Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bản Việt dịch Phật Thuyết Pháp Diệt Tận Kinh [佛說法滅盡經] »»

Kinh điển Bắc truyền »» Bản Việt dịch Phật Thuyết Pháp Diệt Tận Kinh [佛說法滅盡經]

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Việt dịch (3) » Việt dịch (4) » English version (1) » English version (2) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.14 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.09 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Pháp Diệt Tận

Việt dịch: Quảng Minh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật ở tại nước Câu di na kiệt (2) cùng với chúng tỳ kheo và chúng bồ tát. Ba tháng nữa đức Thế tôn sẽ nhập niết bàn, vì vậy vô số đại chúng đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu lạy sát đất. Đức Thế tôn yên lặng không nói, nơi thân không hiển lộ ánh sáng.
Hiền giả A nan đảnh lễ Phật, rồi thưa: “Bạch đức Thế tôn, từ trước đến nay mỗi khi thuyết pháp đức Thế tôn luôn tỏa sáng uy quang độc nhất, hôm nay ở đại chúng hội chúng con không thấy có hào quang hiển lộ, vì nhân duyên gì mà có việc như vậy, chúng con muốn được nghe mật ý.”
Đức Phật vẫn yên lặng, không trả lời. Như vậy, cho đến khi hiền giả A nan thỉnh cầu đến lần thứ ba, đức Phật mới dạy bảo:
“Sau khi Như lai nhập niết bàn, trong thời kỳ dữ dội đầy cả năm thứ vẩn đục (3), lúc chánh pháp sắp ẩn mất (4) thì ma đạo hưng thịnh. Ma vương giả làm sa môn (5) phá hoại đạo pháp của Ta, bằng cách mặc áo thế tục, ưa thích ca sa tốt đẹp, pháp phục năm màu (6), uống rượu, ăn thịt, sát sanh, tham đắm mùi vị, không có tâm từ, ganh ghét lẫn nhau.
Vào thời ấy vẫn có các vị bồ tát, bích chi và la hán tinh tiến tu đức, cung kính đối đãi với nhau, được mọi người tôn sùng quy hướng, giáo hóa một cách bình đẳng, thương xót người nghèo, nghĩ nhớ người già, nuôi dưỡng kẻ khốn cùng, thường trao kinh tượng cho người thờ cúng, làm các công đức, tâm ưa tư duy điều thiện, không tổn hại người, xả thân cứu vật, không yêu tiếc bản thân, nhẫn nhục nhân hòa.
Nếu có các vị như vậy thì các tỳ kheo ma quân đều rất ganh ghét, chê bai, biểu lộ cái ác: bêu xấu, ruồng đuổi, không cho yên thân trú ở. Sau đó, bọn họ cùng nhau không tu đạo đức; chùa chiền để cho hoang trống, không chịu sửa sang, dần dà trở nên điêu tàn; chỉ tham của cải, tích chứa không buông, không làm việc phước đức; mua bán tôi tớ để cày ruộng trồng trọt và đốt phá cây rừng làm thương hại sanh linh mà không chút tâm từ.
Tỳ kheo ma quân cho tôi trai làm tỳ kheo, tớ gái làm tỳ kheo ni. Tất cả xúm nhau sống không đạo đức, dâm dục thác loạn, nam nữ không còn riêng biệt. Đạo pháp mà ngày càng suy tàn đều do những người này. Còn có những kẻ chạy trốn luật pháp nên nương gá trong đạo của Ta, xin làm sa môn mà không giữ gìn giới luật. Giữa tháng, cuối tháng có tụng giới (7) nhưng chỉ có cái danh, do phóng túng mà nhàm chán, biếng nhác, không muốn lắng nghe. Đọc kinh thì bỏ bớt trước sau, giảng pháp thì không nói hết ý. Thường không thích tụng đọc kinh điển, giả như có đọc cũng không biết pháp nghĩa, ai hỏi thì gắng gượng nói phải, cũng không học hỏi để hiểu nghĩa rõ ràng. Ôm lòng kiêu mạn, ham muốn danh tiếng, giả dối biểu hiện đời sống thanh cao để mong cầu người ta cúng dường.
Các tỳ kheo ma quân sau khi mạng chung, vì năm tội nghịch mà thần thức của họ sẽ đọa vào địa ngục Vô trạch (8), rồi phải trải qua cái thân ngạ quỷ, súc sanh trong vô số kiếp, hết tội báo ấy lại sanh vào nước biên địa, nơi không có Tam bảo.
Lúc chánh pháp sắp ẩn mất, người nữ thường siêng năng làm những việc công đức; người nam thì biếng nhác, khinh thường, không dùng lời nói đúng pháp, mắt thấy vị sa môn thì coi như phân đất, không có niềm tin. Chánh pháp sắp tàn lụi, ở thời điểm gần kề thì chư thiên rơi lệ, mưa bão hạn hán thất thường, ngũ cốc không thể chín được (9), bịnh dịch hoành hành làm cho người chết rất nhiều. Người dân làm việc cực khổ trong khi quan chức mưu tính lợi riêng. Sống không thuận đạo lý toàn do tư tưởng khoái lạc thác loạn. Người ác thêm nhiều như cát biển cả, người hiền rất ít chỉ một hai người.
Thời kiếp sắp hết, ngày tháng thay đổi ngắn hơn (10), thọ mạng con người giảm xuống, bốn mươi tuổi mà tóc đã bạc trắng. Đàn ông dâm dục, cạn kiệt tinh khí nên chết yểu, thọ lắm chỉ tới sáu mươi tuổi. Khi đàn ông có tuổi thọ ngắn đi, thì phụ nữ có tuổi thọ dài thêm: bảy mươi tuổi, tám mươi tuổi, chín mươi tuổi, hoặc đến một trăm tuổi.
Một biển nước lớn 11 dâng lên tràn ngập quả đất trong phút chốc, không có báo trước. Con người không tin điều đó sẽ xảy ra, vì cho quả đất mãi thường còn. Đến hạn kỳ, chúng sanh tạp loại, không phân sang hèn, đều chìm đắm, nổi trôi trong biển nước lớn, bị cá, ba ba ăn nuốt.
Khi ấy, các vị bồ tát, bích chi và la hán bị chúng tỳ kheo ma quân xua đuổi nên không còn tham dự chúng hội. Các vị tam thừa đi vào trong núi, tìm mảnh đất phước đức, sống an nhiên tịch tĩnh, lấy đó là ý lạc vui thích, thọ mạng kéo dài. Chư thiên hộ vệ đồng tử Nguyệt Quang xuất hiện ở đời (12), ngài gặp gỡ các vị tam thừa, cùng nhau hưng khởi chánh pháp của Như lai trong năm mươi hai năm. Sau đó, kinh Thủ lăng nghiêm (tam muội) (13) và kinh Bát chu tam muội (14) sẽ biến mất trước hết. Các kinh thuộc mười hai thể loại (15) không bao lâu cũng ẩn mất. Các kinh mất hết thì không xuất hiện nữa, không ai còn thấy văn tự. Ca sa của sa môn tự nhiên biến thành màu trắng.
Lúc chánh pháp Như lai ẩn mất thì giống như ngọn đèn dầu, đến lúc sắp tắt thì ánh sáng lóe lên rồi mới tắt hẳn. Chánh pháp của Như lai kết thúc cũng như ngọn đèn tắt, từ đó về sau khó có thể nói hết. Như vậy đến ngàn vạn năm sau (16), bồ tát Di lặc sẽ sinh xuống thế gian làm Phật. Bấy giờ, trời đất yên ổn, khí độc không còn, mưa gió điều hòa, ngũ cốc tươi tốt, cây cối vươn cao. Thân người cao tám trượng (17), thọ mạng tám muôn bốn ngàn tuổi. Chúng sanh được bồ tát Di lặc hóa độ nhiều không thể tính đếm.”
Hiền giả A nan đảnh lễ thưa Phật: “Bạch đức Thế tôn, nên gọi kinh này tên là gì, và chúng con nên phụng trì kinh này như thế nào?”
Đức Phật dạy hiền giả A nan: “Kinh này gọi là Pháp Diệt Tận. Hãy truyền bá rộng rãi kinh này cho tất cả, hãy tùy nghi phân biệt. Công đức truyền bá thật vô lượng, không thể tính đếm.”
Bốn chúng đệ tử nghe kinh này rồi, đau xót buồn rầu, đều phát đạo ý Vô thượng Thánh chân (18). Tất cả đảnh lễ đức Phật mà lui ra.


Chú giải:
1. ĐTK số 396. Tăng Hựu (445 – 518): Đại sư chuyên về luật học vào đời Lương (thời Nam triều), trú ở chùa Kiến Sơ, tác giả Xuất tam tạng ký tập lục. Tăng Hựu lục là gọi tắt Xuất tam tạng ký tập lục, nằm trong Đại chánh tạng, quyển 55, là soạn tập cổ nhất hiện còn ghi chép về mục lục Tam tạng, văn hiến dịch kinh và truyện ký được dịch từ thời Đông Hán đến đời Lương.
2. Câu di na kiệt (Kusinagara) = Câu thi na, nơi Phật nhập Niết bàn.
3. Chánh văn là ngũ nghịch trược thế, tức ngũ trược ác thế: “1. Thời kỳ vẩn đục (kiếp trược), là thời kỳ dữ dội, vì có 4 thứ vẩn đục sau đây; 2. Kiến thức vẩn đục (kiến trược), là kiến thức sai lầm, vì có thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến và giới thủ kiến; 3. Tâm lý vẩn đục (phiền não trược), là tâm lý độc ác, vì có tham, sân, si, mạn và nghi; 4. Con người vẩn đục (chúng sinh trược), là con người xấu kém, vì do kiến thức và tâm lý đều vẩn đục mà con người tâm lý thì đần độn, cơ thể thì suy nhược, khổ nhiều mà phước ít; 5. Đời sống vẩn đục (mạng trược), là đời sống ngắn ngủi, vì do kiến thức và tâm lý đều vẩn đục mà đời sống rút ngắn dần dần.” (Hai thời công phu, H.T Thích Trí Quang dịch chú) Ở đây, có lẽ nhấn mạnh thời kỳ vẩn đục mà trong đó 5 tội nghịch rất thịnh hành.
4. Giáo pháp của Phật trụ thế chia làm 3 thời kỳ: chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp (Phật pháp nguyên chất, Phật pháp tương tự và Phật pháp cuối cùng). Từ khi đức Phật ra đời cho đến 1000 năm sau là thời kỳ chánh pháp. Sau thời kỳ chánh pháp 1000 năm là thời kỳ tượng pháp. Hiện nay là thời kỳ mạt pháp. Chánh pháp sắp ẩn mất chỉ cho thời kỳ cuối cùng của thời kỳ mạt pháp.
5. Sa môn (Sramana): Là danh xưng nguyên không riêng gì Tăng sĩ Phật giáo; Phật giáo cũng như ngoại đạo, ai xuất gia cũng gọi là sa môn. Phật giáo định nghĩa sa môn là vị cần tức, là vị quyết chí đoạn trừ ác tập. Kinh 42 bài: “Phật nói, cạo bỏ râu tóc, làm bậc sa môn, tiếp nhận lấy đạo, thì hãy rời bỏ tài sản thế gian, khất thực vừa đủ. Mỗi ngày đứng bóng ăn một bữa, mỗi đêm duới cây ngủ một lần, thận trọng đừng thêm. Làm cho người u mê, tồi tệ chính là ái dục.” (H.T Thích Trí Quang dịch)
6. Ca sa tốt đẹp: Về màu là không phải màu ca sa, nghĩa là màu xẩm đục, đỏ đục hay vàng sậm; về phẩm là loại vải vừa tốt, vừa đẹp. Pháp phục năm màu (pháp phục sặc sỡ): là thêm thắt màu khác ngoài màu ca sa. Kinh Phật thuyết đương lai biến (ĐTK 395): “Phật bảo các tỳ kheo: Có bốn sự làm cho chánh pháp bị hủy diệt, những gì là bốn? Một là, trong tương lai vị tỳ kheo đã từ bỏ gia đình, ở chỗ nhàn tịnh mà không tu đạo nghiệp. Hai là, vui thích dạo chơi nhân gian, đến chốn náo nhiệt, tới lui nói chuyện tạp, cầu ca sa tốt, y phục năm màu. Ba là, nhìn cao thấy xa, lấy đó làm tao nhã, tự cho đức độ tôn cao không ai bằng được, tự đem cái trí vụn vặt sánh cùng ánh sáng nhật nguyệt. Bốn là, không nhiếp phục ba nghiệp, không gìn giữ sáu căn, đi lại với phụ nữ, nói lời văn hoa, nhiều lời tán tỉnh, khuấy động lòng người, biến trong thành đục, thân hành thác loạn, bỏ bê chánh pháp Đó là bốn sự làm cho chánh pháp bị hủy diệt.”
7. Tụng giới: Bố tát thuyết giới. Bố tát (Uposatha) là ngày tịnh trú, trưởng dưỡng, trưởng tịnh. Ngày tu bát quan trai của cư sĩ cũng gọi là Uposatha. Mục đích của bố tát thuyết giới là nhắc nhở nhau về giới pháp để tu hành, gọi là trưởng tịnh, tức nuôi lớn sự thanh tịnh hay các thiện pháp. Vào thời Phật cũng như trước đó, các tôn giáo thường tập hợp sinh hoạt hàng tháng vào các ngày mùng 8, 14, 15, 23, 29 và 30 để học tập kinh luận và sách tấn nhau tu học. Vua Tần bà sa la (Bimbisara) nước Ma kiệt đà (Magadha), vị đại đệ tử tại gia của đức Phật, nhận thấy không khí sinh hoạt của họ có nhiều ý nghĩa nên suy nghĩ: “Nếu chúng tỳ kheo đệ tử Phật cũng sinh hoạt như thế thì đem lại nhiều lợi ích cho các Phật tử tại gia.” Do đó ông đích thân đến trình bày với Phật, và Phật chấp thuận ý kiến của ông. Thế rồi, đức Phật tập hợp các tỳ kheo, quy định cứ mỗi tháng chúng tỳ kheo phải thực hành lễ bố tát 2 ngày vào ngày 15 và 30, nếu tháng thiếu thì 29. Vào ngày bố tát, chúng tỳ kheo hòa hợp tụng đọc Ba la đề mộc xoa (Pratimoksa, Tỳ kheo giới bổn, giới kinh). Bố tát trở thành phận sự thường xuyên và định kỳ mà một tỳ kheo không thể thiếu sót; nếu thiếu sót, tỳ kheo ấy phạm tội Ba dật đề và phải được xử trị như pháp, tức phải sám hối trước Tăng già.
8. Địa ngục Vô trạch là cách gọi khác của địa ngục Vô gián. Địa ngục Vô gián là địa ngục kết quả của 5 tội nghịch (cũng gọi là 5 tội vô gián, 5 nghiệp vô gián). Năm tội nghịch là giết cha, giết mẹ, giết La hán, làm chảy máu thân Phật, phá Tăng hòa hợp. Kinh Chánh pháp hoa (ĐTK 263) ghi: “Bấy giờ, đức Phật phóng ánh sáng giữa hai hàng lông mày, chiếu soi mười tám ngàn cõi Phật ở phương Đông, ánh sáng ấy chiếu khắp các cõi Phật, không có nơi nào mà không chiếu đến, dưới đến địa ngục Vô trạch, trên đến cõi trời Ba mươi ba, làm cho tất cả chúng hội ở thế giới kia thấy hết chúng sinh trong sáu loài và chư Phật hiện tại của thế giới này.”
9. Kinh Thuyết bổn, số 66, Trung a hàm có nói sương móc, sâu bọ và con đĩa làm cho ngũ cốc không chín.
10. Ngày tháng thay đổi ngắn hơn là do quỹ đạo và chu kỳ của quả đất di chuyển xung quanh mặt trời thay đổi. Nói cách khác, cả thái dương hệ thay đổi. Ngày nay, con người tác động lên hiệu ứng nhà kính khí quyển của quả đất làm cho khí hậu thay đổi, mực nước biển dâng lên, nhiệt độ tăng lên, cháy rừng, băng tan … ảnh hưởng đến nguồn nước, sức khỏe, tài nguyên bờ biển, vận chuyển đường thủy …
11. Chánh văn là đại thủy, chỉ cho tai kiếp nước, 1 trong 3 tai kiếp: lửa, nước và gió. (Trường a hàm, kinh Thế ký, phẩm 9: Tam tai)
12. Chánh văn là chư thiên hộ vệ Nguyệt Quang xuất thế. Nguyệt Quang là đồng tử Nguyệt Quang. Kinh Nguyệt Quang đồng tử (ĐTK 534): “Đồng tử Nguyệt Quang từ chỗ ngồi đứng dậy, ca ngợi đức Phật, rồi bạch với đức Phật: ‘Nếu con ở thời vị lai được làm Phật, thì nguyện tất cả nhân dân trong quốc độ của con không ai có tâm ác, thảy đều chất phác. Trong đời ác năm trược, nếu có những quốc độ tàn độc, nhân dân cang cường, thì con nguyện vào trong đó để khai hóa cho họ.’ Đức Phật dạy tôn giả A nan: ‘Ông có nghe đồng tử Nguyệt Quang nói gì không?’ Tôn giả A nan đáp: ‘Kính vâng, con có nghe.’ Đức Phật dạy tôn giả A nan: ‘Như lai nhập niết bàn rồi, một ngàn năm sau, kinh pháp sắp muốn đoạn dứt, đồng tử Nguyệt Quang sẽ xuất hiện ở nước Tần làm Thánh quân, nắm giữ kinh pháp của Ta, hưng long đạo hóa. Nước Tần và các nước láng giềng như Thiện thiện, Ô trường, Quy tư, Sơ lặc, Đại uyển, U điền, và các sắc tộc Khương, Lỗ, Di, Địch, thảy đều tôn sùng Phật pháp, khắp nơi có các vị Tỳ kheo.’” Kinh Thủ la tỳ kheo (ĐTK 2873): “(Đồng tử) Nguyệt Quang xuất hiện ở đời, chỉ có người hiền lành mới nhìn thấy được ngài, chúng sanh ngũ nghịch đại ác hoàn toàn không nhìn thấy.” Trong kinh Lăng nghiêm, đồng tử Nguyệt Quang tu theo pháp quán thủy để vào chánh định; ngài quán cho đến khi thấy thân mình và các chất lỏng trong mình cùng nước ở khắp thế giới đồng một tính chân không, không hai, không khác và “được pháp vô sinh nhẫn, viên mãn đạo Bồ đề." Ở đây, có sự liên hệ giữa đồng tử Nguyệt Quang và thủy tai: người hiền lành sẽ được gặp, được thấy đồng tử Nguyệt Quang trong cơn thủy tai.
13. Trước thời Đại Đường, nếu ghi “Thủ lăng nghiêm kinh” đều chỉ cho “Thủ lăng nghiêm tam muội kinh” (首楞嚴三昧經, ĐTK 642). Đến thời Minh và thời Thanh, kinh Lăng nghiêm (Đại Phật đảnh thủ lăng nghiêm kinh, 大佛頂首楞嚴經, ĐTK 945) là nhân tố hoằng dương thiền tông, được phổ biến và trọng thị, cho nên hễ ghi “Thủ lăng nghiêm kinh”, phần nhiều chỉ cho kinh Lăng nghiêm. Kinh Lăng nghiêm triển khai giáo lý về bản tâm và các cảnh giới tu chứng trong thiền định cùng với phần tuyên thuyết Đại phật đảnh thủ lăng nghiêm thần chú. Trong khi đó, kinh Thủ lăng nghiêm tam muội nói về nền tảng giáo lý cơ bản của đại thừa, với sức Thủ lăng nghiêm tam muội (đại định kiên cố) mà bồ tát trong đại định ấy có thể thị hiện đi khắp nơi giáo hóa hàng phục ma vương một cách tự tại, tuy thị hiện nhập niết bàn ở nơi này nhưng lại hiện thân đi giáo hóa chúng sinh ở cảnh giới khác. Ở đây, kinh Thủ lăng nghiêm chỉ cho kinh Thủ lăng nghiêm tam muội
14. Kinh Bát chu tam muội (佛说般舟三昧經, ĐTK 417). Đại thừa Phật giáo nói nhiều loại tam muội nhưng trong đó chỉ có 2 loại mạnh nhất: Thủ lăng nghiêm tam muội và Bát chu tam muội. Đặc tánh của Bát chu tam muội là ở trong chánh định mà thấy Phật, còn Thủ lăng nghiêm tam muội, nếu "bồ tát được định ấy thì ma phiền não và ma vương không thể phá hoại, như vị thống tướng quân binh của luân vương đến đâu thì không ai phá nổi." (Trí độ luận, quyển 47)
15. Mười hai bộ kinh: Thể văn và sự lý trong tất cả các kinh chia ra 12 loại, mà có bộ hay cuốn kinh đủ cả 12 loại, có bộ hay cuốn chỉ là 1 loại cho đến 11 loại. Ðó là: 1. Tu đa la (Sutra = khế kinh, vì khế hợp chân lý và tâm lý) là thể văn trường hàng trong các kinh, nói thẳng pháp nghĩa; 2. Kỳ dạ (Geya = ứng tụng hay trùng tụng) là thể văn chỉnh cú ứng với văn trường hàng mà lặp lại pháp nghĩa ở trước; 3. Già đà (Gatha = phúng tụng hay cô khởi) là thể văn chỉnh cú không theo trường hàng mà tự nói pháp nghĩa; 4. Ni đà na (Nidana = nhân duyên) là thuật lại lý do thấy Phật nghe pháp, lý do và địa điểm Phật thuyết pháp giáo hoá; 5. Y đế mục đa (Itivutaka = bản sự) là Phật thuật lại nhân duyên quá khứ của đệ tử; 6. Xà đa già (Jataka = bản sanh) là Phật nói về nhân duyên quá khứ của ngài; 7. A phù đạt ma (Adbhutadharma = vị tằng hữu) là ghi lại những việc bất tư nghị của thần lực Phật thị hiện; 8. A ba đà na (Avadana = thí dụ) là nói những ví dụ; 9. Ưu bà đề xá (Upadesa = luận nghĩa) là vấn đáp thảo luận về pháp nghĩa; 10. Ưu đà na (Udana = tự thuyết) là Phật tự nói chứ không ai hỏi được; 11. Tỳ phật lược (Vaipulya = phương quảng) nói về chân lý chính xác và rộng lớn; 12. Hoà già la (Vyakarana = thọ ký) thọ ký thành Phật cho bồ tát. Tựu trung, 3 loại đầu là chia theo thể văn, 9 loại sau là chia theo sự lý của thể văn ấy.
16. Ngàn vạn năm = 10 triệu năm, là thời gian chuẩn bị cho bồ tát Di Lặc giáng sinh, lúc đó con người sống lâu 84 ngàn tuổi.
17. Tám trượng = 26 m.
18. Phát đạo ý là phát tâm bồ đề. Vô thượng thánh chân: Vô thượng chánh chân, Vô thượng chánh giác, Vô thượng bồ đề..

« Kinh này có tổng cộng 1 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.16.83.167 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập