Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
6. PHẨM VƯƠNG TƯƠNG ƯNG
65. KINH Ô ĐIỂU DỤ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
"Thuở xưa, khi Chuyển luân vương muốn thử châu báu, liền cho tập trung bốn loại quân là quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ. Sau khi tập trung xong, vào lúc đêm tối, cho dựng cây tràng phan cao và đặt hạt châu trên đó. Ra đến ngoài viên quán, ánh sáng của minh châu soi sáng cả bốn loại quân. Ánh sáng ấy chiếu xa nửa do-diên.
"Bấy giờ có Phạm chí nghĩ rằng: 'Ta nên đến xem Chuyển luân vương và bốn loại quân, nhìn ngắm hạt châu lưu ly'. Phạm chí lại nghĩ: 'Thôi, hãy bỏ qua việc muốn thấy Chuyển luân vương và bốn loại quân, nhìn ngắm hạt châu lưu ly, ta nên đến khoảng rừng kia'.
"Nghĩ xong, Phạm chí liền đến khu rừng. Sau khi đến nơi, vào trong rừng, Phạm chí đến ngồi dưới một gốc cây. Ngồi chưa bao lâu, có một con rái cá[02] đi đến. Phạm chí trông thấy, hỏi:
"Xin chào Rái cá! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?"
Đáp:
"Thưa Phạm chí, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, hoa và cá, rùa. Trước đây tôi ở đó; nhưng nay nó khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi, vào sông lớn kia. Tôi nay muốn đi; chỉ sợ loài người."
Con rái cá kia sau khi chuyện trò với Phạm chí xong, liền bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.
Lại có chim cứu-mộ[03] đến. Phạm chí trông thấy, liền nói:
"Xin chào, Cứu-mộ! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?"
Đáp:
"Thưa Phạm chí, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, hoa và cá, rùa. Trước đây tôi ở đó; nhưng nay nó khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi, đến trú ngụ ở chỗ có nhiều xác trâu chết kia, hoặc ở chỗ có lừa chết, nhiều xác người chết. Hôm nay tôi muốn đi, nhưng chỉ sợ loài người."
Chim cứu-mộ ấy nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.
Lại có kên kên[04] đến. Phạm chí trông thấy, liền hỏi:
"Xin chào Kên kên! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?"
Đáp:
"Thưa Phạm chí, tôi từ mộ lớn này đến mộ lớn khác, giết hại xong rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, ngựa chết, trâu chết, người chết. Tôi nay muốn đi; nhưng chỉ sợ loài người."
Kên kên nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.
Lại có chim ăn bã[05] lại đến. Phạm chí trông thấy liền hỏi:
"Xin chào Ăn bã. Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?"
Đáp:
"Thưa Phạm chí, ông có thấy Kên kên vừa đi đến đây không? Tôi ăn cái mà nó nhả ra. Nay tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.
Chim ăn bã ấy nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.
Lại có con sói[06] đến. Phạm chí trông thấy rồi lại hỏi:
"Xin chào Sói! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?"
Đáp:
"Thưa Phạm chí, tôi từ suối sâu này đến suối sâu khác, từ bụi rậm này đến bụi rậm khác, từ chỗ hẻo lánh này đến chỗ hẻo lánh khác. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.
Sói nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.
Lại có con quạ[07] đến, trông thấy, Phạm chí liền hỏi:
"Xin chào Quạ. Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?"
Đáp:
"Này Phạm chí, ông trán cứng, si cuồng; sao lại hỏi tôi từ đâu đến và muốn đi đâu?"
Con quạ mắng vào mặt Phạm chí rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.
Lại có con đười ươi[08] đến, Phạm chí trông thấy liền hỏi:
"Xin chào Đười ươi! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?"
Đáp:
"Thưa Phạm chí, tôi từ vườn này đến vườn khác, từ đền miếu[09] này đến đền miếu khác, từ rừng này đến rừng khác; uống nước suối trong, ăn trái cây tốt, rồi đến đây. Nay tôi muốn đi, không sợ loài người.
Đười ươi nói chuyện cùng Phạm chí như vậy rồi bỏ đi.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
"Ta nói các thí dụ ấy là muốn các ngươi hiểu rõ nghĩa. Các ngươi nên biết, nói các thứ dụ ấy như thế, có nghĩa của nó.
"Bây giờ, con thú rái cá nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi, Ta nói thí dụ này có nghĩa như thế nào? – Giả sử có Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp mà sống[10]. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo mang y ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ các căn, không an trụ chánh niệm, nhưng vị ấy lại thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhờ đó vị ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước xúc chạm mềm mại[11], không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình sử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Cũng như Phạm chí thấy rái cá rồi hỏi: 'Xin chào Rái cá! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?' Đáp: 'Thưa Phạm chí, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, nhiều hoa và cá, rùa. Trước tôi ở đó nhưng nay khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi vào sông lớn kia. Giờ tôi muốn đi, chỉ sợ loài người'. Ta nói, Tỳ-kheo ấy cũng lại như thế, rơi vào trong pháp ác, bất thiện, ô uế, tạo gốc rễ của sự hữu trong tương lai, tạo nhân khổ báo, phiền nhiệt của sanh, già, bệnh, chết. Cho nên, Tỳ-kheo chớ sống như con rái cá, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và tịnh hóa ý hành, an trú nơi vô sự, khoác y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, an trụ nơi chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường nên viễn ly. Nên học như vậy.
"Lúc chim cứu-mộ đến nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Ta nói thí dụ này có nghĩa như thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo mang y ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ các căn, không an trú chánh niệm, nhưng vị ấy lại vào nhà người mà thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhờ đó vị ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình xử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Cũng như Phạm chí thấy cứu-mộ rồi hỏi: 'Xin chào Cứu-mộ! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?' Đáp: 'Thưa Phạm chí, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, hoa và cá, rùa. Trước đây tôi ở đó; nhưng nay nó khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi, đến trú ngụ ở chỗ có nhiều xác trâu chết kia, hoặc ở chỗ có lừa chết, nhiều xác người chết. Hôm nay tôi muốn đi, nhưng chỉ sợ loài người'. Ta nói, Tỳ-kheo ấy cũng lại như thế, rơi vào trong pháp ác, bất thiện, ô uế, tạo gốc rễ của sự hữu trong tương lai, tạo nhân khổ báo, phiền nhiệt của sanh, già, bệnh, chết. Cho nên, Tỳ-kheo chớ sống như con cứu-mộ, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và tịnh hóa ý hành, an trú nơi vô sự, khoác y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, an trụ nơi chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường nên viễn ly. Nên học như vậy.
"Bầy kên kên nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi. Ta nói thí dụ có nghĩa như thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo mang y ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ các căn, không an trú chánh niệm, nhưng vị ấy lại vào nhà người mà thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhờ đó vị ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình xử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy kên kên rồi hỏi: 'Xin chào Kên kên, ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?' Đáp: "Thưa Phạm chí, tôi từ mộ lớn này đến mộ lớn khác, sát hại rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết, thịt người chết. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người'. Ta nói thí dụ ấy cũng lại như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như kên kên, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trụ nơi vô sự, mang phấn tảo y, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trụ lập chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường nên viễn ly. Nên học như thế.
"Bầy chim ăn bã kia nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi. Ta nói thí dụ ấy có nghĩa như thế nào? Giả sử có thầy Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp để sống. Vào lúc sáng sớm, Tỳ-kheo ấy mang y cầm bát vào thôn xóm khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ ý, không giữ gìn các căn, không an trú chánh niệm. Vị ấy vào phòng Tỳ-kheo-ni giáo hóa, thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Tỳ-kheo-ni kia vào bao nhiêu nhà khác nói tốt nói xấu, thọ nhận phẩm vật của tín thí rồi mang về cho vị Tỳ-kheo ấy. Nhân đó vị Tỳ-kheo ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy đắm trước sự xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình xử dụng. Vị Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy chim ăn bã rồi hỏi: 'Xin chào Ăn bã! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?' Đáp: 'Thưa Phạm chí, ông thấy con kên kên vừa đi đó không? Tôi ăn cái mà nó nhả ra. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người'. Ta nói Tỳ-kheo ấy cũng lại như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con chim ăn bã, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành và tịnh hóa khẩu hành, ý hành, an trú nơi vô sự, mang y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trú lập chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường phải viễn ly. Nên học như thế.
"Bầy con sói nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi. Ta nói ví dụ này có nghĩa như thế nào? Giả sử có một Tỳ-kheo sống tại một thôn nghèo. Nếu Tỳ-kheo biết trong thôn ấp có nhiều bậc trí tuệ tinh tấn phạm hạnh thì liền tránh đi. Nếu biết trong thôn ấp và thành quách không có bậc trí tuệ tinh tấn phạm hạnh nào thì đến ở, suốt chín tháng hoặc mười tháng. Các Tỳ-kheo khác thấy liền hỏi: 'Hiền giả du hành xứ nào?' Tỳ-kheo ấy đáp: 'Tôi sống tại thôn nghèo kia'. Các Tỳ-kheo nghe xong liền nghĩ: Hiền giả này làm việc khó làm. Lý do vì sao? Vì Hiền giả này có thể sống tại thôn nghèo ấy'. Các Tỳ-kheo ấy liền cùng cung kính, đảnh lễ, cúng dường. Nhân đó vị Tỳ-kheo ấy được lợi ích, như được áo chăn, đồ ăn thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy lại đắm trước thêm, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình xử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở thành tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy con sói rồi hỏi: 'Xin chào Sói! Ngươi từ đâu lại và đi về đâu?' Đáp: 'Thưa Phạm chí, tôi từ suối sâu này đến suối sâu khác, từ bụi rậm này đến bụi rậm khác, từ chốn hẻo lánh này đến chốn hẻo lánh khác rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết, thịt người chết. Giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người'. Ta nói Tỳ-kheo ấy lại cũng như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con sói, chớ nên nương theo phi pháp để bảo tồn mạng sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trú nơi vô sự, mang y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thường hành thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trụ lập chánh niệm chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường phải viễn ly. Nên tu học như vậy.
"Lúc chim quạ mắng vào mặt Phạm chí rồi bỏ đi; Ta nói ví dụ ấy có nghĩa thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nào nương nơi vô sự xứ nghèo nàn mà an cư tọa hạ. Nếu Tỳ-kheo ấy biết trong thôn ấp và thành quách có nhiều bậc trí tuệ tinh tấn phạm hạnh thì liền tránh đi. Nếu biết trong thôn ấp và thành quách không có bậc trí tuệ, tinh tấn phạm hạnh nào thì đến ở hai, ba tháng. Các Tỳ-kheo khác thấy, liền hỏi: 'Hiền giả tọa hạ nơi nào?' Đáp rằng: 'Chư Hiền, hiện giờ tôi nương nơi vô sự xứ nghèo nàn kia mà an cư tọa hạ. Tôi không giống như bọn ngu si kia, làm sẳn giường chõng, rồi sống trong đó với năm sự đầy đủ[12], buổi sáng rồi buổi chiều, buổi chiều rồi buổi sáng, miệng chạy theo vị, vị trôi theo miệng, cầu rồi lại cầu, xin rồi lại xin'. Lúc các Tỳ-kheo nghe xong, liền nghĩ: "Hiền giả này làm những việc khó làm. Lý do vì sao? Hiền giả này có thể nương nơi vô sự xứ nghèo nàn kia mà an cư tọa hạ'. Các Tỳ-kheo ấy liền cùng cung kính, lễ bái, cúng dường. Nhân đó vị Tỳ-kheo ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn thức uống, giường nệm thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cần cho sự sống. Sau khi được lợi, vị Tỳ-kheo ấy lại đắm trước sự xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình sử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở thành tệ mạt hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy chim quạ rồi hỏi: 'Xin chào Quạ! Ngươi từ đâu đến và muốn đi về đâu?' Đáp: 'Này Phạm chí, ông là kẻ trán cứng, cuồng si, làm sao hỏi tôi rằng: 'Ngươi từ đâu lại và muốn đi về đâu?'.' Ta nói Tỳ-kheo ấy lại cũng như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con quạ, chớ nương theo phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trú nơi vô sự, mang y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trú lập chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường viễn ly. Nên học như thế.
"Con đười ươi kia nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi, Ta nói ví dụ ấy có nghĩa thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo ấy mang y cầm bát vào thôn khất thực, khéo thủ hộ thân, gìn giữ các căn, vững vàng chánh niệm. Từ thôn ấp khất thực rồi, ăn xong. Sau khi thu xếp y bát, rửa tay chân xong vắt Ni-sư-đàn lên vai, đi đến nơi vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, hoặc vào nhà trống, trải Ni-sư-đàn mà ngồi kiết già, chánh thân, chánh nguyện, chuyên niệm hướng nội, đoạn trừ tham lam, muốn cho mình được tâm không não hại; thấy của cải và vật dụng sinh tồn của người khác không móng khởi tâm tham lam mong sẽ được về mình. Đối với tâm tham lam vị ấy đã tịnh trừ. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thùy miên, trạo hối, đoạn nghi, độ hoặc, ở trong thiện pháp không còn do dự. Đối với tâm nghi hoặc, vị ấy đã tịnh trừ. Vị ấy đã tịnh trừ năm triền cái này, chúng làm cho tâm ô uế, trí yếu kém; ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến, chứng đắc quả thiền thứ tư, thành tựu và an trụ. Vị ấy chứng đắc định tâm như vậy, thanh tịnh không uế, không phiền, nhu nhuyến, bất động, hướng đến chứng ngộ lậu tận trí thông, rồi vị ấy liền biết như thật rằng: 'Đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt và đây là khổ diệt đạo'. Biết như thật rằng: 'Đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt và đây là lậu diệt đạo'. Sau khi đã biết như vậy, đã thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, tâm giải thoát vô minh lậu. Sau khi giải thoát, biết như thật rằng: 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Giống như Phạm chí thấy đười ươi rồi hỏi: 'Xin chào Đười ươi! Ngươi từ đâu lại và đi về đâu?' Đáp: 'Thưa Phạm chí, tôi từ vườn này đến vườn khác, từ đền miếu này đến đền miếu khác, từ rừng này đến rừng khác, uống nước suối trong, ăn trái cây tốt. Nay tôi muốn đi, chẳng sợ loài người'. Ta nói Tỳ-kheo kia lại cũng như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như loài rái cá, chớ sống như chim cứu-mộ, chớ sống như kên kên, chớ sống như chim ăn bã, chớ sống như con sói, chớ sống như quạ, mà nên sống như đười ươi. Lý do vì sao? Bởi vì Bậc Vô trước chân nhân trong thế gian giống như đười ươi.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 13. Không thấy Pāli tương đương.
[02] Thát thú 獺 獸.
[03] Cứu-mộ điểu 究 暮 鳥, không rõ chim gì.
[04] Thứu điểu 鷲 鳥.
[05] Thực thổ điểu 食 吐 鳥, chim ăn đồ (do thú khác) ói ra.
[06] Sài thú 豺 獸.
[07] Ô điểu 烏 鳥.
[08] Tinh tinh thú 猩 猩 獸.
[09] Nguyên Hán: quán 觀.
[10] Y thôn ấp hành 依 村 邑 行, trái với hành ư vô sự 行 於 無 事. Xem cht.15, kinh số 26. Pāli, có lẽ gāmantaviharī.
[11] Hán: xúc y 觸 猗.
[12] Năm sự, tham chiếu No.125 (51.3) Tăng Nhất 49, Đại 2, tr.817b: 1. Lười biếng, 2. Ngủ nhiều, 3. Tâm loạn, 4. Các căn bất định, 5. Thích ở chợ hơn chỗ vắng vẻ. 66. KINH THUYẾT BỔN[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại Ba-la-nại, trú ở Tiên nhân đọa xứ, trong vườn Lộc dã.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau bữa ăn trưa, vì một nhân duyên nhỏ nên tụ tập ngồi tại giảng đường cùng bàn luận vấn đề này:
"Thế nào chư Hiền, trong hàng cư sĩ tại gia, ai là người thù thắng? Phải chăng là người có các Tỳ-kheo trì giới diệu pháp, thành tựu oai nghi đến nhà thọ thực? Hay là người mà lợi lộc cứ tăng lên mỗi ngày, gấp trăm ngàn vạn lần?"
Hoặc có Tỳ-kheo nói rằng:
"Này chư Hiền, lợi lộc gấp trăm ngàn vạn lần thì có nghĩa lý gì! Chỉ có điều này là chí yếu; nếu có một Tỳ-kheo trì giới diệu pháp, thành tựu oai nghi mà đến nhà thọ thực, chứ không phải là ngày ngày được lợi lộc gấp trăm ngàn vạn lần."
Lúc đó, Tôn giả A-na-luật cùng ngồi trong chúng. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật nói với các Tỳ-kheo rằng:
"Này chư Hiền, lợi lộc gấp trăm ngàn vạn lần thì có nghĩa gì? Giả sử có nhiều hơn nữa thì chỉ có điều này là chí yếu; nếu có một Tỳ-kheo trì giới diệu pháp, thành tựu oai nghi đến nhà thọ thực, chứ không phải ngày ngày lợi lộc càng tăng gấp trăm ngàn vạn lần. Vì sao? Tôi nhớ, thuở xưa, ta là một người nghèo khổ ở nước Ba-la-nại này, chỉ nhờ lượm mót gánh của khách mà sống[02]. Lúc ấy nước Ba-la-nại bị hạn hán, sương móc và trùng hoàng làm cho ngũ cốc không thể chín được. Nhân dân túng thiếu, kiếm xin khó được. Bấy giờ có một vị Bích-chi-phật hiệu là Vô Hoạn[03], trú tại Ba-la-nại này. Lúc ấy, vào buổi sáng sớm, Bích-chi-phật Vô Hoạn mang y cầm bát vào Ba-la-nại khất thực. Bấy giờ tôi đi ra khỏi Ba-la-nại vào lúc sớm để đi lượm mót. Này chư Hiền, khi đang đi ra, tôi thấy từ xa Bích-chi-phật Vô Hoạn đi vào thành. Lúc Bích-chi-phật Vô Hoạn cầm tịnh bát đi vào thế nào thì lúc đi ra tịnh bát vẫn y như cũ.
"Này chư Hiền, khi tôi lượm mót rồi trở về Ba-la-nại, tôi lại thấy Bích-chi-phật Vô Hoạn đi ra. Ngài thấy tôi liền nghĩ: 'Sáng sớm, lúc Ta đi vào thì thấy người này đi ra. Bấy giờ ta trở ra lại thấy người này trở vào. Người này có thể chưa ăn. Nay ta hãy đi theo người này'. Rồi Bích-chi-phật đi theo tôi như bóng theo hình.
"Này chư Hiền, khi ta mang đồ lượm mót về đến nhà, bỏ gánh xuống và quay lại nhìn thì thấy Bích-chi-phật Vô Hoạn đi đến, theo sau tôi bén gót, như bóng theo hình. Tôi thấy ngài, liền nghĩ: 'Sáng sớm, lúc đi ra, mình thấy vị Tiên nhân này đi vào thành khất thực. Bây giờ vị Tiên nhân này có lẽ chưa có gì ăn. Ta hãy sớt bớt phần ăn của mình cho Tiên nhân này'. Nghĩ như vậy xong, tôi liền mang phần cơm bố thí cho Đức Bích-chi-phật và bạch rằng: 'Mong Tiên nhân biết cho, cơm này là phần ăn của con. Vì lòng từ mẫn, mong ngài thương xót nhận cho'. Bấy giờ, vị Bích-chi-phật tức thì trả lời tôi rằng: 'Cư sĩ nên biết, năm nay hạn hán, sương móc và trùng hoàng làm cho ngũ cốc không thể chín được. Nhân dân túng thiếu, kiếm xin khó được. Thí chủ có thể bớt phân nửa bỏ vào trong bát của ta và dùng phân nửa kia, cả hai cùng được sống còn. Như vậy đã là tốt rồi'. Tôi lại thưa rằng: 'Tiên nhơn, xin biết cho, trong nhà con sẵn có chảo, có bếp, có củi, có thóc gạo, ăn uống sớm muộn cũng chẳng cần đúng giờ giấc. Tiên nhơn, xin hãy thương xót con mà nhận hết thức ăn này'. Bấy giờ Tiên nhân vì lòng từ mẫn mà nhận hết.
"Này chư Hiền, tôi nhân phước bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm mà bảy lần tái sanh vào cõi trời, được làm Thiên vương; bảy lần tái sanh vào loài người lại làm bậc nhân chủ.
"Này chư Hiền, tôi nhân phước bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm mà được sanh vào dòng họ Thích như thế này[04], giàu có cùng tột, súc vật chăn nuôi vô số, phòng hộ, thực ấp, của cải vô lượng, châu báu đầy đủ.
"Này chư Hiền, tôi nhân phước bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm nên xả bỏ được địa vị chủ nhân của trăm ngàn thể nữ[05], vàng bạc và vô số những tài vật khác nữa, xuất gia học đạo.
"Này chư Hiền, ta nhân bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm mà được vua chúa, vương thần, Phạm chí, cư sĩ và tất cả nhân dân thấy là tiếp đãi; bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di thấy thì kính trọng.
"Này chư Hiền, tôi nhân bố thí một bát cơm kia mà thường được người thỉnh cầu thọ nhận đồ ăn thức uống, áo chăn, đệm lông, thảm dệt, giường nệm, thuốc thang trị bệnh và các dụng cụ cần cho sự sống; không gì là không được thỉnh cầu. Lúc bấy giờ ta biết vị Sa-môn ấy là Bậc Vô Sở Trước Chân Nhân thì phước báo được thu hoạch chắc chắn gấp bội, thọ nhận đại quả báo công đức cực diệu, ánh sáng soi chiếu, thấu suốt rất rộng, rất lớn, cùng khắp."
Bấy giờ Tôn giả A-na-luật, Bậc Vô Sở Trước Chân Nhân[06], được chánh giải thoát, nói bài tụng rằng:
Tôi nhớ, xưa nghèo nàn,
Chỉ nhặt cỏ mà sống.
Bớt phần, cúng Sa-môn
Vô Hoạn tối thượng đức.
Nhân đó sanh dòng Thích,
Tên là A-na-luật.
Hiểu rành về ca vũ;
Làm nhạc, thường hoan hỷ.
Tôi được gặp Thế Tôn
Chánh giác, như cam lồ.
Đã gặp, sanh tín tâm,
Bỏ nhà đi học đạo.
Tôi biết được đời trước,
Biết chỗ sanh trước kia;
Sanh Tam thập tam thiên,
Bảy lần trú ở đó.
Đó bảy, đây cũng bảy;
Thọ sanh mười bốn lần,
Nhân gian và thiên thượng,
Chưa từng đọa ác đạo.
Nay biết rõ sanh tử,
Nơi chúng sanh qua lại;
Biết tâm người thị phi;
Hiền thánh, năm lạc thú;
Chứng năm chi thiền định[07],
Thường định, tâm tĩnh mặc[08].
Đã chứng đắc tịch tịnh
Liền đắc tịnh thiên nhãn.
Mục đích là học đạo;
Viễn ly, bỏ gia đình;
Nay ta đạt nghĩa ấy
Được vào cảnh giới Phật.
Ta không ưa sự chết,
Cũng chẳng mong sự sanh;
Thời nào cũng tự tại,
Kiến lập chánh niệm trí.
Tỳ-da-ly, Trúc lâm[09],
Ở đây, mạng ta dứt;
Ngay dưới rừng trúc này,
Nhập Vô dư Niết-bàn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở chỗ tĩnh tọa, bằng thiên nhĩ thanh tịnh vượt xa hơn người thường, nghe các Tỳ-kheo sau bữa ăn trưa tụ tập tại giảng đường cùng bàn luận về vấn đề ấy. Nghe xong, vào buổi xế chiều, Đức Thế Tôn rời chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến giảng đường, trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo mà ngồi, rồi hỏi rằng:
"Này các Tỳ-kheo, hôm nay các ngươi vì chuyện gì mà tụ tập tại giảng đường?"
Các Tỳ-kheo đáp:
"Bạch Thế Tôn, hôm nay vì Tôn giả A-na-luật nhân chuyện quá khứ mà thuyết pháp nên chúng con tụ tập tại giảng đường."
Rồi thì, Đức Thế Tôn nói:
"Bây giờ các ngươi có muốn nghe nhân chuyệân vị lai mà Phật thuyết pháp chăng?"
Các Tỳ-kheo thưa rằng:
"Bạch Thế Tôn, nay thật đúng thời. Bạch Thiện Thệ, nay thật đúng thời. Nếu Thế Tôn nhân chuyện vị lai mà thuyết pháp cho các Tỳ-kheo, thì các Tỳ-kheo sau khi nghe sẽ khéo thọ trì."
Đức Thế Tôn nói:
"Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe và khéo mà thọ trì, suy nghĩ, ghi nhớ, Ta phân biệt diễn thuyết rộng rãi cho các ngươi."
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời ngồi nghe. Đức Thế Tôn nói:
"Này các Tỳ-kheo, một thời gian lâu xa ở vị lai, sẽ có lúc mà nhân dân thọ đến tám vạn tuổi. Lúc con người thọ đến tám vạn tuổi thì châu Diêm-phù này giàu có cùng tột, an lạc cùng tột, dân chúng đông đúc, thôn ấp gần nhau bằng khoảng cách của con gà bay.
"Này các Tỳ-kheo, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi thì con gái đến năm trăm tuổi mới lấy chồng.
"Này các Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi[10] thì chỉ những bệnh như thế này: nóng, lạnh, đại tiểu tiện, tham dục, ăn uống, già[11] và ngoài ra không có tai họa nào khác.
Này các Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi có vua tên là Loa[12], là Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu là: xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đầy đủ một ngàn người con trai, dung mạo khôi ngô, dũng mãnh, không khiếp sợ, hàng phục được địch quân. Nhà vua thống lĩnh quả đất này cho đến bờ biển, không dùng đao gậy mà chỉ đem pháp mà giáo hóa, khiến dân chúng được an lạc. Có cây phướn bằng vàng lớn, được trang hoàng bằng các thứ châu báu, treo cao một ngàn khuỷu tay, chu vi mười tám khuỷu tay, sẽ do nhà vua dựng lên. Sau khi dựng xong, ngay phía dưới tổ chức bố thí cho Sa-môn, Phạm chí, người nghèo khổ cô độc từ các phương xa lại xin, đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn và cung cấp dầu đèn... Sau khi bố thí như vậy, nhà vua cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Mục đích mà tộc tánh tử kia cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời này mà tự tri tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.'
"Bấy giờ có Tôn giả A-di-đa[13] đang ngồi trong chúng. Tôn giả A-di-đa từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo lệch tay áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật mà bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở vị lai, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, con có thể được làm vua, hiệu là Loa, là Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu là xe báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu, đó là bảy báu. Con có đủ một ngàn người con dung mạo khôi ngô, dũng mãnh không khiếp sợ, hàng phục được địch quân. Con thống lĩnh trọn quả đất này cho đến biển cả, không dùng dao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa, khiến cho nhân dân an lạc. Con có cây phướn lớn bằng vàng, được trang hoàng bằng các loại châu báu, treo cao một ngàn khuỷu tay, do con dựng lên. Sau khi dựng xong, ngay bên dưới, tổ chức bố thí cho hàng Sa-môn, Phạm chí, kẻ khốn khổ cô độc từ phương xa lại xin, đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, nệm lông, khăn quấn và cung cấp đèn dầu. Sau khi bố thí xong, con liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, xuất gia học đạo. Con vì mục đích mà tộc tánh tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời này mà tự tri tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'."
Bấy giờ Đức Thế Tôn quở Tôn giả A-di-đa rằng:
"Ngươi là kẻ ngu si, chỉ nên chết thêm một lần, sao lại mong một lần tái sanh nữa? Vì sao như thế? Vì ngươi nghĩ rằng: Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở vị lai, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, con có thể được làm vua, hiệu là Loa, là Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu là xe báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu, đó là bảy báu. Con có đủ một ngàn người con dung mạo khôi ngô, dũng mãnh không khiếp sợ, hàng phục được địch quân. Con thống lĩnh trọn quả đất này cho đến biển cả, không dùng dao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa, khiến cho nhân dân an lạc. Con có cây phướn lớn bằng vàng, được trang hoàng bằng các loại châu báu, treo cao một ngàn khuỷu tay, do con dựng lên. Sau khi dựng xong, ngay bên dưới, tổ chức bố thí cho hàng Sa-môn, Phạm chí, kẻ khốn khổ cô độc từ phương xa lại xin, đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, nệm lông, khăn quấn và cung cấp đèn dầu. Sau khi bố thí xong, con liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, xuất gia học đạo. Con vì mục đích mà tộc tánh tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời này mà tự tri tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'."
Đức Thế Tôn bảo rằng:
"Này A-di-đa! Một thời gian lâu dài ở vị lai, ngươi sẽ làm vua hiệu là Loa, một vị Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu, đó là bảy báu. Ngươi sẽ có đủ một ngàn người con dung mạo khôi ngô, dũng mãnh không khiếp sợ, hàng phục được địch quân. Ngươi sẽ thống lĩnh toàn quả đất này cho đến biển cả, không dùng dao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa khiến cho nhân dân an lạc. Ngươi sẽ có một cây phướn lớn bằng vàng, được trang hoàng bằng các loại châu báu, dựng cao một ngàn khuỷu tay, do ngươi dựng lên. Sau khi dựng lên, ngay bên dưới, tổ chức bố thí cho hàng Sa-môn, Phạm chí, kẻ cùng khổ, cô độc từ các phương xa lại xin; đem đồ ăn, thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, nệm lông, khăn quấn, cung cấp đèn dầu... Sau khi bố thí xong, thầy liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Ngươi vì mục đích mà tộc tánh tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, chỉ vì cầu vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'."
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
"Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ tám vạn tuổi sẽ có Đức Phật hiệu là Di-lặc[14], Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu; cũng như hôm nay Ta đã thành vị Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu.
"Đức Phật ấy ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Ta ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.
"Đức Phật ấy sẽ thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Ta hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.
"Đức Phật ấy sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Ta hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.
"Đức Phật ấy sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như Ta hôm nay có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo[15]."
Bấy giờ Tôn giả Di-lặc đang ở trong chúng ấy, từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo lệch áo đang mặc, vòng tay hướng về Đức Phật, thưa rằng:
"Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ mạng đến tám vạn tuổi, con sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Cũng như bây giờ Đức Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu.
"Con ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Thế Tôn ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.
"Con thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Thế Tôn hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.
"Con sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Thế Tôn hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.
"Con sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như hiện giờ Thế Tôn có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo."
Bấy giờ Đức Thế Tôn tán thán Tôn giả Di-lặc rằng:
"Lành thay! Lành thay! Di-lặc, ngươi phát tâm cực diệu là lãnh đạo đại chúng. Lý do vì sao? Vì ngươi đã nghĩ:
"– Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ mạng đến tám vạn tuổi, con sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh hạnh thành, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Đạo pháp ngự, Thiên nhân sư, Phật, Chúng hựu. Cũng như bây giờ Đức Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Con ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Thế Tôn ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Con thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Thế Tôn hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Con sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Thế Tôn hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện."
Đức Phật lại nói:
"Này Di-lặc, vào một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, ngươi sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Giống như Ta hiện nay là Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu.
"Ngươi ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Ta ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.
"Ngươi thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Ta hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.
"Ngươi sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Ta hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.
"Ngươi sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như hiện giờ Ta có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo."
Bấy giờ, Tôn giả A-nan cầm quạt đứng hầu Phật. Lúc đó, Đức Thế Tôn quay lại bảo:
"Này A-nan, ngươi hãy lấy tấm y được dệt bằng sợi tơ vàng dệt mang lại đây. Nay Ta muốn cho Tỳ-kheo Di-lặc."
Bấy giờ Tôn giả A-nan vâng lời Đức Thế Tôn, liền lấy tấm y được dệt bằng sợi tơ vàng dệt mang lại trao cho Đức Thế Tôn. Sau khi Đức Thế Tôn nhận tấm y được dệt bằng chỉ vàng từ Tôn giả A-nan, Ngài bảo:
"Này Di-lặc, ngươi hãy nhận tấm y được dệt bằng chỉ vàng này từ Như Lai mà bố thí cho Phật, Pháp và Đại chúng. Lý do vì sao? Này Di-lặc, các Đức Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác vì muốn cứu hộ thế gian và mong cầu thiện lợi và hữu ích, mong an ổn khoái lạc."
Bấy giờ Tôn giả Di-lặc nhận lấy tấm y dệt bằng chỉ vàng từ Đức Như Lai xong, liền dâng cúng cho Phật, Pháp và Đại chúng.
Lúc ấy ma Ba-tuần liền nghĩ: "Sa-môn Cù-đàm này đang du hành tại Ba-la-nại, ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ. Vị ấy nhân chuyện vị lai mà thuyết pháp cho các đệ tử. Ta hãy đến đấy để gây nhiễu loạn."
Rồi ma Ba-tuần đi đến chỗ Đức Phật, hướng về Ngài và nói bài tụng rằng:
Người ấy tất sẽ được
Dung mạo diệâu đệ nhất;
Thân tràng hoa anh lạc,
Ngọc sáng đeo cánh tay.
Nếu ở thành Kê-đầu[16],
Trong cảnh giới vua Loa.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ rằng: "Ma Ba-tuần này đến chỗ Ta muốn gây nhiễu loạn." Đức Thế Tôn sau khi đã biết là ma Ba-tuần liền nói bài tụng:
Người ấy tất sẽ được
Tối Thắng[17] không nghi ngại
Dứt sanh, lão, bệnh, tử;
Vô lậu, việc làm xong.
Ai tu hành phạm hạnh,
Sẽ ở cõi Di-lặc.
Ma Ba-tuần lại nói bài kệ:
Người ấy tất sẽ được
Y phục tối thượng diệu;
Thân ướp trầm chiên-đàn,
Tay chân đầy châu ngọc;
Nếu ở thành Kê-đầu
Sẽ ở cõi Loa vương.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói bài tụng:
Người ấy tất sẽ được
Vô chủ và vô gia;
Tay không cầm vàng ngọc,
Vô vi, không sầu não;
Nếu tu hành phạm hạnh,
Sẽ ở cõi Di-lặc.
Lúc đó ma Ba-tuần lại nói bài tụng:
Người kia tất sẽ được
Danh, tài, ẩm thực diệu;
Khéo hiểu rành ca vũ,
Tạo nhạc, thường hoan hỷ;
Sẽ ở cõi Loa vương.
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại nói bài tụng:
Người ấy tất qua bờ;
Như chim phá lưới ra;
Chứng trụ thiền tự tại;
Đủ lạc, thường hoan hỷ.
Này Ma, ngươi nên biết,
Ta đã hàng phục ngươi.
Lúc đó Ma vương lại nghĩ: "Thế Tôn biết ta. Thiện Thệ biết ta." Nghĩ vậy, nó buồn bã, sầu não, không thể ở lại, liền biến mất, không thấy ở chỗ ấy nữa.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả Di-lặc, A-di-đa, A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Biệt dịch, No.44 Phật Thuyết Cổ Lai Trì Thế Kinh, khuyết danh dịch. Pāli, tham chiếu Thag.910-919.
[02] Hán: quân thập 捃 拾. No.44: "Gánh cỏ đi bán mà tự nuôi sống". Pāli: ghāsa-hāraka, người thâu nhặt thức ăn (của gia súc).
[03] Vô Hoạn 無 患. No.44: "Có vị Duyên giác hiệu là Hòa-lý 和 里. Pāli: Upariccha.
[04] Vì Tôn giả là anh em chú bác ruột với Đức Thích Tôn, con của Amitodana (Cam lộ Phạn vương).
[05] Vì trước đó đời sống vương tử của Ngài rất phong lưu và Mahānāma - anh ruột của Ngài - đã khó khăn lắm mới thuyết phục được Ngài đi xuất gia.
[06] Tức, một vị A-la-hán.
[07] Ngũ chi thiền định 五 支 禪 定, Thiền định năm chi (Pāli: pañcaṅgika-samādhi): tức bốn cấp thiền trong đó Sơ thiền chia làm hai do sự khác biệt tầm (Pl. vitakka) và tứ (Pal. vicāra).
[08] Pāli: sante ekodibhāvite, tịch tĩnh, chuyên nhất.
[09] Tì-da-li Trúc lâm 毘 耶 離 竹 林. Pāli: Vajjīnaṃ Veluvagāme, trong Vajji-Veluvagāma, một ngôi làng ở Vesali, xứ Vajjī (Bạt Kỳ); Anuruddha sẽ nhập Niết-bàn ở đó.
[10] Từ đây trở xuống, tham chiếu kinh 70 phần sau. Tham chiếu, Pāli, D. 26 Cakkacattī-sīhanā-suttanta.
[11] Pāli (D.26), chi có ba chứng bệnh: ham muốn (icchā), đói bụng (anasana) và già (jāra).
[12] Loa 螺. Pāli: Saṅkha (vỏ sò).
[13] A-di-đa 阿 夷 多. Pāli: Ajita. Trong bản kinh này, A-di-đa (Ajita) và Di-lặc (Mettaya) là hai nhân vật được thọ ký, một người làm vua và một người làm Phật.
[14] Di-lặc 瀰 勒. Pāli: Mettayya.
[15] Pāli: so anekasahassam… (seyyathā pi'ham) anekasatam… vị ấy có vài nghìn… (cũng như Ta) có vài trăm…
[16] Kê-đầu thành 雞 頭 城, Pāli: Ketumatī nơi mà Sankha là Chuyển luân vương.
[17] Nguyên Hán: Vô phục, dịch nghĩa của A-dật-da (Pāli: Ajjta), cũng dịch nghĩa là Vô Năng Thắng.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.91.130 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.