Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Hiệu đính và chú thích: Thích Tuệ Sỹ KINH 797. SA-MÔN PHÁP SA-MÔN QUẢ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có pháp Sa-môn[2] và quả Sa-môn[3]. Hãy lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói:
“Những gì là pháp Sa-môn? Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến… cho đến chánh định. Những gì là quả Sa-môn? Đó là quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm và quả A-la-hán.
“Thế nào là quả Tu-đà-hoàn? Đoạn trừ ba kết. Thế nào là quả Tư-đà-hàm? Đoạn trừ ba kết; tham, nhuế, si mỏng. Thế nào là quả A-na-hàm? Đoạn sạch hết năm hạ phần kết. Thế nào là quả A-la-hán? Đoạn trừ vĩnh viễn tham, nhuế, si; đoạn trừ vĩnh viễn tất cả các thứ phiền não.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 798. SA-MÔN PHÁP SA-MÔN NGHĨA[4]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có pháp Sa-môn, Sa-môn và nghĩa Sa-môn[5]. Hãy lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói:
“Những gì là pháp Sa-môn? Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến… cho đến chánh định. Những gì là Sa-môn? Người thành tựu pháp Sa-môn này. Những gì là nghĩa Sa-môn? Đã đoạn trừ vĩnh viễn tham dục, sân nhuế, si mê; đoạn trừ vĩnh viễn tất cả các phiền não.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 799. SA-MÔN QUẢ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Như đã nói trên, nhưng có một vài sai biệt.
“Có quả Sa-môn. Những gì là quả Sa-môn? Đó là quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
KINH 800. BÀ-LA-MÔN[6]
Cũng vậy, pháp Bà-la-môn, Bà-la-môn, nghĩa Bà-la-môn, quả Bà-la-môn; pháp phạm hạnh, người phạm hạnh, nghĩa phạm hạnh, quả phạm hạnh, đều nói như trên. KINH 801. NGŨ PHÁP[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có năm pháp mang lại nhiều lợi ích cho sự tu An-na-ban-na niệm. Những gì là năm? An trụ luật nghi Ba-la-đề-mộc-xoa, oai nghi hành xử đầy đủ; đối với những tội vi tế hay sanh lòng sợ hãi, thọ trì học giới. Đó gọi là pháp thứ nhất mang lại nhiều lợi ích cho sự tu An-na-ban-na niệm.
“Lại nữa, Tỳ-kheo ít muốn, ít sự việc, ít tác vụ. Đó là pháp thứ hai mang lại nhiều lợi ích cho sự tu An-na-ban-na niệm.
“Lại nữa, Tỳ-kheo nào ăn uống biết lường, không ít cũng không nhiều. Không vì việc ăn uống mà sanh ra tư tưởng ham muốn; luôn tinh cần tư duy. Đó là pháp thứ ba mang lại nhiều lợi ích cho sự tu An-na-ban-na niệm.
“Lại nữa, Tỳ-kheo đầu đêm, cuối đêm, không đắm say ngủ nghỉ, mà luôn tinh cần tư duy. Đó là pháp thứ tư mang lại nhiều lợi ích cho sự tu An-na-ban-na niệm.
“Lại nữa, Tỳ-kheo ở trong rừng hoang vắng, xa lìa những nơi náo nhiệt. Đó là pháp thứ năm mang lại nhiều lợi ích cho sự tu An-na-ban-na niệm.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 802. AN-NA-BAN-NA NIỆM (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nên tu An-na-ban-na niệm. Nếu Tỳ-kheo tu tập An-na-ban-na niệm, tu tập nhiều, thân chỉ tức và tâm chỉ tức, có giác, có quán, tịch diệt, thuần nhất, phân minh tưởng, tu tập đầy đủ.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 803. AN-NA-BAN-NA NIỆM (3)[8]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy tu tập An-na-ban-na niệm. Nếu Tỳ-kheo tu tập An-na-ban-na niệm, tu tập nhiều, thân chỉ tức và tâm chỉ tức, có giác, có quán, tịch diệt, thuần nhất, phân minh tưởng, tu tập đầy đủ. Thế nào là tu tập An-na-ban-na niệm, tu tập nhiều, thân chỉ tức và tâm chỉ tức, có giác, có quán, tịch diệt, thuần nhất, phân minh tưởng, tu tập đầy đủ? Tỳ-kheo, nương vào xóm làng, thành ấp mà ở; sáng sớm đắp y, mang bát, vào thôn khất thực, nên khéo hộ trì thân, giữ gìn các căn, khéo cột tâm an trụ; khất thực xong trở về chỗ ở, cất y bát, rửa chân xong, hoặc vào trong rừng, trong phòng vắng, dưới bóng cây, hoặc nơi đất trống, thân ngồi ngay thẳng, cột niệm trước mặt, cắt đứt mọi tham ái thế gian, ly dục thanh tịnh, đoạn trừ sân nhuế, thùy miên, trạo hối và nghi, vượt qua các nghi hoặc, đối với các pháp lành, tâm được quyết định; viễn ly năm triền cái vốn làm phiền não tâm, khiến tuệ lực suy giảm, là phần chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn.
“Niệm hơi thở vào[9], cột niệm, hãy khéo học. Niệm hơi thở ra[10], cột niệm, hãy khéo học. Hơi thở dài[11], hơi thở ngắn[12]. Cảm giác biết toàn thân khi thở vào, khắp toàn thân thở vào, hãy khéo học[13]; cảm giác biết toàn thân khi thở ra, khắp toàn thân thở ra, hãy khéo học. Giác tri tất cả sự an tịnh của tất cả thân hành khi thở vào[14], tất cả thân hành an tịnh thở vào, hãy khéo học; giác tri tất cả sự an tịnh của tất cả thân hành khi thở ra, tất cả thân hành an tịnh thở vào, hãy khéo học. Giác tri hỷ, giác tri lạc, giác tri tâm hành[15], giác tri sự an tịnh của tâm hành khi thở vào, giác tri tâm hành an tịnh thở vào, hãy khéo học[16]. Giác tri sự an tịnh của tâm hành khi thở ra, giác tri tâm hành an tịnh thở ra, hãy khéo học. Giác tri tâm, giác tri tâm hoan hỷ, giác tri tâm định, giác tri tâm giải thoát khi thở vào[17], giác tri tâm giải thoát thở vào, hãy khéo học. Giác tri tâm giải thoát khi hơi thở ra, giác tri tâm giải thoát thở ra, hãy khéo học. Quán sát vô thường, quán sát đoạn, quán sát vô dục, quán sát diệt[18] khi hơi thở vào, quán sát diệt thở vào, phải khéo học. Quán sát diệt khi hơi thở ra, quán sát diệt thở ra, phải khéo học. Đó gọi là tu An-na-ban-na niệm, thân chỉ tức và tâm chỉ tức, có giác, có quán, tịch diệt, thuần nhất, phân minh tưởng, tu tập đầy đủ.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 804. ĐOẠN GIÁC TƯỞNG[19]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy tu An-na-ban-na niệm tu tập An-na-ban-na niệm, tu tập nhiều, sẽ đoạn trừ các giác tưởng. Thế nào tu tập An-na-ban-na niệm, tu tập nhiều, sẽ đoạn trừ các giác tưởng? Tỳ-kheo nào nương vào làng xóm, thành ấp mà ở, nói đầy đủ như trên… cho đến khéo học đối với việc quán sát diệt khi hơi thở ra. Đó gọi là tu tập An-na-ban-na niệm, tu tập nhiều, sẽ đoạn trừ các giác tưởng.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như đoạn trừ giác tưởng, cũng vậy không dao động, được quả lớn, phước lợi lớn; cũng vậy được cam lộ, cứu cánh cam lộ và được hai quả, bốn quả, bảy quả, kinh nào cũng nói như trên.[20] KINH 805. A-LÊ-SẮT-TRA[21]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như An-na-ban-na niệm mà Ta đã giảng dạy, các ông có tu tập không?”
Lúc ấy, có Tỳ-kheo tên là A-lê-sắt-tra, đang ngồi ở trong chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, làm lễ Phật, quỳ gối phải sát đất, chắp tay bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, con đã tu tập An-na-ban-na niệm mà Thế Tôn đã giảng dạy.”
Phật bảo Tỳ-kheo A-lê-sắt-tra:
“Ông tu tập thế nào An-na-ban-na niệm mà Ta đã giảng dạy?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đối các hành quá khứ con không luyến tiếc, các hành vị lai không sanh ra hoan lạc, đối với các hành hiện tại không sanh ra đắm nhiễm; khéo chân chánh trừ diệt những tưởng về đối ngại[22] bên trong và bên ngoài. Con đã tu tập An-na-ban-na niệm mà Thế Tôn đã giảng dạy như vậy.”
Phật bảo Tỳ-kheo A-lê-sắt-tra:
“Ông thật sự đã tu An-na-ban-na niệm mà Ta đã giảng dạy, chứ chẳng phải không tu. Song có Tỳ-kheo đối với chỗ tu tập An-na-ban-na niệm của ông lại còn có phần vi diệu hơn, vượt trội hơn. Những gì là An-na-ban-na niệm vi diệu hơn, vượt trội hơn những gì An-na-ban-na niệm tu tập? Tỳ-kheo nương vào làng xóm, thành ấp mà ở, như đã nói ở trên… cho đến, quán sát diệt thở ra, phải khéo học. Này Tỳ-kheo A-lê-sắt-tra, đó gọi là An-na-ban-na niệm vi diệu hơn, vượt trội hơn những gì An-na-ban-na niệm mà ông tu tập.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 806. KẾ-TÂN-NA[23]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Hôm ấy, vào sáng sớm Đức Thế Tôn đắp y, bưng bát, vào thành Vương xá khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, mang Ni-sư-đàn vào rừng An-đà, ngồi dưới một bóng cây, thiền tịnh ban ngày.
Lúc bấy giờ, Tôn giả Kế-tân-na, cũng vào sáng sớm, đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực. Xong, trở về cất y bát, rửa chân xong, mang Ni-sư-đàn vào rừng An-đà ngồi thiền tịnh dưới một bóng cây cách Đức Phật không xa; thẳng người bất động, thân tâm chánh trực, tư duy thắng diệu.
Vào buổi chiều hôm ấy, có số đông các Tỳ-kheo sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu dảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Các ông có thấy Tôn giả Kế-tân-na không? Cách Ta không xa, vị đó đang ngồi ngay thẳng trang nghiêm, thân tâm bất động, an trú thắng diệu trú[24].”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Chúng con thường xuyên thấy Tôn giả này ngồi thẳng trang nghiêm, khéo thu nhiếp thân mình không lay không động, chuyên tâm thắng diệu.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo nào, tu tập tam-muội, thân tâm an trụ, không lay không động, trụ vào thắng diệu, thì Tỳ-kheo này sẽ đạt được tam-muội này mà không cần đến phương tiện, tùy theo ý muốn liền có được.”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Tam-muội gì mà Tỳ-kheo đạt được tam-muội này thì thân tâm bất động, an trụ thắng diệu trụ?”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo nào nương vào làng xóm mà ở, sáng sớm đắp y mang bát vào thôn khất thực, ăn xong trở về tinh xá cất y bát, sau khi rửa chân xong, vào ngồi trong rừng, hoặc nơi phòng vắng, đất trống, cột niệm tư duy… cho đến, quán sát diệt, thở ra, phải khéo học. Đó gọi là Tam-muội, nếu Tỳ-kheo nào ngồi trang nghiêm suy tư, thân tâm sẽ bất động, an trụ thắng diệu trụ.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 807. NHẤT-XA-NĂNG-GIÀ-LA[25]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Nhất-xa-năng-già-la[26]. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta muốn tọa thiền trong vòng hai tháng. Các Tỳ-kheo chớ nên tới lui, chỉ trừ Tỳ-kheo đưa thức ăn và khi bố-tát.”
Sau khi Thế Tôn nói những lời này xong, liền ở lại đây hai tháng[27] để thiền tọa, không một Tỳ-kheo nào dám tới lui, chỉ trừ lúc đưa thức ăn và bố-tát.
Bấy giờ, sau khi trải qua hai tháng thiền tọa xong, Ngài từ thiền tịnh tỉnh giấc, ngồi trước Tỳ-kheo Tăng; bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có những xuất gia ngoại đạo nào đến hỏi các ông: ‘Sa-môn Cù-đàm trong hai tháng tọa thiền gì?’ Thì các ông nên đáp rằng: ‘Trong hai tháng Như Lai bằng An-na-ban-na niệm an trú trong thiền tịnh tư duy. Vì sao? Vì suốt trong hai tháng này Ta luôn luôn an trụ tư duy nhiều nơi niệm An-na-ban-na. Khi hơi thở vào, biết như thật niệm hơi thở vào; khi hơi thở ra, biết như thật niệm hơi thở ra. Hoặc dài, hoặc ngắn. Cảm giác toàn thân, biết như thật niệm hơi thở vào; cảm giác toàn thân, biết như thật niệm hơi thở ra. An tịnh thân hành, biết như thật niệm hơi thở vào;… cho đến, diệt, biết như thật hơi thở ra. Sau khi Ta đã biết, bấy giờ, Ta tự nghĩ: ‘Ở đây vẫn còn trụ tư duy thô. Nay Ta sau khi đình chỉ tư duy này, hãy tu thêm các tu tập vi tế khác mà an trụ.’
“Rồi, Ta sau khi đình chỉ tư duy thô, liền nhập tư duy vi tế và an trụ nhiều nơi đó mà an trụ. Khi đó có ba vị Thiên tử, tướng mạo rất tuyệt diệu, sáng sớm, ra đi đến chỗ Ta. Một Thiên tử nói như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm đã đến thời[28].’ Lại có một Thiên tử nói: ‘Đây chẳng phải đã đến thời, mà sắp đến.’ Vị Thiên tử thứ ba nói: ‘Chẳng phải đã đến thời, cũng chẳng phải sắp đến, mà đây là an trụ tu tập. Đây là sự tịch diệt của vị A-la-hán[29] vậy’.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có chánh thuyết nào về Thánh trụ[30], Thiên trụ[31], Phạm trụ[32], Học trụ[33], Vô học trụ[34], Như Lai trụ[35]; và hiện pháp lạc[36] trụ của Thánh nhân vô học mà hàng hữu học chưa được sẽ được, chưa đến sẽ đến, chưa chứng sẽ chứng; đó là nói về An-na-ban-na niệm. Đây là chánh thuyết. Vì sao? Vì An-na-ban-na niệm là Thánh trụ, Thiên trụ, Phạm trụ… cho đến Vô học hiện pháp lạc trú.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 808. CA-MA[37]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn cây Ni-câu-luật tại Ca-tỳ-la-việt[38]. Bấy giờ có Ma-ha-nam dòng họ Thích[39] đến chỗ Tôn giả Tỳ-kheo Ca-ma[40], đảnh lễ dưới chân Tỳ-kheo Ca-ma, rồi ngồi lui qua một bên, thưa Tỳ-kheo Ca-ma rằng:
“Thế nào, Tôn giả Ca-ma, có phải bậc Học trụ[41] tức là Như Lai trụ[42] không? Hay Học trụ khác, Như Lai trụ khác?”
Tỳ-kheo Ca-ma đáp rằng:
“Này Ma-ha-nam, Học trụ khác, Như Lai trụ khác. Ma-ha-nam, Học trụ là do đoạn trừ năm triền cái mà an trụ nhiều[43]. Như Lai trụ đối với năm triền cái đã đoạn, đã biến tri, chặt đứt gốc rễ của nó, như chặt đầu cây đa-la, làm cho không còn sanh trưởng nữa, ở đời vị lai trở thành pháp bất sanh.
“Một thời, Thế Tôn ở trong rừng Nhất-xà-năng-già-la[44]. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: ‘Ta muốn ở trong rừng Nhất-xà-năng-già-la này thiền tọa trong vòng hai tháng[45], Tỳ-kheo các ông chớ tới lui, chỉ trừ Tỳ-kheo đưa thức ăn và lúc bố-tát, nói đầy đủ như trước… cho đến Vô học hiện pháp lạc trụ.’ Này Ma-ha-nam, vì vậy cho nên biết, Học trụ khác, Như Lai trụ khác.”
Sau khi Ma-ha-nam thuộc dòng họ Thích nghe những gì Tỳ-kheo Ca-ma đã nói, hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. KINH 809. KIM CƯƠNG[46]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Tát-la-lê, cạnh sông Bạt-cầu-ma tại tụ lạc Kim cương[47]. Bấy giờ Đức Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói về bất tịnh quán, khen ngợi bất tịnh quán rằng:
“Các Tỳ-kheo nên tu tập bất tịnh quán; tu tập bất tịnh quán nhiều thì sẽ được quả lớn, phước lợi lớn.”
Các Tỳ-kheo sau khi đã tu tập bất tịnh quán rồi, đều rất chán sợ thân này, hoặc dùng đao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc dùng dây tự vẫn, hoặc lao đầu vào vách núi tự sát, hoặc nhờ Tỳ-kheo khác giết.
Có Tỳ-kheo kia sanh lòng cực kỳ nhàm chán sự bất tịnh xấu xa[48], nên đến chỗ con Phạm chí Lộc Lâm[49] nói với người con Phạm chí Lộc Lâm rằng:
“Hiền thủ! Người làm ơn giết tôi, y bát xin tặng lại ông.”
Bấy, người con Phạm chí Lộc Lâm liền giết Tỳ-kheo này, rồi mang đao đến bờ sông Bạt-cầu-ma[50] để rửa. Lúc ấy, có Ma thiên ở giữa hư không, khen ngợi con Phạm chí Lộc Lâm rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hiền thủ, ông được vô lượng công đức, có thể khiến cho Sa-môn Thích tử trì giới có đức, người chưa độ được độ, người chưa thoát được thoát, người chưa yên nghỉ khiến được yên nghỉ, người chưa được Niết-bàn khiến được Niết-bàn; y bát và các thứ tạp vật cùng những lợi dưỡng tất cả đều thuộc về ông.”
Sau khi con Phạm chí Lộc Lâm nghe những lời khen ngợi này rồi, thì ác tà kiến tăng thêm, tự nghĩ: ‘Hôm nay ta đã thật sự tạo ra phước đức lớn, khiến cho Sa-môn Thích tử, người trì giới, công đức, người chưa độ được độ, người chưa thoát được thoát, người chưa yên nghỉ khiến được yên nghỉ, người chưa được Niết-bàn khiến được Niết-bàn; y bát và các thứ tạp vật cùng những lợi dưỡng tất cả đều thuộc về ta.’ Nghĩ xong tay cầm đao bén đi đến các phòng xá, những nơi kinh hành, phòng riêng, phòng Thiền, gặp các Tỳ-kheo nói như vầy:
“Những Tỳ-kheo nào trì giới có đức, ai chưa được độ ta có thể độ cho, ai chưa thoát sẽ khiến cho thoát, ai chưa yên nghỉ sẽ khiến được yên nghỉ, chưa Niết-bàn sẽ khiến được Niết-bàn.”
Lúc ấy, các Tỳ-kheo đang chán sợ thân này, đều ra khỏi phòng nói với con Phạm chí Lộc Lâm rằng:
“Tôi chưa được độ, ông nên độ tôi; tôi chưa được thoát, ông nên giải thoát tôi; tôi chưa được yên nghỉ, ông nên khiến cho tôi được yên nghỉ; tôi chưa được Niết-bàn, ông nên khiến cho tôi được Niết-bàn.” Bấy giờ con Phạm chí Lộc Lâm liền dùng đao bén giết Tỳ-kheo này và lần lượt, giết chết cho đến sáu mươi người.
Bấy giờ, đến ngày mười lăm, lúc thuyết giới, Đức Thế Tôn ngồi trước đại chúng, bảo Tôn giả A-nan:
“Vì lý do gì mà các Tỳ-kheo càng lúc càng ít, càng lúc càng giảm, càng lúc càng hết như vậy?”
A-nan bạch Phật rằng:
“Thế Tôn đã vì các Tỳ-kheo nói về tu bất tịnh quán, khen ngợi bất tịnh quán. Khi các Tỳ-kheo tu tập bất tịnh quán, đâm ra chán sợ thân này, nói đầy đủ… cho đến giết hại sáu mươi Tỳ-kheo. Bạch Thế Tôn, vì lý do này nên khiến cho các Tỳ-kheo càng lúc càng ít, càng lúc càng giảm, càng lúc càng hết. Cúi xin Thế Tôn thuyết giảng pháp khác, để cho các Tỳ-kheo sau khi nghe xong tinh cần tu tập trí tuệ, an lạc mà tiếp thọ Chánh pháp; an vui sống trong Chánh pháp.”
Phật bảo A-nan:
“Vì vậy, nay Ta sẽ lần lượt nói về sự an trụ vi tế trụ, tùy thuận mà khai giác, khiến pháp ác bất thiện đã khởi hay chưa khởi đều nhanh chóng lắng xuống. Như trời mưa lớn, những thứ bụi bặm đã khởi lên hay chưa khởi lên đều khiến cho chúng lắng xuống. Cũng vậy, Tỳ-kheo khi tu tập an trụ nơi vi tế trụ, có thể khiến các pháp ác bất thiện đã khởi hay chưa khởi đều lắng xuống.
“Này A-nan, thế nào là an trụ vi tế trụ, tùy thuận mà khai giác, khiến pháp ác bất thiện đã khởi hay chưa khởi đều lắng xuống? Đó là an trụ vào An-na-ban-na niệm.”
A-nan bạch Phật:
“Thế nào là tu tập an trụ vào An-na-ban-na niệm, theo đó mà khai mở giác, thì những pháp ác bất thiện dù đã khởi hay chưa khởi lên cũng có khả năng khiến chúng dừng lại?”
Phật bảo A-nan:
“Nếu Tỳ-kheo, nương vào làng xóm mà ở, như đã nói đầy đủ ở trước… cho đến khéo học như quán diệt khi niệm hơi thở ra.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 810. A-NAN[51]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Tát-la-lê, cạnh sông Bạt-cầu-ma tại tụ lạc Kim cương. Bấy giờ giờ Tôn giả A-nan ở một mình nơi vắng, thiền quán tư duy, tự nghĩ như vầy: ‘Có một pháp nào được tu tập, tu tập nhiều, khiến cho bốn pháp đầy đủ. Bốn pháp đã đầy đủ rồi, thì bảy pháp đầy đủ. Bảy pháp đã đầy đủ rồi, thì hai pháp đầy đủ?’
Sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, Tôn giả A-nan đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Khi con ở một mình nơi chỗ vắng, thiền quán tư duy tự nghĩ: ‘Có một pháp nào được tu tập, tu tập nhiều, khiến cho bốn pháp đầy đủ. Bốn pháp đã đầy đủ rồi, thì bảy pháp đầy đủ. Bảy pháp đã đầy đủ rồi, thì hai pháp đầy đủ?’.”
Phật bảo A-nan:
“Có một pháp được tu tập, tu tập nhiều,… cho đến hai pháp đầy đủ. Những gì là một pháp? Đó là An-na-ban-na niệm, được tu tập, tu tập nhiều, có khả năng làm cho bốn Niệm xứ đầy đủ. Bốn Niệm xứ đã đầy đủ rồi, bảy Giác phần đầy đủ. Bảy Giác phần đã đầy đủ rồi, minh và giải thoát[52] đầy đủ.
“Thế nào là tu tập An-na-ban-na niệm, thì bốn Niệm xứ đầy đủ? Tỳ-kheo nương vào làng xóm mà ở… cho đến khéo học quán diệt khi niệm hơi thở ra.
“Này A-nan, như vậy Thánh đệ tử, khi niệm hơi thở vào, học như niệm hơi thở vào; khi niệm hơi thở ra, học như niệm hơi thở ra. Hoặc dài hoặc ngắn. Giác tri tất cả thân hành, khi niệm hơi thở vào, học như niệm hơi thở vào; khi niệm hơi thở ra, học như niệm hơi thở ra. Thân hành an tịnh khi niệm hơi thở vào, học như thân hành an tịnh niệm hơi thở vào; thân hành an tịnh khi niệm hơi thở ra, học như thân hành an tịnh niệm hơi thở ra. Thánh đệ tử lúc bấy giờ, an trụ chánh niệm quán thân trên thân. Nếu khác với thân[53], kia cũng như vậy, tùy theo thân tương tự tư duy.
“Nếu có lúc Thánh đệ tử giác tri hỷ, giác tri lạc, giác tri tâm hành, giác tri tâm hành an tịnh, khi niệm hơi thở vào, học như tâm hành an tịnh niệm hơi thở vào; tâm hành an tịnh khi niệm hơi thở ra, học như tâm hành an tịnh niệm hơi thở ra. Thánh đệ tử lúc bấy giờ, an trụ chánh niệm quán thọ trên thọ. Nếu khác với thọ thì kia cũng tùy theo thọ tương tự tư duy[54].
“Nếu có khi Thánh đệ tử giác tri tâm, giác tri tâm hoan hỷ, tâm định, tâm giải thoát, khi niệm hơi thở vào, học như tâm giải thoát niệm hơi thở vào. Tâm giải thoát khi niệm hơi thở ra, học như tâm giải thoát niệm hơi thở ra. Thánh đệ tử lúc bấy giờ, an trụ chánh niệm quán tâm nơi tâm. Nếu có tâm khác, kia cũng tùy theo tâm tương tự tư duy.
“Nếu có khi Thánh đệ tử quán vô thường, đoạn, vô dục, diệt, học an trụ quán như vô thường, đoạn, vô dục, diệt. Thánh đệ tử lúc bấy giờ, an trụ chánh niệm quán pháp trên pháp. Nếu có pháp khác, kia cũng tùy theo pháp tương tự tư duy. Đó gọi là tu An-na-ban-na niệm, thì bốn Niệm xứ đầy đủ.”
A-nan bạch Phật:
“Khi tu tập An-na-ban-na niệm như vậy, khiến cho bốn Niệm xứ đầy đủ. Thế nào là tu bốn Niệm xứ làm cho bảy Giác phần đầy đủ?”
Phật bảo A-nan:
“Nếu Tỳ-kheo an trụ chánh niệm quán thân trên thân. Sau an trụ với chánh niệm, cột niệm trụ yên không cho mất, bấy giờ, phương tiện tu Niệm giác phần. Khi đã tu niệm giác phần rồi, niệm giác phần được đầy đủ. Khi niệm giác phần đã đầy đủ rồi, đối với pháp mà tuyển trạch, tư lường; bấy giờ phương tiện tu Trạch pháp giác phần. Khi đã tu trạch pháp giác phần rồi, trạch pháp giác phần được đầy đủ. Sau khi đối với pháp đã tuyển trạch, phân biệt, tư lường rồi, phương tiện tinh cần sẽ đạt được, lúc bấy giờ phương tiện tu tập Tinh tấn giác phần. Khi đã tu tinh tấn giác phần rồi, tinh tấn giác phần được đầy đủ. Sau khi phương tiện tinh tấn, tâm được hoan hỷ, lúc bấy giờ phương tiện tu Hỷ giác phần. Khi đã tu hỷ giác phần rồi, hỷ giác phần được đầy đủ. Khi đã có hoan hỷ rồi, thân tâm khinh an, lúc bấy giờ phương tiện tu Khinh an giác phần. Khi đã tu khinh an phần rồi, khinh an giác phần được đầy đủ. Sau khi thân tâm an lạc rồi đạt được tam-muội, lúc bấy giờ tu định giác phần. Sau khi đã tu Định giác phần rồi, định giác phần được đầy đủ. Khi định giác phần đã đầy đủ rồi, tham ưu thế gian bị diệt, đạt được xả bình đẳng, lúc bấy giờ phương tiện tu Xả giác phần. Sau khi đã tu xả giác phần rồi, xả giác phần được đầy đủ. Đối với thọ, tâm, pháp trên pháp niệm xứ cũng nói như vậy. Đó gọi là tu bốn Niệm xứ thì bảy Giác phần sẽ đầy đủ.”
A-nan bạch Phật:
“Đó gọi là tu bốn Niệm xứ, bảy Giác phần sẽ đầy đủ. Thế nào là khi tu bảy Giác phần thì minh và giải thoát sẽ đầy đủ?”
Phật bảo A-nan:
“Nếu Tỳ-kheo tu Niệm giác phần, y viễn ly, y vô dục, y diệt, hướng đến xả. Sau khi đã tu niệm giác phần rồi, minh giải thoát sẽ đầy đủ… cho đến khi tu xả giác phần y viễn ly, y vô dục, y diệt, hướng đến xả. Cũng vậy, khi đã tu xả giác phần rồi, minh giải thoát sẽ đầy đủ.
“A-nan, đó gọi là mọi pháp đều tùy thuộc vào nhau, mọi pháp đều ảnh hưởng lẫn nhau. Mười ba pháp như vậy, một pháp làm tăng thượng, một pháp là cửa ngõ, theo thứ lớp tiến lên, tu tập đầy đủ.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 811–812. TỲ-KHEO
Cũng vậy, những gì Tỳ-kheo khác hỏi và Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo cũng nói như trên.[55] KINH 813. KIM-TỲ-LA[56]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Kim-tỳ, tụ lạc Kim-tỳ-la[57]. Bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả Kim-tỳ-la:
“Nay Ta sẽ nói về sự tinh tấn tu tập bốn Niệm xứ. Hãy lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói.”
Đức Thế Tôn lập lại ba lần như vậy, trong khi Tôn giả Kim-tỳ-la[58] vẫn ngồi im lặng. Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói với Tôn giả Kim-tỳ-la:
“Nay Đại Sư nhắc bảo thầy.”
Ba lần như vậy.
Tôn giả Kim-tỳ-la nói với Tôn giả A-nan:
“Tôi đã biết, Tôn giả A-nan! Tôi đã biết, Tôn giả Cù-đàm[59]!”
Khi ấy Tôn giả A-nan bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, thật đúng lúc. Bạch Thế Tôn, đã đúng lúc. Bạch Thiện Thệ, xin vì các Tỳ-kheo nói về tu tập tinh tấn bốn Niệm xứ. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ phụng hành.”
Phật bảo A-nan:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
“Tỳ-kheo, nếu lúc niệm hơi thở vào, học như hơi thở vào;… cho đến lúc diệt niệm hơi thở ra thì, nên học như diệt niệm hơi thở ra.
“Bấy giờ Thánh đệ tử khi niệm hơi thở vào, học như niệm hơi thở vào;… cho đến thân hành tĩnh chỉ khi niệm hơi thở ra, học như thân hành tĩnh chỉ hơi thở ra.
“Bấy giờ Thánh đệ tử an trụ chánh niệm quán thân trên thân. Bấy giờ Thánh đệ tử an trụ chánh niệm quán thân trên thân rồi, biết khéo tư duy bên trong cũng như vậy.”
Phật bảo A-nan:
“Thí như, có người cỡi xe từ phương Đông lắc lư mà đến, lúc bấy giờ có giẫm đạp lên gò nỗng không?”
A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, có như vậy.”
Phật bảo A-nan:
“Cũng vậy, Thánh đệ tử lúc niệm hơi thở và học như niệm hơi thở vào. Cũng vậy,… cho đến khéo tư duy bên trong. Nếu bấy giờ Thánh đệ tử giác tri hỷ,… cho đến, học giác tri ý hành tĩnh chỉ, Thánh đệ tử an trụ chánh niệm quán thọ nơi thọ; khi Thánh đệ tử đã an trụ chánh niệm quán thọ trên thọ rồi, biết khéo tư duy bên trong cũng như vậy.
“Thí như, có người cỡi xe từ phương Nam đi xe lại. Thế nào A-nan, nó có giẫm đạp lên gò nỗng không?”
A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, có như vậy.”
Phật bảo A-nan:
“Cũng vậy, Thánh đệ tử khi an trụ chánh niệm quán thọ trên thọ, biết khéo tư duy bên trong. Thánh đệ tử giác tri tâm, tâm hân hoan, tâm định, tâm giải thoát khi hơi thở và học như tâm giải thoát hơi thở vào; tâm giải thoát khi hơi thở ra, học như tâm giải thoát hơi thở ra.
“Đệ tử bậc Thánh lúc này sống quán niệm tâm trên tâm; khi đệ tử bậc Thánh đã sống quán niệm tâm trên tâm như vậy rồi, biết khéo tư duy bên trong.
“Thí như, có người đi xe từ phương Tây lại, có giẫm đạp lên gò nỗng không?”
A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, có như vậy.”
Phật bảo A-nan:
“Cũng vậy, Thánh giác tri tâm… cho đến tâm giải thoát khi hơi thở ra, học như tâm giải thoát hơi thở ra.
“Cũng vậy, Thánh đệ tử bấy giờ an trụ chánh niệm quán tâm trên tâm, biết khéo tư duy bên trong.
Khéo ở nơi thân, thọ, tâm mà diệt bỏ tham ưu, bấy giờ, Thánh đệ tử an trụ chánh niệm quán pháp trên pháp. Sau khi Thánh đệ tử đã an trụ chánh niệm quán pháp trên pháp như vậy rồi, biết khéo tư duy bên trong.
“Này A-nan, thí như nơi ngã tư đường có ụ mô đất, có người cỡi xe từ phương Bắc đi xe lại, có giẫm đạp lên ụ mô đất không?”
A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, có như vậy.”
Phật bảo A-nan:
“Cũng vậy, Thánh đệ tử an trụ chánh niệm quán pháp trên pháp, biết khéo tư duy bên trong.
“Này A-nan, đó gọi là Tỳ-kheo phương tiện tinh tấn tu bốn Niệm xứ.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 814. BẤT BÌ[60]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy tu An-na-ban-na niệm. An-na-ban-na niệm được tu tập, tu tập nhiều rồi, thân không mệt mỏi, mắt cũng không đau nhức, tùy thuận quán an trụ lạc, giác tri lạc, không đắm nhiễm[61].
“Thế nào là tu An-na-ban-na niệm, thân không mệt mỏi, mắt cũng không đau nhức, tùy thuận quán an trụ lạc, giác tri lạc, không đắm nhiễm?
“Tỳ-kheo khi nương vào làng xóm mà ở… cho đến quán diệt lúc hơi thở ra, học như quán diệt hơi thở ra. Đó gọi là khi tu An-na-ban-na niệm, thân không mệt mỏi, mắt cũng không đau nhức, tùy thuận quán an trụ lạc, giác tri lạc, không đắm nhiễm. Như vậy, tu An-na-ban-na niệm được quả lớn, phước lợi lớn.
“Tỳ-kheo muốn cầu ly dục pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc do viễn ly sanh, chứng và an trú Sơ thiền; Tỳ-kheo ấy nên tu An-na-ban-na niệm. Như vậy, tu An-na-ban-na niệm được quả lớn, phước lợi lớn.
“Tỳ-kheo muốn cầu đệ Nhị, đệ Tam, đệ Tứ thiền, Từ, Bi, Hỷ, Xả, Không nhập xứ, Thức nhập xứ, Vô sở hữu nhập xứ, Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ; ba kết hoàn toàn hết, đắc quả Tu-đà-hoàn; ba kết đã hết, tham, nhuế, si đã mỏng, đắc quả Tư-đà-hàm; năm hạ phần kết sử đã hết, đắc quả A-na-hàm; đạt được vô lượng sức thần thông, Thiên nhĩ, Tha tâm trí, Túc mạng trí, Sanh tử trí và Lậu tận trí; Tỳ-kheo ấy nên tu An-na-ban-na niệm. Như vậy, tu An-na-ban-na niệm, được quả lớn, phước lợi lớn.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 815. BỐ-TÁT
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật hạ an cư ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ số đông các Thượng tọa Thanh văn, an cư ở chung quanh Thế Tôn, hoặc dưới gốc cây, hoặc trong hang động.
Khi ấy, có số đông các Tỳ-kheo trẻ đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật vì các Tỳ-kheo trẻ nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Sau khi khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ rồi, Ngài ngồi im lặng. Các Tỳ-kheo trẻ sau khi nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ mà đi.
Các Tỳ-kheo trẻ đến chỗ Tỳ-kheo Thượng tọa, lễ dưới chân Thượng tọa, rồi ngồi một bên. Khi ấy các Tỳ-kheo Thượng tọa suy nghĩ như vầy: ‘Chúng ta nên nhiếp thọ các Tỳ-kheo trẻ này. Hoặc một người nhận một người; hoặc một người nhận một, hai, ba hay nhiều người.’ Sau khi nghĩ như vậy xong liền nhiếp thọ hoặc một người nhận một người, hoặc nhận hai, ba, hay nhiều người; hoặc có Thượng tọa… cho đến nhận sáu mươi người.
Bấy giờ là ngày mười lăm, lúc bố-tát, Đức Thế Tôn trải chỗ ngồi mà ngồi ở trước đại chúng. Sau khi Đức Thế Tôn quán sát các Tỳ-kheo xong, bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Lành thay! Lành thay! Hôm nay Ta rất hoan hỷ vì các Tỳ-kheo đã làm những việc chính đáng. Cho nên Tỳ-kheo phải nỗ lực tinh tấn.”
Ở tại Xá-vệ, sau khi tháng Ca-đê[62] đã mãn, các Tỳ-kheo du hành trong nhân gian nghe rằng: ‘Đức Thế Tôn an cư ở nước Xá-vệ, tháng Ca-đê đã mãn, may y đã xong, đắp y mang bát đang du hành trong nhân gian ở nước Xá-vệ.’ Các Tỳ-kheo đi dần đến nước Xá-vệ, sau khi cất y bát, rửa chân xong, đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên.
Bấy giờ, Thế Tôn vì các Tỳ-kheo du hành nhân gian nói pháp khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Sau khi khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ rồi, Ngài ngồi im lặng. Sau khi các Tỳ-kheo du hành nhân gian nghe Phật nói pháp, đều hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ mà đi. Họ đến chỗ Tỳ-kheo Thượng tọa, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên.
Lúc này, các Tỳ-kheo Thượng tọa nghĩ như vầy: ‘Chúng ta nên nhiếp thọ các Tỳ-kheo du hành nhân gian này. Hoặc một người nhận một người, hoặc một người nhận một, hai, ba hay nhiều người.’ Sau đó liền nhiếp thọï, hoặc một người nhận một người, hoặc nhận hai, ba,… cho đến nhận sáu mươi người. Có Tỳ-kheo Thượng tọa nhận các Tỳ-kheo du hành nhân gian giáo giới, giáo thọ, làm khéo biết thứ lớp trước sau.
Bấy giờ, ngày mười lăm, ngày bố-tát, Đức Thế Tôn trải chỗ ngồi mà ngồi trước đại chúng, sau khi quán sát chúng Tỳ-kheo, Ngài bảo các Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Các Tỳ-kheo, Ta rất hoan hỷ vì các ông đã làm những việc chính đáng. Các Tỳ-kheo, chư Phật quá khứ, cũng có chúng Tỳ-kheo mà sở hành chính đáng, như chúng hiện tại này vậy. Chư Phật vị lai cũng sẽ có chúng và cũng sẽ có những sở hành chính đáng như vậy, như chúng hiện tại này vậy. Vì sao? Vì các Tỳ-kheo Trưởng lão trong chúng hiện tại này, có vị đã đắc và an trụ đầy đủ Sơ thiền, đệ Nhị thiền, đệ Tam thiền, đệ Tứ thiền, Từ, Bi, Hỷ, Xả, Không nhập xứ, Thức nhập xứ, Vô sở hữu nhập xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Có Tỳ-kheo ba kết đã hết, đắc Tu-đà-hoàn, không đọa vào pháp đường ác, nhất định hướng đến Vô thượng Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại Trời, Người, cứu cánh hết khổ. Có Tỳ-kheo ba kết đã hết, tham, thuế, si mỏng, đắc Tư-đà-hàm. Có Tỳ-kheo năm hạ phần kết đã hết, đắc A-na-hàm, Sanh Bát-niết-bàn, không tái sanh vào cõi đời này nữa. Có Tỳ-kheo đắc cảnh giới Vô lượng thần thông Thiên nhĩ, Tha tâm trí, Túc mạng trí, Sanh tử trí, Lậu tận trí. Có Tỳ-kheo tu quán bất tịnh để đoạn tham dục, tu tâm từ để đoạn sân nhuế, tu vô thường để đoạn ngã mạn, tu An-na-ban-na niệm để đoạn giác tưởng.
“Thế nào là tu An-na-ban-na niệm để đoạn giác tưởng? Tỳ-kheo nương vào làng xóm mà ở… cho đến quán diệt khi hơi thở ra, học như quán diệt hơi thở ra. Đó gọi là tu An-na-ban-na niệm để đoạn trừ giác tưởng.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 816. HỌC (1)[63]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có ba học. Những gì là ba? Đó là tăng thượng Giới học, tăng thượng Ý học[64], tăng thượng Tuệ học. Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Người đầy đủ ba học,
Là Tỳ-kheo chánh hạnh;
Tăng thượng giới, tâm, tuệ,
Nỗ lực siêng ba pháp.
Dũng mãnh, thành trì vững,
Luôn giữ gìn các căn.
Ngày cũng như ban đêm,
Ban đêm cũng như ngày.
Trước lại cũng như sau,
Sau lại cũng như trước;
Như trên cũng như dưới,
Như dưới cũng như trên.
Các tam-muội vô lượng,
Chiếu khắp cả các phương;
Đó lối đi giác ngộ,
Tập tươi mát bậc nhất[65].
Lìa bỏ vô minh tránh,
Tâm ấy khéo giải thoát.
Ta Đấng Thế Gian Giác,
Minh hạnh đều đầy đủ.
Trụ chánh niệm không quên,
Tâm này được giải thoát.
Khi thân hoại mạng chung,
Như đèn hết dầu tắt.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 817. HỌC (2)[66]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Cũng có ba học nữa. Những gì là ba? Đó là tăng thượng Giới học, tăng thượng Ý học, tăng thượng Tuệ học.
“Thế nào là tăng thượng Giới học? Tỳ-kheo an trụ giới, luật nghi Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi, hành xứ, thấy tội nhỏ nhặt sanh lòng sợ hãi, thọ trì học giới.
“Thế nào là tăng thượng Ý học? Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện… cho đến, chứng và an trụ đệ Tứ thiền.
“Thế nào là tăng thượng Tuệ học? Tỳ-kheo biết như thật về Khổ Thánh đế này, biết như thật về Tập, Diệt, Đạo Thánh đế, đó gọi là tăng thượng Tuệ học.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ như đã nói ở trên.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 818. HỌC (3)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có Tỳ-kheo học tăng thượng Giới, không phải học tăng thượng Ý, tăng thượng Tuệ. Có vị học tăng thượng Giới, tăng thượng Ý, không phải học tăng thượng Tuệ.
“Thánh đệ tử an trụ tăng thượng Tuệ, phương tiện tùy thuận mà thành tựu và an trụ, thì sự tu tập tăng thượng Giới, tăng thượng Ý cũng sẽ đầy đủ. Cũng vậy, Thánh đệ tử an trụ tăng thượng Tuệ, phương tiện tùy thuận mà thành tựu và an trú, thì sẽ sống theo tuổi thọ của trí tuệ vô thượng.”[67]
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 819. HỌC (4)[68]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hơn hai trăm năm mươi giới[69], cứ mỗi nửa tháng, lại thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa. Để cho kia tự minh cầu học mà học, nói ba học có thể tổng nhiếp các giới. Những gì là ba? Đó là tăng thượng Giới học, tăng thượng Ý học và tăng thượng Tuệ học.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 820. HỌC (5)[70]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Nói như trên, nhưng có một vài sai biệt.
“Thế nào là tăng thượng Giới học? Tỳ-kheo thiên trọng nơi giới[71], giới tăng thượng; không thiên trọng nơi định, định không tăng thượng; không thiên trọng nơi tuệ, tuệ không tăng thượng. Đối với từng phần từng phần giới vi tế, nếu phạm thì theo đó mà sám hối. Vì sao? Ta không nói là kia không có khả năng, nếu giới kia tùy thuận phạm hạnh, làm lợi ích cho phạm hạnh, làm tồn tại lâu dài phạm hạnh; Tỳ-kheo như vậy giới vững chắc, giới sư luôn tồn tại[72], giới thường tùy thuận mà sanh, thọ trì mà học. Biết như vậy, thấy như vậy, thì sẽ đoạn trừ ba kết là thân kiến, giới thủ và nghi. Ba kết này đã đoạn trừ, đắc Tu-đà-hoàn, không còn đọa vào pháp đường ác, nhất định sẽ hướng đến Vô thượng Chánh giác, chỉ còn qua lại bảy lần Trời, Người, cứu cánh thoát khổ. Đó gọi là tăng thượng Giới học.
“Thế nào là tăng thượng Ý học? Tỳ-kheo thiên trọng giới, giới tăng thượng; thiên trọng định, định tăng thượng; không thiên trọng tuệ, tuệ không tăng thượng. Đối với từng phần từng phần giới vi tế… cho đến thọ trì học giới. Biết như vậy, thấy như vậy, đoạn trừ năm hạ phần kết, là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục, sân nhuế. Năm hạ phần kết này đã đoạn trừ, đắc Sanh Bát-niết-bàn A-na-hàm, không còn trở lại đời này. Đó gọi là tăng thượng Ý học.
“Thế nào là tăng thượng Tuệ học? Tỳ-kheo thiên trọng giới, giới tăng thượng; thiên trọng định, định tăng thượng; thiên trọng tuệ, tuệ tăng thượng. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục hữu lậu, tâm giải thoát hữu hữu lậu, tâm giải thoát vô minh hữu lậu; giải thoát tri kiến,‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Đó gọi là tăng thượng Tuệ học.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 821. HỌC (6)[73]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hơn hai trăm năm mươi giới[74], cứ mỗi nửa tháng, lại thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa. Nếu thiện nam tử tự theo ý muốn của mình mà học, Ta nói cho ba học. Nếu học ba học này, thì sẽ tóm thâu được tất cả các học giới. Những gì là ba? Đó là tăng thượng Giới học, tăng thượng Ý học, tăng thượng Tuệ học.
“Thế nào là tăng thượng Giới học? Tỳ-kheo thiên trọng nơi giới[75], giới tăng thượng; không thiên trọng nơi định, định không tăng thượng; không thiên trọng nơi tuệ, tuệ không tăng thượng. Đối với từng phần từng phần giới vi tế,… cho đến nên giữ gìn học giới. Nếu Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, đoạn ba kết là thân kiến, giới thủ, nghi; và tham, nhuế, si đã mỏng, thành tựu Nhất chủng đạo[76]. Ở vào địa vị này chưa phải là đẳng giác, nên gọi là Tư-đà-hoàn, hay gọi là Gia-gia, gọi là Thất hữu, gọi là Tùy pháp hành, gọi là Tùy tín hành. Đó gọi là tăng thượng Giới học.
“Thế nào là tăng thượng Ý học? Tỳ-kheo thiên trọng giới, giới tăng thượng; thiên trọng định, định tăng thượng; không thiên trọng tuệ, tuệ không tăng thượng. Đối với từng phần từng phần giới vi tế… cho đến thọ trì học giới. Nếu Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, đoạn được năm hạ phần kết, là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục, sân nhuế; nếu đoạn trừ được năm hạ phần này có thể được Trung Bát-niết-bàn. Ở địa vị này nếu chưa được Đẳng giác, thì được Sanh Bát-niết-bàn; ở địa vị này nếu chưa được Đẳng giác, thì được Vô hành Bát-niết-bàn; ở địa vị này nếu chưa được Đẳng giác, thì được Hữu hành Bát-niết-bàn; ở địa vị này nếu chưa được Đẳng giác, thì được Thượng lưu Bát-niết-bàn. Đó gọi là tăng thượng Ý học.
“Thế nào là tăng thượng Tuệ học? Tỳ-kheo thiên trọng giới, giới tăng thượng; thiên trọng định, định tăng thượng; thiên trọng tuệ, tuệ tăng thượng. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục hữu lậu, tâm giải thoát hữu hữu lậu, tâm giải thoát vô minh hữu lậu; giải thoát tri kiến,‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Đó gọi là tăng thượng Tuệ học.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 822. NIẾT-BÀN (1)[77]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo an trụ giới đầy đủ, khéo nhiếp trì Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi hành xứ, thấy những tội vi tế hay sanh lòng sợ hãi. Tỳ-kheo khi đã an trụ giới đầy đủ, khéo nhiếp trì Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi hành xứ, thấy những tội vi tế hay sanh lòng sợ hãi, bình đẳng thọ trì học giới, khiến cho sự tu tập Ba học đầy đủ. Những gì là ba? Đó là tăng thượng Giới học, tăng thượng Ý học, tăng thượng Tuệ học.
“Thế nào là tăng thượng Giới học? Tỳ-kheo giới thì đầy đủ[78], nhưng định ít, tuệ ít; đối với mỗi một phần giới vi tế… cho đến nên gìn giữ giới học. Nếu Tỳ-kheo nào biết như vậy, thấy như vậy, thì sẽ đoạn trừ được ba kết đó là thân kiến, giới thủ và nghi; khi đã đoạn trừ ba kết này, thì sẽ được Tu-đà-hoàn, không còn đọa vào đường ác, nhất định hướng đến Vô thượng Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại Trời, Người, cứu cánh thoát khổ.
“Thế nào là tăng thượng Ý học? Là Tỳ-kheo định đã đầy đủ, tam-muội đã đầy đủ, nhưng tuệ ít; đối với mỗi một phần giới vi tế, nếu phạm thì theo đó mà sám hối… cho đến nên gìn giữ học giới. Nếu Tỳ-kheo nào biết như vậy, thấy như vậy, thì sẽ đoạn trừ năm hạ phần kết đó là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục, sân nhuế; khi đã đoạn trừ năm hạ phần kết này rồi, được A-na-hàm, Sanh Bát-niết-bàn, không còn tái sanh vào đời này. Đó gọi là tăng thượng Ý học.
“Thế nào là tăng thượng Tuệ học? Là Tỳ-kheo học giới đã đầy đủ, định đã đầy đủ, tuệ đã đầy đủ. Nếu Tỳ-kheo nào biết như vậy, thấy như vậy, giải thoát dục hữu lậu, tâm giải thoát hữu hữu lậu, giải thoát tâm vô minh hữu lậu, giải thoát tri kiến, ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Đó gọi là tăng thượng Tuệ học.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 823. NIẾT-BÀN (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo an trụ giới đầy đủ, khéo nhiếp trì Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi hành xứ, thấy những tội vi tế hay sanh lòng sợ hãi. Tỳ-kheo khi đã an trụ giới đầy đủ, khéo nhiếp trì Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi hành xứ, thấy những tội vi tế hay sanh lòng sợ hãi, bình đẳng thọ trì học giới, khiến cho sự tu tập Ba học đầy đủ. Những gì là ba? Đó là tăng thượng Giới học, tăng thượng Ý học, tăng thượng Tuệ học.
“Thế nào là tăng thượng Giới học? Tỳ-kheo giới đầy đủ[79], nhưng định ít, tuệ ít; đối với mỗi một phần giới vi tế… cho đến nên gìn giữ giới học. Nếu Tỳ-kheo nào biết như vậy, thấy như vậy thì sẽ đoạn được ba kết và tham, nhuế, si còn mỏng, được Nhất chủng đạo[80]. Ở địa vị này nếu chưa được Đẳng giác, thì sẽ được Tư-đà-hàm; ở địa vị này nếu chưa được Đẳng giác, thì được gọi là Gia-gia[81]; ở địa vị này nếu chưa được Đẳng giác thì, sẽ được Tu-đà-hoàn; ở địa vị này nếu chưa được Đẳng giác, thì sẽ được Tùy pháp hành; ở địa vị này nếu chưa được Đẳng giác, thì sẽ được Tùy tín hành. Đó gọi là tăng thượng Giới học.
“Thế nào là tăng thượng Ý học? Là Tỳ-kheo định đã đầy đủ, tam-muội đã đầy đủ, nhưng tuệ ít; đối với mỗi một phần giới vi tế, nếu phạm thì theo đó mà sám hối… cho đến nên gìn giữ học giới. Nếu Tỳ-kheo nào biết như vậy, thấy như vậy, thì sẽ đoạn trừ năm hạ phần kết đó là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục, sân nhuế; khi đã đoạn trừ năm hạ phần kết này rồi, thì sẽ được Trung Bát-niết-bàn. Ở đây nếu chưa được Đẳng giác, thì sẽ được Sanh Bát-niết-bàn; ở đây nếu chưa được Đẳng giác, thì sẽ được Vô hành Bát-niết-bàn; ở đây nếu chưa được Đẳng giác, thì sẽ được Hữu hành Bát-niết-bàn; ở đây nếu chưa được Đẳng giác, thì sẽ được Thượng lưu Bát-niết-bàn. Đó gọi là tăng thượng Ý học.
“Thế nào là tăng thượng Tuệ học? Là Tỳ-kheo học giới đã đầy đủ, định đã đầy đủ, tuệ đã đầy đủ. Nếu Tỳ-kheo nào biết như vậy, thấy như vậy, thì sẽ giải thoát tâm dục hữu lậu, giải thoát tâm hữu hữu lậu, giải thoát tâm vô minh hữu lậu; giải thoát tri kiến, ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Đó gọi là tăng thượng Tuệ học.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 824. HỌC (6)[82]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai học. Những gì là hai? Đó là thượng oai nghi học và thượng Ba-la-đề-mộc-xoa học. Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Người học[83], lúc học giới,
Thẳng đường, đi theo đó;
Chuyên xét, siêng phương tiện,
Khéo tự giữ thân mình.
Được sơ vô lậu trí[84],
Kế, cứu cánh vô tri[85];
Được vô tri giải thoát,
Đã vượt qua tri kiến.
Thành bất động giải thoát,
Các hữu kết diệt hết;
Các căn kia đầy đủ,
Các căn vui vắng lặng.
Giữ thân sau cùng này,
Hàng phục các ma oán.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 825. HỌC (7)[86]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Học giới sẽ mang lại nhiều phước lợi, an trú trí tuệ là bậc trên; giải thoát kiên cố, niệm là tăng thượng. Nếu Tỳ-kheo nào đã học giới được phước lợi; an trú trí tuệ là bậc trên; giải thoát kiên cố, niệm là tăng thượng, thì sẽ khiến cho ba học đầy đủ. Những gì là ba? Đó là tăng thượng Giới học, tăng thượng Ý học và tăng thượng Tuệ học. Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Phước lợi theo học giới,
Thiền định chuyên tư duy;
Trí tuệ là tối thượng,
Đời này là tối hậu.
Thân Mâu-ni cuối cùng,
Hàng ma qua bờ kia.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 826. HỌC (8)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sai biệt:
“Này các Tỳ-kheo, thế nào là học giới theo phước lợi? Là Đại Sư vì các Thanh văn chế giới để nhiếp thủ Tăng, tích cực nhiếp thủ Tăng, khiến người không tin, được tin; người đã tin, tăng trưởng lòng tin; điều phục người ác; người tàm quý được sống an vui; phòng hộ hữu lậu hiện tại; chính thức đối trị được đời vị lai; khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài. Như Đại Sư đã vì Thanh văn chế giới để nhiếp thủ Tăng… cho đến khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài. Học giới như vậy như vậy, hành trì giới kiên cố, giới hằng tại, giới thường hành, giữ gìn học giới. Đó gọi là Tỳ-kheo nhờ giới mà được phước lợi[87].
“Thế nào trí tuệ là hơn hết? Đại Sư vì Thanh văn nói pháp với lòng đại bi thương cảm, vì nghĩa lợi, hoặc vì an ủi, hoặc vì an lạc, hoặc vì an ủi, an lạc. Như vậy, Đại Sư vì các Thanh văn nói pháp với lòng đại bi thương cảm, vì nghĩa lợi, an ủi, an lạc. Như vậy, đối với pháp nào, chỗ nào cũng dùng trí tuệ quán sát. Đó gọi là Tỳ-kheo trí tuệ là hơn hết.
“Thế nào là giải thoát kiên cố? Đại Sư vì các Thanh văn nói pháp với lòng đại bi thương cảm, vì nghĩa lợi, an ủi, an lạc. Như vậy, thuyết giảng pháp nào, chỗ nào, nơi nào cũng đem lại được an vui giải thoát. Đó gọi là Tỳ-kheo giải thoát kiên cố.
“Thế nào là Tỳ-kheo niệm tăng thượng? Người chưa đầy đủ giới thân, chuyên tâm cột niệm an trụ; điều chưa được quán sát, thì ở chỗ này chỗ kia bằng trí tuệ cột niệm an trụ. Điều đã được quán sát, thì ở chỗ này chỗ kia trùng khởi khởi niệm an trụ. Pháp chưa được xúc, thì ở chỗ này chỗ kia giải thoát niệm an trụ. Pháp đã được xúc, thì ở chỗ này chỗ kia giải thoát niệm an trụ. Đó gọi là Tỳ-kheo chánh niệm tăng lên. Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Phước lợi theo học giới,
Thiền định chuyên tư duy;
Trí tuệ là tối thượng,
Đời này là tối hậu.
Thân Mâu-ni cuối cùng,
Hàng ma qua bờ kia.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Kinh Thi-bà-ca như Phật sẽ nói ở sau. Cũng vậy, Tỳ-kheo A-nan và Tỳ-kheo khác hỏi, Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo. Ba kinh này cũng nói như trên. KINH 827. CANH MA[88]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thí như điền phu, có ba viẹâc để làm ruộng, phải khéo tùy theo thời mà làm. Những gì là ba? Điền phu kia phải theo thời mà cày bừa, phải theo thời mà dẫn nước vào, phải theo thời mà gieo hạt. Khi điền phu kia đã theo thời cày bừa, đã dẫn nước, đã gieo hạt xuống rồi, thì không nghĩ rằng: ‘Muốn ngay ngày hôm nay chúng sanh trưởng, có quả ngay hôm nay, chín ngay hôm nay, hoặc là ngày mai hay ngày sau.’ Nhưng này các Tỳ-kheo, gia chủ kia sau khi đã cày bừa, dẫn nước, gieo hạt xuống rồi, tuy không nghĩ rằng: ‘Đang sanh trưởng, có quả và chín ngay hôm nay, hoặc ngày mai hay ngày sau.’ Mà những hạt giống kia khi đã được gieo vào trong đất, thì tự chúng theo thời mà sanh trưởng, mà có quả, mà chín.
“Cũng vậy, Tỳ-kheo đối với ba học này, phải khéo tùy thời mà học, nghĩa là phải khéo học Giới, khéo học Ý, khéo học Tuệ; khi đã học chúng rồi không nghĩ rằng: ‘Mong ta ngày nay không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát, hoặc ngày mai hay ngày sau.’ Cũng không nghĩ rằng: ‘Mong có thần lực tự nhiên mà có thể khiến cho không khởi lên các lậu, tâm giải thoát ngay hôm nay, hoặc ngày mai hay ngày sau.’ Khi đã tùy thời học tăng thượng Giới, học tăng thượng Ý, học tăng thượng Tuệ rồi, thì tùy thời mà tự mình đạt không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát.
“Này Tỳ-kheo, thí như gà mái ấp trứng, có thể từ mười cho đến mười hai ngày; phải tùy thời thăm chừng, chăm sóc giữ gìn ấm lạnh. Con gà mái ấp kia không nghĩ rằng: ‘Ngay hôm nay, hoặc ngày mai hay ngày sau, ta sẽ dùng mỏ mổ, hoặc dùng móng cào, để cho con của thoát ra khỏi vỏ một cách an toàn.’ Nhưng gà mái ấp kia khéo ấp con nó, tùy thời chăm sóc thương yêu, con của nó sẽ tự nhiên thoát ra khỏi vỏ an toàn. Cũng vậy, Tỳ-kheo khéo học Ba học, tùy theo thời tiết sẽ tự đạt được không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 828. LÔ[89]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thí như con lừa đi theo đàn bò, tự nghĩ rằng: ‘Ta phát ra tiếng bò.’ Nhưng hình dáng của nó không giống bò, màu sắc cũng không giống, âm thanh phát ra không giống, mà theo đàn bò, rồi tự cho mình là bò, phát ra tiếng bò kêu, mà thật ra khác bò xa!
“Cũng vậy, có một nam tử ngu si vi phạm giới luật, mà còn đi theo đại chúng nói rằng: ‘Ta là Tỳ-kheo! Ta là Tỳ-kheo!’ mà không học tập thắng dục về tăng thượng Giới học, tăng thượng Ý học, tăng thượng Tuệ học. Còn theo đại chúng tự cho rằng: ‘Ta là Tỳ-kheo! Ta là Tỳ-kheo!’ Nhưng kỳ thật khác xa Tỳ-kheo.”
Rồi Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Thú cùng móng, không sừng,
Đủ bốn chân, tiếng kêu;
Đi theo sau đàn bò,
Luôn cho là bạn bè.
Hình dạng chẳng phải bò,
Không thể kêu tiếng bò;
Cũng vậy, người ngu si,
Chẳng theo cột tâm niệm.
Đối lời dạy Thiện Thệ,
Không muốn siêng phương tiện;
Tâm biếng nhác, khinh mạn,
Không được đạo Vô thượng.
Như lừa trong đàn bò,
Mà luôn xa đàn bò.
Kia tuy theo đại chúng,
Nhưng luôn trái tâm hành.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành. KINH 829. BẠT-KỲ TỬ[90]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại thôn Bạt-kỳ. Bấy giờ Tôn giả Bạt-kỳ Tử hầu bên Phật. Bấy giờ, Tôn giả Bạt-kỳ Tử đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, Ngài đã nói hơn hai trăm năm mươi giới khiến cho con nhà tộc tánh, cứ mỗi nửa tháng đến thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa tu-đa-la, khiến con nhà tộc tánh tùy ý muốn mà học. Nhưng nay, bạch Thế Tôn, con không thể theo đó để học.”
Phật bảo Bạt-kỳ Tử:
“Ông có thể tùy thời mà học ba học được không?”
Bạt-kỳ Tử bạch Phật rằng:
“Có thể, bạch Thế Tôn!”
Phật bảo Bạt-kỳ Tử:
“Ông sẽ tùy thời mà học tăng thượng Giới, học tăng thượng Ý, học tăng thượng Tuệ; khi đã theo thời siêng năng học tăng thượng Giới, học tăng thượng Ý, học tăng thượng Tuệ rồi, thì không bao lâu các hữu lậu sẽ được hết, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, hiện tại tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Sau khi Bạt-kỳ Tử đã nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ mà lui.
Bấy giờ, Tôn giả Bạt-kỳ Tử sau khi nhận lãnh những lời dạy dỗ, giáo giới của Phật xong; một mình ở nơi vắng, chuyên tinh tư duy, như đã nói ở trên… cho đến tâm khéo giải thoát, đắc A-la-hán. Chú thích:
[1]. Quốc Dịch, quyển 26, tụng 5. Đạo tụng tiếp theo, “5. Tương ưng Thánh đạo, phẩm 2”. Đại Chánh, quyển 29, kinh số 797. –Pāli, S. 45.35. Sāmañña.
[2]. Sa-môn pháp 沙門法 Pāli: sāmañña.
[3]. Sa-môn quả 沙門果 Pāli: sāmaññaphala.
[4]. Pāli, S. 45.36. Sāmañña.
[5]. Sa-môn nghĩa 沙門義 . Pāli: sāmaññattha.
[6]. Pāli, 45. 37. Brahmaĩaĩa; 30-40. Brahmacariya.
[7]. Quốc Dịch, quyển 26, Tụng 5. Đạo tụng, Tương ưng 6. An-na-ban-na, gồm mười tám kinh, kinh số 12559-12576; một phẩm duy nhất. Ấn Thuận Hội Biên, Tụng 4. Đạo phẩm, Tương ưng 14. An-na-ban-na niệm, gồm hai mươi hai kinh, kinh số 1082-1103. Phần lớn tương đương Pāli, S. 54. Ànàpànasaưyutta. Đại Chánh quyển 29, kinh số 801-815. Phật Quang quyển 29, kinh số 813-827.
[8]. Pāli, S.54.1. Ekadhamma. Cf. N0101(15).
[9]. Hán: nội tức 內息 Pāli: passasati, thở vào.
[10]. Hán: ngoại tức 外息 Pāli: assasati, thở ra.
[11]. Hán: tức trường 息長 Pāli: dīghaṃ vā assasanto dīghaṃ assasāmī’ ti pajānāti, trong khi thở ra dài, biết rằng “Tôi đang thở ra dài”.
[12]. Hán: tức đoản 息短 . Pāli: rassaṃ vā assasanto rassaṃ assasāmī’ ti pajānāti, trong khi thở ra ngắn, biết rằng “Tôi đang thở ra ngắn”.
[13]. Pāli: sabbakāyapaṭisaṃvedī passasissāmī’ ti sikkhati, vị ấy học tập rằng, “cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vào”.
[14]. Hán:… nhất thiết thân hành tức xuất tức 一 切身行息出息 Pāli: passaṃbhayaṃ kāyasaṃkhāraṃ assasissāmī’ti sikkhati, vị ấy học tập rằng, “thân hành an tĩnh, tôi sẽ thở vào”.
[15]. Hán: giác tri hỷ, giác tri lạc, giác tri tâm hành 覺知喜覺知樂覺知心行 Pāli: pītippaṭisaṃvedī…, sukhappaṭisaṃvedī…, cittasaṃkhārappaṭisaṃvedī…
[16]. Hán:… tâm hành tức nhập tức… 心行息入息 Pāli: passambhayaṃ cittasaṃkhāraṃ passasissāmī’ti sikkhati, vị ấy học rằng, “tâm hành an tĩnh, tôi sẽ thở vào,”
[17]. Giác tri tâm, giác tri tâm duyệt, giác tri tâm định, giác tri tâm giải thoát 覺知心覺知心悅覺知心定覺知心解脫入息. Pāli: cittappaṭisaṃvedī…, abhippamodayaṃ cittaṃ…, samādahaṃ cittaṃ…, vimocayaṃ cittaṃ…,
[18]. Hán: quán sát vô thường… đoạn… vô dục… diệt 觀察無常斷無欲烕
Pāli: aniccanupassī… virāgānupassī… nirodhānupassī… paṭinissaggānupassī, quán vô thường, quán ly dục, quán diệt, quán xả ly.
[19]. Pāli, S. 54. 2-5. Bojjhaṅga,v.v…
[20]. Tóm tắt có bảy kinh.
[21]. Pāli, S. 54.6. Ariṭṭha.
[22]. Hán: ư nội ngoại đối ngại tưởng 於內外對礙想. Pāli: ajjhattaṃ bahidhā ca dhammesu paṭighasañña, tri giác tưởng về tính đối ngại (tính đối kháng của vật chất, cũng có nghĩa sự sân hận) nơi các pháp nội và ngoại.
[23]. Pāli, S. 54.7. Kappina.
[24]. Pāli: neva kayassa iñjitaṃ và hoti phanditaṃ vā, na cittassa iñjitaṃ và hoti phanditaṃ vā, thân không dao động, không khuynh động; tâm không dao động, không khuynh động.
[25]. Pāli, S. 54.11. Icchānaṅgala.
[26]. Nhất-xa-năng-già-la 一奢能伽羅 Pāli: Icchānaṅgala.
[27]. Hán: nhị nguyệt 二 月 . Pāli: temāsaṃ, ba tháng.
[28]. Hán: thời đáo 時到 . Có lẽ Pāli: kālagata, chết.
[29]. Trong bản: A-la-ha tịch diệt 阿羅訶寂滅
[30]. Thánh trụ 聖住 Pāli: ariyavihāra.
[31]. Thiên trụ 天住 Pāli: dibbavihāra.
[32]. Phạm trụ 梵住 Pāli: brahmavihāra.
[33]. Học trụ 學住 Pāli: sekhavihāra.
[34]. Vô học trụ 無 學 住 Pāli: asekhavihāra.
[35]. Như Lai trụ 如 來 住 Pāli: tathāgatavihāra.
[36]. Hiện pháp lạc trụ 現 法 樂 住 Pāli: diṭṭhadhammasukhavihāra.
[37]. Pāli, S.54.12. Kaṅkheyya.
[38]. Ca-tỳ-la-việt Ni-câu-luật thọ viên . Pāli: Kapilavatthusmiư nigrodhàràme.
[39]. Thích thị Ma-ha-nam 釋氏摩訶南. Pāli: Mahānāmo sakko.
[40]. Ca-ma Tỳ-kheo 迦摩比丘 ma Bản Pāli: āyasmā Lokasakaṃbhiyo.
[41]. Học trụ 學住 Pāli: sekhavihāra.
[42]. Xem cht.35, kinh 807.
[43]. Pāli: bhikkhū sekhā… te pañca nīvaraṇe pahāya viharanti, các Tỳ-kheo hữu học an trụ sau khi đoạn trừ năm triền cái.
[44]. Xem kinh 807.
[45]. Xem cht.27, kinh 807 trên.
[46]. Pāli, S. 54.9. Vesāli. Tham chiếu, Tứ phần quyển 2, Tăng kỳ quyển 4, Ngũ phần quyển 2; Mahavagga iii.68.
[47]. Kim cương tụ lạc Bạt-cầu-ma hà trắc Tát-la-lê lâm 金剛聚落跋求摩河側薩羅梨林. Bản Pāli: Vesāliyaṃ… Mahāvane Kūṭāgārālāyaṃ.
[48]. Hán: bất tịnh ác lộ. Pāli: asubha.
[49]. Lộc Lâm phạm chí tử 鹿林梵志子. Tứ phần: Vật-lực-già Nan-đề 物力伽難提 . Thập tụng: Lộc Trượng phạm chí 鹿丈梵志 . Pāli: Miga-laṇḍika samaṇakuttaka. Bản Hán đọc puttaka (con trai) thay vì kuttaka (kẻ giả trang).
[50]. Bạt-cầu-ma hà 跋求摩. Pāli: Vaggumudā.
[51]. Pāli, S. 54. 13-14. Ānanda.
[52]. Minh giải thoát 明解脫Pāli: vijjāvimutti.
[53]. Hán: dị ư thân 異於身. Pāli: kāyantarāhaṃ ānanda etam vadāmi yadidaṃ assāsa passāsaṃ, tùy thuộc một (trong hai) thân, ta nói cái đó là hơi thở ra, hơi thở vào.
[54]. Hán: dị thọ… tùy thọ (nguyên bản: thân) tỉ tư duy 異受隨受(身)比思惟 . Pāli: vedanāññatarāhaṃ ānanda etaṃ vadāmi yadidaṃ assāsa passāsaṃ sādhukaṃ manasikaṃ, tùy theo một thọ, ta nói cái này là hơi thở ra, hơi thở vào được khéo léo tác ý.
[55]. Tóm tắt có hai kinh.
[56]. Pāli, S. 54.10. Kimila.
[57]. Kim-tỳ-la tụ lạc Kim-tỳ lâm 金毘羅聚落金毘林. Pāli: Kimilāyaṃ viharati veḷuvane.
[58]. Kim-tỳ-la 金毘羅Pāli: Kimila, tức Kimbila.
[59]. Cù-đàm, đây chỉ A-nan, gọi theo dòng họ.
[60]. Không mệt nhọc. Pāli, S. 54.8. Dīpa.
[61]. Pāli: neva kāyo kilamati na cakkhūni anupādāya ca me āsavehi cittaṃ vimuccati, thân không mệt mỏi, mắt cũng không; Ta, sau khi không còn chấp thủ, tâm được giải thoát khỏi các lậu hoặc.
[62]. Ca-đê nguyệt 迦低月Pāli: kaṭṭika, thường chỉ tháng sau ngày giải chế an cư.
[63]. Ấn Thuận Hội Biên, “15. Tương ưng học,” gồm ba mươi hai kinh, số 1104-1135 (Đại Chánh, kinh 816-832). Không có tương đương Saṃyutta Pāli; phần lớn tương đương Aṅguttara. 3. Quốc Dịch, quyển 26, “7. Tương ưng học,” kinh số 12577-12608 (qua một phần quyển 27), chia làm hai phẩm, phẩm 1, kinh 12577-12593, phẩm 2, kinh 12594-12608. –Đại Chánh, quyển 29, kinh 816. Pāli, A. 3.89. Sikkhā.
[64]. Tăng thượng ý 增上意 tức tăng thượng tâm, chỉ định học. Pāli: adhicitta.
[65]. Thị thuyết vi giác tích đệ nhất thanh lương tập 是說為覺跡第一清涼集Pāli: tamāhu sekkhaṃ paṭipadaṃ, atho saṃsuddhacāriyam, đây gọi là lối đi hữu học, hành thanh tịnh. Bản Hán đọc samudàcàra, sự tập khởi, hay tập hành.
[66]. Pāli, S. 3.88. Sikkhā.
[67]. Hán: vô thượng tuệ thọ nhi hoạt 無上慧壽而活.
[68]. Pāli, S. 3.87. Sādhika (Sikkhā.1).
[69]. Hán: quá nhị bách ngũ thập giới 過二百五十戒 Bản Pāli: diyaḍḍha-sikkhāpadasataṃ, một trăm năm mươi điều học giới.
[70]. Pāli, A. 3.86. Sekkha.
[71]. Pāli: sīìlesu paripūrakārī hoti samādhismiṃ mattaso kārī paññāya mattaso kārī, nơi giới hành trì toàn phần, nơi định, tuệ hành trì một phần nhỏ.
[72]. Hán: giới sư thường trú 戒 師 常 住 Pāli: ṭhitasīlo, giới trụ vững.
[73]. Pāli, A. 3.85. Sikkhā.
[74]. Xem cht.69 kinh 819 trên.
[75]. Xem cht.71 kinh 820 trên.
[76]. Nhất chủng đạo 一種道 quả vị thuộc Tư-đà-hàm. Pāli: ekabīja.
[77]. Xem kinh 821.
[78]. Xem cht.71 kinh 820.
[79]. Xem cht.71 kinh 820.
[80]. Nhất chủng đạo (Pāli: ekabījīka), Câu-xá 24 gọi là nhất gián 一間 , vị Thánh giả còn một lần tái sanh Dục giới nữa sẽ chứng quả A-na-hàm.
[81]. Gia gia (Pāli: kulaṃ kula), chỉ vị Tu-đà-hoàn còn một hay ba lần tái sanh nữa thì đạt Nhất lai hướng. Xem Câu-xá 24.
[82]. Pāli, A.3.84. Sekha.
[83]. Hán: học giả 學者 tức học nhân, chỉ Thánh giả hữu học. Paki: sekha.
[84]. Pāli: khayasmiṃ paṭhamaṃ ñāṇaṃ, trong sự đoạn tận, trí thứ nhất (khởi lên).
[85]. Hán: thứ cứu cánh vô tri 次究竟無知 Pāli: tato aññā anantarā, kế đó, không gián đoạn, chánh trí (khởi lên). Bản Hán đọc aññāṇa, vô tri hay vô trí, thay vì là aññā: chánh trí (của A-la-hán).
[86]. Cf. It. 46. Sikkhā.
[87]. Luật các bộ: thập cú nghĩa 十句義 , mười mục đích Phật chế giới. Cf. Pāli: dasa atthavase paṭicca.
[88]. Pāli, S. 3.82. Sukhetta.
[89]. Con lừa. Pāli. A. 3.81. Samaṇa.
[90]. Pāli, A. 3.83. Vajjiputta.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.168.126 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.