Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Chúng Hứa Ma Ha Đế Kinh [眾許摩訶帝經] »» Bản Việt dịch quyển số 3 »»

Chúng Hứa Ma Ha Đế Kinh [眾許摩訶帝經] »» Bản Việt dịch quyển số 3

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.32 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.41 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Thuyêt Chúng Hứa Ma Đế

Kinh này có 13 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Quyển 3
Bấy giờ bà Ma-ha Ma-da thấy bốn điềm mộng: Một là thấy voi trắng sáu ngà, hai là voi ấy từ trời đi xuống nhập vào bụng bà, ba là tự thân lên núi cao, bốn là thấy nhiều người quyền quý tập hợp cùng đến quỳ lạy mình. Phu nhân đem những điềm mộng ấy tâu với vua Tịnh Phạn. Vua liền đem các điềm mộng ấy hỏi các nhà chuyên đoán mộng, họ đều bảo rằng hoàng hậu sẽ sinh được quý tử, hình tướng đoan nghiêm, nếu ở tại gia sẽ lên ngôi Chuyển luân vương, còn nếu xuất gia tu Phạm hạnh thì sẽ thành Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác hiệu là Thiên Nhân Sư.
Lúc bấy giờ, khi Bồ-tát giáng sinh, đại địa chấn động, ánh sáng tỏa chiếu rực rỡ, chúng sinh trông thấy cho là điều chưa từng có. Trời Đế Thích và bốn vị Thiên vương hộ thế, mỗi vị đều cầm vũ khí hộ vệ cho Bồ-tát để các loài ma quỷ không thể làm hại. Khi đó thân Bồ-tát trong lành như ngọc Ma-ni, như ngọc báu Ca-diếp-ca, mọi thứ bụi bặm cấu uế không thể làm ô nhiễm. Bồ-tát lại làm cho thân tâm của mẹ trở nên trong sạch như ngọc lưu ly, có thể thấy rõ thân tướng và các căn của Bồ-tát, giống như làn nước trong vắt khiến làm hiển lộ rõ ánh sáng năm màu một cách rõ ràng. Ngài lại khiến cho mẹ có khí lực dồi dào, không chút tật bệnh hay đau khổ, ý chí kiên định thọ trì năm giới, luôn dốc tinh tấn lìa mọi lỗi lầm.
Lúc đó Thánh mẫu tâu với Tịnh Phạn vương rằng bà muốn được uống nước trong bốn biển. Vua đem điều ấy hỏi các tướng sư, họ đều đáp:
-Hoàng hậu chắc chắn sẽ sinh vị Thái tử có đủ các tướng tốt, tu tập đạo vô thượng, thành Bậc Đẳng Chánh Giác. Nếu hoàng hậu không uống nước bốn biển thì thân tướng Thái tử sẽ không tốt đẹp đầy đủ.
Lúc bấy giờ, trong nước Ca-tỳ-la có một người giỏi ảo thuật tên là La-yết-đa-sô, được vua mời đến chánh điện của hoàng cung để hóa nước bốn biển cho phu nhân dùng. Uống nước xong, phu nhân tâu vua nên ân xá tất cả những kẻ bị tù tội, bố thí cơm áo cho những người nghèo khổ và làm các việc phước lành. Lần khác, Ma-da phu nhân tâu vua Tịnh Phạn rằng, phu nhân muốn đến ở một hoa viên. Nhà vua liền báo cho vua Tô-bát-la-một-đà. Vua Tô-bát-la-một-đà liền cho tạo lập một hoa viên có lâu đài tốt đẹp, hoa cỏ xanh tươi gọi tên là Long-nhĩ-nễ viên. Phu nhân và cung tần cùng đến ở nơi ấy. Trông thấy cây Vô ưu xanh tốt, hoa nở đầy cành, tỏa hương thơm ngát, phu nhân đưa tay phải vin vào cành hoa, muốn sinh Thái tử, nhưng nhìn thấy những người hầu đứng xung quanh, nên phu nhân có sắc thẹn, biết được điều đó Thiên vương liền làm một trận gió mưa thổi đến khiến cho người hầu chạy tứ tán, rồi tự thân Thiên vương hóa thành một lão bà đến trước phu nhân để lo đỡ Thái tử. Thái tử lúc mới sinh thân như Kim sơn, hình sắc như vàng ròng, lão mẫu muốn bồng, Thái tử bảo:
-Kiều-thi-ca chớ đỡ, Ta tự xuất sinh.
Lúc đó đại địa chấn động, một nguồn sáng lớn phát ra chiếu khắp thế gian, chúng sinh nhìn thấy đều khen là việc chưa từng có. Vua Tịnh Phạn trông thấy điềm lành ấy liền đi quanh Thái tử ba vòng, cung kính lễ Thái tử rồi lên tiếng:
-Lành thay, lành thay! Hôm nay ta có được người con là bậc Trượng phu, đầy phước đức, khiến ta được nhiều lợi tốt.
Thái tử khi mới sinh thân tướng đầy đủ, trong ngoài trong suốt như ngọc lưu ly, không một chút nhơ uế. Thái tử bước đi bảy bước về bốn hướng. Phương Đông biểu hiện Niết-bàn tối thượng, phương Nam biểu hiện lợi lạc cho quần sinh, phương Tây biểu hiện giải thoát sinh tử, phương Bắc biểu hiện dứt hẳn luân hồi. Bấy giờ chư Thiên trên hư không cầm lọng trắng che trên đầu Thái tử và tuôn xuống hai cơn mưa, một ấm một mát để tắm cho Thái tử. Các vị trời khác và Long thần thì hòa tấu nhạc, từ nơi hư không tung xuống đủ các loại hoa như Mạn-đà-la, Ưu-bát-la, Câu-mẫu-na, Bôn-nỗ-lí-ca và các thứ hương thơm như Trầm hương, Đàn hương, Mạt hương, Đa-ma-la hương cùng những y phục kỳ diệu... và nói kệ:
Khéo sinh Đại Mâu-ni
Tướng trang nghiêm trăm phước
Dứt hết bụi phiền não
Chứng quả Vô thượng giác
Thân viên mãn sáng trong
Phóng hào quang rực rỡ
Chiếu khắp cả thế gian
Phá trừ màn si ám.
Khi chư Thiên đọc bài kệ xong, có bốn vị quốc vương đều đồng loạt sinh Thái tử. Vua A-la-noa của nước Xá-vệ sinh một Thái tử, vua nghĩ: “Khi con ta sinh ra, thế giới thanh tịnh, an ổn, nên đặt tên Thái tử là Bạt-la-tẩy-nẵng-dụ-na.” Vua Ma-ha-bát-na ở thành Vương xá sinh một Thái tử, vua nghĩ: “Lúc con ta sinh ra, ánh sánh rực rỡ chiếu khắp thế gian, nên đặt tên Thái tử là Vĩ-nhĩ-ta-la.” Vua Thiết-đa-nhĩ- ca ở thành Câu-thi-na sinh một Thái tử và nghĩ: “Lúc con ta sinh ra, thế giới sáng rực, trời đất trong trẻo nên đặt tên Thái tử là Ô-na-đã-nẵng.” Vua nước Ô-nhạ-nhĩ là A-nan-đa-nhĩ-thị-nỗ sinh được một Thái tử và nghĩ: “Con ta sinh ra lúc có ánh sáng lớn tỏa chiếu khắp, không còn chút u ám, nên đặt tên Thái tử là Bát-la-lã-đa.” Bốn Thái tử ấy đều do sức cảm hóa của Bồ-tát mà sinh ra.
Cách thành Ca-tỳ-la không xa, có một ngọn núi lớn tên là Khẩn-sư-kiết-đà. Có một vị tiên tên A-tư-đà, thường ở nơi ấy tu hành phạm hạnh. Lúc đó cháu ngoại của vị tiên này tên là Nấng-la-na theo xuất gia tu tập với Tiên nhân, vào lúc Bồ-tát giáng sinh, ánh sáng chiếu khắp, khiến Nẳng-la-na nghi sợ không biết thế nào, liền vào am hỏi thầy. Tiên nhân đáp:
-Nay ánh sáng ấy có màu hoàng kim, không nóng bức, nhẹ chiếu khắp ba cõi, đó là điềm lành báo có Phật giáng sinh.
Nẳng-la-na thưa:
-Nay con muốn đến đó để đảnh lễ Bồ-tát.
Tiên nhân nói:
-Ngài có oai đức lớn, chung quanh Ngài luôn có chư Thiên, Long thần bảo hộ, nên không thể gặp được. Hãy đợi khi Phật đã nổi danh, trở về thành Ca-tỳ-la thì ngươi đến đó sẽ được lợi ích lớn.
Lại nữa, khi Bồ-tát giáng sinh, có năm trăm voi trắng và với năm trăm người tùy tùng cũng được sinh ra. Kho báu trong đất tự nhiên hiện lên, trời rưới cam lộ. Các tiểu vương quốc đều đến chúc mừng. Vua Tịnh Phạn thấy Thái tử sinh ra có nhiều điềm lành, nên thầm nghĩ: “Con ta sinh ra có đầy đủ phước đức, thành tựu nhiều việc tốt đẹp.”, nên đặt danh hiệu Thái tử là Nhất Thiết Nghĩa Thành.
Ở thành Ca-tỳ-la có một vị thần Dạ-xoa tên là Xá-cá-phược-đà- nẩng, người nào mới sinh con cũng đều đem đến miếu thần để cầu thần che chở. Lúc ấy vua Tịnh Phạn cũng cho Thái tử ngồi xe tứ báu đến miếu lễ thần. Khi xe của Thái tử vừa đến sân miếu, thần Dạ-xoa vội ra nghinh tiếp, cung kính lạy trước xe. Vua thấy thế liền nói:
-Thiên thần đáng kính đã kính lễ Bồ-tát, vậy nên đặt hiệu Thái tử là Thiên tử.
Những người trong họ Thích tính tình cứng cỏi, khó điều phục nhưng thây Thái tử thân tướng uy nghiêm, dung mạo đoan trang, hòa nhã, trời người đều trọng, nên tự hồi tâm bỏ tánh kiêu căng, tính tình trở nên nhu thuận, lặng im chiêm ngưỡng Thái tử, nhân đó vua đặt cho Ngài hiệu nữa là Tịch Mặc.
Lúc bấy giờ vua Tịnh Phạn căn dặn các cung nhân phải hết lòng nuôi dưỡng Thái tử cẩn thận, mọi việc ăn uống, tắm rửa phải luôn điều độ, y phục luôn trang nghiêm, không nên sơ sót.Khi Thái tử mới sinh, trời rưới mưa cam lộ, thầy tướng xem tướng thấy Thái tử có đủ ba mươi hai tướng trượng phu, nếu ở tại gia sẽ là bậc Chuyển luân vương có bảy thứ báu: Kim luân, Bảo tượng, Bảo mã, ngọc Ma-ni báu, ngọc nữ, thần chủ kho báu và thần tướng báu; bảy thứ báu ấy luôn có đầy đủ và có một ngàn người con vây quanh Luân vương, thật hiếm thấy, nhà vua sẽ rất dũng mãnh có thể phá tan mọi thứ oan khiên.
Bấy giờ, vị tướng sư nói kệ:
Bánh xe vàng ngàn căm
Guồng xe quay tít vòng
Bay khắp bốn phương trời
Khoảnh khắc về chỗ cũ
Voi báu thật tuyệt vời
Sắc lông ngời ánh tuyết
Dạo khắp Thiệm-bộ châu
Không nơi nào trở ngại.
Ngựa báu chân uy nghiêm
Cổ xanh đời ít thấy
Bay được trên hư không
Tới lui nhanh như gió.
Ngọc Ma-ni đẹp nhất
Chiếu sáng một do-tuần
Như trong đêm tối tăm
Giữa trời hiện trăng sáng.
Bảo nữ đời ít có
Rất đẹp lại đoan nghiêm
Hầu gần bên Luân vương
Biết được lòng vua nghĩ.
Chúa kho tàng uy đức
Chủ các báu trong đời
Ngọc quý trong lòng biển
Vua cần liền cho hiện.
Thần chủ binh sức mạnh
Điều khiển bốn bộ binh
Tượng, mã, bộ và xe
Đến đâu đều hàng phục.
Lúc ấy vua Tịnh Phạn hỏi thầy tướng:
-Ba mươi hai tướng tốt của Thái tử là những tướng nào?
Thầy tướng tâu:
-Ba mươi hai tướng tốt ấy là:
1. Dưới bàn chân của Thái tử có ngàn đường chỉ vòng tròn như những bánh xe và rất đều đặn.
2. Tay chân Thái tử mềm mại như hoa Đâu-la-miên.
3. Kẽ ngón tay, ngón chân của Thái tử giống như Nga vương, màng lưới sắc như vàng ròng.
4. Các ngón tay và ngón chân đều rất dài.
5. Gót chân và mu bàn chân tương xứng, cân đối.
6. Lòng bàn chân Thái tử bằng phẳng.
7. Các ngón chân, ngón tay thon nhỏ dần ở đầu ngón.
8. Hai cánh tay dài quá gối.
9. Nam căn ẩn tàng không nhìn thấy giống như long mã hoặc tượng vương.
10. Các lỗ chân lông đều có lông tơ xoắn màu xanh biếc.
11. Lông tóc ngay thẳng, thân thể sắc vàng nhìn vào thấy vui thích.
12. Da mịn màng, bụi nhơ không bám được.
13. Trên da có ánh sáng màu hoàng kim chiếu ra rất trang nghiêm khiến trời người đều yêu kính.
14. Lòng bàn tay, bàn chân, cổ và hai vai đều đầy đặn.
15. Vai cổ đều đẹp đẽ.
16. Dưới hai nách đầy đặn.
17. Khuôn mặt vô cùng đoan nghiêm.
18. Thân tướng cao lớn, trang nghiêm hơn hẳn trời người.
19. Thân tướng vòng quanh người đều tròn đầy.
20. Nửa thân trên, bộ ngực oai nghiêm như sư tử.
21. Thân có ánh sáng chiếu xa một tầm.
22. Có đủ bốn mươi cái răng, bằng đều, trắng sạch như tuyết, kín khít và bền chắc.
23. Có bốn răng cửa trắng, sắc.
24. Tất cả thức ăn khi ăn vào luôn biến thành thượng vị, yết hầu tiết ra dịch nên nuốt dễ dàng, thường không bệnh, thân tâm vui vẻ.
25. Lưỡi rộng, sạch, dài có thể đưa ra phủ đến mí tóc.
26. Tiếng nói lớn, âm vang như tiếng trống trời nhưng hòa nhã, nhu nhuyến như tiếng chim Ca-lăng-tần-già.
27. Lông mi thuần xanh biếc như Ngưu vương.
28. Đôi ngươi mắt xanh biếc, phân biệt với tròng trắng một cách rõ ràng.
29. Mặt Thái tử đầy đặn như mặt trăng tròn.
30. Lông mi dài và cong như chiếc cung của vua trời.
31. Giữa hai lông mày có lông trắng, cuốn vòng theo phía phải, mềm mại như hoa Đâu-la-miên, tỏa ra ánh sáng tinh hơn cả ánh sáng của tuyết.
32. Trên đỉnh đầu có nhục kế nhô cao như chiếc lọng trời.
Đó là ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại trượng phu. Thái tử đã tinh tấn tu tập phạm hạnh, giới hạnh và các thiện pháp trong vô số kiếp ở quá khứ liên tục không gián đoạn nên nay mới được tướng công đức lành ấy. Do vậy khi Thái tử sinh vào cung vua thì mọi thứ ẩm thực, ăn uống, y phục, giường nằm, voi ngựa, tất cả những đồ quý báu đều đầy đủ, quyến thuộc đông đảo, vương tộc luôn được nôi tiếp không dứt, trong cõi trời người không ai bằng được. Nếu Thái tử không xuất gia thì năm ba mươi hai tuổi sẽ thành Kim luân vương.
Hoàng hậu Ma-ha Ma-da sinh Thái tử được bảy ngày thì lâm chung, sinh lên cung trời Đao-lợi, hưởng năm thứ vui thú. Thân tướng Thái tử đoan nghiêm khiến ai nhìn cũng sinh yêu kính, nếu như có người thợ vàng tài giỏi cũng không thể đúc được hình tượng tốt đẹp như hình tướng của Ngài. Thí như chư Thiên nơi cõi trời Bán-nỗ-ca-thạch có ánh sáng lớn chiếu rõ khắp chố, ánh sáng trên thân thể Bồ-tát vắng lặng thanh tịnh cũng như vậy. Lại như hoa sen nở ra trên nước, tỏa hương thơm ngát, tất cả loài hữu tình trông thấy đều yêu thích, thân tướng của Bồ-tát người nhìn sinh lòng cung kính cũng như vậy. Đôi mắt của Bồ-tát trong trẻo, sáng láng nhìn xa thấy được khoảng một do-tuần những sắc trần rất nhỏ, hơn cả mắt của chư Thiên, ngày đêm đều không khác. Thanh âm trong giọng nói của Bồ-tát trong trẻo, êm tai lạ lùng như tiếng của chim Ca-lăng-tần-già, lại cũng như loài chim trên núi Tuyết ăn các loài hoa nước, ăn đến say rồi hót lên những âm thanh hòa nhã ra sao thì tiếng của Bồ-tát cũng như vậy.
Bấy giờ, Tiên nhân Nẵng-la-na thưa sư phụ A-tư-đà là mình muốn đến thành Ca-tỳ-la để tham bái Bồ-tát. Thầy trò liền vận thần thông cùng đến thành Ca-tỳ-la. Khi đến gần thành, vì uy đức của Bồ-tát nên thần thông của Tiên nhân không còn hiệu nghiệm nữa, họ phải đi bộ đến cung vua Tịnh Phạn. Quan giữ cửa thành trông thấy liền tâu vua. Nhà vua vui mừng truyền lệnh đón vào cung, rồi mời ngồi lên tòa, cử nhạc, dọn tiệc thết đãi rất cung kính, rồi nhà vua hỏi Tiên nhân có điều gì mà thân hành đến đây. Tiên nhân A-tư-đà thưa:
-Nay tôi muốn gặp vị Nhất Thiết Nghĩa Thành Đại Mâu-ni sư.
Vua bảo Thái tử còn đang ngủ, xin chờ trong chốc lát. A-tư-đà chỉ xin vào giường để ngắm Thái tử. Lúc ấy Thái tử tuy ngủ nhưng đôi mắt vẫn mở, thấy thế Tiên nhân liền nói kệ:
Chư Thiên quan sát cảnh
Nhìn vật mắt không chớp
Bồ-tát trong giấc ngủ
Nhìn cảnh cũng như vậy.
Tiên nhân nói kệ xong thì cung nữ nhũ mẫu cũng bồng Thái tử đến trước mặt. A-tư-đà nhìn kỹ dung mạo phi thường của Thái tử, liền hỏi nhà vua đã có vị tướng sư nào đến xem cho Thái tử chưa. Vua bảo có vị thầy tướng người Bà-la-môn xem và đoán là Thái tử nếu không xuất gia chắc chắn sẽ là Chuyển luân vương, nếu xuất gia thì sẽ trở thành Bậc Chánh Giác. Nghe xong Tiên nhân liền nói kệ:
Xưa thân lỡ vướng vòng ngoại đạo
Nay gặp phước đức Chuyển luân vương
Năng dứt phiền não chứng Bồ-đề
Nói pháp nhiệm mầu sâu như biển
Tướng tốt nhưng vẫn lìa ngôi báu
Thành Đại Mâu-ni cứu quần sinh
Cho nên tôi nay cung kính lễ
Xin được gần gũi dứt trần lao.
Nói kệ xong, Tiên nhân tự xem thọ mạng mình còn được bao lâu có thể gặp lúc Thái tử thành Phật không? Quán chiếu xong, thấy rằng năm hai mươi chín tuổi Thái tử sẽ rời hoàng cung vào núi xuất gia, sáu năm tu khổ hạnh trong rừng và sau đó sẽ giác ngộ pháp cam lộ, diệt trừ phiền não thành đạo Vô thượng, rồi xem lại mình thì thấy không thể sống đến lúc Thái tử đắc đạo được, nên buồn tủi, bật khóc nức nở. Lúc ấy vua Tịnh Phạn thấy Tiên nhân khóc lóc như vậy vô cùng kinh hoảng liền nói kệ:
Nếu người có con cái
Lòng yêu thương không đủ
Phước tướng đẹp như vậy
Nhìn ngắm luôn vui thích.
Tiên nhân thấy Thái tử
Vì sao lại khóc than ?
Con ta nếu sợ hãi
Sẽ chợt sinh bệnh tật
Chưa biết là ý gì
Mau vì ta nói rõ.
Lúc ây tiên A-tư-đà nghe xong bài kệ liền nói với vua:
-Không lâu nữa Thái tử sẽ thành Bậc Chánh Giác, đâu có gì phải lo sợ! Giả sử từ hư không tuôn xuống đầy các hạt kim cương và ngọc báu cũng không làm tổn hại đến một sợi lông của Bồ-tát. Gió lớn, lửa dữ, thuốc độc, đao kiếm, cung tên đầy khắp trời đất cũng không thể xâm phạm Ngài được, cho tới loài rồng độc ác, các loài thú hung dữ cũng không làm hại được Ngài, bởi vì trong quá khứ Thái tử đã tu hạnh từ bi, không bao giờ rời xa chúng sinh khiến mọi loài hữu tình luôn được yên ổn. vả lại, trong không trung luôn có các vị Đế Thích và Tứ Thiên vương ủng hộ, giữ gìn, nên Thái tử đâu có gì phải lo sợ Nay tôi buồn khóc là vì thấy mình đã quá già, nay mai sẽ qua đời, không thể được dự nghe Đức Phật thuyết diệu pháp sau này. Chính vì không có phần lợi ích ấy nên tôi mới tủi thân than khóc. Xin vua đừng lo âu.
Lúc ấy Tiên nhân A-tư-đà lại nghĩ: “Ta vốn có thần thông, nhưng do uy lực của Bồ-tát chế phục, không thể hiện ra được nên đã đi bộ vào hoàng cung, nay nếu lại đi bộ ra khỏi thành, không khỏi khiến chúng hữu tình sinh tâm kiêu mạn cho rằng bậc đại tiên mà phải đi bộ mãi như thế.” Nghĩ thế rồi, Tiên nhân bèn tâu với vua Tịnh Phạn:
-Nay tôi giã từ nhà vua, xin nhà vua cho sửa sang đường xá từ trong thành dẫn ra ngoài thành.
Vua Tịnh Phạn liền sai quan quân tu sửa đường sá sạch sẽ, rưới nước bạch đàn hương lên đường, treo tràng phan, dây báu, đốt hương theo lốì đi rồi nhà vua cùng các quan, các vị trưởng giả, cư sĩ cùng vây quanh cung kính tiễn đưa Tiên nhân ra thành. A-tư-đà được vua tiễn ra ngoài thành rồi liền đi thẳng về nũi Chi-sắc-kế-đà, sau đấy nỗ lực tu tập thiền định, chẳng bao lâu phục hồi thần thông như trước, thân thể nếu có bệnh thì chỉ dùng thức ăn và ít hoa quả là hết bệnh.
Một hôm, người đệ tử thưa với thầy:
-Con xuất gia tu hành là vì muốn cầu pháp cam lộ giải thoát. Nay thầy đã chứng được, xin thầy truyền cho con.
Vị thầy nói:
-Ta tu hành đã lâu mà vẫn chưa nếm được vị cam lộ, làm thế nào truyền cho ngươi được? Thái tử Tất-đạt-đa con vua Tịnh Phạn sẽ thành Bậc Chánh Giác có được pháp vị chân cam lộ, người nào xuất gia theo Ngài tịnh tu phạm hạnh, không phân biệt đẳng cấp, bỉ thử, ngã nhân, thì sẽ đắc đạo vô vi.
Lúc đó Tiên nhân A-tư-đà lại nói kệ:
Ta tu nơi núi này
Theo con đường phạm hạnh
Tuy có được thần thồng
Nhưng chưa nếm cam lộ,
Tự biết thân vô thường
Luôn ở trong sinh diệt
Hòa hợp những tướng giả
Đó là pháp vô thường.
Tiên nhân nói kệ xong, Nẳng-la-na cảm động trước lời dạy của thầy, nên lễ bái và cúng dường thầy rồi xin đi sang nước Ba-la-nại để gặp năm trăm vị Ma-noa-phược-ca Bà-la-môn học Vi-đà kinh. Một thời gian sau, biết đấy không phải là đạo rốt ráo, không thể thân cận được nên Tiên nhân bèn đến chỗ Phật mong được nghe được yếu chỉ Phật pháp. Thuở ấy Nẩng-la-na có họ là Ca-đa, dùng họ làm tên, khi được Phật khai thị cho những yếu chỉ của Phật pháp thì đạt được niềm vui của sự tịch diệt nên lại có tên là Đại Ca-đa.
Lại nói về Thái tử đang nằm trong lòng nhũ mẫu, cầm bình vàng đựng thức ăn, ăn xong, nhũ mẫu liền thu dọn bình ấy, nhưng bình quá nặng nên không sao nhấc lên được. Nhũ mẫu liền báo việc này lên vua, vua sai nhiều cung nhân và cùng họ đến nhấc thì bình ấy càng nặng thêm, đến nỗi nhà vua cho một con voi thật lớn đến nhâc cũng không làm cho bình nhúc nhích được chút nào. Vì sao? Đó là do thần lực của Bồ-tát: Người đưa một ngón tay trái giữ lấy chiếc bình vàng kia, khiến con voi dù cố hết sức cũng không lay chuyển được chiếc bình. Lúc ấy vua Tịnh Phạn suy nghĩ: “Nếu Bồ-tát dùng hai ngón tay để giữ chiếc bình thì dẫu cả trăm con voi lớn cũng không sao nhấc lên được, bởi vì Bồ-tát có sức mạnh của ngàn thớt voi. Nếu có những đồng tử muốn đùa giỡn đấu sức với Bồ-tát thì thật chẳng khác gì đem sức của loài vịt trời sánh với lực của Ngỗng chúa.”
Khi Bồ-tát cùng năm trăm quyến thuộc nơi cung cấm bắt đầu đi học, đến trường đọc sách, vị thầy giáo đưa một cuốn sách cho Thái tử đọc. Thái tử nói:
-Sách này con đã biết rõ rồi!
Người thầy đưa một cuốn sách khác, Thái tử cũng bảo là đã thông suốt. Người thầy lại đưa cho Thái tử năm trăm loại sách khác, Thái tử cũng bảo là đã đọc hiểu hết cả, xin hãy cho đọc sách khác. Vị thầy nói:
-Trong thế gian này chỉ có năm trăm loại sách ấy thôi, ngoài ra tôi không biết còn có những loại sách nào nữa.
Khi đó Thái tử liền đặt bút tự viết một cuốn sách, rồi đưa cho vị thầy đọc, vị thầy thú nhận là xưa nay mình chưa từng thấy sách ấy, Thái tử bảo đó là sách của Phạm thiên. Bấy giờ Phạm thiên biết Bậc Luân vương kia muốn mình đọc tụng sách ấy, bèn dùng Phạm âm vi diệu để tụng đọc, rồi vị Đại Phạm thiên từ hư không lớn tiếng nói:
-Sách đó đúng là sách của Phạm thiên.
Vị thầy dạy nghe thế càng thêm tin tưởng lời của Thái tử. Thuở ấy, bên ngoại của Thái tử có hai vị danh sư giỏi nghề bắn cung, tên là Ta-nại-lê và Ta-hạ-nhĩ-phược có đến năm trăm người theo học. Hai danh sư ấy bàn luận với nhau:
-Đề-bà-đạt-đa tính tình thô bạo, hay ganh tỵ, nếu truyền nghề cho ông ta thì có thể gây nhiều tai hại. Thái tử Tất-đạt-đa thì từ bi, thông tuệ, hay thương xót chúng sinh vậy chúng ta nên truyền dạy cho Thái tử.
Nghề bắn cung có năm loại: Một là bắn xa, tức là đứng từ rất xa mà bắn. Hai là nghe tiếng mà bắn, tức là bắn theo tiếng kêu của con vật. Ba là theo ý mà bắn trúng mục tiêu. Bốn là bắn gần mục tiêu, tức những mũi tên cách xa nhau. Năm là bắn đứt vật, tức là vật bị bắn sẽ bị xuyên đứt. Thái tử đã làu thông năm cách bắn.
Bấy giờ, ở thành Tỳ-xá-ly có một con voi lớn, hình tướng đoan chánh, có sức mạnh vô cùng. Dân chúng thành ấy cùng nhau bàn luận: Vua Tịnh Phạn ở thành Ca-tỳ-la có một vị Thái tử tên là Tất-đạt-đa, thầy tướng đoán là sẽ lên ngôi Chuyển luân vương, vậy chúng ta sẽ đem voi này hiến dâng cho Thái tử.” Mọi người đều bằng lòng, bèn dùng những châu báu trang sức cho voi rồi đưa voi đến thành Ca-tỳ-la. Khi đến vương cung thì gặp Đề-bà-đạt-đa. Đề-bà vừa bước ra cửa thành thấy con voi liền hỏi:
-Voi này từ đâu đưa đến?
Quan gác cổng thưa:
-Voi này là của dân thành Tỳ-xá-ly vì biết Thái tử Tất-đạt-đa sẽ lên ngôi Chuyển luân vương nên đem đến dâng cho Thái tử.
Đề-bà-đạt-đa nghe xong, lòng ganh ghét nổi lên liền nói:
-Tất-đạt-đa sao được lên ngôi?
Nói rồi ông ta liền dùng gậy đánh chết voi. Khi ấy Nan-đà thấy xác voi và biết bị Đề-bà đánh chết, trong cơn phẩn nộ muốn thi thố sức mạnh của mình nên liền cầm đuôi xác voi ném ra ngoài bảy thước. Lúc ấy Thái tử Tất-đạt-đa đến nơi thấy xác voi không còn ở chỗ cũ biết là do Nan-đà muốn biểu diễn sức mạnh của mình, Thái tử bèn một tay cầm đuôi xác voi ném tung lên không, cao hơn bảy tầng thành, chẳng khác nào ném một hòn đất. Vị sứ giả của thành Tỳ-xá-ly đến hiến voi, trông thấy uy lực của Thái tử Tất-đạt-đa như thế bèn nói kệ:
Chúng tôi đem voi đến
Để hiến cho Luân vương
Gặp phải kẻ hung ác
Đã giết chết voi đi.
Nan-đà cầm đuôi voi
Ném xa ngoài bảy thước
Bồ-tát sức oai thần
Ném voi như ném đất.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 13 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đừng đánh mất tình yêu


Các tông phái đạo Phật


Kinh Dược sư


Kinh Bi Hoa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.55.63 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập