Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Quả Viên Ngộ Thiền Sư Bích Nham Lục [佛果圜悟禪師碧巖錄] »» Bản Việt dịch quyển số 3 »»

Phật Quả Viên Ngộ Thiền Sư Bích Nham Lục [佛果圜悟禪師碧巖錄] »» Bản Việt dịch quyển số 3

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » English version (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.77 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Thanh Từ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

TẮC 21: TRÍ MÔN HOA SEN LÁ SEN
LỜI DẪN: Dựng pháp tràng lập tông chỉ, trên gấm thêm hoa. Lột dây dàm, tháo yên cương là thời tiết thái bình. Hoặc là biện được câu cách ngoại nêu một rõ ba, bằng chưa như thế, như trước lắng nghe xử phân.
CÔNG ÁN: Tăng hỏi Trí Môn: Khi hoa sen chưa ra khỏi nước thì thế nào ? Trí Môn đáp: Hoa sen. Tăng hỏi: Sau khi ra khỏi nước thì thế nào ? Trí Môn đáp: Lá sen.
GIẢI THÍCH: Trí Môn nếu là ứng cơ tiếp vật, còn xa đôi phần. Nếu là cắt đứt các dòng thì ngàn dặm muôn dặm. Hãy nói, hoa sen ra khỏi nước cùng chưa ra khỏi nước, là một là hai ? Nếu thế ấy thấy được, hứa ông có chỗ vào. Tuy nhiên như thế, nếu nói là một thì lẫn lộn Phật tánh, lộn xộn Chân như. Nếu nói là hai thì tâm cảnh chưa quên, rơi trên đường tri giải, chạy biết bao giờ dừng. Thử nói ý cổ nhân thế nào ? Kỳ thật không có nhiều việc. Vì thế Đầu Tử nói: “Ông chỉ chớ kẹt danh ngôn số cú, nếu rõ các việc tự nhiên chẳng kẹt, tức không có nhiều vị thứ chẳng đồng, ông nhiếp tất cả pháp, tất cả pháp nhiếp ông chẳng được, vốn không được mất, mộng huyễn danh mục nhiều như thế, không nên gắng gượng vì nó an lập danh tự, dối gạt các ông được chăng ? Vì các ông hỏi nên có nói, nếu các ông chẳng hỏi, bảo tôi nhằm các ông nói cái gì ? Chính được tất cả việc đều do các ông đem được đến, trọn chẳng can gì việc của ta.” Cổ nhân nói: Muốn biết nghĩa Phật tánh, phải xem thời tiết nhân duyên. Vân Môn nhắc việc Tăng hỏi Linh Vân: Khi Phật chưa ra đời thì thế nào ? Linh Vân dựng đứng cây phất tử. Tăng hỏi: Sau khi ra đời thì thế nào ? Linh Vân cũng dựng đứng cây phất tử. Vân Môn nói: Đầu trước đánh được, đầu sau đánh chẳng được. Lại nói: Chẳng nói ra đời cùng chẳng ra đời, chỗ nào có thời tiết y hỏi: Cổ nhân một hỏi một đáp, hợp thời hợp tiết, không có nhiều việc. Nếu ông tìm lời theo câu, trọn không giao thiệp. Nếu ông trong lời nói thấu được lời nói, trong ý thấu được ý, trong cơ thấu được cơ, buông đi khiến được thảnh thơi, mới thấy chỗ đáp thoại của Trí Môn. Những câu hỏi: Khi Phật chưa ra đời thì thế nào ? Khi Ngưu Đầu chưa thấy Tứ Tổ thì thế nào ? Khi lẫn lộn trong đá hỗn độn chưa phân thì thế nào ? Khi cha mẹ chưa sanh thì thế nào ? Vân Môn nói: Từ xưa đến nay chỉ là một đoạn sự, không phải không quấy, không được không mất, không sanh cùng chưa sanh. Cổ nhân đến trong ấy tung một đường, có ra có vào. Nếu là người chưa liễu thì sờ rào mò vách, nương cỏ gá cây. Hoặc dạy y buông sạch đi, hoặc đánh cho y chạy vào rừng hoang rậm rạp mênh mang. Nếu là người được suốt mười hai giờ chẳng gá nương một vật, tuy chẳng gá nương một vật, mà bày một cơ một cảnh làm sao mò tìm ? Ông Tăng này hỏi: Khi hoa sen chưa ra khỏi nước thì thế nào ? Trí Môn đáp: Hoa sen. Đó chỉ là ngăn hỏi. Một câu đáp này quả là kỳ đặc. Các nơi đều gọi là lời điên đảo, vì sao như thế ? Nham Đầu nói: Thường quí trước khi chưa mở miệng, vẫn còn so sánh đôi phần. Cổ nhân chỗ bày cơđã là ló đuôi rồi. Hiện nay, học giả chẳng hiểu ý cổ nhân, chỉ cần lý luận, đã ra khỏi nước cùng chưa ra khỏi nước, có dính dáng chút nào ? Có vị Tăng hỏi Trí Môn: Thế nào là Bát-nhã thể ? Trí Môn đáp: Con trai ngậm trăng sáng. Tăng hỏi: Thế nào là Bát-nhã dụng ? Trí Môn đáp: Con thỏ mang thai. Xem Sư đối đáp như thế, người khắp thiên hạ thảo luận về ngữ mạch của Sư chẳng được. Hoặc có người hỏi Giáp Sơn: Khi hoa sen chưa ra khỏi nước thì thế nào ? Giáp Sơn đáp: Cột cái, lồng đèn. Hãy nói cùng hoa sen là đồng là khác ? Tăng hỏi: Sau khi ra khỏi nước thì thế nào ? Đáp: Đầu gậy khêu nhật nguyệt, dưới chân sình rất sâu. Ông thử nói phải hay chẳng phải ? Chớ lầm nhận trái cân bàn (một tiêu chuẩn cố định). Tuyết Đậu quá ư từ bi đập phá tình giải người, tụng ra:
TỤNG: Liên hoa hà diệp báo quân tri
Xuất thủy hà như vị xuất thì
Giang Bắc, Giang Nam vấn Vương lão
Nhất hồ nghi liễu nhất hồ nghi.
DỊCH: Hoa sen lá sen bảo anh tri
Khỏi nước sao bằng chưa khỏi thì
Giang Bắc, Giang Nam hỏi Vương lão
Một hồ nghi lại một hồ nghi.
GIẢI TỤNG: Trí Môn vốn là người đất Chiết, thường vào đất Xuyên tham vấn Hương Lâm, đã thấu triệt, trở về trụ trì chùa Trí Môn ở Tùy Châu. Tuyết Đậu là đích tử của Sư, thấy được chỗ cùng huyền cực diệu, nên nói: “Hoa sen lá sen bảo anh tri, khỏi nước sao bằng chưa khỏi thì.” Trong đây cốt người ngay đó bèn hội. Sơn tăng nói: Khi chưa khỏi nước thế nào ? - Cột cái, lồng đèn - Sau khi ra khỏi nước thế nào ? - Đầu gậy khêu nhật nguyệt, dưới chân sình rất sâu. Ông chớ lầm nhận trái cân bàn (một tiêu chuẩn cố định). Hiện nay, người gặm ngôn cú có chừng bao nhiêu ? Ông nói khi chưa ra khỏi nước là thời tiết gì ? Khi ra khỏi nước là thời tiết gì ? Nếu nhằm trong đây thấy được, bảo ông thân thấy Trí Môn. Tuyết Đậu nói: Nếu ông chẳng thấy thì đến “Giang Bắc, Giang Nam hỏi Vương lão”. Ý Tuyết Đậu nói ông chỉ quản đến Giang Bắc, Giang Nam, hỏi tôn túc ra khỏi nước cùng chưa ra khỏi nước. Giang Nam thêm hai câu, Giang Bắc thêm hai câu, một lớp thêm một lớp, lần lượt sanh nghi. Thử nói đến bao giờ được hết nghi ? Như con chồn hoang đa nghi, đi trên khối băng lắng nghe tiếng nước, nếu chẳng có tiếng mới dám qua sông. Người tham học nếu “Một hồ nghi lại một hồ nghi”, đến khi nào được bình ổn ?
TẮC 22: TUYẾT PHONG CON RẮN TO
LỜI DẪN: Lớn không gì ngoài, nhỏ bằng lân hư, bắt thả chẳng phải ai, cuộn lại buông ra tại ta. Nếu muốn gỡ niêm mở trói, cần phải lấp dấu nuốt tiếng, người người ngồi đoạn yếu tân, mỗi mỗi vách đứng ngàn nhẫn. Hãy nói là cảnh giới của người nào, thử nêu xem ?
CÔNG ÁN: Tuyết Phong dạy chúng: Núi Nam có con rắn to, cả thảy các ông cần phải khéo xem. Trường Khánh nói: Ngày nay trong nhà có người tan thân mất mạng. Có vị Tăng kể lại cho Huyền Sa nghe, Huyền Sa nói: Phải là Lăng huynh mới được, tuy nhiên như thế, tôi thì chẳng vậy. Tăng hỏi: Hòa thượng thế nào ? Huyền Sa đáp: Dùng núi Nam làm gì ? Vân Môn lấy cây gậy ném trước Tuyết Phong, làm thế sợ.
GIẢI THÍCH: Nếu ông an ổn mặc tình an ổn, nếu ông đập phá mặc tình đập phá. Tuyết Phong cùng Nham Đầu, Khâm Sơn là bạn đồng hành, ba phen đến Đầu Tử, chín lần lên Động Sơn, sau tham Đức Sơn mới đập bể thùng sơn. Một hôm, Sư hối thúc Nham Đầu đi tìm Khâm Sơn, đến quán trọ tại Ngao Sơn gặp trở tuyết. Nham Đầu mỗi ngày chỉ ngủ khò, Tuyết Phong một bề tọa thiền. Nham Đầu nạt: Ngủđi ! Mỗi ngày ngồi trên giường giống như thổ địa trong bảy thôn, ngày sau ma mị nam nữ nhà người. Tuyết Phong tự chỉ trong ngực nói: Tôi trong ấy chưa ổn, chẳng dám tự dối. Nham Đầu bảo: Tôi bảo ông về sau lên ngọn cô phong cất chiếc am cỏ truyền bá đại giáo, sao vẫn còn nói lời này. Tuyết Phong nói: Tôi thật chưa ổn. Nham Đầu bảo: Nếu ông thật như thế, cứ chỗ thấy của ông mỗi mỗi thông qua, chỗ phải tôi chứng minh cho ông, chỗ chẳng phải tôi dẹp bỏ. Tuyết Phong bèn thuật lại: Khi thấy Diêm Quan thượng đường nói về nghĩa sắc không liền được chỗ vào. Nham Đầu bảo: Cái này ba mươi năm tối kỵ nhắc lại. Tuyết Phong kể tiếp: Thấy bài tụng qua cầu của Động Sơn liền được chỗ vào. Nham Đầu bảo: Nếu thế ấy tự cứu chẳng xong. Tuyết Phong kể: Sau đến Đức Sơn hỏi “Việc trong Tông thừa về trước, con có phần chăng”, Đức Sơn đánh một gậy, hỏi cái gì ? Khi ấy tôi như thùng lủng đáy. Nham Đầu nạt bảo: Ông chẳng nghe nói “Từ cửa vào chẳng phải của báu trong nhà” ? Tuyết Phong hỏi: Sau này thế nào mới phải ? Nham Đầu bảo: Ngày sau nếu muốn truyền bá đại giáo thì mỗi mỗi phải từ hông ngực mình lưu xuất, mai kia sẽ cùng ta che trời che đất đi. Tuyết Phong ngay lời này đại ngộ, lễ bái, đứng dậy kêu liên hồi: Ngày nay mới thành đạo ở Ngao Sơn. Sau Sư trở về xứ Mân ở núi Tượng Cốt tự làm kệ lưu lại:
TỤNG: Nhân sanh thúc hốt tạm tu du
Phù thế na năng đắc cửu cư
Xuất lãnh tài đăng tam thập nhị
Nhập Mân tảo thị tứ tuần dư.
Tha phi bất dụng tần tần cử
Kỷ quá ưng tu triền triền trừ
Phụng báo mãn triều chu tử quí
Diêm vương bất phạ bội kim ngư.
DỊCH: Kiếp người nhanh chóng tợ phù du
Cõi tạm ai từng được ở lâu
Ba chục thêm hai vừa xuất lãnh
Bốn mươi tuổi lẻ trở về Mân.
Kia sai chẳng thiết thường thường nhắc
Mình quấy cần nên gấp gấp trừ
Kính bảo cả triều hàng sang quí
Diêm vương chẳng sợ mũ kim ngư.
Sư thượng đường dạy chúng: Mỗi mỗi che trời che đất, lại chẳng nói huyền nói diệu, cũng chẳng nói tâm nói tánh, đột nhiên bỗng hiện, như đống lửa lớn, gần nó bị cháy cả mặt mày, như kiếm Thái A vừa hươi thì tan thân mất mạng. Nếu là trầm ngâm suy nghĩ thì chẳng dính dáng. Bá Trượng hỏi Hoàng Bá: Ở đâu đến? Hoàng Bá thưa: Nhổ nấm dưới núi Đại Hùng đến. Bá Trượng hỏi: Thấy cọp chăng? Hoàng Bá liền làm tiếng cọp rống. Bá Trượng cầm búa ra bộ chặt. Hoàng Bá vỗ Bá Trượng một cái. Bá Trượng lẩm bẩm cười. Bá Trượng về, lên tòa bảo chúng: Núi Đại Hùng có con cọp, cả thảy các ông phải khéo xem, ngày nay chính Lão tăng bị cắnmột cái.
Triệu Châu thấy Tăng liền hỏi: Từng đến đây chưa? Tăng thưa: Từng đến. Hoặc: Chẳng từng đến. Triệu Châu đều đáp bằng câu: Uống trà đi. Viện chủ thưa: Hòa thượng bình thường hỏi Tăng từng đến với chẳng từng đến, thảy bảo uống trà đi là ý chỉ thế nào? Triệu Châu gọi:Viện chủ! Viện chủ ứng thanh: Dạ! Triệu Châu bảo: Uống trà đi.
Tử Hồ ở dưới cửa có làm tấm bia, trên tấm bia viết: Tử Hồ có một con chó, trên đầu người, giữa lưng người, dưới chân người, suy nghĩ ắt tan thân mất mạng. Hoặc có Tăng đến vừa xem, Sư liền kêu: Coi chừng chó! Tăng xoay đầu lại, Sư trở về phương trượng.
Chính như Tuyết Phong nói: Núi Nam có một con rắn to, tất cả các ông cần phải khéo xem. Ngay lúc này ông làm sao đáp được? Chẳng bắt chước theo vết trước, mời thử đáp xem? Đến trong ấy cần phải hiểu câu cách ngoại mới được, tất cả công án ngữ ngôn nhắc lại liền biết chỗ rơi. Xem Sư dạy chúng thế ấy, chẳng cùng ông nói hạnh nói giải, lại đem tình thức đo lường được chăng? Là con cháu trong nhà Sư, tự nhiên nói khế hợp. Vì thế, cổ nhân nói: Nương lời phải hiểu tông, chớ tự lập qui củ. Lời phải có cách ngoại, câu cần phải thấu quan. Nếu là lời chẳng lìa hang ổ thì rơi trong biển độc. Tuyết Phong dạy chúng thế ấy, đáng gọi là lời nói vô vị, bít lấp miệng người. Trường Khánh, Huyền Sa đều là người ở trong nhà đó, mới hiểu được nói thoại của Sư. Tuyết Phong nói núi Nam có một con rắn to, các ông biết chỗ rơi chăng? Đến trong đó phải đủ con mắt thông phương mới được. Đâu chẳng thấy Chơn Tịnh tụng:
TỤNG:
Đả cổ lộng tỳ bà
Tương phùng lưỡng hội gia
Vân Môn năng xướng hòa
Trường Khánh giải tùy da
Cổ khúc vô âm vận
Nam Sơn niết tỷ xà
Hà nhân tri thử ý
Đoan đích thị Huyền Sa.
DỊCH:
Đánh trống khảy tỳ bà
Gặp nhau hai nhà hiểu
Vân Môn khéo xướng hòa
Trường Khánh giỏi theo a.
Nhạc xưa không âm vận
Rắn to ở núi Nam
Người nào biết ý đó
Quả thật là Huyền Sa.
Trường Khánh đáp như thế là ý thế nào? Đến trong ấy phải nhanh như chọi đá nháng lửa, như làn điện chớp, mới có thể chụp được. Nếu còn mảy tơ sợi tóc bỏ chẳng dứt thì chụp kia chẳng được. Đáng tiếc nhiều người nhằm dưới lời nói của Trường Khánh sanh tình giải, nói: Trong nhà vừa có người nghe liền tan thân mất mạng. Hoặc nói: Vốn không có một việc cỏn con, trên chỗ bình thường ban ngày. Nói loại thoại này cho người nghi, người nghe Sư nói “núi Nam có một con rắn to” liền khởi nghi. Nếu hiểu thế ấy nào có giao thiệp, chỉ trên ngôn ngữ ông ta mà làm kế sống. Đã chẳng hiểu thế, phải hiểu thế nào? Sau này có vị Tăng thuật lại cho Huyền Sa, Huyền Sa nói: Phải là Lăng huynh mới được, tuy nhiên như thế, tôi thì chẳng vậy. Tăng hỏi Hòa thượng thì thế nào, Huyền Sa đáp: Dùng núi Nam làm gì? Chỉ xem trong lời nói của Huyền Sa liền có chỗ xuất thân. Bèn nói dùng núi Nam làm gì, nếu chẳng phải là Huyền Sa thật khó mà đáp được. Như Tuyết Phong nói: núi Nam có một con rắn to, hãy nói nó ở chỗ nào? Đến trong đây phải là người hướng thượng mới hiểu được lời nói này. Cổ nhân nói: Tạ Tam Lang trên thuyền thả câu, chẳng thích núi Nam con rắn to. Đến lượt Vân Môn lấy cây gậy ném trước mặt Tuyết Phong, ra bộ sợ. Vân Môn có tài giỡn rắn, chẳng chạm mũi nhọn, bên sáng đánh được, bên tối cũng đánh được. Sư bình thường vì người như múa kiếm Thái A, có khi phi đến trên mày mắt của người, có khi phi đến ngoài ba ngàn dặm lấy đầu người. Vân Môn ném cây gậy ra bộ sợ, vả lại chẳng phải đùa tinh hồn, đâu không phải Sư tan thân mất mạng sao? Bậc tác gia Tông sư chẳng ở trên một lời một câu mà làm kế sống. Tuyết Đậu vì thích Vân Môn khế chứng được ý Tuyết Phong, nên tụng:
TỤNG:
Tượng Cốt nham cao nhân bất đáo
Đáo giả tu thị lộng xà thủ
Lăng Sư, Bị Sư bất nại hà
Tán thân thất mạng hữu đa thiểu?
Thiều Dương tri, trùng bác thảo
Nam Bắc Đông Tây vô xứ thảo
Hốt nhiên đột xuất trú trượng đầu
Phao đối Tuyết Phong đại trương khẩu
Đại trương khẩu hề đồng thiểm điện
Dịch khởi mi mao hoàn bất kiến
Như kim tàng tại Nhũ Phong tiền
Lai giả nhất nhất khán phương tiện.
DỊCH:
Tượng Cốt núi cao người chẳng đến
Người đến phải là tay đùa rắn
Sư Lăng, Sư Bị chẳng làm gì
Tan thân mất mạng có nhiều ít?
Thiều Dương biết, lại vạch cỏ
Nam Bắc Đông Tây không chỗ xét
Bỗng nhiên đột xuất cây gậy này
Ném trước Tuyết Phong miệng há hốc
Miệng há hốc chừ đồng điện chớp
Vén hết lông mày lại chẳng thấy
Hiện nay ẩn tại ngọn Nhũ Phong
Người đến mỗi mỗi xem phương tiện.
Tuyết Đậu to tiếng quát: Xem dưới chân!
GIẢI TỤNG: Hai câu “Tượng Cốt núi cao người chẳng đến, người đến phải là tay đùa rắn”, dưới núi Tuyết Phong có núi Tượng Cốt.Tuyết Phong cơ phong cao vót ít có người đến được chỗ Sư. Tuyết Đậu là người trong nhà Sư, lông cánh tương tợ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, phải là tác giả thông phương mới cùng chứng minh nhau. Chỉ con rắn to này thật khó đùa, phải là tay khéo đùa mới được. Nếu chẳng phải là tay khéo đùa, sẽ bị rắn cắn. Ngũ Tổ tiên sư nói: Con rắn to này, phải là tay tài khéo mới khỏi bị rắn cắn, gần đầu nó độ bảy tấc (0,28m), ấn một cái đứng khựng, bèn cùng Lão tăng nắm tay đồng đi. Trường Khánh, Huyền Sa có tay khéo này. Tuyết Đậu nói: “Sư Lăng, Sư Bị chẳng làm gì.” Câu này nhiều người nói: Trường Khánh, Huyền Sa chẳng làm gì, vì thế Tuyết Đậu riêng khen Vân Môn. Quả là không dính dáng. Đâu chẳng biết trong ba người cơ không được mất, chỉ có thân sơ mà thôi. Thử hỏi quí vị chỗ nào là chỗ Sư Lăng, Sư Bị chẳng làm gì? Câu “tan thân mất mạng có nhiều ít” là Trường Khánh nói “ngày nay trong nhà có nhiều người tan thân mất mạng”. Đến trong ấy phải là tay đùa rắn, cẩn thận mới được. Tuyết Đậu xuất thân trong dòng Vân Môn, cho nên bác hết, riêng để một mình Vân Môn, nói “Thiều Dương biết, lại vạch cỏ”, bởi vì Vân Môn biết chỗ rơi của Tuyết Phong, nói “núi Nam có một con rắn to”, vì thế “lại vạch cỏ”. Tuyết Đậu tụng đến trong đây lại có chỗ diệu, nói “Đông Tây Nam Bắc không chỗ xét”. Ông nói ở chỗ nào? “Bỗng nhiên đột xuất cây gậy này”, xưa nay chỉ là trong ấy. Ông chớ nên nhằm trên cây gậy làm kế sống. Vân Môn lấy cây gậy ném trước mặt Tuyết Phong, làm thế sợ. Vân Môn dùng cây gậy làm cái dụng con rắn to. Có khi Vân Môn nói: “Cây gậy hóa làm rồng nuốt hết càn khôn, núi sông đất liền chỗ nào còn?” Chỉ mộtcây gậy, có khi làm rồng, có khi làm rắn. Vì sao như thế? Đến trong đó mới biết cổ nhân nói: “Tâm theo muôn cảnh chuyển, chỗ chuyển thật u vi.” Hai câu “ném trước Tuyết Phong miệng há hốc, miệng há hốc chừ đồng điện chớp”, Tuyết Đậu có dư tài, đưa con rắn độc của Vân Môn ra, nói “miệng há hốc chừ đồng điện chớp”. Ông vừa nghĩ nghị liền tan thân mất mạng. “Vén hết lông mày lại chẳng thấy”, nhằm chỗ nào đi? Tuyết Đậu tụng xong phải đến chỗ sống vì người, đem con rắn của Tuyết Phong tự nắm tự đùa,chẳng ngại sống chết, lâm thời cần thấy chăng? - Nói “hiện nay ẩn tại ngọn Nhũ Phong”, Nhũ Phong là tên núi Tuyết Đậu. Tuyết Đậu có tụng: “Cửa đá bốn bên nhìn trời hẹp, vắng tanh chẳng thấy mây trắng bay.” Trường Khánh, Huyền Sa, Vân Môn đùa xong mà chẳng thấy. Lại nói: “Hiện nay ẩn tại ngọn Nhũ Phong, người đến mỗi mỗi xem phương tiện.” Tuyết Đậu vẫn kẹt chút ít. Không nói liền dùng, lại to tiếng quát: “Xem dưới chân!” Từ trước đến nay có nhiều người niêm lộng, hãy nói lại từng chạm đến người, chẳng từng chạm đến người? Sư liền đánh.
TẮC 23
BẢO PHƯỚC, TRƯỜNG KHÁNH DẠO NÚI

LỜI DẪN: Ngọc đem lửa thử, vàng lấy đá thử, kiếm dùng lông thử, nước dùng gậy dò, đến trong cửa Thiền tăng một lời một câu, một cơ một cảnh, một ra một vào, một xô một đẩy, cốt thấy sâu cạn, cốt thấy thuận nghịch, hãy nói đem cái gì thử, mời cử xem?
CÔNG ÁN: Bảo Phước, Trường Khánh dạo núi. Bảo Phước lấy tay chỉ nói: Chỉ trong đây là ngọn Diệu Phong. Trường Khánh nói: Phải thì phải, đáng tiếc thay! (Tuyết Đậu trước ngữ: Ngày nay cùng kẻ này dạo núi mong làm cái gì? Lại nói: Trăm ngàn năm sau chẳng nói không, chỉ là ít.) Sau thuật lại cho Cảnh Thanh nghe, Cảnh Thanh nói: Nếu chẳng phải Tôn Công, liền thấy đầu lâu đầy đất.
GIẢI THÍCH: Bảo Phước, Trường Khánh, Cảnh Thanh đều là kế thừa Tuyết Phong. Ba người đồng đắc đồng chứng, đồng kiến đồng văn, đồng niêm đồng dụng, một ra một vào, thay nhau xô đẩy. Bởi vì những vị này đồng điều sanh, nên nói đến liền biết chỗ rơi. Ở trong hội Tuyết Phong thường vấn đáp chỉ có ba vị này. Cổ nhân đi đứng ngồi nằm lấy đạo này làm chỗ niệm, do đó cử đến liền biết chỗ rơi. Một hôm dạo núi, Bảo Phước lấy tay chỉ nói: Chỉ trong đây là đảnh Diệu Phong. Nếu như Thiềntăng hiện nay hỏi đến thế ấy, miệng tợ tấm biển, cũng may là hỏi Trường Khánh. Ông nói Bảo Phước nói thế ấy là mong làm gì? Cổ nhân như thế, cốt nghiệm kia có mắt không mắt, là người ở trong nhà ấy, tự nhiên biết chỗ rơi. Nên đáp: Phải thì phải, đáng tiếc thay! Hãy nói, Trường Khánh nói thế ấy là ý chỉ làm sao? Không thể một bề thế ấy mà đi, giống thì giống, ít được thảnh thơi không một việc, may là Trường Khánh biết rõ kia. Tuyết Đậu trước ngữ: Ngày nay cùng kẻ này dạo núi mong làm gì? Hãy nói rơi chỗ nào? Lại nói: Trăm ngàn năm sau chẳng nói không, chỉ là ít. Tuyết Đậu khéo điểm ngực, giống như Hoàng Bá nói “chẳng nói không thiền, chỉ là không Sư”. Tuyết Đậu nói thế quả là hiểm hóc, nếu chẳng phải đồng thanh tương ứng, thì đâu thể cô nguy kỳ quái như thế. Đây gọi là trướcngữ rơi tại hai bên, tuy rơi hai bên mà chẳng trụ hai bên. Sau thuật lại cho Cảnh Thanh nghe, Cảnh Thanh nói: Nếu chẳng phải là Tôn Công liền trông thấy đầu lâu đầy đất. Tôn Công là họ của Trường Khánh.
Có vị Tăng hỏi Triệu Châu: Thế nào là đảnh Diệu Phong? Triệu Châu bảo: Lão tăng không đáp câu hỏi này của ông. Tăng hỏi: Tại sao không đáp câu hỏi này? Triệu Châu nói: Nếu ta đáp ông sợ e rơi xuống đất bằng.
Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Tỳ-kheo Đức Vân ở trên đảnh Diệu Phong từ lâu không xuống núi. Thiện Tài đến tham vấn bảy ngày không gặp, một hôm tại ngọn khác gặp nhau. Yết kiến xong, Đức Vân vì Thiện Tài nói một niệm ba đời, pháp môn tất cả chư Phật trí tuệ quang minh phổ kiến.” Đức Vân đã từ lâu không xuống núi, tại sao lại gặp nhau ở ngọn núi khác? Nếu bảo Đức Vân xuống núi, trong kinh nói Tỳ-kheo ĐứcVân từ lâu không xuống núi, thường ở trên đảnh Diệu Phong. Đến đây, Đức Vân, Thiện Tài quả là ở đâu? Về sau, Lý Thông Huyền tạo sắn bìm, tạo rất khéo, nói: “Ngọn Diệu Phong là pháp môn nhất vị bình đẳng, mỗi mỗi đềuchân, mỗi mỗi đều toàn, nhằm chỗ không được không mất, không phải không quấy, riêng bày. Vì thế, Thiện Tài không thấy đến chỗ xứng tánh, như con mắt chẳng tự thấy, lỗ tai chẳng tự nghe, ngón tay chẳng tự xúc, đao chẳng tự cắt, lửa chẳng tự đốt, nước chẳng tự rửa.” Đến đây, chúng ta thấy trong kinh thật đại từ bi có chỗ vì nhau. Vì thế, phóng một đường nói về nghĩa môn thứ hai, lập khách lập chủ, lập cơ lập cảnh, lập vấn lập đáp. Do đó nói: Chư Phật chẳng ra đời, cũng không có Niết-bàn, vì phương tiện độ chúng sanh, hiện việc như thế. Hãy nói cứu kính làm sao khỏi được Cảnh Thanh, Tuyết Ðậu nói thế ấy? Khi đó, nếu không phải cung nhịp tương ưng thì, hẳn là người cả quả đất thấy đầu lâu đầy đất. Cảnh Thanh chứng thế ấy đưa ra, hai người kia dùng thế ấy đưa ra. Tuyết Đậu dưới đây tụng rất rõ ràng:
TỤNG:
Diệu Phong cô đảnh thảo ly ly
Niêm đắc phân minh phó dữ thùy
Bất thị Tôn Công biện đoan đích
Độc lâu trước địa kỷ nhân tri.
DỊCH:
Diệu Phong cao vót cỏ xanh rì
Nắm được rõ ràng gởi đến ai
Chẳng phải Tôn Công bàn thấu đáo
Đầu lâu khắp đất mấy người hay.
GIẢI TỤNG: Câu “Diệu Phong cao vót cỏ xanh rì”, trong cỏ nghiền ngẫm có ngày nào xong. Câu “nắm được rõ ràng gởi đến ai”, chỗ nào là chỗ rõ ràng? Ý câu tụng này nói, Bảo Phước nói chỉ trong này là ngọn Diệu Phong. Câu “chẳng phải Tôn Công bàn thấu đáo”, Tôn Công thấy đạo lý gì liền nói “phải thì phải, đáng tiếc thay”? Đến câu “đầu lâu khắp đất mấy người hay”, các ông lại hay chăng? Mù!
TẮC 24
LƯU THIẾT MA TRÂU CÁI GIÀ

LỜI DẪN: Đứng cao vót trên ngọn Cao Phong, ma ngoại không thể biết. Đi sâu trong biển sâu, con mắt Phật nhìn cũng chẳng thấy. Dù cho mắt tợ sao băng, cơ như điện chớp, chưa khỏi như rùa linh lê đuôi. Đến trong ấy nên làm sao? Thử cử xem?
CÔNG ÁN: Lưu Thiết Ma đến Qui Sơn, Qui Sơn bảo: Trâu cái già, ngươi mới đến. Lưu Thiết Ma thưa: Ngày mai ở Đài Sơn có đại hội trai, Hòa thượng có đi dự chăng? Qui Sơn buông thân nằm xuống.Lưu Thiết Ma liền đi ra.
GIẢI THÍCH; Bà Ni Lưu Thiết Ma như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện chớp, nghĩ nghị thì tan thân mất mạng. Thiền đạo nếu đến chỗ khẩn yếu, đâu có nhiều việc. Hai vị là hàng tác gia gặp nhau, như cáchtường thấy sừng liền biết là trâu, cách núi thấy khói liền biết là lửa, đẩy đến liền động, kéo lại liền xoay. Qui Sơn nói: Sau khi Lão tăng trăm tuổi đến nhà thí chủ ở dưới núi làm một con trâu, hông trái có viết năm chữ “Qui Sơn Tăng Linh Hựu”. Chính khi ấy gọi Qui Sơn Tăng là phải, gọi con trâu là phải? Như hiện nay bị người hỏi đến cam chịu bối rối. Lưu Thiết Ma là bậc tham thiền đã lâu, cơ phong cao vót, thời nhân gọi là Lưu Thiết Ma (Lưu mài sắt), cất am cách Qui Sơn độ mười dặm. Một hôm đến phỏng vấn Qui Sơn, Qui Sơn thấy đến liền nói: Trâu cái già, ngươi mới đến. Lưu Thiết Ma thưa: Ngày mai ở Đài Sơn có đại hội trai, Hòa thượngcó đi dự chăng? Qui Sơn buông thân nằm xuống. Lưu Thiết Ma liền đi ra.
Ông xem kia dường như nói chuyện thường, chẳng phải thiền cũng chẳng phải đạo, gọi là vô sự hiểu được không? Qui Sơn cách Đài Sơn đến mấy ngàn dặm, tại sao Lưu Thiết Ma lại hỏi Qui Sơn đi thọ trai? Hãy nói ý chỉ như thế nào? Bởi bà lão này hiểu được lời nói của Qui Sơn, nên tơ đến thì chỉ đi, một buông một bắt, đối đáp lẫn nhau, như hai gương soi nhau, không có ảnh tượng nào khá thấy, cơ cơ xứng nhau, cú cú hợp nhau. Như người nay ba phen kéo chẳng xoay đầu, còn bà lão này một điểm gạt bà chẳng được. Chỗ này chẳng phải là thế đế tình kiến, gương sáng trên đài, minh châu trong tay, Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán. Do kia biết có việc hướng thượng, cho nên như thế. Hiện nay chỉ chú trọng hiểu là vô sự. Hòa thượng Diễn nói: “Chớ đem hữu sự làm vô sự, hữu sự thường từ vô sự sanh.” Nếu ông tham được thấu, thấy kia nói thế ấy,giống như người bình thường thuyết thoại, phần nhiều bị ngôn ngữ cách ngại, cho nên không hiểu, chỉ là tri âm mới hội được kia. Như Càn Phong dạy chúng: Cử một chẳng được cử hai, bỏ qua một bậc rơi tại thứ hai. Vân Môn đứng dậy thưa: Hôm qua có Tăng từ Thiên Thai đến, lại sang Nam Nhạc. Càn Phong nói: Điển tọa! Ngày nay chẳng được phổ thỉnh. Xem hai vị này buông thì cả hai đều buông, thâu thì cả hai đều thâu. Dưới tông Qui Ngưỡng gọi đó là cảnh trí gió thổi bụi dấy cỏ lay, tham cứu đến tận đầu mối, cũng gọi là cách thân cú, ý thông mà ngữ cách. Đến trong đó phải là vạch trái xoay phải, mới là tác gia.
TỤNG:
Tằng kỵ thiết mã nhập trùng thành
Sắc hạ truyền văn lục quốc thanh
Du ác kim tiên vấn qui khách
Dạ thâm thùy cộng ngự nhai hành.
DỊCH:
Từng cỡi ngựa sắt vào trùng thành
Sắc lệnh truyền ra sáu nước thanh
Vẫn nắm roi vàng hỏi qui khách
Đêm khuya, đường vua ai đồng hành.
GIẢI TỤNG: Bài tụng này của Tuyết Đậu, các nơi cho là hay tột. Trong một trăm bài tụng, bài tụng này rất đủ yếu lý, đến chỗ cực diệu, hiện thể phân minh tụng ra. “Từng cỡi ngựa sắt vào trùng thành” là nói Lưu Thiết Ma đến như thế. Câu “sắc lệnh truyền ra sáu nước thanh” là nói Qui Sơn hỏi như thế. Câu “vẫn nắm roi vàng hỏi qui khách” là Lưu Thiết Ma nói ngày mai ở Đài Sơn có đại hội trai, Hòa thượng có đi dự chăng? Câu “đêm khuya đường vua ai đồng hành” là Qui Sơn buông thân nằm xuống, Lưu Thiết Ma đi ra. Tuyết Đậu có loại tài diệu này, chỗ cấp thiết thì tụng cấp thiết, chỗ hòa hoãn thì tụng hòa hoãn. Phong Huyệt cũng từng niêm đồng với ý Tuyết Đậu. Tụng này các nơi đều khen hay:
TỤNG:
Cao Cao Phong đảnh lập
Ma ngoại mạc năng tri
Thâm thâm hải để hành
Phật nhãn thứ bất kiến.
DỊCH:
Trên đảnh Cao Phong đứng
Ma ngoại nào hiểu chi
Dưới đáy biển sâu đi
Mắt Phật xem chẳng thấy.
Xem một người buông thân nằm xuống, một người liền đi ra. Nếu lại che khắp đồng thời tìm đường chẳng thấy. Tuyết Đậu tụng ý rất hay, “từng cỡi ngựa sắt vào trùng thành”. Nếu chẳng phải đồng hànhđồng chứng thì đâu thể nói được như thế. Thử nói được ý gì? Đâu chẳng thấy vị Tăng đến hỏi Phong Huyệt: Qui Sơn nói trâu cái già ngươi mới đến, là ý chỉ gì? Phong Huyệt đáp: Chỗ mây trắng dầy rồng vàng múa. Tăng hỏi: Lưu Thiết Ma nói ngày mai ở Đài Sơn có đại hội trai, Hòa thượng có đi dự chăng, là ý chỉ thế nào? Phong Huyệt đáp: Trong lòng sóng biếc mặt trăng động. Tăng hỏi: Qui Sơn làm thế nằm là ý chỉ thế nào? Phong Huyệt đáp: Già đến thân gầy ngày vô sự, nằm cao rảnh ngủ ngọn núi xanh. Ý này cũng đồng với Tuyết Đậu.
TẮC 25
LIÊN HOA PHONG CẦM CÂY GẬY

LỜI DẪN: Cơ chẳng rời vị rơi trong biển độc, lời chẳng kinh quần rơi vào lưu tục. Chợt trong lúc chọi đá nháng lửa biện biệt trắng đen, trong khoảng điện chớp biện được sống chết, khả dĩ ngồi dứt mười phương, vách đứng ngàn nhẫn. Lại biết có thời tiết thế ấy chăng, thử cử xem?
CÔNG ÁN: Am chủ Liên Hoa Phong gậy đưa lên dạy chúng: Cổ nhân đến trong đây vì sao không chịu trụ? Chúng không đáp được, tự đáp thế: Vì kia đường sá chẳng đắc lực. Lại nói: Cứu kính thế nào? Tự đáp thế: Cây gậy tức lật vác ngang chẳng đoái người, đi thẳng vào ngàn ngọn muôn ngọn.
GIẢI THÍCH: Các ông lại biện biệt được Am chủ Liên Hoa Phong chăng? Gót chân cũng chưa chấm đất. Thời quốc sơ, Sư cất am trên chót Liên Hoa ở núi Thiên Thai, cổ nhân sau khi đắc đạo ở trong nhà tranh thất đá, nấu rễ rau rừng trong nồi mẻ ăn qua ngày, chẳng cầu danh lợi, phóng khoáng tùy duyên, buông một chuyển ngữ cốt đền ơn Phật Tổ, truyền tâm ấn của Phật. Vừa thấy Tăng đến, Sư cầm cây gậy lên nói: Cổ nhân đến trong đây vì sao không chịu trụ? Trước sau hơn hai mươi năm mà không có người đáp được. Chỉ một câu hỏi này có quyền có thật, có chiếu có dụng. Nếu người biết được cái bẫy của Sư thì chẳng tiêu một cái ấn tay. Ông hãy nói vì sao hai mươi năm chỉ hỏi như thế? Đã là Tông sư cớ sao chỉ giữ một cái cọc? Nếu nhằm trong đây thấy được, tự nhiên chẳng chạy trên tình trần. Trong hai mươi năm có nhiều người cùng Sư phê phán đối đáp, trình kiến giải, làm hết mọi cách. Dù có người nói được cũng chẳng đến chỗ cực tắc của Sư, huống là việc này tuy chẳng ở trong ngôncú, mà không phải ngôn cú thì không thể biện luận. Đâu chẳng nghe nói “đạo vốn không lời, nhân lời hiển đạo”? Vì thế, nghiệm người đến chỗ cùng tột, mở miệng bèn là tri âm. Cổ nhân buông một lời nửa câu cũng không có gì khác, cốt thấy ông “tri hữu” hay “chẳng tri hữu”. Sư thấy người không hội nên đáp thay: Vì kia đường sá chẳng đắc lực. Xem Sư nói tự nhiên khế lý khế cơ, chưa từng mất tông chỉ. Cổ nhân nói: Nương lời cần hiểu tông, chớ tự lập qui củ. Người nay chỉ quản lôi được đi là xong, được thì được vẫn là hỗn độn tạp nhạp. Nếu trước bậc tác gia đem ba yếu ngữ “ấn không, ấn nê, ấn thủy” mà nghiệm, liền thấy cây vuông ráp lỗ tròn, không có chỗ vào vậy. Đến trong đây tìm một người đồng đắc, đồng chứng, khi ấy căn cứ vào đâu mà tìm? Nếu người “tri hữu” mở lòng thôngtin tức thì có gì là khó. Nếu chẳng gặp tri âm nên cuộn lại để trong lòng. Thử hỏi các ông, cây gậy là đồ dùng tùy thân của Thiền tăng, tại sao nói đường sá chẳng đắc lực? cổ nhân đến đây chẳng chịu trụ? Kỳ thật mạt vàng tuy quí, rơi vào mắt cũng thành bệnh. Hòa thượng Thiện Đạo ở Thạch Thất đương thời bị sa thải, thường lấy cây gậy dạy chúng nói: Chư Phật quá khứ cũng thế ấy, chư Phật vị lai cũng thế ấy, chư Phật hiện tại cũng thế ấy.
Tuyết Phong một hôm ở trước Tăng đường cây gậy đưa lên dạy chúng nói: Cái này chí vì người trung, hạ căn. Có vị Tăng ra hỏi: Chợt gặp người thượng thượng căn đến thì sao? Tuyết Phong cầm gậy lên rồi đi. Vân Môn nói: Tôi chẳng giống Tuyết Phong đập phá tan hoang. Tăng hỏi: Chưa biết Hòa thượng thế nào? Vân Môn liền đánh. Phàm tham vấn không có nhiều việc, vì ông ngoài thấy có núi sông đất liền, trong thấy có thấy nghe hiểu biết, trên thấy có chư Phật để cầu, dưới thấy có chúng sanh để độ, cần phải một lúc mửa hết, nhiên hậu trong mười hai giờ đi đứng ngồi nằm làm thành một mảnh. Tuy ở trên đầu sợi lông mà rộng như đại thiên sa giới; tuy ở trong vạc dầu lò lửa mà như ở cõi nước an lạc; tuy ở trong bảy trân tám bảo như ở dưới nhà tranh, vách lá. Việc này nếu là hàng thông phương tác giả đến chỗ thật của cổ nhân, tự nhiên chẳng phí lực. Sư thấy không có người hiểu được ý mình, nên tự gạn lại: Cứu kính thế nào? Lại không ai làm gì được, Sư tự nói: Cây gậy tức lật vác ngang chẳng đoái đến người, đi thẳng vào ngàn ngọn muôn ngọn. Ý này lại thế nào? Hãy nói chỉ nơi nào là địa đầu? Quả là trong câu có mắt, ngoài lời có ý, tự đứng tự ngã, tự buông tự thâu. Há chẳng thấy Tôn giả Nghiêm Dương đi đường gặp một vị Tăng, liền đưa cây gậy lên hỏi: Là cái gì? Tăng thưa: Chẳng biết! Tôn giả nói: Một cây gậy cũng chẳng biết. Tôn giả lại lấy cây gậy khươi dưới đất một lỗ, hỏi: Lại biết chăng? Tăng thưa: Chẳng biết! Tôn giả nói: Cái lỗ đất cũng chẳng biết. Tôn giả lấy cây gậy để trên vai nói: Hội chăng? Tăng thưa: Chẳng hội! Tôn giả nói: Cây gậy tức lật vác ngang chẳng đoái đến người, đi thẳng vào ngàn ngọn muôn ngọn.
Cổ nhân đến trong đó vì sao không chịu trụ? Tuyết Đậu có tụng: “Ai đương cơ, nêu chẳng lầm lại ít có. Phá hoại cao vót, nungchảy huyền vi. Nhiều lớp cổng to từng mở rộng. Tác giả chưa đồng về. Thỏ ngọc chợt tròn chợt khuyết, quạ vàng tợ bay chẳng bay. Lão Lô chẳng biết đi đâu tá? Mây trắng nước trôi thảy nương nhau.” Bởi cớ sao? Sơn tăng nói: “Dưới đầu thấy má, chớ cùng lại qua, vừa khởi so sánh, liền là trong núi đen hang quỉ làm kế sống.” Nếu thấy được triệt, tin được đến, ngàn người muôn người bủa vây, tự nhiên không thể chận đứng được. Chẳng làm gì được, động đến, chạm đến tự nhiên có chết có sống. Tuyết Đậu hiểu được ý kia nói thẳng vào ngàn ngọn muôn ngọn, mới tạo thành tụng. Cần biết chỗ rơi, xem tụng của Tuyết Đậu:
TỤNG:
Nhãn lý trần sa, nhĩ lý thổ
Thiên phong vạn phong bất khẳng trụ
Lạc hoa lưu thủy thái man man
Dịch khởi mi mao hà xứ khứ?
DỊCH:
Bụi cát trong mắt, đất lỗ tai
Ngàn ngọn muôn ngọn chẳng chịu dừng
Hoa rơi nước chảy trôi bát ngát
Vạch đứng lông mày xem nơi nào?
GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu tụng thật hay có chỗ chuyển thân, chẳng giữ một góc. Liền nói “bụi cát trong mắt, đất lỗ tai”, câu tụng này ý nói Am chủ Liên Hoa Phong khi Thiền khách đến thì trên không ngửa vin, dưới bặt chính mình, trong tất cả thời như khờ tợ dại. Nam Tuyền nói: Người học đạo như kẻ si độn cũng khó được. Thiền Nguyệt thi: Thường nhớ lời hay của Nam Tuyền, như kia si độn vẫn còn ít. Pháp Đăng nói: Người nào biết ý này, khiến ta nhớ Nam Tuyền. Nam Tuyền lại nói: “Bảy trăm Cao tăng trọn là người hiểu Phật pháp, duy ông cư sĩ Lư chẳng hiểu Phật pháp, chỉ hiểu đạo thôi, vì thế được y bát của Ngũ Tổ.” Hãy nói Phật pháp với đạo cách nhau xa gần? Tuyết Đậu niêm: “Trong mắt dính cát chẳng được, trong tai dính nước chẳng được. Nếu có kẻ tin được đến, nắm được đứng, chẳng bị người lừa thì lời dạy của Phật Tổ có khác gì tiếng khua bát. Mời treo đãy bát trên cao, bẻ gậy bỏ, chỉ giữ một kẻ đạo nhân vô sự.” Lại nói: Trong mắt để được núi Tu-di, trong tai chứa được nướcbiển cả, bậc này chịu người thương lượng. Lời dạy của Phật Tổ như rồng gặp nước, như cọp tựa núi, lại nêu quảy đãy bát, vác cây gậy, cũng là một kẻ đạo nhân vô sự. Lại nói: Thế ấy cũng chẳng được, chẳng thế ấy cũng chẳng được, nhiên hậu không còn dính dáng gì.
Trong ba vị đạo nhân vô sự, cốt chọn một người làm thầy, chính là người có khả năng đúc sắt thành dụng cụ. Vì sao? Vì người này gặp cảnh giới ác, hoặc gặp cảnh giới kỳ đặc, đến trước mắt thảy đều giống như mộng, chẳng biết có sáu căn, cũng chẳng biết có sáng chiều. Dù cho đến loại điền địa này, tối kỵ giữ tro lạnh nước chết, thẳng vào chỗ tối mờ mịt, phải có một con đường chuyển thân mới được. Cổ nhân nói: Chớ giữ núi lạnh cỏ xanh lạ, ngồi đợi mây bay trọn chẳng khéo. Vì thế, Am chủ Liên Hoa Phong nói “vì kia đường sá chẳng đắc lực”, phải là đạp trên ngàn ngọn muôn ngọn mới được. Hãy nói, bảo cái gì là ngàn ngọn muôn ngọn? Tuyết Đậu chỉ thích Sư nói “cây gậy tức lật vác ngang chẳng đoái đến người, đi thẳng vào ngàn ngọn muôn ngọn”, vì đó tụng ra. Hãy nói đi chỗ nào? Lại có biết được chỗ đi chăng? Câu “hoa rơi nước chảy trôi bát ngát”, hoa rơi loạn xạ, nước chảy mênh mông. Người có cơ điện chớp, trước mắt là cái gì? Câu “vạch đứng lông mày xem nơi nào”, vì sao Tuyết Đậu cũng chẳng biết đi nơi nào? Như Sơn tăng nói: Cây phất tử đưa khi nãy, thử nói hiện giờ ở chỗ nào? Các ông nếu thấy được cùng Am chủ Liên Hoa Phong đồng tham. Nếu chưa thấy được thì dưới ba cây đòn tay, trước cái đơn bảy tấc, thử tham cứu tường tận xem?
TẮC 26
BÁ TRƯỢNG NGỒI RIÊNG NGỌN ĐẠI HÙNG

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Bá Trượng: Thế nào là việc kỳ đặc? Bá Trượng đáp: Ngồi riêng ngọn Đại Hùng. Tăng lễ bái. Bá Trượng liền đánh.
GIẢI THÍCH: Gặp cơ đủ mắt chẳng đoái nguy vong, cho nên nói chẳng vào hang cọp đâu được cọp con. Bá Trượng bình thường dường như cọp thêm cánh. Vị Tăng này cũng chẳng sợ chết sống, dám nhổ râu cọp, nên hỏi thế nào là việc kỳ đặc? Ông Tăng này đã đủ con mắt sáng, nên Bá Trượng cho ông gánh vác, nói “ngồi riêng núi Đại Hùng”. Ông liền lễ bái. Thiền tăng phải biện biệt ý trước khi hỏi mới được. Vị Tăng này lễ bái cùng việc lễ bái hằng ngày chẳng đồng, phải là người đủ mắt sáng mới được. Chớ đem gan mật bình sanh trút cho người, biết nhau lại như chẳng biết nhau. Chỉ xem vị Tăng hỏi: Thế nào là việc kỳ đặc? Bá Trượng nói: Ngồi riêng núi Đại Hùng. Tăng lễ bái, Bá Trượng liền đánh. Xem kia buông đi đồng thời đều phải, thâu lại thì quét sạch dấu vết. Hãy nói “vị Tăng liền lễ bái”, ý chỉ thế nào? Nếu bảo là tốt, tại sao Bá Trượng lại đánh ông? Nếu bảo là chẳng tốt, ông lễ bái có chỗ nào chẳng được? Đến trong đây phải biết hay dở, rành trắng đen, đứng trên ngàn ngọn núi mới được. Vị Tăng này liền lễ bái, giống như nhổ râu cọp, chỉ giành chỗ chuyển thân. May gặp Bá Trượng có con mắt tại đảnh môn, trong tay có thần phù chiếu thấu bốn thiên hạ, biện rõ lai phong, cho nên liền đánh. Nếu là kẻ khác thì không làm gì được y. Vị Tăng này lấy cơ đầu cơ, dùng ý dẹp ý,cho nên lễ bái.
Như Nam Tuyền nói: Canh ba đêm qua Văn-thù, Phổ Hiền, khởi Phật kiến, pháp kiến, cho mỗi vị hai mươi gậy, đày đến hai ngọn núi Thiết Vi. Triệu Châu ra chúng thưa: Gậy của Hòa thượng bảo ai ăn? Nam Tuyền nói: Vương lão sư có lỗi gì? Triệu Châu liền lễ bái.
Bậc Tông sư bình thường chẳng thấy chỗ thọ dụng, vừa gặp lúc đương cơ nêu ra, tự nhiên sống linh động. Ngũ Tổ tiên sư thường nói: “Giống như trước ngựa đánh nhau, ông chỉ thường tập thấy nghe thanh sắc, đồng thời ngồi dứt, nắm được đứng, làm được chủ, mới thấy Bá Trượng kia.” Hãy nói khi buông ra phải làm sao? Xem Tuyết Đậu tụng:
TỤNG:
Tổ vức giao trì thiên mã câu
Hóa môn thơ quyện bất đồng đồ
Điện quang thạch hỏa tồn cơ biến
Kham tiếu nhân lai loát hổ tu.
DỊCH:
Đất Tổ chen nhau thiên mã câu
Cuộn bày cửa hóa chẳng đồng đường
Điện quang đá nháng còn cơ biến
Cười ngất người kia nhổ râu hùm.
GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu thấy tột mới tụng ra. Thiên mã câu là con ngựa chạy một ngày một ngàn dặm, chạy dọc chạy ngang nhanh như bay. Tuyết Đậu tụng ý nói Bá Trượng ở trong đất Tổ, bên đông chạy sang bên tây, bên tây chạy sang bên đông, một qua một lại, bảy dọc tám ngang, toàn không chút ngại giống như thiên mã câu. Khéo hay qua lại mới thấy chỗ tự do, đó là được đại cơ đại dụng của Mã Tổ.
Có vị Tăng hỏi Mã Tổ: Thế nào là đại ý Phật pháp? Mã Tổ liền đánh, nói: Nếu ta chẳng đánh ngươi thì người trong thiên hạ sẽ cười ta. Tăng lại hỏi: Thế nào là ý Tổ sư Tây sang? Mã Tổ bảo: Lại gần đây, vì ông nói. Tăng lại gần, Mã Tổ tát vào tai, nói: Sáu cái chẳng đồng mưu.
Thế là đủ thấy Ngài được tự do tự tại. Trong chỗ dựng lập hóa môn, hoặc bày ra hoặc cuộn lại. Có khi bày chẳng ở chỗ cuộn, có khi cuộn chẳng ở chỗ bày, có khi cuộn bày đều chẳng còn. Vì thế nói đồng đường mà chẳng đồng dấu. Câu tụng này là nói Bá Trượng có được thủ thuật ấy.
Tuyết Đậu tụng “điện quang đá nháng còn cơ biến”, là nói vị Tăng này như làn điện chớp, tợ chọi đá nháng lửa, chỉ ở trong phút giây cơ biến. Nham Đầu nói: Buông vật là thượng, theo vật là hạ. Nếu luận về pháp chiến mỗi mỗi phải ở chỗ chuyển. Tuyết Đậu nói: Bánh xe từng chưa chuyển, chuyển ắt chạy hai đầu. Nếu chuyển chẳng được, có dùng vào chỗ nào? Bậc đại trượng phu phải biết chút cơ biến mới được. Ngườinay chỉ quản cung ứng kinh phí cho người, bị người xỏ lỗ mũi, biết bao giờ liễu ngộ. Vị Tăng này ở trong chỗ điện xẹt lửa nháng khéo được cơ biến, liền lễ bái. Tuyết Đậu tụng “cười ngất người kia nhổ râu hùm”, nói Bá Trượng như con cọp, cười ngất vị Tăng này đến nhổ râu cọp.
TẮC 27
VÂN MÔN THÂN BÀY GIÓ THU

LỜI DẪN: Hỏi một đáp mười, nêu một rõ ba, thấy thỏ thả chim ưng, nhân gió thổi lửa, chẳng tiếc lông mày hãy gác lại, như khi vào hang cọp thì thế nào, thử cử xem?
CÔNG ÁN: Tăng hỏi Vân Môn: Khi lá rụng cành khô thì thế nào? Vân Môn đáp: Thân bày gió thu.
GIẢI THÍCH: Nếu nhằm trong ấy tiến được mới thấy chỗ vì người của Vân Môn. Kia nếu chẳng được thế, vẫn như xưa là kẻ chỉ nai cho là ngựa, mắt mờ tai điếc, người nào đến cảnh giới này. Hãy nói VânMôn đáp thoại cho người, hay vì người thù xướng? Nếu nói đáp thoại cho người là nhận lầm trái cân bàn (một tiêu chuẩn cố định). Nếu nói vì người thù xướng thì nào có dính dáng. Đã chẳng thế ấy, cứu kính thế nào? Nếu ông thấy được thấu thì lỗ mũi Thiền tăng chẳng nhọc một cái ấn tay. Kia nếu chẳng được thế, như xưa đi thẳng vào trong hang quỉ. Phàm là người dựng lập tông thừa, phải là toàn thân gánh vác, chẳng tiếc lông mày, nhằm miệng cọp nằm ngang, mặc nó lôi ngang kéo dọc. Nếu chẳng nhưthế đâu thể vì người được. Ông Tăng này đặt câu hỏi thật là hiểm hóc, nếu lấy việc tầm thường nhìn ông chỉ giống một vị Tăng nhàn rỗi. Nếu căn cứ vào dưới cửa Thiền tăng, trong chỗ mạng mạch mà xem, quả thật có chỗ diệu. Thử nói lá rụng cành khô là cảnh giới của người nào? Trong mười tám lối hỏi, lối hỏi này là “Biện chủ”, cũng gọi là “Tá sự vấn”. Vân Môn chẳng dời đổi một mảy tơ, chỉ nhằm ông nói “thân bày gió thu”. Đáp rất hay, cũng chẳng cô phụ câu hỏi của người. Bởi vì chỗ hỏi kia có mắt sáng, chỗ đáp cũng đúng đắn. Người xưa nói: Muốn được thân thiết chớ đem hỏi đến hỏi. Nếu là tri âm, nói ra liền biết chỗ rơi. Nếu ông nhằm trong ngữ mạch của Vân Môn mà tìm thì lầm rồi. Chỉ là trong câu của Vân Môn, phần nhiều thích gợi tình giải của người. Nếu dùng tình giải hiểu, chưa khỏi vùi lấp hết con cháu của ta. Vân Môn thích cỡi ngựa giặc đuổi giặc nhưthế. Đâu chẳng thấy Tăng hỏi: Thế nào là chỗ phi tư lương? Vân Môn đáp: Thức tình khó lường. Vị Tăng này hỏi: Khi lá rụng cành khô thì thế nào? Vân Môn đáp: Thân bày gió thu. Trong câu quả thật chặt đứt yếu tân, chẳng thông phàm Thánh, phải hiểu Sư cử một rõ ba, cử ba rõ một. Nếu ông trong ba câu đó mà tìm thì nhổ tên sau ót. Trong một câu của Sư phải đủ ba câu: - phú cái càn khôn - tùy ba trục lãng - cát tiệt chúng lưu, tựnhiên thích hợp. Vân Môn trong ba câu, hãy nói dùng câu nào tiếp người, thử biện xem?
TỤNG:
Vấn ký hữu tông
Đáp diệc du đồng
Tam cú khả biện
Nhất thốc liêu không.
Đại dã hề lương tiêu táp táp
Trường thiên hề sơ vũ mông mông.
Quân bất kiến
Thiếu Lâm cửu tọa vị qui khách
Tịnh y Hùng Nhĩ nhất tòng tòng.
DỊCH:
Hỏi đã có tông
Đáp cũng vẫn đồng
Ba câu khá biện
Một mũi băng không.
Đồng rộng chừ vèo vèo gió mát
Trời dài chừ lấm tấm mưa thưa.
Anh chẳng thấy
Thiếu Lâm ngồi lâu chưa về khách
Lặng nương Hùng Nhĩ một rặng tùng.
GIẢI TỤNG: Người xưa nói: Nương lời cần hiểu tông, chớ tự lập qui củ. Lời nói người xưa không rỗng, nên nói phàm hỏi việc cần biết chút ít tốt xấu, nếu chẳng biết tôn ti đi đến, chẳng biết chạm tịnh, tha hồ nói loạn, có chỗ nào lợi ích. Phàm phát lời nhả hơi phải như cái kềm, cái nhíp, có móc, có khóa, phải là tương tục chẳng dứt mới được. Vị Tăng này chỗ hỏi có tông chỉ, Vân Môn chỗ đáp cũng vậy. Vân Môn bình thường dùng ba câu tiếp người, đây là cực tắc. Tuyết Đậu tụng công án này với công án của Đại Long tương tợ. “Ba câu khá biện”, trong một câu đủ ba câu, nếu biện được thì thoát ngoài ba câu. “Một mũi băng không”, chữ “thốc” là mũi tên bắn đi rất xa, phải chú mắt nhìn nhanh mới thấy.Nếu thấy được rõ ràng có thể dưới một câu khai triển cả đại thiên sa giới. Đến đây đã tụng xong. Tuyết Đậu có dư tài, triển khai tụng ra: “Đồng rộng chừ vèo vèo gió mát, trời dài chừ lấm tấm mưa thưa.” Hãy nói là tâm hay cảnh, là huyền hay diệu? Người xưa nói: Pháp pháp chẳng ẩn tàng, xưa nay thường hiển lộ. Tăng hỏi: Khi lá rụng cành khô thì thế nào? Vân Môn đáp: Thân bày gió thu. Tuyết Đậu ý chỉ làm một cảnh, như hiện nay trước mắt gió phất phất, chẳng phải gió Đông Nam tức gió Tây Bắc, cần phải hiểu thế ấy mới được. Nếu ông khởi hiểu thiền đạo, liền không dính dáng. “Anh chẳng thấy Thiếu Lâm ngồi lâu chưa về khách”, khi Tổ Đạt-ma chưa về Tây thiên, chín năm ngồi xây mặt vào vách lặng yên. Đây là “lá rụng cành khô” hay “thân bày gió thu”? Nếu nhằm trong đây sạch cổ kim phàm Thánh, càn khôn đại địa nhồi thành một khối, mới thấy rõ chỗ vì người của Vân Môn, Tuyết Đậu. “Lặng nương Hùng Nhĩ một rặng tùng”, Hùng Nhĩ tức là Thiếu Lâm tại Tung Sơn ở Tây Kinh. Phía trước núi có ngàn vạn lớp tùng, sau núi cũng có ngàn vạn lớp tùng. Các ông nhằm chỗ nào thấy? Lại thấy chỗ Tuyết Đậu vì người chăng? Cũng là rùa linh lê đuôi.
TẮC 28
NAM TUYỀN PHÁP CHẲNG NÓI

CÔNG ÁN: Nam Tuyền đến tham vấn Hòa thượng Niết-bàn ở núi Bá Trượng. Bá Trượng hỏi: Từ trước chư Thánh lại có pháp chẳng vì người nói chăng? Nam Tuyền đáp: Có. Bá Trượng hỏi: Thế nào là pháp chẳng vì người nói? Nam Tuyền đáp: Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật. Bá Trượng bảo: Nói rồi vậy. Nam Tuyền hỏi: Con chỉ thế ấy, Hòa thượng thế nào? Bá Trượng bảo: Ta chẳng phải đại thiện tri thức, đâu biết có nói chẳng nói. Nam Tuyền thưa: Con chẳng hội. Bá Trượng bảo: Ta rất vì ông nói xong.
GIẢI THÍCH: Đến trong đây cũng chẳng tiêu tức tâm chẳng tức tâm, chẳng tiêu phi tâm chẳng phi tâm, thẳng đó từ đầu đến chân một sợi lông mày cũng không, vẫn còn đôi chút so sánh. Tức tâm phi tâm, Thiền sư Thọ cho đó là biểu thuyên và giá thuyên.
Hòa thượng Niết-bàn tức là Thiền sư Pháp Chánh, khi xưa ở Bá Trượng làm Tây Đường, bảo chúng khai điền vì nói đại nghĩa. Khi ấy, Nam Tuyền đã gặp Mã Tổ xong, chỉ cần đến các nơi để quyết trạch. Bá Trượng đặt câu hỏi rất khó đáp: “Từ trước chư Thánhlại có pháp chẳng vì người nói chăng?” Nếu là Sơn tăng chỉ bịt tai đi ra, xem ông già này một trường rối loạn. Nếu là hàng tác gia, thấy Sư hỏi thế ấy liền biết phá được. Nam Tuyền cứ chỗ thấy đáp: Có. Thế là Mạnh Bát Lang(1)Bá Trượng bèn đem lầm đến lầm, theo sau nói: Thế nào là pháp chẳng vì người nói? Nam Tuyền đáp: Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật. Lão này thích xem mặt trăng trên trời, rơi mất hạt châu trong tay. Bá Trượng bảo: Nói rồi vậy. Đáng tiếc thay! Vì kia chú phá. Ngay khi ấy chỉ nhằm xương sống mà đánh, cho kia biết đau nhức. Tuy nhiên như thế,ông hãy nói chỗ nào là chỗ nói rồi? Cứ chỗ thấy của Nam Tuyền “chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật” là chưa từng nói đến. Thử hỏi các ông, tại sao lại bảo “nói rồi”? Dưới lời của Sư không có dấu vết. Nếu bảo Sư chẳng nói, vì sao Bá Trượng lại nói thế ấy? Nam Tuyền là người biến thông, liền theo sau một cái đẩy: “Con chỉ thế ấy, Hòa thượng lại thế nào?” Nếu là kẻ khác chưa khỏi bối rối, đâu ngờ Bá Trượng là hàng tác gia, chỗ đáp quả thật kỳ đặc. “Ta chẳng phải là đại thiện trithức, đâu biết có nói không nói.” Nam Tuyền thưa: Con chẳng hội. Thế là Sư hội rồi nói mà nói chẳng hội? Hay thật không hội. Bá Trượng bảo: Tarất vì ông nói xong. Hãy nói chỗ nào là chỗ nói? Nếu là kẻ đùa hòn đất thì cả hai lộn xộn. Nếu cả hai đều là tác gia thì như gương sáng tại đài. Kỳ thật phần trước cả hai đều tác gia, phần sau cả hai đều bỏ qua. Nếulà người đủ mắt sáng thì rõ ràng nghiệm lấy. Hãy nói làm sao nghiệm kia, xem Tuyết Đậu tụng:
TỤNG:
Tổ Phật tùng lai bất vị nhân
Nạp tăng kim cổ cạnh đầu tẩu
Minh cảnh đương đài liệt tượng thù
Nhất nhất diện Nam khán Bắc Đẩu
Đẩu bỉnh thùy, vô xứ thảo
Niêm đắc tỹ khổng, thất khước khẩu.
DỊCH:
Tổ Phật xưa nay chẳng vì người
Thiền tăng kim cổ đua nhau chạy
Gương sáng tại đài tướng lạ bày
Mỗi mỗi hướng Nam nhìn Bắc Đẩu
Chuôi sao rũ, không chỗ tìm
Nắm được lỗ mũi, mất đi miệng.
GIẢI TỤNG: Phật Thích-ca ra đời bốn mươi chín năm chưa từng nói một chữ, trước từ nước Quang Diệu sau đến sông Bạt-đề, ở trong khoảng giữa chưa từng nói một chữ. Nói thế ấy là có nói hay chẳng nói? Như hiện nay đầy Long cung tràn Hải tạng, làm sao bảo chẳng nói? Hãy nghe Tu Sơn Chủ nói: Chư Phật chẳng xuất thế, bốn mươi chín năm nói, Đạt-ma chẳng Tây sang, Thiếu Lâm có diệu quyết. Lại nói: Chư Phật chẳng từng ra đời, cũng không một pháp cho người, chỉ xem tâm chúng sanh, tùy cơ hợp bệnh cho thuốc, bày phương tiện, nên có ba thừa mười hai phần giáo. Kỳ thật Phật Tổ từ xưa đến nay chưa từng vì người nói. Chỉ cái không vì người, phải khéo tham cứu tường tận. Sơn tăng thường nói: Nếulà thêm một câu, nếm ngọt ngào như đường mật, chín chắn xem ra quả là độc dược. Nếu nhằm xương sống đánh, nhằm miệng vả, đẩy ra ngoài, mới là thân thiết vì người. Thiền tăng xưa nay đua nhau chạy, khắp nơi phải cũng hỏi, chẳng phải cũng hỏi, hỏi Phật, hỏi Tổ, hỏi hướng thượng hướng hạ. Tuy nhiên như thế, nếu chưa đến trong điền địa này, cần phải như “gương sáng tại đài tướng lạ bày”, chỉ tiêu một câu có thể biện được rõ ràng. Người xưa nói: Vạn tượng sum la là sở ấn của một pháp. Lại nói: Sum la và vạn tượng thảy ở trong ấy tròn đầy. Đại sư Thần Tú nói: “Thân là cây bồ-đề, tâm như đài gương sáng, luôn luôn phải lau chùi, chớ để dính bụi bặm.” Ngài Đại Mãn bảo: “Ông chỉ ở ngoài cửa.” Tuyết Đậu nói thế ấy, hãy nói ở trong cửa hay ở ngoài cửa? Cả thảy các ông mỗi người có một tấm gương xưa, sum la vạn tượng dài ngắn vuông tròn, mỗi mỗi đều hiển hiện ở trong đó. Nếu ông đến chỗ dài ngắn mà hiểu, chợt dò tìm chẳng được. Thế nên, Tuyết Đậu nói: “gương sáng tại đài tướng lạ bày”,lại phải là “mỗi mỗi hướng nam nhìn Bắc Đẩu”. Đã là hướng nam tại sao lại xem Bắc Đẩu? Nếu thế ấy hội được, mới thấy chỗ Bá Trượng, Nam Tuyền thấy nhau. Hai câu này tụng chỗ Bá Trượng đẩy tạt qua, nói: “ta chẳng phải đại thiện tri thức, đâu biết có nói không nói”. Tuyết Đậu tụng đến đây bị rơi vào nước chết, ngại người hiểu lầm, liền đề khởi lên: Chính nay trước mắt “chuôi sao rũ”, ông lại đến chỗ nào tìm? Ông vừa “nắm được lỗ mũi, mất đi miệng”, nắm được miệng mất đi lỗ mũi rồi vậy.
TẮC 29
ĐẠI TÙY THEO KIA ĐI

LỜI DẪN: Cá lội nước đục, chim bay lông rụng, biện rõ chủ khách phân rành trắng đen. Giống như gương sáng tại đài, minh châu trong tay, Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán, bày thanh hiển sắc. Hãy nói vì sao như thế, thử cử xem?
CÔNG ÁN: Tăng hỏi Đại Tùy: Kiếp hỏa cháy rực đại thiên đều hoại, chưa biết cái này hoại chẳng hoại? Đại Tùy đáp: Hoại. Tăng hỏi: Thế thì theo kia đi? Đại Tùy đáp: Theo kia đi.
GIẢI THÍCH: Hòa thượng Chơn Như ở Đại Tùy kế thừa Thiền sư Đại An. Sư người huyện Diêm Đình, Đông Xuyên, đi tham vấn hơn sáu mươi vị thiện tri thức. Xưa khi ở trong hội Qui Sơn, Sư làm đầu bếp, một hôm Qui Sơn hỏi: Con ở đây nhiều năm mà không biết đặt một câu hỏi xem thế nào? Sư thưa: Bảo con hỏi cái gì mới được? Qui Sơn bảo: Sao con chẳng hỏi thế nào là Phật? Sư liền lấy tay bụm miệng Qui Sơn. Qui Sơn nói: Ngươi về sau tìm một người quét đất cũng không. Sau Sư trở về Đông Xuyên, trước cất quán trà trên con đường lên núi Bằng Khẩu để tiếp đãi người qua lại, đến ba năm. Sau Sư khai đường dạy chúng, trụ ở Đại Tùy.Có vị Tăng hỏi: Kiếp hỏa cháy rực đại thiên đều hoại, chưa biết cái này hoại chẳng hoại? Vị Tăng này chỉ y cứ vào kinh điển đến hỏi. Trong kinh nói: Thành trụ hoại không, khi kiếp tam tai dấy khởi hoại đến cõi trờiTam Thiền. Vị Tăng này xưa nay chưa biết chỗ rơi của thoại đầu. Cái này là gì? Nhiều người khởi tình giải nói: cái này là Bản tánh của chúng sanh. Đại Tùy nói: Hoại. Vị Tăng hỏi: Thế ấy thì theo kia đi? Đại Tùy đáp: Theo kia đi. Chỉ cái này bao nhiêu người tình giải dò tìm chẳng được. Nếu nói theo kia đi thì ở chỗ nào? Nếu nói chẳng theo kia đi, lại tại sao không thấy? Nên nói: Muốn được thân thiết chớ đem hỏi đến hỏi.Sau có vị Tăng hỏi Tu Sơn Chủ: Kiếp hỏa cháy rực đại thiên đều hoại, chưa biết cái này hoại chẳng hoại? Tu Sơn Chủ đáp: Chẳng hoại. Tăng hỏi: Vì sao chẳng hoại? Tu Sơn Chủ đáp: Vì đồng với đại thiên, hoại cũng bít lấp giết người, chẳng hoại cũng bít lấp giết người. Vị Tăng kia đã chẳng hiểu lời nói của Đại Tùy, song y chẳng ngại lấy việc này làm niệm, mang nghi vấn thẳng đến núi Đầu Tử ở Thơ Châu. Đầu Tử hỏi: Vừa rời chỗ nào?Tăng thưa: Núi Đại Tùy ở Tây Thục. Đầu Tử hỏi: Đại Tùy có ngôn cú gì? Tăng liền nhắc lại lời hỏi trước. Đầu Tử thắp hương lễ bái nói: Tây Thục có cổ Phật ra đời, ông nên trở lại mau. Vị Tăng trở về đến Đại Tùy thì Đại Tùy đã tịch. Vị Tăng này một trường rối loạn. Sau đời Đường có vị tăng Cảnh Tuân đề Đại Tùy:
Rõ ràng không pháp khác
Ai nói ấn Nam Năng
Một câu theo lời họ
Thiền tăng chạy núi ngàn
Dế lạnh kêu đống lá
Quỉ đêm lễ lồng đèn
Ngâm xong ngoài song lẻ
Bồi hồi hận chẳng cùng.
Vì thế, dưới đây Tuyết Đậu dẫn hai câu này tụng ra. Hiện nay chẳng được khởi hiểu hoại, cũng chẳng được khởi hiểu không hoại, cứu kính hiểu thế nào? Để mắt xem nhanh!
TỤNG:
Kiếp hỏa quang trung lập vấn đoan
Nạp tăng du trệ lưỡng trùng quang
Khả lân nhất cú tùy tha ngữ
Vạn lý khu khu độc vãng hoàn.
DỊCH:
Kiếp hỏa sáng ngời hỏi thành câu
Thiền tăng còn kẹt cổng hai vòng
Đáng thương chỉ một lời theo đấy
Muôn dặm nhọc nhằn riêng tới lui.
GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu đương cơ tụng ra, trong câu có chỗ xuất thân “kiếp hỏa sáng ngời hỏi thành câu, Thiền tăng còn kẹt cổng hai vòng”, chỗ hỏi của vị Tăng trước ôm ấp hoại cùng chẳng hoại là kẹthai tầng cổng. Nếu là người được thì nói hoại cũng có chỗ xuất thân, nói chẳng hoại cũng có chỗ xuất thân. Hai câu “đáng thương chỉ một lời theo đấy, muôn dặm nhọc nhằn riêng tới lui”, tụng vị Tăng mang câu hỏi đến Đầu Tử, lại trở về Đại Tùy, đáng gọi là muôn dặm nhọc nhằn.
TẮC 30
TRIỆU CHÂU CỦ CẢI TO

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Triệu Châu: Được nghe Hòa thượng thân kiến Nam Tuyền phải chăng? Triệu Châu đáp: Ở Trấn Châu phát xuất củ cải to.
GIẢI THÍCH: Vị Tăng này cũng thuộc hạng tham cứu lâu, trong câu hỏi quả là có mắt. Đâu ngờ Triệu Châu là hàng tác gia, liền đáp: Ở Trấn Châu phát xuất củ cải to. Đáng gọi là lời nói vô vị, bít lấp miệng người. Lão này giống như kẻ cướp ban ngày, ông vừa mở miệng liền móc tròng mắt của ông. Nếu là kẻ đặc đạt anh linh, ngay đó nhằm trong khoảng đá nháng điện xẹt, vừa nghe nói đến liền đi. Nếu là lặng nghĩ dừng suy chẳng khỏi tan thân mất mạng. Ở Giang Tây, Trừng Tán Thánh Phán nói đó là hỏi đông đáp tây, bảo là chẳng đáp thoại, chẳng vào lồng vào lọp của người. Nếu hiểu thế ấy đâu thể được. Viễn Lục công nói: Đây làlời nhìn bên, nằm trong cửu đới. Nếu hiểu thế ấy, khi mộng cũng chưa mộng thấy, lại còn đới lụy Triệu Châu. Có người nói: Ở Trấn Châu từ xưa đến giờ sản xuất củ cải to, mọi người đều biết, Triệu Châu từ khi đến tham kiến Nam Tuyền mọi người đều biết. Vị Tăng này đến hỏi: Được nghe Hòa thượng thân kiến Nam Tuyền phải chăng? Vì thế Triệu Châu dùng Trấn Châu xuất phát củ cải to để đáp. Hiểu thế thật là không dính dáng. Trọn chẳng được hiểu thế ấy, cứu kính làm sao hiểu? Ông ta tự có đường thấu trời. Đâu chẳng thấy có vị Tăng hỏi Cửu Phong: “được nghe Hòa thượng thân kiến Diên Thọ phải chăng”, Cửu Phong đáp: Trước núi mạch chín chưa? Đây hợp với lời Triệu Châu đáp cho vị Tăng, giống như hai cái chùy sắt không lỗ. Lão Triệu Châu là người vô sự, ông nhè nhẹ hỏi đến, liền móc tròng mắt ông. Nếu là người “tri hữu” nhai kỹ thấy thú vị. Nếu là người “chẳng tri hữu” giống như ngốn nuốt trái táo.
TỤNG:
Trấn Châu xuất đại la bặc
Thiên hạ Nạp tăng thủ tắc
Chỉ tri tự cổ tự kim
Tranh biện hộc bạch ô hắc
Tặc! Tặc!
Nạp tăng tỹ khổng tằng niêm đắc.
DỊCH:
Trấn Châu sản xuất củ cải
Thiền tăng khắp nơi giữ tắc
Chỉ biết tự xưa tự nay
Nào biện quạ đen hộc trắng
Giặc! Giặc!
Lỗ mũi Thiền tăng từng nắm được.
GIẢI TỤNG: Câu “Trấn Châu sản xuất củ cải to”, nếu ông chấp đó làm cực tắc sớm đã lầm rồi. Người xưa nắm tay tiến lên núi cao chưa khỏi kẻ bàng quan cười. Mọi người đều biết nói cái này là cực tắc, mà cứu kính không biết chỗ cực tắc. Vì thế Tuyết Đậu nói “Thiền tăng khắp nơi giữ tắc, chỉ biết tự xưa tự nay, nào biện quạ đen hộc trắng”. Tuy biết người nay đáp thế ấy, người xưa cũng đáp thế ấy, mà đâu từng phân biệt trắng đen. Tuyết Đậu nói cũng phải đến trong khoảng đá nháng điện xẹt biện biệt quạ đen hộc trắng mới được. Công án đến đây tụng xong. Tuyết Đậu xuất ý nhằm chỗ sống linh động và nhằm các ông nói “giặc! giặc! lỗ mũi Thiền tăng từng nắm được”. Chư Phật ba đời cũng làgiặc, Tổ sư nhiều đời cũng là giặc, khéo hay làm giặc móc tròng mắt người, mà chẳng trầy tay chân, chỉ riêng một Triệu Châu. Hãy nói chỗ nào là chỗ Triệu Châu khéo làm giặc? Trấn Châu xuất phát củ cải to.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Những tâm tình cô đơn


Chuyện Phật đời xưa


Nguồn chân lẽ thật


Giọt mồ hôi thanh thản

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.227.73 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập