Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Nguyên
tác : Yume Juu Ya của Natsumei Soseki
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- Giấc chiêm bao thứ ba - Tôi nằm mơ thấy mình đang cõng một đứa bé lên sáu. Nó đúng là con tôi. Nhưng lạ một diều là chẳng biết từ lúc nào nó đã bị mù, đầu thì cạo trọc. Tôi hỏi nó rằng mắt mày bị mù từ bao giờ thì nó trả lời rằng đâu như là từ ngày xưa ấy. Giọng nói đúng là của trẻ con không lầm vào đâu được, nhưng giọng điệu cứ như là người lớn. Mà còn như là nói với người ngang hàng nữa chứ.
Chung quanh là ruộng lúa non. Lối đi hẹp. Thấp thoáng có bóng cò trong đêm.
Có tiếng nói trên lưng :
-Đang đi qua ruộng đấy nhỉ
Tôi ngoái lại hỏi:
-Sao con biết ?
Nó đáp:
-Thì chẳng có tiếng cò đấy là gì.
Tức thì bấy giờ cò mới kêu lên độ hai tiếng.
Tôi bỗng thấy sợ tuy rằng nó là con mình. Của này mà cõng trên lưng, không biết rồi đây sẽ ra sao.Tôi nhìn ra xa phía trước xem có chỗ nào quẳng nó xuống, thì thấy trong bóng tối âm u có một cánh rừng lớn. Tôi vừa mới nghĩ bụng “ chỗ ấy được đấy “, thì bỗng có tiếng trên lưng
-Hì hì.
-Con cười gì thế ?
Đứa con không trả lời mà lại hỏi:
-Bố ạ, có nặng không đấy ?
Tôi đáp :
-Không nặng đâu.
Thì nó nói:
-Rồi sẽ nặng dần lên đấy.
Tôi lặng thinh nhắm cánh rừng mà đi tới. Đường đi giữa cánh đồng ngoằn ngoèo chẳng ngay hàng thẳng lối nên đi mãi không ra khỏi được. Được một lát thì con đường chia ra làm hai ngả, tôi đứng lại tạm nghỉ ở chỗ ngã ba đường.
-Chỗ này có dựng một tảng đá thì phải.
Nhóc con nói.
Quả nhiên ở đấy có một tảng đá dựng làm mốc, vuông vức mỗi cạnh chừng ba tấc, cao đến thắt lưng. Mặt trước của tảng đá này có khắc hàng chữ Bên trái: Higakubo (Hang mặt trời), Bên phải: Hotta-Hara ( Ruộng đào ). Trong bóng tối những hàng chữ màu đỏ như bụng con tắc kè vẫn hiện rõ mồn một. Nhóc con ra chỉ thị :
-Nên đi lối bên trái.
Nhìn sang bên trái thấy bóng đen của cánh rừng lúc nãy từ trên bầu trời cao chụp xuống trên đầu của cả hai. Tôi còn hơi do dự thì nhóc con lại bảo
-Không phải ngần ngại gì cả.
Tôi đành bước đi về ngã đường bên trái. Tôi vừa đi thẳng tới nghĩ bụng "Mắt mù thế mà sao cái gì nó cũng biết nhỉ ?". Khi sắp đến gần khu rừng, trên lưng có tiếng :
-Mù lòa, chẳng làm gì được, phiền quá.
-Vì vậy người ta mới cõng cho rồi còn gì.
-Được cõng thì cũng quý đấy, nhưng mà không nên để cho người ta coi thường mình. Không nên để cho cả đến cha mẹ cũng coi thường mình
Tôi bỗng thấy chán chường làm sao ấy. Tôi bước vội, chỉ muốn chóng đến chỗ khu rừng để quẳng nó đi cho rồi.
Trên lưng có tiếng nói như thể lẩm bẩm tự nhủ một mình
-Đi một tí nữa thì biết......Cũng vào một đêm như thế này thì phải.
Tôi hỏi lại, giọng dồn dập :
-Chuyện gì hả ?
-Chuyện gì thì bố đã biết cả rồi còn gì.
Đứa con trả lời như thể chế nhạo tôi. Tôi bỗng có cảm tưởng là mình cũng đã biết, nhưng không biết chính xác là chuyện gì. Chỉ nhớ mang máng là hình như cũng vào một đêm tối như thế này. Và nghĩ bụng cứ đi một chút nữa thì sẽ biết thôi. Thế rồi tôi lại nấy ra cái ý nghĩ rằng khi đã vỡ lẽ ra sẽ phiền hà lắm đấy, chi bằng lúc còn chưa biết gì hẵng nhanh tay quẳng đi cho rảnh nợ. Nghĩ rồi tôi càng rảo bước nhanh hơn.
Trời mưa tự nẫy giờ. Đường đi mỗi lúc một tối dần, tôi như kẻ mộng du. Chỉ có điều là thằng nhóc con cứ bám chặt sau lưng, và nó biết hết cả quá khứ, hiện tại, tương lai của mình, cứ tỏ như là soi gương ấy, không bỏ sót một manh mún sự thực nào. Mà đó lại là con của mình. Và nó lại mù lòa. Tôi thấy rợn cả người.
-Chỗ này, chỗ này đấy. Ngay ở chỗ gốc cây tuyết tùng đấy.
Trong màn mưa, tôi nghe rõ mồn một tiếng thằng nhóc con. Bất giác, tôi dừng lại. Tôi đã vào sâu trong rừng từ lúc nào không biết. Có cái gì đen sì cách chừng một sải tay trước mặt, thì ra đúng là cây tuyết tùng như lời thằng nhóc.
-Bố ạ, có phải là ở dưới gốc cây tuyết tùng ấy không ?
-Ừ, phải.
Bất giác tôi buột miệng đáp.
-Năm Thìn, năm thứ 5 niên hiệu Bunka, phải không ?
Ra thế, tôi cũng nghĩ hình như đó là năm Thìn, năm thứ 5 niên hiệu Bunka.
-Mày đã giết tao cách đây đúng một trăm năm trước đấy.
Không biết là tôi đã kịp nghe câu nói này của thằng nhóc hay chưa, nhưng cũng đúng lúc ấy, tôi chợt nhớ ra rằng vào năm Thìn, năm thứ 5 niên hiệu Bunka, cách đây đúng một trăm năm trước, mình đã từng giết một người mù ở dưới gốc cây tuyết tùng này, trong một đêm tối trời như đêm nay. Đúng lúc tôi vừa nhận ra rằng mình là một kẻ giết người, đứa con trên lưng bỗng nặng trĩu như một bức tượng Phật Địa Tạng bằng đá.
- Giấc chiêm bao thứ tư - Tôi đã nằm mơ thấy ở giữa gian nhà khách có kê một cái phản, chung quanh có xếp nhiều cái ghế đẩu. Mặt phản đen bóng. Ở góc phản có một ông cụ đang ngồi trước cái khay vuông nhắm rượu một mình. Thức nhắm hình như là một món kho.
Mặt ông cụ đã đỏ hồng vì rượu. Lại thêm da mặt ông bóng láng, chẳng có một vết gì đáng gọi là nếp nhăn. Chỉ có điều là ông để râu nên mới biết đó là một cụ già. Tôi nghĩ nếu mình là trẻ con thì không biết ông cụ bao nhiêu tuổi. Đúng lúc đó, bà chủ nhà xách thùng gỗ múc đầy nước từ nhà sau đi ra, vừa lau tay vào chiếc tạp dề, vừa hỏi:
-Ông bao nhiêu tuổi rồi ?
Ông cụ nuốt ực miếng đồ nhắm mới vừa bỏ vào miệng, thản nhiên đáp :
-Bao nhiêu tuổi cũng quên rồi.
Bà chủ nhà thọc bàn tay vừa lau vào giữa dải thắt lưng obi quấn quanh bụng, nhìn như soi vào mặt ông cụ. Ông cụ uống đánh ực chén rượu lớn như cái bát ăn cơm, rồi thổi phù một hơi qua giữa chòm râu bạc dài phất phơ.
Bà chủ nhà bèn hỏi:
-Nhà ông ở đâu ?
Ông cụ ngưng thở ra, đáp :
-Ở trong hốc rốn.
Bà chủ nhà, tay vẫn thọc trong thắt lưng, lại hỏi:
-Ông đi đâu bây giờ ?
Tức thì ông cụ lại uống đánh ực chén rượu nóng lớn như cái bát ăn cơm, rồi lại thở phù một hơi như lúc nẫy:
-Đi đến chỗ đằng kia.
Khi bà chủ nhà hỏi :
-Đi thẳng hả ?
thì hơi thở của ông cụ đã chui qua cửa dán giấy shoji , luồn dưới cây liễu mà bay thẳng tuốt ra tới ngoài đồng.
Ông cụ đã đi ra đến cửa. Tôi cũng đi theo ra. Ông cụ đeo lủng lẳng ở thắt lưng một quả bầu nhỏ, trên vai đeo buông xuống nách một cái hộp vuông. Ông mặc một cái quần bó sát vào chân màu vàng nhạt, một cái áo trấn thủ cũng màu vàng nhạt, chỉ có đôi tất là nhìn ra màu vàng.
Ông cụ đi thẳng ra đến gốc cây liễu. Dưới gốc cây có ba bốn đứa trẻ. Ông cụ vừa cười vừa rút một cái khăn để thắt ngang trán màu vàng nhạt giắt ở thắt lưng ra. Cái khăn có vẻ như bện bằng giấy thành dải dài. Thế rồi ông đặt khăn xuống giữa mặt đất, đoạn vẽ những vòng tròn chung quanh cái khăn. Cuối cùng ông lấy trong chiếc hộp đeo trên vai ra một ống sáo đúc bằng đồng của hàng kẹo. Ông cụ nói, lập đi lập lại rằng :
-Nhìn đây ! Bây giờ cái khăn này sẽ thành con rắn cho mà xem.
Lũ trẻ con chăm chú nhìn vào cái khăn. Tôi cũng nhìn.
-Nhìn đây, nhìn đây. Thích không nào ?
Ông cụ vừa thổi sáo vừa nói, vừa đi vòng quanh, chân dẫm lên những cái vòng tròn. Tôi chỉ lo nhìn vào cái khăn, nhưng cái khăn tuyệt nhiên vẫn không động đậy.Ông cụ thổi sáo réo rắt, và đã đi vòng quanh được mấy vòng, chân rón rén bước đi bằng mấy đầu ngón chân cắm xuống trên đôi dép rơm, có vẻ e ngại chiếc khăn, nhìn ra chiều sợ sệt. Thấy cũng hay hay.
Được một lát tiếng sáo của ông cụ bỗng ngừng bặt. Thế rồi ông cụ mở cái hộp đeo trên vai, nhanh nhẹn chộp lấy đầu chiếc khăn mà ném vào trong hộp.
-Làm thế này, ở trong hộp, nó sẽ biến thành rắn cho mà xem.
Ông cụ vừa nói vừa đi thẳng tới, đi qua gốc cây liễu, bước thẳng xuống cái ngõ nhỏ. Tôi muốn trông thấy con rắn, nên cứ theo sau ông cụ mãi trong ngõ . Ông cụ vừa đi, thỉnh thoảng lại vừa nói "Thành bây giờ", hoặc "Thành rắn". Cuối cùng ông cụ vừa đi vừa hát :
Ima ni naru, hebi ni naru (Thành bây giờ, thành rắn)
Kitto naru, fue ga naru (Nhất định thành, sáo reo)Thế rồi ông đi ra đến tận bờ sông. Không có cầu bắc ngang hay thuyền bè gì cả, tôi tưởng ông cụ sẽ dừng lại nghỉ ở đấy và lấy con rắn trong hộp ra cho xem, thì ông lại bì bõm lội xuống sông. Lúc đầu nước mới ngập ngang đầu gối, nhưng dần dần tới thắt lưng, không còn trông thấy ngực nữa, thế mà ông cụ vẫn tiếp tục hát và cứ đi thẳng mãi.
"Fukaku naru, yoru ni naru " ( Sâu xuống, đêm xuống)
"Massugu ni naru " ( Thành thật thẳng )Thế rồi cả đến chòm râu, cả mặt , cả đầu, cả khăn bịt đầu của ông cụ cũng mất hút chẳng còn trông thấy nữa.
Tôi đoán khi ông cụ đi lên bờ sông bên kia thì có lẽ ông sẽ cho mình xem rắn, bèn một mình đứng đợi ở chỗ có lau sậy đang reo vi vu.Thế nhưng rút cuộc mãi chẳng thấy ông cụ đi lên.
Tokyo ( 1993- 25/10/2008 )
Nguyên tác : Yume Juu Ya của Natsumei Soseki (25/7 - 5/8/1908 )
Người dịch : Quỳnh Chi
[ Trang sau ] / [ Trang trước ]