Chim Việt Cành Nam     [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]            [ Tác giả ]

Mười giấc chiêm bao 

Nguyên tác : Yume Juu Ya của Natsumei Soseki 
Người dịch : Quỳnh Chi

 
Thứ 1
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Thứ 8
Thứ 9
Thứ 10

- Giấc chiêm bao thứ năm -
Tôi đã nằm mơ thấy một chuyện gì ấy rất xa xưa gần như là ở cõi hồng hoang của các thần thánh, tôi cầm quân chẳng may bị thua, bị bắt làm tù binh và đang bị điệu ra trước viên tướng của địch quân.

Người thuở ấy ai nấy đều cao lớn. Và ai nấy đều để tóc dài. Lưng thắt đai da có giắt thanh gì như thanh kiếm. Cung thì nhìn như là làm bằng một sợi mây thật to cứ để nguyên như thế, chẳng sơn hay mài gì tất.

Viên tướng của địch quân, tay trái nắm giữa chiếc cung đang cắm mũi xuống nền cỏ và ngồi trên cái gì như một hũ rượu để lật úp xuống. Trên khuôn mặt ấy là một đôi lông mày thật rậm từ hai bên tả hữu mọc nối liền lại với nhau trên sống mũi. Thời bấy giờ dĩ nhiên là làm gì có dao cạo râu.

Tôi là tù binh nên không được ngồi lên cái gì cả. Tôi ngồi bệt xuống đất, chân xếp bằng tròn, chân đi một đôi giầy rơm. Thời bấy giờ giầy rơm cổ cao lắm, khi đứng cổ giầy cao tới tận đầu gối. Sợi rơm đan còn thừa ở cổ giầy buông ra đằng sau để trang trí, lủng lẳng lắc theo mỗi bước chân.

Viên tướng lấy đuốc soi nhìn vào mặt tôi, hỏi muốn sống hay muốn chết. Đây là tập quán của thời bấy giờ, tù binh nào cũng được hỏi câu này. Hễ trả lời muốn sống thì có nghĩa là đầu hàng, muốn chết là có nghĩa không chịu khuất phục. Tôi đã chỉ đáp mỗi một tiếng: Chết! Viên tướng bèn ném chiếc cung đang cắm xuống đất ra đằng kia, tuốt ngay thanh gì như thanh gươm giắt nơi thắt lưng ra. Ngọn đuốc bị gió thổi tạt ngang sang một bên. Tôi xòe bàn tay phải như chiếc lá phong có năm cánh, giơ tay về phía viên tướng, ngước mắt lên. Đó là dấu hiệu "Hãy khoan!". Viên tướng bèn cắm thanh kiếm to bản vào vỏ nghe đánh xoạt một cái.

Lúc ấy tôi cũng có người yêu. Tôi nói muốn gặp người con gái mình yêu một lần trước khi chết. Viên tướng bảo nếu chỉ đợi đến sáng khi gà gáy sáng thì cũng bằng lòng. Cho đến khi gà gáy phải gọi được người con gái tới đây. Gà gáy rồi mà người con gái vẫn không đến thì tôi sẽ bị giết mà không gặp được nàng,

Viên tướng vẫn ngồi yên đăm đăm nhìn đuốc lửa. Tôi vẫn ngồi khoanh chân trên cỏ, hai chân đi đôi giầy rơm to tướng, mà đợi người con gái. Đêm càng lúc càng về khuya.

Thỉnh thoảng ngọn đuốc phát ra tiếng lửa sắp tàn. Ngọn lửa sắp tàn như thể bối rối cháy tạt về phía viên tướng. Đôi mắt của viên tướng sáng quắc lên dưới đôi mày đen nhánh. Tức thì có ai đó tới ném thêm nhiều thanh  củi mới vào giữa ngọn lửa. Lát sau có tiếng củi lửa nổ lách tách. Tiếng nổ kêu bật mạnh như muốn phá vỡ màn đêm.

Lúc đó người con gái đã dẫn con ngựa trắng buộc nơi cây sồi sau nhà ra, vuốt nhẹ chiếc bờm ngựa ba cái rồi nhảy phắt lên lưng ngựa khá cao. Lưng ngựa không có yên cương cũng không có bàn đạp để chân. Cô gái thúc đôi chân dài trắng nuốt vào hông ngựa khiến nó chồm lên và phóng đi. Có ai đó đã tiếp thêm đuốc lửa, nên trông thấy được phía chân trời xa hơi mờ sáng. Ngựa nhắm vào ánh sáng này mà phóng tới trong bóng đêm. Ngựa phi tới, hơi thở như hai cột lửa phụt ra từ lỗ mũi ngựa. Thế mà cô gái vẫn cứ thúc mãi đôi chân thon vào hông ngựa. Ngựa phi nhanh đến nỗi tiếng vó ngựa vang lên đến tận trời. Mái tóc của cô gái bị gió thổi bay tạt ra đằng sau như kéo theo một chiếc đuôi. Thế nhưng mãi vẫn chưa tới được chỗ ngọn đuốc.

Thế rồi trong bóng đêm, từ bên đường, chẳng mấy chốc vang lên tiếng gà gáy cúc cù cu. Người con gái rướn người về phía trước, hai tay gò siết dây cương thủ thế. Con ngựa bấm móng hai vó trước trên vách đá cứng kêu lóc cóc.

Cúc cù cu, gà lại cất tiếng gáy.

Người con gái kêu lên một tiếng, buông lỏng dây cương đang ghì chặt. Ngựa khuỵu hai chân xuống. Cả ngựa lẫn người cưỡi trên lưng đều lao về phía trước. Dưới vách đá là vực sâu.

Vết móng ngựa đến nay vẫn còn lại trên vách đá. Giả vờ bắt chước tiếng gà gáy chính là con quỷ Amanojaku. Chừng nào vết móng ngựa còn in trên vách đá này thì tôi còn thù Amanojaku.

Chú thích của người dịch:

Tương truyền Amanojaku (còn gọi là Ame no Sagume) có thể hiểu được việc làm của trời và  thấu hiểu được lòng người. Nhưng về sau, khi chim trĩ Kiji no Nakime được nữ thần Amaterasu sai đi truyền lệnh cho Ame no Waka Hiko,  Amanojaku bảo rằng tiếng con chim trĩ này không hay,  xúi  Ame no Waka Hiko lấy cung bắn chết Kiji no Nakime, nên từ đó trở đi Amanojaku bị coi là ác quỷ.

- Giấc chiêm bao thứ sáu -
Tôi nghe đồn nhà sư Unkei đang đẽo tượng thần hộ pháp Kim Cương Lực sĩ nơi cổng chùa Kokubunji, bèn đang lúc đi dạo tìm đến xem thử, thì thấy đã có nhiều người đến trước tôi đang xúm xít ở đấy mà bàn ra tán vào loạn cả lên.

Trước cổng chùa độ khoảng mười thước, có một cây tùng đỏ, thân cây tùng mọc ngả sang một bên che khuất mái ngói trên cổng chùa và vươn lên phía nền trời xanh. Tàng lá thông xanh tương phản với cổng chùa màu son đỏ thật đẹp. Thân cây mọc chênh chếch phía bên trái cổng chùa ở một vị trí không làm bận mắt, rồi lên cao thì tỏa rộng đến tận mái cổng, nhìn có vẻ rất cổ kính, khiến ta nghĩ đó là vào thời Kamakura.

Thế nhưng những người đến xem thì ai cũng giống mình, đều là người ở thời Minh Trị. Trong số đó đông nhất là bọn phu kéo xe. Chắc là họ đứng chờ đón khách ở ngoài đường mãi cũng chán nên kéo đến xem.

Có kẻ nói

-Tượng to thật !

Có người lại bảo:

-Coi bộ đẽo tượng mà còn mệt hơn là bà mụ nặn con cháu đấy.

Thế nhưng lại có gã dài mồm ra bảo :

-Ơ hay, tượng thần hộ pháp à... Thời bây giờ mà còn đẽo tượng thần hộ pháp hay sao nhỉ. Vậy mà tớ cứ tưởng tượng thần hộ pháp đều là tượng cổ hết đấy chứ.

Có người bảo tôi:

-Tượng trông có vẻ khỏe đấy nhỉ. Nghe đâu từ xưa, hễ bảo có người nào

khỏe là lại nói rằng có khỏe cũng không hơn thần hộ pháp Kim Cương Lực sĩ được. Nghe đâu thần Kim Cương Lực sĩ còn khỏe hơn cả Thần Yamatodake no Mikoto của Nhật đấy.

Gã đàn ông này giắt đuôi áo lên thắt lưng, và không đội mũ. Trông bộ dạng đúng là người ít học.

Unkei vẫn mải miết khua búa và đục không để ý gì tới những lời bàn tán của bọn người đứng xem, không hề ngoảnh ra nhìn họ. Unkei leo lên cao ngang tầm mặt tượng hộ pháp, luôn tay đục đẽo.

Unkei đội trên đầu một cái gì như chiếc mũ nhỏ, trên lưng khoác một cái áo gì mà có ống tay áo thật rộng. Tôi thắc mắc không hiểu làm sao mà Unkei vẫn còn sống cho đến bây giờ, vừa nghĩ bụng sao lại có chuyện lạ thế, xong vẫn đứng xem.

 Thế nhưng Unkei thì có vẻ như chẳng lấy gì làm lạ hay kỳ quái, vẫn chăm chú đẽo tượng. Có một người đàn ông còn trẻ ngửa cổ nhìn cảnh tượng này quay nhìn tôi, lên tiếng khen ngợi:

-Quả là Unkei có khác! Nào có thèm để mắt đến bọn mình đâu. Có vẻ như là anh hùng trong thiên hạ chỉ có thần Kim Cương Lực sĩ và ta đây mà thôi. Giỏi lắm!

Tôi thấy hắn nói nghe cũng hay, bèn thử nhìn về phía người đàn ông trẻ tuổi ấy, thì hắn liền bảo tôi:

-Hãy nhìn cái dùi đục với cái búa ấy kia. Thật là đã đạt đến chỗ ung dung tự tại lắm thay.

Lúc này Unkei đẽo tượng đã gần đến ngang chỗ hàng lông mày rậm, đang thoăn thoắt xoay -hết úp lại ngửa- lưỡi dùi đục được dựng đứng và được gõ bằng búa theo chiều dọc từ trên xuống dưới. Gỗ cứng mới được đẽo một nhát, mẩu dăm bào khá dày vừa văng ra theo tiếng gõ của chiếc búa, thoắt cái đã thấy hiện dần ra một bên cánh của cái mũi đang giận dữ phồng to rộng hoác cả ra. Cách đưa lưỡi đục ấy mới mạnh bạo không chút do dự ngại ngần. Và cũng không thấy xen lẫn trong ấy một mảy may sự hoài nghi nào cả.

"Sao khéo dùng dùi đục một cách tự nhiên thế mà chạm được đôi lông mày với chiếc mũi thật như ý vậy nhỉ",  tôi thán phục bất giác thốt lên tiếng như nói một mình, tức thì gã trẻ tuổi lúc nãy liền đáp:

-Cái gì ?! Đó không phải là dùng dùi đục để đẽo lông mày với chiếc mũi đâu.?Mà chỉ là lấy búa với dùi đục để cậy lông mày với mũi ở trong gỗ ra đấy thôi. Thật chẳng khác nào như là đào đá từ dưới đất lên đâu.

Bấy giờ tôi mới bắt đầu nhớ ra điêu khắc là thế nào. Và mới sực nhớ ra rằng nếu quả là như vậy thì ai cũng làm được. Thế rồi bỗng nhiên tôi cũng muốn thử khắc tượng thần Kim Cương Lực sĩ, bèn thôi không đứng xem nữa mà liền quay về nhà.

Tôi lấy búa và dùi đục đựng trong hộp dụng cụ ra, ra sau nhà xem thử, thấy có cây sồi bị  đổ vì gió lớn hôm trước, định dùng làm củi đốt, đã được thợ xẻ gỗ cưa thành nhiều khúc vừa tầm, chất đầy ở đấy.

Tôi bèn chọn lấy khúc gỗ lớn nhất, hăm hở bắt đầu đẽo thử, nhưng không may chẳng tìm thấy thần Kim Cương Lực sĩ đâu cả. Đẽo tới khúc thứ hai vẫn chẳng may không tìm thấy. Đến khúc thứ ba, vẫn không thấy thần Kim Cương Lực sĩ. Tôi đã đục đẽo hết sạch tất cả đống gỗ chất ở đó, mà chẳng có khúc gỗ nào có thần Kim Cương Lực sĩ tàng ẩn ở trong. Cuối cùng tôi mới ngộ ra rằng gỗ của thời Minh trị thì không thể nào có giấu thần Kim Cương lực sĩ ở trong được. Và thế rồi tôi mới hiểu ra lý do tại sao Unkei vẫn còn sống cho tới ngày nay.

Chú thích của người dịch:

Unkei là một nhà sư ở vào thời đại Kamakura (1185-1333)

- Giấc chiêm bao thứ bẩy -
Cái gì mà như thể là tôi đang ở trên một chiếc tàu thật lớn.

Chiếc tàu này không ngừng nhả khói đen ngòm suốt ngày đêm mà đi mãi và cứ vừa lướt sóng tiến tới vừa kêu rầm trời mà chẳng biết là đang đi đâu. Vầng thái dương đỏ tựa như chiếc đũa cời than đang cháy rừng rực từ dưới đáy sóng nước trồi lên. Vầng thái dương ấy leo lên cao đến phía trên cột buồm, tưởng chừng như được treo ở đấy một lát thì chẳng mấy chốc đã vượt qua chiếc tàu lớn, bỏ đi trước. Thế rồi cuối cùng vầng thái dương ấy lại giống như chiếc đũa cời than bị nhúng xuống nước, kêu xèo một tiếng mà chìm nghỉm xuống đáy sóng nước. Cứ mỗi lần như thế, làn sóng xanh thẫm ở đằng xa lại sôi sùng sục lên, đỏ sẫm lại. Tức thì con tàu lại kêu rầm trời cố đuổi theo dấu vết của vầng thái dương, nhưng tuyệt nhiên, chẳng bao giờ có thể đuổi kịp.

Có lần tôi đã túm lấy một người thủy thủ mà hỏi anh ta rằng

-Tàu này đi về hướng tây phải không ?

Người thủy thủ lấy làm lạ nhìn tôi với vẻ mặt ngơ ngác hồi lâu rồi hỏi lại :

-Tại sao ?

-Vì có vẻ như là nó đuổi theo mặt trời lặn.
Người thủy thủ bật cười thành tiếng, rồi bỏ đi mất.

Có tiếng hò hát:

Ngày đi về phương Tây / Tận cùng là Đông chăng / Có phải thật thế không /

Ngày đi về phương Đông / Quê có phải phương Tây / Có phải thật thế không /

Gửi mình trên sóng nước/ Trôi, trôi đi, trôi đi.

Tôi đi về phía mũi thuyền xem thử thì thấy các thủy thủ đang xúm xít ở đó đang kéo chiếc dây buồm thật to
Tôi bỗng cảm thấy hết sức cô đơn. Không biết bao giờ mới lên bờ được. Và cũng chẳng biết là đang đi về đâu nữa. Chỉ biết một điều chắc chắn là con tàu đang nhả khói đen ngòm và lướt sóng trôi đi. Sóng nước ấy rộng mênh mông và nhìn như là một màu xanh thăm thẳm, đôi khi còn trở thành màu tím. Chỉ có điều là quanh con thuyền đang trôi thì lúc nào cũng sủi bọt trắng xóa. Tôi thấy cô đơn quá, đã nghĩ đến chuyện chẳng thà nhảy xuống biển mà chết đi còn hơn là ở trên chiếc tàu như thế này.

Có nhiều người cùng đáp tàu với tôi, phần lớn dường như toàn là người ngoại quốc. Thế nhưng họ có nhiều khuôn mặt khác nhau. Một hôm trời kéo mây vần vũ, con tàu bị sóng nhồi, có một người đàn bà tựa vào lan can thành tàu mà khóc nức nở. Tôi thấy chiếc khăn tay chùi mắt trắng xóa. Thế nhưng người đàn bà mặc trên người bộ áo như là bằng vải in hoa. Nhìn người đàn bà này, tôi chợt hiểu rằng không phải chỉ riêng mình tôi thấy buồn.

Một buổi tối, tôi lên trên boong tàu, một mình đứng ngắm sao, thì có một người ngoại quốc tiến tới hỏi tôi có biết gì về thiên văn học không. Tôi đang chán muốn chết được, đâu có cần phải biết đến những thứ như thiên văn học ấy. Tôi làm thinh không đáp, tức thì người ấy bèn nói cho tôi nghe về sao Bắc Đẩu ở phía trên chòm sao Kim Ngưu. Rồi người ấy nói rằng biển và các vì sao đều do Chúa tạo ra. Cuối cùng người ấy hỏi tôi có tin Chúa không. Tôi chỉ nhìn trời lặng thinh không đáp.

Một hôm tôi vào phòng khánh tiết của con tàu, trước mặt tôi là một cô gái còn trẻ ăn mặc thật lộng lẫy. Cô đang đàn dương cầm. Đứng cạnh cô là một người đàn ông cao lớn bệ vệ đang hát. Miệng anh ta trông rộng như ngoác đến mang tai. Thế nhưng cả hai có vẻ như hết sức vô tình, chẳng biết có ai khác ngoài họ. Dường như họ còn quên khuấy là họ đang ở trên một con tàu là khác.

Càng lúc tôi càng thấy chán chường. Cuối cùng tôi đã nhất định là sẽ phải chết. Thế rồi một buổi tối, thừa lúc chung quanh chẳng có ai, tôi đã nhẩy tòm xuống biển. Tuy nhiên, khi chân vừa rời khỏi boong tầu, đúng vào cái khoảnh khắc mà tôi cắt đứt duyên nợ với con tàu, thì tôi bỗng cảm thấy chết là uổng mạng. Tự đáy lòng tôi đã có ý nghĩ rằng phải chi mà mình đừng làm như thế. Thế nhưng khi tôi nghĩ vậy thì đã muộn rồi. Dù muốn dù không thì tôi cũng phải lao xuống biển. Tuy nhiên, vì thân tàu rất cao, nên cho dù mình tôi đã rơi ra khỏi con tàu, nhưng không dễ gì mà chân đã chạm tới mặt nước. Tuy thế, vì không có cái gì để nắm lấy, nên, từ từ tôi cũng sắp rơi xuống tới sát mặt nước. Dù tôi có co chân lại thì cũng sắp tới gần. Nước biển giờ màu đen ngòm.

Sau đó con tàu vẫn nhả khói đen ngòm như mọi khi và cứ thế đi qua. Tôi vừa chợt hiểu ra rằng mình vẫn nên ở trên tàu, cho dù đó là con tàu chẳng biết đang đi về đâu, thế nhưng tôi đã chẳng còn kịp dùng sự hiểu biết ấy vào việc gì, mà âm thầm rơi xuống lượn sóng đen ngòm trong nỗi kinh hoàng và ân hận vô biên.

Nguyên tác : Yume Juu Ya của Natsumei Soseki (25/7 - 5/8/1908 )
Người dịch : Quỳnh Chi (22/10/2009)


 [ Trang sau ]   /   [ Trang trước ]