Khi ấy, bọn sáu thầy ngoại đạo sanh lòng ganh ghét, cùng họp nhau đến tâu lên vua Ba-tư-nặc rằng: ‘Đại vương nên biết rằng, đất đai của đại vương là trong sạch an ổn, vắng vẻ yên tĩnh, đúng là chỗ mà hàng xuất gia an trụ. Chúng tôi vì vậy mới đến đây. Đại vương dùng chánh pháp mà cai trị, nên trừ hại cho dân. Sa-môn Cồ-đàm là người tuổi nhỏ, sức học cạn cợt, đạo thuật không có. Ở nước này từ trước đã có những bậc kỳ cựu đầy đủ đức hạnh. Cồ-đàm ỷ mình thuộc dòng vua, chẳng sanh lòng cung kính những bậc kỳ cựu ấy. Nếu là dòng vua, theo phép lẽ ra phải lo việc trị dân; còn nếu đã xuất gia, lẽ ra phải kính trọng người có đủ đức hạnh.
“Đại vương hãy nghe cho kỹ đây! Sa-môn Cồ-đàm thật chẳng phải sanh trong dòng vua. Nếu Sa-môn Cồ-đàm có cha mẹ, vì sao lại đi cướp đoạt cha mẹ của người khác?
“Đại vương! Trong kinh của chúng tôi có nói rằng: ‘Qua một ngàn năm sẽ có một yêu tinh dáng vẻ tốt đẹp, dùng phép huyễn hóa hiện ra mọi vật.’ Chính là nói Sa-môn Cồ-đàm đó!
“Nên phải biết rằng, Sa-môn Cồ-đàm không có cha mẹ. Nếu có cha mẹ, sao lại dạy rằng: ‘Các pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã, không có kẻ tạo tác, không có người thọ nhận?’ Ông ấy dùng huyễn thuật mà dối gạt chúng sanh, những kẻ ngu si mới tin nhận, người có trí đều lìa bỏ.
“Đại vương! Người làm vua là cha mẹ của thiên hạ, như đòn cân, như mặt đất, như gió, như lửa, như đường sá, như con sông, như cây cầu, như ngọn đèn, như mặt trời, mặt trăng... phải theo đúng pháp mà xử việc, không phân biệt kẻ oán, người thân. Sa-môn Cồ-đàm không để cho chúng tôi được sống, chúng tôi đi đâu cũng bị người xua đuổi chẳng thôi! Xin đại vương cho phép chúng tôi với Cồ-đàm so nhau đạo lực. Nếu ông ấy thắng được chúng tôi, chúng tôi sẽ chịu phụ thuộc ông ấy; còn nếu chúng tôi thắng, ông ấy phải phụ thuộc chúng tôi.’
“Vua nói: ‘Đại đức! Các vị mỗi bên đều có chỗ an trụ, tu hành truyền pháp cũng không giống như nhau. Nay trẫm biết chắc rằng đức Như Lai Thế Tôn đối với các ông không có sự ngăn trở.’
“Bọn sáu thầy đáp: ‘Sao lại không ngăn trở? Sa-môn Cồ-đàm dùng pháp huyễn thuật lừa dối dụ dỗ mọi người và hàng bà-la-môn, khiến họ đã quy phục hết cả rồi. Nếu vua cho phép chúng tôi với người ấy so nhau đạo lực thì danh thơm của vua truyền khắp tám phương; nếu vua không chấp thuận thì tiếng xấu ngập đường.’
“Vua nói: ‘Đại đức! Các ông còn chưa biết rằng đạo lực, oai thần của Như Lai cao vút, nên mới đòi so sánh. Nếu các ông biết rõ được, ắt phải sợ mình không đủ sức.’
“Bọn sáu thầy ngoại đạo nói: ‘Đại vương! Hay là ngài đã thọ nhận pháp hư huyễn của Cồ-đàm rồi? Xin đại vương hãy lưu ý nghe và suy xét, đừng xem thường việc chúng tôi nêu ra là không đúng thật, chi bằng cứ thử xem để biết [thế nào] là đúng thật.’
“Vua liền đồng ý, nói: ‘Được lắm, được lắm, [hãy cứ làm như vậy]!’
“Cả bọn sáu thầy ngoại đạo lấy làm vui vẻ, ra về.
“Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc truyền chuẩn bị xa giá nghiêm trang, đi đến chỗ Phật, cung kính lễ bái, đầu mặt cúi sát chân Như Lai, rồi đi quanh ba vòng cung kính, lui lại ngồi một bên, bạch Phật: “Thế Tôn! Sáu thầy ngoại đạo vừa đến chỗ con thỉnh cầu việc so sánh đạo lực với ngài. Con không lượng định được sự việc, đã mạn phép đồng ý với họ rồi.’
“Phật dạy: ‘Đại vương! Lành thay, lành thay! Giờ chỉ nên lo việc xây dựng thêm chỗ ở cho chúng tăng ở khắp nơi trong nước này. Vì sao vậy? Nếu ta với họ so nhau về thần lực thì trong đồ chúng của họ sẽ có nhiều người thọ nhận sự giáo hóa [của ta]. Chốn này nhỏ hẹp, làm sao có thể dung chứa hết?’
“Thiện nam tử! Khi ấy ta vì bọn sáu thầy ngoại đạo mà thị hiện những thần thông biến hóa lớn lao chưa từng thấy, suốt từ ngày mồng một cho đến ngày rằm. Trong quãng thời gian ấy, có vô lượng chúng sanh phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; vô lượng chúng sanh đối với Tam bảo phát khởi lòng tin chẳng còn nghi ngờ, vô lượng đồ chúng của sáu thầy ngoại đạo đều lìa bỏ tâm tà kiến, xuất gia theo Chánh pháp; vô lượng chúng sanh đạt được tâm không thối chuyển đối với quả vị Bồ-đề; vô lượng chúng sanh đạt được pháp Đà-la-ni, các môn Tam-muội; vô lượng chúng sanh chứng đắc từ quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán.
“Bấy giờ, bọn sáu thầy ngoại đạo lấy làm hổ thẹn trong lòng, liền kéo nhau đến thành Bà-chỉ-đa, dạy cho nhân dân ở đó tin nhận theo tà pháp, bảo họ rằng: ‘Sa-môn Cồ-đàm chỉ dạy có một việc “không” mà thôi!’
“Thiện nam tử! Khi ấy, ta vì mẹ mà hiện lên cõi trời Đao-lợi, an cư thuyết pháp dưới cội cây Ba-lợi-chất-đa.
“Trong khi đó, bọn sáu thầy ngoại đạo rất vui mừng, bảo nhau rằng: ‘Hay thay! Nay nhà huyễn thuật Cồ-đàm đã đi mất rồi!’ Họ lại truyền dạy [những điều làm] cho vô lượng vô số chúng sanh tăng trưởng tà kiến.
“Bấy giờ, vua Tần-bà-sa-la, vua Ba-tư-nặc cùng với Bốn bộ chúng liền bạch với Mục-kiền-liên rằng: ‘Đại đức! Cõi Diêm-phù-đề này tà kiến tăng trưởng, chúng sanh thật đáng thương, đi vào nơi hết sức tối tăm, u ám! Thỉnh cầu đại đức lên cõi trời kia, đảnh lễ đức Thế Tôn, chuyển bạch những lời của chúng tôi như thế này: Như nghé con vừa sanh ra chưa bao lâu, nếu không có sữa bú thì chắc chắn phải chết. Chúng sanh cõi này cũng giống như vậy! Cầu xin Như Lai thương xót chúng sanh, trở lại trụ nơi đây!’
“Lúc đó, Mục-kiền-liên lặng thinh nhận lời. Rồi chỉ trong khoảng thời gian như người đại lực sĩ co duỗi cánh tay, ngài lên đến cảnh trời Đao-lợi, đến chỗ Thế Tôn bạch rằng: ‘Bốn chúng trong cõi Diêm-phù-đề thảy đều khát ngưỡng Như Lai, mong được gặp Phật, nghe Pháp. Vua Tần-bà-sa-la, vua Ba-tư-nặc cùng với Bốn chúng đều dập đầu dưới chân Phật thưa rằng: Chúng sanh trong cõi Diêm-phù-đề này tà kiến tăng trưởng, đi vào chỗ hết sức tối tăm u ám, thật đáng thương thay! Như nghé con vừa sanh ra chưa bao lâu, nếu không có sữa chắc chắn sẽ chết. Chúng con cũng vậy, nguyện cầu Như Lai vì chúng sanh mà quay trở lại cõi Diêm-phù-đề!’
“Phật bảo Mục-kiền-liên: ‘Nay ông hãy gấp rút trở về cõi Diêm-phù-đề, bảo với các vị quốc vương và Bốn bộ chúng rằng, sau bảy ngày nữa, Như Lai sẽ trở xuống. Ta sẽ vì [việc khuất phục] bọn sáu thầy ngoại đạo mà đến tại thành Bà-chỉ-đa.’
“Qua bảy ngày sau, đức Phật cùng với Đế-thích, Phạm thiên, Ma thiên, vô lượng chư thiên [cõi trời Đao-lợi] và chư thiên cõi trời Tịnh Cư; tất cả chư thiên như vậy cùng với mọi người đều vây quanh Như Lai, cùng đi đến thành Bà-chỉ-đa. Như Lai phát ra tiếng [giảng pháp rền vang như tiếng] sư tử rống, dạy rằng: ‘Chỉ trong Chánh pháp của ta mới thật có hàng sa-môn và bà-la-môn. Tất cả các pháp đều là vô thường, vô ngã; Niết-bàn là vắng lặng an tĩnh, lìa khỏi mọi sự lỗi lầm xấu ác. Nếu nói rằng trong pháp khác cũng có sa-môn và bà-la-môn, có thường, có ngã, có Niết-bàn, đó là lời nói hoàn toàn vô lý.’
“Khi ấy, có vô lượng vô biên chúng sanh [nghe được lời ấy liền] phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Bấy giờ, bọn sáu thầy ngoại đạo lại bảo nhau rằng: ‘Nếu trong pháp của chúng ta thật không có sa-môn, bà-la-môn, vì sao lại được thế gian cúng dường?’ Nói vậy rồi, bọn họ lại tụ họp nhau cùng đi đến thành Tỳ-xá-ly.
“Thiện nam tử! Sau một thời gian, ta cũng đến thành Tỳ-xá-ly, nơi khu rừng Am-la. Khi ấy, nàng Am-la biết ta đang ở đó nên muốn tìm đến. Vào lúc đó ta dạy chư tỳ-kheo rằng: ‘Nên quán [bốn] niệm xứ [là thân, thọ, tâm, pháp], khéo tu trí tuệ; tùy chỗ tu tập, đừng để tâm buông thả, lười nhác.’
“Sao gọi là quán [bốn] niệm xứ? Nếu tỳ-kheo nào quán sát trong thân chẳng thấy có gì là ‘ta’ và ‘vật của ta’, quán sát bên ngoài thân và khắp trong, ngoài thân cũng chẳng thấy có gì là ‘ta’ và ‘vật của ta’. Đối với các cảm thọ, với tâm, với các pháp cũng đều quán sát như vậy. Đó gọi là [quán bốn] niệm xứ.
“Sao gọi là tu tập trí tuệ? Nếu tỳ-kheo nào thấy biết chân thật về khổ, tập, diệt, đạo, đó gọi là tỳ-kheo tu tập trí tuệ.
“Sao gọi là tâm không buông thả, lười nhác? Nếu tỳ-kheo nào niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm xả, niệm thiên, đó gọi là tỳ-kheo tâm không buông thả, lười nhác.’
“Khi ấy, nàng Am-la đi đến chỗ ta, cúi đầu và mặt làm lễ sát chân ta, đi quanh ba vòng tỏ lòng cung kính, rồi lui lại ngồi sang một bên.
“Thiện nam tử! Lúc đó ta vì nàng Am-la mà thuyết pháp thích hợp. Nghe xong, nàng ấy phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Bấy giờ, trong thành ấy có đến năm trăm người thuộc họ Lê-xa cùng đi đến chỗ ta, cúi đầu và mặt làm lễ sát chân ta, đi quanh ba vòng tỏ lòng cung kính, rồi lui lại ngồi sang một bên. Lúc đó ta lại vì những người họ Lê-xa mà thuyết pháp thích hợp với họ rằng: ‘Các thiện nam tử! Nếu ai buông thả, lười nhác thì phải chịu năm loại quả báo. Những gì là năm? Một là về tài lợi không được đầy đủ như ý, hai là tiếng xấu lan truyền đâu đâu cũng biết, ba là không ưa thích bố thí rộng rãi cho người nghèo khốn, bốn là không ưa thích gặp gỡ Bốn chúng, năm là không được sinh làm chư thiên cõi trời.
“Các thiện nam tử! Do việc không buông thả, lười nhác mà có thể sanh ra các pháp thế gian cùng pháp xuất thế gian. Nếu ai muốn đạt được quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cần phải siêng năng tu tập pháp không buông thả, không lười nhác.
“Người buông thả, lười nhác lại có mười ba loại quả báo. Những gì là mười ba? Một là việc làm đều vì [các pháp] thế gian, hai là ưa thích nói ra những lời vô ích, ba là thường thích nằm lâu mê ngủ, bốn là ưa thích nói việc thế gian, năm là thường ưa thích gần gũi bạn xấu, sáu là thường ưa biếng nhác chậm trễ, bảy là thường bị người khác khinh chê, tám là có những việc được nghe lại thường quên mất, chín là ưa thích ở nơi xa xôi hẻo lánh, mười là không thể điều phục các căn, mười một là ăn uống không biết vừa đủ, mười hai là không ưa thích sự vắng lặng, an tĩnh, mười ba là chỗ thấy biết không chân chánh. Đó là mười ba loại quả báo.
“Thiện nam tử! Nếu là người buông thả, lười nhác, tuy có được gần Phật và đệ tử Phật nhưng cũng giống như ở xa!’
“Những người họ Lê-xa bạch rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Chúng con tự biết mình là những người buông thả, lười nhác. Vì sao vậy? Nếu chúng con không phải người buông thả, lười nhác thì đấng Pháp vương Như Lai hẳn đã ra đời nơi đất nước của chúng con!’
“Khi ấy, trong pháp hội có một bà-la-môn tên là Vô Thắng, nói với những người họ Lê-xa rằng: ‘Lành thay, lành thay! Đúng như lời các ông vừa nói. Vua Tần-bà-sa-la đã được lợi ích lớn, Như Lai Thế Tôn xuất hiện nơi đất nước của vua ấy, cũng như trong ao lớn sanh ra hoa sen mầu nhiệm, tuy sanh trong nước nhưng không bị [bùn] nước làm hoen ố.
“Các vị Lê-xa! Đức Phật cũng vậy, tuy ngài sanh ra ở nước kia, nhưng chẳng bị pháp thế gian làm ngăn ngại, trì trệ. Chư Phật Thế Tôn thật không có sự xuất nhập, nhưng vì chúng sanh nên xuất hiện ở đời, không bị pháp thế gian làm ngăn ngại, trì trệ.
“Chỉ vì các ông tự mình mê muội, đắm say trong năm dục, không biết gần gũi, tìm đến chỗ Như Lai, cho nên gọi là người buông thả, lười nhác. Không phải vì Phật xuất hiện ở nước Ma-già-đà [của vua Tần-bà-sa-la] mà các ông mang tiếng là buông thả, lười nhác. Vì sao vậy? Đức Như Lai Thế Tôn như mặt trời mặt trăng, không phải chỉ vì một người, hai người mà xuất hiện ở đời.”
“Bấy giờ, nghe được lời ấy rồi, những người họ Lê-xa liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, lại ngợi khen rằng: ‘Lành thay, lành thay! Chàng Vô Thắng này có thể sảng khoái nói ra những lời nhiệm mầu sâu xa như thế!’
“Lúc đó, những người họ Lê-xa đều cởi áo đang mặc trên người mà cúng dường Vô Thắng. Vô Thắng nhận áo rồi mang dâng tất cả cho ta, thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Con đã nhận được số áo này từ những người họ Lê-xa, xin nguyện đức Như Lai thương xót chúng sanh mà thọ nhận sự hiến cúng của con.’
“Khi ấy, ta vì lòng thương Vô Thắng nên thọ nhận. Những người họ Lê-xa liền cùng nhau chắp tay bạch rằng: ‘Xin nguyện đức Như Lai an cư một thời gian nơi đây, thọ nhận sự cúng dường nhỏ nhoi của chúng con.’ Ta im lặng chấp nhận lời thỉnh cầu ấy.
Bọn sáu thầy ngoại đạo nghe biết việc ấy, liền cùng nhau dẫn dắt đồ chúng đi sang thành Ba-la-nại.
“Bấy giờ, ta lại sang thành Ba-la-nại, ở nơi bờ sông Ba-la. Khi ấy, ở Ba-la-nại có một chàng con nhà trưởng giả tên là Bảo Xưng, đắm say năm món dục, không biết đó là vô thường. Nhờ có ta đến nơi ấy, Bảo Xưng liền tự nhiên đạt được phép quán xương trắng, nhìn thấy các nàng hầu, mỹ nữ trong nhà mình chỉ toàn là những bộ xương trắng mà thôi. Chàng ấy lòng sanh ghê sợ như nhìn thấy đao kiếm, rắn độc, giặc cướp, lửa dữ... liền bỏ chạy ra khỏi nhà, tìm đến chỗ ta, trên đường đi luôn miệng nói rằng: ‘Sa-môn Cồ-đàm! Nay con như bị giặc cướp rượt đuổi, khiếp sợ vô cùng, xin ngài cứu giúp!’
“Phật dạy: ‘Thiện nam tử! Phật, Pháp, Tăng là an ổn, không sợ sệt.’ Chàng trưởng giả bạch rằng: ‘Nếu trong Tam bảo không có sự sợ sệt, nay con nguyện cũng sẽ được sự không sợ sệt ấy.’ Ta liền cho phép Bảo Xưng xuất gia nhập đạo.
“Khi ấy, Bảo Xưng lại có năm mươi người bạn, nghe tin Bảo Xưng chán bỏ sự vui hưởng dục mà xuất gia liền đồng lòng cùng nhau xuất gia. Bọn sáu thầy ngoại đạo nghe biết sự việc liền dần dà kéo nhau sang cả bên thành lớn Chiêm-bà.
“Bấy giờ tại thành Chiêm-bà, tất cả nhân dân đều phụng sự đồ chúng của bọn sáu thầy ngoại đạo, chưa từng nghe biết đến các danh xưng Phật, Pháp, Tăng, nên có rất nhiều người phạm vào những việc cực ác. Khi ấy, ta vì [thương xót] chúng sanh nên đến thành Chiêm-bà.
“Trong thành lúc ấy có một đại trưởng giả không con nối dõi, lo việc phụng sự cho bọn sáu thầy ngoại đạo để cầu được có con.
“Rồi chẳng bao lâu, vợ người ấy mang thai. Trưởng giả biết vợ có thai liền đến chỗ bọn sáu thầy ngoại đạo, vui vẻ hỏi rằng: ‘Vợ tôi mang thai, đó là trai hay gái?’ Bọn sáu thầy ngoại đạo đáp: ‘Chắc chắn sẽ sanh con gái.’
“Nghe như vậy, trưởng giả lấy làm sầu não. Khi ấy có người trí thức đến hỏi trưởng giả rằng: ‘Tại sao ông sầu não như vậy?’ Trưởng giả đáp: ‘Vợ tôi mang thai, tôi chưa biết là trai hay gái nên đến hỏi sáu thầy ngoại đạo. Họ dạy rằng: Như tướng pháp của ta, quyết định sẽ sanh con gái. Nghe lời ấy rồi, tôi tự nghĩ mình tuổi đã già, giàu có vô cùng, nếu không có con trai thì biết lấy ai thừa kế? Vì vậy nên tôi buồn rầu.’
“Người trí thức kia liền khuyên rằng: ‘Ông thật không có trí tuệ, từ trước tới nay không nghe biết gì sao? Anh em ông Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp là đệ tử của ai? Là đệ tử Phật hay đệ tử sáu thầy ngoại đạo? Nếu sáu thầy ngoại đạo là những người biết tất cả, tại sao ông Ca-diếp bỏ đi chẳng thờ, lại đến làm đệ tử Phật? Lại nữa, các ông Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên... các vị quốc vương như vua Tần-bà-sa-la... các bậc hoàng hậu, phu nhân như bà Mạt-lợi... các vị trưởng giả ở các nước như bọn ông Tu-đạt-đa... Những người như vậy, chẳng phải đều là đệ tử Phật cả sao? Lại như quỷ thần Khoáng Dã, vua A-xà-thế, voi say Hộ Tài, Ương-quật-ma-la ác tâm mãnh liệt muốn giết hại mẹ mình, những trường hợp như vậy há chẳng phải đều do đức Như Lai điều phục hay sao?
“Trưởng giả! Đức Như Lai Thế Tôn đối với tất cả các pháp đều rõ biết không ngăn ngại nên được xưng là Phật. Lời ngài nói ra chân thật duy nhất nên gọi là Như Lai. Ngài đã dứt trừ hết mọi phiền não nên gọi là bậc Ứng Cúng, [xứng đáng nhận sự cúng dường của tất cả chúng sanh]. Lời dạy của đức Thế Tôn bao giờ cũng là chân thật duy nhất. Bọn sáu thầy ngoại đạo không được như thế, làm sao có thể tin được? Hiện nay đức Như Lai đang ở gần đây, nếu muốn biết sự thật thì ông nên đến chỗ Phật.’
“Khi đó, trưởng giả liền đi với người ấy đến chỗ ta, cúi đầu và mặt lễ bái sát chân ta, đi quanh ba vòng cung kính, rồi chắp tay quỳ mọp, thưa rằng: “Thế Tôn đối với chúng sanh bình đẳng không phân biệt; kẻ oán, người thân đều xem như nhau. Con nay bị dây luyến ái trói buộc, không thể không phân biệt kẻ oán, người thân. Nay con muốn thưa hỏi Như Lai Thế Tôn, nhưng tự trong lòng cảm thấy xấu hổ, sợ sệt không dám nói ra. Bạch Thế Tôn! Vợ con mang thai, sáu thầy ngoại đạo đều nói chắc rằng sẽ sanh con gái. Việc ấy là thế nào?’
“Phật dạy: ‘Trưởng giả! Đứa con trong thai vợ ông đó chắc chắn là trai. Đứa trẻ ấy sanh ra rồi, phước đức không ai bằng.’
“Khi ấy, trưởng giả nghe lời ta dạy rồi, hết sức vui vẻ, bèn trở về nhà. Bọn sáu thầy ngoại đạo nghe ta nói trước rằng đứa trẻ chưa sanh kia là con trai và có phước đức lớn, liền sanh lòng ganh ghét. Họ dùng trái am-la trộn thuốc độc vào, mang đến nhà trưởng giả, nói rằng: ‘Sung sướng thay! Cồ-đàm khéo nói ra được tướng này! Khi nào vợ ông sắp sanh, nên cho uống thuốc này. Uống thuốc này rồi thì đứa con sẽ được đoan chánh, người mẹ không có bệnh hoạn.’
“Trưởng giả vui vẻ nhận lãnh thuốc độc, [đến lúc gần sanh] đưa cho vợ uống. Bà uống thuốc rồi liền chết ngay!
“Bọn sáu thầy ngoại đạo lấy làm mừng rỡ, đi khắp trong thành thị lớn tiếng rêu rao rằng: ‘Sa-môn Cồ-đàm nói trước rằng vợ trưởng giả ấy sẽ sanh con trai, đứa con ấy sẽ có phước đức trong thiên hạ không ai hơn. Nay đứa trẻ chưa sanh ra mà người mẹ đã bỏ mạng!’
“Khi ấy, trưởng giả đối với ta lại mất lòng tin, liền y theo pháp thế gian mà khâm liệm quan quách, đưa ra ngoài thành, chất nhiều củi khô, [chuẩn bị] dùng lửa thiêu.
“Ta dùng đạo nhãn thấy rõ việc ấy, liền bảo A-nan: ‘Hãy mang y lại đây, ta muốn đến nơi đó phá trừ tà kiến.’
“Ngay lúc đó, Thiên vương Tỳ-sa-môn liền bảo vị Đại tướng Ma-ni-bạt-đà rằng: ‘Nay Như Lai muốn ngự đến chỗ bãi tha ma ấy. Khanh mau tới đó dọn dẹp, quét rửa, đặt tòa ngồi sư tử, tìm những loại hương hoa thơm đẹp để làm trang nghiêm vùng đất ấy.’
“Khi ấy, bọn sáu thầy ngoại đạo từ xa nhìn thấy ta đi đến, liền bảo nhau rằng: ‘Sa-môn Cồ-đàm đến bãi tha ma này, chắc là muốn ăn thịt chăng?’
“Bấy giờ, có nhiều người chưa chứng đắc pháp nhãn trong số các cư sĩ nam, thảy đều lấy làm hổ thẹn, thưa với ta rằng: ‘Người đàn bà ấy đã chết, xin Phật không nên đến đó.’
“Lúc đó, A-nan liền nói bảo mọi người rằng: ‘Hãy đợi một chút! Không bao lâu nữa Như Lai sẽ mở rộng cảnh giới của chư Phật.’
“Khi ta đến nơi, liền ngự trên tòa sư tử. Trưởng giả cật vấn ta rằng: ‘Vì nói lời chân thật duy nhất nên ngài được xưng là Thế Tôn. Nhưng nay người mẹ đã chết rồi, làm sao sanh con trai?’
“Ta nói: ‘Trưởng giả! Lúc trước ông không hề hỏi ta về mạng số người mẹ dài hay ngắn, ông chỉ hỏi ta về cái thai đó là trai hay gái mà thôi. Chư Phật Như Lai nói ra đều là lời chân thật duy nhất, cho nên phải biết rằng ông chắc chắn sẽ được con trai.’
“Lúc ấy, tử thi bị lửa thiêu, bụng nứt ra, rồi từ trong bụng hiện ra đứa con, ngồi ngay ngắn trong lửa như chim uyên ương đậu trên tòa sen.
“Bọn sáu thầy ngoại đạo thấy vậy liền nói: ‘Yêu mị thay! Cồ-đàm thật khéo làm ảo thuật!’
“Trưởng giả nhìn thấy như vậy trong lòng mừng rỡ, quở trách sáu thầy ngoại đạo rằng: ‘Nếu nói là ảo thuật, sao các ông không làm được như vậy?’
“Lúc ấy, ta bảo Kỳ-bà: ‘Ông hãy vào trong lửa, bế đứa bé ấy ra đây.’
“Kỳ-bà vừa chuẩn bị bước đi, bọn sáu thầy ngoại đạo liền đến trước mặt ngăn lại, bảo Kỳ-bà rằng: ‘Sự biến hóa ảo thuật của sa-môn Cồ-đàm không phải lúc nào cũng vậy, có khi được, có khi chẳng được. Nếu như chẳng được thì ông có thể bị hại. Sao ông lại tin lời ấy?’
“Kỳ-bà đáp: ‘Giá như đức Như Lai sai tôi vào địa ngục A-tỳ thì lửa dữ nơi ấy cũng sẽ không thể đốt được tôi, huống chi là lửa ở thế gian!’
“Liền đó, Kỳ-bà bước vào trong đám lửa, dường như đi vào dòng nước sông mát mẻ, bế lấy đứa bé rồi trở ra đi đến chỗ ta, trao nó cho ta. Ta nhận đứa bé rồi, bảo trưởng giả rằng: ‘Thọ mạng của tất cả chúng sanh không có gì chắc chắn, chỉ như bọt trên mặt nước. Nếu chúng sanh có nghiệp quả lớn lao thì lửa không thiêu được, thuốc độc không hại được. Việc này là do nghiệp quả của đứa bé, không phải do ta làm được!’
“Khi ấy, trưởng giả bạch rằng: ‘Lành thay, Thế Tôn! Nhờ có được đứa bé này con mới thấu rõ được nghiệp quả, nguyện Như Lai đặt tên cho nó.’
“Phật dạy: ‘Trưởng giả! Đứa bé này sanh ra trong lửa dữ. Lửa gọi là thọ-đề, vậy nên đặt tên nó là Thọ-đề.’
“Bấy giờ, những người có mặt nơi ấy đều được thấy ta biến hóa thần thông, nên có vô lượng chúng sanh liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Lúc đó, bọn sáu thầy ngoại đạo đã đi qua khắp sáu thành lớn nhưng chẳng được dừng chân ở đâu cả, phải cúi đầu hổ thẹn. Rồi họ lại đến thành Câu-thi-na này. Khi đến đây rồi, họ tuyên bố rằng: ‘Mọi người nên biết, sa-môn Cồ-đàm là nhà ảo thuật lớn, dối gạt thiên hạ trong khắp sáu thành lớn. Ví như một nhà ảo thuật giả dối tạo ra bốn loại quân: quân dùng xe, quân cưỡi ngựa, quân cưỡi voi, quân đi bộ. Người ấy lại còn giả dối tạo ra mọi thứ như chuỗi ngọc, thành quách, cung điện, sông rạch, hồ ao, cây cối... Sa-môn Cồ-đàm cũng vậy, ông ấy giả dối tạo tác thân vua. Vì sự thuyết pháp nên ông hóa làm thân sa-môn, thân bà-la-môn, thân nam, thân nữ, thân nhỏ hoặc thân lớn. Có khi ông làm thân súc sanh, thân quỷ thần. Hoặc ông thuyết vô thường, hoặc ông thuyết hữu thường; có khi ông thuyết là khổ, có khi ông thuyết là vui; hoặc ông thuyết hữu ngã, hoặc ông thuyết vô ngã; hoặc ông thuyết hữu tịnh, hoặc ông thuyết bất tịnh; có lúc ông thuyết hữu, có lúc ông thuyết vô. Việc làm của ông ấy là hư vọng, nên gọi là ảo.
“Ví như do nơi hạt giống mà có được quả; sa-môn Cồ-đàm cũng vậy, do nơi bà Ma-da mà sanh ra. Mẹ là huyễn, con không thể không là huyễn! Sa-môn Cồ-đàm không có chỗ thấy biết chân thật. Các thầy bà-la-môn trải qua nhiều năm tu tập khổ hạnh, giữ gìn giới cấm, còn nói là chưa có sự thấy biết chân thật, huống chi Cồ-đàm, tuổi trẻ học cạn, không tu khổ hạnh, làm sao có được chỗ thấy biết chân thật? Nếu có thể tu tập trọn đủ bảy năm khổ hạnh, chỗ thấy biết còn chưa nhiều, huống chi ông ấy tu tập chưa được sáu năm! Chỉ những kẻ ngu si không có trí tuệ mới tin nhận lời dạy của Cồ-đàm. Như nhà ảo thuật lớn dối gạt những kẻ ngu, sa-môn Cồ-đàm cũng giống như vậy.’
“Thiện nam tử! Bọn sáu thầy ngoại đạo ấy cố hết sức làm cho chúng sanh trong thành này tăng trưởng tà kiến. Thiện nam tử! Ta thấy việc ấy sanh lòng thương xót, bèn dùng thần lực triệu thỉnh chư Đại Bồ Tát mười phương tụ hội về nơi rừng này, đầy khắp trong một vùng ngang dọc là bốn mươi do-diên, ta ở giữa nơi này mà phát tiếng [pháp âm rền vang như tiếng] rống của sư tử chúa.
“Thiện nam tử! Dù có giảng thuyết nhiều ở nơi vắng vẻ cũng không gọi là như tiếng rống của sư tử. [Thuyết pháp] giữa đại chúng toàn những bậc trí tuệ như thế này mới thật là [rền vang như tiếng rống của] sư tử chúa! Thuyết pháp đó, là giảng nói rằng tất cả các pháp đều vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh; chỉ riêng nói rằng Như Lai là thường, lạc, ngã, tịnh mà thôi!
“Lúc ấy, bọn sáu thầy ngoại đạo lại nói rằng: ‘Nếu Cồ-đàm có ngã, chúng ta cũng có ngã. Nói ngã đó, là người nhìn thấy [vật] gọi là ngã. Cồ-đàm! Ví như có người nhìn theo một hướng mà thấy vật. Cái ngã cũng như vậy. Hướng là ví với con mắt, người thấy đó là ví với ngã.’
“Phật bảo bọn sáu thầy ngoại đạo rằng: ‘Nếu nói người thấy đó là ngã, nghĩa ấy chẳng đúng. Vì sao vậy? Như ví dụ mà các ông dẫn ra đó: ‘nhìn theo một hướng mà thấy’, người ở tại một hướng mà dùng đủ sáu căn, nếu quyết định là có một cái ngã nhân nơi con mắt mà thấy, vì sao trong một [nhãn] căn của người kia không nhận biết được tất cả các trần? Nếu trong một căn không thể cùng lúc nghe thấy nhận biết cả sáu trần, nên biết rằng [trong đó] thật không có ngã.
“Theo các ông nói rằng ‘hướng là ví với con mắt’, thì dù trải qua trăm năm, người thấy là nhân nơi hướng nên chỗ thấy [lẽ ra] không thay đổi! Nếu con mắt đúng là như thế, thì khi tuổi già mắt yếu, lẽ ra [chỗ thấy] cũng không thay đổi. Lại nữa, người và hướng khác nhau nên thấy trong, thấy ngoài; nếu con mắt đúng là như các ông nói, lẽ ra cũng cùng lúc thấy trong, thấy ngoài. Nếu là không thấy, làm sao có ngã?’
“Sáu thầy ngoại đạo lại nói rằng: ‘Cồ-đàm! Nếu không có ngã thì ai là người có khả năng thấy đó?’
“Phật dạy: ‘Có hình sắc, có ánh sáng, có tâm thức, có con mắt, bốn điều kiện này hợp lại gọi là thấy. Trong [sự thấy] đó thật không có người nhìn thấy, không có đối tượng được thấy. Chúng sanh điên đảo nói rằng có người nhìn thấy và có đối tượng được thấy. Vì nghĩa ấy, chỗ thấy của tất cả chúng sanh là điên đảo, chỗ thấy của chư Phật, Bồ Tát là chân thật.
‘Này các ông! Nếu nói rằng sắc là ngã, nghĩa ấy cũng không đúng. Vì sao vậy? Vì sắc thật không phải ngã. Nếu sắc là ngã, lẽ ra không có những hình mạo thô xấu [không ai mong muốn]! Vì sao lại có bốn dòng tộc khác nhau mà không duy nhất chỉ một dòng Bà-la-môn? Vì sao phải phụ thuộc vào những điều kiện khác mà không được như ý muốn, như người các căn khiếm khuyết, sanh ra đã không đầy đủ? Vì sao không tạo ra thân chư thiên [tốt đẹp] mà phải nhận chịu những thân địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ đủ loại? Nếu không thể tùy ý làm ra, nên biết chắc chắn là vì không có ngã. Vì không có ngã nên gọi là vô thường. Vì vô thường nên khổ. Vì khổ nên là không [thật]. Vì không [thật] nên là điên đảo. Do điên đảo mà tất cả chúng sanh đều phải trôi lăn trong sanh tử. [Các ấm] thọ, tưởng, hành, thức cũng [giống như sắc] vậy.
“Này các ông! Đấng Như Lai Thế Tôn đã dứt trừ mãi mãi sự trói buộc của sắc cho đến sự trói buộc của thức. Vì thế nên xưng là thường, lạc, ngã, tịnh.
“Lại nữa, sắc tức là nhân duyên. Nếu là nhân duyên thì gọi là vô ngã. Nếu là vô ngã thì là khổ, là không [thật]. Thân Như Lai không phải nhân duyên. Vì không phải nhân duyên nên gọi là có ngã. Nếu có ngã tức là thường, lạc, ngã, tịnh.’
“Bọn sáu thầy ngoại đạo lại nói: ‘Cồ-đàm! Sắc cũng không phải ngã, cho đến thức cũng không phải ngã; cái ngã đó biến hiện khắp mọi nơi, cũng như hư không.’
“Phật dạy: ‘Nếu có sự biến hiện, ắt không thể nói rằng: Trước đây tôi không thấy. Nếu trước đây không thấy, nên biết rằng cái thấy ấy là trước không mà sau mới có. Nếu trước là không sau mới có thì gọi là vô thường. Nếu là vô thường, làm sao nói là biến hiện? Nếu có sự biến hiện, thì trong năm nẻo lẽ ra đều có [hiện] đủ các thân. Nếu có [nhiều] thân [như vậy], lẽ ra mỗi thân đều thọ quả báo. Nếu mỗi thân đều thọ quả báo, làm sao nói rằng [có sự] chuyển sanh [thọ thân] ở hai cõi trời, người?
“Các ông nói biến hiện, vậy đó là một hay là nhiều? Nếu ngã là một, ắt sẽ không có [phân ra] cha, con, kẻ oán, người thân, hoặc chẳng oán chẳng thân. Nếu ngã là nhiều thì năm căn của tất cả chúng sanh lẽ ra phải bình đẳng như nhau; nghiệp báo, trí tuệ cũng giống như nhau. Nếu là như vậy, sao nói rằng có người các căn đầy đủ, có người không đầy đủ; có nghiệp lành, nghiệp dữ; có kẻ ngu, người trí khác nhau?”
“Bọn sáu thầy ngoại đạo lại nói: ‘Cồ-đàm! Cái ngã của chúng sanh là [cùng khắp] không có giới hạn, nhưng pháp và phi pháp thì có sự phân chia rõ ràng. Chúng sanh tu tập theo pháp ắt được thân tốt đẹp, nếu làm những việc phi pháp thì phải chịu thân xấu xí. Vì nghĩa ấy, nghiệp quả của chúng sanh không thể không sai khác.’
“Phật dạy: ‘Này các ông! Nếu pháp và phi pháp là như vậy thì cái ngã không có sự biến hiện [như các ông nói]. Nếu cái ngã có biến hiện, ắt phải đến được khắp mọi nơi. Nếu nó đến khắp mọi nơi, thì người tu thiện lẽ ra cũng có ác, kẻ làm ác lẽ ra cũng có thiện! Nếu không phải như thế, sao gọi là biến hiện?’
“Sáu thầy ngoại đạo lại biện bạch: ‘Cồ-đàm! Ví như thắp lên trăm ngàn ngọn đèn trong một căn phòng, đèn này chiếu sáng không làm ngăn ngại đèn khác. Cái ngã của chúng sanh cũng giống như vậy, việc tu thiện và làm ác không lẫn lộn nhau.’
“Phật dạy: ‘Thiện nam tử! Nếu các ông nói rằng cái ngã như ngọn đèn, nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Ánh sáng của ngọn đèn là do duyên mà có, đèn càng lớn thì ánh sáng càng mạnh. Cái ngã của chúng sanh không phải vậy. Ánh sáng từ ngọn đèn phát ra, trụ ở nơi khác. Cái ngã của chúng sanh không giống như thế, [không phải] từ thân mà ra, trụ ở nơi khác. Ánh sáng của ngọn đèn kia vốn cùng tồn tại với bóng tối. Vì sao vậy? Như trong căn phòng tối, thắp lên một ngọn đèn thì không đủ sáng rõ. Đến khi thắp lên nhiều ngọn đèn thì mới sáng rõ. Nếu ngọn đèn đầu tiên đã phá trừ bóng tối thì không cần đến những ngọn đèn sau. Nếu đã cần đến những ngọn đèn sau, thì nên biết rằng ánh sáng ban đầu vẫn cùng tồn tại với bóng tối.’
“Bọn sáu thầy ngoại đạo lại nói: ‘Cồ-đàm! Nếu không có ngã thì ai là người làm thiện, làm ác?’
“Phật dạy: ‘Nếu là cái ngã làm, sao gọi là thường? Nếu ngã là thường, sao có thể khi làm thiện, khi làm ác? Nếu nói rằng có khi làm thiện, có khi làm ác, sao có thể nói rằng ngã là [cùng khắp] không có giới hạn? Nếu là cái ngã làm, vì sao lại có sự quen làm ác? Nếu cái ngã có làm, có biết, sao lại sanh lòng nghi rằng chúng sanh không có ngã? Vì nghĩa ấy, trong pháp ngoại đạo [của các ông] chắc chắn không có ngã.
“Nếu nói có ngã, ắt ngã đó phải là Như Lai. Vì sao vậy? Vì thân [Như Lai] là [cùng khắp] không có giới hạn; vì không còn có những sự nghi ngờ. Vì [Như Lai] không tạo tác, không thọ nhận nên gọi là thường. Vì [Như Lai] không sanh không diệt nên gọi là lạc. Vì [Như Lai] không có phiền não nhiễm ô nên gọi là tịnh. Vì [Như Lai] không có mười tướng nên gọi là không. Vì thế, Như Lai là thường, lạc, ngã, tịnh, là rỗng không, không có các hình tướng.’
“Các thầy ngoại đạo thưa rằng: ‘Nếu nói Như Lai là thường, lạc, ngã, tịnh, vì không có tướng nên rỗng không, thì nên biết rằng giáo pháp mà Cồ-đàm thuyết dạy chẳng phải là [hoàn toàn chấp lấy] không. Nay chúng tôi xin cung kính thọ nhận và hành trì.’
“Bấy giờ, có vô số ngoại đạo phát khởi lòng tin đối với pháp Phật, xuất gia theo Phật.
“Thiện nam tử! Vì nhân duyên ấy nên nay ta ở giữa rừng cây sa-la mọc sóng đôi này [thuyết giảng giáo pháp rền vang như tiếng] sư tử rống. Thuyết pháp [như tiếng sư tử rống], đó gọi là Đại Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Những cây sóng đôi ở phương đông là phá sự vô thường mà được thường... cho đến những cây sóng đôi ở phương bắc là phá sự bất tịnh mà được tịnh.
“Thiện nam tử! Những chúng sanh nơi đây vì các cây sa-la mọc sóng đôi mà gìn giữ bảo vệ rừng sa-la, không để cho người ngoài đến lấy đi cành lá hay chặt phá. Ta cũng vì bốn pháp mà khiến cho các đệ tử hộ trì pháp Phật. Những pháp nào là bốn? Đó là thường, lạc, ngã, tịnh. Những cây sóng đôi ở bốn phương đó do bốn vua gìn giữ. Ta vì bốn vua ấy hộ trì Chánh pháp nên ở trong rừng này mà nhập Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Những cây sa-la mọc sóng đôi này thường có hoa quả sum sê, làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh. Ta cũng như vậy, thường làm lợi ích cho hàng Thanh văn, Duyên giác. Hoa là ví với ngã, quả là ví với lạc. Vì nghĩa ấy nên ta ở tại nơi đây, giữa những cây sa-la mọc sóng đôi mà nhập Chánh định Đại tịch. Chánh định Đại tịch gọi là Đại Niết-bàn.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Vì sao Như Lai nhập Niết-bàn vào tháng hai?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Tháng hai nhằm mùa xuân. Những tháng trong tiết dương xuân, muôn vật đều sanh trưởng, cây trồng bén rễ, hoa quả phô bày tươi tốt, sông ngòi tràn đầy, trăm loài thú đua nhau sanh nở. Lúc này, có nhiều chúng sanh khởi lên tư tưởng [cho rằng các pháp là] thường tồn. Vì muốn phá cái tâm [chấp] thường ấy của chúng sanh nên phải dạy rằng ‘tất cả các pháp đều là vô thường’, chỉ riêng nói Như Lai là thường trụ, không biến đổi.
“Thiện nam tử! So với các mùa khác trong năm, vào đầu mùa đông [thời tiết] đã khô khan, suy kiệt, mọi người không ai ưa thích; còn tiết xuân thì ấm áp ôn hòa, mát mẻ, ai ai cũng ham muốn, ưa thích. Vì muốn phá cái vui [tạm bợ] của thế gian nên phải giảng thuyết những lẽ thường, lạc.
“Đối với các lẽ ngã, tịnh cũng vậy. Như Lai vì muốn phá cái ngã [giả tạm] của thế gian, cái tịnh [giả tạm] của thế gian, nên mới giảng thuyết rằng Như Lai là ngã chân thật, là tịnh chân thật.
“Nói tháng hai là ví như hai loại Pháp thân của Như Lai. Mùa đông chẳng ai ưa thích là ví với hàng trí giả không ưa thích việc Như Lai vô thường, nhập Niết-bàn. Tháng hai ai cũng ưa thích là ví với hàng trí giả ưa thích việc Như Lai là thường, lạc, ngã, tịnh. Trồng cây [bén rễ] là ví với chúng sanh nghe Chánh pháp [sanh lòng] hoan hỷ, bèn phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, trồng các căn lành. Sông ngòi [tràn đầy] là ví với chư Đại Bồ Tát Mười phương đều tụ hội về chỗ Như Lai, thưa hỏi và thọ nhận kinh điển Đại Niết-bàn này. Trăm loài thú đua nhau sanh nở là ví với các đệ tử Phật sanh khởi các căn lành. Hoa là ví với Bảy giác chi, quả là ví với Bốn thánh quả.
“Vì những nghĩa ấy nên ta nhập Đại Niết-bàn vào tháng hai.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Các ngày đản sanh, xuất gia, thành đạo, chuyển Pháp luân của Như Lai đều là mồng tám, vì sao khi nhập Niết-bàn lại duy nhất chọn vào ngày rằm?”
Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Vào ngày rằm, mặt trăng tròn đầy không khuyết. Chư Phật Như Lai cũng vậy, lúc vào Niết-bàn là tròn đầy không khuyết. Vì nghĩa ấy nên Phật chọn ngày rằm mà nhập Niết-bàn rốt ráo.
“Thiện nam tử! Mặt trăng tròn sáng vào đêm rằm có mười một công năng. Những gì là mười một? Một là có thể phá trừ bóng tối; hai là giúp chúng sanh nhận ra đường đi; ba là giúp chúng sanh phân biệt đường đi đúng, sai; bốn là trừ được sự nóng bức, mang lại sự mát mẻ vui thích; năm là có thể phá trừ lòng cao ngạo của lửa đom đóm; sáu là ngăn chặn mọi ý tưởng trộm cướp; bảy là giúp chúng sanh không còn lo sợ thú dữ; tám là giúp cho hoa ưu-bát-la nở; chín là khiến cho hoa sen khép lại; mười là gây sự phấn khởi trong lòng người đi đường, khiến họ mạnh mẽ dấn bước đi tới; mười một là khiến cho những chúng sanh ưa thích năm dục được nhiều khoái lạc.
“Thiện nam tử! Vầng trăng tròn Như Lai cũng giống như vậy, [cũng có mười một công năng]. Một là phá trừ bóng tối vô minh tràn khắp; hai là diễn thuyết [phân biệt] chánh đạo, tà đạo; ba là khai mở chỉ bày rằng sanh tử là hiểm ác, tà vạy, Niết-bàn là an bình, chánh trực; bốn là khiến người lìa xa sự nóng bức của tham dục, sân khuể, ngu si; năm là phá tan ánh sáng [le lói] của ngoại đạo; sáu là phá trừ giặc phiền não trói buộc; bảy là trừ diệt lòng sợ sệt đối với năm sự ngăn che [trong tu tập]; tám là làm hiển lộ tâm muốn gieo trồng căn lành của chúng sanh; chín là che lấp ngăn chặn tâm [ham mê] năm dục của chúng sanh; mười là làm sanh khởi hạnh tu tiến của chúng sanh hướng về Đại Niết-bàn; mười một là khiến các chúng sanh ưa thích sự tu tập giải thoát.
“Vì những nghĩa ấy nên ta [thị hiện] nhập Đại Niết-bàn vào ngày rằm, nhưng thật ra ta không hề nhập Niết-bàn.
“Trong những đệ tử của ta, chỉ những kẻ xấu ác ngu si mới nói chắc rằng Như Lai đã nhập Niết-bàn. Ví như một người mẹ có nhiều con, bỏ đi đến một nước khác. Trong thời gian người mẹ chưa trở về, những đứa con đều nói rằng: ‘Mẹ tôi đã chết.’ Nhưng thật ra người mẹ ấy không hề chết!”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Những tỳ-kheo nào có thể làm trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này?”
“Thiện nam tử! Nếu tỳ-kheo nào thọ trì, đọc tụng Mười hai bộ kinh, sửa đúng câu văn, thông đạt nghĩa lý sâu xa; vì người khác mà giảng giải phần đầu, phần giữa và phần cuối đều là tốt lành; vì muốn làm lợi ích vô lượng chúng sanh nên diễn thuyết hạnh thanh tịnh; vị tỳ-kheo như vậy ắt có thể làm trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Theo như chỗ con hiểu lời Phật dạy thì tỳ-kheo A-nan chính là người ấy. Vì sao vậy? Vì tỳ-kheo A-nan thọ trì, đọc tụng Mười hai bộ kinh, vì người khác mở bày giảng thuyết, lời chân chánh, nghĩa chân chánh. Giống như việc rót nước [từ bình này] sang bình khác, tỳ-kheo A-nan theo Phật nghe [Chánh pháp] rồi y theo chỗ được nghe mà thuyết giảng lại [đầy đủ với mọi người khác].”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có tỳ-kheo nào được thiên nhãn trong sạch, thấy khắp Tam thiên Đại thiên thế giới trong mười phương như người ta nhìn trái a-ma-lặc đặt trong lòng bàn tay; vị tỳ-kheo như vậy cũng có thể làm trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này.”
Bồ Tát Sư Tử Hống thưa: “Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy thì tỳ-kheo A-na-luật chính là người ấy. Vì sao vậy? Vì A-na-luật chứng đắc thiên nhãn, nhìn thấy mọi sự vật trong khắp Tam thiên Đại thiên thế giới, cho tới trong cõi trung ấm, một cách rõ ràng không gì chướng ngại.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có tỳ-kheo nào ít ham muốn, tự biết đủ, ưa thích sự vắng lặng an tĩnh, siêng năng tu hành các pháp tinh tấn, niệm, định, trí tuệ, giải thoát; vị tỳ-kheo như vậy ắt có thể trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này.
Bồ Tát Sư Tử Hống thưa: “Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy thì tỳ-kheo Ca-diếp chính là người ấy. Vì sao vậy? Vì tỳ-kheo Ca-diếp khéo tu các pháp ít ham muốn, tự biết đủ... [đủ các pháp như Phật vừa kể trên].”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có tỳ-kheo nào vì việc ích lợi cho chúng sanh, không vì lợi dưỡng riêng, tu tập thông đạt pháp tam-muội Vô tranh, Thánh hạnh, Không hạnh; vị tỳ-kheo như vậy ắt có thể trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này.”
Bồ Tát Sư Tử Hống thưa: “Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy thì tỳ-kheo Tu-bồ-đề chính là người ấy. Vì sao vậy? Vì Tu-bồ-đề khéo tu phép Vô tranh, Thánh hạnh, Không hạnh.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có tỳ-kheo nào khéo tu thần thông, trong khoảng một niệm tưởng có thể thực hiện mọi sự biến hóa thần thông, dùng một tâm an định mà tạo ra hai kết quả [đối nghịch] như là: nước, lửa... vị tỳ-kheo như vậy ắt có thể trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch rằng: “Thế Tôn! Nếu như vậy thì tỳ-kheo Mục-kiền-liên chính là người ấy. Vì sao vậy? Vì Mục-kiền-liên khéo tu thần thông, biến hóa vô lượng.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có tỳ-kheo nào tu tập các pháp trí tuệ được trí lớn lao, trí sắc bén, trí nhanh nhạy, trí giải thoát, trí sâu xa, trí rộng lớn, trí không giới hạn, trí không ai vượt qua, trí chân thật; thành tựu đầy đủ căn bản trí tuệ như vậy; lòng không phân biệt kẻ oán với người thân; nếu nghe nói Như Lai là vô thường, nhập Niết-bàn, lòng không lo buồn; nếu nghe nói Như Lai là thường trụ, chẳng nhập Niết-bàn, lòng cũng không vui thích; vị tỳ-kheo như vậy ắt có thể trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này.”
Bồ Tát Sư Tử Hống thưa: “Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy thì tỳ-kheo Xá-lợi-phất chính là người ấy. Vì sao vậy? Vì Xá-lợi-phất khéo thành tựu đầy đủ trí tuệ như vậy.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có tỳ-kheo nào có thể giảng thuyết rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, tỳ-kheo ấy được thân kim cang, không có giới hạn, thường, lạc, ngã, tịnh, thân tâm không ngăn ngại, đạt được tám đức tự tại; vị tỳ-kheo như vậy ắt có thể trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch rằng: “Thế Tôn! Nếu như vậy thì duy nhất chỉ có Như Lai là người như vậy mà thôi. Vì sao vậy? Vì thân Như Lai là kim cang, là không giới hạn, là thường, lạc, ngã, tịnh, là thân tâm không ngăn ngại, mới có đủ tám đức tự tại.
“Bạch Thế Tôn! Chỉ riêng Như Lai mới có thể trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này mà thôi! Nếu không có Như Lai, ắt [nơi này] chẳng được đoan nghiêm. Xin nguyện đức Như Lai mở lòng đại từ bi, vì sự trang nghiêm như vậy mà thường trụ ở rừng sa-la này.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Bản tánh của tất cả các pháp là trụ ở nơi không có chỗ trụ, vì sao ông lại nói lời nguyện xin Như Lai trụ [ở rừng sa-la này]?
“Thiện nam tử! Nếu nói trụ thì đó là pháp thuộc về sắc. Do nhân duyên sanh nên mới gọi là trụ. Vì nhân duyên không có xứ sở [nhất định] nên gọi là không có chỗ trụ. Như Lai đã đoạn tuyệt tất cả sự trói buộc của sắc, vì sao lại nói Như Lai [có chỗ] trụ? Đối với các ấm thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
“Thiện nam tử! Trụ tức là kiêu mạn; vì kiêu mạn nên không được giải thoát. Vì không được giải thoát nên gọi là trụ. [Thử suy xét xem] ai là người có sự kiêu mạn đó? Từ nơi đâu mà đến? [Khi ấy sẽ thấy là thật không có người kiêu mạn, cũng không từ đâu mà đến cả], nên [bản tánh của tất cả các pháp] gọi là trụ ở nơi không có chỗ trụ. Như Lai đã dứt hẳn tất cả những sự kiêu mạn, vì sao ông lại nói lời nguyện xin Như Lai trụ [ở rừng sa-la này]?
“Trụ tức là pháp hữu vi. Như Lai đã dứt hẳn các pháp hữu vi, cho nên ngài không có chỗ trụ.
“Trụ tức là pháp không [thật]. Như Lai đã dứt hẳn pháp không [thật] này nên đạt được thường, lạc, ngã, tịnh, vì sao ông lại nói lời nguyện xin Như Lai trụ [ở rừng sa-la này]?
“Trụ tức là hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Như Lai đã dứt hẳn hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu, vì sao ông lại nói lời nguyện xin Như Lai trụ [ở rừng sa-la này]?
“Trụ tức là tất cả phàm phu. Các bậc thánh là không đi, không đến, không trụ. Như Lai đã dứt hết các tướng đi, tướng đến, tướng trụ, vì sao ông lại nói lời nguyện xin Như Lai trụ [ở rừng sa-la này]?
“Nói không có chỗ trụ đó là thân không có giới hạn. Thân Như Lai là không có giới hạn, vì sao ông lại nói lời nguyện xin Như Lai trụ lại nơi rừng sa-la này? Nếu ta trụ ở rừng này, tức là có giới hạn. Nếu thân [Như Lai] là có giới hạn, ắt đó là vô thường. [Nhưng] Như Lai là thường làm sao có thể nói là trụ?
“Nói không có chỗ trụ tức là hư không. Tánh Như Lai đồng với hư không, làm sao có thể nói là trụ?
“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là phép tam-muội Kim cang. Phép tam-muội Kim cang phá trừ tất cả mọi sự vướng chấp, bám trụ. Tam-muội Kim cang tức là Như Lai, làm sao có thể nói là trụ?
“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là huyễn ảo. Như Lai đồng với huyễn ảo, làm sao có thể nói là trụ?
“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là cảnh giới của các pháp không có giới hạn. Cảnh giới của các pháp không có giới hạn tức là Như Lai, làm sao có thể nói là trụ?
“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là tam-muội Thủ-lăng-nghiêm. Phép tam-muội này là rõ biết tất cả các pháp mà không có chỗ vướng mắc, bám chấp. Vì không vướng mắc nên gọi là Thủ-lăng-nghiêm. Như Lai đạt được trọn vẹn phép tam-muội Thủ-lăng-nghiêm, làm sao có thể nói là trụ?
“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là trí lực phân biệt như thật. Như Lai thành tựu trí lực phân biệt như thật, làm sao có thể nói là trụ?
“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là Bố thí Ba-la-mật. [Đối với] Bố thí Ba-la-mật nếu có sự vướng trụ lại thì không thể [tiếp tục tu tập] đến Trì giới Ba-la-mật, cho đến Trí tuệ Ba-la-mật. Vì nghĩa ấy nên Bố thí Ba-la-mật gọi là không có chỗ trụ. Như Lai thậm chí còn không trụ nơi Bát-nhã Ba-la-mật, vì sao ông lại nói lời nguyện xin Như Lai trụ lại nơi rừng sa-la?
“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là tu tập Bốn niệm xứ. Nếu Như Lai chấp trụ nơi Bốn niệm xứ, ắt không thể đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đó gọi là trụ ở nơi không có chỗ trụ.
“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là cảnh giới không giới hạn của chúng sanh. Như Lai đã thấu tận cảnh giới không giới hạn của tất cả chúng sanh nhưng không có chỗ trụ.
“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là không nơi trú ngụ. Không nơi trú ngụ gọi là không hiện hữu. Không hiện hữu gọi là không sanh ra. Không sanh ra gọi là không chết đi. Không chết đi gọi là không hình tướng. Không hình tướng gọi là không trói buộc. Không trói buộc gọi là không vướng mắc. Không vướng mắc gọi là không phiền não. Không phiền não tức là hiền thiện. Hiền thiện tức là vô vi. Vô vi tức là Đại Niết-bàn. Đại Niết-bàn tức là thường. Thường tức là ngã. Ngã tức là tịnh. Tịnh tức là lạc. Thường, lạc, ngã, tịnh tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Ví như hư không chẳng trụ ở phương đông, phương nam, phương tây, phương bắc, bốn phương phụ hay phương trên, phương dưới. Như Lai cũng thế, ngài chẳng trụ ở phương đông, phương nam, phương tây, phương bắc, bốn phương phụ hay phương trên, phương dưới.
“Thiện nam tử! Nếu như nói rằng việc ác tạo bởi thân, miệng, ý mang đến quả báo lành, thật không có lý. [Hoặc nói rằng] việc lành tạo bởi thân, miệng, ý phải chịu quả báo xấu ác, cũng không có lý.
“Nếu nói rằng phàm phu thấy được tánh Phật, hàng Bồ Tát Thập trụ không thấy được, cũng không có lý. [Hoặc nói rằng] những kẻ nhất-xiển-đề, phạm năm tội nghịch, phỉ báng kinh Phương đẳng, phá Bốn giới cấm nặng mà đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng không có lý. [Hoặc nói rằng] Bồ Tát trụ ở sáu địa vị đầu tiên do nhân duyên phiền não mà phải đọa vào ba đường ác, cũng không có lý. [Hoặc nói rằng] Bồ Tát Ma-ha-tát dùng thân nữ thật sự mà đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng không có lý. [Hoặc nói rằng] hạng nhất-xiển-đề là thường, Tam bảo là vô thường, cũng không có lý. [Hoặc nói rằng] Như Lai trụ nơi thành Câu-thi-na, cũng không có lý.
“Thiện nam tử! Nay Như Lai ở tại thành Câu-thi-na này, nhập Đại Tam-muội, là hang thiền định sâu thẳm, vì mọi người không nhìn thấy được nên gọi là nhập Niết-bàn.”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Vì sao Như Lai lại vào hang thiền định [sâu thẳm]?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Đó là vì ta muốn độ thoát các chúng sanh; vì để làm cho những người chưa gieo trồng căn lành sẽ gieo trồng; vì để làm cho những người đã gieo trồng căn lành sẽ được tăng trưởng; vì để làm cho những người có quả lành chưa chín muồi sẽ được chín muồi; vì để giảng thuyết cho những người mà quả lành đã chín muồi sẽ hướng đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; vì để làm cho những kẻ khinh rẻ pháp lành sẽ sanh lòng tôn trọng; vì để làm cho những kẻ buông thả, lười nhác sẽ lìa bỏ thói xấu buông thả, lười nhác; vì cùng với các ông như Văn-thù-sư-lợi và hàng Đại Bồ Tát luận bàn nghĩa lý; vì muốn giáo hóa những người ưa thích tụng đọc [kinh diển], ưa thích thiền định; vì dùng Thánh hạnh, Phạm hạnh, Thiên hạnh để giáo hóa chúng sanh; vì quán xét các giáo pháp sâu xa không cùng chung [với hàng Nhị thừa]; vì muốn quở trách những đệ tử buông thả, lười nhác rằng: ‘Như Lai là bậc thường tĩnh lặng còn ưa thích nhập định, huống chi bọn các ông chưa dứt hết phiền não lại sanh ra buông thả, lười nhác hay sao?’; vì muốn quở trách những tỳ-kheo xấu ác thu nhận và chất chứa tám thứ đồ vật không trong sạch, cùng những kẻ không biết giảm sự tham muốn, không tự biết đủ; vì làm cho chúng sanh tôn trọng pháp thiền định đã được nghe.
“Vì [tất cả] các nhân duyên như vậy mà [hôm nay] Như Lai vào hang thiền định [sâu thẳm].”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch: “Thế Tôn! Phép định không hình tướng gọi là Đại Niết-bàn. Do đó Niết-bàn gọi là không có tướng. Vì nhân duyên gì gọi là không có tướng?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Vì [Niết-bàn] không có mười tướng. Những gì là mười tướng? Một là tướng hình sắc, hai là tướng âm thanh, ba là tướng mùi hương, bốn là tướng vị nếm, năm là tướng xúc chạm, sáu là tướng sanh ra, bảy là tướng trụ lại, tám là tướng hư hoại, chín là tướng nam, mười là tướng nữ. Đó gọi là mười tướng. Vì không có những tướng ấy nên gọi là không có tướng.
“Thiện nam tử! Nếu vướng mắc nơi tướng ắt có thể sanh ra si mê; vì si mê nên sanh tham ái; vì tham ái nên bị trói buộc; vì chịu trói buộc nên phải thọ sanh; vì thọ sanh nên có sự chết; vì có sự chết nên là vô thường.
“Nếu không vướng mắc nơi các tướng ắt không sanh ra si mê. Vì không sanh ra si mê nên không có tham ái. Vì không có tham ái nên không bị trói buộc. Vì không bị trói buộc nên không phải thọ sanh. Vì không thọ sanh nên không có sự chết. Vì không có sự chết nên gọi là thường. Vì nghĩa ấy nên Niết-bàn là thường.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Những tỳ-kheo nào dứt trừ được mười tướng ấy?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có tỳ-kheo nào thường tu tập ba loại tướng [sau đây] ắt sẽ dứt trừ được mười tướng đó. Một là thường tu tập tướng định, hai là thường tu tập tướng trí tuệ, ba là thường tu tập tướng buông xả. Đó gọi là ba loại tướng [có thể dứt trừ mười tướng kia].”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch: “Thế Tôn! Vì sao gọi là các tướng định, trí tuệ, buông xả? Định tức là tam-muội. Tất cả chúng sanh đều có tam-muội, vì sao còn nói rằng tu tập tam-muội? Nếu chú tâm vào một cảnh duy nhất thì gọi là định, hay tam-muội. Nếu còn duyên theo những cảnh khác thì không gọi là tam-muội. Nếu không có định thì không phải bậc nhất thiết trí. Không phải bậc nhất thiết trí làm sao gọi là định? Nếu chỉ dùng một công hạnh mà được tam-muội thì mọi công hạnh khác đều chẳng phải tam-muội! Nếu không phải tam-muội ắt không phải là nhất thiết trí. Nếu không phải nhất thiết trí, vì sao lại gọi là tam-muội? Đối với hai tướng trí tuệ và buông xả cũng đều như vậy.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Như lời ông vừa nói: ‘Duyên với một cảnh gọi là tam-muội, còn duyên với những cảnh khác nữa thì không gọi là tam-muội.’ Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? [Nói] các duyên khác đó cũng chỉ là một cảnh mà thôi. Về các công hạnh [khác nhau] cũng vậy.
“Ông lại nói rằng: ‘Chúng sanh vốn có tam-muội từ trước, không cần tu tập. Nghĩa ấy cũng không đúng, Vì sao vậy? Nói tam-muội đây tức là phép tam-muội hiền thiện, thật ra tất cả chúng sanh đều chưa có! Vậy sao có thể nói rằng không cần tu tập?
“Trụ yên trong phép tam-muội hiền thiện ấy mà quán xét tất cả các pháp, đó gọi là tướng trí tuệ hiền thiện. Không thấy có hai tướng tam-muội và trí tuệ khác nhau, đó gọi là tướng buông xả.
“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu chấp giữ tướng của sắc thì không thể quán các tướng thường và vô thường của sắc, đó gọi là tam-muội. Nếu có thể quán các tướng thường và vô thường của sắc, đó gọi là tướng trí tuệ. Dùng tam-muội và trí tuệ tương đương nhau mà quán tất cả các pháp, đó gọi là tướng buông xả.
“Thiện nam tử! Như người khéo cầm cương cỗ xe bốn ngựa, chạy nhanh hay chậm đều được cả. Vì chạy nhanh hay chậm đều được cả nên gọi là không vướng mắc. Bồ Tát cũng vậy; nếu phần tam-muội [hay định] nhiều hơn liền tu tập trí tuệ; nếu phần trí tuệ nhiều hơn liền tu tập định. Định và tuệ tương đương nhau gọi là buông xả.
“Thiện nam tử! Hàng Bồ Tát Thập trụ vì sức tuệ vượt hơn sức định nên không thấy rõ tánh Phật. Hàng Thanh văn và Duyên giác vì sức định vượt hơn sức tuệ nên không thấy tánh Phật. Chư Phật Thế Tôn do định và tuệ tương đương nhau nên thấy được tánh Phật một cách rõ ràng, không ngăn ngại, như nhìn trái am-ma-lặc trong lòng bàn tay. Thấy rõ được tánh Phật, đó gọi là tướng buông xả.
“[Tam-muội còn gọi là] xa-ma-tha, nghĩa là có năng lực trừ diệt, vì trừ diệt được tất cả phiền não trói buộc. Lại nữa, xa-ma-tha nghĩa là có năng lực điều phục, vì điều phục được các căn bất thiện. Xa-ma-tha lại có nghĩa là vắng lặng yên tĩnh, vì có thể làm cho ba nghiệp đều vắng lặng yên tĩnh. Xa-ma-tha lại có nghĩa là xa lìa, vì có thể khiến chúng sanh xa lìa năm dục. Xa-ma-tha lại có nghĩa là có năng lực làm trong sạch, vì có thể làm cho ba pháp uế trược là tham dục, sân khuể và ngu si trở nên trong sạch. Vì những nghĩa ấy nên gọi đây là tướng định.
“[Trí tuệ còn gọi là] tỳ-bà-xá-na, nghĩa là thấy biết chân chánh, cũng gọi là thấy biết trọn vẹn rõ ràng, hoặc có năng lực thấy biết, hoặc thấy biết khắp nơi, hoặc tuần tự thấy biết, hoặc thấy biết phân biệt các tướng riêng biệt [của các pháp]. Đó gọi là trí tuệ.
“[Buông xả còn gọi là] ưu-tất-xoa, nghĩa là bình đẳng, cũng gọi là không tranh giành, cũng gọi là không quán xét, cũng gọi là không hành trì. Đó gọi là buông xả.
“Thiện nam tử! Có hai loại xa-ma-tha, một là trong vòng thế gian, hai là ra khỏi thế gian. Lại có hai loại [xa-ma-tha], một là thành tựu, hai là không thành tựu. Thành tựu là nói chư Phật, Bồ Tát; không thành tựu là nói hàng Thanh văn, Phật Bích-chi.
“Lại có ba mức độ [xa-ma-tha] là mức độ thấp, mức độ trung bình và mức độ cao. Mức độ thấp là nói hạng phàm phu; mức độ vừa là nói hàng Thanh văn, Duyên giác; mức độ cao là nói chư Phật, Bồ Tát.
“Lại có bốn loại [xa-ma-tha]. Một là thối lui, hai là trụ vững, ba là tiến tới, bốn là có thể làm lợi ích lớn.
“Lại có năm loại [xa-ma-tha] gọi là Ngũ trí tam-muội. Những gì là năm? Một là tam-muội Vô thực, hai là tam-muội Vô quá, ba là tam-muội Thân ý thanh tịnh nhất tâm, bốn là tam-muội Nhân quả câu lạc, năm là tam-muội Thường niệm.
“Lại có sáu loại [xa-ma-tha]. Một là phép tam-muội quán xương trắng, hai là phép tam-muội quán tâm từ, ba là phép tam-muội quán Mười hai nhân duyên, bốn là phép tam-muội quán sổ tức, đếm hơi thở vào ra, năm là phép tam-muội chánh niệm giác quán, sáu là phép tam-muội quán [các pháp] sanh ra, tồn tại, biến đổi và diệt mất.
“Lại có bảy loại [xa-ma-tha], tức là Bảy giác phần. Một là Niệm xứ giác phần, hai là Trạch pháp giác phần, ba là Tinh tấn giác phần, bốn là Hỷ giác phần, năm là Trừ giác phần, sáu là Định giác phần, bảy là Xả giác phần.
“Lại có bảy loại [xa-ma-tha]. Một là tam-muội [của hàng] Tu-đà-hoàn, hai là tam-muội [của hàng] Tư-đà-hàm, ba là tam-muội [của hàng] A-na-hàm, bốn là tam-muội [của hàng] A-la-hán, năm là tam-muội [của các vị] Phật Bích-chi, sáu là tam-muội [của các vị] Bồ Tát, bảy là tam-muội rõ biết của Như Lai.
“Lại có tám loại [xa-ma-tha], tức là tám phép tam-muội giải thoát.
“Một là phép tam-muội bên trong có tướng hình sắc, bên ngoài quán hình sắc mà đạt được giải thoát.
“Hai là phép tam-muội bên trong không có tướng hình sắc, bên ngoài quán hình sắc mà đạt được giải thoát.
“Ba là phép tam-muội tự mình chứng đắc cảnh giới thanh tịnh mà đạt được giải thoát.
“Bốn là phép tam-muội chứng đắc cảnh giới rỗng không vô biên mà đạt được giải thoát.
“Năm là phép tam-muội chứng đắc cảnh giới của thức mà đạt được giải thoát.
“Sáu là phép tam-muội chứng đắc cảnh giới không có sự hiện hữu mà đạt được giải thoát.
“Bảy là phép tam-muội chứng đắc cảnh giới không thuộc về có tư tưởng hay không có tư tưởng mà đạt được giải thoát.
“Tám là phép tam-muội chứng đắc cảnh giới hoàn toàn tịch diệt mà đạt được giải thoát.
“Lại có chín loại [xa-ma-tha], đó là chín phép định tuần tự đạt được, gồm có Bốn mức thiền [từ Sơ thiền đến Tứ thiền], Bốn không xứ [gồm Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ] và phép tam-muội Diệt tận định.
“Lại có mười loại [xa-ma-tha] gọi là Mười tam-muội nhất thiết xứ.
“Những gì là mười? Một là tam-muội Địa nhất thiết xứ, hai là tam-muội Thủy nhất thiết xứ, ba là tam-muội Phong nhất thiết xứ, bốn là tam-muội Thanh nhất thiết xứ, năm là tam-muội Hoàng nhất thiết xứ, sáu là tam-muội Xích nhất thiết xứ, bảy là tam-muội Bạch nhất thiết xứ, tám là tam-muội Không nhất thiết xứ, chín là tam-muội Thức nhất thiết xứ, mười là tam-muội Vô sở hữu nhất thiết xứ.
“Lại có nhiều vô số các loại [xa-ma-tha], đó là nói [các phép tam-muội] của chư Phật, Bồ Tát.
“Thiện nam tử! Đó gọi là tướng định.
“Thiện nam tử! Có hai loại trí tuệ, một là thuộc về thế gian, hai là vượt ngoài thế gian.
“Lại có ba loại [trí tuệ]. Một là trí bát-nhã, hai là trí tỳ-bà-xá-na, ba là trí xà-na.
“Trí bát-nhã là nói tất cả chúng sanh. Trí tỳ-bà-xá-na là nói tất cả thánh nhân. Trí xà-na là nói chư Phật và Bồ Tát.
“Lại nữa, trí bát-nhã gọi là tướng riêng biệt, trí tỳ-bà-xá-na gọi là tướng chung, trí xà-na gọi là phá sạch các tướng.
“Lại có bốn loại [trí tuệ], đó là nói việc quán xét Bốn chân đế.
“Thiện nam tử! [Người tu hành] vì ba việc mà tu tập xa-ma-tha. Đó là ba việc gì? Một là để không buông thả, lười nhác; hai là để trang nghiêm trí tuệ lớn lao; ba là để đạt được sự tự do hoàn toàn không trói buộc.
“Lại nữa, [người tu hành] vì ba việc mà tu tập tỳ-bà-xá-na. Đó là ba việc gì? Một là để quán xét thấy được quả báo xấu ác của sanh tử [luân hồi]; hai là để làm tăng trưởng các căn lành; ba là để phá trừ tất cả các phiền não.”