Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
VUA THIỆN SINH
_PHẨM THỨ HAI MƯƠI MỐT_
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì các Đại Chúng nói Vương Pháp Chính Luận xong. Lại bảo Đại Chúng: “Các Ngươi nên lắng nghe! Nay Ta vì ngươi nói nhân duyên phụng Pháp xưa kia”
Liền ở lúc đó, nói Già Tha (Gāthā: Kệ Tụng) là:
“Xưa Ta từng làm Chuyển Luân Vương
Bỏ Đại Địa này với biển lớn
Trân bảo đều tràn đầy bốn châu
Cầm đem cúng dường các Như Lai
_Ta ở vô lượng kiếp xưa kia
Vì cầu Pháp Thân chân thanh tịnh
Thảy đều buông bỏ vật yêu thích
Cho đến thân mạng, Tâm không tiếc
_Lại ở quá khứ kiếp khó lường
Có Chính Biến Tri tên Bảo Kế
Sau khi Như Lai ấy Niết Bàn
Có vua ra đời tên Thiện Sinh
Làm Chuyển Luân Vương coi bốn châu
Tận mé biển lớn đều quy phục
Đêm mộng nghe nói Phước Trí Phật
Thấy có Pháp Sư tên Bảo Tích
Ngồi tòa đoan nghiêm như mặt trời
Diễn nói Điển (kinh điển) Kim Quang vi diệu
_Lúc đó, vua ấy từ mộng tỉnh
Sinh đại hoan hỷ tràn khắp thân
Đến khi sáng sớm, rời cung vua
Đến chỗ của Bật Sô Tăng Già
Cung kính cúng dường chúng Thánh xong
Tức liền hỏi các Đại Chúng ấy
Xem có Pháp Sư tên Bảo Tích
Thành tựu Công Đức, dạy chúng sinh
_Bấy giờ Đại Pháp Sư Bảo Tích
Trụ nghỉ ở trong một cái Thất
Chính niệm, tụng nghĩ Điển (Kinh Điển) vi diệu
Thân ngay chẳng động, tâm vui sướng
_Thời có Bật Sô dẫn dắt vua
Đến nơi cư trú của Bảo Tích
Thân ngồi ngay ngắn trong cái Thất
Ánh sáng, diệu tướng tràn khắp thân
Thưa với vua: Đây là Bảo Tích
Trì Hành Xứ thâm sâu của Phật
Ấy là Kim Quang Minh vi diệu
Vua trong các Kinh, đứng bậc nhất
_Thời vua tức liền lễ Bảo Tích
Cung kính chắp tay, rồi đến Thỉnh
Nguyện xin Mãn Nguyệt Diện (Bậc có khôn mặt như trăng đầy) đoan nghiêm
Nói Pháp Kim Quang Minh vi diệu
_Pháp Sư Bảo Tích nhận lời thỉnh
Hứa vì vua nói Kim Quang Minh
Vòng khắp trong ba ngàn Thế Giới
Chư Thiên, Đại Chúng đều vui vẻ
_Vua ở nơi thanh tịnh rộng rãi
Châu báu kỳ diệu dùng nghiêm sức
Nước hương thượng diệu rưới thấm bụi
Treo lụa, phan, lọng để trang nghiêm
Mọi loại hương bột với hương xoa
Hơi thơm phưng phức đều vòng khắp
Trời, Rồng, Tu La, Khẩn Na La
Mạc Hô Lạc Già với Dược Xoa
Chư Thiên tuôn mưa hoa Mạn Đà
Đều đến cúng dường tòa cao ấy
Lại có ngàn vạn ức chư Thiên
Thích nghe Chính Pháp đều đến dự
Pháp Sư từ chỗ ngồi đứng dậy
Thảy đều đem hoa Trời cúng dường
_Lúc đó, Đại Pháp Sư Bảo Tích
Tắm gội sạch xong, mặc áo mới
Đến chỗ Pháp Tòa trong Đại Chúng
Chắng tay, thành Tâm mà lễ kính
Thiên Chủ, Thiên Chúng với Thiên Nữ
Cùng nhau rải tán hoa Mạn Đà
Trăm ngàn nhạc Trời khó nghĩ bàn
Trong hư không phát tiếng màu nhiệm
_Bấy giờ, Đại Pháp Sư Bảo Tích
Liền lên tòa cao, ngồi Kiết Già
Nghĩ các cõi nước mười phương ấy
Trăm ngàn vạn ức Đại Từ Tôn
Với khắp tất cả chúng sinh khổ
Đều khởi niệm Từ Bi bình đẳng
Vì chủ thỉnh Thiện Sinh ấy nên
Diễn nói Kim Quang Minh vi diệu
_Vua đã được nghe Pháp như vậy
Chắp tay, một lòng xướng tùy vui
Nghe Pháp hiếm có, lệ tuôn chảy
Thân tâm rất vui sung mãn khắp
_Lúc đó, Quốc Chủ thiện Sinh Vương
Vì muốn cúng dường Kinh này nên
Tay cầm báu Ma Ni Như Ý
Phát nguyện đều vì các chúng sinh
Nay có thể ở Thiệm Bộ Châu
Tuôn mưa bảy báu, chuỗi anh lạc
Mọi người thiếu thốn tiền của này
Đều được tùy Tâm, hưởng an vui
Tức liền tuôn khắp mưa bảy báu
Thảy đều tràn đầy trong bốn Châu
Anh Lạc nghiêm thân, tùy chỗ cần
Quấn áo, ăn uống đều không thiếu
_Khi ấy, Quốc Chủ Thiện Sinh Vương
Thấy bốn châu tuôn mưa bảy báu
Đều cầm cúng dường Bảo Kế Phật
Hết thảy Di Giáo, Bật Sô Tăng
_Nên biết vua Thiện Sinh quá khứ
Tức là Ta, Thích Ca Mâu Ni
Vì ở thời xưa bỏ Đại Địa
Với các châu báu đầy bốn châu
Đại Pháp Sư Bảo Tích khi xưa
Vì Thiện Sinh ấy nói Diệu Pháp
Nhân mở diễn Kinh Vương ấy nên
Hiện thành Bất Động Phật phương Đông
_Do Ta từng nghe Kinh Vương này
Chắp tay, một lời xưng tùy vui
Vói các Công Đức cúng bảy báu
Được thân Kim Cương tối thắng này
Sáng vàng, trăm tướng Phước trang nghiêm
Hết thảy người thấy đều vui vẻ
Tất cả hữu tình luôn yêu kính
Câu chi Thiên Chúng cũng như thế
_Quá khứ từng trải chín mươi chín
Câu chi ức kiếp làm Luân Vương
Cũng ở nước nhỏ làm Nhân Vương
Trải qua vô lượng trăm ngàn kiếp
Ở vô lượng kiếp làm Đế Thích
Cũng lại từng làm Đại Phạm Vương
Cúng dường Thập Lực Đại Từ Tôn
Số lượng ấy khó mà cùng tận
_Xưa, Ta nghe Kinh tùy vui Thiện
Hết thảy nhóm Phước, lượng khó nghĩ
Do Phước này nên chứng Bồ Đề
Đắc được Pháp Thân, Chân Diệu Trí”
Khi ấy, Đại Chúng nghe Thuyết này xong thì khen là “chưa từng có!” đều nguyện phụng trì Kinh Kim Quang Minh, lưu thông chẳng diệt. CHƯ THIÊN DƯỢC XOA HỘ TRÌ
_PHẨM THỨ HAI MƯƠI HAI_
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Đại Cát Tường Thiên nữ (Śrī-mahā-devī) rằng: “Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện có niềm tin trong sạch, muốn đối với chư Phật quá khứ vị lai hiện tại, đem vật cúng dường vi diệu rộng lớn chẳng thể nghĩ bàn để phụng hiến, với muốn hiểu rõ Hành Xứ thâm sâu của chư Phật ba đời thì người đó cần phải quyết định, chí Tâm tùy theo nơi có Kinh Vương này: thành ấp, thôn xóm hoặc trong núi, nhà… rộng vì chúng sinh diễn bày lưu bố, Người nghe Pháp ấy nên trừ loạn tưởng, nhiếp lỗ tai dụng Tâm”
Lúc đó, Đức Thế Tôn vị vị Trời ấy với các Đại Chúng, nói Già Tha (Kệ Tụng) là:
“Muốn đối với chư Phật
Cúng dường khó nghĩ bàn
Hiểu cảnh giới thâm sâu
Của các Đức Như Lai
Hoặc nhìn thấy diễn nói
Kim Quang Minh tối thắng
Đích thân đến phương ấy
Đến chỗ trụ xứ đó
Kinh này khó nghĩ bàn
Hay sinh các Công Đức
Vô biên biển khổ lớn
Giải thoát các hữu tình
_Ta quán Kinh Vương này
Đầu, giữa, cuối đều Thiện
Thâm sâu chẳng thể lường
Ví dụ không sánh nổi
Giả sử hẳng hà sa
Bụi đại địa, nước biển
Hư không, các đá núi
Không ví được chút phần
_Muốn vào Pháp Giới sâu
Trước nên nghe Kinh này
Chế Để (Caitye: tháp, miếu) của Pháp Tính (Dharmatā)
Thâm sâu khéo an trụ
_Ở trong Chế Để này
Thấy Ta, Mâu Ni Tôn
Tiếng màu nhiệm thích ý
Diễn nói Kinh Điển này
_Do đây, câu chi kiếp
Số lượng khó nghĩ bàn
Sinh trong cõi Người, Trời
Thường được vui Thắng Diệu
_Nếu người nghe Kinh này
Nên tác Tâm như vầy
Ta được Công Đức Uẩn
Vô biên khó nghĩ bàn
_Giả sử đám lửa lớn
Tràn trăm du thiện na
Vì nghe Kinh Vương này
Qua thẳng không hề khổ
_Đã đến trú xứ ấy
Được nghe Kinh như vậy
Hay diệt được nghiệp tội
Với trừ các mộng ác
_Sao ác (ác tinh) với biến quái
Nhóm Cổ Đạo, Tà Mỵ
Khi được nghe Kinh này
Các ác đều buông lìa
_Nên nghiêm thắng tòa cao
Tịnh diệu như hoa sen
Pháp Sư ở trên ấy
Giống như Rồng lớn (đại long) ngồi
Ở đây, an tọa xong
Nói Kinh thâm sâu này
Viết chép với tụng trì
Kèm vì người giải nghĩa
_Pháp Sư rời tòa này
Đi đến nơi chốn khác
Ở trong tòa cao này
Thần Thông chẳng một tướng
Hoặc thấy tượng Pháp Sư
Do ngay trên tòa cao
Có khi thấy Thế Tôn
Cùng với các Bồ Tát
Hoặc làm tượng Phổ Hiền (Samanta-bhadra)
Hoặc như Diệu Cát Tường (Maṃjuśrī)
Hoặc thấy Từ Thị Tôn (Maitreya)
Thân ở trên tòa cao
Hoặc thấy tướng lạ hiếm
Cùng với tượng chư Thiên
Tạm được thấy dung nghi
Đột nhiên lại chẳng hiện
Thành tựu các cát tường
Chỗ làm đều tùy ý
Công Đức đều viên mãn
Thế Tôn nói như vậy
Tối thắng có danh tiếng
Hay diệt các phiền não
Giặc nước khác đều trừ
Chiến đấu thường được thắng
Mộng ác đều không có
Với tiêu các độc hại
Tội ba nghiệp đã làm
Sức Kinh hay trừ diệt
Ở Thiệm Bộ Châu này
Danh tiếng đều tràn đầy
Hết thảy các oán kết
Thảy đều cùng buông lìa
Dầu có oán địch đến
Nghe tên liền lui tan
Chẳng mượn động binh đao
Hai bên sinh vui vẻ
_Phạm Vương (Brahma), Đế Thích Chủ (Indra)
Bốn Thiên Vương Hộ Thế (Loka-pāla)
Vô Nhiệt Trì Long Vương (Anavatapta-nāgarāja)
Cùng với Sa Yết La (Sāgara)
Nhạc Thần Khẩn Na La (Kiṃnarendra: Khẩn Na La Chủ)
Tô La (Surendra: Tu La Chủ), Kim Sí Chủ (Garuḍendra)
Đại Biện Tài Thiên Nữ (Sarasvatī-mahā-devī)
Với Đại Cát Tường Thiên (Śrī-mahā-devī)
Nhóm Trời Thượng Thủ (Pramukha) này
Đều thống lãnh Thiên Chúng
Thường cúng dường chư Phật
Pháp Bảo khó nghĩ bàn
Luôn sinh Tâm vui vẻ
Khởi cung kính Kinh này
_Các Thiên Chúng nhóm này
Thảy đều cùng suy nghĩ
Quán khắp người tu Phước
Cùng nói lời như vầy
“Nên quán hữu tình này
Đều là Phước Đức lớn
Sức căn lành tinh tiến
Sẽ sinh vào cõi Trời
Vì nghe Kinh thâm sâu (Sūtra-gambhīra)
Tâm kính, đến nơi này
Cúng dường Pháp Chế Để (Dharma-stūpa: Tháp thờ Pháp)
Tôn trọng Chính Pháp (Saddharma) nên
Thương xót các chúng sinh
Mà làm nhiêu ích lớn
Nơi Kinh thâm sâu này
Làm vật khí Pháp Bảo
_Người vào Pháp Môn này
Hay nhập vào Pháp Tính (Dharmatā)
Nơi Kim Quang Minh này
Chí Tâm nên nghe nhận
Người này từng cúng dường
Vô Lượng trăm ngàn Phật
Do các căn lành ấy
Được nghe Kinh Điển này
_Như vậy, các Thiên Chủ
Thiên Nữ Đại Biện Tài (Sarasvatī)
Kèm Cát Tường Thiên (Śrī-devī) ấy
Với chúng bốn Thiên Vương (Catur-mahādhipa)
Vô số chúng Dược Xoa (Yakṣa)
Dũng mãnh có Thần Thông
Đều ở bốn phương ấy
Thường đến cùng ủng hộ
_Trời Nhật (Āditya) Nguyệt (Candra), Đế Thích (Indra)
Phệ Suất Nộ (Viṣṇu), Đại Kiên (Khara-skandha)
Nhóm Diêm La (Yama), Biện Tài (Sarasvatī)
Tất cả các Hộ Thế (loka-pāla)
Dũng mãnh đủ Uy Thần
Ủng hộ người trì Kinh
Ngày đêm thường chẳng lìa
_Đại Lực Đại Dược Xoa (Mahā-yakṣa)
Na La Diên (Nārāyaṇa), Tự Tại (Īśvara)
Chính Liễu Tri (Saṃjñeya) cầm đầu
Hai mươi tám Dạ Xoa
Trăm ngàn Dược Xoa khác
Thần Thông có Đại Lực (Mahā-bala)
Luôn ở nơi đáng sợ
Thường đến giúp người này
_Kim Cương Dược Xoa Vương (Vajra-pāṇi-yakṣendra: Kim Cương Thủ Dược Xoa Vương)
Với năm trăm quyến thuộc
Các chúng Đại Bồ Tát
Thường đến giúp người này
_Bảo Vương Dược Xoa Vương (Maṇi-bhadra-yakṣendra: Bảo Hiền Dược Xoa Vương)
Cùng với Mãn Hiền Vương (Pūrṇa-bhadra)
Khoáng Dã (Aṭāvaka), Kim Tỳ La (Kumbhīra)
Tân Độ La Hoàng Sắc (Piṅgala)
Nhóm Dược Xoa Vương này
Cùng năm trăm quyến thuộc
Thấy người nghe Kinh này
Đều đến cùng ủng hộ
_Thải Quân (Citra-sena) Kiền Thát Bà (Gandharva)
Vi Vương (Jinarāja), Thường Chiến Thắng (Jinarṣabha)
Châu Cảnh (Maṇi-kaṇṭha) với Thanh Cảnh (Nīla-kaṇṭha)
Kèm Bột Lý Sa Vương (Varṣādhipati)
Đại Tối Thắng (Mahāgrāsa), Đại Hắc (Mahā-kāla)
Tô Bạt Noa Kê Xá (Suvarṇa-keśī)
Bán Chi Ca (Pāñcika), Dương Túc (Chagala-pāda)
Cùng với Đại Bà Già (Mahā-bhāga)
Tiểu Cừ (Praṇālī) kèm Hộ Pháp (Mahā-pāla: Đại Hộ)
Cùng với Mi Hầu Vương (Markaṭa)
Châm Mao (Sūciroma) với Nhật Chi (Sūrya-mitra)
Bảo Phát (Ratna-keśa) đều đến giúp
_Đại Cừ (Mahā-praṇālī) Nặc Câu La (Nakula)
Chiên Đàn (Candana), Dục Trung Thắng (Kāma-śreṣṭha)
Xá La (Nāgāyana) với Tuyết Sơn (Haimavata)
Cùng với Sa Đa Sơn (Sātāgiri)
Đều có Đại Thần Thông
Hùng mạnh đủ Đại Lực
Thấy người trì Kinh này
Đều đến cùng ủng hộ
_A Na Bà Đáp Ca (Anavatapta)
Cùng với Sa Yết La (Sāgara)
Mục Chân (Mucilinda), Y La Diệp (Elāpatra)
Nan Đà (Nanda), Tiểu Nan Đà (Upananda)
Ở trong trăm ngàn Rồng (Nāga)
Thần Thông đủ uy đức
Cùng giúp người trì Kinh
Ngày đêm thường chẳng lìa
_Bà Trĩ (Valī), La Hầu La (Rāhula)
Tỳ Ma Chất Đa La (Vemacitra)
Mẫu Chỉ (Muci), Thiêm Bạt La (Saṃvara)
Đại Kiên (Khara-skandha) với Hoan Hỷ (Prahrāda)
Với Tu La Vương (Asura-rāja) khác
Cùng vô số Thiên Chúng
Đại lực có dũng kiện
Đều đến giúp người này
_Ha Lợi Đế Mẫu Thần (Hārītī)
Năm trăm chúng Dược Xoa
Khi người ấy ngủ, tỉnh
Thường đến cùng ủng hộ
_Chiên Trà (Caṇḍa), Chiên Trà Lợi (Caṇḍalika)
Dược Xoa Chiên Trĩ Nữ (Yakṣiṇī-caṇḍikā)
Côn Đế (Dantī), Câu Trá Xỉ (Kūṭadantī)
Hấp Chúng Sinh Tinh Khí (Sarvasattva-ujahāriṇī)
Các Thần Chúng như vậy
Đại Lực có Thần Thông
Thường giúp người trì Kinh
Ngày đêm thường chẳng lìa
_Thượng Thủ Biện Tài Thiên
Vô lượng các Thiên Nữ
Cát Tường Thiên cầm đầu
Kèm các quyến thuộc khác
Đại Địa Thần Nữ (Pṛthivī devatā) này
Thần quả trái (Phala-śasyādhi-devatā), vườn rừng (ārāma-vṛkṣa-devatā)
Thần cây (Vṛkṣa-devatā), Thần sông nước (Vāsinyonadi-devatā)
Thần Chế Để (Caityāni-devatā), các Thần (Devatā)
Các Thiên Thần như vậy
Tâm sinh đại hoan hỷ
Đều đi đến ủng hộ
Người đọc tụng Kinh này
_Thấy người có trì Kinh
Tăng thọ mạng (Āyur), sắc (Varṇa: hình sắc), lực (Bala: sức khỏe)
Uy quang với Phước Đức
Diệu Tướng dùng trang nghiêm
_Tinh Tú (Graha-nakṣatra) hiện tai biến
Khốn ách phạm người này
Mộng thấy điềm xấu ác
Thảy đều khiến trừ diệt
_Đại Địa Thần Nữ (Pṛthivī-devatā) này
Bền chắc có Uy Thế
Do sức Kinh này nên
Pháp Vị thường sung túc
_Nếu đất tốt thấm xuống
Hơn trăm Du Thiện Na (Yojana)
Địa Thần khiến dâng lên
Tươi nhuận cho đất đai
Đất này sâu sáu mươi
Tám ức Du Thiện Na (68 ức Yojana)
Đến bờ mé Kim Cương
Khiến vị đất (vị của đất) dâng lên
_Do nghe Kinh Vương này
Được Đại Công Đức Uẩn
Hay khiến các Thiên Chúng
Đều nương lợi ích ấy
Lại khiến các Thiên Chúng
Uy lực có ánh sáng
Hoan hỷ thường an vui
Buông lìa tướng suy kém
_Ở trong Nam Châu (Jambu-dvīpa: Nam Thiệm Bộ Châu) này
Thần rừng, quả, lúa mạ (Phala-śasya-vana-devatā: Lâm Quả Miêu Giá Thần)
Do uy lực Kinh này
Tâm thường được vui vẻ
_Mầm quả đều thành tựu
Nơi nơi có hoa đẹp
Quả trái đều xum xuê
Tràn đầy ở đất đai
Hết thảy cây có quả
Cùng với mọi vườn, rừng
Đều sinh hoa màu nhiệm
Hơi hương thường thơm phức
_Mọi cỏ, các cây cối
Đều ló hoa vi diệu
Với sinh quả ngon ngọt
Tùy nơi đều tràn khắp
_Ở Thiệm Bộ Châu này
Vô lượng các Long Nữ (Nāga-kanya)
Tâm sinh rất vui vẻ
Đều cùng vào trong ao
Gieo trồng Bát Đầu Ma (Padma: hoa sen hồng)
Cùng với Phân Đà Lợi (Puṇḍarīka: hoa sen trắng)
Sen xanh (Utpala) với sen trắng (Puṇḍarīka)
Tràn đầy khắp trong ao
_Do uy lực Kinh này
Hư không luôn trong sáng
Đều trừ khiển mây mù
Ám tối đều sáng sủa
Mặt trời (Sūrya) phóng ánh sáng
Lửa Vô Cấu thanh tịnh
Do sức Kinh Vương này
Tỏa sáng khắp bốn phương
_Sức uy đức Kinh này
Trợ giúp cho Thiên Tử (Deva-putra)
Đều dùng vàng Thiệm Bộ (Jambūnada-suvarṇa)
Mà tạo làm cung điện
_Nhật Thiên Tử (Sūryendra-devaputra) mới hiện
Thấy Châu này vui vẻ
Thường dùng ánh sáng lớn
Đều chiếu sáng vòng khắp
_Ở trong Đại Địa này
Hết thảy ao hoa sen
Mặt trời chiếu đúng lúc
Không đâu chẳng nở hết
_Ở Thiệm Bộ Châu này
Ruộng nương, các quả, thuốc
Đều khiến khéo thành thục
Tràn đầy khắp đất đai
_Do uy lực Kinh này
Nơi Nhật (mặt trời) Nguyệt (mặt trăng) chiếu đến
Tinh Thần (các ngôi sao) chẳng mốt độ
Gió, mưa đều thuận thời
_Khắp Thiệm Bộ Châu này
Đất nước đều giàu, vui
Tùy chỗ có Kinh này
Thù thắng hơn phương khác
_Nếu nơi có lưu bày
Kinh Điển Kim Quang Minh
Có người hay giảng tụng
Đều được Phước như trên”
Khi ấy, Đại Cát Tường Thiên Nữ với các hàng Trời nghe điều Đức Phật đã nói, đều rất vui vẻ. Đối với Kinh này với người thọ trì đều một lòng ủng hộ, khiến cho không có lo lắng bực bội, thường được an vui. THỌ KÝ
_PHẨM THỨ HAI MƯƠI BA_
Bấy giờ, Đức Như Lai ở trong Đại Chúng rộng nói Pháp xong. Muốn vì Diệu Tràng Bồ Tát (Rucira-ketu) với hai người con Ngân Tràng (Rūpya-ketu), Ngân Quang (Rūpya-prabha) trao cho A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Ký.
Thời có mười ngàn vị Thiên Tử đều từ Tam Thập Tam Thiên (Trāyastriṃśat-deva) đến chỗ của Đức Phật, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, lui ra ngồi một bên, nghe Đức Phật nói Pháp
Khi ấy, Đức Phật bảo Diệu Tràng Bồ Tát rằng: “Ông ở đời sau, trải qua vô lượng vô số trăm ngàn ức na dữu đa kiếp xong, ở Thế Giới Kim Quang Minh (Suvarṇa-prabhāsa-loka-dhātu) sẽ thành A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā samyakyaṃbodhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác), hiệu là Kim Bảo Sơn Vương (Suvarṇa-ratnākāra-cchatra-kūṭa: Kim Bảo Tướng Cái Sơn) Như Lai (Tathāgata) Ứng (Arthat) Chính Biến Tri (Samyaksaṃbuddha) Minh Hạnh Túc (Vidyācaraṇasaṃpanna) Thiện Thệ (Sugata) Thế Gian Giải (Lokavid) Vô Thượng Sĩ (Anuttara) Điều Ngự Trượng Phu (Puruṣadamyasārathi) Thiên Nhân Sư (Śāstā deva-manuṣyāṇāṃ) Phật Thế Tôn (Buddho bhagavan) hiện ra ở đời. Sau khi Đức Như Lai này Bát Niết Bàn (Parinirvāṇa: nhập vào Niết Bàn) thì hết thảy Giáo Pháp cũng đều diệt hết.
Thời người con trưởng tên là Ngân Tràng (Rūpya-ketu) liền ở Thế Giới này, tiếp tục Bổ Phật Xứ (bù vào chỗ của Phật), Thế Giới lúc đó chuyển thành tên Tịnh Tràng (Viraja-dhvaja), sẽ được thành Phật tên là Kim Tràng Quang (Suvarṇa-dhvaja-kāñcanāvabhāsa: Kim Tràng Chân Kim Quang Minh) Như Lai, Ứng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Sau khi Đức Như Lai này Bát Niết Bàn (Parinirvāṇa: nhập vào Niết Bàn) thì hết thảy Giáo Pháp cũng đều diệt hết.
Người con thứ Ngân Quang (Rūpya-prabha) liền bù vào chỗ của Phật (bổ Phật xứ), lại ở cõi này sẽ được thành Phật hiệu là Kim Quang Minh (Suvarṇa-śata-raśmi-prabhāsa-garbha: Kim Thiên Quang Minh Tạng) Như Lai, Ứng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Lúc đó, mười ngàn vị Thiên Tử nghe ba vị Đại Sĩ được Thọ Ký (Vyākaraṇa) xong, lại nghe Tối Thắng Vương Kinh như vậy thì Tâm sinh vui vẻ, thanh tịnh không dơ bẩn giống như hư Không.
Bấy giờ, Đức Như Lai biết căn lành của mười ngàn vị Thiên Tử này đã thành thục, tức liền trao cho Đại Bồ Đề Ký (Mahā-bodhi-vyākaraṇa): “Thiên Tử các ông ở đời đương lai, trải qua vô lượng vô số trăm ngàn vạn ức na dữu đa kiếp, ở Thế Giới Tối Thắng Nhân Đà La Tràng (Śālendra-dhvajāgra: Sa La Đế Tràng Tối Thắng) được thành A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, đồng một Chủng Tính, Lại đồng một tên gọi, hiệu là Diện Mục Thanh Tịnh Ưu Bát La Hương Sơn (Prasanna-vadanotpala-gandha-kūṭa: Thanh Tịnh Diện Mục Ưu Bát La Hương Sơn) đầy đủ mười hiệu. Như vậy theo thứ tự mười ngàn chư Phật hiện ra ở đời .
Khi ấy, Bồ Đề Thụ Thần (Bodhi-druma: Nữ Thần thủ hộ cây Bồ Đề) bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Mười ngàn vị Thiên Tử Này từ Tam Thập Tam Thiên, vì nghe Pháp cho nên đi đến chỗ của Đức Phật. Vì sao Đức Thế Tôn liền cho Thọ Ký sẽ được thành Phật?
Thế Tôn! Con chưa từng nghe các Thiên Tử này tu tập đầy đủ sáu Ba La Mật (Saṭ-pāramitā), Khổ Hạnh khó hành, buông xả: tay, chân. Đầu, mắt, tủy, não, quyến thuộc, vợ con, voi, ngựa, xe cộ, nô tỳ, đầy tớ, cung điện, vườn, rừng, vàng, bạc, Lưu Ly, Xa Cừ, Mã Não, San Hô, Hổ Phách, Ngọc bích, Kha Bối, thức ăn uống, quần áo, giường nằm, thuốc men… như vô lượng trăm ngàn Bồ Tát khác đem các vật cúng cúng dường vô số trăm ngàn vạn ức na dữu đa Phật quá khứ. Bồ Tát như vậy đều trải qua vô lượng vô biên kiếp số, sau đó mới được nhận Bồ Đề Ký (Bodhi-vyākaraṇa)
Thế Tôn! Các Thiên Tử này do nhân duyên nào? Tu Thắng Hạnh nào? Gieo trồng căn lành nào? Mà từ cõi Trời kia đi đến, tạm thời nghe Pháp liền được Thọ Ký? Nguyện xin Đức Thế Tôn vì con giải nói để đoạn trừ lưới nghi ngờ”
Đức Phật bảo Thụ Thần Thiên Nữ Thiên: “Như ngươi đã nói, đều từ nhân duyên căn lành màu nhiệm thù thắng, siêng năng cực khổ tu xong thì mới được Thọ Ký. Các vị Thiên Tử này ở cung Trời màu nhiệm, buông bỏ niềm vui năm Dục cho nên đến nghe Kinh Kim Quang Minh này. Đã nghe Pháp xong thì trong Tâm sinh ân trọng như Lưu Ly trong sạch, không có các vết dơ, lại được nghe việc Thọ Ký của ba Đại Bồ Tát… Cũng do nhân duyên ở quá khứ tu lâu dài Chính Hạnh, Thệ Nguyện… thế nên nay Ta đều cho Thọ Ký, ở đời vị lai sẽ thành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”
Khi vị Thần cây ấy nghe Đức Phật nói xong thời vui vẻ, tin nhận. TRỪ BỆNH
_PHẨM THỨ HAI MƯƠI BỐN_
Đức Phật bảo Bồ Đề Thụ Thần Thiện Nữ Thiên: “Hãy nghe cho kỹ! Hãy nghe cho kỹ! Hãy khéo nghĩ nhớ! Bản Nguyện, Nhân Duyên của mười ngàn vị Thiên Tử này. Nay Ta vì ngươi nói.
Này Thiện Nữ Thiên (Kula-devatī: Thiện Nữ Thần)! Vô lượng chẳng thể nghĩ bàn a tăng xí gia kiếp ở quá khứ, lúc đó có Đức Phật hiện ra ở đời, tên là Bảo Kế (Ratna-śikhī) Như Lai, Ứng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Thiện Nữ Thiên! Sau khi Đức Thế Tôn ấy Bát Niết Bàn (nhập vào Niết Bàn), Chính Pháp (Saddharma) diệt xong. ở trong Tượng Pháp (Saddharma-pratirūpaka) có vị vua tên là Thiên Tự Tại Quang (Sureśvara-prabha) thường dùng Chính Pháp cảm hóa người dân, giống như cha mẹ. Trong vương quốc này có một vị Trưởng Giả (Śreṣṭhī) tên là Trì Thủy (Jaṭiṃdhara) khéo hiểu Y Minh (Cikitsā-vidyā: Y học), thông thạo tám thuật. Chúng sinh bị bệnh khổ, bốn Đại chẳng điều hòa… đều hay cứu chữa được.
Này Thiện Nữ Thiên! Khi ấy, Trưởng Giả Trì Thủy có một người con duy nhất tên là Lưu Thủy (Jalavāhana) có dung mạo đoan chính khiến người ưa thích nhìn, bẩm tính thông minh, khéo bàn các Luận, viết vẽ, toán số không có gì chẳng thông đạt. Lúc đó, bên trong vương quốc có vô lượng trăm ngàn các loài chúng sinh, đều bị bệnh dịch, mọi khổ ép bức cho đến không có Tâm vui mừng thích thú.
Thiện Nữ Thiên! Bấy giờ Trưởng Giả Tử (Śreṣṭhī-putra)Lưu Thủy thấy vô lượng trăm ngàn chúng sinh này chịu các bệnh khổ, nên khởi Tâm Đại Bi tác niệm như vầy: “Cha ta là vị Trưởng Giả (Śreṣṭhī) tuy giỏi dùng Y Phương (Cikitsaka: phương cách dùng thuốc), thông thạo tám Thuật, hay chữa mọi bệnh, bốn Đại tăng giảm. Nhưng đã già nua suy yếu, cần phải chống gậy mới có thể bước đi được, nên chẳng thể đi đến thành ấp, thôn xóm cứu các bệnh khổ. Nay có vô lượng chúng sinh đều bị bệnh nặng không ai có thể cứu giúp. Nay ta nên đến chỗ của Đại Y Phụ hỏi Bí Pháp của Y Phương để trị bệnh. Nếu hiểu được xong, sẽ đi đến chỗ của thành ấp, thôn xóm cứu các chúng sinh bị mọi loại bệnh tật, khiến cho ở đêm dài nhận được sự an vui”
Khi Trưởng Giả Tử tác niệm này xong, liền đến chỗ của cha, cúi đầu lễ bàn chân của cha, chắp tay cung kính, lui ra đứng ở một bên, liền dùng Già Tha (Kệ Tụng) thỉnh cha của mình rằng:
“Xin cha hiền (từ phụ) thương xót
Con muốn cứu chúng sinh
Nay thỉnh các Y Phương
Nguyện mong vì con nói
_Vì sao thân suy hoại
Các Đại có tăng giảm?
Lại ở trong thời nào
Hay sinh các bệnh tật?
_Ăn uống như thế nào
Được thọ nhận an vui?
Hay khiến bên trong thân
Hỏa Nhiệt (sức nóng của Hỏa Đại) chẳng suy tổn?
_Chúng sinh có bốn bệnh
Phong (Vātika: bệnh trúng gió), Hoàng (Paittika: bệnh thương hàn, bệnh vàng da), Nhiệt (Jvara: bệnh nóng sốt), Đàm Ẩm (Śleṣmikā: bệnh đàm rãi)
Cùng với bệnh tổng tập (Sāṃnipatika)
Làm sao chữa trị được?
_Lúc nào Phong Bệnh khởi?
Lúc nào phát Nhiệt Bệnh?
Lúc nào động Đàm Ẩm?
Lúc nào Tổng Tập sinh?”
Khi vị Trưởng Giả ấy nghe con mình thỉnh xong, lại dùng Già Tha đáp là:
“Nay Ta y Tiên xưa (cổ Tiên)
Hết thảy Pháp chữa bệnh
Thứ tự vì con nói
Khéo nghe, cứu chúng sinh
_Ba tháng là mùa Xuân (Vasanta)
Ba tháng gọi là Hạ (Grīṣma)
Ba tháng tên mùa Thu (Śarat)
Ba tháng là mùa Đông (Hemanta)
_Đây dựa trong một năm
Nói riêng theo ba tháng
Hai tháng là một Tiết
Thành sáu Tiết trong năm
_Giêng, hai là Hoa Thời (thời tiết nở hoa)
Ba, tư tên Nhiệt Tế (thời tiết nóng nực)
Năm, sáu tên Vũ Tế (thời tiết tuôn mưa)
Bảy, tám là Thu Thời (tiết Thu)
Chín, mười là hàn Thời (thời tiết lạnh)
Hai tháng cuối (tháng 11, tháng 12) Băng Tuyết (thời tiết có tuyết rơi)
Đã biết riêng như vậy
Cho thuốc đừng sai lầm
_Nên tùy trong thời này
Điều hòa cách ăn uống
Vào bụng khiến tiêu tan
Mọi bệnh tức chẳng sinh
_Nếu tiết khí biến đổi
Bốn Đại có biến hóa
Thời này không có thuốc
Ắt sinh các bệnh khổ
_Thầy thuốc (y nhân) hiểu bốn mùa
Lại biết sáu Tiết ấy
Biết bảy Giới của thân
Khiến uống thuốc không sai
_Là: Vị Giới, máu, thịt
Mỡ, xương với tủy, não
Khi bệnh vào trong đây
Biết chữa trị được không
_Bệnh có bốn loại riêng
Là: Phong, Nhiệt, Đàm Ấm
Cùng với Bệnh Tổng Tập
Nên biết khi phát động
_Mùa Xuân: Đàm Ẩm động
Mùa Hạ: Phong Bệnh sinh
Mùa Thu: Hoàng Nhiệt tăng
Đông: cả ba cùng khởi
_Xuân: ăn chát, nóng, cay
Hạ: béo, nóng, mặn, dấm
Mùa Thu: lạnh, ngọt, béo
Đông: chua, chát, béo, ngọt
_Ở trong bốn mùa này
Uống thuốc với ăn uống
Nếu y như vị này
Bệnh không do đâu sinh
_Sau ăn, bệnh do Ẩm (Thủy Đại tăng trưởng)
Ăn tiêu, thời do Nhiệt
Sau tiêu, khởi do Phong
Theo thời nên biết bệnh
_Đã biết nguồn bệnh xong
Tùy bệnh mà làm thuốc
Nếu như dạng bệnh khác
Trước nên chữa gốc bệnh
_Phong bệnh: uống dầu béo
Nhiệt cần tiêu tiểu tốt
Ẩm bệnh ứng biến nôn
Tổng Tập cần ba thuốc
_Phong, Nhiệt, Ẩm cùng có
Đây gọi là Tổng Tập
Tuy biết bệnh khởi thời
Nên quán Bản Tính ấy
Như vậy quán biết xong
Thuận thời mà cho thuốc
Ăn uống, thuốc không sai
Đây là bậc Thiện Y (thầy thuốc giỏi)
_Lại nên biết tám Thuật
Nhiếp chung các Y Phương
Ở đây nếu biết rõ
Chữa được bệnh chúng sinh
Là Châm, lể (châm thứ), Giải Phẩu (thương phá)
Bệnh thân với Quỷ Thần (? Khoa thần kinh)
Độc ác (?khoa dược) với trẻ thơ (hài đồng, tức khoa nhi)
Sống lâu (diên niên) tăng khí lực (? Khoa dưỡng sinh)
_Trước quán hình sắc ấy
Nói năng với Tính Hạnh
Sau đó hỏi giấc mộng
Ắt biết Phong, Nhiệt, Ẩm
_Khô gầy, đầu ít tóc
Tâm ấy không trụ Định
Nói nhiều, mộng hay bay
Người này là Tính Phong
_Thiếu niên sinh tóc trắng
Nhiều mồ hôi, hay giận
Thông minh, mộng thấy lửa
Người này là Tính nhiệt
_Tâm định, thân gọn gàng
Đầu có chất gầu nhờn
Mộng thấy nước, vật trắng
Nên biết là Tính Ẩm
_Tính Tổng Tập đều có
Hoặc hai, hoặc đủ ba
Tùy có một thứ tăng
Nên biết là Tính ấy
_Đã biết Bản Tính xong
Chuẩn bệnh mà cho thuốc
Nghiệm không có tướng chết
Mới biết có thể cứu
_Căn (giác quan) đảo lộn, chọn cảnh
Khinh khi, chê thầy thuốc
Giận dữ với bạn thân
Nên biết là tướng chết
_Mắt trái biến màu trắng
Lưỡi đen, sống mũi lệch
Vành tai khác lúc trước
Môi dưới xệ xuống dưới
Một loại Ha Lê Lặc (Haritaki)
Có đầy đủ sáu vị
Hay trừ tất cả bệnh
Không kỵ, vua trong thuốc
_Lại ba quả (3 loại quả trái) ba cay (ba loại có vị cay)
Trong các thuốc đễ được
Dường cát, mật, bơ, sữa
Đây hay chữa mọi bệnh
Còn các Dược Vật khác
Tùy bệnh có thể thêm
Trước, khởi Tâm Từ Mẫn
Đừng quy về tài lợi
_Ta đã vì con nói
Việc cần trong chữa bệnh
Dùng đây cứu chúng sinh
Sẽ được quả vô biên”
Này Thiện Nữ Thiên! Khi ấy, Trưởng Giả Tử Lưu Thủy đích thân hỏi cha của mình về điều thiết yếu trong tám Thuật, bốn Đại tăng giảm, thời tiết chẳng đồng, Pháp của hai Dược Phương. Đã khéo hiểu rõ, tự nghĩ có thể cứu chữa được mọi bệnh, tức liền đến khắp nơi ở thành ấp, thôn xóm, tùy theo chúng sinh có trăm ngàn vạn ức bệnh khổ, đều đến nơi ấy, khéo nói an ủi, nói lời như vầy: “Tôi là thầy thuốc, khéo biết phương dược. Nay vì các người, chữa trị mọi bệnh, đều khiến trừ khỏi”
Thiện Nữ Thiên! Khi mọi người nghe Trưởng Giả Tử khéo nói an ủi, hứa vì mình trị bệnh thời có vô lượng trăm ngàn chúng sinh bị bệnh cực nặng, nghe lời nói này xong, thân tâm hớn hở, được điều chưa từng có. Do nhân duyên này, hết thảy bệnh khổ đều được trừ hết, khí lực sung mãn, bình phục như cũ.
Thiện Nữ Thiên! Bấy giờ lại có vô lượng trăm ngàn chúng sinh bị bệnh khổ sâu nặng khó chữa trị được, liền cùng nhau đi đến chỗ của Trưởng Giả Tử , thỉnh cầu dùng thuốc chữa trị. Thời Trưởng Giả Tử liền dùng Diệu Dược khiến đều trừ khỏi.
Thiện Nữ Thiên! Trưởng Giả Tử đó ở trong nước này trị trăm ngàn vạn ức chúng sinh bị bệnh khổ, đều được trừ khỏi”
TRƯỞNG GIẢ TỬ LƯU THỦY
_PHẨM THỨ HAI MƯƠI LĂM_
Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ Đề Thụ Thần: “Này Thiện Nữ Thiên! Trưởng Giả Tử Lưu Thủy (Jalavāhana) lúc đó, ở thời xa xưa bên trong nước của vua Thiên Tự Tại Quang (Sureśvaraprabha) chữa trị hết thảy bệnh khổ của các chúng sinh khiến được bình phục, thọ nhận niềm vui an ổn. Khi chúng sinh đã trừ được bệnh thì tu nhiều Phước Nghiệp, rộng hành Huệ Thí để tự vui vẻ. Liền cùng nhau đi đến chỗ của Trưởng Giả Tử, đều sinh tôn kính, nói lời như vầy: “Lành thay! Lành thay! Đại Trưởng Giả Tử khéo hay tăng trưởng việc Phước Đức, tăng ích cho chúng tôi được thọ mạng an ổn. Nay ngài thật là bậc Đại Lực Y Vương, Bồ Tát Từ Bi, thông thạo thuốc men, khéo chữa trị vô lượng bệnh khổ của chúng sinh”. Như vậy khen ngợi vòng khắp thành ấp
Thiện Nữ Thiên! Vợ (Dāra) của Trưởng Giả Tử đó tên là Thủy Kiên Tạng (Jalāmbuja-garbha), có hai người con: thứ nhất tên là Thủy Mãn (Jalāmbara), thứ hai tên là Thủy Tạng (Jala-garbha). Lúc đó, Lưu Thủy đem hai người con lần lượt du hành khắp thành ấp, thôn xóm, đi qua nơi sâu hiểm trong cái đầm trống (Aṭavī) thì thấy các cầm thú, chó sói, chồn cáo, kên kên thuộc loài ăn máu thịt… thảy đều bay chạy về một hướng. Thời Trưởng Giả Tử tác niệm như vầy: “Do nhân duyên gì mà các cầm thú bay chạy về một hướng? Ta sẽ tùy liệu sau, tạm thời đến xem xét đã”. Từc liền tùy đi, thấy có cái ao (Puṣkariṇī) lớn tên là Dã Sinh (Saṃbhava), nước ao sắp cạn, ở trong ao này có nhiều loại cá. Lưu Thủ thấy xong, sinh Tâm Đại Bi
Lúc đó, có vị Thần Cây (Thụ Thần) hiện bày nửa thân, nói lời như vầy: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Ông có nghĩa chân thật gọi là Lưu Thủy (Jalavāhana), có thể thương nhóm cá này, nên cho chúng nước. Có hai nhân duyên tên là Lưu Thủy, một là hay làm cho nước tuôn chảy, hai là hay ban cho nước. Nay ông cần phải tùy theo tên gọi mà làm”
Lúc đó, Lưu Thủy hỏi vị Thần cây rằng: “Số cá này có bao nhiêu con?”
Vị Thần cây đáp: “Đủ số là mười ngàn”
Này Thiện Nữ Thiên! Khi Trưởng Giả Tử nghe số này xong thời tăng Tâm thương lo gấp bội. Lúc đó, cái ao lớn này bị phơi dưới nắng mặt trời, nước còn lại không có bao nhiêu, mười ngàn con cá này sắp vào cửa chết, toàn thân uyển chuyển, thấy Tâm của vị Trưởng Giả này nên có chỗ hy vọng, bơi theo ngắm nhìn chẳng chớp mắt.
Khi Trưởng Giả Tử thấy việc này xong, chạy khắp bốn phương, muốn tìm kiếm nước nhưng chẳng thể được. Lại từ xa ngó về một bên, thấy có cái cây lớn, tức liền leo lên bẻ lấy cành lá làm bóng mát che chắn. Rồi lại suy nghĩ tìm xem nước trong ao đến từ chỗ nào. Tìm kiếm chẳng xong thì thấy con sông lớn (Mahānadī) tên là Thủy Sinh (Jalāgamā), bên con sông này có các ngư phủ vì bắt cá cho nên ở chỗ nguy hiểm tại thượng lưu của con sông, khoi bỏ dòng nước chẳng cho chảy xuống phía dưới. Ở chỗ đã khoi tháo, khó thể tu bổ, liền tác niệm này: “Vách núi này có sông sâu núi cao, dầu cho trăm ngàn người trải qua ba tháng cũng chẳng thể chặt bỏ được, huống chi là một thân của ta mà kham nhận nổi”
Thời Trưởng Giả Tử mau chóng quay về cái thành của mình, đến chỗ của vị Đại Vương, cúi đầu mặt lễ bàn chân của đức vua, rồi lui ra đứng một bên, chắp tay cung kính nói lời như vầy: “Tôi vì người dân trong đất nước của Đại Vương, trị mọi loại bệnh đều khiến cho an ổn, dần theo thứ tự du hành đến cái đầm trống (Aṭavī) ấy, thấy có một cái ao (Puṣkariṇī) tên là Dã Sinh (Saṃbhava), nước nơi ấy sắp cạn, có mười ngàn con cá bị phươi dưới nắng mặt trời, chẳng lâu sẽ chết. Nguyện xin Đại Vương Từ Bi thương xót, ban cho 20 con voi lớn tạm mang nước đến, cứu mạng của đám cá kia, như tôi đem lại thọ mạng cho các người bệnh”
Bấy giờ, Đại Vương liền sai vị Đại Thần mau ban voi lớn cho vị Y Vương này. Thời vị Đại Thần phụng Sắc của vua xong, bạch với Trưởng Giả Tử rằng: “Lành thay Đại Sĩ! Hôm nay, Ngài có thể tự đến chuồng voi, chọn lấy 20 con voi lớn, lợi ích cho chúng sinh khiến được an vui”
Khi ấy, Lưu Thủy với hai người con đem 20 con voi lớn, lại mượn nhiều cái túi da tại nhà bán rượu, đi đến nơi khoi tháo nguồn nước, dùng cái túi chứa đầy nước nhờ voi phụ đưa đến cái ao, dốc nước vào trong ao thì nước liền đầy tràn, hoàn phục như cũ.
Này Thiện Nữ Thiên! Lúc Trưởng Giả Tử ở bốn bên cái ao, đi vòng quanh để nhìn thì đám cá kia cũng lại men theo bờ ao mà đi. Thời Trưởng Giả Tử lại tác niệm này: “Vì sao đám cá này tùy theo ta mà đi? Ắt là bị lửa đói ép bức, lại muốn theo ta cầu xin thức ăn. Nay ta sẽ cho”
Bấy giờ, Trưởng Giả Tử Lưu Thủy bảo người con ấy rằng: “Con chọn một con voi mạnh nhất, mau đến nhà, thưa trình với cha của ta: trong nhà hết thảy vật gì có thể ăn được, cho đến phần ăn của cha mẹ cùng với phần của vợ con, nô tỳ… thảy đều thu lấy, đem đến cái ao”
Khi ấy, hai người con nhận sự dạy bảo của cha, cỡi con voi lớn nhất, mau đi đến nhà, đến chỗ của ông nội, nói việc như trên, thu lấy vật trong nhà có thể ăn được, để lên trên con voi, mau chóng quay về chỗ của cha, đến bên bờ ao ấy.
Lúc đó, Lưu Thủy thấy con mình đến thì thân tâm mừng vui, liền lấy bánh, thức ăn rải khắp trong ao. Đám cá được ăn xong, thảy đều no đủ.
(Lưu Thủy) liền tác niệm này: “Nay ta bố thí thức ăn khiến cho đám cá giữ được mạng sống. Nguyện ở đời sau sẽ bố thí thức ăn Pháp (Pháp thực) cứu giúp vô biên”
Lại suy nghĩ rằng: “Trước kia, ta từng ở rừng Không Nhàn (Araṇya) thấy một vị Bật Sô (Tỳ Kheo) đọc Kinh Đại Thừa (Mahā-yāna), nói Pháp yếu thâm sâu cùa 12 Duyên Sinh. Lại trong Kinh nói: Nếu có chúng sinh lúc lâm chung, được nghe tên của Đức Bảo Kế Như Lai liền sinh lên Trời. Nay Ta sẽ vì mười ngàn con cá này, diễn nói 12 Duyên Khởi thâm sâu, cũng sẽ xưng nói tên của Bảo Kế Phật. Nhưng Thiệm Bộ Châu có hai loại người, một là tin Đại Thừa sâu xa, hai là chê bai chẳng tin, cũng nên vì nhóm ấy tăng trưởng Tâm tin tưởng”
Thời Trưởng Giả Tử tác niệm như vầy: “Ta vào trong cái ao, vì đám cá nói Pháp sâu xa màu nhiệm”.
Tác niệm này xong, liền đi xuống nước, xứng lên rằng:
“Nam mô Quá Khứ Bảo Kế Như Lai, Ứng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Xưa kia, khi Đức Phật này tu Bồ Tát Hạnh có tác thệ nguyện này: “Hết thảy chúng sinh ở mười phương, khi lâm chung mà được nghe tên của Ta thì sau khi chết, được sinh vào cõi Tam Thập Tam Thiên”
Bấy giờ, Lưu Thủy lại vì cá trong ao, diễn nói Pháp màu nhiệm thâm sâu như vầy: “Cái này có cho nên cái kia có, cái này sinh cho nên cái kia sinh”. Ấy là Vô Minh (Avidyā) duyên với Hành (Saṃskāra), Hành duyên với Thức (Vijñāna), Thức duyên với Danh Sắc (Nāma-rūpa), Danh sắc duyên với sáu Xứ (Ṣaḍ-āyatana), sáu Xứ duyên với Xúc (Sparśa), xúc duyên với Thọ (Vedanā), Thọ duyên với Ái (Tṛṣṇā), Ái duyên với Thủ (Upādāna), Thủ duyên với Hữu (bhava), Hữu duyên với Sinh (Jāti), Sinh duyên với Lão Tử (Jarā-maraṇa) dấy lên lo buồn, khổ não.
“Cái này diệt cho nên cái kia diệt”. Ấy là: Vô Minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh Sắc diệt, Danh Sắc diệt thì Lục Nhập diệt, Lục Nhập diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Sinh diệt, Sinh diệt thì Lão Tử diệt, Lão Tử diệt thì lo buồn khổ não diệt. Như vậy Uẩn thuần cực khổ thảy đều trừ diệt”
Nói Pháp này xong, lại vì đám cá tuyên nói Thập Nhị Duyên Khởi Tương Ứng Đà La Ni là:
“Đát điệt tha: tỳ chiết nễ, tỳ chiết nễ, tỳ chiết nễ, tăng tắc chỉ nễ, tăng tắc chỉ nễ, tăng tắc chỉ nễ, tỳ nhĩ nễ, tỳ nhĩ nễ, tỳ nhĩ nễ, toa ha
TADYATHĀ: VIJANI VIJANI_ SAṂ-SECANI SAṂSECANI SAṂ-SECANI_ VINNINDI VININDI VININDI SVĀHĀ
Đát điệt tha: na nhĩ nễ, na nhĩ nễ, na nhĩ nễ, sát trĩ nễ, sát trĩ nễ, sát trĩ nễ, táp bát lý thiết nễ, táp bát lý thiết nễ, táp bát lý thiết nễ, toa ha
TADYATHĀ: NADĪNE NADĪNE NADĪNE_ SĀTINE SĀTINE_ SAPARISANE SAPARISANE SAPARISANE SVĀHĀ
Đát điệt tha: tiết đạt nễ, tiết đạt nễ, tiết đạt nễ, trất lý sắt nễ nễ, trất lý sắt nễ nễ, trất lý sắt nễ nễ, ổ ba địa nễ, ổ ba địa nễ, ổ ba địa nễ, toa ha
TADYATHĀ: VEDANE VEDANE VEDANE_ TṚṢṆANE TṚṢṆANE TṚṢṆANE_ UPĀDANE UPĀDANE UPĀDANE SVĀHĀ
Đát điệt tha: bà tỳ nễ, bà tỳ nễ, bà tỳ nễ, xà để nễ, xà để nễ, xà để nễ, xà ma nễ nễ, xà ma nễ nễ, xà ma nễ nễ, toa ha
TADYATHĀ: BHĀVINE BHĀVINE BHĀVINE_ JAṬINE JAṬINE JAṬINE_ JANMADINE JANMADINE JANMADINE SVĀHĀ
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì các Đại Chúng nói duyên xưa kia của Trưởng Giả Tử, thì các chúng Người, Trời khen chưa từng có.
Thời bốn vị Đại Thiên Vương đều ở nơi ấy, khác miệng đồng âm nói như vầy:
“Lành thay! Thích Ca Tôn
Nói Diệu Pháp Minh Chú
Sinh Phước trừ mọi ác
Mười hai Chi tương ứng
Chúng con cũng nói Chú
Ủng hộ Pháp như vậy
Nếu người sinh trái nghịch
Chẳng khéo tùy thuận theo
Đầu bị vỡ bảy phần
Giống như ngọn Lan Hương
Chúng con ở trước Phật
Cùng nói Chú ấy là:
“Đát điệt tha: hứ lý, mê, yết thê, kiện đà lý, chiên trà lý, địa lệ, tao phạt lệ, thạch hứ phạt lệ, bổ la bố lệ, củ củ mạt để, khi la mạt để, đạt địa mục khế, cũ lỗ bà, mẫu lỗ bà, cụ trà mẫu lỗ kiện đề, đỗ lỗ đỗ lỗ, tỳ lệ, y nê tất tất nê, đạp côn đạt đạp côn, ổ tất đát lý, ổ suất trá la, phạt để, át lạt sa phạt để, bát đỗ ma phạt để, câu tô ma phạt để, toa ha”
TADYATHĀ: HIRI ME GATE_ GANDHARI CAṆḌARI DHIRI_ SAUBHARI GUHE-VĀRE, PURA PURE, KUKKU-MATI, KHILA-MATI, DADHI-MUKHE,
KURUBHA MURUBHA, KUṬA MURU GANDHE, DURU DHURU, VĪRE EDHI-SINE, DHAVE DADHAVE, UṢṬRĪ UṢṬRA VATI, ARTHA-VATI, PADMA-VATI, KUSUMA-VATI SVĀHĀ
Đức Phật bảo Thiện Nữ Thiên: “Bấy giờ, Trưởng Giả Tử Lưu Thủy với hai người con vì đám cá trong ao kia, cho nước cho thức ăn kèm nói Pháp xong thì cùng nhau quay về nhà. Trưởng Giả Tử Lưu Thủy này lại ở lúc sau, nhân có tụ hội nên tấu mọi kỹ nhạc, say rượu rồi nằm. Thời mười ngàn con cá đồng thời cùng chết, sinh về cõi Tam Thập Tam Thiên, khởi niệm như vầy: “Chúng ta do nhân duyên của Nghiệp Thiện nào mà sinh trong cõi Trời này?”. Liền cùng nhau nói là: “Trước kia, chúng ta ở Thiệm Bộ Châu, bị đọa trong Bàng Sinh, cùng thọ nhận thân cá. Trưởng Giả Tử Lưu Thủy cho chúng ta nước cùng với bánh, thức ăn. Lại vì chúng ta nói Pháp thâm sâu, 12 Duyên Khởi với Đà La Ni, lại xưng danh hiệu Bảo Kế Như Lai. Do nhân duyên này, hay khiến cho chúng ta được sinh vào cõi Trời này. Thế nên, nay Ta đều nên đến chỗ của Trưởng Giả Tử, báo ân cúng dường”
Lúc đó, mười ngàn vị Thiên Tử liền ở cõi Trời ẩn mất, đến chỗ của Đại Y Vương ở Thiệm Bộ Châu. Khi ấy, Trưởng Giả Tử ngủ an ổn trên lầu cao. Thời mười ngàn vị Thiên Tử cùng đem mười ngàn chuỗi Anh Lạc châu báu đên bên cạnh khuôn mặt của Trưởng Giả Tử, lại đem mười ngàn chuỗi để ở bàn chân, lại đem mười ngàn chuỗi để ở hông bên phải, lại đem mười ngàn chuỗi để ở hông bên trái, tuôn mưa hoa Mạn Đà La (Māndāra), hoa Ma Ha Mạn Đà La (Mahā-mādāra) ngập đến đầu gối, ánh sáng chiếu khắp, mọi loại nhạc Trời phát ra âm thanh màu nhiệm, khiến Thiệm Bộ Châu có người ngủ say thảy đều tỉnh giác. Trưởng Giả Tử Lưu Thủy cũng tỉnh ngủ theo.
Khi mười ngàn vị Thiên Tử cúng dường xong, liền ở không trung bay đi. Ở trong nước của vua Thiện Tự Tại Quang, nơi nơi đều tuôn mưa hoa sen màu nhiệm của cõi Trời. Các vị Thiên Tử này lại đến chốn cũ, trong cái ao ở đầm trống tuôn mưa mọi hoa Trời, rồi liền ở đây ẩn mất, quay về cung điện trên Trời, tùy ý tự tại thọ hưởng niềm vui năm Dục
Đức Vua Thiên Tự Tại Quang đến sáng sớm đã hỏi các Đại Thần: “Đêm qua, do duyên gì mà hiện tướng điềm lành hiếm có như vậy, phóng ánh sáng lớn?”
Đại Thần đáp rằng: “Đại Vương nên biết có các Thiên Chúng ở trong nhà của Trưởng Giả Tử Lưu Thủy, tuôn mưa bốn mươi ngàn chuỗi Anh Lạc châu báu với hoa Mạn Đà La của cõi Trời ngập đến đầu gối”
Đức Vua bảo Đại Thần rằng: “Hãy đến nhà của Trưởng Giả, gọi vị ấy đến đây”
Đại Thần nhận Sắc liền đến nhà ấy, phụng tuyên Vương Mệnh kêu Trưởng Giả Tử. Thời Trưởng Giả Tử liền đến chỗ của vua.
Đức vua nói: “Do duyên gì mà đêm qua hiện bày tướng điềm lành hiếm có như vậy?”
Trưởng Giả Tử nói: “Như tôi suy nghĩ, nhất định là đám cá bên trong cái ao kia. Như Kinh đã nói sau khi chết, được sinh lên cõi Tam Thập Tam Thiên. Vì nhóm ấy đến báo ân cho nên hiện tướng kỳ lạ hiếm có như vậy”
Đức vua nói: “Làm sao biết được?”
Lưu Thủy đáp rằng: “Đức vua có thể sai Sứ cùng với hai đức con của tôi đến cái ao ấy, nghiệm xem chuyện thật hư. Mười ngàn con các kia còn sống hay đã chết”
Đức vua nghe lời này xong, liền sai Sứ với hai người con hướng đến bên cái ao ấy, thấy trong cái ao có nhiều hoa Mạn Đà La gon thành đống lớn, các con cá đều đã chết. Thấy xong, chạy về rộng nói cho đức vua biết. Đức vua nghe điều này xong, thì Tâm sinh vui vẻ, khen chưa từng có”.
Bấy giờ Đức Phật bảo Bồ Đề Thụ Thần: “Này Thiện Nữ Thiên! Nay ngươi nên biết. Trưởng Giả Tử Lưu Thủy (Jalavāhana) xưa kia tức là thân của Ta, Trưởng Giả Trị Thủy (Jaṭiṃdhara) tức là Diệu Tràng (Rucira-ketu). Hai người con ấy: Con trưởng Thủy Mãn (Jalāmbara) tức là Ngân Tràng (Rūpya-ketu), con thứ Thủy Tạng (Jala-garbha) tức là Ngân Quang (Rūpya-prabha). Vị vua Thiên Tự Tại Quang (Sureśvara-prabha) ấy tức là ngươi, Thần cây Bồ Đề. Mười ngàn con cá tức là mười ngàn vị Thiên Tử. Nhân Ta xưa kia dùng nước cứu cá và cho thức ăn khiến được no đủ, vì chúng nói 12 Duyên Khởi thâm sâu kèm với Tương Ứng Đà La Ni Chú. Lại xưng tên của Đức Phật Bảo Kế. Nhân căn lành này được sinh lên Trời. Nay đến chỗ của Ta vui vẻ nghe Pháp. Ta sẽ vì họ trao cho A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề Ký, nói danh hiệu ấy.
Này Thiện Nữ Thiên! Như Ta xưa kia ở trong sinh tử, luân hồi các cõi, rộng làm lợi ích, Nay vô lượng chúng sinh đều khiến cho theo thứ tự thành Vô Thượng Giác, cho Thọ Ký ấy. Các ngươi đều nên siêng năng cầu xuất ly, đừng có phóng dật”
Bấy giờ, Đại Chúng nghe nói điều này xong, thảy đều thấu hiểu: “Do Đại Từ Bi cứu giúp tất cả, siêng tu Khổ Hạnh thì mới có thể chứng được Vô Thượng Bồ Đề”, nên thảy đều phát Tâm sâu xa, vui vẻ tin nhận.
KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH
_QUYỂN THỨ CHÍN (Hết)_
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.9.82 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.