Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
TẮC 61: PHONG HUYỆT NƯỚC NHÀ HƯNG THẠNH
LỜI DẪN: Dựng pháp tràng lập tông chỉ lại là hàng bổn phận Tông sư. Định rắn rồng, rành đen trắng, phải là hàng tri thức tác gia. Trên kiếm bén luận sống chết, trên đầu gậy biện cơ nghi thì gác lại, hãy nói việc riêng đứng trong hoàn vũ, một câu làm sao thương lượng, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Phong Huyệt dạy: Nếu lập một hạt bụi thì nước nhà hưng thạnh, chẳng lập một hạt bụi thì nước nhà tan mất. Tuyết Đậu cầm gậy nói: Lại có Thiền tăng đồng sanh đồng tử chăng ?
GIẢI THÍCH: Như Phong Huyệt dạy chúng nói: Nếu lập một hạt bụi thì nước nhà hưng thạnh, chẳng lập một hạt bụi thì nước nhà tan mất. Hãy nói lập một hạt bụi tức phải, chẳng lập một hạt bụi tức phải ? Trong đây phải là đại dụng hiện tiền mới được. Thế nên nói: Giả sử trước câu nói tiến được, vẫn là kẹt vỏ quên niêm, dù cho dưới câu tinh thông, chưa khỏi chạm phải cuồng kiến. Phong Huyệt là bậc tôn túc trong tông Lâm Tế, dùng thẳng bổn phận thảo liệu. Nếu lập một hạt bụi thì nước nhà hưng thạnh, lão quê buồn rầu, ý ở lập quốc an bang phải nhờ mưu thần dũng tướng, nhiên hậu mới kỳ lân xuất hiện, phụng hoàng bay về, là điềm tốt thái bình. Người ở trong thôn ba nhà kia nào biết có việc ấy. Chẳng lập một hạt bụi thì nước nhà tan mất, gió thổi vèo vèo, lão quê vì sao hát ca ? Chỉ vì nước nhà tan mất. Trong tông Tào Động gọi đó là chỗ chuyển biến, không Phật không chúng sanh, không phải không quấy, không tốt không xấu, bặt âm vang tung tích. Vì thế nói: Mạt vàng tuy quí, rơi trong con mắt cũng thành bệnh. Lại nói: Mạt vàng trong mắt là bệnh, y châu trên pháp là trần, kỷ linh còn chẳng trọng, Phật Tổ là người gì ? Bảy xoi tám thủng thần thông diệu dụng chẳng cho là kỳ đặc. Đến trong đây, “trùm chăn phủ đầu muôn việc thôi, khi này Sơn tăng trọn chẳng hội”. Nếu lại nói tâm nói tánh, nói huyền nói diệu đều dùng chẳng được. Vì sao ? Vì nhà kia tự có cảnh thần tiên. Nam Tuyền dạy chúng: Ở Hoàng Mai bảy trăm vị Cao tăng đều là người hiểu Phật pháp, mà chẳng được y bát của Tổ, chỉ có ông cư sĩ họ Lư chẳng hiểu Phật pháp, cho nên được y bát của Tổ. Lại nói: Chư Phật ba đời chẳng tri hữu, mèo nhà trâu trắng lại tri hữu. Lão quê hoặc buồn rầu, hoặc ca hát, hãy nói làm sao hiểu ? Lão quê đủ con mắt gì lại thế ấy ? Nên biết trước cửa lão quê riêng có điều chương. Tuyết Đậu nêu cả hai lên rồi, lại cầm gậy nói, lại có Thiền tăng đồng sanh đồng tử chăng ? Khi ấy nếu có một người ra nói được một câu lẫn làm chủ khách, khỏi bị lão Tuyết Đậu phần sau tự chỉ ngực.
TỤNG: Dã lão tùng giao bất triển mi
Thả đồ gia quốc lập hùng ki
Mưu thần dũng tướng kim hà tại !
Vạn lý thanh phong chỉ tự tri.
DỊCH: Lão dốt từđây chẳng nhướng mày
Vả mong nước nhà lập nền tài
Mưu thần dũng tướng nay đâu tá !
Muôn dặm gió lành chỉ tự hay.
GIẢI TỤNG: Vừa rồi song đề vậy, trong đây lại nắm một bên, buông một bên, bồi dài bổ ngắn, bỏ nặng theo nhẹ. Vì thế nói: “Lão dốt từđây chẳng nhướng mày, vả mong nước nhà lập nền tài, mưu thần dũng tướng nay đâu tá.” Tuyết Đậu cầm cây gậy nói: “Lại có Thiền tăng đồng sanh đồng tử chăng ?” Giống như nói lại có mưu thần dũng tướng chăng ? Một cái miệng nuốt tất cả người rồi vậy. Do đó nói: Đất rộng người thưa, gặp nhau rất ít. Lại có biết nhau chăng, ra đây một hầm chôn hết. “Muôn dặm gió lành chỉ tự hay”, chính là chỗ Tuyết Đậu chỉ ngực vậy. TẮC 62: VÂN MÔN TRONG CÓ MỘT HÒN NGỌC
LỜI DẪN: Lấy trí vô sư phát diệu dụng vô tác, lấy lòng từ vô duyên làm bạn tốt chẳng thỉnh. Nhằm trong một câu có chết có sống, ở trong một cơ có tha có bắt. Hãy nói người nào từng thế ấy đến, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Vân Môn dạy chúng: Trong càn khôn giữa vũ trụ, ở trong có hòn ngọc báu ẩn tại hình sơn, cầm lồng đèn đến trong điện Phật, đem ba cửa đến trên lồng đèn.
GIẢI THÍCH: Vân Môn nói trong càn khôn giữa vũ trụ, ở trong có hòn ngọc báu ẩn tại hình sơn, hãy nói Vân Môn ý tại cần câu, ý tại lồng đèn ? Đây là mấy câu trong luận Bảo Tạng của Triệu Pháp sư, Vân Môn trích ra dạy chúng. Khi Triệu Công ở vườn Tiêu Dao thời Hậu Tần làm luận, viết kinh Duy-ma-cật, mới biết Lão Trang chưa phải hay tột. Triệu Công lễ La Thập làm thầy, lại đến tham vấn Bồ-tát Bạt-đà-ba-la ở chùa Ngõa Quan, vốn là đệ tử được truyền tâm ấn của Tổ thứ hai mươi bảy ởẤn Độ. Triệu Công thâm nhập được chỗ sâu kín. Một hôm, Triệu Công bị nạn sắp hành hình, xin hẹn lại bảy ngày viết xong bộ luận Bảo Tạng. Vân Môn trích bốn câu trong luận dạy chúng. Đại ý nói làm sao lấy được hòn ngọc báu vô giá ẩn trong ấm giới. Lời nói trong luận cùng lối thuyết thoại trong tông môn phù hợp nhau. Cảnh Thanh hỏi Tào Sơn: Lý thanh hư khi cứu kính không thân thì thế nào ? Tào Sơn đáp: Lý tức như thế, sự lại làm sao ? Thanh thưa: Như lý như sự. Tào Sơn bảo: Lừa một mình Tào Sơn thì được, đối với con mắt chư Thánh làm gì được. Thanh thưa: Nếu không có con mắt chư Thánh, đâu biết chẳng thế ấy. Tào Sơn bảo: công chẳng cho lọt mũi kim, tư thì xe ngựa cũng qua. Vì thế nói: Trong càn khôn, giữa vũ trụ, trong có hòn ngọc báu ẩn tại hình sơn. Đại ý nói người người đầy đủ, mỗi mỗi viên thành. Vân Môn trích ra dạy chúng đã là thập phần hiện thành, không thể giống như Tọa chủ lại vì ông chú giải. Sư vẫn mở lòng từ bi, vì ông chú cước nói “cầm lồng đèn đến trong điện Phật, đem ba cửa đến trên lồng đèn”. Thử nói Vân Môn nói thế ấy, ý tại chỗ nào ? Cổ nhân nói: “Thật tánh vô minh tức Phật tánh, thân không huyễn hóa tức Pháp thân.” Lại nói “chính phàm tâm mà thấy Phật tâm”. Hình sơn tức là tứ đại ngũấm. Trong có hòn ngọc báu ẩn tại hình sơn, cho nên nói: “Chư Phật tại đầu tâm, người mê chạy ngoài tầm, trong ôm báu vô giá, chẳng biết một đời thôi.” Lại nói: “Phật tánh rõ ràng hiển hiện, trụ tướng hữu tình khó thấy, nếu ngộ chúng sanh vô ngã, mặt ta nào khác mặt Phật. Tâm là tâm xưa nay, mặt là mặt thuở bé, kiếp thạch khá đổi dời, cái kia không cải biến.” Có người chỉ nhận cái sáng tỏ linh minh là ngọc báu, thế là chẳng được cái dụng của nó, cũng chẳng được cái diệu của nó. Vì thế, động chuyển chẳng được, xô lăn chẳng xong. Cổ nhân nói: Cùng thì biến, biến thì thông. Câu “cầm lồng đèn đến trong điện Phật”, nếu là thường tình còn có thể lường xét được. Câu “đem ba cửa đến trên lồng đèn” lại lường xét được chăng ? Vân Môn một lúc vì ông đả phá tình thức ý tưởng, được mất phải quấy rồi. Tuyết Đậu nói: Tôi mến Thiều Dương tân định cơ, một đời vì người tháo đinh nhổ chốt. Lại nói: Ngồi trên giường gỗ biết bao nhiêu, đao bén cắt đi khiến người mến. Vân Môn nói cầm lồng đèn vào trong điện Phật, một câu này đã cắt đứt rồi vậy. Lại đem ba cửa đến trên lồng đèn, nếu luận việc này như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện chớp. Vân Môn nói: “Nếu ông tương đương hãy tìm đường vào. Chư Phật như vi trần ở dưới gót chân ông, ba tạng thánh giáo ở trên đầu lưỡi ông, chẳng bằng hãy ngộ đi. Hòa thượng con ! Chớ vọng tưởng, trời là trời, đất là đất, núi là núi, nước là nước, Tăng là Tăng, tục là tục.” Sư im lặng giây lâu, nói tiếp: Đem án sơn trước mặt lại cho ta xem ? Có vị Tăng ra hỏi: Học nhân khi thấy núi là núi, nước là nước thì thế nào ? Vân Môn bảo: Ba cửa vì sao từ trong này qua, e ông chết đi. Sư bèn lấy tay vẽ một nét nói: Khi biết được là thượng vị đề-hồ, nếu biết chẳng được trở thành độc dược. Vì thế nói: “Liễu liễu, khi liễu không sở liễu, huyền huyền, chỗ huyền cần phải chê.”
Tuyết Đậu niêm rằng: “Trong càn khôn giữa vũ trụ trong có hòn ngọc báu ẩn tại hình sơn, treo ở trên vách, Đạt-ma chín năm chẳng dám để mắt nhìn thẳng, nay Thiền tăng cần thấy, nhằm ngay xương sống liền đánh.” Xem Sư là bổn phận Tông sư trọn chẳng đem thật pháp trói buộc người. Huyền Sa nói: Bủa vây chẳng chịu đứng, kêu gọi chẳng quay đầu, tuy nhiên thế ấy cũng là rùa linh lê đuôi. Tuyết Đậu tụng ra:
TỤNG: Khán khán
Cổ ngạn hà nhân bảđiếu can
Vân nhiễm nhiễm
Thủy man man
Minh nguyệt lô hoa quân tự khan.
DỊCH: Xem xem
Bờ xưa người nào cầm cần câu
Mây mịt mịt
Nước mênh mông
Trăng sáng hoa lau anh tự xem.
GIẢI TỤNG: Nếu biết được lời Vân Môn liền thấy chỗ Tuyết Đậu vì người. Sư nhằm hai câu sau của Vân Môn dạy chúng liền vì ông chú cước: “Xem xem.” Ông liền giương mày trừng mắt hội, vẫn không dính dáng. Cổ nhân nói: “Linh quang riêng sáng, vượt khỏi căn trần, thể bày chân thường, chẳng nên văn tự, tâm tánh không nhiễm, vốn tự viên thành, chỉ lìa vọng duyên, tức như như Phật.” Nếu chỉ nhằm chỗ giương mày trừng mắt, ngồi như chết đâu thể thoát được căn trần. Tuyết Đậu nói: Xem ! Xem ! Vân Môn giống như ở trên bờ xưa cầm cần câu. Mây lại mịt mịt, nước lại mênh mông, trăng sáng chiếu hoa lau, hoa lau chiếu trăng sáng, chính ngay khi này là cảnh giới gì ? Nếu thẳng đó thấy được thì trước sau chỉ giống như một câu. TẮC 63: NAM TUYỀN CHẶT CON MÈO
LỜI DẪN: Đường ý chẳng đến nên khéo đề ra, nói năng chẳng kịp phải mau để mắt. Nếu là điện xẹt sao băng liền hay nghiêng hồ lộn núi. Trong chúng có người biện được chăng, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Ở Nam Tuyền, một hôm nhà Đông nhà Tây tranh nhau một con mèo. Nam Tuyền thấy liền đề khởi: Nói được thì chẳng chặt. Chúng không nói được. Nam Tuyền chặt con mèo làm hai khúc.
GIẢI THÍCH: Hàng Tông sư một động một tịnh, một ra một vào, hãy nói ý chỉ thế nào ? Câu chuyện chặt con mèo, trong tùng lâm khắp nơi bàn tán xôn xao. Có người nói: Chỗ đề khởi liền phải. Có người nói: Ở chỗ chặt. Hoàn toàn không dính dáng. Nam Tuyền nếu khi chẳng đề khởi khắp nơi cũng tạo tác đạo lý. Đâu chẳng biết, cổ nhân có con mắt định càn khôn, có cây kiếm định càn khôn. Ông hãy nói cứu kính là ai chặt con mèo ? Chỉ khi Nam Tuyền đề khởi: nói được tức chẳng chặt, chính khi ấy bỗng có người nói được thì Nam Tuyền chặt hay không chặt ? Vì thế nói: Chánh lệnh đương hành, ngồi đoạn mười phương, thoát ra xem ngoài trời, ai là người trong ấy ? Kỳ thật đương thời vốn chẳng chặt, thoại này cũng chẳng ở chỗ chặt cùng chẳng chặt. Việc này thật biết rõ ràng như thế, chẳng ở trên tình trần ý kiến mà tìm. Nếu nhằm trên tình trần ý kiến mà tìm thì cô phụ Nam Tuyền. Chỉ nhằm trên mũi nhọn kiếm bén xem thì có cũng được, không cũng được, chẳng có chẳng không cũng được. Vì thế cổ nhân nói: Cùng tắc biến, biến tắc thông. Người nay chẳng hiểu biến thông, chỉ nhằm trên ngôn cú chạy. Nam Tuyền đề khởi thế ấy, không thể bảo người hạ được lời gì ? Chỉ cần bảo người tự tiến, mỗi mỗi tự dụng tự biết. Nếu chẳng hiểu thế ấy, chợt dò tìm không đến. Tuyết Đậu đương đầu tụng ra:
TỤNG: Lưỡng đường câu thịđổ thiền hòa
Bác động yên trần bất nại hà
Lại đắc Nam Tuyền năng cử lệnh
Nhất đao lưỡng đoạn nhậm thiên pha.
DỊCH: Hai nhà đều hạng khách thiền xoàng
Khói bụi vạch tung vẫn mơ màng
Nhờ được Nam Tuyền hay hành lệnh
Một đao hai khúc mặc thiên bàn.
GIẢI TỤNG: Câu “hai nhà đều hạng khách thiền xoàng”, Tuyết Đậu chẳng nhằm chết dưới câu, cũng chẳng nhằm trước lừa, sau ngựa. Có chỗ vạch tung liền nói “khói bụi vạch tung vẫn mơ màng”. Tuyết Đậu cùng Nam Tuyền nắm tay cùng đi, một câu nói xong vậy. Thủ tọa hai nhà không có chỗ hết, đến nơi chỉ quản vạch tung khói bụi mà không làm gì được. Nhờ được Nam Tuyền vì kia đoạn công án này, thâu sạch hết kia, song trước chẳng đến thôn, sau chẳng tới quán. Vì thế nói: “Nhờ được Nam Tuyền hay hành lệnh, một đao hai khúc mặc thiên bàn.” Liền đó cho một đao thành hai khúc, chẳng quản có thiên lệch. Hãy nói Nam Tuyền y cứ lệnh gì ? TẮC 64: TRIỆU CHÂU ĐẦU ĐỘI GIÀY CỎ
CÔNG ÁN: Nam Tuyền thuật lại thoại đầu này hỏi Triệu Châu. Triệu Châu liền cởi giày cỏ đội trên đầu đi ra. Nam Tuyền nói: Nếu khi ấy có mặt ông, đã cứu được con mèo.
GIẢI THÍCH: Triệu Châu là đích tử của Nam Tuyền, nói đầu hiểu đuôi, cử đến là biết chỗ rơi. Nam Tuyền đến chiều thuật lại lời khi sáng hỏi Triệu Châu, Triệu Châu là lão tác gia, liền cởi giày cỏ đội trên đầu đi ra. Nam Tuyền nói: Khi ấy nếu có mặt ông, đã cứu được con mèo. Thử nói thật thế ấy, chẳng thật thế ấy ? Nam Tuyền nói: “nói được thì không chặt”, như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện chớp. Triệu Châu liền cởi giày cỏ đội trên đầu đi ra. Sư tham câu sống chẳng tham câu chết, ngày ngày mới, giờ giờ mới, ngàn Thánh dời đổi một mảy tơ cũng chẳng được. Phải là vận dụng được của báu nhà mình, mới thấy toàn cơ đại dụng của Sư. Sư nói ta là vua pháp, đối với pháp được tự tại. Nhiều người hiểu lầm nói Triệu Châu quyền biến đem giày cỏ làm con mèo. Có người nói: Đợi kia bảo, nói được thì không chặt, liền đội giày cỏ đi ra, tự là ông chặt con mèo, chẳng can việc của tôi. Vẫn không dính dáng, chỉ là đùa tinh hồn. Đâu chẳng biết ý cổ nhân như trời khắp che, tợ đất khắp chở. Cha con Sư hợp nhau, cơ phong khế nhau, bên này đưa đầu bên kia liền hiểu đuôi. Học giả thời nay chẳng biết chỗ cổ nhân chuyển, chạy rỗng trên đường ý suy tính. Nếu cần thấy, chỉ đến chỗ chuyển của Nam Tuyền, Triệu Châu liền thấy.
TỤNG: Công án viên lai vấn Triệu Châu
Trường An thành lý nhậm nhàn du
Thảo hài đầu đới vô nhân hội
Qui đáo gia sơn tức tiện hưu.
DỊCH: Công án tròn rồi hỏi Triệu Châu
Trường An thành ấy mặc nhàn du
Đầu đội giày cỏ không người hiểu
Về đến gia sơn thì mới thôi.
GIẢI TỤNG: “Công án tròn rồi hỏi Triệu Châu”, Tạng chủ Khánh nói: Giống như người kết án tám gậy là tám gậy, mười ba là mười ba, đã đoạn rồi. Lại đem ra hỏi Triệu Châu. Triệu Châu là con trong nhà ấy, hiểu ý chỉ của Nam Tuyền, là người thấu triệt, đè đến chọi đến liền chuyển, đầy đủ đầu mắt của bậc bổn phận tác gia, vừa nghe nhắc đến liền đứng dậy đi ra. Tuyết Đậu nói: “Trường An thành ấy mặc nhàn du”, ló đuôi chẳng ít. Cổ nhân nói: Trường An tuy vui chẳng nên ở lâu. Lại nói: Trường An rất ồn, nước tôi an ổn. Phải là biết cơ nghi, rành tốt xấu mới được. “Đầu đội giày cỏ không người hiểu”, chỗ đội giày cỏ, một tí xíu này không có nhiều việc. Vì thế nói: “duy ta hay biết, duy ta hay chứng”, mới thấy được Nam Tuyền, Triệu Châu, Tuyết Đậu chỗ đồng đắc đồng dụng. Hãy nói nay làm sao hội ? “Về đến gia sơn thì mới thôi”, chỗ nào là gia sơn của kia ? Nếu chẳng hội ắt chẳng nói thế ấy. Kia đã hội, hãy nói gia sơn ở chỗ nào ? Liền đánh. TẮC 65: NGOẠI ĐẠO NGỰA HAY BÓNG ROI
LỜI DẪN: Không tướng mà hiện đầy mười phương mà phương rộng, không tâm mà ứng dụng khắp sát hải mà chẳng phiền. Cử một rõ ba, mục cơ thù lượng. Dù cho gậy như mưa rơi, hét tợ sấm dậy cũng chưa xứng với hành lý của người hướng thượng. Hãy nói thế nào là việc người hướng thượng, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Ngoại đạo hỏi Phật: Chẳng hỏi có lời, chẳng hỏi không lời ? Thế Tôn lặng thinh giây lâu. Ngoại đạo tán thán: Thế Tôn đại từ đại bi vẹt mây mù cho con, khiến con được vào. Ngoại đạo đi rồi, A-nan hỏi Phật: Ngoại đạo chứng được cái gì mà nói được vào ? Phật bảo: Như ngựa hay ở đời, thấy bóng roi liền chạy.
GIẢI THÍCH: Việc này nếu ở trên ngôn cú thì tam thừa mười hai phần giáo há không có ngôn cú. Hoặc nói không nói là phải. Vậy Tổ sư Tây sang làm gì ? Từ trước đến đây khá nhiều công án, cứu kính làm sao thấy được chỗ rơi ? Một công án này có nhiều người hiểu khác nhau. Có người nói làm thinh, có người nói ngồi yên, có người nói lặng lẽ chẳng đáp. Tức cười không dính dáng, biết bao giờ mò tìm đến được ? Việc này hẳn chẳng ở trên ngôn cú, cũng chẳng lìa ngôn cú, nếu vừa có nghĩ nghị liền cách xa ngàn dặm muôn dặm. Xem ngoại đạo kia, sau khi tỉnh ngộ mới biết, cũng chẳng ởđây, cũng chẳng ở kia, cũng chẳng ở phải, cũng chẳng ở chẳng phải. Hãy nói là cái gì ? Hòa thượng Thiên Y Hoài tụng: “Duy-ma chẳng nín chẳng làm thinh, ngồi yên thương lượng thành lỗi lầm, trong giáp suy mao ánh sáng lạnh, ngoại đạo thiên ma đều bó tay.” Hòa thượng Thường ở Bá Trượng đến tham vấn Pháp Nhãn, Pháp Nhãn dạy khán câu này. Một hôm Pháp Nhãn hỏi: Ông khán nhân duyên gì ? Thường thưa: Ngoại đạo hỏi Phật. Pháp Nhãn bảo: Thử cử xem. Thường toan mở miệng, Pháp Nhãn bảo: Dừng ! Dừng ! Ông toan nhằm chỗ im lặng hội ư ? Thường ngay câu nói này bỗng nhiên đại ngộ. Sau Sư dạy chúng: “Bá Trượng có ba quyết, uống trà trân trọng hết, nghĩ nghị cùng tư duy, biết anh vẫn chưa triệt.” Thúy Nham chân điểm ngực niêm: “Lục hợp cửu hữu, xanh vàng đỏ trắng mỗi mỗi xen lẫn, ngoại đạo hiểu kinh, luận Tứ Phệ-đà, tự nói ta là người nhất thế trí. Nơi nơi tìm người nghị luận, y đặt câu hỏi cốt ngồi đoạn đầu lưỡi đức Thích-ca. Thế Tôn chẳng tốn mảy tơ khí lực, y liền tỉnh lấy, tán thán rằng: Thế Tôn đại từ đại bi vẹt mây mù cho con, khiến con được vào. Hãy nói thế nào là chỗ đại từ đại bi ? Thế Tôn một mắt thông tam thế, ngoại đạo hai tròng suốt ngũ thiên.” Chơn Như ở Qui Sơn niêm: “Ngoại đạo ôm ấp ngọc quí, Thế Tôn chính vì đề cao, sum la hiển hiện vạn tượng rõ ràng. Cứu kính ngoại đạo ngộ cái gì ? Như đuổi chó dồn vào tường, tột cùng ắt không có lối thoát, nó phải xoay đầu lại liền được linh động.” Nếu so tính phải quấy một lúc buông hết, tình sạch kiến trừ, tự nhiên triệt để phân minh. Ngoại đạo đi rồi, A-nan hỏi Phật: Ngoại đạo chứng cái gì mà nói được chỗ vào ? Phật bảo: Như ngựa hay ở đời, thấy bóng roi liền chạy. Sau này các nơi nói: Lại bị gió đùa âm điệu khác. Lại nói: Đầu rồng đuôi rắn. Chỗ nào là bóng roi của Thế Tôn ? Chỗ nào là thấy bóng roi ? Tuyết Đậu nói: Tà chánh chẳng phân, lỗi do bóng roi. Chơn Như nói: A-nan lại đóng chuông vàng, bốn chúng đồng nghe. Tuy nhiên như thế, rất giống hai con rồng giành hạt châu, thêm lớn uy phong của người trí. Tuyết Đậu tụng ra:
TỤNG: Cơ luân tằng vị chuyển
Chuyển tất lưỡng đầu tẩu
Minh cảnh hốt lâm đài
Đương hạ phân nghiên xú.
Nghiên xú phân hề mê vân khai
Từ môn hà xứ sanh trần ai
Nhân tư lương mã khuy tiên ảnh
Thiên lý truy phong hoán đắc hồi.
Hoán đắc hồi, minh chỉ tam hạ.
DỊCH: Cơ luân chưa từng chuyển
Chuyển ắt chạy hai đầu
Gương sáng chợt đến đài
Liền đó phân tốt xấu.
Tốt xấu phân chừ mây mù khai
Cửa từ đâu đấy sanh trần ai
Nhân suy ngựa giỏi bóng roi thấy
Ngàn dặm truy phong gọi được về.
Gọi được về, khảy móng tay ba cái.
GIẢI TỤNG: Hai câu “cơ luân chưa từng chuyển, chuyển ắt chạy hai đầu”, cơ là linh cơ của ngàn Thánh, luân là mạng mạch của các người từ trước đến nay. Cổ nhân nói: “Linh cơ ngàn Thánh không dễ thân, rồng sanh rồng con chớ dõi theo, Triệu Châu đoạt được liền thành ngọc, Tần chúa Tương Như thảy táng thân.” Ngoại đạo nắm được đứng, làm được chủ, chưa từng động đến. Cớ sao ? Y nói: Chẳng hỏi có lời, chẳng hỏi không lời. Há chẳng phải chỗ toàn cơ ? Thế Tôn biết xem gió thả buồm, hợp bệnh cho thuốc. Vì thế im lặng giây lâu, toàn cơ đề khởi. Ngoại đạo hội được toàn thể, cơ luân liền lăn trùng trục, cũng chẳng chuyển về có, cũng chẳng chuyển về không, cũng chẳng rơi được mất, chẳng câu chấp phàm Thánh, hai bên một lúc dứt sạch. Thế Tôn vừa im lặng, y liền lễ bái. Người nay đa số rơi tại không, chẳng thế thì rơi vào có, chỉ quản tại chỗ có, không hai đầu chạy. Tuyết Đậu nói: “gương sáng chợt đến đài, liền đó phân tốt xấu”, cái này chẳng cần động đến, chỉ tiêu cái im lặng, giống như gương sáng đến đài, vạn tượng không thể trốn hình chất của nó. Ngoại đạo nói: “Thế Tôn đại từ đại bi, vẹt mây mù cho con, khiến con được vào.” Hãy nói chỗ nào là chỗ ngoại đạo vào ? Trong đây phải là mỗi người tự tham, tự cứu, tự ngộ, tự hội mới được. Ở tất cả chỗ đi đứng ngồi nằm chẳng hỏi cao thấp, một lúc hiện thành, lại chẳng dời đổi một mảy tơ. Vừa khởi so tính chừng một sợi tơ đạo lý, liền bít lấp chết người, lại không có phần đi vào. Phần sau tụng về “Thế Tôn đại từ đại bi, vẹt mây mù cho con, khiến con được vào”. “Liền đó phân tốt xấu, tốt xấu phân chừ mây mù khai, cửa từ đâu đấy sanh trần ai.” Cả quả đất là cửa đại từ đại bi của Thế Tôn, nếu ông thấu được chẳng tiêu một cái ấn tay, đây cũng là mở hoát cửa cổng. Đâu chẳng thấy Thế Tôn trong hai mươi mốt ngày suy nghĩ việc như thế, ta nên chẳng nói pháp, chóng vào Niết-bàn. “Nhân suy ngựa giỏi bóng roi thấy, ngàn dặm truy phong gọi được về.” Con ngựa hay đuổi gió thấy bóng roi đã chạy qua ngàn dặm, gọi về liền về. Ý Tuyết Đậu khen y nói, “nếu là hàng anh tuấn mới có thể một cái động liền chuyển, một lời gọi liền về. Nếu gọi được về, liền khảy móng tay ba cái”. Hãy nói là điểm phá ? là ném cát ? TẮC 66: NHAM ĐẦU THÂU KIẾM HOÀNG SÀO
LỜI DẪN: Đương cơ đối mặt đề cao cơ hãm hổ, chánh án bàng đề, bày ra mưu lược bắt giặc. Sáng hiệp tối hiệp, hai buông hai thâu, giỏi đùa rắn chết, lại là tác giả kia.
CÔNG ÁN: Nham Đầu hỏi Tăng: Ởđâu đến ? Tăng thưa: Tây Kinh đến. Nham Đầu hỏi: Sau khi giặc Hoàng Sào qua rồi, lại thâu kiếm được chăng ? Tăng thưa: Thâu được. Nham Đầu đưa cổ ra, nói: Hè ! Tăng nói: Đầu Thầy rụng. Nham Đầu cười ha hả ! Sau vị Tăng này đến Tuyết Phong. Tuyết Phong hỏi: Ở đâu đến ? Tăng thưa: Ở Nham Đầu đến. Tuyết Phong hỏi: Có ngôn cú gì ? Tăng thuật lại việc trước. Tuyết Phong đánh ba mươi gậy đuổi ra.
GIẢI THÍCH: Phàm là người quảy túi mang bát vạch cỏ xem gió, phải đủ con mắt hành cước mới được. Vị Tăng này mắt tợ sao băng, cũng bị Nham Đầu khám phá xong, xỏ xâu lại. Đương thời nếu là kẻ kia, hoặc chết hoặc sống cử đến liền dùng. Vị Tăng lôi thôi này lại nói: “Thâu được.” Đi hành cước thế ấy, lão Diêm-la sẽđòi tiền cơm ông. Ông này đi nát bao nhiêu đôi giày cỏ thẳng đến Tuyết Phong. Khi ấy nếu có đôi phần mắt sáng, liền biết liếc qua há chẳng thích sao ? Một nhân duyên này có chổ khúc mắc. Việc ấy tuy nhiên không được mất, mà được mất rất to, tuy nhiên không giản trạch, trong này lại cần đủ con mắt giản trạch. Xem Long Nha khi còn đi hành cước đặt câu hỏi, hỏi Đức Sơn: Học nhân nương kiếm Mạc Da nghĩ lấy đầu Thầy thì thế nào ? Đức Sơn đưa cổ ra nói: Hè ! Long Nha nói: Đầu Thầy rụng. Đức Sơn liền trở về phương trượng. Sau Long Nha thuật lại với Động Sơn, Động Sơn hỏi: Khi ấy Đức Sơn nói gì ? Long Nha thưa: Sư không nói. Động Sơn bảo: Sư không nói gác lại, cho mượn đầu Đức Sơn rụng xem ? Long Nha ngay câu nói đại ngộ, thắp hương trông xa về Đức Sơn lễ bái sám hối. Có vị Tăng truyền đến Đức Sơn, Đức Sơn nói: Lão Động Sơn chẳng biết tốt xấu, kẻ này chết bao lâu rồi, cứu được dùng vào chỗ nào ? Công án này với Long Nha là một loại. Đức Sơn trở về phương trượng ắt trong tối rất mầu. Nham Đầu cười to, trong cái cười có độc. Nếu có người biện được thì đi dọc ngang trong thiên hạ. Vị Tăng này khi ấy nếu biện được thì vượt qua ngàn xưa, khỏi bị kiểm trách, mà dưới cửa Nham Đầu một trường lầm lỗi. Xem lão nhân Tuyết Phong là bạn đồng tham nên biết chỗ rơi, cũng chẳng vì kia nói phá, chỉ đánh ba mươi gậy đuổi ra khỏi viện, khả dĩ không trước bặt sau. Cái này là nắm lỗ mũi hàng tác gia Thiền khách, thủđoạn vì người mà chẳng vì họ thế này hoặc thế nọ, khiến họ tự ngộ. Bậc bổn phận Tông sư vì người, có khi đậy kín không cho ló đầu, có khi tung ra cho chết dở, lại cần có chỗ xuất thân. Cả thảy Nham Đầu, Tuyết Phong ngược lại bị gã Tăng lôi thôi khám phá. Câu Nham Đầu hỏi: giặc Hoàng Sào qua rồi, có thâu được kiếm chăng, các ông hãy nói trong đây nên hạ lời gì khỏi bị kia cười, lại khỏi bị Tuyết Phong đánh đuổi ra ? Trong cái lầm lẫn này, nếu chẳng từng thân chứng thân ngộ, dù cho có lanh mồm lợi khẩu, cứu kính thấu thoát sanh tử cũng chẳng được. Sơn tăng bình thường dạy người xem chỗ chuyển của cơ quan này.
Nếu suy nghĩ, xa đó càng xa. Đâu chẳng thấy Đầu Tử hỏi Tăng Diêm Bình: Sau khi giặc Hoàng Sào qua rồi, lại thâu được kiếm chăng ? Tăng lấy tay chỉ dưới đất. Đầu Tử nói: Ba mươi năm đùa cỡi ngựa, ngày nay lại bị lừa đá. Xem vị Tăng này quả là bậc tác gia, chẳng nói thâu được, cũng chẳng nói thâu chẳng được, so với vị Tăng ở Tây Kinh như cách trời biển. Chơn Như niêm: Cổ nhân kia một người làm đầu, một người làm đuôi. Tuyết Đậu tụng ra:
TỤNG: Hoàng Sào quá hậu tằng thâu kiếm
Đại tiếu hoàn ưng tác giả tri
Tam thập sơn đằng thả khinh thứ
Đắc tiện nghi thị lạc tiện nghi.
DỊCH: Hoàng Sào giặc dứt từng thâu kiếm
Cười lớn lại là tác giả tri
Ba mươi gậy hãy còn tha nhẹ
Được tiện nghi là mất tiện nghi.
GIẢI TỤNG: Hai câu “Hoàng Sào giặc dứt từng thâu kiếm, cười lớn lại là tác giả tri”, Tuyết Đậu tụng vị Tăng này cùng chỗ Nham Đầu cười to. Cái nhỏ xíu này mà người trong thiên hạ mò tìm chẳng được. Hãy nói Sư cười cái gì ? Phải là bậc tác gia mới biết, trong cái cười này có quyền có thật, có chiếu có dụng, có chết có sống. Câu “ba mươi gậy hãy còn tha nhẹ”, tụng vị Tăng này sau đến Tuyết Phong đối diện, vẫn như xưa lỗ mãng, Tuyết Phong cứ lệnh mà hành, đánh ba mươi gậy đuổi ra. Hãy nói vì sao như thế ? Ông cần tận tình hiểu thoại này chăng ? “Được tiện nghi là mất tiện nghi.” TẮC 67: PHÓ ĐẠI SĨ GIẢNG KINH XONG
CÔNG ÁN: Lương Võ Đế thỉnh Phó Đại sĩ giảng kinh Kim Cang, Đại sĩ lên tòa ngồi vỗ bàn một cái, bước xuống tòa. Võ Đế ngạc nhiên, Chí Công hỏi: Bệ hạ hội chăng ? Võ Đế nói: Chẳng hội. Chí Công nói: Đại sĩ giảng kinh xong.
GIẢI THÍCH: Cao Tổ Lương Võ Đế họ Tiêu, húy là Diễn, tự Thúc Đạt, lập công nghiệp cho đến nối ngôi nhà Tề. Sau khi tức vị, ông riêng chú ngũ kinh giảng nghị, kính thờ Lão Tử rất mực, tánh tình chí hiếu. Một hôm, ông suy nghĩ về pháp xuất thế để đền ơn cha mẹ, liền bỏ đạo Lão theo đạo Phật. Ông thọ giới Bồ-tát với Pháp sư Lũ Ước, mặc áo cà-sa giảng kinh Phóng Quang Bát-nhã để đền ơn cha mẹ. Khi ấy, Chí Công Đại sĩ hiển dị hoặc chúng, bị giam trong khám. Chí Công phân thân du hóa trong thành ấp, một hôm, vua nhận biết cảm ngộ và rất kính trọng. Chí Công có những hạnh thầm hộẩn hiển không thể lường. Tại Vụ Châu có Đại sĩ ở núi Vân Hoàng, tự tay trồng hai cây gọi là Song thọ, tự xưng Đương Lai Thiện Huệ Đại sĩ. Một hôm, ông biên thư sai đệ tử dâng lên cho vua. Bấy giờ, triều thần cho ông không có tư cách quân thần nên chẳng nhận. Phó Đại sĩ sắp vào trong thành Kim Lăng bán cá. Võ Đế thỉnh Chí Công giảng kinh Kim Cang. Chí Công tâu: Bần đạo không thể giảng, trong chợ có Phó Đại sĩ hay giảng kinh này. Vua hạ chiếu mời Đại sĩ vào trong cung. Phó Đại sĩ đã đến, lên giảng tòa vỗ bàn một cái, xuống tòa. Khi ấy liền xô nhào khỏi thấy một trường rối bời, lại bị Chí Công nói: Bệ hạ hội chăng ? Vua nói: Chẳng hội. Chí Công tâu: Đại sĩ giảng kinh xong. Thế là một người làm đầu một người làm đuôi. Chí Công nói thế ấy, mộng thấy Phó Đại sĩ không ? Nhất đẳng là đùa tinh hồn, cái này thật là kỳ đặc, tuy là rắn chết khéo đùa cũng sống. Đã là giảng kinh, sao không phân làm hai ? Như Tọa chủ tầm thường nói: “Thể Kim Cang kiên cố, mọi vật không thể hoại, dụng nó sắc bén hay dẹp muôn vật.” Giảng thuyết như thế, mới gọi là giảng kinh. Tuy nhiên như vậy, quí vị đâu chẳng biết Phó Đại sĩ chỉ nêu then chốt hướng thượng, lược bày mũi nhọn, khiến người biết chỗ rơi, chặt thẳng vì ông vách đứng vạn nhẫn. Vừa lúc bị Chí Công chẳng biết tốt xấu lại nói Đại sĩ giảng kinh xong. Chính là hảo tâm mà không được báo tốt. Như một chung rượu ngon, bị Chí Công lấy nước chế vào. Như một nồi canh, bị Chí Công lượm một viên phân chuột bỏ vào làm nhơ rồi. Hãy nói đã chẳng phải giảng kinh, cứu kính gọi là gì ?
TỤNG: Bất hướng Song Lâm ký thử thân
Khước ư Lương độ nhạ ai trần
Đương thời bất đắc Chí Công lão
Dã thị tê tê khứ quốc nhân.
DỊCH: Chẳng ở Song Lâm gởi thân tàn
Lại vào Lương độ dấy bụi vàng
Bấy giờ chẳng gặp Chí Công lão
Cũng phải bôn ba đến nước người.
GIẢI TỤNG: Hai câu “chẳng ở Song Lâm gởi thân tàn, lại vào Lương độ dấy bụi vàng”, Phó Đại sĩ cùng Đạt-ma gặp nhau một lối. Đạt-ma mới đến Kim Lăng gặp Võ Đế, Võ Đế hỏi: Thế nào là Thánh Đế nghĩa thứ nhất ? Đạt-ma đáp: Rỗng thênh không Thánh. Đế hỏi: Đối trẫm là ai ? Đạt-ma đáp: Không biết. Đế chẳng khế hội. Ngài liền qua sông đến Ngụy. Võ Đế đem việc đó hỏi Chí Công, Chí Công tâu: Bệ hạ biết người này chăng ? Đế nói: Chẳng biết. Chí Công tâu: Đây là Bồ-tát Quán Âm truyền tâm ấn Phật. Đế nghe hối hận sai sứ đi tìm. Chí Công tâu: Chớ bảo bệ hạ sai sứđi mời, người trong cả nước mời cũng chẳng trở lại. Vì thế, Tuyết Đậu nói: “Bấy giờ chẳng gặp Chí Công lão, cũng phải bôn ba đến nước người.” Bấy giờ nếu chẳng phải Chí Công vì Phó đại sĩ nói ra, cũng sẽ bị đuổi ra nước ngoài. Chí Công đã lắm lời, Võ Đế bị Sư lừa một trận. Đại ý Tuyết Đậu nói, chẳng phải Đại sĩ đến đất Lương giảng kinh vỗ bàn. Sở dĩ nói “sao chẳng ở Song Lâm gởi thân tàn”, là ăn cháo ăn cơm tùy phận qua ngày, lại đến đất Lương chỉ chú thế ấy, vỗ bàn rồi xuống tòa, chính là chỗ Sư làm dấy bụi. Đã là thù thắng thì mắt nhìn mây xanh, trên chẳng thấy có Phật, dưới chẳng thấy có chúng sanh. Nếu luận bên việc xuất thế thì chẳng khỏi đầu tro mặt đất, đem không làm có, đem có làm không, đem phải làm quấy, đem quấy làm phải, đem thô làm tế, ăn thịt uống rượu, nắm ngang dụng ngược, khiến tất cả người rõ được việc này. Nếu chẳng phóng hành thế ấy, thẳng đến Di-lặc hạ sanh cũng không có một người nửa người. Phó đại sĩ đã là dính bùn kẹt nước, may lại có tri âm. Nếu chẳng gặp lão Chí Công, hầu như bị đuổi khỏi nước rồi. Hãy nói hiện nay ở chỗ nào ? TẮC 68: NGƯỠNG SƠN ÔNG TÊN GÌ ?
LỜI DẪN: Lật cửa trời lộn trục đất, bắt cọp hủy (tê giác), biện rắn rồng, phải là kẻ linh động mới được. Câu câu hòa nhau, cơ cơ hợp nhau, từ trước đến nay, người nào được thế ấy, xin cử xem ?
CÔNG ÁN: Ngưỡng Sơn hỏi Tam Thánh: Ông tên gì ? Tam Thánh thưa: Huệ Tịch. Ngưỡng Sơn nói: Huệ Tịch là tên ta. Tam Thánh thưa: Huệ Nhiên. Ngưỡng Sơn cười hả hả!
GIẢI THÍCH: Tam Thánh là hàng tôn túc trong tông Lâm Tế, thuở nhỏ đã đủ khả năng xuất quần, có đại cơ đại dụng, ở trong chúng ngang ngang tàng tàng, tiếng vang khắp nơi. Sau từ giã Lâm Tế, Sư dạo khắp sông biển, đến các tùng lâm đều được đãi vào hàng khách quí. Sư từ miền Bắc đến phương Nam, trước đến Tuyết Phong hỏi: Cá vàng thoát khỏi lưới lấy gì làm thức ăn ? Tuyết Phong đáp: Đợi ông ra khỏi lưới, sẽ nói với ông. Tam Thánh nói: Là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người, mà thoại đầu cũng chẳng biết. Tuyết Phong nói: Lão tăng trụ trì nhiều việc. Tuyết Phong cùng Tam Thánh đi thăm trang sở của chùa, trên đường gặp một con khỉ. Tuyết Phong nói: Con khỉ này mỗi mỗi mang một mặt gương xưa. Tam Thánh nói: Nhiều kiếp không tên, do đâu bày là gương xưa ? Tuyết Phong nói: Có tỳ vậy. Tam Thánh nói: Là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người, mà thoại đầu cũng chẳng biết. Tuyết Phong nói: Tội lỗi, Lão tăng trụ trì nhiều việc. Sau Sư đến Ngưỡng Sơn, Ngưỡng Sơn rất mến tài hùng biện của Sư nên đãi ở minh song. Một hôm, có ông quan đến tham vấn Ngưỡng Sơn, Ngưỡng Sơn hỏi: Quan ở vị nào ? Quan thưa: Dẹp quan. Ngưỡng Sơn dựng cây phất tử, hỏi: Lại dẹp được cái này chăng ? Ông quan không đáp được. Cả chúng đáp thay cũng không khế hợp ý Ngưỡng Sơn. Khi ấy Tam Thánh nằm bệnh tại nhà Diên Thọ, Ngưỡng Sơn sai thị giảđem lời này hỏi. Tam Thánh đáp: Hòa thượng có việc. Ngưỡng Sơn lại sai thị giả hỏi: Chưa biết có việc gì ? Tam Thánh nói: Tái phạm chẳng tha. Ngưỡng Sơn thầm nhận đó. Bá Trượng đương thời lấy thiền bản bồ đoàn trao cho Hoàng Bá, lấy cây gậy phất tử trao cho Qui Sơn. Sau Qui Sơn trao cho Ngưỡng Sơn. Ngưỡng Sơn đã thừa nhận Tam Thánh. Một hôm, Tam Thánh từ giã ra đi, Ngưỡng Sơn lấy cây gậy phất tử trao cho Tam Thánh. Tam Thánh thưa: Con đã có thầy. Ngưỡng Sơn hỏi nguyên do, mới biết là đích tử của Lâm Tế. Chỉ như Ngưỡng Sơn hỏi Tam Thánh “ông tên gì”, Sư không thể chẳng biết tên kia, cớ sao lại hỏi thế ấy ? Sở dĩ hàng tác gia cần nghiệm người biết cho chín chắn, dường như thong thả hỏi ông tên gì ? Không suy tính, Tam Thánh đáp là Huệ Tịch, mà chẳng nói là Huệ Nhiên, là tại sao ? Xem kia đủ con mắt tự nhiên chẳng đồng. Tam Thánh thế ấy mà chẳng phải điên, một bề dụng ý cướp cờđoạt trống ngoài lời của Ngưỡng Sơn. Lời này chẳng rơi trong thường tình, khó bề dò tìm. Những kẻ có thủ đoạn này là làm sống được người. Vì thế nói, kia tham câu sống chẳng tham câu chết. Nếu theo thường tình thì dứt người chẳng được. Xem cổ nhân kia nghĩ đạo thế ấy, dùng hết tinh thần mới được đại ngộ, đã ngộ rồi khi dùng cũng đồng chưa ngộ, giống hệt thời nhân, tùy phần một lời nửa câu, chẳng được rơi chỗ thường tình. Tam Thánh biết chỗ rơi của Ngưỡng Sơn, liền nói với Sư, con tên Huệ Tịch. Ngưỡng Sơn cốt thâu Tam Thánh, ngược lại Tam Thánh thâu Ngưỡng Sơn. Ngưỡng Sơn chỉ được trả đủa, nói Huệ Tịch là ta, là chỗ phóng hành. Tam Thánh thưa: con tên Huệ Nhiên, cũng là phóng hành. Vì thế, ở dưới Tuyết Đậu tụng “hai thâu, hai phóng nếu làm tông”. Chỉ trong một câu đồng thời tụng xong. Ngưỡng Sơn cười hả! hả! Cũng có quyền có thật, có chiếu có dụng, vì kia tám mặt linh lung. Thế nên, chỗ dùng được đại tự tại. Cái cười này cùng cái cười của Nham Đầu không đồng. Nham Đầu cười có thuốc độc. Cái cười này ngàn xưa, muôn xưa gió mát lạnh run. Tuyết Đậu tụng ra:
TỤNG: Song thâu song phóng nhược vi tông
Kỵ hổ do lai yếu tuyệt công
Tiếu bãi bất tri hà xứ khứ ?
Chỉưng thiên cổ động bi phong.
DỊCH: Hai thâu, hai phóng nếu làm tông
Cỡi cọp nguyên lai cốt bặt công
Cười dứt biết đi về đâu tá ?
Chỉ nên thiên cổ động bi phong.
GIẢI TỤNG: Câu “hai thâu hai phóng nếu làm tông”, phóng hành lẫn làm chủ khách. Ngưỡng Sơn hỏi: Ông tên gì ? Tam Thánh thưa: Con tên Huệ Tịch. Là song phóng. Ngưỡng Sơn nói: Huệ Tịch là tên ta. Tam Thánh thưa: Con tên Huệ Nhiên. Là song thâu. Kỳ thật là cơ hỗ hoán, thâu thì cả thảy đều thâu, phóng thì cả thảy đều phóng. Tuyết Đậu một lúc tụng hết rồi vậy. Ý Sư nói, nếu chẳng phóng thâu, nếu chẳng hỗ hoán thì ông là ông ta là ta, tổng lại chỉ là bốn chữ, vì sao ở trong đây lại ra vào cuộn duỗi ? Cổ nhân nói: Nếu ông đứng thì ta ngồi, nếu ông ngồi thì ta đứng. Nếu đồng ngồi đồng đứng, cả hai đều là kẻ mù. Đây là song thâu song phóng, khả dĩ làm tông yếu. Câu “cỡi cọp nguyên lai cốt bặt công” có cao phong như thế, cơ yếu tối thượng, cần cỡi liền cỡi, cần xuống liền xuống, chận đầu cọp cũng được, nắm đuôi cọp cũng được. Tam Thánh, Ngưỡng Sơn hai vị đều có phong cách này. Câu “cười dứt biết đi về đâu tá”, hãy nói Sư cười cái gì ? Thẳng được gió mát lạnh run, vì sao rốt sau lại nói “chỉ nên thiên cổ động bi phong”, cũng là chết mà chẳng điếu, một lúc vì ông chú giải xong. Dù cho người cả thiên hạ gặm nhấm chẳng vào, chẳng biết chỗ rơi. Kể cả Sơn tăng cũng chẳng biết chỗ rơi. Quí vị lại biết chăng ? TẮC 69: NAM TUYỀN VẼ VÒNG TRÒN
LỜI DẪN: Chỗ không gặm nhấm, tâm ấn Tổ sư như máy trâu sắt, thoát khỏi rừng gai góc, hàng Thiền khách như một hạt tuyết trên lò lửa, trên đất bằng bảy xoi tám thủng thì gác lại, chẳng rơi chỗ vay mượn lại làm sao, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Nam Tuyền, Qui Tông, Ma Cốc đồng đi lễ bái Quốc sư Huệ Trung. Đến giữa đường, Nam Tuyền vẽ một vòng tròn trên đất, nói: Nói được thì đi. Qui Tông vào giữa vòng tròn ngồi. Ma Cốc giả làm người nữ lạy. Nam Tuyền nói: Thế ấy thì chẳng đi. Qui Tông nói: Là tâm hạnh gì ?
GIẢI THÍCH: Đương thời Mã Tổ giáo hóa hưng thạnh ở Giang Tây, Thạch Đầu đạo thạnh ở Hồ Tương, Quốc sư Huệ Trung đạo hóa ở Trường An. Quốc sư đích thân gặp Lục Tổ rồi về ở đây. Khi ấy phương Nam những người ngang đầu mọc sừng, không ai chẳng muốn đến nhà kia, vào thất kia. Nếu chẳng được vậy bị người chê cười. Ba lão này muốn đi lễ bái Quốc sư, đến giữa đường tạo ra một trường bại khuyết này. Nam Tuyền nói: Thế ấy thì chẳng đi. Đã là mỗi người đều nói được, tại sao nói chẳng đi ? Hãy nói ý cổ nhân thế nào ? Đương thời đợi Sư nói thế ấy thì chẳng đi, nhằm lỗ tai liền tát, xem Sư khéo léo thế nào ? Vạn cổ chấn hưng cương tông chỉ là cơ yếu nhỏ bé này. Vì thế, Từ Minh nói: “Cần lôi chỉ ở tại đầu dây, vạch được nắm được liền xoay, như đẩy quả bầu trên mặt nước.” Nhiều người bảo là lời không thừa nhận nhau. Đâu chẳng biết việc này đến chỗ tột cùng phải lìa bùn lìa nước, tháo chốt nhổ đinh. Nếu ông khởi hiểu tâm hạnh là không giao thiệp. Cổ nhân chuyển biến rất khéo, đến trong đây không được chẳng thế ấy, phải là có chết có sống. Xem kia một người vào trong vòng tròn ngồi, một người giả người nữ lễ bái, thật tài tình. Nam Tuyền bảo: Thế ấy thì chẳng đi. Qui Tông bảo: Là tâm hạnh gì ? Kẻ tầm thường lại thế ấy đi. Qui Tông nói thế ấy, cốt nghiệm Nam Tuyền. Nam Tuyền bình thường nói: Gọi là như như, sớm đã biến rồi. Nam Tuyền, Qui Tông, Ma Cốc lại là người ở trong một nhà, một bắt một thả, một chết một sống, quả thật kỳ đặc. Tuyết Đậu tụng ra:
TỤNG: Do Cơ tiễn xạ viên
Nhiễu thọ hà thái trực
Thiên cá dữ vạn cá
Thị thùy tằng trúng đích.
Tương hô tương hoán qui khứ lai
Tào Khê lộ thượng hưu đăng bộ.
DỊCH: Bắn khỉ tên Do Cơ
Quanh cây sao quá thẳng
Ngàn người cùng muôn người
Mấy ai từng trúng đích.
Gọi nhau kêu nhau về lại đi
Tào Khê lộấy thôi tiến bước.
Lại nói: Con đường Tào Khê bình thản, tại sao thôi tiến bước ?
GIẢI TỤNG: Hai câu “Bắn khỉ tên Do Cơ, quanh cây sao quá thẳng”, Do Cơ là người nước Sở, họ Dưỡng, tên Thúc, tự Do Cơ. Khi ấy, vua Trang Vương nước Sởđi săn, thấy một con khỉ bạch, sai người bắn nó, con khỉ chụp tên rồi cười. Vua ra lệnh cả quần thần đều bắn nó, mà không có ai bắn trúng. Vua hỏi quần thần, quần thần tâu Do Cơ bắn giỏi nhất. Vua ra lệnh cho Do Cơ bắn. Do Cơ vừa giương cung, con khỉ ôm cây khóc, đến khi tên bay ra, con khỉ xoay quanh cây để núp, mũi tên cũng xoay quanh cây để trúng, đây là tên thần vậy. Tuyết Đậu vì sao nói rất thẳng ? Nếu rất thẳng thì chẳng trúng. Đã quanh cây cớ sao lại nói rất thẳng ? Tuyết Đậu mượn ý kia, quả thật dùng rất hay. Việc này xuất xứ trong Xuân Thu. Có người nói quanh cây là vòng tròn. Nếu thật như thế, người này thật chẳng biết tông chỉ của lời nói, đâu chẳng biết chỗ rất thẳng. Ba lão này đường khác mà đồng về một đạo, một loạt rất thẳng. Nếu biết được chỗ đi của kia, bảy dọc tám ngang chẳng rời tấc vuông, trăm sông khác dòng đồng về biển cả. Vì thế, Nam Tuyền nói: Thế ấy thì chẳng đi. Nếu là Thiền tăng chánh nhãn nhìn đến chỉ là đùa tinh hồn. Nếu nói là đùa tinh hồn lại chẳng phải đùa tinh hồn. Ngũ Tổ tiên sư nói: Ba vị này là Huệ Cự tam-muội, Trang Nghiêm Vương tam-muội. Tuy nhiên như thế, làm người nữ lạy, kia trọn chẳng hiểu theo làm người nữ lạy. Tuy vẽ vòng tròn, kia trọn chẳng hiểu theo vẽ vòng tròn. Đã chẳng hiểu thế ấy, phải hiểu thế nào ? Tuyết Đậu nói: “Ngàn người cùng muôn người, mấy ai từng trúng đích”, lại có mấy người trăm phát trăm trúng. “Gọi nhau kêu nhau về lại đi”, tụng Nam Tuyền nói: Thế ấy thì chẳng đi. Nam Tuyền từ đây lại chẳng đi, nên nói: “Tào Khê lộ ấy thôi tiến bước”, diệt sạch rừng gai góc. Tuyết Đậu nắm chẳng định, lại nói: “Con đường Tào Khê bình thản, tại sao thôi tiến bước ?” Con đường Tào Khê dứt bụi tuyệt dấu, bày rõ ràng trơ trơ bình thản chỗ an nhàn, tại sao lại thôi tiến bước ? Mỗi người tự xem gót chân mình ? TẮC 70: QUI SƠN THỈNH HÒA THƯỢNG NÓI
LỜI DẪN: Người khéo một lời, ngựa giỏi một roi, muôn năm một niệm, một niệm muôn năm, cần biết thẳng tắt trước khi chưa cử. Hãy nói trước khi chưa cử làm sao dò tìm, mời cử xem ?
CÔNG ÁN: Qui Sơn, Ngũ Phong, Vân Nham đồng đứng hầu Bá Trượng. Bá Trượng hỏi Qui Sơn: Dẹp hết cổ họng môi mép, làm sao nói ? Qui Sơn thưa: Thỉnh Hòa thượng nói. Bá Trượng bảo: Ta chẳng từ nói với ông, chỉ e về sau mất hết con cháu.
GIẢI THÍCH: Qui Sơn, Ngũ Phong, Vân Nham đồng đứng hầu Bá Trượng. Bá Trượng hỏi Qui Sơn: Dẹp hết cổ họng, môi mép làm sao nói ? Qui Sơn thưa: Thỉnh Hòa thượng nói. Bá Trượng bảo: Ta chẳng từ nói với ông, chỉ e về sau mất hết con cháu của ta. Bá Trượng tuy nhiên như thế, cái nồi đã bị người khác cướp rồi. Bá Trượng lại hỏi Ngũ Phong. Ngũ Phong thưa: Hòa thượng cũng phải dẹp hết. Bá Trượng nói: Chỗ không người vạch trán nhìn ông. Bá Trượng hỏi Vân Nham, Vân Nham thưa: Hòa thượng có hay chưa ? Bá Trượng nói: Mất hết con cháu của ta. Ba người mỗi vị một nhà. Cổ nhân nói: Trên đất bằng người chết vô số, qua được rừng gai góc là người tay khéo. Vì thế hàng tông sưđem rừng gai góc nghiệm người. Cớ sao ? Nếu ở dưới câu thường tình nghiệm người chẳng được. Hàng Thiền khách cần phải trong câu trình cơ, trong lời biện mục đích. Nếu là kẻ gánh bản, phần đông nhằm trong câu mà chết, nghe nói dẹp hết cổ họng môi mép thì không có chỗ mở miệng. Nếu là người biến thông, có sóng ngược nước, chỉ nhằm trên câu hỏi có lối đi, tay chẳng bị thương tích. Qui Sơn thưa: Thỉnh Hòa thượng nói. Hãy nói ý nghĩ thế nào ? Trong đây như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện chớp, nhân chỗ hỏi kia liền đáp, tự có con đường xuất thân, chẳng tốn mảy may khí lực. Vì thế nói, kia tham câu sống chẳng tham câu chết. Bá Trượng chẳng biện kia, chỉ nói chẳng từ nói với ông, chỉ e về sau mất hết con cháu của ta. Đại phàm bậc Tông sư vì người phải nhổ đinh tháo chốt. Như người nay nói: Đáp này chẳng thừa nhận, kia không lãnh thoại. Đâu chẳng biết trong đây một đường sanh cơ, vách đứng ngàn nhẫn, khách chủ lẫn kéo, sống linh động. Tuyết Đậu mến lời của Qui Sơn, phong cách uyển chuyển tự tại, lại hay nắm vững phong cương, vì thế tụng ra:
TỤNG: Khước thỉnh Hòa thượng đạo
Hổ đầu sanh giác xuất hoang thảo
Thập châu xuân tận hoa điêu tàn
San-hô thọ lâm nhật cảo cảo.
DỊCH: Lại thỉnh Hòa thượng nói
Đầu cọp mọc sừng ra cỏ hoang
Mười châu xuân hết hoa điêu tàn
Rừng cây san-hô nhật sáng rỡ.
GIẢI TỤNG: Chỗ đáp của ba vị này mỗi mỗi chẳng đồng, có vách đứng ngàn nhẫn, có chiếu dụng đồng thời, có tự cứu chẳng xong. Câu “lại thỉnh Hòa thượng nói”, Tuyết Đậu nhằm trong câu này trình cơ xong vậy. Lại đến trong ấy đẩy nhẹ nhẹ khiến người dễ thấy. Nói “đầu cọp mọc sừng ra cỏ hoang”, chỗ đáp của Qui Sơn giống như cọp mạnh trên đầu mọc sừng, có cách nào lại gần được ? Tăng hỏi La Sơn: Khi đồng sanh chẳng đồng tử thì thế nào ? Sơn đáp: Như trâu không sừng. Tăng hỏi: Khi đồng sanh cũng đồng tử thì thế nào ? Sơn đáp: Như cọp mọc sừng. Tuyết Đậu chỉ một câu tụng xong. Sư có thừa tài chuyển biến, lại nói “mười châu xuân hết hoa điêu tàn”. Trên biển có ba núi mười châu, lấy một trăm năm làm một mùa xuân. Tuyết Đậu lời nói có phong cách uyển chuyển bàng bạc, mùa xuân hết trăm ngàn muôn gốc hoa đồng thời điêu tàn. Chỉ riêng “rừng cây san-hô nhật sáng rỡ”, chẳng bị tàn rụng, cùng mặt trời đoạt ánh sáng, soi chiếu lẫn nhau, chính khi ấy thật là kỳ đặc. Tuyết Đậu dùng hình ảnh này để rõ câu “lại thỉnh Hòa thượng nói”. Mười châu đều là chỗ phụ cận của Hải Ngoại Chư Quốc: 1) Tổ Châu: sản xuất phản hồn hương. 2) Doanh Châu: sản xuất cỏ thơm, ngọc thạch, nước suối như vị rượu. 3) Huyền Châu: sản xuất thuốc tiên uống vào sống mãi. 4) Trường Châu: sản xuất mộc qua, ngọc anh. 5) Viêm Châu: sản xuất lửa giặt vải. 6) Nguyên Châu: sản xuất suối linh như mật. 7) Sanh Châu: có núi sông không nóng lạnh. 8) Phụng Lân Châu: người lấy mỏ phụng sừng lân nấu làm keo nối dây. 9) Tụ Huyệt Châu: sản xuất loại sư tử đầu đồng trán sắt. 10) Đàn Châu: sản xuất đá côn ngô làm kiếm, chặt ngọc như bùn. San-hô trong Ngoại Quốc Tạp Truyện nói: Đại Tần về phía Tây Nam trong biển rộng độ bảy tám trăm dặm đến châu San-hô, đáy châu có bàn thạch, san-hô sanh trên đá đó, người dùng lưới sắt để lấy san-hô. Lại trong Thập Châu Ký nói: San-hô sanh đáy biển Nam, như cây cao hai ba thước, có cành không da, giống như ngọc đượm nhuần màu đỏ, cảm với mặt trăng mà sanh, ở đầu cành đều có vầng sáng của mặt trăng.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.244.244 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.