Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh [金光明最勝王經] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh [金光明最勝王經] »» Bản Việt dịch quyển số 2

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Việt dịch (2) » Việt dịch (4) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.96 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.57 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Tuệ Khai

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

PHẨM THỨ BA : PHÂN BIỆT BA THÂN
Lúc bấy giờ, Đại Bồ tát Hư Không Tạng, ở trong đại chúng, đứng dậy trật áo vai phải, quì gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân đức Phật, dùng hoa báu vàng thượng vi diệu, tràng phan, bảo cái mà cúng dường, rồi bạch đức Phật rằng:
- Thưa đức Thế Tôn ! Làm sao các vị Đại Bồ tát đối với bí mật thậm thâm của các đức Như Lai mà theo đúng như pháp tu hành ?
Đức Phật dạy rằng :
- Này thiện nam tử ! Hãy lắng nghe ! Lắng nghe ! Và khéo léo suy nghĩ ! Ta sẽ vì ông phân biệt giải nói !
Này thiện nam tử ! Tất cả Như Lai có ba thứ thân. Những gì là ba ? Một là, hóa thân. Hai là, ứng thân. Ba là, pháp thân. Như vậy ba thân đầy đủ nhiếp lấy Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà nếu rõ biết chân chánh thì mau ra khỏi sinh tử.
Sao gọi là Bồ tát rõ biết hóa thân ? Này thiện nam tử ! Như Lai thuở xưa ở trong các Địa tu hành, vì tất cả chúng sinh tu đủ thứ pháp. Tu tập như vậy cho đến sự tu hành viên mãn. Nhờ lực tu hành nên được đại tự tại. Nhờ lực tự tại nên tùy theo ý chúng sinh, tùy theo hạnh chúng sinh, tùy theo giới của chúng sinh đều rõ biết, phân biệt, chẳng đợi thời, chẳng quá thời mà tương ứng với chỗ, tương ứng với thời, tương ứng với hạnh để nói pháp tương ứng, hiện đủ thứ thân. Đó gọi là Hóa thân.
Này thiện nam tử ! Làm sao Bồ tát rõ biết ứng thân ? Nghĩa là các đức Như Lai vì muốn các Bồ tát được thông đạt nên nói đến Chân đế, vì khiến cho giải rõ sinh tử, Niết Bàn là một vị, vì trừ chúng sinh kinh sợ, vui mừng của thân kiến, vì Phật pháp vô biên mà làm gốc, như thật tương ứng Như Như, trí Như Như, vì lực nguyện xưa nên thân này được hiện với đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, vầng sáng tròn sau cổ... Đó gọi là Ứng thân.
Này thiện nam tử ! Làm sao Đại Bồ tát rõ biết Pháp thân ? Vì trừ các chướng phiền não.v.v... vì đủ các thiện pháp nên chỉ có Như Như, trí Như Như. Đó gọi là Pháp thân. Hai thứ thân trước là giả danh mà có. Thân thứ ba này là chân thật mà có và vì hai thân trước màlàm căn bản. Vì sao vậy ? Vì lìa khỏi Như Như pháp, lìa khỏi trí không phân biệt thì tất cả chư Phật không có biệt pháp. Tất cả chư Phật, trí tuệ đầy đủ, tất cả phiền não tận diệt rốt ráo, được Phật địa thanh tịnh. Vậy nên Như Như pháp, trí Như Như nhiếp lấy tất cả Phật pháp.
Lại nữa, này thiện nam tử ! Tất cả chư Phật, lợi ích cho mình, cho người đã đến được cứu cánh. Lợi ích của mình thì chính là Như Như pháp. Lợi ích cho người khác thì chính là trí Như Như. Chư Phật có thể đối với sự lợi ích của mình của người mà được tự tại thành tựu đủ thứ vô biên “dụng”. Vậy nên phân biệt tất cả Phật pháp có vô lượng vô biên đủ thứ sai biệt.
Này thiện nam tử ! Ví như y chỉ vào vọng tưởng mà suy nghĩ nói đủ thứ phiền não, nói đủ thứ nghiệp dụng, nói đủ thứ quả báo. Như vậy y chỉ Như Như pháp, y chỉ trí Như Như nói đủ thứ Phật pháp, nói đủ thứ pháp Độc Giác, nói đủ thứ pháp Thanh Văn. Y vào Như Như pháp, y vào trí Như Như thì tất cả Phật pháp tự tại thành tựu. Đó là sự chẳng thể nghĩ bàn thứ nhất. Ví như vẽ vào hư không để tạo tác đồ trang nghiêm là khó nghĩ bàn. Như vậy y vào Như Như pháp y vào trí Như Như thành tựu Phật pháp cũng khó nghĩ bàn.
Này thiện nam tử ! Sao gọi là Như Như pháp, trí Như Như ? Cả hai không phân biệt mà được tự tại thành tựu sự nghiệp. Này thiện nam tử ! Ví như Như Lai vào với Niết Bàn mà nguyện tự tại nên đủ thứ sự nghiệp đều được thành tựu. Như Như pháp, trí Như Như tự tại thành tựu sự nghiệp cũng lại như vậy.
Lại nữa, Đại Bồ tát vào định Vô Tâm, nương theo nguyện lực trước, rồi ra khỏi định, tạo tác mọi sự nghiệp, hai pháp như vậy không có phân biệt tự tại thành tựu sự nghiệp. Này thiện nam tử ! Ví như mặt trời, mặt trăng không có phân biệt, cũng như gương soi nước không có phân biệt, ánh sáng cũng không phân biệt. Ba thứ đó hòa hợp lại thì được có hình ảnh sinh ra ! Như vậy Như Như pháp, trí Như Như cũng không phân biệt, do nguyện tự tại, chúng sinh có cảm nên hiện ứng thân, hóa thân như hình bóng mặt trời, mặt trăng do hòa hợp mà xuất hiện.
Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như vô lượng vô biên gương soi nước nương vào ánh sáng nên không ảnh được hiện đủ thứ dị tướng. Không thì tức là vô tướng. Này thiện nam tử ! Như vậy những đệ tử chịu sự giáo hóa.v.v... chính là hình bóng của pháp thân. Do nguyện lực nên với hai thứ thân thị hiện đủ thứ tướng mà ở đất pháp thân không có dị tướng. Này thiện nam tử ! Y vào hai thân này, tất cả chư Phật nói hữu dư Niết Bàn. Nương vào pháp thân này chư Phật nói Vô dư Niết Bàn. Vì sao vậy ? Vì tất cả pháp còn lại hết rốt ráo. Y vào ba thân này, tất cả chư Phật nói Vô trụ xứ Niết Bàn. Vì hai thân nên chẳng trụ Niết Bàn, lìa khỏi pháp thân không có biệt Phật. Vì sao hai thân chẳng trụ Niết Bàn ? Vì hai thân là giả danh, không thật, từng niệm từng niệm sinh diệt, chẳng định trụ, thỉnh thoảng xuất hiện do bất định, còn pháp thân thì chẳng vậy. Vậy nên hai thân chẳng trụ Niết Bàn còn pháp thân chẳng hai. Vậy nên chẳng trụ Niết Bàn, nên y vào ba thân nói Vô Trụ Niết Bàn.
Này thiện nam tử ! Tất cả phàm phu vì ba tướng nên có trói buộc có chướng ngại, xa lìa ba thân, chẳng đến ba thân. Cái gì là ba ? Một là Biến Kế Sở Chấp tướng, hai là Y Tha Khởi tướng, ba là Thành Tựu tướng. Các tướng như vậy chẳng thể hiểu, chẳng thể diêt, chẳng thể tịnh. Vậy nên chẳng được đến với ba thân. Ba tướng như vậy có thể hiểu, có thể diệt, có thể tịnh. Vậy nên chư Phật đầy đủ ba thân.
Này thiện nam tử ! Những người phàm phu chưa thể trừ được ba tâm này nên xa lìa ba thân, chẳng thể được đến với ba thân. Những gì là ba ? Một là tâm khởi sự, hai là tâm y căn bản, ba là tâm căn bản. Nương các đạo điều phục thì tâm khởi sự hết, nương theo pháp đoạn đạo thì tâm nương theo căn bản hết, nương theo đạo Tối Thắng thì tâm căn bản hết. Tâm khởi sự diệt, được hiện hóa thân. Tâm nương căn bản diệt nên được hiển bày Ứng thân. Tâm căn bản diệt nên được đến với Pháp thân. Vậy nên tất cả Như Lai đầy đủ ba thân.
Này thiện nam tử ! Tất cả chư Phật ở thân thứ nhất cùng chư Phật đồng sự, ở thân thứ hai cùng chư Phật đồng ý, ở thân thứ ba cùng chư Phật đồng thể. Này thiện nam tử ! Thân Phật đầu tiên này tùy theo ý của chúng sinh có nhiều thứ nên hiện đủ thứ tướng. Vậy nên nói là nhiều. Thân Phật thứ hai vì đệ tử một ý nên hiện một tướng. Vậy nên nói là một. Thân Phật thứ ba qua khỏi tất cả tướng, chẳng phải cảnh giới chấp tướng. Vậy nên nói là chẳng một, chẳng hai. Này thiện nam tử ! Thân thứ nhất này nương vào Ứng thân được hiển hiện. Thân thứ hai này nương vào Pháp thân được hiển hiện. Pháp thân này là chân thật có, không chỗ nương cậy. Này thiện nam tử ! Như vậy ba thân vì có nghĩa mà nói đến thường, vì có nghĩa mà nói đến vô thường. Hóa thân thì luôn luôn chuyển pháp luân, khắp nơi nơi tùy duyên mà phương tiện nối tiếp nhau chẳng đoạn tuyệt. Vậy nên nói là thường. Chẳng phải là căn bản nên đầy đủ đại dụng, chẳng hiển hiện nên nói là vô thường. Ứng thân thì từ vô thỉ đến nay nối tiếp nhau chẳng đoạn tuyệt tất cả pháp bất cộng của chư Phật có thể nhiếp trì, chúng sinh không tận dụng, cũng không hết. Vậy nên nói là Thường. Chẳng phải là căn bản, do đầy đủ “dụng” chẳng hiển hiện nên nói là vô thường. Pháp thân thì chẳng phải là hành pháp, không có dị tướng, chính là căn bản nên giống như hư không. Vậy nên nói là Thường.
Này thiện nam tử ! Lìa khỏi trí vô phân biệt, lại không Thắng trí, lìa khỏi Như Như pháp, không có thắng cảnh giới chính là Như Như pháp, chính là Như Như tuệ. Hai thứ Như Như này Như Như chẳng một chẳng khác. Vậy nên Pháp thân là tuệ thanh tịnh, là diệt thanh tịnh. Do hai thanh tịnh này nên Pháp thân đầy đủ thanh tịnh.
Lại nữa, này thiện nam tử ! Phân biệt ba thân có bốn thứ khác : Có Hóa thân chẳng phải Ứng thân, có Ứng thân chẳng phải hóa thân, có Hóa thân cũng là Ứng thân, có chẳng phải Hóa thân cũng chẳng phải Ứng thân.
Sao là Hóa thân chẳng phải Ứng thân ? - Là các đức Như Lai sau khi Bát Niết Bàn, do nguyện tự tại nên tùy duyên lợi ích. Đó gọi là Hóa thân.
Sao là Ứng thân chẳng phải Hóa thân ? - Là thân địa tiền. (Bồ tá địa)
Sao là Hóa thân cũng là Ứng thân ? - Là thân trụ ở hữu dư Niết Bàn.
Sao là chẳng phải Hóa thân, chẳng phải Ứng thân ? - Chính là Pháp thân.
Này thiện nam tử ! Pháp thân này là hai không sở hữu, sở hiển hiện vậy. Những gì là hai vô sở hữu ? Đối với pháp thân này thì tướng và tướng xứ, cả hai đều là không, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải một, chẳng phải khác, chẳng phải số, chẳng phải phi số, chẳng phải sáng, chẳng phải tối... Như vậy trí Như Như chẳng thấy tướng và tướng xứ, chẳng thấy chẳng phải có chẳng phải không, chẳng thấy chẳng phải một chẳng phải khác, chẳng thấy chẳng phải số chẳng phải phi số, chẳng thấy chẳng phải sáng chẳng phải tối... Vậy nên phải biết cảnh giới thanh tịnh, trí tuệ thanh tịnh chẳng thể phân biệt, không có trung gian, là căn bản của đạo tịch diệt. Với Pháp thân này có thể hiện hiện đủ thứ sự nghiệp của Như Lai.
Này thiện nam tử ! Quả nhân duyên cảnh giới xứ sở của thân này nương vào căn bản khó nghĩ bàn. Nếu rõ được nghĩa này thì thân này tức là Đại thừa, là Như Lai tính, là Như Lai tạng. Nương vào thân này được phát tâm đầu tiên, tâm tu hành địa mà được hiển hiện tâm chẳng thoái chuyển địa cũng đều được hiện, tâm Nhất sinh bổ xứ, tâm Kim cương, tâm Như Lai mà đều hiển hiện, vô lượng vô biên diệu pháp của Như Lai đều hiển hiện. Nương vào Pháp thân này, chẳng thể nghĩ bàn đại tam muội mà được hiển hiện. Nương vào pháp thân này, được hiện tất cả Đại trí. Vậy nên hai thân nương vào tam muội, nương vào trí tuệ mà được hiển hiện như Pháp thân này. Nương vào tự thể nói thường, nói ngã. Nương vào Đại tam muội nên nói đến lạc. Nương vào đại trí nên nói thanh tịnh. Vậy nên Như Lai thường trụ tự tại an lạc thanh tịnh. Nương vào đại tam muội, tất cả thiền định, Thủ Lăng Nghiêm.v.v... tất cả niệm xứ, đại pháp niệm.v.v... Đại từ, Đại bi, tất cả Đà la ni, tất cả thần thông, tất cả tự tại, tất cả pháp... bình đẳng nhiếp lấy. Như vậy Phật pháp đều xuất hiện. Nương vào Đại trí này, mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại biện, một trăm tám mươi pháp bất cộng, tất cả pháp hy hữu chẳng thể nghĩ bàn đều hiển hiện. Ví như nương vào ngọc báu Như Ý, vô lượng vô biên đủ thứ trân bảo đều được hiện ra. Như vậy, nương vào đại tam muội bảo, nương vào đại trí tuệ bảo có thể xuất hiện đủ thứ vô lượng vô biên diệu pháp của các đức Phật.
Này thiện nam tử ! Như vậy Pháp thân, tam muội và trí tuệ qua tất cả tướng, chẳng chấp trước tướng chẳng thể phân biệt, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn. Đó gọi là trung đạo, tuy có phân biệt nhưng thể không phân biệt, tuy có ba số mà không ba thể, chẳng tăng, chẳng giảm giống như mộng huyễn, cũng không sở chấp, cũng không năng chấp, pháp thể Như Như là chỗ Giải thoát, qua khỏi cảnh giới ma chết, vượt qua tối tăm sinh tử, tất cả chúng sinh chẳng thể tu hành, chẳng thể đến đó được, chỗ trú xứ của tất cả chư Phật, Bồ tát.
Này thiện nam tử ! Ví như có người nguyện muốn được vàng, tìm kiếm khắp nơi nơi, liền được quặng vàng. Đã được quặng rồi, liền nghiền nát ra, chọn lấy phần tinh ròng cho vào lò nấu luyện, người đó được vàng trong sạch, rồi tùy ý lần hồi chuyển làm những vòng, xuyến, đủ thứ đồ trang sức. Tuy có những công dụng khác nhau, nhưng tính vàng chẳng biến đổi.
Lại nữa, này thiện nam tử ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân cầu thắng giải thoát, tu hành việc thiện ở đời, được thấy đức Như Lai và chúng đệ tử được thân cận rồi mà bạch đức Phật rằng : “Thưa đức Thế Tôn ! Cái gì là thiện ? Cái gì là chẳng thiện ? Chánh tu điều gì thì được hạnh Thanh tịnh ?”. Các đức Phật Như Lai và chúng đệ tử khi thấy những người đó hỏi thì suy nghĩ như vầy : “Những thiện nam tử, thiện nữ nhân này muốn cầu thanh tịnh, muốn nghe Chính pháp”. Chư Phật và chúng đệ tử liền vì những người ấy nói pháp, khiến cho họ được khai ngộ. Những người đó đã nghe rồi thì chánh niệm nhớ tưởng hộ trì, phát tâm tu hành, được tinh tấn lực, tiêu trừ nghiệp chướng lười biếng, diệt tan tất cả tội, đối với những học xứ lìa bỏ sự chẳng tôn trọng, chấm dứt tâm trạo hối, vào đến Sơ địa. Nương vào tâm Sơ địa, hành giả trừ chướng hữu tình lợi thì được vào Nhị địa. Ở trong địa này, trừ chướng chẳng bức não thì vào với Tam địa. Ở trong Địa này, trừ chướng tâm nhuyến tịnh thì vào với Tứ địa. Ở trong Địa này, trừ chướng thiện phương tiện thì vào với Ngũ địa. Ở trong Địa này, trừ chướng thấy Chân, Tục thì vào với Lục địa. Ở trong Địa này, trừ chướng kiến hành tướng thì vào với Thất địa. Ở trong Địa này, trừ chướng chẳng thấy Diệt tướng thì vào với Bát địa. Ở trong Địa này, trừ chướng chẳng thấy sinh tướng thì vào với Cữu địa. Ở trong Địa này, trừ chướng Lục thông thì vào với Thập địa. Ở trong Địa này, trừ Sở tri chướng, trừ tâm căn bản thì vào Như Lai địa. Như Lai địa là do ba tịnh nên gọi là cực thanh tịnh. Những gì là ba tịnh ? Một là phiền não tịnh, hai là khổ tịnh, ba là tướng tịnh. Ví như vàng ròng nấu chảy đã trị luyện, đã thiêu đốt luyện đập rồi thì không còn bụi bẩn, bản tính thanh tịnh của vàng được hiển hiện. Thể của vàng thanh tịnh chẳng phải gọi là không có vàng. Ví như nước đục, ngưng lắng thanh tịnh không còn cặn bẩn. Bản tính trong sạch của nước được hiển hiện thì chẳng phải gọi là không có nước. Như vậy pháp thân cùng với phiền não, nếu trừ khỏi khổ tập rồi, không còn tập nữa, bản tính thanh tịnh của Phật được hiển hiện thì chẳng phải gọi là không có thể tính. Ví như hư không bị sự ngăn che của khói mây bụi mù. Nếu trừ hết sự che chắn rồi thì cõi không thanh tịnh đó chẳng phải gọi là không có hư không. Như vậy Pháp thân mà tất cả mọi khổ đều hết nên nói là thanh tịnh thì chẳng phải gọi là không có Thể. Ví như có người trong giấc ngủ mơ thấy nước sông lớn cuốn trôi thân mình, vận động tay chân cắt dòng chảy mà bơi qua đến bờ bên kia, do thân tâm người đó chẳng lười biếng thoái lui vậy. Từ trong mơ tỉnh ra rồi, người đó chẳng thấy có nước và bờ này, bờ kia riêng biệt thì chẳng phải gọi là không có tâm. Sinh tử vọng tưởng đã diệt hết rồi thì sự giác ngộ thanh tịnh này chẳng phải gọi là không có giác ngộ. Như vậy pháp giới mà tất cả vọng tưởng chẳng sinh ra nữa nên nói là thanh tịnh thì chẳng phải là chư Phật không có thật thể ấy.
Lại nữa, này thiện nam tử ! Pháp thân này thì nếu hoặc chướng thanh tịnh thì có thể hiện Ứng thân, nếu nghiệp chướng thanh tịnh thì có thể hiện hóa thân, trí chướng thanh tịnh thì có thể hiện pháp thân. Ví như nương vào hư không phát ra chớp, nương vào chớp phát ra ánh sáng. Như vậy nương vào Pháp thân nên có thể hiện ra Ứng thân, nương vào Ứng thân nên có thể hiện ra Hóa thân. Do tính thanh tịnh nên có thể hiện ra Pháp thân, trí tuệ thanh tịnh có thể hiện Ứng thân, tam muội thanh tịnh có thể hiện Hóa thân. Ba thứ thanh tịnh này là Như Như của pháp, chẳng Như Như khác, Như Như một vị, Như Như giải thoát, Như Như cứu cánh. Vậy nên thể của chư Phật không có khác.
Này thiện nam tử ! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nói Như Lai là đại sư của ta. Nếu họ tạo tác niềm tin quyết định như vậy thì người này liền ứng với thân tâm hiểu rõ thân của Như Lai không có sai khác.
Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên đối với những cảnh giới chẳng chánh tư duy đều đoạn trừ hết và liền biết pháp đó không có hai tướng, cũng không phân biệt. Việc tu hành của bâc Thánh, Như Như đối với những vị ấy không có hai tướng. Chánh tu hành như vậy thì tất cả các chướng như vậy đều trừ diệt hết. Tất cả các chướng của Như Như diệt, như vậy thì Như Như pháp, trí Như Như như vậy được tối thanh tịnh. Pháp giới Như Như, chánh trí thanh tịnh thì như vậy tất cả tự tại nhiếp lấy đầy đủ như vậy đều được thành tựu, tất cả các chướng đều trừ diệt hết. Tất cả các chướng được thanh tịnh nên đó gọi là tướng chân thật của Chánh trí chân như. Thấy như vậy thì đó gọi là Thánh kiến (thấy của Thánh). Đó gọi là chân thật thấy Phật. Vì sao vậy ? - Vì như thật được thấy pháp Chân như. Vậy nên các đức Phật đều có thể thấy khắp tất cả Như Lai. Vì sao vậy ? - Vì hàng Thanh Văn, Độc Giác đã ra khỏi ba cõi, cầu cảnh giới chân thật, chẳng thể thấy biết. Như vậy việc chẳng thấy biết của Thánh nhân mà tất cả phàm phu đều sinh ra nghi hoặc, phân biệt điên đảo, chẳng thể được độ như con thỏ thuận dòng xuôi vào biển nhất định chẳng thể qua khỏi. Sở dĩ vì sao ? - Vì sức của nó yếu ớt vậy. Người phàm phu cũng lại như vậy, chẳng thể thông đạt Như Như của pháp. Nhưng các đức Phật Như Lai không có tâm phân biệt, đối với tất cả pháp được đại tự tại, thanh tịnh đầy đủ, trí tuệ thậm thâm. Đó là cảnh giới của mình chẳng chung với người khác. Vậy nên các đức Phật Như Lai ở vô lượng vô biên atăngkỳ kiếp, chẳng tiếc thân mạng tu hành hạnh khó, hạnh khổ mới được thân tối thượng vô tỷ chẳng thể nghĩ bàn này. Qua lời nói để nói lên cảnh giới là tịch tịnh vi diệu lìa khỏi các khủng bố.
Này thiện nam tử ! Như vậy người thấy biết Chân Như của pháp thì không sinh, già, chết, thọ mạng vô hạn, không có ngủ nghỉ, cũng không đói khát, tâm luôn ở tại định, không có tán động. Nếu đối với Như Lai dấy lên lòng tranh luận thì chẳng thể thấy được Như Lai. Lời nói của các đức Phật đều đem lại lợi ích, có người lắng nghe thì không ai chẳng giải thoát. Những loài cầm thú ác, người ác, quỉ ác tuy chẳng gặp gỡ mà do nghe pháp nên quả báo vô tận. Nhưng các đức Như Lai không việc gì chẳng ghi, tất cả cảnh giới lòng không muốn biết, sinh tử và Niết Bàn không có tư tưởng khác. Lời ký của Như Lai không gì chẳng quyết đinh, trong bốn uy nghi của các đức Phật Như Lai không gì chẳng phải trí nhiếp lấy, tất cả các pháp không có pháp nào chẳng được sự nhiếp lấy của từ bi, không có gì chẳng làm lợi ích an lạc cho các chúng sinh.
Này thiện nam tử ! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân đối với Kinh Kim Quang Minh này mà lắng nghe, tín giải thì chẳng theo đường địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, a tu la, luôn sinh ở cõi trời, người, chẳng sinh nơi hạ tiện, thường được gần gũi các đức Phật Như Lai, thính thọ Chánh pháp, thường sinh vào đất nước thanh tịnh của chư Phật. Sở dĩ vì sao ? - Vì do được nghe pháp thậm thâm này vậy. Thiện nam tử ! Thiện nữ nhân này thì được Như Lai đã biết, đã ký sẽ được Bất Thoái Chuyển Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân đối với pháp vi diệu thậm thâm này chỉ qua tai một lần thôi thì phải biết người đó chẳng bài báng Như Lai, chẳng khinh hủy Chánh pháp, chẳng xem thường Thánh Chúng (báng Phật, hủy Pháp, khinh Tăng), tất cả chúng sinh chưa gieo trồng thiện căn thì khiến cho được gieo trồng, kẻ đã gieo trồng thiện căn thì khiến cho tăng trưởng, thành thục vậy. Chúng sinh sở hữu của tất cả thế giới đều siêng năng tu hành sáu Ba la mật (lục độ vô cực).
Lúc bấy giờ, Bồ tát Hư Không Tạng, Phạm Vương, Đế Thích, Tứ Thiên Vương, các thiên chúng.v.v... liền đứng dậy, trật áo vai phải, chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân đức Phật mà bạch rằng :
- Thưa đức Thế Tôn ! Nếu có chỗ sở tại giảng nói Kinh điển vi diệu Kim Quang Minh Vương này thì ở đất nước ấy có bốn thứ lợi ích. Những gì là bốn ?
Một là quân chúng của quốc vương cường thịnh, không có những oán địch, lìa khỏi tật bệnh, thọ mạng lâu dài, cát tường an lạc, chánh pháp hưng hiển.
Hai là trong cung, phi, hậu, vương tử, các bề tôi hòa hợp vui vẻ, không có tranh tụng, lìa khỏi sự dua nịnh để được sự ái trọng của vua. Ba là Sa môn, Bà la môn và những người trong nước tu hành chánh pháp, không bệnh hoạn, an lạc, không có người uổng tử (chết oan uổng), đối với những ruộng phước đều tu tập.
Bốn là ở trong ba mùa, bốn đại điều hòa thích ứng, thường được chư thiên tăng gia thủ hộ, từ bi bình đẳng, không có lòng gây tổn thương, tai hại, khiến cho các chúng sinh qui kính Tam Bảo, đều nguyện tu tập hạnh Bồ Đề. Đó là bốn thứ việc lơi ích.
Thưa đức Thế Tôn ! Chúng con cũng thường vì hoằng truyền Kinh nên theo đuổi người thọ trì Kinh như vậy mà ở tại chỗ trụ của họ, vì họ làm lợi ích.
Đức Phật dạy rằng :
- Hay thay ! Hay thay ! Này thiện nam tử ! Đúng vậy ! Đúng vậy! Các ông, lòng cần phải siêng năng lưu bố vua Kinh vi diệu này để khiến cho chánh pháp trụ ở đời lâu dài.

PHẨM THỨ TƯ :
MƠ THẤY TRỐNG VÀNG SÁM HỐI

Lúc bấy giờ, Bồ tát Diệu Tràng thân cận ở trước đức Phật, nghe diệu pháp này rồi vui mừng hớn hở, một lòng tư duy trở về đến chỗ cũ. Ở trong đêm, ông mơ thấy cái trống vàng lớn, ánh sáng rực rỡ giống như vầng mặt trời. Ở trong ánh sáng này được thấy vô lượng những đức Phật của mười phương đang ngồi trên tòa lưu ly ở dưới cây báu với vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh mà vì họ nói pháp. Thấy một vị Bà la môn cầm dùi đánh trống vàng, phát ra âm thanh lớn. Trong âm thanh ấy diễn nói kệ tụng vi diệu làm sáng pháp sám hối. Bồ tát Diệu Tràng nghe rồi đều nhớ đương niệm mà trụ. Đến sáng sớm, ông cùng với vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh, đem theo những đồ cúng dường, ra khỏi thành Vương Xá, đi đến núi Thứu Phong, tới chỗ đức Thế Tôn, làm lễ dưới chân đức Phật rồi, thiết bày hương hoa, nhiễu về bên phải ba vòng, lui về ngồi một phía, chắp tay cung kính, chiêm ngưỡng dung nhan đức Thế Tôn mà bạch đức Phật rằng :
- Thưa đức Thế Tôn ! Ở trong mơ, con thấy có vị Bà la môn, tay cầm dùi đánh chiếc trống vàng vi diệu phát ra âm thanh lớn. Trong âm thanh đó diễn nói lời kệ tụng vi diệu làm sáng pháp Sám Hối. Con hiện đều ghi nhớ, giữ gìn, nguyện xin đức Thế Tôn rũ lòng đại từ bi nghe lời nói của con!
Ông liền ở trước đức Phật mà nói lời tụng rằng : Con ở trong đêm trước
Mơ thấy chiếc trống vàng
Hình thể rất đẹp đẽ
Cùng khắp có Kim Quang
Giống như vầng nhật thịnh
Ánh sáng sáng khắp cùng
Cõi mười phương sung mãn
Đều thấy các Thế Tôn.
Ở dưới gốc cây báu
Tòa lưu ly ngồi trên.
Vô lượng trăm ngàn chúng
Cung kính mà vây quanh.
Một Bà la môn đã
Dùng dùi đánh trống vàng.
Ở trong tiếng trống ấy
Nói lên lời tụng rằng :
Trống Kinh Quang Minh phát tiếng diệu
Khắp đến cõi ba ngàn đại thiên
Hay diệt ba đường tội rất nặng
Và những khổ ách trong nhân gian.
Do uy lực của tiếng trống ấy
Diệt mãi tất cả chướng não phiền
Đoạn trừ kinh sợ khiến yên ổn
Ví như tự tại Mâu Ni Tôn.
Phật ở trong biển cả sinh tử
Tích hạnh, Nhất Thiết trí tu thành
Hay khiến phẩm cụ chúng sinh giác
Đều về biển công đức rốt cùng.
Do trống vàng này phát tiếng diệu
Khắp khiến người nghe Phạm âm vang
Chúng được quả Bồ Đề Vô Thượng
Thường chuyển thanh tịnh diệu pháp luân
Trụ thọ chẳng thể nghĩ bàn kiếp
Tùy cơ nói pháp lợi quần sinh
Hay đoạn phiền não mọi dòng khổ
Tham, sân, si đều diệt trừ tan.
Nếu có chúng sinh ở đường ác
Lửa lớn rực cháy khắp toàn thân
Nếu được nghe tiếng trống diệu đó
Liền lìa khổ, qui y Thế Tôn
Đều được thành tựu Túc Mạng Trí
Hay nhớ đời quá khứ trăm ngàn
Đều chánh niệm Mâu Ni tôn quí
Được nghe thậm thâm giáo Thế Tôn
Do nghe tiếng trống vàng diệu thắng
Với chư Phật thường được cận thân
Có thể lìa bỏ các nghiệp ác
Thuần tu các thiện phẩm sạch trong.
Tất cả trời, người, hữu tình loại
Kẻ cầu nguyện thận trọng chí thành
Được nghe tiếng trống vàng vi diệu
Khiến cho sở cầu đều thỏa mong.
Chúng sinh đọa tại ngục Vô Gián
Khổ lửa mạnh rừng rực đốt thân
Ở Luân hồi, không người cứu hộ
Người nghe thì khiến khổ diệt tan
Trong người, trời, bàng sinh, ngã quỉ
Mà hiện đang thọ các khổ nàn
Được nghe trống vàng phát tiếng diệu
Thì đều giải thoát, khổ diệt tan.
Cõi mười phương hiện tại
Thường trụ Lưỡng Túc Tôn
Nguyện đem lòng bi lớn
Thương xót nhớ nghĩ con
Chúng sinh không ai cứu
Cũng không chỗ về nương
Vì những loài như vậy
Hay làm chỗ về nương (quy y)
Tội con đã làm trước
Ác nghiệp nặng vô cùng
Nay trước đấng Thập Lực
Con Sám hối hết lòng !
Con chẳng tin chư Phật
Cũng chẳng kính tôn thân
Chẳng chăm tu mọi thiện
Tạo các nghiệp ác luôn.
Hoặc tự thị cao quí
Tài vị (của cải địa vị) và giống dòng
Tuổi trẻ hành phóng dật
Thường tạo nghiệp chẳng lành (ác).
Lòng luôn khởi tà niệm
Tối vô minh che lòng
Nguyện bày những lời ác
Không thấy điều tội lỗi
Thường tạo các nghiệp ác
Luôm làm kẻ ngu phu
Thuận theo bạn chẳng tốt
Các nghiệp ác tạo luôn
Hoặc nhân các hí lạc
Hoặc lại mang lo buồn
Vì tham sân trói buộc
Nên con tạo các ác
Gần gũi người chẳng lành
Và do ý xan, tật (xan tham, tật đố)
Làm lừa dối bần cùng
Nên con tạo các ác
Tuy chẳng ưa lỗi lầm
Nhưng do có bố úy
Chẳng được tự tại nên
Con tạo ra các ác.
Hoặc vì tháo động tâm
Hoặc nhân sân nhuế hận
Và đói khát não phiền
Nên con tạo các ác.
Do y phục, uống ăn
Và tham ái con gái
Bị đốt bởi não phiền
Nên con tạo các ác.
Với Phật, Pháp, chúng Tăng
Chẳng sinh lòng cung kính
Tạo mọi tội như trên
Con nay xin sám hối !
Với Bồ tát, Thanh Văn...
Cũng không lòng cung kính
Tạo mọi tội như trên
Con nay đều sám hối
Không biết báng pháp chân
Chẳng hiếu với cha mẹ
Tạo mọi tội như trên
Con nay đều sám hối !
Do kiêu mạn si đần
Và cả tham, sân lực
Tạo mọi tội như trên
Con nay đều sám hối !
Con ở cõi mười phương
Cúng dường vô số Phật
Nguyện cứu vớt chúng sinh
Khiến lìa các khổ nạn !
Nguyện tất cả hữu tình
Đều khiến trụ Thập địa !
Phước trí viên mãn xong
Dẫn quần mê, thành Phật.
Con vì các chúng sinh
Khổ hạnh trăm ngàn kiếp
Dùng lực đại trí thông
Biển khổ đều khiến xuất.
Con vì loài hàm thức
Diễn nói thậm thâm Kinh
Tối Thắng Kim Quang Minh
Hay trừ các ác nghiệp
Nếu người trăm ngàn kiếp
Tạo tội nặng vô cùng
Tạm thời mà phát lộ
Mọi ác tận diệt tan
Nương Kim Quang Minh ấy
Làm sám hối như trên.
Việc ấy mau làm hết
Tất cả nghiệp khổ nàn.
Thắng Định trăm ngàn thứ
Tổng trì chẳng nghĩ bàn
Căn, lực, giác chi, đạo
Không mệt, tu tập luôn.
Con sẽ đến Thập địa
Chỗ đầy đủ bảo trân
Viên mãn công đức Phật
Tế độ dòng tử sinh.
Con ở các biển Phật
Công đức tạng thậm thâm
Diệu trí khó nghĩ bàn
Đều khiến được đầy đủ.
Nguyện xin Phật mười phương.
Quan sát và hộ niệm
Đều dùng đại bi tâm
Thương nhận con sám hối !
Ở trong nhiều kiếp, con
Đã tạo các nghiệp ác
Do đó khổ não sinh
Thương con, nguyện tiêu diệt !
Con tạo nghiệp chẳng lành
Thường sinh lòng lo sợ
Bốn uy nghi, ở trong
Từng không hoan lạc tưởng
Đại bi của Thế Tôn
Hay trừ sợ sinh chúng
Nguyện nhận sám hối con !
Khiến được lìa ưu khổ !
Con có chướng não phiền
Và cả những báo nghiệp
Nước đại bi, xin dùng
Tẩy rửa khiến sạch trong
Con trước làm các tội
Và ác tạo hiện tiền
Con chí tâm phát lồ
Đều nguyện được tiêu tan
Vị lai các ác nghiệp
Phòng hộ chẳng khởi lên
Giả sử có lỗi trái
Trọn chẳng dám ẩn tàng.
Thân ba, miệng bốn thứ
Ý nghiệp có ba thứ
Trói buộc các hữu tình
Vô thỉ luôn tiếp nối
Do đó ba thứ hành
Tạo tác mười nghiệp ác.
Nhiều những tội như trên
Con nay đều sám hối !
Nghiệp ác con tạo nên
Khổ báo phải tự chịu
Nay trước các Thế Tôn
Chí thành đều sám hối !
Ở thế giới tha phương
Và tại châu Chiêm Bộ
Sẵn có các nghiệp lành
Nay con đều tùy hỷ
Mười ác nguyện ly tan
Mười thiện đạo tu hành
An trụ trong Thập Địa
Thường thấy Phật mười phương.
Con dùng thân miệng ý
Nghiệp phước trí tu hành
Nguyện nhờ thiện căn ấy
Tuệ Vô Thượng chóng thành.
Con nay đối trước đấng Thập Lực
Phát lồ nhiều những việc khổ nàn
Nạn phàm ngu mê hoặc ba hữu
Nạn tạo nghiệp ác nặng vô cùng
Con đã tích tập nạn tà dục
Nạn thường khởi tham ái chuyển vần
Nạn ở thế gian này đắm trước
Tất cả ngu phu nạn não phiền
Nạn cuồng tâm tán động điên đảo
Và nạn theo bạn ác thân gần
Nạn ở trong sinh tử tham nhiễm
Nạn tạo tội do si độn sân
Nạn sinh tám nơi ác bận rộn (không nhàn hạ)
Nạn tích tập công đức chưa từng...
Con nay ở trước đấng Tối Thắng
Sám hối nghiệp tội ác vô biên
Con nay qui y các Thiện Thệ !
Con lễ Đức Hải Vô Thượng Tôn !
Như núi vàng mười phương soi khắp
Duy nguyện từ bi nhiếp thọ con !
Thân sắc Kim quang tịnh vô cấu
Mắt như lưu ly biếc sạch trong
Đấng danh xưng Kiết Tường uy đức
Tuệ nhật từ bi trừ tối tăm.
Phật nhật quang minh thường cùng khắp
Thiện tịnh không bẩn, lìa các trần
Trăng Mâu Ni chiếu soi mát mẻ
Trừ cho chúng sinh nóng não phiền.
Ba mươi hai tướng trang nghiêm khắp
Tám mươi vẻ đẹp đều mãn viên
Phước đức khó nghĩ, không ai sánh.
Như mặt trời soi sáng thế gian
Sắc như lưu ly sạch không bẩn
Như vầng trăng sáng ở hư không
Ánh thân vàng pha lê vi diệu
Nghiêm sức bằng đủ thứ minh quang
Ở trong dòng sinh tử khổ bạo
Nước già bệnh lo buồn cuốn phăng,
Biển khổ như vậy khó kham nhẫn
Phật nhật tuông sáng khiến khô khan.
Con nay cúi đầu Nhất Thiết trí
Đấng hy hữu thế giới ba ngàn
Ánh sáng rực rỡ, thân vàng tía
Đủ thứ diệu hảo đều trang nghiêm.
Như nước biển cả lường khó biết
Vi trần đại địa chẳng thể lường
Như núi cao diệu không xưng lượng
Cũng không giới hạn như hư không
Công đức chư Phật cũng như vậy
Tất cả hữu tình chẳng biết thông
Dù vô lượng kiếp tư duy kỹ
Biết bờ biển đức không thể xong
Đem hết đại địa các gò, núi
Làm vụn như bụi có thể lường
Lông đong giọt biển còn đếm được
Không thể tính công đức Thế Tôn !
Tất cả hữu tình đều khen ngợi
Các danh xưng công đức Thế Tôn
Tướng tốt thanh tịnh trang nghiêm diệu
Chẳng thể xưng lường biết rõ ràng
Mọi thiện nghiệp của con sẵn có
Nguyện được mau thành Vô Thượng Tôn
Rộng nói chánh pháp lợi sinh chúng
Đều khiến giải thoát mọi khổ nàn.
Hàng phục chúng ma quân đại lực
Sẽ chuyển Vô Thượng Chánh Pháp luân
Trụ lâu khó nghĩ bàn kiếp số
Vị cam lộ sung túc chúng sinh
Giống như các Tối Thắng quá khứ
Sáu Ba la mật đều đầy tròn.
Diệt sân si và các tham dục
Trừ mọi khổ, hàng phục não phiền.
Nguyện con thường được Túc Mạng Trí
Hay nhớ đời quá khứ trăm ngàn
Đấng Mâu Ni cũng luôn nhớ nghĩ
Được nghe pháp chư Phật thậm thâm.
Nguyện con nhờ những thiện nghiệp ấy
Phụng sự vô biên Tối Thắng Tôn
Xa lìa tất cả nhân bất thiện
Luôn được tu hành pháp diệu chân.
Các chúng sinh của mọi thế giới
Đều lìa khỏi khổ, được lạc an
Các căn sở hữu chẳng đầy đủ
Khiến họ thân tướng được mãn viên.
Nếu có chúng sinh gặp khổ bệnh
Thân hình gầy yếu không chỗ nương
Đều khiến bịnh khổ được tiêu diệt
Sắc lực các căn đều đầy tràn (sung mãn)
Nếu phạm vương pháp phải hình lục (tội chém)
Mọi khổ bức bách sinh ưu phiền
Khi họ chịu cực khổ như thế
Không ai cứu hộ, chẳng chỗ nương.
Hoặc thọ roi, gậy, gông, cùm, trói
Đủ thứ khổ cụ bức thiết thân
Khi vô lượng trăm ngàn ưu não
Bức bách thân tâm không tạm yên
Đều khiến cho được miễn trói buộc
Và roi, gậy... mọi sự khổ nàn
Người sắp bị chém được toàn mạng
Mọi khổ đều khiến mãi diệt tan.
Nếu có chúng sinh đói khát ép
Khiến được đủ thứ vị ngọt ngon
Người điếc được nghe, người mù thấy
Người què đi được, câm nói lên.
Chúng sinh nghèo cùng được bảo tạng
Không thiếu thốn, kho lẫm đầy tràn
Đều khiến được thọ thượng diệu lạc
Không một chúng sinh chịu khổ buồn
Tất cả người, trời đều ưa thấy
Dung nghi ôn nhã rất đoan nghiêm
Đều hiện tại thọ vô lượng lạc
Thọ dụng phước đức phong thịnh hơn.
Theo niệm chúng sinh về kỹ nhạc
Mọi diệu âm thanh đều hiện tiền
Nghĩ nước liền hiện ao mát mẻ
Hoa sen sắc vàng nổi bên trên.
Theo ý niệm của lòng sinh chúng
Mà ẩm thực, y phục, giường nằm
Vàng bạc, lưu ly, trân bảo diệu
Anh lạc... đều đầy đủ trang nghiêm.
Không cho chúng sinh nghe tiếng ác
Cũng chẳng thấy nhau sự lỗi lầm (sai trái).
Dung mạo đoạn nghiêm họ được thọ
Ái lạc nhau đều bằng từ tâm.
Đồ cần vui sống trong cõi thế
Đều đầy đủ theo niệm của lòng
Của quí sở đắc không tiếc lận
Phân bố thí cho các chúng sinh.
Hương đốt, hương xoa và hương bột
Mọi thứ diệu hoa đủ màu xen
Mỗi ngày ba thời từ cây rụng
Tùy lòng thọ dụng sinh vui mừng
Phổ nguyện chúng sinh đều cung dưỡng
Tất cả đấng Tối Thắng mười phương
Pháp môn ba thừa thanh tịnh diệu
Chúng Bồ tát, Độc Giác Thanh Văn.
Thường nguyện, chớ ở nơi ty tiện
Chẳng đọa trong tám nạn, không nhàn (hạ)
Sinh chỗ Nhân trung tôn nhàn hạ
Luôn được gần chư Phật mười phương.
Nguyện được thường sinh nhà phú quí
Của báu đều tràn ngập kho tàng
Dụng mạo, tiếng khen không ai sánh
Trải kiếp số thọ mạng diên trường.
Nguyện cho nữ nhân thành nam tử
Nhiều trí tuệ, dũng kiện, thông minh
Tất cả thường hành Bồ tát đạo
Siêng tu lục độ, bờ kia sang.
Thường thấy mười phương vô lượng Phật
Dưới cây vua báu mà ở yên
Ngồi tòa sư tử lưu ly diệu
Hằng được thân thừa chuyển pháp luân.
Nếu ở quá khứ và hiện tại
Tạo các nghiệp, ba cõi xoay vần
Có thể chuốc lấy đường bất thiện
Nguyện được tiêu diệt mãi không còn.
Tất cả chúng sinh ở biển hữu
Lưới dây sinh tử trói chắc bền
Nguyện đem kiến trí mà cắt đứt
Lìa khỏi khổ, chứng Bồ Đề liền.
Chúng sinh ở trong châu Thiệm Bộ
Hoặc ở trong thế giới tha phương
Đủ thứ thắng phước điền sở tác
Con nay đều sinh tùy hỷ cùng.
Đem việc phước đức tùy hỷ ấy
Và thân, ngữ, ý tạo mọi lành
Nguyện thắng nghiệp này luôn tăng trưởng
Bồ Đề Vô Thượng mau chứng thành.
Lễ tán (khen) công đức Phật sẵn có
Thâm tâm không tỳ vết sạch trong
Phát nguyện phước vô biên hồi hướng
Sáu mươi kiếp đường ác vượt xong.
Nếu có con trai và con gái
Các thắng tộc như Bà la môn...
Chắp tay một lòng khen ngợi Phật
Đời đời nhớ việc đời trước luôn
Các căn thanh tịnh, thân viên mãn
Công đức thù thắng đều hoàn thành.
Nguyện đời vị lai chỗ sinh sống
Thường được người trời chiêm ngưỡng chung
Chẳng phải chỗ một Phật... mười Phật
Tu thiện căn mà được nghe Kinh.
Trăm ngàn chỗ Phật trồng căn lành
Mới được nghe pháp sám hối ấy.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nghe lời nói này rồi thì khen Bồ tát Diệu Tràng rằng :
- Hay thay ! Hay thay ! Này thiện nam tử ! Như giấc mơ của ông, trống vàng phát ra âm thanh khen ngợi công đức chân thật của Như Lai cùng pháp Sám Hối. Nếu có người nghe thì thu hoạch phước rất nhiều, lợi ích rộng cho hữu tình, diệt trừ tội chướng. Ông nay nên biết thắng nghiệp này đều là nhân duyên tu tập đời trước, sự phát nguyện khen ngợi trong quá khứ và do uy lực của chư Phật gia hộ. Nhân duyên này ta sẽ vì ông giải nói.
Các đại chúng nghe pháp này rồi đều hoan hỷ tín thọ phụng hành.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh nghiệm tu tập trong đời thường


Sống đẹp giữa dòng đời


Phật giáo và Con người


Chớ quên mình là nước

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.223.238.150 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập