Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
18. Sáu Ba La Mật
C2. Hành tướng của sự tu hành Lục độ
D1. Thiện Sinh hỏi
Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Vừa rồi Đức Phật có nói sáu phương tức là sáu Ba la mật, người nào cúng dường sáu phương sẽ được tăng trưởng tài sản, thọ mạng. Hành tướng của những người ấy như thế nào?”
D2. Thế Tôn trả lời
E1. Hành tướng của người tu Lục độ
Đức Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu người nào có thể không sẻn tiếc tất cả tài vật, thường làm lợi ích cho người khác, thường nghĩ đến việc bố thí, ưa thích bố thí, có được vật gì liền đem cho người khác, không cần biết ít nhiều. Lúc đang bố thí, không coi thường thân mạng và tài sản. Lúc bố thí, không phân biệt người trì giới hay phá giới. Thường ca ngợi sự bố thí.
Thấy người khác bố thí, tâm sinh hoan hỷ, vui mừng, không hề ganh ghét. Khi có người đến xin, lòng thấy vui thích, liền đứng lên chào hỏi, nhấc ghế mời ngồi; dù người đó có hỏi han hay không, cũng đều ca ngợi quả báo của sự bố thí. Thấy người sợ hãi, có thể cứu hộ họ. Ở trong đời đói khát, thường ưa bố thí thức ăn uống. Tuy làm việc bố thí, nhưng không vì quả báo, cũng không mong được đền ơn. Không lừa dối chúng sinh, thường ca ngợi những công đức của Tam bảo. Khi buôn bán, không bao giờ dùng cân non, hoặc trộn những phẩm vật xấu để gạt người. Không thích rượu chè, cờ bạc, việc trai gái, mà thường tu hạnh hổ thẹn, sám hối. Tuy giàu có mà tâm không phóng túng, thường tu bố thí, không sinh tâm kiêu mạn. Thiện nam tử! Người nào hành trì được như vậy, nên biết người đó có thể cúng dường Bố thí Ba la mật.
Thiện nam tử! Nếu có người có thể thanh tịnh được hành động, lời nói, ý nghĩ, thường tu tâm nhu hòa, không làm điều quấy; nếu như có làm, thường sinh lòng hổ thẹn, tin tưởng nghiệp như vậy sẽ bị quả báo dữ; đối với điều thiện đã tu được, tâm sinh vui mừng; đối với tội nhỏ, cũng giữ gìn không cho phạm, giống như tội rất nặng; nếu như lỡ phạm, trong lòng khiếp sợ, lo buồn, hối hận; không bao giờ giận dữ đánh đập, làm khổ chúng sinh; suy nghĩ kỹ lưỡng trước, sau đó nói lời dịu dàng; nếu thấy chúng sinh, liền sinh tâm thương mến, lo lắng; thường biết ơn và tìm cách trả ơn; tâm không sẻn tiếc, không lừa dối chúng sinh; làm ra tiền đúng như pháp; ưa làm phước đức, thường chỉ dạy người khác về những công đức mà mình đã làm được; thấy người nghèo khổ, đem thân thay họ chịu khổ, thường tu tập hạnh từ bi, thương xót tất cả; thấy người làm ác, có thể che chở, ngăn cấm; thấy người làm thiện, chẳng những khen ngợi công đức
quả báo, mà còn đem sức lực ra phụ giúp; thấy người không được tự do, giúp cho họ được tự do; thường tu tập hạnh xa lìa tâm giận dữ, nếu như khởi tâm giận dữ, liền biết tự trách và sám hối; thường nói lời chân thật, lời dịu dàng, không nói lời đâm thọc và những lời vô nghĩa. Thiện nam tử! Người nào hành trì được như vậy, phải biết người đó có thể cúng dường Trì giới Ba la mật.
Thiện nam tử! Nếu người nào có thể thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý; giả sử người ấy có bị chúng sinh làm hại, cũng chẳng hề khởi một niệm giận dữ, hơn nữa, quyết không bao giờ trả thù; nếu người ác đến sám hối tạ tội, liền tha thứ ngay; khi thấy chúng sinh, tâm thường hoan hỷ; nếu thấy người làm ác, sinh lòng thương xót; khen ngợi quả báo của sự nhẫn nhục, quở trách sự giận dữ, giảng nói về quả báo khổ sở của lòng giận dữ; lúc tu tập hạnh bố thí và nhẫn nhục, thường hướng đến kẻ thù
trước; thường quán sát ngũ ấm chỉ là do các nhân duyên hòa hợp, nếu chỉ là do sự hòa hợp mà thành, thì tại sao lại sinh tâm giận dữ; thường quán sát sâu xa sự giận dữ chỉ là nhân duyên cho sự thọ nhận vô lượng khổ trong ba đường ác trong đời vị lai; nếu sinh tâm giận dữ, liền sinh lòng hổ thẹn, lo sợ, sám hối; thấy hạnh nhẫn nhục của người khác hơn mình, không sinh lòng ghen ghét. Thiện nam tử! Người nào hành trì được như vậy, nên biết rằng người đó có thể cúng dường Nhẫn nhục Ba la mật.
Thiện nam tử! Nếu có người nào không biếng nhác, không thọ nhận, hoặc tham lam cảm giác khoái lạc của sự nằm ngồi; lúc làm những việc nhỏ, tâm ý chuyên chú như lúc làm những công đức to lớn; bất cứ làm việc gì, đều phải làm cho hoàn tất; lúc làm việc, không màng đến sự đói khát, nóng lạnh, đúng giờ hay không đúng giờ; không bao giờ tự khinh; làm một việc lớn chưa xong, không bao
giờ khởi tâm hối tiếc; nếu hoàn tất một công việc, tự vui mừng đã làm xong; khen ngợi quả báo của sự tinh tiến; làm ra tiền đúng như pháp, xài tiền hợp lý; thấy người hay làm việc quấy, thường chỉ rõ quả báo không lành; khéo dạy dỗ chúng sinh, khiến họ tu hành tinh tiến; việc làm chưa xong, không bỏ dở giữa chừng; lúc tu pháp lành, không bị người khác dao động. Thiện nam tử! Nếu người nào hành trì được như vậy, phải biết người đó có thể cúng dường Tinh tiến Ba la mật.
Thiện nam tử! Nếu có người nào có thể thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý, ưa ở chỗ vắng vẻ, hoặc trong động, trong núi, trong rừng, hay trong nhà trống, không thích sự ồn ào, không tham luyến giường ghế, không ưa nói hoặc nghe chuyện tạp nhạp thế gian, không thích sự tham dục, giận dữ, ngu si; thường mở lời trước, nói lời dịu dàng, thường ưa thích sự xuất gia, giáo hóa chúng sinh; tất cả các phiền não
của họ đều giảm bớt, xa lìa sự mơ tưởng viễn vông; khi thấy kẻ oán thù, bèn tu tập từ tâm, thường ưa nói quả báo của thiền định; nếu tâm phóng dật, tán loạn, thường sinh lòng lo sợ, hối hận; thấy những người tu tà định, chỉ dẫn cho họ thấy rõ được sự sai lầm, khéo léo chỉ dẫn cho họ tu tập chánh định. Thiện nam tử! Người nào hành trì được như thế, phải biết người đó có thể cúng dường Thiền định Ba la mật.
Thiện nam tử! Nếu có người có thể thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý, học tập tất cả học vấn thế gian; thường xa lìa tham sân si, không cuồng, không loạn; thường cúng dường cha mẹ, sư trưởng, hòa thượng, các bậc tuổi tác, đức hạnh, những người tu hạnh không phóng dật; thường mở lời chào hỏi trước, nói năng nhỏ nhẹ, không lừa dối chúng sinh; có thể phân biệt giảng nói đạo chánh, đạo tà, và quả báo thiện ác; thường ưa thích chỗ vắng vẻ, xuất gia tu đạo, có thể dạy dỗ chúng sinh
những kiến thức thế gian; thấy người có tài năng hơn mình, không bao giờ sinh lòng ghen ghét, nếu thấy mình hơn người khác, cũng không bao giờ sinh lòng kiêu mạn; khi nhận chịu sự khổ não, tâm không lo buồn; khi hưởng thọ sự sung sướng, cũng không sinh lòng hoan hỷ. Thiện nam tử! Người nào hành trì được như thế, phải biết người đó có thể cúng dường Bát nhã Ba la mật.
E2. Nêu rõ riêng biệt mỗi độ đều có bốn đặc tính
Thiện nam tử! Mỗi phương có bốn đặc tính. Phương bố thí có bốn: một là điều phục chúng sinh, hai là xa lìa sự lỗi lầm, ba là lợi mình, bốn là lợi người. Nếu có người trong bất cứ trường hợp nào đều không tham tiếc của cải, cũng không phân biệt người thân kẻ thù, người đó có thể điều phục chúng sinh. Đối với của cải không tham tiếc nên có thể bố thí và nhờ thế xa lìa được tính xấu bỏn sẻn, đây gọi
là xa lìa lỗi lầm. Trong lúc dự định bố thí, hoặc lúc đang bố thí, hoặc sau khi đã bố thí, tâm đều hoan hỷ, không sinh lòng nuối tiếc, do đây trong tương lai sẽ hưởng thọ được sự vui cõi trời, nhẫn đến sự vui Vô thượng, đây gọi là lợi mình. Có thể khiến cho người khác không còn phải chịu đựng tất cả khổ não của sự đói khát, cho nên gọi là lợi người.
Phương trì giới có bốn: một là trang nghiêm quả vị Vô thượng Bồ đề, hai là xa lìa sự lỗi lầm, ba là lợi mình, bốn là lợi người. Trang nghiêm quả vị Vô thượng Bồ đề nghĩa là từ giới Ưu bà tắc cho đến giới Bồ tát đều có thể làm nền móng căn bản cho quả vị A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, cho nên gọi là trang nghiêm. Sau khi thọ giới thì xa lìa được giới ác, cùng sự không có giới, đây gọi là xa lìa sự lỗi lầm. Nhờ trì giới mà được sự vui trời người cho đến sự vui Vô thượng, đây gọi là lợi mình. Sau khi thọ giới, bố thí cho chúng sinh sự
không sợ hãi, khiến cho tất cả đều được lìa khổ được vui, đây gọi là lợi người.
Phương nhẫn nhục có bốn: một là trang nghiêm quả vị Vô thượng Bồ đề, hai là xa lìa sự lỗi lầm, ba là lợi mình, bốn là lợi người. Trang nghiêm quả vị Vô thượng Bồ đề có nghĩa là nhờ sự nhẫn nhục mà tu tập được pháp lành, nhờ tu pháp lành mà chứng được Sơ địa cho đến quả vị Vô thượng Bồ đề, đây gọi là trang nghiêm. Sau khi tu nhẫn nhục, có thể xa lìa sự sân hận ác độc, đây gọi là xa lìa lỗi lầm. Nhân vì sự nhẫn nhục mà được sự vui cõi trời, nhẫn đến sự vui Vô thượng, đây gọi là lợi mình. Dạy dỗ chúng sinh tu pháp lành, làm cho họ xa lìa pháp ác, đây gọi là lợi người.
Phương thiền định có bốn: một là trang nghiêm Bồ đề, hai là xa lìa sự lỗi lầm, ba là lợi mình, bốn là lợi người. Trang nghiêm Bồ đề nghĩa là do sức mạnh
của sự tu tập thiền định mà được quả vị Sơ địa cho đến quả vị A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, đây gọi là trang nghiêm. Do có thiền định mà tu vô lượng pháp lành, lìa xa sự nghĩ tưởng mông lung, gọi là xa lìa sự lỗi lầm. Do nhân duyên tu tập pháp sa ma tha (chỉ), ưa thích sự vắng lặng, được sự vui cõi trời cho đến sự vui Vô thượng, đây gọi là lợi mình. Phá trừ được tâm tham dục, giận dữ, cuồng si của chúng sinh, đây gọi là lợi người.
Phương trí tuệ có bốn: một là trang nghiêm Bồ đề, hai là xa lìa sự lỗi lầm, ba là lợi mình, bốn là lợi người. Trang nghiêm Bồ đề nghĩa là nhân vì trí tuệ mà được quả vị Sơ địa cho đến quả vị A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, đây gọi là trang nghiêm. Do tu tập trí tuệ, lìa xa vô minh, khiến cho các phiền não không còn hoạnh hành, đây gọi là xa lìa sự lỗi lầm. Trừ diệt phiền não chướng và sở tri chướng, đây gọi là lợi mình. Dạy dỗ chúng sinh, khiến
cho họ được điều phục, đây gọi là lợi người.
E3. Xác định có đủ sáu ba la mật
Thiện nam tử! Hoặc có người cho rằng: “Ngoài giới không có nhẫn, ngoài tuệ không có định”, do đây nói chỉ có bốn Ba la mật. Nếu có thể nhẫn nhục, không trả đũa lại, đây gọi là giới. Nếu tu thiền định, tâm không phóng dật, đây tức là trí tuệ. Cho nên giới tức là nhẫn, tuệ tức là định. Ngoài tuệ không có định, ngoài định không có tuệ, cho nên tuệ tức là định, định tức là tuệ. Ngoài giới không có tinh tiến, ngoài tinh tiến không có giới, cho nên giới tức là tinh tiến, tinh tiến tức là giới. Ngoài bố thí không có tinh tiến, ngoài tinh tiến không có bố thí, cho nên bố thí tức là tinh tiến, tinh tiến tức là bố thí. Cho nên không có sáu Ba la mật. Điều này không đúng! Vì sao? Trí tuệ là nhân, bố thí là quả. Tinh tiến là nhân, trì giới là quả. Thiền định là
nhân, nhẫn nhục là quả. Thế nhưng, nhân và quả không thể là một, do đó phải có sáu Ba la mật. Nếu có người cho rằng: “Giới tức là nhẫn nhục, nhẫn nhục tức là giới”, nghĩa này không đúng. Vì sao? Giới phải từ người khác mà lãnh thọ, nhẫn nhục thì không phải thế. Có người không thọ giới, nhưng có thể nhẫn nhục những sự ác độc, vì chúng sinh mà nhẫn chịu vô số khổ não, trong vô lượng đời, thay cho chúng sinh nhận chịu sự khổ vô cùng, nhưng tâm vẫn không hối hận thoái chuyển. Bởi thế, ngoài giới vẫn có sự nhẫn nhục.
Thiện nam tử! Tam muội tức là sa ma tha, còn trí tuệ tức là tỳ ba xá na. Sa ma tha là sự chuyên tâm một cảnh, còn tỳ bà xá na là sự quán sát phân biệt. Trong Mười hai phần giáo, ta đã có nói định khác với tuệ, cho nên biết rằng phải có sáu Ba la mật. Đức Như Lai trước tiên nói pháp bố thí Ba la mật là muốn điều phục chúng sinh. Vì muốn chúng sinh trong khi bố thí,
tâm không còn sẻn tiếc, cho nên nói pháp trì giới Ba la mật. Vì muốn chúng sinh trong lúc bố thí, có thể nhẫn thọ được sự mất mát tài sản, cho nên kế đó nói pháp nhẫn nhục Ba la mật. Vì muốn chúng sinh bất cứ giây phút nào, tâm đều vui vẻ làm việc bố thí, cho nên tiếp đó nói pháp tinh tiến Ba la mật. Vì muốn chúng sinh trong lúc bố thí, tâm ý chuyên nhất, không nghĩ tưởng tán loạn, cho nên kế đó nói pháp thiền định Ba la mật. Vì muốn chúng sinh trong lúc bố thí, không cầu sự vui trong sinh tử, cho nên kế đến nói pháp trí tuệ Ba la mật.
E4. Nêu lên hành tướng của sáu ba la mật
Thiện nam tử! Thế nào gọi là Ba la mật? Lúc bố thí không cầu quả báo, trong cũng như ngoài, cũng không phân biệt phước điền hay không phải phước điền, bố thí tất cả tài sản, tâm không sẻn tiếc, không chọn lựa ngày giờ, cho nên gọi là
Bố thí Ba la mật; tuy là tội nhỏ, dù mất thân mạng, cũng không hủy phạm, cho nên gọi là Trì giới Ba la mật; dù cho người ác đến xâm phạm thân mình, vẫn có thể nhẫn thọ mà không sân hận, cho nên gọi là Nhẫn nhục Ba la mật; trong ba tháng dùng một bài kệ tán thán Đức Phật, không hề ngơi nghỉ, cho nên gọi là Tinh tiến Ba la mật; chứng đắc đầy đủ Kim cương tam muội, cho nên gọi là Thiền định ba la mật. Thiện nam tử! Lúc chứng đắc A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, đầy đủ cả sáu Ba la mật, cho nên gọi là Trí tuệ Ba la mật.
E5. Kết luận tại gia gặp nhiều khó khăn
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia có thể thanh tịnh sáu Ba la mật, điều này không khó. Bồ tát tại gia, có thể thanh tịnh sáu Ba la mật, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc. 19. Bố Thí Ba La Mật
B2. Nêu rõ Bồ tát tu tập Lục độ
C1. Bố thí độ
D1. Hỏi đáp về việc có thể làm
Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Bồ tát sau khi đã tu sáu Ba la mật có thể làm được những việc gì cho chúng sinh?”
- Thiện nam tử! Vị Bồ tát đó có thể cứu vớt những chúng sinh đang chìm đắm trong biển khổ.
D2. Nêu rõ chi tiết về Bố thí độ
E1. Nêu sơ lược thể của Bố thí
Thiện nam tử! Nếu có người nào sinh tâm bỏn sẻn đối với của cải, Phật pháp, hay thức ăn, phải nên biết người đó, ở trong vô lượng đời sẽ bị quả báo nghèo khổ. Bởi thế, Bồ tát khi tu hành Bố thí Ba la mật cần phải làm lợi ích cho chính mình
và mọi người. Thiện nam tử! Nếu có người ưa thích bố thí, xem kẻ thù như người thân, giúp cho người không tự do được tự do, tin tưởng quả báo của sự bố thí và sự trì giới, người đó sẽ được thành tựu quả báo của sự bố thí.
Thiện nam tử! Có người cho rằng: “Sự bố thí chỉ là ý tưởng. Vì sao? Ý tưởng là cội gốc của sự bố thí.” Nghĩa này không đúng! Vì sao? Sự bố thí liên quan đến năm ấm. Tại sao như vậy? Do ba nghiệp thân, miệng, ý mà thành tựu sự bố thí. Sự bố thí, nếu lợi mình, lợi người và lợi cho cả hai bên thì phải liên quan đến cả năm ấm. Sự bố thí như vậy có thể trang nghiêm Đạo Bồ đề. Quả báo chính của sự bố thí là xa lìa phiền não, giàu có nhiều của cải, còn quả báo phụ của sự bố thí là được sống lâu, sắc đẹp, sức khỏe, sung sướng và sự khéo ăn nói. Quả báo bố thí có ba loại: một là vì vật bố thí thù thắng đưa đến quả báo thù thắng; hai là vì phước
điền thù thắng đưa đến quả báo thù thắng; ba là vì người bố thí thù thắng đưa đến quả báo thù thắng. Phước điền thù thắng nghĩa là từ các vị Tu đà hoàn hướng cho đến các vị hậu thân Bồ tát; bố thí những vị này sẽ được quả báo thù thắng. Nếu vật bố thí đầy đủ màu sắc, hương thơm, mùi vị, cùng sự chạm xúc vi diệu thì gọi là vật bố thí thù thắng; bố thí những vật như vậy được quả báo thù thắng. Nếu người bố thí có lòng tin nồng hậu, thuần thành, lại còn tu tập đầy đủ những hạnh bố thí, trì giới, đa văn, trí tuệ thì gọi là người bố thí thù thắng; người bố thí đó sẽ được quả báo thù thắng.
E2. Phân biệt hành tướng của sự bố thí
F1. Năm loại bố thí
Thiện nam tử! Người trí thực hành năm loại bố thí: một là hết lòng bố thí, hai là tự tay mình bố thí, ba là bố thí với lòng tin, bốn là bố thí đúng lúc, năm là bố thí đúng như pháp.
Thiện nam tử! Hết lòng bố thí sẽ được những quả báo nào? Người hết lòng bố thí sẽ được của cải tràn đầy, vàng bạc, lưu ly, xa cừ, trân châu, voi, ngựa, trâu, dê, ruộng vườn, nhà cửa, tôi tớ, quyến thuộc đông nhiều. Người hết lòng bố thí sẽ được những quả báo như vậy. Tự tay mình bố thí sẽ được những quả báo nào? Tự tay mình bố thí cũng sẽ được quả báo như vừa nói trên và có thể tự mình hưởng dụng. Người tự tay mình bố thí sẽ được những quả báo như vậy. Người bố thí với lòng tin sẽ được những quả báo nào? Người bố thí với lòng tin sẽ được những quả báo như vừa nói trên, hơn nữa, thường được cha mẹ, anh em, họ hàng, cùng tất cả chúng sinh yêu mến. Người bố thí với lòng tin được những quả báo như vậy. Người bố thí đúng lúc sẽ được những quả báo nào? Người bố thí đúng lúc sẽ được những quả báo như vừa nói trên, hơn nữa, mọi việc mong cầu đều được toại nguyện. Người bố
thí đúng lúc được những quả báo như vậy. Người bố thí đúng như pháp sẽ được những quả báo nào? Người bố thí đúng như pháp sẽ được những quả báo như vừa nói trên, hơn nữa, của cải không bị mất mát bởi sự xâm hại của nhà cầm quyền, giặc cướp, nước, lửa, v.v...
F2. Bố thí bốn trần: sắc, hương, vị, xúc
Nếu bố thí những vật màu sắc lộng lẫy, người đó sẽ được quả báo dung mạo phi phàm; nếu bố thí những vật thơm tho, người đó sẽ được quả báo tiếng tăm lừng lẫy; nếu bố thí thức ăn ngon quí, người đó sẽ được quả báo người khác ưa gần gũi, sau khi gần gũi, sinh lòng yêu mến, kính trọng. Nếu bố thí vật mềm mại, người đó sẽ được quả báo những vật mềm mại vi diệu nhất. Sau khi người xin nhận thọ, người bố thí sẽ được những quả báo như: (1) tuổi thọ, (2) sắc đẹp, (3) sức lực, (4) an vui và (5) tài khéo ăn nói.
Thiện nam tử! Có người cho rằng: “Bố thí nơi tháp tượng, sẽ không được những quả báo như tuổi thọ, sắc đẹp, sức lực, tài khéo ăn nói, v.v..., vì không có người thọ nhận.” Điều này không đúng! Vì sao? Vì người bố thí có lòng tin. Người bố thí có lòng tin khi làm việc bố thí cho nên phải được năm quả báo như vậy. Thiện nam tử! Ví như một vị Tỳ kheo tu tập lòng từ bi, tuy trên thực tế không có người thọ nhận lòng từ bi của vị Tỳ kheo đó, thế nhưng vị Tỳ kheo đó vẫn được vô lượng quả báo. Bố thí nơi tháp tượng được năm quả báo cũng giống như vậy. Thiện nam tử! Như người trồng lúa quyết chắc sẽ không sinh ra dưa; bố thí nơi tháp tượng, cũng giống như vậy. Bởi vì đó là phước điền nên được những quả báo như vậy. Cho nên do ba nhân duyên: phước điền, của vật, và người bố thí mà được quả báo.
E3. Hai loại, ba loại bố thí
Thiện nam tử! Bố thí có hai loại: một là pháp thí, hai là tài thí. Bố thí Chánh pháp được hai loại quả báo là của cải châu báu và Chánh pháp; còn bố thí của cải thì chỉ được quả báo của cải châu báu. Bồ tát vì hai sự kiện mà tu hành hai loại bố thí này: một là làm cho chúng sinh xa lìa khổ não, hai là làm cho tâm của chúng sinh được điều phục.
Thiện nam tử! Lại có ba loại bố thí: một là bố thí Chánh pháp, hai là bố thí sự không sợ, ba là bố thí của cải. Bố thí Chánh pháp nghĩa là dạy bảo người khác thọ giới, xuất gia, tu hành, làm pháp bạch Tứ yết ma, giảng nói Chánh pháp để phá hủy tà kiến, phân biệt giảng nói những điều chân thực không chân thực, giảng nói bốn sự điên đảo cùng sự không phóng dật. Đây gọi là bố thí Chánh pháp. Nếu Bồ tát thấy người nào khiếp sợ nhà cầm quyền,
sư tử, cọp, sói, chỗ có nạn nước, lửa, trộm cướp, v.v..., bèn có thể cứu vớt họ. Đây gọi là bố thí sự không sợ. Đối với của cải của mình, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc nhiều hoặc ít đều không sinh tâm tham tiếc. Đối với của cải như trâu, dê, voi, ngựa, nhà cửa, giường ghế, cây cối, ao giếng, nô bộc, tôi tớ, trâu, lạc đà, xe cộ, kiệu cáng, bình, chậu, nồi chảo, giường chiếu, tọa cụ, đồ đồng, đồ sắt, đồ sành, quần áo, đồ trang sức, đèn đuốc, hương, hoa, quạt, dù, mũ, dép, ghế, gậy, dây thừng, cầy, bừa, búa, rìu, cỏ, cây, nước, đá, v.v..., tùy theo sở thích của người xin, đều đem bố thí. Đây gọi là bố thí của cải. Hơn nữa, ngoại trừ bố thí voi, ngựa, nên xây chùa chiền hoặc tịnh thất bố thí cho những người xuất gia.
E4. Trừ chướng ngại của việc bố thí
Thiện nam tử! Có bốn điều chướng ngại cho sự bố thí: (1) tâm tham lam bỏn sẻn, (2) không tu bố thí, (3) coi thường vật
nhỏ, (4) cầu quả báo thế gian. Có hai pháp trừ được bốn sự chướng ngại này: (1) tu tập vô ngã, (2) tu tập vô thường.
Thiện nam tử! Nếu muốn ưa thích bố thí phải diệt trừ năm việc: (1) tâm sân hận, (2) tâm san tham, (3) tâm ghen ghét, (4) tham tiếc thân mạng, (5) không tin nhân quả. Diệt trừ được năm việc như thế sẽ ưa thích bố thí, và sẽ được năm điều lợi ích: (1) không bao giờ xa lìa bậc thánh nhân, (2) tất cả chúng sinh đều ưa nghe thấy, (3) vào trong đám đông tâm không sợ hãi, (4) được tiếng tăm tốt, (5) trang nghiêm Bồ đề.
Thiện nam tử! Bồ tát còn có tên là Bố thí tất cả. Bồ tát mưu sinh tài sản đúng pháp, rồi đem bố thí thì gọi là bố thí tất cả; thường bố thí với tâm thanh tịnh thì gọi là bố thí tất cả; tuy có ít của cải vẫn có thể bố thí gọi là bố thí tất cả; đối với vật mình ưa thích có thể phá trừ tâm sẻn tiếc để bố thí gọi là bố thí tất cả; bố thí mà không cầu
quả báo gọi là bố thí tất cả; lúc bố thí không phân biệt là phước điền hay không phước điền gọi là bố thí tất cả; bố thí bình đẳng cho người thân kẻ thù gọi là bố thí tất cả.
Có hai loại đối tượng cho sự bố thí của Bồ tát: một là chúng sinh, hai là phi chúng sinh. Khi Bồ tát bố thí cho hai loại này, nhẫn đến thân mình cũng không tiếc nuối gọi là bố thí tất cả. Bồ tát do lòng thương xót mà bố thí gọi là bố thí tất cả. Lúc khởi tâm bố thí, lúc đang bố thí, sau khi bố thí đều không hối tiếc gọi là bố thí tất cả. Đôi lúc, hoặc tự mình, hoặc bị người khác bắt buộc cũng không đem những vật không thích đáng, chẳng hạn như rượu, thuốc độc, dao, gậy, gông xiềng, v.v..., để bố thí, mặc dù điều này làm cho người nhận vui mừng. Không bố thí người bệnh thức ăn hoặc thuốc men không tinh khiết. Không trộm cướp đồ vật người khác dù một đồng tiền để đem bố thí. Bồ tát lúc
bố thí tuy được tự tại cũng không bao giờ đánh mắng tôi tớ làm cho họ sinh lòng hờn giận, khổ não. Bố thí của cải đúng pháp mà không mong cầu quả báo đời này hoặc đời sau. Sau khi bố thí thường quán sát lỗi lầm của phiền não, quán sát sâu xa những công đức vi diệu của Niết bàn, không mong cầu điều gì khác hơn là Vô thượng Bồ đề. Lúc bố thí cho người nghèo, khởi lòng thương xót; lúc bố thí cho bậc phước điền, sinh lòng cung kính; lúc bố thí cho người thân, bạn bè, không khởi tâm xem vật bố thí như đồ bỏ. Nếu thấy người đến xin, biết được sự cần dùng của họ, cung cấp tùy theo sở cầu mà không đợi người đó mở lời van xin. Vì sao? Bố thí mà không đợi người khác cầu xin sẽ được vô lượng phước báo.
E5. Nêu rõ về thí chủ
Thiện nam tử! Người bố thí có ba hạng: hạ, trung, thượng. Bậc hạ là người
không tin nghiệp báo, tính tình keo kiết, sợ hết của cải, thấy người đến xin, sinh lòng hiềm giận xua đuổi; bậc trung là người tuy tin nghiệp báo, nhưng vẫn còn sẻn tiếc, sợ hết của cải, thế nhưng thấy người đến xin thì vẫn bố thí; bậc thượng là người tin sâu nghiệp báo, không còn tâm sẻn tiếc, quán sát tài sản là vật vô thường, thấy có người đến xin, nếu còn của cải để bố thí thì cảm thấy mừng rỡ, nếu không còn của cải để bố thí thì tâm rất buồn rầu áy náy, đem thân mình đổi lấy tài vật để bố thí cho người đến xin. Lại nữa, bậc hạ là kẻ thấy người đến xin, ngoảnh mặt làm lơ, lại còn mắng chửi, nhục mạ; bậc trung là người tuy cũng bố thí, nhưng lại khinh rẻ người đến xin; còn bậc thượng là người tuy chưa xin đã bố thí, và bố thí một cách cung kính. Lại nữa, bậc hạ là người muốn quả báo hiện đời mà bố thí; bậc trung là người muốn quả báo đời sau mà bố thí; còn bậc thượng là người vì thương xót mà bố thí. Lại nữa, bậc hạ là người vì báo ơn mà bố
thí; bậc trung là người vì muốn tạo nghiệp lành mà bố thí; còn bậc thượng là vì muốn tăng trưởng kho tàng pháp của chính mình mà bố thí. Lại nữa, bậc hạ vì háo thắng mà bố thí; bậc trung muốn người đến xin được như mình mà bố thí; còn bậc thượng thì không phân biệt người thân kẻ thù. Lại nữa, bậc hạ có của nói không có; bậc trung có nhiều nói ít; còn bậc thượng xin ít cho nhiều. Người bố thí không có của cải cũng có ba bậc. Bậc hạ thấy người đến xin, khởi tâm giận dữ trách mắng; bậc trung thấy người đến xin, nói thẳng là không có; còn bậc thượng thấy người đến xin, hổ thẹn mình không có vật bố thí, lòng sinh lo buồn. Lại nữa, bậc hạ là người thường bị các bậc thánh hiền quở trách; bậc trung là người được các bậc thánh hiền thương xót; còn bậc thượng là người các bậc thánh hiền thấy mặt liền sinh lòng hoan hỷ.
E6. Quán sát nghĩa lý của sự bố thí
Thiện nam tử! Người trí thực hành bố thí vì muốn lợi mình lợi người, biết rằng tài vật đều là vô thường, vì muốn làm cho chúng sinh vui mừng, vì thương xót chúng sinh, vì muốn phá trừ tính bỏn sẻn, vì muốn cầu mong quả báo đời sau, vì muốn trang nghiêm Đạo Bồ đề, vì thế Bồ tát sau khi bố thí tất cả, không sinh lòng hối tiếc, không sợ hao hụt của cải, không xem thường tài vật, không xem thường thân mình, không lựa chọn ngày giờ, cũng không phân biệt người đến xin, thường nghĩ tưởng đến người xin giống như người đói tưởng nghĩ đến thức ăn, gần gũi bạn lành, hỏi han, thọ trì Chánh pháp; thấy người đến xin, sinh lòng hoan hỷ, giống như người đem được của ra khỏi nhà đang bị cháy; vui mừng ca ngợi công đức bố thí; thường nói những lỗi lầm của sự tham luyến tài vật. Sau khi bố thí, sinh lòng vui mừng, giống như gửi gấm của cải cho người lành; lại còn nói với người đến xin: “Ông chính là gốc công đức của tôi. Hôm
nay tôi lìa được tâm bỏn sẻn tham lam là do ông đến cầu xin.” Tức thời đối với người đến xin bằng tấm lòng thân ái. Sau khi bố thí, dạy người đến xin phải y như pháp mà giữ gìn, siêng năng cúng dường Phật Pháp Tăng bảo. Bồ tát nếu có thể ưa thích bố thí như vậy thì có thể lìa xa sự phóng dật; dù có đem bộ phận trên thân thể mà bố thí, cũng không bao giờ sinh khởi một niệm ác. Do đây mà được tăng trưởng từ bi hỷ xả. Không xem thường người xin, cũng không tự cao, tự tâm vui mừng vì có thể bố thí đồ vật xứng với ý muốn của người đến xin. Tăng trưởng lòng tin, không còn nghi ngờ nghiệp báo.
Thiện nam tử! Nếu người đó có thể quán tướng vô thường của tài sản, quán sát chúng sinh như đứa con một của mình thì mới có thể làm việc bố thí. Thiện nam tử! Người đó không còn bị tâm bỏn sẻn làm lay động, giống như núi Tu Di không còn bị gió làm lay động. Những người như vậy
mới có thể làm chỗ nương tựa cho chúng sinh; người đó có thể đầy đủ Bố thí ba la mật.
E7. Có thể ưa thích bố thí
Thiện nam tử! Người trí vì bốn việc mà ưa thích thực hành bố thí: (1) do bố thí mà có thể phá phiền não; (2) do bố thí mà phát nhiều lời nguyện; (3) do bố thí mà được an lạc; (4) do bố thí mà được giàu có.
Thiện nam tử! Tâm không tham gọi là bố thí. Thế nào là không tham? Bố thí là hành nghiệp, tài vật là sự tạo tác. Bố thí mà đầy đủ hai yếu tố hành nghiệp và tạo tác thì gọi là không tham. Nhân sự bố thí phá trừ phiền não có nghĩa là sự bố thí có thể phá trừ sự bỏn sẻn, keo kiết, giận dữ, ngu si. Thế nào là nhân sự bố thí phát nhiều lời nguyện? Bởi do sự bố thí mà có thể phát nhiều thệ nguyện, hoặc thiện hoặc ác. Do thệ nguyện thiện ác này mà bị quả
báo hoặc thiện hoặc ác. Vì sao? Vì lực lượng của các thệ nguyện này vậy. Thế nào là do bố thí mà được an lạc? Bởi vì do sự bố thí mà được những quả vui ở loài trời loài người, nhẫn đến quả vui vô thượng. Thế nào là do bố thí mà được giàu có? Bởi do sự bố thí mà tất cả điều nguyện cầu, như vàng, bạc, nhẫn đến gia súc đều được toại ý.
Thiện nam tử! Người ưa bố thí sẽ trừ diệt được năm pháp ác: (1) tà kiến, (2) không tín tâm, (3) buông lung, (4) bỏn sẻn, (5) giận dữ và ngu si. Sau khi trừ diệt pháp ác, tâm sinh vui mừng, do sự vui mừng mà dần dần được sự giải thoát chân chánh. Người đó hiện đời được bốn quả báo: (1) mọi người, dù kẻ oán thù, đều thích gặp mặt, (2) tiếng tốt lan rộng khắp mọi nơi, (3) đứng trước đám đông không khiếp sợ, (4) tất cả người lành đều đến nương nhờ.
Thiện nam tử! Nếu sau khi bố thí, tâm không hối hận, người bố thí đó dù bị khách trần phiền não làm cho đọa địa ngục, tuy ở nơi ác, nhưng không bị đói khát. Do nhân duyên bố thí mà không bị hai thứ khổ: (1) khổ ăn hòn sắt nóng, (2) khổ uống nước sắt sôi. Nếu đọa vào súc sinh thì thức ăn dễ tìm, không bị thiếu thốn. Nếu đọa vào ngạ quỷ thì không bị đói khát, thường được no đủ. Nếu được thân người thì thọ mạng, sắc đẹp, sức lực, vui sướng, tài ăn nói, cùng tín, giới, thí, đa văn, trí tuệ đều hơn người khác. Tuy ở trong đời ác mà không làm ác, tuy gặp lúc thiên tai mà vẫn tránh khỏi. Tuy ở nơi nguy hiểm mà vẫn không sinh tâm lo sợ. Nếu làm thân trời thì được mười thứ thù thắng.
Thiện nam tử! Người trí vì hai việc mà bố thí: (1) điều phục tâm mình, (2) diệt trừ tâm oán hận. Đức Như Lai cũng nhờ bố thí mà được gọi là bậc Vô Thượng Tôn. Thiện nam tử! Người trí bố thí xong rồi,
không cầu người xin tưởng nhớ mình, cũng không cầu danh tiếng, tránh được sự lo sợ, không cầu người lành đến nương nhờ mình, cũng không cầu quả báo trời người, mà thường quán sát hai việc: (1) đem tài sản không bền (hữu lậu) đổi lấy tài sản bền chắc (pháp thân), (2) không bao giờ chiều theo lòng bỏn sẻn. Vì sao? Những của cải đó khi ta chết cũng không đi theo ta, bởi vậy phải nên tự tay mình bố thí, không nên vì mất của mà sinh buồn rầu, mà phải nên vì sự bố thí mà sinh tâm vui mừng.
Thiện nam tử! Người cho trước tiên nên thử thách tâm mình bằng cách đem của cải bố thí; sau khi tâm đã được điều phục, kế đến đem thân thể bố thí. Nhân vì hai sự bố thí đó mà được hai pháp: (1) vĩnh viễn xa lìa ba cõi, (2) được giải thoát chân chánh. Thiện nam tử! Giống như người đi xa, thân mang đồ vật nặng nề cực khổ, nếu vứt bỏ được ắt sinh vui mừng.
Người tu hạnh bố thí thấy người đến xin, xả bỏ tài sản để bố thí cũng giống như vậy.
E8. Khuyên người nghèo bố thí
Thiện nam tử! Người trí suy nghĩ như thế này: “Nếu muốn mang vật này theo ta qua đến đời sau thì không gì hơn sự bố thí.” Lại phải nên quán sát nỗi khổ của sự bần cùng, nỗi vui sướng của sự giàu sang, thế nên thường tưởng nghĩ vui thích việc bố thí.
Thiện nam tử! Nếu người có của cải thấy người đến xin lại nói là không có, nên biết người ấy đang nói đến sự nghèo hèn của chính họ trong đời vị lai. Người ấy gọi là người buông lung.
Thiện nam tử! Nếu người không có của cải mà tự cho rằng mình không có của cải thì điều này không đúng. Vì sao? Tất cả nước, cỏ ngoài đồng đều là tài sản
chung của mọi người. Tuy là vua chúa, chưa chắc có thể bố thí, tuy là người nghèo, chưa chắc là không thể bố thí. Vì sao? Vì người nghèo cũng có phần ăn. Ăn xong rửa bát, nước đó đáng lẽ đem bỏ, thì đem bố thí cho loài khác cũng được phước đức. Nếu đem chút bột bố thí cho loài kiến cũng được vô lượng phước đức. Người dù nghèo nhất trong thiên hạ, chẳng lẽ không có được chút bột? Có ai ngày ăn ba vắt cơm mà mạng sống bị nguy ngập không? Cho nên mọi người nên đem nửa phần ăn của mình bố thí cho người xin.
Thiện nam tử! Ai là người nghèo đến độ lõa lồ không có quần áo mặc? Nếu có quần áo, chẳng lẽ không thể bố thí một miếng vải nhỏ để người khác buộc vết thương, hoặc một miếng vải nhỏ chỉ độ ngón tay để làm tim đèn hay sao?
Thiện nam tử! Trong thiên hạ, ai là người nghèo đến nỗi không có thân thể?
Nếu như có thân, thấy người khác làm việc phước đức, nên đến giúp đỡ, vui mừng, tận tụy. Đây cũng gọi là người bố thí, cũng được phước đức. Phước đức do sự giúp đỡ ấy, hoặc kém hơn, hoặc bằng, hoặc có khi hơn cả người chủ động. Vì lý do này, khi thọ dụng thức ăn cúng dường của vua Ba Tư Nặc, ta chú nguyện phước đức bố thí của đức vua và của người bần cùng bằng nhau không khác.
Thiện nam tử! Như bốn loại hương nước, hương thoa, hương bột, hương đốt, hoặc người xem, hoặc người mua, hoặc người bán đều ngửi mùi thơm, thế nhưng, mùi thơm của hương không hề hao giảm. Công đức của sự tu tập bố thí cũng giống như vậy. Nếu như khởi tâm tùy hỷ, hoặc dùng sức lực phụ giúp, hoặc tuy ở xa, nghe việc thiện của người khác sinh tâm vui mừng, dù ít, dù nhiều, dù lớn, dù nhỏ, vì trong ba trường hợp (tùy hỷ, phụ giúp, vui mừng), tâm đều như nhau, cho nên quả
báo cũng bằng như nhau, không có sai khác.
Thiện nam tử! Nếu như không có của cải, thấy người khác bố thí, trong lòng không vui mừng tin tưởng, mà lại còn nghi ngờ các bậc phước điền, đây gọi là người bần cùng. Nếu như có nhiều của cải, quyền uy thế lực, tuy gặp được các bậc phước điền chân thực, nhưng lại không có lòng tin, cũng không chịu bố thí, đây cũng gọi là người bần cùng; bởi thế, người trí dù có ít nhiều, nên đem hết khả năng mình ra bố thí. Ngoài pháp bố thí ra, không có pháp nào có thể giúp hành giả được quả vui trời người, nhẫn đến quả vui vô thượng. Do đây, trong khế kinh có nói: “Người trí quán sát như vầy: Như có một nắm cơm, nếu ăn thì sẽ sống, nếu cho người khác thì sẽ chết đói, trong trường hợp như vậy còn phải nên bố thí, huống là có nhiều của cải?”
Thiện nam tử! Người trí nên quán sát của cải là vô thường, và vì là vô thường cho nên trong vô lượng đời, tuy đã từng hư hao mất mát bao nhiêu tài sản mà vẫn không được lợi ích. Ngược lại, tuy của cải là vô thường, thế nhưng, nếu có thể bố thí, thì sẽ được vô lượng lợi ích. Nếu vậy, tại sao vẫn còn bỏn sẻn, không chịu bố thí? Người trí lại quán sát trên thế gian có những người trì giới, học rộng, đa văn, do công đức của sự trì giới, đa văn này mà được quả vị A la hán, tuy được quả vị như thế, vẫn không ngăn chận, đoạn trừ được quả báo khổ não của sự đói khát. Nếu các vị A la hán bị thiếu thốn những phương tiện như phòng nhà, quần áo, thức ăn uống, giường chiếu, thuốc men, đây là đều do nhân duyên đời trước không chịu bố thí. Những người phá giới, nếu ưa làm việc bố thí, người đó tuy đọa vào ngạ quỷ, hoặc súc sinh, vẫn thường được ăn uống no đủ, không bị thiếu thốn.
Thiện nam tử! Ngoài pháp bố thí, không có pháp nào đem đến hai quả báo: một là tự tại, hai là giải thoát. Còn như người trì giới, tuy được sinh lên trời, nhưng vì không tu tập bố thí, không được ăn những món ngon thù thắng, cùng những trang sức thượng diệu. Người trí nên quán sát sinh tử không có bờ bến, sự vui của bố thí cũng như vậy, rộng lớn không có bờ bến. Bởi vậy, phải nên bố thí là vì muốn dứt trừ sinh tử, chứ không phải vì muốn cầu quả vui trời người. Lại phải quán như thế này: “Dù là giàu có, ruộng đất rộng bốn châu thiên hạ, hưởng thọ sự vui vô lượng, ta cũng sẽ vẫn không thỏa mãn, cho nên ta phải vì quả vui vô thượng mà làm việc bố thí, không nên vì quả vui trời người. Vì sao? Vì sự vui trời người là vô thường, là có giới hạn.”
E3. Luận về ý nghĩa của sự cho và nhận
F1. Nói lược về cho và nhận
Thiện nam tử! Nếu có người cho rằng: “Người bố thí, người thọ nhận và người thọ báo đều là năm ấm, mà năm ấm là vô thường, như vậy bố thí cho năm ấm, ai là người thọ nhận?” Tuy không có người thọ nhận nhưng quả báo lành vẫn không hoại diệt, dù không có người bố thí và người thọ nhận. Phải nên hỏi ngược lại người đó: “Có người bố thí và người thọ nhận hay không?” Nếu họ trả lời: “Bố thí tức là sự bố thí, còn người thọ nhận tức là ngã.” Nên nói với họ rằng: “Lập trường của tôi cũng vậy, bố thí tức là sự bố thí, còn ngã tức là năm ấm.”
F2. Ấm làm ấm thọ
Nếu hỏi: “Năm ấm của người bố thí là vô thường, ai là người thọ quả báo của sự bố thí?” Nên trả lời rằng: “Hãy chú ý nghe, tôi sẽ nói cho ông biết. Hạt giống là thường hay vô thường?” Nếu họ nói là thường, nên hỏi tiếp: “Tại sao khi nảy ra
mầm, hạt giống lại bị hủy diệt?” Nếu đối phương thấy lập luận của họ không đúng bèn cho rằng hạt giống là vô thường, nên nói với họ rằng: “Nếu hạt giống là vô thường, tại sao lại có thể nảy mầm khi được ánh sáng, bón phân, tưới nước, v.v...?” Nếu họ lại cho rằng: “Hạt giống tuy vô thường, bởi do sự chăm sóc nên nảy mầm, sinh quả.” Nên trả lời họ rằng: “Năm ấm cũng giống như thế.” Nếu họ lại cho rằng: “Trong hạt giống, trước đó đã có mầm, còn sự chăm sóc, bón phân, tưới nước, v.v..., chỉ là liễu nhân.” Điều này không đúng! Vì sao? Vì liễu nhân không làm cho một vật tăng trưởng hay tổn giảm, thế nhưng hiện nay sự chăm sóc, bón phân lại làm cho hạt giống nảy mầm, sinh quả, nên biết vật trước vốn không mà nay có. Nếu nói: “Liễu nhân có hai loại, một là nhiều, hai là ít. Nhiều ắt thấy lớn, ít ắt thấy nhỏ, giống như thắp đèn, đèn lớn thì ánh sáng lớn, đèn nhỏ thì ánh sáng nhỏ.” Đây là điều sai lầm. Vì sao? Giống như hạt
giống, dù bón bao nhiêu phân, tưới bao nhiêu nước, cũng không thể trong một ngày cao bằng hay cao hơn một thân người. Nếu họ lại cho rằng: “Liễu nhân tuy có hai loại, nhưng cần phải đúng lúc mới phát sinh hiệu quả. Liễu nhân chính gây hiệu quả lớn, liễu nhân phụ gây hiệu quả nhỏ, do đây liễu nhân không tăng thêm.” Điều này không đúng! Vì sao? Vì họ chấp trước rằng các pháp là thường hằng, do đó, không thể lập luận như thế được.
Thiện nam tử! Hạt giống không phải là mầm, tuy có khác biệt, nhưng vẫn có sự tương tục giữa hai bên. Năm ấm cũng giống như thế. Thiện nam tử! Do động năng của hạt sinh ra mầm, do động năng của mầm sinh ra thân, do động năng của thân sinh ra lá, do động năng của lá sinh ra hoa, do động năng của hoa sinh ra quả. Thân năm ấm của một cõi chuyển thành
thân năm ấm của năm cõi cũng giống như thế.
Nếu như cho rằng: “Người tạo nghiệp và người thọ báo khác nhau”, thì đây là lập luận của ngoại đạo, chứ không phải của ta. Vì sao? Pháp của ngoại đạo cho rằng người tạo nghiệp là cái ngã, còn người thọ báo là cái thân hiện đời, mà không nói rằng người tạo nghiệp khác với người thọ báo. Người trì giới không sát sinh, tức là cái ngã, do nhân duyên trì giới này được thân tướng trang nghiêm, nếu vậy thì người thọ báo không có nhân, còn người tạo nghiệp không có quả. Lập luận trên của ngoại đạo có những điều lầm lỗi như vậy. Còn nếu họ cho rằng: “Nếu cái ngã tạo nghiệp mà cái thân thọ quả báo, thì tương tự như vậy, người này tạo nghiệp, người khác thọ quả báo.” Nên hỏi họ rằng: “Cái thân khác với cái ngã. Cái thân hưởng dụng sự ăn uống, y phục cùng đồ trang sức. Nếu thọ dụng những thức ăn bổ
dưỡng sẽ được hồng hào khỏe mạnh, nếu ăn món thiếu dinh dưỡng sẽ bị ốm yếu xanh xao. Nếu sự hồng hào, xanh xao của thân xác là pháp nhân duyên, thì cái ngã sẽ được cái gì?” Nếu nói cái ngã sẽ được sự vui sướng hay bị sầu lo thì tại sao lại không phải là người này tạo nghiệp, người khác thọ báo? Ví như có người ăn bơ sữa để tăng gia sức lực, sau một thời gian, nhờ ăn bơ sữa mà được hồng hào khỏe mạnh, có người ốm yếu, thấy người đó liền sinh tâm ưa thích, thử hỏi, người ốm yếu đó có nhân sự vui thích đó mà được hồng hào khỏe mạnh hay không? Nếu họ trả lời không, thì cái ngã cũng giống như vậy. Cái thân tạo nghiệp, cái ngã làm thế nào được quả báo? Vì sao? Vì có sự khác biệt giữa thân và cái ngã. Phật pháp không giống như kiến giải của ngoại đạo. Năm ấm thọ quả báo do sự tạo nghiệp của chính mình.
F3. Trước làm sau thọ
Thiện nam tử! Nếu có người cho rằng: “Năm ấm là vô thường, cho nên năm ấm cõi này không đến cõi khác mà vẫn có sự thọ báo.” Điều này không đúng. Vì sao? Trong Phật pháp, hoặc có khi nói: “Người tạo nghiệp cũng tức là người thọ báo”, hoặc nói: “Người này tạo nghiệp khác người thọ báo”, hoặc nói: “Không có người tạo nghiệp cũng không có người thọ báo.” Nói: “Người tạo nghiệp tức là người thọ báo”, nghĩa là năm ấm thọ nhận quả báo do sự tạo nghiệp của chính mình; nói: “Người tạo nghiệp khác người thọ báo”, nghĩa là lúc làm thân người tạo nghiệp, được quả báo sinh làm thân trời để hưởng khoái lạc; còn nói: “Không có người tạo nghiệp cũng không có người thọ báo”, nghĩa là tất cả đều do nhân duyên hòa hợp mà có, vốn không có tự tính, làm gì có người tạo nghiệp, người thọ báo? Nếu họ cho rằng: “Nếu người tạo nghiệp khác người thọ báo, tại sao lại nói đến sự tương
tục không gián đoạn giữa người tạo nghiệp và người thọ báo?” Điều này không đúng. Vì sao? Ví như bỏ thuốc độc vào trong sữa, sau đó đem sữa này tinh luyện thành đề hồ thì đề hồ này vẫn có thể giết người. Sữa tuy khác với đề hồ, nhưng vì có sự sinh trưởng trước sau tương tục không gián đoạn từ giai đoạn sữa đến giai đoạn đề hồ cho nên đề hồ có thể giết người. Năm ấm cũng giống như thế, tuy có sự khác biệt, nhưng vì sự sinh trưởng trước sau tương tục không gián đoạn, cho nên có thể nói, hoặc người tạo nghiệp khác người thọ báo, hoặc người tạo nghiệp là người thọ báo, hoặc không có người tạo nghiệp lẫn người thọ báo. Nếu lìa năm ấm sẽ không có ngã và ngã sở. Tất cả chúng sinh bị sự điên đảo che mờ tâm linh cho nên, hoặc nói sắc tức là ngã, nhẫn đến, hoặc nói thức tức là ngã. Hoặc có người cho rằng: “Lìa năm ấm có cái ngã riêng biệt.” Đây là điều phi lý. Vì sao? Trong giáo thuyết của Đức Phật, sắc ấm không phải là ngã. Tại sao
như vậy? Bởi vì sắc pháp là vô thường, không có tạo tác, không được tự tại, cho nên bốn ấm kia (thọ, tưởng, hành, thức) không phải ngã sở (vật sở hữu của ngã); nhẫn đến thức ấm cũng giống như thế. Do nhân duyên hòa hợp mà có pháp khác sinh ra gọi là có người tạo tác, nhưng thực sự không có người tạo tác; lại nữa, do nhân duyên hòa hợp mà có pháp khác sinh ra gọi là có người thọ báo, nhưng thực sự không có người thọ báo; cho nên gọi là không có người tạo nghiệp, không có người thọ báo. Nếu như họ cho rằng: “Nếu người tạo nghiệp khác người thọ báo, như vậy hai người khác nhau, đều là năm ấm, tại sao người này tạo nghiệp mà người kia không thọ báo?” Điều này không đúng. Sự khác nhau có hai loại: một là thân thể khác nhau, hai là tên họ khác nhau. Ví như có hai người, một tên là Phật Đắc, hai tên là Thiên Đắc. Hai người này vì thân thể và tên họ đều khác nhau cho nên thân thể và ngôn ngữ khác nhau. Vì thân thể và ngôn
ngữ khác nhau nên sự tạo nghiệp của họ cũng khác nhau. Vì sự tạo nghiệp khác nhau cho nên tuổi thọ, tướng mạo, sức lực, sự an vui, tài ăn nói đều khác nhau; vì thế, không thể nào có trường hợp người tên Phật Đắc tạo nghiệp mà người tên Thiên Đắc thọ báo. Tuy cả hai đều là sự tổ hợp của năm ấm, thế nhưng chỉ có danh và sắc là giống nhau, còn ba phần kia: thọ, tưởng, hành đều khác biệt. Vì sao? Ví như trong lúc người tên Phật Đắc hưởng thọ vui sướng, thì người tên Thiên Đắc đang nhẫn thọ khổ sở; hoặc đang lúc Phật Đắc đang sinh khởi tâm tham lam, thì Thiên Đắc đang sinh khởi tâm sân hận. Vì thế không thể nói hai người là giống nhau. Danh và sắc của hai người tuy giống nhau, nhưng trên thực tế có sự khác biệt; hoặc giả, Phật Đắc là người da trắng, còn Thiên Đắc là người da đen. Nếu cho rằng hễ tên gọi giống nhau thì phải có cùng một ý nghĩa, như vậy khi một người được sinh ra thì tất cả người khác cũng đang được sinh ra, khi
một người chết thì tất cả những người khác cùng chết! Nếu họ không thừa nhận điều này thì phải đồng ý với quan điểm người tạo nghiệp không khác với người thọ báo. Nếu họ cho rằng: “Các ông nói người tạo nghiệp khác người thọ báo, chúng tôi cũng nói như thế, người tạo nghiệp khác người thọ báo. Nếu cả hai đều cho rằng người tạo nghiệp khác người thọ báo, thì các ông cũng đã mắc vào lỗi của chúng tôi. Tại sao các ông không tự thấy lỗi mình mà lại quở trách chúng tôi?” Điều này không đúng. Vì sao? Phật pháp đề cập đến sự khác biệt, có hai loại: một là phút chốc sinh ra, rồi trong phút chốc biến diệt, hai là phút chốc sinh ra, nhưng không phải phút chốc biến diệt. Bởi vì sự sinh khởi khác nhau nên sự biến diệt cũng khác nhau. Bởi thế, Phật pháp cho rằng người tạo nghiệp khác người thọ báo, hoặc người tạo nghiệp tức là người thọ báo. Điều này không giống như lỗi lầm của ngoại đạo. Ví như có người muốn đốt làng
bèn liệng một cụm lửa vào đám cỏ khô. Vì cụm lửa làm nhân cho đám lửa cháy lan ra, đám lửa có thể cháy lan một trăm hay hơn một trăm dặm. Khi ông trưởng làng bắt được kẻ đốt làng bèn hỏi gã: “Ông là người tàn ác. Lý do gì mà ông lại thiêu hủy làng này?” Gã ấy trả lời: “Đây thật không phải là tôi đốt. Tại sao? Đóm lửa mà tôi ném, đã bị tắt từ lâu. Chỗ mà nó đốt, chỉ là một nắm cỏ. Bây giờ tôi sẽ bồi thường cho ông hai nắm cỏ. Còn những chỗ khác, tôi không phải bồi thường.” Lúc đó, ông trưởng làng nói với gã đó: “Đồ ngu! Do đóm lửa nhỏ của ông cháy lan ra mà đã thiêu rụi cả một vùng từ một trăm dặm đến hai trăm dặm. Đây đều là do lỗi ông, làm sao mà không bồi thường?” Tuy biết rằng ngọn lửa đầu tiên khác với ngọn lửa sau này, nhưng do sự nối tiếp không ngừng thành thử gã đốt làng này phải chịu tội. Các việc thiện ác do năm ấm tạo ra cũng giống như thế! Năm ấm lúc thọ báo tuy không phải là năm ấm lúc tạo nghiệp,
nhưng vì sự sinh trưởng tương tục không gián đoạn, cho nên bị sự thọ báo. Ví như có người đánh cuộc với người khác là anh ta có thể cầm ngọn đuốc đi xa ngoài trăm dặm mà đuốc vẫn không tắt. Nếu như đi không đến trăm dặm mà đuốc tắt thì phải bồi tiền cho người kia; nếu như đi ngoài trăm dặm thì người kia phải chung tiền. Người cầm đuốc, sau khi đi ngoài trăm dặm, liền đòi người kia chung tiền. Người kia bèn nói: “Ngọn lửa lúc ông khởi hành đã bị tắt từ lâu, khác với ngọn lửa cuối cùng lúc ra ngoài khỏi trăm dặm, làm sao ông lại có thể đòi chung tiền?” Người cầm đuốc bèn trả lời: “Ngọn lửa đầu tiên tuy đã bị tắt, nhưng có sự sinh trưởng tương tục từ đó cho đến đây.” Cả hai người đó, ai cũng có lý cả. Vì sao? Hai lập luận: người tạo nghiệp tức là người thọ báo và người tạo nghiệp khác người thọ báo đều đúng cả. Cho nên cả hai đều không có lỗi. Bởi vậy, nếu có người cho rằng: “Năm ấm cũng như thế, người tạo nghiệp tức là
người thọ báo, người tạo nghiệp khác người thọ báo.” Cả hai điều này đều không có sai lầm. Ví như sông Hằng, hai bên bờ sông cùng với giòng sông đều được gọi là sông Hằng. Lúc mùa hè thì hai bờ sông cách nhau rất xa vì nước sông dâng lên, đến mùa thu thì hai bờ sông cách nhau rất gần. Tuy hình tướng của con sông không nhất định, lúc nước lớn lúc nước cạn, nhưng mọi người đều vẫn gọi là sông. Hoặc nếu có người nói: “Đây không phải là con sông”, thì người trí nên trả lời rằng: “Đó là con sông, mà cũng không phải là con sông.” Người trí thấy rằng năm ấm cũng giống như thế, người tạo nghiệp tức là người thọ báo, người tạo nghiệp khác với người thọ báo. Nếu họ cho rằng: “Hai bờ sông là đất, giòng nước là nước, còn thần sông chính là con sông.” Điều này không đúng. Vì sao? Nếu thần sông là con sông, tại sao lại nói sông trong, sông đục, có bờ bên này, bờ bên kia, giữa giòng sâu cạn, chảy đến biển lớn, có thể qua được,
hoặc không qua được. Ví như, nếu có cây cối, ắt có quỷ thần cư trú, nếu như không có cây cối, quỷ thần cư trú nơi nào? Sông và thần sông cũng giống như vậy. Cho nên, hai bờ sông, giữa giòng, tuần tự không gián đoạn, đều gọi là sông. Do đây, có thể nói rằng ngũ ấm cũng vậy, vừa giống vừa khác. Ví như có người nhân vì chửi rủa người quyền thế mà bị cùm chân. Cặp chân thật không phạm tội ác khẩu, nhưng lại bị cùm, do đây có thể nói chắc rằng người tạo nghiệp khác người thọ báo, hoặc người tạo nghiệp tức là người thọ báo. Chỉ có người trí mới có thể nói: “Người thọ nghiệp tức là người thọ báo, người tạo nghiệp khác người thọ báo.” Ví như, đầy đủ các duyên như giá đèn, dầu, lửa, nhân công, v.v..., hợp lại mới gọi là ánh đèn. Nếu ông cho rằng ánh đèn mờ tỏ, điều này không đúng. Vì sao? Mờ nên không tỏ, tỏ nên không mờ, do tuần tự sinh diệt nên gọi là đèn mờ tỏ. Nếu ông cho rằng ánh đèn là vô thường, còn dầu là thường, dầu nhiều
đèn tỏ, dầu ít đèn mờ, điều này không đúng. Vì sao? Dầu cũng là vô thường, có lúc cạn, lúc bị đốt. Nếu dầu là thường, thì phải có hai niệm trước sau không biến đổi, và nếu như vậy thì dầu làm sao có thể bị đốt cạn được? Bởi thế, người trí có thể nói rằng ánh đèn tức là dầu, ánh đèn khác với dầu. Ngũ ấm cũng như thế. Ánh đèn ví cho lục nhập, còn dầu ví cho nghiệp. Do nhân duyên nghiệp cho nên năm ấm có tăng có giảm, có đây có kia. Lại như có người nói tiếng A để da, tiếng A để da được nói lúc ban sơ đã tan vào quá khứ lâu xa rồi, hiện nay không còn, nhưng do người đời truyền dạy nhau đời này qua đời kia không gián đoạn cho nên vẫn được gọi là tiếng A để da. Người trí cũng nói là tiếng A để da, hoặc nói không phải tiếng A để da. Nói phải hay nói không phải, cả hai đều có lý. Ngũ ấm cũng thế, có thể nói rằng người tạo nghiệp tức là người thọ báo, hoặc người tạo nghiệp khác với người thọ báo. Lại như, một cự phú không có người
kế thừa gia sản, khi mạng chung tài sản bị chính quyền tịch thu. Có người đến nói: “Tài sản đó là thuộc về tôi.” Nhà chức trách hỏi: “Tài sản của người kia làm sao thuộc về ông?” Người đó nói: “Tôi là cháu bảy đời của người chết, kế tiếp không ngừng, tại sao tài sản lại không thuộc về tôi?” Nhà chức trách liền nói: “Đúng như lời ông nói, tài sản này thuộc về của ông.” Người trí nói rằng: “Ngũ ấm cũng thế. Người tạo nghiệp tức là người thọ báo, hoặc người tạo nghiệp khác với người thọ báo.”
F4. Đợi thời thành thọ
Như ông cho rằng: “Ngũ ấm tạo nghiệp, sau khi hoàn thành, nghiệp đó đã trở thành quá khứ, thế nhưng thân vẫn còn tồn tại, nghiệp vừa tạo không có chỗ nương tựa, nếu nghiệp không có chỗ nương tựa, tức là không có nghiệp, nếu thế, tại sao khi mất thân này, lại phải thọ báo?”
Điều này không đúng! Vì sao? Tất cả nghiệp quá khứ, phải đợi lúc thọ thân, và thời tiết nhân duyên, ví như cây quít sinh quả quít, trước chua sau ngọt. Người ta vì muốn được quít bèn trồng hạt quít. Hạt quít, thân, nhành, lá, hoa, quả mới sinh đều không chua, đợi đến lúc quả quít chín lại có vị chua. Vị chua này không phải trước không nay có, cũng không phải không có nhân duyên mà là do nhân duyên của quả quít trước. Nghiệp của thân, khẩu, ý cũng giống như vậy. Nếu hỏi nghiệp đó trụ ở nơi nào, nên biết nghiệp đó trụ ở quá khứ, đợi thời tiết nhân duyên, cùng lúc thọ thân mà phát khởi quả báo. Giống như người uống thuốc, qua một đoạn thời gian, thuốc tuy bị tiêu hóa, thế nhưng, đúng lúc vẫn phát sinh tác dụng như sức lực, tráng kiện, v.v... Nghiệp thân, khẩu, ý cũng giống như vậy, phát động xong thì biến vào quá khứ, thế nhưng, đến lúc nhân duyên chín muồi sẽ chịu quả báo. Lại như đứa trẻ học những điều đầu tiên trong đời,
tuy khi đang học, mỗi niệm đều trở thành quá khứ, nhưng dù có trải qua cả trăm năm, cũng không quên những điều đã học. Nghiệp quá khứ cũng giống như thế, tuy không chỗ nương, nhân duyên thời tiết chín muồi sẽ thọ quả báo. Cho nên nói rằng người tạo nghiệp không phải người thọ báo, nhưng cũng không khác người thọ báo. Người nào thông đạt được điều này sẽ được quả vị Vô thượng.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.175.80 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.