Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình.
Kinh Pháp cú
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Hiệu đính và chú thích: Thích Tuệ Sỹ KINH 1081. KHỔ CHÚNG [1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở vườn Lộc dã, tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ sáng sớm Thế Tôn đắp y, ôm bát, vào thành Ba-la-nại khất thực. Lúc ấy, cũng có Tỳ-kheo đắp y, ôm bát, vào thành khất thực, đứng dưới gốc cây bên đường, vì nương vào ác tham[2] nên sanh giác tưởng bất thiện[3]. Thế Tôn thấy Tỳ-kheo đứng dưới bóng cây, sống bằng vị ác tham nên sanh giác tưởng bất thiện, bảo rằng:
“Này Tỳ-kheo! Tỳ-kheo! Chớ gieo trồng hạt giống đắng[4], để rồi xông lên mùi thối, nước rỉ chảy ra. Nếu Tỳ-kheo nào gieo trồng hạt giống đắng, để rồi xông lên mùi thối, nước rỉ chảy ra, mà muốn cho ruồi nhặng không tranh nhau bu lại, thì điều đó không thể có được.”
Lúc ấy Tỳ-kheo kia tự nghĩ: “Thế Tôn đã biết được niệm ác trong tâm ta.” Chợt lòng cảm thấy sợ hãi, toàn thân lông dựng đứng.
Bấy giờ, sau khi Thế Tôn vào thành khất thực, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân, rồi vào phòng tọa thiền. Chiều hôm ấy, từ thiền tịnh dậy, Ngài vào trong Tăng, trải tòa ngồi trước đại chúng và bảo các Tỳ-kheo:
“Sáng nay, Ta đắp y, ôm bát vào thành khất thực, thấy một Tỳ-kheo đứng dưới bóng cây, nương vào ác tham dục, phát sanh giác tưởng bất thiện. Khi Ta thấy vậy liền bảo rằng: ‘Tỳ-kheo! Tỳ-kheo! Chớ gieo trồng hạt giống đắng, để rồi xông lên mùi thối, nước rỉ chảy ra. Nếu Tỳ-kheo nào gieo trồng hạt giống đắng, để rồi xông lên mùi thối, nước rỉ chảy ra, mà muốn cho ruồi nhặng không tranh nhau bu lại, thì điều đó không thể có được.’ Lúc đó, Tỳ-kheo kia liền tự nghĩ: ‘Phật đã biết được niệm của ta.’ Lòng cảm thấy hổ thẹn, sợ hãi đến nỗi lông dựng cả lên, rồi theo đường mà đi.”
Khi ấy, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dạy, sửa lại y phục, bày áo vai bên hữu, chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, thế nào là hạt giống đắng? Thế nào là sanh hôi thối? Thế nào là nước rỉ chảy? Thế nào là ruồi nhặng?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Phẫn nộ, phiền oán gọi là hạt giống đắng. Công đức ngũ dục gọi là sanh hôi thối. Đối với lục xúc nhập xứ không nhiếp luật nghi gọi là chất nước rỉ chảy. Và khi đã không nhiếp xúc nhập xứ, thì các tâm ác bất thiện, tham ưu tranh nhau sanh ra, đó gọi là ruồi nhặng[5].”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Tai mắt không phòng hộ,
Tham dục theo đó sanh;
Đó gọi là giống đắng,
Hôi thối, nước rỉ chảy.
Khí vị các giác quán,
Do nếm ác tham dục.
Nơi xóm làng, chỗ vắng,
Đối với ngày hoặc đêm,
Viễn ly, tu phạm hạnh,
Cứu cánh biên tế khổ.
Nếu nội tâm tịch tĩnh,
Quyết định biết chân thật.
Thức ngu thường an lạc,
Ruồi nhặng bị tận diệt.
Thân cận bậc Chánh sĩ,
Khéo nói đường Hiền thánh;
Biết rõ bát Chánh đạo,
Không tái sanh thân sau.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1082. UNG NHỌT[6]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, sáng sớm Thế Tôn đắp y, ôm bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong Thế Tôn trở về tinh xá, rửa chân rồi vào rừng An-đà tọa thiền.
Khi ấy có một Tỳ-kheo cũng sáng sớm đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong trở về tinh xá, rửa chân rồi vào rừng An-đà nhập chánh thọ ban ngày[7], dưới một bóng cây. Khi Tỳ-kheo này nhập chánh thọ ban ngày, vì nương vào tâm nếm vị tham dục nên khởi lên giác tưởng bất thiện. Khi ấy có Thiên thần đang ở tại rừng An-đà tự nghĩ: “Tỳ-kheo này, thật không tốt đẹp, không thích hợp, ngồi thiền ở trong rừng An-đà mà tâm nếm vị ác tham, khởi lên giác tưởng bất thiện. Ta nên đến quở trách.” Nghĩ xong liền nói với Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo! Tỳ-kheo, đang nổi nhọt, bướu phải không?”
Tỳ-kheo đáp:
“Sẽ trị cho khỏi.”
Thiên thần bảo Tỳ-kheo:
“Bệnh ung nhọt như cái vạc sắt, làm sao có thể bình phục được?”
Tỳ-kheo bảo:
“Chánh niệm, chánh trí đủ có thể bình phục.”
Thiên thần bạch rằng:
“Tốt thay! Hay thay! Đó là cách trị bệnh nhọt chân thật của Hiền thánh. Trị bệnh nhọt như vậy, cuối cùng có thể bớt, mà không bao giờ phát tác nữa.”
Chiều hôm ấy, Thế Tôn từ thiền tịnh dậy, trở về vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, vào trong Tăng, trải tòa ngồi trước đại chúng và bảo các Tỳ-kheo:
“Sáng sớm nay Ta đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, khất thực xong trở về rừng An-đà tọa thiền, nhập chánh thọ ban ngày. Có một Tỳ-kheo cũng sáng sớm đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong trở về tinh xá, rửa chân rồi vào rừng An-đà nhập chánh thọ ban ngày, dưới một bóng cây. Khi Tỳ-kheo này nhập chánh thọ ban ngày, vì nương vào tâm nếm vị tham dục nên khởi lên giác tưởng ác bất thiện. Khi ấy có thiên thần đang ở tại rừng An-đà tự nghĩ: ‘Tỳ-kheo này, thật không tốt đẹp, không thích hợp, ngồi thiền ở trong rừng An-đà mà tâm nếm vị ác tham, khởi lên giác tưởng bất thiện. Ta nên đến quở trách.” Nghĩ xong liền nói với Tỳ-kheo: ‘Tỳ-kheo! Tỳ-kheo, đang nổi nhọt, bướu phải không?’ Nói đầy đủ như trên… cho đến như vậy Tỳ-kheo: ‘Tốt thay! Hay thay! Đó là cách trị bệnh nhọt chân thật của Hiền thánh.’”
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:
Con người[8] nổi nhọt, bướu,
Tự sanh ra bệnh khổ;
Mong cầu dục thế gian,
Tâm nương vào ác tham.
Vì sanh ra nhọt bướu,
Ruồi nhặng tranh nhau đến.
Nhọt, bướu là tham cầu,
Ruồi nhặng là ác giác,
Cùng các tâm tham nếm,
Thảy đều từ ý sanh;
Đục khoét tâm con người,
Để cầu hoa danh lợi.
Lửa dục càng hừng hực,
Vọng tưởng giác bất thiện;
Thân tâm ngày đêm suy.
Xa lìa đạo tịch tĩnh,
Nếu nội tâm vắng lặng,
Trí quyết định sáng suốt;
Không còn nhọt bướu kia,
Thấy Phật, đường an ổn,
Vết tích Chánh sĩ theo,
Hiền thánh khéo tuyên nói,
Con đường trí sáng biết,
Không còn thọ các hữu.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1083. ĂN CỦ RỄ[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở nơi giảng đường Trùng các, bên ao Di-hầu, tại nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ sáng sớm, có nhiều Tỳ-kheo đắp y, ôm bát, vào thành Tỳ-xá-ly khất thực. Khi đó, có một Tỳ-kheo tuổi trẻ, xuất gia chưa bao lâu, không rành Pháp luật, nên lúc khất thực không biết thứ tự trước sau; các Tỳ-kheo khác thấy vậy nói với vị ấy:
“Thầy tuổi còn trẻ, mới xuất gia, chưa biết Pháp luật: không được đi vượt qua, không được đi ngang hàng. Đi khất thực mà trước sau không theo thứ tự, trường kỳ sẽ chịu khổ, không bao giờ được lợi ích.”
Tỳ-kheo tuổi trẻ thưa:
“Các Thượng tọa cũng vượt thứ lớp, không theo trước sau, đâu phải chỉ một mình tôi.”
Đã ba lần như vậy, vẫn không thể làm cho vị ấy dừng lại. Các Tỳ-kheo đi khất thực xong, trở về tinh xá cất y bát, rửa chân xong, đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui ra một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sáng sớm chúng con đắp y, ôm bát vào thành Tỳ-xá-ly khất thực, có một Tỳ-kheo tuổi trẻ xuất gia nơi Pháp luật này chưa bao lâu, khi đi khất thực không theo thứ tự trước sau, lại đi ngang hàng. Các Tỳ-kheo đã ba lần can gián nhưng vẫn không chịu, mà nói rằng: ‘Các Thượng tọa cũng không có thứ tự sao lại rầy tôi?’ Các Tỳ-kheo chúng con đã ba lần răn nhắc, vẫn không chịu nghe nên đến bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn vì thương xót mà dẹp trừ điều phi pháp.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Như trong đầm không, có hồ nước lớn, có một long tượng[10] to ở trong đó, nhổ những củ rễ, rửa sạch bùn đất sau đó ăn chúng. Ăn rồi thì thân thể mập mạp, sung sức và đầy hạnh phúc. Vì lý do này nên luôn sống lạc sướng. Có một con voi thuộc chủng tộc khác[11], hình thể gầy yếu, bắt chước long tượng kia, nhổ củ rễ, nhưng rửa không sạch, còn để lẫn bùn đất mà ăn. Ăn vào không tiêu, thân thể không mập mạp mà trở thành gầy yếu, vì vậy dẫn đến chỗ chết, hoặc khổ gần chết.
“Cũng vậy, Tỳ-kheo tôn túc, đức độ, học đạo lâu ngày, không ưa thích đùa giỡn, tu phạm hạnh đã lâu, được Đại Sư khen ngợi; cũng được các vị tu phạm hạnh trí khác lại càng khen ngợi hơn. Các Tỳ-kheo này nương nơi thành ấp, làng xóm; sáng sớm đắp y, ôm bát đi khất thực, khéo giữ gìn thân miệng, khéo nhiếp các căn, chuyên tâm cột niệm, có thể khiến người nào không tin phát lòng tin, người đã có lòng tin sẽ không biến đổi. Khi được tài lợi, y phục, đồ ăn, thức uống, giường nằm, thuốc men; vị ấy không nhiễm, không đắm, không tham, không ham, không mê, không theo đuổi; mà thấy được lỗi lầm, tai hại, thấy sự xuất ly chúng, sau đó mới dùng. Ăn xong, thân tâm đều đượm vẻ an lạc, sắc được tươi, sức được khỏe. Vì nhân duyên này Tỳ-kheo luôn luôn được an lạc.
“Tỳ-kheo tuổi trẻ kia xuất gia chưa được bao lâu, chưa quen rành Pháp luật, y theo các bậc Trưởng lão, nương vào nơi làng xóm. Khi đắp y, ôm bát vào thôn khất thực, mà không khéo hộ thân, không giữ gìn các căn, không chuyên cột niệm, không thể khiến cho người chưa tin phát lòng tin và người đã tin không thay đổi. Nếu được tài lợi, y phục, đồ ăn, thức uống, ngọa cụ, thuốc men; mà sanh nhiễm, đắm, tham lam, đeo đuổi, không thấy lỗi lầm, tai hại, không thấy sự thoát ly, vì tâm tham nếm thức ăn này, nên không thể làm cho thân lạc tươi, an ổn, sung sướng được. Vì ăn như vậy nên chuyển đến cái chết, hoặc khổ giống như chết. Nói là chết có nghĩa là xả giới, hoàn tục, mất Chánh pháp, Chánh luật. Khổ giống như chết nghĩa là phạm Chánh pháp luật, không biết tội tướng, không biết trừ tội.”
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Long tượng nhổ rễ sen,
Nước rửa sạch rồi ăn,
Voi giống khác bắt chước,
Ăn rễ dính lẫn bùn.
Vì ăn nhằm bùn đất,
Gầy yếu bệnh đến chết.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1084. TRƯỜNG THỌ[12]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở giữa bãi tha ma trong rừng Lạnh[13], thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Mệnh sống rất ngắn, chỉ thoáng đã trở thành đời sau. Hãy nên siêng tu tập pháp thiện, tu các phạm hạnh. Không có gì sanh mà không chết. Nhưng người thế gian không siêng năng, nỗ lực chuyên tu pháp thiện, tu hiền, tu nghĩa.”
Lúc ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đang trú giữa nghĩa địa trong rừng Lạnh, thành Vương xá, vì các Thanh văn nói pháp như vậy. Mệnh sống con người rất ngắn,… cho đến không tu hiền, tu nghĩa. Nay ta nên đến làm nhiễu loạn.’
Ma Ba-tuần liền hóa thành một thiếu niên đến trước Phật, mà nói kệ:
Thường bức bách chúng sanh,
Được sống lâu cõi người.[14]
Mê say tâm phóng dật,
Cũng không đến chỗ chết.
Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Đây là ác ma đến làm não loạn.’ Liền nói kệ:
Thường bức bách chúng sanh,
Mạng sống thật ngắn ngủi;
Nên tinh tấn cần tu,
Như cứu lửa cháy dầu.
Chớ lười dù chốc lát,
Khiến ma chết chợt đến.
Biết ngươi là ác ma,
Mau đi khỏi nơi đây.
Thiên ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Liền hổ thẹn, lo buồn biến mất. KINH 1085. THỌ MẠNG[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở giữa nghĩa địa trong rừng Lạnh, tại thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tất cả hành là vô thường, tất cả hành không thường hằng, bất an, là pháp biến dịch, không nghỉ ngơi[16],… cho đến hãy đình chỉ tất cả hành hữu vi, yểm ly, không ưa thích, giải thoát.”
Lúc ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Nay Sa-môn Cù-đàm đang trú trong rừng Lạnh, tại thành Vương xá, vì các Thanh văn nói pháp như vầy: ‘Tất cả hành là vô thường, không thường hằng, bất an, là pháp biến dịch, không nghỉ ngơi… cho đến nên đình chỉ tất cả hữu vi, yểm ly, không ưa thích, giải thoát.’ Ta sẽ đến đó làm nhiễu loạn.” Liền hóa ra một thiếu niên đi đến chỗ Phật, đứng trước Phật mà nói kệ:
Mạng sống trôi ngày đêm,
Không lúc nào cùng tận.[17]
Mạng sống đến rồi đi,
Giống như bánh xe lăn.
Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Đó là ác ma muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:
Ngày đêm luôn đổi dời,
Mạng cũng theo đó giảm.
Mạng người tạm tiêu mất,
Giống như dòng nước nhỏ.
Ta biết ngươi ác ma,
Hãy tự tiêu mất đi.
Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Liền hổ thẹn, lo buồn biến mất. KINH 1086. MA TRÓI[18]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ, ban đêm, Thế Tôn dậy đi kinh hành. Đến cuối đêm, rửa chân, vào phòng ngồi ngay thẳng, chuyên tâm cột niệm.
Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Ban đêm Thế Tôn dậy đi kinh hành. Đến cuối đêm, rửa chân, vào phòng ngồi ngay thẳng, chuyên tâm cột niệm thiền tư. Bây giờ, ta sẽ đến làm nhiễu loạn.’ Liền hóa ra một thiếu niên đứng trước Phật nói kệ:
Tâm ta ở giữa không,
Cầm dây dài buông xuống.[19]
Nhằm muốn trói Sa-môn,
Khiến ngươi không thoát được.
Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:
Ta nói, ở thế gian,
Năm dục, ý thứ sáu;
Đối chúng đã lìa hẳn,
Tất cả khổ đã dứt.
Ta đã lìa dục kia,
Tâm ý thức cũng diệt.
Ba-tuần, Ta biết ngươi,
Mau đi khỏi nơi đây.
Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Liền hổ thẹn, lo buồn biến mất. KINH 1087. NGỦ NGHỈ[20]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, vào ban đêm, Thế Tôn dậy đi kinh hành. Đến cuối đêm, rửa chân, vào phòng, nằm nghiêng bên phải, cột niệm vào tướng ánh sáng, chánh niệm, chánh trí, nghĩ tưởng đến thức.
Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá… cho đến nghĩ tưởng đến thức. Bây giờ, ta sẽ đến để gây trở ngại.’ Liền hóa thành một thiếu niên đứng trước mặt Phật mà nói kệ:
Ngủ sao, vì sao ngủ?
Đã diệt, sao còn ngủ?
Nhà trống, làm sao ngủ?
Ra được, sao lại ngủ?
Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ đáp:
Vì lưới ái nên nhiễm,
Không ái, ai kéo đi?
Diệt tất cả hữu dư,
Chỉ Phật được ngủ yên.
Ngươi ác Ma Ba-tuần,
Nói những gì ở đây?
Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Liền hổ thẹn, lo buồn biến mất. KINH 1088. KINH HÀNH[21]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành Vương xá. Bấy giờ vào ban đêm, trời mưa bụi, có tia chớp lóe lên. Thế Tôn ra khỏi phòng đi kinh hành.
Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành Vương xá. Đêm tối, trời mưa bụi, tia chớp lóe lên, Sa-môn Cù-đàm ra khỏi phòng, đi kinh hành. Bấy giờ, ta sẽ đến gây trở ngại.’ Nó cầm một khối đá to, đùa giỡn trên hai tay, đến trước Phật bóp nát thành bụi nhỏ.
Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:
Dù núi Kỳ-xà-quật,
Trước Ta, bị bóp nát;
Thì chư Phật giải thoát,
Cũng không động mảy lông.
Giả sử trong bốn biển,
Khiến tất cả núi non;
Và thân tộc phóng dật[22],
Khiến nát thành vi trần,
Cũng không làm lay động,
Một sợi tóc Như Lai.
Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Liền hổ thẹn, lo buồn biến mất. KINH 1089. ĐẠI LONG[23]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành Vương xá. Bấy giờ, ban đêm, Thế Tôn dậy đi kinh hành, cho đến cuối đêm, rửa chân, vào phòng, thân ngồi ngay thẳng, cột niệm ở trước.
Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành Vương xá, ban đêm Thế Tôn dậy đi kinh hành cho đến cuối đêm, rửa chân, vào phòng, thân ngồi ngay thẳng, cột niệm ở trước. Bây giờ, ta sẽ đến để gây trở ngại.’ Liền hóa thành một con rồng to[24] quấn Phật bảy vòng, cất đầu đến trên đảnh Phật, thân như chiếc thuyền to, đầu như cái buồm lớn, mắt đỏ như lò đồng, lưỡi như điện chớp, hơi thở dữ dội như tiếng sấm. Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:
Giống như ngôi nhà trống,
Tâm Mâu-ni rỗng lặng;
Chuyển xoay ở trong đó,
Thân Phật cũng như vậy.
Vô lượng rồng hung ác,
Ruồi, muỗi, rệp, côn trùng;
Tụ lại ăn thân kia,
Cũng không động lông tóc.
Dù phá nát hư không,
Nghiêng úp cả đại địa;
Tất cả loài chúng sanh,
Đều đến gây kinh sợ.
Gươm, mâu, đao, tên bén,
Cũng đến hại thân Phật;
Mọi bạo hại như vậy,
Cũng không tổn mảy lông.
Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Trong lòng cảm thấy lo buồn liền biến mất. KINH 1090. NGỦ YÊN[25]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong thất đá, núi Tỳ-bà-la trong rừng Thất diệp thọ[26], thành Vương xá. Bấy giờ, ban đêm, Thế Tôn dậy, nơi đất trống hoặc ngồi, hoặc đi kinh hành đến cuối đêm, rửa chân, vào thất, nằm yên nghỉ, nghiêng hông bên phải sát đất, hai chân chồng lên nhau, cột niệm vào tướng ánh sáng, chánh niệm, chánh trí, nghĩ tưởng đến thức.
Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở trong thất đá, núi Tỳ-bà-la trong rừng Thất diệp thọ, thành Vương xá. Bấy giờ, ban đêm, Thế Tôn dậy, nơi đất trống, hoặc ngồi, hoặc đi kinh hành đến cuối đêm, rửa chân, vào thất, nằm yên nghỉ, nghiêng hông bên phải sát đất, hai chân chồng lên nhau, cột niệm vào tướng ánh sáng, chánh niệm, chánh trí, nghĩ tưởng đến thức. Bây giờ, ta sẽ đến gây trở ngại.’ Ma Ba-tuần hóa ra một thiếu niên đến đứng trước Phật, mà nói kệ:
Nhân vì ta nên ngu?
Hay là vì đời sau?
Có nhiều tiền, của báu?
Cớ sao chọn ở rừng?
Một mình không bè bạn,
Mà mê đắm ngủ nghỉ?
Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:
Không nhân ngươi nên ngủ,
Không phải vì đời sau,
Cũng không nhiều tiền của,
Chỉ gom báu vô ưu.
Vì thương xót thế gian,
Nên nằm nghiêng hông phải,
Thức cũng không nghi hoặc
Ngủ cũng không sợ hãi.
Hoặc ngày, hoặc lại đêm,
Không tăng cũng không giảm.
Vì thương chúng sanh ngủ,
Nên không có tổn giảm.
Dù dùng trăm mũi nhọn,
Xuyên thân, luôn khuấy động,
Vẫn được ngủ an ổn,
Vì lìa gươm bên trong.
Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Liền hổ thẹn, lo buồn biến mất. KINH 1091. CÙ-ĐỀ-CA[27]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở nơi thất đá, núi Tỳ-bà-la trong rừng Thất diệp thọ[28], thành Vương xá. Bấy giờ, có Tôn giả Cù-đề-ca[29] cũng ở thành Vương xá, trong hang Đá đen bên sườn núi Tiên nhân[30], một mình tư duy, tu hạnh không phóng dật, tự được nhiều lợi ích, tự chứng ngộ tâm giải thoát nhất thời[31], nhiều lần bị thoái chuyển. Lần thứ nhất, thứ hai, ba, bốn, năm, sáu, trở đi, trở lại; sau khi tự thân tác chứng tâm giải thoát nhất thời, chẳng bao lâu lại thoái chuyển.
Tôn giả Cù-đề-ca tự nghĩ: ‘Một mình ta ở chỗ vắng tư duy, hành không phóng dật, tinh tấn tu tập để tự được lợi ích, khi tự thân chứng ngộ tâm giải thoát nhất thời, mà nhiều lần lại còn thoái chuyển, cho đến sáu lần vẫn còn thoái chuyển lại. Bây giờ, ta nên dùng đao tự sát chớ để cho thoái chuyển lần thứ bảy.’
Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở nơi thất đá, núi Tỳ-bà-la trong rừng Thất diệp thọ, tại thành Vương xá, có đêï tử là Cù-đề-ca cũng ở thành Vương xá, trong hang Đá đen bên sườn núi Tiên nhân, một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, khi tự thân tác chứng tâm giải thoát nhất thời, qua sáu lần thoái chuyển. Ông tự nghĩ: ‘Ta đã qua sáu lần phản thoái mới trở lại được, chớ để cho thoái chuyển lần thứ bảy. Ta hãy dùng đao tự sát chớ để cho thoái chuyển lần thứ bảy.’ Nếu Tỳ-kheo kia dùng đao tự sát, ta chớ để tự sát, mà ra khỏi cảnh giới của ta. Bây giờ ta nên đến bảo Đại Sư ông ấy.”
Bấy giờ, Ma Ba-tuần cầm đàn tỳ bà bằng lưu ly, đến chỗ Thế Tôn, vừa khảy đàn vừa nói kệ:
Đại trí đại phương tiện,
Tự tại thần lực lớn,
Được đệ tử sáng chói,
Mà nay muốn chết đi.
Đại Mâu-ni nên ngăn,
Chớ để ông tự sát.
Sao để đệ tử Phật,
Theo học Chánh pháp luật,
Học nhưng không chứng đắc,
Chỉ muốn chết cho xong?
Ma Ba-tuần nói kệ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Ba-tuần, giống phóng dật,
Vì việc mình nên đến,
Bậc đã được kiên cố,
Thường trụ diệu thiền định.
Ngày đêm chuyên tinh tấn,
Không nghĩ đến tánh mạng,
Thầy ba cõi đáng sợ,
Đoạn trừ ái dục kia.
Đã chiết phục quân ma,
Cù-đề Bát-niết-bàn.
Tâm Ba-tuần buồn lo,
Tỳ bà rơi xuống đất.
Lòng ôm ấp ưu sầu,
Liền biến mất không hiện.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ông hãy cùng Ta đến hang Đá đen bên sườn núi Tiên nhân, xem Tỳ-kheo Cù-đề-ca dùng đao tự sát.”
Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo đến hang Đá đen bên sườn núi Tiên nhân, thấy Tỳ-kheo Cù-đề-ca đã tự sát nằm trên đất, bảo các Tỳ-kheo:
“Các ông có thấy Tỳ-kheo Cù-đề-ca tự sát, thân thể nằm trên đất không?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thưa vâng Thế Tôn, đã thấy.”
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ông có thấy chung quanh thân thể Tỳ-kheo Cù-đề-ca bốc khói đen đầy khắp bốn phía không?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đã thấy.”
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Đó là ác Ma Ba-tuần ở bên thân thiện nam Cù-đề-ca, đang quanh quẩn tìm thần thức; nhưng Tỳ-kheo Cù-đề-ca với tâm vô trụ[32] mà cầm đao tự sát!”
Bấy giờ, Thế Tôn vì Tỳ-kheo Cù-đề-ca thọ ký lần đầu tiên.
Lúc ấy, Ma Ba-tuần nói kệ:
Trên dưới cùng các phương,
Tìm khắp thần thức kia,
Đều không thấy nơi này,
Cù-đề-ca để đâu?
Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ:
Bậc kiên cố như vậy,
Không thể tìm ở đâu.
Nhổ sạch gốc ân ái,
Cù-đề Bát-niết-bàn.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1092. MA NỮ[33]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở dưới gốc cây Bồ-đề, tại làng Uất-bề-la bên bờ sông Ni-liên-thiền, thành đạo chưa bao lâu. Bấy giờ, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở dưới gốc cây Bồ-đề, tại làng Uất-bề-la bên bờ sông Ni-liên-thiền, thành đạo chưa bao lâu. Ta sẽ đến đó làm chướng ngại.’
Ma Ba-tuần hóa ra một thiếu niên đến trước Phật mà nói kệ:
Một mình vào chỗ vắng,
Thiền tư, tĩnh tư duy,
Đã bỏ nước, tài bảo,
Ở đây cầu lợi gì?
Nếu cầu lợi xóm làng,
Sao không gần gũi người?
Đã không gần gũi người,
Rốt cuộc được gì nào?
Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:
Đã được tài lợi nhiều,
Tri túc, an tịch diệt,
Điều phục bọn quân ma,
Không đắm vào sắc dục.
Một mình riêng thiền tư,
Nếm vị thiền diệu lạc,
Cho nên không cùng người,
Quanh quẩn gần gũi nhau.
Ma lại nói kệ:
Cù-đàm nếu tự biết,
Đường Niết-bàn an ổn,
Riêng mình lạc vô vi,
Tại sao gượng dạy người?
Phật lại nói kệ đáp:
Chẳng phải chỗ ma cấm,
Lại hỏi qua bờ kia,
Thì Ta đáp chân chánh,
Khiến người đắc Niết-bàn.
Kịp thời không phóng dật,
Tự tại không theo ma.
Ma lại nói kệ:
Có đá như mỡ đặc,
Chim chóc muốn lại ăn,
Cuối cùng không được vị,
Trượt mỏ trở về không.
Nay ta cũng như chúng
Luống nhọc về Thiên cung.
Ma nói vậy xong, trong lòng cảm thấy lo buồn, tâm bỗng biến đổi, hối hận, cúi đầu sát đất, dùng ngón tay vẽ lên đất[34].
Ma có ba người con gái: Người thứ nhất tên là Ái Dục, người thứ hai tên là Ái Niệm, người thứ ba tên là Ái Lạc[35] đi đến chỗ Ma Ba-tuần nói kệ:
Cha đang lo buồn gì?
Con người đáng gì lo,
Con dùng dây ái trói
Trói chúng như điều voi
Lôi đem đến trước cha,
Tùy ý cha sai khiến.
Ma đáp lại con gái:
Khi đã lìa ân ái,
Không dục nào lôi được
Đã ra khỏi cảnh ma
Cho nên ta lo buồn.
Bấy giờ, ba con gái ma từ thân phóng ra ánh sáng lóe lên như những tia chớp trong mây, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên bạch Phật:
“Nay con trở về dưới chân Thế Tôn, để giúp đỡ hầu hạ, xin Ngài sai khiến.”
Bấy giờ, Thế Tôn không ngó ngàng đến. Biết Như Lai đã lìa ái dục, tâm thiện giải thoát. Hai ba phen nói như vậy, sau đó ba gái ma tự bảo với nhau rằng:
“Đàn ông có những loại ái dục tùy theo hình tướng. Bây giờ chúng ta mỗi người sẽ biến hóa ra những loại này, thành trăm thứ sắc của đồng nữ, trăm thứ sắc của thiếu nữ mới lấy chồng, trăm thứ sắc của phụ nữ chưa sanh, trăm thứ sắc của phụ nữ đã sanh, trăm thứ sắc của phụ nữ trung niên, trăm thứ sắc của phụ nữ đứng tuổi. Hóa ra những loại hình như vậy rồi, chúng ta đi đến Sa-môn Cù-đàm nói rằng: ‘Hôm nay tất cả đều về dưới chân Thế Tôn, hiến dâng cho Ngài sai sử.’”
Bàn bạc với nhau xong, chúng liền biến hóa thành những loại như đã nói trên, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, đứng lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, bọn chúng con hôm nay về dưới chân Thế Tôn, hiến dâng cho Ngài sai sử.”
Bấy giờ, Thế Tôn cũng không hề để ý đến.
“Pháp của Như Lai là lìa các ái dục.” Phật lặp lại như vậy ba lần.
Bấy giờ, ba ma nữ lại bảo với nhau:
“Nếu đàn ông chưa lìa dục trông thấy các hình thể tuyệt diệu của chúng ta, tâm sẽ bị mê loạn, dục khí dồn nén bốc lên, lồng ngực muốn vỡ, máu nóng đỏ bừng trên mặt. Nhưng hiện Sa-môn Cù-đàm không hề để ý đến chúng ta, nên biết Như Lai đã lìa dục, giải thoát, được thiện giải thoát tưởng. Bây giờ chúng ta mỗi người nên nói kệ để cật vấn.”
Ba ma nữ trở lại trước Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, đứng lui qua một bên. Thiên nữ Ái Dục liền nói kệ:
Một mình vào chỗ vắng,
Thiền tư, tĩnh tư duy,
Đã bỏ nước, tài bảo,
Ở đây lại cầu gì?
Nếu cầu lợi xóm làng,
Sao không gần gũi người?
Đã không gần gũi người,
Rốt cuộc được gì nào?
Thế Tôn nói kệ đáp:
Đã được tài lợi nhiều,
Tri túc, an tịch diệt,
Điều phục bọn quân ma,
Không đắm vào sắc dục.
Một mình riêng thiền tư,
Nếm vị thiền diệu lạc.
Cho nên không cùng người,
Quanh quẩn gần gũi nhau.
Thiên nữ Ái Niệm nói kệ:
Tu nhiều thiền diệu gì,
Để thoát dòng ngũ dục?
Lại nhờ phương tiện nào,
Vượt qua biển thứ sáu?
Đối các dục sâu rộng,
Làm sao tu diệu thiền,
Để qua được bờ kia,
Mà không bị ái giữ?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Thân được lạc dừng nghỉ,
Tâm được khéo giải thoát,
Vô vi, không tạo tác,
Chánh niệm không dao động.
Biết rõ tất cả pháp,
Không khởi các loạn giác,
Ái, nhuế, thùy miên, phú,
Tất cả đều đã lìa.
Tu tập nhiều như vậy,
Thoát khỏi được năm dục,
Như đổi biển thứ sáu,
Tất qua được bờ kia.
Tu tập thiền như vậy,
Đối các dục sâu rộng,
Đều qua được bờ kia,
Không bị chúng giữ lại.
Khi ấy, Thiên nữ Ái Lạc lại nói kệ:
Đã đoạn trừ sân ái,
Chất chứa dục sâu dày,
Người nhiều đời tịnh tín,
Vượt qua được biển dục.
Mở ra trí tuệ sáng,
Vượt qua cảnh tử ma.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Đại phương tiện, rộng độ,
Vào Pháp luật Như Lai,
Những người này đã độ,
Người trí còn lo gì?
Bấy giờ, chí nguyện của ba Thiên nữ chưa được thỏa mãn, trở lại chỗ Ma Ba-tuần, cha của chúng. Khi ấy, Ma Ba-tuần vừa trông thấy các con gái đến, liền nói kệ trêu họ:
Các con, này ba đứa,
Tự khoe mình kham năng,
Toàn thân phóng lửa sáng,
Như lằn chớp trong mây.
Đến chỗ Đại Tinh Tấn,
Mỗi người phô sắc đẹp.
Ngược lại đều bị phá,
Như gió lùa bông gòn.
Dùng ngón tay phá núi,
Dùng răng cắn hòn sắt,
Hay muốn dùng tóc, tơ,
Di chuyển hòn núi lớn?
Những người thoát hòa hợp,
Mà mong loạn tâm kia.
Muốn buộc dính chân gió,
Khiến trăng rơi giữa không,
Dùng tay khuấy biển lớn,
Hà hơi động núi tuyết.
Đã giải thoát hòa hợp,
Dễ làm gì dao động.
Ở giữa biển sâu rộng,
Mà tìm đất đặt chân,
Như Lai đối tất cả,
Hòa hợp tất giải thoát,
Trong biển lớn Chánh giác,
Tìm dao động cũng vậy.
Ma Ba-tuần trêu ba cô con gái rồi biến mất. KINH 1093. TỊNH BẤT TỊNH[36]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật mới thành đạo, ở dưới cây Bồ-đề lớn bên bờ sông Ni-liền-thiền, tại xứ Uất-bề-la. Thiên ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm mới thành đạo, đang ở dưới bóng cây Bồ-đề, bên bờ sông Ni-liền-thiền, xứ Uất-bề-la. Nay ta sẽ đến làm chướng ngại.’ Tức thì tự biến thân mình thành trăm thứ sắc tịnh và bất tịnh, đến chỗ Phật. Từ xa, Đức Phật trông thấy một trăm thứ sắc tịnh và bất tịnh của Ma Ba-tuần liền tự nghĩ: ‘Ác Ma Ba-tuần biến trăm thứ sắc tịnh và bất tịnh là muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:
Mãi mãi trong sanh tử,
Làm sắc tịnh bất tịnh,
Vì sao ngươi làm vậy?
Không vượt khổ, bờ kia.
Nếu thân, miệng và ý,
Không làm chướng ngại người,
Không bị ma sai sử,
Không bị ma khống chế.
Biết ma ác như vậy,
Ma liền tự biến mất.
Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Trong lòng cảm thấy buồn lo liền biến mất. KINH 1094. KHỔ HÀNH[37]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật mới thành đạo, ở dưới cây Bồ-đề lớn, bên bờ sông Ni-liền-thiền, tại xứ Uất-bề-la. Bấy giờ, Thế Tôn một mình ở chỗ yên tĩnh, chuyên tâm thiền định tư duy, tự nghĩ như vầy: ‘Nay Ta khéo giải thoát khổ hạnh[38]. Lành thay! Nay Ta khéo giải thoát khổ hạnh. Trước kia tu chánh nguyện, ngày nay đã được quả Vô thượng Bồ-đề.’
Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm mới thành Chánh giác đang ở dưới cây Bồ-đề, tại xứ Uất-bề-la bên bờ sông Ni-liền-thiền. Nay ta sẽ đến làm chướng ngại’. Liền biến thành một thiếu niên đến trước Phật mà nói kệ:
Chỗ tu đại khổ hạnh,
Thường khiến được thanh tịnh,
Nay ngược lại, vất bỏ,
Ở đây tìm những gì?
Muốn cầu tịnh ở đây,
Tịnh cũng không thể được.
Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:
Biết các tu khổ hạnh,
Thảy đều không có nghĩa,
Hoàn toàn không được ích,
Như cung chỉ có tiếng[39].
Giới, định, văn, tuệ, đạo,
Ta đều đã tu tập,
Được thanh tịnh bậc nhất,
Tịnh này không gì hơn.
Khi đó Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Trong lòng cảm thấy buồn lo liền biến mất. KINH 1095. KHẤT THỰC[40]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại làng Sa-la của Bà-la-môn[41]. Bấy giờ, sáng sớm Thế Tôn đắp y, ôm bát, vào làng Sa-la khất thực.
Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Nay Sa-môn Cù-đàm sáng sớm đắp y, ôm bát, vào làng Sa-la khất thực. Bây giờ ta nên đến trước, vào nhà họ, nói với những gia chủ Bà-la-môn tín tâm, để cho Sa-môn Cù-đàm ôm bát trống ra về.” Lúc ấy, Ma Ba-tuần chạy theo sau Phật kêu: “Sa-môn! Sa-môn! Không được thức ăn sao?”
Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ác Ma Ba-tuần muốn làm não loạn.’ Liền nói kệ:
Ngươi đối với Như Lai,
Mới phạm vô lượng tội,
Ngươi bảo rằng Như Lai,
Chịu mọi khổ não ư?
Khi ấy, Ma Ba-tuần nói: “Cù-đàm hãy trở lại làng xóm. Tôi sẽ khiến cho Ngài được khất thực.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Dù thật không có gì,
Vẫn an lạc tự sống.
Như trời Quang âm kia,
Hỷ lạc là thức ăn.
Dù thật không có gì,
Vẫn an lạc tự sống.
Hỷ lạc là thức ăn.
Không nương vào có thân.
Khi đó Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Trong lòng cảm thấy buồn lo liền biến mất. KINH 1096. SỢI DÂY[42]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trú xứ của các Tiên nhân, nước Ba-la-nại. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta đã giải thoát dây trói buộc trời, người. Các ông lại cũng đã giải thoát dây trói buộc trời, người. Các ông nên đi vào nhân gian, đi qua nhiều chỗ, lợi ích nhiều nơi, an lạc cho trời, người. Không cần bạn đồng hành, mỗi người tự đi[43]. Bây giờ, Ta cũng du hành trong nhân gian, đến trú xứ Uất-bề-la.”
Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm đang ở trong vườn Lộc dã trú xứ của Tiên nhân, tại nước Ba-la-nại, vì các Thanh văn mà nói như vầy: ‘Ta đã giải thoát dây ràng buộc trời, người. Các ông lại cũng đã… Các ông, riêng mỗi người đi vào nhân gian giáo hóa,… cho đến Ta cũng du hành trong nhân gian, đến trú xứ Uất-bề-la.’ Bấy giờ ta sẽ đến làm chướng ngại.” Liền biến thành một thiếu niên đứng trước Phật mà nói kệ:
Không thoát, nghĩ tưởng thoát,
Tự hô giải thoát rồi;
Lại buộc thêm càng chặt,
Nay ta quyết không tha.
Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:
Ta thoát tất cả rồi,
Mọi trói buộc trời, người.
Đã biết ngươi Ba-tuần,
Hãy tự diệt, mất đi.
Khi đó Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Trong lòng cảm thấy buồn lo liền biến mất. KINH 1097. THUYẾT PHÁP[44]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại nhà Thạch Chủ[45] dòng họ Thích, trong làng họ Thích. Bấy giờ, trong làng Thạch Chủ họ Thích có nhiều người chết vì bệnh dịch. Dân chúng mọi nơi hoặc nam hoặc nữ, từ bốn phương đều thọ trì tam quy. Những bệnh nhân nam nữ hoặc lớn hoặc nhỏ này đều là những người nhân đến tự xưng tên họ: ‘Chúng con tên… xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.’ Cả thôn cả ấp đều như vậy.
Bấy giờ, Thế Tôn vì hàng Thanh văn mà ân cần thuyết pháp. Lúc ấy những người có tín tâm quy y Tam bảo đều được sanh vào trong cõi trời, hay người. Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở trong nhà Thạch Chủ họ Thích trong làng họ Thích, ân cần thuyết pháp cho bốn chúng. Bây giờ, ta sẽ đến làm chướng ngại.’ Liền biến thành một thiếu niên đến đứng trước Phật nói kệ:
Vì sao siêng thuyết pháp,
Giáo hóa cho mọi người?
Trái nghịch, không trái nghịch,
Không khỏi bị xua đuổi.
Vì còn bị ràng buộc,
Nên vì họ thuyết pháp[46].
Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:
Dạ-xoa ngươi nên biết,
Chúng sanh sanh tập quần,
Những người có trí tuệ,
Ai mà không thương xót?
Vì có lòng thương xót,
Không thể không giáo hóa,
Thương xót mọi chúng sanh,
Lẽ tự nhiên như vậy[47].
Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Trong lòng cảm thấy buồn lo liền biến mất. KINH 1098. LÀM VUA[48]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại nhà Thạch Chủ dòng họ Thích, trong làng họ Thích. Bấy giờ, Thế Tôn một mình ở chỗ yên tĩnh, thiền định tư duy, tự nghĩ: “Có thể nào làm vua mà không sát sanh, không khiến người sát sanh, một mực thi hành chánh pháp mà không thi hành phi pháp chăng?”
Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở trong nhà Thạch Chủ họ Thích, trong làng họ Thích, một mình ở chỗ yên tĩnh, thiền định tư duy, tự nghĩ: ‘Có thể nào làm vua mà không sát sanh, không khiến người sát sanh, một mực thi hành chánh pháp mà không thi hành phi pháp chăng?’ Bây giờ, ta hãy nên đến đó vì họ mà nói pháp.” Liền biến thành một thiếu niên đến đứng trước Phật nói rằng:
“Như vậy, Thế Tôn! Như vậy, Thiện Thệ! Có thể được làm vua không sát sanh, không khiến người sát sanh, một mực thi hành chánh pháp, không thi hành phi pháp. Thế Tôn nay hãy làm vua! Thiện Thệ nay hãy làm vua! Có thể sẽ được như ý.”
Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Nên nói với ma rằng:
“Ma Ba-tuần, vì sao ngươi nói: ‘Thế Tôn nay hãy làm vua! Thiện Thệ nay hãy làm vua! Có thể sẽ được như ý?’”
Ma bạch Phật:
“Chính tôi nghe từ Phật nói như vầy: ‘Nếu bốn Như ý túc được tu tập, tu tập nhiều rồi, muốn khiến cho núi Tuyết chúa biến ra vàng ròng tức thì làm được, không khác.’ Nay, Thế Tôn đã có tứ như ý túc, tu tập, tu tập nhiều, có thể khiến cho núi Tuyết chúa biến ra vàng ròng như ý, không khác. Cho nên tôi bạch: ‘Thế Tôn hãy làm vua! Thiện Thệ hãy làm vua! Có thể sẽ được như ý.’”
Phật bảo Ba-tuần:
“Ta không có tâm muốn làm vua. Vì sao phải làm? Ta cũng không có tâm muốn núi Tuyết chúa biến ra vàng ròng. Tại sao phải biến?”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Dù thật có vàng ròng,
Giống như núi Tuyết chúa,
Một người được vàng này,
Cũng còn không biết đủ.
Cho nên người trí tuệ,
Vàng đá coi như nhau.
Khi đó Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Trong lòng cảm thấy buồn lo liền biến mất. KINH 1099. SỐ ĐÔNG[49]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại nhà Thạch Chủ dòng họ Thích, trong làng họ Thích. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập ở nhà cúng dường để may y.
Lúc đó, Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở tại nhà Thạch Chủ dòng họ Thích, trong làng họ Thích, có số đông Tỳ-kheo tụ tập ở nhà cúng dường để may y. Bây giờ, ta sẽ đến làm chướng ngại.” Liền biến thành một thanh niên Bà-la-môn, quấn búi tóc to, mặc áo da thú, tay cầm gậy cong, đến nhà cúng dường [50] , đứng im lặng trước chúng Tỳ-kheo, trong giây lát nói với các Tỳ-kheo:
“Các ông tuổi trẻ xuất gia, da trắng, tóc đen, tuổi đang lúc sung sức nên hưởng thụ ngũ dục, trang điểm tự lạc. Vì sao trái nghịch thân tộc, khiến họ khóc lóc chia lìa, chí tin, không nhà, xuất gia học đạo? Tại sao lại bỏ cái lạc hiện tại mà đi tìm cái lạc phi thời của đời khác?” [51]
Các Tỳ-kheo nói với Bà-la-môn:
“Chúng tôi không bỏ cái lạc hiện tại mà đi tìm cái lạc phi thời của đời khác, nhưng bỏ cái lạc phi thời để thành tựu cái lạc hiẹân tại?”
Ma Ba-tuần lại hỏi:
“Thế nào là bỏ cái lạc phi thời để thành tựu cái lạc hiẹân tại?”
Tỳ-kheo đáp:
“Thế Tôn đã dạy: ‘Cái lạc của đời khác thú vị ít mà khổ nhiều, lợi ít mà hại nhiều.’ Thế Tôn đã nói: ‘Cái lạc hiẹân tại xa lìa các nhiệt não, không đợi thời tiết, có thể tự thông đạt, duyên vào tự tâm mà giác tri.’ Này Bà-la-môn, đó gọi là cái lạc hiẹân tại.”
Khi ấy Bà-la-môn ấm ớ, lắc đầu ba lần, chống gậy xuống đất rồi biến mất.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sanh lòng sợ hãi, lông trong người dựng đứng, tự hỏi: ‘Đó là hạng Bà-la-môn nào, đến đây rồi biến mất?’ Liền đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo chúng con đang ở nhà cúng dường để may y, có một thanh niên Bà-la-môn quấn búi tóc to đến chỗ chúng con nói rằng: ‘Các ông tuổi trẻ xuất gia… Nói đầy đủ như trên cho đến: ấm ớ, lắc đầu ba lần, chống gậy xuống đất rồi biến mất. Chúng con sanh lòng sợ hãi, lông trong người dựng đứng. Đó là hạng Bà-la-môn nào mà đến đây rồi biến mất?”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Đó không phải là Bà-la-môn nào, mà là Ma Ba-tuần đến chỗ các ông, muốn làm nhiễu loạn.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Phàm sanh các khổ não,
Đều do nơi ái dục.
Biết đời là kiếm nhọn,
Người nào ưa thích dục?
Biết thế gian hữu dư,
Tất cả là kiếm nhọn,
Cho nên người trí tuệ,
Phải luôn tự điều phục.
Tích tụ vàng ròng nhiều,
Giống như núi Tuyết chúa,
Chỉ một người thọ dụng,
Ý còn không biết đủ,
Cho nên người trí tuệ,
Phải tu bình đẳng quán.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1100. THIỆN GIÁC[52]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại nhà Thạch Chủ dòng họ Thích, trong làng họ Thích. Bấy giờ, có Tôn giả Thiện Giác[53], sáng sớm đắp y, ôm bát vào làng Thạch Chủ họ Thích khất thực. Sau khi khất thực trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân, cầm tọa cụ vắt lên vai phải, vào trong rừng ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày, tự nghĩ: “Ta được điều lợi ích! Đã xuất gia học đạo trong Chánh pháp luật. Ta được điều lợi ích! Đã may mắn gặp Đại Sư Như Lai Đẳng Chánh Giác. Ta được điều lợi ích! Đã được ở trong đại chúng phạm hạnh, trì giới đầy đủ, đức độ, hiền thiện chân thật. Nay ta sẽ được mạng chung một cách hiền thiện. Ở đời vị lai cũng được tốt lành.”
Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở nhà Thạch Chủ làng họ Thích và có đệ tử Thanh văn tên là Thiện Giác đắp y, ôm bát… nói đầy đủ như trên cho đến sẽ được mạng chung một cách hiền thiện. Ở đời vị lai cũng được tốt lành. Bây giờ, ta sẽ đến làm chướng ngại.’ Liền hóa thân to lớn, sức lực khỏe mạnh, ai thấy cũng sợ. Sức mạnh này có thể lật úp đại địa, đi đến chỗ Tỳ-kheo Thiện Giác.
Tỳ-kheo Thiện Giác vừa trông thấy thân to lớn, sức lực khỏe mạnh, liền sanh lòng sợ hãi, từ chỗ ngồi đứng dậy đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sáng sớm con đắp y, ôm bát… nói đầy đủ như trên cho đến sẽ được mạng chung một cách hiền thiện. Ở đời vị lai cũng được tốt lành. Con thấy có người thân to lớn, sức lực dũng mãnh có thể lay động quả đất, thấy rồi sanh lòng sợ hãi, sợ hãi đến dựng đứng cả lông!”
Phật bảo Thiện Giác:
“Đó không phải là người thân to lớn, là Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn. Ông hãy trở về nương vào dưới bóng cây tu tập tam-muội như trước, hãy tác động ma kia, để nhờ đó thoát khổ.”
Khi ấy Tôn giả Thiện Giác liền trở về chỗ cũ, sáng sớm đắp y, ôm bát vào nhà Thạch Chủ, làng họ Thích khất thực, khất thực xong trở về tinh xá. Nói đầy đủ như trên,… cho đến sẽ được mạng chung một cách hiền thiện. Ở đời vị lai cũng được tốt lành.
Lúc ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở nhà Thạch Chủ làng họ Thích và có đệ tử Thanh văn tên là Thiện Giác, đắp y, ôm bát. Nói đầy đủ như trên,… cho đến sẽ được mạng chung một cách hiền thiện. Ở đời vị lai cũng được tốt lành. Bây giờ, ta sẽ đến làm chướng ngại.’ Lại hóa ra thân to lớn, sức mạnh dũng mãnh, có thể lay động quả đất, đến đứng trước Thiện Giác. Tỳ-kheo Thiện Giác vừa trông thấy ma lại liền nói kệ:
Ta chánh tín không nhà,
Để xuất gia học đạo.
Nơi Phật, vô giá bảo[54],
Chuyên buộc tâm chánh niệm.
Mặc ngươi hóa hình sắc,
Tâm ta không dao động.
Biết ngươi là huyễn hóa,
Từ đây hãy mất đi.
Khi đó Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Trong lòng cảm thấy buồn lo liền biến mất. KINH 1101. SƯ TỬ[55]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Lộc dã, chỗ ở của các Tiên nhân, tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thanh văn của Như Lai rống lên tiếng rống của sư tử, nói là: ‘Đã biết! Đã biết!’ Vậy, không biết Thanh văn của Như Lai đã biết những pháp gì? Vì đã biết nên rống lên tiếng rống của sư tử, đó là: ‘Thánh đế về khổ, Thánh đế về sự tập khởi của khổ, Thánh đế về sự tận diệt khổ, Thánh đế về con đường đưa đến diệt khổ.’”
Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đang ở trong vườn Lộc dã, chỗ ở của các Tiên nhân, tại nước Ba-la-nại, vì các Thanh văn thuyết pháp,… cho đến đã biết bốn Thánh đế. Bây giờ, ta sẽ đến làm chướng ngại.’ Liền hóa ra một thiếu niên đứng trước Phật nói kệ:
Vì sao giữa đại chúng,
Sư tử rống không sợ,
Bảo rằng: ‘Không ai địch’,
Mong điều phục tất cả.
Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:
Như Lai đối tất cả,
Chánh pháp luật sâu xa,
Phương tiện sư tử rống,
Nơi pháp không sợ hãi,
Nếu người có trí tuệ,
Cớ sao tự lo sợ?
Khi đó Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Trong lòng cảm thấy buồn lo liền biến mất. KINH 1102. BÁT[56]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong đồng trống bị nhiều người giẫm đạp, tại thành Vương xá, cùng với năm trăm Tỳ-kheo; Ngài lấy năm trăm bình bát để giữa sân, vì họ mà nói pháp.
Bấy giờ, Thế Tôn lại vì năm trăm Tỳ-kheo nói về năm uẩn là pháp sanh diệt. Khi ấy, Thiên ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đang ở trong đồng trống bị nhiều người giẫm đạp, tại thành Vương xá, cùng với năm trăm Tỳ-kheo… cho đến nói về năm uẩn là pháp sanh diệt. Bây giờ, ta nên đến làm chướng ngại.” Liền hóa ra một con trâu lớn đến chỗ Phật, vào chỗ để năm trăm bình bát. Các Tỳ-kheo muốn bảo vệ các bình bát, liền đuổi đi.
Lúc bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Đó không phải là trâu, là Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.” Liền nói kệ:
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức,
Không phải ngã, ngã sở,
Nếu biết nghĩa chân thật,
Không đắm trước nơi chúng.
Tâm không đắm trước pháp,
Thoát khỏi sắc ràng buộc,
Thấu rõ khắp mọi nơi,
Không trụ cảnh giới ma.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. KINH 1103. NHẬP XỨ[57]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong đồng trống bị nhiều người giẫm đạp, tại thành Vương xá, cùng với sáu trăm Tỳ-kheo. Bấy giờ, Thế Tôn lại vì các Tỳ-kheo nói về sáu xúc nhập xứ[58] tập, sáu xúc tập, sáu xúc diệt. Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm đang ở đồng trống bị nhiều người giẫm đạp, tại thành Vương xá, vì sáu trăm Tỳ-kheo nói về sáu xúc nhập xứ, nói đây là pháp tập, đây là pháp diệt. Bây giờ, ta nên đến làm chướng ngại.’ Liền hóa ra một thanh niên thân to lớn, sức lực dũng mãnh có thể lay động quả đất đi đến chỗ Phật.
Các Tỳ-kheo kia vừa trông thấy thanh niên to lớn, dũng mãnh, sanh lòng sợ hãi, lông trong người dựng đứng, nói với nhau rằng:
“Kia là ai mà hình dáng đáng sợ vậy?”
Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Đó là Ác ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Sắc, thanh, hương, vị, xúc,
Và thứ sáu: các pháp,
Niệm, ái, thích, vừa ý,
Thế gian chỉ có vậy.
Đây là tham ác nhất,
Thường trói buộc phàm phu,
Người vượt những bệnh này,
Là Thánh đệ tử Phật,
Vượt qua cảnh giới ma,
Như mặt trời không mây.
Khi đó Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Trong lòng cảm thấy buồn lo liền biến mất. Chú thích:
[1]. Đại Chánh, quyển 39. Quốc Dịch, quyển 33. “Tụng vii. Kệ.1. Tương ưng Tỳ-kheo” tiếp theo Pāli, A.3.126 Kaṭuviya. Biệt dịch, No 100 (20).
[2]. Hán: y ác tham thị 依惡貪嗜. Pāli: rittassādaṃ bāhirassādaṃ, vị trống không, vị ngoại giới.
[3]. Pāli: muṭṭhassatiṃ asampajnaṃ asamāhitaṃ vibhantacittaṃ pākantimdriyaṃ, mất chánh niệm, không tỉnh giác, không tập trung, tâm loạn động, các căn phóng túng.
[4]. Pāli: mā… attānaṃ kaṭuviyam akāsi, đừng làm tự ngã hư thối.
[5]. Pāli: abhijjhā… kaṭuvuyaṃ vyāpādo āmâgndho pāpakā ạkusalā vitakkā makkhikā, tham là thối nát, sân là mùi hôi thối, tầm cầu ác bất thiện là ruồi nhặng.
[6]. Pāli, không thấy tương đương. Biệt dịch, No 100(21).
[7]. Tức nghỉ trưa.
[8]. Nguyên Hán: Sĩ phu 士夫.
[9]. Pāli, S. 20. 9. Nāgo. Biệt dịch, No 100(22).
[10]. Long tượng 龍象. Pāli: nāga, số nhiều.
[11]. Pāli: taruṇā bhivikacchāpā, những con voi nhỏ.
[12]. Quốc Dịch, “Tụng vii. Kệ. 2. Tương ưng Ma” gồm hai phẩm, hai mươi mốt kinh. Ấn Thuận, “Tụng viii. Tám chúng. 18. Tương ưng Ma” hai mươi kinh, Đại Chánh, 1084-1103. Quốc Dịch, phẩm 1, mười một kinh. Pāli, S. 4.9. Āyu (1). Biệt dịch, No 100(23).
[13]. Hàn lâm 寒林. Pāli: Sītavana, khu rừng ở gần thành Rājagaha.
[14]. Pāli: dīghamāyu manussānaṃ, na naṃ hīḷe suporiso, tuổi thọ con người rất dài; người khôn ngoan không xem khinh điều này.
[15]. Pāli, S. 4.10. Āyu (2). Biệt dịch, No 100(24).
[16]. Tô tức 穌息. Pāli: assāsaka, có hơi thở điều hòa, an tâm.
[17]. Pāli: nācca yanti aho rattā jīvitaṃ nūparujjhati, ngày đêm không đi qua, mạng sống không giảm thiểu.
[18]. Pāli, S. 4.15. Mānasa. Biệt dịch, No 100(25).
[19]. Pāli: antalikkhacaro pāso, yoyaṃ carati mānaso, tâm ý này dong ruổi, như sợi dây thòng giữa hư không.
[20]. Pāli, S. 4.7. Suppati. Biệt dịch, No 100(26).
[21]. Pāli, S. 4. 11. Pāsāṇa. Biệt dịch, No 100(27).
[22]. Đây chỉ quyến thuộc của A-tu-la.
[23]. Pāli, S. 4.6. Sappa (Rắn). Biệt dịch, No 100(28).
[24]. Hán: đại long 大龍. Pāli: mahanta sapparājā, đại xà vương.
[25]. Pāli, S. 4.13. Sakalika. Biệt dịch, No 100(29).
[26]. Vương xá thành Tỳ-bà-la sơn Thất diệp thọ lâm thạch thất 王舍城毘婆羅山七葉樹林石室. Đây chỉ hang Sattapaṇṇiguhā, trên sườn núi Vebhāra, thành Rājagaha. Nhưng bản Pāli: Maddakucchismiṃ Migadāye, vườn Nai, trong rừng Maddakucchi.
[27]. Pāli, S.4.23. Godhika. Biệt dịch, No 100(30).
[28]. Xem cht.26, kinh1090.
[29]. Cù-đề-ca 瞿低迦. Pāli: Godhika.
[30]. Tiên nhân sơn trắc Hắc thạch thất 仙人山側黑石室. Pāli: Isigili-passa, Kālasilā.
[31]. Hán: thời thọ ý giải thoát 時受意解脫; tức, thời giải thoát hay thời ái tâm giải thoát, trường hợp A-la-hán chứng tâm giải thoát tùy thuộc hoàn cảnh; khi nghịch duyên, có thể bị thoái thất. Xem, Câu-xá 25, Đại 29, tr.129a 19, 130b 16 Pāli: sāmāyikaṃ ceto-vimuttiṃ.
[32]. Hán: bất trụ tâm 不住心. Pāli: appatiṭṭhitena viññāṇena, bằng thức vô trụ (không trụ xứ).
[33]. Pāli, S.4.24. Sattavassa; S.4.25. Dhītaro. Biệt dịch, No 100(31).
[34]. Pāli: kaṭṭhena bhūmiṃ vilikhanto, dùng que vạch lên đất.
[35]. Ái Lạc 愛欲, Ái niệm 愛念, Ái dục 愛樂. Pāli: Taṇhā (Khát ái), Rati (Không lạc), Rāga (tham dục).
[36]. Pāli, S.4.2. Nāga; 4.3. Subha. Biệt dịch, No 100(32).
[37]. Quốc Dịch, phẩm 2. Pāli, S. 4. 1. 1. Tapokammañca.
[38]. Khổ hành 苦行. Pāli: dukkhārakārikāya, đây chỉ sáu năm khổ hạnh của Phật.
[39]. Pāli: như bánh lái của chiếc thuyền trên cạn.
[40]. Pāli, S.4.18. Piṇḍa.
[41]. Sa-la Bà-la-môn tụ lạc 娑羅婆羅門聚. Pāli: Pañcasālāyaṃ brāhmaṇagāme.
[42]. Pāli, S.4.4-5 Pāsa.
[43]. Sf. Mv.i., vin.i – 21.
[44]. Pāli, S.4.14. Paṭirūpa.
[45]. Thạch Chủ 石主. Pāli: Kosalesu Ekasālāyaṃ brāhmaṇagāme.
[46]. Pāli: netaṃ tava paṭỉūpaṃ, tad aññam anusāssasi, anurodhavirodhesu, mā sajjittho tad ācaran ti, “Thật không thích hợp để Ngài giáo hóa người khác. Chớ đi giữa những người tán thành và những người chống đối.”
[47]. Pāli: hitānukampī sambuddho, yad aññam anusāssati; anurodha-virodhehi vippamutto Tathāgato ti, Đấng Chánh Giác giáo hóa mọi người do lòng thương tưởng, lân mẫn. Như Lai đã giải thoát ngoài những tán thành và chống đối.
[48]. Pāli, S.4.20. Rajja.
[49]. S. 4.21. Sambahulā.
[50]. Nhà thị giả, hay nhà khách trong tinh xá.
[51]. Xem cht.55, kinh 1078.
[52]. Pāli, S.4.22. Samiddhi.
[53]. Thiện Giác 善覺. Pāli: Samiddhi.
[54]. Vô giá bảo 無價寶. Bản Tống-Nguyên-Minh: Pháp Tăng bảo 法僧寶
[55]. Pāli, S.4.12. Sīha.
[56]. Pāli, S.4.16. Patta.
[57]. Pāli, S.4.17. Āyatana.
[58]. Xúc nhập xứ 觸入處. Pāli: phassāyatana.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.148.107.193 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.