Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Ưu Bà Tắc Giới Kinh [優婆塞戒經] »» Bản Việt dịch quyển số 7 »»

Ưu Bà Tắc Giới Kinh [優婆塞戒經] »» Bản Việt dịch quyển số 7

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » English version (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.61 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.77 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tại Gia Bồ Tát Giới

Kinh này có 7 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | Quyển cuối
Việt dịch: Thích Tịnh Nghiêm

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Thiện nam tử! Chúng sinh tạo tội, phàm có hai loại: (1) ác giới, (2) không giới. Người thọ ác giới, tuy chỉ giết một con dê, lúc giết và lúc không giết, đều mắc tội sát hại. Vì sao? Vì trước đó đã phát thệ nguyện. Còn người không thọ giới, tuy giết ngàn người, lúc giết thì mắc tội, còn lúc không giết thì không mắc tội. Vì sao? Vì không phát thệ nguyện. Vì thế tâm là căn bản của tất cả pháp thiện và bất thiện. Nhân vì căn bản mà nói các vị tỳ kheo phạm tội chỉ có hai cách: (1) thân phạm, (2) miệng phạm, mà không có tâm phạm. Loại giới pháp này, nếu như thời gian không đầy đủ, điều kiện không đầy đủ,[31] thì không thể được giới thể. Ví như cọ cây lấy lửa, phải có đầy đủ kính rọi, sức người, cỏ khô, v.v..., sau đó mới được lửa, nếu thiếu một điều kiện, ắt sẽ không có lửa; giới pháp cũng như thế.
Loại giới pháp này, hoặc được giới thể, hoặc xả giới, hoặc trì giới, hoặc giữ giới, đều tùy nơi tâm. Đức Như Lai biết rõ pháp tính, cho nên chế định loại giới pháp này.
Hoặc nếu có người, do vì thế lực của sự suy ngẫm nghiệp lành, nên không tạo nghiệp ác, đây gọi là “giới đúng như Chánh pháp”. Nếu như từ người khác mà được giới thể, đây gọi là thọ giới.
Nếu như không thọ giới mà được công đức, thì các loài ác thú như sư tử, hổ, chó sói, v.v..., đều phải được công đức. Thế nhưng, thực sự không phải như vậy. Do nhân duyên này, thọ thiện giới được vô lượng phước, thọ ác giới mắc vô lượng tội. Trong kinh nói đến các ác luật nghi như sau: (1) nuôi dê, (2) nuôi gà, (3) nuôi heo, (4) câu cá, (5) đánh cá, (6) giết trâu bò, (7) làm ngục tốt, (8) nuôi chó săn, (9) làm bẩy, (10) làm thợ săn, (11) dùng chú thuật sai rồng làm ác, (12) giết người, (13) làm đạo tặc, (14) nói đâm thọc, (15) dùng những hình cụ như roi, gậy, gông cùm, đinh sắt, lửa, v.v..., để hành hạ người khác.
Lại nữa, quốc vương, đại thần thọ nhận sự gửi gắm nhưng lại bội ước, những người bạc bẽo vô ơn, những người trưởng làng đại ác, những người thu thuế hung dữ, những tỳ kheo phá giới tâm không hổ thẹn, những người như thế đều không có giới thể. Dù không gọi là nghiệp đạo bất thiện, nhưng bị mắc tội nặng. Vì sao? Vì suốt đời làm ác.
Những việc như vậy, nếu không lập thệ nguyện, hoặc nếu không từ người khác thọ, đều không thành tựu giới thể. Ác giới bị xả trong bốn trường hợp,: (1) lúc biến thành người hai căn, (2) lúc mạng chung, (3) lúc thọ thiện giới, (4) lúc đoạn trừ kiết phược của cõi dục.
Hoặc có người cho rằng: “Giống như giới thiện đầy đủ ba thời, giới ác cũng đầy đủ.” Điều này không đúng! Vì sao? Vì giới ác dễ được, chỉ cần một nhân duyên là được, nghĩa là lập thệ nguyện. Còn giới thiện không phải vậy, phải đầy đủ năm điều kiện: tín, giải, niệm, định và tuệ, mới thành tựu, do đó khó được. Vì khó được nên phải đầy đủ.
Hoặc có người nói: “Giới Ưu bà tắc không có các điều giới: nói vô nghĩa, nói đâm thọc, nói lời ác, do đây giới Ưu bà tắc, giới Bát quan trai, giới Sa di, giới Tỳ kheo, không được đầy đủ giới thể.” Điều này không đúng! Vì sao? Vì ta nay đang thọ trì khẩu nghiệp trong sạch.
Nếu có người nói: “Tôi thọ năm giới để làm thanh tịnh thân khẩu ý.” Nếu lúc thọ giới, tâm không thanh tịnh, nên biết người đó không được đầy đủ giới thể.
Ví như có người, sau khi thọ ác giới, dù không sát sanh, người đó thường thường thành tựu ác giới. Tỳ kheo hủy phạm cấm giới cũng giống như vậy. Vì sao? Vì sau khi thọ giới, bên cạnh mỗi điều giới có nhiều nghiệp nhiều quả. Chúng sinh vô lượng, giới cũng vô lượng; vạn vật vô lượng, giới cũng vô lượng. Giới thiện giới ác đều có ba phẩm: thượng, trung, hạ. Nếu như không thọ ác giới, dù phạm nhiều tội, cũng không gọi là ác giới.
Nếu có người cật vấn: “Vì nhân duyên gì mà ngũ giới phải thọ trì suốt đời, còn giới bát quan trai chỉ cần thọ trì một ngày một đêm?” Nên trả lời họ rằng: “Đức Như Lai khéo biết pháp tướng, thông đạt vô ngại, cho nên Ngài đã lập định giới pháp như vậy.”
Thiện nam tử! Ruộng phước thế gian có hai loại: (1) ruộng công đức, (2) ruộng báo ân. Nếu giết hại hai loại ruộng phước này, gọi là phạm tội ngũ nghịch. Tạo tội ngũ nghịch, có ba nhân duyên: (1) có tâm cực ác, (2) không biết phước đức, (3) không thấy quả báo chân chánh.
Nếu có người tưởng a la hán là người khác mà giết lầm, thì không bị phạm tội nghịch; đối với cha mẹ cũng giống như vậy. Nếu như tâm không biết hổ thẹn, không nghĩ tưởng đến việc báo ân, tâm không cung kính, chỉ mới tạo tội phương tiện, nhưng chưa tạo tội căn bản, người đó tuy chưa phạm tội ngũ nghịch, nhưng cũng sẽ bị quả báo rất nặng. Vì cha mẹ có công dạy dỗ, thương yêu, chăm sóc, nhẫn chịu sự khó khăn, làm tất cả mọi việc, chịu mọi sự khổ sở, vì thế cha mẹ được gọi là ruộng báo ân.
Nếu như có người sát hại cha mẹ, tuy họ tu tập thiện pháp, cũng không được quả báo lành. Bởi thế ta nói: “Đối với chỗ che chở của mình, dù là chỉ trong khoảnh khắc, cũng không nên hủy hoại, chặt phá cành, nhánh, hoa, quả!”
Thiện nam tử! Sau khi ta diệt độ, có những đệ tử của ta sẽ có những lập luận sau: “Nếu do tưởng nghĩ khác, tên khác mà giết cha mẹ, thì không phạm tội nghịch”, đây là phái Đàm Vô Đức; nếu như cho rằng: “Tuy do tưởng nghĩ khác mà giết cha mẹ, vẫn là phạm tội nghịch”, đây là phái Di Sa Tắc; nếu như cho rằng: “Tuy do tưởng nghĩ khác, tên khác mà giết cha mẹ, đều bị phạm tội nghịch”, đây là phái Tát Bà Đa. Vì sao? Đây là sự thật trên thế gian, đáng được tin cậy. Nếu thực là cha mẹ, mình cũng biết chắc là như vậy, mà dùng tâm ác sát hại, tức là phạm tội nghịch. Tuy thực là cha mẹ mình, nhưng không biết, không khởi ác tâm, tuy lỡ giết chết, cũng không phạm tội nghịch. Vì sao? Phải đầy đủ bốn điều kiện mới phạm tội nghịch: (1) là cha mẹ thật của mình, (2) khởi tâm ác, (3) khởi tâm xả bỏ, không nhận là cha mẹ, (4) biết họ là chúng sinh. Đầy đủ bốn điều kiện này mới thành tội nghịch, nếu như không đầy đủ thì không thành tội nghịch.
Nếu như vì thương xót, hoặc vì cung kính, hoặc vì thọ trì một pháp nào đó, hoặc vì sợ hãi, hoặc vì danh tiếng, mà đem những công cụ sát hại đưa cho cha mẹ, tuy không tự tay mình giết, nhưng vẫn phạm tội nghịch.
Nếu như bị người khác sai giết cha mẹ, khóc lóc buồn rầu mà làm, thì trong ba thời đều phạm tội nhẹ. Nếu như muốn giết cha mẹ, mà lại giết lầm người khác, không bị phạm tội nghịch. Muốn giết người khác, lại giết lầm cha mẹ, cũng giống như vậy. Hoặc muốn giết mẹ, lại giết lầm người giống mẹ, giết xong cất dao, lại trúng nhằm thân mẹ, làm cho mẹ chết, không bị phạm tội nghịch. Người mẹ dung mạo đổi khác, người con giết mẹ mà vẫn cho là đang giết người khác, thì chỉ phạm tội sát hại, mà không phạm tội nghịch.
Năm tội nghịch này, tội giết cha tương đối nhẹ hơn tội giết mẹ; giết a la hán tội nặng hơn giết mẹ, làm thân Phật chảy máu, tội nặng hơn giết a la hán; phá hòa hợp tăng, tội nặng hơn làm thân Phật chảy máu.
Có việc nặng ý nhẹ, việc nhẹ ý nặng, việc nặng ý nặng và việc nhẹ ý nhẹ. Việc nặng ý nhẹ, chẳng hạn như giết hại cha mẹ nhưng không có tâm ác; việc nhẹ ý nặng, chẳng hạn như dùng tâm ác giết súc sinh; việc nặng ý nặng, chẳng hạn như dùng tâm cực ác giết hại cha mẹ; việc nhẹ ý nhẹ, chẳng hạn như dùng tâm vô ký giết hại súc sanh.
Những ác nghiệp này có: (1) nghiệp khởi phương tiện là nặng, còn nghiệp căn bản và đã thành lại nhẹ; (2) nghiệp khởi phương tiện và căn bản nhẹ, còn nghiệp đã thành lại nặng; (3) nghiệp khởi phương tiện và căn bản nặng, còn nghiệp đã thành nhẹ; (4) nghiệp căn bản nhẹ, còn nghiệp khởi phương tiện và đã thành nặng.
Việc làm chỉ là một yếu tố, do tâm lực mà có quả báo nặng nhẹ.
Thiện nam tử! Có người đem thức ăn định bố thí cho ta, nhưng lúc chưa kịp cho ta lại đem bố thí cho chó đói. Ta cũng khen ngợi người ấy là đại thí chủ. Nếu có người bố thí, không phân biệt người nhận là phước điền hay không phước điền, người ấy sẽ được vô lượng phước đức. Vì sao? Vì tâm lành thanh tịnh. Nghiệp có bốn loại quả báo: (1) quả báo ngay hiện đời, (2) quả báo ngay đời sau, (3) quả báo ở nhiều đời sau, (4) không có quả báo. Lại có bốn loại quả báo: (1) thời gian nhất định, quả báo không nhất định; (2) quả báo nhất định, thời gian không nhất định; (3) quả báo và thời gian đều nhất định; (4) quả báo và thời gian đều không định.
Thời gian nhất định, nghĩa là hiện đời, đời kế tiếp, đời sau nữa. Nếu như thời gian và quả báo không định, nghiệp đó có thể bị chuyển đổi. Nếu như quả báo nhất định đời sau thọ, có thể chuyển thọ ở đời này. Vì sao? Do lực lượng của tâm thiện trí tuệ nhân duyên. Nếu như quả báo ác là nhất định, có thể chuyển thành quả báo nhẹ. Vì lý do nào mà gọi là quả báo nhất định? Bởi vì người đó thường không biết hối hận, chuyên tâm làm ác, hoặc vì ưa thích làm, lập thệ nguyện mà làm, làm xong vui mừng, cho nên được những quả báo nhất định như vậy. Ngoài những trường hợp này ra, tất cả đều gọi là bất định.
Hành nghiệp của chúng sinh, có nhẹ có nặng, có xa có gần, tùy vào thời tiết nhân duyên, mà sẽ thọ quả báo trước sau. Nếu như có người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, biết chắc việc thiện ác đều có quả báo, nên biết người đó có thể chuyển nghiệp nặng thành nhẹ, nghiệp nhẹ tiêu trừ.
Nếu như người nào gặp được các bậc phước điền, hoặc thiện tri thức, tu thiện, tu đạo, người đó có thể chuyển quả báo nặng đời sau thành quả báo nhẹ đời này.
Giả như có người có đủ ác nghiệp của cõi dục giới, nếu như đắc quả a na hàm, có thể chuyển các quả báo đời sau thành quả báo đời này. Chứng quả a la hán, cũng giống như vậy.
Thiện nam tử! Người trí nếu có thể tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, người đó có thể diệt trừ nghiệp ác cực nặng, giống như thuốc a già đà, chú thuật và “bửu bối trừ độc”, phá trừ các loại chất độc. Nếu tạo tội nhẹ, lúc đầu khởi phương tiện, nghiệp còn nhẹ, đến lúc đã thành, nghiệp thành nặng, do vì người đó không biết tu thân, giới, tâm, tuệ, cho nên khiến nghiệp nhẹ trở thành nặng.
Chúng sinh, hoặc tạo một nghiệp, hai nghiệp, nhẫn đến nhiều nghiệp, có lúc tạo nghiệp đầy đủ, có lúc tạo nghiệp không đầy đủ. Nếu trước đó toan tính xếp đặt, sau đó thi hành, gọi là nghiệp đầy đủ; nếu trước đó không khởi niệm, thốt nhiên gặp cảnh mà tạo nghiệp, thì gọi là không đầy đủ.
Tạo nghiệp không đầy đủ, là tạo nghiệp xong quả báo không định; tạo nghiệp đầy đủ, là tạo nghiệp xong, nhất định sẽ bị quả báo. Lại nữa, tạo nghiệp không đầy đủ, thì quả báo tuy nhất định, thời gian thọ báo không nhất định; còn tạo nghiệp đầy đủ, thì quả báo và thời gian đều nhất định.
Tạo nghiệp không đầy đủ, là tạo nghiệp xong, lại tu tập trì giới, chánh kiến; tạo nghiệp đầy đủ, là tạo nghiệp xong, lại còn phá giới, tà kiến; tạo nghiệp không đầy đủ, là tạo nghiệp xong, phát tâm tin nhân quả; tạo nghiệp đầy đủ, là tạo nghiệp xong, lại còn không tin nhân quả; tạo nghiệp không đầy đủ, là lúc làm ác, có những người lành vây quanh ngăn cản; tạo nghiệp đầy đủ, là lúc làm ác, có những kẻ ác vây quanh tán thán, trợ giúp. Lại nữa, tạo nghiệp không đầy đủ, là tuy làm các điều ác, nhưng vẫn được sanh vào loài người thọ báo; tạo nghiệp đầy đủ, là trong cõi người tạo ác, sinh vào địa ngục thọ báo. Lại nữa, tạo nghiệp không đầy đủ, là tạo nghiệp xong, lại khởi tâm chánh niệm; tạo nghiệp đầy đủ, là tạo nghiệp xong, không có tâm chánh niệm. Lại nữa, tạo nghiệp không đầy đủ, là lúc tạo nghiệp, ba thời sinh tâm hối hận; tạo nghiệp đầy đủ, là lúc tạo nghiệp, ba thời đều không có tâm hối hận. Các trường hợp tạo nghiệp thiện cũng giống như những điều vừa nói trên. Nhân vì tạo nghiệp đầy đủ, cho nên tạo nghiệp nhỏ gặt quả báo lớn, hoặc tạo nghiệp lớn gặt quả báo nhỏ.
Một ý niệm tạo thành thân người, sau khi có thân bèn có vô lượng ý niệm. Ý niệm đầu tiên tạo thành thân người, phải là ý niệm thiện. Sau khi tạo thành thân, thọ hai thứ quả báo, thiện và bất thiện. Trường hợp thân trời cũng giống như thân người.
Chúng sinh địa ngục là do ý niệm ác tạo thành thân. Sau khi có thân, chỉ toàn thọ quả báo bất thiện. Ngạ quỷ, súc sanh, cũng do ý niệm ác tạo thành thân. Sau khi có thân, thọ hai loại quả báo thiện và bất thiện.
Trung ấm thân thiện, ác, cũng do ý niệm thiện, ác tạo thành, và cũng thọ hai loại quả báo thiện và bất thiện.
Từ lúc trong thai cho đến lúc già, cùng thọ hai loại quả báo, thiện và bất thiện. Cho nên trong kinh nói có bốn loại nghiệp: nghiệp đen thọ quả báo đen, nghiệp trắng thọ quả báo trắng, nghiệp tạp thọ quả báo tạp, nghiệp không đen không trắng không thọ quả báo. Nghiệp đen thọ quả báo đen, tức là cõi địa ngục; nghiệp trắng thọ quả báo trắng, tức là cõi trời sắc giới; nghiệp tạp thọ quả báo tạp, tức là cõi trời dục giới, cõi người, súc sanh, ngạ quỷ; nghiệp không trắng không đen không thọ quả báo, tức là nghiệp vô lậu.
Thiện nam tử! Người nào không hiểu rõ nghiệp duyên như trên, sẽ vô lượng đời bị trôi lăn trong sinh tử. Vì sao? Những người không hiểu rõ nghiệp nhân duyên này, tuy sinh lên cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng, thọ mạng tám vạn kiếp, sau khi phước hết, vẫn sẽ bị đọa vào ba đường ác.
Thiện nam tử! Trong các sự tạo tác, không có gì hơn ý niệm. Ý niệm tạo thành phiền não, phiền não tạo thành nghiệp, nghiệp tạo thành thân. Do nhân duyên tham, mà được nhan sắc mặn mà, âm thanh tao nhã, dáng điệu đoan trang; do nhân duyên sân, mà có dung mạo thô kệch, âm thanh hung ác, cử chỉ thô lỗ. Trường hợp tâm si, cũng giống như tâm sân.
Vô lượng thế giới, một trăm ba mươi sáu địa ngục, vô lượng súc sanh, vô lượng ngạ quỷ, đều do nghiệp tạo thành. Cõi người, cõi trời cũng giống như vậy. Vô lượng chúng sanh chứng được quả giải thoát, cũng nhân nơi nghiệp.
Thiện nam tử! Mười đường thiện có ba điều: (1) ngăn chặn phiền não, (2) sinh khởi tâm lành, (3) tăng trưởng giới pháp. Như thuốc giải độc có ba loại: (1) thuốc a già đà, (2) thần chú, (3) chân ngôn.
Nếu như có người khéo tu hạnh không buông lung, đầy đủ chánh niệm, phân biệt được thiện ác, nên biết người đó chắc chắn tu được mười nghiệp thiện; nếu như thường hay buông lung, không có tâm hổ thẹn và lòng tin, nên biết người đó chắc chắn sẽ tạo mười nghiệp ác. Mười nghiệp này, cũng có ba phần: (1) khởi phương tiện, (2) căn bản, (3) đã thành.
Nếu như có người siêng năng lễ lạy, cúng dường cha mẹ, sư trưởng, hòa thượng, các bậc có đức hạnh, hỏi han chào đón, lời nói nhỏ nhẹ, đây gọi là phương tiện. Nếu như sau đó thường thường nghĩ đến việc đã làm, vui mừng không hối tiếc, đây gọi là đã thành. Lúc đang làm thì chuyên tâm chú ý, đây gọi là căn bản.
Thiện nam tử! Mười nghiệp đạo này lại có ba bậc: thượng, trung và hạ. Hoặc giả, phương tiện thuộc bậc thượng, căn bản thuộc bậc trung, đã thành thuộc bậc hạ; hoặc giả, phương tiện bậc trung, căn bản bậc hạ, đã thành bậc thượng; hoặc giả, phương tiện bậc hạ, căn bản bậc thượng, đã thành bậc trung.
Mười nghiệp đạo này, có ba pháp vây quanh, hoặc là: không tham, không sân, không si, hoặc là: tham sân si. Mười nghiệp đạo có hai loại: cộng giới hành, và bất cộng giới hành.
Xả giới có sáu trường hợp: (1) lúc đoạn căn lành, (2) lúc biến thành nhị hình, (3) lúc xả thọ mạng, (4) lúc thọ ác giới, (5) lúc phát nguyện xả giới, (6) lúc xả thân cõi dục giới.
Hoặc có người nói: “Lúc Phật pháp diệt tận, sẽ mất giới thể.” Điều này không đúng! Vì sao? Sau khi thọ giới sẽ không bị mất giới thể, còn lúc chưa thọ giới thì không được giới thể. Đoạn trừ nghiệp ác của thân khẩu ý, gọi là giới giới; bốn cõi thiền sắc giới, và bốn cõi thiền vị đáo, gọi là định giới; bốn cõi thiền sắc giới, và cõi sơ thiền vị đáo, gọi là vô lậu giới. Bỏ thân rồi, đến đời sau không còn làm ác, gọi là vô tác giới. Giữ gìn các căn, tu tâm chánh niệm, trong các việc thấy, nghe, hay, biết, đối với các trần cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không sinh tâm buông lung, gọi là nhiếp căn giới.
Do nhân duyên gì mà được gọi là giới? Giới gọi là chế phục; vì có thể chế phục tất cả các pháp bất thiện, nên được gọi là chế phục. Lại nữa, giới còn có tên là “chật hẹp”. Tuy có pháp ác, bổn tính của giới không dung chứa điều ác, cho nên gọi là chật hẹp. Lại nữa, giới còn có tên là “mát mẽ”, vì ngăn chặn sự nóng bức của phiền não không cho xâm nhập, nên gọi là mát mẽ. Lại nữa, giới còn có tên là “lên”, vì có thể lên cõi trời, nhẫn đến đạo vô thượng, cho nên gọi là lên. Lại nữa, giới còn có tên là “học”, học điều phục tâm, trí huệ và các căn, cho nên gọi là học.
Thiện nam tử! Hoặc có người đầy đủ một giới, nghĩa là giới Ba la đề mộc xoa; hoặc đầy đủ hai giới, nghĩa là thêm định cộng giới; hoặc đầy đủ ba giới, nghĩa là thêm vô lậu giới; hoặc đầy đủ bốn giới, nghĩa là thêm nhiếp căn giới; hoặc đầy đủ năm giới, nghĩa là thêm vô tác giới.
Thiện nam tử! Giới ba la đề mộc xoa, chỉ ở hiện tại mới đắc được giới thể, còn định cộng giới, trong ba đời đều được giới thể.
Thiện nam tử! Nếu như có người lúc muốn thọ giới, chí tâm quán sát tội lỗi của nẽo sinh tử, công đức của sự giải thoát, tin tưởng vui mừng, người đó sẽ được hai giới tác và vô tác. Giới này tùy thọ mạng dài ngắn, sống lâu thì được giới thể dài, đoản mệnh thì được giới thể ngắn.
Vô tác giới này, do ba nhân duyên xả: (1) ít tu tập các pháp thiện, (2) tâm thường phóng dật, (3) lập nguyện không bền chắc. Không xả giới cũng có ba nhân duyên: (1) có bổn nguyện, (2) kiên quyết làm nghiệp thiện, (3) nhất tâm không buông lung.
Thiện nam tử! Ngoài mười nghiệp lành, mười nghiệp ác, thiện giới và ác giới ra, còn có nghiệp mà giới không nhiếp thu, tức là pháp thiện, ác. Các pháp thiện ác này cũng có tác nghiệp và vô tác nghiệp. Có người đầy đủ tác nghiệp và vô tác nghiệp. Nếu như trong niệm hiện tại đang làm việc thiện chưa xả bỏ, thì đầy đủ tác nghiệp và vô tác nghiệp; đến niệm kế tiếp, thì thành tựu tác nghiệp và vô tác nghiệp của quá khứ, tác nghiệp đã trở thành quá khứ, chỉ còn lại vô tác nghiệp mà không còn tác nghiệp.
Nếu có người được giới thể, tuy làm điều ác, người đó hiện đời thành tựu hai pháp: pháp ác có tác nghiệp, pháp thiện có vô tác nghiệp. Tác nghiệp và vô tác nghiệp này, do hai nhân duyên bị xả: (1) đồ bố thí đã bị dùng hết, (2) tâm xả bỏ việc làm thiện.
Tác nghiệp, trong hai đời thành tựu: quá khứ, hiện tại, còn vô tác nghiệp thì trong ba đời đều thành tựu.
Định cộng giới do hai nhân duyên xả: (1) lúc thoái thất đạo tâm, (2) lúc đoạn dứt căn lành. Lại có ba lúc xả định cộng giới: (1) lúc mệnh chung, (2) lúc thoái thất đạo tâm, (3) lúc sanh lên cõi trên. Vô lậu giới có ba lúc xả: (1) lúc thoái thất đạo tâm, (2) lúc chuyển từ độn căn sang lợi căn, (3) lúc chứng quả bậc trên.
Lúc sinh lên cõi trời thì nghiệp đạo của tâm thiện của ba cõi dưới mất, còn khi đoạn dứt thiện căn, thì nghiệp thiện của thân khẩu ý cùng lúc đều bị mất.
Thiện nam tử! Người nào đắc được cụ túc giới, định cộng giới, vô lậu giới, nhiếp căn giới, người đó hiểu rõ mười nghiệp đạo.
Thiện nam tử! Nhân vì mười nghiệp đạo mà thọ mạng của chúng sinh có tăng có giảm. Giảm, nghĩa là lúc thọ mạng còn mười năm; tăng, nghĩa là được thọ mạng vô lượng. Châu Uất đan việt thọ mạng cố định là một ngàn năm, châu Nam thiệm bộ này thọ mạng trăm năm, hai châu đông và tây, thọ mạng hai trăm năm mươi năm; nếu ở châu này thọ mạng vô lượng, thì ở hai châu đó cũng thọ mạng vô lượng.
Trời Tứ thiên vương thọ đến chín vạn năm, nhưng thọ mạng không nhất định, giống như ba châu nam, đông và bắc. Trời Đao lợi thọ đến một ngàn tám trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định. Trời Diệm ma thọ đến ba ngàn sáu trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định. Trời Đâu suất thọ đến bảy ngàn hai trăm vạn năm, trừ các bậc hậu thân Bồ tát ra, tất cả các vị trời khác, thọ mạng cũng không nhất định. Trời Hóa lạc thọ đến một vạn bốn trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định. Trời Tha hóa tư tại thọ đến hai vạn tám trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định.
Một năm của trời Tha hóa tự tại dài bằng thời gian một ngày một đêm của Nhiệt địa ngục. Như vậy, ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, địa ngục đó thọ đến hai vạn tám ngàn tám trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định.
Một năm của trời Hóa lạc dài bằng thời gian một ngày một đêm của Đại thanh địa ngục. Như vậy, ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, địa ngục đó thọ đến một vạn bốn ngàn bốn trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định.
Một năm của trời Đâu suất dài bằng một ngày một đêm của Tiểu thanh địa ngục. Như vậy, ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, địa ngục đó thọ đến bảy ngàn hai trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định.
Một năm của trời Diệm ma dài bằng một ngày một đêm của Chúng hợp địa ngục. Như vậy, ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, địa ngục đó thọ đến ba ngàn sáu trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định.
Một năm của trời Đao lợi dài bằng một ngày một đêm của Hắc thằng địa ngục. Như vậy, ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, địa ngục đó thọ đến một ngàn tám trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định.
Một năm của trời Tứ thiên vương dài bằng một ngày một đêm của Hoạt địa ngục. Như vậy, ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, địa ngục đó thọ đến chín trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định.
A tỳ địa ngục thọ mạng một đại kiếp, Đại nhiệt địa ngục thọ mạng nửa đại kiếp, chỉ có hai nơi nầy là thọ mạng nhất định.
Năm mươi năm ở cõi người dài bằng một ngày một đêm của cõi ngạ quỷ. Như vậy, ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, cõi ngạ quỷ thọ đến năm ngàn năm, thọ mạng cũng không nhất định.
Trong cõi súc sanh, ngoại trừ rồng Nan đà Bà nan đà, còn các loài khác, thọ mạng cũng không nhất định.
Một năm của A tỳ địa ngục dài bằng một ngày một đêm của trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Như vậy, ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, cõi trời đó thọ mạng tám vạn đại kiếp. Trời Vô sở hữu xứ thọ mạng sáu vạn đại kiếp, trời Thức vô biên xứ thọ mạng bốn vạn đại kiếp, trời Không vô biên xứ thọ mạng hai vạn đại kiếp.
Nếu có người chỉ còn rất ít phiền não, lại tham đắm “không định”, nên biết người đó sẽ sanh lên bốn cõi vô sắc.
Từ lúc loài người thọ mạng mười năm, tăng gia đến khi loài người thọ mạng tám vạn năm, lại từ thọ mạng tám vạn năm giảm xuống thọ mạng mười năm, tăng giảm như vậy mười tám lần thì gọi là một trung kiếp. Ba lần tiểu tai đói kém, ba lần tiểu tai tật bệnh, một lần tiểu tai đao binh, thì gọi là một tiểu kiếp. Qua năm lần thủy tai và hỏa tai, thì có một phong tai, qua năm lần phong tai thì gọi là một đại kiếp.
Lúc châu Diêm phù đề khởi kiếp đao binh, thì người ở hai châu đông và tây tạm thời khởi tâm sân hận. Lúc châu Diêm phù đề khởi kiếp tật bệnh, thì người ở hai châu kia hơi bị bệnh đau đầu, sức khỏe cũng hơi suy kém. Lúc châu Diêm phù đề khởi kiếp đói kém, thì người ở hai châu kia thường tưởng nghĩ đến thức ăn. Châu Uất đan việt hoàn toàn không có những tai ách như vậy.
Do nhân duyên không sát hại nên được thọ mạng dài lâu, do nhân duyên trộm cắp nên thọ mạng giảm sút.
Có hai loại kiếp: (1) kiếp thủy, (2) kiếp hỏa. Lúc kiếp hỏa phát khởi, chúng sinh địa ngục, nếu quả báo đã hết, đều được ra khỏi địa ngục, nếu như quả báo chưa hết, sẽ thác sanh vào các địa ngục ở phương khác. Nếu như tám địa ngục lớn ở cõi này không còn chúng sanh, thì gọi là chúng sanh thoát ly địa ngục. Tất cả chúng sanh trong bốn biển lớn, nếu nghiệp báo đã hết, đều được thoát ly, còn nếu nghiệp báo chưa hết, sẽ sanh và các biển lớn ở phương khác. Nếu trong biển không còn một chúng sanh nào, gọi là được thoát ly.
Từ mặt đất của cõi Diêm phù đề thẳng xuống khoảng năm trăm do tuần, có thành của vua Diêm vương, châu vi rộng bảy vạn năm ngàn do tuần. Nếu như trong thành, nghiệp báo của chúng sanh ngạ quỷ đã hết, tất cả đều được ra khỏi, còn nếu nghiệp báo chưa hết, sẽ sanh vào thành Diêm vương ở phương khác. Nếu như trong thành không còn một chúng sanh nào, gọi là được thoát ly.
Lúc đó, có một người nhờ nhân duyên nội tâm, đắc được Sơ thiền, sau khi chứng đắc, bèn lớn tiếng kêu rằng: “Sơ thiền tịch tĩnh, Sơ thiền tịch tĩnh!” Mọi người nghe xong, liền tự tư duy, sau đó tất cả đều đắc được Sơ thiền, bèn xả thân người sinh lên Sơ thiền.
Lúc đó, trong cõi Sơ thiền, lại có một người, nhờ nhân duyên nội tâm, tu đắc Nhị thiền, sau khi chứng đắc, bèn lớn tiếng kêu rằng: “Nhị thiền tịch tĩnh, Nhị thiền tịch tĩnh!” Mọi người nghe xong, liền tự tư duy, sau đó tất cả đều đắc được Nhị thiền, bèn xả thân Sơ thiền sanh lên Nhị thiền.
Lúc đó, từ địa ngục A tỳ cho đến Sơ thiền đều trống không, không còn một chúng sanh.
Thiện nam tử! Phía ngoài của bốn châu có núi Do càn đà, trong đó có bảy mặt trời. Chúng sanh do nhân duyên phước đức nên chỉ có một mặt trời xuất hiện, và nhờ đó mà được mùa màng cây cối. Đến lúc kiếp hỏa, bảy mặt trời đồng thời xuất hiện, thiêu rụi tất cả, từ cây lúa hoa quả, núi sông đất đá, núi Tu di, nhẫn đến cõi Sơ thiền.
Lúc đó, chúng sanh cõi Nhị thiền thấy cảnh hỏa tai, bèn sinh lòng lo sợ. Các vị trời Nhị thiền sinh trước bèn bảo các vị trời mới sinh lên: “Các ông đừng sợ, chúng tôi đã từng thấy cảnh hỏa tai này, chỉ đến cõi Sơ thiền là ngừng, không lan đến cõi này.”
Từ lúc chúng sanh thọ mười tuổi tăng lên cho đến tám vạn tuổi, rồi từ tám vạn tuổi giảm xuống cho đến mười tuổi, trải qua quảng thời gian như vậy, sức nóng của kiếp hỏa vẫn chưa dứt, lúc đó, từ cõi Sơ thiền trung gian giáng xuống mưa lớn. Lại trải qua một khoảng thời gian thọ mạng loài người một lần tăng một lần giảm, do nhân duyên hành nghiệp của chúng sinh, phía dưới của thế giới này xuất hiện bảy tầng gió và mây để giữ nước mưa này lại. Lúc đó, mưa tạnh, trên mặt nước sinh ra một lớp màng, giống như chất bơ. Giữa bốn châu, núi Tu di từ từ xuất hiện, trong nước tự nhiên có đầy đủ tất cả mọi loại hạt giống. Lúc đó, ở cõi Nhị thiền có một chúng sinh thọ mạng ngắn, phước hết, do nghiệp lực bèn sinh xuống thế gian, thọ mạng dài lâu, trên thân phát ra ánh sáng. Sống lâu một mình, tâm sinh phiền muộn, bèn nghĩ rằng: “Ta sống một mình đã lâu, nếu ta có phước, nguyện có người sanh đến đây làm bạn với ta.” Lúc khởi tâm niệm đó, ở cõi Nhị thiền có chúng sinh phước mỏng mạng chung, do nhân duyên nghiệp lực cũng sinh xuống thế gian. Người đó thấy có người mới đến, lòng sinh vui mừng, tự nghĩ rằng: “Người đó là do ta hóa sinh, ta có uy quyền đối với người đó.” Người mới đến cũng nghĩ rằng: “Ta do người ấy sinh ra, người ấy biến hóa ra ta, có uy lực đối với ta.” Do nhân duyên này, chúng sinh phát khởi ý tưởng ngã kiến.
Thiện nam tử! Ấm, giới, nhập, v.v..., thế giới chúng sinh, thế giới quốc độ, đều là do nhân duyên mười nghiệp mà hiện hữu.
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia có thể quán sát mười nghiệp đạo như vậy, điều này không khó. Bồ tát tại gia, quán sát mười nghiệp đạo như vậy, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.
Phẩm Hai Mươi Lăm
Nhẫn Nhục Ba La Mật

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Đức Phật trước đây đã nói về pháp Bố thí và Trì giới Ba la mật. Bồ tát làm thế nào để tu Nhẫn nhục Ba la mật?
Đức Phật nói: “Thiện nam tử! Nhẫn nhục có hai loại: (1) nhẫn nhục thế gian, (2) nhẫn nhục xuất thế gian.
Nếu như có thể nhẫn chịu sự đói khát, lạnh nóng, khổ vui, đây gọi là nhẫn nhục thế gian. Nếu như có thể nhẫn thọ: tín, giới, thí, nghe pháp, trí huệ, chánh kiến không sai lầm, nhẫn thọ Phật, pháp, tăng, nhẫn thọ sự nhục mạ, đánh đập, chửi rủa, việc ác, tham, sân, si, v.v..., tất cả đều có thể nhẫn thọ. Có thể nhẫn những việc khó nhẫn, có thể làm những việc khó làm, đây gọi là nhẫn nhục xuất thế gian.
Thiện nam tử! Bồ tát nếu gặp người khác đánh mắng, khinh miệt, hủy nhục, chửi rủa, lúc ấy, trong lòng không khởi tâm niệm báo thù. Bồ tát thực hành hạnh nhẫn nhục, không cầu quả báo hiện đời, mà cầu sự lợi ích đời vị lai. Nếu được đối xử tốt đẹp, Bồ tát tìm cách báo đáp. Nếu ai làm hại, Bồ tát cam tâm nhẫn chịu.
Thiện nam tử! Có nhẫn nhục mà không phải Ba la mật, có Ba la mật mà không phải nhẫn nhục, có nhẫn nhục mà vừa là Ba la mật, có vừa không phải nhẫn nhục vừa không phải Ba la mật.
Nhẫn nhục mà không phải Ba la mật, chẳng hạn như sự nhẫn nhục của thế gian, của Thanh văn, Duyên giác; Ba la mật mà không phải nhẫn nhục, chẳng hạn như Thiền Ba la mật; nhẫn nhục mà vừa là Ba la mật, chẳng hạn như bị kẻ khác chặt tay chân, móc mắt, chặt đầu, mà vẫn không khởi một niệm sân hận, hoặc là Bố thí Ba la mật, Trì giới Ba la mật và Bát nhã Ba la mật; vừa không phải nhẫn nhục vừa không phải Ba la mật, chẳng hạn như sự trì giới, bố thí của hàng Thanh văn, Duyên giác.
Thiện nam tử! Nếu muốn tu nhẫn nhục, trước tiên phải diệt trừ tâm kiêu mạn, tâm sân hận, tâm si mê, không chấp tướng ngã, ngã sở, và tướng thường hằng của chủng tính. Nếu có thể quán sát như vậy, nên biết người đó có thể tu nhẫn nhục. Tu tập nhẫn nhục như vậy, tâm sẽ vui mừng. Người trí khi bị chửi rủa ác độc, nên nghĩ như vầy: “Những lời chửi rủa đó, không phải phát ra cùng một lúc. Lúc lời chửi trước được phát ra, lời chửi sau chưa có; lúc lời chửi sau được phát ra, lời chửi trước đã không còn. Nếu như những lời chửi rủa không hiện hữu cùng lúc, như vậy sự chửi rủa là vật gì? Chỉ là tiếng gió, tại sao ta phải giận dữ? Thân hiện nay của ta chỉ là sự hòa hợp của ngũ ấm. Bốn ấm kia không thấy được, không thể chửi rủa chúng được. Còn sắc ấm do mười phần[32] hòa hợp mà thành. Nhưng sự hòa hợp này, niệm niệm đều khác nhau. Nếu có sự khác biệt, ai là người bị chửi rủa? Hơn nữa, sự nhục mạ đó, chỉ là tiếng gió. Gió có hai loại: (1) ở ngoài, (2) ở trong. Đối với tiếng gió ở ngoài, ta đều không sinh tâm giận dữ, tại sao ta lại sinh tâm giận dữ với tiếng gió ở trong? Lời chửi rủa thế gian cũng có hai loại, một là đúng sự thực, hai là không đúng sự thực. Nếu như đúng sự thực, thì còn sân nỗi gì? Còn nếu không đúng sự thực, người chửi rủa sẽ bị người khác quở trách, đâu can dự gì đến ta, mà ta phải giận dữ. Nếu ta giận dữ, đó là tự làm ác. Vì sao? Vì giận dữ mà đọa lạc ba đường ác. Nếu như ta phải chịu khổ trong ba đường ác, tức là tự làm tự chịu khổ báo, cho nên nói tất cả thiện ác đều do thân mình tạo ra.
Thiện nam tử! Có năm điều kiện để tu nhẫn nhục: (1) không trả thù người làm ác đối với mình, (2) quán sát sự vô thường, (3) tu tập từ bi, (4) tâm không buông lung, (5) đoạn trừ tâm giận dữ.
Thiện nam tử! Người nào thành tựu năm điều kiện này, nên biết người đó có thể tu hạnh nhẫn nhục. Người nào ăn nói nhỏ nhẹ, làm thanh tịnh nghiệp thân và miệng, ôn hòa nhã nhặn, hỏi han chào đón, có thể quán sát tất cả nhân duyên khổ vui, nên biết người ấy có thể tu hạnh nhẫn nhục.
Người nào có thể tu “không tam muội”, quán sát chúng sinh đều là vô thường, nhận chịu sự khổ não, v.v..., lúc bị nhục mạ, có thể quán người nhục mạ giống như người cuồng, người si, trẻ con, đần độn, nên biết người đó có thể tu hạnh nhẫn nhục.
Người trí nên quán sát rằng nếu người hơn ta chửi rủa, ta không nên giận dữ. Vì sao? Vì nếu ta sân, người đó có thể giết ta. Nếu người thua ta chửi rủa, ta cũng không nên báo thù. Vì sao? Không phải là người ngang hàng, nếu như báo thù, chỉ là tự làm nhục mình.
Ví như có người trao thuốc độc cho người khác, không ai trách hắn, nếu như hắn tự uống thuốc độc, ắt sẽ có người cười chê. Ta cũng như vậy. Nếu như giận dỗi người chửi rủa, ta sẽ chịu khổ não trong đời vị lai, tất cả hiền thánh sẽ quở trách ta. Do nhân duyên này, thân ta dù bị cắt xẻ từng phần, cũng không nên sinh lòng giận dữ. Phải nên quán sát sâu xa nhân duyên của nghiệp đời quá khứ, nên tu từ bi thương xót tất cả. Nếu như không thể nhẫn chịu việc nhỏ, ta làm sao có thể điều phục chúng sinh. Nhẫn nhục là chánh nhân của Bồ đề. A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, tức là quả của sự nhẫn nhục. Nếu ta không trồng hạt giống nhẫn nhục như vậy, làm sao có thể thu hoạch chánh quả.
Thiện nam tử! Nếu như người trí ưa tu nhẫn nhục, người ấy thường được dáng điệu ôn hòa, tính tình vui vẻ, mọi người thấy mặt đều hoan hỷ, chiêm ngưỡng không chán; đối với người chịu giáo hóa, tâm không tham đắm. Người trí thấy kẻ oán thù đến gây sự, nên phát nguyện như sau: “Nguyện cho người oán thù này, trong đời vị lai sẽ thành cha mẹ, anh em, thân thuộc của ta, không còn giận ghét, oán hờn ta nữa. Những người thân hình tàn khuyết, diện mạo xấu xa, các giác quan không đầy đủ, thiếu thốn của cải, nên biết đều từ nhân duyên giận dữ mà bị quả báo, hiện nay sao ta lại không chịu tu nhẫn nhục.” Do nhân duyên này, người trí phải nên siêng tu hạnh nhẫn nhục.
Thiện nam tử! Lúc Bồ tát Ma ha tát tu hạnh nhẫn nhục, thường hay quán sát tội lỗi của sinh tử, ưa tu pháp hạnh, siêng năng đọc tụng, biên chép kinh điển của Như Lai, cúng dường sư trưởng cùng những bậc đức hạnh, chăm sóc người bệnh khổ, tu tập hạnh từ bi, thương xót tất cả chúng sinh, giúp người khác thoát ly khổ não. Thường ưa xuất gia, nhẫn đến trọn đời trì giới, tinh tiến, thu nhiếp sáu căn, không cho phát khởi nhân duyên phiền não, chẳng thà mất thân mạng, quyết không phá giới. Ưa lo lắng công việc cho người khác, thường có lòng hổ thẹn, ưa khen ngợi sự nhẫn nhục. Vì muốn điều phục chúng sinh, nên nhẫn chịu nhiều sự khổ sở; đối với kẻ oán còn có thể nhẫn nhịn, huống là người thân. Có thể nhẫn hai loại giận: một là giận loài hữu tình, hai là giận loài vô tình. Hy sinh sự vui của mình, để mọi người khác được vui. Không tưởng nghĩ đến người đem nhiều khổ đau đến cho mình, mà thường hay tưởng nghĩ đến người đem an vui cho mình dù rất ít. Xa lìa lời đâm thọc, không bao giờ nói khuyết điểm của người khác. Chỉ khuyên nhắc mọi người xa lìa phiền não, không bao giờ nói những điều mà người khác không thích nghe. Thanh tịnh các nghiệp thân khẩu ý, dứt trừ tất cả tội chướng. Nếu vì nhân duyên phiền não mà tạo tội, liền sinh lòng hổ thẹn, hối hận.
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu hạnh nhẫn nhục, điều này không khó. Bồ tát tại gia tu hạnh nhẫn nhục, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.
Phẩm Hai Mươi Sáu
Tinh Tiến Ba La Mật

Thiện Sinh bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Nhân chiùnh để tu hạnh sáu Ba la mật của bậc Đại Bồ tát là gì?”
- Thiện nam tử! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, chuyên tâm cần mẫn trừ diệt điều ác đã sinh, ngăn chặn điều ác chưa sinh, điều thiện chưa sinh làm cho sinh, điều thiện đã sinh làm cho tăng trưởng. Đây gọi là tinh tiến. Sự tinh tiến như vậy là nhân chính của sự tu hành Lục độ.
Sự tinh tiến như vậy, có thể làm cho hành giả thoát ly mọi cảnh giới phiền não.
Thiện nam tử! Nếu như có thể nhẫn thọ sự khổ ở ba đường ác, nên biết người đó thực sự có thể tu tập Tinh tiến Ba la mật, bình đẳng tu tập, không gấp rút, không hoãn đãi. Tinh tiến có hai loại: (1) chánh, (2) tà. Bồ tát sau khi xa lìa tà tinh tiến, tu tập chánh tinh tiến. Tu tập tín, thí, giới, văn tuệ, từ bi, gọi là chánh tinh tiến; thường chí tâm tu tập, mỗi ngày ba thời tâm không hối tiếc, đối với việc tu pháp lành, không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Tất cả sự học hỏi pháp thế gian và xuất thế gian đều gọi là tinh tiến. Bồ tát tuy không còn tham tiếc thân mệnh, nhưng vì muốn hộ trì Chánh pháp, thành thử phải trân trọng bảo hộ thân mệnh của mình.
Thường tu bốn uy nghi đúng như pháp, lúc tu pháp lành tâm không lười nghỉ. Dù mất thân mạng, cũng không đi ngược với Chánh pháp. Sự thành tựu của sáu Ba la mật đều do nhân duyên tinh tiến. Nếu tự mình đọc tụng, biên chép, suy ngẫm nghĩa lý của mười hai phần giáo, đây gọi là tự mình vì pháp mà siêng cần tu tập; nếu có thể đem những sự việc này, giáo hóa điều phục chúng sinh, đây gọi là vì người mà siêng cần tu tập.
Nếu vì giác ngộ mà tu tập đạo Bồ đề, bố thí, trì giới, đa văn, trí tuệ, tu học pháp thế gian, cúng dường cha mẹ, sư trưởng, những bậc đức hạnh, tu pháp xa ma tha, tỳ bà xá na, đọc tụng, biên chép mười hai phần giáo, lại có thể xa lìa tham lam, giận dữ, ngu si, v.v..., đây gọi là vì đạo Bồ đề mà siêng cần tinh tiến. Đây đều gọi là chánh tinh tiến, gọi là chánh nhân của sáu Ba la mật.
Thiện nam tử! Những người lười biếng, không thể trong một lúc bố thí tất cả, không thể trì giới, siêng cần tinh tiến, nhiếp tâm an định, nhẫn nhục việc ác, phân biệt thiện ác. Cho nên ta nói thành tựu sáu Ba la mật là do bởi sự tinh tiến.
Thiện nam tử! Có tinh tiến mà không phải Ba la mật, có Ba la mật mà không phải tinh tiến, có tinh tiến mà là Ba la mật, có vừa không tinh tiến vừa không phải Ba la mật.
Tinh tiến mà không phải Ba la mật, chẳng hạn như tà tinh tiến, tinh tiến làm việc thiện thế gian, tinh tiến của Thanh văn, Duyên giác; Ba la mật mà không phải tinh tiến, chẳng hạn như Bát nhã Ba la mật; có tinh tiến vừa là Ba la mật, chẳng hạn như năm Ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định; vừa không phải tinh tiến vừa không phải Ba la mật, chẳng hạn như sự bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ và tất cả việc thiện của tất cả phàm phu, Thanh văn, Duyên giác.
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu tập tinh tiến, điều này không khó. Bồ tát tại gia tu tập tinh tiến, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.
Phẩm Hai Mươi Bảy
Thiền Ba La Mật

Thiện Sinh bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Bồ tát tu tập Thiền định Ba la mật như thế nào?”
- Thiện nam tử! Thiền định tức là giới, từ, bi, hỷ, xả, xa lìa kiết phược, tu tập pháp lành, đây gọi là thiền định.
Thiện nam tử! Nếu không có thiền định, ngay việc thế gian còn không thành tựu, huống hồ là việc xuất thế gian? Cho nên các ông phải hết lòng tu tập.
Bồ tát muốn thành tựu thiền Ba la mật, trước tiên phải nên gần gũi chân thực thiện tri thức, tu tập các phương tiện để thành tựu tam muội, đó là giới giới, giới nhiếp các căn, dứt các tà mệnh, sống đúng như pháp. Tùy thuận lời dạy của sư trưởng, tu các pháp lành, tâm không nhàm chán; lúc tu pháp lành, tâm không ngừng nghỉ. Thường ưa chỗ vắng lặng, xa lìa ngũ cái, tâm ưa suy ngẫm, quán lỗi lầm của sinh tử. Thường hết lòng tu tập pháp lành, không hề bỏ phế, đầy đủ chánh niệm, đoạn trừ những sự buông lung. Lời nói cẩn thận, giảm bớt sự ngủ nghỉ, ăn uống. Thân tâm thanh tịnh, không gần bạn xấu, không tới lui với người ác, không ưa việc đời. Biết thời, biết pháp, biết rõ tự thân. Quán sát tâm lý, hoặc vui, buồn, giận, nhu nhược, cố chấp. Biết rồi, có thể trừ diệt. Giống như người thợ bạc, khéo biết sự nguội nóng, không làm hư hoại. Ưa thích mùi vị cam lộ; dù ở trong pháp thế gian, thâm tâm không dao động, giống như núi Tu di, không bị bốn luồng gió làm cho khuynh động. Chánh niệm vững vàng, biết rõ lỗi lầm của pháp hữu vi. Nếu như ưa tam muội như vậy, không ngừng không nghỉ, nên biết người ấy có thể chứng đắc thiền định, ví như cọ cây lấy lửa, nếu cọ không ngừng, sẽ dễ bắt lửa.
Thiện nam tử! Nếu không tu tam muội, mà muốn được pháp thế gian cùng pháp Bồ đề xuất thế gian, ắt là vô lý.
Thiện nam tử! Tất cả tam muội, đều là căn bổn của tất cả pháp lành, do nhân duyên này, cần phải nhiếp tâm. Giống như người cầm kính, ắt thấy tất cả những việc thiện ác, cho nên tam muội được gọi là sự trang nghiêm của Bồ đề.
Thân tâm được an lạc, gọi là tam muội; không tăng không giảm, gọi là đẳng tam muội. Từ lúc bắt đầu quán tướng xương, nhẫn đến khi đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, đều gọi là tam muội.
Tam muội này có bốn loại: (1) từ sự ham muốn, (2) từ sự tinh tiến, (3) từ tâm niệm, (4) từ trí tuệ. Do bốn duyên này, được vô lượng phước, tăng trưởng tất cả thiện pháp.
Lại có ba loại: (1) từ sự nghe pháp, (2) từ sự tư duy, (3) từ sự tu tập. Tu pháp này, từ từ phát sinh thiền định.
Lại có ba thời: (1) lúc sinh khởi, (2) lúc an trụ, (3) lúc tăng trưởng.
Thiện nam tử! Trong cõi dục giới, có chủng tử tam muội; do nhân duyên chủng tử, được ba loại Bồ đề. Ba loại tam muội này có thể thoái thất, an trụ, hoặc tăng trưởng. Nếu ở cõi Tứ thiền, thể tính của tam muội ắt sẽ kiên cố. Nếu theo thứ lớp, từ cõi Sơ thiền lên đến cõi Phi tưởng phi phi tưởng, thì cõi trên thù thắng hơn cõi dưới.
Trong căn bản thiền thì có sự hỷ lạc, còn trong trung gian thiền thì không có. Sáu pháp thần thông cũng thế, ở trong căn bản thiền chứ không ở chỗ khác. Tam muội đó gọi là Bồ đề trang nghiêm. Do tam muội này mà được các giai vị Học và Vô học, bốn Vô lượng tâm, ba giải thoát môn, lợi mình lợi người, vô lượng thần túc thông, tha tâm thông, có thể điều phục chúng sinh, vô lượng trí tuệ, ngũ trí tam muội,[33] chuyển hóa độn căn thành lợi căn, đoạn trừ tất cả sinh lão bệnh tử, có thể thành tựu Nhất thiết chủng trí, thấy tất cả pháp tánh, giống như nhìn qua lớp lụa mỏng.
Thiện nam tử! Người trí nên quán sát như sau: “Tất cả phiền não đều là oán thù lớn của ta. Vì sao? Vì phiền não có thể phá hoại tất cả, cho nên ta phải tu tập tâm từ bi, vì muốn lợi ích cho tất cả chúng sinh, và vì muốn được vô lượng pháp lành thanh tịnh.”
Nếu có người nói: “Lìa tâm từ bi vẫn có thể được pháp lành.” Đây là điều phi lý. Lòng từ bi có thể đoạn trừ pháp bất thiện, làm cho chúng sinh lìa khổ được vui, hủy diệt cõi dục. Lòng từ nếu duyên với cõi dục, thì gọi là lòng từ của cõi dục.
Thiện nam tử! Người nào có thể tu tập tâm từ, người ấy sẽ được vô lượng công đức. Lúc tu tâm từ, nếu có thể trước tiên đem sự an vui đến cho kẻ oán thù, đây gọi là tu tập tâm từ.
Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh có thể chia làm ba loại: (1) kẻ oán thù, (2) người thân thích, (3) người không thân không thù. Ba loại như vậy gọi là cảnh duyên của tâm từ. Người tu tập tâm từ, trước tiên nên bắt đầu từ những người thân thích, muốn làm cho họ thọ hưởng sự an lạc, sau khi thành tựu điều này, kế đó mới đến kẻ oán thù.
Thiện nam tử! Sự sinh khởi của tâm từ, có khi nhân trì giới mà phát sanh, có khi nhân bố thí mà phát sanh. Nếu như có thể quán sát kẻ oán thù như đứa con của mình, đây gọi là chứng được tâm từ.
Thiện nam tử! Tâm từ chỉ có thể đoái hoài, mà không thể cứu khổ. Tâm bi thì không thế, vừa đoái hoài vừa cứu khổ.
Thiện nam tử! Nếu người nào có thể quán sát việc lành, dù nhỏ mảy may, của kẻ oán thù, không thấy việc ác của họ, nên biết người ấy đang tu tập tâm từ. Giả như có người, kẻ oán thù mắc phải bệnh khổ, mà có thể đến thăm hỏi, chăm sóc, cung cấp những vật cần dùng, nên biết người đó khéo tu tập tâm từ.
Thiện nam tử! Nếu có thể tu hành nhẫn nhục, nên biết đó là nhân duyên tu tâm từ. Tâm từ là nhân duyên của tất cả mọi sự an lạc. Người nào có thể tu tập tâm từ, nên biết người đó có thể diệt trừ tất cả nhân duyên của sự kiêu mạn, có thể thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí huệ, như pháp tu hành.
Nếu có người tu định, nên biết người ấy đang tu tập phước đức của Phạm thiên, vì được thân Phạm thiên, nên được gọi là phước đức Phạm thiên. Nếu có người quán sát tội lỗi của sinh tử, công đức của Niết bàn, thì dù bàn chân người ấy có dẫm phẩn uế, cũng phải nên đội đầu cung kính. Người ấy có thể nhẫn được những việc khó nhẫn, làm được những việc khó làm, có thể tu tứ thiền, tứ không định, cùng pháp bát giải thoát.
Lại nên nghĩ như vầy: “Tất cả chúng sinh tạo ác nghiệp thân khẩu ý, trong đời vị lai sẽ thọ quả báo khổ, ta nguyện nhận chịu tất cả. Còn nếu ta có tạo được quả báo lành nào, nguyện cho tất cả chúng sinh sẽ được cùng ta hưởng thọ.” Lòng từ bi đó, nếu cảnh duyên rộng lớn, thì sẽ rộng lớn, còn nếu cảnh duyên nhỏ hẹp, thì sẽ nhỏ hẹp. Từ bi có ba loại: thượng, trung, hạ. Lại có ba loại: (1) duyên với người thân, (2) duyên với kẻ thù, (3) duyên với người không thân không thù. Lại có ba loại: (1) duyên với tâm tham, (2) duyên với chúng hữu tình, (3) duyên với chúng vô tình. Những cảnh duyên như thế, đều gọi là tam muội. Các tâm bi, hỷ, xả, cũng giống như vậy.
Thiện nam tử! Có thiền định mà không phải Ba la mật, có Ba la mật mà không phải thiền định, có thiền định vừa là Ba la mật, có vừa không phải thiền định vừa không phải Ba la mật.
Thiền định không phải Ba la mật, chẳng hạn như thiền định của thế tục, Thanh văn, Duyên giác; Ba la mật không phải thiền định, chẳng hạn như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến; thiền định vừa là Ba la mật, chẳng hạn như Kim cương tam muội; vừa không phải thiền định vừa không phải Ba la mật, chẳng hạn như các thiện pháp phát sinh từ văn, tư của tất cả chúng sinh, cùng Thanh văn, Duyên giác.
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu tập thiền định thanh tịnh, điều này không khó. Bồ tát tại gia tu tập thiền định thanh tịnh, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.
Phẩm Hai Mươi Tám
Bát Nhã Ba La Mật

Thiện Sinh bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Bồ tát tu Bát nhã Ba la mật thanh tịnh như thế nào?”
Thiện nam tử! Nếu có Bồ tát trì giới, tinh tiến, đa văn, chánh niệm, tu hạnh nhẫn nhục, thương xót chúng sinh, tâm thường hổ thẹn, xa lìa sự đố kỵ, chân thực biết rõ các phương tiện lành, vì chúng sinh chịu khổ mà không hối tiếc, thoát lui, ưa làm việc bố thí, có thể điều phục chúng sinh, khéo biết chỗ phạm tội là nặng hay nhẹ, siêng năng khuyên nhắc chúng sinh làm việc phước thiện, biết chữ biết nghĩa, tâm không kiêu mạn, gần gũi bạn lành, có thể làm lợi ích cho mình và người; cung kính Tam Bảo, sư trưởng, hòa thượng, các bậc trưởng lão đức hạnh, đối với thân tu tập Bồ đề, không khởi tâm khinh rẻ, có thể quán sát công đức thâm diệu của Bồ đề; biết rõ tướng thiện ác, biết tất cả thanh luận[34] của thế gian và xuất thế gian, biết rõ nhân quả, biết phương tiện đầu tiên và căn bản, nên biết người ấy có thể được trí tuệ.
Trí tuệ có ba loại: (1) từ văn phát sinh, (2) từ tư phát sinh, (3) từ tu phát sinh. Từ văn tự mà hiểu nghĩa, gọi là từ văn phát sinh; từ sự suy ngẫm mà hiểu nghĩa, gọi là từ tư phát sinh; từ sự tu tập mà hiểu nghĩa, gọi là từ tu phát sinh.
Có thể đọc tụng mười hai phần giáo của Như Lai, phá trừ lưới nghi, đọc tụng tất cả thế luận, thế sự, khéo léo phân biệt nẽo tà nẽo chánh, đây gọi là trí tuệ.
Có thể phân biệt mười hai phần giáo, nhân quả, chữ nghĩa của ấm, nhập, giới, v.v..., tướng của tỳ bà xá na, xa ma tha, thiện, ác, vô ký và tứ điên đảo, kiến đạo, tu đạo, có thể khéo léo phân biệt những sự việc như vậy, gọi là trí tuệ.
Thiện nam tử! Người trí muốn chứng đắc thập lực, tứ vô sở úy, đại bi, tam niệm xứ, phải thường gần gũi Đức Phật và đệ tử của Ngài. Trong đời không có Phật pháp, thường theo ngoại đạo xuất gia tu học, tuy theo tà đạo, thường cầu Chánh pháp; thường tu tập từ, bi, hỷ, xả và pháp ngũ thông. Sau khi chứng được ngũ thông, quán sát bất tịnh và sự vô thường; có thể nói rõ tội lỗi của pháp hữu vi. Vì chánh ngữ, dạy chư chúng sinh học tập thanh luận. Có thể làm cho chúng sinh xa lìa bệnh khổ của thân tâm, ưa đem việc đời dạy dỗ người khác; thành tựu sự nghiệp không ai hơn được, chẳng hạn, chú thuật, các loại thuốc thang, khéo làm ra tiền của, biết cách giữ gìn, tiêu dùng đúng chỗ, như pháp bố thí. Tuy hiểu biết tất cả, không sinh lòng kiêu mạn, được công đức lớn, vẫn không tự mãn; có thể dạy dỗ chúng sinh chánh tín, bố thí, trì giới, đa văn, trí tuệ. Biết rõ phương tiện là thiện, ác hoặc vô ký, khéo biết nhân duyên học hành thứ lớp; biết rõ đạo Bồ đề và sự trang nghiêm Bồ đề; biết rõ căn cơ thượng, trung, hạ của chúng sinh. Biết thanh luận thế gian, tâm không đắm nhiễm; biết rõ chúng sinh, tùy căn cơ mà điều phục; biết rõ thế gian hữu tình và vô tình, biết từ đâu đầy đủ sáu Ba la mật.
Thiện nam tử! Có trí tuệ không phải Ba la mật, có Ba la mật không phải trí tuệ, có trí tuệ vừa là Ba la mật, có vừa không phải trí tuệ vừa không phải Ba la mật.
Trí tuệ không phải Ba la mật, chẳng hạn tất cả trí tuệ của thế gian, trí tuệ của Thanh văn, Duyên giác. Ba la mật không phải trí tuệ, không có nghĩa này. Trí tuệ vừa là Ba la mật, tức là tất cả sáu Ba la mật. Vừa không phải trí tuệ vừa không phải Ba la mật, chẳng hạn như sự bố thí, trì giới, tinh tiến của hàng Thanh văn, Duyên giác.
Thiện nam tử! Nếu có người siêng năng tu tập sáu Ba la mật, thì đó là người cúng dường sáu phương, có thể tăng trưởng tài sản và thọ mạng.
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu tập trí tuệ thanh tịnh, điều này không khó. Bồ tát tại gia tu tập trí tuệ thanh tịnh, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.
Lúc nói pháp ấy, một ngàn vị ưu bà tắc, trưởng giả Thiện Sinh, v.v..., phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Sau khi phát tâm, từ chỗ ngồi đứng dậy, kính lễ Đức Phật, rồi trở về bổn xứ.


Chú thích:
[31] Thời gian đầy đủ (chẳng hạn phải đủ hai mươi tuổi), điều kiện đầy đủ (chẳng hạn như phải có đủ ba y, bình bát, ...).
[32] Ngũ căn, ngũ trần.
[33] Tức là ngũ đình tâm quán.
[34] Thanh luận, còn gọi là thanh minh, tức là ngữ ngôn, văn tự.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 7 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Các tông phái đạo Phật


An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ


Cảm tạ xứ Đức


Tôi đọc Đại Tạng Kinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.154.237 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập