Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bản Việt dịch Phật Thuyết Ngũ Uẩn Giai Không Kinh [佛說五蘊皆空經] »»

Kinh điển Bắc truyền »» Bản Việt dịch Phật Thuyết Ngũ Uẩn Giai Không Kinh [佛說五蘊皆空經]

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Việt dịch (2) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.04 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.06 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Thuyết Năm Uẩn Đều Không

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net
để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Việt dịch: Quảng Minh

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Bạc-già-phạm trú trong rừng Thí lộc , Tiên nhân đọa xứ , nước Bà-la-ni-tư . Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo năm vị Bí-sô rằng:

“Các ông nên biết, sắc không là ngã. Nếu sắc là ngã, thì sắc không nên bệnh và thọ khổ não. ‘Tôi muốn sắc như thế. Tôi không muốn sắc như thế’, rồi không như thế, những ước muốn theo tình. Vì vậy phải biết, sắc không là ngã; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.”

“Lại nữa Bí-sô, ý ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay sắc là vô thường?”

Bí-sô bạch Phật: “Bạch Đại đức, sắc là vô thường.”

Đức Phật dạy: “Sắc đã là vô thường, thì vô thường chính là khổ, gồm có khổ khổ, hoại khổ và hành khổ . Vậy hàng Thanh văn đa văn đệ tử của Ta, chấp có ngã [ở nơi sắc] chăng? Sắc tức là ngã, ngã có các sắc, sắc thuộc về ngã, ngã ở trong sắc chăng?”

“Không phải như thế, bạch đức Thế Tôn.”

“Nên biết rằng thọ, tưởng, hành, thức, đối với thường và vô thường, cũng lại như vậy.”

“Phàm những gì là sắc, hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại; hoặc trong, ngoài; hoặc thô, tế; hoặc tốt, xấu; hoặc xa, gần; thảy đều không phải ngã. Các ông nên biết, hãy dùng chánh trí mà khéo quán sát. Như vậy, thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại; v.v…, đều nên như trên, dùng chánh trí mà khéo quán sát.”

“Chúng Thanh văn đa văn đệ tử của Ta, quán sát năm thủ uẩn này, biết là không có ngã và ngã sở . Quán sát như thế rồi, ngay đó biết thế gian không có năng thủ và sở thủ , cũng chẳng phải là sự chuyển biến , chỉ do tự ngộ mà chứng Niết-bàn, biết rằng: ‘Ta, sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.’”

Sau khi đức Phật nói pháp này, năm vị Bí-sô, đối với các phiền não, tâm được giải thoát, tín thọ, phụng hành.


CHÚ THÍCH

1. Đại chánh tạng, quyển 2, No. 102: Phật thuyết Ngũ uẩn giai không kinh 佛說五蘊皆空經. Tương đương Tạp A-hàm: kinh Phi ngã, số 33; kinh Ngũ Tỳ-kheo, số 34; kinh Vô thường, số 86; kinh Khổ, số 87. Pāli, Tương ưng bộ, S. 22. 59. Anatta-lakkhana Sutta/Pañcavaggi Sutta, (Vô ngã tướng/ Năm vị đệ tử). Đây là bài kinh thứ hai mà đức Phật thuyết giảng cho nhân loại sau khi Ngài giác ngộ. Nó được giảng năm ngày sau ngày trăng tròn của tháng mùa mưa đầu tiên, ngày thứ năm sau khi thuyết giảng Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavatana Sutta). Đối tượng thuyết giảng kinh này là 5 anh em Kiều Trần Như: Kodanna, Vappa, Bhaddhiya, Mahànàma, Assaji (Kiều Trần Như, Bạt-ba, Bạt-đề, Ma-ha-nam, A-thuyết-kỳ; 憍陳如, 跋波, 跋堤, 摩訶男, 阿說示). Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713) đã phiên dịch bản kinh này, và đặt tên kinh khá ấn tượng, dù trước đó kinh này nằm trong bộ Tạp A-hàm, do ngài Cầu-na-bạt-đà-la (求那跋陀羅, 394-468) phiên dịch. Tuy vậy, kinh này vẫn có đặc thù.

2. Thí lộc lâm 施鹿林: tên khác của Lộc dã uyển.

3. Tiên nhân đọa xứ 仙人墮處 (S: Isìpatana) = Lộc dã uyển 鹿野苑 (S: Mṛgadāva). Cũng gọi Tiên nhân lộc dã uyển, Lộc dã viên, Lộc uyển, Tiên uyển, Tiên nhân viên. Vườn nai, nơi đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên sau khi thành đạo, nay là Sa-nhĩ-na-tư (沙爾那斯, Sàrnàth) nằm cách thành phố Ngõa-lạp-na-tây (瓦拉那西, Varanasi) 6 cây số về mạn Bắc, thuộc Bắc Ấn độ. Về nguồn gốc của địa danh này, có nhiều thuyết khác nhau: Theo kinh Xuất diệu, quyển 14, thì Lộc dã uyển là nơi các thần tiên và những người tu đạo được 5 thần thông thường lui tới, chứ không phải chỗ ở của phàm phu, vì thế gọi là Tiên nhân trụ xứ (chỗ ở của người tiên). Lại có thuyết cho rằng, xưa có vua nước Ba la nại đi săn đến đây, bắt được 1.000 con nai, sau do nai chúa xin vua mỗi ngày dâng 1 con để vua ăn thịt, vua mới thả đàn nai ra, cho nên tên đất được đặt là Lộc dã uyển. Luận Đại tỳ bà sa, quyển 183, tổng hợp các thuyết nói rằng, vì ở quá khứ, đức Phật là tiên nhân Tối thắng, từng chuyển pháp luân lần đầu tiên ở nơi này, nên gọi là Tiên nhân luận xứ (nơi người tiên đàm luận). Lúc đức Phật chưa ra đời hoặc đã ra đời, nơi đây thường có các vị thần tiên cư trú, nên gọi là Tiên nhân trụ xứ (nơi ở của các vị tiên). Vì thủa xưa có 500 tiên nhân bay trên hư không, đến chốn này thấy các thể nữ của nhà vua, động lòng dục, mất thần thông, rơi xuống chỗ này, nên gọi là Tiên nhân đọa xứ (chỗ tiên nhân rơi). Còn theo Đại đường tây vực ký, quyển 7, vì Lộc vương xả thân chết thay cho mẹ đang có thai, làm cho vua nước Phạm đạt đa (梵達多) cảm động, khiến vua thả đàn nai và bố thí cho rừng cây, nên gọi là Thí lộc lâm (rừng cho nai). Bắt đầu từ vua A Dục, vườn Lộc dã rất được kính ngưỡng sùng bái. Đầu thế kỷ thứ VIII, khi ngài Huyền Trang đến Ấn độ, nơi này còn rất nhiều điện đường lầu gác, tường hoa bao bọc chung quanh, bên trong có tinh xá cao 200 thước, phía Tây Nam tinh xá có cột đá do vua A Dục dựng cao hơn 70 thước, đá rất bóng, lấp lánh như có ngọc, tăng đồ hơn nghìn người, là thời rất hưng thịnh. Đến khoảng thế kỉ thứ XIII, vườn Lộc dã lần lượt bị tín đồ Hồi giáo và Ấn độ giáo tàn phá, trở thành hoang phế, nay chỉ còn 1 ngôi tháp tròn 2 tầng có khắc chữ Vạn (卍) chung quanh vách và cột đá của vua A Dục đã gãy 1 nửa được bảo vệ bằng hàng rào sắt vây chung quanh. Hiện nay, ở vườn Lộc dã có rất nhiều chùa viện, như Trung hoa Phật tự do ông Lý Tuấn Thừa sáng lập, Miến điện Phật tự, Hiệp hội Ma-ha bồ-đề, viện bảo tàng Ấn độ giáo, Giáo đường Kỳ na giáo và Viện bảo tàng Phật giáo, có cất giữ tượng Phật cách đây 1.000 năm, các loại pháp khí và cột đá đều là những di vật trân quí của Phật giáo. [X. kinh Tạp a hàm, Q.23, 39; kinh Đại bát niết bàn, Q.trung (bản 3 quyển); kinh Hiền ngu, Q.5; luật Tứ phần, Q.32; luận Đại trí độ, Q.16; A Dục vương truyện, Q.2; Cao tăng Pháp hiển truyện, Tuệ lâm âm nghĩa Q.1; A Guide to Sàrnàth, 1937 (B. Majumdar)].

4. Bà-la-ni-tư 婆羅痆斯 = Ba-la-nại 波羅奈: Phạm: Vàràịasì hoặc Vàraịasì, Varàịasì, Varaịasì; Pàli: Bàràịasì. Là một vương quốc cổ tại trung Ấn Độ. Còn gọi là Ba-la-nại quốc, Ba-la-ni-tư quốc, Ba-la-nại-tả quốc. Các nhà dịch cũ phiên là Già-thi-quốc (伽尸國, Kàzi). Đời gần đây gọi là Bái-na-lạp-tư (貝那拉斯, Benares), tức nay là Ngõa-lạp-na-tây (瓦拉那西, Varanasi). Cứ theo Đại Đường Tây Vực Ký quyển 7 chép, thì đô thành nước này gần sông Hằng về phía Tây, dài chừng mười tám, mười chín dặm, rộng năm, sáu dặm. Dân cư đông đúc, tính người hòa nhã cẩn trọng, đa số tin ngoại đạo, ít người kính Phật pháp, tăng đồ phần nhiều học pháp nghĩa của Chính lượng bộ Tiểu thừa. Ở mạn Đông Bắc đô thành là sông Bà-la-ni (婆羅痆, Varaịà), phía Tây sông có tháp vua A Dục, cách sông hơn mười dặm về phía Đông Bắc có nền cũ, nơi thọ ký cho Bồ tát Di Lặc và Bồ tát Hộ Minh, phía Tây Bắc thành là vườn Lộc dã, nơi đức Phật nói pháp lần đầu tiên sau khi thành đạo độ cho năm vị Tỳ-kheo, từ đó về sau, Phật thường đến đây giáo hóa chúng sinh, đây là một trong sáu nơi thuyết pháp lớn, nay trong thành có đến cả nghìn ngôi đền thờ của Ấn Độ giáo, nổi tiếng nhất trong số đó là đền vàng. Xưa kia, tại đất này học thuật hưng thịnh, cùng với Đán-xoa-thủy-la (呾叉始羅, Takwasilà) ở Bắc Ấn Độ đều là đất trung tâm của Bà-la-môn giáo học, khi ngài Huyền Trang du lịch đến đây thì phái Thấp Bà (濕婆) thịnh hành. Sau cuộc xâm lăng của Hồi giáo vào năm 1194 Tây lịch, Phật giáo cơ hồ tuyệt tích. Ngày nay, thành Ba-la-nại không những chỉ là Thánh địa của Ấn Độ giáo, mà cũng còn là Thánh địa của Phật giáo và Kỳ na giáo nữa. Sản phẩm nổi tiếng của nước này ngày xưa là vải bông, và áo Ba-la-nại (Phạm: Bàràịa) trứ danh đã được sản xuất tại đây. [X. kinh Tạp A hàm, Q.23; kinh Phật Bản Hạnh Tập, Q.33; Thiện Kiến Luật Tỳ-bà-sa, Q.6; luận Đại Trí Độ, Q.3; Tuệ Lâm Âm Nghĩa, Q.10].

5. Khổ có 3 loại: 1. Khổ khổ (dục khổ): khổ sở vì nóng lạnh, đói khát, bịnh tật v.v…; 2. Hành khổ: khổ sở vì sự biến động của pháp hữu vi, trong đó, 5 uẩn bao gồm thân tâm và thế giới của thân tâm; 3. Hoại khổ (biến dịch khổ): khổ sở vì cái vui mất đi.

6. Luận Thanh tịnh đạo nói: “Cảm thọ khổ về thân và tâm gọi là khổ khổ, vì tự tính nó là khổ, tên nó là khổ, và vì nó đau đớn thực sự. Cảm thọ lạc về thân và tâm gọi là hoại khổ vì đó là nhân sanh ra khổ khi cảm thọ ấy biến hoại. Xả thọ và các hành khác trong ba cõi là hành khổ, vì chúng bị bức bách trong sanh diệt.” (Thích Nữ Trí Hải dịch)

7. Hành khổ thì biến hành nhất thiết, nghĩa là vận hành cùng khắp và liên tục. Du-già sư địa luận, quyển 66: “Thế nào là tánh của hành khổ? Thân hậu hữu có các nghiệp, phiền não sinh ra các hành có trong mọi tự thể, có thể tùy thuận sinh tất cả phiền não và cùng với các khổ có sự an lập. Tất cả biến hành được nhiếp trong thô trọng; cũng gọi thô trọng là tánh của hành khổ. Dựa vào hành khổ này, đức Phật nói: ‘Tóm lại, năm thủ uẩn đều là khổ.’” (tr. 663b12~16) Tạp tập luận, quyển 5: “Thế nào là tánh của hành khổ? Bao nhiêu là tánh của hành khổ? Lấy nghĩa gì để quán tánh của hành khổ? Là tự tánh của bất khổ bất lạc thọ, là tùy thuận pháp tự tướng của bất khổ bất lạc thọ, là hai thô trọng kia được nhiếp thọ, là không rời hai vô thường (sát-na và tương tục) mà có sự không yên ổn luôn đi theo, đó là nghĩa của tánh hành khổ. Bất khổ bất lạc thọ: là thức A-lại-da tương ưng với thọ. Tùy thuận pháp tự tướng của bất khổ bất lạc thọ: là các hành thuận theo cảm thọ bất khổ bất lạc. Hai thô trọng kia được nhiếp thọ: là hai khổ thọ trọng, khổ khổ và hoại khổ, luôn đi theo.” (tr. 716b11~17)

8. Du-già sư địa luận, quyển 34: “Lại dùng bốn hành để hiểu rõ tướng Khổ đế. Đó là hành vô thường, gồm có 5 hành: 1. Hành biến đổi; 2. Hành hoại diệt; 3. Hành biệt ly; 4. Hành pháp tánh; 5. Hành hội hợp. Hành khổ, gồm có 3 hành: 1. Hành kết phược; 2. Hành không khả ái; 3. Hành không yên ổn. Hành không, có 1 hành là hành vô sở đắc. Hành vô ngã, có 1 hành là hành không tự tại.” (tr. 474b20~24) Hành kết phược là hoại khổ. Hành không khả ái là khổ khổ. Hành không yên ổn là hành khổ. Hành khổ = thô trọng = không yên ổn.

9. Thanh văn đa văn đệ tử = Đa văn Thánh đệ tử.

10. Năm thủ uẩn: Năm uẩn được chấp thủ. Tương ưng bộ, phẩm Chuyển pháp luân: “Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.” (H.T Thích Minh Châu dịch)

11. Ngã kiến/ thân kiến là đối với năm thủ uẩn mà kế đạt chấp có ngã và ngã sở. Tạp A-hàm, kinh Ngã, Ngã sở, số 142: “Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: ‘Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, mà nếu ngã, ngã sở, ngã mạn kết sử chưa khởi, thì khiến cho nó khởi; mà nếu ngã, ngã sở, ngã mạn kết sử đã khởi, thì khiến cho càng tăng trưởng rộng lớn thêm?’” (Thích Đức Thắng dịch)

12. Năng thủ: Là năm sắc xứ ở trong, là tâm ý thức và các tâm pháp. Sở thủ: Là sáu xứ ở ngoài.

13. Biện trung biên luận, phẩm Biện tướng, tr. 465c28: “Sự sai biệt của không tánh, lược có hai thứ: 1. Tạp nhiễm; 2. Thanh tịnh. Không tánh mà thành nhiễm tịnh là do phần vị khác nhau, nghĩa là: phần vị có dơ bẩn nên nói là tạp nhiễm; khi rời khỏi (phần vị) dơ bẩn thì nói là thanh tịnh. Tuy trước tạp nhiễm, sau thành thanh tịnh, nhưng chẳng phải là sự chuyển biến, (vì nếu cho rằng đó là sự chuyển biến thì) rơi vào lỗi vô thường. Ví như nước v.v… rời khỏi khách trần. Không tánh thanh tịnh cũng vậy, chẳng có đặc tánh chuyển biến . Sự sai biệt của không tánh ấy còn có mười sáu loại, đó là: nội không, ngoại không, nội ngoại không, đại không, không không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô tế không, vô tán không, bản tánh không, tướng không, nhất thiết pháp không, vô tánh không và vô tánh tự tánh không.

« Kinh này có tổng cộng 1 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.218.76.193 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập