Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [   Trang Chủ   ]

Tích truyện Pháp Cú
Thiền viện Viên Chiếu
Nguyên tác: "Buddhist Legends", Eugene Watson Burlingame

VI. Phẩm Hiền Trí

1. Một Người Ðược Kho Báu Tinh Thần

Nếu thấy bậc hiền trí ...

Giáo lý này Thế Tôn dạy tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Ràdha.

Trước khi trở thành Sa-môn, Ràdha là một Bà-la-môn nghèo ở Xá-vệ. Quyết định đi tu, anh đến tinh xá, làm đủ các việc: cắt cỏ, quét phòng, xách nước rửa mặt. Các Tỳ-kheo đối xử với anh tử tế, nhưng không chịu nhận anh vào Tăng đoàn. Kết quả là anh ngày càng ốm đi.

Một sáng nọ, Thế Tôn quan sát thế gian, thấy người Bà-la-môn có thể chứng quả A-la-hán. Ngài giả vờ dạo quanh tinh xá, đến chỗ Bà-la-môn hỏi:

- Bà-la-môn, anh làm gì ở đây?

- Bạch Thế Tôn, con làm mọi việc lớn nhỏ cho các Tỳ-kheo.

- Anh có được đối xử tử tế không?

- Bạch Thế Tôn, có. Con được ăn thức ăn đầy đủ, nhưng quý thầy không cho con xuất gia.

Phật liền nhóm họp các Tỳ-kheo hỏi:

- Này, các Tỳ-kheo! Có ai nhớ một việc làm nào của Bà-la-môn kia không?

Trưởng lão Xá-lợi-phất thưa:

- Bạch Thế Tôn, khi con khất thực ở thành Vương Xá, anh ta cúng cho con một muỗng đầy thức ăn của chính anh ta. Con nhớ rõ nghĩa cử đó.

- Này Xá-lợi-phất, một người đã làm một việc như thế, không xứng đáng thoát khỏi phiền não sao?

- Thưa vâng, con sẽ thu nhận anh ta vào Tăng đoàn.

Sau khi gia nhập Tăng chúng, anh ta được một chỗ ngồi trong trai đường ở vòng ngoài. Cháo và những thức ăn khác lâu ngày khiến anh cũng phát chán.

Trưởng lão Xá-lợi-phất cho anh ta đi khất thực chung, thường xuyên răn nhắc, chỉ giáo:

- Con phải làm điều này, không nên làm điều nọ.

Vị Tỳ-kheo cung kính tuân theo, hành đúng như lời dạy, đến nỗi chỉ trong ít ngày chứng A-la-hán. Trưởng lão cùng ông đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ và ngồi xuống. Phật đón tiếp thân thiện, hỏi:

- Xá-lợi-phất! Ðệ tử ông có dễ dạy không?

- Vâng, Thế Tôn! Thầy dễ dạy, bất cứ lỗi gì con chỉ, thầy không hề chống trái.

- Xá-lợi-phất, nếu ông có đệ tử như Tỳ-kheo này, ông sẽ nhận có bao nhiêu người?

- Con sẽ nhận hết, bạch Thế Tôn.

Các Tỳ-kheo bàn tán trong Pháp đường:

- Trưởng lão Xá-lợi-phất là người có lòng biết ơn. Một Bà-la-môn nghèo chỉ cúng cho ông một muỗng thức ăn, cũng biết ơn và cho xuất gia làm đệ tử. Lại nữa Tôn giả Ràdha, người chịu khó nghe lời răn nhắc, đã có được một vị thầy kiên nhẫn chỉ dạy.

Phật nghe vậy bèn bảo:

- Các Tỳ-kheo! Ðây không phải là lần đầu Xá-lợi-phất tỏ lòng biết ơn. Trong một tiền kiếp ông ấy đã từng như thế. Và đức Phật kể chuyện bổn sanh Alìnacitta như sau:

Alìnacittakẻ cường địch phải thảm bại,
Alìnacitta bắt sống vua nước Kosala, người bất mãn quân mình.
Cũng vậy, Tỳ-kheo tinh tấn, theo hướng dẫn đúng tu hành,
Nhờ tu tập phạm hạnh, Niết-bàn đã đạt đến,
Khi chín muồi nhân duyên thời tiết,
Sẽ cởi tháo hết mọi buộc ràng.

Phật bảo tiếp:

- Thuở ấy, Trưởng lão Xá-lợi-phất là con voi đơn độc, đã tặng con bạch tượng con cho đám thợ mộc, để đền ơn chữa chân đau.

Và Phật nhắc đến Tôn giả Ràdha:

- Các Tỳ-kheo! Khi một Tỳ-kheo được chỉ lỗi, vị ấy nên tuân hành giới luật như Ràdha.. Và khi bị khiển trách, không nên bất bình. Lý đáng còn phải xem người khiển trách mình như người chỉ cho kho báu.

Rồi Ngài nói Pháp Cú:

(76) Nếu thấy bậc hiền trí,
Chỉ lỗi và khiển trách,
Như chỉ chỗ chôn vàng,
Hãy thân cận người trí!
Thân cận người như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu.

2. Những Tỳ Kheo Ương Ngạnh

Những người hay khuyên dạy ...

Thế Tôn dạy câu này tại Kỳ Viên, liên quan đến các Tỳ-kheo Assajipunabbasuka. Nhưng chuyện bắt đầu từ Kìtàgiri.

Các Tỳ-kheo này là học trò hai vị Ðại đệ tử, nhưng lại xấu ác và không biết hổ thẹn. Thời gian ở Kìtàgiri, họ trồng và sai người trồng cây cảnh và phạm đủ mọi hạnh xấu. Họ quấy rầy gia đình, đòi các thứ cần dùng. Họ làm cho các Tỳ-kheo đàng hoàng trong tinh xá khó chịu.

Nghe được, Thế Tôn quyết định tẩn xuất họ khỏi Tăng đoàn. Ngài cho gọi hai Ðại đệ tử đến với đồ chúng bảo:

- Hãy tẩn xuất kẻ không vâng lời. Nhưng khuyên răn và dạy dỗ những người biết vâng lời. Người hay khuyên răn và dạy dỗ bị kẻ ít trí ghét bỏ, nhưng được người có trí kính mến.

Và Phật đọc Pháp Cú:

(77) Những người hay khuyên dạy,
Ngăn người khác làm ác,
Ðược người hiền kính thương,
Bị người ác không thích.

Hai Ðại đệ tử Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên khuyên răn và dạy dỗ các Tỳ-kheo. Một số vâng lời sửa đổi cố tật, một số hoàn tục, còn số khác bị trục xuất khỏi Tăng đoàn.

3. Trưởng Lão Xa-Nặc

Chớ thân với bạn ác ...

Tại Kỳ Viên, Thế Tôn dạy câu trên vì Trưởng lão Xa-nặc.

Có lần Trưởng lão Xa-nặc nhục mạ hai Ðại đệ tử:

- Từ ngày cùng Thế Tôn đại xả ly, tôi chẳng thấy có ai khác, thế mà nay hai Trưởng lão này lại rêu rao "Ta là Xá-lợi-phất, ta là Mục-kiền-liên, chúng ta là hai Ðại đệ tử".

Nghe các Tỳ-kheo kể lại lời của Xa-nặc, Thế Tôn cho mời ông đến khiển trách. Ông im lặng được một hồi, nhưng sau đó tiếp tục chê bai hai Trưởng lão. Thế Tôn lại gọi và khiển trách ông lần thứ hai, lần thứ ba:

- Xa-nặc, hai Ðại đệ tử là bạn tốt của ông, là bậc thượng nhân. Hãy làm bạn với những người tốt như thế, và chỉ học tập họ.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(78) Chớ thân với bạn ác,
Chớ thân kẻ tiểu nhân,
Hãy thân người bạn lành,
Hãy thân bậc thượng nhân.

Nhưng Trưởng lão Xa-nặc, tuy nghe Phật dạy như thế, vẫn tiếp tục chê bai nhục mạ hai Trưởng lão như trước. Các Tỳ-kheo lại bạch với Phật và được Ngài dạy như sau:

- Các Tỳ-kheo! Bao lâu Ta còn sống, các ông sẽ không dạy nổi Xa-nặc. Tuy nhiên, sau khi Ta nhập diệt, các ông sẽ thành công.

Khi Thế Tôn sắp nhập Niết-bàn, Tôn giả A-nan hỏi Phật phải đối xử với Trưởng lão Xa-nặc thế nào? Thế Tôn dạy phải mặc tẩn (Brahmadanda). A-nan đã y lời Thế Tôn, gọi Xa-nặc đến tuyên bố như thế. Ông lo âu buồn bã, cảm thấy thất thế, chớ không lên mặt như ba lần trước. Ông la lên:

- Tôn giả, xin đừng hại con!

Từ đó ông hết lòng chu toàn bổn phận, chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán và các thần thông.

4. Trưởng Lão Ðại Kappina

Pháp hỷ đem an lạc...

Thế Tôn đã dạy câu trên tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Ðại Kappina.

Chuyện quá khứ

4A. Thợ Dệt Và Gai Chủ

Xưa kia, Tôn giả Ðại Kappina đã phát nguyện dưới chân Phật Padumuttara. Trải qua nhiều kiếp luân hồi, sau cùng Ngài xin làm thợ dệt chánh tại một làng dệt gần Ba-la-nại. Lúc đó có một ngàn vị Phật Ðộc Giác đã ở tám tháng trong Hy-mã-lạp-sơn, xuống núi đến vùng lân cận Ba-la-nại để trú qua bốn tháng mưa, và tám vị được phái đến yết kiến vua để xin chỗ ở. Vua đang bận rộn chuẩn bị lễ Hạ Ðiền, nên trả lời thẳng thừng là không rảnh để lo, hẹn các vị trở lại vào ngày mốt, xong quay lưng về cung, không mời ngay cả một bữa ăn. Các vị bèn quyết định qua làng khác.

Tình cờ vợ người thợ dệt chánh đi đến Ba-la-nại, gặp các vị, đảnh lễ và hỏi thăm:

- Chư Tôn giả! Có việc gì mà các vị đến phi thời như thế?

Khi biết rõ mọi việc, và vốn thông minh, thành tín, bà liền mời các vị thọ trai vào ngày mai. Dù sau đó biết các vị Phật lên đến một ngàn, bà vẫn đoán chắc với các vị là làng này có một ngàn thợ dệt, và mỗi người sẽ lo cho một vị, thực phẩm lẫn chỗ ở. Ðược các vị hứa khả, bà tức tốc về làng báo tin, rồi cho dựng rạp, sắp chỗ ngồi, chuẩn bị các món ăn thượng vị chờ đón. Cuối bữa ăn, bà cùng tất cả phụ nữ làng đảnh lễ các vị và thưa thỉnh họ ở lại ba tháng. Ðược nhận lời, bà động viên dân làng, mỗi nhà một người xách búa, rìu, vào rừng đốn cây để dựng lều cỏ và lá. Mỗi nhà dựng một lều, có chỗ ở ban ngày và chỗ nghỉ ban đêm, tất cả một ngàn cái. Và dân làng đã cung ứng đầy đủ mọi nhu cầu của các vị trong ba tháng mưa. Ðến ngày cuối, bà thuyết phục mỗi nhà cúng cho vị Phật đã nhập hạ trong lều của mình một bộ y đáng giá một ngàn đồng. Hết mùa an cư, các vị Phật cảm tạ, ra đi.

Do công đức này, dân làng dệt tái sanh làm một nhóm chư thiên ở cõi trời ba mươi ba. Hưởng hết phước báo cõi Trời, họ tái sanh làm những gia chủ ở Ba-la-nại dưới thời Phật Ca-diếp. Thợ dệt chánh là con trai một tộc trưởng, vợ anh ta cũng là con gái một tộc trưởng. Các cô lập gia đình với các ông trước kia là chồng mình.

Ngày nọ, nghe tin Thế Tôn thuyết pháp, các gia chủ đưa vợ cùng đến tinh xá. Vừa vào cổng thì mưa trút xuống. Những người có họ hàng với Sa-di hay Tỳ-kheo trong tinh xá thì vào thất các vị ấy trú. Còn đám gia chủ này chịu trận vì không có thân nhân.

Gia chủ trưởng cằn nhằn với người của mình:

- Thật là kỳ cục! Những người đàng hoàng đứng đắn như chúng ta đây lâm vào hoàn cảnh như thế này, thật đáng xấu hổ!.

Và ông khuyên mọi người hùn tiền lại xây một tinh xá cho Phật. Gia chủ trưởng cúng một ngàn đồng, gia chủ khác mỗi người năm trăm, các bà vợ mỗi người hai trăm năm chục. Vì công trình quá qui mô, với một ngàn ngọn tháp bao quanh, nên nửa chừng hụt tiền họ phải đóng thêm một nửa số tiền nữa. Tinh xá hoàn tất, họ làm lễ khánh thành, cúng dường Phật và Tăng chúng suốt bảy ngày và tất cả hai mươi ngàn Tỳ-kheo mỗi vị một bộ y.

Riêng vợ của gia chủ trưởng cũng đóng góp như mọi người và với khôn ngoan bà phát tâm cúng dường thêm cho Phật một bộ y màu hoa Anoja trị giá một ngàn đồng với một bó hoa Anoja, bà xin được đẹp và có tên như hoa Anoja ở kiếp sau. Phật hứa khả. Sau khi mạng chung, mọi người đều sanh thiên.

Chuyện hiện tại 

4B. Vua Kappina Và Hoàng Hậu Anoja

Từ cõi trời, gia chủ trưởng tái sinh vào hoàng tộc xứ Kukkutavatì, tức vua Kappina. Những người khác đều làm quan trong triều. Vợ của ông thì tái sanh vào hoàng cung xứ Maddà trong thành Sàgala. Nước da bà y như màu hoa Anoja nên có tên là Anoja. Khi đến tuổi thành hôn, bà trở thành vợ vua Kappina, hoàng hậu Anoja. Các phụ nữ khác cũng sanh vào nhà các quan, mọi người đều hưởng vinh hoa phú quý, y như vua, cũng cưỡi voi hoặc ngồi xe ngựa, cũng trang phục lộng lẫy, vì đời trước họ và vua đều cùng làm phước y như nhau.

Nhà vua có năm con ngựa: Vàla, Puppha, Vàlavàhana, Pupphavàhana và Supatta. Con Supatta dành cho vua và bốn con kia cho những người đưa tin. Một sáng, vua hạ lệnh cho họ phóng ra bốn cửa thành tìm khắp trong hai, ba dặm xem có Phật, Pháp, Tăng không. Họ trở về không tin tức gì.

Ngày kia, vua cùng các cận thần cưỡi ngựa dạo hoa viên, thấy năm trăm thương nhân dáng mệt mỏi đang tiến vào thành. Vua cho vời họ lại hỏi thăm, biết đâu nghe được tin lành. Họ từ thành Xá-vệ đến, cách đây một trăm hai mươi dặm đường, và điều làm cho vua run lên với năm cảm xúc vui mừng là họ báo tin đấng Giác Ngộ, đức Phật đã ra đời. Ngập ngừng một lát, vì không tự chế ngự nổi, vua lắp bắp hỏi lại cho chắc:

- Ðạo hữu, quý vị nói gì?

- Ðức Phật đã ra đời.

Lần thứ hai, rồi lần thứ ba vua nghe như thế, và tặng cho họ một trăm ngàn đồng, xong hỏi tiếp còn tin gì nữa không?

- Thưa Ðại vương, Giáo pháp đã ra đời.

Cũng như lần trước, vua ngập ngừng vì không chế ngự được cảm xúc của mình, hỏi lại lần thứ hai, lần thứ ba, rồi cho một trăm ngàn đồng nữa. Và khi được nghe Tăng đoàn đã ra đời, họ lại được vua ban thêm một trăm ngàn đồng nữa.

Vua nhìn lại một nghìn cận thần của mình, hỏi:

- Ðạo hữu, hạnh phúc của quý vị là gì?

Họ hỏi lại vua:

- Còn hạnh phúc của đại vương là gì?

- Phật đã ra đời, Pháp đã ra đời, Tăng đã ra đời. Ta không trở về cung điện nữa, vì Ðạo sư, ta sẽ đi tu theo Ngài.

Họ đồng thanh thưa:

- Tâu đại vương, chúng tôi cũng xuất gia như Ngài.

Vua viết thông điệp trên một dĩa vàng, trao cho đám thương nhân và bảo họ:

- Hoàng hậu Anoja sẽ cho các ngươi ba trăm ngàn đồng ngay khi nhận thông điệp này "Vương quyền nay giao trọn cho hoàng hậu, hãy an hưởng phú quý vinh hoa". Và nếu hoàng hậu hỏi ta ở đâu thì cho biết ta đã lên đường xuất gia theo Ðạo sư.

Các cận thần cũng gởi thư về cho vợ tương tự như thế. Và vua tôi hơn một ngàn người ra đi.

Sáng sớm hôm ấy, Phật quán sát thế gian biết rõ sự việc như trên, và còn thấy trước là họ sẽ chứng A-la-hán với các thần thông, nên Ngài đến gặp họ. Giống như một Chuyển Luân thánh vương đến gặp thôn trưởng nhỏ, đức Phật đắp y ôm bát, lên đường đi suốt hai trăm dặm, đến ngồi bên bờ sông Candabhàgà, dưới một gốc đa và phóng hào quang sáu màu. Trên đường đi, nhà vua và các quan gặp một con sông tên Aravacchà sâu một dặm, rộng hai dặm, không có thuyền bè gì. Nếu cứ đi tìm thuyền bè thì già chết theo sau. Và với quyết tâm từ bỏ thế gian vì Tam Bảo, vua nguyện thần lực của Tam Bảo sẽ cho nước sông không còn là nước nữa. Rồi vua hướng về đức Phật, chú tâm:

- Ngài là đấng Giác Ngộ, Thế Tôn, bậc Chánh Biến Tri.

Trong khi chú tâm như vậy, vua và các quan trên lưng ngàn ngựa phi trên mặt sông như trên đá phẳng, không bị ướt dù chỉ đầu móng chân.

Qua sông rồi, vua tiếp tục gặp con sông khác tên là Nĩlavàhanà, sâu nửa dặm, rộng nửa dặm. Mọi việc diễn ra y như trước, chỉ khác là lần này vua chú tâm vào Pháp Bảo:

- Giáo pháp do Thế Tôn thuyết vi diệu thay!

Ðến con sông thứ ba là Candabhàgà sâu một dặm, rộng một dặm. Lần này vua chú tâm vào Tăng Bảo:

- Tăng đoàn của Thế Tôn tối chơn chánh thay!

Qua sông rồi vua tiếp tục hành trình thì trông thấy hào quang sáu màu từ thân Phật phóng ra. Cành, thân, lá cây đa đều như bằng vàng. Vua nghĩ rằng ánh sáng này không phải của mặt trời, mặt trăng, rồng, thần Garuda (Kim xí điểu), mà vì vua quyết đi xuất gia theo Thế Tôn nên đã được đức Phật thấy biết. Vua lập tức xuống ngựa, nghiêng mình về phía hào quang, đến chỗ Thế Tôn. Vua bước vào Phật quang như bị ngập trong biển son, đảnh lễ Thế Tôn rồi cùng một ngàn cận thần cung kính ngồi một bên.

Thế Tôn theo thứ lớp thuyết pháp. Cuối thời pháp, vua và các quan chứng quả Dự lưu, cùng đứng lên xin gia nhập Tăng đoàn. Phật quán sát, biết rằng những vị này trước đây cúng một ngàn y cho một ngàn vị Phật Ðộc Giác, và trong thời Phật Ca-diếp cũng cúng hai mươi ngàn bộ y cho hai mươi ngàn Tỳ-kheo. Như vậy họ sẽ được y bát do thần lực. Phật liền duỗi tay phải ra và nói:

- Hãy đến, chư Tỳ-kheo! Hãy sống đời phạm hạnh, đoạn tận phiền não.

Ngay đó họ đều được tám món cần dùng, thành các Trưởng lão trăm tuổi. Họ bay lên không, đáp xuống đất đảnh lễ Ðạo sư và ngồi xuống.

Về phần các thương nhân đến hoàng cung, gặp hoàng hậu đưa dĩa vàng. Họ thuật chuyện lại. Và khi họ lặp lại tin Phật, rồi Pháp, rồi Tăng ra đời, cũng y như vua, hoàng hậu chấn động cả thân tâm; mỗi tin như thế bà thưởng cho họ ba trăn ngàn đồng. Sau cùng nghe vua và các quan đều xuất gia thành Tỳ-kheo, hoàng hậu triệu tập phu nhân các quan, kể lại chuyện, và mọi người đồng hỏi hoàng hậu:

- Họ có nhắn gì không, thưa hoàng hậu?

- Họ giao toàn bộ tài sản, địa vị cho các bạn tự do an hưởng.

- Nhưng hoàng hậu định như thế nào?

- Nhà vua biết phú quý vinh hoa sẽ dẫn đến đau khổ, thì ta cũng vậy. Ai lại quỳ xuống liếm nước bọt của vua nhổ ra. Ta không cần vinh hoa phú quý, ta cũng sẽ lên đường theo đấng Ðạo sư.

- Vậy chúng tôi cũng theo lệnh bà và xuất gia.

Và hoàng hậu ra lệnh chuẩn bị một ngàn xe ngựa rồi cùng các phu nhân lên đường. Cũng như vua trước đây, bà đến con sông đầu tiên, thắc mắc không biết làm sao, chỉ thị tìm dấu chân ngựa của vua, nhưng không thấy gì hết. Nghĩ rằng chắc vua tuyên bố "Vì Tam Bảo mà từ bỏ thế gian" và nhờ đó qua sông, hoàng hậu cũng nguyện y như vậy, và chú tâm về Tam Bảo lực, bà hạ lệnh cho một ngàn xe ngựa tiến lên qua sông như phi trên tảng đá phẳng. Cả đoàn và luôn cả vành xe đều không ướt. Cũng thế, bà qua hai con sông còn lại.

Biết bà sắp đến, Thế Tôn biến hóa khiến các Tỳ-kheo vô hình, không ai thấy các Ngài ngồi quanh Phật, hoàng hậu đến gần trông thấy hào quang chiếu sáng, bà cũng nghĩ như vua trước đó. Gặp Thế Tôn bà đảnh lễ, cung kính đứng một bên thưa hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Con nghĩ Ðại Kappina đã đến đây và thưa với Thế Tôn từ bỏ thế gian vì đấng Ðạo sư. Hiện nay vua ở đâu xin chỉ cho chúng con.

Phật bảo:

- Hãy ngồi xuống! Các con sẽ gặp ông ta ngay đây.

Các bà rất vui mừng, vì nghĩ rằng ngồi đó sẽ thấy được chồng mình. Và họ ngồi xuống.

Thế Tôn thuyết pháp theo thứ lớp. Cuối bài pháp, hoàng hậu và đoàn tùy tùng đều chứng quả Dự lưu. Trưởng lão Ðại Kappina và tùy tùng nghe Phật thuyết pháp cho các bà liền chứng A-la-hán cùng các thần thông. Lúc đó Thế Tôn chỉ các Tỳ-kheo cho các bà. Sở dĩ Thế Tôn không chỉ các Tỳ-kheo ngay vì e rằng các bà thấy chồng mình đắp y vào, đầu trọc, sanh tâm phiền muộn không thể chứng được đạo quả. Khi niềm tin các bà đã vững chắc, Phật mới chỉ cho thấy các Tỳ-kheo lúc đó là bact A-la-hán. Và các bà đã sụp lạy trước các vị tân A-la-hán, thưa:

- Chư Tôn giả! Các Ngài bây giờ đã đạt đến cứu cánh của đời tu.

Rồi họ đảnh lễ Thế Tôn, cung kính đứng một bên và xin được gia nhập Tăng đoàn. Vài Tỳ-kheo nghĩ rằng Thế Tôn sẽ giao cho Tỳ-kheo Ni Liên Hoa Sắc (Uppalavannà) nhưng Thế Tôn lại bảo họ đến Xá-vệ, vào tinh xá của Tỳ-kheo ni. Họ đi bộ suốt một trăm hai mươi dặm. nơi nào cũng được dân chúng đối xử tử tế và tôn kính. Họ được nhận vào Ni chúng và chứng A-la-hán. Thế Tôn dẫn một ngàn Tỳ-kheo bay lên không về Kỳ Viên.

Tại Kỳ Viên, Tôn giả Ðại Kappina đến chỗ ở ban ngày và chỗ ngủ ban đêm thốt lên:

- Ôi hạnh phúc thay! Ôi hạnh phúc thay!

Các Tỳ-kheo nghe được báo cho Thế Tôn, nghĩ rằng chắc ông nói vì hạnh phúc quyền thế khi còn làm vua. Thế Tôn gọi Ngài đến hỏi tại sao lại nói về hạnh phúc của tình yêu và quyền thế. Ngài thản nhiên trả lời rằng chắc Thế Tôn thừa biết Ngài có thốt những lời như thế hay không. Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo:

- Này các Tỳ-kheo! Ðệ tử Ta nói như thế không phải liên quan đến quyền lực. Ông ấy đang uống nước pháp và hạnh phúc trong chánh pháp. Niềm hoan hỷ của ông ấy liên quan đến Niết-bàn bất tử.

Và Phật đọc Pháp Cú:

(79) Pháp hỷ đem an lạc,
Với tâm tư thuần tịnh,
Người trí thường hoan hỷ,
Với pháp bậc thánh thuyết.

5. Sa-Di Pandita

Người trị thủy dẫn nước..

Do chuyện Sa-di Pandita, Thế Tôn đã dạy như trên tại Kỳ Viên.

Chuyện quá khứ

5A. Ðế Thích Và Người Nghèo

Thuở Phật Ca-diếp còn tại thế, Tăng đoàn gồm hai mươi ngàn Tỳ-kheo đã lậu tận. Một hôm Phật hướng dẫn họ đến Ba-la-nại. Dân chúng nghe tin, họp từng nhóm tám hoặc mười người cúng dường. Sau khi thọ thực Phật hồi hướng công đức:

- Này các cư sĩ, trong thế gian này, có những người chính mình bố thí nhưng không khuyên người khác bố thí, như vậy họ được giàu có nhưng không có gia nhân. Có người khuyên người khác bố thí nhưng chính mình thì không, như vậy họ có gia nhân nhưng không có của cải. Cũng có người chính mình không bố thí và cũng chẳng khuyên người khác bố thí, như vậy họ chẳng có của cải, cũng chẳng có gia nhân, sống như người ăn cơm thừa canh cặn. Còn một hạng người nữa vừa tự mình bố thí, vừa khuyên người khác bố thí, họ được cả hai phước báu về của cải và gia nhân.

Lúc bấy giờ có một người trí đứng gần đó nghe thế phát tâm cúng dường Phật và cả hai mươi Tỳ-kheo. Ðược Phật nhận lời thọ thực vào ngày mai, ông vào làng loan báo đến mọi người. Và với sự cổ động của ông, người xin cúng cho mười vị, kẻ hai mươi vị, một trăm vị, năm trăm vị. Ông ấy ghi số vào lá bối. Trong thành có một người rất nghèo, người ta gọi ông là "Ông hoàng nghèo" Mahàduggata, và ông cũng được mời cúng dường. Ông chỉ biết trả lời:

- Trời! Tôi mà làm được gì cho các Tỳ-kheo? Các Tỳ-kheo cần người giàu cúng cho họ, còn tôi, một mẻ gạo để nấu cháo cho ngày mai còn không đủ, thì có đâu cho các Tỳ-kheo chứ?

Ông kia cố gắng giải thích thêm:

- Ông Mahàduggataơi! Trong thành này nhiều người sống xa hoa, ăn uống những món đắt tiền, lụa là gấm vóc phủ thân, trang sức kiêu kỳ, giường êm nệm ấm. Nhưng ông kiếm không lấp đầy bao tử. Có phải là ông chưa từng cho ai cái gì?

- Tôi cũng nghĩ thế, ông ạ!

- Vậy tại sao bây giờ ông không tạo công đức đi? Ông còn trẻ, mạnh khỏe, sao không bố thí cúng dường theo khả năng mình?

Xúc động, ông hoàng nghèo bảo ghi tên mình lá cúng cho một Tỳ-kheo. Nhưng ông kia cho rằng chỉ có một Tỳ-kheo thì viết lên lá làm chi, nên quên mất.

Ông hoàng nghèo về nhà cho vợ hay, và cả hai đồng lòng đi làm thuê để lo cúng dường. Ông đến một thương gia giàu, người đãi ba trăm Tỳ-kheo, được giao cho việc bửa củi. Ông thắt dây lưng chặt và làm hết sức mình. Thương gia nhận thấy ông làm việc thật phi thường, ngạc nhiên hỏi, và khi biết được vì ông muốn có thức ăn để cúng dường, thương gia thán phục.

Bà vợ thì được vợ thương gia giao cho giã gạo. Bà giã xong, giần, sàng một cách hân hoan vui sướng như đang khiêu vũ. Và khi được biết lý do cũng là để có thức ăn cúng dường, vợ thương gia cũng rất thán phục.

Xong việc, phần ông nhận được bốn đấu gạo tiền công, và gấp bốn lần nữa do thương gia tốt bụng biếu thêm. Phần bà thì được một chén mật, một hũ sữa đặc, một lô gia vị và một đấu gạo. Vui mừng vì thấy mình đủ vật dụng cúng dường, họ dậy thật sớm chuẩn bị. Bà bảo ông đi tìm lá cà ri, ra chợ không có, ông phải đi dọc bờ sông nhặt lá, ca hát vui vẻ, nghĩ bụng "Hôm nay, ta sẽ hân hạnh được cúng dường các Tỳ-kheo!". Một người câu cá gần đấy nghe tiếng ca hát đến hỏi thăm, và cho anh thêm cá.

Thế Tôn quan sát thế gian, biết chuyện tên các Tỳ-kheo được cúng dường đều viết trên lá, trừ vị của ông nghèo bị bỏ sót. Vậy không có Tỳ-kheo nào cho ông cúng dường sao? Ðương nhiên là phải có, đó là Thế Tôn. Khi ông về nhà chuẩn bị nấu nướng thì ngai của Ðế Thích nóng lên. Biết có chuyện, và biết rằng Phật dành phước cho ông hoàng nghèo, Ðế Thích hóa hình đến nhà ông xin nấu giúp. Ông nghèo không có tiền trả công nên Ðế Thích chỉ làm công đức, giành quyền nấu cơm và cháo, và bảo ông nghèo đi tìm vị Tỳ-kheo của ông. Người vận động đưa các Tỳ-kheo có tên trên lá đến từng nhà, đến ông nghèo thì trả lời là quên mất. Ông như bị dao đâm vào bụng, đấm ngực khóc xin cho được một Tỳ-kheo. Dân chúng nghe kể, phiền trách người vận động, làm anh ta bối rối không biết tính thế nào cho ổn, chợt nhớ đến Thế Tôn, vội bảo ông nghèo đến tinh xá thỉnh Phật:

- Rất đông vua chúa, đại thần đang đợi trước hương thất, muốn thỉnh Phật mà chưa được. Phật rất thương người nghèo, anh cứ nói rõ và xin ban phước, chắc chắn sẽ được.

Ông nghèo làm theo, đến ngay hương thất. Phật mở cửa, đưa bình bát cho ông. Mọi người trông thấy đều há hốc miệng, trong khi lòng ông hớn hở như được làm Chuyển Luân thánh vương. Họ không dám đoạt bình bát của Phật trong tay ông, nhưng dụ cho ông tiền. Ông đều từ chối hết.

Nhà vua biết tiền bạc không cám dỗ được ông nghèo, nên không ai lấy được bình bát của Phật đã trao ông ta nhưng vua vẫn cho là ông ta cúng dường chẳng đáng bao nhiêu, nên định bụng đến giờ ông ta dâng thức ăn, sẽ đưa Thế Tôn về cung cúng dường. Do đó vua đi theo Phật.

Tại nhà ông hoàng nghèo, Ðế Thích đã nấu xong cháo, cơm, cà ri và những món khác, soạn sẵn chỗ ngồi cho Thế Tôn và ngồi chờ. Ông nghèo đưa Thế Tôn đến nhà và mời vào. Nhà cửa ông thấp lè tè, phải cúi đầu mới vào được. Nhưng đối với chư Phật thì chẳng bao giờ phải cúi đầu, mặt đất phải hạ thấp xuống, hoặc nhà phải nâng cao. Ðây là phước báo do sự bố thí của chư Phật, và khi các Ngài về thì mọi sự lại như cũ. Do đó Phật vào nhà vừa vặn, ngồi xuống ghế đã soạn. Lúc đó vua bảo Mahàduggata hãy giở cho thấy những thứ gì dọn cho Thế Tôn. Mở đồ đậy ra thì nào cháo, cơm và những thứ khác, hương thơm ngào ngạt bay khắp cả thành. Vua đành đảnh lễ Thế Tôn, thú thật ý định của mình, và xin ra đi vì sợ làm cho thí chủ khó chịu. Ðế Thích dâng món ăn lên Thế Tôn và phục vụ Phật tận tụy. Thọ thực xong, Thế Tôn hồi hướng công đức và đứng lên ra về. Ðế Thích ra hiệu cho ông nghèo đỡ bình bát của Thế Tôn và đi theo Phật.

Ðế Thích quay về nhà ông nghèo, ngừng trước cửa và nhìn lên trời. Lập tức bảy báu mưa xuống, đổ đầy lu và hũ chỉ trong nhà ông nghèo mà thôi. Trẻ nhỏ phải bế ra ngoài vì không còn chỗ trống để ở. Mahàduggata trở về, thấy vậy biết rằng đó là phước báo do sự cúng dường. Ông lên cung vua xin giao hết tài sản, phải một ngàn xe mới chở đủ. Tất cả đều chất đống trước sân hoàng cung, cao bằng cây thốt nốt. Vua chỉ cho dân chúng thấy, và hỏi họ có ai sở hữu bằng ngần này không. Họ nhìn nhận không ai bằng ông nghèo, và đồng lòng cử cho ông làm chưởng khố. Vua chỉ chỗ căn nhà vị chưởng khố trước đã ở, bảo ông dọn sạch cây cỏ để xây nhà cho ông. Khi nền nhà dọn sạch và bằng phẳng, lòi ra nhiều bình vàng bạc châu báu chạm nhau leng keng. Vua được báo, xác nhận:

- Lần trước, bảy báu từ trời mưa xuống đầy nhà là do sự cúng dường chư Phật thật sự toàn hảo. Lần này châu báu hiện ra cũng do công đức của ông. Vậy chỉ mình ông được hưởng.

Cất nhà xong, Mahàduggata cúng dường Phật và Tăng chúng bảy ngày. Sau khi mạng chung, ông sanh thiên. Hưởng hết phước lạc cõi trời suốt thời gian giữa hai vị Phật, ông tái sanh thời Phật hiện tại vào nhà một thương gia giàu có ở Xá-vệ, một cận sự của Trưởng lão Xá-lợi-phất.

Chuyện hiện tại

5B. Pandita, Sa Di Bẩy Tuổi

Khi mang thai ông hoàng nghèo, bà mẹ mơ ước được dâng cúng năm trăm Tỳ-kheo do Trưởng lão Xá-lợi-phất dẫn đầu, đồng thời đắp y vàng, ngồi vòng ngoài hội chúng và nhận thức ăn thừa của Tỳ-kheo. Ước mơ được thành tựu, bà chiêu đãi Tăng chúng bảy lần nữa. (Tương tự như truyện Tissa).

Ðến ngày đặt tên, bà xin Trưởng lão truyền giới cho đứa bé. Ðược bà cho biết trong nhà này ai khờ khạo, điếc câm đều trở nên khôn ngoan từ ngày bà mang thai đứa bé, do đó Ngài đặt tên là Pandita Dàraka, nhà hiền trí.

Lên bảy chú muốn đi tu. Và y hệt Tissa chú được mẹ xin Trưởng lão dẫn đến tinh xá, rồi được Trưởng lão cạo tóc dạy thiền quán trên năm yếu tố đầu tiên của thân, đồng thời chú cũng được thu nhận vào Tăng đoàn. Cha mẹ Tissa ở lại bảy ngày cúng dường trong tinh xá rồi mới đi về.

Ngày thứ tám Trưởng lão dẫn chú vào làng, trễ hơn các Tỳ-kheo, vì Trưởng lão còn phải đi quanh khắp tinh xá dọn dẹp, quét tước, đổ đầy nước uống và nước rửa mặt, sửa lại giường ghế cho đúng chỗ, cũng như đồ đạc vứt ném bừa bãi mất trật tự. Vì Ngài không muốn cho ngoại đạo vào tinh xá co dịp chê bai: "Hãy xem thói tật của đệ tử ẩn sĩ Cồ-đàm kìa!" Chú bé chưa biết cách đắp y ôm bát nên phải theo sát thầy, sau khi đã được thầy chỉ dạy.

Trên đường đi, chú thấy một rãnh nước dẫn vào ruộng, thắc mắc hỏi thầy. Thầy giải thích đó là vật vô tri nhưng con người có thể điều khiển, dẫn dắt đến bất cứ nơi nào theo ý muốn. Chú lại băn khoăn: Thế sao con người có trí lại không kiểm soát, điều phục tâm mình để chứng quả A-la-hán?

Ði thêm một quãng nữa, chú thấy người làm tên đang hơ mũi tên và gậy trên lửa và nheo mắt để uốn thẳng. Chú lại hỏi thầy và cũng băn khoăn sao những mũi tên vô tri có thể uốn thẳng được bằng cách hơ lửa, trong khi con người có trí lại không thể kiểm soát và điều phục tâm mình để đạt quả A-la-hán?

Ði xa thêm một chút, chú thấy thợ mộc đang đeo căm, vành trục và những phần khác của bánh xe. Chú cũng thắc mắc y như trước: Nếu ta có thể lấy những mãnh gỗ vô tình này làm thành bánh xe chạy theo ý mình, thì tại sao ta cũng có trí nhưng không điều phục tâm ý để đạt đến quả vị A-la-hán.

Do đó chú thưa với Trưởng lão xin Ngài nhận lại y bát của Ngài vì chú muốn trở về. Trưởng lão không cho phép mình tự nghĩ "Chú nhỏ Sa-di này mới vào tăng đoàn mà đã nói năng như thể ta là ông Phật nhỏ hơn". Ngược lại, Ngài tùy thuận nhận lại y bát của mình, và còn đưa chìa khóa thất vì sợ chú ở ngoài trời nguy hiểm. Chú còn dặn thầy nếu mang thức ăn về cho chú, chỉ xin thứ chú ưa thích, nếu do công đức của Ngài không được thì sẽ nhờ công đức của chú.

Chú Sa-di Pandita vâng lời thầy mở cửa thất thầy vào tọa thiền, quán về thân, điều phục tâm ý. Ngai Ðế Thích bỗng nói lên, Ngài hiểu rõ mọi chuyện, bèn muốn đến đó giúp đỡ nên ra lệnh:

- Tứ thiên vương, hãy đuổi chim đang làm tổ trong vườn tinh xá, và gác bốn góc!

- Thần mặt trăng hãy giữ mặt trăng lại!

- Thần mặt trời hãy giữ mặt trời lại!

Rồi Ðế Thích hiện hình người đi đến chỗ treo sợi dây mở và đóng cửa, đứng gác. Không một tiếng động nào trong tinh xá trừ tiếng lá rơi. Tâm chú Sa-di an tĩnh, và chỉ trong khoảng bữa ăn, chú điều phục được tâm ý và chứng Tam quả.

Trong lúc đó, Trưởng lão đến nhà thí chủ Ngài biết rõ là rất kính mến Ngài để khất thực. Họ dâng thức ăn đúng món chú Sa-di thích và xin Ngài thọ thực xong sẽ mang thức ăn về cho Sa-di. Trưởng lão nghĩ đệ tử mình chắc đói lắm, nên độ xong vội vàng về tinh xá.

Sáng sớm, Thế Tôn dùng điểm tâm xong đến tinh xá. Ngài thấy hết diễn biến về Sa-di Pandita, và cũng biết là chú sẽ chứng A-la-hán trước bữa ăn. Như thế, nếu Trưởng lão về đến tinh xá đưa thức ăn, sẽ gây trở ngại trong lúc chú đang thiền quán. Vì vậy, Thế Tôn đến chờ Trưởng lão tại thất, và hỏi Ngài bốn câu:

- Xá-lợi-phất, ông mang gì thế?

- Bạch Thế Tôn, thức ăn.

- Thức ăn mang lại cái gì?

- Bạch Thế Tôn cảm thọ.

- Cảm thọ mang lại cái gì?

- Sắc chất, bạch Thế Tôn.

- Sắc chất mang lại cái gì?

- Bạch Thế Tôn, xúc.

Ý nghĩa như thế này: Một người đói được ăn, thức ăn sẽ làm hết đói và mang thọ lạc. Từ thọ lạc thân sẽ đẹp, tốt thêm, nên nói rằng từ thọ sinh sắc. Ðược sắc thân như thế, người đó sanh tâm hoan hỉ, do đó khi ngồi hoặc nằm đều được xúc hoan hỉ.

Trong thời gian bốn câu hỏi và đáp liên tục thì chú Sa-di chứng A-la-hán cùng các thần thông. Thế Tôn lúc đó mới bảo Trưởng lão đưa thức ăn cho Sa-di. Trưởng lão vâng lệnh đến thất gõ cửa. Chú bước ra bưng lấy bình bát để qua một bên, cầm quạt lá cọ quạt cho Trưởng lão. Ðược thầy bảo ăn, chú mới ăn. Thế là chú bé bảy tuổi, đã là Sa-môn vào ngày thứ tám, như một bông huệ nở tươi mát, ngồi xuống thực hành các pháp quán chiếu tự tâm, rồi thọ thực.

Rửa và cất bát xong, hai vị thần trả tự do cho mặt trời và mặt trăng. Tứ thiên vương thôi không gác bốn góc, Ðế Thích cũng ngưng gác cửa, và mặt trời đang giữa trưa bỗng lặn mất.

Các Tỳ-kheo bàn tán:

- Bóng đêm bất thường trùm xuống, mặt trời lặn giữa trưa, chú Sa-di mới vừa ăn sáng xong, vậy là sao nhỉ?

Phật đến, nghe họ kể lại, đáp rằng:

- Ðúng vậy, các Tỳ-kheo! Khi chú Sa-di cố gắng đạt quả A-la-hán thì các vị thần giữ mặt trời, mặt trăng lại, đứng gác bốn góc tinh xá hay gác tại cửa; chính Ta, dù là Phật cũng không thể nghỉ ngơi, nên phải đến với đệ tử của Ta; người trí thấy người trị thủy dẫn nước, thợ làm tên uốn tên, thợ mộc đẽo gỗ, đã thiền quán trên các đề mục đó, và tự thắng mình chứng A-la-hán.

Và Phật đọc Pháp Cú:

(80) Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn gỗ,
Bậc trí nhiếp tự thân.

7. Vững Vàng Như Ðá Tảng

Như đá tảng kiên cố ...

Tại Kỳ Viên, Thế Tôn đã dạy như thế, liên quan đến Trưởng lão Lakuntaka Bhaddiya.

Các Sa-di và những người khác chưa biết Trưởng lão nên thường kéo tóc, nắm tai, bẹo mũi, hỏi đố:

- Chú ơi! Chú không mỏi mệt vì đạo à? Ðạo làm chú vui thích không?

Trưởng lão không bực bội, cũng không mích lòng. Các Tỳ-kheo thấy vậy xì xào với nhau, Thế Tôn nghe được liền bảo:

- Ðúng thế các Tỳ-kheo! Người trừ hết lậu hoặc, không giận dữ hay bực bội, nhưng bình thản, không lay động như tảng đá kiên cố.

Và đọc Pháp Cú:

(81) Như đá tảng kiên cố,
Không gió nào lay động,
Cũng vậy, giữa khen chê,
Người trí không giao động.

7. Yên Lặng Sau Cơn Bão

Như hồ nước sâu thẳm ...

Thế Tôn đã dạy như thế tại Kỳ Viên, liên quan đến mẹ của Kànà.

Mẹ của Kànà, một tín nữ đã chứng quả Dự lưu, gả con gái cho một người ở làng khác. Kànà có dịp về thăm mẹ được ít ngày thì chồng cô nhắn về. Cô chào mẹ, được mẹ cầm lại, bảo rằng:

- Con đã ở đây lây, sao lại về tay không?

Rồi bà làm bánh, ý cho cô có ít quà cáp đối với nhà chồng. Lúc đó có một Tỳ-kheo đến khất thực. Bà mời ngồi và cúng dường đầy bát. Vị ấy ra đi kể lại cho người khác nghe. Rồi người thứ hai, thứ ba, thứ tư đến khất thực, cả bốn người đều được cúng dường bánh, nên hết bánh. Kaanaa phải ở lại. Chồng cô nhắn hai, ba lần, và cũng vì lý do đó cô không về được. Chồng cô không chờ nữa, lấy vợ khác. Nghe tin, Kànà cho rằng các Tỳ-kheo đã hại hạnh phúc của cô, do đó cô chửi bới, nhục mạ mọi Tỳ-kheo cô thấy. Các Tỳ-kheo không dám đi qua nhà cô nữa. Thế Tôn biết chuyện liền đến đó. Bà mẹ mời ngồi và cúng dường cháo và thức ăn cứng. Rồi Thế Tôn hỏi thăm Kànà, bảo gọi đến và hỏi:

Kànà, tại sao thấy Ta con lại phiền não và khóc lóc?

Bà mẹ kể cho Thế Tôn biết việc nàng đã làm. Phật quay về phía cô, hỏi tiếp:

Kànà, Ta nghe rằng đệ tử Ta tới nhà con khất thực và mẹ con cho họ bánh, vậy họ có lỗi gì?

Cô sụt sùi đáp:

- Các Tỳ-kheo ấy không có lỗi, bạch Thế Tôn, chỉ có con có lỗi.

Rồi cô đảnh lễ Thế Tôn xin được tha thứ. Phật thuyết pháp cho cô và cô chứng quả Dự lưu. Thế Tôn trở về tinh xá, vua trông thấy khi Ngài đi ngang qua hoàng cung, nên xin được đảnh lễ. Vua hỏi thăm về Kànà va sau đó hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, Ngài có làm ngưng được sự nhiếc móc của cô ta đối với các Tỳ-kheo hay không?

Phật đáp:  

- Ðược, Ðại vương! Cô ta đã hết nhiếc móc, và đã làm chủ tài sản xuất thế gian.

- Bạch Thế Tôn, tốt lắm. Vậy con sẽ cho cô ta tài sản thế gian.

Ðảnh lễ Thế Tôn xong, vua quay về cung, gởi cho cô một kiệu lớn, cho cô trang điểm lộng lẫy, nhận cô làm công chúa và thông báo kén phò mã. Một đại quý tộc cưới cô. Từ đó cô đặt người tại bốn cửa và cho phục vụ tất cả các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni. Cô còn muốn kiếm nhiều Sa-môn hơn nữa để phục vụ cúng dường nhưng không có. Thực phẩm cúng dường thì dồi dào, cả cứng lẫn mềm, luôn luôn có sẵn tại nhà và tuôn ra cửa như một trận lụt lớn.

Các Tỳ-kheo lại bàn tán tại Pháp đường về cô. Thế Tôn đến, nghe họ kể lại, bèn đáp:

- Các Tỳ-kheo! Ðây không phải lần đầu mà trong tiền kiếp bốn Trưởng lão ấy cũng đã làm phiền Kànà. Cũng không phải lần đầu Ta thuyết phục cô ta mà trong tiền kiếp cũng đã như thế.

Các Tỳ-kheo xin Phật kể lại chuyện quá khứ, Thế Tôn bèn kể chuyện Bổn Sanh Babbu

Một con mèo tìm được,
Con thứ hai xuất hiện.
Con thứ ba, thứ tư,
Hang này chúng tìm đến.

Bốn con mèo lúc đó là bốn Tỳ-kheo. Con chuột là Kànà và người thợ châu báu là Thế Tôn. Và Ngài nói Pháp Cú:

(82) Như hồ nước sâu thẳm,
Trong sáng, không khuấy đục.
Cũng vậy nghe chánh pháp,
Người trí hưởng tịnh lạc.

8. Một Lũ Lang Thang.

Do chuyện năm trăm Tỳ-kheo, Thế Tôn đã dạy như trên tại Kỳ Viên. Truyện bắt đầu ở Veranjà.

Thế Tôn nhận lời mời của Bà-la-môn Veranjà đến Veranjà nhập hạ với năm trăm Tỳ-kheo. Nhưng Bà-la-môn bị Ma vương mê hoặc đến nỗi không hề nghĩ đến Phật, dù chỉ một ngày. Hơn nữa tại đây lại xảy ra nạn đói. Các Tỳ-kheo ra ngoài khất thực nhưng không nhận được gì và đói lả. Các nhà buôn ngựa sau đó có cho họ lúa ngựa. Trưởng lão Mục-kiền-liên thấy họ đói quá, xin phép đến Uttarakuru khất thực nhưng Thế Tôn không cho. Tuy thế các Tỳ-kheo không hề lo âu đến lương thực một ngày nào, mà chỉ lo tu để diệt trừ tham ái dục lậu.

Sau ba tháng, Thế Tôn báo cho Bà-la-môn Ngài ra đi, ông lễ kính Phật và được quy y. Xong, Phật và các Tỳ-kheo trở về Kỳ Viên. Dân Xá-vệ dâng đầy đủ thức ăn chào mừng Ngài trở về.

Thuở đó do lòng tốt của các Tỳ-kheo mà năm trăm ăn mày sống trong vòng rào tinh xá. Ăn xong thức ăn thừa của các Tỳ-kheo rồi họ nằm lăn ra ngủ. Thức dậy, họ chạy ra bờ sông la hét, nhảy nhót, vật lộn đùa giỡn. Khi ở bên trong hang, ở bên ngoài tinh xá, họ đều chẳng được tích sự gì, chỉ có bê bối.

Trong Pháp đường, các Tỳ-kheo bàn tán, có vẻ không bằng lòng. Lúc gặp nạn đói ở Veranjàhọ đây có lôi thôi, nhưng bây giờ ăn uống đủ thứ họ lại buông lung phóng túng, đủ kiểu tai hại. Còn các Tỳ-kheo thì ở Veranjà và ở đây đều sống yên bình, và tĩnh lặng.

Thế Tôn vào Pháp đường hỏi các Tỳ-kheo, nghe kể lại, bèn bảo:

- Trong những kiếp trước họ cũng hành động như thế. Họ vốn là năm trăm con lừa uống cặn nước nho thừa của năm trăm ngựa giống Sindh, nước đó đã pha thêm với nước lã rồi lọc qua một cái khăn, một thứ nước tồi tàn, nhạt nhẽo không còn mùi vị gì. Uống xong, chúng say sưa, la hí vang rân.

Một miếng rượu nhạt thừa,
Làm lừa say nghiêng ngửa.
Ngựa Sindh chẳng chuếch choáng,
Dù uống rượu tốt ngon.
Tây đại vương, cũng thế!
Người ngu dễ dàng say,
Người trí luôn điềm đạm,
Rượu ngon chẳng chuyển lay.

Và Thế Tôn nói tiếp:

- Như thế, này các Tỳ-kheo! Người hiền từ bỏ tham dục xấu ác, và không giao động dù vui hay buồn.

Rồi Ngài đọc Pháp Cú:

(83) Người hiền bỏ tất cả,
Người lành không bàn dục,
Dầu cảm thọ lạc khổ,
Bậc trí không vui buồn.

9. Chồng Và Vợ

Không vì mình, vì người ...

Thế Tôn đã dạy câu này tại Kỳ Viên, liên quan đến Trưởng lão Dhammika.

Tại Xá-vệ, một cư sĩ sống đời chánh trực, muốn đi tu, một hôm thân mật báo cho vợ biết. Bà vợ xin chồng đợi sinh con xong. Ðợi đến khi đứa bé biết đi, ông lại nói nữa. Bà vợ lại bảo đợi nó trưởng thành. Ðối với ông, cho phép hay không, không thành vấn đề vì lòng ông đã giải thoát đau khổ của chính mình.

Rồi ông xuất gia, thành Sa-môn. Nhận đề tài thiền quán, ông nỗ lực tu tập và đạt được tuyệt đích của đời tu. Ông trở về Xá-vệ, tìm gia đình và thuyết pháp cho con. Anh ta đi tu và cũng chứng A-la-hán. Bà vợ thấy ở nhà không còn ai nữa, nên cũng phát tâm đi tu, và cũng chẳng bao lâu chứng A-la-hán.

Tại pháp đường các Tỳ-kheo thảo luận, và được Phật dạy:

- Các Tỳ-kheo! Người trí không trông mong thành đạt dù cho mình hay cho người khác. Người chơn chánh chỉ tìm đường nương tựa vào giáo pháp.

Và nói Pháp Cú:

(84) Không vì mình, vì người.
Không cầu được con cái,
Không tài sản quốc độ,
Không cầu mình thành tựu,
Với việc làm phi pháp.
Vị ấy thật trì giới,
Có trí tuệ, đúng pháp.

10. Ít Người Ðến Bờ Kia

Ít người giữa nhân loại ...

Thế Tôn đã dạy như thế khi ngụ tại Kỳ Viên, liên quan đến vấn đề nghe pháp.

Dân cư tại một con đường ở Xá-vệ rủ nhau đi cúng dường, và quyết định ở lại suốt đêm nghe pháp, nhưng họ không thể nghe cả đêm được. Vài người đã bị dục tình chi phối và đã bỏ về nhà, một số thì lo hờn lo giận, những người khác thì hôn trầm dã dượi, ngồi ngủ gà ngủ gật, không một giọt pháp nào lọt vào tai.

Các Tỳ-kheo bàn tán về chuyện trên trong pháp đường. Thế Tôn nghe được liền dạy:

- Các Tỳ-kheo! Chúng sanh trong thế gian hầu hết đều dính mắc vào tam độc. Rất ít người qua được bờ bên kia.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(85) Ít người giữa nhân loại
Ðến được bờ bên kia.
Còn số người ở lại
Xuôi ngược chạy bờ này.

(86) Những ai hành trì pháp
Theo chánh pháp khéo dạy
Sẽ đến bờ bên kia
Vượt ma lực khó thoát.

11. Từ Bỏ Ðen Tối

Kẻ trí bỏ phép đen ...

Câu này Thế Tôn dạy tại Kỳ Viên, liên quan đến năm mươi Tỳ-kheo đến thăm.

Năm mươi Tỳ-kheo đã nhập hạ tại nước Kosala xong, giải hạ đến viếng Thế Tôn. Họ đảnh lễ Ngài và cung kính ngồi một bên.

Thế Tôn lắng nghe kinh nghiệm hành trì của họ và dạy họ Pháp Cú:

(87) Kẻ trí bỏ pháp đen
Tụ tập theo pháp trắng
Bỏ nhà, sống không nhà,
Sống viễn ly khó lạc.

(88) Hãy cầu vui Niết bàn
Bỏ dục, không sở hữu,
Kẻ trí tự rửa sạch
Cấu uế từ nội tâm.

(89) Những ai với chánh tâm,
Khéo tu tập giác chi,
Từ bỏ mọi ái nhiễm,
Hoan hỷ không chấp thủ,
Không lậu hoặc, sáng chói,
Sống tịch tịnh ở đời.

  --ooOoo--

Ðầu trang | Mục lục | 01a | 01b | 01c | 01d | 02a | 02b | 03 | 04a | 04b | 05a | 05b | 06 | 07 | 08 | 09 |
10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26a | 26b | 26c



 [ Trở Về ]