Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm Mười Ba
Thâu Phục Đệ Tử
Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Bồ tát sau khi đầy đủ hai pháp trang nghiêm, làm sao thâu phục đệ tử của mình?”
- Thiện nam tử! Bồ tát nên dùng pháp Tứ nhiếp thâu phục họ, làm cho họ rời xa điều ác, tăng trưởng pháp lành. Một lòng dạy dỗ, xem họ như đứa con một của mình, mà không cầu sự trả ơn, không vì tiếng tăm, không vì lợi dưỡng, cũng không cầu sự vui cho chiùnh mình.
Thiện nam tử! Bồ tát nếu không dùng những sự việc như vậy mà thâu phục đệ tử, thì đó là người tệ ác, là Bồ tát giả danh, không phải Bồ tát thực nghĩa, là chiên đà la, là người bẩn thỉu hôi thối, phá hoại Phật pháp. Chư Phật mười phương sẽ không đoái hoài những người như vậy.
Thiện nam tử! Bồ tát phải nên tùy lúc mà dạy dỗ khuyên răn. Tùy lúc, tức là lúc đệ tử khởi tâm tham sân si. Lúc họ khởi tâm tham, nên dạy họ những phương pháp đối trị, giúp cho họ trừ diệt tâm tham. Trừ diệt sân, si, cũng giống như thế. Kế đó dạy họ học mười hai phần giáo, thiền định, tam muội, phân biệt nghĩa lý thâm sâu, điều phục thân tâm, làm cho họ tu pháp lục niệm, không được buông lung. Khi đệ tử bệnh phải chăm sóc cho họ, mà không sinh tâm chán ghét. Nhẫn chịu những lời mắng nhiếc, hủy báng, nhục mạ, cùng sự thống khổ của thân tâm. Giả sử đệ tử bị khổ nạn, phải cứu vớt làm họ hết khổ, tiêu trừ tâm tệ ác nghi ngờ của họ. Khéo biết căn cơ của đệ tử là lợi căn, trung căn hay độn căn. Dạy đệ tử độn căn làm cho họ sinh lòng tin đối với Phật pháp, đối với người trung căn, dạy dỗ làm cho họ thuần thục, đối với người lợi căn, dạy dỗ làm cho họ được giải thoát. Nếu Bồ tát siêng năng dạy dỗ đệ tử như vậy, thì gọi là Bồ tát thực nghĩa, là người lành, là hoa Phân đà lợi, là hương tượng trong loài người, là bậc Điều ngự trượng phu, là bậc Đại thuyền sư.
Thiện nam tử! Chẳng thà thọ ác giới, trong một ngày giết vô lượng chúng sinh, quyết không nuôi dưỡng đệ tử ác mà mình không thể dạy dỗ. Vì sao? Phạm giới ác, chỉ liên hệ đến thân mình, còn nuôi đệ tử ác mà không dạy dỗ, có thể khiến cho vô lượng chúng sinh làm ác, có thể làm chúng sinh hủy báng vô lượng pháp lành vi diệu, phá hòa hợp tăng, làm cho nhiều chúng sinh phạm tội ngũ nghịch. Do đó, còn ác liệt hơn tội ác luật nghi.
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng, một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia có hai loại đệ tử: một là xuất gia, hai là tại gia. Bồ tát tại gia chỉ có một loại đệ tử tại gia.
Bồ tát xuất gia dạy đệ tử xuất gia mười hai phần giáo, tùy chỗ phạm tội, dạy họ sám hối. Lại dạy họ tám loại trí tuệ: Một là trí biết pháp, hai là trí biết nghĩa, ba là trí biết thời, bốn là trí biết đủ, năm là trí biết chiùnh mình, sáu là trí biết người khác, bảy là trí biết căn cơ chúng sinh, tám là trí khéo phân biệt.
Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát, nếu có thể dạy dỗ, điều phục đệ tử xuất gia như thế, cả thầy lẫn trò đều được vô lượng lợi ích. Thầy trò như thế, có thể hưng long Tam Bảo. Vì sao? Vì đệ tử đó, biết tám trí rồi, có thể siêng năng cúng dường sư trưởng, hòa thượng, bậc trưởng lão có đức hạnh; biết nghe lời lành, siêng năng đọc tụng, lại hay giảng nói Phật pháp, tâm không phóng túng, điều phục chúng sinh, thường hay chăm sóc những người bệnh khổ, bố thí cho người bần cùng, thiếu thốn.
Thiện nam tử! Bồ tát xuất gia, nếu có đệ tử tại gia, cũng nên dạy pháp không phóng dật. Không phóng dật, tức là tu hành Chánh pháp, cúng dường cha mẹ, cùng các bậc thầy, hòa thượng, những bậc tuổi tác cao, những bậc có đức hạnh, đem đến sự an vui cho họ. Đem tâm chí thành thọ giới, không dám hủy phạm. Nhận vật của người gởi, không được chuyên quyền. Có thể nhận chịu sự hung hăng của người khác. Không bao giờ nói lời ác cùng lời vô nghĩa. Thương xót chúng sinh. Đối với quốc vương, trưởng giả, quan lớn, thường sinh tâm cung kính, nể sợ. Có thể tự điều phục vợ con, quyến thuộc, phân biệt người thân, kẻ thù. Không khinh thường chúng sinh, trừ diệt sự kiêu mạn, không gần bạn ác, ăn uống có chừng mực, giảm trừ lòng tham, ít muốn biết đủ, không lân la đến chỗ tranh cãi, ngay đến lúc giởn hớt cũng không nói lời ác. Như vậy gọi là pháp không phóng dật. Bồ tát xuất gia nếu nuôi đệ tử tại gia, trước nên dạy dỗ, răn nhắc pháp không phóng dật; thường cùng với đệ tử chia xẻ nỗi vui buồn. Nếu đệ tử tại gia nghèo khổ thiếu thốn, ngoại trừ sáu vật của người xuất gia, nếu họ cần dùng vật gì, đều nên cung cấp cho họ mà không sẻn tiếc. Nếu họ có bệnh tật, nên đi tìm những vật mà họ cần dùng. Lúc săn sóc bệnh cho họ, không nên sinh tâm nhàm chán. Nếu Bồ tát tự mình không có của, nên đi khắp nơi tìm kiếm; nếu tìm không được, nên mượn vật Tam Bảo. Sau khi lành bệnh, người đệ tử tại gia phải trả lại gấp mười lần, như pháp của nước Xá Vệ của vua Ba Tư Nặc. Nếu người đệ tử tại gia không thể trả được, nên bảo họ rằng: “Ông nay mượn của Tam Bảo rất nhiều, nếu không thể trả được, ông nên phải siêng năng tu tập quả Tu đà hoàn cho đến quả A la hán, hoặc phát tâm Bồ đề, hoặc dạy được mọi người sinh lòng tin trong sạch đối với Phật pháp, hoặc diệt trừ được sự thấy biết tà ác sâu nặng của họ.” Nếu Bồ tát xuất gia dạy đệ tử tại gia những sự việc như thế, cả hai thầy trò đều sẽ được vô lượng lợi ích.
Thiện nam tử! Bồ tát tại gia nếu nuôi dưỡng đệ tử tại gia, trước tiên cũng nên dạy pháp không phóng dật. Không phóng dật có nghĩa là cúng dường cha mẹ, sư trưởng, hòa thượng, người già cả, người có đức hạnh; lại cũng cung cấp cho anh em, bạn bè, quyến thuộc, người sắp đi xa, hoặc người nơi xa đến. Khi ăn, nên đem thức ăn đến phân phát đầy đủ cho kẻ tôi tớ, sau đó tự mình mới dùng. Lại làm cho họ tin tưởng Tam Bảo, chia xẻ sự khổ vui với họ. Không bao giờ tự hưởng một mình. Tùy thời ban thưởng cho họ, không để họ đói lạnh. Không bao giờ đánh chưởi, hoặc dùng roi gậy làm họ khổ sở. Nên dùng lời mềm dịu mà dạy dỗ khuyên răn. Nếu họ có bệnh, phải nên săn sóc. Những gì mà họ cần, nên đi tìm cho. Phải dạy cho họ những việc thế gian. Khi họ lập gia thất, nên đi tìm chỗ xứng đáng, đừng chọn chỗ thấp hèn. Dạy cho họ năm bộ kinh của Như Lai.[16] Thấy người ly tán, nên làm cho họ hòa hợp. Đã hòa hợp xong, nên làm cho họ tăng trưởng lòng thiện. Đối với tất cả bậc xuất gia, trong đạo cũng như ngoài đạo, tùy ý cúng dường, không nên lựa chọn. Vì sao? Trước nên dùng pháp bố thí dẫn dụ, sau đó mới điều phục họ. Đem sáu pháp Hòa kính mà khuyến dụ họ. Nếu đệ tử vì cầu tiền của mà kinh doanh, làm ruộng, hay làm việc cho chánh phủ, Bồ tát dạy họ phải nên chuyên tâm làm cho đúng pháp. Đã được tiền của, phải dạy họ giữ tiền đúng cách, và nên ham thích bố thí tu tập phước đức. Thấy đệ tử làm đúng như lời dạy, tâm sinh hoan hỷ. Đây gọi là pháp không phóng dật. Bồ tát tại gia nếu có thể dạy dỗ đệ tử tại gia như thế, thầy trò đều được vô lượng lợi ích.
Thiện nam tử! Nếu Bồ tát tại gia được thế lực làm vua nước lớn, nên bảo hộ dân chúng, coi như con một. Dạy họ xa lìa việc ác, tu tập pháp lành. Thấy kẻ làm ác, tuy trừng phạt khiển trách, nhưng không sát hại họ. Đánh thuế dân chúng, chỉ thâu một phần sáu tài vật của họ. Thấy người sân giận, dạy họ tu pháp nhẫn nhục và không buông lung. Đem lời nhỏ nhẹ dạy dỗ dân chúng, lại khéo phân biệt người lành kẻ dữ. Không tùy tiện tra hỏi người có tội. Nếu có tiền của, tùy lực phân phát cho nhân dân. Tùy sức đọc tụng năm bộ kinh. Khéo giữ gìn thân mệnh, của cải. Có thể dạy dỗ chúng sinh, không cho làm ác. Thấy người nghèo khổ, sinh lòng thương xót. Đối với lãnh thổ của mình, thường tu pháp biết đủ. Quyết định không tin lời sàm tấu, hoặc hủy báng. Không dùng điều phi pháp bóc lột nhân dân. Như pháp bảo vệ quốc gia, xa lìa bảy điều ác: một là không ưa cờ bạc, hai là không thích săn bắn, ba là không thích rượu chè, bốn là tâm không háo sắc, năm là không nói lời thô, sáu là không nói lời đâm thọc, bảy là không bóc lột tài sản nhân dân. Thường hay cúng dường những bậc xuất gia. Có thể làm cho người dân trong nước đối với nhà cầm quyền khởi tâm cung kính. Tin tưởng nhân quả. Thấy người hơn mình, không sinh lòng ghen ghét. Thấy mình hơn người, cũng không sinh lòng kiêu mạn. Hay nghĩ việc trả ơn. Thọ ơn nhỏ, đền ơn lớn. Có thể điều phục sáu căn, làm sạch ba nghiệp. Khen ngợi người lành, khiển trách kẻ ác. Trước khi nói lời gì, đều suy nghĩ kỹ. Lời nói nhỏ nhẹ. Nếu tự mình không đủ thế lực, thì có thể lệ thuộc nước khác một cách đúng pháp. Lúc chiếm nước người, không dùng bốn thứ binh. Khi chúng sinh sợ hãi, có thể cứu hộ. Thường dùng pháp Tứ nhiếp thâu phục chúng sinh. Khéo phân biệt tất cả pháp tướng. Đối với người không tin, dùng lời dịu dàng mà nhiếp phục họ.
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia nuôi dạy hai loại đệ tử, điều này không khó. Bồ tát tại gia nuôi dạy đệ tử tại gia, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc. Phẩm Mười Bốn
Thọ Giới
Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Bồ tát tại gia làm thế nào để được thọ giới Ưu bà tắc?”
- Thiện nam tử! Bồ tát tại gia nếu muốn được thọ giới Ưu bà tắc, trước hết nên theo thứ lớp cúng dường lễ lạy sáu phương: đông, tây, nam, bắc, dưới và trên.
Phương đông tức là cha mẹ. Nếu có người cúng dường cha mẹ: quần áo, thức ăn, giường chiếu, thuốc men, phòng nhà, của báu, cung kính, lễ bái, ca ngợi, tôn trọng, v.v..., người đó là người cúng dường phương đông. Cha mẹ cũng phải đem năm việc đền đáp: Một là hết lòng thương yêu; hai là không bao giờ lừa dối con cái; ba là giao hết của cải; bốn là gả con cho nhà dòng dõi; năm là dạy con rành rõi việc đời.
Phương nam tức là sư trưởng. Nếu có người cúng dường sư trưởng: quần áo, thức ăn, giường chiếu, thuốc men, tôn trọng, ca ngợi, cung kính, lễ bái, thức khuya dậy sớm, học hỏi tu tập lời dạy hay của thầy, v.v..., người đó là người cúng dường phương nam. Sư trưởng cũng đem năm việc đền đáp: Một là dạy dỗ không để lãng phí thì giờ; hai là dạy hết những điều mình đã biết; ba là thấy học trò hơn mình, không sinh lòng ghen ghét; bốn là gởi gắm học trò đến những bậc thầy hay, bạn tốt; năm là khi chết, giao hết tài sản cho trò.
Phương tây tức là người vợ. Nếu có người cung cấp vợ mình: quần áo, thức ăn, giường chiếu, thuốc men, anh lạc, đồ trang sức, v.v..., người đó là người cúng dường phương tây. Người vợ nên dùng mười bốn việc đền đáp: Một là làm bất cứ việc gì đều phải tận tâm; hai là thường siêng năng làm việc không biếng nhác; ba là làm bất cứ việc gì đều hoàn tất; bốn là làm việc đều nhanh chóng, không phí thì giờ; năm là thường chăm sóc khách khứa; sáu là quét dọn nhà cửa ngăn nắp; bảy là yêu kính chồng con, nói lời mềm dịu; tám là dùng lời nhỏ nhẹ dạy dỗ tôi tớ; chín là khéo giữ tiền của; mười là thức khuya dậy sớm; mười một là khéo léo trong việc nấu nướng; mười hai là khéo nghe lời dạy bảo; mười ba là khéo che lỗi cho chồng; mười bốn là khéo chăm sóc khi chồng đau bệnh.
Phương bắc tức là bạn lành. Nếu có người cúng dường bạn lành, tùy sức cung cấp, cung kính, nói lời mềm dịu, lễ bái, ca ngợi, v.v..., người đó là người cúng dường phương bắc. Bạn lành nên dùng bốn việc báo đáp: Một là dạy dỗ tu tập pháp lành; hai là làm cho xa lìa pháp ác; ba là cứu giúp khi gặp sợ hãi; bốn là làm cho xa lìa sự phóng dật.
Phương dưới tức là tôi tớ. Nếu có người cung cấp quần áo, thức ăn, thuốc men cho tôi tớ, không đánh đập, mắng nhiếc họ, v.v..., người đó là người cúng dường phương dưới. Tôi tớ nên dùng mười việc báo đáp: Một là không làm điều lỗi; hai là không đợi sai bảo mới làm; ba là làm việc gì phải cho xong; bốn là làm nhanh chóng không để mất thì giờ; năm là chủ tuy nghèo khổ cũng không rời bỏ; sáu là dậy sớm; bảy là giữ gìn đồ đạc, không để thất lạc; tám là nhận ơn dù ít, đền đáp rất nhiều; chín là chí tâm kính mến; mười là khéo dấu việc xấu của chủ.
Phương trên tức là Sa môn, Bà la môn, v.v... Nếu có người cúng dường Sa môn, Bà la môn quần áo, thức ăn, nhà cửa, thuốc men, cứu giúp khi họ lâm cảnh hiểm nguy, cúng dường thức ăn lúc họ đói khát, khéo che đậy lỗi lầm, cung kính, lễ bái, tôn trọng, khen ngợi công đức của họ, v.v..., người đó là người cúng dường phương trên. Bậc xuất gia nên đem năm việc báo đáp: Một là dạy dỗ làm sinh lòng tin; hai là dạy dỗ làm tăng trưởng trí tuệ; ba là dạy dỗ làm tăng trưởng bố thí; bốn là dạy giữ giới; năm là dạy dỗ làm cho nghe nhiều hiểu rộng.
Nếu có người cúng dường sáu phương, người đó tăng trưởng tài sản, tuổi thọ, có thể thọ trì giới Ưu bà tắc.
Thiện nam tử! Nếu có người thọ giới Ưu bà tắc vì muốn tăng trưởng của cải và tuổi thọ, trước hết họ phải hỏi ý kiến cha mẹ. Nếu cha mẹ đã bằng lòng, kế đến nên báo cho vợ con và tôi tớ. Nếu vợ con tôi tớ đều bằng lòng, kế đó nên thưa với nhà vua. Nếu nhà vua đã cho phép, họ có thể đến bất cứ vị xuất gia nào đã phát tâm Bồ đề, cúi đầu làm lễ, cung kính thưa rằng: “Kính bạch Đại đức, con là trượng phu, đầy đủ thân người nam, nguyện thọ giới Bồ tát Ưu bà tắc. Cúi xin Đại đức từ bi cho con thọ giới.”
Lúc đó vị Tỳ khưu nên hỏi như sau: “Cha mẹ, vợ con, tôi tớ của ông và nhà vua đã cho phép chưa?”
Nếu người đó trả lời đã cho phép, nên hỏi tiếp: “Ông có thiếu nợ của Tam Bảo hoặc của người khác hay không?”
Nếu trả lời không, nên hỏi tiếp: “Thân thể hay tâm thần của ông có bệnh hoạn gì không?”
Nếu trả lời không, nên hỏi tiếp: “Ông có phá hoại phạm hạnh của Tỳ khưu hoặc Tỳ khưu ni hay không?”
Nếu trả lời không, nên hỏi tiếp: “Ông có tạo tội ngũ nghịch hay không?”
Nếu trả lời không, nên hỏi tiếp: “Ông có nghe trộm pháp hay không?”
Nếu trả lời không, nên hỏi tiếp: “Ông có phải là người hai căn, hoặc vô căn hay không? Ông có phá hoại Bát quan trai? Khi cha mẹ đang bị đau bệnh, ông lại bỏ đi mà không săn sóc? Trộm cắp tài sản của hiện tiền tăng? Nói đâm thọc? Nói lời thô ác? Đối với cha mẹ, chị em có làm điều loạn luân hay không? Có ở trước đại chúng nói dối hay không?”
Nếu người ấy trả lời không, lúc ấy nên bảo họ rằng: “Giới Ưu bà tắc rất khó giữ gìn. Vì sao? Vì giới ấy làm nền tảng cho giới Sa di, giới Tỳ khưu, và giới Bồ tát, nhẫn đến làm nền tảng cho sự chứng đắc Vô thượng Bồ đề. Người nào chí tâm thọ trì giới Ưu bà tắc, người đó sẽ được vô lượng lợi ích của sự thọ giới. Nếu như hủy phạm giới pháp, thì sẽ trong vô lượng đời sinh vào ba đường ác, chịu vô lượng khổ não. Nay ông muốn được vô lượng lợi ích, có thể chí tâm thọ trì hay không?”
Nếu trả lời có thể, nên nói tiếp: “Giới Ưu bà tắc này rất khó thọ trì. Nếu đã quy y Phật, thà mất thân mệnh, quyết không quy y trời thần quỷ vật, v.v... Nếu đã quy y Pháp, thà mất thân mệnh, quyết không quy y kinh sách ngoại đạo. Nếu đã quy y Tăng, thà mất thân mệnh, quyết không quy y thầy tà, bạn ác. Ông có thể chí tâm quy y Tam Bảo như thế hay không?”
Nếu trả lời có thể, nên nói tiếp: “Thiện nam tử! Giới Ưu bà tắc này rất khó thọ trì, nếu có người nào quy y Tam Bảo, người ấy phải bố thí cho chúng sinh sự không sợ. Người nào có thể bố thí sự không sợ cho chúng sinh, người ấy sẽ được giới Ưu bà tắc, nhẫn đến chứng đắc Vô thượng Bồ đề. Ông có thể bố thí sự không sợ như thế cho chúng sinh hay không?”
Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp: “Có năm điều làm cho chúng sinh không được tăng trưởng tài sản thọ mệnh. Năm điều ấy là gì? Một là tham việc sát hại, hai là tham việc trộm cắp, ba là tà dâm, bốn là nói dối, năm là uống rượu. Tất cả chúng sinh, nhân vì sát hại sinh mệnh, mà đời này mang quả báo xấu xí, ốm yếu, tiếng xấu bêu rêu, tuổi thọ ngắn ngủi, tiền của hao mòn, quyến thuộc chia lìa, bị các bậc Hiền thánh chê trách, người khác không tin dùng, người khác làm ác, mình bị tội lây. Đây là quả báo đời này. Khi bỏ thân này rồi, sẽ bị đọa địa ngục, chịu nhiều sự khổ não, đói lạnh, đời sống dài lâu trong địa ngục, xấu xí ốm yếu, tiếng xấu đồn xa, đây là quả báo đời sau. Nếu được thân người, hình mạo xấu xí, yểu mệnh nghèo khổ. Vì sức mạnh ác nghiệp của người đó ảnh hưởng đến hoàn cảnh bên ngoài, mà ngũ cốc cùng hoa quả đều bị tổn giảm; tai ương của người đó vạ lây đến mọi người trong cả một thiên hạ.
Thiện nam tử! Nếu người ưa trộm cắp, cũng sẽ bị quả báo hình mạo xấu xí, ốm yếu, tiếng xấu đồn xa, yểu mệnh, tiền của tiêu hao, quyến thuộc chia lìa, người khác mất của thường hay nghi mình, tuy gần gũi người khác nhưng họ không tin cậy, lại còn thường bị các bậc Hiền thánh quở trách. Đây gọi là quả báo hiện tại. Sau khi bỏ thân này, sẽ bị đọa vào địa ngục, nhận thọ hình mạo xấu xí, tiếng xấu đồn xa, đói khát, khổ não, nhận chịu sự thống khổ lâu dài. Đây gọi là quả báo đời sau. Nếu được sinh làm người, bần cùng thiếu thốn, nếu được tiền của đều bị mất mát. Cha mẹ, anh em, vợ con thảy đều ghét bỏ. Thân thường chịu sự khổ sở, trong tâm lại thường sầu não không nguôi. Vì sức mạnh ác nghiệp của người đó ảnh hưởng đến hoàn cảnh bên ngoài mà mọi người chung quanh tuy ăn uống đầy đủ, mà vẫn ốm yếu, tiều tụy; tai ương của người đó vạ lây đến tất cả mọi người.
Thiện nam tử! Nếu có người ưa nói dối, người ấy sẽ bị quả báo ăn nói thô tục, hình thù xấu xí, lời nói dù chân thực nhưng người khác vẫn không tin. Mọi người đều chán ghét, không muốn thấy mặt. Đây gọi là quả báo hiện đời. Sau khi mất thân này, sẽ bị đọa vào địa ngục, nhận chịu sự thống khổ dữ dội của đói khát và thiêu đốt. Đây gọi là quả báo đời sau. Nếu được sinh làm người, sứt môi méo miệng, tuy nói lời chân thực, người khác không tin tưởng, và tìm cách lánh xa. Dù nói Chánh pháp, người khác cũng không thích nghe. Vì sức mạnh ác nghiệp của người ấy ảnh hưởng đến hoàn cảnh bên ngoài mà sự sinh sản của các loài vật đều bị giảm bớt.
Thiện nam tử! Nếu có người ưa uống rượu, người ấy hiện đời hay mất mát tiền của, thân tâm đều nhiều bệnh tật, tiếng xấu đồn xa, tổn giảm trí tuệ, tâm không biết hổ thẹn, dung mạo xấu xí, thân thể ốm yếu, thường bị mọi người chê trách, xa lánh, không thể tu pháp lành. Đây là ác báo hiện đời của sự uống rượu. Sau khi mất thân này, sẽ bị đọa địa ngục, nhận chịu vô lượng thống khổ của sự đói khát, v.v... Đây là quả báo đời sau. Nếu sinh làm người, tâm thường cuồng loạn, không thể buộc tâm tư duy pháp lành. Vì sức mạnh ác nghiệp của người ấy ảnh hưởng đến hoàn cảnh, mà tất cả vật dụng bên ngoài đều hư nát.
Thiện nam tử! Nếu có người ưa tà dâm, người ấy không thể giữ gìn thân mình cũng như thân người khác, và thường thường bị người khác nghi ngờ. Làm mọi việc gì, cũng đều gian dối. Bất cứ lúc nào cũng thường nhận chịu sự khổ não. Tâm thường tán loạn, không thể tu pháp lành. Hay mất mát của cải, vợ con đều chán ghét, tuổi thọ ngắn ngủi. Đây là quả báo hiện đời của sự tà dâm. Sau khi mất thân này, sẽ bị đọa vào địa ngục. Chịu vô lượng thống khổ của sự ốm yếu, đói khát, dung mạo xấu xí, v.v..., trong thời gian lâu dài. Đây gọi là quả báo đời sau. Nếu sinh làm thân người, hình mạo xấu xí, ốm yếu, ăn nói thô tục, mọi người đều xa lánh, không thể giữ gìn vợ con. Vì nghiệp lực của người ấy ảnh hưởng đến hoàn cảnh, nà tất cả những sự vật bên ngoài đều không được tự tại.
Thiện nam tử! Ông có thể chân thực xa lìa năm pháp ác này hay không?”
Nếu trả lời có thể, nên bảo rằng: “Thiện nam tử! Thọ giới Ưu bà tắc, có bốn pháp không nên làm. Bốn pháp đó là gì? Không nên gian dối vì những nhân duyên sau: Một là tham lam, hai là giận dữ, ba là ngu mê, bốn là khiếp sợ. Ông có thể xa lìa bốn ác pháp này hay không?”
Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp rằng: “Thiện nam tử! Thọ giới Ưu bà tắc, có năm chỗ không nên tới lui: Một là chỗ của bọn hàng thịt, hai là chốn lầu xanh, ba là chỗ bán rượu, bốn là chỗ của vua, năm là chỗ của kẻ đê tiện. Ông có thể xa lánh năm chỗ như thế hay không?”
Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp rằng: “Thiện nam tử! Thọ giới Ưu bà tắc, có năm việc không nên làm: Một là không được bán sinh mạng, hai là không buôn bán vũ khí, ba là không buôn bán thuốc độc, bốn là không được bán rượu, năm là không được ép dầu. Ông có thể lìa xa năm việc này hay không?”
Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp rằng: “Thiện nam tử! Có ba việc không nên làm: Một là không nên làm nghề đan lưới, hai là không nên làm nghề thợ nhuộm, ba là không nên làm nghề thuộc da. Ông có thể xa lánh ba việc như thế hay không?”
Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp rằng: “Thiện nam tử! Thọ giới Ưu bà tắc, có hai việc không nên làm: Một là cờ bạc, hai là những việc ca hát nhảy múa, v.v... Ông có thể xa lánh hai việc như thế hay không?”
Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp rằng: “Thiện nam tử! Thọ giới Ưu bà tắc, không nên gần gũi bốn hạng người: Một là những người cờ bạc, hai là những người rượu chè, ba là những người gian dối, bốn là những người bán rượu. Ông có thể xa lánh bốn hạng người đó hay không?”
Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp rằng: “Thiện nam tử! Thọ giới Ưu bà tắc, không nên làm những việc phóng dật. Thế nào gọi là phóng dật? Nghĩa là không tu pháp lành trong những thời gian sau đây: khi lạnh, nóng, đói, khát, khi ăn cơm no, buổi sáng, buổi tối, lúc sợ hãi, lúc làm việc, lúc dự định công việc, lúc mất, lúc được, lúc vui, lúc có giặc cướp, lúc lúa gạo mắc mỏ, lúc bệnh hoạn, lúc còn trai tráng, lúc già nua, lúc giàu có, lúc nghèo nàn, lúc làm việc để sinh sống. Ông có thể xa lánh sự phóng dật như vậy hay không?”
Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp rằng: Thiện nam tử! Thọ giới Ưu bà tắc, trước hết phải học những kiến thức thế gian, sau khi đã thông đạt, theo đúng pháp mà làm việc kiếm tiền. Nếu có tiền của nên chia làm bốn phần: một phần dùng để nuôi sống cha mẹ, vợ con, quyến thuộc và chiùnh mình, hai phần dùng để kinh doanh, một phần còn lại để dành, nhỡ khi có việc cần dùng. Ông có thể làm được bốn việc như vậy hay không?”
Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp rằng: “Thiện nam tử! Không nên giao gửi tiền bạc cho bốn chỗ: Một là người già, hai là những nơi xa xăm, ba là người xấu ác, bốn là người có quyền thế. Những nơi như vậy, không nên giao gửi tiền của. Ông có thể xa lánh được không?”
Nếu trả lời có thể, nên bảo tiếp rằng: “Thiện nam tử! Thọ giới Ưu bà tắc, nên xa lánh bốn hạng người ác: Một là ưa nói lỗi người khác, hai là ưa nói điều tà ngụy, ba là hạng người “khẩu phật tâm xà”, bốn là hạng người nói nhiều làm ít. Ông có thể xa lánh bốn hạng người như thế không?”
Nếu trả lời có thể, nên bảo người đó trong vòng sáu tháng, phải gần gũi, hầu hạ những bậc xuất gia có trí tuệ. Bậc trí tuệ đó cũng phải quán sát bốn uy nghi của người cầu thọ giới.
Nếu biết người cầu thọ giới có thể y theo lời dạy mà thực hành, sau khi hết sáu tháng, nên triệu tập chúng tăng đủ số hai mươi người, làm pháp yết ma.
Bậc trí tuệ bạch yết ma: “Các vị Đại đức Tăng, xin chú ý nghe! Nay có (nói tên người thọ giới), đến giữa chúng Tăng cầu thọ giới Ưu bà tắc. Trong sáu tháng nay, bốn uy nghi đều thanh tịnh, chí tâm thọ trì giới pháp thanh tịnh trang nghiêm. Người này là bậc đại trượng phu, thân người nam đầy đủ. Nếu chúng Tăng chấp nhận, xin tất cả im lặng. Còn vị nào không đồng ý, xin lên tiếng.”
Nếu chúng Tăng đã chấp nhận, bậc trí tuệ nên nói như sau: “Thiện nam tử! Chú ý nghe cho rõ ràng. Chúng Tăng đã hòa hợp, cho phép ông thọ trì giới Ưu bà tắc. Giới này là cội gốc của tất cả pháp lành. Người nào có thể thành tựu pháp này, sẽ đắc quả Tu đà hoàn, nhẫn đến quả A na hàm. Nếu như phá giới, sau khi mất đi, sẽ đọa vào ba đường ác.
Thiện nam tử! Giới Ưu bà tắc không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì sau khi thọ giới này, dù hưởng thọ ngũ dục, nhưng vẫn không chướng ngại quả Tu đà hoàn, cho đến quả A na hàm. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn. Ông có thể vì thương xót chúng sinh mà thọ giới này hay không?”
Nếu trả lời có thể, lúc ấy bậc trí giả nên vì người ấy mà nói pháp Tam quy y. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như thế. Sau khi thọ pháp Tam quy, được gọi là ưu bà tắc. Tiếp đến, bậc trí tuệ nên bảo rằng: “Thiện nam tử! Lắng nghe cho kỹ. Đức Như Lai Chánh Giác nói giới Ưu bà tắc có nhiều trình độ thọ giới khác biệt, hoặc một phần, hoặc nửa phần, hoặc không có phần, hoặc nhiều phần, hoặc toàn phần. Nếu như ưu bà tắc, sau khi thọ Tam quy, không thọ năm giới, thì chỉ gọi là ưu bà tắc; nếu thọ Tam quy giữ một giới, thì gọi là ưu bà tắc một phần; nếu thọ Tam quy giữ hai giới, thì gọi là ưu bà tắc thiểu phần. Sau khi thọ Tam quy giữ hai giới, nếu phá một giới, thì gọi là không có phần. Nếu thọ Tam quy giữ ba giới, bốn giới, thì gọi là ưu bà tắc nhiều phần; nếu thọ Tam quy giữ năm giới, thì gọi là ưu bà tắc toàn phần. Nay ông muốn thọ giới ưu bà tắc một phần, hay giới ưu bà tắc nhiều phần?” Sau khi người thọ nói lên ý mình, bậc trí tuệ sẽ y theo sở thích của họ mà thọ giới.
Sau khi đã thọ giới, nên dạy tiếp rằng: “Giới pháp của ưu bà tắc, có sáu giới trọng. Thiện nam tử! (1) Sau khi thọ giới Ưu bà tắc, dù cho mất thân mạng, ngay đến loài trùng kiến, cũng không được giết hại. Nếu phạm giới giết hại, hoặc bảo người giết, hoặc tự mình giết, sẽ lập tức mất giới Ưu bà tắc; trong hiện đời, còn không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, hoặc A na hàm. Người đó là ưu bà tắc phá giới, ưu bà tắc xú uế, ưu bà tắc cấu ô, ưu bà tắc chiên đà la, ưu bà tắc bị triền phược. Đây là giới trọng thứ nhất. (2) Sau khi thọ giới Ưu bà tắc, dù cho mất thân mạng, ngay đến một đồng tiền, cũng không được trộm cắp. Nếu phạm giới trộm cắp sẽ lập tức mất giới Ưu bà tắc; trong hiện đời, còn không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, hoặc A na hàm. Người đó là ưu bà tắc phá giới, ưu bà tắc xú uế, ưu bà tắc cấu ô, ưu bà tắc chiên đà la, ưu bà tắc bị triền phược. Đây là giới trọng thứ hai. (3) Sau khi thọ giới Ưu bà tắc, dù cho mất thân mạng, cũng không được đại vọng ngữ: “Tôi đã chứng được pháp quán bất tịnh”,..., hoặc: “Tôi đã chứng được thánh quả A na hàm”. Nếu phạm giới đại vọng ngữ sẽ lập tức mất giới Ưu bà tắc; trong hiện đời, còn không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, hoặc A na hàm. Người đó là ưu bà tắc phá giới, ưu bà tắc xú uế, ưu bà tắc cấu ô, ưu bà tắc chiên đà la, ưu bà tắc bị triền phược. Đây là giới trọng thứ ba. (4) Sau khi thọ giới Ưu bà tắc, dù cho mất thân mạng, cũng không được tà dâm. Nếu phạm giới tà dâm sẽ lập tức mất giới Ưu bà tắc; trong hiện đời, còn không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, hoặc A na hàm. Người đó là ưu bà tắc phá giới, ưu bà tắc xú uế, ưu bà tắc cấu ô, ưu bà tắc chiên đà la, ưu bà tắc bị triền phược. Đây là giới trọng thứ tư. (5) Sau khi thọ giới Ưu bà tắc, dù cho mất thân mạng, cũng không được rao nói tội lỗi của bốn chúng: tỳ khưu, tỳ khưu ni, ưu bà tắc, ưu bà di. Nếu phạm giới rao nói tội lỗi của bốn chúng sẽ lập tức mất giới Ưu bà tắc; trong hiện đời, còn không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, hoặc A na hàm. Người đó là ưu bà tắc phá giới, ưu bà tắc xú uế, ưu bà tắc cấu ô, ưu bà tắc chiên đà la, ưu bà tắc bị triền phược. Đây là giới trọng thứ năm. (6) Sau khi thọ giới Ưu bà tắc, dù cho mất thân mạng, cũng không được bán rượu. Nếu phạm giới bán rượu sẽ lập tức mất giới Ưu bà tắc; trong hiện đời, còn không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, hoặc A na hàm. Người đó là ưu bà tắc phá giới, ưu bà tắc xú uế, ưu bà tắc cấu ô, ưu bà tắc chiên đà la, ưu bà tắc bị triền phược. Đây là giới trọng thứ sáu.
Thiện nam tử! Nếu ưu bà tắc sau khi thọ giới có thể hết lòng giữ gìn không cho hủy phạm thì sẽ đắc được thánh quả như trên. Thiện nam tử! Giới Ưu bà tắc là ngọc anh lạc trang nghiêm, là hương thơm vi diệu xông khắp mọi nơi, là quỹ luật cho pháp thiện, ngăn chận các pháp bất thiện, là kho tàng diệu bảo vô thượng, là chủng tính của dòng dõi tôn quí, là nơi đại tịch tĩnh, là vị cam lộ, là đất sanh ra thiện pháp. Chỉ cần chân thực phát tâm thọ giới đã được vô lượng vô biên lợi ích như vậy, huống chi là nhất tâm giữ gìn không cho hủy phạm.
Thiện nam tử! Như Đức Phật đã dạy: (1) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, không cúng dường cha mẹ, sư trưởng, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (2) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, ham mê uống rượu, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (3) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, gặp người bệnh khổ, sinh khởi ác tâm, bỏ phế không chăm sóc, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (4) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, thấy người đến xin, không tùy sức mình mà bố thí ít nhiều, để cho người đến xin ra về tay không, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (5) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, gặp các vị tỳ khưu, tỳ khưu ni, hoặc các vị ưu bà tắc thọ giới trước, không đứng dậy tiếp đón, lễ lạy, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (6) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, thấy tỳ khưu, tỳ khưu ni, ưu bà tắc, ưu bà di phạm giới, bèn sinh tâm kiêu mạn, cho rằng mình hơn họ, họ không bằng mình, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (7) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, mỗi tháng không thọ sáu ngày bát quan trai giới, không cúng dường Tam Bảo, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (8) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, trong vòng bốn mươi dặm có chỗ giảng kinh thuyết pháp mà không đến nghe, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (9) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, thọ dụng đồ dùng của chư tăng, như ngọa cụ, giường, ghế, v.v..., thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (10) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, nghi nước có trùng mà vẫn cố ý uống, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (11) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, đi một mình trong chỗ nguy hiểm, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (12) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, một mình ngủ đêm tại chùa ni, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (13) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, vì tiền của mà đánh đập chửi rủa tôi tớ, hoặc người ngoài, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (14) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, đem thức ăn thừa bố thí cho tỳ khưu, tỳ khưu ni, hoặc ưu bà tắc, ưu bà di khác, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (15) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, nuôi dưỡng mèo, chồn, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (16) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, nuôi dưỡng voi, ngựa, trâu, dê, lạc đà, hoặc các loại súc vật khác, không chịu tịnh thí cho người chưa thọ giới, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (17) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, không chứa sẵn tăng già lê, bình bát, tích trượng để cúng dường chúng Tăng, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (18) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, làm nghề canh tác sinh sống, không tìm chỗ nước sạch, đất cao ráo để trồng trọt, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (19) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, làm nghề mua bán: lúc bán hàng, một khi đã đồng ý giá cả, không được lật lọng, đem bán cho người trả giá đắt hơn; lúc mua hàng, nếu thấy người bán cân lường gian lận, phải nói lỗi họ, để họ sửa đổi. Nếu không làm như thế, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (20) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, hành dâm không đúng chỗ, không đúng thời, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (21) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, làm nghề thương mại, công nghiệp, v.v..., không chịu nộp thuế, hoặc khai thuế gian lận, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (22) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, vi phạm luật pháp quốc gia, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (23) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, lúc lúa, trái cây, rau cải được mùa, không dâng cúng Tam Bảo trước, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (24) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, Tăng già không cho phép thuyết pháp, khen ngợi, mà vẫn cứ làm, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (25) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, ra đường đi trước các tỳ khưu, sa di, v.v..., thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (26) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, trong lúc phân phối thức ăn cho chư Tăng, sinh tâm thiên vị, lựa những món ngon, nhiều hơn phần người khác, để cúng dường thầy mình, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (27) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, nuôi tằm lấy tơ, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. (28) Nếu ưu bà tắc, sau khi thọ giới, đi đường gặp người bệnh, không tìm phương tiện chăm sóc, hoặc gửi gắm cho người khác chăm sóc, thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là người nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi.
Thiện nam tử! Nếu ưu bà tắc nào, có thể chí tâm thọ trì giới pháp này, người ấy là hoa Phân đà lợi trong hàng ưu bà tắc, là hương thơm vi diệu trong hàng ưu bà tắc, là hoa sen trong sạch trong hàng ưu bà tắc, là trân báu chân thực trong hàng ưu bà tắc, là bậc đại trượng phu trong hàng ưu bà tắc.
Thiện nam tử! Đức Phật có dạy: Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia gọi là tỳ khưu hoặc tỳ khưu ni, Bồ tát tại gia gọi là ưu bà tắc hoặc ưu bà di. Bồ tát xuất gia trì giới xuất gia, điều này không khó. Bồ tát tại gia trì giới tại gia, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc. Phẩm Mười Lăm
Tịnh Giới
Thiện Sinh bạch Phật: “Kính Bạch Đức Thế Tôn! Sau khi thọ giới rồi, làm thế nào để giữ giới thanh tịnh?”
Đức Phật bảo Thiện Sinh: “Thiện nam tử! Có ba pháp làm cho giới hạnh thanh tịnh: Một là tin Phật, Pháp, Tăng; hai là tin sâu nhơn quả; ba là có tâm hiểu biết.
Lại có bốn pháp: Một là tâm từ; hai là tâm bi; ba là tâm không tham lam; bốn là làm ơn cho những người chưa làm ơn cho mình.
Lại có năm pháp: Một là đem điều thiện làm lợi ích cho kẻ oán thù; hai là thấy người lâm nạn, tìm cách cứu vớt; ba là vui vẻ bố thí dù người xin chưa hỏi; bốn là bố thí bình đẳng không phân biệt; năm là từ bi đối với tất cả, không phân biệt thân sơ.
Lại có bốn pháp: Một là không bao giờ tự khinh, cho rằng mình không thể được quả Bồ đề; hai là tâm ý kiên cố tu hành Phật đạo; ba là siêng năng tinh tiến tu tất cả thiện pháp; bốn là làm những việc lớn không bao giờ biết mỏi mệt hoặc hối tiếc.
Lại có bốn pháp: Một là tự học pháp lành, học xong đem dạy cho người khác; hai là xa lìa pháp ác, lại dạy cho người khác xa lìa; ba là khéo phân biệt các pháp thiện ác; bốn là đối với tất cả pháp, không sinh chấp trước.
Lại có bốn pháp: Một là biết tất cả pháp đều không có ngã và ngã sở; hai là biết tất cả nghiệp đều có quả báo; ba là biết pháp hữu vi đều là vô thường; bốn là biết từ khổ sinh lạc, từ lạc sinh khổ.
Lại có ba pháp: một là đối với chúng sinh, tâm không chấp trước; hai là dùng tâm bình đẳng ban sự vui cho chúng sinh; ba là làm đúng như lời mình nói.
Lại có ba pháp: một là có thể bố thí nhân của sự vui cho chúng sinh; hai là việc làm không cầu sự trả ơn; ba là tự biết mình quyết định sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lại có ba pháp: một là vì chúng sinh mà nhận chịu rất nhiều khổ não; hai là chịu khổ cho chúng sinh theo thứ lớp; ba là chịu khổ cho chúng sinh không gián đoạn. Tuy nhận chịu sự khổ như vậy, tâm không bao giờ hối tiếc.
Lại có ba pháp: một là tuy chưa trừ được tâm tham, mà có thể bố thí vật mình yêu thích; hai là tuy chưa trừ được tâm sân, mà có thể nhẫn chịu sự ác độc của người khác; ba là tuy chưa trừ được tâm si, mà có thể phân biệt được pháp thiện ác.
Lại có ba pháp: một là biết rành phương tiện dạy dỗ chúng sinh, làm họ xa lìa pháp ác; hai là biết rành phương tiện dạy dỗ chúng sinh, làm họ tu hành pháp thiện; ba là dạy dỗ chúng sinh không bao giờ nhàm mỏi, hối tiếc.
Lại có ba pháp: một là khi giúp cho chúng sinh xa lìa thân khổ, không hề luyến tiếc thân mạng mình; hai là khi giúp chúng sinh xa lìa tâm khổ, không hề luyến tiếc thân mạng mình; ba là khi giúp chúng sinh tu hành pháp thiện, không hề luyến tiếc thân mạng mình.
Lại có ba pháp: một là lo việc người trước việc mình; hai là lo việc người, không quản ngày giờ; ba là khi lo việc người không lo lắng, sợ hãi.
Lại có ba pháp: một là tâm không đố kỵ; hai là thấy người khác sung sướng, tâm sinh vui mừng; ba là tâm lành tương tục không đoạn tuyệt.
Lại có ba pháp: một là thấy việc lành của người dù ít, tâm không bao giờ quên; hai là nhận ơn của người dù ít, mong đền trả thật nhiều; ba là trong vô lượng đời, thọ nhận vô lượng khổ, nhưng tâm vẫn kiên cố, không có ý thối lui.
Lại có ba pháp: một là tuy biết rõ nẽo sinh tử nhiều hiểm nạn, nhưng vẫn không xả bỏ tất cả những sự nghiệp cứu độ chúng sinh; hai là làm nơi nương tựa cho những chúng sinh chưa có nơi nương tựa; ba là thấy chúng sinh ác, lòng sinh thương xót, không phiền trách lỗi lầm.
Lại có ba pháp: một là gần gũi bạn lành; hai là nghe pháp không nhàm chán; ba là hết lòng học hỏi những điều mà thiện tri thức dạy bảo.
Lại có chín pháp: xa lìa ba pháp; trong ba thời không hối tiếc; bố thí bình đẳng cho ba loại chúng sinh.[17]
Lại có bốn pháp, tức là từ, bi, hỷ, xả.
Thiện nam tử! Nếu Bồ tát muốn dùng pháp lành như trên để thanh lọc tâm mình, cần phải ở trong hai thời: một là lúc Phật ra đời, hai là lúc Duyên giác ra đời.
Thiện nam tử! Pháp lành của chúng sinh, sinh từ ba nơi: một là nghe Chánh pháp, hai là tư duy Chánh pháp, ba là tu tập Chánh pháp. Pháp lành sinh ra do sự nghe và tư duy Chánh pháp, cần phải ở trong hai thời,[18] còn pháp lành sinh ra do sự tu tập, không cần phải như thế.
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia thanh tịnh giới hạnh, điều này không khó. Bồ tát tại gia thanh tịnh giới hạnh, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc. Phẩm Mười Sáu
Trừ Ác
Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Bồ tát sau khi thọ giới Ưu bà tắc, nếu có những ác duyên bất tịnh, cả trong lẫn ngoài, thì phải làm thế nào để xa lìa?”
- Thiện nam tử! Nếu Bồ tát có những ác duyên bất tịnh, cả trong lẫn ngoài, thì phải nên tu pháp Nhiếp Tâm Niệm Phật. Nếu như người ấy chí tâm tu pháp Niệm Phật, thì sẽ xa lìa những ác duyên, bất tịnh, cả trong lẫn ngoài, và đồng thời tăng trưởng từ bi, trí tuệ.
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Phải tu cách nào?
- Thiện nam tử! Nên quán Đức Như Lai có bảy pháp thù thắng: một là thân thù thắng; hai là sống đúng như pháp thù thắng; ba là trí tuệ thù thắng; bốn là đầy đủ thù thắng; năm là chỗ làm thù thắng; sáu là không thể nghĩ bàn thù thắng; bảy là giải thoát thù thắng. (1) Thế nào là thân thù thắng? Thân của Đức Như Lai được trang nghiêm bởi ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Sức mạnh của mỗi ngón tay, địch với sức mạnh của một vạn tám ngàn con hương tượng Y La Bát Na. Chúng sinh ưa thích nhìn thân của Đức Như Lai không biết nhàm chán. Đây gọi là thân thù thắng. (2) Thế nào là sống đúng như pháp thù thắng? Đức Như Lai đã tự được lợi ích, lại còn thương xót, cứu tế, lợi ích vô lượng chúng sinh. Đây gọi là sống đúng như pháp thù thắng. (3) Thế nào trí tuệ thù thắng? Đức Như Lai có bốn trí vô ngại,[19] mà hàng Thanh văn, Duyên giác, không thể sánh kịp. Đây gọi là trí tuệ thù thắng. (4) Thế nào là đầy đủ thù thắng? Đức Như Lai đầy đủ công hạnh, thọ mệnh, giới hạnh, và tri kiến. Đây gọi là đầy đủ thù thắng. (5) Thế nào là chỗ làm thù thắng? Đức Như Lai Thế Tôn tu tập ba loại tam muội, chín loại thứ đệ định, không phải hàng Thanh văn, Duyên giác sánh kịp. Đây gọi là chỗ làm thù thắng. (6) Thế nào là không thể nghĩ bàn thù thắng? Đức Như Lai có sáu thứ thần thông, cũng không phải hàng Thanh văn, Duyên giác có thể sánh kịp, như mười lực, bốn vô sở úy, đại bi, ba niệm xứ,... Đây gọi là không thể nghĩ bàn thù thắng. (7) Thế nào là giải thoát thù thắng? Đức Như Lai có đủ hai thứ giải thoát, diệt trừ trí tuệ chướng và phiền não chướng, vĩnh viễn đoạn trừ tất cả tập khí phiền não; trí tuệ và nhân duyên đều được tự tại. Đây gọi là giải thoát thù thắng. Bởi thế, trong khế kinh, ngài Xá Lợi Phất đã từng tán thán Đức Như Lai có đầy đủ bảy pháp thù thắng. Đức Như Lai từ giai đoạn đầu tiên quán bất tịnh, cho đến khi thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, từ giai đoại tu tập công đức trang nghiêm, cho đến khi chứng quả giải thoát, đều vượt hơn hàng Thanh văn và Bích chi phật, cho nên gọi Đức Như Lai là đấng Chí tôn Vô thượng. Đức Như Lai Thế Tôn tu tập Không tam muội, Diệt định tam muội, Tứ thiền, từ bi, quán Mười hai nhân duyên, đều là vì lợi ích chúng sinh. Đức Như Lai Chánh giác không nói hai lời, cho nên gọi là Như Lai. Từ lúc bắt đầu, tu tập công đức trang nghiêm, cho đến khi chứng thành đạo quả, đều giống như chư Phật quá khứ, cho nên gọi là Như Lai. Vì được đầy đủ Chánh pháp vi diệu, có thể thọ nhận sự cúng dường của tất cả trời người, nên gọi là Ứng Cúng. Thấu rõ hai đế: thế đế và chân đế, nên gọi là Chánh Biến Tri. Tu trì tịnh giới, đầy đủ tam minh, nên gọi là Minh Hạnh Túc. Không còn thọ sinh trong ba cõi, nên gọi là Thiện Thệ. Thấu rõ chúng sinh và vũ trụ, nên gọi là Thế Gian Giải. Biết rõ phương tiện điều phục chúng sinh, nên gọi là Điều Ngự Trượng Phu. Có thể làm cho chúng sinh không còn sợ hãi, dùng phương tiện giáo hóa làm cho họ lìa khổ được vui, nên gọi là Thiên Nhân Sư. Biết tất cả các pháp và tất cả công hạnh, nên gọi là Phật. Có thể phá bốn thứ ma, nên gọi là Thế Tôn.
Hơn nữa, nên quán sát Đức Như Lai tu hành giới định tuệ đều là vì lợi ích chúng sinh. Trong vô lượng đời, Ngài đã làm lợi ích cho kẻ oán, người thân một cách bình đẳng. Ngài đã đoạn trừ tất cả phiền não, và biết rõ rằng mỗi một chúng sinh, nhiều khi chỉ vì một phiền não, mà phải thọ khổ trong vô lượng kiếp. Đức Như Lai vì chúng sinh mà có thể bố thí những việc khó bố thí, nhẫn nhục những việc khó nhẫn nhục. Đức Phật có hai sự thanh tịnh: một là trang nghiêm thanh tịnh, hai là quả báo thanh tịnh. Do thế lực của hai nhân duyên thanh tịnh đó, mà Đức Như Lai từ lúc sơ phát tâm, tu mười pháp lành, mười Ba la mật, cho đến lúc chứng được mười lực, mười đức hiệu, không có hàng nhân, thiên nào có thể nói lên được lỗi lầm của Ngài. Đức Như Lai đầy đủ tám vạn âm thanh, chúng sinh nghe đến, đều không nhàm chán. Do nhân duyên đó, mà đức Như Lai vượt hơn tất cả hàng Thanh văn, Bích chi phật.
Thiện nam tử! Nếu có Bồ tát thọ trì giới Ưu bà tắc, mà muốn giữ giới thanh tịnh, phải nên tu pháp Nhiếp Tâm Niệm Phật như vậy. Nếu tu Niệm Phật, người đó sẽ lìa các ác duyên bất tịnh, cả trong lẫn ngoài; tăng trưởng trí tuệ, đoạn trừ được tham sân si, và sẽ thành tựu đầy đủ tất cả các thiện pháp.
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu tập pháp Nhiếp Tâm Niệm Phật, điều này không khó. Bồ tát tại gia tu tập pháp Nhiếp Tâm Niệm Phật, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc. Phẩm Mười Bảy
Cúng Dường Tam Bảo
Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Bồ tát sau khi thọ giới Ưu bà tắc, làm thế nào để cúng dường Tam Bảo?”
- Thiện nam tử! Ruộng phước trên thế gian có ba loại: một là ruộng báo ân, hai là ruộng công đức, ba là ruộng bần cùng. Ruộng báo ân, tức là cha mẹ, sư trưởng, hòa thượng; ruộng công đức, tức là tất cả những bậc tu hành, từ bậc chứng noãn pháp, cho đến bậc chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; ruộng bần cùng, tức là tất cả những người bần cùng, khốn khổ. Đức Như Lai Thế Tôn là hai loại ruộng phước: một là ruộng báo ân, hai là ruộng công đức. Pháp cũng như vậy, là hai loại ruộng phước giống trên. Chúng sinh lại là ba loại ruộng phước: một là ruộng báo ân, hai là ruộng công đức, ba là ruộng bần cùng. Do nhân duyên này, mà các Bồ tát sau khi thọ giới Ưu bà tắc, phải nên chí tâm siêng cần cúng dường Tam Bảo.
Thiện nam tử! Đức Như Lai là kho tàng của tất cả các pháp, cho nên người trí phải chí tâm siêng cần cúng dường các Đức Phật hiện còn tại thế, hoặc xá lợi, hoặc hình tượng, tháp miếu của các Ngài. Nếu ở nơi hoang vắng không có tượng tháp, thường phải nhớ tưởng, tôn trọng tán thán. Hoặc tự sức mình làm, hoặc khuyến khích người khác làm tượng, tháp. Lúc thấy người khác đang làm, sinh tâm vui mừng. Nếu như người đó đã có đầy đủ thế lực phước đức, phải nên dạy dỗ cho nhiều người khác cùng làm. Sau khi đã cúng dường, không nên tự khinh, hoặc khinh Tam Bảo. Không nên sai bảo người khác làm việc cúng dường cho mình, hoặc không nên vì muốn hơn người khác mà cúng dường. Lúc cúng dường, tâm không hối hận, tâm không sầu não, mà phải chắp tay ca ngợi, cung kính, tôn trọng tán thán Tam Bảo. Nếu dùng một đồng tiền, nhẫn đến vô lượng trân bảo, hoặc cúng dường một sợi tơ, nhẫn đến vô lượng tơ lụa, một cành hoa nhẫn đến vô lượng bông hoa, dùng một bài kệ ca ngợi nhẫn đến vô lượng bài kệ ca ngợi, lạy một lạy nhẫn đến vô lượng lạy, đi nhiễu một vòng nhẫn đến vô lượng vòng, cúng dường như thế, hoặc trong một thời, hoặc trong vô lượng thời, hoặc tự mình làm, hoặc làm cho người khác.
Thiện nam tử! Nếu có thể chí tâm cúng dường Phật pháp tăng như vậy, như lúc Ta còn tại thế, hoặc sau khi diệt độ, sự cúng dường cũng nên như thế, không nên có sự khác biệt. Khi gặp tháp miếu, nên dùng vàng, bạc, đồng, sắt, tràng phan, bảo cái, âm nhạc, hương, dầu, đèn mà cúng dường. Nếu thấy chim, thú giẵm đạp làm hư hỏng, cũng nên sửa sang, quét dọn sạch sẽ. Nếu thấy chỗ gió lớn, nước, lửa làm hư hỏng, cũng nên sửa sang, quét dọn sạch sẽ. Nếu tự mình không đủ sức, nên khuyên người khác tô, sửa. Khi tô, sửa, nên dùng chất liệu như vàng, bạc, đồng, thiết, đất, gỗ. Nếu có bụi bặm, phải quét tước, lau dọn, nếu có chỗ nhơ nhớp, nên dùng nước thơm mà rửa.
Nếu như xây dựng bảo tháp hoặc bảo tượng, xây xong, nên dùng các loại tràng phan, bảo cái, hương, hoa mà cúng dường. Nếu như không đủ khả năng sắm sửa trân bảo, thì có thể dùng cây, đất để xây dựng tượng tháp, xây xong cũng dùng tràng phan, bảo cái, hương hoa và các loại âm nhạc mà cúng dường.
Nếu trong tháp có cỏ cây, xác của chim thú chết, rác rưới dơ bẩn, hoặc bông hoa mục rữa, nên dọn dẹp cho sạch sẽ. Nếu có hang rắn, hang chuột, thì phải lấp cho bằng. Những tượng bằng đồng, gỗ, đá, đất, vàng, bạc, lưu ly, pha lê, v.v... thường phải lau rửa cho sạch, lấy hương thơm mà thoa lên. Tùy sức mình mà sắm sửa các loại anh lạc, trang hoàng cũng giống như tháp của chuyển luân thánh vương. Trong tịnh xá, nên dùng hương bột phết trên mặt đất. Nếu dùng đất sét trắng tạo tháp, tượng xong, nên dùng anh lạc, pha lê, chân châu, lụa, là, the, gấm, linh, khánh, v.v... mà cúng dường. Lúc họa tượng Phật, trong màu không được pha trộn keo, sữa, và trứng gà. Ngày cũng như đêm, nên dùng các thứ bông hoa, tràng hoa, gương sáng, hương bột, hương thoa, hương đốt, các loại âm nhạc, ca múa để cúng dường. Không nên giống như bọn ngoại đạo, đốt bơ, lúa mạch mà cúng dường. Không nên dùng bơ mà tô lên tháp, hay tượng Phật, cũng không nên dùng sữa để rửa tượng Phật. Không nên tạo tượng Phật bán thân. Nếu có tượng Phật hư hoại, nên che kín lại, kêu người đến tu bổ; sau khi đã hoàn hảo rồi mới đem bày ra. Thấy tượng hư hoại, cũng nên cung kính cúng dường, không khác gì bức tượng lành lặn. Những sự cúng dường như vậy, phải tự mình đích thân làm; nếu tự mình không đủ sức, nên phụ giúp người khác làm, hoặc khuyên người khác phụ giúp mình làm.
Nếu như có người đem châu báu trong bốn châu thiên hạ, cúng dường Như Lai; nhưng lại nếu có người hết lòng cung kính, tôn trọng tán thán công đức của Như Lai, thì phước đức của hai người đó bằng nhau không khác. Công đức của Đức Như Lai, tức là thân tâm đều hoàn hảo, thân có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp vi diệu, đầy đủ đạo hạnh, tâm có mười lực, bốn vô sở úy, đại bi, ba niệm, năm trí tam muội, ba loại pháp môn, mười một loại quán không, trí quán mười hai nhân duyên, vô lượng thiền định, đầy đủ bảy trí,[20] và đã thành tựu sáu Ba la mật. Nếu người nào có thể dùng những pháp như vậy để ca ngợi Đức Phật, người đó là người chân thật cúng dường Phật.
Thế nào gọi là cúng dường Pháp? Thiện nam tử! Nếu có thể cúng dường mười hai phần giáo, gọi là cúng dường Pháp. Làm thế nào để cúng dường mười hai phần giáo? Nếu có thể chí tâm tin tưởng, thọ trì, đọc tụng, giảng giải, làm y như lời đã dạy, làm xong lại khuyên người khác làm theo, đây gọi là cúng dường mười hai phần giáo. Nếu có thể biên chép mười hai phần giáo, sau khi biên chép xong, dùng nhiều phẩm vật cúng dường, như cúng dường Phật. Nếu người đó, ngoại trừ lúc tắm rửa, có thể cúng dường, thọ trì, đọc tụng kinh điển như thế, người đó là người cúng dường Pháp. Lúc cúng dường Pháp, nên cung kính, tôn trọng, ca ngợi như cúng dường Phật.
Lại có pháp, như là một loại căn cơ Bồ tát, ba loại căn cơ Bích chi phật, ba đế. Nếu có người tin như vậy, gọi là cúng dường pháp.
Nếu có người cúng dường các vị Bồ tát tỳ khưu, hoặc các vị tu hạnh Tiểu thừa, từ Tu đà hoàn hướng, nhẫn đến A la hán, đây gọi là cúng dường Tăng.
Nếu có người có thể cúng dường Tam Bảo như thế, nên biết người đó không bao giờ xa lìa mười phương Như Lai, trong mọi hoạt động, đi đứng nằm ngồi, đều được gần gũi các Ngài.
Thiện nam tử! Nếu có người có thể theo lời dạy mà cúng dường ít nhiều cho ba loại ruộng phước, nên biết rằng người đó trong vô lượng đời, sẽ hưởng được nhiều lợi ích.
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia cúng dường Tam Bảo, điều này không khó. Bồ tát tại gia cúng dường Tam Bảo, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc. Chú thích:
[16] Năm bộ kinh, tức là năm bộ kinh A Hàm.
[17] Ba pháp, tức là tham sân si; ba thời, tức là quá khứ, hiện tại, vị lai; ba loại chúng sinh, tức là thiện, ác, không thiện không ác.
[18] Hai thời, tức là lúc Đức Phật ra đời, và lúc Duyên giác ra đời.
[19] Bốn trí vô ngại, tức là pháp vô ngại, từ vô ngại, nghĩa vô ngại và nhạo thuyết vô ngại.
[20] Năm trí tam muội, tức là do tu tập ngũ đình tâm quán trí mà đắc tam muội. Ba loại pháp môn, tức là chỉ, quán và thiền na. Bảy trí, tức là thất giác phần.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.227.209.214 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.