Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Quyển 11
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi vua Dân-di-ta-la:
-Vua xem sắc là thường còn hay không thường còn?
Vua đáp:
-Không thường còn.
Đức Phật hỏi:
-Là khổ hay không khổ?
Vua đáp:
-Là khổ.
Đức Phật lại hỏi:
-Các uẩn khác thọ, tưởng, hành, thức có thường còn không? Có khổ không?
Vua đáp:
-Là không thường còn, là khổ.
Đức Phật dạy:
-Sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là vô thường, là khổ, là pháp điên đảo tất cả chúng đều vô ngã.
Đức Phật lại bảo nhà vua:
-Thưa Đại vương, Đại vương hãy dùng trí tuệ chân chánh quán sát kỹ sự thật này. Đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức có quá khứ, hiện tại và vị lai không? Có trong thân hay ngoài thân, là thô hay tế, có tính sang hay hèn, ở xa hay ở gần?
Vua đáp:
-Bạch Thế Tôn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức không có quá khứ, hiện tại và vị lai, cũng không ở trong thân hay ở ngoài thân, không thô cũng không tế, không sang cũng không hèn, không ở xa cũng không ở gần.
Đức Phật nói:
-Quý hóa thay! Đại vương, nếu biết rõ như thật năm uẩn là vô thường, khổ, vô ngã và dùng chánh trí để quán niệm sẽ biết rõ năm uẩn không có quá khứ, hiện tại hay vị lai cho đến không có tính trong, ngoài, trên, dưới, sang, hèn, to, nhỏ... lại không chấp trước, không xả bỏ, đó mới thật sự là giải thoát. Này Đại vương, người được giải thoát như vậy là người có trí tuệ giải thoát, đã thành tựu Phạm hạnh, mọi việc cần làm đã làm xong, đã tận diệt tái sinh, vĩnh viễn không còn rơi vào vòng luân hồi nữa.
Nghe những lời Phật dạy, vua Dân-di-ta-la cùng tám vạn chúng gồm trời, người đều lìa xa trần cấu, đạt pháp nhãn tịnh. Cả những người Bà-la-môn, trưởng giả và dân chúng gồm một trăm ngàn người cũng đều lìa khỏi mọi cấu uế và đạt pháp nhãn thanh tịnh. Nhà vua đã đạt chân tri kiến và nguyện một lòng giữ gìn, dứt mọi tham ái, không còn nghi hoặc, lòng tin vững bền, bèn đứng lên trịch áo, bày vai bên phải chắp tay bạch Phật:
-Bạch Thế Tôn, lòng con hoàn toàn tin theo Phật, Pháp và chư Tăng, quyết giữ giới của người cận sự, mãi mãi không sát sinh. Nay con xin cung thỉnh Đức Thế Tôn hãy ở lại nơi nước chúng con, để chúng con có thể cúng dường Phật và chư Thánh chúng mọi thứ như các thứ ăn uống, giường nằm, thuốc men chữa bệnh, không bao giờ để thiếu, cho đến trọn đời.
Đức Phật yên lặng chấp nhận. Được Phật chấp nhận vua Dân-di-ta-la vô cùng vui mừng, liền đảnh lễ Phật, nhiễu quanh người rồi lui ra.
Bấy giờ các vị Tỳ-kheo thấy vua Dân-di-ta-la nghe Đức Phật thuyết pháp liền được viễn ly trần cấu, đạt pháp nhãn thanh tịnh ngay khi chưa rời khỏi chỗ ngồi, nên có ý thắc mắc: “Vì sao nhà vua vừa được gặp Phật, nghe pháp lập tức chứng năm pháp nhãn thanh tịnh, từ bỏ trần cấu?.” Đức Phật biết điều ấy bèn dạy:
-Này các Tỳ-kheo, vua Dân-di-ta-la trong quá khứ đã từng làm những điều thiện lớn nên ngày nay hưởng được quả. Nay làm thân người, vua có đầy đủ mọi phước đức đều do nhân quả cảm ứng từ quá khứ. Này các Tỳ-kheo, đất, nước, gió, lửa khi đã hợp rồi thì năm uẩn, sáu căn tất cả xấu tốt đều tùy thuộc vào nghiệp thiện, ác của chúng sinh mà đều có quả báo.
Điều chúng sinh đã làm
Lành dữ trải trăm kiếp
Nghiệp nhân không thể hoại
Cuối cùng thọ quả báo.
Này các Tỳ-kheo, trong đời quá khứ có Đức Phật ra đời hiệu là A-la-nẵng-tỳ với đủ mười tôn hiệu, là Đạo Sư của trời người. Sau khi duyên hóa độ đã mãn, Đức Phật vào Niết-bàn, các đệ tử thu xá-lợi rồi chọn nơi thanh tịnh lập tháp, dùng đủ các loại hương thơm hoa quý để cúng dường.
Trải qua một thời gian dài, sau đó, có vị Chuyển luân thánh vương ra đời, hiệu là Yết-lý-kế, có đến mười tám câu-chi quân lính, vua thường cùng quân lính bay trong không trung để tuần thám, mỗi lần như vậy đều có bảy thứ báu đi trước. Ngày kia, vua và quân lính đang đi tuần trên không, thì bỗng không đi tới được nữa, vua bèn nghĩ cho là phước báo của mình đã hết nên mới như thế. Liền đó, có vị thần trong không trung thưa: “Tâu Đại vương, không phải là ngài hết phước mà vì bên dưới có tháp thờ xá-lợi của Đức Phật A-la-nẵng-tỳ, nên ngài không thể đi tới được nữa.”
Vua Yết-lý-kế và mười tám câu-chi quân lính liền cùng hạ xuống đến chỗ tháp Phật, rồi cùng những thân thuộc dùng áo vải tốt lau chùi tháp ấy sạch sẽ, rải hoa, đốt hương, tấu nhạc để cúng dường, lễ tháp Phật và phát lời nguyện: “Từ công đức hôm nay, xin được hưởng quả đời sau.”
Này các Tỳ-kheo, các ông nghĩ sao? Vua Yết-lý-kế và quyến thuộc ngày trước chính là vua Dân-di-ta-la và quyến thuộc của nhà vua hiện nay. Vì công đức cúng dường tháp Phật A-la-nẵng-tỳ thời ấy mà vua Dân-di-ta-la đã được hưởng phước báo an vui ở cõi trời và cõi người, trải qua trăm ngàn ức kiếp và cũng từ sức thệ nguyện ấy mà nay gặp Ta rồi cúng dường, công đức này so với việc cúng dường tháp Phật ngày xưa bằng nhau không khác. Này các Tỳ-kheo, tất cả chúng sinh kẻ nào gây nghiệp ác đều có quả báo dữ, gây nghiệp thiện thì mới được hưởng phước lành, kẻ gây tạp nghiệp thì cũng như thế. Tạo nhân nào sẽ được quả nấy, luật nhân quả này, các thầy Tỳ- kheo cần phải biết và hãy vì chúng sinh mà giảng nói.
Bấy giờ các vị Tỳ-kheo trong chúng hội thấy vua Dân-di-ta-la nghe pháp mà được viễn ly trần cấu, lại được nghe Đức Phật giảng về việc làm trong quá khứ của vua liền hiểu rõ, nhưng lại thắc mắc về việc Đức Phật hiện thần thông để giáo hóa Tôn giả Ô-lỗ-vĩ-loa đắc đạo, nhưng đốivới Nẵng-đề và Nga-da thì Đức Phật chỉ thuyết pháp mà hai vị ấy được chứng quả. Họ đem điều thắc mắc ấy bạch Phật. Đức Phật dạy:
-Hễ gây nhân thì có quả, điều đó không sai. Trong tiền kiếp, vào thuở loài người sống hai vạn tuổi, có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp với đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Đức Ca-diếp cũng ở vườn Lộc dã nước Ba-la-nại mà hóa độ chúng sinh. Khi nhân duyên đã mãn, Phật vào Niết-bàn. Lúc ấy có vị vua tên là Yết-lý-kế thường cung kính cúng dường Phật. Khi Đức Phật Ca-diếp nhập diệt, vua dùng các loại gỗ thơm làm lễ trà tỳ, dùng nước thơm dập tắt lửa, thu xá-lợi đặt vào trong bình tứ bảo, rồi chọn nơi thanh tịnh để lập tháp, tháp ấy cao đến một do-tuần, vua và nhân dân thường đến cúng dường. Khi đó, có một trưởng giả trong nước giàu sang sánh ngang với vị Thiên vương Tỳ-sa-môn, quyến thuộc đông đảo và sống an vui, kết bạn với một trưởng giả thuộc một dòng họ khác và cũng thường cúng dường tháp Phật. Sau đó trưởng giả cưới vợ và sinh được ba người con trai. Khi trưởng giả già lâm bệnh rồi qua đời, ba người con dùng lễ chôn cha nơi Thi lâm, thương nhớ công ân của cha khiến ngày đêm họ khóc mãi, lại nghĩ nhà mình giàu có nên cùng nhau bàn luận tìm cách làm phước để cứu độ vong linh của cha. Người anh cả tánh tình bỏn sẻn, từ trước tới nay chưa hề biết làm việc thiện nên hơi tiếc của, nghe bố thí làm phước thì do dự, nhưng vì chữ hiếu sau cùng chấp nhận. Người anh nói: “Cúng dường xong, còn thì chia nhau thọ dụng.”
Hai người em vâng chịu, liền dùng vàng bạc của cải đến chỗ tháp Phật, dùng hình thức cúng dường tối thượng, rồi phát lời, thệ nguyện: “Do căn lành này trong tương lai chúng con sẽ được sinh vào dòng tộc mang họ Ca-diếp của Đức Phật, lại gặp được Đức Phật ra đời, được nghe pháp, tin hiểu pháp và được giác ngộ.” Phát nguyện xong, họ lễ bái, nhiễu quanh tháp và trở về. Do đó, mà nay ba vị ấy có họ Ca-diếp, rồi gặp Ta xuất gia thành Sa-môn, nghe được chánh pháp liền chứng quả A-la-hán. Này các Tỳ-kheo, việc Ô-lỗ-vĩ-la lúc đầu ông ấy khó cảm hóa, Ta phải dùng phương tiện thần thông để giác ngộ là vì ngày xưa khi bố thí, ông ấy còn hơi do dự nên nay như thế. Hai ông Nẵng-đề và Nga-da dễ hóa độ, nghe pháp liền được giác ngộ, vì kiếp xưa khi làm việc bố thí tâm hồn họ trong sáng, vui vẻ. Này các Tỳ-kheo, do lời nguyện xưa nên nay Ô-lỗ-vĩ-la, Nẵng-đề và Nga-da đều mang họ Ca-diếp, làm anh em với nhau, được gặp Ta, nghe pháp và chứng quả. Đó là những việc về đời quá khứ của ba anh em Ca-diếp.
Sau khi giảng rõ về quá khứ của anh em Ca-diếp xong, Đức Phật cùng Thánh chúng rời khu Trượng lâm hướng về thành Vương xá. Được một đoạn, Đức Phật dừng lại nơi khu đất cách thành không xa. Vua Dân-di-ta-la biết Đức Phật đến gần, muốn lập tinh xá để Đức Phật và chúng Tăng an trụ tu tập lâu dài ở đây.
Lúc vua còn là Thái tử thường ra ngoài thành dạo chơi, gần thành có một khu vườn cây cối xanh tươi, mát mẻ, lại có suối ao trong sạch, bốn mùa hoa cỏ tốt tươi. Thái tử thích cảnh ấy nên hỏi mua, người chủ vườn cậy mình già lão, lại giàu có nên Thái tử nói mấy ông cũng không bán, lại còn nói:
-Tôi thà rời khỏi nước này chứ không rời khu vườn đó.
Thái tử nghe thế bèn nói với người hầu cận:
-Ông lão này nói năng không khiêm tốn gì cả. Nếu ta được nối ngôi vua sẽ không bỏ qua việc này.
Sau khi vua cha Ma-ha-bát-nạp-ma qua đời, Thái tử lên ngôi hiệu là Dân-di-ta-la, nhớ lại việc xưa nên sai quân đến chiếm khu vườn ấy, ông trưởng giả kia do đó buồn rầu phát bệnh mà chết. Vị trưởng giả ấy chết rồi mà lòng uất hận không nguôi nên đầu thai làm con rắn độc ở tại khu vườn đó để chờ dịp báo oán.
Ngày kia, nhân tiết xuân, vua cùng cung tần đến dạo chơi nơi vườn ấy. Vì vui chơi mỏi mệt nên vua bèn ngủ lại trong vườn. Rắn độc thấy dịp báo thù đã đến, liền ra khỏi hang muốn đến mổ vua. Lúc ấy các cung tần còn dạo chơi, bên vua chỉ có một người lính cầm kiếm đứng hầu. Khi đó có con chim Ca-lan-na-ca thường ăn uống bay lượn trọng vườn, thấy rắn xuất hiện liền kêu vang lên, người lính hầu nhìn ra thấy rắn độc bò đến bèn vung gươm giết chết. Đàn chim lại kêu lên inh ỏi khiến vua tỉnh giấc. Vua hỏi người hầu việc gì huyên náo như vậy. Người lính hầu thuật việc rắn độc định vào cắn nhà vua, chim Ca-lan-na-ca kêu vang nên đã kịp thời giết chết rắn. Vua nghe việc đó hoảng sợ, lông tóc dựng đứng, liền cho triệu Thái tử và các đại thần bàn về việc ấy. Vua hỏi:
-Theo tục lệ xưa nay, khi vua bị nạn có người cứu mạng được phải thưởng thế nào?
Vị đại thần tâu:
-Người cứu mạng sống của vua có thể được thưởng nửa lãnh thổ của nước.
Vua chuẩn tấu, chia phân nửa vương quốc để thưởng công cho chim. Nhưng vị đại thần lại tâu:
-Ca-lan-na-ca là loài chim, vậy chia đất đai cho chúng làm gì?
Vua hỏi:
-Thế thì phải làm sao?
Vị đại thần tâu:
-Nơi chim thường làm tổ, ta cho trồng nhiều trúc để chúng ở và truyền lệnh không cho kẻ nào được làm hại chúng.
Vua nghe theo, liền chọn một khu đất bên ngoài vườn hoa kia rồi cho trồng nhiều trúc để chim Ca-lan-na-ca có nơi trú ngụ yên ổn và lệnh cho người canh giữ không để ai làm hại chúng.
Bấy giờ vua có người cậu tu theo đạo tiên, muốn tìm nơi yên tỉnh để tu tập. Vua cho vào ở tạm khu rừng trúc đó, nhưng khi thấy Đức Thế Tôn cùng Thánh chúng đang nghỉ dưới cội cây nơi khu đất trống, nhà vua liền nảy ý định lập tinh xá nơi vườn trúc Ca-lan-na-ca. Nghĩ thế nên vua liền lên xa giá tự đến chỗ Phật, đến nơi vua lễ Phật rồi đứng sang một bên.
Đức Phật bèn dùng phương tiện khéo léo giảng cho vua nghe khiến vua vô cùng hoan hỷ. Đức Phật khuyên vua nên tinh tấn tu tập để cầu đạt an lạc tối thượng. Vua cúi đầu vui vẻ tuân theo và từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai bên phải, chắp tay bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, nay con xin thỉnh Phật và Thánh chúng ngày mai vào cung để chúng con cúng dường mong Phật từ bi chấp nhận.
Đức Phật yên lặng tỏ ý nhận lời. Nhà vua biết Đức Phật đã nhận lời nên vô cùng hoan hỷ, đảnh lễ rồi trở về cung.
Về đến triều, vua truyền lệnh các quan hãy chuẩn bị những thức ăn ngon, quý và thanh tịnh để mai cúng dường Đức Phật cùng Thánh chúng. Vua cũng truyền lệnh làm sạch sẽ trong, ngoài thành và những con đường trong thành.
Sáng ngày, vua sai sứ đến bạch Phật:
-Trai thực đã sửa soạn xong, thỉnh Đức Phật cùng Thánh chúng quang lâm.
Lúc ấy Đức Phật và một ngàn vị La-hán khoác y bưng bát, từ từ đi vào cung. Nhà vua tay nâng lư hương đứng ở cửa ngoài, chờ nghênh đón Đức Phật. Đức Phật và Thánh chúng đến, vua thỉnh vào chỗ ngồi rồi vua cùng quyến thuộc chiêm ngưỡng, lễ bái, sau đấy dâng thức ăn cùng hương hoa và vui vẻ cúng dường.
Đức Phật và các vị La-hán thọ trai, rửa tay xong, nhà vua và quyến thuộc tỏ ý muốn nghe thuyết pháp. Đức Phật liền giảng dạy, mọi người chăm chú lắng nghe xong hoan hỷ, tín thọ lời Phật dạy. Khi đó vua rời chỗ ngồi chắp tay thưa với Phật:
-Nay con muốn dùng khu rừng trúc Ca-lan-na-ca để lập tinh xá làm nơi cư trú của Đức Phật và chư Thánh Tăng, xin Phật từ bi nạp thọ.
Đức Phật im lặng, vua biết Đức Phật đã chấp nhận liền dùng nước trong bình vàng đem rửa tay Phật, rồi sửa sang nơi ấy để Đức Phật và Thánh chúng nghỉ ngơi. Tinh xá Ca-lan-na-ca được thành lập trong dịp này.
Sau đó, vì muốn đem lại lợi ích cho chúng sinh, nên Đức Phật cùng thánh chúng rời vườn trúc Ca-lan-na-ca đến khu Hàn lâm (khu rừng dùng để bỏ xác người chết), kinh hành, tĩnh tọa. Bấy giờ trong thành Vương xá có một vị trưởng giả đã thỉnh Phật và các Thánh Tăng ngày mai đến nhà ông thọ cúng đường. Do vậy mà đêm ấy, họ hàng thân quyến cho đến người hầu trong nhà trưởng giả đều thức khuya chuẩn bị mọi thứ để mai cúng dường Phật.
Khi ấy trưởng giả cấp Cô Độc nhân có việc đi đến thành Vương xá, lúc đi ngang qua nhà vị trưởng giả kia thì trời tối, nên ghé vào xin nghỉ. Đêm ấy, cấp Cô Độc thấy cả nhà vị trưởng giả kia đều thức khuya, sửa soạn những thức ăn ngon quý cùng hương hoa, thì lấy làm lạ, hỏi chủ nhà:
-Nhà ngài sắp mời đức vua hay các đại thần, hoặc có lễ gì mà mọi người thức khuya chuẩn bị như thế?
Trưởng giả đáp:
-Tôi không mời đức vua hay các vị đại thần, nhà tôi cũng không có lễ hội gì cả, chỉ vì hiện nay Đức Phật đã ra đời, Ngài và một ngàn Thánh chúng đang du hóa ở nước này. Từ nhà vua đến các quan cùng dân chúng đều tin theo và lần lượt xin được cúng dường. Ngày mai nhà tôi thỉnh Đức Phật và Thánh chúng đến thọ trai, nên mọi người phải thức khuya để chuẩn bị.
Trưởng giả Cấp Cô Độc nghe thế rất ngạc nhiên, liền hỏi:
-Sao gọi là Phật?
Vị trưởng giả đáp:
-Vua Tịnh Phạn thuộc dòng họ Thích sinh vị Thái tử tên là Tất-đạt-đa có đủ phước tướng của một vị Chuyển luân thánh vương, nhưng Thái tử đã bỏ ngôi báu xuất gia tu tập khổ hạnh và đã chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên gọi là Phật.
Lại hỏi:
-Còn sao gọi là Thánh chúng?
Đáp:
-Đó là những người xuất gia theo Phật, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, nghe pháp tu tập rồi chứng quả vị La-hán. Họ là những vị thiện nam xuất thân từ hàng quý tộc Sát-đế-lợi, hàng Bà-la-môn, cho tới giới thương nhân, lao động, có tất cả một ngàn vị, đó là Thánh chúng. Ngày mai, nhà chúng tôi sẽ cúng dường Đức Phật và các vị Thánh Tăng ấy.
Trưởng giả Cấp Cô Độc nghe được việc đó, bỗng nhiên rất cảm động, vui mừng bèn hỏi tiếp:
-Làm thế nào tôi có thể gặp Đức Phật và Thánh chúng?
Vị trưởng giả kia đáp:
-Ngày mai, Đức Phật và thánh chúng sẽ đến đây thọ trai, thì ngài sẽ được gặp.
Tuy nghe thế, nhưng vì quá hâm mộ, nên không đợi đến sáng mà ngay trong đêm ấy trưởng giả cấp Cô Độc tìm đến chỗ Phật, lại gặp đêm trời có trăng sáng nên rất thuận lợi cho việc đi tới Hàn lâm. Nhưng khi vừa đi đến cửa thành thì trăng bị mây che khuất, trưởng giả thấy trời tối mù mịt, trong lòng sinh lo sợ, đứng lại suy nghĩ: “Chẳng lẽ có loài phi nhân nào ngăn cản ta sao?” Vì nghĩ thế, nên ông muốn quay về. Khi ấy có vị Thiên thần lên tiếng:
-Này trưởng giả, hãy đi tới, đừng e ngại, chắc chắn sẽ có điều tốt đẹp chứ không có điều xấu ác đâu! Vì sao vậy? Bởi vì, nếu như có trăm chiếc xe, trăm con ngựa được trang điểm lộng lẫy toàn những đồ quý giá, ai thấy cũng ưa thích và nếu có người đem những xe ngựa ấy bố thí thì công đức đó không bằng một phần mười sáu của công đức người đến gần Phật một bước chân. Lại như có trăm thớt voi quý được trang sức toàn bằng đồ châu báu cùng với trăm mỹ nữ cũng được trang sức toàn vàng, ngọc, châu báu đem bố thí hết, thì công đức ấy cũng không thể bằng một phần mười sáu của việc bước đến gần Phật một bước.
Nói xong, vị Thiên thần dùng ánh sáng nơi thân mình soi sáng con đường từ cửa thành đến rừng Hàn lâm tỏ rõ như trăng rằm. Trưởng giả Cấp Cô Độc lên tiếng hỏi:
-Không biết vị Thánh thần nào đã giúp đỡ tôi như thế?
Vị Thiên thần đáp:
-Ta trước kia là mẹ của Tôn giả Xá“lợi-phất, tên là Nại-nga-la, sau khi qua đời được sinh lên cõi trời Tứ Thiên vương và có hiệu là Ma-độ-ta-kiện-đà-ma-noa-phược-ca, hiện đang trông coi cửa thành này. Xin trưởng giả chớ nghi ngại, cứ việc đi tới, nhất định sẽ có điều lợi ích.
Trưởng giả Cấp Cô Độc nghe xong liền khen sự việc hôm nay thật là hy hữu và quyết tâm đến với Phật, không còn nghi ngại gì nữa. Ông thầm nghĩ: “Nếu không có Bậc Chánh Giác xuất hiện ở đời thì biết bao giờ ta mới nghe được chánh pháp tối thượng.” Nghĩ thế và nhờ có ánh sáng kia nên trưởng giả mạnh dạn đi thẳng vào khu Hàn lâm, nơi Đức Thế Tôn đang ngự. Lúc bấy giờ Đức Phật đang kinh hành bên ngoài khu rừng. Thấy được tướng tốt trang nghiêm thật khác thường của Phật, trưởng giả liền chắp tay thưa:
-Ngài có phải Đức Thế Tôn không?
Đức Phật đáp:
-Đúng vậy.
Trưởng giả biết là Đức Phật nên vui mừng vô cùng và bạch tiếp:
-Trong đời có người nào ngủ được yên giấc không?
Đức Phật nói kệ trả lời trưởng giả:
Nếu tâm người vắng lặng
Nhất định ngủ an giấc
Tâm bị dục lạc trói
Phiền não không dứt được.
Trừ tham dục, phiền não
Giải thoát khỏi buộc ràng
Điều phục được tâm ý
Chắc chắn ngủ an giấc.
Nói kệ dạy trưởng giả xong, Đức Phật cùng trưởng giả đi vào rừng. Thế Tôn ngồi lên tòa, trưởng giả cung kính đảnh lễ Phật rồi ngồi sang một bên chờ nghe Phật giảng pháp. Đức Phật dạy trưởng giả.
-Bố thí, giữ giới được sinh lên cõi trời, tuy hưởng phước báo vui sướng của năm lạc nhưng không dứt được luân hồi, muốn dứt luân hồi thì phải diệt phiền não.
Đức Phật lại giảng rộng về các pháp thiện, ác, trưởng giả nghe Phật giảng rõ, lại nhờ có sẵn thiện căn nên chú tâm tư duy, những mê mờ ngăn che tâm trí đều tan biến, lòng vui mừng vô hạn. Đức Phật biết được tâm của trưởng giả như thế nên giảng tiếp về Tứ thánh đế. Trưởng giả ngay tại chỗ ngồi thâu tỏ được bốn chân lý, tâm trí khác nào tấm vải trắng nên dễ nhuộm các màu sắc, các pháp nhiễm hoặc trong tâm trước đây đều biến thành tịnh pháp.
Sau khi có chánh tri kiến với Phật pháp, lòng trưởng giả không còn nghi hoặc, có đức tin kiên cố với Tam bảo, liền đứng dậy trịch áo, bày vai bên phải, chắp tay bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, nay con xin quy y Phật, Pháp và Tăng-già, nguyện giữ giới của người cận sự, vĩnh viễn không sát sinh.
Lúc ấy Đức Phật hỏi trưởng giả:
-Ông tên là gì?
Trưởng giả thưa:
-Con ở trong nước có chút ít của cải, thường bố thí cho những kẻ nghèo nàn, cô độc nên người trong nước gọi con là Cấp Cô Độc.
Đức Phật hỏi tiếp:
-Nước ông ở tên là gì?
Thưa:
-Là nước Xá-vệ, cầu xin Đức Phật và Thánh chúng đến nước của con. Con nguyện sẽ phụng sự Đức Phật và chư Thánh chúng đủ mọi nhu cầu cần thiết.
Đức Phật bảo:
-Này trưởng giả, Ta và chúng Tăng có đến hơn ngàn người, nơi đó không có tinh xá làm sao có chố cư trú?
Trưởng giả thưa:
-Nếu Đức Phật thương mà đến thì con sẽ xin xây dựng ngay tinh xá. Cúi xin Đức Phật không từ chối lời thỉnh nguyện của con.
Phật yên lặng, trưởng giả thấy Đức Phật im lặng biết Đức Phật đã nhận lời nên vô cùng sung sướng, cung kính đảnh lễ, đi nhiễu quanh Phật rồi lui ra.
Trưởng giả về tới thành Vương xá, thu xếp mọi công việc xong, định về nhà, nhưng rồi quay trở lại khu Hàn lâm, bạch Phật:
-Xin Đức Phật và Thánh chúng đừng ngại không có tinh xá, chỉ xin Đức Phật và Thánh chúng sớm đến với chúng con.
Bạch Phật xong, ông mới an tâm trở về nhà. Từ đó trở đi, mọi việc trong nhà đều gác lại, trưởng giả đi khắp nơi trong, ngoài thành để tìm một nơi vô cùng thanh tịnh để có thể xây cất tinh xá. Ông tìm thấy khu vườn của Thái tử Kỳ-đà là phù hợp hơn hết cho vỉệc lập tinh xá. Vì sao? Vì khu vườn ấy rộng rãi, sạch sẽ, cây cốì xinh tươi, suối ao trong trẻo, khí hậu mát mẻ, không có ruồi muỗi, độc trùng, chỉ có những loài chim, thú hiền lành, lại không gần cũng không xa thành lắm, khiến những người muốn cầu nghe chánh pháp dễ dàng đi đến. Nghĩ thế nên trưởng giả liền đi tới gặp Thái tử Kỳ-đà, thưa:
-Thưa Thái tử, xin ngài đừng ngạc nhiên và mong ngài cho phép tôi thưa với ngài một điều tốt đẹp.
Thái tử nói:
-Có việc gì trưởng giả cứ nói.
Trưởng giả đứng lên, rồi tiến đến trước Thái tử và thưa:
-Tôi muốn mua khu vườn của ngài để lập tinh xá, thỉnh Đức Phật và một ngàn đệ tử của Phật đến ở. Nếu Thái tử bằng lòng xin cho biết giá bán.
Thái tử trả lời:
-Việc gì cũng được, riêng khu vườn thì xin đừng nói đến.
Trưởng giả thưa:
-Tôi nghe Đức Phật dạy: “Vạn vật đều vô thường, không có tự chủ.” Thái tử nến lấy cái không chắc chắn mà đổi thành vững bền.
Thái tử đáp:
Điều đó tôi không biết Ông không nên nói nữa.
Trưởng giả lại nói tiếp:
-Gặp Phật rất khó, còn một khu vườn thì lại dễ tìm, nay ngài không chịu bán, sợ sau này có hối hận chăng?
Thái tử chưa chấp thuận hẳn, có ý gây khó khăn cho trưởng giả, nên nói:
-Nếu trưởng giả có thể dùng vàng ròng lót kín khắp khu vườn thì tôi trao khu vườn này cho ông tùy ý sử dụng.
Trưởng giả nghe Thái tử bằng lòng bán, nhưng lại sợ không chắc nên nói:
-Thưa Thái tử, nếu Ngài chấp nhận lời vị quan trông coi việc mua bán thì chúng ta đến gặp vị ấy để sau khỏi có sự thay đổi.
Thái tử bằng lòng đi gặp vị quan. Lúc ấy trời Tứ Thiên vương biết việc ấy liền suy nghĩ: “Nay Phật đã xuất hiện tại thế gian. Trưởng giả Cấp Cô Độc ở trong thành Xá-vệ muốn mua khu vườn của Thái tử Kỳ-đà để xây dựng tinh xá. Hai người đã bàn luận cần có một vị quan trông coi việc mua bán làm chứng. Nay ta phải hóa thân thành vị ấy để công việc mau thành tựu.” Vị Thiên vương bèn hiện thân thành viên thị quan đứng ở nơi chợ để đón hai người. Thái tử và trưởng giả đến gặp viên thị quan, trưởng giả lên tiếng:
-Tôi mua khu vườn của Thái tử để lập tinh xá, Thái tử bảo tôi phải dùng vàng lót khắp khu vườn thì sẽ bán, nên đến gặp ông nhờ làm chứng.
Thị quan hỏi:
-Hai người đã thỏa thuận với nhau rồi chứ?
Thưa:
-Đã thỏa thuận.
Thị quan nói:
-Vậy thì quý hóa quá, Thái tử được vàng, trưởng giả có vườn.
Thái tử lặng yên tỏ vẻ không ân hận, hối tiếc. Trưởng giả liền trong ngày ấy cho xe ngựa, voi và cả những tôi tớ trong nhà chuyên chở vàng đến lót kín khu vườn, chỉ phần trước vườn là chưa phủ kín. Trưởng giả đang suy nghĩ xem nên dùng vàng ở kho nào đủ để lót kín mảnh vườn còn lại. Thái tử thấy trưởng giả suy nghĩ nên nói:
-Nếu ông đổi ý thì cứ thu vàng lại.
Trưởng giả nói:
-Tôi đang suy nghĩ nên lấy vàng từ kho nào cho đủ để lót phần còn lại thôi, chứ không đổi ý.
Thái tử nghe thế liền suy nghĩ: “Lạ thật! Vị trưởng giả này có thể bỏ chừng ấy của cải để lập tinh xá cho Đức Phật và chúng Tăng ở. Ta từng nghe nếu không có Bậc Thánh Giác ra đời thì mọi chúng sinh sẽ không nghe được chánh pháp, nay ta có thể góp phần giúp ông ta hoàn thành sở nguyện.” Nghĩ xong, Thái tử liền nói với trưởng giả:
-Thôi, ông đừng đưa vàng đến nữa, tôi cũng xin góp phần với ông để hoàn thành việc công đức ấy.
Trưởng giả Cấp Cô Độc liền nói:
-Chẳng phải tôi không đủ vàng. Nay nếu Thái tử đã thật lòng như vậy thì thật là tốt lành.
Mua vườn xong, trưởng giả đang cho tìm thợ chuẩn bị xây cất tinh xá. Các nhóm ngoại đạo nghe được tin ấy đều tìm đến có ý ngăn trở. Họ nói với trưởng giả:
-Sa-môn cồ-đàm đang ở thành Vương xá thuộc nước Ma-kiệt-đà, còn ở đây là thành Xá-vệ, là vùng đất quý giá, tiếng tăm, không thể là nơi ở của ông ấy. Ngài đừng lập tinh xá và cũng đừng thỉnh Phật đến làm chi.
Trưởng giả liền nổi giận, nói với các nhóm ngoại đạo:
-Thành Xá-vệ không phải là của riêng các ông, vậy thì có liên quan gì đến các ông?
Kẻ ngoại đạo nghe thế, biết là trưởng giả không nghe lời mình, liền đến tâu lên vua, nhưng vua cũng không nghe. Họ hổ thẹn, bực tức vô cùng, nhưng vẫn trở lại nói với trưởng giả:
-Vừa rồi chúng tôi nói sự việc ấy không phải vì khu vườn mà vì chúng tôi với Phật không cùng một lối tu hành. Trưởng giả hôm nay không nghe theo ý chúng tôi chắc chắn sẽ có báo ứng. Chúng tôi nghe người đệ tử lớn của Sa-môn đã đến nơi đây, xin cho cùng tranh luận, nếu ông ấy thắng thì sẽ lập tinh xá còn thua trí thì không nên thỉnh họ tới. Ý tôi như vậy, trưởng giả thấy thế nào?
Trưởng giả đáp:
-Tốt lắm, có thấy hơn thua thì mới biết nên tin cậy vào bên nào, ai cao ai thấp, ai chân ai ngụy sẽ được rõ ràng.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.217.1 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.