Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Quyển 5
Bấy giờ Ma-hạ-nẵng-ma lại đến cửa thành phía Bắc lớn tiếng hỏi:
-Người nào ở đây thức mà canh gác?
Cam Lộ Phạn vương đáp:
-Ta đang thức ở đây.
Ma-ha-nẵng-ma nói:
-Nếu thức lo canh gác thì sẽ không có sơ sót.
Nói xong liền nói kệ:
Sợ ngủ như leo núi
Như bơi trên sông biển
Cẩn thận phòng hiểm nguy
Bớt ngủ cũng như thế.
Ma-ha-nẵng-ma nói kệ xong bèn đi tuần đến các khu chợ, các con đường khác trong thành để nhắc nhở quan quân phải luôn thức để lo việc canh gác và nói kệ:
Phải làm theo đúng lệnh
Nói thật chớ dối trá
Nhà vua bậc tối thượng
Vẫn thức lo canh giữ.
Nói xong kệ thì trời cũng vừa sáng. Ma-ha-nẵng-ma đến tâu vua Tịnh Phạn:
Đã qua một ngày đêm, trong ngoài đều yên tịnh không có sai sót gì, xin bệ hạ ra lệnh quan quân dốc sức canh gác đủ bảy ngày đêm, cho đến khi Thái tử lên ngôi Chuyển luân.
Canh phòng như thế được sáu ngày đêm. Bấy giờ vua cõi trời Đao-lợi quan sát thấy Thái tử vẫn muốn xuất gia nên nói kệ:
Lành thay Đại Trượng Phu
Đấng Mâu-ni họ Thích
Sẽ lìa nơi cung ấm
Tìm đến nơi sơn dã
Hành trọn sáu Ba-la
Chứng Bậc Vô Thượng Trí
Cứuvớt mọi chúng sinh
Đều bước lên bờ giác.
Lúc ấy Thái tử đang vui với các cung tần, chợt nghĩ: “Ta nay có ba vợ, lại thêm sáu vạn thể nữ, nhưng không có con lại đi xuất gia, e chúng sinh cho rằng Thái tử Tất-đạt-đa không phải là bậc Trượng phu.” Vì nghĩ như thế, Thái tử liền cho Da-du thọ thai. Rồi vì các cung tần, Thái tử giảng nói về thuyết duyên sinh và sự luân hồi:
-Nếu không thấy được chân tâm thì không thể nào chấm dứt được sinh tử luân hồi, nên nếu còn gần gũi sống chung với nữ nhân thì chẳng khác nào đi trên lửa, sẽ gặp ngay sự đau khổ lớn, do đó mà lòng ta đã nhàm chán muốn được xa lìa.
Thái tử vừa nói xong những lời ấy thì một thể nữ miệng trào nước dãi, tay chân múa may, tóc tai rối loạn ngã ra bất tỉnh, khiến các cung tần rất sợ hãi. Thái tử thấy thế càng thêm thương xót, than thở:
-Khổ thay, sao hình ảnh cái chết vẫn xảy ra ở đây!
Và Ngài nói kệ:
Bỗng chốc biến hoại tướng ác sinh
Tay chân co giật miệng phun dãi
Thấy cảnh vô thường thân khổ đau
Ta nay quyết chí cầu giải thoát.
Nói kệ xong, Thái tử quan sát chúng sinh, thấy tất cả đều không có tướng chắc thật về ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, như vào rừng Thi-đà không có gì đáng yêu thích, như lội trong bùn lầy chỉ thêm dơ bẩn, như nuôi rắn độc chẳng có ích gì. Vạn vật hư ảo như ánh chớp, như giấc mộng, hoặc như bọt nước, bị vô minh che lấp mà chúng sinh không biết.
Khi ấy vua Tịnh Phạn nói về bốn giấc mộng của Ngài vừa thấy.
Một là thấy vầng trăng đang đầy thì bị khuyết, hai là thấy mặt trời mới mọc bỗng lặn ở phương Đông, ba là mơ thấy nhiều người to lớn đến quỳ lạy, bốn là thấy mình vừa cười vừa khóc.
Công chúa Da-du-đà-la cũng nói về tám giấc mộng của mình vừa trải qua. Một là thấy họ hàng ly tán, hai là thấy tòa ngồi an lành bị hư hoại, ba là vàng ngọc đeo nơi tay bị vỡ và rơi khỏi tay, bốn là thấy răng rụng, năm là thấy mái tóc rối loạn và xõa xuống, sáu là thấy đám mây kiết tường bay khỏi cung điện, bảy là thấy mặt trăng tròn bị nguyệt thực che, tám là thấy mặt trời mọc lên chưa cao bỗng lại lặn xuống ở phương Đông.
Thái tử thì nhớ đến năm giấc mộng của mình: Một là thấy sàng tòa vững như núi Tu-di nằm ngồi tự tại. Hai là thấy hai tay, tay trái đỡ biển Đông còn tay phải đỡ biển Tây, hai chân thả chìm xuống trên biển Nam. Ba là thấy cây cối hoa quả và các loại thảo dược mọc cao vút đụng tới trời. Bốn là thấy nhiều loại chim mình trắng đầu đen cùng nhiều loại chim nhỏ khác đủ màu đủ sắc từ bốn phương bay đến trước mặt, rồi hiện ra một màu lễ dưới chân Thái tử. Năm là thấy những tảng đá lớn nơi núi cao đi kinh hành, vừa đi vừa ngoái lại như trông chờ. Thái tử suy nghĩ những giấc mơ ấy báo hiệu chắc chắn Ngài sẽ xuất gia và chứng được quả đại Bồ-đề.
Công chúc Da-du-đà-la đem tám giấc mộng ấy nói với Thái tử và xin người đoán xem lành dữ thế nào. Thái tử bảo:
-Thấy thân tộc ly tán là dòng họ tạm xa nhau lúc đầu, nhưng sau lại đoàn tụ. Thấy tòa ngồi an lành bị hư đổ tức là tòa này vẫn còn y như xưa. Thấy vòng ngọc trên tay rơi xuống tức là thấy nó vẫn còn ở trên cánh tay nàng. Thấy răng rụng tức là không có chiếc nào rụng cả. Thấy tóc rốibuông xõa là do từng thấy tóc xõa mà có. Thấy đám mây lành bay khỏi cung tức là điềm lành vì Ta vẫn ở trong cung. Thấy trăng bị ngăn che nhưng trăng vẫn ở trên trời, có gì ngăn che đâu. Thấy mặt trời mọc rồi lặn xuống trở lại vì lúc ấy là nửa đêm thì mặt trời đâu đã mọc. Vậy những giấc mộng đó đều là mộng lành không có gì phải lo ngại.
Nói rồi Thái tử tự nghĩ: “Tám giấc mộng ấy là điềm ứng với việc Ta sẽ xuất gia.” Ngài bèn nói với công chúa:
-Ta vì muốn giải thoát cho tất cả chúng sinh nên sẽ đi vào núi rừng với chí nguyện tìm cho được phương pháp giải thoát, Niết-bàn.
Da-du-đà-la nói:
-Như Thái tử có chí ấy thì thiếp xin nguyện đi theo.
Lúc ấy các vị Đế Thích và Phạm thiên thưa với Thái tử:
-Lành thay! Mau xa ngũ dục, rời khỏi cung điện, làm sáng tỏ chân tướng, chứng Nhất thiết trí.
Bồ-tát nói với Đế Thích:
-Này Kiều-thi-ca, Ta ở trong cung như hổ trong hang, chung quanh Ta có bốn đạo binh canh giữ, các cửa trong cung đều khóa chặt, treo chuông cảnh giác canh gác nghiêm nhặt, làm thế nào mà ra được?
Vị trời Đế Thích nói với Bồ-tát:
-Hãy nhớ lại vô số kiếp trong quá khứ, Ngài đã tu tập với hạnh nguyện là muốn cứu khổ cho chúng sinh và giải thoát mọi loài trong thế gian.
Nói xong, bốn vị Đại thiên vương dùng thần lực khiến cho mọi việc không còn trở ngại. Đế Thích liền hóa ra một chiếc thang báu rồi bảo với vua Dạ-xoa là Ban-tức-ca:
-Hiện Bồ-tát ở trên lầu cao, ông nên dùng thang này đến nghinh tiếp Ngài.
Vua Dạ-xoa vâng lời làm theo. Bồ-tát xuống lầu, đi tìm Sang-na để truyền chuẩn bị ngựa tốt. Thấy Sang-na đang ngủ, liền nói kệ:
Lành thay! Sang-na, ngươi mau dậy
Hãy thắng con ngựa Ca-tha-ca
Đưa Ta vào núi tu Phật đạo
Mong được chứng quả Vô thượng giác.
Sang-na tỉnh giấc ngồi dậy, chắp tay thưa Bồ-tát:
-Có việc gì gấp gáp mà nửa đêm Ngài lại bảo thần mau thắng ngựa để đi xa? Vả lại trong cung không có giặc giã trộm cướp, cũng không có nạn nước lửa, sao phải vội vậy?
Bồ-tát nói:
Ngươi trước giờ luôn ngoan ngoãn, nay sao có ý cưỡng lại ta?
Sang-na thưa:
-Giờ mới nửa đêm, trời còn tăm tối, con sợ có điều bất trắc mà đắc tội.
Bồ-tát không nói, yên lặng đi về hướng chuồng ngựa. Vị vua trời Đế Thích cầm đuốc dẫn đường cho Thái tử đi đến nơi, dắt con ngựa chúa ra. Ngựa có vẻ sự hãi, hai chân giẫm xuống đất, Bồ-tát phải dùng đôi tay phước đức của mình vỗ lên đầu ngựa nói:
-Này Ca-tha-ca, ngươi có duyên với Ta, nếu ngươi đưa Ta đến Tuyết sơn tu hành, sau này Ta chứng được quả vô thượng Bồ-đề, truyền bá chánh pháp cứu độ chúng sinh, ngươi sẽ được phước rất lớn.
Ca-tha-ca nghe lời nên ngoan ngoãn đứng yên. Khi đó có bốn vị Đại Thiên tử: Vị thứ nhất tên là Câu-la, vị thứ hai tên là Ô-ba-câu-la, vị thứ ba tên Ba-câu-nỗ, vị thứ tư tên Ba-la-nỗ-xá-phược-đế đến trước Bồ-tát chắp tay cung kính thưa:
-Hôm nay chúng tôi biết Bồ-tát xuất gia tu hạnh Bồ-đề, chúng tôi nguyện đi theo bảo vệ.
Bồ-tát hỏi:
-Các ông có đủ thần lực sao?
Vị Thiên vương thứ nhất nói:
-Có đất vững chắc đỡ Ngài đi.
Vị thứ hai nói:
-Đi biển thì có biển lớn sông dài đỡ Ngài đi.
Vị thứ ba thưa:
-Tất cả đồi núi đều giúp người đi.
Vị thứ tư thưa:
-Có đất lớn núi đồi và sông biển giúp Ngài ra đi mà không mệt mỏi.
Nghe thế, Bồ-tát dùng chân đặt nhẹ lên đất khiến đại địa chấn động. Bốn vị Thiên tử ấy sợ hãi, không ngờ Bồ-tát lại có uy lực lớn như thế, lo lắng làm thế nào để sám hối tạ lỗi với Bồ-tát.
Bấy giờ Sang-na thấy thần lực Bồ-tát như thế liền dắt ngựa đến trước Ngài. Các vị Thiên vương uy đức cùng với chư Long thần đều tỏ ra buồn bã vì sắp phải xa rời Bồ-tát, khóc lóc làm lệ rơi từ không trung xuống. Sang-na nói:
-Sao không thấy mây mà có nước mưa rơi?
Bồ-tát đáp:
-Không phải mưa, vì Ta sắp xuất gia, nên chư Thiên cảm động mà rơi lệ.
Sang-na nghe vậy liền cung kính chắp tay đứng hầu.
Bồ-tát nghĩ đến công đức lớn lao của Phật pháp đối với chúng sinh, lại nghĩ đến ân sâu của cha mẹ, nếu ra đi mà không giã từ hai bậc sinh thành thì sẽ không tròn đạo hiếu. Nghĩ thế Thái tử liền vào cung và thấy phụ vương đang ngon giấc. Ngài theo phía phải đi quanh giường vua một vòng, rồi chắp tay thưa:
-Hôm nay con vào núi Tuyết tu hành để cầu đạo Vô thượng nhằm cứu vớt muôn loài khỏi sinh, già, bệnh, chết, để họ được giải thoát hoàn toàn.
Nói xong Thái tử từ tạ ra đi. Có vị thân tộc tên Ma-hạ-nẩng-ma nhìn thấy Thái tử sắp đi nên buồn thương than khóc:
-Sao Ngài nỡ rời bỏ vương cung mà ra đi?
Thái tử nói:
-Ta vì lợi ích tất cả chúng sinh nên đi tìm cầu Phật quả.
Ma-ha-nẵng-ma nói:
-Vua đã ra lệnh cho chúng thần luôn canh phòng, ngăn không để Thái tử rời bỏ cung cấm.
Thái tử đáp:
-Từ xưa Ta đã phát tâm Bồ-đề, trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp tu muốn hạnh để cầu giác ngộ, độ thoát chúng sinh. Vương cung này không phải là chỗ ở của Ta.
Ma-ha-nẵng-ma nghe thế càng thêm thương xót, khóc than:
-Thật là đau đớn! Niềm hy vọng của vua ta đã không thành rồi, có vị trưởng tử mà lại từ bỏ cung cấm ra đi tu hành!
Lúc ấy công chúa Da-du-đà-la nghe được thì hoảng sợ đến nỗi hôn mê, ngã lăn ra đất, chốc lát tỉnh lại, nói với Thái tử:
Do duyên cớ nào mà hôm nay Ngài bỏ thiếp ra đi?
Các phu nhân Ngu-nhàn-ca, Mật-lý-nga-nhạ cùng các cung tần đều khóc lóc chạy đến tâu vua Tịnh Phạn:
-Thái tử bỗng dưng muốn rời cung lên chốn núi rừng, như có ma quỷ xúi khiến không thể nào ngăn cản được. Mong nhà vua dùng uy quyền để ngăn Thái tử lại.
Vua nghe tâu bèn muốn đến ngăn Thái tử. Khi ấy các vị Đế Thích và các vị Thiên vương đã đón Thái tử đi ra ngoài thành. Bên phải Bồ-tát là vua cõi trời sắc giới hiện tướng uy nghi, bên trái Bồ-tát là vua cõi trời Dục giới tay cầm tràng phan, phía trước có vô số chư Thiên tấu nhạc dẫn đường, lại có trăm ngàn vị Thiên tử từ hư không tung rải các loài hoa, như hoa Ưu-bát-la, hoa Câu-mẫu-na, hoa Bạch Liên và hoa Mạn-đà-la và rưới các loại hương như trầm hương, mạt hương, chiên-đàn hương và nhiều loại y phục diệu kỳ. Còn có những vị Thiên tử ca múa, hát xướng, những vị Thiên tử tay nâng chân ngựa, chiêm ngưỡng Bồ-tát, chốc lát đã đến núi Tuyết, cách thành Ca-tỳ-la mười hai do-tuần.
Bấy giờ, Đế Thích cùng các vị Đại Phạm thiên chắp tay thưa:
-Chư Thiên chúng tôi đã phát tâm tinh tấn hộ vệ Bồ-tát đến được Tuyết sơn. Sau này, khi Bồ-tát chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, xin Bồ-tát hãy thương mà nhiếp thọ độ thoát chúng tôi.
Nói xong chư Thiên đứng sang bên phải chắp tay cung kính chiêm ngưỡng Bồ-tát. Bồ-tát liền nói kệ:
Ta đạt đạo Tối thượng
Chỗ chư Phật đã đạt
Sẽ độ thoát các ông
Và tất cả hữu tình.
Nói kệ xong, Thái tử cởi mũ và y phục trao cho Sang-na, bảo:
-Ngươi hãy đem y phục và ngựa này về tâu với phụ vương Ta rằng nếu Ta không chứng được đạo Bồ-đề thì Ta sẽ không bao giờ trở về.
Tiếp đó, Ngài nói bài kệ:
Ngươi đem mã vương và y phục
Mau về lại nước Ca-tỳ-la
Ta đến Tuyết sơn tu phạm hạnh
Không chứng Bồ-đề quyết không về.
Sang-na nghe bài kệ của Thái tử xong thì buồn bã, khóc thưa:
-Trong núi có biết bao nhiêu hổ báo, sư tử và thú dữ, một mình Thái tử làm sao ở được? Vả lại, núi rừng cây cối, gai góc đất đá chập chùng, làm sao mai chiều Thái tử đi lại nỗi?
Thái tử nói:
-Này Sang-na, sao ngươi mê muội thế? Thân của chúng sinh là do nghiệp cảm mà ra, tứ đại hòa hợp tan lìa, khổ già bệnh chết khi đã đến thân thì sang hèn, giàu nghèo, già trẻ, oán thân... đều không thoát khỏi lẽ vô thường. Thế thì vì sao tu hành lại sợ nguy nan?
Sang-na thưa:
-Chí tu hành của Thái tử là như thế, nhưng khi con về, nhà vua thấy con mà không thấy Thái tử chắc sẽ sinh đau khổ, nếu vua lâm bệnh thì làm thế nào?
Thái tử nói:
-Ta nay xuất gia tu đạo Bồ-đề, thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, thành tựu được Thập lực, Tứ vô sở úy... Chẳng lẽ không đem lại tốt đẹp cho cha mẹ sao?
Thái tử nói rồi, chắp tay đảnh lễ, sau đó tay cầm kiếm giống như lá cây Ưu-bát-la tự cắt tóc mình ném lên hư không và được Đế Thích vận thần lực tiếp nhận tóc ấy cùng với các vị Thiên tử đem về nơi cung trời Đao-lợi, như pháp cúng dường. Nơi Thái tử cắt tóc về sau này các vị Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ có tín tâm đã xây tháp phụng thờ.
Cắt tóc xong, Thái tử hỏi Sang-na:
-Ý ngươi thế nào, có thể ở lại đây cùng Ta tu hành không?
Sang-na thưa:
-Không có phép của vua, con đâu dám ở lại.
Bấy giờ Bồ-tát dùng bàn tay uy lực và trăm ngàn phước đức của mình vỗ lên đầu mã vương Ca-tha-ca nguyện chúc cho nó, rồi cho Sang-na trở về thành Ca-tỳ-la. Sang-na đi bảy ngày đêm, đến canh hai ngày thứ bảy thì về đến vườn hoa ngoài thành. Vua sai cung nhân và quyến thuộc đến hoa viên nghênh tiếp. Đến nơi, chỉ thấy ngựa mà không thấy Thái tử, các cung nhân và quyến thuộc đều ào đến ôm cổ ngựa than khóc. Ngựa Ca-tha-ca nghe khóc than, lòng nhớ Thái tử nên buồn thương chảy nước mắt, rồi quay đầu nhìn qua hai bên, giây lát ngã ra tắt thở. Nhờ vào túc duyên, nên ngựa sinh vào nhà Bà-la-môn, có được lợi căn, nhẹ nghiệp, thông minh sáng trí. Sau này khi Thái tử thành Phật, vị Bà-la-môn ấy liền đến nghe pháp rồi chứng được vô sinh nhẫn.
Lúc ấy Bồ-tát suy nghĩ: “Nay Ta đã cắt tóc thành tướng một Sa-môn, nhưng làm sao có được áo ca-sa?” Cùng thời ấy, ở thành A-nậu-ba-ma có một trưởng giá họ hàng đông đúc, của cải vô số chẳng khác gì bậc Tỳ-sa-môn. Nhà ông có mười người con đều đủ phước tướng đoan nghiêm, có trí tuệ, thông minh lanh lợi và đều vui thích với cuộc sống xuất gia, tịnh tu phạm hạnh, nhờ quan sát thấy vạn vật vô thường nên chứng đạo quả Duyên giác. Sau khi người cha mất, người mẹ có lòng tin sâu sắc, may một chiếc áo ca-sa cúng cho các vị Bích chi. Một người con thưa với mẹ:
-Con chẳng bao lâu nữa sẽ vào Niết-bàn, nay con nhận ca-sa này cũng không sử dụng. Cách đây không xa, có Thái tử Tất-đạt-đa là con vua Tịnh Phạn, chẳng bao lâu nữa sẽ thành Bậc Vố Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nay hãy dùng ca-sa này cúng dường Bồ-tát, nhờ đó mẹ sẽ được phước quả lớn lao.
Nói xong, vị Bích chi liền vận thần thông bay trên không trung biến ra mây, sấm, chớp, gió mưa, rồi hóa lửa tự thiêu thân mà viên tịch.
Bấy giờ vị lão mẫu sắp qua đời, liền đưa ca-sa cho một người con gái bảo cô ta đem dâng cúng Bồ-tát, không ngờ khi cô ta đến dưới một bóng cây thì mang bệnh mà mất. Trước khi qua đời cô ta treo áo ca-sa trên một cành cây rồi vái với thần cây:
-Ca-sa này nhờ thần dâng cho Thái tử Tất-đạt-đa, con vua Tịnh Phạn.
Vua Đê Thích biết việc đó liền hóa thân thành một người đi săn đến lấy ca-sa. Khi thấy Thái tử đi đến, ông liền mặc vào mà ngồi bên đường. Thái tử tới nơi thấy thế hỏi:
-Anh là thợ săn sao lại mặc áo ca-sa? Có thể cho Ta biết được không?
Người thợ săn nói:
-Áo ca-sa này tôi cũng không thích mặc, nay muốn cho Ngài, nhưng sợ người ta cướp đoạt làm hại tính mạng Ngài thôi.
Bồ-tát nói:
-Cả thế gian này đều biết Ta, ngươi cứ tặng ca-sa cho Ta, đừng lo ngại.
Đế Thích liền hiện nguyên hình sụp lạy xuống chân Bồ-tát và dâng chiếc ca-sa. Bồ-tát mặc vào thấy không vừa, Đế Thích thấy thế trong lòng sinh nghi ngờ, nhưng uy thần của Bồ-tát đã khiến cho ca-sa liền vừa với cơ thể. Chư Thiên ở cung Đao-lợi liền cung kính cúng dường, về sau, các vị trưởng giả Bà-la-môn đã lập tháp miếu phụng thờ tại chỗ ây, thường có chư vị Tỳ-kheo đến đó lễ bái.
Lúc bấy giờ Bồ-tát với uy nghi đầy đủ đang cất bước trên đường, thì chợt thấy một Tiên nhân tên Bà-lý-nga-phược sắc mặc buồn bã, đang lấy tay tự vả mặt mình. Bồ-tát hỏi:
-Sao ngài lại tự đánh mình như thế?
Vị Tiên nhân đáp:
-Tôi ở dưới bóng cây Đa-la này, trước đây cây luôn có rất nhiều hoa trái, mùi vị thơm ngon, nay bỗng nhiên trở nên khô héo khiến tôi phiền não.
Bồ-tát nói:
-Tiên nhân ở đây là để tu hành, sao lại vì cây khô héo mà sinh phiền não?
Tiên nhân nghe qua tâm chợt tỉnh ngộ, trông thấy một vị Bồ-tát sắc tướng đoan nghiêm, sinh lòng cảm mến nhìn ngắm mãi, rồi lên tiếng hỏi:
-Ngài có phải là vị Bồ-tát xuất gia không?
Bồ-tát đáp:
-Ông thật có cái nhìn sáng suốt.
Tiên nhân Bà-lý-nga-phược liền trừ dứt nghi hoặc, được pháp nhãn thanh tịnh, liền mời Bồ-tát ngồi rồi dùng hoa trái đúng pháp mà cúng dường. Được một lúc, Bồ-tát hỏi Tiên nhân:
-Thành Ca-tỳ-la cách đây bao xa?
Tiên nhân thưa:
-Từ đây đến đó mười hai do-tuần.
Bồ-tát suy nghĩ: “Nơi đây cách thành không xa mấy, nếu người trong họ Thích tìm đến sẽ gây phiền hà.” Nghĩ xong, Bồ-tát liền từ biệt Tiên nhân, vượt qua sông Khắc-già đến thành Vương xá. Bằng sự khéo léo, Thái tử hái những chiếc lá cây tạo nên chiếc bình bát ôm vào người và đi vào trong thành khất thực. Lúc ấy vua Dân-di-sa-la đang ngồi trên lầu cao nhìn ra xa thấy Bồ-tát thân tướng đoan nghiêm, uy nghi tịch tĩnh, mình mặc ca-sa, tay cầm bình bát lần lượt đến từng nhà khất thực, vua liền khen:
-Trong thành của ta không ai có dáng vẻ uy nghi như vị Bí-sô này! Ông ta quyết không phải xuất thân từ tầng lớp bình dân hoặc dòng họ bình thường mà là dòng dõi vua chúa bỏ ngôi xuất gia tu hành nhằm diệt trừ nghiệp ác giữ gìn tịnh hạnh.
Sau khi khất thực xong, Bồ-tát ra khỏi thành đi vào trong núi, để bát trên đất, ngồi yên nhập định tư duy: “Vua Dân-di-sa-la thấy Ta tu hành tất có ý khác.” Cùng lúc đó, nhà vua đang nói với các vị đại thần:
-Ta ở trên lầu nhìn ra thấy một vị Bí-sô thân tướng đoan nghiêm, uy nghi đĩnh đạt, chắc không phải thuộc hàng thứ dân hay hạ tộc, vậy các ngươi tìm xem vị ây ở đâu và báo cho ta biết.
Vị sứ giả được phái đi đến vùng núi gặp vị Bí-sô ấy đang an nhiên tĩnh tọa. Quốc vương nghe tin bèn tự đến nơi nhìn thấy Bồ-tát, trong lòng vui mừng, liền nói:
-Tướng mạo của Ngài thật đoan nghiêm mà làm Bí-sô thật không hợp. Ta có cung điện lầu gác, cung tần mỹ nữ, lại giàu sang tột bậc, ta sẽ trao cho người sử dụng, chớ làm Bí-sô. Người tên họ là gì? Thuộc dòng tộc nào? Hãy nói cho ta biết.
Bồ-tát đáp:
-Gần Tuyết sơn có thành Ca-tỳ-la, phụ vương của tôi thuộc dòng Sát-đế-lợi, tên là Tịnh Phạn, đang cai trị thành ấy. Tôi lìa bỏ ngôi vua là để tìm đạo Bồ-đề. Như kẻ ngu si tham lam thì dù của cải, châu báu đầy trong bôn biển vẫn còn cho là không đủ, giống như lửa đcít củi khô, tâm tham ái cũng như vậy. Tâu Đại vương, tôi xem sự giàu sang là oan gia, như rắn độc, là nguồn cội của ưu sầu lo sợ. Thưa Đại vương, giá sử gió lớn thổi rung chuyển tất cả các núi, nhưng núi Tu-di thì không thể rung chuyển được. Giả sử của cải châu báu trong thế gian cùng với thành quách, vợ con, voi ngựa, tôi tớ... có thể làm mê loạn tâm tất cả chúng sinh, nhưng tâm tôi vẫn không rung động, chỉ có Niết-bàn, giải thoát mới là cứu cánh chân thật.
Vua Dân-di-sa-la hỏi:
-Nay Ngài ở đây là muốn cầu điều gì?
Bồ-tát trả lời:
-Tôi chỉ cầu tìm đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Vua thưa:
Nếu Ngài đắc đạo xin hãy tiếp độ tôi trước.
Bồ-tát ưng thuận nên vua rất vui mừng mà trở về thành.
Bấy giờ Bồ-tát đến đỉnh núi Thứu, bên sườn núi có các Tiên nhân tu phạm hạnh, có vị có thể đứng một chân trong suốt một ngày. Nghe thế, Bồ-tát cũng đứng một chân, nhưng suốt trong hai ngày. Một Tiên nhân khác lại dùng lối khổ hạnh bằng cách phơi mình dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời và trải qua suốt một ngày. Bồ-tát cũng làm được như vậy nhưng đến những hai ngày. Các vị Tiên nhân kia đều kinh ngạc, thán phục, họ cho như thế mới thật sự là tu hành, như thế mới thật sự là Đại Sa-môn.
Bồ-tát hỏi:
-Các người tu hành như thế để cầu điều gì?
Các Tiên nhân trả lời, có người thì muôn lên trời làm Đế Thích, có người thì muôn làm Phạm thiên, có người lại muốn hóa thân trong cõi ma giới. Bồ-tát suy nghĩ: “Hướng tu của các đạo sĩ này đều là tà đạo, không phải hướng mà Ta cần tìm. Bổn nguyện của Ta là muốn chứng đắc Phật quả để đem lại an vui cho tất cả chúng sinh, đạo của họ không chân chính, Ta phải rời xa họ.”
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.192.110 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.