Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page
Tiểu Bộ - Khuddhaka Nikaya

Tập III - Trưởng Lão Tăng Kệ

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

 
 
Chương X

-ooOoo-

Phẩm Mười Kệ


(CCXXIII) Kàludàyin (Thera. 56)

Ngài sanh cùng ngày với đức Phật trong gia đình con vị Bộ trưởng của vua ở Kapilavatthu. Bảy vị cùng sanh một lần trong ngày, Vị Bồ-tát, cây Bồ-đề, mẹ của Ràhula và bốn vật báu: roi báu, con ngựa Kanthaka, Channa Kàludàyin. Khi đến ngày đặt tên, ngài được gọi là Udàyin, và vì ngài da đen nên được gọi là Kàludàyin. Ngài lớn lên làm bạn trẻ đồng chơi với vị Bồ-tát. Rồi Thế Tôn xuất gia, giác ngộ, và ở tại Trúc Lâm (Veluvana), chuyển bánh xe Chánh pháp, vua Suddhodana nghe vậy, cử một vị Bộ Trưởng với một ngàn người tùy tùng, bảo đem con của vua về. Vị Bộ trưởng cùng cả ngàn tùy tùng, nghe đức Phật giảng và chứng quả A-la-hán. Ðức Phật đưa tay nói: 'Hãy đến, này các Tỷ-kheo'... và tất cả sống giữa các vị Hiền Thánh, không chuyển thông điệp của vua. Các vị sứ giả khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Cuối cùng vua sai Kàludàyin với một ngàn người tùy tùng và Kàludàyin hứa thế nào cũng đưa vị Bồ-tát về dầu có xuất gia. Ngài đi đến nghe pháp, trở thành vị A-la-hán, nhớ đến sứ mạng của mình, chờ cho mùa mưa xong, khi trên con đường về, hoa đã trổ bông, ngài mới nói lên những bài kệ mời bậc Ðạo Sư về và tán thán vẻ đẹp cuộc hành trình:

527. Thế Tôn, nay là thời,
Các cây nở hoa đỏ,
Từ bỏ chòm lá cũ,
Tìm đến thời sai quả.
Chúng như ngọn lửa hừng,
Chói sáng và rực sáng,
Bạch đấng Ðại anh hùng,
Nay là thời hưởng vị.

528. Những cây nở hoa đẹp,
Khắp phương tỏa hương thơm,
Bỏ lá, vọng sanh quả,
Nay là thời lên đường,
Từ bỏ địa phương này,
Kính thưa bậc Anh hùng.

529. Không quá lạnh, quá nóng,
Thế Tôn thời tiết đẹp,
Hãy để hai dân tộc,
Thích-Ca, Ko-li-ya,
Nhìn Ngài mặt hướng Tây,
Vượt sông Ro-hi-ni.

530. Trong hy vọng, ruộng cày,
Trong hy vọng, giống gieo,
Trong hy vọng, thương gia,
Vượt biển đem tiền về.
Hy vọng con kiên trì,
Mong con, hy vọng thành.

531. Người tiếp tục gieo giống,
Trời lại tiếp tục mưa,
Người nông tiếp tục cày,
Thóc gạo tiếp tục đến,
Ðến nhiều cho quốc gia.

532. Ăn xin tiếp tục xin,
Thí chủ tiếp tục cho,
Thí chủ tiếp tục cho
Tiếp tục lên Thiên giới.

533. Bậc anh hùng tiếp tục,
Cho đến bảy thế hệ
Gia đình ấy được sanh,
Bậc trí tuệ rộng lớn,
Con nghĩ Ngài có thể,
Là Thiên chủ chư Thiên,
Trong Ngài đã được sanh,
Bậc ẩn sĩ chân danh.

534. Phụ vương đại ẩn sĩ,
Tên gọi Tịnh Phạn vương,
Còn mẹ bậc Chánh giác,
Danh xưng là Ma-da,
Bà mang thai Bồ-tát,
Thân hoại, hưởng thiên giới.

535. Gô-ta-mi, mạng chung,
Từ đấy, sau khi chết,
Ðược hưởng thọ đầy đủ,
Các dục lạc cõi trời,
Vui hưởng năm món dục,
Ðược Thiên nữ đoanh vây.

Rồi Thế Tôn được thỉnh mời, thấy rằng mình đi sẽ cứu độ cho nhiều người, nên đã ra đi với hai mươi ngàn vị A-la-hán, mỗi ngày đi bộ một do-tuần. Còn vị Trưởng lão, dùng thần thông đi đến Kapilavatthu trước mặt ông vua. Vua không biết ngài là ai, nên ngài mới xưng ngài là con vị Bộ Trưởng, được vua sai đi đến Thế Tôn và nói lên bài kệ:
536. Ta là con đức Phật,
Ngài thắng bậc bất thắng,
Bậc An-gi-ra-sa,
Bậc không ai sánh được,
Vua dòng họ Thích-ca,
Phụ thân của cha tôi,
Vua dòng Go-ta-ma
Là bậc Tổ phụ tôi,
Ðúng pháp là như vậy.

(CCXXXIV) Ekavihàriya (Tissa Kumàra) (Thera. 57)

Ngài sanh ra, sau khi đức Phật đã nhập Niết-bàn là con trai nhỏ nhất của vua Dhammàsoka. Vua Asoka, đến năm thứ 218 sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, đã thống nhất toàn thể Ấn Ðộ trong một đế quốc. Vua phong em trai thứ ngài là Tissa làm Phó vương, và vận động em ngài ủng hộ cho Giáo hội.

Còn ngài trong khi đi săn thấy Trưởng lão Mahà Dhammarakkhita ngồi dưới gốc cây, cảm xúc rất mạnh, tự mình muốn sống trong rừng. Khi ngài chứng kiến Trưởng lão hiện thần thông, ngài trở về lâu đài, và nói với vua Asoka ngài muốn từ bỏ cuộc đời thế tục. Vua Asoka không thể làm ngài thay đổi sự quyết định của mình. Tha thiết sống đời sống một ẩn sĩ, ngài nói lên những bài kệ như sau:

537. Khi trước mặt sau lưng,
Không có một người nào,
Như vậy an lạc lớn,
Sống một mình trong rừng.

538. Ta sẽ đi một mình,
Ðến ngôi rừng Phật khen,
Hưởng an lạc đã được,
Vị Tỷ-kheo thọ hưởng,
Nhờ sống đời tinh tấn,
Sống riêng chỉ một mình.

539. Ta sẽ gấp vào rừng,
Một mình, sống lý tưởng,
Ngôi rừng được loài voi,
Cuồng loạn sống tự do,
Trú xứ đem hoan hỷ,
Cho ẩn sĩ thiền định.

540. Trong ngôi rừng Sì-ta,
Với núi hang nước mát,
Sau khi rửa tay chân,
Ta kinh hành một mình.

541. Sống một, không sống hai,
Trong rừng lớn đẹp đẽ,
Ta sẽ sống tại đấy,
Việc xong, không lậu hoặc.

542. Như vậy, ta muốn làm,
Mong ước nguyện thành tựu,
Ta sẽ có lòng tin,
Không ai làm ai được.

543. Ta cột áo giáp lại,
Sẽ vào trong rừng sâu,
Ta không ra khỏi rừng,
Nếu chưa đạt lậu tận.

544. Trong khi gió nhẹ thổi,
Mát lạnh, thơm mùi hương,
Ta ngồi trên chỏm núi,
Ta sẽ phá vô minh.

545. Trên tấm thảm hang động,
Trải đầy những hoa rừng,
Ta hưởng lạc giải thoát,
Tại vòng đai núi rừng.

546. Chí nguyện ta viên mãn,
Giống như mặt trăng rằm.
Mọi lậu hoặc tận trừ,
Nay không còn tái sanh.

(CCXXXV) Mahà Kappina (Ma-ha Kiếp-tân-na) (Thera. 58)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở biên địa, tại thành phố tên Kukkuta, trong gia đình một vị vua và được đặt tên là Kappina. Khi phụ vương mất, ngài thừa tự ngôi vua với tên là Mahà-Kappina. Ðể tăng trưởng sự hiểu biết, ngài sai sứ giả mỗi buổi sáng đi ra khỏi bốn cửa thành, giữ lại các vị học giả và tin cho ngài biết. Thời ấy bậc Ðạo Sư đã ra đời và đang ở Sàvatthi. Các thương gia của thành phố Sàvatthi đem đồ đến Kukkutta bán, đem quà dâng vua. Vua hỏi tình hình ở Sàvatthi và dân chúng theo tôn giáo nào. Các thương gia thưa không trả lời cho vua được, vì chưa được súc miệng. Sau khi vua bảo đem nước súc miệng xong, các thương gia chấp tay và thưa: 'Ở đất nước chúng tôi, Phật báu đã ra đời'. Khi nghe nói đến chữ Phật, vua cảm thấy hân hoan thoải mái, bảo thương gia nói lại ba lần, và thưởng chúng một trăm ngàn đồng tiền vàng. Các thương gia cũng nói đến Pháp báu và Tăng báu, và vua tặng thưởng gấp ba lần. Rồi vua từ bỏ thế tục và xuất gia. Các vị Bộ trưởng cũng theo gương vua. Rồi tất cả cùng đi tìm đức Bổn Sư và đi đến sông Hằng. Rồi họ tuyên bố, nếu có bậc Ðạo Sư, có đức Phật tối thượng thời móng chân các con ngựa không bị thấm ướt! Rồi họ đi ngang qua con sông ấy và qua một con sông khác nữa, sông Candabhàgà.

Hôm ấy, bậc Ðạo Sư dậy sớm khi rạng đông, với lòng từ bi, dùng Phật nhãn xem xung quanh thế giới và thấy Mahà Kappina đã từ bỏ vương quốc và đi đến với một số tùy tùng lớn để xuất gia. Bậc Ðạo Sư trước hết đi vào Sàvatthi khất thực với một số Tỷ-kheo, rồi Ngài bay đến bờ sông Candabhàgà, và ngồi xuống kiết-già, đối diện với bến nước và phóng hào quang. Mahà Kappina và các tùy tùng thấy được các hào quang liền đến đảnh lễ đức Phật. Thế Tôn thuyết pháp cho họ và tất cả đều chứng quả A-la-hán. Và xin trở thành Sa-môn. Ðức Phật nói: 'Hãy đến, các Tỷ-kheo', và như vậy là lễ thọ giới của họ. Rồi Thế Tôn đem toàn thể về Jetavana ngang qua hư không.

Một hôm Thế Tôn hỏi Mahà Kappina có thuyết pháp cho đại chúng không, và khi được trả lời không. Thế Tôn cho gọi Mahà Kappina và khuyên Mahà Kappina thuyết pháp cho đại chúng. Mahà Kappina vâng lời dạy của Thế Tôn và trong buổi thuyết pháp đầu tiên độ cho hơn ngàn Sa-môn chứng quả A-la-hán. Rồi đức Phật xác nhận Mahà Kappina là vị thuyết pháp đệ nhất cho chúng Tăng.

Một hôm, ngài giảng cho các Tỷ-kheo-ni như sau:

547. Ai thấy sớm sự việc,
Trước khi sự việc đến,
Và biết được cả hai,
Có lợi hay có hại,
Thù hay bạn người ấy,
Không thấy được sơ hở,
Dầu quan sát kỹ càng.

548. Với ai khéo tu tập,
Niệm thở vào thở ra,
Tiếp tục hành viên mãn,
Như lời Phật thuyết giảng,
Sẽ chói sáng đời này,
Như trăng thoát vùng mây.

549. Tâm ta thật trắng bạch,
Vô lượng, khéo tu tập,
Thấu triệt, chế ngự vững,
Chói sáng khắp mọi phương.

550. Bậc có tuệ vẫn sống,
Dầu tài sản kiệt tận,
Không có được trí tuệ,
Có tiền, như không sống.

551. Tuệ phê phán điều nghe,
Tuệ tăng trưởng danh xưng,
Ở đời người có tuệ,
Ðược vui trong đau khổ.

552. Pháp này thuộc hiện tại,
Không vi diệu hy hữu,
Ðâu có sanh, thì chết,
Ðây không gì hy hữu.

553. Sanh đã không gián đoạn,
Sống có chết thường hằng,
Sanh sanh, chết tại đấy,
Pháp hữu tình là vậy.

554. Ðiều lợi cho kẻ sống,
Không lợi cho kẻ chết,
Than khóc cho kẻ chết,
Không danh, không thanh tịnh,
Không được hàng Sa-môn,
Bà-la-môn tán thán.

555. Than khóc hại thân, mắt,
Dung sắc, lực và trí,
Nếu tâm tư, hoan hỷ,
Các phương cũng hân hoan,
Dầu hạnh phúc đi tìm,
Không có gì an lạc.

556. Do vậy các cư sĩ,
Muốn nhận trong gia đình,
Chỉ những người có trí,
Và những người nghe nhiều,
Với sức mạnh trí tuệ,
Họ làm tròn nhiệm vụ,
Như chiếc thuyền vượt qua,
Con sông nước tràn đầy.

(CCXXXVI) Cùla-Panthaka (Thera. 59)

Câu chuyện của ngài đã được kể trong chương VIII. Phần còn lại được kể trong tập sớ Cùlasetthi-Jàtaka. Trong một trường hợp khác ngài nói lên những bài kệ như sau:

557. Ta chậm chạp, tiến chậm,
Trước ta bị khinh miệt,
Anh ta đuổi ta đi:
Nay, ngươi hãy về nhà.

558. Ta bị đuổi như vậy,
Tại cửa chính Tăng xá,
Sầu khổ, đứng tại đấy,
Vọng luyến lời Phật dạy.

559. Tại đấy, Thế Tôn đến,
Ngài rờ trên đầu ta,
Với cánh tay, nắm ta,
Dắt ta vào Tăng xá.

560. Ðạo Sư thương xót ta,
Cho ta khăn lau chân;
Hãy an trú tâm tư,
Vào vật thanh tịnh này.
Và ngồi xuống một bên,
Tâm tư khéo an trú.

561. Ta nghe lời Ngài dạy,
Sống hân hoan Chánh pháp,
Ta thực hành thiền định,
Ðể đạt đích tối thượng.

562. Ta biết được đời trước,
Thiên nhãn ta thanh tịnh,
Ba minh đã đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.

563. Pan-tha-ka hóa hiện,
Dưới hàng ngàn hình thức,
Ngồi vườn xoài xinh đẹp,
Chờ đợi thời phát hiện.

564. Rồi Ðạo Sư giữ ta, 
Một sứ giả báo thời,
Ðúng thời được báo hiệu,
Ta đến, ngang hư không.

565. Ðảnh lễ chân Ðạo Sư,
Một bên ta ngồi xuống.
Biết ta đã ngồi xuống,
Bậc Ðạo Sư chấp nhận.

566. Bậc nhận đồ tế vật,
Cả toàn thể thế giới,
Là phước điền loài Người,
Ngài chấp nhận cúng dường.

(CCXXXVII) Kappa (Thera. 59)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong vương quốc Magadha, làm con một vua bản xứ, kế vị ngôi vua, nhưng rơi vào hưởng thụ các dục vọng. Khi bậc Ðạo Sư với lòng từ bi, nhìn thế giới để xem ai xứng đáng được cứu độ. Bậc Ðạo Sư thấy ngài, nghĩ rằng Kappa có thể tu tập quán bất tịnh, xuất gia và chứng quả A-la-hán. Thế Tôn đi trên hư không đến Kappa, và nói với ngài với những câu kệ như sau:

567. Ðầy nhiều loại uế vật,
Chỗ chưa còn phần uế,
Như vũng nước đọng lâu,
Ung nhọt vết thương lớn.

563. Ðầy những máu và mủ,
Chìm đắm, trong hố phân,
Thân ứ nước rỉ chảy,
Luôn chảy nước bất tịnh.

569. Trói bởi sáu mươi gân,
Trét dùng thịt làm hồ,
Mặc áo giáp bằng da,
Thân hôi thúi vô dụng.

570. Nối thành dây xúc xương,
Cột lại với dây gân,
Do chúng nhiều hợp sức,
Tác thành những uy nghi.

571. Thường tiến đến sự chết,
Ðến gần cảnh tử thần,
Ở đấy, bị quăng bỏ,
Con người đi theo dục.

572. Thân bị vô minh che,
Trói bởi bốn trói buộc,
Thân chìm trong bộc lưu, 
Mắc vào lưới tùy miên,

573. Hệ lụy năm triền cái,
Ám ảnh bởi tâm tư,
Ði theo gốc khát ái,
Che trùm bởi màn si.

574. Thân này luân chuyển vậy,
Dẫn đi bởi xe nghiệp,
Khi thành công, khi bại,
Chịu đựng nhiều ái sanh.

575. Ai nghĩ 'thân của tôi',
Là phàm phu ngu muội,
Tăng mộ phần đáng sợ,
Chấp chặt sự tái sanh.

576. Ai tránh né thân này,
Như tránh rắn dính phân,
Họ bỏ gốc sanh hữu,
Chứng Niết-bàn, vô lậu.

Kappa nghe lời dạy bậc Ðạo Sư, về thân phận các thân dưới nhiều hình ảnh, sợ hãi và nhàm chán thân mình, hốt hoảng xin xuất gia. Bậc Ðạo Sư giao cho một Tỷ-kheo làm lễ xuất gia. Kappa nhận mười đề tài tu tập và chứng quả A-la-hán. Ngài đi đến bậc Ðạo Sư, đảnh lễ, ngồi xuống một bên và nói lên chánh trí của mình với những bài kệ trên. Do vậy các bài kệ này trở thành bài kệ của ngài.
 
 

(CCXXXVIII) Upasena, Con Của Vanganta (Thera. 60)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở làng Nàlaka, làm con của nữ Bà-la-môn Rùpasàrì và đặt tên là Upasena (anh của Sàriputta). Khi đến tuổi trưởng thành và học ba tập Vệ-đà. Ngài xuất gia sau khi nghe đức Phật thuyết pháp. Sau một năm thọ giới, ngài nghĩ làm tăng trưởng hột giống Thánh chủng, độ cho một Tỷ-kheo và với Tỷ-kheo này, ngài đi đến bậc Ðạo Sư, bậc Ðạo Sư nghe được việc này, chỉ trích cử chỉ hấp tấp của ngài. Rồi Upasena suy nghĩ: 'Nếu nay, vì có một đệ tử, ta bị bậc Ðạo Sư quở trách. Nay cũng nhân lý do này, ta sẽ được Ðạo Sư tán thán'. Rồi tu tập thiền quán. Ngài chứng được quả A-la-hán. Ngài chấp nhận lối sống hạnh đầu đà và khuyên các vị khác thực hành theo, và lời khuyên của ngài rất có kết quả khiến cho Thế Tôn chấp nhận ngài là đệ tử rất được nhiều người biết đến.

Một Tỷ-kheo hỏi ngài cần phải làm gì khác khi các Tỷ-kheo ở Kosambi tranh cãi nhau và có nạn phá hòa hợp Tăng. Upasena dạy Tỷ-kheo ấy như sau:

577. Xứ viễn ly, không ồn,
Chỗ thú rừng thường trú,
Tỷ-kheo dọn sàng tọa,
Tu học hạnh tịnh cư.

578. Từ những đống rác rưới,
Từ một phần, xa lộ,
Làm Y Tăng-già-lê,
Mang áo cũ sờn mòn.

579. Với tâm tư hạ mình,
Tiếp tục đi từng nhà,
Tỷ-kheo sống khất thực, 
Căn hộ, khéo chế ngự.

580. Bằng lòng món ăn thô,
Không tìm nhiều vị khác;
Nếu tham đắm các vị,
Ý không vui tu thiền.

581. Ít dục và biết đủ,
Ẩn sĩ sống viễn ly,
Không thân cận cả hai,
Tại gia và xuất gia.

582. Như kẻ ngu, người câm,
Hãy tỏ mình như vậy,
Bậc trí giữa chúng Tăng,
Chớ có giảng quá dài.

383. Chớ có chỉ trích ai,
Hãy tránh làm hại ai,
Chế ngự trong giới bổn,
Tiết độ trong ăn uống.

584. Khéo nắm giữ các tướng,
Thiện xảo tâm diễn khởi,
Chú tâm vào tịnh chỉ,
Ðúng thời tu thiền quán.

585. Ðủ tinh tấn nhẫn nại,
Luôn chuyên chú bổn phận,
Chưa đạt được khổ diệt,
Kẻ trí tin tưởng tiến.

586. Tỷ-kheo muốn thanh tịnh,
Sống nếp sống như vậy,
Mọi lậu hoặc đoạn tận,
Chứng được tối tịch tịnh.

Như vậy vị Trưởng lão, trong khi giảng dạy vị Tỷ-kheo, nêu rõ quả chứng của mình và nói lên chánh trí.
 
 

(CCXXXIX) Gotama (Thera. 61)

Sanh ở Sàvatthi trước khi đức Phật ra đời, trong một gia đình Bà-la-môn từ Udicca. Ngài lớn lên, rất giỏi các tập Vệ đà và là một vị hùng biện vô địch.

Rồi Thế Tôn ra đời, chuyển bánh xe pháp sau khi hóa độ Yasa với các người bạn, đã đi đến Sàvatthi theo lời mời khẩn thiết của Anàthapindika (Cấp-cô-độc) Bà-la-môn Gotama thấy Thế Tôn, nghe pháp và xin xuất gia. Theo chỉ giáo của bậc Ðạo Sư, ngài được một Tỷ-kheo độ cho xuất gia, và được chứng quả A-la-hán trong khi đang cạo tóc. Sau khi sống một thời gian dài ở nước Kosala, ngài trở về Sàvatthi. Nhiều bà con của ngài, một số Bà-la-môn nổi tiếng đến viếng ngài và hỏi ngài những giáo lý chỉ đạo nào là phổ thông mà ngài nghĩ là cần phải thực hành. Ngài nói với họ như sau:

587. Hãy biết hạnh phúc mình,
Quan sát lời nghe giảng,
Ðây cái gì thích hợp,
Sa-môn hạnh mình theo.

588. Bạn kẻ thiện trong đạo,
Hành học pháp rộng lớn,
Khéo nghe bậc Ðạo Sư,
Ðây hợp Sa-môn hạnh.

589. Với tâm kính chư Phật,
Trọng Chánh pháp như thật,
Và mến quý chư Tăng,
Ðây hợp Sa-môn đạo.

590. Giữ uy nghi, đi lại,
Mạng sống tịnh, không chê,
Tư tưởng khéo ổn định,
Ðây hợp Sa-môn đạo.

591. Ðiều làm hay không làm,
Uy nghi được ái kính,
An trú tăng thượng tâm,
Ðây hợp Sa-môn đạo.

592. Sàng tọa tại rừng núi,
Xa vắng ít ồn ào,
Thân cận bậc Mâu-ni, 
Ðây hợp Sa-môn đạo

593. Giới hạnh và học nhiều,
Như thật nghiên cứu pháp,
Thiền quán những sự thật,
Ðây hợp Sa-môn đạo.

594. Tu quán trên vô thường,
Tưởng vô ngã, bất tịnh,
Không ưa thích tục sự,
Ðây hợp Sa-môn đạo.

595. Tu tập các Giác chi,
Thần túc, căn là lực, 
Thu Chánh đạo Tám ngành, 
Ðây hợp Sa-môn đạo.

596. Mâu-ni bỏ khát ái,
Ðập tan gốc lậu hoặc,
Hãy an trú giải thoát,
Ðây hợp Sa-môn đạo.

Như vậy, ngài tán thán các hạnh thích hợp với đời sống một ẩn sĩ, đề cao khả năng của Tăng chúng, và chỉ rõ sự bất lực của một ẩn sĩ không theo Chánh pháp.

Rồi các Bà-la-môn ấy hoàn toàn chấp nhận giới luật, được an trú trong Chánh pháp.

[ ^ ]


Chương XI

-ooOoo-

Phẩm Mười Một Kệ


(CCXL) Sankicca (Thera. 62)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn nổi tiếng. Mẹ ngài chết khi sanh ngài, và ngài được cứu sống, chưa bị đốt cháy trên giàn hỏa. Vì rằng sự sống của một hữu tình trong đời sống cuối cùng không thể chết được, trước khi chứng quả A-la-hán, dầu cho có rơi từ núi Sineru (Tu-di). Khi lên bảy tuổi, được nghe mẹ ngài chết khi sanh ngài; ngài cảm thấy xúc động và phát nguyện xuất gia. Ngài được đưa tới gặp Tôn giả Sàriputta, và ngài chứng được quả A-la-hán, khi tóc ngài đang bị cạo. Ngài dâng đời sống ngài cho các tên cướp như thế nào để ba ngàn Tỷ-kheo được nói đến trong tập sớ Dhammapàla.

Rồi một cư sĩ muốn hầu hạ ngài, yêu cầu ngài sống gần chỗ vị ấy đang ở, nói như sau:

597. Lợi ích ngài là gì,
Ở rừng sâu, mùa mưa,
Như U-ju-hà-na,
Hỡi này ngài thân mến!
Hang gió đẹp cho ngài,
Sống một mình, tu thiền.
Rồi vị Trưởng lão, để nêu rõ vẻ đẹp của núi rừng và sự thật khác, trả lời như sau:
598. Như gió mùa thổi mây,
Trong thời tiết mùa mưa,
Tưởng ta bay tràn khắp,
Tưởng dung hòa viễn ly.

599. Quạ đen, từ trứng sinh,
Lấy nghĩa địa làm nhà,
Khiến ta khởi lên niệm,
Viễn ly đối với thân.

600. Người kẻ khác không hộ,
Người không hộ kẻ khác,
Tỷ-kheo, sống an lạc,
Không kỳ vọng các dục.

601. Tảng đá có nước trong,
Chỗ hội họp quy tụ,
Các loài vượn mặt đen,
Các loài nai nhút nhát,
Dưới màn hoa nước chảy,
Tảng đá ấy ta thích.

602. Ta sống trong rừng núi,
Trong hang động khe đá,
Tại trú xứ xa vắng,
Chỗ thú rừng qua lại.

603. Hãy hại chúng, giết chúng!.
Hãy làm khổ hữu tình,
Ta không biết niệm ấy,
Phi Thánh liên hệ sân,
Ðạo Sư, ta hầu hạ,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đặt xuống thấp,
Gốc sanh hữu, nhổ sạch.

604. Vì đích gì, xuất gia,
Bỏ nhà sống không nhà,
Mục đích ấy, ta đạt,
Mọi kiết sử tận diệt.

605. Ta không thích thú chết,
Ta không thích thú sống,
Ta chờ thời gian đến,
Như thợ làm việc xong.

606. Ta không thích thú chết,
Ta không thích thú sống,
Ta chờ thời gian đến,
Tỉnh giác, giữa chánh niệm.

[ ^ ]

Chương XII

-ooOoo-

Phẩm Mười Hai Kệ


(CCXLI) Sìlavat (Thera. 63)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con của vua Bimbisàra (Tần-bà-ta-la), và được đặt tên là Sìlavat. Khi đến tuổi trưởng thành, anh ngài là Ajàtasattu làm vua, muốn giết ngài, nhưng không giết được, vì ngài sống đời sống cuối cùng và chưa chứng quả A-la-hán. Rồi Thế Tôn, biết sự việc đã xảy ra bảo Mahà Maggallàna đi mời ngài đến. Hoàng tử Sìlavat xuống voi, thích nghi giáo lý với tâm tánh của ngài, ngài khởi lòng tin, xuất gia, và sau một thời gian, chứng quả A-la-hán. Rồi ngài ở Kosala, và khi Ajàtasattu sai những người đến giết ngài, ngài dạy cho những người ấy, hóa độ và những người ấy xuất gia học đạo. Và ngài giảng cho họ như sau:

608. Ở đây hãy học giới,
Khéo học tập ở đời,
Giới thành đạt toàn diện,
Ðưa đến mọi thành công.

609. Bậc trí hãy hộ giới,
Nếu kỳ vọng ba lạc,
Ðược danh xưng tài sản,
Sau chết, hưởng thiên lạc.

610. Người trì giới, tự chế,
Ðược nhiều người bạn tốt,
Kẻ ác giới, hành ác,
Mất mát các bạn bè.

611. Người ác giới chỉ được,
Ác danh, không tài sản,
Bậc trì giới luôn được
Khen danh xưng, tán thán.

612. Khởi đầu, an trú giới,
Giới là mẹ thiện pháp,
Giới đứng đầu mọi pháp,
Vậy hãy trong sạch giới.

613. Giới hạn chế, phòng ngự,
Làm sáng chói tâm tư,
Là đầu bến chư Phật,
Vậy hãy trong sạch giới

614. Giới sức mạnh vô song,
Giới, binh khí tối thượng,
Giới, trang sức đệ nhất,
Giới áo giáp hy hữu.

615. Giới, đầu cầu cường dại,
Giới, hương thơm vô thượng,
Giới, hương thoa đệ nhất,
Nhờ giới, bay bốn phương.

616. Giới, tư lương cao nhất,
Giới, hành trang tối thượng,
Giới vận tải, đệ nhất,
Nhờ giới, đi bốn phương.

617. Ðây, kẻ xấu bị trách,
Sau chết sanh đọa xứ,
Kẻ ngu không định giới,
Ưu tư khắp các chỗ.

618. Ðây bậc tốt được khen,
Sau chết sanh thoát giải,
Kẻ trí khéo định giỏi,
Hân hoan, khắp các chỗ.

619. Ở đây, giới tối cao,
Nhưng trí tuệ, tối thượng,
Giữa loài Người, loài Trời,
Bậc giới tuệ thắng lợi.

(CCXLII) Sunìta (Thera. 63)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình đổ rác, và sống với nghề đi quét đường, không đủ tiền để sống khỏi đói. Trong canh một Thế Tôn khởi lòng từ mẫn nhìn khắp thế giới và thấy trong tâm của Sunìta, có đủ điều kiện để chứng quả A-la-hán, chói sáng như ngọn đèn trong cái ghè. Khi trời đã mới sáng, Thế Tôn dậy, đắp y cầm y bát, với một số Tỷ-kheo tùy tùng, đi đến Vương Xá để khất thực và tìm đến con đường Sunìta đang quét dọn. Sunìta đang quét các đống rác gom lại từng đống, đổ vào thúng rồi gánh mang đi. Khi ngài thấy bậc Ðạo Sư đi đến với đoàn tùy tùng, ngài cảm thấy hoan hỷ xúc động không tìm được chỗ để ẩn núp, ngài đứng sát như mắc dính vào vách tường và chấp tay vái chào. Khi đức Bổn Sư đến gần, đức Phật với lời rất dịu ngọt hỏi ngài sao cam phận sống đời sống khổ sở như vậy, và có thể xuất gia được không? Ngài hoan hỷ chấp nhận và được đức Phật độ cho xuất gia với câu: 'Hãy đến này các Tỷ-kheo!'. Bậc Ðạo Sư đưa ngài về tịnh xá, dạy cho ngài một phương pháp thiền quán. Ngài chứng được tám thiền chứng và năm thắng trí. Phát triển thiền quán, ngài chứng được thắng trí thứ sáu. Rồi Sakka và các Phạm thiên đến đảnh lễ ngài đã được ghi như sau:

Rồi bảy trăm chư Thiên,
Huy hoàng đi đến gần,
Tùy tùng đấng Phạm Thiên,
Và Thiên chủ Ðế Thích,
Họ sung sướng đảnh lễ,
Trưởng lão Sunìta,
Bậc chiến thắng cao sang,
Vượt qua già và chết!
Thế Tôn thấy ngài được chư Thiên đoanh vây, Thế Tôn mỉm cười và khen ngài, thuyết giảng cho ngài với câu kệ: 'Với giới sống Phạm hạnh' (kệ số 631). Rồi nhiều Tỷ-kheo, muốn rống tiếng con sư tử hỏi ngài sanh ra từ gia đình nào, vì sao lại xuất gia, làm thế nào để chứng quả, ngài trả lời cho họ với những bài kệ như sau:
620. Ta sanh nhà hạ tiện,
Nghèo khổ không đủ ăn,
Nghề ta rất hèn hạ,
Ta kẻ quét hoa rơi.

621. Ta bị người nhàm chán,
Miệt thị và khinh bỉ,
Hạ mình xuống thật thấp,
Ta kính lễ quần chúng.

622. Rồi ta thấy đức Phật,
Thượng thủ chúng Tỷ-kheo,
Bậc Ðại Hùng vào thành,
Magadha tối thượng.

623. Ta quăng bỏ đòn gánh,
Ðến gần để đảnh lễ,
Với lòng thương xót ta,
Bậc Thượng nhân đứng lại.

624. Lễ chân Ðạo Sư xong,
Ta đứng liền một bên,
Ta xin được xuất gia,
Bậc tối thượng mọi loài.
Bậc Ðạo Sư từ bi,
Từ mẫn khắp thế giới,
Nói: 'Hãy đến Tỷ-kheo',
Ðại giới, ta thọ vậy.
Rồi ta sống trong rừng,
Một mình không biếng nhác,
Ta theo lời Ðạo Sư,
Như bậc chiến thắng dạy.
Trong đêm canh thứ nhất,
Ta nhớ các đời trước,
Trong đếm canh chặn giữa,
Thiên nhãn ta thanh tịnh,
Trong đếm canh cuối cùng,
Ta phá khối si ám.
Khi đêm vừa mở rộng,
Rạng đông, trời ló rạng,
Ðế Thích, Phạm Thiên đến,
Chấp tay đảnh lễ ta,
Ðảnh lễ bậc Thượng sanh!
Ðảnh lễ bậc Thượng nhân!
Ngài đoạn tận lậu hoặc,
Ngài xứng đáng cúng dường.
Bậc Ðạo Sư thấy ta,
Ðứng đầu chúng chư Thiên,
Nở ra một nụ cười,
Nói với ta nghĩa này.
Nhờ khổ hạnh, Phạm hạnh,
Nhờ tự chế, điều phục,
Nhờ vậy, là Phạm chí,
Ðây, Phạm chí tối thượng.

[ ^ ]

Chương XIII

-ooOoo-

Phẩm Mười Ba Kệ


(CCXLIII) Sona-Kolivisa (Thera. 65)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại Campà, trong gia đình một hội viên của Hội đồng thành phố nổi tiếng. Từ khi ngài sắp được sanh, tài sản lớn của phụ thân được tăng trưởng, và khi ngài được sanh, cả thành phố tổ chức hội lễ lớn. Vì ngài bố thí cúng dường cho một vị Ðộc giác Phật trong đời trước, nên đời này ngài có một thân hình như bằng vàng mịn và đặc biệt mềm mại, và ngài được gọi là Sona (vàng). Dưới chân và trên bàn tay của ngài có lông mịn màu vàng mọc lên, và ngài được nuôi dưỡng trong giàu sang xa hoa, có đến ba tòa lâu đài thích hợp cho từng mùa.

Khi bậc Ðạo Sư giác ngộ và chuyển bánh xe Pháp ở Ràjagaha (Vương Xá). Vua Bimbisàra cho mời Sona đến, ngài đến với một số đông tùy tùng, nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, khởi lòng tin và được phép cha mẹ cho xuất gia. Ngài nhận từ bậc Ðạo Sư một đề tài tu tập, nhưng không thể định tâm vì có liên lạc với đông người khi sống ở trong rừng. Ngài nghĩ rằng thân ngài quá được cung dưỡng để đạt được hạnh phúc, và đời sống ẩn sĩ làm thân mệt mỏi, ngài vượt lên trên những đau đớn vì chân ngài bị sưng khi ngài tập đi kinh hành, nhưng dầu ngài hết sức tinh tấn, ngài chưa thành đạt được quả chứng. Ngài nghĩ: "Ta không thể thành đạt con đường và quả vị thì sống xuất gia để làm gì? Tốt hơn ta hoàn tục và làm các công đức!'. Thế Tôn biết được tâm tư ngài, dạy cho ngài bài học của cây đàn, phải làm lắng dịu nhiệt lực với tu tập tịnh chỉ. Ðược chỉ dạy, ngài đi đến núi Linh Thứu và sau một thời gian, ngài chứng quả A-la-hán. Suy nghĩ trên thành tựu của mình, ngài tuyên bố chánh trí ngài như sau:

632. Người xưa, cao trong nước,
Phục vụ vua Ăng-ga,
Nay lại cao trong pháp,
So-na vượt đau khổ.

633. Năm được cắt, năm bỏ,
Năm thượng pháp tu tập,
Tỷ-kheo vượt năm gút,
Ðược gọi vượt bộc lưu.

634. Tỷ-kheo tánh kiêu ngoa,
Phóng dật, ưa vị ngoài,
Giới, thiền định, trí tuệ,
Không đi đến viên mãn.

635. Việc phải làm, quăng bỏ,
Không phải việc, lại làm,
Kẻ kiêu ngoa phóng dật,
Lậu hoặc được tăng trưởng.

636. Những ai khéo tinh cần,
Thường tu tập niệm thân,
Không phải việc, không làm,
Kiên trì việc nên làm.
Bậc chánh niệm tỉnh giác,
Lậu hoăc đi đến diệt.

637. Trên đường thẳng được thuyết,
Hãy bước, chớ quanh co,
Hãy tự mình trách mình,
Hãy đem Niết-bàn lại,

638. Khi tinh cần nỗ lực,
Căng thẳng, vượt mức độ,
Thế gian, Vô Thượng Sư,
Dùng ví dụ chiếc đàn,
Bậc pháp nhãn, có mắt,
Ngài thuyết pháp cho ta.

639. Ta nghe lời Ngài giảng,
Lạc trú lời giảng dạy, 
Bình tĩnh, ta thực hành,
Ðể đạt đích tối thượng,
Ba minh ta đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.

640. Ai chuyên nhất xuất ly,
Tâm tư hướng viễn ly,
Ai chuyên nhất vô sân,
Diệt trừ các chấp thủ.

641. Ai chuyên nhất ái diệt,
Tâm tư không si mê,
Thấy sanh khởi các xứ,
Tâm được khéo giải thoát.

642. Vị Tỷ-kheo tâm tịnh,
Ðược giải thoát chơn chánh,
Không chất chứa việc làm,
Ðiều phải làm không có.

643. Như một hòn đá tảng,
Không bị gió lay động,
Cũng vậy toàn bộ phận,
Sắc, vị, thanh, hương, xúc.

644. Pháp ái bất khả ái,
Không động, người như vậy,
Tâm trú, không hệ lụy,
Tùy quán, sự hoại diệt.

[ ^ ]

Chương XIV

-ooOoo-

Phẩm Mười Bốn Kệ


(CCXLIV) Revata (Thera. 67)

Các bài kệ của vị Trưởng lão này đã được đề cập trong phẩm một các bài kệ trước (XLII). Khi đến già, một hôm ngài đi đến yết kiến đức Phật và trú ở Sàvatthi, trong một ngôi rừng. Cảnh sát đến, đuổi bắt kẻ trộm, kẻ trộm quăng đồ ăn trộm gần ngài rồi bỏ chạy, các cảnh sát chạy đến, thấy đồ ăn trộm, liền bắt ngài dẫn đến vua Pasenadi. Vua truyền thả ngài và hỏi có phải ngài đã lấy trộm đồ? Ngài thuyết pháp nói lên sự kiện ngài không có thể làm một sự việc như vậy và nói những bài kệ như sau:

645. Từ khi xa xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Ta không biết tư duy,
Phi thánh, liên hệ sân.

646. Hay làm hại, sát hại,
Hay làm khổ hữu tình,
Ta không biết tư duy,
Trong thời gian dài này.

647. Và ta biết lòng từ,
Vô lượng khéo tu tập,
Ta thứ lớp tích lũy,
Như lời đức Phật dạy.

648. Là bạn thân tất cả,
Từ mẫn mọi hữu tình,
Ta tu tập tâm từ,
Luôn vui, không sân hận.

649. Ta thích thú với tâm,
Không động, không dao động,
Ta tu tập Phạm trú,
Ðược bậc thiện hành trì.

650. Ta đạt được vô tầm,
Ðệ tử bậc Chánh giác,
Với im lặng bậc Thánh,
Ta trực diện đạt được.

651. Như núi đá không động,
Ðứng vững khéo an trú,
Cũng vậy là Tỷ-kheo,
Ðạt được si mê diệt,
Vị ấy như ngọn núi,
Không gì làm dao động.

652. Con người không uế nhiễm,
Luôn tìm sự trong sạch,
Tội nhẹ như đầu tóc,
Xem nặng như mây khói.

653. Như thành trì biên địa,
Phòng hộ cả trong ngoài,
Hãy phòng hộ tự ngã,
Sát-na không bỏ qua.

654. Ta không thích thú chết,
Ta không thích thú sống,
Ta chờ thời gian đến,
Như thợ làm việc xong.

655. Ta không thích thú chết,
Ta không thích thú sống,
Ta chờ thời gian đến,
Tỉnh giác, giữ chánh niệm.

656. Ðạo Sư, ta hầu hạ,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng, đặt xuống thấp,
Gốc sanh hữu, nhổ sạch.

657. Vì đích gì xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Mục đích ấy, ta đạt,
Mọi kiết sử diệt tận.

658. Nỗ lực, chớ phóng dật,
Ðấy lời ta giáo giới, 
Ta sẽ nhập Niết-bàn,
Ta thoát mọi sanh y.

(CCXLV) Godatta (Thera. 67)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình lữ hành và đặt tên là Godatta. Sau khi cha chết, ngài sắp đặt nhà cửa, đem theo năm trăm cỗ xe hàng hóa, đi chỗ này chỗ khác, sống bằng nghề buôn bán. Một hôm, một con bò ngã qụy xuống đường, trong khi kéo xe, và các người làm công của ngài không thể đỡ con bò đứng dậy được, ngài tự đi đến đánh con bò rất nặng. Con bò tức giận vì sự tàn bạo của ngài nói lên giọng người: 'Này Godatta, đã lâu ta đem tất cả sức lực ta kéo gánh nặng cho ông, nhưng nay ta không đủ sức kéo nên phải ngã quỵ xuống, ông đánh đập ta tàn nhẫn. Vậy chỗ nào ông tái sanh, ta cũng sẽ sanh làm kẻ thù của ông để làm hại ông!'. Ngài nghe vậy rất lấy làm xúc động, tự nghĩ: 'Sao lại sống làm hại các loài hữu tình như vậy?' Rồi ngài từ bỏ tất cả tài sản, xin xuất gia với một vị Trưởng lão, và sau một thời gian chứng quả A-la-hán.

Một hôm, khi ngài đang hưởng thọ sự an lạc giải thoát, ngài thuyết pháp cho chúng xuất gia và tại gia về các pháp thế gian:

659. Như con bò giống tốt,
Ðược huấn luyện tốt đẹp,
Bị cột vào gánh nặng,
Mang gánh nặng kéo đi,
Bị áp đè quá nặng,
Không lật đổ gánh nặng.

660. Cũng vậy, ai nhiều tuệ,
Như nước ở trong biển,
Không khinh miệt người khác,
Thánh pháp là như vậy,
Ðối với các hữu tình.

661. Sống trong vòng thời gian,
Bị thời gian hàng phục,
Hữu, phi hữu chi phối,
Loài Người chịu đau khổ,
Con cháu họ sầu ưu,
Chính ngay trong đời này.

662. Hân hoan, khi được lạc,
Gặp khổ lại chán chường,
Kẻ ngu bị não hại,
Chi phối cả hai đường,
Không thấy được như thật.

663. Những ai giữa khổ lạc,
Người dệt không chi phối,
Ðứng vững như cột cửa,
Không hân hoan chán chường

664. Ðối với được hay mất,
Với danh với không danh,
Ðối với chê hay khen,
Với khổ hay với lạc.

665. Chúng tôi dính chỗ nào,
Như giọt nước trên sen,
Bậc anh hùng mọi chỗ,
Ðược lạc, không bị bại.

666. Người đúng pháp không được,
Người được, không đúng pháp,
Ðúng pháp nhưng không được,
Hơn được không đúng pháp.

667. Người có danh, ít trí
Người có trí, không danh,
Không danh nhưng có trí,
Hơn ít trí, có danh.

668. Ðược khen bởi kẻ ngu,
Bị chê bởi kẻ trí,
Ðược kẻ trí chê bai,
Hơn được người ngu khen.

669. Lạc do dục đem lại,
Khổ do viễn ly sanh,
Khổ do viễn ly sanh
Hơn lạc do dục sanh.

670. Làm phi pháp để sống,
Làm đúng pháp, có chết,
Làm đúng pháp, có chết,
Hơn sống, làm phi pháp.

671. Ai đoạn dục phẫn nộ,
Tâm tịnh hữu, phi hữu
Sống ở đời, không ái,
Không thương yêu ghét bỏ.

672. Sau khi tu Giác chi,
Các căn và các lực,
Ðạt tịch tịnh tối thắng,
Chứng Niết-bàn vô lậu.

[ ^ ]

Chương XV

-ooOoo-

Phẩm Mười Lăm Kệ


(CCXLVI) Anna-Kondanna (Thera. 69)

Sanh trước Thế Tôn tại làng Donavatthu, không xa Kapilavatthu bao nhiêu, trong một gia đình Bà-la-môn rất giàu có, ngài được gọi với tên gia tộc là Kondanna. Lớn lên, ngài biết ba tập Vệ-đà và giỏi về đoán tướng. Khi bậc Bồ-tát mới sanh, ngài là một trong tám vị Bà-la-môn được mời đến đoán tướng. Dầu ngài mới học nghề, ngài thấy các tướng của bậc Ðại nhân trên đứa bé và nói, vị này sau sẽ thành Phật. Rồi ngài sống, chờ đợi vị Bồ-tát xuất gia. Khi vị Bồ-tát xuất gia, lúc hai mươi chín tuổi, Kondanna được nghe tin, liền xuất gia với bốn vị Bà-la-môn đoán tướng khác, như Vappa v.v... và trong sáu năm sống ở Uruvelà, gần vị Bồ-tát, khi vị Bồ-tát đang tu khổ hạnh. Lúc vị Bồ-tát không tu khổ hạnh nữa, các vị này chán chường bỏ đi đến Isipatana (chư Tiên đọa xứ). Rồi đức Phật đến Isipatana, thuyết kinh Chuyển Pháp Luân cho họ, và Kondanna cùng hàng vạn Phạm Thiên chúng chứng được Sơ quả. Ðến ngày thứ năm, nhờ bài kinh 'Vô Ngã Tướng', Kondanna chứng quả A-la-hán. Bậc Ðạo Sư trong buổi họp Tăng chúng ở tinh xá Kỳ Viên, đã xác chứng ngài là bậc Ðệ nhất trong các hàng Tăng chúng Tỷ-kheo (Xem. Ang. i. 26). Và trong một trường hợp khi Kondanna giảng về Bốn sự thật, đề cập đến ba tướng: Vô thường, Khổ, Vô ngã, với những phương pháp sai biệt, dựa trên Niết-bàn và giảng với sự lưu loát của đức Phật. Bài giảng ảnh hưởng mạnh mẽ đến Sakka (Ðế Thích) khiến vị này thốt lên những bài kệ:

673. Ta bội phần hân hoan,
Ðược nghe pháp vị lớn,
Pháp được giảng ly tham,
Hoàn toàn không chấp thủ.
Trong một trường hợp khác, thấy tâm tư của một số người còn bị chi phối nặng nề bởi tà kiến, nên ngài nói lên bài kệ như sau:
674. Trên thế giới đất tròn,
Nhiều màu sắc hình tướng,
Làm say đắm tâm tư,
Ta nghĩ là như vậy,
Tướng tịnh rất hấp dẫn,
Liên hệ đến tham dục.

675. Như gió thổi tung bụi,
Ðược mây trấn áp xuống,
Các tư duy lắng dịu,
Khi thấy, với trí tuệ.

676. Mọi hành là vô thường
Khi thấy với trí tuệ,
Vị ấy nhàm chán khổ,
Ðây con đường đến tịnh.

677. Mọi hành là đau khổ,
Khi thấy với trí tuệ,
Vị ấy nhàm chán khổ,
Ðây con đường đến tịnh.

678. Mọi pháp là vô ngã,
Khi thấy với trí tuệ,
Vị ấy nhàm chán khổ,
Ðây con đường đến tịnh.

Rồi ngài nêu rõ, ngài đã chứng được thiền quán ấy, và nói lên chánh trí, ngài nói rằng:
679. Trưởng lão Kondanna,
Giác ngộ bởi giác ngộ,
Ðã sắc bén thoát ly,
Ðoạn tận sanh và chết,
Và đời sống Phạm hạnh,
Ðược hoàn toàn viên mãn.

680. Hoặc bộc lưu, bẫy mồi,
Hoặc cột trụ vững chắc,
Ngọn núi khó phá hoại,
Sau khi chặt phá xong,
Cột trụ và bẫy mồi,
Chặt tảng đá khó phá,
Hành thiền, vượt bờ kia,
Thoát khỏi Ma trói buộc.

681. Tỷ-kheo hoảng hốt động,
Ði đến các bạn ác,
Chìm trong bộc lưu lớn,
Bị sóng lớn ngập tràn.

682. Bậc trí không hoảng hốt,
Không dao động, thận trọng,
Các căn khéo chế ngự,
Làm bạn với kẻ thiện,
Bậc trí tuệ như vậy,
Có thể đoạn đau khổ.

683. Một người đen, gầy mòn,
Yếu ốm, đầy đường gân,
Tiết độ trong ăn uống,
Tâm tư không ưa não.

683. Trong rừng núi rộng lớn,
Bị muỗi ruồi đốt cắn,
Như con voi lâm trận,
Ta chánh niệm, chịu đựng.

684. Ta không thích thú chết,
Ta không thích thú sống,
Ta chờ thời gian đến,
Như thợ làm việc xong.

685. Ta không thích thú chết,
Ta không thích thú sống,
Ta chờ thời gian đến,
Tỉnh giác, giữ chánh niệm.

686. Ðạo Sư, ta hầu hạ,
Lời Phật dạy, làm xong,
Gánh nặng, đặt xuống thấp,
Gốc sanh hữu, nhổ sạch.

687. Vì mục đích xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Mục đích ấy, ta đạt,
Ta cần gì ở rừng.

(CCXLVII) Udàyin (Thera. 69)

Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Kapilavatthu, trong một gia đình Bà-la-môn. Ngài thấy được uy lực của đức Phật khi đức Phật thăm gia đình ngài. Ngài khởi lòng tin, xuất gia và sau một thời gian, ngài thành bậc A-la-hán. Nay có đến ba vị Trưởng lão Udàyin: con một Bộ trưởng, tên là Kàludàyin (xem CCXXXIII), vị Bà-la-môn này và Ðại Udàyin. Khi kinh Ví dụ con voi được thuyết giảng, trong kinh này, con voi Sela của vua Pasenadi được tán thán, ngài Udàyin này cảm thấy phấn khởi khi nghĩ đến đức Phật, nghĩ rằng các người này chỉ tán thán một con vật, còn ta sẽ tán thán các đức tánh tốt đẹp của một con voi tuyệt diệu, tức là đức Phật. Rồi Ngài nói lên những bài kệ như sau:

689. Ðức Phật, sanh làm người,
Tự điều phục thiền định,
Uy nghi Phạm thiên đạo,
Hoan hỷ trong tâm tịnh.

690. Loài người đảnh lễ Ngài,
Bậc đạt được bờ kia,
Ðối với hết thảy pháp,
Chư Thiên đảnh lễ Ngài,
Như vậy ta được nghe,
Ta là A-la-hán.

691. Vượt qua mọi kiết sử,
Từ rừng đến Niết-bàn,
Vui thoát ly các dục,
Như vàng thoát khoáng sản.

692. Vị ấy thật như voi,
Tuyệt luân đẹp rực rỡ
Ðứng trên đỉnh núi cao
Dãy trường sơn Hi-mã,
Trong mọi danh Nàga,
Ngài chân danh Vô thượng.

693. Rồi ta sẽ tán thán,
Nàga này cho người,
Nàga không làm ác,
Nên được gọi Nàga,
Từ tốn, không làm hại,
Là hai chân Nàga.

694. Chánh niệm và tỉnh giác,
Hai chân khác Nàga,
Voi Nàga là tín,
Ngà màu trắng là xả

695. Chánh niệm là cổ họng,
Trí tuệ chỉ cho đầu,
Suy tầm với cái vòi,
Chỉ cho tư duy pháp.
Hòa trú là bụng pháp,
Viễn ly ví đuôi voi.

696. Tu thiền, thở vô lạc,
Nội tâm, khéo định tỉnh,
Nàga đi, định tỉnh,
Nàga đứng, định tỉnh.

697. Nàga nằm, định tỉnh,
Nàga ngồi, định tỉnh,
Trong tất cả tình huống,
Nàga sống chế ngự
Ðây thành tích Nàga.

698. Ăn đồ ăn không tội,
Ðồ có tội không ăn;
Ðược đồ ăn, y phục,
Từ bỏ, không tích trữ.

699. Kiết sử tế hay thô,
Chặt đứt mọi trói buộc,
Chỗ nào vị ấy đi,
Bước đi, không kỳ vọng.

700. Như sen sanh trong nước,
Lớn lên được tăng trưởng,
Không có dính nước ướt,
Thơm ngát, rất khả ái.

701. Cũng vậy bậc Chánh Giác,
Sanh và trú ở đời,
Không có dính sự đời,
Như sen không dính nước.

702. Như đống lửa cháy đỏ,
Không củi tự tắt dần,
Trong than tro lắng dịu,
Ðược gọi lửa diệt tận.

703. Ví dụ, bậc trí thuyết,
Ðể nêu rõ ý nghĩa,
Ðại Nàga sẽ hiểu,
Những gì về Nàga,
Do Nàga ấy giảng.

704. Vô tham và vô sân,
Vô si, không lậu hoặc,
Nàga từ bỏ thân,
Sẽ diệt độ Niết-bàn,
Không còn có lậu hoặc.


[Phẩm trước][Mục lục][Phẩm kế][ ^ ]


[Trở về trang Thư Mục]
Revised: 21-01-2001