Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bản Việt dịch Phật Thuyết Kiến Chánh Kinh [佛說見正經] »»

Kinh điển Bắc truyền »» Bản Việt dịch Phật Thuyết Kiến Chánh Kinh [佛說見正經]

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » Việt dịch (3) » Việt dịch (4) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.23 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.31 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Kiến Chánh

Việt dịch: Thích Giác Quả

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Tôi nghe như vầy: Một thời đức Phật đang lưu trú tại Tịnh Xá Kỳ Hoàn([1]) thuộc kinh thành La-duyệt-kỳ([2]). Bấy giờ, gần đến giờ ngọ, đức Phật cùng năm trăm vị Tỷ-kheo, một ngàn vị Bồ-Tát và Ưu-bà-tắc đang nâng thực phẩm cúng dường đi ra ngoài thành La-duyệt-kỳ, bổng thấy cây đại thọ tên là Cam Hương, cây to gốc lớn, cành lá sum sê, hoa trái tươi đẹp đỏ hồng, hàm chứa mùi vị ngọt thơm, xung quanh gốc cây sạch sẽ bằng phẳng. Đức Phật muốn dừng lại tại đây, hàng đệ tử tuỳ tùng đều vâng lời, rồi lấy đá làm toà ngồi cho Ngài, sau đó đại chúng ngồi xung quanh đức Phật.
Trong hàng đệ tử của đức Phật, có Tỷ-kheo tên là Kiến Chánh, mới nhập đạo tu tập, nên thầy hay nghi ngờ rằng: “Đức Phật thường dạy có các đời sau, nhưng từ loài vật đến loài người, sau khi chết chưa có một ai trở lại báo tin cho biết sự kiện ấy như thế nào cả”. Thầy liền trình bày những nghi ngờ ấy lên đức Phật. Nhân đây, đức Phật chỉ dạy để các đệ tử được hiểu rõ bằng nhưng thí dụ, chứng minh như sau:
- Gốc đại thọ này vốn từ một hạt giống và các trợ duyên của đất, nước, gió, lửa mà được to lớn, tàng cây có thể che phủ một số người nhiều như thế này. Nếu truy nguyên khi đang còn hạt giống thì không thấy nhánh, là, hoa, trái gì cả. Nhưng nhờ gặp đủ nhân duyên tứ đại([3]), hạt giống mới nứt mầm, nảy nhánh sanh hoa, kết trái và dần dần trở thành một cây to lớn, tàng lá che phủ một khoảng đất rộng. Ban đầu, nó chỉ là một hạt giống, rồi hạt sanh mầm, mầm sanh nhánh, nhánh sanh lá, lá sanh hoa, hoa sanh trái, cứ thế chuyển qua nhiều giai đoạn biến chuyển mới thành cây đại thọ. Như vậy, cây đại thọ và hạt giống không phải là một mà cũng không phải là khác, có danh nhưng chẳng phải thường danh([4]). Bấy giờ nó đã trở thành cây đại thọ, vậy có thể tập hợp tất cả hoa, trái, nhánh, lá, cọng, gốc ấy
lại, để làm thành hạt giống như cũ được không?
+ Các đệ tử đáp: Không thể được. Chúng đã biến chuyển thì không trở lại như cũ được. Hạt giống trở thành mầm, nhánh.v.v. mỗi ngày mỗi thoái hoá, càng sanh thì càng biến đổi, tuy không tiêu mất, nhưng không thể trở lại hạt giống như cũ được.
- Vấn đề sanh tử cũng tương tự như thế. Thần thức([5]) là pháp duyên khởi, pháp ấy là si (vô minh). Do vô minh sanh thám ái. Vô minh tương tự như hạt giống. Hạt giống tuy nhỏ mà tăng trưởng thành cây đại thọ; vô minh tuy vi tế, vô hình mà tạo thành những hiện tượng nhân duyên sai khác. Các hiện tượng nhân duyên ấy đều do tâm thức biến hiện. Do vô minh sanh hành, hành sanh thức, thức sanh danh sắc, danh sắc sanh lục nhập, lục nhập sanh xúc, xúc sanh thọ, thọ sanh ái, ái sanh thủ, thủ sanh hữu, hữu sanh sanh, sanh sanh lão tử, cọng lại là mười hai nhân duyên làm căn bản cho thân này. Đã có thân thì phải có ngày bị già, chết. Khi chết, tuỳ theo nghiệp lực đã làm, thần thức sẽ được dẫn dắt tái sanh thành một thân xác mới, cũng có cha mẹ, cũng có sanh sáu tình([6]), cũng khởi ô nhiễm, cũng chịu
khổ vui, cũng theo phong tục, nhưng không thứ nào cũng giống như đời trước. Kiến thức đã không trở lại như cũ thì làm sao biết được quá khứ. Do vậy, con người chỉ thuận theo kiến thức mới trong hiện tại mà cho rằng, kiến thức là thật có, là thường còn, rồi chấp cái tri kiến ấy. Do cố chấp nên không biết rằng: “Có đời trước, có đời sau là do thần thức biến chuyển theo nghiệp lực mà hiện diện”.
Thần thức đã biến chuyển, lại có cha mẹ làm trợ duyên để sanh ra thân xác mới, rồi bị trói buộc theo sáu tình, ô nhiễm, khổ vui, phong tục không thể trở lại thân xác cũ, tập quán cũ, kiến thức cũ, cuộc đời cũ; tương tự như cây đại thọ không thể trở lại hạt giống của ngày trước được.
Sau khi được nghe đức Phật chỉ dạy, Tỷ-kheo Kiến Chánh từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước đức Phật quỳ xuống bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, sự nghi ngờ của đệ tử vẫn chưa được giải trừ. Giờ đây, chính là lúc đệ tử tỏ bày sự ngu si của mình, ngưỡng cầu Thế Tôn từ bi chỉ bảo. Kể từ khi còn nhỏ tới giờ, đệ tử đã gặp những người chết rất nhiều; hoặc là cha mẹ, anh em, vợ chồng, nội ngoại; hoặc là bạn hữu đang thương yêu nhau; hoặc là kẻ thù đang oán hận nhau, thế mà sau khi chết, thần thức của họ không có một ai trở lại để báo tin, người nào khổ, người nào sướng cả. Tại sao như vậy? Thần thức bị trở ngại điều gì mà họ không trở lại báo tin cho người sống biết? Mong Thế Tôn phân tích và giải bày giúp đệ tử chúng con đoạn trừ được nghi hoặc, thấy rõ sự thật.”
- Này Tỷ-kheo! Thần thức ấy không có hình tướng, khi biến chuyển thì tuỳ theo nghiệp lực mà hiện diện. Giả như một người làm nhiều việc phước, khi chết thần thức có phước đước chuyển sang một đời sống khác, cũng không thể trở lại báo tin, huống gì kẻ độc ác. Tại sao thế?- Ví như người kỹ sư nấu đá hoá lỏng để tìm thiếc, rồi lấy thiếc đúc thành các dụng cụ. Vậy các dụng cụ ấy có thể trở thành đá được không?
+ Thưa không.
- Thần thức biến chuyển thành thân trung ấm([7]), tương tự như đá lọc thành thiếc; thân trung ấm biến chuyển để thọ thân khác, tượng tự như thiếc đã đúc thành khí cụ. Cho nên, khi thân xác đã thay đổi, biến mất thì làm sao trở lại thân cũ được.
Những người nào tu tập năm điều thiện (năm giới) thì được tái sanh làm người; họ sẽ có cha mẹ và sẽ bị ràng buộc bởi sáu thứ. Đó là: thứ nhất, trú tại thân trung ấm không thể trở lại đời sống cũ; thứ hai, bị trói buộc trong bào thai; thứ ba, khi đang bị chèn ép đau đớn, quên mất quá khứ; thứ tư, khi rớt xuống chỗ sanh, các kiến thức cũ đều quên mất, phát sanh kiến thức mới; thứ năm, sanh rồi liền tham chấp vật dục, vì tham chấp nên kiến thức cũ bị gián đoạn; thứ sáu, dần dần khôn lớn, sống theo kiến thức mới chứ không nhớ kiến thức cũ.
- Các đệ tử! Ví như có nhà kinh doanh đi khắp bốn phương gặp đủ mọi điều gian khổ, vui sướng. Khi nhớ nghĩ những điều đã xảy ra ở quận này, ở thôn nọ của phương đông thì ông ta không còn nhớ những gì đã xảy ra ở ba phương kia nữa. Trong dòng sanh tử cũng vậy, đời này tạo tác các hạnh nghiệp, rồi sanh qua đời sống khác, đã thọ thân khác liền sanh kiến thức mới, nên kiến thức cũ không thể hiện diện được. Bởi sáu thức ấy ngăn che, trói buộc, nên không còn nhớ đời trước thì làm sao có sự báo tin!
- Hoặc như người thợ gốm nung đất để làm đồ dùng, do sức nóng của lửa đốt, miếng đất trở thành tấm ngói. Vậy ta có thể khiến tấm ngói ấy trở thành cục đất được không?
+ Thưa, không thể được.
- Hoặc như một cây đại thọ bị đốn xuống, người ta cưa xẻ…làm thành hàng trăm loại đồ dùng. Nếu có người muốn tập hợp các tấm gỗ đã bị cưa và mọi vật dụng đã được hình thành, làm thành cây đại thọ như cũ có được không?
+ Thưa, không được.
- Hoặc như người thợ nấu cát thành màu hồng, rồi thành màu trằng như nước. Vậy ta có thể khiến màu trắng ấy trở thành cát được không?
+ Thưa, không được.
- Vấn đề sanh tử cũng thế. Người chưa ngộ đạo lý, chưa có đạo nhãn([8]), khi chết, thần thức biến chuyển theo nghiệp lực để thọ thân khác. Vì vậy, những kiến thức đời trước của họ, giờ đây đang bị che lấp trong bào thai, trong kiến thức mới, trong tập quán mới, nên không thể biết gì về đời trước được.
- Hoặc như nước được chứa trong bình tròn thì nước có hình tròn, nếu đổ nước qua bình vuông thì nước có hình vuông. Tuỳ theo vật chứa mà nước thay hình đổi dạng theo tướng trạng lớn nhỏ, vuông tròn. Vấn đề sanh tử cũng như thế. Tâm thức vốn không có tướng trạng cố định, chỉ tuỳ theo hành vi thiện ác mà thọ lãnh báo thân. Báo thân ấy đối diện với sự trắng-đen, dài-ngắn, khổ-vui, lành-dữ đều là sự hiện hành biến chuyển theo nghiệp lực cả. Như đời này, tâm thức của chúng ta đã tạo nhiều điều phi pháp, nên khi chết sẽ bị đọa làm súc sanh, bị khổ sở, mất tự do. Như vậy, làm sao nhớ được đời trước mà về báo tin!
- Hoặc như con sùng sanh ở trong đất, không kêu, không có cánh; nhưng đúng thời tiết thì nó hoá thành con ve, ở trên cây kêu suốt ngày không dứt. Vậy ta có thể bảo con ve ấy trở thành con sùng để báo tin cho các con sùng khác đang ở dưới đất biết được không?
+ Thưa, không được. Con sùng đã biến đổi rời âm (đất) để sống trên dương khí, thân xác thay đổi dần cho đến ngày chết hay bị chim chóc bắt ăn thịt, chứ không thể trở lại thân con sùng được.
- Vấn đề sanh tử cũng như thế. Thân này chết rồi, thần thức biến chuyển để thọ thân mới, bị năm ấm([9]) ngăn che; nào kiến thức, nào tập quán đều biến đổi theo môi trường mới; cho đến ngày suy tàn, già chết, chứ không thể trở lại thân xác cũ với kiến thức cũ để báo tin cho người ta biết được.
- Hoặc như miếng thịt sống để lâu ngày trở thành hôi thối, sanh ra trùng giòi. Vậy có thể khiến nó trở thành miếng thịt tươi được không?
+ Thưa, không được.
- Vấn đề sanh tử cũng như thế. Người thế gian thân làm ác, miệng nói ác, tâm nghĩ ác; khi chết thần thức của họ biến chuyển đọa vào địa ngục hoặc súc sanh. Khi ở trong cảnh giới mới lạ ấy thì sự thấy biết sẽ khác với đời trước, lại bị lưới tội trói buộc, chuyện cũ quên hết; nên không thể trở lại báo tin cho người ta biết được.
- Hoặc như đêm tối không trăng, mọi vật đều chìm trong đen tối, giả sử trong trăm ngàn vạn người, có một người nhìn vào trong đêm tối ấy, có thể phân biệt rõ ràng các màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen của các vật được không?
+ Dù ức triệu người nhìn vào đêm tối cũng chẳng thấy được gì, huống là phân biệt rõ ràng năm màu.
- Nếu có người cầm đuốc soi sáng rồi bảo nó nhìn xem. Vậy nó có thể thấy được không?
+ Có thể thấy được.
- Nếu có người ngu không cầm đuốc đi vào chỗ tối, càng đi xa càng thấy tối. Vậy, nó muốn thấy năm màu ấy được không?
+ Người ngu đã xây lưng với ánh sáng mà đi vào chỗ tối, nó đã đi xa ánh sáng nên không thể thấy được màu sắc.
- Các đệ tử! Chúng sanh ở trong dòng sanh tử tối tăm cũng như thế. Kể từ con người cho đến súc sanh, đã thọ thân xác đầy ngu si mờ ám, không có đạo hạnh, không hiểu được nguồn cội của thân tâm, chưa có tuệ nhãn([10]) mà nôn nóng muốn biết thần thức qua lại, thọ sanh trong dòng sanh tử và trở về báo tin, thì chẳng khác gì trong đêm tối mà muốn thấy rõ năm màu sắc. Trái lại nếu ai biết học Kinh, trì Luật, tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo Bồ Đề, giữ gìn tâm ý thanh tịnh; đây là người như kẻ cầm đuốc thấy rõ năm màu. Người nương theo giáo pháp của đức Phật có thể biết rõ dòng sanh tử và các cảnh giới thiện hay ác mà thần thức đã đi qua. Bên cạnh, những người không hiểu rõ thân tâm, chống bỏ Kinh luật, cuốn theo trần tục, tự ý buông lung, đoạn diệt chánh pháp, tâm không tin tưởng và thực hành pháp Phật; đây là người như kẻ ném đuốc mà đi vào chỗ tối, càng đi càng đen tối chẳng thấy gì cả.
- Các đệ tử! Các ngươi chớ thuận theo tâm ý ngu si, phiền não mà nghi ngờ đạo lý chân chánh thanh tịnh. Nếu thuận theo tâm ý ngu si ấy, thì các ngươi khó thoát khỏi những cảnh giới xấu ác, đọa đày thống khổ. Ta đã cố ý dẫn dụ, giải thích rõ ràng; vậy, các ngươi hãy tin tấn phụng hành, đừng bao giờ lãng quên.
- Các đệ tử! Người đời với đôi mắt thịt nên chỉ thấy những việc trong hiện tại, mà không thể thấy mình từ đâu đến và sau khi già chết sẽ đi về đâu, sẽ thọ lãnh thân gì. Vì sao thế?-Vì mỗi lần sống chết, thần thức biến chuyển theo mười hai nhân duyên, mà trong mười hai nhân duyên, ngu si (vô minh) là chủ yếu và mang tính chất u tối, nên một lần chuyển đổi là khó nhớ biết việc cũ. Như đem tấm vải màu trắng nhuộm thành các màu xanh, vàng, đỏ, tím; thì tấm vải ấy không thể trở lại màu trắng được. Sự sanh tử luôn biến chuyển cũng như thế. Tâm thức không có thể tánh cố định, nó bị ảnh hưởng theo hạnh nghiệp mà biến đổi không ngừng. Hơn nữa, tâm ý của chúng sanh trong một đời, luôn niệm tưởng về mọi pháp, luôn nhớ nghĩ rất nhiều về các điều lành dữ báo ứng, hễ niệm mới sanh khởi thì niệm cũ tiêu diệt, chỉ có ngu si (vô minh) là thường hiện diện trong dòng sanh tử. Nếu ai muốn hiểu nguồn gốc sanh tử qua lại (luân hồi), thì hãy tinh tấn tu luyện thân tâm, tư duy nguồn cội vạn pháp, thâm nhập thanh tịnh (thiền định) thì có thể khai ngộ như giấc ngủ đã tỉnh thức.
- Các đệ tử! Thần thức bị ngu si đầu độc trong các việc thiện ác, nên khi chết thì lại tái sanh với các thân hình sai khác. Nếu không tạo tác thiện ác thì không thọ lãnh thân khác nữa, như lửa gặp củi thì còn, củi cháy hết thì lửa mất. Ý thức không chấp trước hành vi thiện ác thì không còn hình thức tái sanh nào nữa.
- Hoặc như tấm gương dơ bẩn không thể soi thấy gì được. Cũng vậy, tấm gương tâm thức bị ô uế ngăn che, biến chuyển sanh tử, bị dẫn dắt theo sự họa phúc tai ương, tràn đầy thảm khốc sợ hãi, nên chẳng soi thấy được gì trong đời trước. Như ao nước đục, dù có cá trạch trong ao cũng không trông thấy. Cũng vậy, ở trong sanh tử hỗn độn, bị mọi điều sầu đau, lo lắng ngăn che, nên khi một lần chuyển sanh đời khác là một lần quên hết đời trước. Như người nhắm mắt đi trong đêm tối, hoàn toàn chẳng trông thấy được gì. Cũng vậy, người đi trong đêm tối sanh tử, trôi dạt theo dòng họa phúc, phải gánh chịu những điều vui mừng, đau khổ, không thể nhớ biết việc cũ đời trước.
- Các đệ tử! Ta dùng tuệ nhãn thanh tịnh soi thấy một cách rõ ràng rằng, hết thảy chúng sanh sanh tử qua lại trong ba cõi, khác nào nhìn rõ sợi chỉ hoặc xanh, hoặc vàng trong hạt ngọc thuỷ tinh lưu ly. Hoặc nhu nước trong có thể nhìn thấy đáy và thấy cả mọi loài thuỷ tộc. Đức Phật thấy chúng sanh sống chết trong năm đường([11]) như người đứng cạnh chiếc cầu lớn thấy rõ mọi hành khách qua lại trên cầu. Hoặc như đứng trên núi cao nhìn thấy cả bốn phương xa gần. Với tuệ nhãn siêu việt, đức Phật thấy sự sanh tử của mọi loài cũng tương tự như vậy.
Các ngươi, nếu tuân theo lời chỉ bảo cuả Ta thì sẽ rõ biết sự sanh tử trong muôn ngàn kiếp. Bằng cách thực hành ba mươi bảy pháp trọng yếu, đó là: bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi và tám Chánh đạo, để diệt trừ sự ô uế của tự tâm, đoạn tận ba độc tham-sân-si, cắt đứt mọi nghi ngờ, khai mở trí tuệ như chư Phật, là có thể biết được mọi việc của quá khứ và vị lai.
- Các đệ tử! Người đời làm những điều thiện hoặc điều ác, sau khi chết đều có quả báo tương xứng. Dù vậy, nhưng không ai biết được; bởi vì chưa có ba thứ tịnh nhãn([12]), và đang bị ngăn che bởi sáu căn([13]), nhìn với con mắt thịt, cứ làm theo những điều xấu xa, ô uế, đắm đuối trong chốn ngu si, biến chuyển theo dòng sanh tử, bị chướng ngại bởi xác thân, nên rời xa việc cũ, say mê việc mới, mà không biết quả báo tương xứng với hành nghiệp. Sự thật, ở đời có sự đón nhận phước đức, có sự đòn nhận tai họa, hoặc tốt nhiều hay xấu nhiều. Đó chính là bảo chứng về sự báo tin (quả báo) của các hành nghiệp trong quá khứ vậy.
Những người sanh ra từ chỗ ngu si, bị trói buộc trong sự nghi ngờ, không chút hành vi thanh tịnh mà muốn biết các việc đời trước và quả báo tương xứng, thì khác gì kẻ không có tay mà muốn viết, kẻ không có mắt mà muốn nhìn. Đây là lý do mà đức Phật xuất thế giảng dạy Kinh pháp để khai mở tâm ý cho mọi người. Ai là kẻ muốn biết rõ và hoán chuyển nhân quả cho mình trong dòng sanh tử thì hãy tuân theo lời dạy đức Phật mà thực hành chánh pháp, điều chỉnh tâm ý, luyện tập thiền quán, trau dồi trí tuệ, thì sẽ được kết quả như ý.
- Các đệ tử! Thần thức có tên gọi (danh) mà không có hình tướng, nó phụ thuộc vào bốn đại làm thể chất và các hành vi thiện ác. Khi mới sanh ra, thân hình bé nhỏ, sáu căn chưa hoàn bị, kiến thức nông cạn, hiểu biết hẹp hòi. Đến khi khôn lớn, sáu căn phong phú, tâm, thức huân tập các điều ái dục mỗi ngày mỗi nhiều; đến ngày yếu già, bốn đại hao mòn, sáu tình sút giảm, tâm thức không còn minh mẫn. Chỉ trong một đời hiện tại mà thay đổi thường xuyên, sau không giống trước, kiến thức của tuổi trẻ hầu như bị lãng quên khi tuổi già đến, huống gì là nhiều đời cách biệt, thai ấm ngăn che, tà hạnh mê lầm, chưa đạt đạo lý mà mong biết sau khi chết trở lại báo tin. Sự mong muốn ấy khác gì kẻ xâu kim trong đêm tối, kẻ tìm lửa ở trong nước.
Vậy, các đệ tử hãy tinh tấn thực hành giới pháp, tư duy sâu sắc nguồn gốc: Sanh tử từ đâu đến và sẽ về đâu? Do nhân gì mà có sự qua lại? Do duyên gì mà phải sanh tử? Suy tư thật kỹ tự tánh vô ngã của các pháp thì mọi sự nghi ngờ tức khắc tự giải.
Khi đức Phật giảng Kinh này xong, năm trăm vị Tỷ-kheo và Ưu-bà-tắc đều được Kiến đạo([14]), các hàng Bồ-tát đều chứng Bất thối Tam-muội([15]), Đại chúng đứng dậy nhiễu quanh đức Phật ba vòng rồi đảnh lễ Ngài sát đất; sau đó, theo đức Phật trở về Tịnh xá.


Chú thích:
[1] Kỳ Hoàn (Anàtapindika): còn gọi là Kỳ Viên, Kỳ Viên Tịnh xá, Kỳ thọ Cấp cô độc viên, tức là vườn cây của Thái tử Kỳ đà và ông Cấp cô độc.
[2] La-duyệt-kỳ (Ràjagrha): còn gọi là La-việt, La-duyệt, La-duyệt-kỳ-ca-la, tức thành Vương Xá của nước Ma Kiệt Đà.
[3] Tứ đại: là bốn chất, Địa, Thuỷ, Hoả, Phong (chất răng, chất lỏng, chất nóng và chất hơi) luôn có mặt khắp thế giới.
[4] Nghĩa là tên gọi ấy không phải thường còn mãi mãi.
[5] Thần thức: Tâm thức linh diệu của loài hữu tình, không thể nghĩ bàn. Thông thường gọi là Linh hồn-nhưng đạo Phật không gọi như vậy.
[6] Sáu tình (lục dục): là sáu căn (lục căn). Là cách dịch cũ.
[7] Thân trung ấm: Còn gọi là thân trung hữu. Là thân thể trong buổi giao thời sau khi chết và trước khi tái, cũng đầy đủ cả năm ấm.
[8] Đạo nhãn: chính là Thiên nhãn. sự thấy nhìn không bị chướng ngại nhờ công phu tu tập,
[9] Năm ấm (ngũ ấm): Còn gọi là ngũ uẩn. Gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Là năm yếu tố hình thành cá thể mọi người.
[10] Tuệ nhãn: Mắt tuệ-do tu tập mà được. Là một trong năm mắt: Nhục nhãn, Thiên nhãn, Tuệ nhãn, Pháp nhãn và Phật nhãn.
[11] Năm đường (ngũ thú): Còn gọi là ngũ đạo, ngũ ác thú. Đó là năm đường ác dữ: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, Người và Trời (A-tu-la được xếp vào loài trời)
[12] Ba tịnh nhãn (Tam tịnh nhãn): Ba thứ mắt hay ba thứ thấy nhìn thanh tịnh. Đó là Thiên nhãn, Tuệ nhãn và Pháp nhãn.
[13] Sáu căn (Lục căn): Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn và Ý căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý)
[14] Kiến đạo: Thấy rõ con đường dẫn đến Niết bàn. Là một trong ba Đạo: Kiến đạo, Tu đạo và Vô học đạo.
[15] Bất thối tam muội: chánh định không còn thối chuyển.

« Kinh này có tổng cộng 1 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phóng sinh - Chuyện nhỏ khó làm


Cho là nhận


Bức Thành Biên Giới


Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.220.43.27 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập