Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tạp A Hàm Kinh [雜阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 36 »»

Tạp A Hàm Kinh [雜阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 36

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tạp A Hàm

Kinh này có 50 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Hiệu đính và chú thích: Thích Tuệ Sỹ
KINH 993. TÁN THƯỢNG TỌA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có các Thượng tọa Tỳ-kheo, sống y chỉ bên cạnh Phật như Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Ma-ha Mục-kiền-liên, Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ, Tôn giả Đà-la-phiêu Ma-la Tử, Tôn giả Bà-na-ca-bà-sa, Tôn giả Da-xá-xá-la-ca-tỳ-ha-lợi, Tôn giả Phú-lưu-na, Tôn giả Phân-đà-đàn-ni-ca. Như các Thượng tọa này, các Thượng tọa Tỳ-kheo khác cũng sống y chỉ ở bên Phật.
Lúc đó Tôn giả Bà-kỳ-xá[2] đang ở tại giảng đường Lộc tử mẫu trong vườn phía Đông, nước Xá-vệ. Tôn giả Bà-kỳ-xá tự nghĩ: “Hôm nay Thế Tôn đang trú trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ cùng với các Thượng tọa Tỳ-kheo sống y chỉ bên cạnh Phật. Nay ta nên đi đến chỗ Thế Tôn, nói kệ khen ngợi từng Thượng tọa Tỳ-kheo một.” Suy nghĩ như vậy xong, Bà-kỳ-xá liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, nói kệ:
Tỳ-kheo Tối thượng tọa,
Đã đoạn các tham dục;
Vượt khỏi các thế gian,
Tất cả mọi tích tụ;
Trí sâu, ít nói năng,
Dõng mãnh siêng phương tiện;
Đạo đức sạch sáng ngời:
Con nay cúi đầu lạy.
Đấng hàng phục ma oán,
Xa lìa nơi đám đông;
Không bị năm dục trói,
Thường ở nơi vắng lặng;
Rỗng suốt, ít ham muốn:
Con nay cúi đầu lạy.
Thắng tộc Giá-la-diên,
Thiền tư không phóng dật,
Nội tâm vui chánh thọ,
Trong sạch lìa bụi nhơ,
Tuệ biện hiển nghĩa sâu:
Cho nên con cúi lạy.
Đấng đạt Thần thông tuệ,
Vượt qua sức thần thông;
Trong sáu thứ thần thông,
Tự tại không sợ hãi;
Là thần thông tối thắng:
Cho nên con cúi lạy.
Chúng sanh nơi năm đường,
Cho đến cõi Phạm thế;
Trời, người tưởng ưu liệt,
Trong đại thiên thế giới;
Mắt tịnh thiên thấy hết:
Cho nên con cúi lạy.
Sức phương tiện tinh cần,
Đoạn trừ tập khởi ái;
Xé toạc lưới sanh tử,
Tâm thường vui Chánh pháp;
Lìa các tưởng hy vọng,
Vượt qua bờ bên kia;
Trong sạch, không bụi nhơ:
Cho nên con cúi lạy.
Thoát hẳn mọi sợ hãi,
Lìa tài vật, không dính;
Biết đủ, không nghi hoặc,
Hàng phục giặc ma oán;
Quán niệm thân thanh tịnh:
Cho nên con cúi lạy.
Không có các thế gian,
Rừng gai góc phiền não;
Trừ hẳn kết phược sử,
Dứt nhân duyên ba cõi;
Tinh luyện diệt các cấu,
Rốt cùng sáng hiện bày;
Nơi rừng lìa khỏi rừng:
Cho nên con cúi lạy.
Dứt giả trá, si, nhuế,
Điều phục các ái hỷ;
Ra khỏi mọi kiến xứ,
Không cửa nhà nương tựa;
Thanh tịnh không vết nhơ:
Cho nên con cúi lạy.
Tâm kia chuyển tự tại,
Kiên cố không khuynh động;
Trí tuệ đại đức lực,
Khuất phục ma khó phục;
Đoạn trừ kết vô minh:
Cho nên con cúi lạy.
Đại nhân xa tối tăm,
Đấng Mâu-ni vắng lặng,
Chánh pháp lìa lỗi nhơ,
Ánh sáng tự hiện chiếu,
Soi khắp mọi thế giới,
Cho nên gọi là Phật.
Địa thần, hư không thiên,
Thiên tử Tam thập tam;
Ánh sáng ắt bị che,
Cho nên gọi là Phật.
Qua bờ sanh tử hữu,
Siêu việt vượt mọi loài;
Mềm mỏng khéo điều phục,
Chánh giác đệ nhất giác;
Đoạn tận mọi kết phược,
Hàng phục các ngoại đạo;
Đập tan bọn ma oán,
Đắc Vô thượng Chánh giác;
Lìa trần diệt các cấu:
Cho nên con cúi lạy.
Khi Tôn giả Bà-kỳ-xá nói kệ khen ngợi, các Tỳ-kheo lắng nghe những lời này, tất cả đều hoan hỷ.
KINH 994. BÀ-KỲ-XÁ TÁN PHẬT[3]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Bà-kỳ-xá đang ở tại giảng đường Lộc tử mẫu trong vườn phía Đông, nước Xá-vệ, bị bệnh nặng nguy khốn. Tôn giả Phú-lân-ni là người chăm sóc bệnh nhân, cung cấp cúng dường.
Khi ấy Tôn giả Bà-kỳ-xá nói với Tôn giả Phú-lân-ni:
“Thầy hãy đến chỗ Thế Tôn, chuyển lời tôi bạch Thế Tôn rằng: ‘Tôn giả Bà-kỳ-xá đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, kính thăm hỏi Thế Tôn ít bệnh, ít não và sống khinh lợi, an vui chăng?’ Lại nói tiếp: ‘Tôn giả Bà-kỳ-xá ở tại giảng đường Lộc tử mẫu trong vườn phía Đông, đang bị bệnh nặng nguy khốn, muốn được gặp Thế Tôn, nhưng không đủ sức để đến chỗ Phật. Lành thay! Thế Tôn! Xin Ngài mở lòng thương xót đến chỗ của Bà-kỳ-xá ở giảng đường Lộc tử mẫu tại vườn phía Đông’.”
Lúc ấy, Tôn giả Phú-lân-ni nhận lời đi đến Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên thưa:
“Tôn giả Bà-kỳ-xá ở giảng đường Lộc tử mẫu trong vườn phía Đông bị bệnh nặng nguy khốn, muốn được gặp Thế Tôn nhưng không đủ sức đi đến diện kiến Ngài. Lành thay! Thế Tôn! Xin Ngài vì thương xót đến chỗ Tôn giả Bà-kỳ-xá ở giảng đường Lộc tử mẫu trong vườn phía Đông.”
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Tôn giả Phú-lân-ni biết Phật đã nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng lên đảnh lễ dưới chân Phật rồi đi.
Chiều hôm ấy sau khi từ thiền tịnh dậy, Thế Tôn đến Tôn giả Bà-kỳ-xá. Tôn giả Bà-kỳ-xá từ xa trông thấy Thế Tôn, muốn vịn giường mà đứng dậy. Bấy giờ, Thế Tôn thấy Tôn giả Bà-kỳ-xá tựa giường muốn gượng dậy, liền bảo:
“Bà-kỳ-xá chớ nên khinh động.”
Thế Tôn liền ngồi xuống hỏi Tôn giả Bà-kỳ-xá:
“Những bệnh khổ của ông có bình hòa, dễ chịu đựng không? Sự đau nhức nơi thân tăng hay giảm.” Nói đầy đủ như kinh Diệm-ma-ca ở trước… cho đến “… những bệnh khổ của con có cảm giác càng tăng thêm chứ không thuyên giảm.”
Phật bảo Bà-kỳ-xá:
“Bây giờ Ta hỏi ông, tùy ý mà trả lời Ta. Ông đã được tâm không nhiễm, không đắm, không nhơ, giải thoát, lìa các điên đảo, phải không?”
Bà-kỳ-xá bạch Phật:
“Tâm con không nhiễm, không đắm, không nhơ, giải thoát, lìa các điên đảo.”
Phật bảo Bà-kỳ-xá:
“Làm sao ông có được tâm không nhiễm, không đắm, không nhơ, giải thoát, lìa các điên đảo?”
Bà-kỳ-xá bạch Phật:
“Con đối với sắc quá khứ được nhận thức bởi mắt, tâm không luyến tiếc, đối với sắc vị lai, không mơ tưởng, đối với sắc hiện tại không đắm nhiễm. Con ở nơi sắc quá khứ, vị lai, hiện tại được nhận thức bởi mắt, đã dứt sạch niệm tham dục, ái lạc, vô dục, diệt tận, tịch diệt, tịch tĩnh, viễn ly, giải thoát. Tâm đã giải thoát, cho nên không nhiễm, không đắm, không nhơ, lìa các điên đảo, an trụ chánh thọ. Cũng vậy, với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Đối với pháp quá khứ được nhận thức bởi ý, tâm không luyến tiếc, đối với sắc vị lai, không mơ tưởng, đối với sắc hiện tại không đắm nhiễm. Trong pháp quá khứ, vị lai, hiện tại, niệm tham dục, niệm ái lạc không còn nữa, vô dục, diệt tận, tịch diệt, tịch tĩnh, viễn ly, giải thoát. Tâm đã giải thoát, cho nên không nhiễm, không đắm, không nhơ, lìa các điên đảo, an trụ chánh thọ. Xin Đức Thế Tôn hôm nay ban cho con điều lợi ích tối hậu, nghe con nói kệ.”
Phật bảo Bà-kỳ-xá:
“Nên biết đúng lúc.”
Tôn giả Bà-kỳ-xá ngồi ngay ngắn, buộc niệm ở trước và nói kệ:
Nay con ở trước Phật,
Cúi đầu cung kính lạy.
Đối với tất cả pháp,
Thảy đều được giải thoát.
Khéo hiểu các tướng pháp,
Tin sâu, vui Chánh pháp.
Thế Tôn, Đẳng Chánh Giác,
Thế Tôn là Đại Sư.
Thế Tôn hàng ma oán,
Thế Tôn Đại Mâu-ni;
Diệt trừ tất cả sử,
Tự độ các loài sanh.
Thế Tôn đối thế gian,
Giác tri tất cả pháp.
Thế gian ắt không có
Ai biết pháp hơn Phật.
Ở trong cõi Thiên, Nhân,
Cũng không ai bằng Phật.
Cho nên hôm nay con,
Lễ bậc Đại tinh tấn,
Cúi đầu lễ Thượng sĩ,
Lễ đấng Đại tinh tấn,
Đã nhổ gai ái dục.
Hôm nay giờ phút cuối,
Con được thấy Thế Tôn.
Cúi lễ đấng Nhật chủng,
Đêm nay Bát-niết-bàn.
Chánh trí buộc chánh niệm,
Đối thân hư hoại này;
Các dư lực còn lại,
Từ đêm nay diệt hẳn.
Ba cõi không còn nhiễm,
Vào Vô dư Niết-bàn.
Cảm thọ khổ và vui,
Cũng không khổ không vui;
Từ nhân duyên xúc sanh,
Hôm nay ắt đoạn tận.
Khổ thọ và lạc thọ,
Cũng không khổ không vui;
Từ nhân duyên xúc sanh,
Hôm nay đều biến tri.
Hoặc bên trong, bên ngoài,
Các cảm thọ khổ vui;
Đối thọ không chỗ đắm,
Chánh trí chánh buộc tâm;
Ban đầu, giữa, sau cùng,
Các tụ không chướng ngại.
Các tụ đã đoạn rồi,
Biết rõ ái không còn.
Người thấy rõ chân thật,
Nói chín mươi mốt kiếp;
Trong ba kiếp không trống,
Có đấng Đại Tiên nhân.
Cõi không không nơi tựa,
Chỉ sợ kiếp khủng bố.
Nên biết Đại Tiên nhân,
Lại xuất hiện thế gian,
An ủi các trời, người,
Mở mắt, lìa bụi mờ;
Thức tỉnh các chúng sanh,
Cho biết mọi thứ khổ:
Khổ khổ và khổ tập,
Tịch diệt, vượt qua khổ;
Bát Thánh đạo Hiền thánh,
An ổn đến Niết-bàn.
Điều thế gian khó được,
Hiện tiền tất đã được;
Đời này, được thân người,
Chánh pháp được diễn nói.
Theo những gì mình muốn,
Lìa cấu cầu thanh tịnh;
Chuyên tu tự lợi mình,
Chớ khiến rỗng không quả.
Luống không thời sanh lo,
Gần nơi địa ngục khổ.
Đối Chánh pháp được nói,
Không thích, không muốn nhận;
Sẽ ở lâu sanh tử,
Bao giờ dứt luân hồi!
Trường kỳ ôm ưu não,
Như người buôn mất của.
Nay con đủ mọi tốt,
Không còn sanh, già, chết.
Luân hồi đã chấm dứt,
Không còn sanh lại nữa.
Dòng nước sông ái, thức,
Từ nay tất cạn khô.
Đã nhổ cội rễ uẩn,
Khoen xích không tiếp nối.
Cúng dường Đại Sư xong,
Việc làm đã hoàn tất,
Gánh nặng đã buông xuống,
Hữu lưu đã đoạn xong;
Không còn thích thọ sanh,
Không còn tử đáng ghét;
Chánh trí, chánh buộc niệm,
Chỉ chờ phút cuối cùng.
Long tượng nhớ rừng hoang,
Sáu mươi thú hùng mạnh,
Một mai thoát gông xiềng,
Thong dong trong rừng núi.
Bà-kỳ-xá cũng vậy,
Miệng Đại Sư sanh con;
Chán bỏ lìa đồ chúng,
Chánh niệm chờ thời đến.
Nay nói với mọi người,
Những ai đến tụ hội;
Nghe kệ Ta sau cùng,
Nghĩa chúng được lợi ích.
Có sanh ắt có diệt,
Các hành đều vô thường.
Pháp chóng sanh, chóng tử,
Nào đáng nương cậy lâu.
Nên phải có chí mạnh,
Tinh cần cầu phương tiện;
Quán sát có sợ hãi,
Tùy thuận đạo Mâu-ni,
Mau hết khổ ấm này,
Chớ tăng thêm luân chuyển.
Đứa con từ miệng Phật,
Khen nói kệ này xong;
Xin từ biệt đại chúng,
Bà-kỳ-xá Niết-bàn.
Vì tấm lòng từ bi,
Nói kệ vô thượng này;
Tôn giả Bà-kỳ-xá,
Con sanh từ pháp Phật.
Do rũ lòng bi mẫn,
Nói kệ Vô thượng này;
Sau đó Bát-niết-bàn,
Tất cả nên kính lễ.[4]
KINH 995. A-LUYỆN-NHÃ[5]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Tỳ-kheo A-luyện-nhã[6],
An trụ nơi vắng vẻ[7],
Lặng lẽ tu phạm hạnh,
Ăn chỉ một lần ngồi[8],
Do vì nhân duyên gì,
Nhan sắc được tươi sáng?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Với quá khứ không lo,
Vị lai không mơ thích;
Hiện tại tùy chỗ được,
Chánh trí buộc giữ niệm.
Ăn uống luôn buộc niệm,
Nhan sắc thường tươi sáng.
Tâm, tưởng ruỗi vị lai,
Buồn tiếc theo quá khứ;
Lửa ngu si tự nấu,
Như mưa đá chết cỏ.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử này nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 996. KIÊU MẠN[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Không khéo điều phục tâm,
Khởi dục vọng kiêu mạn[10];
Chưa từng tu tịch mặc,
Cũng chẳng vào chánh thọ[11].
Ở rừng mà phóng dật,
Không qua đến bờ kia[12].
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Đã lìa nơi kiêu mạn,
Tâm thường vào chánh định;
Trí sáng khéo phân biệt,
Giải thoát tất cả phược.
Một mình nơi rừng vắng,
Tâm này không phóng dật;
Nhanh chóng vượt qua bờ
Kẻ thù tử ma kia.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử này nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 997. CÔNG ĐỨC TĂNG TRƯỞNG[13]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Làm sao được ngày đêm,
Công đức luôn tăng trưởng?
Làm sao sanh cõi trời?
Xin Ngài giải nói rõ.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Trồng vườn cây ăn quả,
Rừng cây cho bóng mát;
Cầu, thuyền dùng qua sông,
Tạo ra nhà phước đức;
Đào giếng giúp đỡ khát,
Khách xá giúp lữ hành;
Những công đức như vậy,
Ngày đêm thường tăng trưởng.
Giới đầy đủ như pháp,
Nhờ đó sanh cõi trời.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử này nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 998. CHO GÌ ĐƯỢC SỨC LỚN[14]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Thí gì được sức lớn?
Thí gì được diệu sắc?
Thí gì được an vui?
Thí gì được mắt sáng?
Tu tập những thí nào,
Gọi là nhất thiết thí?
Nay xin hỏi Thế Tôn,
Xin Ngài phân biệt nói.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Thí ăn được sức lớn,
Thí y được diệu sắc;
Thí xe được an vui,
Thí đèn được mắt sáng;
Lữ quán để tiếp khách[15],
Gọi là nhất thiết thí.
Đem pháp để dạy người,
Đó là thí cam lộ[16].
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử này nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 999. HOAN HỶ[17]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử tên là Tất-bề-lê[18], tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ:
Chư Thiên và người đời,
Đều ưa thích thức ăn;
Vậy có các thế gian,
Phước lạc tự theo chăng[19]?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Tịnh tín tâm huệ thí,
Đời này và đời sau
Theo chỗ người này đến,
Phước báo theo như bóng.
Cho nên bỏ keo kiệt,
Hành huệ thí không nhơ;
Thí rồi, tâm hoan hỷ,
Đời này đời khác nhận.
Thiên tử Tất-bề-lê này bạch Phật:
“Lạ thay! Thế Tôn khéo nói nghĩa trên:
Tịnh tín tâm huệ thí,
Đời này và đời sau;
Theo chỗ người này đến,
Phước báo theo như bóng;
Cho nên bỏ keo kiệt,
Hành huệ thí không nhơ;
Thí rồi tâm hoan hỷ,
Đời này đời khác nhận.
Thiên tử Tất-bề-lê bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con tự biết thời quá khứ, đã từng làm quốc vương tên Tất-bề-lê, bố thí, làm phước khắp cả bốn cửa thành. Và ở trong thành kia có bốn giao lộ, ở nơi đó cũng bố thí làm phước.
“Lúc ấy đệ nhất phu nhân đến nói với con: ‘Đại vương làm phước đức lớn, mà tôi không có sức để tu các phước nghiệp.’
“Khi đó, con nói: ‘Ngoài cửa thành phía Đông, bố thí, làm phước, việc đó đều thuộc về phu nhân.’
“Các vương tử cũng đến tâu với con: ‘Đại vương làm nhiều công đức, phu nhân cũng vậy. Mà chúng con không có sức để làm các phước nghiệp. Nay chúng con xin được nương vào Đại vương làm chút công đức.’
“Khi đó, con đáp: ‘Ngoài cửa thành phía Nam, bố thí, làm phước, việc đó đều thuộc về các con.’
“Bấy giờ có quan đại thần lại đến tâu với con: ‘Ngày nay Đại vương, phu nhân, cùng vương tử làm nhiều công đức. Còn hạ thần không có sức làm các phước nghiệp, xin nương vào Đại vương làm chút công đức.’
“Khi đó, con bảo: ‘Ngoài cửa thành phía Tây, bố thí làm phước, việc đó đều thuộc về các ông.’
“Bấy giờ, các tướng sĩ lại đến tâu với con: ‘Ngày nay Đại vương, làm nhiều công đức, phu nhân, vương tử và các đại thần đều cùng làm, chỉ có chúng hạ thần không có sức để làm phước nghiệp, xin nương vào Đại vương để làm.’
“Khi đó, con đáp: ‘Ngoài cửa thành phía Bắc, bố thí làm phước, việc đó đều thuộc về các ông.’
“Bấy giờ, thứ dân trong nước lại đến tâu với con: ‘Ngày nay Đại vương làm nhiều công đức, phu nhân, vương tử, đại thần, các tướng sĩ đều cùng làm. Chỉ có chúng tôi không có sức để tu phước, nguyện xin nương vào Đại vương làm chút công đức.’
“Khi đó, con đáp: ‘Trong thành kia, ở đầu bốn giao lộ, bố thí làm phước, việc đó đều thuộc về các ngươi.’
“Bấy giờ, vua, phu nhân, vương tử, đại thần, tướng sĩ, thứ dân, mọi người đều bố thí, làm các công đức. Việc huệ thí công đức trước đây của con do đó mà bị gián đoạn. Khi đó những người con đã bảo họ làm phước đều trở về chỗ con, làm lễ con và tâu con rằng: ‘Đại vương nên biết, những nơi tu phước, phu nhân, vương tử, đại thần, tướng sĩ, thứ dân, mỗi người đều y cứ chỗ mình mà bố thí, làm phước. Sự bố thí của Đại vương đến do đó mà bị gián đoạn.’
“Khi đó, con đáp: ‘Này Thiện nam, các nước láng giềng hằng năm nộp tài vật cung ứng cho ta, phân nửa cho vào kho, còn phân nửa để lại các nước ấy thí ân, làm phước.’
“Người kia vâng theo lệnh vua, đến nước lân cận, gom góp tài vật, phân nửa cho vào kho, phân nửa để lại cho nước đó thí ân, làm phước.
“Trước kia con trường kỳ thí ân, làm phước như vậy, nên luôn luôn được phước báo khả ái, khả niệm, khả ý, thường hưởng được khoái lạc không cùng tận. Do phước nghiệp này cùng với quả phước báo phước, tất cả đều dồn vào nhóm công đức lớn. Ví như năm con sông lớn hợp thành một dòng, đó là sông Hằng, Da-bố-na, Tát-la-do, Y-la-bạt-đề, Ma-hê. Năm con sông này hợp thành một dòng như vậy mà không ai có thể đo lường số lượng trăm, ngàn, vạn, ức đấu hộc nước sông kia. Nước của con sông lớn này trở thành một khối lượng nước lớn. Quả báo của các công đức đã làm của con cũng như vậy, không thể đo lường, tất cả đều nhập vào nhóm công đức lớn.”
Thiên tử Tất-bề-lê nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ lễ Phật rồi biến mất.
KINH 1000. VIỄN DU[20]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Người nào có thể làm
Thiện tri thức viễn du[21]?
Người nào có thể làm
Thiện tri thức tại gia?
Người nào có thể làm
Thiện tri thức thông tài[22]?
Người nào có thể làm
Thiện tri thức đời sau?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Người dẫn đầu đoàn buôn,
Thiện tri thức du hành.
Vợ hiền lương trinh chính,
Thiện tri thức tại gia.
Thân tộc gần gũi nhau,
Thiện tri thức thông tài.
Công đức mình tu tập,
Thiện tri thức đời sau.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử này nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1001. XÂM BỨC[23]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Vận tối đem mạng đi,
Nên khiến người đoản mạng.
Bị sự già bức bách,
Mà không người cứu hộ.
Thấy già, bệnh, chết đó,
Khiến người sợ vô cùng.
Chỉ làm các công đức,
Vui đi đến chỗ vui.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Vận tối đem mạng đi,
Nên khiến người đoản mạng.
Bị sự già bức bách,
Mà không người cứu hộ.
Thấy lỗi hữu dư này,
Khiến người sợ vô cùng.
Đoạn tham ái ở đời,
Nhập Niết-bàn vô dư.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử này nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1002. ĐOẠN TRỪ[24]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Đối mấy pháp đoạn trừ?
Mấy pháp nên vất bỏ?
Và đối với mấy pháp,
Tăng thượng phương tiện tu?
Phải siêu việt mấy tụ[25],
Tỳ-kheo vượt dòng siết[26]?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Năm đoạn trừ, năm xả[27],
Đối năm căn tu thêm[28],
Vượt lên năm hòa hợp[29],
Tỳ-kheo qua dòng sâu.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử này nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1003. TỈNH NGỦ[30]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Mấy người ngủ khi thức?
Mấy người thức khi ngủ[31]?
Mấy người đắm bụi nhơ?
Mấy người được thanh tịnh?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Năm người ngủ khi thức.
Năm người thức khi ngủ.
Năm người đắm bụi nhơ.
Năm người được thanh tịnh[32].
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử này nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1004. HỖ TƯƠNG HOAN HỶ[33]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Mẹ con vui với nhau,
Trâu chúa thích trâu mình.
Chúng sanh thích hữu dư[34],
Không ai thích vô dư.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Mẹ con lo lẫn nhau,
Trâu chúa lo trâu mình;
Hữu dư chúng sanh lo,
Vô dư thì không lo.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử này nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1005. NGƯỜI VẬT[35]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Vật gì là của người?
Cái gì bạn bậc nhất?
Cái gì để nuôi sống?
Chúng sanh nương nơi nào?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Ruộng, nhà: của chúng sanh.
Vợ hiền: bạn bậc nhất;
Ăn uống để nuôi sống,
Chúng sanh nương vào nghiệp.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử này nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1006. YÊU AI HƠN CON[36]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Yêu ai hơn yêu con.
Của nào quý hơn bò.
Sáng gì hơn mặt trời.
Tát-la[37] không hơn biển.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Yêu ai bằng yêu mình.
Tiền của nào hơn thóc.
Sáng gì hơn trí tuệ,
Tát-la đâu bằng thấy[38].
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử này nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1007. SÁT-LỢI[39]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Hai chân, Sát-lợi tôn.
Bốn chân, bò đực[40] hơn.
Trẻ đẹp[41] là vợ nhất,
Quý sanh[42] là con nhất.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Hai chân, Chánh giác tôn.
Bốn chân, ngựa thuần hơn.
Thuận chồng là vợ hiền,
Lậu tận con quý nhất[43].
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử này nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1008. CHỦNG TỬ[44]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Những cái sanh từ đất,
Cái gì là tối thắng?
Từ không rơi rụng xuống,
Cái gì là hơn hết?
Phàm ở nơi cầu thỉnh[45],
Cái gì là bậc nhất?
Trong tất cả ngôn ngữ,
Biện thuyết nào là nhất?
Lúc ấy có một Thiên tử vốn con nhà nông, nay được sanh lên cõi trời, vì theo tập khí trước nên liền nói kệ đáp lại Thiên tử kia:
Ngũ cốc từ đất sanh,
Thì đó là tối thắng.
Hạt giống từ không trung,
Rơi xuống đất hơn hết.
Con bò giúp đỡ người[46],
Chỗ cậy nhờ tốt nhất.
Lời nói yêu con cái,
Đây là lời hay nhất.
Vị Thiên tử vốn nêu câu hỏi bèn hỏi lại vị Thiên tử trả lời:
“Tôi không hỏi đến anh, cớ sao lại nhiều lời khinh tháo vọng nói. Tôi tự nói kệ hỏi Thế Tôn:
Những cái sanh từ đất,
Cái gì là tối thắng?
Từ không rơi xuống đất,
Cái gì là hơn hết?
Phàm ở nơi cầu thỉnh,
Cái gì là tối thắng?
Trong tất cả ngôn ngữ,
Biện thuyết nào là nhất?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Từ dưới đất vọt lên,
Tam minh là tối thượng[47].
Từ hư không rơi xuống,
Tam minh cũng bậc nhất.
Chúng đệ tử Hiền thánh,
Là thầy nương cao quý[48].
Những gì Như Lai nói,
Là biện thuyết bậc nhất.
Thiên tử này lại nói kệ:
Thế gian mấy pháp khởi[49]?
Mấy pháp được thuận theo[50]?
Đời mấy pháp thủ ái[51]?
Đời mấy pháp tổn giảm[52]?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Đời khởi do sáu pháp[53].
Đời thuận hiệp sáu pháp.
Đời, sáu pháp thủ ái
Đời, sáu pháp tổn giảm.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử ấy nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1009. TÂM[54]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Ai lôi thế gian đi?
Ai câu dẫn thế gian[55]?
Cái gì là một pháp,
Chế ngự nơi thế gian?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Tâm đem thế gian đi,
Tâm câu dẫn thế gian;
Tâm kia là một pháp,
Hay chế ngự thế gian.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử ấy nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1010. PHƯỢC[56]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Cái gì trói thế gian?
Điều phục gì để thoát[57]?
Đoạn trừ những pháp nào,
Gọi là đạt Niết-bàn?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Dục hay trói thế gian[58],
Điều phục dục, giải thoát[59];
Người đoạn trừ ái dục,
Nói là đạt Niết-bàn.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử ấy nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1011. YỂM[60]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Cái gì khép thế gian?
Gì bao phủ thế gian?
Gì kết buộc chúng sanh?
Đời dựng trên cái gì?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Suy già khép thế gian,
Chết bao phủ thế gian;
Ái kết buộc chúng sanh,
Pháp dựng đứng thế gian.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử ấy nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1012. VÔ MINH[61]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Cái gì che thế gian?
Cái gì trói thế gian?
Cái gì nhớ chúng sanh?
Gì dựng cờ chúng sanh?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Vô minh che thế gian,
Ái ràng buộc chúng sanh;
Ẩn phú nhớ chúng sanh[62],
Ngã mạn, cờ chúng sanh.
Thiên tử này lại nói kệ hỏi Phật:
Ai không bị trùm kín?
Ai không bị ái buộc?
Ai ra khỏi ẩn phú?
Ai không dựng cờ mạn?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Như Lai Đẳng Chánh Giác,
Chánh trí tâm giải thoát,
Không bị vô minh phủ,
Cũng không bị ái buộc,
Vượt ra khỏi ẩn phú,
Bẻ gãy cờ ngã mạn.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử ấy nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1013. TÍN[63]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Những gì là tài vật,
Mà thượng sĩ sở hữu[64]?
Làm sao khéo tu tập,
Để đạt đến an vui?
Làm sao trong các vị,
Được vị ngọt tối thượng?
Làm sao trong chúng sanh,
Đạt tuổi thọ cao nhất[65]?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Tâm thanh tịnh, tín lạc,
Là của bậc nhất của người.
Đối Chánh pháp tu hành,
Mang lại quả an lạc.
Lời vi diệu chân thật,
Là vị ngọt tuyệt nhất.
Đời sống tuệ Hiền thánh[66],
Là tuổi thọ cao nhất.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử ấy nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1014. ĐỆ NHỊ[67]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Thế nào là Tỳ-kheo,
Có bạn đồng với mình[68]?
Thế nào là Tỳ-kheo,
Có tùy thuận giáo thọ[69]?
Tỳ-kheo ở nơi nào,
Tâm rong chơi thỏa thích?
Thỏa thích nơi đó rồi,
Đoạn trừ các kết phược[70]?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Tín, là bạn đồng hành,
Trí tuệ: vị giáo thọ;
Niết-bàn: chốn hỷ lạc,
Tỳ-kheo đoạn kết phược.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử ấy nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1015. TRÌ GIỚI[71]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Gì là tốt đến già?
Gì là tốt xác lập?
Gì là của báu người?
Cái gì giặc chẳng đoạt?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Chánh giới tốt đến già.
Tịnh tín tốt xác lập.
Trí tuệ, báu của người,
Công đức giặc không đoạt.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử ấy nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1016. CHÚNG SANH (1)[72]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Pháp gì sanh chúng sanh?
Những gì dong ruổi trước?
Cái gì khởi sanh tử?
Cái gì không giải thoát?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Ái dục sanh chúng sanh,
Ý dong ruổi trước tiên;
Chúng sanh khởi sanh tử[73],
Pháp khổ không giải thoát.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử ấy nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1017. CHÚNG SANH (2)[74]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Pháp gì sanh chúng sanh?
Những gì dong ruổi trước?
Cái gì khởi sanh tử?
Pháp gì chỗ nương cậy?
Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ đáp:
Ái dục sanh chúnh sanh,
Ý dong ruổi trước tiên;
Chúng sanh khởi sanh tử,
Nghiệp pháp chỗ nương cậy.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử ấy nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1018. CHÚNG SANH (3)[75]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Pháp gì sanh chúng sanh?
Những gì dong ruổi trước?
Cái gì khởi sanh tử?
Pháp gì đáng sợ nhất?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Ái dục sanh chúng sanh,
Ý dong ruổi trước tiên;
Chúng sanh khởi sanh tử,
Nghiệp là đáng sợ nhất.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử ấy nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1019. PHI ĐẠO[76]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Gì gọi là phi đạo[77]?
Cái gì ngày đêm dời[78]?
Cái gì nhơ phạm hạnh?
Cái gì lụy thế gian[79]?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Tham dục là phi đạo,
Tuổi thọ ngày đêm dời;
Người nữ nhơ phạm hạnh,
Người nữ lụy thế gian[80].
Nhiệt hành, tu phạm hạnh,
Rửa sạch các lỗi nhỏ[81].
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử ấy nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1020. VÔ THƯỢNG[82]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Pháp gì ánh thế gian[83]?
Pháp gì là trên hết?
Những gì là một pháp,
Chế ngự khắp chúng sanh?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Danh ngời sáng thế gian,
Danh là nhất trên đời;
Chỉ có một pháp ‘danh’,
Chế ngự cả thế gian.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử ấy nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1021. KỆ NHÂN[84]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Pháp gì nhân của kệ?
Kệ lấy gì trang nghiêm[85]?
Kệ này nương nơi đâu[86]?
Thể của kệ là gì[87]?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Dục[88] là nhân của kệ,
Văn tự trang nghiêm kệ;
Danh là chỗ kệ nương,
Tạo tác[89] là thể kệ.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử ấy nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
KINH 1022. BIẾT XE[90]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ vị Thiên tử này nói kệ hỏi Phật:
Làm sao biết xe cộ?
Làm sao lại biết lửa?
Làm sao biết quốc độ?
Làm sao biết được vợ?
Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ đáp:
Thấy cờ lọng biết xe,
Thấy khói thời biết lửa;
Thấy vua biết quốc độ,
Thấy chồng biết được vợ.
Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Thoát hẳn đời ân ái.
Vị Thiên tử ấy nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.


Chú thích:
[1]. Ấn Thuận, “Tụng vii. Tám chúng, Tương ưng 24. Bà-kỳ-xá”. Gồm mười sáu kinh, Đại Chánh, quyển 45 (nửa sau), kinh 1208-1221; quyển 36, hai kinh đầu, 993-994. Quốc Dịch, quyển 40, “8. Tương ưng Bà-kỳ-xá”, phẩm 2, tiếp theo. Ấn Thuận, “24, Tương ưng Bà-kỳ-xá” tiếp theo, kinh 15. Phật Quang, quyển 46, kinh 1206. Tương đương Pāli, không thấy. Biệt dịch, №100(256).
[2]. Bà-kỳ-xá 婆耆舍. Pāli: Vaṅgīsa, biện tài đệ nhất.
[3]. Biệt dịch, №100(257).
[4]. Tương ưng Bà-kỳ-xá sẽ được tiếp nối nơi quyển 45 (nửa sau), kinh 1028-1221.
[5]. Ấn Thuận, “25. Tương ưng chư Thiên”, một trăm lẻ tám kinh: 1324-1431, tương đương Đại Chánh, kinh 995-1022 (quyển 36), 576-603 (quyển 22), 1267-1318 (quyển 48). Tương đương Pāli, S.1. . Devatā-saṃyutta. Quốc Dịch, phẩm 1, gồm chín kinh, Đại Chánh kinh 995-1003. Pāli, S.1.1.10. Araññe. Biệt dịch, №100(132).
[6]. A-luyện-nhã 阿練若. Pāli: araññaka, vị (Tỳ-kheo) sống trong rừng. Một trong mười hai hạnh đầu đà.
[7]. Hán: không nhàn xứ 空閑處. Pāli: araññe, chỗ rừng vắng.
[8]. Nhất tọa thực 一坐食, chỉ sự ăn một ngày một lần duy nhất trước giờ ngọ. Một trong mười hai hạnh đầu đà. Pāli: ekabhattaṃ = ekāsanabhatta.
[9]. Pāli, S.1.9. Mānakāma. Biệt dịch, №100(133).
[10]. Hán: bất dục khởi kiêu mạn, thiện tự đièu kỳ tâm 不欲起憍慢善自調其心; cú pháp đảo trang. Xét nội dung và đối chiếu Pāli, sắp xếp lại trước khi dịch. Tham khảo Pāli: na mānakāmassa damo idhatthi, ở đây, dục kiêu mạn không được chế ngự.
[11]. Pāli: na monam atthi asamāhitassa, không có Mâu-ni (tịch mặc) đối với tâm không định tĩnh.
[12]. Pāli: na maccudheyyassa tareyya pāran’ ti, không thể vượt qua bên kia cảnh giới tử thần.
[13]. Pāli, S.1.47. Vanaropa. Biệt dịch, №100(134).
[14]. Pāli, S.1.42. Kiṃdada. Biệt dịch, №100(235).
[15]. Pāli: upassaya, phòng xá, hay phòng trọ.
[16]. Pāli: amataṃ dado, cho sự bất tử.
[17]. Pāli, S.1.43. Anna (thực); S.2.23. Serī.
[18]. Tất-bề-lê 悉鞞梨. Pāli: Serī devaputto.
[19]. Pāli: atha ko nāma so yakkho, yaṃ annaṃ nābhinandatī ti, có Dạ-xoa tên gì mà không ưa thích đồ ăn?
[20]. Pāli, S.1.53. Mitta. Biệt dịch, №100 (237).
[21]. Pāli: pavasato mittaṃ, bạn trong khi đi đường.
[22]. Hán: thông tài thiện tri thức 通財善知識. Pāli: mittaṃ atthajātassa, bạn hiểu biết công việc, bạn khi cần.
[23]. Pāli, S.1.3. Upaneyya; S.2.2.9. Uttara. Biệt dịch, №100(138).
[24]. Pāli, S.1.5. Kati chande. Biệt dịch, №100(140).
[25]. Pāli: saṅgātigo, (người) siêu việt chấp trước, thoát khỏi sự kết buộc.
[26]. Pāli: oghatiṇṇo, (người) vượt qua dòng thác.
[27]. Đây chỉ đoạn trừ năm triền cái, xả năm dục.
[28]. Năm căn, chỉ năm vô lậu căn: tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ.
[29]. Năm hòa hiệp, chỉ năm kết: tham, sân, mạn, tật đố, keo kiệt (xan). Pāli: pañca saṅgātigo.
[30]. Pāli, S.1.6. Jāgara. Biệt dịch, №100 (141).
[31]. Pāli: kati jāgarataṃ suttā, kati suttesu jāgarā, bao nhiêu (pháp) mình ngủ khi người khác thức? Bao nhiêu (pháp) mình thức khi người ngủ?
[32]. Biệt dịch Tạp A-hàm 8, kinh 10: Người trì năm giới, tuy ngủ mà là thức. Người tạo năm ác, tuy thức mà ngủ. Bị năm cái che lấp: nhiễm bụi bặm. Có năm Vô học phần: thanh tịnh ly cấu.
[33]. Quốc Dịch, “9. Tương ưng chư Thiên, phẩm 2”. Pāli, S.1.12. Nandati. S.4.1.8. Nandana. Biệt dịch, №100(142).
[34]. Chỉ hữu y hay sanh y. Pāli: upadhi.
[35]. Pāli, S.1.54. Vatthu. Biệt dịch, №100(231).
[36]. Pāli, S.1.13. Natthiputtasama. Biệt dịch, №100(232).
[37]. Tát-la 薩羅 . Pāli: sara, chỉ biển hồ, không lớn hơn biển Đại dương (Samudda).
[38]. Pāli: vuṭṭhi ve paramā sarā ti, mưa là biển hồ tối thượng. Bản Hán, đọc là diṭṭhi (thấy, kiến) thay vì vuṭṭhi (mưa).
[39]. Pāli, S.1.2.4. Khattiya. Biệt dịch, №100 (233).
[40]. Phong ngưu 犎牛. Pāli: balīvaddo, bò đực.
[41]. Hán: đồng anh 童英. Pāli: komarī, đồng nữ, thiếu nữ, quý nữ.
[42]. Quý sanh 貴生. Pāli: pubbaja, sanh trước, con trai trưởng.
[43]. Pāli: yo ca puttānam assavo’ti, hiếu thuận là con quý nhất. Bản Hán đọc nhầm assava (trung thực, hiếu thuận) thành asava rồi hiểu là tỉnh lược của anāsava (vô lậu).
[44]. Quốc Dịch phân thành hai kinh: Chủng tử kinh, Thế gian kinh. Pāli, S.1.74. Vuṭṭhi; S.1.70. Loka. Biệt dịch, №100 (234, 235).
[45]. Hán: kỳ thỉnh xứ 祈請處. Pāli: pavajamānānam, trong những cái đi lang thang. Bản Hán đọc là pavāraṇā.
[46]. Pāli: gāvo pavajamānānaṃ, trong các con đi lang thang, con bò (là bậc nhất).
[47]. Pāli: avijjā nipatataṃ varā, vô minh là bậc nhất trong những cái đọa lạc.
[48]. Hán: sư y 師依. Pāli: saṅgho pavajamānānaṃ, Tăng là bậc nhất trong những người thường du hành.
[49]. Pāli: kismiṃ loko samupamuppanno, thế gian tập khởi trên cái gì?
[50]. Pāli: kismiṃ kubbati santhavaṃ, (thế gian) kết hợp trên cái gì?
[51]. Thủ ái 取愛. Pāli: kissa loko upādāya, thế gian chấp thủ cái gì?
[52]. Pāli: kismiṃ loko vihaññāti, thế gian bị cái gì bức khổ?
[53]. Sáu pháp chỉ sáu xứ.
[54]. Pāli, S.1.62. Citta. Biệt dịch, №100(236).
[55]. Câu khiên 拘牽. Ấn Thuận đọc là câu dẫn 拘引. Pāli: kenassu parikissati, (thế gian) khốn đốn vì cái gì? Bản Hán đọc là parikassati, lôi kéo đi.
[56]. Pāli, S.1.64. Saṃyojana. Biệt dịch, №100(237).
[57]. Pāli: kiṃsu tassa vicāraṇaṃ, cái gì là bước chân của thế gian?
[58]. Pāli: nandīsaṃyojano loko, thế gian bị trói buộc bởi hỷ.
[59]. Pāli: vitakkassa vicāraṇaṃ, tầm cầu là bộ hành của thế gian.
[60]. Pāli, S.1.68. Pihita. Biệt dịch, №100 (238).
[61]. Không thấy Pāli tương đương. Biệt dịch, №100 (239).
[62]. Ẩn phú ức chúng sanh 隱覆憶眾生; chưa rõ nghĩa. Ẩn phú, Pāli: makkha (?): ngụy thiện, đạo đức giả.
[63]. Quốc Dịch, “9, Tương ưng chư Thiên; phẩm 3”. Pāli, S.1.73. Vitta. Biệt dịch, №100 (240).
[64]. Pāli: kiṃsu vittaṃ purisassa seṭṭhaṃ, trong những gì là tài sản tối thượng của con người?
[65]. Pāli: kathaṃjīvíṃ jīvitamāhu seṭṭhan’ti, sống như thế nào là đời sống tối thượng?
[66]. Trí tuệ mạng 智慧命. Pāli: paññājīviṃ, đời sống trí tuệ.
[67]. Pāli, S.1.59. Dutiya. Biệt dịch, №100 (241).
[68]. Đệ nhị 第二; người thứ hai, tức người bạn đồng hành hay sống chung. Pāli: kiṃsu dutiyā purisassa hoti, nơi những gì là bạn của con người.
[69]. Pāli: kiṃsu cenaṃ pasāsati, bằng cái gì mà dạy dỗ con người?
[70]. Pāli: kissa cābhirato macco,sabbadukkhā pamuccatī ti, con người vui thú nơi cái gì mà giải thoát mọi khổ đau?
[71]. Pāli, S.1.51. Jāra. Biệt dịch, №100 (242).
[72]. Pāli, S.1.56. Jana (2). Biệt dịch, №100 (243).
[73]. Pāli: satto saṃsāram āpādi, chúng sanh đọa lạc sanh tử.
[74]. Pāli, S.1.57. Jana (3). Biệt dịch, №100 (244).
[75]. Pāli, S.1.55. Jana (1). Biệt dịch, №100 (245).
[76]. Pāli, S.1.58. Uppatha. Biệt dịch, №100(246).
[77]. Phi đạo 非 道. Pāli: uppatha, con đường lầm lạc, tà đạo.
[78]. Nhật dạ thiên 日夜遷, có lẽ là tận 盡. Pāli: rattindivakkhayo, bị tận diệt ngày đêm.
[79]. Pāli: kiṃ sinānam anodakaṃ, sự tắm gì không nước?
[80]. Pāli: etthāyaṃ sajjate pajā, ở đây mọi người dính mắc nó. Bản Hán đọc iṭṭhi : nữ thay vì ettha (ở đây).
[81]. Pāli: tapo ca brahmacariyañca, taṃ sinānam anodakaṃ, khổ hạnh và phạm hạnh, là sự tắm không có nước.
[82]. Pāli, S.1.61. Nāma. Biệt dịch, №100(247).
[83]. Pāli: kiṃsu sabbaṃ addhabhavi, cái gì chinh phục tất cả?
[84]. Pāli, S.1.60. Kavi. Biệt dịch, №100(248).
[85]. Pāli: kiṃsu tāsaṃ viyañjanaṃ, cái gì là tiêu tướng (= văn cú) của chúng?
[86]. Pāli: kiṃsu sannissitā gāthā, thi kệ y cái gì?
[87]. Pāli: kiṃsu gāthānaṃ āsāyo, cái gì là sở y của kệ?
[88]. Pāli: chando (trung tính): âm vận; bản Hán hiểu là nam tính: dục hay ý muốn.
[89]. Pāli: kavi, thi nhân.
[90]. Pāli, S.1.72. Ratha. Biệt dịch, №100(249).

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 50 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Sống đẹp giữa dòng đời


Vào thiền


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục


Nguyên lý duyên khởi

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.37.129 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập