Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Chúng Hứa Ma Ha Đế Kinh [眾許摩訶帝經] »» Bản Việt dịch quyển số 12 »»

Chúng Hứa Ma Ha Đế Kinh [眾許摩訶帝經] »» Bản Việt dịch quyển số 12

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.42 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.55 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Thuyêt Chúng Hứa Ma Đế

Kinh này có 13 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Quyển 12
Bấy giờ Đức Thế Tôn ở tại khu Hàn lâm đã nhận lời thỉnh của trưởng giả Cấp Cô Độc và biết trước ở nước Xá-vệ có nhiều người ngoại đạo tu khổ hạnh, khá thông minh tuy siêng năng tu tập nhưng chưa được giải thoát. Đức Phật cũng thấy nhân duyên hóa độ của họ đã đến, mà trong chúng thì Tôn giả Xá-lợi-phất có nhiều túc duyên với họ, vậy nên phái Tôn giả đến đó sẽ có nhiều lợi ích.
Đức Phật bèn gọi Tôn giả Xá-lợi-phất dặn nên đến trước nơi nước Xá-vệ để giúp trưởng giả Cấp Cô Độc xây dựng tinh xá. Tôn giả vâng lời Phật sang nước Xá-vệ, đến gặp trưởng giả cấp Cô Độc. Trưởng giả đem những lời ngoại đạo thách thức thưa với Tôn giả và hỏi ý của Tôn giả như thế nào, lại nói thêm:
-Mọi người trong nước Xá-vệ chưa biết đến Phật, trong cuộc tranh tài này họ sẽ thấy được cao thấp, nhờ đó mà Phật pháp được tuyên dương.
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
-Quý hóa quá, đó là những lời rất đáng chú ý.
Nói xong, Tôn giả nhập định xem xét thấy những người ngoại đạo và dân chúng ở nước Xá-vệ căn duyên đã đến, nhưng chờ tới bảy hôm nữa thì mới là thời gian thuận tiện.
Tôn giả xuất định, nói với trưởng giả:
-Hãy hẹn với họ bảy ngày nữa thì mới tranh tài.
Trưởng giả thông báo ngày ấy cho các nhóm ngoại đạo. Nghe xong, họ bèn bàn với nhau:
-Vị ấy hẹn bảy ngày thì một là biết sẽ không thắng nên tìm cách âm thầm rút lui, hai là đi tìm bạn bè đến trợ giúp. Vậy sao chúng ta không đi mời thêm bạn bè?
Bàn xong, họ đi khắp nơi để tìm bạn bè trợ giúp và tìm được một người Bà-la-môn tên Xích Nhãn. Bọn họ liền nói với người ấy:
-Đệ tử lớn của Sa-môn cồ-đàm thách tranh luận với chúng ta, Ngài cùng đạo, vậy hãy giúp chúng tôi, bởi nếu ta thắng thì quyền lợi sẽ không mất, còn nếu họ thắng thì chúng ta phải đi về đâu?
Người ấy hỏi:
-Chừng nào thì tranh tài?
Đáp:
-Quá bảy ngày nữa.
Vị Bà-la-môn ấy nói:
-Vậy đến lúc ấy thì báo cho tôi, tôi sẽ đến giúp các bạn.
Thế nhưng người Bà-la-môn kia vẫn sợ thua, nên lòng rất lo lắng, liền thông báo đến các nơi để tìm thêm vây cánh. Trong thời gian ấy trưởng giả Cấp Cô Độc tìm nơi yên tĩnh, rộng rãi để lập đài làm chốn tranh luận, lập một tòa sư tử cho Tôn giả Xá-lợi-phất và một tòa cao cho vị ngoại đạo kia.
Sau khi đã sắp xếp xong, trưởng giả cho bố cáo xa gần. Đến ngày tranh tài, mọi người già trẻ hoặc vì công hay tư, có tất cả một trăm ngàn người, lại có cả các Bà-la-môn ngoại đạo từ nước ngoài đều đến nơi thi đấu.
Trưởng giả Cấp Cô Độc tay nâng lư hương cùng với quyến thuộc rước Tôn giả Xá-lợi-phất lên tòa sư tử. Tôn giả an tọa, mọi người nhìn ngắm thấy uy nghi của ngài, ai ai cũng ngợi khen. Bên kia, vị Bà-la-môn ngoại đạo ấy cũng được chúng ngoại đạo rước lên tòa cao an tọa.
Tôn giả Xá-lợi-phất lên tiếng hỏi:
-Ông muốn thi tài như thế nào?
Vị ngoại đạo nói:
-Ta biến hiện như thế nào thì ông cũng biến như thế.
Tôn giả nói:
-Điều ta làm thì trời, người đều không làm được, sao ông bảo ta biến hóa như ông? Này Bà-la-môn Xích Nhãn, những gì ông biến ra ta đều có thể phá được.
Bà-la-môn Xích Nhãn hóa ra một cội cây có hoa nở vừa đẹp vừa thơm khiến mọi người khen ngợi. Tôn giả dùng thần lực hóa ra cơn gió chỉ thổi nhẹ qua là bao nhiêu hoa tàn rụng tơi tả hết. Xích Nhãn lại hóa ra một ao nước trong lành mọc đầy hoa sen, mọi người đều khen là tài tình, Tôn giả biến ra một con voi lớn, thân hình uy nghi lội xuống ao vùng vẫy làm tất cả hoa sen đều bị tàn tạ. Ngoại đạo lại hóa ra con rồng bảy đầu, giương vây trợn mắt nhào lộn trên không, Tôn giả hóa ra vua của loài Kim sí điểu từ không trung bổ xuống trên đầu rồng làm rồng phải hàng phục. Cuối cùng, ngoại đạo hóa ra thần La-sát hiện ra trước chúng hội, khiến mọi người đều khiếp sợ. Tôn giả trì chú, dùng thần thông trói thần La-sát, khiến thần La-sát giận dữ vì đau khổ. Ngoại đạo sợ hãi, lông tóc dựng đứng, sợ bị tổn thương nên lên tiếng cầu cứu, nói với Tôn giả:
-Nay tôi xin quy y, xin ngài cứu giúp.
Tôn giả ngưng trì chú, thần La-sát không còn giận dữ nữa. Xích Nhãn Bà-la-môn thoát được tai họa là sự giận dữ của thần La-sát và tự biết con đường tu tập của mình không phải chánh đạo, nên cung kính thưa Tôn giả Xá-lợi-phất:
-Nay con xin theo Tôn giả xuất gia làm Sa-môn. Xin Tôn giả thương xót thâu nhận.
Tôn giả nhận ông ta vào hàng Sa-môn. Sau đó Xích Nhãn siêng năng tu tập, diệt được phiền não, dù còn trong ba cõi nhưng đã trừ được ba độc, tâm bình đẳng như hư không, xem vàng như đất. Sau một thời gian tu tập liền đạt tam minh, lục thông và chứng quả La-hán, được Đế Thích Thiên vương đến cúng dường.
Lúc đó mọi người kinh ngạc chăm chú ngắm nhìn Tôn giả Xá-lợi-phất đồng cất tiếng ngợi khen, xem ngài như bậc Đệ nhất luận sư không ai sánh bằng giống như ngưu vương ở giữa bầy trâu, tất cả đều chiêm ngưỡng Tôn giả không biết chán.
Biết được tâm ý của mọi người đến lúc có thể hóa độ được, Tôn giả Xá-lợi-phất liền giảng về pháp Tứ thánh đế. Khi nghe xong bài pháp, trong đại chúng có người phát tâm quy y Tam bảo, có người phát tâm cầu quả Thanh văn, có người phát tâm đạt quả Bích-chi-phật, có người phát tâm đạt đạo Vô thượng Bồ-đề, có những người xin xuất gia và chứng quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm hoặc A-la-hán.
Sau cuộc tranh luận, mọi người đều ra về. Trong chúng ngoại đạo có một số người tánh tình cố chấp, cho rằng thua cuộc là nhục nhã nên bèn họp kín với nhau bàn mưu giả vào xin làm thợ cho trưởng giả để gặp lúc thuận lợi thì sát hại Tôn giả. Bàn xong, họ đến gặp và nói với trưởng giả:
-Ông làm mất quyền lợi của chúng tôi, nay chúng tôi không có nơi nương tựa, vậy xin ông thương tình nhận chúng tôi vào làm công cho ông để còn gần quê hương, nếu ông không nhận chúng tôi lại phải đi tới nước khác.
Họ van nài nhiều phen, khiến ai cũng phải cảm động. Trưởng giả đem lời ấy thưa với Tôn giả Xá-lợi-phất, để với lòng nhân nhờ Tôn giả xem xét việc ấy. Tôn giả liền nhập định, xem thấy những người ấy không bao lâu nữa sẽ đắc đạo nên bảo trưởng giả không cần phải lo lắng.
Trưởng giả trở về và nhận những người ngoại đạo ấy vào làm việc. Tôn giả hóa ra một người để cầm đầu những người thợ ấy, rồi ở sau quan sát, biết rằng căn duyên của họ đã thuần thục, có thể hóa độ được, liền đến nơi họ làm việc, chọn một bóng cây ung dung ngồi tham thiền. Lúc ấy những người ngoại đạo ban đầu nghĩ là mình đã gặp thuận lợi nên mỗi người vui mừng muốn đến gần, nhưng người cầm đầu đã dùng cây xua đuổi, không cho họ tới gần Tôn giả.
Làm việc mệt nhọc, họ cất tiếng kêu cứu:
-Đại Thánh Tôn giả, xin mau đến cứu chúng tôi.
Ngài Xá-lợi-phất bảo:
-Các ngươi làm việc mệt nhọc, vậy hãy tạm nghỉ đi.
Những kẻ ngoại đạo ấy thầm nghĩ: “Vị Đại Tôn giả này đã biết chúng ta có âm mưu hãm hại người mà vẫn cho phép chúng ta nghỉ ngơi. Thật là vô cùng xấu hổ, chúng ta còn biết nói gì nữa đây.” Tôn giả Xá-lợi-phất biết họ có ý ăn năn và thời điểm giáo hóa họ cũng đã đến nên bảo họn đến gần. Khi họ đến, Tôn giả giảng dạy về pháp Tứ thánh đế. Những kẻ ngoại đạo nghe xong bài pháp bao nhiêu tri kiến cũ nặng nề như hai mươi ngọn núi của họ đã bị trí tuệ kim cang phá vỡ nát vụn. Ngay lúc đó, tất cả bọn họ đều đạt được quả vị Tu-đà-hoàn và xin với Tôn giả cho phép được xuất gia. Tôn giả Xá-lợi- phất nhận cho họ xuất gia làm Sa-môn. Sau một thời gian siêng năng tu tập, giữ gìn phạm hạnh, họ đều thấu hiểu rốt ráo con đường thoát khỏi luân hồi, diệt trừ phiền não, chứng quả La-hán, tâm bình đẳng như hư không, xem vàng như đất, bỏ mọi lợi dưỡng thế gian, nội tâm an tĩnh, trong lành, được tất cả chư Thiên và trời Đế Thích cúng dường.
Sau khi hóa độ các kẻ ngoại đạo ấy xong, Tôn giả Xá-lợi-phất cùng với trưởng giả Cấp Cô Độc dùng dây đo đạc kích thước để xây cất tinh xá. Đo đạc chu vi xong, trưởng giả Cấp Cô Độc do có phước báo, được chư Thiên ở cung trời Đâu-suất hiện ra cung điện vàng, nhưng trưởng giả không hiểu được dụng ý của chư Thiên, nên nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:
-Ngôi tinh xá này không phải chỉ dành riêng cho các vị La-hán mà là xây cho Đức Phật.
Xá-lợi-phất nói:
-Tôi lầm trước hết là vì Đức Như Lai nhưng sau cũng vì các vị La-hán. Ông tặng đất này, nên chư Thiên mới hiện điềm báo.
Ngài Xá-lợi-phất liền cho trưởng giả có được Thiên nhãn để ông thấy điềm báo ấy. Thấyđược cung điện vàng, trưởng giả Cấp- cô-độc ngạc nhiên, vui mừng vô cùng và phát tâm thượng phẩm.
Tôn giả Xá-lợi-phất tự cầm một đầu dây, bảo trưởng giả giữ đầu kia, lần lượt chia ra mười sáu phòng lớn và sáu mươi phòng nhỏ, nơi dành cho Đức Phật, nơi dành cho chúng Tăng, mỗi chi tiết đều đã hoạch định xong, các cung điện hiện ra trong tâm trí trưởng giả thật trang nghiêm. Tôn giả lại giúp cho trưởng giả có được thần thông Thiên nhãn, nhìn thấy những cung điện nơi cõi trời khiến trưởng giả vô cùng vui mừng, reo lên:
-Việc làm của ta sẽ cảm ứng được lợi ích phước đức như thế sao!
Trưởng giả tự thấy phước báo đời sau nhiều điều khác lạ, nên với việc xây dựng lại càng siêng năng gấp bội.
Tinh xá xây cất xong, trưởng giả cho trang bị đầy đủ mọi phương tiện bên trong rồi đến thưa Tôn giả Xá-lợi-phất:
-Thưa Tôn giả, đón Đức Thế Tôn đến đây phải như thế nào?
Tôn giả đáp:
-Nên dùng nghi thức như đối với vị Chuyển luân vương.
Trưởng giả liền cho dựng từ nước Xá-vệ đến thành Vương xá, cứ mười câu-lô-xá là một cung điện để Đức Phật và Thánh chúng nghỉ ngơi khi dừng lại trên đường. Bên trong những cung điện ấy có kho chứa mọi vật dụng, lại đặt một người ở đó để giữ gìn và lấy nước bạch đàn hương hàng ngày rưới cho thơm sạch, vì để đón Như Lai nên phải luôn tinh khiết. Các nơi chuẩn bị xong, trưởng giả cho người đến thành Vương xá thỉnh Đức Phật và Thánh chúng, ông nói với người được sai đi:
-Nhà ngươi đến nơi thay ta mà bạch Phật rằng trưởng giả Cấp Cô Độc cung kính đảnh lễ Phật và xin vấn an Đức Thế Tôn có được ít bệnh, ít phiền, mọi việc có được an vui không? Tinh xá nay đã lập xong, nguyện xin Đức Phật và Thánh chúng thương xót quang lâm. Chúng con nguyện sẽ suốt đời hết lòng phụng sự Đức Phật và chư Thánh chúng đủ mọi phương tiện y phục, ngọa cụ, y dược cùng mọi tiện nghi khác, xin Bậc Đại Giác hãy soi xét lòng thành của chúng con.
Người được sai đi vâng lãnh lời dặn, đem hết lòng thành thưa đầy đủ với Phật, rồi cúi đầu đảnh lễ sát đất để tỏ hết lòng cung kính Đức Phật, lại đứng lên nhiễu ba vòng quanh người, rồi đứng sang một bên.
Vì muốn làm lợi ích và an vui cho chúng sinh nên Đức Phật đã lặng yên tỏ dấu chấp nhận lời thỉnh cầu ấy. Vị sứ giả biết Đức Phật đã nhận lời, liền nhanh chóng quay xe về thành Xá-vệ gặp trưởng giả Cấp cô độc để báo rằng Đức Như Lai nghe lời thỉnh đã im lặng, chắc chắn người sẽ đến. Trưởng giả vui mừng chuẩn bị cờ lọng, hương hoa để nghênh tiếp Đức Phật.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các vị La-hán cùng rời thành Vương xá đến nước Xá-vệ, theo lời thỉnh của trưởng giả Cấp Cô Độc. Trên đường đi Đức Phật nhìn đại chúng và nói:
-Quyến thuộc của Ta là những người đã điều phục thân tâm, xa lìa tham dục, khéo giải thoát là bậc A-la-hán, đó là quyến thuộc của Phật. Thí như Ngưu vương ở trong đàn hoặc như Tượng vương có đàn voi vây quanh, vua Sư tử có đàn sư tử vây quanh, Nga vương có đàn ngỗng vây quanh, Kim sí vương có đàn Kim sí vây quanh; lại như học trò theo thầy, bệnh nhân tìm lương y, quân sĩ phò tướng lãnh, các thương gia theo vị thương chủ; cũng như vua Chuyển luân có ngàn người con vây quanh, Trì Quốc Thiên vương có các nhạc thần vây quanh, Tăng Trưởng Thiên vương có quỷ Cưu-bàn-trà vây quanh, Quảng Mục Thiên vương có Long chúng vây quanh, Đa Văn Thiên vương có Dạ-xoa vây quanh, mặt trời có ngàn tia sáng vây quanh, mặt trăng có các sao vây quanh, Đế Thích có Thiên chúng vây quanh, Phạm vương có Phạm chúng vây quanh, đến như loài cá Tất-đế-di ở trong biển, như Thần biển quy tụ mọi loài thủy tộc, thân của Như Lai có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp đầy đủ, trọn vẹn, ánh sáng trang nghiêm như ánh mặt trời rọi khắp nơi, bước đi vững vàng, trang nghiêm như ngọn núi báu, đầy đủ đức đại bi, mười lực, bốn vô úy... cùng tất cả các pháp.
Lúc bấy giờ Đức Thê Tôn, Đấng đã thành tựu mọi công đức, giải thoát hoàn toàn, cùng chúng Tăng vừa đi vừa hóa độ, dần dần đã đến nước Xá-vệ. Trưởng giả Cấp Cô Độc cùng các quyến thuộc và người hầu cầm tràng phan, bảo cái, hương hoa ra khỏi thành Xá-vệ rất xa để rước Đức Phật và Tăng đoàn, trăm ngàn người trong thành từ các vị trưởng giả đến nhân dân, nam nữ cũng đã đi theo ra thành đón Phật. Lại có vô số chư Thiên tại hư không hết lời ngợi khen. Khi Đức Thế Tôn vào thành, người dùng chân phải dẫm lên cổng thành, khiến cho đại địa hiện đủ sáu cách chấn động, phóng luồng ánh sáng chiếu khắp thế gian, trông trời tự nhiên kêu vang, các thứ hoa trời như hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-nại-la, hoa Câu-mẫu-na, hoa Bôn-nã-lí- ca, hoa Mạn-đà-la kiếp thọ... tuôn xuống như mưa và rải xuống các loại hương như trầm hương, chiên-đàn hương, ma-la hương; các loại nhạc cũng tự nhiên tấu lên. Những người mù thì được sáng, người điếc nghe được, người câm nói được, kẻ khuyết tật đều được lành lặn như xưa, kẻ đang say thì tỉnh, kẻ ăn uống trúng độc vẫn bình yên, những người thù ghét nhau trở nên hòa thuận, kẻ giam cầm được phóng thích, người có mang sinh nở vuông tròn, cho đến người nghèo có được của... Khi Đức Thế Tôn vào thành đã đem lại vô số việc tốt lành và lợi ích như thế.
Khi đến nhà của trưởng giả, Phật và đại chúng lần lượt an tọa. Mọi người trong nhà trưởng giả đều đến đốt hương, dâng hoa cúng dường. Lễ bái xong, trưởng giả tay bưng lư hương thỉnh Phật và đại chúng về tinh xá. Khi Phật và Thánh chúng đều đã an tọa, trưởng giả dùng bình vàng đựng nước đến rưới lên tay của Phật, nhưng nước trong bình không chảy ra, trưởng giả nghĩ: “Chắc trước đây ta gây nghiệp bất thiện gì chăng, sao nay lại có chuyện lạ này?” Đức Phật biết ý nghĩ của trưởng giả, liền nói:
-Không phải là ông đã gây nghiệp bất thiện, chỉ vì đất này, trong quá khứ ông đã từng làm tinh xá cúng dường cho Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác nay ông cũng làm việc ấy. Làm bố thí nhưng chớ để tâm, nếu lìa lòng chấp trước thì nước trong bình sẽ chảy ra.
Trưởng giả thưa:
-Nguyện đúng như Đức Phật dạy.
Nói xong, nước trong binh phát ra đủ năm thứ công đức. Sau khi đã rưới nước lên tay Phật, trưởng giả xin Đức Phật đặt tên cho ngôi tinh xá. Lúc ấy Thái tử Kỳ-đà đang có mặt trong lễ hội. Thái tử nghĩ: “Nếu Phật biết rõ sự việc thì chắc tên ta được nói đến trước.” Phật biết tâm ý của Thái tử nên đặt tên cho tinh xá là Kỳ thọ cấp cô độc viên. Thái tử nghe xong vui vẻ vô cùng, càng tin tưởng Phật, liền dùng các loại vật tứ bảo để trang trí cửa tinh xá. Ngôi tinh xá ấy do vậy mà có tên là Kỳ thọ cấp cô độc tinh xá.
Bấy giờ vua nước Xá-vệ là Thắng Quân đại vương nghe Đức Phật đã du hóa đến nước mình theo lời thỉnh cầu của trưởng giả Cấp Cô Độc và đang tại tinh xá, nên rất vui mừng liền đến đảnh lễ, khen ngợi Phật rồi ngồi sang một bên và thưa với Ngài:
-Tôi nghe nói Sa-môn cồ-đàm biết được tướng của tâm, đã chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thưa Sa-môn cồ- đàm, như pháp đã nói tâm có tà, chánh, thiện, ác, nhưng tướng của tâm là không đến, không đi, không thể biết, không thể nói. Đó là pháp rất sâu xa, làm sao thấu tỏ được?
Đức Phật đáp:
-Điều vua nói thật là chân thật. Tâm kia cũng gọi là tà, cũng gọi là chánh, cũng làm nên thiện, cũng làm nên ác, nhưng tướng của tâm là không đến, không đi, không thể biết cũng không thể nói. Điều đó rất sâu xa, nhưng Ta biết được tâm ấy và đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Vua nói:
-Thưa Sa-môn cồ-đàm, sao Ngài nói thế? Có những vị tu hành lâu năm như Ca-diếp Ma-ta-lê, Ngu-xá-ly tử, Tán-nhạ-duệ-vĩ-la-trí tử, A-nhĩ-đa-kế-xá-kiếm-mạt-la-ca, Câu-na-ca-đán-dã-nẵng, Nễ-nga- da-đà-nghê-dã-đế Tử... các vị ấy cũng biết được tướng của tâm mà còn chưa chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tại sao Sa-môn còn trẻ, lại mới xuất gia mà nói là đã chứng được?
Đức Phật nói:
-Thưa Đại vương, Đại vương chớ nói như thế. Ở đời có bôn việc không nên xem thường. Bốn việc ấy là gì? Một là con vua, hai là rồng nhỏ, ba là đốm lửa nhỏ, bốn là vị Tăng trẻ. Vì sao? Bởi vì vị Thái tử nhỏ bé thuộc dòng Sát-đế-lợi có đầy đủ đại phước đức của bậc đế vương khi trưởng thành sẽ có lúc nối ngôi, kẻ ngu si vô trí cho là nhỏ nên khinh thường đến khi Thái tử lên ngôi sẽ mang tội không kịp hối hận. Rồng là loài ác có thể biến hình to nhỏ bất thường, người ngu không biết tỏ ra khinh mạn, xúc phạm nó tất bị nó làm hại. Đốm lửa tuy nhỏ nhưng có thể đốt cháy tất cả, không nên thấy nó nhỏ mà xem thường, có ngày nó sẽ thiêu rụi cả khu rừng, xóm làng. Vị Tăng trẻ biết tu tập, tự giữ gìn phạm hạnh thanh tịnh, dù tuổi còn trẻ nhưng vẫn có thể chứng quả tối thượng, không nên xem thường, bởi vì việc giác ngộ, chứng quả không dựa vào già hay trẻ, sang hay hèn. Người đời vô trí không phân biệt được, kẻ phàm bậc thánh, gặp bậc A-la-hán mà hủy báng sẽ lãnh lấy tội báo như cây Đa-la bị chặt không thể mọc lại được nữa. Kẻ ấy dù siêng năng sám hối cũng không thể tiêu tội được.
Vua Thắng Quân nghe Đức Phật nói bốn điều ấy, trong lòng tin tưởng, ăn năn những lời đã nói, liền cúi đầu đảnh lễ sám hối với Phật, đi nhiễu quanh Ngài rồi hoan hỷ lui ra.
Đức Thế Tôn sau khi hóa độ một số người ở nước Xá-vệ, liền nghĩ muốn trở về thành Ca-tỳ-la. Vua Thắng Quân sau khi được Đức Phật hóa độ, đã quyết lòng quy hướng Tam bảo, vua liền cho sứ đem thư đến vua Tịnh Phạn báo tin: “Vị Thái tử của ngài là Tất-đạt-đa đã chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chúng sinh trong thế gian này hay ngoài thế gian đều được ân tế độ.” Vua Tịnh Phạn đọc thư xong liền nghĩ: “Tuy con ta đã thành đạo Chánh giác là điều đáng mừng, nhưng nếu sai sứ đi mời thì sứ giả chắc lại xuất gia theo Phật.” Do đó vua cứ mãi nghĩ ngợi. Lúc ấy thì có vị đại thần tên Ô-na-duệ-nẵng thấy vua như thế bèn hỏi:
-Tâu Đại vương, sao người có vẻ đăm chiêu không vui vậy?
Vua nói:
-Ta chẳng phải không vui mà đang có điều suy nghĩẽ.Vua Thắng Quân mới gửi thư báo cho biết Thái tử đã chứng quả Chánh đẳng Chánh giác, hiện có hàng ngàn đệ tử chứng quả A-la-hán, đang ngụ ở nơi tinh xá của ông Cấp Cô Độc tại nước Xá-vệ. Ta muốn cho sứ đến mời, nhưng nghĩ lại ngày xưa khi Thái tử tu khổ hạnh, ta đã cho người theo tìm giúp đỡ, nhưng rồi những người ấy không trở về, nay cho người khác ra đi e rằng cũng lại không về, bởi vì Tất-đạt-đa là bậc thông minh, trí tuệ hơn người, hễ nói ra thì ai cũng tin yêu. Đó là điều ta đang suy nghĩ.
Ô-na-duệ-nẵng tâu vua:
-Nay thần xin đi, xin nhà vua chớ lo nghĩ.
Vua nói:
-Chỉ có ngươi là ta tin tưởng, nếu ngươi đi chắc là được việc.
Vua liền tự tay viết thư cho Phật, thư viết rằng. “Này Nhất Thiết Nghĩa Thành, con thân yêu của ta, con vì chán phiền não, bỏ nước xuất gia để cầu được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nay nghe đã thành đạo, giáo hóa chúng sinh, ta ngày đêm thương nhớ không nguôi. Nay người khác được an vui, chỉ có ta là đau khổ, giống như đại thọ do đất sinh ra, đã có rễ cành, cuối cùng là mong được ăn quả. Nay con đã mãn nguyện, hãy nhớ lời xưa là nếu không chứng quả Bồ-đề nguyện không trở về thành Ca-tỳ-la-vệ. Nay nguyện đã thành, hãy nghĩ đến ta và quyến thuộc.”
Ô-na-duệ-nẵng nhận thư vua, liền đi nhanh đến nước Xá-vệ, vào tinh xá đến chỗ Đức Phật, thưa:
-Bạch Thế Tôn, phụ vương của Ngài là vua Tịnh Phạn gửi thư cho Ngài.
Nói xong dâng thư lên. Đức Phật nhận thư mở ra đọc và im lặng một hồi lâu. Ô-na-duệ-nẵng bạch Phật:
-Nay thỉnh Đức Thế Tôn trở về thành Ca-tỳ-la.
Đức Phật nói:
-Ta sẽ đi.
Ô-na-đuệ-nẵng liền gieo năm vóc sát đất, cung kính lễ Phật, lại thưa với Ngài:
-Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đi thì không nói gì, nhưng nếu Ngài không đi thì con sẽ kiên trì cầu thỉnh cho đến lúc Ngài chấp thuận.
Đức Phật vì Ô-na-duệ-nẵng nói kệ:
Tịnh nhãn Phật thấy rõ
Mắt của Bậc Vô Trước
Thấy mênh mông vô hạn
Sao ông lại phải về!
Phật nhãn thấy vô biên
Tham ái không đắm nhiễm
Sức tinh tấn không dời
Sao ông bảo phải đi
Nếu lòng người không loạn
Không cần hàng phục tâm
Trí vô biên không bước
Sao ông cố quay về.
Nếu ông đã đạt hàng phục tâm
Tâm ấy không gì không hàng phục
Như Phật tinh tấn bước vô cùng
Ông dùng bước nào cố đòi đi!
Ô-na-duệ-nẵng bạch Phật:
-Con có thể đem bài kệ này về cho vua được không?
Đức Phật nói:
-Ta không có ý đó.
Vị đại thần bèn hỏi:
-Nếu không phải như vậy thì ý đó như thế nào?
Đức Phật nói:
-Ta chỉ muốn ông xuất gia.
Vị ấy bảo:
-Trước đây con đã giao ước với vua là nếu gặp được Phật thì nhất định phải trở về.
Đức Phật nói:
-Ngươi không trái lời giao ước. Nếu ông xuống tóc, nhuộm áo cũng không có gì ngăn ngạiông trở về, muốn về thì cứ về. Ô-na-duệ-nẵng nói:
-Bạch Thế Tôn, khi Ngài còn là Bồ-tát con còn theo như lời cha mẹ, thầy học. Con nay sao dám không y lời dạy. Nay con muốn xuất gia, xin Đức Phật cứu độ.
Đức Phật liền độ cho ông ta xuất gia và dạy:
-Ô-na-duệ-nẵng, nay ông có thể trở về được. Khi về đến thành, không nên vào cung liền, nên đứng ngoài cửa thành nhờ người báo cho vua. Nếu vua hỏi tên gì thì xưng là Tỳ-kheo của Phật Thích-ca, khi vua cho mời vào cung thì mới vào cung. Nếu vua hỏi ông thật sự là đệ tử Tỳ-kheo của Phật Thích-ca thì hãy trả lời là đúng thật như vậy. Nếu vua hỏi Thái tử Nhất Thiết Nghĩa Thành hiện nay cũng có hình dáng giống ngươi sao, thì đáp là giống như vậy. Lại khi vua hỏi Thái tử Nhất Thiết Nghĩa Thành có về không thì nói là có về, hỏi bao giờ về thì thưa là bảy ngày nữa. Nói xong ông nên đi ra, vua có yêu cầu ở lại cũng không nên ở lại. Vua có hỏi là Nhất Thiết Nghĩa Thành về có ở trong cung không thì đáp là không ở, nếu hỏi ở đâu thì trả lời là ở nơi núi rừng hoặc ở tinh xá. Nếu vua hỏi tại sao gọi là tinh xá thì thuật lại câu chuyện về tinh xá Kỳ thọ Cấp cô độc thật đầy đủ cho vua nghe.
Đức Phật dặn dò xong, Ô-na-duệ-nẩng toan đi, Đức Phật lại bảo:
-Vua chỉ một lời thì được giàu sang, chư Thiên khởi tâm niệm thì mọi việc đều thành công, tất cả bậc Thánh đều như thế.
Nói xong, Đức Phật dùng thần lực trong chốc lát đã đưa Ô-na-duệ-nẵng về thành Ca-tỳ-la.
Theo lời Phật dạy, Ô-na-duệ-nẵng giữ chánh niệm về đến ngoài cung thì dừng lại, đứng trước cửa thành bảo người gác cửa tâu với vua:
-Ông hãy vào tâu vua rằng có Bí-sô của Đức Thích-ca đến ngoài cửa cung mà không vào.
Vua nghe tâu liền truyền lệnh gọi vào. Ô-na-duệ-nẵng mới vào, vua Tịnh Phạn vừa thấy liền vô cùng ngạc nhiên, hỏi:
-Này Ô-na-duệ-nẵng, ông xuất gia rồi sao?
Đáp:
-Thần đã xuất gia.
Vua hỏi:
-Lúc đi Ông đã nói gì với ta?
Đáp:
-Thần đã vâng lệnh truyền của bệ hạ, vốn không có ý xuất gia nhưng uy lực của Đức Thế Tôn đã khai hóa nên thần đã biết rõ Đức Phật khó gặp, Phật pháp khó được nghe. Đức Phật là Thái tử mà còn bỏ ngôi huống chi kẻ bầy tôi nhỏ mọn này sao lại ham chức tước?
Lời vua như trách cứ, nhưng lòng vua không giận, lại thấy ông ta tướng mạo oai nghi rất trang nghiêm nên không đối xử như một bầy tôi mà bảo lên điện, cầm tay an ủi và truyền bảo cận thần sửa soạn chỗ ngồi, mời uống nước ăn trái cây.
Ô-na-duệ-nẵng lúc ấy có uy nghi khác tục, cử chỉ đúng phép tắc, lời nói rất rõ ràng, chí tình chí lý. Vua thấy Ô-na-duệ-nẵng xuống tóc thay y phục, nói chuyện hồi lâu mà quên hỏi về Thái tử, cho đến lúc ấy mới hỏi:
-Con ta, Nhất Thiết Nghĩa Thành cũng có thân tướng uy nghi như thế này sao?
Đáp:
-Bệ hạ đem tôi sánh với Phật thì chẳng khác nào hạt cải so với núi Tu di, như vết chân trâu so với biển cả, như ánh sáng nơi cửa sổ mà so với ánh sáng mặt trời.
Vua nghe những lời đó, nhớ đến Thái tử, bỗng nhiên sinh ra sầu muộn đến nỗi hôn mê, ngã lăn ra đất. Vị cận thần vội lấy nước lau mặt cho vua. Hồi lâu vua tỉnh lại liền hỏi:
-Con ta có về không?
Đáp:
-Sẽ về.
Vua hỏi:
-Bao giờ về?
Đáp:
-Bảy ngày nữa.
Vua lập tức truyền lệnh dọn quét, trang hoàng cung điện để đón Thế Tôn và chư Thánh chúng. Ô-na-duệ-nẵng tâu:
-Khi Thế Tôn về, Ngài sẽ không ở trong cung.
Vua hỏi:
-Phật muốn ở nơi nào?
Đáp:
-Nếu Ngài không nơi núi rừng thì sẽ ở trong tinh xá.
Vua hỏi:
-Sao gọi là tinh xá?
Ô-na-duệ-nấng lần lượt nói về tinh xá Kỳ thọ cấp cô độc cho vua biết:
-Tinh xá có mười sáu phòng lớn, sáu mươi phòng nhỏ. Thế Tôn ngự ở giữa, Thánh chúng ở bôn bên, những vật dụng luôn đầy đủ.
Vua Tịnh Phạn nghe xong lập tức sai quan quân lên rừng Nhĩ-dã-nga-lỗ-đà ngay ngày hôm đó khởi công xây cất tinh xá như tinh xá ở vườn Cấp Cô Độc, dùng nhiều vật dụng quý để trang hoàng.
Đến ngày, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Mục-kiền-liên:
-Ông hãy báo với tất cả Tỳ-kheo nay Ta muốn trở về thành Ca-tỳ-la, mỗi Tỳ-kheo nên mặc ca-sa nghiêm trang, mang bát để cùng đi. Ai còn cha mẹ, thân quyến thì có thể về hóa độ làm lợi lạc cho họ.
Tôn giả Mục-kiền-liên vâng lời Đức Phật giáo huấn, thông báo lời Phật dạy cho tất cả các vị A-la-hán để chuẩn bị lên đường.
Lúc ấy Đức Phật và đại chúng rời tinh xá cấp cô độc, đi về hướng thành Ca-tỳ-la theo lời thỉnh của phụ vương. Các vị La-hán nối bước trang nghiêm theo sau Đức Phật. Đức Phật quay lại nhìn các đệ tử và dạy:
-Thân quyến của Ta là những vị đã điều phục thân tâm, xa lìa tham dục, được giải thoát, chứng quả A-la-hán. Đó là quyến thuộc của Phật, giống như Ngưu vương giữa đàn trâu, Tượng vương có đàn voi vây quanh, Sư tử vương có đàn sư tử vây quanh, Nga vương có đàn ngỗng vây quanh, Kim sí vương có đàn kim sí vây quanh, cũng như học trò theo thầy, bệnh nhân tìm lương y, quân lính theo vị tướng lãnh, người đi buôn theo chủ, lại cũng như vua Chuyển luân có ngàn người con vây quanh, Trì Quốc Thiên vương có thần âm nhạc vây quanh, Tăng Trưởng Thiên vương có quỷ Cưu-bàn-trà vây quanh, Quảng Mục Thiên vương có chúng rồng vây quanh, Đa Văn Thiên vương có quỷ Dạ-xoa vây quanh, mặt trời có ngàn tia sáng vây quanh, mặt trăng có ngàn ngôi sao vây quanh, Đế Thích có Thiên chúng vây quanh, Phạm vương có Phạm chúng vây quanh, cho đến loài cá Tất-đế-di ở giữa biển, như Thần biển thu phục các loài thủy tộc. Thân Như Lai có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đầy đủ trọn vẹn mọi mặt, ánh sáng trang nghiêm như mặt trời chiếu soi tất cả các nơi, bước đi hùng dũng, vững vàng như quả núi báu, có đầy đủ tất cả các pháp đại bi, mười lực, bốn vô úy...
Bấy giờ Đức Thế Tôn cùng Thánh chúng vừa đi vừa hóa độ trên đường về thành Ca-tỳ-la. Cách kinh thành không xa có con sông Lỗ-hạ-ca. Lúc đó vua Tịnh Phạn, hoàng tộc và các quan lớn nhỏ đều ở bên bờ sông chuẩn bị cờ phan, lọng báu, tấu nhạc, đốt hương, rải hoa chờ đón Thế Tôn. Từ bờ sông Lỗ-hạ-ca đến rừng Nhĩ-giã-lỗ-đà, trong và ngoài thành đều được vua ra lệnh dọn dẹp sạch sẽ, rưới nước thơm, đốt hương trên từng đoạn đường để chờ nghinh đón Đức Thế Tôn. Dân chúng trong thành Ca-tỳ-la từ sang hèn, già đến trẻ, trai gái đều cầm hương hoa đứng hai bên đường để chờ đón cúng dường Đức Phật, bàn tán với nhau Thế Tôn trước đây là Thái tử nay đã thành Phật. Họ vô cùng vui mừng muốn chiêm ngưỡng oai nghi phạm tướng của người. Trong dân chúng có người thắc mắc, thầm nghĩ: “Không biết cha con gặp nhau sẽ chào hỏi thế nào? Nếu con lạy cha thì chẳng khác nào ở đời, nếu cha lạy con thì theo quốc lễ không có. Thái tử tu tập khổ hạnh thành Phật chắc phải khác người thế gian.”
Dân chúng đứng chật cả lối đi. Khi Đức Phật và Thánh chúng sắp đến gần sông, biết vua và mọi người đang ở đấy, Đức Phật nghĩ: “Nay phụ vương, thân quyến và mọi người trong thành Ca-tỳ-la đều cho rằng Ta lúc đi tu có trăm ngàn chư Thiên theo hộ vệ xung quanh đưa tiễn, vượt hư không đến Tuyết sơn tu hành. Nay Ta đắc đạo trở về mà lại đi bộ thì thật là không hợp. Ta nên thị hiện thần thông để phụ vương thấy và cũng làm cho mọi người vui thích.” Khi thấy phụ vương, quyến thuộc và nhân dân muốn chạy đến đón, Đức Phật liền nhập định, hiện thân ở trên hư không phía Đông với bốn tướng oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi; trên thân hóa nước, dưới thân hóa lửa; hoặc ngược lại, từ thân phóng ra hào quang đủ năm màu xanh, đỏ, trắng, vàng và hồng xen nhau, giống như ánh sáng đi qua quả cầu pha lê trong suốt ở cõi hư không các phương Nam, Tây, Bắc, Đức Phật đều hiện thân như thế. Các vị Tỳ-kheo, mỗi người đều thị hiện thần thông hóa thân cao vut hơn bảy lần cây Đa-la. Đức Phật ở giữa chúng Tỳ-kheo cũng hóa hiện như vậy. Hóa thân của các Tỳ-kheo cao thâp không đều, có vị cao sáu lần cây Đa-la, có vị cao năm lần cây Đa-la, cũng có các vị chỉ cao bốn lần, ba, hai, một lần cây Đa-la, nhưng Đức Phật bao giờ cũng hiện rõ cao hơn mọi người. Sau khi hóa hiện xong, Đức Phật và Thánh chúng tự nhiên biến mất, trong khoảnh khắc lại hiện về chỗ cũ. Vua và mọi người càng tăng thêm lòng kính tín, liền tiến đến để đón tiếp. Vua thấy đại chúng đều mặc ca-sa, hình tướng giống nhau không sao nhận ra ai là Đức Thế Tôn, ai là đệ tử. Ô-na-duệ-nẵng liền đưa vua đến trước Phật. Vua gặp Thế Tôn nhưng trong lòng vẫn còn coi Phật là con. Ô-na-duệ-nẵng nói với vua:
-Như Lai đã dứt mọi phiền não, tâm tự tại như mặt trời nơi hư không chiếu khắp mọi nơi, tu tập theo chân như, chứng quả Toàn giác tối thượng, có đầy đủ Thập lực và Nhất thiết trí, tướng tốt tỏa ánh sáng làm lợi ích cho muôn loài, xin vua nên cung kính cầu Thánh đạo.
Vua nghe lời ấy liền tỉnh ngộ, tin tưởng cung kính lễ Phật rồi nói kệ:
Khi sinh đại địa đều rung động
Bóng cây che thân không chuyển dời
Lại dùng tuệ nhãn quán chúng sinh
Ta nay hết lòng xin kính lễ.
Lúc ấy trong số thân quyến họ Thích, có người thấy vua lễ Phật, liền nói với nhau:
-Đức Thế Tôn đi ngược với đạo lý ở đời thì làm sao hóa độ chúng sinh được?
Vua nghe những lời ấy liền nói với mọi người:
-Các người há không nghe việc Tất-đạt-đa khi vừa sinh ra là đại địa đã chấn động theo sáu cách, ánh sáng chiếu khắp toàn thể thế gian đến tận những nơi tối tăm, không có nguồn sáng nào chiếu tới. Ánh sáng oai đức ấy không gì sánh bằng, chiếu đến chốn tối tăm, những chúng sinh đã tạo ác nghiệp ở trong ấy bỗng nhiên do ánh sáng đó nhìn thấy được nhau, đều thắc mắc: “Vì sao ở đây lại có chúng sinh?.” Ngay lúc ấy ta đã lễ Thái tử rồi. Trước lúc xuất gia, Tất-đạt-đa đã đến ngồi tham thiền dưới bóng cây Thiệm-bộ, nội tâm thanh tịnh, vô dục, xa rời các pháp bất thiện, đoạn trừ tất cả niệm phân biệt, nghi hoặc, lạc trú trong định tịch tĩnh vô tránh. Mọi bóng cây trong rừng đều di chuyển theo ánh mặt trời, riêng bóng cây Thiệm-bộ vẫn ở yên một chỗ để che cho Người. Lúc đó, ta thấy việc lạ kỳ nên đã lễ dưới chân của Thái tử. Nay ta lễ Phật lần thứ ba chính vì người là Bậc Giải Thoát.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 13 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Thắp ngọn đuốc hồng


Kinh Phổ Môn


Phật giáo và Con người


Hai Gốc Cây

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.17.155.142 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập