nhờ thiện căn này mà khiến chúng sinh trong cõi nước tôi hưởng hương thơm trời nhỏ mịn.
*Lại nữa, lấy năm dục theo ý muốn mà cúng dường Phật và Tăng, cùng thí cho hết thảy chúng sinh, phát nguyện rằng: Nhờ thiện căn này mà khiến đệ tử và chúng sinh trong cõi nước tôi đều được năm dục theo ý muốn. Bồ Tát ấy đem năm dục theo ý muốn, cùng chia cho chúng sinh, hồi hướng đến cõi nước thanh tịnh của Phật, phát nguyện rằng: Khi tôi thành Phật, trong cõi nước tôi có năm dục như cõi trời ứng theo lòng ước nguyện mà đến.
*Lại nữa, phát nguyện rằng: Tôi sẽ tự mình vào thiền thứ nhất, cũng dạy chúng sinh vào thiền thứ nhất; vào thiền thứ hai, thứ ba, thứ tư; vào tâm từ, bi, hỷ, xả cho đến ba mươi bảy pháp trợ đạo cũng như vậy. Khi tôi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, làm cho hết thảy chúng sinh không xa lìa bốn thiền cho đến không xa lìa ba mươi bảy pháp trợ đạo. Như vậy, Bồ Tát có thể nghiêm tịnh cõi Phật. Bồ Tát tùy theo bấy nhiêu thời gian hành đạo Bồ Tát, đầy đủ các ước nguyện; Bồ Tát tự thành tựu hết thảy thiện pháp, cũng thành tựu thiện pháp cho chúng sinh. Bồ Tát thọ thân tướng đẹp đẽ, chúng sinh được giáo hóa cũng được thân tướng đẹp đẽ, vì sao? Vì phước đức sâu dày. Này Tu Bồ Đề, nên như vậy nghiêm tịnh cõi Phật. Trong cõi nước ấy cho đến danh từ ba ác đạo cũng không có, cũng không có danh từ ba độc, tà kiến, nhị thừa, Thanh văn, Bích chi Phật. Tai không nghe có âm thanh về vô thường, khổ, không, cũng không có sở hữu, cho đến không có danh từ kiết sử phiền não, cũng không có danh từ phân biệt các đạo quả; gió thổi cây bảy báu theo chỗ đáng độ thoát mà tuôn ra âm thanh nói về thật tướng không, vô tướng, vô tác; có Phật hay không có Phật thời hết thảy pháp, hết thảy pháp tướng vẫn không, trong không, không có tướng, không có tướng thời không có tạo tác. Xuất ra pháp âm như vậy thời hoặc ngày hoặc đêm, hoặc ngồi hoặc nằm, hoặc đứng hoặc đi vẫn thường nghe pháp âm ấy. Bồ Tát khi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, chư Phật trong mười phương các cõi nước đều tán thán; chúng sinh nghe danh hiệu Phật ấy chắc chắn đạt đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bồ Tát ấy khi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác bèn thuyết pháp, chúng sinh nghe được không có ai không tin sinh nghi, mà không tin nói rằng là pháp, là phi pháp, vì sao? Vì trong thật tướng các pháp đều là pháp, không có phi pháp. Những người phước mỏng đối với Phật và các đệ tử không gieo trồng căn lành, không theo thiện tri thức, chìm trong ngã kiến cho đến chìm trong hết thảy kiến chấp, rơi vào biên kiến, hoặc chấp đoạn chấp thường... Những người như vậy vì tà kiến nên chẳng phải Phật nói là Phật, Phật nói là chẳng phải Phật; phi Pháp nói là Pháp, Pháp nói là phi Pháp. Người như vậy vì phá pháp nên khi thân hoại mạng chung đọa vào đường ác địa ngục; khi chư Phật được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, thấy chúng sinh ấy qua lại trong năm đường dạy khiến xa lìa nhóm tà định, an lập trong nhóm chính định, lại không đọa vào đường ác. Như vậy, chúng sinh trong cõi nước Phật thanh tịnh của Bồ Tát không có tâm tạp uế: hoặc thế gian, hoặc xuất thế gian, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, hoặc hữu vi hoặc vô vi; cho đến chúng sinh trong cõi nước ấy đều rốt ráo ở trong Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Này Tu Bồ Đề, ấy là Bồ Tát nghiêm tịnh cõi Phật.
Luận: Lại có nghiệp thô là đối với các pháp rốt ráo không, lại thủ tướng mà sinh tâm chấp trước là thủ tướng sác, thủ tướng thọ, tưởng, hành, thức; thủ tướng mắt cho đến tướng ý; thủ tướng sắc cho đến tướng pháp; thủ tướng nam nữ, tướng ba cõi, tướng thiện, bất thiện, hữu vi vô vi.
Hỏi: Tướng nam nữ có thể là hư vọng không thật, còn các tướng sắc, tướng pháp thiện, pháp bất thiện, hoặc không thủ tướng thời làm sao có thể nhàm chán sắc để thành tựu pháp thiện?
Đáp: Trong Phật pháp có hai thứ không: Một là chúng sinh không, hai là pháp không. Chúng sinh không thời phá tướng chúng sinh, là tướng nam, tướng nữ... Lấy pháp không phá tướng hư vọng trong sắc pháp, như trong phẩm "phá hết thảy pháp không" đã nói. Quán sắc, thọ... các thiện pháp như huyễn như hóa, không thủ tướng nhất định có thật, thời tâm nhàm chán, bỏ hí luận thường, vô thường; ấy không gọi là thủ tướng. Lại, sắc... và các pháp thiện đều hòa hợp tính không mà tu hành nên không sinh phiền não.
Hỏi: Hết thảy pháp hữu vi giả danh hòa hợp nên không nên thủ tướng, còn pháp vô vi là pháp chân thật, đó là như, pháp tính, thật tế, cớ sao không thủ?
Đáp: Vì không thủ tướng là pháp vô vi vô tướng, gọi là pháp môn vô vi; nếu thủ tướng thời là hữu vi. Như vậy, tất cả thủ tướng đều hư vọng, không thật.
Xa lìa nghiệp thô nơi thân, miệng, ý là Bồ Tát muốn hành đạo, nghiêm tịnh cõi Phật, xa lìa nghiệp thô nơi thân, miệng, ý như vậy, tự mình hành sáu Ba la mật, cũng dạy người khác hành, do nhân duyên cùng thanh tịnh nên cõi nước Phật được thanh tịnh. Trên là nói tướng chung, dưới là nói tướng riêng. Bồ Tát đem bảy báu đầy thế giới ba ngàn đại thiên cúng Phật và Tăng, phát nguyện rằng: Nhờ bố thí này mà khiến cho cõi nước tôi đều do bảy báu trang nghiêm.
Hỏi: Nếu châu báu đầy thế giới ba ngàn đại thiên, thời từ chỗ nào có được? Lại, chư Phật, hiền thánh đều ít muốn, biết đủ, ai là người thọ hưởng? Nếu người phàm không biết nhàm đủ thời làm sao có thể thọ hưởng vật trong ba ngàn thế giới?
Đáp: Thân Bồ Tát là thân do pháp tính sinh, đầy đủ thần thông Ba la mật. Vì cúng dường mười phương Phật nên đem châu báu đầy thế giới ba ngàn đại thiên để cúng dường. Lại, bảo vật ấy do sức thần thông làm ra, nho nhẹ, không chướng ngại; như cõi trời Biến tịnh trong thiền thứ ba, 60 người ngồi trên đầu một cây kim mà nghe pháp, không chướng ngại nhau, huống gì đại Bồ Tát vào sâu trong thần thông tạo ra vật báu. Hoặc có Bồ Tát biến hóa thân như núi Tu di, khắp trước mười phương Phật để làm tim đèn cúng dường Phật hoặc pháp Phật, phát nguyện rằng: Khiến cõi nước tôi thường có ánh sáng, không cần mặt trời, mặt trăng, đèn đuốc. Hoặc có Bồ Tát mưa các hương hoa, phan lọng, anh lạc để cúng dường, phát nguyện rằng: Khiến chúng sinh trong cõi nước tôi đẹp đẽ như hoa, thân tướng sạch sẽ không có xấu xí. Như vậy là nhân duyên của các sắc tướng đẹp.
Lại có Bồ Tát đem kỹ nhạc trời làm vui nơi Phật hoặc pháp Phật. Bồ Tát ấy hoặc có khi dùng sức thần thông làm ra âm nhạc trời, hoặc làm ra âm nhạc của vua trời, âm nhạc của Chuyển luân Thánh vương, hoặc làm ra âm nhạc của A tu la, của vua rồng để cúng dường, nguyện rằng: Trong nước tôi thường nghe âm thanh tốt đẹp.
Hỏi: Chư Phật, hiền thánh là người lìa dục, không cần âm thanh ca múa, cớ sao đem âm nhạc cúng dường?
Đáp: Chư Phật tuy đối với hết thảy pháp, tâm không dính mắc, đối với pháp thế gian không cần dùng gì, song chư Phật vì thương chúng sinh mà ra đời nên tùy theo người cúng dường mà khiến cho họ được phước theo ước nguyện. Như lấy hoa hương cúng dường, cũng không phải là vật mà Phật cần dùng, vì thân Phật thường có hương thơm vi diệu, chư thiên không thể sánh kịp; song vì lợi ích chúng sinh mà Phật thọ nhận. Bồ Tát vì muốn nghiêm tịnh cõi Phật nên cầu âm thanh tốt, muốn khiến chúng sinh trong cõi nước mình nghe âm thanh tốt nên tâm nhu nhuyến, tâm nhu nhuyến nên dễ có thể chịu sự giáo hóa; thế nên dùng âm thanh để cúng dường Phật.
Lại có Bồ Tát đem hương thơm đầy khắp thế giới ba ngàn đại thiên cúng dường chư Phật và pháp Phật: Hoặc hương rễ, hương cành, hương lá, hương bột; hoặc hương trời; hoặc hương do biến hóa làm ra, hoặc hương từ quả báo sinh, phát nguyện rằng: Khiến trong cõi nước tôi thường có hương thơm mà không có người làm ra.
Hoặc có Bồ Tát dùng thức ăn trăm vị cúng dường chư Phật và Tăng là, có người nói rằng, lấy trăm thứ canh cúng dường, gọi là trăm vị. Có người nói rằng, Một thứ bánh mà đến đủ số trăm nên vị nó có một trăm, gọi là trăm vị. Có người nói rằng, trăm thứ cỏ thuốc, trái thuốc làm thành hòn hoan hỷ, gọi là trăm vị. Có người nói rằng, thức ăn, uống, canh, bánh tổng hợp làm thành trăm vị. Có người nói rằng, thức uống ăn mỗi mỗi đầy đủ nên gọi là trăm vị. Thức uống ăn của người có trăm vị; thức uống ăn của trời thời có trăm ngàn vị.
Thức uống ăn của Bồ Tát do quả báo phước đức sinh là, do sức thần thông biến hóa thời có vô lượng vị, có thể chuyển đổi lòng người khiến lìa dục được thanh tịnh. Bốn thứ uống ăn ấy Bồ Tát tùy theo nhân duyên cúng dường Phật và Tăng nên trong cõi nước tự nhiên có thức uống ăn trăm vị.
Hoặc có Bồ Tát dùng hương xoa của trời là, vì ở Ấn Độ nóng; và vì thân có mùi hôi nên dùng hương xoa thân để cúng dường Phật và Tăng. Do nhân duyên ấy khiến chúng sinh trong cõi nước tôi được thứ hương trời nhỏ mịn.
Hỏi: Giới Sa di cho đến giới thọ trì trong một ngày đêm còn không cho dùng hương xoa thân, cớ sao đem hương cúng dường Phật và Tăng?
Đáp: Bồ Tát lấy vật mà thân cần thiết và quý giá tùy theo lúc cần dùng để cúng dường. Hoặc đem phết trên đất, trên vách và chỗ đi, ngồi. Lại lấy năm dục theo ý muốn cúng dường Phật, Tăng và các chúng sinh. Bồ Tát dùng xe ngựa tốt, vợ con, âm nhạc, phan lọng, vàng bạc, y phục, châu báu là những thứ người xuất gia không thọ dụng mà cấp thí cho chúng sinh, phát nguyện rằng: Khiến chúng sinh trong cõi nước tôi thường được năm dục theo ý muốn.
Hỏi: Năm dục ấy Phật ví nó như lửa, như hầm, như mụt nhọt, như ngục, như oán, như giặc, hay cướp căn lành của người, cớ sao Bồ Tát nguyện cho chúng sinh được năm dục? Lại, Phật nói đệ tử Phật nên mặc áo vá, xin ăn, ngồi dưới cây rừng, cớ sao Bồ Tát vì chúng sinh mà cầu được năm dục?
Đáp: Năm dục trong cõi trời, cõi người là quả báo của phước đức. Nếu đời nay hoặc đời sau người phước mỏng nghèo cùng không thể tự mình nuôi sống thời làm những việc trộm cắp; hoặc vì bị chủ tài sản bức hại, vì của cải mà giết kẻ khác; hoặc bị cật vấn, nói dối là không làm. Như vậy, lần lượt làm mười điều bất thiện đều do nghèo cùng; nếu người có năm dục đầy đủ thời theo ý muốn liền có được nên không làm mười điều bất thiện. Chúng sinh trong cõi nước của Bồ Tát giàu vui thỏa thích, không bị thiếu thốn thời không có các việc ác, chỉ có các kiết sử ái và mạn... nếu nghe Phật thuyết pháp, hoặc nghe đệ tử Phật thuyết, do có tâm nhu nhuyến nên nghe pháp có thể dễ đắc đạo. Tuy có tâm chấp trước nhiều mà vì lợi căn nên nghe nói vô thường, khổ, không liền được đạo; thí như chiếc áo nhơ bẩn thời dùng tro, bùn để ngâm cách đêm, dùng nước giặt một lúc sạch hết. Bồ Tát không muốn khiến chúng sinh tham đắm nên lấy năm dục bố thí, chỉ muốn khiến trong một lúc xả bỏ nên đem cho. Như ông trước nói, Phật dạy đệ tử mặc áo vá khất thực, vì tội đời trước mà phải sinh ở đời ác nên tâm nhiễm trước nhiều; nếu được áo đẹp, thức ăn ngon thời tâm nhiễm trước càng sâu; lại vì cầu áo đẹp, thức ăn ngon nên trở ngại việc hành đạo. Chúng sinh trong cõi Phật thanh tịnh của Bồ Tát thành tựu vô lượng phước đức, năm dục bằng nhau nên không còn tham đắm, cũng không còn tìm cầu nên không có gì ngăn ngại.
Lại, nếu hành giả xa lìa năm dục, tu khổ hành thời tăng trưởng sân giận. Lại, nếu nhớ nghĩ năm dục thời sinh phiền não, bấy giờ không hướng về đâu; do vậy mà Phật nói xả khổ, xả vui, dùng trí tuệ ở vào trung đạo. Thế nên ở cõi Phật nghiêm tịnh mà đem năm dục bố thí không có gì chướng ngại.
Hỏi: Nếu như vậy thì trong Luật cớ gì Tỳ kheo A lê tra nói: "theo tôi biết nghĩa Phật dạy: hưởng thọ năm dục không chướng đạo". Tỳ kheo ấy bị quở trách, đến ba lần không bỏ, nên bị tẩn xuất?
Đáp: Phật pháp có hai là Tiểu thừa và Đại thừa. Trong Tiểu thừa, người phước mỏng ba độc nhiều; như trong kinh Bà sa Phật dạy: "Hàng đệ tử bạch y của ta chẳng phải một, hai cho đến quá năm trăm người lấy hương Chiên đàn đỏ và hương của hoa thơm xoa thân, nằm chung với vợ con, sai nô tì ... mà dứt ba kiết sử, dược quả Tu đà hoàn, hết khổ ba đời, ba độc mỏng, được quả Tư đà hàm". Tỳ kheo A lê tra ấy nghe vậy liền nói: "Mặc dù hưởng thọ năm dục mà không chướng đạo", chứ không biết việc ấy Phật vì ai mà nói. Phật chỉ vì hàng bạch y mà nói, còn Tỳ kheo này lại đối với pháp xuất gia mà nói. Các vị Tu đà hoàn, Tư đà hàm ấy không có phát nguyện rằng: Ta suốt đời không phạm dâm dục, vì còn có ba độc nên thường hay quên đạo mà khởi tâm dâm dục; còn người xuất gia ở giữa chúng Tăng miệng tự thề rằng: Ta suốt đời không phạm dâm dục. Vì thế nên Phật dạy, nếu người xuất gia phạm vào dâm dục thời bỏ. Tỳ kheo A lê tra tự thề suốt đời không phạm mà phạm, đó là một tội; biết Phật chế mà cố trái phạm, đó là hai tội. Tỳ kheo ấy vì thọ năm dục, thấy kẻ bạch y đắc đạo mà cho mình với họ đồng nhau, thế nên mắc tội.
Có hai hạng chúng sinh trong cõi Phật nghiêm tịnh: Hoặc xuất gia, hoặc tại gia. Tại gia tuy hưởng thọ năm dục mà không có tội, cũng không chướng ngại đạo; như trời Đâu suất, như người ở châu Uất đơn việt, tuy thọ năm dục mà không gây tội nặng, còn hạng chúng sinh xuất gia theo Phật cho phép thọ năm dục cũng không có tội lỗi (đây là nói ở cõi thanh tịnh, chứ không phải ở đời ác năm trược). Trong pháp Tiểu thừa, vì Tỳ kheo A lê tra nói người phước mỏng tội nặng, tâm có nhiều hối hận.
Nghiêm tịnh cõi Phật là đời đời tập hành sáu Ba la mật, ba môn giải thoát, tuy thọ năm dục cũng không nhiễm trước, như trong kinh nói: Bồ Tát hành Bát nhã nghĩ rằng: Ta sẽ tự mình vào thiền thứ nhất, cũng dạy chúng sinh vào thiền thứ nhất, cho đến vào thiền thứ tư, bốn tâm vô lượng, ba mươi bảy pháp trợ đạo cũng như vậy. Bồ Tát nguyện rằng: Khi ta làm Phật, do hành đủ bốn thiền cho đến ba mươi bảy pháp trợ đạo; vì phước đức như vậy nên chúng sinh tuy thọ năm dục không làm chướng ngại. Bồ Tát phát ra vô lượng vô số nguyện, theo bấy nhiêu thời gian hành đạo mà đầy đủ các nghiệp thiện. Bồ Tát thành tựu hết thảy pháp thiện và thành tựu được chúng sinh. Vì thành tựu hết thảy thiện pháp nên thân tướng đẹp đẽ, mọi người trông thấy không nhàm chán; cũng thành tựu chúng sinh, khiến được thân tướng đẹp đẽ. Bồ Tát nghiêm tịnh cõi Phật như vậy.
*Lại nữa, nghiêm tịnh cõi Phật là cho đến ở đó không có danh từ ba ác, huống gì có ba đường ác.
Hỏi: Chư Phật vì lòng thương xót lớn thấy chúng sinh khổ não nên ra đời, nếu không có ba đường ác thời Phật thương xót gì?
Đáp: Phật ra đời vì độ chúng sinh, mà chúng sinh trong ba đường ác không thể độ, chỉ có thể dạy khiến trồng căn lành mà thôi. Thế nên Phật có danh hiệu là bậc thầy của trời và người. Nếu không có trời và người, chỉ có ba đường ác thời có thể nên nạn, nên hỏi.
Hỏi: Nói Phật thương xót chúng sinh, cớ sao trong cõi Thanh tịnh của Phật không có chúng sinh trong ba đường ác?
Đáp: Phật thương xót hết thảy chúng sinh bình đẳng không sai khác. Nhưng trong đây nói, vì nghiệp duyên thanh tịnh nên trong cõi nước ấy không có ba đường ác.
Lại, Phật chẳng phải chỉ nói một cõi nước, mà nói có số cõi nước trong mười phương nhiều như cát sông Hằng. Có cõi nước thanh tịnh, có cõi nước tạp uế. Ở cõi nước tạp uế thời có đủ năm đường; ở cõi nước thanh tịnh của Phật thời hoặc có người, có trời sai khác, hoặc không có người, trời sai khác. Như về quá khứ ở cõi Phật Thiên vương, chỉ có đức Phật Thế Tôn là bậc Pháp vương, vì thế mà gọi là Phật Thiên vương. Lại có cõi nước không có ba độc tà kiến.
Hỏi: Chư Phật chỉ vì trừ phiền não cho chúng sinh nên ra đời; tà kiến, ba độc tức là phiền não, nếu không có phiền não thời Phật ra đời làm gì?
Đáp: Có người nói rằng, trong cõi ấy vì nhân duyên phước đức lớn mà ba độc tà kiến không hiện bày, nên nói là không có. Lại có người nói rằng, trong cõi ấy các Bồ Tát đều được vô sinh pháp nhẫn, thường tu các công đức sáu Ba la mật, thường dạo qua mười phương độ thoát chúng sinh, ở chỗ chư Phật tu tập các tam muội còn hơn giào hóa vô số Thanh văn, Bích chi Phật, cũng hơn giáo hóa Bồ Tát bất thoái chuyển, thành tựu chúng sinh.
Cõi Phật thanh tịnh của Bồ Tát là vì Bồ Tát gần Phật đạo nên lợi ích cáng lớn, ở cõi nước ấy không có danh từ Nhị thừa.
Hỏi: Các đức Phật khác có giáo hóa ba thừa, đâu riêng ở cõi Ta bà?
Đáp: Phật xuất hiện ở đời ác năm trược, từ trong một đạo mà chia làm ba thừa.
Hỏi: Nếu như vậy, Phật A di đà, Phật A súc không sinh ở đời ác năm trược, cớ sao lại có ba thừa?
Đáp: Chư Phật khi xưa mới phát tâm, thấy chư Phật dùng pháp ba thừa độ chúng sinh nên tự phát nguyện rằng: Ta cũng sẽ dùng pháp ba thừa độ chúng sinh.
Không có danh từ vô thường, khổ, vô ngã là vì chúng sinh đã vào sâu điên đảo chấp trước thường, lạc... nên vì họ nói vô thường, khổ...; để giải cứu, còn trong cõi ấy không có điên đảo chấp thường, chấp lạc nên không cần nói vô thường, khổ... vì nếu không có bệnh thời không cần thuốc. Cũng không có ngã sở hữu cho đến không có kiết sử cũng như vậy. Vì không có nhị thừa nên cũng không có các quả Tu đà hoàn..., chỉ một mặt vào thật tướng các pháp.
Được vô sinh pháp nhẫn là được các tam muội, các môn Đà la ni, dần dần tăng ích không dứt các địa vị.
Gió thổi cây bảy báu theo chỗ đáng độ mà phát ra âm thanh là Bồ Tát muốn chúng sinh dễ nghe pháp nên cây bảy báu phát ra tiếng pháp âm, vì cây bảy báu cùng khắp cõi nước nên chúng sinh sinh ra đều nghe pháp, không khởi các tâm khác, chỉ sinh tâm nghe pháp.
Hỏi: Phật có vô lượng bất khả tư nghì lực thần thông, cớ gì không biến hóa làm vô lượng thân thuyết pháp độ chúng sinh, cần gì đến âm thanh, cây bảy báu?
Đáp: Chúng sinh rất nhiều, nếu Phật nơi nơi đều hiện thân thời chúng sinh không tin, cho đó là huyễn hóa, tâm không kính trọng. Có chúng sinh theo người nghe pháp tâm không khai ngộ, nếu theo súc sinh nghe pháp thời liền tin chịu. Như trong kinh Bổn sinh nói: Bồ Tát thọ thân súc sinh vì người thuyết pháp, người cho là hy hữu nên ai nấy đều tin chịu. Lại bảo tâm súc sinh ngay thẳng, không dối. Có người bảo súc sinh là loài hữu tình, đều có dối trá, còn cây bảy báu vô tâm mà có âm thanh thời đều tin chịu. Không, Vô tướng, Vô tác dù có Phật hay không có Phật, hết thảy pháp thường không, vì không nên vô tướng, vì vô tướng nên vô tác, vô khởi. Các pháp như vậy đêm ngày thường phát ra. Ở các quốc độ khác thời dùng sức thần thông, sức miệng mỗi mỗi biến hóa, còn trong đây thường phát ra âm thanh tự nhiên. Ở cõi Phật nghiêm tịnh, Phật thường được chư Phật tán thán, vì tạo công đức lớn nên được cõi nước thanh tịnh như vậy; nếu nghe tên đức Phật ở cõi nước thanh tịnh thời chắc chắn được làm Phật.
Hỏi: Các đức Phật khác siêng năng, khổ nhọc thuyết pháp, chúng sinh còn không đắc đạo, còn đây vì sao chỉ nghe danh hiệu Phật bèn đắc đạo?
Đáp: Các nơi khác đức Phật thuyết pháp, chúng sinh hoặc được căn lành trọn không thuyết về tính không, nếu nghe danh hiệu Phật ấy chắc chắn đến địa vị bất thoái chuyển chứ không nói được thành Phật ngay.
Hỏi: Đối hết thảy đức Phật, nếu người có tâm tốt nghe danh hiệu đều sẽ đi đến Phật, như trong kinh Pháp hoa nói: Người có phước đức hoặc lớn hoặc nhỏ đều sẽ làm Phật, cớ gì trong đây riêng nói Phật ở cõi nước thanh tịnh.
Đáp: Người nghe danh hiệu các đức Phật khác cho rằng Phật thọ sinh giống như người không khác, chỉ có được đạo Nhất thiết trí là khác; vì tâm không kính trọng nên tuy gieo trồng căn lành cũng không thể sâu bền. Trong đây là nói về thân do pháp tính sinh. Thân Phật vô lượng vô biên, ánh sáng và âm thanh thuyết pháp biến khắp mười phương các cõi nước. Chúng sinh trong cõi nước ấy đều là những người gần đến Phật đạo, đối với chúng ở trong vô lượng vô số do tuần thuyết pháp hơn. Vô lượng vô số ánh sáng như mặt trời mặt trăng thường từ trong thân phát ra, nếu Phật cho chúng sinh thấy thời được thấy, nếu không cho thấy thời không thấy. Bên trên thân Phật, mỗi lỗ chân lông thường phóng ra vô lượng vô biên vô số Phật, mỗi mỗi đức Phật không khác nhau, nơi mỗi vị hóa Phật ấy lại triển chuyển phóng ra, tùy theo chúng sinh đáng được độ mà cho thấy Phật có hơn có kém, còn căn gốc của vị Phật thật thời không có phân biệt hơn kém. Như thế, hoặc thấy hoặc nghe danh hiệu, hoặc nghe công đức như vậy mà có lòng tin và kính trọng sâu xa; kính trọng nên gieo trồng căn lành, thời làm sao không chắc chắn được thành Phật?
*Lại nữa, khi Phật thuyết pháp không có người nghi, cho đến không có một người nói rằng pháp ấy chẳng phải miệng Phật nói ra, mà đều là pháp do Phật nói.
Hỏi: Nếu như vậy thời vì sao người theo Phật Thích ca nghe pháp sinh nghi nhiều?
Đáp: Trong kinh đây Phật tự nói nhân duyên: Có người phước mỏng, không gieo trồng căn lành, không gặp được thiện tri thức nên sinh nghi; chấp đắm ngã kiến, biên kiến, tà kiến, các phiền não che lấp tâm thời chằng phải Phật nói là Phật, Phật nói là chẳng phải Phật. Không gieo trồng căn lành sâu bền, không thuận theo thiện hữu tri thức, ba độc tà kiến một lần khởi lên, không có chỗ nương tựa, tự ý buông lung thời hoặc thấy việc tà kiến thuận với ý mình bèn cho đó là cái thấy của Nhất thiết trí; chư Phật nói rốt ráo không, không thuận với ý mình thời bèn cho đó là chẳng phải Phật; chẳng phải pháp nói là pháp, pháp nói là chẳng phải pháp. Người như vậy ở nơi chỗ Phật sinh nghi nhiều, vì sinh nghi nhiều nên tâm hối hận; trong cõi nước thanh tịnh của Phật không có hạng tội nhân ấy nên không sinh nghi. Phật nói hạng người có tội như vậy vì phá thật tướng các pháp nên chết đọa vào đường ác địa ngục. Các Bồ Tát được Vô thượng chánh đẳng chánh giác thấy người tội qua lại trong sinh tử thời dùng sức thần thông của Phật mà kéo chúng sinh ra khỏi, đặt vào trong nhóm chánh định, không còn bị đọa vào trong ba đường ác; ấy gọi là nghiêm tịnh cõi Phật. Trong cõi Phật ấy không có các lỗi như vậy, đầy đủ hết thảy; đối với thế gian, xuất thế gian, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi không có chướng ngại; đó là cõi nước bảy báu. Thân chúng sinh đẹp đẽ, tướng tốt trang nghiêm, có vô lượng ánh sáng, thường nghe âm thanh giáo pháp, thường không xa lìa sáu Ba la mật cho đến mười tám pháp không chung; chúng sinh trong ấy đều chắc chắn đạt đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Hỏi: Ở trên nói nghe danh hiệu Phật chắc chắn đạt đến quả Phật, nơi đây nói đối với các pháp không có chướng ngại thời chắc chắn được thành Phật, có gì sai khác?
Đáp: Chúng sinh ở đây thường thấy Phật, thường nghe pháp, gieo trồng căn lành sâu bền, chứa nhóm Phật pháp nhiều nên mau được làm Phật.
Nghe danh hiệu là tuy chắc chắn mà công đức ít không bằng. Như vậy gọi là tướng cõi nước thanh tịnh của Phật; như ở trong mười địa nói trang nghiêm cây Bồ đề.
Giải thích: Phẩm Chắc Chắn Thứ 83
(Kinh Đại Bát Nhã hội 2 ghi:Phẩm Chánh Định thứ 81)
Kinh: Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, Bồ Tát ấy chắc chắn hay là không chắc chắn?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát ấy chắc chắn, chẳng phải không chắc chắn.
Bạch đức Thế Tôn, ở chỗ nào chắc chắn? Ở trong đạo Thanh văn, ở trong đạo Bích chi Phật hay ở trong Phật đạo?
Phật dạy: Bồ Tát ấy chẳng phải ở trong đạo Thanh văn, đạo Bích chi Phật chắc chắn, mà ở trong Phật đạo chắc chắn.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, đó là Bồ Tát mới phát tâm chắc chắn ư? Hay là Bồ Tát thân sau cùng chắc chắn?
Phật dạy: Bồ Tát mới phát tâm cũng chắc chắn, Bồ Tát không thoái chuyển cũng chắc chắn, Bồ Tát thân sau cùng cũng chắc chắn.
Bạch Thế Tôn, Bồ Tát chắc chắn sinh trong ác đạo chăng?
Phật dạy: Không. Này Tu Bồ Đề, ý ông nghĩ sao, hoặc hàng Bát nhân, hoặc hàng Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích chi Phật sinh trong ác đạo chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Phật dạy: Như vậy, Bồ Tát từ khi mới phát tâm lại đây bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ dứt tất cả nghiệp bất thiện, mà hoặc bị đọa ác đạo, hoặc sinh cõi trời sống lâu, hoặc không được ở chỗ tu thiện pháp, hoặc sinh nơi biên địa, hoặc sinh vào nhà tà kiến ác, nhà tà kiến không làm, là các nơi không có danh từ Phật, danh từ Pháp và danh từ Tăng, là không có lẽ ấy. Này Tu Bồ Đề, Bồ Tát mới phát tâm đối với Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà lại đem tâm sâu xa hành mười đạo bất thiện, là không có lẽ ấy.
Bạch đức Thế Tôn, nếu Bồ Tát thành tựu các công đức căn lành như vậy, như Phật tự nói: Nếu đời trước thọ quả báo bất thiện thời khi ấy thiện căn ở chỗ nào?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát vì lợi ích chúng sinh nên tùy chỗ thọ thân, đem thân ấy làm lợi ích chúng sinh. Khi Bồ Tát làm súc sinh có sức phương tiện lớn, nếu giặc oán muốn đến giết hại, vì tâm nhẫn nhục không gì cao hơn, tâm từ bi không có gì cao hơn nên Bồ Tát xả thân mà không não hại giặc oán, còn hàng Thanh văn, Bích chi Phật không có sức như vậy. Vì thế nên biết Bồ Tát muốn đầy đủ tâm từ bi lớn, vì thương xót mà làm lợi ích chúng sinh nên thọ nhân súc sinh.
Bạch đức Thế Tôn, Bồ Tát trú ở trong căn lành nào mà thọ các thân như vậy?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát từ khi mới phát tâm cho đến khi ngồi đạo tràng, trong khoảng thời gian ấy không có căn lành nào không đầy đủ, đầy đủ rồi sẽ được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vì thế nên Bồ Tát khi mới phát tâm hãy nên học hết thảy căn lành; học căn lành rồi sẽ được trí Nhất thiết chủng, sẽ dứt hết thảy phiền não và tập khí.
Bạch đức Thế Tôn, tại sao Bồ Tát thành tựu pháp vô lậu trắng sạch như vậy mà lại sinh trong các đường ác súc sinh?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Ý ông nghĩ sao, Phật thành tựu pháp vô lậu trắng sạch chăng?
Nếu Phật tự biến làm thân súc sinh để làm Phật sự, độ chúng sinh, thời đó thật là súc sinh chăng?
Tu Bồ Đề thưa: Thưa không, bạch Thế Tôn.
Phật dạy: Bồ Tát cũng như vậy, thành tựu pháp vô lậu trắng sạch; vì độ chúng sinh nên thọ thân súc sinh, cũng dùng thân ấy giáo hóa chúng sinh.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Như A la hán thân làm biến hóa có thể khiến chúng sinh hoan hỷ chăng?
Tu Bồ Đề thưa: Có thể.
Phật dạy: Như vậy, như vậy. Bồ Tát dùng pháp vô lậu trắng sạch ấy, tùy theo chúng sinh đáng được độ mà thọ thân; dùng thân ấy làm lợi ích chúng sinh, cũng không chịu sự thống khổ. Này Tu Bồ Đề, ý ông nghĩ sao? Vị thầy huyễn thuật huyễn làm các hình dạng: Hoặc voi ngựa, trâu dê, nam nữ để chỉ cho mọi người thấy, mà voi ngựa, trâu dê, nam nữ ấy có thật chăng?
Tu Bồ Đề thưa: Không thật, bạch Thế Tôn.
Phật dạy: Như vậy, Bồ Tát thành tựu pháp vô lậu trắng sạch, hiện ra mỗi mỗi thân để chỉ bày cho chúng sinh; dùng thân ấy làm lợi ích tất cả, cũng không chịu các thống khổ.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, Bồ Tát có sức phương tiện lớn, được trí tuệ vô lậu bậc thánh, tùy theo thân chúng sinh đáng được độ mà hiện mỗi mỗi thân hình để độ chúng sinh.
Luận. Hỏi: Trong phẩm Tướng Thoái Chuyển ở trên nói: Tướng như vậy là tướng mạo chẳng thoái chuyển, tướng như vậy là tướng mạo chẳng phải chẳng thoái chuyển. Chẳng thoái chuyển tức là chắc chắn, nay cớ sao Tu Bồ Đề lại hỏi?
Đáp: Bát nhã ba la mật có nhiều môn, có nhiều đạo. Chẳng thoái chuyển là nói về môn một tướng, nay hỏi chắc chắn là hỏi về môn hai tướng.
*Lại nữa, ở trong tâm Phật, hết thảy chúng sinh và hết thảy pháp đều chắc chắn, vì trí người không sánh kịp nên nói là không chắc chắn. Phật tuy biết vô lượng vô số kiếp chứa nhóm công đức lớn, chắc chắn thoái chuyển làm hàng Tiểu thừa, cũng biết côn trùng vi tế, tuy chưa có tâm từ nhưng trải qua bấy nhiêu kiếp phát tâm sau sẽ được làm Phật. Chắc chắn biết hết thảy pháp đều như vậy, từ nhân ấy được quả ấy. Thế nên nói Phật đối với hết thảy pháp không còn chướng ngại, vì Phật biết chắc chắn.
*Lại nữa, vì Tu Bồ Đề nghe trong kinh Pháp Hoa nói ở chỗ Phật làm chút ít công đức: Hoặc giỡn cười mà xưng một tiếng Nam mô Phật, dần dần chắc chắn sẽ làm Phật. Lại vì nghe trong phẩm Chẳng thoái chuyển nói, có thoái chuyển và không thoát chuyển. Lại vì nghe nói hàng Thanh văn đều sẽ làm Phật; nếu như vậy thời không nên có thoái chuyển? Như trong kinh Pháp hoa nói chắc chắn, còn các kinh khác nói không chắc chắn, hoặc có thoái chuyển, hoặc không có thoái chuyển; thế nên nay hỏi là chắc chắn hay không chắc chắn. Như vậy, do các nhân duyên ấy nên hỏi chắc chắn hay không chắc chắn.
Phật dạy: Bồ Tát là chắc chắn.
Tâm Tu Bồ Đề vì cầu vào Niết bàn là chắc chắn, thế nên hỏi: Ở trong đạo nào chắc chắn?
Phật dạy: Chẳng phải chắc chắn trong Nhị thừa, chỉ chắc chắn trong Đại thừa.
Vì người cầu Phật đạo có cao, vừa, thấp, thế nên hỏi: Hoặc Bồ Tát mới phát tâm chắc chắn hay Bồ Tát không thoái chuyển chắc chắn, hay Bồ Tát thân sau cùng chắc chắn? Ý của Tu Bồ Đề là từ địa vị chẳng thoái chuyển trở lên chắc chắn an lập trong Phật đạo chăng?
Phật đáp: Ba hạng Bồ Tát nói trên đều chắc chắn. chắc chắn là chắc chắn sẽ làm Phật.
Hỏi: Phật dùng mắt Phật thấy Bồ Tát trong mười phương, người cầu Phật đạo nhiều như cát sông Hằng, người chằng thoái chuyển hoặc một hoặc hai, nay cớ gì nói ba hạng Bồ Tát trên đều chắc chắn thành Phật?
Đáp: Trước tôi đã nói: Bát nhã sâu xa có vô lượng môn. Có nơi nói Bồ Tát thoái chuyển mà không chắc chắn, có nơi nói Bồ Tát chắc chắn không thoái chuyển. Như trong phẩm Chẳng thoái chuyển, Tu Bồ Đề hỏi Phật: Bồ Tát thoái chuyển là thoái chuyển ở trong pháp nào? Là từ sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến mười tám pháp không chung, vì rốt ráo không, nên các pháp đều không thoái chuyển. Trong đây Phật lại nói không thoái chuyển.
Hỏi: Hai nghĩa ấy, nghĩa nào thật?
Đáp: Hai việc đều thật, từ miệng Phật nói ra đều là thật. Như Phật hoặc nói các pháp không, không có sở hữu: Hoặc nói bố thí, trì giới ... là hữu vi. Đối người mới phát tâm thời nói các pháp hữu vi, với người học đạo lâu ưa đắm thiện pháp thời nói các pháp không, không có sở hữu, còn người giải đãi đối với Vô thượng chánh đẳng chánh giác tâm không bền chắc, những người như vậy nên theo Thanh văn đạo được độ mà không cầu Thanh văn, phải ở trong sinh tử lâu chịu khổ. Thế nên nói người phát tâm nhiều như cát sông Hằng mà người được chẳng thoái chuyển thời hoặc một hoặc hai. Chúng sinh nghe việc ấy rồi có thể kham chịu mọi khổ, chắc chắn được Vô thượng chánh đẳng chánh giác; nếu không thể kham chịu thời thủ chứng đạo Thanh Văn, Bích chi Phật. Có người có thể được làm Phật mà vì tâm đại bi mỏng, tự ưa thân mình nặng, người ấy nghe việc làm Phật khó được thời phần nhiều thoái chuyển, nghĩ rằng: Ta không thể được làm Phật, chẳng bằng sớm thủ chứng Niết bàn, cần gì phải đời đời siêng khổ! Phật vì hạng người ấy nên nói hết thảy Bồ Tát cho đến Bồ Tát mới phát tâm, đều chắc chắn sẽ làm Phật, như trong kinh Pháp Hoa nói.
Hỏi: Nếu hết thảy Bồ Tát đều chắc chắn, cớ gì Phật mỗi mỗi quở trách hàng nhị thừa mà không cho Bồ Tát thủ chứng nhị thừa?
Đáp: Người cầu Phật đạo nên biết khắp pháp tính, song người ấy vì sợ già bệnh chết nên ở trong pháp tính thủ chứng phần ít, bèn ngưng nghỉ, bỏ Phật đạo, không độ chúng sinh, bị chư Phật, Bồ Tát quở trách rằng, ông muốn bỏ đi, hội hợp không được xa lìa. Khi được chứng A la hán thời không còn cầu tam muội sâu xa của Bồ Tát, lại không rộng độ chúng sinh, thời bị quanh co, đối với Phật đạo thời trở ngại.
Hỏi: A la hán do nhân duyên đời trước được thọ thân, chắc chắn phải diệt, vậy ở chỗ nào mà đầy đủ Phật đạo?
Dáp: Khi được thành A la hán, nhân duyên các lậu hoặc ba cõi dứt hết, không còn trở lại sinh trong ba cõi. Có cõi nước thanh tịnh của Phật ra ngoài ba cõi, không có danh từ phiền não, ở chỗ Phật nơi cõi nước ấy nghe kinh Pháp Hoa thời đầy đủ Phật đạo. Như kinh Pháp Hoa nói: Có A la hán hoặc không nghe kinh Pháp Hoa mà tự mình được diệt độ; tôi ở nước khác vì họ nói việc ấy rằng: Ông đều sẽ làm Phật.
Hỏi: Nếu A la hán đi đến cõi nước thanh tịnh của Phật thọ thân pháp tính, như vậy nên chóng được làm Phật, cớ sao nói quanh co, trở ngại?
Đáp: Người ấy vì nhân duyên tham đắm Tiểu thừa mà bỏ chúng sinh, bỏ Phật đạo, lại dối nói được đạo. Vì nhân duyên ấy nên tuy không thọ khổ não sinh tử, mà vẫn ở địa vị Bồ Tát độn căn, không thể chóng thành Phật đạo, không như vị Bồ Tát tu hành đi thẳng.
*Lại nữa, Phật pháp là điều thứ nhất trong năm điều không thể nghĩ bàn. Nay nói vị A la hán lậu hoặc sạch hết, trở lại làm Phật, điều đó chỉ có Phật biết được. Người luận nghị chính có thể luận việc ấy mà không thể lường biết, thế nên không nên hí luận. Nếu khi cầu được làm Phật thời mới có thể hiểu rõ, còn những người khác có thể tin mà chưa thể biết.
Chắc chắn Bồ Tát đọa trong ba đường ác chăng là Tu Bồ Đề khi nghe Phật nói vô lượng nhân duyên đời trước: Hoặc thọ thân voi, nai, rùa, bồ câu, công, oanh vũ chịu các khổ, thế nên hỏi Phật: Nếu Bồ Tát chịu làm thân súc sinh như vậy thời vì sao nói hết thảy Bồ Tát chắc chắn? Chắc chắn túc là chẳng thoái chuyển, chẳng thoái chuyển là không đọa trong ba đường ác.
Phật hỏi ngược lại Tu Bồ Đề: Ý ông nghĩ sao, các bậc thánh trong hàng Bát nhân... đọa vào ba đường ác chăng?
Tu Bồ Đề suy nghĩ: Các thánh nhân ấy đã vào thánh đạo nên không có nhân duyên đọa vào ba đường ác. Suy nghĩ rồi đáp rằng: Thưa không.
Phật dạy: Bồ Tát cũng như vậy, nhân duyên đọa vào ba đường ác đã hết thời làm sao Bồ Tát đọa vào ba đường ác? Nhân duyên đọa vào ba đường ác là các pháp bất thiện. Bồ Tát từ khi mới phát tâm lại đây tu tập các pháp thiện bố thí, trì giới... dứt mười pháp bất thiện là giết hại, trộm cắp... thời nếu người ấy còn đọa vào ba đường ác là không có lẽ ấy, vì sao? Vì đã dứt hết pháp ác, tăng ích pháp lành. Pháp bất thiện có nặng, vừa và nhẹ. Nặng thời đọa địa ngục, vừa thời đọa súc sinh, nhẹ thời đọa ngạ quỷ. Ba độc bất thiện ấy Bồ Tát đã dứt hết, tâm thương xót sâu xa nghĩ đến chúng sinh, thế nên không đọa.
Hỏi: Nếu như thế thời có thể không sinh trong ba đường ác. Vậy là phước đức của Bồ Tát ấy nhiều, cớ sao không sinh trong cõi trời sống lâu?
Đáp: Bồ Tát vì thương xót chúng sinh mà hành sáu Ba la mật, tuy có thể vào thiền định, hòa hợp với tâm từ bi tu hành, song không đắm thiền vị, nên khi mạng sắp hết, nghĩ đến cõi Dục nên thoái mất thiền đạo, vì trong cõi trời sống lâu không có khồ não, đắm sâu thiền vị thời khó có thể được độ, nên không sinh vào trong ấy.
Sinh ở biên địa thời bị chướng ngại, không thể tu pháp thiện nên không sinh đến đó, vì sao? Vì Bồ Tát đã nhổ sạch cội gốc tâm lẩn tiếc giáo pháp; vì lẩn tiếc giáo pháp nên mới sinh ở biên địa, là chỗ không biết pháp.
*Lại nữa, Bồ Tát thường ưa trung đạo, lìa bỏ hai bên nên không sinh chốn biên địa. Chốn biên địa không có danh từ Tam bảo, không biết đến bảy chúng, chỉ quý việc hiện tại, không quý phước đức đạo pháp, thế nên gọi là chốn biên địa, chứ không riêng chỉ sinh chốn biên địa thời gọi là chốn biên địa. Nếu biết Tam bảo, biết nhân duyên tội phước tương tục, biết thật tướng các pháp thời người ấy dù sinh bên ngoài cõi Diêm phù đề cũng không gọi là chốn biên địa, huống gì sinh giữa cõi Diêm phù đề.
Do Bồ Tát thường ưa thích vì chúng sinh thuyết pháp, cũng rất ưa thích thiện pháp, cho nên gạp được chúng sinh hiền lành, vừa ý cùng sinh một nơi, gọi là trung tâm của cõi nước; ở trung tâm cõi nước lại không sinh vào nhà tà kiến, vì sao? Vì Bồ Tát ấy đời đời thường tự mình hành chánh kiến, cũng dạy người hành chánh kiến, tán thán pháp chánh kiến, hoan hỷ tán thán người hành chánh kiến; thế nên không sinh vào nhà ác tà kiến.
Hỏi: Bồ Tát ấy có sức phước đức và trí tuệ lớn thời nên sinh vào chốn biên địa, nhà tà kiến để giáo người khác, cớ sao lại sợ mà không sinh?
Đáp: Bồ Tát có hai hạng: 1. Bồ Tát đã thành tựu đại nguyện; 2. Bồ Tát mới có nhân duyên phát tâm. Bồ Tát đã thành tựu đại nguyện có sức lớn nên tùy theo nơi chúng sinh có thể độ mà thọ thân , không tránh chốn biên địa, nhà tà kiến, còn Bồ Tát mới phát tâm nếu sinh vào các nơi ấy thời đã không thể độ người lại còn tự hủy hoại mình, thế nên không sinh. Thí như vàng thật ở trong bùn trọn không bị hủy hoại, mà đồng thiết thời bị hủy hoại.
Tà kiến là tà kiến không làm. Tuy 62 thứ đều là tà kiến nhưng tà kiến không làm là nặng nhất, vì sao? Vì không làm là nói rằng, không nên làm công đức hay cầu Niết bàn. Như nói trời làm hoặc nói thế giới có đầu, tuy là tà kiến mà không chướng ngại làm việc phước đức, còn tà kiến không làm rất ác, nên không sinh nơi đó.
*Lại nữa, Bồ Tát mới phát tâm mà có tâm nhiễm ác hành đạo bất thiện thời không có lẽ ấy, vì sao? Vì Bồ Tát ấy nhất tâm hồi hướng, quý trọng Vô thượng chánh đẳng chánh giác chứ không quý trọng pháp thế gian. Bồ Tát ấy do chưa lìa dục nên tuy khởi lên các phiền não mà trọn không có tâm ô nhiễm làm việc ác, tuy có dùng roi gậy gây khổ mà trọn không cướp mạng sống, không lấy của người khác làm họ mất mạng. Bồ Tát ấy dứt hết thảy pháp bất thiện, tu tập hết thảy pháp thiện nên không sinh vào chỗ có tám nạn, thường sinh vào chỗ có tám điều tốt.
Tu Bồ Đề hỏi: Nếu Bồ Tát thành tựu các căn lành như vậy, cớ gì nhân duyên đời trước lại làm thân nai, ngựa...?
Phật đáp: Bồ Tát thật có thành tựu thiện căn phước đức, song vì lợi lạc chúng sinh nên thọ thân súc sinh, cũng không có tội súc sinh. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Bồ Tát ở trong súc sinh mà biết thương xót giặc oán, là điều mà A la hán, Bích chi Phật không có được. A la hán, Bích chi Phật khi giặc oán đến hại, tuy không đáp trả nhưng không thể thương xót, nhớ nghĩ, cúng dường, cung cấp. Như tiền thân Bồ Tát làm voi trắng sáu ngà, có một người thợ săn dùng tên độc bắn vào ngực. Bấy giờ voi trắng, tiền thân Bồ Tát lấy vòi bao che cho thợ săn, không để các voi khác làm hại, nói với voi cái rằng: Em là vợ của Bồ Tát, cớ gì sinh ác tâm? Đó là tội phiền não ấy. Thí như người bị quỷ ám, vị thầy chú thuật đến chỉ trị quỷ mà không giận người; thế nên chớ tìm tội người ấy. Rồi từ từ hỏi thợ săn: Vì sao ông bắn ta? Thợ săn đáp: Ta cần cặp ngà của ngươi. Voi liền đến hốc đá bẻ ngà trao cho, máu thịt tuôn ra mà không cho là thống khổ; lại còn cung cấp lương thực, chỉ đường cho đi. Những việc từ bi như vậy hàng Thanh văn, Bích chi Phật không thể có được. Có tâm tốt như vậy thời làm sao thọ thân súc sinh được? Nên biết đây là biến hóa để độ chúng sinh.
Hỏi: Vì cớ gì không làm thân người vì họ thuyết pháp mà lại làm thân thú?
Đáp: Có khi chúng sinh thấy thân người thuyết pháp thời không tin chịu, thấy thân súc sinh thuyết pháp thời tin vui, nhận lãnh lời giáo hóa. Lại, Bồ Tát muốn đầy đủ lòng từ bi lớn nên muốn thi hành việc ấy. Chúng sinh trông thấy vừa sợ vừa mừng mà đều được vào đạo.
(Hết cuốn 93 theo bản Hán)

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 100 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.136.26.156 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập