Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
PHẨM THỨ HAI MƯƠI SÁU
SỰ NHIẾP LẤY CỦA TẤT CÁNH ĐỊA
Khi Bồ Tát tu tất cả Hạnh, có sáu việc khéo nhiếp chúng sanh:
1.Hết lòng nhiếp lấy.
2.Tăng thêm sự nhiếp lấy.
3.Giữ sự nhiếp lấy.
4.Rốt ráo nhiếp lấy.
5.Chẳng rốt ráo nhiếp lấy.
6.Sự nhiếp lấy sau hết.
-Đại Bồ Tát lúc sơ phát tâm nhiếp lấy chúng sanh như: cha mẹ, anh em, vợ con, bà con thân tộc, v.v…Hết lòng buộc niệm về phương tiện nhiếp lấy, nghĩ rằng: “Làm sao tôi có thể đem lại cho chúng sanh mọi sự an vui”. Khi khởi nguyện như vậy rồi, tùy sức của mình mà cấp giúp cho. Đây gọi là sự hết lòng nhiếp lấy của Bồ Tát.
-Đại Bồ Tát tuy tấm lòng trội hơn cha mẹ, vợ con, anh em thân thuộc, nhưng không kiêu căng, tự cao ngã mạn, mà còn cung cấp, nuôi dưỡng gấp bội. Nếu được làm vua, thì việc cư xử đối với thân tộc lại cũng như vậy. Sự tăng thêm là phá hỏng điều ác, dạy làm điều lành, tùy sức lễ lạy, ca tụng, cung cấp dưỡng nuôi, mang lại món ăn, áo mặc và các món cần dùng. Biết ơn, báo ơn, trông nom bệnh hoạn, tìm kiếm thuốc thang. Đối với gia nhân, chẳng xem họ là kẻ tớ hèn hạ mà tưởng chừng như anh em cật ruột. Nếu thấy tộc thuộc gây tạo tội lỗi, bèn kham nhẫn chịu. Nói năng ngay thẳng lời lẽ nhu hòa, không hề thô bạo. Nếu làm vua một nước, chẳng gây đau khổ đối với nhân dân, chẳng giết mạng người, lìa bỏ cực hình, lấy chánh pháp trị nước. Tùy theo gốc gác của mỗi giòng tộc mà phân ranh giới, chẳng sanh tham lam xâm đoạt nước người, ra sức nuôi dân, xem khắp dân chúng dường như con một. Những vật sở hữu đều cùng quyến thuộc chia dùng cân bằng, lời nói thành thực, lời nói dịu dàng không chút thô tục và lìa tánh sẻn tham.
Đây gọi là tăng thêm sự nhiếp lấy của Bồ Tát.
Đại Bồ Tát nhiếp lấy chúng sanh, có hai nhân duyên: Nột là bố thí tài sản, hai là bố thí giáo pháp. Đem tài sản thí phá sự nghèo nàn. Đem giáo pháp bố thí phá chấp tà bậy. Đối với chúng sanh tâm Bồ Tát luôn luôn bình đẳng, chẳng tạo điều sẻn lận, chẳng có ý ngã mạn kiêu xa, làm ra tướng trạng bực thầy, chẳng cầu mong người đền ơn đáp nghĩa, chẳng cầu mong người cung cấp dưỡng nuôi. Nếu có người nào vì cầu phước báo mà tìm đến cúng dường, Bồ Tát cũng không ngăn cấm, vì khiến cho họ thêm lớn phước đức trang nghiêm. Nếu như có người tu tập pháp lành, trì giới, tinh tấn, Bồ Tát thấy rồi cúng dường, gần gũi và làm người sai khiến. Người không hiểu nghĩa, vì họ giải nói rõ nghĩa. Người đã hiểu nghĩa, Bồ Tát vì nói khiến được tăng trưởng. Nếu như có người mắc vào lưới nghi, liền vì người ấy nói nghĩa sâu xa khiến dứt trừ nghi. Dẫu khổ hay vui cũng đồng cảnh ngộ với người nhưng tâm không tăng giảm. Biết người phạm tội, dùng phương tiện khéo chỉ vẽ sám hối, có khi quở trách, có lúc đề cao, gặp người bệnh khổ trông nom không bỏ, khéo dùng phương tiện trừ mối lo âu.
Nếu có chúng sanh kém sắc, chậm tiến, tâm Đại Bồ Tát không hề khinh miệt, mà tùy lúc giảng nói nhân duyên của tâm chơn chánh, gặp người sầu khổ, nói pháp an ủi. Tự mình khéo tư duy, lời lẽ bất tín của những người khác không thể lay động, được người cho vật liền đem chia đều đại chúng. Thành tựu đầy đủ sự tu tập lòng từ, gặp người mưu sinh chơn chánh đón chào hỏi han, xa lìa ác tâm, thường tu thiện pháp, không hề phóng túng, lìa bỏ biếng lười, thường lập thệ nguyện: “Làm sao cho phước đức của tôi san sẻ đồng đều đến khắp tất cả”.
Trong tất cả thế gian, không phải lúc nào Đại Bồ Tát cũng thực hành giữ sự nhiếp lấy, mà là những lúc có sự lợi ích mới là nhiếp giữ. Đây gọi là Giữ sự nhiếp lấy của Đại Bồ Tát.
-Nếu có những người căn tánh tối chậm, hoặc là những người căn lành khó thuần, thì sự nhiếp lấy của Đại Bồ Tát phải trải lâu xa. Vì trải qua lâu xa, cuối cùng họ phải có tâm trong sạch. Đây gọi là rốt ráo nhiếp lấy.
-Nếu những chúng sanh căn tánh trung bình sự thành thực bực trung, thì việc nhiếp lấy chẳng phải lâu xa. Vì sao? Vì không bao lâu sẽ được tâm trong sạch. Đây gọi là chẳng rốt ráo nhiếp lấy.
-Nếu như có người căn cơ lanh lợi, dễ được thuần thục, sự thuần thục bực thượng, dễ tịnh, dễ điều. Đây gọi là sự nhiếp lấy sau hết của Đại Bồ Tát.
Như trên gọi là sáu điều nhiếp lấy của Đại Bồ Tát.
Đại Bồ Tát dùng sáu sự nhiếp thủ này, nhiếp tất cả chúng sanh trong ba đời. Bồ Tát quá khứ, vị lai, hiện tại nhiếp lấy chúng sanh đều không ra ngoài sáu thứ nhiếp này.
Khi Đại Bồ Tát nhiếp hóa chúng sanh có mười hai sự khó:
-Đại Bồ Tát biết rõ không ngã, không ngã sở, không chúng sanh, nhưng vì chúng sanh mà tu tập hạnh khổ. Đó là sự khổ thứ nhứt.
-Vì điều phục chúng sanh mà tạo sự quở trách, nhưng vẫn tự mình bảo vệ giới cấm chẳng để tổn thương. Đây gọi là cái khó thứ hai.
-Vật dùng có ít kẻ xin lại nhiều, ấy là cái khó thứ ba.
-Bồ Tát chỉ một thân lại hệ thuộc nhiều người, phải quây quần đem thân làm người cung cấp sai khiến. Đây là cái khó thứ tư.
-Cùng mang một thân, đồng với chư thiên phóng dật, nhưng trong thâm tâm không chút phóng dật. Đây gọi là cái khó thứ năm.
-Thường làm sai sử cho rất nhiều người nhưng riêng tự mình đối với giới cấm không để hỏng mất. Ấy là cái khó thứ sáu.
-Thường chung đụng với những kẻ xấu ác như tham dục, giận hờn, ngu si, se lận, nịnh hót quanh co, gian tà xảo quyệt…Ở chung với họ nhưng chẳng hành động theo. Đó là cái khó thứ bảy.
-Biết rõ sanh tử có nhiều mối lo ngại, nhưng vì chúng sanh mà chẳng bỏ xa. Ấy là cái khó thứ tám.
-Tất cả phiền não qua lần sống chết, khi bỏ mạng sống tâm chưa thanh tịnh, dầu chưa thanh tịnh nhưng không mất chánh niệm. Đây là cái khó thứ chín.
-Chưa được tâm thanh tịnh nhưng có thể đem thân mình và những gì yêu mến nhứt như vợ con, quyến thuộc cung cấp cho người. Đây là cái khó thứ mười.
-Chúng sanh tâm tư khác biệt, cảnh giới rộng lớn chẳng đồng, có khi phải mềm mỏng, có khi phải hỷ xả. Ấy là cái khó thứ mười một.
-Trọn không buông lung, chẳng dứt phiền não, ấy là cái khó thứ mười hai.
-Đại Bồ Tát đối với chúng sanh, chẳng tạo điều khinh trọng. Có lúc làm ra vẻ khinh thường, có lúc giả làm ra vẻ trịnh trọng, có khi chỉ nhìn cảnh tượng, có khi tâm phát mạnh dạn, khi thì lập nguyện, khi thì buông lung, hoặc tu trí tuệ, hoặc tu mềm mỏng, hoặc như quở trách, hoặc như bỏ rơi, hoặc siêng năng tinh tấn, hoặc bê trễ lười biếng, hoặc tạo ra phương tiện v.v.
Đại Bồ Tát lập sự học như thế, ở trong cảnh ngộ khó khăn mà làm người không lo rầu, hối hận, đã có thể tự bảo vệ lấy mình, lại làm lợi ích cho khắp tha nhân. PHẨM THỨ HAI MƯƠI BẢY
SỰ RỐT RÁO CỦA TẤT CÁNH ĐỊA
Đại Bồ Tát tu mời hai hạnh, tóm lại có thể chia làm bảy Địa. Sáu địa thuộc về Bồ Tát, một địa chung với Thanh Văn. Bảy địa là:
1.Tánh địa.
2.Giải địa.
3.Tịnh tâm địa.
4.Trì địa.
5.Định địa.
6.Định hạnh địa.
7.Tất cánh địa.
Tánh Hạnh, Giải Hạnh, mỗi Hạnh là một Địa. Hỷ Hạnh gọi là Tịnh tâm địa.
Giới Hạnh, Tuệ Hạnh cho đến Hành Hạnh, gọi là Trì địa.
Vô tướng Hạnh gọi là Định địa.
Vô ngại Hạnh gọi là Định hạnh địa.
Như Lai Hạnh gọi là Tất cánh địa. (Phẩm sau sẽ nói về Tất cánh địa)
Khi Bồ Tát từ địa dưới vào Tịnh tâm địa, làm sao có thể chấm dứt nỗi khổ nơi ba ác đạo?
Bồ Tát khi còn tu tập các thiền định hữu lậu thế gian. Tu pháp tiền hữu lậu rồi, được kết quả sự thanh tịnh của thế thiền, tu thế thiền được thanh tịnh rồi liền được giải địa, trang nghiêm đạo Bồ Đề và tu tập 110 món thuộc Bi tâm. Bởi tu Bi tâm cho nên được tâm cứu vớt đối với chúng sanh. Vì được Bi tâm cho nên vẫn thấy vui thích với ba ác đạo, xem ba đường ác như nhà cửa của mình.
Bồ Tát lại quán xét: “Nơi ba đường ác, trong khi trang nghiêm Vô thượng Bồ Đề, vì chúng sanh mà tôi chịu phiền khổ não, nếu tâm trong sạch của tôi có đủ thế lực, nguyện cho bao nhiêu nỗi khổ của chúng sanh đều gom vào thân tôi”.
Sự khéo lập nguyện lớn, do năng lực thiện nghiệp và năng lực thiền định thế gian, cho nên Bồ Tát xa lìa tập khí phiền não nơi thân tâm. Vì lìa tập khí cho nên thân tứ đại thay đổi. Tứ đại thay đổ và do sụ thanh tịnh của thế thiền mà chẳng đến ba đường ác, vì thế Bồ Tát được dứt sự khổ nơi ba ác đạo.
Qua Giải Hạnh Địa rồi vào Tịnh tâm địa, những công đức và mười tịnh tâm như đã nói trong Hỷ hạnh, mười tịnh pháp như vậy là những pháp đối trị, nhằm đối trị những tâm bất tịnh như: Tâm không muốn tạo tác. Không chịu phát tâm lập nguyện. Không thọ giới Bồ Tát. Tâm không tin tưởng, Tâm xấu ác, Tâm chẳng tu Bi nguyện. Tâm giận dỗi. Tâm lo rầu hối hận. Tâm không từ mẫn và Tâm buông lung. Nói chung là những thứ tâm thô hèn do tham tiếc thân mạng, chẳng tùy thuận thế gian, trễ nải, lười biếng, không hổ, không thẹn, sợ khổ bức thân, nghi ngờ, hèn nhát, chẳng chịu siêng năng cúng dường Tam Bảo. Mười tịnh tâm là để đối trị những tâm bất tịnh như trên.
Trong mười Tịnh tâm này, ba pháp đầu nhằm làm cho tâm trong sạch, Bảy pháp sau làm thanh tịnh sự trang nghiêm.
Đại Bồ Tát tin về Bồ Đề và đạo Bồ Đề, vì tin đạo Bồ Đề và thấy chúng sanh chịu khổ, Bồ Tát phát sanh lòng Từ rộng lớn, vì sanh lòng Từ cho nên liền lập đại nghiệp: “Nguyện cho tôi cứu vớt tất cả những nỗi khổ như thế”.
Bởi tâm thương xót cho nên xả thân ban cho không tham tiếc thứ gì, làm lợi ích chúng sanh tâm không lo hối. Vì tâm không lo hối, Bồ Tát cầu học phương thuật thế gian. Biết các phương thuật thế gian, cho nên khéo biết thời tiết để chiều chuộng lòng người. Do biết đúng thời cho nên gọi là Biết rõ thế gian. Do sức trí tuệ cho nên khách trần phiền não khó bề xâm nhập. Nếu bị xâm nhập rất sanh hổ thẹn. Vì sự hổ thẹn nên chẳng để phiền não tự do phát khởi. Đây gọi là sự mạnh mẽ. Do sự mạnh mẽ nên không buông lung. Vì không buông lung cho nên tu tập pháp lành. Vì tu pháp lành cho nên thọ giới Bồ Tát. Thọ Giới Bồ Tát cho nên cúng dường Tam Bảo, do cúng dường Tam Bảo mà tâm trở nên thanh tịnh, thế nên gọi là Tịnh địa. PHẨM THỨ HAI MƯƠI TÁM
HẠNH TẤT CÁNH ĐỊA
Đại Bồ Tát trụ Giải địa cho đến Bồ Tát địa có bốn hạnh:
1.Hạnh Ba la mật.
2.Hạnh Bồ đề.
3.Hạnh thần thông.
4.Hạnh thành thục chúng sanh.
Hạnh Ba la mật: Như trước đã nói về sáu pháp ba la mật, Phương tiện ba la mật, Nguyện ba la mật, Lực ba la mật, Trí ba la mật, Mười ba la mật như thế gọi là Hạnh ba la mật.
Phương tiện ba la mật hay khéo, gồm có mười hai cách thức như đã nói ở phẩm trước (12 sự khó).
Nguyện ba la mật gồm có năm điều, cũng đã nói như ở trước.
Mười Lực trang nghiêm thanh tịnh, gọi là Lực ba la mật.
Biết rõ Xứ chẳng phải Xứ của tất cả các pháp, gọi là Trí ba la mật. Biết đệ nhứt nghĩa đế, gọi là Bát nhã ba la mật.
Lại nữa, vô lượng trí gọi là phương tiện ba la mật. Cầu Thắng trí hơn nữa gọi là Nguyện ba la mật. Chẳng bị bốn thứ mà làm chướng ngại gọi là Lực ba la mật. Có thể biết tánh chơn thật của các pháp giới gọi là Trí ba la mật.
Trên đây gọi là Hạnh ba la mật.
Hạnh Bồ Đề: Bốn niệm xứ cho đến tám Thánh đạo, Bốn sự suy cầu, Bốn Chơn trí như đã nói ở trước, gọi là Hạnh Bồ Đề.
Hạnh thần thông: Như trong phẩm chẳng thể nghĩ bàn đã nói rõ. Sáu thần thông cũng đã nói đến, gọi là Hạnh thần thông.
Hạnh thành thục chúng sanh: Có hai ý nghĩa vô lượng: Điều phục vô lượng và Phương tiện vô lượng như trước đã nói, gọi là Hạnh thành thục chúng sanh.
Bốn Hạnh như thế của Bồ Tát nhiếp tất cả Hạnh.
Đại Bồ Tát tu hành trải qua vô lượng a tăng kỳ kiếp, rốt ráo đầy đủ sự thanh tịnh về các thiện pháp, hơn tất cả Thanh Văn, Duyên Giác, rốt ráo nhiếp lấy đạo quả Bồ Đề, vì rốt ráo có thể chứng quả Bồ Đề, cho nên gọi là Thập ba la mật.
Nếu nói theo thứ lớp thì có ba điều:
1.Vì đối trị.
2.Vì sanh ra.
3.Vì đắc quả.
-Về đối trị: Với những thiện pháp đối trị gồm có sáu pháp:
Đối trị sẻn tham. Đối trị nghiệp ác phá giới. Đối trị giận dữ. Đối trị biếng lười. Đối trị loạn tâm. Đối trị ngu si.
Do sáu pháp ác này mà chẳng chứng Vô thượng Bồ Đề. Vì phá hoại sáu pháp ác như trên mà nói về lục ba la mật. Sáu ba la mật này nhiếp luôn bốn ba la mật sau. Đó gọi là đối trị.
-Về sanh ra: Đại Bồ Tát bỏ cả sự nghiệp thế tục, xuất gia học đạo, mệnh danh là Thí ba la mật. Được xuất gia rồi thọ giới Bồ Tát, gọi là Giới ba la mật. Vì hộ trì giới luật, mặc dù bị người đánh mắng vẫn lặng lẽ nhận, không hề báo trả, gọi là Nhẫn ba la mật. Giới đức đã đủ, siêng tu pháp lành, gọi là Tấn ba la mật. Nhờ sự tinh tấn điều phục các căn, tư duy quán sát, gọi là Thiên ba la mật. Các căn đã được điều phục, biết được Chơn pháp giới, gọi là Trí ba la mật. Đây mệnh danh là sanh ra.
Về đắc quả: Bồ Tát hiện tại tu các thiện pháp như bố thí, v.v. Nếu bỏ thân rồi sanh sang đời khác, bên ngoài thì được của cải dồi dào, bên trong được năm điều đầy đủ như là: Sanh trong cõi trời, cõi người, sống lâu sắc tốt, sức mạnh an vui và có tài biện luận. Đây là quả báo thứ nhứt của Đại Bồ Tát. Do nhân duyên bố thí, tu tập các thiện pháp, tâm không ganh ghét, nhẫn chịu tội lỗi. Đây gọi là đầy đủ quả báo thứ hai. Do nhân duyên bố thí, nếu tạo sự nghiệp thế gian, hay sự nghiệp xuất thế, tâm không chán nản tâm không hối tiếc, gọi là quả báo thứ ba. Do nhân duyên bố thí mà tâm mềm mỏng không bị thác loạn, là quả báo thứ tư. Do nhân duyên bố thí, có thể biết rõ ràng, đây là ruộng phước, biết là có thể thí hay không nên thí, khéo biết phương tiện tìm của giữ của, là quả báo thứ năm.
Bốn ba la mật sau, nhiếp về sáu ba la mật trước, gồm có ba sự ngăn đón (giới):
1.Ngăn đón theo giới.
2.Ngăn đón theo tâm.
3.Ngăn đón theo trí.
-Trì giới ba la mật của Bồ Tát, gọi là ngăn đón theo giới (tùy giới giới).
-Thiền ba la mật gọi là ngăn đón theo tâm (tùy tâm giới).
-Trí tuệ ba la mật gọi là ngăn đón theo trí (tùy trí giới)
Lìa ba thứ ngăn đón này không có giới Bồ Tát. Ba thứ ngăn đón của Bồ Tát nhiếp lấy tất cả giới.
Bồ Tát có bốn việc có thể lợi ích khắp cả chúng sanh. Bốn việc đó là: 1.Vì Bồ Đề mà tu tập thiện pháp. 2.Trước dùng chơn trí biết nghĩa của pháp. 3.Tăng trưởng thiện pháp. 4.Thành thục căn cơ chúng sanh.
Bốn việc như vậy Bồ Tát luôn luôn làm lợi ích lớn cho khắp chúng sanh.
Nếu thuyết nào nói: Lìa bốn việc này vẫn có thể lợi ích chúng sanh, điều đó hoàn toàn không có lý. PHẨN THỨ HAI MƯƠI CHÍN
32 TƯỚNG TỐT, 80 VẺ ĐẸP
CỦA TẤT CÁNH ĐỊA
Hạnh Như Lai thứ mười ba gọi là Tất Cánh Phật Địa. Tất Cánh Phật Địa có 140 pháp Bất cộng. Đó là:
Ba mươi hai tướng tốt, 80 vẻ đẹp, 4 Tịnh hạnh, 10 Lực, 4 Vô úy, 3 Niệm xứ, 3 Bất hộ. Đại Bi, Thường không quên mất, Trí đoạn tập nhân phiền não, Nhứt Thiết Trí. Đây gọi là 140 pháp Bất cộng.
Ba mươi hai tướng:
1.Dưới lòng bàn chân bằng phẳng.
2.Dưới bàn chân có hình bánh xe ngàn cọng.
3.Các ngón tay búp măng dài đẹp.
4.Gót chân no tròn.
5.Ngón tay ngón chân có màng da liền lạc.
6.Tay chân mềm mại.
7.Bắp chân như chân nai chúa.
8.Xương mắt cá chẳng lộ bày.
9.Đứng thẳng tay dài quá đầu gối.
10.Ngọc hành ẩn kín như mã vương.
11.Thân hình đầy đặn như cây Ni câu Loại.
12.Lông trên mình mướt đẹp.
13.Mỗi mỗi sợi lông đều xoay về phía mặt.
14.Thân mình màu vàng rực.
15.Thân thường có ánh sáng chiếu xa một tầm.
16.Da thứa mịn màng, bụi đất không dính.
17.Bảy chỗ hõm như: hai lòng bàn lòng tay, hai lòng bàn chân, hai vai, sau ót đều đầy đặn.
18.Phần trên của thân như thân sư tử chúa.
19.Cánh tay, khỉu tay, bả vai tròn trịa.
20.Các khớp xương đầy đặn, bằng phẳng.
21.Thân thể cân đối.
22.Bốn mươi cái răng.
23.Răng khít khao chẳng thưa hở.
24.Răng sắc trắng tinh.
25.Cằm vuông vức như cằm sư tử chúa.
26.Nước miếng ngon ngọt.
27.Tướng nhục kế trên đảnh đầu.
28.Lưỡi dài và rộng, có thể che đến chân tóc.
29.Tiếng nói trong trẻo thanh tao.
30.Mắt sắc xanh biếc.
31.Mắt tựa như mắt ngưu vương.
32.Tướng lông trắng giữa chặn mày (bạch hào).
Tám mươi vẻ đẹp:
1.Tướng Vô kiến đảnh.
2.Mũi cao nhưng chẳng lộ hai lỗ mũi.
3.Lông mày đẹp như trăng đầu tháng.
4.Vành tai dài rũ xuống.
5.Thân vững chắc như Trời Na la diên.
6.Các đốt xương giao nhau như móc câu.
7.Trông lại được phía sau.
8.Khi đi chân cách đất 4 tấc mà vẫn hiện dấu.
9.Móng tay, móng chân như sắc đồng đỏ.
10.Đầu gối vững chắc tròn đẹp.
11.Thân trong sạch.
12.Thân dịu dàng mềm mại.
13.Thân không cong vẹo.
14.Ngón tay, ngón chân tròn có màng da liền lạc.
15.Lằn chỉ trên ngón tay được che khuất.
16.Các gân mạch ẩn sâu không hiện.
17.Mắt cá không lộ bày.
18.Thân thể tươi nhuận.
19.Thân tự giữ ngang.
20.Thân đầy đặn.
21.Uy nghi toàn vẹn nghiêm túc.
22.Dáng dấp đầy đặn.
23.Khi đi đứng an ổn, không lay động.
24.Uy đức lừng lẫy.
25.Chúng sanh được gặp rất sanh ưa thích.
26.Gương mặt không dài lớn.
27.Dung mạo đoan chánh, sắc mặt chẳng nhăn.
28.Mặt đầy đặn.
29.Môi đỏ tươi, đẹp như trái tần bà.
30.Tiếng nói sâu xa.
31.Rún tròn đẹp và lún sâu vào.
32.Lông trên mình xoay về phía phải.
33.Tay chân đầy đặn.
34.Tay chân như ý.
35.Lằn chỉ trên tay sáng thẳng.
36.Lằn chỉ tay dài.
37.Lằn chỉ tay chẳng đứt quãng.
38.Những người ác tâm được gặp đều vui mừng.
39.Mặt vuông đẹp.
40.Mặt trong sáng như trăng rằm.
41.Chiều ý chúng sanh mà nói lời hoà vui.
42.Từ lỗ chân lông phát ra mùi thơm.
43.Trong miệng phát ra mùi thơm.
44.Dáng dấp oai hùng như sư tử chúa.
45.Tới lui như voi chúa.
46.Tướng đi như Nga vương.
47.Đầu tròn đẹp như quả ma dà na.
48.Diễn nói một thứ tiếng mà đầy đủ cho tất cả.
49.Bốn cái răng cấm trắng và bén.
50.Lưỡi sắc đỏ tươi.
51.Lưỡi mỏng.
52.Lông màu hồng.
53.Lông mềm mại sạch sẽ.
54.Con mắt dài rộng.
55.Hậu môn có đủ tướng.
56.Tay chân trắng đỏ như màu hoa sen.
57.Rún chẳng lộ bày.
58.Bụng thon thon.
59.Bụng chẳng lộ.
60.Thân vững vàng không nghiêng ngả.
61.Thân giữ sức nặng.
62.Thân lớn hơn người thường.
63.Thân cao hơn người thường.
64.Tay chân mềm mại, láng sạch.
65.Ánh sáng nơi thân chiếu ra bốn bên cách khoảng một tầm.
66.Đi có hào quang chiếu sáng.
67.Bình đẳng xem khắp chúng sanh.
68.Không khinh khi chúng sanh.
69.Tiếng nói tùy tâm chúng sanh, không thêm không bớt.
70.Nói pháp không vướng mắc.
71.Theo lời lẽ của chúng sanh mà thuyết pháp.
72.Phát âm đúng với các giọng, các tiếng.
73.Theo thứ tự nói pháp cho người có nhân duyên.
74.Chúng sanh xem tướng Phật không thể xiết.
75.Xem tướng Phật không nhàm chán.
76.Tóc dài đẹp đẽ.
77.Tóc không rối.
78.Tóc xoắn đẹp.
79.Tóc màu như thanh châu.
80.Tay chân biểu lộ tướng phước đức.
Đại Bồ Tát trụ bực Tịnh tâm địa rồi, nhờ năng lực của nghiệp thanh tịnh, mặc dầu được tám mươi vẻ đẹp nhưng chưa trong sáng vĩ đại, đợi khi ngồi nơi Bồ Đề đạo tràng (thành Phật), lúc ấy mới hoàn toàn trong sáng. Khi chưa được trong sáng hoàn toàn, gọi là Địa hay Hạnh Bồ Tát.
Sự trang nghiêm đạo Bồ Đề có hai tính cách:
Một là gần. Hai là xa.
Xa nghĩa là chưa được quả báo (chưa có) về 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Nếu được (đã có), gọi là gần.
Nói 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trên đây là để chúng ta gây tạo nghiệp lành.
Chúng sanh vì tạo các thứ nghiệp ác, bởi nghiệp ác mà phải chịu quả báo, do đó Như Lai nói về nghiệp lành và quả báo lành, chúng sanh nghe rồi, ngay đó phá trừ các thứ nghiệp ác.
Đây là sự thành tựu 32 tướng tốt, 80 mươi vẻ đẹp, nói về nghiệp lành và quả báo lành, chúng sanh nghe rồi, ngay đó phá trừ các thứ nghiệp ác.
Đ
ây là sự thành tựu 32 tướng:
-Bồ Tát chí tâm tu hành, gìn giữ tịnh giới cho nên được tướng lòng bàn chân bằng phẳng.
-Cúng dường cha mẹ, bực thầy, hòa thượng, người có đức độ, do nhân duyên đó được tướng: Bánh xe có 1000 cọng dưới lòng bàn chân.
-Không sanh lòng làm hại chúng sanh, không có ý tưởng cướp đoạt trộm lấy. Nếu gặp cha mẹ, hoà thượng, thầy học, người có đức độ, bèn nghênh đón từ xa, sắp đặt gường ghế, cung kính lễ lạy, phá bỏ kiêu mạn, do nhân duyên đó được tướng. Ngón tay búp măng dài đẹp.
-Đủ ba hạnh trên đây được tướng: Gót chân no tròn.
-Dùng bốn nhiếp pháp nhiếp hóa chúng sanh do nhân duyên đó được tướng: Ngón tay, ngón chân có màng da liền lạc.
-Đem dầu, sữa tốt thoa rửa cha mẹ, hòa thượng, bực thầy, người có đức độ, do nhân duyên đó được tướng: Tay chân mềm mại.
-Tu lập pháp lành không biết chán đủ, do nhân duyên đó được tướng: Bắp chân như chân nai chúa.
-Nghe pháp tâm sanh vui mừng, ưa vì người giải nói, vì pháp mà làm kẻ sai khiến. Do nhân duyên đó được tướng: Mắt cá không lộ bày.
-Ba nghiệp trong sạch, xem bệnh cho thuốc ăn uống vừa đủ, phá trừ kiêu mạn. Do nhân duyên đó được tướng: Đứng thẳng cánh tay dài quá đầu gối.
-Thấy kẻ chia lìa khéo nói lời hòa hợp, tự mình tu đức hổ thẹn và dạy người cùng tu. Do nhân đó được tướng: Ngọc hành ẩn kín như mã vương.
-Tự mình trong sạch ba nghiệp và dạy người trong sạch, nếu có chúng sanh tứ đại chẳng điều hòa, thường vì họ chữa trị, do nhân duyên đó được tướng: Thân hình đầy đặn như cây Ni câu loại.
-Nghe pháp vui mừng hay vì người diễn nói do nhân duyên đó được tướng: Lông trên mình mướt đẹp.
-Suy gẫm các ý nghĩa sâu xa các pháp, ưa tu pháp lành, cúng dường cha mẹ, hòa thường, người có đức độ, dọn dẹp gai góc, sỏi đá, vật nhơ ở chỗ tháp Phật, chùa tăng, hay trên đường xá. Do nhân duyên đó được tướng: Lông trên mình mỗi sợi đều xoay về phía phải.
-Dùng món ăn, thức uống, các đồ trang sức, bố thí cho người, tự mình bỏ lìa lòng giận. Do nhân duyên đó nên được hai tướng: Thân có màu vàng rực.Thân thường có ánh sáng chiếu ra một tầm.
-Cũng do nhân duyên này mà được tướng: Da thịt mịn màng, bụi bặm không dính.
-Thường bố thí những vật cần dùng cho chúng sanh. Do nhân duyên đó được tướng: Bảy chỗ đều đặn.
-Tự mình phá bỏ kiêu mạn, tánh tình điều độ làm đúng phép tắc, thuận theo lòng người, hay dùng pháp lành trừ điều chẳng lành . Do nhân duyên đó được tướng: Phần trên của thân như thân sư tử. Được tướng hai vai tròn trịa và các khớp xương đầy đặn bằng phẳng.
-Do nhân duyên gì được tướng thân thể nở nang?
Tức cũng do nhân duyên trên mà được tướng thân thể nở nang.
-Dẹp bỏ lời nói đôi chiều, khéo giảng hòa sự tranh chấp. do nhân duyên đó được tướng: Bốn mươi cái răng: Răng khít khao chẳng hở.
-Ở cõi Dục tu tập lòng Từ. Do nhân duyên đó được tướng: Răng sắc trắng tinh.
-Gặp người đến cầu xin liền niềm nở đưa đón. Do nhân duyên đó được tướng: Cằm vuông như cằm sư tử chúa.
-Bình đẳng xem khắp chúng sanh dường như con một. Do nhân duyên đó được tướng: Nước miếng ngon ngọt.
-Thường ban cho chúng sanh pháp vị cam lồ vô thượng, thấy người lãng quên làm cho được nhớ, tự giữ cấm giới, xoay vần dạy người. Tu tập bi tâm và thực hành lục ba la mật. Do các nhân duyên đó được tướng: Nhục kế trên đảnh và tướng lưỡi rộng dài.
-Nói lời chân thật, nói lời vui vẻ, nói đúng chánh pháp, nói lời mềm mỏng, chẳng nói trái thời. Do duyên đó được tướng: Tướng nói trong trẻo thanh tao.
-Tu tập bi tâm, xem khắp chúng sanh dường như cha mẹ. Do nhân duyên đó được hai tướng: Mắt sắc xanh biếc. Mắt tựa như mắt trâu chúa.
-Gặp người đức hạnh mở lời tán dương ca ngợi. Do nhân duyên đó được tướng: Lông trắng ở giữa chặn mày.
Tuy rằng trong 32 tướng, tướng nào nói nhân duyên tướng đó, song nhân duyên chính là sự trì giới và sức tinh tấn. Vì sao thế?
-Nếu chẳng trì giới và luôn luôn siêng tu tinh tấn, còn chẳng được làm thân người huống gì được 32 tướng tốt.
Tướng nhục kế và tướng vô kiến đảnh đồng nhau.
Lại nữa, phàm làm việc lành nào, hễ tâm quyết định không hề hối đổi. Do nhân duyên đó được tướng: Lòng bàn chân bằng phẳng.
-Nếu hết lòng gây tạo. Do nhân duyên đó được tướng: Bánh xe có ngàn cọng dưới bàn chân, tướng Màng da liền lạc nơi các ngón tay ngón chân, tướng Bảy chỗ đầy đặn không khuyết, tướng thân thể mềm dịu, tướng vai tròn trịa, tướng Các đốt xương bằng phẳng không khuyết, tướng Thân ngay thẳng và tướng Lưỡi rộng dài.
-Nếu luôn luôn thực hiện, do nhân duyên đó được tướng: Các ngón tay búp măng dài. Tướng cánh tay dài đến đầu gối. Tướng ánh sáng nơi thân chiếu ra một tầm và Tướng răng khít khao không hở.
-Nếu làm với tâm trong sạch, do nhân duyên đó được các tướng khác.
Lại nữa, nếu khởi tâm thuần thiện đối với chúng sanh, do nhân duyên đó được tướng: Tay chân mềm dịu, da thứa mịn láng, bụi bặm không dính.
-Nếu tu tập có thứ lớp, tu đúng thời tiết, do nhân duyên đó được các tướng như: Dưới bàn chân có bánh xe ngàn cọng, tướng ngón tay búp măng, tướng gót chân no tròn.
-Nếu vui tu pháp lành, tâm không hối đổi, do nhân duyên đó được tướng: Thân sắc vàng chói, tướng Thân thường có ánh sáng, tướng răng trắng tinh và tướng lông trắng giữa chặn mày.
-Nếu nghe người khen ngợi mà không sanh kiêu mạn, không che dấu pháp lành để người không hay biết. Do nhân duyên đó được tướng mã âm tàng.
-Tu tất cả thiện pháp nào cũng đều hồi hướng đạo Vô thượng Bồ Đề. Do nhân đó được tướng: Mỗi lỗ chân lông đều có một sợi lông. Tướng lông trên mình xinh đẹp. Tướng trong miệng có bốn mươi cái răng và tướng nước miếng ngon ngọt hơn tất cả các vị.
Vì siêng năng tinh tấn tu hành, do nhân duyên đó được tướng cằm vuông và tướng: Phần trên của thân như thân sư tử chúa.
-Hết lòng mến tưởng chúng sanh, xem tất cả đồng như con một. Do nhân duyên đó được tướng: Răng bằng phẳng đều đặn. Tướng mắt xanh biếc. Tướng mắt như mắt trâu chúa.
Tu tập thiện pháp không biết chán đủ. Do đó được các tướng khác.v...v..
Khi Đại Bồ Tát trụ bực Tánh hạnh, là lúc tu các nghiệp về ba mươi hai tướng.
Khi trụ bực Tịnh hạnh, tuy có ba mươi hai nhưng các tướng đó chưa đầy đủ vẹn toàn và chưa sáng sủa.
Trụ hạnh thứ mười ba, khi đó ba mươi hai tướng mới sáng sủa rõ ràng và mới đầy đủ hoàn toàn tất cả pháp Phật, dầu cho vô lượng tướng tốt của chúng sanh cũng không bằng.
Về ba mươi hai tướng hảo trên đây, có tướng bực hạ. bực trung, bực thượng, khó bề hiểu hết. Bởi vậy Phật nói về ba mươi hai tướng.
Tất cả chúng sanh có bao nhiêu phước lành giả sử cùng gom góp lại, chính thật chỉ đồng tướng một chân lông của Như Lai. Gom hết những công đức của hết thảy tướng chân lông mới thành một vẻ đẹp (trong 80 vẻ đẹp)
Tập trung những công đức của các vẻ đẹp rồi tăng lên gấp một trăm lần, mới thành một tướng. Chỉ trừ tướng lông trắng giữa chặn mày, và tướng Vô kiến đảnh. Ngoài ra, tập họp tất cả các tướng rồi nhân lên gấp 1000 lần mới thành hai tướng đó.
Gom hết những công đức về 32 tướng và tám mươi vẻ đẹp, rồi nhân lên cho đến gấp ngàn vạn ức lần mới thành tướng: Tiếng nói rỗng suốt vô tận của Như Lai (Lê âm) tiếng nói ấy vang xa đến vô lượng, vô biên thế giới của tất cả các đức Phật.
Như Lai thành tựu vô lượng, vô biên công đức như vậy, do nghĩa đó Như Lai Thế Tôn mệnh danh là đấng vô thượng. Những gì Như Lai thực hành, gọi là Hạnh vô thượng.
32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp có ba nghĩa vô lượng:
1.Trải qua ba a tăng kỳ đại kiếp tu hành vô lượng.
2.Tu tất cả hạnh là vô lượng.
3.Lợi ích chúng sanh trong khắp pháp giới là vô lượng.
Thế nên nói rằng Như Lai Thế tôn thành tựu vô lượng công đức. PHẨM THỨ BA MƯƠI
TRỤ TẤT CÁNH ĐỊA
Bốn Tịnh Hạnh của Đại Bồ Tát gồm có:
1.Thân tịnh.
2.Duyên tịnh.
3.Tâm tịnh.
4.Trí tịnh.
-Đoạn hẳn căn bản vô minh, hoàn toàn thanh tịnh, chứng Vô thượng Bồ Đề, thân được tự tại, sanh diệt tự do, mệnh danh là Thân tịnh.
-Sức thần thông tự tại như ý, gọi là Duyên tịnh.
-Tu tập thiện pháp, tâm lìa phiền não, gọi là Tâm tịnh.
-Biết tất cả pháp giới không bị chướng ngại, được sáng suốt tự tại, biết sự chi phối của các pháp, gọi là Trí tịnh.
Đại Bồ Tát do bốn pháp thanh tịnh này mà được kết quả mười bực. Mười bực ấy là:
1.Năng lực biết rõ Thị xứ phi xứ.
2.Năng lực biết rõ các nghiệp quá khứ, hiện tại vị lai.
3.Năng lực biết rõ cảnh giới các Thiền định giải thoát.
4.Năng lực biết rõ sự hơn kém, lanh chậm của các căn cơ.
5.Năng lực biết rõ chỗ tri giải của chúng sanh.
6.Năng lực biết rõ cõi chúng sanh.
7.Năng lực biết đến nơi đến chốn các đạo lý.
8.Năng lực biết rõ những đời quá khứ.
9.Năng lực thiên nhãn thấy rõ không bị chướng ngại.
10.Năng lực dứt sạch tận cùng các thứ mê lầm.
Như Lai nói ra chơn thật không hai, do đó mệnh danh là Đa Đà A già độ (Như Lai).
-Nếu nói quả lành và quả chẳng lành, nói về nhân duyên chơn thật, thể chơn thật, an trụ chơn thật, sanh ra chơn thật. Đây gọi là Thị xứ. Quả lành, quả chẳng lành. Chẳng phải nhân cho là nhân. Đây gọi là phi xứ.
Trí phá tâm kiêu mạn, gọi là trí chơn thật, là trí vô ngại, là Nhứt thiết trí, là trí thanh tịnh, trí lìa mạn v.v…vì tính theo thứ lớp cho nên gọi là Lực thứ nhứt.
Vì không còn gì cao hơn nữa gọi là Tất cả Hạnh. Vì lợi ích chúng sanh, phá dẹp các ma cho nên gọi là Lực. Vì chơn thật trang nghiêm, được sức tự tại, cho nên gọi là đầy đủ. Vì có thể phá hoại mọi sự đe dọa, cho nên gọi là Niết Bàn. Do Tám thánh đạo, cho phá các khổ gọi là vô thượng. Đúng như pháp trụ, cho nên gọi là chơn thật. Tự mình được pháp thanh tịnh, thương xót chúng sanh vì chúng sanh diễn nói, cho nên gọi là Phạm luân (đấng trong sạch). Phạm luân là Như Lai. Như Lai còn gọi là Trong mát. Sự trong mát gọi đó là Giới, Thọ trì tịnh giới, đúng như giới nói ra, gọi là Nói đúng đắn, nói thật, nói lợi ích, nói rộng rãi, nói không ngăn ngại, nói tất cả, nói rốt ráo, nói không gì hơn, nói không mê lầm, nói không thi vi, nói hiện tiền v.v…Bởi thế gọi là “Tiếng rống oai hùng của sư tử”. Nói phương tiện của năng lực thiện, nói nhân chân thật, do nhân duyên chân thật được quả chân thật. Nghĩa là quả phước trời, người và quả vị giải thoát vô thượng.
Đây gọi là năng lực Thị xứ Phi xứ.
-Nếu tạo nghiệp rồi tăng trưởng, thành ra kết quả, gọi là quá khứ. Nghiệp đã tạo rồi mà chưa chịu quả cũng gọi là quá khứ. Chưa tạo nghiệp mà muốn tạo, chưa được quả mà muốn được, gọi là vị lai. Nghiệp đã tạo rồi nhưng chưa chịu quả báo hay nghiệp chịu quả rồi diệt đi quá khứ, gọi là Hiện tại. Nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại đều có ba thứ quả: quả của thân, quả của miệng, quả của ý. Nơi ba nghiệp này, chỗ nào tạo nghiệp lành thì chỗ ấy được quả báo tốt, chỗ nào gây nghiệp ác chỗ ấy bị quả báo xấu (thị xứ). Nghiệp bất thiện và nghiệp hung ác chẳng được quả lành (phi xứ) chỉ trừ siêng tu thân giới, tâm huệ, khiến cho chịu báo địa ngục nhẹ đi trong lúc làm người (vì có sự tương tợ cho nên gọi là địa ngục). Trong lúc làm người chịu quả báo nhẹ, gọi là quả báo của người.
-Đây gọi là năng lực biết rõ các nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại (thông cả năng lực Thị xứ, phi xứ).
-Bốn cõi Thiền thiên (thuộc sắc giới), tám pháp giải thoát v.v…Những pháp như thế Phật đều tu chứng một cách tự tại. Vì có sự tự tại cho nên Như Lai luôn luôn ở trong chánh định, trong khi Như Lai thuyết pháp, trời Phạm Thiên vương và các thiên chúng khác chỉ nghe âm thanh mà không thấy hình bóng. Các thiền định thuộc Tứ thiền, Bá định như trên, những người tu tập còn có hai thứ phiền não lo âu: 1.Người chưa được định lo âu muốn được
định. 2.Người đã được rồi lo âu bị mất. Như Lai đã chấm dứt hai mối lo âu như thế, được sức tự tại, biết tất cả tâm nghĩ tưởng của tất cả chúng sanh, tuy được biết rõ nhưng không tham đắm, cũng không sanh vui thích, tu tập đầy đủ rồi muốn được liền được, được một cách vĩ đại, được một cách dễ dàng, được rồi không thoái lui.
Đây gọi là năng lực thứ ba, năng lực biết rõ Thiền định, giải thoát.
-Biết rõ năm căn (Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ), mỗi căn đều có Thượng, Trung, Hạ. Những trình độ này từ sự nghe pháp sanh ra hoặc từ sự tư duy sanh ra. Đây gọi là năng lực Biết rõ sự hơn kém, lanh chậm của các căn cơ.
-Rõ thấu sự mong muốn của hạng Thượng, Trung, Hạ. Đây gọi là năng lực hiểu biết, biết hết mọi tâm tánh như tánh Thanh Văn, tánh Duyên Giác, tánh Bồ Tát, tánh Như Lai, tánh tham dục của chúng sanh, cho đến tánh chất của tám mươi bốn ngàn phiền não v.v…Gọi là năng lực thứ năm, Năng lực biết rõ chỗ tri giải của chúng sanh.
-Biết rõ ràng: Do phiền não mà chúng sanh chịu thân trong cõi. Đây gọi là năng lực thứ sáu, Năng lực biết rõ chúng sanh.
-Biết rõ các thứ phiền não, mỗi mỗi đều có cách đối trị, biết sự lưu chuyển của các loài (hữu), mỗi mỗi đều có pháp đối trị, biết cách phá trừ các lối chấp tà xấu ác. Đây gọi là Năng lực biết đến chốn các đạo lý (lực thứ bảy).
-Biết rõ các tên họ của các loài chúng sanh trong bốn phương cho đến mười phương, biết rõ tám việc của chúng sanh trong đời quá khứ: 1.Tên tộc. 2.Sanh ra. 3.Họ hàng. 4.Sự ăn uống. 5.Nghiệp chịu khổ. 6.Tuổi thọ. 7.Ở đời. 8. Chết mất.
-Lại nữa, nhớ rõ sáu việc: 1.Tên họ. 2.Giòng giống như Sát đế lợi, Bà la môn…3.Họ hàng cha mẹ. 4.Sự ăn uống. 5.Cảnh giàu nghèo. 6.Sống lâu, chết yểu…Đây gọi là Năng lực thứ tám, năng lực biết rõ những đời quá khứ.
-Tu hành thiện nghiệp để sanh lên bốn tầng trời thuộc Sắc giới được quả tứ thiền, sự nhìn thấy rộng lớn gọi là thiên nhãn. Chứng được đầy đủ kết quả của sự thuần thiện, gọi là thanh tịnh, vì sự sáng tỏ giữa loài người loài trời chẳng đồng, cho nên nói là hơn mắt người đời. Có thứ thiên nhãn ở cõi Dục, tên tuy đồng nhưng lại không thanh tịnh, cho nên chẳng gọi là thiên nhãn.
Cái thấy biết của thiên nhãn thanh tịnh là thấy rõ sự sa đọa của chúng sanh. Biết được sự sa đọa gọi là Thiên. Lại có sự đọa lạc gọi là người chết, có cái sanh gọi là thân trung ấm, thân trung ấm có hai loại: Một là lành, hai là chẳng lành. Thân trung ấm chẳng lành hình thù như chiếc áo vá màu đen (hắc lũ hạt). Lúc ban đêm, thiên nhãn thanh tịnh mới nhìn thấy, thiên nhãn thanh tịnh nhìn thấy sắc thân trung ấm rất rõ ràng. Thân trung ấm lành, hình thù như chiếc áo đàn bà ở xứ ba la nại (ba la nại nữ y). Khi trời trăng sáng tỏ, chư thiên có mắt thanh tịnh mới thấy. Thiên nhãn thanh tịnh cũng thấy sắc thân trung ấm rõ ràng như vậy. Thân trung ấm sắc đen là hạng chúng sanh bực thấp, bực dưới. Sắc trắng là hạng chúng sanh bực trên. Do nhân duyên ác nghiệp của thân, miệng, ý gọi là chúng sanh hạng dưới. Do nhân duyên nghiệp lành thuộc thân, miệng, ý, gọi là hạng trên. Nghiệp ác, phần nhiều là những kẻ tà kiến. Tà kiến lại có hai hạng: Một là có thể sửa đổi. Hai là chẳng thể sửa đổi. Hạng bài bác nhân quả, bảo rằng không có thánh nhân giải thoát, hạng này không thể sửa đổi. Hạng thứ hai chẳng phải nhân nhận thức là nhân, chẳng phải quả chấp cho là quả, hạng này có thể cải đổi. Bởi vậy, nghiệp ác gọi là tà kiến, nghiệp lành gọi là chánh kiến. Không chê bai bốn thánh đế, tin quả báo chơn thật của nghiệp lành, nghiệp dữ, hạng nghiệp lành như vậy gọi là chánh kiến. Nhân duyên nghiệp ác, chết rồi qua chốn Địa ngục, vì chẳng vui ưa chịu quả thống khổ, gọi là Địa ngục. Phóng túng nghiệp ác, cùng một hành vi với loài có lông có cánh, quyết định đến chốn Địa ngục. Thấy rõ nhân quả cho nên làm hạng có Thiên nhãn. Do nhân duyên của nghiệp lành mà qua khỏi cái chết hung dữ, vui thích nhận thấy quả báo và thọ thân trời, người. Vì nhận thức đúng đắn cho nên sanh về đường lành, sanh đến nẻo lành cõi trời, cõi người, thấy sáng tỏ rõ ràng, gọi là Thiên nhãn. Thế nào là nẻo lành?
Đây gọi là năng lực thứ chín, Năng lực Thiên nhãn thấy rõ không bị chướng ngại.
Do nhân duyên tu giới luật nơi thân, định huệ nơi tâm, dứt tất cả mê lầm, bởi dứt mê lầm cho nên đưa đến kết quả sạch hết mê lầm (lậu hoặc). Thân giới và tâm tuệ có hai thứ: 1.Nhận ra Đạo. 2.Tu tập Đạo. Do hai đường hướng này mà tâm được giải thoát, tuệ được giải thoát, vì được tâm tuệ giải thoát mà thị hiện sức thần thông giáo hóa chúng sanh. Đây gọi là năng lực thứ mười, Năng lực sạch tận cùng tâm mê lầm.
Với mười năng lực trên đây, đại Bồ Tát biết rõ về tánh, biết rõ về phân biệt, biết tự tướng, cộng tướng, biết bất cộng tướng, biết sự bình đẳng, biết nghiệp, biết thứ lớp hơn hoặc chẳng hơn.
Đại Bồ Tát luôn luôn biết rõ bảy điều như thế.
1 Tánh của mười lực tức là tánh của năm căn. Do tuệ nhiều cho nên gọi là Trí tánh, vì vậy nói là biết Xứ chẳng phải xứ, không nói tin Xứ chẳng phải xứ. Cho đến trí biết Sạch hết các lậu hoặc cũng vậy..Biết về tánh:
2 Phân biệt có ba: Phân biệt thời gian, phân biệt Hạnh, Phân biệt Tự tướng, cộng tướng..Biết về phân biệt:
Mười Lực luôn luôn biết rõ qua các thời gian quá khứ, vị lai, hiện tại, gọi là phân biệt thời gian.
Mười lực có công năng biết tất cả sự đối trị vô lượng phiền não của vô lượng chúng sanh trong mười phương thế giới, gọi là phân biệt Hạnh.
Mười lực có công năng biết tất cả sắc tướng. Đây gọi là biết tự tướng. Biết sắc là vô thường cho đến biết tất cả pháp đều vô thường. Đây gọi là Phân biệt cộng tướng.
3.Ba sự phân biệt như trên gọi là biết về Tự tướng, cộng tướng.
4.Bất cộng tướng nghĩa là: Mười lực như trên, hàng Thanh Văn, Duyên Giác chẳng thể chung đồng.
5.Biết sự bình đẳng là: Các đức Phật trong mười phương đồng chứng thập lục, gọi là sự bình đẳng.
6.Biết nghiệp: Nghĩa là năng lực biết Thị xứ, phi xứ. Nhân biết thật là nhân, quả biết thật là quả. Như Lai biết rõ nghiệp quả của tự mình, cũng biết những gì thuộc nghiệp quả của tất cả chúng sanh. Bởi năng lực thiền định, giải thoát, Như Lai được ba sự thị hiện, có thể điều phục chúng sanh.
-Do năng lực biết rõ căn cơ hơn kém, Như Lai biết căn tánh thượng, trung, hạ của chúng sanh. Do biết căn tánh, cho nên tùy mỗi trình độ vì họ thuyết pháp.
-Do năng lực biết chỗ tri giải, Như Lai thấu rõ tánh thiện, tánh ác của tất cả chúng sanh Nhằm đối trị tánh ác, Phật nói về tánh Thiện.
-Do năng lực biết rõ chúng sanh, Như Lai thường thực hành các phương tiện thế gian, nhưng không bị thế pháp làm ô nhiễm, biết rõ thế giới, chúng sanh giới cho nên tùy căn cơ, tâm tưởng và tùy phiền não của chúng sanh, Như Lai thuyết pháp giáo hóa.
Thế nào là cách giáo hóa đầu tiên của Như Lai khiến cho chúng sanh vào trong giáo pháp của Phật?
Lúc ban sơ dạy Thanh văn, Bồ Tát, Như Lai nói như thế này:
“Hỡi kẻ Thiện nam! Người nên ưa thích sự vắng lặng, một mình ở chỗ rảnh rang. Lúc người mới sanh, cha mẹ vì người mà đặt cho tên tộc, cho nên các thầy Hoà thượng đặt cho tên tộc, ngươi hãy hết lòng quán xét: Như tên gọi của ta được cha mẹ, hoà thượng đặt ra đây, đối với sáu nhập bên trong lẫn bên ngoài, là có hay không có? Thiện nam tử! Nếu lìa sáu nhập, bên trong lẫn bên ngoài mà ngươi chẳng thấy có, thì lúc ấy ngươi sẽ được sự sáng suốt chơn thật, ngươi sẽ biết rằng: tên chỉ là cái hư giả, chẳng phải chơn thật, pháp cũng chẳng phải chơn. Danh từ và pháp đều không chơn thật, thế sao nơi đó lại sanh kiêu mạn?”
“Thiện nam tử! Đến khi đó thì ngươi nên quan sát con mắt và tên gọi con mắt. Con mắt có hai: Một là tên, hai là pháp lan rộng. Tên con mắt chẳng phải là mắt. Tướng con mắt cũng chẳng phải là mắt. Nếu có vật nào tên gọi là mắt thì vật ấy cũng không thật. Nếu thật sự có cái gọi là mắt, thì tên gọi lẽ ra cũng thật ư? Nếu là chơn thật thì khi chúng sanh mới sanh ra đời, đáng lẽ phải tự biết lấy chẳng cần dạy vẽ. Nhưng chưa từng thấy có kẻ không ai chỉ dạy mà có thể tự biết. Do đó biết rõ tên vốn không thật, vật cũng không thật, cái biết của con mắt (hoặc cái biết của các giác quan khác) cũng không thật.
“Khi khởi quán như thế sẽ dứt trừ sự tham đắm bên trong, bên ngoài bởi các giác quan (nhập) Do dứt thân tâm bên trong, bên ngoài mà dứt tất cả tướng các pháp. Vì dứt tất cả tướng các pháp, tức biết một cách chân thật về tánh các pháp. Tất cả các pháp chẳng có tánh chơn thật, không có tướng mạo.
“Thiện nam tử! Khi khởi quán như vậy, nếu muốn được Nhứt thiết trí, muốn được Đại từ, Đại Bi, muốn chứng sơ thiền cho đến Phi phi tưởng xứ, muốn được Tánh hạnh cho đến Như Lai hạnh, muốn được lục thông của Bồ Tát, cho đến muốn chứng Vô thượng Bồ Đề…Tất cả những việc đó đều có thể được.”
Đây gọi là năng lực thứ sáu của Như Lai, năng lực biết đến nơi đến chốn về pháp đối trị (Nhứt thiết chí xứ đạo trí lực). Do năng lực biết đến nơi đến chốn pháp đối trị này mà nhận thấy rõ Đạo chơn thật, đạo chẳng chơn thật. Biết rồi dùng đạo chơn thật chỉ rõ để phá bỏ đạo không chơn thật.
Do năng lực biết được việc đời trước, cho nên biết sự chịu đựng thống khổ, biết rồi chẳng thích sanh tử và phá lối chấp thường.
Do năng lực thiên nhãn không chướng ngại, Như Lai thọ ký cho người, dứt trừ chấp đoạn.
Do năng lực biết rõ sạch hết lậu hoặc, Như Lai tự biết đã được giải thoát, nên có thể phá hỏng chấp lầm của chúng sanh, những kẻ không phải Như Lai tự cho là Như Lai, chẳng phải sa môn tự nói sa môn, chẳng phải bà la môn, tự xưng bà la môn.
Khi Như Lai chứng Vô thượng Bồ Đề, mười lực trên đây cùng chứng được trong một lúc.
7.Làm thế nào nói cho có thứ lớp?
Khi Như Lai chứng Vô thượng Bồ Đề rồi, trước hết là xem xét nhân quả, vì thế, Lực thứ nhứt gọi là Thị xứ phi xứ.
Nhân quả như thế cái gì tạo ra? Cái gì chịu lấy? Đây là Lực biết nghiệp quả, hiện, vị lai. (lực thứ hai).
Biết chúng sanh phá trừ nghiệp chướng là do tu tập thiền định (lực thứ ba).
Để biết các chúng sanh, người nào có thể tu, người nào không thể tu, do đó quán sát các căn cơ (lực thứ tư).
Căn cơ có thượng, trung, hạ, gọi là chúng sanh tánh. Đến đây gọi là Lực thứ năm (Biết chỗ tri giải).
Vì biết tánh cho nên biết là tâm trong sạch hay chẳng trong sạch. Như thế gọi là Lực biết chúng sanh giới (Lực thứ sáu).
Muốn biết nhân của tâm tịnh hay tâm bất tịnh, cho nên xét về sự đến nơi đến chốn, đối trị các đạo (Lực thứ bảy).
Biết được các lối chấp thường, chấp đoạn. Đây gọi là năng lực túc mạng (thứ tám), năng lực thiên nhãn (thứ chín).
Biết rõ hai chấp đã dứt trừ, các mê lầm sạch hẳn. Đây gọi là năng lực Lậu tận trí (lực thứ mười). Như vậy gọi là Biết có thứ lớp.
L Khi Như Lai chứng Vô thượng Bồ Đề, đầu tiên quán xét phải trái của các đạo lý (thị xứ, phi xứ). Kế đó xét rõ về nghiệp thế gian. Vì phá bậc thế gian cho nên quán về Thiền giải thoát và quán sát chúng sanh có thể hay không thể tu tập đạo quả. Kế nữa dùng thiên nhãn xem xét căn cơ chúng sanh có thể hay không thể tu tập đạo quả. Kế nữa dùng thiên nhãn xem xét căn cơ chúng sanh lanh hay chậm. Ngoài ra như trên đã nói.ại nữa, có thứ lớp nghĩa là:
Lại nữa, khi Như Lai chứng Vô thượng Bồ Đề rồi, quán về 12 nhân duyên. Đây là Thị xứ Phi xứ.
Mười hai nhân duyên do đâu phát xuất? Vì vậy quán về nghiệp. Các nghiệp của chúng sanh, hoặc có thọ báo hoặc không thọ báo.
Thiên nhãn xem xét những gì? -Vì chúng sanh mà quán pháp giới. Đây gọi là năng lực biết chỗ tri giải.
Pháp giới và thế giới vốn không sai khác. Muốn biết sự khó điều phục hay dễ điều phục, vì vậy mà biết về túc mạng.
Để biết những kẻ nghe dạy và kẻ không nghe dạy, do đó biết về căn cơ lợi độn.
Biết rồi nói ra Tám Thánh đạo, gọi là Lực Chí xứ đạo.
Biết rõ sự đoạn phiền não của bực có Đạo lực, gọi là năng lực sạch hết mê lầm (lậu hoặc).
-Năng lực biết rõ Xứ phi xứ và năng lực biết rõ nghiệp báo ba đời, giữa hai lực có gì sai khác?
-Nghiệp lành, nghiệp dữ đều thấu rõ. Quả lành, quả dữ đều biết rõ. Đây gọi là Thị xứ, phi xứ.
-Gây tạo quyết định chịu quả, chẳng tạo chẳng chịu quả báo. Đây gọi là năng lực biết rõ nghiệp báo ba đời.
Vì muốn điều phục nghiệp bất thiện mà tu tập thiền định. Sự điều phục có hai: Một là kẻ tin Hai là kẻ không tin. Do đó quán xét cội gốc của lòng tin cũng có hai: Một là tin Tam Bảo. Hai là tin Trời Ma Hê thủ la. Điều phục các hạng như trên gọi là Tri giải thoát lực.
Căn cứ có thượng, trung, hạ, gọi là Tri chúng sanh giới lực.
Biết thế giới, chúng sanh giới rồi nói về đạo thế gian, đạo Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật đạo, gọi là Chí xứ đạo lực.
Thấy rõ nhân lành, nhân dữ, nghiệp nặng, nghiệp nhẹ của chúng sanh, gọi là Tri túc mạng lực.
Biết như vậy rồi dứt trừ chấp thường, chấp đoạn, gọi là năng lực thiên nhãn.
Thấy rõ đạo chơn thật, các mê lầm đã sạch hết. Đây mệnh danh là Lậu tận trí lực.
Tánh của mười lực đều là tánh sáng suốt của tuệ giác không gì sai khác. Vì cảnh giới để duyên có khác, cho nên cách thuyết minh có khác vậy thôi.
Bốn Vô sở Úy, như nhiều chỗ thường nói. Như Lai vì chúng sanh nói pháp có bốn sự:
1.Pháp giải thoát của Phật, Thanh Văn chẳng chung.
2.Pháp giải thoát của Phật, Thanh Văn nói chung.
3.Sự giải thoát khổ của chúng sanh.
4.Vì chúng sanh nói pháp đối trị dứt khổ để được giải thoát.
Thanh văn chẳng chung là như thế nào?
-Như Lai biết rằng, nếu nói các vị Thanh Văn về pháp giác ngộ mà Phật đã có, các vị này chẳng rõ biết được.
Ta chẳng thấy có một sa môn, bà la môn hay ma vương, Phạm vương nào đúng như thật bảo rằng Như Lai chẳng rõ, chẳng biết. Vì không thấy ai nói như thế, cho nên Như Lai chẳng e sợ.
Như Lai đã sạch cùng tất cả mê lầm. Nếu nói rằng chưa sạch hết, thì sao không thấy sa môn, bà la môn, ma vương hay Phạm vương nào đúng như thật nói rằng Phật chẳng sạch hết mê lầm. Vì chẳng thấy, cho nên Như Lai chẳng e sợ.
Như Lai đã chứng Vô thượng Bồ Đề. Nếu nói đạo này chẳng rốt ráo, Như Lai cũng chẳng thấy có sa môn, bà la môn, Ma vương hay Phạm vương nào đúng như thật nói rằng Như Lai chưa chứng đạo, hoặc nói rằng đạo này chẳng phải rốt ráo. Vì chẳng thấy cho nên ta chẳng e sợ.
Khi Như Lai nói về sự chướng đạo hay không chướng đạo, ta cũng chẳng thấy có sa môn, bà la môn, ma vương hay Phạm vương nào đúng như thật nói rằng ta nói chướng đạo là không phải chướng đạo. Bởi chẳng thấy cho nên ta chẳng e sợ.
Những gì về đạo mà Phật nói ra, đều vì các vị Bồ Tát và chư Thanh Văn. Sau khi Phật Niết bàn lúc kiết tập kinh điển, trong Tạng Thanh văn bỏ ra tên các Bồ Tát, trong tạng Bồ Tát để tên các vị Bồ Tát. Do đó, bộ loại các kinh Phương đẳng, gọi là Bồ Tát tạng. Đây gọi là chẳng chung.
Lại nữa, chẳng chung với Thanh Văn là ba niệm xứ của Như Lai.
Như Lai thuyết pháp, có người hết lòng nghe nhận, tâm được vui mừng, cảm thọ an lạc, sống đúng như pháp, chẳng trái lời Phật dạy…Với việc như thế Phật chẳng lấy làm mừng, vẫn tu tập tâm Xả, không mất chánh niệm, cũng không buông lung.
Như Lai thuyết pháp, hoặc có người đã không tin nhận, còn trái nghịch lời dạy của Như Lai. Với việc như thế Phật cũng chẳng giận, chẳng chút buồn rầu, mà vẫn tu tập tâm xả, không mất chánh niệm, cũng không buông lung.
Như Lai thuyết pháp, cùng một lúc có người chịu nghe, có người chẳng chịu nghe. Với hai hạng trên, Phật cũng chẳng vui buồn, vẫn tu tập tâm xả, không mất chánh niệm, cũng không buông lung.
Như thế gọi là Ba niệm xứ.
Lại nữa, chẳng chung với Thanh Văn là luận về ba Bất hộ của Như Lai là: Thân, Miệng và Mệnh.
A la hán, có người vì nghiệp vô ký khởi lên, cho nên không giữ chánh niệm. Nghiệp vô ký là tội đột kiết la (ác tác). Như Lai đã chấm dứt hoàn toàn nghiệp vô ký. Vì sao thế? -Vì luôn luôn tu chánh niệm, cho nên Như Lai tùy tâm mà phát ngôn, như quở trách đệ tử quyến thuộc chẳng hạn. Dầu Phật có nói lời thô xua đuổi kẻ xấu, tâm cũng không sợ nạn. Tại sao vậy? -Vì thân, khẩu và mệnh của Phật đều thanh tịnh hoàn toàn.
Lại nữa, chẳng chung với Thanh Văn là tâm Đại bi như trước đã nói:
Như Lai làm việc gì? Làm nơi nào? Nhân duyên gì làm? Làm bằng cách nào? Khi nào làm? v.v…Những việc như thế Phật đều luôn luôn biết đúng sự thật. Đây gọi là Tâm ghi nhớ chẳng quên ( thường bất vong thất).
Như Lai biết những việc gì?
-Biết tất cả Hạnh.
Làm ở nơi nào?
-Tất cả thế giới.
Vì nhân duyên gì làm?
-Vì điều phục chúng sanh.
Làm bằng cách nào?
-Những phương tiện hay khéo.
Khi nào làm?
-Trong tất cả thế gian.
Bởi luôn luôn tu tâm chánh niệm, cho nên Như Lai Thế Tôn hoặc cử động, hoặc nhìn ngó, hoặc nói năng, hoặc đi, hoặc đứng, hoặc làm bất cứ việc gì, trong tất cả thời gian ấy, hoàn toàn không một mảy may tập quán phiền não phát khởi. Thế nên nói rằng Như Lai dứt hẳn tập khí phiền não.
Bậc A la Hán v.v…không thể như vậy, do đó Như Lai chẳng cùng chung với Thanh Văn. Đây gọi là trí đoạn tập nhân phiền não.
Như Lai giác ngộ các pháp hữu vi, biết rõ về ba nhóm: Một là nghĩa lợi ích. Hai là nghĩa chẳng phải lợi ích. Ba là nghĩa chẳng phải lợi ích chẳng phải không lợi ích. Như Lai biết rõ ràng, Như Lai được Nhứt thiết chủng trí.
Một trăm bốn mươi pháp bất cộng như trên, hàng Thanh Văn và Bích chi Phật chẳng thể chung đồng, vì vậy mà gọi rằng: Thanh Văn bất cộng pháp (phápThanh Văn chẳng chung).
Khi còn trụ Bồ Tát Hạnh, được 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, nhưng không được tươi sáng. Đến khi ngồi nơi Bồ Đề đạo tràng, không thầy mà tu tập 37 phẩm trợ đạo (chứng quả vô thượng) Khi đó các tướng hảo mới sáng tươi xinh đẹp.
Đại Bồ Tát Địa tận (Đẳng giác), sau khi chứng Kim cang tam muội rồi, niệm thứ hai là được mười lực, được tất cả Phật pháp, cho đến tất cả tịnh trí. Vì được tất cả cho nên gọi là Nhứt thiết chủng trí, Vô ngại trí, Vô chướng trí, Tịnh trí, Tịch tịnh trí, Cụ túc trí. Đến đây gọi là Tất Cánh địa.
Khi còn ở Bồ Tát hạnh (Đệ thập Pháp Vân địa), Đại Bồ Tát nhìn thấy Pháp thân Phật, như cái nhìn xuyên qua lớp lụa mỏng. Như Lai Thế tôn không có điều đó, cho nên gọi là Pháp thân Thanh Tịnh.
Bồ Tát ở bậc Địa tận đối với sự nhìn thấy Pháp thân Phật, như từ xa nhìn thấy màu sắc, Chư Phật thấy pháp thân như ở gần nhìn rõ màu sắc.
Bồ Tát Địa tận đối với sự nhìn thấy Pháp thân Phật, như từ chỗ tối mà nhìn thấy sắc. Chư Phật thấy Pháp thân như giữa ban ngày nhìn thấy màu sắc. Bồ Tát Địa tận như lúc chưa ra khỏi thai, chư Phật Thế Tôn như đã ra khỏi thai.
Bồ Tát Địa tận thấy pháp thân Phật như người còn trong mộng. Các đức Như Lai như người đã thức giấc, thấy rõ muôn vật.
Bồ Tát Địa tận như ngọn đèn chẳng sáng. Chư Phật Thế Tôn như những ngọn đèn sáng rực.
Đại Bồ Tát chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi, làm Phật sự ở nơi thế giới của tất cả chư Phật. Sự thi tác Phật sự này có chín cách. Mỗi mỗi Phật sự có thể làm lợi ích rất nhiều cho vô lượng chúng sanh. Chín cách đó là:
1.Tự làm công việc của bực Đại trượng phu và có thể làm cho chúng sanh tin tưởng sự việc của bậc Đại trượng phu.
2.Dùng 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trang nghiêm tự thân, làm lợi ích chúng sanh bằng cách phá trừ lưới nghi của chúng.
3.Như Lai đầy đủ mười lực. Vì đủ mười lực nên có thể lợi lạc vô lượng chúng sanh. Nếu có ai hỏi về Lực, Phật liền khéo léo giải thích, phá trừ tâm nghi của kẻ đó, và điều phục chúng sanh lìa bỏ chấp tà.
4.Như Lai với bốn Vô sở úy, làm cho người tin tưởng Tam Bảo, điều phục chúng sanh, phá bỏ chấp tà và làm tiếng rống oai hùng của đại sư tử.
5.Sự đầy đủ ba niệm xứ của Như Lai, theo chỗ nói mà làm, như chỗ làm mà nói, phá các thứ phiền não. Chứa nuôi đệ tử và dạy dỗ chúng sanh.
6.Sự đầy đủ ba món Bất hộ của Như Lai làm lợi ích chúng sanh, ngày đêm thường vận dụng Phật nhãn xem xét khắp các chúng sanh.
7.Sự đầy đủ tâm Đại bi của Như Lai nhờ tu Nhẫn nhục ba la mật, làm cho chúng sanh lìa các sự khổ, ban cho chúng sanh những sự an vui.
8.Sự đầy đủ tâm không lầm lẫn, không mất chánh niệm của Như Lai, không thấy mà vẫn đúng pháp thực hành, đúng pháp an trú, làm lợi ích chúng sanh khiến họ được điều phục và phá bỏ tâm buông lung của chúng sanh.
9.Sự đoạn hẳn tất cả vô minh phiền não, với nhứt thiết chủng trí, Như Lai rõ biết Pháp đúng như nghĩa, lìa pháp chẳng phải nghĩa, chẳng phải phi nghĩa v.v…
Nói tóm lại, Như Lai đầy đủ một trăm bốn mươi pháp Bất cộng và chín việc như thế, luôn luôn làm Phật sự, vì vậy gọi là Như Lai Hạnh, Như Lai địa hay gọi là Tất cánh địa của Như Lai.
Tại sao thế?
-Vì Hạnh Như Lai, Địa Như Lai Tất cánh địa của Như Lai vốn từ vô lượng na-do-tha đại kiếp thọ giới Bồ Tát, siêng năng dạy dỗ vô lượng, bô biên chúng sanh cũng trụ Tất cánh địa (đồng với Như Lai).
Tất cả Phật pháp của Như Lai đều vì chúng sanh, chẳng tự vì mình. Pháp của Thanh Văn, Duyên Giác chỉ tự lợi mình, lợi người rất ít. Do đó pháp của Nhị thừa chẳng cùng với Như Lai. Phật pháp vô thượng trọn không giống như Phật pháp của Thanh Văn, Duyên Giác.
Đấng Đại Bi chẳng thể lầm lẫn về sự đoạn hẳn tất cả tập khí vô minh phiền não. Với Nhứt thiết chủng trí, ngũ trí tam muội, Như Lai đầy đủ tất cả các pháp bất cộng. Do đây gọi là Đấng Vô thượng.
Kinh này diễn nói về giới cấm của Bồ Tát, nói về đạo Bồ Tát và nói về quả đức của Bồ Tát giới.
Tất cả Hạnh của Bồ Tát. Tất cả Giới, Hạnh, Quả của Bồ Tát mệnh danh là Bồ tát địa, gọi là Bồ Tát tạng, gọi là Bồ Tát luận.
Kinh này nhiếp tất cả kinh điển Đại thừa, là kinh điển của trí vô ngại.
Nếu chư Thiên hay loài người, hoặc sa môn hay bà la môn tin tưởng kinh điển này, rồi thọ trì đọc tụng, nghe giảng, biên chép, nói rộng cho người, theo ý nghĩa của kinh mà tu tập, hoặc cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen người trì kinh này, hay là dâng cúng dầu đèn, hương hoa, âm nhạc v.v… Được như thế, người này luôn luôn được các đức Phật trong mười phương che chở, ủng hộ và nhắc đến tánh danh, người ấy được sự chứa nhóm vô lượng phước đức.
Tại sao vậy?
-Vì làm nhân duyên cho giới Bồ Tát là làm nhân duyên cho sự chứng ngộ Vô thượng Bồ Đề.
Nhờ Thọ trì, đọc tụng, biên chép giải nói giới Bồ Tát mà chánh pháp Như Lai trụ lâu nơi đời, không bị phá diệt, các Tỳ kheo xấu ác sẽ lần lần giảm đi.
Nếu không có giới Bồ Tát, các Tỳ kheo xấu sẽ dần dần lẫy lừng thanh thế và chánh pháp Như Lai chẳng bao lâu sẽ bị phá diệt.
Lúc bấy giờ ngài Ưu Ba Ly bạch hỏi đức Phật:
-Kính bạch Đức Thế Tôn! Kinh này tên gọi là gì?
Phật dạy:
-Ưu Ba Ly! Kinh này gọi là Thiện giới, gọi là Bồ Tát Địa, gọi là Luật Bồ Tát, gọi là Luận Bồ Tát, gọi là Như Lai Tạng, gọi là Căn bản của Tất Cả Thiện Pháp, gọi là Nhân của sự An lạc, gọi là Sự Chứa Nhóm các Hạnh Ba la Mật.
Khi ngài Ưu Ba Ly nghe đức Phật dạy xong, vui mừng đảnh lễ lạy, nhiễu quanh đức Phật và lui trở về. HẾT QUYỂN CHÍN
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.137.13 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.