Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Quả Viên Ngộ Thiền Sư Bích Nham Lục [佛果圜悟禪師碧巖錄] »» Bản Việt dịch quyển số 5 »»

Phật Quả Viên Ngộ Thiền Sư Bích Nham Lục [佛果圜悟禪師碧巖錄] »» Bản Việt dịch quyển số 5

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » English version (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.63 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Thanh Từ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

TẮC 41: TRIỆU CHÂU NGƯỜI ĐẠI TỬ
LỜI DẪN: Chỗ phải quấy kết chặt, Thánh cũng không thể biết. Khi nghịch thuận dọc ngang, Phật cũng không thể biện. Là kẻ sĩ tuyệt thế siêu luân, hiện khả năng của bậc đại sĩ siêu quần, nhằm trên tảng băng đi, chạy trên kiếm bén, liền đó như đầu sừng kỳ lân, giống hoa sen trong lò lửa, cái thấy siêu phương mới biết đồng đạo. Ai là người tay khéo, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Triệu Châu hỏi Đầu Tử: Người đại tử khi sống lại thế nào ? Đầu Tử đáp: Chẳng cho đi đêm, đợi sáng sẽ đến.
GIẢI THÍCH: Triệu Châu hỏi Đầu Tử người đại tử khi sống lại thế nào, Đầu Tử đáp chẳng cho đi đêm đợi sáng sẽ đến, hãy nói là thời tiết gì ? Ống sáo không lỗ nắm đến liền vỗ nhịp hát. Đây gọi là hỏi nghiệm chủ, cũng gọi là hỏi tâm hạnh. Đầu Tử, Triệu Châu các nơi đều ngợi khen, được cái biện luận siêu quần. Hai vị tuy kế thừa khác nhau, xem cơ phong giống nhau một loại. Một hôm, Đầu Tử vì Triệu Châu thiết tiệc trà đãi nhau, tự tay đưa bánh cho Triệu Châu, Triệu Châu ngó lơ. Đầu Tử sai cư sĩ đưa bánh cho Triệu Châu, Triệu Châu lễ cư sĩ ba lạy. Hãy nói ý Triệu Châu thế nào ? Quả là Triệu Châu nhằm trên căn bản nêu việc bổn phận vì người. Có vị Tăng hỏi: Thế nào là đạo ? Đầu Tử đáp: Đạo. Hỏi: Thế nào là Phật ? Đáp: Phật. Lại hỏi: Khi khóa vàng chưa mở thì thế nào ? Đáp: Mở. Hỏi: Khi gà vàng chưa gáy thì thế nào ? Đáp: Không có âm hưởng nầy. Hỏi: Gáy xong thì sao ? Đáp: Mỗi tự biết thời. Bình sanh Đầu Tử hỏi đáp như thế. Xem Triệu Châu hỏi: Người đại tử khi sống lại thì thế nào ? Liền đáp: Chẳng cho đi đêm, đợi sáng sẽ đến. Hẳn như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện chớp, phải là người hướng thượng như ông ta mới được. Người đại tử trọn không có Phật pháp đạo lý huyền diệu được mất phải quấy dài ngắn. Đến trong này chỉ thế ấy thôi đi. Cổ nhân gọi đó là trên đất bằng người chết vô số, qua được rừng gai góc là người tay khéo, cũng phải qua lọt bên kia mới được. Tuy nhiên như thế, hiện nay người đến loại điền địa này, sớm đã khó được. Hoặc có nương tựa, có giải hội thì không giao thiệp. Hòa thượng Triết gọi đó là thấy chẳng tịnh khiết. Ngũ Tổ tiên sư bảo đó là mạng căn chẳng đoạn, phải một phen đại tử sống lại mới được. Hòa thượng Vĩnh Quang ở Chiết Trung nói: Ngôn phong nếu sai thì cổng làng quê cách xa muôn dặm, phải là bờ cao vót buông tay, tự nhận thừa đương, sau khi chết sống lại, dối anh chẳng được. Ý chỉ phi thường, người nào che dấu được ư ? Ý Triệu Châu hỏi như thế, Đầu Tử là hàng tác gia cũng không cô phụ câu hỏi kia. Chỉ là tuyệt tình bặt dấu, quả thật khó hiểu, chỉ hiện bày trước mắt đôi chút. Vì thế cổ nhân nói: Muốn được thân thiết chớ đem hỏi đến hỏi, hỏi tại chỗ đáp, đáp tại chỗ hỏi. Nếu chẳng phải Đầu Tử, bị Triệu Châu một câu hỏi cũng khó đáp được. Chỉ vì kia là kẻ tác gia, nhắc đến liền biết chỗ rơi:
TỤNG: Hoạt trung hữu nhãn hoàn đồng tử
Dược kỵ hà tu giám tác gia
Cổ Phật thượng ngôn tằng vị đáo
Bất tri thùy giải tát trần sa.
DỊCH: Trong sống có mắt lại đồng chết
Thuốc kỵ đâu cần chiếu tác gia
Cổ Phật còn rằng từng chẳng đến
Chẳng hay ai biết ném trần sa.
GIẢI TỤNG: “Trong sống có mắt lại đồng chết”, Tuyết Đậu là người tri hữu nên mới dám tụng. Cổ nhân nói: Kia tham câu sống chẳng tham câu chết. Tuyết Đậu nói: “ Trong sống có mắt lại đồng chết. Đâu từng chết ? Trong chết đủ mắt như đồng người sống. Cổ nhân nói: Giết hết người chết mới thấy người sống, làm sống hết người chết mới thấy người chết. Triệu Châu là người sống tạo câu hỏi chết để nghiệm Đầu Tử, như vật kỵ của tánh dược đem thí nghiệm vậy. Vì thế Tuyết Đậu tụng “thuốc kỵđâu cần chiếu tác gia”. Câu tụng này là chỗ hỏi của Triệu Châu. Phần sau tụng về Đầu Tử, “cổ Phật còn rằng từng chẳng đến”, chỉ chỗ người đại tử sống lại. Cổ Phật cũng chẳng từng đến, các vị Hòa thượng già ở mọi nơi cũng chẳng từng đến. Dù cho ông già Thích-ca hay vị Hồ Tăng mắt biếc (Đạt-ma) cũng phải tái tham mới được. Vì thế nói, chỉ cho lão Hồ biết, chẳng cho lão Hồ hiểu. Tuyết Đậu tụng “chẳng hay ai biết ném trần sa”. Có vị Tăng hỏi Trường Khánh: Thế nào là con mắt thiện tri thức ? Trường Khánh đáp: Có nguyện chẳng ném cát. Bảo Phước nói: Chẳng nên lại ném. Các vị Hòa thượng già ở mọi nơi ngồi trên chiếc giường gỗ dùng gậy dùng hét, dựng phất gõ giường, hiện thần thông, làm chủ tể, trọn là ném cát. Hãy nói làm sao khỏi được ?
TẮC 42: BÀNG CƯ SĨ TUYẾT ĐẸP MẢNH MẢNH
LỜI DẪN: Riêng nêu biệt cợt, kẹt nước mắc lầy, nhịp hát đồng thời, núi bạc vách sắt. Nghĩ nghị thì trước đầu lâu thấy quỉ, suy tư thì ngồi dưới hắc sơn. Mặt nhật lên soi sáng khắp trời, gió mát thổi vì vèo đầy đất. Hãy nói cổ nhân lại có chỗ lầm lẫn chăng, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Ông cư sĩ Bàng Uẩn từ giã Dược Sơn, Dược Sơn sai mười vị Thiền khách tiễn đến cổng ngoài. Cư sĩ chỉ tuyết trong không nói: Tuyết đẹp mảnh mảnh chẳng rơi chỗ khác. Thiền khách Toàn hỏi: Rơi tại chỗ nào ? Cư sĩ đánh một tát. Toàn bảo: Cư sĩ không được thô xuất. Cư sĩ nói: Ông thế ấy mà xưng là Thiền khách, Diêm vương chưa tha ông đâu. Toàn hỏi: Cư sĩ thì sao ? Cư sĩ đánh một tát, nói: Mắt thấy như mù, miệng nói như câm. (Tuyết Đậu riêng nói: Chỗ mới hỏi, chỉ nắm một hòn tuyết, liền đánh.)
GIẢI THÍCH: Cư sĩ họ Bàng tham vấn hai nơi Mã Tổ, Thạch Đầu đều có làm tụng. Ban đầu yết kiến Thạch Đầu hỏi: Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì ? Chưa dứt lời bị Thạch Đầu bụm miệng, liền có tỉnh, làm tụng: “Việc hằng ngày không khác, chỉ tôi tự vui hay, vật vật không bỏ lấy, chỗ chỗ không trái bày, đỏ tía gì làm hiệu, núi xanh tuyệt điểm ai, thần thông cùng diệu dụng, gánh nước bửa củi tài.” Sau ông đến tham vấn Mã Tổ hỏi: Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì ? Mã Tổ đáp: Đợi ông dùng miệng hút cạn nước Tây Giang, liền vì ông nói. Cư sĩ bỗng nhiên đại ngộ, làm tụng: “Mười phương đồng tụ hội, mỗi mỗi học vô vi, đây là trường thi Phật, tâm Không được đậu về.” Vì ông là hàng tác gia, sau này các nơi đều trọng vọng đến đâu cũng được khen ngợi. Ông qua lại Dược Sơn nhiều lần và ở lâu, từ giã ra về, Dược Sơn rất trọng nên sai mười Thiền khách đi tiễn. Khi ấy gặp tuyết rơi, cư sĩ chỉ tuyết nói: Tuyết đẹp mảnh mảnh chẳng rơi chỗ khác. Thiền khách Toàn hỏi: Rơi tại chỗ nào ? Cư sĩ liền tát. Thiền khách Toàn đã không thể hành lệnh, cư sĩ hành phân nửa. Lệnh tuy hành, Thiền khách Toàn đối đáp thế ấy chẳng phải không biết chỗ rơi của ông, chỉ vì mỗi người có cơ phong cuộn tung chẳng đồng. Song vẫn có chỗ chẳng đến kịp cư sĩ, vì thế rơi dưới giá của ông, khó thoát khỏi cái lồng của ông. Cư sĩ đánh rồi lại vì nói đạo lý: Mắt thấy như mù, miệng nói như câm. Tuyết Đậu riêng nói: Chỗ mới hỏi, chỉ nắm một hòn tuyết, liền đánh. Tuyết Đậu thế ấy cốt chẳng cô phụ lời hỏi của Toàn, chỉ vì căn cơ chậm lụt. Tạng chủ Khánh nói: Cơ phong của cư sĩ như điện chớp, đợi các ông nắm hòn tuyết đến bao giờ ? Hô lên liền đáp, hô lên liền đánh, mới là dứt bặt. Tuyết Đậu tự tụng chỗ ông đánh rằng:
TỤNG: Tuyết đoàn đả, tuyết đoàn đả
Bàng lão cơ quan một khả bả
Thiên thượng nhân gian bất tự tri
Nhãn lý nhĩ lý tuyệt tiêu sái.
Tiêu sái tuyệt
Bích nhãn Hồ Tăng nan biện biệt.
DỊCH: Hòn tuyết đánh, hòn tuyết đánh
Cơ quan lão Bàng khôn nắm được
Trên trời nhân gian chẳng tự hay
Trong mắt trong tai lắm thích thú.
Thích thú lắm
Hồ Tăng mắt xanh cũng khó biện.
GIẢI TỤNG: “Hòn tuyết đánh, hòn tuyết đánh, cơ quan lão Bàng khôn nắm được”, Tuyết Đậu cốt đi trên đầu cư sĩ. Cổ nhân lấy tuyết để rõ việc bên nhất sắc. Ý Tuyết Đậu nói, khi ấy nếu nắm hòn tuyết liền đánh thì cư sĩ dù có cơ quan thế nào cũng khó xoay trở kịp. Tuyết Đậu tự khoe chỗ đánh của mình, đâu chẳng biết có chỗ bị thua. “Trên trời nhân gian chẳng tự hay, trong mắt trong tai lắm thích thú”, trong mắt cũng là tuyết, trong tai cũng là tuyết. Chính ở bên nhất sắc cũng gọi là cảnh giới Phổ Hiền, việc bên nhất sắc cũng gọi là nhồi thành một khối. Vân Môn nói: “Dù được cả càn khôn đại địa không một mảy may lỗi lầm vẫn là chuyển cú, chẳng thấy nhất sắc mới là bán đề, nếu cần toàn đề phải biết có một con đường hướng thượng mới được.” Đến trong đây phải là đại dụng hiện tiền, kim châm chẳng vào, chẳng cho người khác xử phân. Vì thế nói kia tham câu sống chẳng tham câu chết. Cổ nhân nói: Một câu hợp đầu ngữ, muôn kiếp cọc cột lừa, có dùng vào chỗ nào. Đến đây Tuyết Đậu tụng xong, lại chuyển cơ nói “thích thú lắm”, dù cho “Hồ Tăng mắt xanh cũng khó biện”. Hồ Tăng mắt xanh (Tổ Đạt-ma) còn khó biện biệt, lại bảo Sơn tăng nói cái gì ?
TẮC 43: ĐỘNG SƠN KHÔNG LẠNH NÓNG
LỜI DẪN: Câu định càn khôn muôn đời cùng tôn trọng, cơ bắt hổ hủy (hủy : tê giác cái) ngàn Thánh khó biện. Liền đó lại không mảy che ngăn, toàn cơ tùy chỗ đồng bày. Cần rõ kiền chùy hướng thượng, phải là lò rèn của bậc tác gia. Hãy nói từ trước đến nay lại có gia phong thế ấy hay không, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Tăng hỏi Động Sơn: Khi lạnh nóng đến làm sao né tránh ? Động Sơn đáp: Sao chẳng nhằm chỗ không lạnh nóng đi ? Tăng hỏi: Thế nào là chỗ không lạnh nóng ? Động Sơn đáp: Khi lạnh lạnh chết Xà-lê, khi nóng nóng chết Xà-lê.
GIẢI THÍCH: Hòa thượng Tân ở Hoàng Long niêm: Động Sơn lấy tay áo làm cổ, dưới nách khoét bâu, thế mà vị Tăng này không cam, như nay có người ra hỏi Hoàng Long, hãy nói làm sao đuổi dẹp ? Sư im lặng giây lâu, tiếp: “An thiền đâu hẳn nhờ sông núi, diệt sạch tâm sanh lửa tự lành.” Các ngươi hãy nói lồng bẩy của Động Sơn rơi vào chỗ nào ? Nếu biện được rành rõ mới biết Động Sơn ngũ vị, hồi hỗ, chánh thiên, tiếp người thật là kỳ đặc. Đến được cảnh giới hướng thượng này mới được như thế, chẳng cần an bài tự nhiên khéo hợp. Vì thế nói: CHÁNH TRUNG THIÊN - Canh ba đầu hôm trước trăng sáng, chớ lạ gặp nhau chẳng biết nhau, thầm thầm vẫn ôm hiềm ngày trước. THIÊN TRUNG CHÁNH - Mắt sáng lão bà gặp cổ kính, rõ ràng đối mặt lại không chân, thôi chớ quên đầu nhận lấy bóng. CHÁNH TRUNG LAI - Trong không có lộ thoát trần ai, chỉ hay chẳng chạm húy hiện tại, cũng hơn tiền triều cắt lưỡi tài. THIÊN TRUNG CHÍ - Hai mũi giao phong chẳng cần tránh, tay khéo lại đồng sen trong lò, quả nhiên tự có xung thiên khí. KIÊM TRUNG ĐÁO - Chẳng rơi có không ai dám hòa, mỗi người trọn muốn ra dòng thường, rốt cuộc lui về ngồi trong tro Viễn Lục Công ở Phù Sơn lấy công án này làm mẫu cho Ngũ vị. Nếu hiểu một tắc thì các tắc tự nhiên dễ hiểu. Nham Đầu nói: Giống như trái bầu để trên mặt nước, động đến liền xoay vẫn chẳng mất mảy tơ khí lực. Có vị Tăng hỏi Động Sơn: Khi Văn-thù, Phổ Hiền đến tham vấn thì thế nào ? Động Sơn đáp: Đuổi vào trong bầy trâu đi. Tăng nói: Hòa thượng vào địa ngục nhanh như tên. Động Sơn nói: Toàn nhờ tha lực. Động Sơn bảo, sao chẳng nhằm chỗ không lạnh nóng đi, đây là Thiên Trung Chánh. Tăng hỏi thế nào là chỗ không lạnh nóng ? Động Sơn nói khi lạnh lạnh chết Xà-lê, khi nóng nóng chết Xà-lê, đây là Chánh Trung Thiên. Tuy Chánh lại Thiên, tuy Thiên lại Viên. Trong tập lục của tông Tào Động chép đầy đủ kỹ lưỡng. Nếu là dưới tông Lâm Tế thì không có nhiều việc. Loại công án này thẳng đó liền hội. Có người nói “rất tốt không lạnh nóng”, có đúng sự thật chút nào ? Cổ nhân nói: Nếu nhằm trên kiếm bén chạy thì nhanh, nếu nhằm trên tình thức thì chậm. Có vị Tăng hỏi Thúy Vi: Thế nào là ý Tổ sư Tây sang ? Thúy Vi bảo: Đợi không có người sẽ nói với ông. Sư đi vào trong vườn. Tăng thưa: Chỗ này không người, thỉnh Hòa thượng nói. Thúy Vi chỉ bụi tre nói: Cây tre này được dài thế ấy, cây tre kia được ngắn thế ấy. Vị Tăng bỗng nhiên đại ngộ. Tào Sơn hỏi Tăng: Nóng thế ấy đến chỗ nào ẩn trốn ? Tăng thưa: Ẩn trốn trong chảo dầu lò lửa. Tào Sơn hỏi: Chảo dầu lò lửa làm sao ẩn trốn ? Tăng thưa: Các khổ không thể đến. Xem người trong nhà kia tự nhiên hiểu những lời nói trong nhà kia. Tuyết Đậu dùng việc trong nhà kia tụng ra:
TỤNG: Thùy thủ hoàn đồng vạn nhẫn nhai
Chánh thiên hà tất tại an bài
Lưu-ly cổđiện chiếu minh nguyệt
Nhẫn tuấn Hàn lô không thượng giai.
DỊCH: Tay duỗi lại đồng muôn trượng bờ
Chánh thiên nào hẳn tại an bài
Điện cổ lưu-ly trăng sáng chiếu
Cam chịu Hàn lô luống đến thềm.
GIẢI TỤNG: Tông Tào Động có xuất thế (giáo hóa) chẳng xuất thế (chẳng giáo hóa), có tay duỗi, chẳng tay duỗi. Nếu chẳng xuất thế thì mắt xem mây xanh. Nếu xuất thế thì đầu tro mặt đất. Mắt xem mây xanh tức là đỉnh muôn trượng. Đầu tro mặt đất tức là việc bên tay duỗi. Có khi đầu tro mặt đất tức ở đỉnh muôn trượng. Có khi đỉnh muôn trượng tức là đầu tro mặt đất. Kỳ thật duỗi tay vào chợ cùng đứng riêng trên ngọn Cô phong một loại. Về nguồn ngộ tánh cùng sai biệt trí không khác. Tối kỵ chia hai đoạn để hiểu. Vì thế nói “tay duỗi lại đồng muôn trượng bờ”, hẳn là không có chỗ cho ông gá nghĩ. “Chánh thiên nào hẳn tại an bài”, nếu đến khi dùng tự nhiên như thế, chẳng tại an bài. Câu tụng này là chỗ đáp của Động Sơn. Phần sau nói “điện cổ lưu-ly trăng sáng chiếu, cam chịu Hàn lô luống đến thềm”, đây là tụng vị Tăng đuổi theo lời nói. Tông Tào Động có mười tám loại: gái đá, ngựa gỗ, giỏ không đáy, minh châu ban đêm, rắn chết… Đại cương chỉ rõ chánh vị như trăng chiếu điện cổ lưu-ly hình như có bóng tròn. Động Sơn đáp sao chẳng đến chỗ không lạnh nóng đi, vị Tăng kia giống như con Hàn lô đuổi bóng, chạy gấp đến thềm chụp bóng trăng - Tăng lại hỏi thế nào là chỗ không lạnh nóng, Động Sơn đáp khi lạnh lạnh chết Xà-lê, khi nóng nóng chết Xà-lê, như Hàn lô đuổi bóng đến trên thềm lại không thấy bóng mặt trăng. Hàn lô là xuất phát từ Chiến Quốc Sách, trong ấy nói: “Con lô của họ Hàn là con chó giỏi. Con thỏ trong núi là thỏ tinh lanh. Phải là con chó kia mới hay đuổi được con thỏ này.” Tuyết Đậu dẫn làm thí dụ cho vị Tăng này. Các ông lại biết chỗ Động Sơn vì người chăng ? Sư lặng thinh giây lâu, nói: Tìm con thỏ nào.
TẮC 44: HÒA SƠN BIẾT ĐÁNH TRỐNG
CÔNG ÁN: Hòa Sơn dạy chúng: Tập học gọi là nghe, tuyệt học gọi là gần, qua được hai cái này là thật qua. Có vị Tăng ra hỏi: Thế nào là thật qua ? Hòa Sơn đáp: Biết đánh trống. Tăng lại hỏi: Thế nào là chân đế ? Hòa Sơn đáp: Biết đánh trống. Tăng hỏi: Tức tâm tức Phật thì chẳng hỏi, thế nào là phi tâm phi Phật ? Hòa Sơn đáp: Biết đánh trống. Tăng hỏi: Khi người hướng thượng đến làm sao tiếp ? Hòa Sơn đáp: Biết đánh trống.
GIẢI THÍCH: Hòa Sơn dạy chúng: “Tập học gọi là nghe, tuyệt học gọi là gần, qua được hai cái này là thật qua.” Đoạn này xuất xứ từ bộ luận Bảo Tạng. Học đến vô học gọi là tuyệt học. Vì thế nói, nghe cạn ngộ sâu, nghe sâu chẳng ngộ gọi là tuyệt học. Vĩnh Gia nói: “Bao năm về trước tôi học vấn, cũng từng thảo sớ tầm kinh luận.” Tập học đã hết gọi là “tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân”. Đến chỗ tuyệt học mới cùng đạo gần nhau, qua được hai cái học này gọi là thật qua. Vị Tăng này quả là minh mẫn, liền đưa lời này ra hỏi Hòa Sơn. Hòa Sơn đáp “biết đánh trống”. Nên nói lời vô vị nói vô vị. Muốn rõ công án này phải là người hướng thượng mới hay thấy lời nầy chẳng dính lý tánh, cũng không chỗ nghị luận. Thẳng đó liền hội, giống như thùng lủng đáy, mới là chỗ an ổn của Thiền tăng, khế hợp với ý Tổ sư từ Tây sang. Vì thế Vân Môn nói: Tuyết Phong đá cầu, Hòa Sơn đánh trống, Quốc sư chén nước, Triệu Châu uống trà, trọn nêu lên việc hướng thượng. Tăng lại hỏi, thế nào là chân đế ? Đáp biết đánh trống. Chân đế là chẳng lập một pháp. Nếu là tục đế thì muôn vật đầy đủ. Chân tục không hai là Thánh đế nghĩa thứ nhất. Tăng lại hỏi, tức tâm tức Phật thì chẳng hỏi, thế nào là phi tâm phi Phật ? Đáp biết đánh trống. Tức tâm tức Phật thì dễ tìm, đến phi tâm phi Phật thì rất khó, ít có người đến. Tăng lại hỏi, khi người hướng thượng đến làm sao tiếp ? Đáp biết đánh trống. Người hướng thượng tức là người thấu thoát tự tại. Bốn câu đáp này, các nơi lấy làm tông chỉ, gọi là Hòa Sơn Bốn Đánh Trống. Đến như Tăng hỏi Cảnh Thanh: đầu năm mới lại có Phật pháp hay không, Cảnh Thanh đáp: Có. Tăng hỏi: Thế nào là Phật pháp đầu năm ? Cảnh Thanh nói: Đầu năm mới mở phúc, muôn vật đều mới. Tăng thưa: Tạ Thầy đáp thoại. Cảnh Thanh nói: Lão tăng ngày nay mất lợi. Giống loại đáp thoại này có mười tám thứ mất lợi. Lại có vị Tăng hỏi Đại sư Tịnh Quả: Khi hạc đậu tùng côi thì thế nào ? Tịnh Quảđáp: Dưới gót chân một trường hổ thẹn. Tăng lại hỏi: Khi tuyết phủ ngàn núi thì thế nào ? Đáp: Sau khi mặt trời lên, một trường hổ thẹn. Tăng hỏi: Khi Hội Xương sa thải thần Hộ pháp đi về đâu ? Đáp: Hai kẻ ngoài ba cửa, một trường hổ thẹn. Các nơi gọi là Ba Hổ Thẹn. Bảo Phước hỏi Tăng: Trong điện là Phật gì ? Tăng đáp: Hòa thượng định đúng xem ? Bảo Phước nói: Ông già Thích-ca. Tăng thưa: Chớ lừa người. Bảo Phước nói: Lại là ngươi lừa ta. Lại hỏi Tăng: Ông tên gì ? Tăng thưa: Hàm Trạch. Bảo Phước nói: Nếu gặp khi khô cạn thì thế nào ? Tăng thưa: Ai là người khô cạn ? Bảo Phước nói: Ta. Tăng thưa: Hòa thượng chớ lừa người. Bảo Phước nói: Lại là ngươi lừa ta. Lại hỏi Tăng: Ông làm nghề gì mà ăn to thế ? Tăng thưa: Hòa thượng cũng chẳng nhỏ. Bảo Phước làm thế ngồi xổm. Tăng thưa: Hòa thượng chớ lừa người. Bảo Phước nói: Lại là ngươi lừa ta. Lại hỏi Tăng coi phòng tắm: Nồi nước tắm rộng bao nhiêu ? Tăng thưa: Thỉnh Hòa thượng lường xem. Bảo Phước làm thế lường. Tăng thưa: Hòa thượng chớ lừa người. Bảo Phước nói: Lại là ngươi lừa ta. Các nơi gọi là Bảo Phước Bốn Lừa Người. Đến như Tuyết Phong bốn thùng sơn, đều là bậc Tông sư từ trước, mỗi vị xuất phát ý chỉ thâm diệu làm cơ tiếp người. Tuyết Đậu ở sau dẫn một đoạn, y Vân Môn dạy chúng, tụng ra công án này:
TỤNG: Nhất duệ thạch
Nhị ban thổ Phát cơ tu thị thiên quân nỗ
Tượng Cốt lão sư tằng côn cừu
Tranh tợ Hòa Sơn giải đả cổ.
Báo quân tri
Mạc mãng lỗ
Điềm giả điềm hề khổ giả khổ.
DỊCH: Một khuân đá
Hai ban đất
Phát cơ phải là ngàn quân nỏ
Lão sư Tượng Cốt từng đá cầu
Nào giống Hòa Sơn biết đánh trống.
Bảo anh hay
Chớ bướng bỉnh
Ngọt là ngọt chừ đắng là đắng.
GIẢI TỤNG: Một hôm Qui Tông công tác công cộng khiêng đá. Qui Tông hỏi: Duy na đi chỗ nào ? Duy na thưa: Đi khuân đá. Qui Tông bảo: Đá từ ông khuân, tức chẳng được động đến giữa cây đòn. Mộc Bình có Tăng mới đến, trước sai ba lần gánh đất. Mộc Bình có tụng dạy chúng: “Núi Đông lộ hẹp, núi Tây thấp, mới đến chớ từ ba gánh đất, thương ông giữa đường đã nhiều năm, rõ ràng chẳng hiểu lại thành tối.” Sau có vị Tăng hỏi: Trong ba gánh không hỏi, việc ngoài ba gánh là thế nào ? Mộc Bình đáp: Thiên tử thiết luân hoàn trung lệnh. Tăng câm họng, Mộc Bình liền đánh. Vì thế nói “một khuân đá, hai ban đất”. “Phát cơ phải là ngàn quân nỏ”, Tuyết Đậu dùng cây nỏ ngàn quân dụ cho lời này, cần thấy chỗ kia vì người. Ba mươi cân là một quân, một ngàn quân tức là ba muôn cân. Phải là rồng to, cọp mạnh, thú dữ mới dùng đến cây nỏ này. Nếu là chim hạc hay vật nhỏ ắt không nên khinh thường mà phát. Vì thế, cây nỏ ngàn quân chẳng vì gà chuột mà phát cơ. “Lão sư Tượng Cốt từng đá cầu”, một hôm Tuyết Phong thấy Huyền Sa đến, ba trái cầu gỗ đồng thời phóng ra, Huyền Sa liền làm thế chẻ bia. Tuyết Phong thâm nhận đó. Tuy nhiên thảy là chỗ toàn cơ đại dụng, đều không bằng Hòa Sơn “biết đánh trống”. Quả thật thẳng tắt, chỉ là khó hội. Vì thế Tuyết Đậu nói “nào giống Hòa Sơn biết đánh trống”. Lại ngại người chỉở trên đầu lời nói làm kế sống, chẳng biết lai do, lại sanh càn càn rỡ rỡ. Cho nên nói “bảo anh hay, chớ bướng bỉnh”, phải thật đến loại điền địa này mới được. Nếu thật không bướng bỉnh, “ngọt là ngọt chừ đắng là đắng”. Tuy nhiên Tuyết Đậu niêm lộng như thế, cứu kính cũng nhảy chẳng khỏi.
TẮC 45: TRIỆU CHÂU ÁO VẢI BẢY CÂN
LỜI DẪN: Cần nói liền nói cả thảy không đối, nên đi liền đi toàn cơ chẳng nhượng, như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện chớp, nhanh như chớp, lẹ như gió, mau như nước chảy, gấp như đi trên đao bén, đưa lên kiềm chùy hướng thượng, chưa khỏi mất cở líu lưỡi. Đưa ra một đường, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Tăng hỏi Triệu Châu: Muôn pháp về một, một về chỗ nào ? Triệu Châu đáp: Ta ở Thanh Châu dệt được một áo vải nặng bảy cân.
GIẢI THÍCH: Nếu nhằm chỗ một kích động liền đi mà hội được, lỗ mũi các vị Hòa thượng già ở mọi nơi, một lúc xỏ xong, không làm gì được ông, tự nhiên nước tụ thành đầm. Nếu do dự thì Lão tăng ở dưới gót chân ông. Chỗ tỉnh yếu của Phật pháp chẳng phải ở nhiều lời, chẳng phải ở nói lắm. Chỉ như vị Tăng này hỏi Triệu Châu “muôn pháp về một, một về chỗ nào”? Triệu Châu lại đáp “ta ở Thanh Châu dệt được một áo vải nặng bảy cân”, nếu nhằm trên ngữ cú mà biện thì lầm nhận định bàn tinh (một tiêu chuẩn cố định). Nếu chẳng nhằm trên ngữ cú mà biện, tại sao lại nói thế ấy ? Công án này tuy khó thấy mà dễ hội, tuy dễ hội lại khó thấy. Khó thì núi bạc vách sắt, dễ thì liền đó tỉnh tỉnh, không có chỗ cho ông suy nghĩ phải quấy. Thoại này cùng câu Phổ Hóa nói “ngày mai ở trong viện Đại Bi có trai”, lại không có hai thứ. Một hôm, có Tăng hỏi Triệu Châu: Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang ? Triệu Châu đáp: Cây bá ở trước sân. Tăng thưa: Hòa thượng chớ đem cảnh chỉ người. Triệu Châu bảo: Lão tăng chẳng từng đem cảnh chỉ người. Xem kia thế ấy, nhằm chỗ cực tắc chuyển chẳng được mà chuyển được, tự nhiên che trời che đất. Nếu chuyển chẳng được thì chạm đến thành kẹt. Hãy nói Triệu Châu có Phật pháp thương lượng hay không ? Nếu nói có Phật pháp, Triệu Châu đâu từng nói tâm nói tánh, nói huyền nói diệu. Nếu nói không có chỉ thú Phật pháp, Triệu Châu chẳng từng cô phụ lời hỏi của ông. Đâu chẳng thấy Tăng hỏi Hòa thượng Mộc Bình: thế nào là đại ý Phật pháp, Mộc Bình đáp: Trái bí đao này lớn như thế. Lại Tăng hỏi Cổ đức: Chỗ núi sâu vực thẳm vắng bặt không người, lại có Phật pháp hay không ? Cổ đức đáp: Có. Tăng hỏi: Thế nào là Phật pháp trong núi sâu ? Cổ đức đáp: Cục đá lớn là lớn, nhỏ là nhỏ. Xem loại công án này lời kỳ quái tại chỗ nào ? Tuyết Đậu biết chỗ rơi của kia, nên vạch bày nghĩa lộ vì ông tụng ra:
TỤNG: Biên tịch tằng ai lão cổ chùy
Thất cân sam trọng kỷ nhân tri
Như kim phao trịch Tây Hồ lý
Hạ tải thanh phong phó dữ thùy.
DỊCH: Biên tịch từng đưa lão cổ chùy
Áo vải bảy cân mấy người tri
Như nay ném thẳng Tây Hồ ấy
Hạ tải gió lành gởi cho ai.
GIẢI TỤNG: Trong mười tám lối hỏi, câu hỏi này gọi là biên tịch. Tuyết Đậu nói “biên tịch từng đưa lão cổ chùy”, biên tịch muôn pháp đem về một mối. Vị Tăng này cốt xô đẩy Triệu Châu. Triệu Châu quả là hàng tác gia gặp chỗ chuyển không được, có con đường xuất thân, dám mở miệng to nói “ta ở Thanh Châu dệt một áo vải nặng bảy cân”. Tuyết Đậu nói “Áo vải bảy cân mấy người tri, như nay ném thẳng Tây Hồ ấy”, muôn pháp về một, một cũng chẳng cần. Áo vải bảy cân cũng chẳng cần, đồng thời ném xuống Tây Hồ. Tuyết Đậu ở Thúy Phong Động Đình có Tây Hồ. Câu “Hạ tải gió lành gởi cho ai”, đây là Triệu Châu dạy chúng: Nếu ông hướng Bắc đến vì ông thượng tải, nếu ông hướng Nam đến vì ông hạ tải. Nếu ông từ Tuyết Phong, Vân Cư đến cũng là kẻ gánh bản. Tuyết Đậu nói gió lành như thế kham gởi cho ai. Thượng tải là vì ông nói tâm nói tánh, nói huyền nói diệu, các thứ phương tiện. Nếu là hạ tải thì không có những thứ nghĩa lý huyền diệu. Có người gánh một gánh thiền đến chỗ Triệu Châu, một điểm cũng sử dụng không được, đồng thời vì y nhồi thành khối khiến sạch trơn thong dong, không có một sự kiện nào gọi là ngộ rồi đồng chưa ngộ. Như nay có người trọn làm vô sự để hội. Có người nói: “Không mê không ngộ, chẳng cần lại cầu. Chỉ như khi Phật chưa ra đời, khi Tổ Đạt-ma chưa sang xứ này, chẳng phải chẳng thế ấy, dùng Phật ra đời làm gì, Tổ sư Tây sang làm gì ?” Thảy như thế nào có dính dáng. Cần phải đại triệt đại ngộ rồi, như xưa núi là núi nước là nước, cho đến muôn pháp thảy đều hiện thành, mới làm người vô sự. Long Nha nói: “Học đạo trước cần có ngộ do, lại như từng dự hội đua thuyền, tuy nhiên gác cũ đất nhàn rỗi, một phen gánh vác mới nên thôi.” Chỉ như áo vải bảy cân này của Triệu Châu, xem thấy người xưa nói như vàng như ngọc. Sơn tăng nói thế ấy, các ông nghe thế ấy, thảy đều là thượng tải. Hãy nói thế nào là hạ tải ? Dưới ba cây đòn tay nhà, xem lấy.
TẮC 46: CẢNH THANH TIẾNG MƯA RƠI
LỜI DẪN: Một chùy liền thành siêu phàm vượt Thánh, nửa câu khả dĩ mở trói gỡ niêm, như đi trên tảng băng, chạy trên kiếm bén, ngồi trong khối thanh sắc, đi trên đầu thanh sắc. Diệu dụng dọc ngang gác lại, khoảng sát-na liền đi thế nào, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Cảnh Thanh hỏi Tăng: Ngoài cửa là tiếng gì ? Tăng thưa: Tiếng mưa rơi. Cảnh Thanh bảo: Chúng sanh điên đảo quên mình theo vật. Tăng thưa: Hòa thượng thì thế nào ? Cảnh Thanh bảo: Toàn chẳng quên mình. Tăng thưa: Toàn chẳng quên mình ý chỉ thế nào ? Cảnh Thanh bảo: Xuất thân vẫn còn dễ, thoát thể nói rất khó.
GIẢI THÍCH: Chỉ trong này khéo tiến lấy, cổ nhân dùng một cơ một cảnh cần tiếp người. Một hôm, Cảnh Thanh hỏi Tăng: Ngoài cửa là tiếng gì ? Tăng thưa: Tiếng mưa rơi. Thanh bảo: Chúng sanh điên đảo quên mình theo vật. Lại hỏi: Ngoài cửa là tiếng gì ? Tăng thưa: Tiếng chim bột cưu. Thanh bảo: Muốn được chẳng chuốc nghiệp vô gián, chớ chê bai chánh pháp Như Lai. Lại hỏi: Ngoài cửa là tiếng gì ? Tăng thưa: Tiếng rắn bắt nhái kêu. Thanh bảo: Sẽ bảo chúng sanh khổ, lại có khổ chúng sanh. Những câu này với công án ở trước không có hai thứ. Hàng Thiền tăng ở trong đây thấu được thì ở trong thanh sắc chẳng ngại tự do. Nếu thấu chẳng được liền bị thanh sắc lôi. Công án này, các nơi gọi là lời “tôi luyện”. Nếu là “tôi luyện” chỉ thành tâm hạnh, không thấy được chỗ vì người của cổ nhân. Cũng gọi lời này là “thấu thanh sắc”, một sáng đạo nhãn, hai sáng thanh sắc, ba sáng tâm tông, bốn sáng vọng tình, năm sáng triển diễn. Song nếu không chín chắn, sao khỏi thành hang ổ. Cảnh Thanh hỏi: Ngoài cửa là tiếng gì ? Tăng thưa: Tiếng mưa rơi. Lại nói: Chúng sanh điên đảo quên mình theo vật. Người ta lầm hội, cho là cố ý chuyển người, quả thật không dính dáng. Đâu chẳng biết Cảnh Thanh có thủđoạn vì người, mật lớn chẳng nệ một cơ một cảnh, rất mực chẳng tiếc lông mày. Cảnh Thanh đâu chẳng biết tiếng mưa rơi, tại sao lại hỏi ? Phải biết cổ nhân dùng sào dò bóng cỏ, cốt nghiệm vị Tăng này. Vị Tăng này khéo xô đẩy liền hỏi: Hòa thượng thì sao ? Liền được Cảnh Thanh vào bùn vào nước, nói với ông “toàn chẳng quên mình”. Vị Tăng kia quên mình theo vật là phải, Cảnh Thanh vì sao cũng quên mình ? Phải biết nghiệm trong câu kia liền có chỗ xuất thân. Vị Tăng này quá lầm lẫn cốt cắt đứt lời này, hỏi: Chỉ cái chẳng quên mình ý chỉ thế nào ? Nếu là tông môn Đức Sơn, Lâm Tế thì gậy hét đã hiện. Cảnh Thanh thông qua một bước, tùy kia tạo sắn bìm, nói với kia “xuất thân còn là dễ, thoát thể nói rất khó”. Tuy nhiên thế ấy, người xưa nói tương tục cũng rất khó. Cảnh Thanh chỉ một câu làm vị Tăng này sáng việc lớn dưới gót chân. Tuyết Đậu tụng ra:
TỤNG: Hư đường vũ trích thanh
Tác giả nan thù đối
Nhược vị tằng nhập lưu
Y tiền hoàn bất hội
Hội bất hội Nam sơn Bắc sơn chuyển bàng bái.
DỊCH: Nhà trống tiếng mưa rơi
Tác giả khôn đối đáp
Nếu bảo từng nhập lưu
Như trước lại chẳng hội
Hội chẳng hội
Núi Nam núi Bắc mưa xối xả.
GIẢI TỤNG: “Nhà trống tiếng mưa rơi, tác giả khôn đối đáp”, nếu nói tiếng mưa rơi thì quên mình theo vật, chẳng nói tiếng mưa rơi lại làm sao chuyển vật ? Đến trong ấy, dù là tác giả cũng khó đối đáp. Vì thế, cổ nhân nói: “Thấy cùng thầy bằng, kém thầy nửa đức, thấy vượt hơn thầy, mới kham truyền thọ.” Nam viện nói: “Dưới gậy vô sanh nhẫn, lâm cơ chẳng nhượng thầy.” “Nếu bảo từng nhập lưu, như trước lại chẳng hội”, trong kinh nói: “Ban đầu trong cái nghe nhập lưu vong sở, sở nhập đã lặng, hai tướng động tịnh rõ ràng chẳng sanh…” Nếu nói là tiếng mưa rơi thì chẳng phải. Nếu nói chẳng phải tiếng mưa rơi cũng chẳng phải. Phần trước bài tụng hai hét cùng ba hét. Tác giả biết cơ biến chính là loại tụng này. Nếu nói là vào thanh sắc cũng chẳng phải. Nếu gọi là thanh sắc, như trước chẳng hiểu ý kia. Ví như lấy tay chỉ mặt trăng, mặt trăng chẳng phải là ngón tay. Hội cùng chẳng hội, núi Bắc núi Nam mưa xối xả vậy.
TẮC 47: VÂN MÔN SÁU CHẲNG THÂU
LỜI DẪN: Trời nói gì đâu bốn mùa đi vậy, đất nói gì đâu vạn vật sanh vậy. Nhằm chỗ bốn mùa đi khả dĩ thấy thể, ở chỗ vạn vật sanh khả dĩ thấy dụng. Hãy nói nhằm chỗ nào thấy được Thiền tăng ? Lìa sạch ngôn ngữ động dụng, đi đứng ngồi nằm, dẹp hết môi mép cuống họng, lại biện được chăng ?
CÔNG ÁN: Tăng hỏi Vân Môn: Thế nào là Pháp thân ? Vân Môn đáp: Sáu chẳng thâu.
GIẢI THÍCH: Vân Môn nói sáu chẳng thâu hẳn là khó nắm. Nếu nhằm khi điềm ứng chưa phân nắm được, đã là đầu thứ hai. Nếu nhằm khi điềm ứng đã sanh tiến được, lại rơi vào đầu thứ ba. Nếu nhằm trên ngôn cú biện minh, rốt cuộc tìm chẳng được. Cứu kính cái gì là Pháp thân ? Nếu là hàng tác gia vừa nghe cử lên liền đứng dậy đi ra. Nếu chờ suy đợi cơ, hãy lắng nghe xử phân. Thượng tọa Phù ở Thái Nguyên trước là Giảng sư, một hôm lên tòa giảng về Pháp thân, nói “dọc cùng tam tế, ngang khắp mười phương”. Có một Thiền khách ở dưới tòa nghe liền bật cười. Phù xuống tòa, hỏi: Vừa rồi tôi có chỗ nào dở, mong Thiền giả vì chỉ cho. Thiền khách nói: Tọa chủ chỉ giảng được bên lượng của Pháp thân, mà chẳng thấy Pháp thân. Phù hỏi: Cứu kính thế nào mới phải ? Thiền khách bảo: Hãy tạm bãi giảng, ngồi trong thất vắng, ắt được tự thấy. Phù làm như lời Thiền khách. Một đêm ngồi yên lặng bỗng nghe đánh chuông canh năm, hốt nhiên đại ngộ, liền chạy gõ cửa Thiền khách nói: Tôi ngộ rồi. Thiền khách hỏi: Ông thử nói xem ? Phù nói: “Kể từ ngày nay tôi chẳng nắm cái lỗ mũi của cha mẹ sanh ra.” Trong kinh nói: “Chân Pháp thân Phật ví như hư không, ứng vật hiện hình như trăng trong nước.” Lại Tăng hỏi Giáp Sơn: Thế nào là Pháp thân ? Giáp Sơn đáp: Pháp thân không tướng. Hỏi: Thế nào là Pháp nhãn ? Đáp: Pháp nhãn không tỳ. Vân Môn nói: Sáu chẳng thâu. Công án này có người nói: Chỉ là sáu căn sáu trần sáu thức, sáu cái này từ Pháp thân sanh, nên sáu căn thâu nó không được. Nếu tình giải thế ấy, quả thật chẳng dính dáng, lại làm đới lụy Vân Môn. Cần thấy liền thấy, không có chỗ cho ông đục đẽo. Trong kinh nói: “Pháp ấy chẳng phải chỗ suy nghĩ phân biệt hay hiểu.” Vân Môn đáp câu hỏi phần nhiều gợi lên tình giải của người. Vì thế, trong một câu phải đủ ba câu, lại chẳng cô phụ lời hỏi của ông, hợp thời hợp tiết, một lời một câu, một chấm một vạch cũng có chỗ xuất thân. Cho nên nói: “Một câu thấu, ngàn câu muôn câu đồng thời thấu.” Hãy nói là Pháp thân, là Tổ sư ? Tha ngươi ba mươi gậy. Tuyết Đậu tụng ra:
TỤNG: Nhất nhị tam tứ ngũ lục
Bích nhãn Hồ Tăng sổ bất túc
Thiếu Lâm mạn đạo phó Thần Quang
Quyện y hựu thuyết qui Thiên Trúc.
Thiên Trúc mang mang vô xứ tầm
Dạ lai khước đối Nhũ Phong túc.
DỊCH: Một hai ba bốn năm sáu
Hồ Tăng mắt biếc đếm không đủ
Thiếu Lâm dối nói trao Thần Quang
Cuộn áo lại bảo về Thiên Trúc.
Thiên Trúc mênh mang không chỗ tìm
Đêm về lại đến Nhũ Phong ngủ.
GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu thực tài ở chỗ không thưa hở, xuất phát nhãn mục tụng cho người thấy. Vân Môn nói “sáu chẳng thâu”. Tuyết Đậu vì sao nói “một hai ba bốn năm sáu”, liền nói “Hồ Tăng mắt biếc đếm không đủ” ? Bởi vì, “chỉ cho lão Hồ biết, chẳng cho lão Hồ hiểu”. Phải là trả lại cho con cháu trong nhà kia mới được. Như trên nói “một lời một câu hợp thời tiết”, nếu thấu được mới biết nói không ở trong ngôn cú. Nếu chưa được thế, chẳng khỏi khởi tình giải. Ngũ Tổ lão sư nói: “Phật Thích-ca Mâu-ni, khách hạ tiện làm con, cây bá ở trước sân, một hai ba bốn năm.” Nếu nhằm dưới ngôn cú Vân Môn thấy được cùng tột thì đến cảnh giới này. “Thiếu Lâm dối nói trao Thần Quang”, Nhị Tổ trước tên Thần Quang. Nhẫn đến sau này lại nói “về Thiên Trúc”, Tổ Đạt-ma tịch, nhập tháp dưới núi Hùng Nhĩ. Khi ấy Tống Vân vâng lệnh đi sứ Tây về, đến ngọn núi phía Tây thấy Tổ Đạt-ma quảy một chiếc giày trở về Tây thiên… Tống Vân về triều tâu lại, triều đình cho khai tháp xem, chỉ thấy để lại một chiếc giày. Tuyết Đậu nói “kỳ thật việc này làm sao phân phó”? Đã không phân phó “cuộn áo lại bảo về Thiên Trúc”. Hãy nói vì sao xứ này lại có sáu vị thứ lớp trao truyền nhau ? Trong đây quả thật kỳ quái, phải là nắm được mới có thể nhập. Câu “Thiên Trúc mênh mang không chỗ tìm, đêm về lại đến Nhũ Phong ngủ”, thử nói hiện nay ở chỗ nào ? Sư liền đánh, nói: Mù !
TẮC 48: CHIÊU KHÁNH LẬT NGƯỢC ẤM TRÀ
CÔNG ÁN: Vương Thái Phó vào chùa Chiêu Khánh nấu trà. Khi ấy Thượng tọa Lãng cùng Minh Chiêu đang soạn ấm trà. Lãng lật ngược ấm trà lại. Thái Phó thấy hỏi: Dưới lò trà là cái gì ? Lãng nói: Thần bưng lò. Thái Phó hỏi: Đã là thần bưng lò vì sao lại lật ngược ấm trà ? Lãng đáp: làm quan ngàn ngày mất ở một buổi. Thái Phó phủi áo đi ra. Minh Chiêu nói: Thượng tọa Lãng ăn cơm Chiêu Khánh xong, lại đi ngoài sông đánh gốc cây cháy. Lãng hỏi: Hòa thượng thì sao ? Minh Chiêu bảo: Phi nhân được cơ hội thuận tiện. Tuyết Đậu nói: Khi ấy chỉ đạp nhào lò trà.
GIẢI THÍCH: Muốn biết nghĩa Phật tánh phải quán thời tiết nhân duyên. Vương Thái Phó coi Tuyền Châu, tham vấn Chiêu Khánh đã lâu. Một hôm nhân vào chùa, Thượng tọa Lãng nấu trà, lật úp ấm trà. Thái Phó cũng là hàng tác gia, vừa thấy lật úp ấm trà liền hỏi: Thượng tọa ! Dưới lò trà là gì ? Lãng đáp: Thần bưng lò. Quả là trong lời có vang, song đầu đuôi trái nhau, mất đi tông chỉ, chạm bén đứt tay, chẳng những cô phụ chính mình cũng xúc phạm kẻ khác. Cái này tuy không có việc được mất, song nêu lên, như trước có thân sơ, có đen trắng. Nếu luận việc này chẳng ở trên ngôn cú, lại cũng nhằm trên ngôn cú biện chỗ sống. Vì thế nói kia tham câu sống chẳng tham câu chết. Cứ theo Thượng tọa Lãng nói thế ấy như chó điên đuổi bóng. Thái Phó phủi áo ra đi, dường như không chấp nhận kia. Minh Chiêu nói: Thượng tọa Lãng ăn cơm Chiêu Khánh xong, lại đi ngoài sông đánh gốc cây cháy. Gốc cây cháy tức là gốc cây ở trong đồng hoang bị lửa cháy, gọi là gốc cây cháy. Dùng câu này để chỉ Thượng tọa Lãng chẳng nhằm chỗ chánh mà đi, lại nhằm bên ngoài mà chạy. Lãng đẩy lại hỏi: Hòa thượng thì sao ? Chiêu đáp: Phi nhân được cơ hội thuận tiện. Minh Chiêu tự nhiên có chỗ xuất thân, cũng chẳng cô phụ câu hỏi của kia. Cho nên nói chó dữ cắn người chẳng nhe răng. Hòa thượng Triết ở Qui Sơn nói: Vương Thái Phó giống như cướp ngọc mà được bông tua chiếc mũ. Minh Chiêu không cam chịu đựng, khó gặp cơ hội tốt. Đại Qui nếu làm Thượng tọa Lãng thấy Thái Phó phủi áo ra đi, liền buông ấm trà xuống cười ha hả ! Tại sao ? - Thấy đó chẳng chụp ngàn năm khó gặp. Như Bảo Thọ hỏi HồĐinh Giao: Đã lâu nghe danh HồĐinh Giao, có phải đây chăng ? Giao thưa: Phải. Thọ hỏi: Lại đóng được hư không chăng ? Giao thưa: Mời Thầy đập phá. Thọ liền đánh. Giao chẳng nhận. Thọ bảo: Ngày khác sẽ có ông thầy lanh mồm vì ông điểm phá. Giao sau gặp Triệu Châu thuật lại câu nói trước. Châu hỏi: Ông vì sao bị Bảo Thọ đánh ? Giao thưa: Chẳng biết lỗi tại chỗ nào ? Châu bảo: Chỉ một đường tơ này còn không thể được, lại bảo đập phá hư không. Giao liền thôi. Châu nói thế: Hãy đóng một đường tơ này. Giao khi đó có tỉnh. Thầy Mễ Thất ở Kinh Triệu đi hành cước về, có vị Lão túc hỏi: Sợi dây kéo nước đứt bỏ ngoài đường, ban đêm người ta cho là rắn, chưa biết thầy Thất khi thấy Phật gọi là gì ? Thầy Thất đáp: Nếu có cái để thấy tức đồng chúng sanh. Lão túc nói: Cũng là hạt đào ngàn năm. Quốc sư Trung hỏi Cung Phụng Tử Lân: Nghe nói Cung Phụng chú giải kinh Tư Ích phải chăng ? Cung Phụng đáp: Phải. Quốc sư bảo: Phàm chú kinh phải hiểu ý Phật mới được. Phụng đáp: Nếu chẳng hiểu đâu dám nói chú kinh. Quốc sư sai thị giảđem một chén nước, bảy hột gạo, một chiếc đũa để trên cái chén, trao cho Cung Phụng, hỏi: Ấy là nghĩa gì ? Phụng đáp: Chẳng hiểu. Quốc sư bảo: Ý của Lão sư còn chẳng hiểu, lại nói gì ý Phật ? Vương Thái Phó với Thượng tọa Lãng nói như thế, người hiểu không phải một. Rốt sau Tuyết Đậu lại nói: Khi ấy chỉ đạp nhào lò trà. Minh Chiêu tuy như thế, trọn chẳng bằng Tuyết Đậu. Tuyết Phong ở trong hội Động Sơn làm trưởng phòng trai, một hôm đãi gạo. Đông Sơn hỏi: Làm gì ? Phong thưa: Đãi gạo. Động Sơn hỏi: Đãi gạo bỏ cát, đãi cát bỏ gạo ? Phong thưa: Gạo cát đồng thời bỏ. Động Sơn hỏi: Đại chúng lấy gì ăn ? Phong liền úp chậu lại. Động Sơn bảo: Nhân duyên của ông không phải ởđây. Tuy nhiên thế ấy, đâu giống Tuyết Đậu nói “khi ấy chỉ đạp nhào lò trà”. Bậc nhất đẳng là thời tiết gì ? Đến chỗ dụng kia vượt nay suốt xưa, có chỗ sống linh hoạt.
TỤNG: Lai vấn nhược thành phong
Ứng cơ phi thiện xảo
Kham bi độc nhãn long
Tằng vị trình nha trảo.
Nha trảo khai
Sanh vân lôi
Nghịch thủy chi ba kinh kỷ hồi.
DỊCH: Đến hỏi nếu thành phong
Ứng cơ chẳng khéo léo
Đáng buồn một mắt rồng
Chưa từng trình nanh vuốt.
Nanh vuốt bày
Mây sấm dậy
Sóng vỗ ngược dòng bao giờ về.
GIẢI TỤNG: Hai câu “đến hỏi nếu thành phong, ứng cơ chẳng khéo léo”, là nói chỗ hỏi của Thái Phó giống như vận dụng rìu thành gió. Đây là xuất xứ từ Trang Tử, trong ấy nói: Người đất Vĩnh lấy đất trét vách, còn trống một lỗ nhỏ xíu, bèn vò một hòn đất tròn ném vào liền kín, khi ấy có chút đất nhỏ rơi dính chót mũi ông ta. Bên cạnh có người thợ mộc bảo: Anh bổ chỗ thiếu rất khéo, tôi vận dụng chiếc rìu vì anh phủi chút bùn ở chót mũi. Mảnh bùn dính chót mũi bằng con ruồi đậu, bảo anh thợ mộc đẽo nó. Anh thợ mộc vận dụng chiếc rìu thành gió đẽo sạch mảnh bùn mà chẳng chạm đến lỗ mũi, người đất Vĩnh đứng bình thường không đổi sắc mặt, để nói hai người đều khéo léo. Thượng tọa Lãng tuy ứng với cơ mà lời không khéo. Vì thế, Tuyết Đậu nói “đến hỏi nếu thành phong, ứng cơ không khéo léo, đáng buồn một mắt rồng, chưa từng trình nanh vuốt”. Minh Chiêu nói rất kỳ đặc, song chưa có nanh vuốt dồn mây dậy mưa. Tuyết Đậu đứng bên chẳng nhận, không chịu nổi liền thay kia nói ra. Tuyết Đậu thầm hợp với ý kia, tự tụng lời đạp nhào lò trà. “Nanh vuốt bày, mây sấm dậy, sóng vỗ ngược dòng bao giờ về.” Vân Môn nói: Chẳng mong ông có tài sóng ngược nước, chỉ có ý thuận dòng cũng được. Vì thế nói: Dưới câu sống tiến được vĩnh kiếp chẳng quên. Thượng tọa Lãng cùng Minh Chiêu ngữ cú tợ chết. Nếu cần thấy chỗ sống, chỉ xem Tuyết Đậu đạp nhào lò trà.
TẮC 49: TAM THÁNH CÁ VÀNG PHỦNG LƯỚI
LỜI DẪN: Bảy xoi tám thủng cướp trống đoạt cờ, trăm vòng ngàn lớp, xem trước ngó sau, cỡi đầu cọp nắm đuôi cọp, chưa phải tác gia. Đầu trâu mất đầu ngựa về, cũng chưa là kỳ đặc. Hãy nói khi người quá lượng đến thì thế nào, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Tam Thánh hỏi Tuyết Phong: Cá vàng vọt thủng lưới, chưa biết lấy gì làm thức ăn ? Tuyết Phong đáp: Đợi ông ra khỏi lưới đến, vì ông nói. Tam Thánh nói: Là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người mà thoại đầu cũng chẳng biết. Tuyết Phong nói: Lão tăng trụ trì nhiều việc.
GIẢI THÍCH: Tuyết Phong, Tam Thánh tuy nhiên một ra một vào, một xô một đẩy, chưa phân thắng bại. Hãy nói hai vị tôn túc này đủ con mắt gì ? Tam Thánh từ Lâm Tế nhận ấn ký trải khắp các nơi, đều được các nơi đãi vào hàng cao khách. Xem Sư đặt câu hỏi bao nhiêu người dò tìm chẳng được. Vả lại chẳng dính lý tánh Phật pháp. Hỏi con cá vàng vọt thủng lưới, chưa biết lấy gì làm thức ăn ? Thử nói ý Sư thế nào ? Cá vàng vọt thủng lưới bình thường đã chẳng ăn mồi thơm của người, chẳng biết lấy gì làm thức ăn ? Tuyết Phong là tác gia dường như nhàn rỗi, chỉ lấy một hai phần đáp kia, lại vì kia nói “đợi ông ra khỏi lưới đến, vì ông nói”. Phần Dương gọi là hỏi “trình giải”, tông Tào Động gọi là hỏi “mượn việc”. Phải là vượt quần thoát loại được đại thọ dụng, trên đảnh có con mắt, mới gọi là cá vàng vọt thủng lưới. Nào ngờ Tuyết Phong là hàng tác gia chẳng ngại làm giảm uy danh của người, nên nói đợi ông ra khỏi lưới đến, vì ông nói. Xem hai vị nắm vững phong cương, vách đứng muôn trượng. Nếu chẳng phải Tam Thánh một câu này liền đi chẳng được. Nhưng Tam Thánh cũng là hàng tác gia mới biết nói với kia, là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người mà thoại đầu cũng chẳng biết. Tuyết Phong lại nói “Lão tăng trụ trì nhiều việc”. Câu này thật cứng rắn cao ngạo. Hai vị tác gia gặp nhau, một bắt một thả, gặp mạnh liền yếu, gặp tiện liền quí. Nếu ông khởi hiểu hơn thua thì chưa mộng thấy Tuyết Phong. Xem hai vị lúc đầu nguy hiểm cao vót, rốt sau hai người đều là kẻ chết. Hãy nói có được mất, hơn thua chăng ? Những vị tác gia khác đối đáp ắt chẳng như thế. Tam Thánh ở chỗ Lâm Tế làm Viện chủ, Lâm Tế sắp tịch dạy: Sau khi ta đi, chẳng được diệt chánh pháp nhãn tạng của ta. Tam Thánh ra thưa: Đâu dám diệt chánh pháp nhãn tạng của Hòa thượng. Lâm Tế hỏi: Về sau có người hỏi ông làm sao ? Tam Thánh liền hét. Lâm Tế nói: Ai biết chánh pháp nhãn tạng của ta đến bên con lừa mù này diệt rồi. Tam Thánh liền lễ bái. Sư là chân tử của Lâm Tế mới dám đối đáp như thế. Tuyết Đậu rốt sau chỉ tụng cá vàng vọt thủng lưới, bày chỗ tác gia thấy nhau.
TỤNG: Thấu võng kim lân
Hưu vấn đới thủy
Diêu càn đảng khôn
Chấn liệp bãi vĩ.
Thiên xích kình phún hồng lãng phi
Nhất thanh lôi chấn thanh tiên khỉ
Thanh tiên khỉ
Thiên thượng nhân gian tri kỷ kỷ.
DỊCH: Thủng lưới cá vàng
Thôi bảo dính nước
Rung càn động khôn
Mang chấn đuôi quạt.
Ngàn thước cá kình phun sóng to
Một tiếng sấm vang gió mạnh nổi
Gió mạnh nổi
Trên trời nhân gian mấy người biết.
GIẢI TỤNG: Hai câu “thủng lưới cá vàng, thôi bảo dính nước”, Ngũ Tổ tiên sư nói chỉ trong một câu này tụng xong vậy. Đã là cá vàng vọt thủng lưới há kẹt trong nước, ắt ở chỗ nước nổi mênh mông sóng dậy ngập trời. Hãy nói trong mười hai giờ lấy cái gì làm thức ăn ? Các ông hãy nhằm dưới ba cây đòn tay, trước cái đơn bảy tấc, thử định đúng xem ? Tuyết Đậu nói việc này tùy phần niêm lộng, như loại cá vàng khi “mang chấn đuôi quạt” thì “rung càn động khôn”. Câu “ngàn thước cá kình phun sóng to” là tụng Tam Thánh nói “là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người mà thoại đầu cũng chẳng biết”, như cá kình phun sóng to. Câu “một tiếng sấm vang gió mạnh nổi” là tụng, Tuyết Đậu nói “Lão tăng trụ trì nhiều việc”, giống như một tiếng sấm gió mạnh nổi dậy. Đại cương tụng hai vị đều là hàng tác gia. Hai câu “gió mạnh nổi, trên trời nhân gian mấy người biết”, thử nói hai câu tụng này rơi tại chỗ nào ? Chữ tiên là gió, khi gió mạnh thì trên trời nhân gian có mấy người hay biết.
TẮC 50: VÂN MÔN TRẦN TRẦN TAM-MUỘI
LỜI DẪN: Vượt qua giai cấp siêu tuyệt phương tiện, cơ cơ hợp nhau, cú cú vào nhau. Ví chẳng phải vào cửa đại giải thoát, được dụng đại giải thoát, lấy gì quyền hành Phật Tổ, qui giám tông thừa. Hãy nói đương cơ cắt đứt, nghịch thuận tung hoành, làm sao nói được câu xuất thân, thử mời cử xem ?
CÔNG ÁN: Tăng hỏi Vân Môn: Thế nào là trần trần tam-muội ? Vân Môn đáp: Cơm trong bát, nước trong thùng.
GIẢI THÍCH: Lại định đúng được chăng ? Nếu định đúng được thì lỗ mũi Vân Môn ở trong tay các ông. Nếu định đúng chẳng được thì lỗ mũi các ông ở trong tay Vân Môn. Vân Môn có câu chặt đinh cắt sắt, trong một câu đủ ba câu.
Có người hỏi đến liền nói, cơm trong bát, mỗi hạt đều tròn, nước trong thùng, mỗi giọt đều ướt. Nếu hiểu thế ấy, chẳng thấy chỗ Vân Môn đoan đích vì người.
TỤNG: Bát lý phạn dũng lý thủy
Đa khẩu a sư nan hạ chủy
Bắc đẩu Nam tinh vị bất thù
Bạch lãng thao thiên bình địa khỉ.
Nghĩ bất nghĩ
Chỉ bất chỉ
Cá cá vô côn trưởng giả tử.
DỊCH: Cơm trong bát, nước trong thùng
Ông thầy lanh mồm khó mở miệng
Sao Bắc sao Nam vị khác nào
Sóng bủa ngập trời đất bằng dấy.
Nghĩ chẳng nghĩ
Dừng chẳng dừng
Mỗi mỗi không quần con trưởng giả.
GIẢI TỤNG: Ở trước, Tuyết Đậu tụng Vân Môn đối một nói “đối một nói, quá cao tột, quả chùy không lỗ thêm hạ chốt”. Sau tụng Mã Tổ ly tứ cú tuyệt bách phi nói “Tạng đầu bạc, Hải đầu đen, Thiền tăng mắt sáng hội chẳng được”. Nếu nơi công án này thấu được thì thấy tụng kia. Tuyết Đậu mở đầu nói “cơm trong bát, nước trong thùng”, trong lời có vang, trong câu trình cơ. Tiếp “ông thầy lanh mồm khó mở miệng”, theo sau vì ông chú cước. Nếu ông nhằm trong này cần tìm huyền diệu đạo lý, so sánh càng khó mở miệng. Tuyết Đậu đến đây cũng được ông ta thích ngay mở đầu nắm đứng, sợ e trong chúng có người đủ mắt sáng nhìn thấu, nên đến phần sau lại phóng qua một nước, rồi cúi xuống vì kẻ sơ cơ vạch bày tụng ra khiến người thấy. Bắc Đẩu như xưa ở phương Bắc, sao Nam như xưa ở phương Nam, vì thế nói “sao Bắc sao Nam vị khác nào”. Câu “sóng bủa ngập trời đất bằng dấy”, bỗng nhiên đất bằng dậy sóng phải làm sao ? Nếu nhằm trên sự xem thì dễ, nếu nhằm dưới ý căn tìm thì mò bắt chẳng được. Cái này giống hệt cây cọc sắt, lung lay chẳng được, nhổ lên chẳng được. Nếu ông nghĩ nghị muốn hiểu thì chẳng hiểu, muốn dừng mà không dừng. Loạn trình túi dốt chính là “mỗi mỗi không quần con trưởng giả”. Thơ của Hàn Sơn nói: “Lục cực thường thêm khổ, cửu duy luống tự bàn, có tài vứt cỏ rậm, không thế đóng cửa bồng, trời lên núi vẫn tối, khói hết hang còn mờ, trong kia con trưởng giả, mỗi mỗi thảy không quần.”

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)


Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng


Hoa nhẫn nhục


San sẻ yêu thương

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 52.15.70.0 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập