Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình.
Kinh Pháp cú
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
PHẨM THỨ SÁU : TỐI TỊNH ĐỊA ĐÀ LA NI
Lúc bấy giờ, Bồ tát Sư Tử Tướng Vô Ngại Quang Diệm cùng với vô lượng ức chúng đứng dậy, trật áo vai phải, gối phải quì xuống đất, chắp tay, cung kính đảnh lễ dưới chân đức Phật, dùng đủ thứ hương hoa, tràng phan, bảo cái cúng dường rồi bạch đức Phật rằng :
- Thưa đức Thế Tôn ! Dùng bao nhiêu nhân duyên để được tâm Bồ Đề ? Cái gì là tâm Bồ Đề ? Thưa đức Thế Tôn ! Tức là đối với Bồ Đề, tâm hiện tại chẳng thể được, tâm vị lai chẳng thể được, tâm quá khứ chẳng thể được, lìa khỏi Bồ Đề thì tâm Bồ Đề cũng chẳng thể được. Bồ Đề là chẳng thể ngôn thuyết, tâm cũng không sắc, không tướng, không có sự nghiệp, chẳng phải có thể tạo tác, chúng sinh cũng chẳng thể được, cũng chẳng thể biết. Thưa đức Thế Tôn ! Thì làm sao nghĩa thậm thâm của các pháp mà có thể được biết.
Đức Phật dạy rằng :
- Này thiện nam tử ! Đúng vậy ! Đúng vậy ! Bồ Đề vi diệu, sự nghiệp tạo tác đều chẳng thể được. Nếu lìa khỏi Bồ Đề thì tâm Bồ Đề cũng chẳng thể được. Bồ Đề là chẳng thể nói, tâm cũng chẳng thể nói, không sắc, không tướng, không sự nghiệp mà tất cả chúng sinh cũng chẳng thể được. Vì sao vậy ? Vì Bồ Đề và tâm đồng với chân như mà năng chứng, sở chứng đều bình đẳng, chẳng phải không các pháp mà có thể rõ biết. Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát biết như vậy thì mới được gọi là thông đạt các pháp, khéo nói Bồ Đề và tâm Bồ Đề. Tâm Bồ Đề chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại. Tâm cũng như vậy, chúng sinh cũng như vậy, ở trong hai tướng thật chẳng thể được. Vì sao vậy ? Vì do tất cả pháp đều không sinh vậy. Bồ Đề chẳng thể được, tên Bồ Đề cũng chẳng thể được; chúng sinh, tên chúng sinh chẳng thể được; Thanh Văn, tên Thanh Văn chẳng thể được; Độc Giác, tên Độc Giác chẳng thể được; Bồ tát, tên Bồ tát chẳng thể được; Phật, tên Phật chẳng thể được; hành, chẳng phải hành chẳng thể được; tên hành, chẳng phải hành chẳng thể được. Do chẳng thể được nên ở trong tất cả pháp tịch tịnh mà được an trụ. Những cái này nương theo tất cả thiện căn công đức mà được sinh khởi.
Này thiện nam tử ! Ví như vua núi Tu Di báu ích lợi nhiều cho tất cả, tâm Bồ Đề này lợi ích cho tất cả chúng sinh. Đó gọi là nhân thứ nhất Bố thí Ba la mật.
Này thiện nam tử ! Ví như đại địa giữ gìn mọi vật. Đó gọi là nhân thứ hai Trì giới Ba la mật.
Ví như Sư tử có uy lực lớn, một mình bước đi không sợ, lìa khỏi sự kinh sợ. Đó gọi là nhân thứ ba Nhẫn nhục Ba la mật.
Ví như vừng gió Na la diên lực dũng tráng nhanh chóng, lòng chẳng thoái lui. Đó gọi là nhân thứ tư Cần sách (tinh tấn) Ba la mật. Ví như lầu thất bảo thưởng ngoạn có đường bốn thềm bậc, gió mát thổi đến bốn cửa, hưởng thụ niềm vui yên ổn, pháp tạng tịnh lự tràn đầy. Đó gọi là nhân thứ năm Tịnh Lự (Thiền) Ba la mật.
Ví như ánh sáng vừng mặt trời sáng chói chang, lòng này nhanh chóng có thể phá diệt tối tăm của vô minh sinh tử. Đó gọi là nhân thứ sáu Trí tuệ Ba la mật.
Ví như vị thương chủ có thể khiến cho tất cả tâm nguyện thỏa mãn đầy đủ, tâm này có thể qua khỏi con đường hiểm nguy sinh tử, được công đức báu. Đó gọi là nhân thứ bảy Phương tiện Thắng Trí Ba la mật.
Ví như mặt trời sạch tròn đầy, không bị che ngăn, lòng này có thể đối với tất cả cảnh giới thanh tịnh đầy đủ. Đó gọi là nhân thứ tám Nguyện Ba la mật.
Ví như vị Chủ Binh Bảo Thần của Chuyển Luân Thánh Vương tùy ý tự tại, lòng này giỏi có thể trang nghiêm đất nước Phật thanh tịnh, công đức không lường, lợi ích rộng cho quần sinh. Đó gọi là nhân thứ chín Lực Ba la mật.
Ví như hư không và Chuyển Luân Thánh Vương, tâm này có thể đối với tất cả cảnh giới không có chướng ngại, đối với tất cả chỗ đều được tự tại đi đến địa vị Quán đảnh. Đó gọi là nhân thứ mười Trí Ba la mật.
Này thiện nam tử ! Đó gọi là mười thứ nhân Bồ Đề tâm của Đại Bồ tát. Mười nhân như vậy, các ông phải tu hành !
Này thiện nam tử ! Nương theo năm thứ pháp, Đại Bồ tát thành tựu Bố thí Ba la mật. Những gì là năm ? Một là tín căn, hai là Từ bi, ba là tâm không cầu dục, bốn là nhiếp thọ tất cả chúng sinh, năm là nguyện cầu trí Nhất Thiết Trí. Này thiện nam tử ! Đó gọi là Đại Bồ tát thành tựu Bố thí Ba la mật.
Này thiện nam tử ! Lại nương vào năm pháp, Đại Bồ tát thành tựu Trì giới Ba la mật. Những gì là năm ? Một là ba nghiệp thanh tịnh, hai là chẳng vì tất cả chúng sinh tạo tác nhân duyên phiền não, ba là đóng những con đường ác, mở cửa đường thiện, bốn là qua khỏi địa vị Thanh Văn, Độc Giác, năm là tất cả công đức đều đủ đầy hết. Này thiện nam tử ! Đó gọi là Đại Bồ tát thành tựu Trì Giới Ba la mật.
Này thiện nam tử ! Lại nương vào năm pháp, Đại Bồ tát thành tựu Nhẫn Nhục Ba la mật. Những gì là năm ? Một là, có thể điều phục tham sân phiền não. Hai là, chẳng tiếc thân mạng, chẳng cầu an lạc, tư tưởng Chỉ tức. Ba là, suy nghĩ nghiệp đã qua, gặp khổ có thể nhẫn. Bốn là phát tâm từ bi, thành tựu các thiện căn của chúng sinh. Năm là, được pháp nhẫn vô sinh thậm thâm. Này thiện nam tử ! Đó gọi là Đại Bồ tát thành tựu Nhẫn Nhục Ba la mật.
Này thiện nam tử ! Lại nương vào năm pháp, Đại Bồ tát thành tựu Cần Sách Ba la mật. Những gì là năm ? Một là, cùng các phiền não chẳng ưa ở chung. Hai là, phước đức chưa đủ, chẳng thọ an lạc. Ba là, đối với các việc làm khó, làm khổ chẳng sinh lòng chán nản. Bốn là dùng đại Từ Bi nhiếp thọ lợi ích, phương tiện thành thục tất cả chúng sinh. Năm là, nguyện cầu Bất Thoái Chuyển địa. Này thiện nam tử ! Đó gọi là Đại Bồ tát thành tựu Cần Sách Ba la mật.
Này thiện nam tử ! Lại nương vào năm pháp, Đại Bồ tát thành tựu Tịnh Lự Ba la mật. Những gì là năm ? Một là đối với các thiện pháp nhiếp lấy khiến cho chẳng tan mất. Hai là, thường nguyện Giải thoát, chẳng chấp trước Nhị biên. Ba là, nguyện được thần thông, thành tựu các thiện căn của chúng sinh. Bốn là, vì sạch pháp giới, diệt trừ lòng cấu bẩn. Năm là vì đoạn trừ căn bản phiền não của chúng sinh. Này thiện nam tử ! Đó gọi là Đại Bồ tát thành tựu Tịnh Lự Ba la mật.
Này thiện nam tử ! Lại nương vào năm pháp, Đại Bồ tát thành tựu Trí Tuệ Ba la mật. Những gì là năm ? Một là, thường đối với tất cả các đức Phật, Bồ tát và người minh trí cúng dường thân cận, chẳng sinh nhàm chán, quay lưng. Hai là, các đức Phật Như Lai nói pháp thậm thâm, lòng thường ưa nghe không có chán đủ. Ba là, lý chân lẻ tục thắng trí giỏi phân biệt. Bốn là, thấy tu phiền não đều chóng đoạn trừ. Năm là, kỹ thuật thế gian, pháp ngũ minh đều thông đạt hết. Này thiện nam tử ! Đó gọi là Đại Bồ tát thành tựu Trí Tuệ Ba la mật.
Này thiện nam tử ! Lại nương vào năm pháp, Đại Bồ tát thành tựu Phương Tiện Ba la mật. Những gì là năm ? Một là, đối với ý của tất cả chúng sinh ưa phiền não, lòng làm sai biệt đều thông đạt hết. Hai là, vô lượng cửa của các pháp đối trị, lòng đều hiểu rõ. Ba là, định (thiền định) Đại Từ Bi ra vào tự tại. Bốn là, đối với các Ba la mật đều nguyện tu hành, thành tựu đầy đủ. Năm là, tất cả Phật Pháp đều nguyện liễu đạt, nhiếp thọ không sót. Này thiện nam tử ! Đó gọi là Đại Bồ tát thành tựu Phương Tiện Thắng Trí Ba la mật.
Này thiện nam tử ! Lại nương vào năm pháp, Đại Bồ tát thành tựu Nguyện Ba la mật. Những gì là năm ? Một là, đối với tất cả pháp từ xưa đến nay chẳng sinh chẳng diệt, chẳng phải có, chẳng phải không, lòng được an trụ. Hai là, quan sát tất cả pháp tối diệu lý thú, lìa cấu bẩn, thanh tịnh, lòng được an trụ. Ba là, qua tất cả tưởng, chính là Chân Như gốc, không tác, không hành, chẳng khác, chẳng động, lòng được an trụ. Bốn là, vì muốn lợi ích việc của các chúng sinh nên đối tục đế lòng được an trụ. Năm là, đối với Xa ma tha (chỉ) và Tỳ bát xá na (quán) đồng thời vận hành, lòng được an trụ. Này thiện nam tử ! Đó gọi là Đại Bồ tát thành tựu Nguyện Ba la mật.
Này thiện nam tử ! Lại có năm pháp, Đại Bồ tát thành tựu Lực Ba la mật. Những gì là năm ? Một là, dùng lực chánh trí có thể rõ tâm hạnh thiện ác của tất cả chúng sinh. Hai là, có thể khiến cho tất cả chúng sinh vào với pháp vi diệu thậm thâm. Ba là, tất cả chúng sinh luân hồi sinh tử theo duyên nghiệp của họ rõ biết như thật. Bốn là, đối với ba thứ căn tính của các chúng sinh, dùng lực chánh trí có thể phân biệt biết. Năm là, đối với các chúng sinh theo đúng như lý vì họ giải nói, khiến cho họ gieo trồng thiện căn, thành thục, độ thoát đều là trí lực. Này thiện nam tử ! Đó gọi là Đại Bồ tát thành tựu Lực Ba la mật. Này thiện nam tử ! Lại nương vào năm pháp, Đại Bồ tát thành tựu Trí Ba la mật. Những gì là năm ? Một là, có thể đối với các pháp phân biệt thiện ác. Hai là, đối với pháp đen, trắng xa lìa hay nhiếp thọ. Ba là có thể đối với sinh tử, Niết Bàn chẳng chán, chẳng mừng. Bốn là, đủ hạnh phước trí, đến chỗ rốt ráo. Năm là, thọ Thắng Quán Đảnh, có thể được những pháp Bất Cộng của chư Phật và trí Nhất Thiết Trí. Này thiện nam tử ! Đó gọi là Đại Bồ tát thành tựu Trí Ba la mật.
Này thiện nam tử ! Cái gì là nghĩa của Ba la mật ? Đó là : Tu tập thắng lợi là nghĩa của Ba la mật. Thỏa mãn đầy đủ vô lượng đại trí thậm thâm là nghĩa của Ba la mật. Hành, phi hành pháp, lòng chẳng chấp trước là nghĩa của Ba la mật. Tội lỗi của sinh tử, công đức của Niết Bàn chánh giác, chánh quán là nghĩa của Ba la mật. Kẻ ngu người trí đều nhiếp thọ hết là nghĩa của Ba la mật. Có thể hiện đủ thứ pháp bảo trân diệu là nghĩa của Ba la mật. Trí tuệ vô ngại giải thoát đủ đầy là nghĩa của Ba la mật. Pháp giới, chúng sinh giới chánh phân biệt biết là nghĩa của Ba la mật. Thí.v.v... và trí có thể khiến cho đến chẳng thoái chuyển là nghĩa của Ba la mật. Vô sanh pháp nhẫn có thể khiến cho mãn túc là nghĩa của Ba la mật. Thiện căn công đức của tất cả chúng sinh có thể khiến cho thành thục là nghĩa của Ba la mật. Có thể đối với Bồ Đề thành tựu mười lực của Phật, bốn vô sở úy, những pháp Bất Cộng.v.v... đều thành tựu hết là nghĩa của Ba la mật. Sinh tử Niết Bàn rõ không hai tướng là nghĩa của Ba la mật. Tế độ tất cả là nghĩa của Ba la mật. Tất cả ngoại đạo đến gặn hỏi, vấn nạn giỏi có thể giải thích khiến cho họ bị hàng phục là nghĩa của Ba la mật. Có thể chuyển pháp luân mười hai diệu hạnh là nghĩa của Ba la mật. Không sở trước, không sở kiến, không hoạn lụy là nghĩa của Ba la mật.
Này thiện nam tử ! Bồ tát Sơ địa thì tướng này hiện trước, ba ngàn đại thiên thế giới, vô lượng vô biên đủ thứ bảo tạng không đâu chẳng tràn đầy, Bồ tát đều thấy.
Này thiện nam tử ! Bồ tát Nhị địa thì tướng này hiện trước, ba ngàn đại thiên thế giới, đất bằng phẳng như bàn tay với vô lượng vô biên đủ thứ trân bảo thanh tịnh diệu sắc, đồ trang nghiêm, Bồ tát đều thấy.
Này thiện nam tử ! Bồ tát Tam địa thì tướng này hiện trước, tự thân dũng kiện, giáp, trượng trang nghiêm, tất cả oán địch đều có thể tiêu diệt, hàng phục, Bồ tát đều thấy.
Này thiện nam tử ! Bồ tát Tứ địa thì tướng này hiện trước, bốn phương gió chuyển với đủ thứ diệu hoa đều tung rải đầy khắp trên đất, Bồ tát đều thấy.
Này thiện nam tử ! Bồ tát Ngũ địa thì tướng này hiện trước, có diệu bảo nữ với những chuỗi ngọc báu nghiêm sức cùng khắp thân, đầu đội mũ hoa danh tiếng... dùng làm trang sức, Bồ tát đều thấy.
Này thiện nam tử ! Bồ tát Lục địa thì tướng này hiện trước, ao hoa thất bảo có bốn đường thềm, cát vàng trải khắp, thanh tịnh không bẩn, nước tám công đức tràn đầy, hoa Ôn bát la, hoa Câu vật đầu, hoa Phân đà lợi tùy theo chỗ mà trang nghiêm, ở chỗ ao hoa du hí khoái lạc, mát mẻ không gì sánh, Bồ tát đều thấy.
Này thiện nam tử ! Bồ tát Thất địa thì tướng này hiện trước, ở trước Bồ tát có các chúng sinh đáng đọa địa ngục, do lực Bồ tát liền được chẳng đọa, không có tổn thương, cũng không kinh sợ, Bồ tát đều thấy.
Này thiện nam tử ! Bồ tát Bát địa thì tướng này hiện trước, ở hai bên thân có sư tử vương để làm hộ vệ, tất cả mọi loài thú đều kinh sợ, Bồ tát đều thấy.
Này thiện nam tử ! Bồ tát Cữu địa thì tướng này hiện trước, vua Chuyển Luân Thánh với vô lượng ức chúng vây quanh cúng dường, trên đỉnh che bạch cái trang nghiêm bằng vô lượng những báu, Bồ tát đều thấy.
Này thiện nam tử ! Bồ tát Thập địa thì tướng này hiện trước, thân Như Lai màu vàng rực rỡ với vô lượng tịnh quang đều viên mãn, có vô lượng ức Phạm vương vây quanh cung kính cúng dường, chuyển pháp luân vô thượng vi diệu, Bồ tát đều thấy.
Này thiện nam tử ! Sao Sơ địa gọi là Hoan Hỷ (Piamuđità) ? Nghĩa là mới chứng được tâm xuất thế, cái xưa chưa được mà nay mới được, với đại sự dụng đúng như sở nguyện ấy đều thành tựu hết, sinh ra rất vui mừng. Vậy nên tối sơ gọi là Hoan Hỷ. Những cấu bẩn vi tế, lỗi lầm phạm giới đều được thanh tịnh. Vậy nên Nhị địa gọi là Vô cấu (Vimalà). Vô lượng ánh sáng trí tuệ tam muội, chẳng thể khuynh động, không thể tiêu diệt hàng phục, nghe trì Đà la ni lấy làm căn bản. Vậy nên Tam địa gọi là Minh địa (Prabhà - Karì). Dùng lửa trí tuệ thiêu đốt các phiền não, tăng trưởng ánh sáng, tu hành giác phẩm. Vậy nên Tứ địa gọi là Diệm địa (Arcismati). Tu hành phương tiện thắng trí tự tại rất khó được, thấy tu phiền não khó phục có thể điều phục. Vậy nên Ngũ địa gọi là Nan Thắng (Sudurjayà). Hành pháp nối tiếp nhau tỏ rõ hiển hiện, vô tướng tư duy đều hiện tiền. Vậy nên Lục địa gọi là Hiện Tiền (Abhimukti). Vô lậu, vô gián, vô tướng tư duy, giải thoát tam muội, tu hành xa vời. Địa này thanh tịnh không có chướng ngại. Vậy nên Thất địa gọi là Viễn Hành (Dùramgamà). Vô tướng tư duy, tu được tự tại, các phiền não hạnh chẳng thể khiến cho động. Vậy nên Bát địa gọi là Bất Động (Acalà). Nói tất cả pháp đủ thứ sai biệt đều được tự tại, không hoạn, không lụy, tăng trưởng trí tuệ, tự tại vô ngại. Vậy nên Cữu địa gọi là Thiện Tuệ (Sàdhamati). Pháp thân như hư không, trí tuệ như đại vân đều có thể che đầy khắp tất cả. Vậy nên Thập địa gọi là Pháp Vân (Dharmamaghà).
Này thiện nam tử ! Vô minh chấp trước hữu tướng ngã pháp, vô minh bố úy sinh tử ác thú. Hai chướng vô minh này ở Sơ địa. Vô minh vi tế học xứ ngộ phạm, vô minh phát khởi đủ thứ nghiệp hạnh. Hai chướng vô minh này ở Nhị địa. Vô minh chưa được khiến cho được ái trước, vô minh có thể chướng Tổng trì thù thắng. Hai chướng vô minh này ở Tam địa. Vô minh đắm trước vị.v.v... đến vui vẻ, vô minh vi diệu tịnh pháp ái lạc. Hai chướng vô minh này ở Tứ địa. Vô minh muốn quay lưng với sinh tử, vô minh mong đi đến Niết Bàn. Hai chướng vô minh này ở Ngũ địa. Vô minh quan sát hành lưu chuyển, vô minh tướng thô hiện tiền. Hai chướng vô minh này ở Lục địa. Vô minh các tướng hiện hạnh vi tế, vô minh vô tướng tác ý hân lạc. Hai chướng vô minh này ở Thất địa. Vô minh đối với vô tướng quán công dụng, vô minh chấp tướng tự tại. Hai chướng vô minh này ở Bát địa. Vô minh ở lời nói nghĩa và tên câu văn, hai thứ này vô ngại chưa khéo léo, vô minh đối với từ biện tài chẳng theo ý. Hai chướng vô minh này ở Cữu địa. Vô minh đối với đại thần thông chưa được tự tại biến hiện, vô minh vi tế bí mật chưa có thể ngộ giải sự nghiệp. Hai chướng vô minh này ở Thập địa. Vô minh đối với tất cả cảnh giới vi tế mà sự hiểu biết chướng ngại, vô minh cực nhỏ phiền não thô nặng. Hai chướng vô minh ở Phật địa.
Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát ở trong Sơ địa hành Thí Ba la mật, ở Đệ nhị địa hành Giới Ba la mật, ở Đệ tam địa hành Nhẫn Ba la mật, ở Đệ tứ địa hành Cần Ba la mật, ở Đệ ngũ địa hành Định Ba la mật, ở Đệ lục địa hành Tuệ Ba la mật, ở Đệ thất địa hành Phương tiện thắng trí Ba la mật, ở Đệ bát địa hành Nguyện Ba la mật, ở Đệ cữu địa hành Lực Ba la mật, ở Đệ thập địa hành Trí Ba la mật.
Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tối sơ phát tâm nhiếp thọ có thể sinh ra Diệu bảo tam ma địa, Đệ nhị phát tâm nhiếp thọ có thể sinh ra Khả ái lạc tam ma địa, Đệ tam phát tâm nhiếp thọ có thể sinh ra Nan động tam ma địa, Đệ tứ phát tâm nhiếp thọ có thể sinh ra Bất thoái chuyển tam ma địa, Đệ ngũ phát tâm nhiếp thọ có thể sinh ra Bảo Hoa tam ma địa, Đệ lục phát tâm nhiếp thọ có thể sinh ra Nhật Viên Quang Diệm tam ma địa, Đệ thất phát tâm nhiếp thọ có thể sinh ra Nhất Thiết Nguyện Như Ý thành tựu tam ma địa, Đệ bát phát tâm nhiếp thọ có thể sinh ra Hiện Tiền Chứng trụ tam ma địa, Đệ cữu phát tâm nhiếp thọ có thể sinh ra Trí Tạng tam ma địa, Đệ thập phát tâm nhiếp thọ có thể sinh ra Dũng tiến tam ma địa. Này thiện nam tử ! Đó gọi là mười thứ phát tâm của Đại Bồ tát. Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát ở Sơ địa này được Đà la ni tên là Y Công Đức lực.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói chú rằng :
Đát điệt tha - Bô luật nỉ - Mạn nô lạt thế - Độc hổ - Độc hổ - Độc hổ - Gia bạt - Tô lợi du - A bà bà tát để - Gia bạt - Chiên đạt la - Điêu đát để - Đa bạt đạt lạc xoa mạn - Đan trà bát lợi ha lam - Củ lổ - Tá ha (Tadỷathà pùrni mantrate tuhu tuhu tuhu yava-sirya avabhàsati yava - candra cukuti tavata raksa mam canda pariharam kuru svàhà).
Này thiện nam tử ! Đà la ni này là lời nói của hơn một hằng hà sa số các đức Phật vì ủng hộ Đại Bồ tát Sơ địa. Nếu có người tụng trì chú Đà la ni này thì được thoát tất cả nỗi kinh sợ như là cọp, sói, sư tử... các loài ác thú, tất cả ác quỉ, người chẳng phải người.v.v... oán tặc, tai ngược và các khổ não... Giải thoát năm chướng, chẳng quên nghĩ đến Sơ địa.
Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát ở Đệ nhị địa được Đà la ni gọi là Thiện An Lạc Trụ :
Đát điệt tha - Ôn xiển lí - Chất lí - Chất lí - Ôn xiển la xiển la - Nam thiện đổ thiện đổ ôn xiển lí - Hổ lỗ hổ lỗ - Tá ha (Tadyathà untali ‘Siri ‘Siri untali tannam jant jantu untali huru svàhà).
Này thiện nam tử ! Đà la ni này là lời nói của hơn hai lần cát sông Hằng các đức Phật vì ủng hộ Đại Bồ tát Nhị địa. Nếu có người trì tụng chú Đà la ni này thì thoát khỏi những nỗi kinh sợ ác thú, ác quỉ, người chẳng phải người.v.v... oán tặc, tai ngược và các khổ não. Giải thoát năm chướng, chẳng quên nghĩ đến Nhị địa.
Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát ở Đệ tam địa được Đà la ni gọi là Nan Thắng lực :
Đát điệt tha - Đan trạch - Chỉ bát - Trạch chỉ - Yết lạt trí cao lạt trí - Kê do lý - Đan trí lý - Tá ha (Tadyathà tantaki pautaki karati kaurati keyuri svàhà).
Này thiện nam tử ! Đà la ni này là lời nói của hơn ba lần cát sông Hằng các đức Phật vì ủng hộ Đại Bồ tát Tam địa. Nếu có người trì tụng chú Đà la ni này thì thoát được những nỗi kinh sợ ác thú, ác quỉ, người chẳng phải người.v.v... oán tặc, tai ngược và các khổ não. Giải thoát năm chướng, chẳng quên nghĩ đến Tam địa. Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát ở Tứ địa được Đà la ni tên là Đại Lợi Ích :
Đát điệt tha - Thất lị thất lị - Đà nhị nỉ đà nhị nỉ - Đà lí đà lí nỉ - Thất lị thất lị nỉ - Tỳ xá la ba thế ba thỉ ná - Bạn đà nhị đế - Tá ha (Tadyathà ‘siri ‘siri damini damini daridarini ‘siri‘sirini vicara pacipacina pandamite svàhà).
Này thiện nam tử ! Đà la ni này là lời nói của hơn bốn hằng hà sa số chư Phật vì hộ trì Đại Bồ tát Tứ địa Mahatát. Nếu có người trì tụng chú Đà la ni này thì thoát khỏi những sự kinh sợ ác thú, ác quỉ, người chẳng phải người.v.v... oán tặc, tai quái và các khổ não. Giải thoát năm chướng, chẳng quên nghĩ đến Tứ địa.
Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát ở Đệ ngũ địa được Đà la ni gọi là Đủ thứ công đức trang nghiêm :
Đát điệt tha - Ha lý ha lý - Nỉ già lý già lý nỉ - Yết lạt ma - Nỉ tăng yết lạt ma - Nỉ - Tam ba sơn nỉ chiêm bạt nỉ - Tất đam bà nỉ mô hán nỉ - Toái diêm bộ bệ - Tá ha (Tadyathà darini siri - ‘sirini vicara paci-pacina pandamite svàhà).
Này thiện nam tử ! Đà la ni này là lời nói của hơn năm hằng hà sa số các đức Phật vì hộ trì Đại Bồ tát Ngũ địa. Nếu có người trì tụng chú Đà la ni này thì thoát khỏi các nỗi kinh sợ về ác thú, ác quỉ, người chẳng phải người.v.v... oán tặc, tai ngược và các khổ não, giải thoát năm chướng, chẳng quên nghĩ đến Ngũ địa.
Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát ở Đệ lục địa được Đà la ni gọi là Viên Mãn Trí :
Đát điệt tha - Tỳ tỉ lí tỳ tỉ lí - Ma lí nỉ ca lí ca lí - Tỳ độ hán để - Lỗ lỗ lỗ lỗ - Chủ lỗ chủ lỗ - Đổ lỗ bà đỗ lỗ bà - Xả xả thiết giả bà lí sái ta - Tất để tát bà tát đỏa nam - Tất điện đổ mạn đát la bát đà nỉ - Tá ha (Tadyathà vitori vitorim arini narini kiri kiri vitohanti ruru - ruru curu curu durra duruva ‘sa‘sa ‘saccha varísa svasti sasvasattvànàm siddhyanty maya mantra padàni svàhà).
Này thiện nam tử ! Đà la ni này là lời nói của hơn sáu hằng hà sa số các đức Phật vì hộ trì Đại Bồ tát Lục địa. Nếu có người trì tụng chú Đà la ni này thì giải được những nỗi kinh sợ về ác thú, ác quỉ, người chẳng phải người.v.v... oán tặc, tai ngược và các khổ não, giải thoát năm chướng, chẳng quên nghĩ về Lục địa.
Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát ở Thất địa được Đà la ni gọi là Pháp Thắng Hạnh :
Đát điệt tha - Chước ha - Chước ha - Lỗ chước ha chước ha chước ha lỗ - Tỳ bệ chỉ tỳ bệ chỉ - A mật lật đa đề hán nỉ - Bột lí sơn nỉ - A mật lí để chỉ - Bạc hổ chủ dũ - Bạc hổ chủ dũ - Tá ha (Tadyathà Jaha Jaharu viduke viduke amrta khani vrsani vairu cani vairucike varuvatti vidhibike bhandin varini amrtike bahujaja bahùjayu svàhà).
Này thiện nam tử ! Đà la ni này là lời nói của hơn bảy hằng hà sa số các đức Phật vì hộ trì Đại Bồ tát Mahatát Thất địa. Nếu có người trì tụng chú Đà la ni này thì thoát khỏi những nỗi sợ hãi về ác thú, ác quỉ, người chẳng phải người.v.v... oán tặc, tai ngược và các khổ não, giải thoát năm chướng, chẳng quên nghĩ đến Thất địa.
Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát ở Đệ bát địa được Đà la ni gọi là Vô Tận Tạng :
Đát điệt tha - Thất lị thất lị thất lị nỉ - Mật để mật để - Yết lí yết lí ế lỗ ế lỗ - Chủ lỗ chủ lỗ - Bạn đà nhị - Tá ha (Tadyathà ‘siri ‘siri ‘sirini mite mite kari kari heru heru heru curu curu vandani svàhà).
Này thiện nam tử ! Đà la ni này là lời nói của hơn tám hằng hà sa số các đức Phật vì hộ trì Đại Bồ tát Bát địa. Nếu có người trì tụng chú Đà la ni này thì thoát khỏi những nỗi kinh sợ về ác thú, ác quỉ, người chẳng phải người.v.v... oán tặc, tai ngược và các khổ não, giải thoát năm chướng, chẳng quên nghĩ đến Bát địa.
Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát ở Đệ cữu địa được Đà la ni gọi là Vô Lượng môn :
Đát điệt tha - Ha lí chiên trà lí chỉ - Câu lam bà lạt thể - Đô lạt tử - Bạt tra bạt tra tử thất lị thất lị ca thất lí ca tất thất lị - Tá tất để - Tát bà tát đỏa nam - Tá ha (Tadyathà hari candarike kulamàbhate torisi bata batasi ‘siri ‘siri ka‘siri kapi‘siri svasti sarva - sattvànàm svàhà).
Này thiện nam tử ! Đà la ni này là lời nói của hơn chín hằng hà sa số các đức Phật vì hộ trì Đại Bồ tát Cữu địa. Nếu có người trì tụng chú Đà la ni này thì thoát khỏi những sự sợ hãi về ác thú, ác quỉ, người chẳng phải người.v.v... oán tặc, tai ngược và các khổ não, giải thoát năm chướng, chẳng quên nghĩ đến Cữu địa.
Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát ở Đệ thập địa được Đà la ni gọi là Phá Kim Cương Sơn :
Đát điệt tha - Tất đề - Tô tất đề - Mô chiết nỉ mộc sát nỉ tỳ mộc để am mạt lệ - Tỳ mạt lệ niết mạt lệ - Mang yết lệ tê lan nhã yết tỳ - Hạt lạt đát na yết tỳ - Tam mạn đa bạt điệt lệ - Tát bà át tha ta đan nỉ - Ma nại tư mạc ha ma nại tư - At bộ để át - Thất bộ để - A lại thệ tỳ lạt thệ át chủ để am mật lật để - A lại thệ tỳ lạt thệ - Bạt lam mê - Bạt la hám ma ta - Lệ bộ lạt nỉ bộ lạt na - Mạn nô lạt thế - Tá ha (Tadyathà sidhi susidhe mocani moksani vimukti amale nirmale mogale hiranyagarbhe samantabhadre sarvànte sthàni manasi ambuti antibuti acare virase amnti amrta arase virase brahme brahmane pùrnì purapà mautrate svàhà).
Này thiện nam tử ! Câu cát tường quán đỉnh Đà la ni là lời nói của hơn mười hằng hà sa số các đức Phật vì hộ trì Đại Bồ tát Thập địa. Nếu có người trì tụng chú Đà la ni này thì thoát khỏi các nỗi sợ hãi về ác thú, ác quỉ, người chẳng phải người.v.v... oán tặc, tai ngược, tất cả độc hại đều diệt trừ hết, giải thoát năm chướng chẳng quên nghĩ về Thập địa.
Lúc bấy giờ, Bồ tát Sư Tử Tướng Vô Ngại Quang Diệm nghe đức Phật nói những Đà la ni chẳng thể nghĩ bàn này rồi liền đứng dậy, trật áo vai phải, quì gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân đức Phật, dùng lời tụng khen đức Phật :
Lễ đấng không ví dụ
Pháp vô tướng thậm thâm
Chánh tri chúng sinh mất
Tế độ chỉ Thế Tôn.
Tuệ nhãn Như Lai sáng
Chẳng thấy một pháp tướng
Dùng pháp nhãn chính chân
Soi khắp chẳng nghĩ bàn.
Chẳng sinh ở một pháp
Cũng chẳng diệt một pháp
Do bình đẳng ấy nhìn
Được đến chỗ vô thượng.
Chẳng hoại đến tử sinh
Niết Bàn cũng chẳng trụ
Chẳng chấp trước nhị biên
Vậy nên chứng viên tịch
Với phẩm tịnh, bất tịnh
Biết một vị, Thế Tôn !
Do chẳng phân biệt pháp
Nên được rất sạch trong (tối thanh tịnh).
Thân Thế Tôn vô biên
Chẳng nói tới một chữ
Khiến các chúng đệ tử
Mưa pháp đều đầy tràn
Phật xem tướng sinh chúng
Tất cả thứ đều không.
Nhưng với người khổ não
Dấy khởi cứu hộ luôn
Khổ lạc, ngã - vô ngã
Thường - vô thường, vân vân....
Chẳng một cũng chẳng khác
Chẳng diệt cũng chẳng sinh.
Như vậy chúng nhiều nghĩa
Nên nói có biệt riêng
Như tiếng vang cốc rỗng
Chỉ Phật rõ biết thông.
Pháp giới không phân biệt
Vậy nên thừa khác không
Vì hóa độ sinh chúng
Nói ba thừa phân biệt.
Bấy giờ, vua trời Phạm Đại Tự Tại cũng đứng dậy, trật áo vai phải, quì gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân đức Phật mà bạch rằng :
Thưa đức Thế Tôn ! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này hy hữu khó lường, đầu, giữa, cuối đều tốt, văn nghĩa rốt ráo, đều có thể thành tựu tất cả Phật pháp. nếu thọ trì thì người này tức là báo ơn chư Phật.
Đức Phật dạy rằng :
- Này thiện nam tử ! Đúng vậy ! Đúng vậy ! Đúng như lời ông nói ! Này thiện nam tử ! Nếu người được lắng nghe Kinh điển này thì đều chẳng thoái lui Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì sao vậy ? Này thiện nam tử ! Vì Kinh đó là có thể thành thục thiện căn thù thắng của Bồ tát Bất Thoái địa, là đệ nhất pháp ấn, là vua của mọi Kinh nên cần lắng nghe, thọ trì, đọc tụng. Vì sao vậy ? Này thiện nam tử ! Vì nếu tất cả chúng sinh chưa gieo trồng thiện căn, chưa thành thục thiện căn, chưa gần gũi các đức Phật thì chẳng thể lắng nghe pháp vi diệu đó. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân có thể thính thọ thì tất cả tội chướng đều trừ diệt hết, được tối thanh tịnh, thường được thấy Phật, chẳng lìa khỏi chư Phật và người thắng hạnh thiện tri thức, hằng nghe diệu pháp, trụ ở Bất Thoái địa, chứng được như vậy, Thắng Đà la môn không tận không giảm như là : Đà la ni Hải ấn xuất diệu công đức không tận không giảm, Đà la ni Thông đạt chúng sinh ý hành ngôn ngữ không tận không giảm, Đà la ni Nhật viên vô cấu tướng quang không tận không giảm, Đà la ni Mãn nguyệt tướng quang không tận không giảm, Đà la ni Năng phục chư hoặc diễn công đức lưu không tận không giảm, Đà la ni Phá Kim Cương sơn không tận không giảm, Đà la ni Thuyết bất khả thuyết nghĩa nhân duyên không tận không giảm, Đà la ni Thông đạt thật ngữ pháp tắc âm thanh không tận không giảm, Đà la ni Hư không vô cấu tâm hạnh ấn không tận không giảm, Đà la ni Vô biên Phật thân giai năng hiển hiện không tận không giảm.
Này thiện nam tử ! Những Đà la ni môn vô tận vô giảm như vậy.v.v... đều được thành tựu. Đại Bồ tát đó có thể ở tất cả cõi Phật trong mười phương hóa làm thân Phật diễn nói đủ thứ chánh pháp Vô thượng, đối với pháp Chân Như chẳng động, chẳng trụ, chẳng lại, chẳng đi, giỏi có thể thành thục thiện căn của tất cả chúng sinh, cũng chẳng thấy một chúng sinh có thể thành thục, tuy nói đủ thứ các pháp nhưng ở trong ngôn từ chẳng động, chẳng trụ, chẳng đi, chẳng lại, có thể ở sinh diệt mà chứng không sinh diệt. Vì nhân duyên gì mà nói các hành pháp không có đi lại ? Vì do bản thể của tất cả pháp không khác vậy.
Khi nói pháp này thì ba vạn ức Đại Bồ tát được Vô sanh pháp nhẫn, vô lượng các Bồ tát chẳng thoái tâm Bồ Đề, vô lượng vô biên bí sô, bí sô ni được pháp nhãn tịnh, vô lượng chúng sinh phát tâm Bồ tát. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói lời tụng rằng :
Thắng pháp hay ngược dòng tử sinh
Thậm thâm vi diệu khó được nhìn
Tham dục che hữu tình mù tối
Chẳng thấy nên chịu khổ vô cùng.
Lúc bấy giờ, đại chúng đều đứng dậy, đảnh lễ dưới chân đức Phật mà bạch rằng :
- Thưa đức Thế Tôn ! Nếu chỗ sở tại tuyên giảng đọc tụng Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này thì chúng con, cả đại chúng, đều đi đến chỗ đó làm chúng nghe thầy thuyết pháp này, khiến cho được lợi ích an lạc, thân không chướng ngại, ý rộng rãi. Chúng con đều sẽ tận tâm cúng dường, cũng khiến cho thính chúng yên ổn khoái lạc. Đất nước nơi ở không có những khổ oán tặc kinh sợ, ách nạn đói kém, nhân dân đông đúc. Chỗ nói pháp này, đất của Đạo tràng, tất cả những trời, người chẳng phải người.v.v... tất cả chúng sinh chẳng nên dầy xéo làm ô uế. Vì sao vậy ? Vì chỗ nói pháp tức là “Chế để” (Caitya), phải dùng hương hoa tràng phan, bảo cái bằng lụa ngũ sắc cúng dường. Chúng con luôn vì đó thủ hộ, khiến cho lìa khỏi sự suy tổn !.
Đức Phật dạy đại chúng rằng :
- Này các thiện nam tử ! Các ông cần phải tinh cần tu tập Kinh điển vi diệu này thì tức là Chánh pháp trụ thế lâu dài.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.223.237.218 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.