Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phần 5
TẮC THỨ BỐN MƯƠI MỐT
NGƯỜI CHẾT LỚN CỦA TRIỆU CHÂU
THÙY: Chỗ thị phi lẫn lộn, bậc thánh cũng không biết;lúc nghịch thuận tunh hoành, Phật cũng chẳng biện được. Là bậc tuyệt thế siêu quần, để lộ cái khả năng trổi vượt. Bước trên bằng mỏng đi trên lưỡi kiếm. Giống như thể sừng kỳ lân, hoa sen trong lửa. Vừa thấy kẻ siêu quần đã biết là động dao.Ai là tay hảo thủ? Xin nêu lên xem!
CỬ: Triệu Châu hỏi Đầu Tử, “Kẻ đã chết ngắc rồi lại sống dậy thì như thế nào?” Đầu Tử nói, “Không được đi đêm, ban ngày hãy tới.”
BÌNH: Triệu Châu hỏi Đầu Tử, “Kẻ đã chết ngắc rồi lại sống dậy thì như thế nào?” Đầu Tử trả lời, “Không được đi đêm, ban ngày hãy tới.” Thử nói xem đó là thời tiết gì vậy? Sao không lo đập vào phách đá, đó gọi là câu hỏi để thử chủ. Và cũng gọi là câu hỏi tâm hành. Người khắp nơi ai cũng ca ngợi Đầu Tử và Triệu Châu là có tài hung biện siêu quần. Tuy hai người là truyền nhân của hai dòng khác nhau, song thử nhìn xem cơ phong của họ mới ăn khớp làm sao.
Một hôm Đầu Tử thiết tiệc trà đãi Triệu Châu, đích thân đưa bánh hấp đến cho Triệu Châu, Triệu Châu không buồn để ý. Đầu Tử sai một hành giả khác đưa bánh cho Triệu Châu. Triệu Châu vái hành giả ba lần. Thử nói xem ý của thầy ta như thế nào? Nhìn xem thầy ta luôn luôn hướng vào tận gốc rễ của vạn vật để mà khai mở cho người khác.
Có ông tăng hỏi Đầu Tử, “Đạo là gì?” Đầu Tử nói, “Đạo.” Ông tăng hỏi, “Phật là gì?” Đầu Tử nói, “ Phật” Ông tăng lại hỏi, “Lúc khóa vàng chưa mở thì như thế nào?” Đầu Tử nói, “Mở”. Ông tăng nói, “ Lúc kim đê chưa gáy thì như thế nào?” Đầu Tử nói, “Không có cái âm thanh ấy.” Ông tăng hỏi, “Thế sau khi gáy rồi thì như thế nào?” Đầu Tử nói, “ Mỗi cái tự biết thời của mình.” Đầu Tử bình sinh vấn đáp đều như vậy cả.
Thử nhìn xem Triệu Châu hỏi Đầu Tử,” Kẻ đã chết ngắc rồi lại sống dậy thì như thế nào?” Đầu Tử bèn nói, “Không được đi đêm, ban ngày hãy tới.” Như đá lửa điện chớp, phải là người hướng thượng như thầy ta thì mới có thể như thế được.
Một người đã chết ngắc rồi thì chẳng có Phật pháp đạo lý, huyền diệu đắc thất thị phi dài ngắn gì cả. Đến chỗ này rồi thì cứ như thế mà thôi. Cổ nhân gọi là “ Trên đất bằng người chết vô số, vượt qua được khu rừng gai góc mới là tay hảo thủ.” Phải thấu qua được bên kia mới được. Tuy là thế, song người bây giờ ngay cả chỉ đạt đến được mức độ này cũng đã là khó lắm rồi.
Nếu như các ông vẫn còn nương cậy vào thiên kiến thì ắt chẳng thể hiểu được. Triết Hòa Thượng gọi đó là cái thấy không thuần khiết. Ngũ Tổ gọi là mạng căn chưa cắt đứt.[1]Phải chết đi một lần rồi sống lại thì mới được.Vĩnh Quang Hòa Thượng ở triết Trung nói, “Nếu như không nắm được cơ phong kể như xa nhà ngàn dặm. Phải buông tay trên bờ vực thẳm, dám đưa vai ra gánh chịu, chết đi sống lại. Không lừa dối các ông được, cái yếu chỉ phi thường này làm sao người ta che giấu được?”
Ý nghĩa câu hỏi của Triệu Châu là như vậy. Đầu Tử là bậc chuyên gia cho nên cũng không cô phụ câu hỏi của Triệu Châu. Chỉ có điều thầy ta tuyệt tình tuyệt tích, cho nên không thể nào mà không khó hiểu. Thầy ta chỉ để lộ trước mắt chút đỉnh mà thôi. Cổ nhân nói, “Muốn đạt được thân thiết, đừng đem câu hỏi đến hỏi. Câu hỏi nằm trong câu trả lời, câu trả lời nằm trong câu hỏi.” Nếu như không phải là Đầu Tử mà bị Triệu Châu hỏi một câu hỏi, hẳn là thấy khỏ trả lời vô cùng. Chỉ bởi vì Đầu Tử là tay chuyên gia cho nên vừa thấy nêu lên là đã biết cốt yếu.
TỤNG
Trong sống có mắt giống như chết,
Thuốc kỵ làm sao thử chuyên gia?
Cổ Phật cũng bảo là chưa đến,
Không hiểu ai biết rải cát bụi.
BÌNH: “Trong sống có mắt giống như chết.” Tuyết Đậu là người biết cơ, cho nên mới dám tụng. Cổ nhân nói, “Thầy ta tham câu sống chứ không tham câu chết.” Tuyết Đậu nói trong sống có mắt thì cũng giống như người chết vậy. Thầy ta đã từng chết chưa? Trong chết mà có mắt thì cũng giống như sống. Cổ nhân nói, “ Giết hết kẻ chết thì mới thấy người sống. Làm sống lại tất cả người chết, thì mới thấy được người chết.”
Triệu Châu là người sống cho nên mới tạo ra một câu hỏi chết để thử Đầu Tử. Giống như thể lấy một vật kỵ với thứ thuốc nào đó để thử nó. Cho nên Tuyết Đậu mới nói, “Thuốc kỵ làm sao thử chuyên gia?” Đây là để tụng câu hỏi của Triệu Châu. Sau đó lại tụng Đầu Tử.” Cổ Phật cũng bảo là chưa đến.” Ngay cả chỗ người đã chết này sống lại Cổ Phật cũng chưa từng đến. Các lão hòa thượng trong thiên hạ cũng chưa từng đến. Dù cho là Thích Ca lão tử, bích nhãn hồ tăng (Bồ Đề Đạt Ma) cũng cần phải tham (Thiền) thêm nữa mới được. Cho nên Tuyết Đậu mới nói, “Chỉ có lão Hồ biết chứ không cho lão Hồ hiểu.”
Tuyết Đậu nói, “Không hiểu ai biết rãi cát bụi.” Há không nghe chuyện có ông tăng hỏi Trường Khánh, “Thế nào là mắt của bậc thiện tri thức?” Trường Khánh nói, “Người ấy có cái nguyện không rải cát.” Bảo Phúc nói, “Không được rải thêm nữa.” Các lão hòa thượng ngồi trên giường gỗ khác, vung gậy hò hét, dơ phất trần đập lên giường, hiện thần thông làm chủ tể, đều chỉ là rải cát mà thôi. Thử nói xem, làm sao có thể tránh được? TẮC THỨ BỐN MƯƠI HAI
TỪNG PHIẾN TUYẾT CỦA BÀNG CƯ SĨ
THÙY: Đơn đề độc lộng, vương nước lầm bùn. Xướng họa đồng hành, núi bạc tường sắt. So đo liền thấy quỉ trước mặt, tâm tư thì như ngồi dưới ngọn núi đen. Mặt trời rực rỡ trên không. Gió trong xào xạc dưới đất. Thử nói xem cổ nhân còn có chỗ lầm lẫn chăng? Xin nêu lên xem.
CỬ: Bàng Cư Sĩ từ giả Dược Sơn, Dược Sơn sai mười Thiền khách tiễn ra tận cổng. Bàng Cư Sĩ chỉ tuyết trên không nói, “Từng phiến tuyết đẹp không rơi chỗ khác.” Lúc ấy có vị Thiền khách tên Toàn nói, “Rơi ở chỗ nào cơ?” Bàng Cư Sĩ bèn đánh một bạt tai. Toàn thiền khách nói, “Cư sĩ không nên thô lỗ như thế.” Bàng Cư Sĩ nói, “Làm sao ông tự gọi mình là Thiền khách được, Diêm Vương chưa có tha ông đâu.” Toàn thiền khách nói, “Thế cư sĩ thì sao?” Bàng Cư Sĩ lại đánh thêm cho một tát tai nữa, nói, “Mắt thấy mà như mù, miệng nói mà như câm.” Sau đó Tuyết Đậu nói, “Lúc ông ta mới hỏi phải vo tuyết lại mà ném ông ta mới phải.”
BÌNH: Bàng Cư Sĩ tham kiến Mã Tổ và Thạch Đầu, cả hai chỗ đều có tụng. Lúc mới gặp Thạch Đầu, Bàng Cư Sĩ bèn hỏi, “ Không cùng với vạn pháp làm bạn lữ là người như thế nào?” Chưa nói dứt lời đã bị Thạch Đầu bịt miệng. Bàng Cư Sĩ tỉnh ngộ mới làm bài tụng rằng, “ Việc hàng ngày không khác, chỉ mình tự hài hòa. Chẳng có gì thủ xả, không chỗ nào chống theo. Đỏ tía ai xem qúi, núi xanh không hạt bịu. Thần thông và diệu dụng, bổ củi và gánh nước.”
Sau đó đến tham kiến Mã Tổ , lại hỏi, “ Không cùng với vạn pháp làm bạn lữ là người như thế nào?” Mã Tổ nói, “Đợi khi nào ông một ngụm uống cạn nước sông Giang tây ta sẽ nói cho ông.” Bàng Cư Sĩ hoát nhiên đại ngộ, làm bài tụng rằng, “ Mười phương cùng tụ hội, ai nấy học vô vi. Đây là nơi tuyển Phật, tâm không thi đậu về.”
Bởi vì Bàng Cư Sĩ là tay chuyên gia, cho nên sau đó tự viện nào cũng ngưỡng vọng ông. Đến đâu thiên hạ cũng tranh nhau ca tụng ông. Sau đến Dược Sơn, quyến luyến một thời gian lâu rồi mới từ biệt Dược Sơn. Dược Sơn đặc biệt kính trọng Bàng Cư Sĩ cho nên mới sai mười Thiền khách tiễn. Lúc ấy tuyết đang rơi, Bàng Cư Sĩ chỉ tuyết nói, ”Từng phiến tuyết đẹp không rơi chỗ nào khác.” Toàn thiền khách nói, “Rơi ở chỗ nào cơ?” Bàng Cư Sĩ bèn đánh ông ta. Bởi vì Toàn thiền khách không thi hành lệnh được, Bàng Cư Sĩ mới ban lệnh cho thi hành một nửa. Tuy rằng lệnh được thi hành song Toàn thiền khách đối đáp như thế lại không đúng. Ông ta không hiểu cốt yếu ( của ông án). Mọi người đều có cơ phong của mình, song cách thi triển không giống nhau. Song ông ta vẫn không đến được mức độ của Bàng Cư Sĩ. Sau khi đánh ông ta xong, Bàng Cư Sĩ lại giải thích rằng, “ Mắt thấy mà như mù, miệng nói mà như câm.” Tuyết Đậu nói thêm về những lời trên rằng, “ Lúc ông ta mới hỏi phải vo tuyết lại mà ném ông ta mới phải.” Tuyết Đậu làm như thế là vì không muốn cô phụ câu hỏi của Toàn thiền khách. Chỉ có điều cơ duyên hơi chậm. Khách Tàng Chủ nói, “ Tâm cơ của Bàng Cư Sĩ như thể điện chớp. Cứ đợi ông nhặt viên tuyết mãi đến bao giờ đây? Ông ta vừa nói là đánh mới có thể cắt đứt ông ta được.”
Tuyết Đậu tụng chỗ đánh của Bàng Cư Sĩ rằng:
TỤNG
Vo tuyết ném, vo tuyết ném!
Cơ quan lão Bàng không nắm được.
Thiên thượng nhân gian không tự biết,
Trong mắt trong tai thật tiêu sái.
Thật tiêu sái,
Bích nhãn hồ tăng chẳng biện được.
BÌNH: “Vo tuyết ném, vo tuyết ném! Cơ quan lão Bàng không nắm được.” Tuyết Đậu muớn đi trên đầu Bàng Cư Sĩ. Cổ nhân dùng tuyết để giải minh một vấn đề. Tuyết Đậu ý muốn nói rằng nếu như lúc ấy vo tuyết lại mà ném thì dù Bàng Cư Sĩ có cơ quan gì đi nữa cũng chẳng biết rờ rẫm thế nào. Tuyết Đậu tự khoa trương chỗ đánh của mình, chẳng hề hay biết cái chỗ trật khớp. “Thiên thượng nhân gian không tự biết, trong mắt trong tai thật tiêu sái.” Trong mắt là tuyết, trong tai cũng là tuyết, chính đang trụ nơi một phía. Cũng gọi là cảnh giới của Phổ Hiền. Một “sự việc” cũng gọi là hợp thành một thể. Vân Môn nói, “Dù là ‘được cả càn khôn đại địa không còn chút tơ hào âu lo vẫn cứ còn là một chuyện cũ.” Không thấy một sắc nào cả, mới chỉ là nửa vấn đề. Nếu như muốn thấy trọn vấn đề, phải biết là có con đường hướng thượng mới được. Đến chỗ này rồi cần phải đại dụng hiện tiền, không để ngay cả mũi kim lọt, không nghe sự phân xử của người khác.
Cho nên mới có câu nói, “Thầy ta chỉ tham câu sống chứ không tham câu chết.” Cổ nhân nói, “Một câu thích hợp là một cái cọc buộc lừa suốt vạn kiếp.” Có chỗ thích ích dụng nào? Tụng của Tuyết Đậu đến đây là hết. Song lại chuyển cơ nói rằng, “ Thật tiêu sái, Bích nhãn hồ tăng chẳng biện được.” Ngay cả Bích Nhãn Hồ tăng (Bồ Đề Đạt Ma) mà cũng khó phân biện được, các ông còn muốn sư núi này nói gì nữa? TẮC THỨ BỐN MƯƠI BA
KHÔNG NÓNG KHÔNG LẠNH CỦA ĐỘNG SƠN
THÙY: Câu định càn khôn, vạn thế cùng theo. Cơ bắt hổ tê, ngàn thánh không biện. Không chút tơ hào cản trở, toàn cơ hiện rõ khắp nơi. Muốn rõ búa trùy hướng thượng, cần ống bễ của chuyên gia. Thử nói xem từ xưa đến nay còn có gia phong nữa không? Xin nêu lên xem.
CỬ: Có ông tăng hỏi Động Sơn, “Khi lạnh với nóng đến, phải làm sao để tránh đây?” Động Sơn nói, “Tại sao ông không đến nơi nào không có nóng với lạnh đó.” Ông tăng nói, “Đâu là chỗ không có nóng với lạnh?” Động Sơn nói, “Lúc lạnh thì lạnh chết thầy, lúc nóng thì nóng chết thầy.”
BÌNH: Hoàng Long Tân hòa thượng niệm rằng, “Động Sơn để cổ áo lên tay áo, khoét ngực áo dưới nách. Song ông tăng này không chịu thì làm sao bây giờ?” Lúc ấy có ông tăng bước ra hỏi, “ Thử nói xem phải chi trì như thế nào?” Mãi lâu sau Hoàng Long mới nói, “Thiền định chẳng cần phải sông núi, tâm niệm diệt hết lửa tự lạnh.” Các ông thử nói xem, bẫy rập của Đông Sơn rơi ở chỗ nào? Nếu hiểu rõ được các ông mới biết được phương pháp ngũ vị hồi hỗ, chính thiên tiếp người của tông phái Động Sơn. Đạt đến cảnh giới hướng thượng này các ông mới có thể như vậy mà không cần có sự sắp xếp gì cả. Tự nhiên khế hợp. Cho nên mới có câu nói, “Chính trung thiên, tam canh đêm đầu trước trăng sáng, đúng là gặp nhau không biết nhau. Vẫn thầm ôm mối hiềm ngày xưa. Thiên trung chính, sáng sớm bà lão gặp kính xưa, thấy rõ mặt mày lại không thật, cho nhận lầm đầu mình trong gương. Chính trung lai, trong không có lối xuất trần ai, chỉ cần dừng phạm húy hiện nay, cũng hơn thời trước đoạt khẩu tài. Thiên trung chí, hai kiếm chạm nhau chẳng cần tranh, hảo thủ cũng tựa sen trong lửa, hiển nhiên tự có khí ngập trời. Kiêm trong đáo, không vướng hữu vô ai dám họa, ai nấy đều muốn vượt thường lưu, rốt cuộc lại về ngồi trong tro.”
Phú Sơn Lục Viện coi công án này là mẫu mực của ngũ vị. Nếu như hiểu được một, thì những cái kia tự nhiên trở thành dễ hiểu. Nham Đầu nói, “Giống như trái bầu trên mặt nước, ấn nó là nó xoay tròn mà chẳng cần phải vận dụng chút sức lực.”
Có ông tăng từng hỏi Động Sơn, “Lúc Văn Thù và Phổ Hiền đến tham kiến thì như thế nào?” Động Sơn nói, “tôi lừa họ vào giữa đàn trâu.” Ông tăng nói, “Như thế thì hòa thượng sẽ xuống địa ngục nhanh như tên bắn.” Động Sơn nói, “Tôi được hết tất cả sức mạnh của họ.” Lúc Động Sơn nói, “Tại sao ông không đến chỗ nào không có lạnh với nóng.” Đó là thiên trung chính. Khi ông tăng hỏi, “Đâu là chỗ không có lạnh với nóng?” và Động Sơn nói, “ Lúc lạnh thì lạnh chết thầy, lúc nóng thì nóng chết thầy.” Đó là chính trung thiên. Tuy chính mà thiên, tuy thiên mà viên. Những điều này được ghi chép đầy đủ cả trong Tào Đông Lục. Nếu là trong tông môn của Lâm Tế thì không có nhiều sự việc đến thế. Loại công án này phải hiểu ngay lúc nêu lên thì mới được.
Có người nói, “Tôi rất thích không có lạnh không có nóng.” Người ấy nắm được chỗ nào? Cổ nhân nói, “Nếu như đi trên lưỡi kiếm thì nhanh, còn nếu dùng thiên kiến ra mà hiểu thì chậm.” Há không nghe có ông tăng hòi Thúy Vi, “Thế nào là ý của Tổ Sư từ Tây Trúc qua?” Thúy Vi nói, “Để lúc nào không có ai đến tôi sẽ nói cho ông.” Rồi đi ra ngoài vườn. Ông tăng nói, “Ở đây không có ai cả, xin mời hòa thượng nói.” Thúy Vi chỉ khóm trúc nói, “Nhánh trúc này mới dài làm sao, nhánh trúc kia mới ngắn làm sao.? Ông tăng kia hốt nhiên đại ngộ.
Tào Sơn hỏi ông tăng, “Nóng như vậy phải đi đâu để tránh đây?” Ông tăng nói, “Vào trong vạc dầu lò than mà tránh.” Tào Sơn nói, “Làm sao mà tránh ở trong vạc dầu lò than được?” Ông tăng nói, “Các thứ khổ não không đến đó được.” Nhìn xem những người trong dòng của họ tự nhiên hiểu cách nói chuyện trong dòng của họ. Tuyết Đậu lấy việc trong nhà của họ ra mà tụng:
TỤNG
Thõng tay vẫn giống đỉnh vạn trượng,
Chính thiên hà tất phải an bài?
Điện cổ lưu ly chiếu trăng sáng,
Hàn Lô lăng xăng chạy lên thềm.
BÌNH: Trong Tào Động tông có xuất thế với không xuất thế, thõng tay với không thõng tay. Nếu không xuất thế mắt nhìn trời xanh. Nếu xuất thế thì đầu tro mặt bụi. “Mắt nhìn trời xanh” tức là “đỉnh cao vạn trượng”. “Đầu tro mặt bụi” tức là việc thõng tay. Có lúc “Đầu tro mặt bụi” là “ trên đỉnh vạn trượng”.Có lúc “đỉnh cao vạn trượng là “Đầu tro mặt bụi.” Có lúc thõng tay vào chợ với đại dụng một mình trên đỉnh cao là một. Trở về nguồn hiểu rõ tính cũng không khác với trí sai biệt. Ky nhất là hiểu theo lối lưỡng nguyên. Cho nên Tuyết Đậu nói, “Thõng tay vẫn giống đỉnh vạn trượng.” Không có chỗ nào để các ông bám víu cả.” Chính thiên hà tất phải an bài?” Khi đến chỗ dụng ắt tự nhiên như thế, chẳng ở nơi xếp đặt an bài. Đây là để tụng câu trả lời của Động Sơn.
Sau đó Tuyết Đậu lại nói, “Điện cổ lưu ly chiếu trăng sáng, Hàn Lô lăng xăng chạy lên thềm.” Đây là tụng việc ông tăng bám víu vào ngôn ngữ chạy đuổi theo lời nói của Động Sơn. Trong tông phái của Tào Động có mưòi tám loại ẩn du như “gái đá”, ngựa gỗ, “giỏ không đáy”, “ngọc sáng ban đêm”, ”rắn chết”, vân vân. Đại cương chỉ đểgiải minh chính vị. Lúc Động Sơn trả lời, “Sao không đến chỗ không có lạnh có nóng” giống như trăng sáng chiếu điện cổ lưu ly trông như thể có cái bóng tròn. Ông tăng hỏi, “Đâu là chỗ không có lạnh với nóng?” Giống như thể con Hàn Lô chạy theo hình tướng ! lăng xăng chạy lên bậc thềm để bắt bóng trăng kia. Động Sơn nói, “Lúc lạnh thì lạnh chết thầy, lúc nóng thì nóng chết thầy.” Ông tăng cũng giồng như con Hàn Lô chạy lên đến thềm rồi lại không còn thấy bóng trăng đâu nữa. “Hàn Lô” là do ở trong Chiến Quốc Sách mà ra. Theo sách ấy thì “đó là loại chó rất thông minh của họ Hàn. Loại thỏ trong núi rất là khôn ngoan, chỉ có loại chó này mới bắt được loại thỏ ấy.” Tuyết Đậu dẫn tích này ra để ví dụ về ông tăng kia.
Còn như các ông, có biết chỗ vì người của Động Sơn chăng? Mãi lâu sau, Viên Ngộ mới nói, “Các ông kiếm thỏ gì vậy?” TẮC THỨ BỐN MƯƠI BỐN
HÒA SƠN BIẾT ĐÁNH TRỐNG
CỬ: Hòa Sơn dạy rằng, “Học tập gọi là “văn” (nghe). Tuyệt học gọi là “lân” (gần). Vượt qua hai cái này mới đúng là thực sự vượt qua.” Có ông tăng bước ra hỏi, “Thế nào là thực sự vượt qua?” Hòa Sơn nói, “Biết đánh trống.” Ông tăng lại hỏi, “Thế nào là chân lý cứu cánh?” Hòa Sơn nói, “Biết đánh trống.” Ông tăng lại hỏi, “Tâm là Phật- điều ấy không hỏi. Thế nào là không phải tâm không phải Phật?” Hòa Sơn nói, “Biết đánh trống.” Ông tăng lại hỏi, “ Người hướng thượng đến phải tiếp như thế nào?” Hòa Sơn nói, “Biết đánh trống.”
BÌNH: Hòa Sơn dạy rằng, “Học tập gọi là “văn”. Tuyệt học gọi là “lân”. Vượt qua hai cái này mới đúng là thực sự vượt qua.” Những lời này xuất phát từ bộ Bảo Tạng Luận. Học cho đến mức không còn gì để học nữa gọi là tuyệt học. Cho nên mới có lời nói, “ Nghe ít ngộ sâu, nghe nhiều không ngộ.” Đó gọi là tuyệt học. Nhất Túc Giác (Vĩnh Gia) nói, “Tôi thuở còn trẻ tích tập học vấn, thảo sớ tầm kinh luận. Học tập hết rồi, đó gọi là tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân. Chỉ khi nào đạt đến mức tuyệt học mới là bắt đầu gần với đạo. Khi nào vượt qua cả được hai cái này, mới là thực sự vượt qua.”
Ông tăng cũng thật là thông minh, cho nên mới nêu những lời này ra mà hỏi Hòa Sơn. Hòa Sơn nói, “Biết đánh trống.” đây gọi là ngôn vô vị ngữ vô vị. Muốn thấy công án này, phải là người hướng thượng mới được. Mới thấy rằng những lời này chẳng lien hệ gì đến lý tính, mà cũng chẳng có chỗ để nghị luận. Chỉ hiểu một cách trực tiếp giống như chiếc thùng bị thoát đáy. Chỉ có đó mới là chỗ an ổn của nạp tăng, bắt đầu khế hợp với ý chỉ của Tổ Sư từ tây trúc qua. Cho nên Vân Môn nói, “Tuyết Phong ném bóng, Hòa Sơn đánh trống, chén nước của Quốc Sư, Triệu Châu uống trà. Đều là những cái nêu lên sự việc hướng thượng.”
Ông tăng lại hỏi, “Thế nào là chân lý cứu cánh?” Hòa Sơn nói. “Biết đánh trống.” Trong chân lý cứu cánh chẳng có pháp nào được lập cả. Trong thực tại công ước thì có đủ cả vạn vật. Không có dị biệt giữa (chân lý) cứu cánh và (thực tại) công ước tức là đệ nhất nghĩa đế. Ông tăng lại hỏi, “Tâm là Phật-điều ấy không hỏi. Thế nào là không phải tâm không phải Phật?” Hòa Sơn nói, “Biết đánh trống.” Tâm là Phật thì dễ tìm, còn như đến chỗ không phải tâm không phải Phật, rất có ít người đạt đến chỗ đó được. Ông tăng lại hỏi, “ Lúc có người hướng thượng đến, phải tiếp như thế nào?” Hòa Sơn, nói, “Biết đánh trống.” Hướng thượng nhân là người đã thấu thoát, tự tại.
Bốn câu nói này các nơi coi là tông chỉ. Gọi là bốn pháp đánh trống của Hòa Sơn.
Có ông tăng hỏi Kính Thanh, “Đầu năm còn có Phật pháp hay không?” Kính Thanh nói, “Có”. Ông tăng nói, “Thế nào là Phật pháp lúc đầu năm?” Kính Thanh nói, “Ngày tết mơ phước vạn vật mới mẻ.” Ông tăng nói, “Cám ơn thầy đã trả lời.” Kính Thanh nói, “Hôm nay lão tăng bị thất lợi.” Kính Thanh có mười tám lối đáp “thất lợi” như thế.
Có ông tăng hỏi Tĩnh Quả Đại Sư, “Lúc hạc đứng trên cây tùng trơ vơ thì như thế nào?” Tĩnh Quả nói, “Dưới chân là một vùng bối rối.” Ông tăng lại hỏi, “Lúc tuyết phủ ngàn ngọn núi thì như thế nào?” Tĩnh Quả nói, “Sau khi mặt trời mọc là một vùng bối rối.” Ông tăng lại hỏi, “Lúc xảy ra vụ đàn áp Hội Sương (845) thì các chư thần Hộ Pháp đi đâu?” Tĩnh Quả nói, “ Hai gã đứng ngoài cửa gặp phải một trận bối rối.” Các nơi gọi đó là ba pháp bối rối của Tĩnh Quả.
Bảo Phúc hỏi một ông tăng, “Trong điện là Phật gì vậy?” Ông tăng nói, “ Hòa thượng thử nhìn kỹ xem.” Bảo Phúc nói, “Thích Ca Mâu Ni.” Ông tăng nói, “Đừng lừa dối người khác được không?” Bảo Phúc nói, “Chính là ông đang lừa tôi đấy chứ.” Lại hỏi ông tăng, “Tên ông là gì?” Ông tăng nói, “Hàm Trạch.” Bảo Phúc hỏi, “ Lúc ông gặp phải vũng cạn thì như thế nào?” Ông tăng hỏi, “Ai là vũng cạn?” Bảo Phúc nói, “Là tôi.” Ông tăng nói, “ Hòa thượng đừng có lừa dối người khác được không?” Bảo Phúc nói, “Chính là ông đang lừa tôi đấy chứ.” Lại hỏi ông tăng, “Ông làm nghề gì mà ăn cho đến mập như thế?” Ông tăng nói, “ Hòa thượng cũng đâu còn nhỏ nhoi gì.” Bảo Phúc làm dáng như ngồi chồm hổm. Ông tăng nói, “ Hòa thượng đừng lừa dối người khác được không?” Bảo Phúc nói, “Chính ông đang lừa tôi đấy chứ.” Lại hỏi người coi phòng tắm, “Bồn tắm to bao nhiêu?” Người ấy nói, “Hòa thượng thử đo xem.” Bảo Phúc làm như thể đang đo. Người kia nói, “Hòa thượng đừng lừa dối thiên hạ được không?” Bảo Phúc nói, “Chính ông đang lừa tôi đấy chứ.” Các nơi gọi đây là bốn cách lừa người của Bảo Phúc. Công án này cũng giống như bốn cái thùng đen của Tuyết Phong, đều là các bậc tông sư đời xưa cả. Người nào cũng đưa ra những phương pháp thâm sâu huyền diệu để dậy thiên hạ. Sau đó Tuyết Đậu đưa ra một làn mối dựa vào lời dạy chúng của Vân Môn, rồi tụng công án này.
TỤNG
Một kéo đá,
Hai khiêng đất.
Bật máy cần phải mười cánh cung,
Tượng Cốt Lão Sư từng ném bóng,
Sao giống Hòa Sơn biết đánh trống?
Cho ngài biết,
Đừng sơ hốt.
Ngọt thì ngọt hể đắng thì đắng!
BÌNH: Qui Tông một hôm gọi tất cả chúng ra để kéo đá. Qui Tông hỏi vị duy na đi đâu vậy. Duy na nói, “Đi kéo đá.” Qui Tông nói, “Kéo đá thì tôi cùng kéo với ông, song đừng động vào cội cây ở giữa.”
Mộc Bình mỗi khi có ai mới tới là cũng sai khiêng ba đống đất. Mộc Bình có bài tụng dạy chúng rằng, “Động Sơn đường hẹp Tây Sơn thấp, mới đến phải khiêng ba đống bùn. Các ông trên đường lâu ngày tháng, rõ ràng không thấy lại đâm lạc.” Sau đó có ông tăng hỏi, “Ở trong ba đống không hỏi, thế sự việc ở ngoài ba đống thì như thế nào?” Mộc Bình nói, “Thiết Luân thiên tử cai trị trong hoàn vũ.” Ông tăng nói gì được, Mộc Bình bèn đánh.
Cho nên Tuyết Đậu mới nói, “Một kéo đá, hai khiêng đất.” Bật máy cần phải mười cánh cung.” Tuyết Đậu dùng mười cánh cung để giảng lời nói này, thầy ta muốn thấy chỗ vì người của Hoa Sơn. nếu như gặp mãnh long, hổ lang, dã thú mới dùng cây cùng này. Nếu như là con chim di hay một con vật nhỏ gì đó thì không thể cẩu thả mà bắn ra. Cho nên cánh cung như thế không dùng để bắn chuột.
“Tượng Cốt Lão Sư từng ném bóng.” Có nghĩa là một hôm Tuyết Phong thấy Huyền Sa tới, bèn tung ra ba trái bóng gỗ. Huyền Sa bèn làm dáng như thể vỡ nát, Tuyết Phong hết lòng chấp nhận.
Tuy tất cả những câu chuyện này đều biểu thị toàn cơ đại dụng, song đều không bằng được pháp “biết đáng trống” của Hòa Sơn. Pháp môn này trực tiếp hết sức, song lại khó hiểu vô cùng. Cho nên Tuyết Đậu mới nói, “Sao giống Hòa Sơn biết đánh trống?” Song lại sợ thiên hạ chỉ loay hoay với thoại đầu mà không hiểu lai do, rồi đâm ra sơ hốt. Cho nên thầy ta mới nói, “Cho ngài biết, đừng sỏ hốt!” Phải thực sự đạt đến mức độ này mới được. Nếu như muốn không bối rối thì “Ngọt thì ngọt hể đắng thì đắng.” Tuy rằng Tuyết Đậu niêm lộng như thế, song rốt cuộc cũng nhảy không khỏi. TẮC THỨ BỐN MƯƠI LĂM
VẠN PHÁP QUI NHẤT CỦA TRIỆU CHÂU
THÙY: Muốn nói là nói, vô song trên đời. Muốn làm là làm, toàn cơ chẳng nhượng. Như đánh đá lửa, như ánh điện chớp. Gió táp lửa hực, thác lũ qua kiếm. Cầm kềm búa hướng thượng lên, khó tránh cùn nhụt líu lưỡi. Đề ra một con đường. Thử nêu lên xem.
CỬ: Có ông tăng hỏi Triệu Châu, “Vạn pháp qui về một, một qui về đâu?” Triệu Châu nói, “Lúc ở Thanh Châu tôi có may một cái áo vải nặng bẩy cân.”
BÌNH: Nếu như “muốn đi là đi”, thì lập tức xỏ mũi tất cả các lão hòa thượng trong thiên hạ, chẳng ai làm gì được các ông. Lúc nước đến tự nhiên thành dòng. Nếu như các ông trù trừ, thì lão tăng ở dưới chân các ông Phật pháp vốn giản dị, không hề ở chỗ văn tự ngôn ngữ rườm rà. Có ông tăng hỏi Triệu Châu, “Vạn pháp qui về một, một qui về đâu?” Triệu Châu lại đáp, “Lúc ở Thanh Châu tôi có may một cái áo vải nặng bảy cân.” Nếu như các ông dựa vào ngôn ngữ mà phân biện, các ông nhận lầm điểm giữa cán cân. Nếu như không dựa vào ngôn ngữ mà phân biện, thì Triệu Châu nói như thế các ông làm được gì bây giờ? Công án này tuy khó thấy song dễ hiểu; tuy dễ hiểu song khó thấy. Khó như núi bạc tường sắt, dễ thì lập tức hiểu rõ. Không có chỗ để các ông cân nhắc thị phi. Cống án này giống như Phổ Hóa nói, “ Mai có trai hội trong Từ Bi Viện.”
Một hôm có ông tăng hỏi Triệu Châu, “Thế nào là ý của Tổ Sư từ Tây Trúc qua?” Triệu Châu nói, “Cây trắc bá ngoài sân.” Ông tăng nói, “Hòa thượng đừng dùng cảnh mà dậy thiên hạ. Triệu Châu nói, “ Lão tăng chưa bao giờ dùng cảnh để dạy thiên hạ cả.” Nhìn xem Triệu Châu xoay chuyển được ở chỗ cùng cực không thể xoay chuyển được, tự nhiên chum trời chum đất. Nếu như không chuyển được, lập tức bị trở ngại ngay.Thử nói xem, Triệu Châu có bàn luận về Phật pháp hay không? Nếu như bảo là có, thì Triệu Châu có từng bao giờ nói tâm nói tính nói huyền nói diệu đâu? Nếu như bảo Triệu Châu không có Phật pháp chỉ thú, thầy ta đã từng bao giờ cô phụ câu hỏi của các ông đâu?
Há không nghe nói, có ông tăng hỏi Mộc Bình Hòa Thượng, “ Thế nào là đại ý của Phật pháp?” Mộc Bình nói, “ Trái dưa hấu này mới lớn chứ!” Có ông tăng hỏi bậc cổ đức kia, “Núi sâu vách đứng, nơi không bóng người kia có Phật pháp hay chăng?” Cổ đức nói, “ Có”. Ông tăng hỏi, “ Thế nào là Phật pháp trong thâm sơn?” Cổ đức nói, “Những tảng đá lớn thì lớn, những tảng đá nhỏ thì nhỏ.”
Nhìn loại công án này, mờ mịt ở chỗ nào? Tuyết Đậu biết chỗ cốt yếu, cho nên mới làm tụng để giải nghĩa cho các ông.
TỤNG
Gói trọn sát lên mũi trùy cũ,
Chiếc áo bảy cân mấy người hay?
Bây giờ ném nó xuống Tây Hồ,
Không mang gió mát, đem cho ai?
BÌNH: Trong mười tám (cách đặt) câu hỏi, đây gọi là “câu hỏi gói trọn”. Tuyết Đậu nói, “Gói trọn sát lên mũi trùy cũ.”Gói trọn tất cả rồi đem nó qui về một. Ông tăng này muốn dồn Triệu Châu, song Triệu Châu quả thật là tay chuyên gia. Luôn luôn có con đường xuất thân ở những chỗ không thể nào xoay chuyển được. Dám mở cái miệng lớn, bèn nói, “ Lúc ở Thanh Châu tôi có may một có áo vải nặng bảy cân.” Tuyết Đậu nói, “ Cái áo bảy cân này có bao nhiêu người biết được?”
“Bây giờ ném nó xuống Tây Hồ.” Vạn pháp quay về một, ngay cái một này Triệu Châu cũng chẳng cần. Cả cái áo bảy cân này thầy ta cũng không muốn cho nên mới ném nó ngay xuống Tây Hồ. Khi Tuyết Đậu ở tại ngọn Thúy Phong ở Động Đình phía dưới có Tây Hồ.
“Không mang gió mát, đem cho ai?” Đây là để đề cập đến lòi Triệu Châu dạy chúng rằng, “Nếu các ông đi về bắt tôi đặt lên cho các ông, nếu các ông đi về nam tôi lấy xuống cho các ông. Cho dù là các ông từ nơi của Tuyết Phong và Vân Cư đến đi nữa, các ông vẫn chỉ là những gã khiêng ván.” Tuyết Đậu nói, “Gió mát như vậy biết đem cho ai?” “Đặt lên” có nghĩa là nói tâm nói tính hói huyền nói diệu cho các ông, đủ thứ phương tiện. Nếu như “ lấy xuống” thì chẳng còn nhiều nghĩa lý huyền diệu như thế nữa.
Có một số người khiêng một gánh Thiền đến nơi của Triệu Châu, song chẳng sử dụng được một chút nào, Triệu Châu lập tức gỡ gánh nặng, khiến họ siêu thoát tự tại không một chút chấp trước. Đó chính là ý nghịa của câu nói “ngộ rồi cũng giống như chưa ngộ.”
Người bây giờ đều hiểu theo lối vô sự. Có kẻ nói, “Không có mê không có ngộ, chẳng cần phải tìm kiếm gì nữa. Lúc Phật chưa xuất thế, lúc ngài Đạt Ma chưa qua xứ này, cũng không thể không như thế. Như thế thì Phật phải ra đời để làm gì? Đạt Ma phải từ Tây Trúc đến để làm gì?” Tất cả những lời nói này có gì là nhằm nhò? Cần phải giác ngộ thấu triệt, thì lúc đó như xưa núi lại là núi sông lại là sông, cho đến tất cả vạn pháp đều tự hiển hiện. Lúc ấy các ông mới có thể bắt đầu làm người vô sự được.
Há không nghe Long Nha nói, “Học đạo trước hết phải vì ngộ, giống như náo nức đua thuyền rồng. tuy là nhàn nhã như lúc trước, song phải thắng rồi mới nghỉ được.” Còn như câu chuyện về chiếc áo bảy cân này của Triệu Châu, xem cổ nhân nói năng như thế, như vàng như ngọc. Sư núi tôi nói như vậy, các ông lắng nghe như vậy, đều là “đặt lên”. Song thử nói xem thế nào là “lấy xuống”? Thử về nhà ngồi suy ngẫm xem. TẮC THỨ BỐN MƯƠI SÁU
TIẾNG MƯA RƠI CỦA KÍNH THANH
THÙY: Một trùy bèn siêu cả phàm thánh. Một lời có thể cởi trói buộc gỡ dính dấp. Như đi trên băng mỏng chạy trên lưỡi kiếm, ngồi trong đống thanh sắc, đi bên trên thanh sắc. Tung hoành điệu dụng tạm gác qua một bên, đi trong một sát na thì thì như thế nào? Thử nêu lên xem.
CỬ:Kính Thanh hỏi ông tăng, “Ngoài cửa có tiếng gì vậy?” Ông tăng nói, “Tiếng mưa rơi.” Kính Thanh nói, “Chúng sinh điên đảo, mê mờ rồi đuổi theo sự vật.” Ông tăng hỏi, “Thế hòa thượng thì sao?” Kính Thanh nói, “Ta suýt nữa là không mê mờ chính mình rồi.” Ông tăng hỏi, “Suýt nữa là không mê mờ chính mình có nghĩa là gì?” Kính Thanh nói, “Xuất thân thì còn dễ, thoát thể mới là khó.”
BÌNH:Ngay chỗ này đây cũng cần phải hiểu. Cổ nhân ngỏ lời dạy, một cơ một cảnh đều là để tiếp dẫn người khác. Một hôm Kính Thanh hỏi ông tăng, “ Ngoài cửa có tiếng gì vậy?” Ông tăng nói, “ Tiếng mưa rơi.” Kính Thanh nói, “ Chúng sinh điên đảo, mê mờ rồi đuổi theo sự vật.” Rồi lại hỏi, “ Ngoài cửa có tiếng gì vậy?” Ông tăng nói, “ Tiếng chim tu hú.” Kính Thanh nói, “ Muốn tránh không gây nghiệp vô gián[2], đừng báng Như Lai chính pháp luân.” Một lần nọ Kính Thanh hỏi một ông tăng, “ Ngoài cửa có tiếng gì vậy” Ông tăng nói, “ Tiếng rắn ăn nhái.” Kính Thanh nói, “ Cứ bảo chúng sinh khổ, lại có khổ chúng sinh.” Những lời này với công án trên không khác nhau. Nếu như các tăng sĩ hiểu thấu được điểm này, thì trong đống thanh sắc vẫn được tự do. Còn nếu như không hiểu thấu được, hẳn sẽ bị thanh sắc trói buộc.
Loại công án này các nơi gọi là “ lời tôi luyện.” Song nếu là tôi luyện rốt cuộc lại chỉ là tâm hành. Những kẻ nghĩ như thế không thấy được chỗ vì người của cổ nhân. Những lời của Kính Thanh cũng được gọi là “thấu thanh sắc.” “giải minh vọng tình,” “giải minh việc khai diễn.” Song cho dù là cặn kẽ, vẫn không thoát khỏi có hầm bẫy.
Kính Thanh hỏi như vậy, “Ngoài cửa có tiếng gì vậy?” Ông tăng đáp, “Tiếng mưa rơi.” Kính Thanh lại nói, “Chúng sinh điên đảo, mê mờ rồi đuổi theo sự vật.” Đa số thiên hạ hiểu lầm câu nói này bảo rằng Kính Thanh có ý đưa ông tăng kia vào tròng, nhưng mà hiểu như thế chẳng có gì là đúng cả. Đâu có biết rằng Kính Thanh có khả năng vì người khác. Kính Thanh có đại đãm, đâu có bị câu thúc vào một cơ một cảnh. Nhất là chẳng hề tiếc mí mắt của mình.
Kính Thanh há không biết đó là tiếng mưa rơi sao? Tại sao lại vẫn cố ý hỏi nữa? Các ông phải hiểu rằng vị cổ nhân này dùng gậy dò bóng trên cỏ để mà thử ông tăng này. Ông tăng này cũng khéo chịu bị dồn, bèn nói ngay, “Thế còn hòa thượng thì sao?” Ông ta nói đến mức Kính Thanh phải đi vào bùn đất mà nói rằng, “Ta suýt nữa là không mê mờ chính mình rồi.” Lý do mà Kính Thanh nói như thế là bởi vì ông tăng kia mê mờ chính mình rồi đuổi theo sự vật. Thế còn Kính Thanh tại sao lại cũng mê mờ chính mình? Nên biết rằng trong câu dùng để thử thách ông tăng này, Kính Thanh cũng đã có chỗ xuất thân rồi.
Ông tăng này hàm hồ quá, muốn phá câu nói kia cho nên lại hỏi, “Suýt nữa không mê mờ chính mình’ có nghĩa là gì?” Nếu như là trong tông môn của Đức Sơn hay Lâm Tế thì tiếng hét đã vang đường gậy đã vung rồi. Kính Thanh để lộ ra một con đường, rồi lại theo đó mà vẽ vời dây dưa,lại nói với ông tăng rằng, “Xuất thân thì còn dễ, thoát thể mới là khó.” Tuy nhiên có bậc cổ đức nói, “Tương tục cũng là một điều hết sức khó.” Kính Thanh chỉ với một câu nói mà giải minh cả một sự việc dưới chân ông tăng kia. Tuyết đậu tụng rằng:
TỤNG
Sảnh không, tiếng mưa rơi,
Chuyên gia cũng khó đáp.
Nếu nói từng nhập lưu,
Vẫn như xưa không hiểu.
Hiểu không hiểu,
Nam sơn bắc sơn mưa dạt dào.
BÌNH: Sảnh không, tiếng mưa rơi, chuyên gia cũng khó đáp.” Nếu như các ông gọi đó là tiếng mưa rơi, các ông mê mờ chính mình mà đuổi theo sự vật. Nếu như không gọi đó là tiếng mưa rơi, thì các ông phải xoay chuyển sự vật như thế nào đây? Đến chỗ này, dù là bậc chuyên gia đi nữa cũng khó mà trả lời. Cho nên cổ đức nói, “Hiểu biết bằng thầy, giảm nữa đức thầy. Hiểu cao hơn thầy, mới đáng truyền thụ.” Nam Viện cũng nói, “ Dưới gậy vô sinh nhẫn[3], gặp cơ không nhường thầy.”
“Nếu nói từng nhập lưu, như xưa vẫn không hiểu.” Như trong kinh Lăng Nghiêm nói, “Thoạt đầu Quán Thế Âm Bồ Tát nhập lưu ở chỗ nghe, quên các đối tượng đã nghe. Chỗ vào đã tịch tĩnh, hai tướng đồng tính liễu nhiên vô sinh.” Nếu như bảo đó là tiếng mưa rơi thì không đúng, mà bảo là không phải tiếng mưa rơi cũng không đúng, mà bảo là không phải tiếng mưa rơi cũng không đúng. Hai câu đầu tụng hai tiếng kêu ba tiếng hét, Tuyết Đậu hiểu cơ biến. Câu tụng này nếu như bảo rằng đó là vào đống thanh sắc thì không đúng, nếu họi là thanh sắc thì vẫn như xưa chẳng hiểu ý của thầy ta. Cũng như dùng ngón tay chỉ mặt trăng, mặt trăng không phải là ngón tay. “Hiểu không hiểu, Nam sơn bắc sơn mưa dạt dào.” TẮC THỨ BỐN MƯƠI BẢY
SÁU KHÔNG THU CỦA VÂN MÔN
THÙY: Trời nói gì đâu? Bốn mùa lưu chuyển. Đất nói gì đâu? Vạn vật sinh nở.[4]Nơi bốn mùa lưu chuyển có thể thấy thể. Ở chỗ vạn vật sinh, có thể thấy dụng. Song thử nói xem, phải ở đâu mới thấy được nạp tăng? Lìa khỏi ngôn ngữ hành động, đi đứng nằm ngồi, bóp chặt yết hầu miệng lưỡi, có thể phân biện được chăng?
CỬ: Có ông tăng hỏi Vân Môn, “Pháp thân là gì?” Vân Môn nói, “Sáu không thu.”
BÌNH: Vân Môn nói, “ Sáu không thu,” quả thực khó hiểu hết sức. Dù cho có hiểu được nó trước khi có điểm triệu khởi lên, cũng vẫn cứ là việc thứ nhì. Nếu như hiểu được sau khi có triệu trẫm khởi lên, thì rơi vào đầu mối thứ ba. Nếu như dựa vào ngôn ngữ mà tìm hiểu, rốt cuộc chẳng bao giờ mò mẫm ra.
Song rốt cuộc Pháp thân có nghĩa là gì? Các bậc chuyên gia mà nghe đề cập đến là đứng dậy bỏ đi ngay. Nếu như tích tập suy nghĩ dừng lại trong tâm cơ, thì xin lắng nghe lời phân xử đây.
Thái Nguyên Phù Thượng Tọa vốn là giảng sư. Một hôm lên giảng tòa để giảng về Pháp thân nói rằng, “Dọc thì cùng hết tam giới, ngang thì phủ cả mười phương.” Có một Thiền khách trong cử tọa nghe thấy thế bèn bật cười. Phù Thượng Tọa bước xuống khỏi giảng tòa nói, “Vừa rồi kẻ hèn này có chỗ khuyết điểm nào, xin Thiền khách giảng giải dùm cho.” Thiền khách nói, “ Tòa chủ chỉ giảng được về đặc tính của Pháp thân mà không thấy được Pháp thân.” Phù Thượng Tọa nói, “Rốt cuộc phải như thế nào mới đúng?” Thiền khách nói, “ Tòa chủ tạm thời ngưng giảng dạy, về tịnh thất ngồi, ắt rồi sẽ tự mình thấy được.”
Phù Thượng Tọa theo lời nói của Thiền khách kia, về ngồi tĩnh tọa suốt đêm. Hốt nhiên nghe thấy tiếng chuông báo canh năm, bèn hoát nhiên đại ngộ. Vội chạy đến gõ cửa phòng Thiền khách nói, “Tôi hiểu rồi.” Thiền khách nói, “Ông thử nói xem.” Phù Thượng Tọa nói, “Từ rày trở đi tôi sẽ không bẹo cái mũi của cha mẹ sinh ra này nữa.”[5]
Trong Kinh[6] nói, “ Pháp thân chân thật của Phật giống như hư không, ứng vật hiện hình giống như mặt trăng trong nước.”
Có ông tăng hỏi Giáp Sơn, “ Pháp thân là gì?” Giáp Sơn nói, “Pháp thân vô tướng.” Ông tăng hỏi, “Thế nào là Pháp nhãn?” Giáp Sơn nói, “Pháp nhãn không tì vết.” Vân Môn nói, “Sáu không thu”. Có người giải công án này như sau, “Đó là sáu căn, sáu đối tượng, sáu thức. ( Ba cái) sáu này đều phát xuất từ Pháp thân, cho nên sáu căn không thu tất cả vào được.” Giải thích theo lối trí thức như vầy may mà chẳng có gì là nhằm nhò cả. Hơn nữa lại còn làm lụy Vân Môn. Muốn thấy thì thấy, chẳng có chỗ nào để các ông xuyên tạc cả. Há không nghe trong Kinh[7] nói, “Pháp này không phải là cái mà tư lương phân biệt có thể hiểu được.”
Các câu đáp của Vân Môn thường khiến người ta đưa ra những giải thích tri thức, cho nên trong một câu cần phải có đủ ba câu. Thầy ta lại cũng chẳng bao giờ cô phụ câu hỏi của các ông, ứng hợp với thời tiết, một câu một lời, một điềm một vạch, quả thật có chỗ xuất thân. Cho nên mới có câu nói, “Nếu thấu được một câu, ngàn câu vạn câu lập tức cùng thấu.” Nhưng mà thử nói xem đó là Pháp thân hay là Tổ sư? Tha cho các ông ba mươi gậy đó! Tuyết Đậu tụng rằng:
TỤNG
Một hai ba bốn năm sáu,
Bích nhãn hồ tăng đếm không đủ.
Thiếu Lâm giả nói trao Thần Quang,
Cuốn áo lại nói về Tây Trúc.
Tây Trúc mênh mông chẳng nơi tìm,
Đêm đến về nghỉ nơi Nhũ Phong.
BÌNH: Tuyết Đậu khéo để lộ nhãn mục nơi không có kẻ hở. Tung lên cho thiên hạ thấy. Vân Môn nói, “Sáu không thu.” Tại sao Tuyết Đậu lại nói, “Một hai ba bốn năm sáu.” Cho đến nỗi Bích Nhãn Hồ Tăng (Bồ Đề Đạt Ma) cũng không đếm đến đó nỗi. Cho nên mới có câu nói, “Chỉ cho lão hồ biết, không cho lão hồ hiểu.” Phải là con cháu trong nhà họ mới có thể hiểu được. Vừa rồi mới nói rằng,” Vân Môn một lời một câu hợp với thời tiết.” Chỉ khi nào các ông hiểu thấu rồi, các ông mới nhận ra được rằng đạo không vốn ở nơi ngôn cú. Nếu như chưa được như thế, khó mà không đưa ra các kiến giải tri thức.
Ngũ Tổ tiên sư nói, “Thích Ca Mâu Ni Phật tay công nhân hạ tiện, Cây trắc bá ngoài sân: một hai ba bốn năm.” Nêu như các ông có thể quán nỗi lời của Vân Môn mà hiểu được, các ông sẽ đạt đến cảnh giới này ngay lập tức.” Thiếu Lâm giả nói trao Thần Quang.” Nhị Tổ (Huệ Khả) vốn tên là Thần Quang. Đến sau này lại nói rằng Bồ Đề Đạt Ma đã trở về Tây Trúc. Đạt Ma vốn được chôn dưới chân núi Hùng Nhĩ. Lúc ấy Tống Vân đi sứ về thấy ngài Đạt Ma tay cầm một chiếc dép lừng lững đi về tây thiên. Tống Vân về trình lên vua. Lúc khai mộ ngài Đạt Ma ra chỉ thấy còn đó mỗi một chiếc dép.
Tuyết Đậu nói, “ Kỳ thực việc này làm sao có thể phân phó được?” Đã không phân phó “cuốn áo lại nói về Tây Trúc.” Song thử nói xem, đất này tại sao lại có sáu Tổ truyền thừa như vậy? Chỗ này không khỏi có hơi mù mờ. Phải hiểu được, sau đó mới có thể nhập cuộc. “Tây Trúc mênh mông chẳng nơi tìm. Đêm đến về nghĩ nơi Nhũ Phong.” Thử nói xem hiện giờ Đạt Ma ở đâu? Sư bèn đánh rồi nói, “Đồ mù!” TẮC THỨ BỐN MƯƠI TÁM
VƯƠNG THÁI PHÓ NẤU TRÀ
CỬ: Vương Thái Phó vào Chiêu Khánh Tự để nấu trà. Lúc ấy Lăng Thượng Tọa đang cầm ấm trà cho Minh Chiêu. LãngThượng Tọa lật ấm trà. Thấy thế Vương Thái Phó hỏi Lãng Thượng Tọa,” Dưới lò trà có gì vậy?” Lãng Thượng Tọa nói, “ Thần hộ lò.” Vương Thái Phó nói, “Đã là thần hộ lò thì tại sao ấm trà lại lật?” Lãng Thượng Tọa nói, “ Làm quan trăm ngày, mất chức một buổi.” Vương Thái Phó rũ áo bỏ ra.
Minh Chiêu nói, “Lãng Thượng Tọa ăn cơm của Chiêu Khánh lại đi ra ngoài song mà nhặt củi.” Lãng Thượng Tọa nói, “Thế hòa thượng thì sao?” Minh Chiêu nói, “Thần được lợi.”
Tuyết Đậu nói, “Lúc ấy phải đạp đổ lò trà mới phải.”
BÌNH: Muốn hiểu Phật tính phải quán thời tiết nhân duyên. Vương Thái Phó làm tri châu ở Tuyên Châu, học Thiền với Chiêu Khánh từ lâu. Một hôm lúc vào tự viện nhân khi Lãng Thượng Tọa đang nấu trà, Lãng Thượng Tọa lật ấm trà. Thái Phó cũng là tay chuyên gia, cho nên vừa thấy Lãng Thượng Tọa lật ấm trà đã hỏi, “ Dưới lò nấu trà có gì vậy?” Khi Lãng Thượng Tọa nói, “ Có thần hộ lò,” quả thật trong lời ấy có âm vọng. song làm gì được khi mà đầu đuôi mâu thuẫn, đánh mất tông chỉ, để mũi nhọn đâm vào tay. Như thế không những đã tự cô phụ mình mà còn động chạm đến người khác.
Tuy rằng đây không phải là một việc có được thua, song một khi vừa nêu lên thì lại như cũ có thân sơ, có người trong kẻ ngoài. Nếu như luận về việc này thì nó chẳng ở nơi ngôn ngữ, song các ông vẫn cứ phải dựa vào ngôn ngữ mà tìm ra chỗ sống động của nó. Cho nên mới có câu nói, “ Chỉ tham câu sống mà không tham câu chết.” Lãng Thượng Tọa nói như thế chẳng khác gì con chó điên đuổi theo cục đất. Vương Thái Phó rũ áo bỏ ra, tựa như không chấp nhận thầy ta.
Minh Chiêu nói, “Lãng Thượng Tọa ăn cơm của Chiêu Khánh lại đi ra ngoài song mà nhặt củi khô.” Củi khô đây tức là những nhánh cây bị lửa hoang đốt cháy. Minh Chiêu nói như thế là để giải minh rằng Lãng Thượng Tọa không đi đúng đường mà đi trệch lối. Lãng Thượng Tọa lại dồn thầy ta nói rằng, “Thế hòa thượng thì sao?” Minh Chiêu nói, “Thần được lời.” Minh Chiêu đã có xuất thân mà lại cũng không cô phụ câu hỏi của Lãng Thượng Tọa. Cho nên mới có câu nói rằng, “ Chó khôn cắn người không lộ răng.”
Qui Sơn Triết Hòa Thượng nói, “ Vương Thái Phó giống y như Lạn Tương Như đoạt ngọc, đến nỗi râu ria chĩa ra khỏi hai bên mũ.” Minh Chiêu khó giấu được cái thông minh của mình, cho nên khó gặp được điểm tiện lợi. Nếu như tôi là Lãng Thượng Tọa, vừa trông thấy Vương Thái Phó rũ áo bỏ ra, là lập tức buông ấm trà xuống rồi ha hã cười lớn. Tại sao vậy? Thấy mà không giữ , ngàn năm khó gặp.
Há không nghe Bảo Thọ hỏi Hồ Đinh Giảo, “Lâu nay vẫn nghe tiếng Hồ Đinh Giảo, phải chăng là người ấy?” Hồ nói, “Vâng” Bảo Thọ nói, “Thế có đóng đinh vào hư không được chăng?” Hồ nói, “Mời thầy đến phá cho.” Bảo Thọ bèn đánh. Hồ không chịu, Bảo Thọ nói, “Sau này sẽ có một ông thầy nói nhiều đến đã phá cho ông.” Sau đó Hồ gặp Triệu Châu, bèn thuật lại câu chuyện trên. Triệu Châu nói, “Tại sao ông lại bị thầy ta đánh?” Hồ nói, “Tôi không hiểu mình có lỗi ở chỗ nào?” Triệu Châu nói, “ chỉ có cái kẽ này mà ông cũng không làm gì được thì bảo thầy ta đến đánh phá hư không để làm gì?” Hồ bèn thôi không thắc mắc nữa. Triệu Châu bèn nói hộ, “Thử đóng đinh vào kẽ này xem.” Hồ bèn tĩnh ngộ.
Kinh Triệu Mễ Thất Sư đi hành cước về, có bậc lão túc kia hỏi rằng, “Giải lụa trong đêm trăng, ai cũng bảo là rắn. Không hiểu lúc Thất Sư thất Phật thì gọi là gì?” Thất Sư nói, “Nếu có chỗ thấy, thì đồng với chúng sinh. Vị lão túc kia nói, “Đây đúng là hột đào ngàn năm mới nẩy mầm.”
Trung Quốc Sư hỏi vị Tử Lân Cung Phụng, “Nghe nói Cung phụng có viết chú giải cho Kinh Tư Ích, phải vậy chăng?” Cung phụng nói, “Vâng”. Quốc Sư nói, “Phàm muốn chú kinh, trước tiên phải hiểu ý của Phật mới được.” Cung Phụng nói, “Nếu như tôi không hiểu ý Phật, làm sao tôi dám nói là tôi chú giải kinh?” Quốc Sư bèn dạy thị giả bưng vào một chén nước, bẩy hạt gạo, và một chiếc đũa. Quốc Sư bỏ cả vào chén rồi đưa tới cho Cung Phụng, hỏi rằng, “ Như vậy là nghĩa gì đây?” Cung Phụng nói, “Tôi không hiểu.” Quốc Sư nói, “Ý của lão sư mà thầy cũng không hiểu, thế mà đòi đi hiểu ý Phật. Không phải chỉ có Vương Thái Phó và Lãng Thượng Tọa là có những đối thoại như trên.
Cuối cùng Tuyết Đậu nói, “Lúc ấy phải đạp đổ lò nấu trà mới phải.” Minh Chiêu tuy rằng như thế song rốt cuộc vẫn không bằng được Tuyết Đậu.Tuyết Phong có dạo là, đuầ bếp trong chúng hội của Động Sơn.Một hôm lúc Tuyết Phong đang vo gạo, Động Sơn hỏi, “Vo gạo để khử cát hay là vo cát để khử gạo?” Tuyết Phong nói, “Khử cả cát lẫn gạo một lúc.” Động Sơn hỏi, “Vậy thì đại chúng ăn cái gì?” Tuyết Phong bèn lật úp cái rổ. Động Sơn nói, “Nhân duyên của ông không phải là ở đây.” Tuy thế làm sao có thể giống với Tuyết Đậu nói, “Lúc ấy phải đạp đổ lò nấu trà mới phải.” Đó là thời tiết gì vậy? Dụng xứ của thầy ta tự nhiên là chói sáng cho các thế hệ sau này, có chỗ giải thoát sống động. Tụng rằng:
TỤNG
Đến hỏi như gió thổi,
Ứng cơ không thiện xảo.
Buồn thay Độc Nhãn Long!
Chưa phô bầy nanh vuốt.
Nanh vuốt mở,
Sinh sấm sét.
Con sóng ngược dòng mấy bận về.
BÌNH: “Đến hỏi như gió thổi, ứng cơ không thiện xảo.” Câu hỏi của Vương Thái Phó giống như thể múa rìu sinh gió. Tích này xuất phát từ sách Trang Tử: Có người ở Dĩnh đang xây tường đất, chỉ còn một lỗ hổng nhỏ, bèn vo mộtviên bùn để lấp đầy. Lúc ấy có một đốm bùn rơi trên đầu mũi người ấy. Bên cạnh có một tay múa rìu nói, “Ông xây tường khéo lắm, để tôi dùng búa lấy đốm bùn trên đầu mũi hộ cho ông.” Mặc dù đốm bùn trên mũi ông ta chỉ nhỏ như cánh con ruồi ông ta vẫn bằng lòng để cho người múa rìu kia lấy hộ. Người kia múa rìu, vun vút thành gió đánh bạt đốm bùn kia đi mà không làm tổn thương mũi. Người ở Dĩnh vẫn đứng thản nhiên. Đây chính là cái gọi là sự xảo diệu của cả hai bên. Lãng Thượng Tọa tuy có ứng cơ, song lời của ông ta không thiện xảo. Cho nên Tuyết Đậu mới nói, “Đến hỏi như gió thổi, ứng cơ không thiện xảo.”
“Buồn thay Độc Nhãn Long, chưa phô bày nanh vuốt.” Minh Chiêu cũng nói một cách hết sức kỳ đặc. Có điều chưa có được thứ nanh vuốt đủ để bắt mây chụp sương. Tuyết Đậu tuy là bàng quan song không nhịn được ra sức hộ cho Minh Chiêu.
Tuyết Đậu ngầm hợp với ý của Vương Thái Phó, tự tụng việc đạp đỗ lò nấu trà rằng, “Nanh vuốt mở, sinh sấm sét. Con sông ngược dòng mấy bận về.” Vân Môn nói, “Không mong ông có sóng ngược dòng, chỉ cần có cái ý xuôi dòng là được rồi. Cho nên mới có câu nói, “Nếu như hiểu được câu sống, mãi mãi sẽ không bao giờ quên.” Những lời nói của Lãng Thượng Tọa và Minh Chiêu tựa như chết. Nếu như các ông muốn thấy chỗ sống, cứ việc nhìn Tuyết Đậu đạp đổ lò nấu trà. TẮC THỨ BỐN MƯƠI CHÍN
TAM THÁNH LẤY GÌ ĐỂ ĂN
THÙY: Bẩy xuyên tám lỗ, giựt trống đoạt cờ. Trăm vòng ngàn lớp, nhìn trước ngó sau. Ngồi đầu cọp để nắm đuôi cọp, chưa phải là bậc chuyên gia. Đầu bò chìm đầu ngựa về, cũng chưa là kỳ đặc. Thử nói xem. Lúc người vượt qua sự tư lương đến thì như thế nào? Thử nêu lên xem.
CỬ: Tam Thánh hỏi Tuyết Phong, “Con cá vàng vượt ra khỏi lưới, không hiểu lấy gì để ăn?” Tuyết Phong nói, “Đợi khi nào ông ra khỏi lưới tôi sẽ nói cho ông.” Tam Thánh nói, “ Là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người mà ngay cả một lời nói cũng không biết.” Tuyết Phong nói, “Việc trụ trì của Lão tăng bề bộn vô cùng.”
BÌNH: Tuyết Phong và Tam Thánh tuy rằng một ra một vào, một xô một đẩy, song vẫn chưa phân thắng phụ. Thử nói xem hai vị tôn túc này có thứ mắt gì? Tam Thánh kể từ sau khi nhận yếu chỉ nơi Lâm Tế đi hành cước khắp các nơi, đến đâu cũng được đãi ngộ như khách quí. Nhìn xem cách thầy ta đặt câu hỏi. Biết bao nhiêu người rờ rẫm không ra! Không động chạm gì đến lý tính hay Phật pháp mà thầy ta lại chỉ hỏi, “Con cá vàng vượt ra khỏi lưới, không biết lấy gì để ăn?” Thử nói xem, ý của thầy ta như thế nào? Con cá vàng vượt ra khỏi lưới bình thường đã không còn ăn mồi của thiên hạ nữa, không biết lấy gì để ăn đây?
Tuyết Phong là tay chuyên gia, mỗi khi mở miệng chỉ trả lời độ một hai phần mà thôi. Thầy ta chỉ nói với Tam Thánh, “Khi nào ông ra khỏi lưới tôi sẽ nói cho ông.” Phần Dương gọi đây là “ câu hỏi trình sự hiểu biết của mình.” Trong Tào Động đây gọi là “mượn sự để hỏi.” Cần phải siêu luân tuyệt loại, đắc đại thụ dụng, có mắt trên đỉnh đầu, mới có thể được gọi là con cá vàng vượt ra khỏi lưới. Tuyết Phong là chuyên gia, cho nên không khỏi giảm giá trị của người khác, nói rằng, “Đợi khi nào ông ra khỏi lưới tôi sẽ nói cho ông.”
Nhìn xem hai nhà họ giữ chặt cương vực, sừng sững vạn dặm, nếu như không phải là Tam Thánh, chỉ cần một câu này thôi là cũng đủ bó tay. Song Tam Thánh cũng là bậc chuyên gia, cho nên mới biết nói với Tuyết Phong rằng.” Là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người mà ngay cả một lời nói cũng không biết!” Tuyết Phong lại nói. “Việc trụ trì của lão tăng bề bộn vô cùng.” Câu nói này mới bướng bĩnh làm sao! Khi hai chuyên gia gặp nhau,một nắm một buông, gặp mạnh thì yếu,gặp tiến thì lui. Nếu như các ông hiểu theo lối thắng phụ thì dù trong mộng cũng chẳng thấy được Tuyết Phong. Thử nhìn hai người này, thoạt đầu cao vút lừng lững; cuối cùng cả hai lại như thể người chết. Thử nói xem, còn có được mất thắng phụ chăng? Các bậc chuyên gia thù xướng, tất nhiên không hẳn là đều phải như thế.
Tam Thánh làm viện chủ trong chúng hội của Lâm Tế, lúc Lâm Tế sắp thiên hóa, dạy chúng rằng, “ Sau khi ta đi rồi, các ngươi không được giảm chính pháp nhãn tạng của ta? Tam Thánh bước ra nói, “Ai dám diệt hết chính pháp nhãn tạng của hòa thượng?” Lâm Tế nói, “ Sau này lúc có người ông phải làm như thế nào?” Tam Thánh hét. Lâm Tế nói, “Ai dè chính pháp nhãn tạng của ta lại bị diệt mất trong con lừa mù này. Tam Thánh bèn cúi lạy. Thầy ta là người thật sự trong dòng của Lâm Tế, cho nên mới dám thù xướng như thế. Tuyết Đậu cuối cùng chỉ tụng con cá vàng đã vượt khỏi lưói, để lộ cho các chuyên gia gặp gỡ nhau. Tụng rằng:
TỤNG
Cá vàng thoát lưới,
Đừng nói vương nước,
Cá kình ngàn thước thổi ba đào,
Một tiếng sấm sét gió nổi dậy,
Gió trong thổi,
Trên trời cõi người mấy ai biết?
BÌNH: “Cá vàng thoát lưới, đừng nói vương nước.” Ngũ Tổ nói, “Chỉ cần một câu tụng này thôi là kể cũng được.” Đã là con cá vàng vượt khỏi lưới làm sao có thể sống trong vũng nước được? Ắt là phải ở chỗ sóng cả dạt dào ba đào tận trời. Thử nói xem, trong suốt cả ngày nó biết lấy gì để ăn? Các ông hãy trở về phòng mà ngồi phân định cho ra. Tuyết Đậu nói, “ Việc này tùy mọi người niệm lộng.” Loài vật như con cá vàng này” dựng râu vẫy đuôi, thì quả là trời đầt dao động.
“Cá kình ngàn thước thổi ba đào.” Đây tụng lời Tam Thánh nói rằng, “ Là thiện tri thức của một ngàn trăm người mà ngay cả một lời nói cũng không biết.” Thầy ta giống như thể con cá kình thổi ra sóng lớn. “ Một tiếng sấm sét gió nỗi dậy,” tụng lời Tuyết Phong nói, “ Việc trụ trì của lão tăng bề bộn vô cùng.” Giống như thể một tiếng sấm động làm từng cơn gió nổi dậy. Đại ý là để tụng cả hai người họ đều là những chuyên gia.
“Gió trong thổi, trên trời cõi người mấy ai biết?” Thử nói xem, (ý của) câu này nằm ở chỗ nào? Lúc gió trong nổi lên trên cõi trời cũng như dưới nhân gian này có, mấy ai biết? TẮC THỨ NĂM MƯƠI
TRẦN TRẦN TAM MUỘI CỦA VÂN MÔN
THÙY: Vượt qua thứ lớp, siêu lên phưong tiện, cơ cơ tương ứng , từng câu hợp nhau.Nếu như chưa nhập đại giải thoát môn, đắc đại giải thoát dụng,làm sao có thể đo lường Phật Tổ, giám sát tông thừa được? Thử nói xem, trực tiếp đương đầu với cơ duyên, thuận nghịch tung hoành, làm thế nào có thể nói lên một câu xuất thân được? Thử nêu lên xem.
CỬ: Có ông tăng hỏi Vân Môn, “Trần trần tam muội là gì?”[8] Vân Môn nói, “Cơm trong bát, nước trong thùng.”
BÌNH:Các ông có thể định được công án này chăng? Nếu được thì lỗ mũi của Vân Môn nằm trong tay các ông. Nếu không được thì lỗ mũi các ông nằm trong tay của Vân Môn. Vân Môn có câu chặt đinh cắt sắt, trong một câu này có đủ cả ba câu. Có người bị hỏi về công án này bèn nói. “Cơm trong bát, mỗi hạt đều tròn. Nước trong thùng, mỗi giọt đều ướt.” Nếu như các ông hiểu như thế, các ông không hiểu được chỗ vì người của Vân Môn.
TỤNG
Cơm trong bát nước trong thùng,
Ông thầy lắm miệng khó mở mồm.
Bắc đẩu Nam Tào vị không khác,
Sóng cao tận trời dâng từ đất.
Toan không toan,
Thôi không thôi,
Đều là con trưởng giả không khố.
BÌNH: Trong bài tụng về “một lời đúng” của Vân Môn (Tắc 14) Tuyết Đậu nói, “ Một lời đúng, quá siêu tuyệt! Đóng chốt vào tấm sắt không lỗ.” Sau này trong bài tụng về việc Mã Tổ “ ly tứ cú tuyệt bách phi” (Tắc 73) Tuyết Đậu nói, “ Tạng đầu trắng Hãi đầu đen, nạp tăng mắt sáng không hiểu được.” Nếu như các ông hiểu được công án này thì các ông sẽ thấy được bài tụng.
Mở đầu Tuyết Đậu đã nói ngay, “Cơm trong bát nước trong thùng.” Trong lời của thầy ta có âm vọng, trong câu có trình bày tâm cơ.” Ông thầy lắm miệng khó mở mồm.” Sau đó bèn để thêm cước chú cho các ông. Nếu như các ông ở đây còn muốn tìm đạo lý huyền diệu để so đo, thì lại càng khó mở miệng hơn nữa. Tuyết Đậu chỉ cần (tụng) đến đây là cũng đủ rồi, song thầy ta lại thích nắm chắc từ đầu, sợ trong chúng hội có kẻ có mắt nhìn thấu được. Sau đó thầy ta phải buông long một phen, cúi thấp vì những kẻ sơ cơ, mở ra một tụng để cho thiên hạ thấy. “Bắc Đẩu Nam Tào vị không khác.”
“Sóng cao tận trời dâng từ đất.” Hốt nhiên đất bằng nỗi sóng, các ông phải làm gì đây? Nếu như nhìn trong sự vật thì dễ, còn nếu như tìm kiếm nơi ú căn, rốt cuộc rờ rẫm chẳng ra. (Công án) này cũng giốngnhư thể một thanh sắt, rút ra không được mà ghé miệng vào cũng không được. Nếu như các ông toan so đo, thì muốn hiểu cũng không hiểu được, muốn thôi cũng không thôi được, chỉ để lộ cái tối ám của mình ra. Đây chính là ý nghĩa của câu, “Đều là con trưởng giả không khố.”
Hàn San Thi có bài như sau:
Khắp nơi đều bị khổ,
Thiên hạ bàn vu vơ,
Có tài ném trong cỏ,
Không thể đóng cửa lâu.
Nhật hiện núi vẫn tối,
Khói tan thung lũng mờ.
Trong ấy con trưởng giả,
Kẻ nào cũng không khố. Chú thích:
[1] Xin xem chú thích số 7 của tắc thứ bốn mươi.
[2] Có nghĩa là gây ác nghiệp đến phải đọa địa ngục vô gián (avici)
[3] “Vô sinh pháp nhẫn” (anuttpattikadharmaksànti): Bồ Tát tu đến đệ bát địa không còn thấy có một pháp nào sinh khởi cả.
[4] Nguyên văn: “Thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên. Đại hà ngôn tai, vạn vật sinh yên.” Trích từ thiên “Dương Hóa” trong sách Luận Ngữ.
[5] Đoạn này bản của Ito Yuten hoàn toàn khác hẳn.
[6] Kinh Kim Quang Minh (Suvarnaprabhàsasùtra)
[7] Kinh Pháp Hoa (Saddharmapundarìkasùtra)
[8] Xin xem “ Hiền Thủ Phẩm” trong Kinh Hoa Nghiêm
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.162.8 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.