Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[ Tác giả ]
|
Biên soạn: Nguyễn Nam Trân PHẦN I : TỪ THƯỢNG CỔ ĐẾN NAM BẮC TRIỀU |
|
Tiết 1: Chính trị và văn hóa hồi đầu thời Heian: |
1.1
Việc dời đô về Heian và chỉnh lý lại chính trị luật
lệnh:
Năm 770, Nữ thiên hoàng Shôtoku, người vì sủng ái tăng Dôkyô đến nổi gây hỗn loạn trong triều đình, vừa băng hà thì hai nhân vật xuất thân từ cánh nhà Fujiwara là Nagate và Momokawa đã bàn mưu với nhau để lập Thiên hoàng Kônin (Quang Nhân). Họ đuổi được tăng Dôkyô tức người đã mượn lời thần thác từ đền Usa Hachimanguu để toan đưa mình lên ngôi thiên hoàng, cũng là người vào năm 765 được phong chức Thái Chính Đại Thần Thiền Sư và vào năm 766 leo lên tới địa vị Hôô (Pháp hoàng), một chức vụ xưa nay chưa từng có. Bị bãi miễn, Dôkyô phải về tu ở ngôi chùa Yakushiji vùng Shimotsuke no kuni (tỉnh Tochigi bây giờ), một nơi ở miền đông thật xa kinh đô, sống cho hết quãng đời thừa. Việc Nữ thiên hoàng Shôtoku băng hà và việc đưa Thiên hoàng Kônin lên ngôi tự nó chỉ là một chi tiết lịch sử nhưng chính ra là một sự kiện có ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng. Lý do là trước khi Kônin lên ngôi, ông vốn có tên là hoàng tử Shirakabe. Để tránh có mặt trong cuộc chạy đua tranh giành ngôi báu sau cái chết của Thiên hoàng Shômu, ông đã sống cuộc đời be bét rượu chè. Do đó, việc đưa một người như ông lên ngôi không khỏi gây chấn động trong dư luận giới quan lại kinh đô. Trên thực tế, kể từ đời Thiên hoàng Tenmu, ngôi vị thiên hoàng vẫn nằm trong tay một người được chọn từ đám con cháu trực hệ huyết thống của ông. Trái ngược với họ, Hoàng tử Shirakabe là một nhân vật thuộc dòng anh tức Thiên hoàng Tenji. Điều đó vượt ra ngoài thường thức, không kể việc ông là kẻ đam mê rượu chè. Như thế chỉ có thể giải thích bằng việc những kẻ chủ mưu thay bậc đổi ngôi đang dấu sau lưng dụng ý đổi mới chính trị nào đó mà thôi. Điều ấy cũng có nghĩa là cánh nhà Fujiwara, cho đến lúc đó bị Dôkyô chèn ép, nay muốn khôi phục thế lực của gia đình mình bằng cách hạ lá bài Shirakabe như một thủ đoạn chính trị có khả năng khởi tử hồi sinh. Hơn thế nữa, không bao lâu sau khi Kônin tức vị, ông đã bắt giam Hoàng thái tử Osabe với tội danh là đã dùng bùa chú để trù ẻo mình. Ông hoàng này là con giữa ông (Kônin) và Hoàng hậu, người vốn là công chúa Inoue và là con gái của Shômu (huyết thống Tenmu). Qua chuyện đó, người ta có thể thấy sự mưu tính và can thiệp của gia đình Fujiwara. Người được lập lại tân Hoàng thái tử là Hoàng tử Yamabe, người do bà Taka no Niigasa sinh ra.Cha mẹ bà này là người nhập cư và không có giọt máu nào của Tenmu. Hoàng tử Yamabe này sau sẽ lên nối ngôi Thiên hoàng Kônin và được lịch sử biết đến với cái tên là Thiên hoàng Kanmu (Hoàn Vũ). Như thế huyết thống của hoàng triều đã hoàn toàn đổi lề từ cánh Tenmu sang cánh Tenji. Nhà nước luật lệnh cũng vì thế mà thay đổi đường lối. Chúng ta hãy thử nhìn qua nội dung chính trị của Thiên hoàng Kônin, một vị thiên hoàng hệ Tenji đầu tiên có mặt từ sau thời Nara. Nói gọn hơn thì
từ sau biến cố Dôkyô, đã có một sự đặt lại vấn đề
về tình hình xã hội và người ta cảm thấy có nhu cầu chỉnh
đốn lại chế độ luật lệnh cho thích hợp. Cụ thể là
không được để cho tăng lữ có thể nhúng tay vào chính trị
thêm một lần nữa và cố gắng sao cho thủ tục hành chánh
được đơn giản hơn, cũng như loại bỏ những chức quan
không cần thiết nhằm tiết giảm công quỹ và khinh giảm
binh dịch vv...
Sau khi Thiên hoàng Kanmu (Hoàn Vũ) lên nối ngôi cha là Kônin (Quang Nhân) thì có một biến chuyển quan trọng xảy ra.Thiên hoàng Kanmu cho rằng đất Nara là nơi có nhiều chùa chiền chịu ảnh hưởng những thế lực cũ đã bắt rễ ở đấy nên muốn dời đô về vùng Yamashiro vốn tiện cho việc giao thông thủy lục và gần gũi với căn cứ địa phía nhà mẹ ông là những người thuộc một gia đình dân nhập cư. Như vậy, ông muốn cắt đứt liên hệ với thế lực Phật giáo cũng như với hào tộc địa phương Nara.Nó cũng có thể giúp ông xúc tiến dễ dàng hơn việc cải cách chế độ luật lệnh.Nếu Nara là kinh đô của cánh Tenmu thì kinh đô mới sắp xây phải là biểu tượng cho quyền lực của cánh Tenji. Do đó, về tính chất của Phật giáo cũng vậy, giữa Phật giáo Nara và Phật giáo Heian đã thấy có sự không đồng nhất về cơ bản. Thiên hoàng Kanmu tỏ ra nghiêm khắc đối với qui chế các tăng lữ cho nên giữa giới Phật giáo với nhau đã có những cuộc vận động cách tân. Từ khi thiên đô từ Nara về Heian cho đến cuối thế kỷ thứ 9 (giai đoạn gọi là thời kỳ văn hóa Kônin - Jôgan hay Hoằng Nhân- Trinh Quán) [1], Phật giáo đã chịu ảnh hưởng cách tân của hai vị tăng lữ từng có kinh nghiệm theo đoàn đi sứ qua nhà Đường. Hai người nói trên đã ở lại du học bên Trung Quốc. Một người là tăng Saichô (Tối Trừng), ông đã mở chùa Enyakuji (Diên Lịch Tự) thuộc tông Tendai (Thiên Thai) trên núi Hieizan (Tỉ Duệ Sơn). Nhân vật thứ hai tên Kuukai (Không Hải), tăng phái Shingon (Chân Ngôn), khai sơn Kongôbuji (Kim Cương Phong Tự) trên ngọn Koyasan (Cao Dã Sơn). Phật giáo của hai người chịu ảnh hưởng của Mật Tông, chủ trương sống trong núi sâu và tu hành khắc khổ. Mục đích của họ là cầu xin cho đất nước được an thái (tinh thần Phật giáo hộ quốc), đồng thời xin cầu đảo, bắt quyết niệm chú sao cho những lợi ích mong muốn được thực hiện trong cõi đời này. Quý tộc đương thời nhiều người trở thành tín đồ của họ. Ngoài việc đó, tăng Kuukai còn lập những cơ sở giáo dục mang tên Shuugei shuuchiin (Tổng nghệ tổng trí viện) với mục đích giáo dục người nghèo. Cùng với sự ra
đời của khuynh hướng mới trong Phật giáo nầy, giới nghệ
thuật cũng thay hình đổi dạng. Các bức tranh mạn đà la
(mandara, thai tạng giới [2])
mô tả thế giới trong giáo lý mật ngôn rất phát triển,
vị trí các già lam nơi chùa chiền đều được qui hoạch
tự do theo địa hình thiên nhiên. Đó là hình thức murouji
(thất sinh tự). Kiểu tạc những bức tượng Phật từ một
khúc cây duy nhất (gọi là ichibokuzukuri) cũng được yêu chuộng
tự ngày đó.
1.2 Kinh đô Nagaoka và kinh đô Heian: Kinh đô đầu tiên mà Thiên hoàng Kanmu muốn dời đến là Nagaoka.Từ năm 784, ông hạ lệnh bắt đầu xây cung thất ở đấy, đến tháng 11 cùng năm thì dọn về. Việc tại sao chọn vùng Nagaoka làm kinh đô mới thì có lối giải thích là cả Thiên hoàng Kanmu lẫn người chỉ huy việc xây cất cung điện (Fujiwara no Tanetsugu) đều có mẹ gốc nhập cư xuất thân tự vùng này. Họ có liên hệ mật thiết với cánh nhà Hata tức một thế lực đến từ lục địa. Tuy nhiên, một sự cố không ngờ tới đã xảy ra ngay năm sau khi Tametsugu, người quản đốc công trình, bị phía chống đối lại dự án ám sát chết.Những người thuộc hai dòng họ kỳ cựu có khả năng phá đám là họ Ôtomo và họ Saeki bị nghi là chủ mưu và bị xử hình. Ngay cả tước vương Sawara, em trai của thiên hoàng Kanmu, vì bị buộc tội có dính líu đến án mạng, cũng bị đi đày. Hoàng đệ khăng khăng chủ trương người ta vu oan cho mình, đến lúc chết cũng không nhận tội. Từ đó, chung quanh thiên hoàng đã có nhiều điềm gỡ xảy ra. Ví dụ việc Hoàng hậu Fujiwara Tabiko của ông lâm bệnh chết năm 788. Năm sau đến phiên mẹ ruột ông, năm sau nữa là Hoàng hậu Fujiwara Otomuro và phu nhân Sakanoue no Haruko toàn những người thân thiết với ông. Thế rồi dịch đậu mùa và điều kiện khí hậu không thuận tiện cho việc canh tác kéo dài nạn mất mùa thêm nhiều năm. Cuối cùng, Hoàng thái tử Ate, người đứng ở vị thế có thể nối ngôi, không hiểu mắc chứng bệnh gì mà mất. Mọi người nghĩ rằng Hoàng đệ Sawara vì chết oan ức nên đã gieo tai họa. Kết quả là đến năm 793, quan trông việc xây cất là Wake no Kiyomaro (733-799) có kiến nghị xin thiên đô thêm một lần nữa. Đại thần tên Wake này khá nổi tiếng vì xưa ông có lần tố giác việc thần của đền Usa Hachimanguu thác lời cho phép tăng Dôkyô lên ngôi là chuyện láo khoét nên đã bị viên quyền thần này đày ra vùng Ôsumi (nay ở phía nam Kagoshima). Đương thời, ông được biết đến như một học giả rành về phong tục lễ nghi. Họ Wake kể từ thời Heian trung kỳ về sau đời đời đảm nhận chức thầy thuốc trong triều đình. Kiyomaro có một người con trai tên là Hirose. Nhân vật này là người đã lấy nhà riêng của mình mà mở Daigaku Bessô, một thứ đại học, còn được gọi là Kôbun.in (Hoằng văn viện). Thiên hoàng Kanmu nghe theo lời tâu của Wake no Kiyomaro, cho dời đô về kinh đô Heian vào năm 794. Kinh đô Heian vẫn ở trong vùng Yamashiro nhưng vị trí nằm ở phía bắc kinh đô cũ Nagaoka. Thời đại gọi là Heian này sẽ kéo dài mãi đến lúc Minamoto no Yoritomo mở mạc phủ tại Kamakura. Cái tên Yamashiro (Sơn Bối) sở dĩ mà có vì đó, kinh đô Nara là một vùng đất đâu lưng (bối = shiro) vào núi (sơn = yama). Thế nhưng đến thời Heian thì người không dùng chữ Sơn Bối nữa mà thay bằng chữ Sơn Thành, cùng âm Yamashiro. 1.3 Việc quân bị và xây cất: Về mặt chính trị, Thiên hoàng Kanmu từ ngày dời đô xong thì xem việc chinh phạt sắc dân thiểu số Emishi (Hà Di) [3] như một chính sách quan trọng. Ta có thể xem chính trị của Kanmu tập trung vào hai mục tiêu cơ sở: quân sự và xây cất. Có một câu chuyện về hai chính sách trên và liên quan đến lời phát biểu của đại thần Fujiwara no Ôtsugu (Đằng Nguyên Chư Tự) trong một buổi họp bàn vào năm 805 khi Thiên hoàng bàn bạc với ông và Sugano no Mamichi (Quản Dã Chân Đạo), một đại thần khác. Những cuộc họp bàn và chính trị với hai ông gọi là tokuseisôron (đức chính tương luận) nghĩa là bàn với nhau để đi tìm những giải pháp chính trị tốt. Lúc đó Ôtsugu đã tâu như sau: "Nay thiên hạ đang khổ cực vì những biện pháp quân sự và xây cất. Ví bằng ta không cho ngừng, dân chúng sẽ chẳng để yên đâu!". Thiên hoàng lấy đó làm phải và nghe theo. Về quân sự, việc làm cụ thể là chinh phạt người Emishi. Về xây cất, việc làm cụ thể là kiến tạo kinh đô Heian. Hai việc này làm khổ dân cho nên năm 805, công việc xây cất kinh đô Heian bị đình lại. Đương thời, Heian chỉ là một cái kinh đô còn đang xây dở dang. Tuy nhiên không dễ gì ngừng ngang việc chinh phạt Emishi.Dưới đời Thiên hoàng Kônin, ở vùng Michinoku đã có cuộc nổi dậy của người lãnh đạo tập đoàn Emishi là Korehara no Azamaro (còn đọc là Iji no Azamaro). Korehara (Iji) đã có lần hạ được thành Taga cho nên để bảo vệ uy tín của triều đình, Thiên hoàng Kanmu đã nhiều lần phải gửi đại binh lên miền Đông bắc. Rốt cuộc, đại tướng (Chinh di đại tướng quân) Sakanoue no Tamura-maro đã thành công trong việc bình định người Emishi.Năm 802, ông xây được tòa thành Isawa (802) ở vùng giữa lưu vực sông Kitakami (phía bắc tỉnh Iwate) và dời phủ trấn thủ từ Taga (nay thuộc tỉnh Miyagi, xây năm 724) lên đó (802). Năm sau, ông lại cho xây thêm thành Shiwa (803, cũng ở phía bắc tỉnh Iwate bây giờ) ở mạn bắc. Như thế, phần đất phía biển Nhật Bản cho đến lưu vực sông Yoneshiro (tỉnh Aomori bây giờ) hầu như đều đã được đặt dưới sự cai trị của nhà nước luật lệnh.Còn về phía Thái Bình Dương, cuộc chinh phạt người Emishi phải đợi đến lần xuất binh năm 811 của Bunya no Watamaro thì mới chấm dứt. Dưới thời Kanmu, thiên hoàng biết tập trung thế lực vào tay mình và khống chế được giới quí tộc cho nên đã tích cực thực hiện nhiều cuộc cải cách nhằm cải thiện chế độ luật lệnh.Đặc biệt ông đã tăng cường sự kiểm soát giới quan chức địa phương như các kokuji và gunji. Ngay cả việc giữ lại hay thuyên chuyển họ, ông cũng trông chừng kỹ lưỡng.Để thi hành, ông đặt ra chức quan kiểm tra lưu động Kageyushi (Khám giải do sứ) . Đó là một chức mới, không có trong các pháp lệnh trước kia cho nên thường được gọi là "chức quan ngoài chế độ pháp lệnh đã có" (lãnh ngoại quan = ryôge no kan). Các chức quan này có nhiệm vụ xem xét loại phúc trình gọi là Geyujô (Giải do trạng) mà vị quan sở tại tiền nhiệm trước khi nhường nhiệm sở cho kẻ đến sau phải giải thích và chứng minh mình đã thu thuế, nạp thuế và quản lý, sử dụng tài sản nhà nước như thế nào.Họ kiểm tra xem có gì bất chính đã xảy ra hay không. Tuy nhiên cái việc phải đặt ra chức quan kiểm soát như thế chứng tỏ chính trị thời ấy đã hủ bại như thế nào rồi. Lãnh vực thứ hai trong chế độ luật lệnh mà thiên hoàng thấy cần xem xét và cải tổ là chế độ điền địa. Để cho luật handen (cấp phát và hồi thu đất công) được thực thi một cách đứng đắn, thiên hoàng hạ lệnh nội trong vùng Kinki (gần kinh đô), chu kỳ xét để cấp và thu hồi ruộng sẽ là 12 năm 1 lần chứ không phải mỗi 6 năm như trước. Sở dĩ có sắc lệnh giảm khinh như vậy là bởi vì từ hậu bán thế kỷ thứ 8 trở đi, con số những dân trôi dạt lưu vong vì không đủ sức đóng các thứ thuế dung, thuế điệu đã nhanh chóng tăng lên. Đến thế kỷ thứ 9 thì bắt đầu có những vụ dân chúng khai man làm giảm đi con số đàn ông trong hộ nhà mình để bớt đi phụ đảm thuế khóa. Mặt khác, để nhẹ bớt phụ đảm của nông dân, có lệnh bớt đi 3 phần 10 số tiền lời trên suikotô (xuất cử đạo) tức gạo cho vay ăn cũng như giảm phân nữa số ngày tạp dịch. Lại nữa, về mặt chế độ quân sự, cũng có cải cách.Thời kinh đô còn nằm ở Nagaoka, khoảng từ năm 792 về sau thì ngoại trừ dân vùng Đông bắc hoặc Kyuushuu, các nơi phải gửi người thay phiên nhau tùng quân thay cho chế độ quân đoàn sẵn có. Đó là chế độ kondei no sei (chế độ kiện nhi). Thay cho việc trưng binh từ nông dân trên toàn quốc (vốn chỉ đi làm nghĩa vụ quân sự nên có phần lỏng lẻo) bị phế bỏ, nhà nước đòi hỏi thành lập các đoàn kondei vốn xuất thân từ con em các kokuji và hào tộc giàu có, có chức phận ở địa phương. Những người này dũng mãnh và giỏi nghề cung mã có thể sử dụng vào việc thủ bị địa phương hoặc quốc phòng. Có thể xem họ như quân đội chuyên nghiệp nếu so sánh với quân đội nghiệp dư là lớp trai tráng nông thôn bị trưng binh. Chính vào lúc đó, nhà Đường bên Trung Quốc đến hồi suy yếu, tình hình đối ngoại bớt căng thẳng, nhưng phẩm chất quân đội lại vì thiếu áp lực bên ngoài nên có phần sút kém. Do đó, việc đào tạo một lực lượng tuy quân số không nhiều nhưng tinh nhuệ cũng là cách nâng cao tinh thần chiến sĩ. Dĩ nhiên khi làm như thế, nhà nước cũng nhắm giải ngũ đám nông dân bị trưng binh, trả họ về với đồng ruộng là nơi thích hợp với họ hơn cả. Những cải cách của Thiên hoàng Kanmu đã được các vị thiên hoàng kế tiếp như Heizei (Bình Thành), Saga (Tha Nga) thừa kế và phát triển. Chẳng hạn Thiên hoàng Heizei đã ra sắc lệnh chỉnh đốn và thống nhất quan chế các kokuji và quan lại khác nhằm giảm bớt gánh nặng về lương tiền. Còn Thiên hoàng Saga thì vào năm 810 (ngay trước biến cố chính trị gọi là Kusuko [4] no hen) đã đặt ra chức quan mới là kurôdo no to (tàng nhân đầu) để trông coi những việc cơ mật trong cung, lại đặt các ông Fujiwara no Fuyutsugu và Kose no Notari vào địa vị trọng yếu ấy.Thiên hoàng lại đặt ra chức Kebiishi (kiểm phi vi sứ = kẻ kiểm soát việc phạm pháp) như trách nhiệm cảnh sát công an để giữ an ninh và bảo vệ luật pháp trong vùng kinh đô.Những quan chức bổ nhiệm theo các qui định mới sau thời ritsuryô này được gọi là ryôge no kan hay "quan ngoài lệnh". Các chức "quan ngoài lệnh" này dần dần được đặt thêm ra trong khoảng thời gian một thế kỷ từ khi chế độ luật lệnh được thành lập (tiền bán thế kỷ thứ 8).Nó xuất hiện chỉ vì tình hình chính trị và xã hội đương thời đã có một khoảng cách so với thời luật lệnh. Điều đó có nghĩa là trên nguyên tắc, việc thiết lập các chức "quan ngoài lệnh" là để đáp ứng đòi hỏi thực tế của xã hội đương thời. Do đó chế độ này sẽ còn tiếp tục đóng một vai trò hết sức trọng yếu trong xã hội của những thời đại đến sau. Dưới thời Thiên hoàng Saga, việc chỉnh đốn pháp chế cũng tuần tự tiến triển. Nó cũng nhằm một mục đích như việc đặt ra các chức quan ngoài lệnh nghĩa là dần dà sửa đổi các định chế pháp luật thuận theo đòi hỏi của sự tiến hóa trong xã hội. Những qui định pháp luật được gọi là kyaku (cách) và các áp dụng thực tiễn và cụ thể, chi tiết của nó là shiki (thức), nói gọn là cách thức, đuợc biên tập. Những kyakushiki (cách thức) biên soạn trong niên hiệu Kônin (Hoằng Nhân, 810-824) dưới đời Thiên hoàng Saga (Tha Nga) trị vì mang tên là Kônin kyakushiki (Cách thức thời Hoằng Nhân, hoàn thành khoàng năm 820). Về sau, trải qua đời các Thiên hoàng Seiwa (Thanh Hòa) và Daigo (Đề Hồ) thì lại có Jôgan kyakushiki (Trinh Quán cách thức), Engi kyakushiki (Diên Hỷ cách thức). Ba cách thức này được xưng tụng là sandai kyashiki (tam đại cách thức) nhưng phải nói trong đó, bộ phận gọi là Engishiki (Diên Hỷ thức) là hoàn chỉnh hơn cả và may mắn còn được bảo tồn nguyên vẹn. Cũng vào thời đại này, nhà nước đã cho tụ tập những điều lệnh rời rạc rồi thống nhất chúng và biên soạn một quyển sách có tên là Ryô no gige (Lệnh nghĩa giải) để thuyết minh. Cho đến ngày nay, khi đọc những pháp lệnh ấy, ta hãy còn thấy có những chỗ không sao hiểu được thấu đáo cho nên vào thời đó, quyển sách ấy thật đã có giá trị tham khảo rất lớn vậy. Quyển Ryô no gige nói trên - sách chú thích luật lệ của nhà nước (quan soạn) - đã do một người tên là Kiyohara no Hatsuno (Thanh Nguyên Hạ Dã) viết ra. Ngoài ra còn có loại sách chú thích có tính cách tư nhân (tư soạn) như Ryô no shuuge (Lệnh tập giải). Sách này ra đời chậm hơn (hậu bán thế kỷ thứ 9), tác giả là Koremune no Naomoto (Duy Tông Trực Bản). Riêng về Thiên hoàng Saga thì chúng ta đều biết ông là một nhà thơ, nhà thư pháp trứ danh theo phong cách đời Đường. Ông cùng với sư Kuukai, đại thần Tachibana no Hayanari đều viết chữ đẹp, được người đời xưng tụng là sanpitsu (tam bút). Thiên hoàng Saga, một ông vua hay chữ
Cuối cùng phải
nhắc đến việc chính trị luật lệnh đã được lần hồi
tái lập vào đầu đời Heian với mục đích nâng cao uy tín
quốc gia và ý đồ đó đã được thấy qua việc nhà nước
cho soạn các pháp điển và sử thư. Sau khi Nihon shoki (Nhật
Bản thư kỷ) ra đời vào thế kỷ thứ 8, ta lại thấy có
6 bộ sử gọi chung tên là Rikukokushi (Lục quốc sử) rồi
đến các thi tập bằng chữ Hán như Ryôunshuu (Lăng vân tập),
Bunkashuureishuu (Văn hoa tú lệ tập), Keikokushuu (Kinh quốc tập).
Tất cả đều được biên soạn theo mệnh lệnh (chokumei =
sắc mệnh) của thiên hoàng và đã chúng tỏ rõ rất rõ ràng
phong trào của thời đại.
1.4 Quản lý nông nghiệp và xã hội quí tộc thời Heian: Như đã nói đến trong phần trước, Thiên hoàng Kanmu (Hoàn Vũ) để tái kiến chế độ luật lệnh, đã cho tiến hành nhiều cuộc cải cách mà trong đó, tích cực nhất là chế độ handen (ban điền). Thay vì cứ 6 năm ban (cấp phát) lại một lần, ông cho chuyển chế độ thành 12 năm như thời hạn được giữ đất đến lần ban phát tới. Vào thời đó, những nhà nông sống khổ sở trong chế độ handen đến hồi suy tàn đã phải khai gian hộ tịch (ngụy tịch) hay bỏ làng nước sống trôi nổi, bôn đào. Nếu có ai hỏi lý do, ta có thể trả lời là người nông dân Nhật Bản lúc ấy chỉ muốn làm đủ mọi cách cách để tránh cho được sưu cao thuế nặng. Có thể nói rằng vào năm Engi thứ 2 (902) thì trong mỗi hộ gồm một gia tộc thì có trung bình 1 người đàn ông và 10 người đàn bà. Đó là một tỷ lệ hết sức bất tương xứng. Ngay cả có những gia đình chỉ toàn đàn bà chứ không có lấy một suất đinh nào. Dĩ nhiên thực thi chính sách handen một cách chặt chẽ để tránh thất thu thuế má là kế sách của Thiên hoàng Kanmu (tại vị 781-806) nhưng suốt thế kỷ thứ 9, có những vùng trong một thời gian dài 30, 50 năm, chế độ handen không được thi hành. Việc này làm cho thiên hoàng khổ sở bởi vì nó mà số thâu nhập các thứ thuế dung và điệu bị giảm sút, đem đến khủng hoảng to lớn cho tài chánh quốc gia. Bên trên ta đã thấy trong những cuộc nghị luận chính trị, hai đại thần Fujiwara no Totsugu và Sugano no Mamichi đã khuyên thiên hoàng nên ngưng ngay các hoạt động "quân sự và xây cất". Lý do là chúng rất hao tốn công quĩ. Nếu còn tiếp tục, dân chúng sẽ mất hết hứng thú cũng như sức lao động và không tránh khỏi việc trốn tránh, đào vong. Giải pháp thông thường là nhanh chóng dừng hai việc lao dịch đó lại, gạt bỏ những phiền toái hành chánh. Như thế may ra mới có thể tái kiến chế độ luật lệnh. Tuy tình trạng nói chung là trầm trệ như vậy, người ta đã vẫn thấy có những tiến bộ về mặt kỹ thuật nông nghiệp dưới triều Heian.Lại nữa, nhiều nông dân có của đã nhận cho những những gia đình nghèo quanh vùng vay thóc, trả tô thuế thay họ và sử dụng sức lực của họ để xúc tiến việc khẩn điền.Kể từ đó, cả chính phủ lẫn đám quí tộc ở trung ương cũng phải nhìn nhận thế lực mới nổi lên của đám nông dân có của này. Việc nông dân nạp chậm, nạp thiếu các thứ thuế dung, thuế điệu trong nhiều năm đã khiến chính phủ phải nghĩ đến việc cải cách phương pháp thu thuế hầu cúu vãn tình hình tài chính nhà nước. Năm 823, ở vùng Dazaifu (Kyushuu) cai quản, nhà nước đã lập ra chế độ kueiden (công doanh điền) khoán cho các phú hào (nông dân có của) khai thác những khu ruộng lớn diện tích 1 vạn chô (đơn vị 1 chô tương đương 9.917m2). Dazaifu đã lấy từ ruộng khẩu phần trong 9 khu vực (kuni) do mình cai quản, chia nó ra làm 12.295 chô ruộng tốt (lương điền, ryôden), lại chia chia 60.257 chính đinh (seitei) [9] trong vùng thành từng nhóm 5 người, ủy thác mỗi nhóm canh tác và thu huê lợi từ họ. Thông thường trong trường hợp ruộng khẩu phần, mỗi suất chính đinh phái đóng 4 soku (bó) luá và 5 ha (còn đọc là wa, nắm, 1/10 soku) lúa. Như vậy, ta thấy ở trường hợp ruộng khẩu phần (kubunden), sự trưng thu tính theo đầu người, khác với chế độ ruộng công doanh (kueiden) vừa trình bày bên trên, sự trưng thu chỉ tính theo diện tích đất đai. Cho đến thế kỷ thứ 9, thiên hoàng còn sở hữu ruộng đất gọi là chokushiden (sắc chỉ điền) và ruộng thiên hoàng dùng để ban phát cho hoàng tộc gọi là shiden (tứ điền). Đó là loại ruộng "trực doanh" từ trung ương, không thuộc diện bị trưng thu thuế má. Mọi kẻ hưởng thụ phải trực tiếp kinh doanh để đảm bảo nguồn tài chính riêng. Thời đại này cũng là lúc nhà nước thử lập một hệ thống thuế má mới và áp dụng một số cải cách để bù đắp vào yếu kém về thu nhập bắt nguồn từ sự suy thoái của chế độ đất đai và thuế má. Như thế, càng ngày nhà nước càng cho gia tăng loại ruộng trực doanh bởi giới quan lại trung ương. Đến cuối thế kỷ thứ 9 thì đã có nhiều quan chức sở hữu riêng cho mình một số ruộng mang tên là shoshiden (chư tư điền). Một số quan lại không còn trông mong gì đến bổng lộc nhà nước cấp cũng đã bỏ tiền ra mua lại đất đai các phú hào (nông dân có của) đã khai khẩn được làm đất tư, dùng nó như cơ sở sinh hoạt cho mình.Những sự việc vừa kể cho ta thấy chế độ luật lệnh dựa trên trung ương tập quyền đến thế kỷ thứ 9 đã bắt đầu sụp đổ về phương diện tài chánh. Mặt khác, từ đời Thiên hoàng Kanmu về sau, quyền lực của thiên hoàng trong triều đình được củng cố. Thiên hoàng và nhóm thiểu số gồm hoàng tộc và quí tộc thân cận ông sở hữu đất tư riêng và khuynh hướng này ngày càng mở rộng. Những nhân vật trong hoàng tộc và quí tộc có đặc quyền như vậy được gọi là inguuôshinke (viện-cung-vương-thần gia), nôm na là nhóm "con vua cháu chúa". Giới quan lại cấp thấp phải nương tựa vào thế lực của nhóm người này để được bảo vệ. Các phú hào địa phương cũng câu kết với họ. Như vậy, cả xã hội quí tộc lẫn xã hội nông thôn đã có một sự thay đổi lớn lao từ khi chế độ luật lệnh bắt đầu long móng. |
Tiết 2: Họ Fujiwara dấy lên. Thời thịnh trị năm Engi và Tenryaku. |
2.1
Sự hưng thịnh của cánh bắc họ Fujiwara:
Nói về thời Heian là người ta nghĩ ngay đến chính trị sekkan (nhiếp quan) tức là chính trị do các chức sesshô (nhiếp chính) và kanpaku (quan bạch) [10] điều khiển.Tuy nhiên thể chế chính trị này không phải tự nhiên mà có. Nó chỉ là kết quả của tình thế và trải qua một tiến trình khá dài. Trước tiên, hãy thử phân tích xem chính trị sekkan đã bắt đầu như thế nào qua sự hưng thịnh của dòng họ Fujiwara cánh nhà bắc, cũng như quá trình loại bỏ địch thủ trong cuộc tranh giành thế lực của họ. Vào đầu thế kỷ thứ 9, hai thiên hoàng Kanmu và Saga có đủ sức trong tay để khống chế giới quí tộc, tự tay mình nắm quốc chính.Trong khoảng thời gian ấy, dòng họ Fujiwara lại phân ra làm bốn chi nhánh: Nanke (nhánh Nam), Hokke (nhánh Bắc), Shikike (nhánh Bộ Lễ) và Kyôke (nhánh ở khu Sakyô trong thành Kyôto).Hokke liên kết với hoàng tộc, dựa vào thế lực đó mà phát triển mạnh mẽ. Dịp may của họ là vụ nổi loạn xảy ra vào năm 810 của Kusuko (Kusuko no hen). Fujiwara Kusuko (Đằng Nguyên Dược Tử) thuộc Shikike là người ở bên cạnh và được Thái thượng hoàng Heizei (Bình Thành, tại vị 806-809) [11] tin dùng. Bà ta cùng với người anh là Nakanari (Trọng Thành) lợi dụng sự bất hòa giữa Thái thượng hoàng Heizei và người kế vị ông là Thiên hoàng Saga (lên ngôi sau khi Heizei lâm bệnh) mà cử binh đảo chánh mưu việc trùng tộ (chôso = lên ngôi lằn thứ hai) cho Heizei. Họ cũng nhắm việc phục hồi thế lực của chi Shikike và mưu tính thiên đô về lại Heijôkyô. Kết cục, âm mưu của họ sớm bị phát giác, Kusuko tự sát, Nakanari bị tên chết, Thái thượng hoàng Heizei cũng phải qui y cửa Phật.Thế nhưng, việc này làm cho trong nội bộ nhà Fujiwara có sự thay đổi cán cân lực lượng. Chi nhánh Shikike suy vi nhanh chóng còn Hokke thì lên như diều gặp gió. Nhìn vụ việc một cách cụ thể, ta thấy rằng trước vụ biến loạn của Kusuko, cánh Hokke đã được sự tín nhiệm của Thiên hoàng Saga qua thủ lĩnh của họ là Fujiwara no Fuyutsugu (Đằng Nguyên Đông Tự, 775-826). Ông đã làm trưởng quan trông coi mọi việc cơ mật ở cơ quan nội vụ bên cạnh vua (tàng nhân sở = kurôdodokoro). Thiên hoàng và Fuyutsugu của chi Hokke rất gắn bó vói nhau và trở thành thế lực đối trọng với nhóm Kusuko, Nakanari của Thái thượng hoàng Heizei. Hokke hưng thịnh kể từ đời Fuyutsugu và tiếp tục đi lên với thế hệ của Yoshifusa (Lương Phòng) và Mototsune (Cơ Kinh). Các người này lần lượt loại trừ các chi đối lập trong vòng họ hàng để nắm thực quyền ở giữa triều đình. Để đạt được tham vọng đó, họ áp dụng các phương pháp như sau: 1) Lập quan hệ ngoại thích đối với thiên hoàng. 2) Độc chiếm những vị trí đại thần trong triều. 3) Bài xích các thế lực khác. 4) Mở rộng khu vực trang viên. Sau khi hội đủ điều kiện, họ đã hành động theo cách thức trên. Mọi sự đã diễn biến theo trình tự, sau Fuyutsugu đến lượt Yoshifusa đã triệt để thực thi việc bài xích các nhóm ảnh hưởng khác để trở thành một mình một chợ giữa triều đình. Năm 842, sau cuộc biến loạn gọi là Jôwa no hen (biến loạn năm Thừa Hòa), họ thành công trong việc đày Tomo no Kowamine ra đảo Oki, Tachibana no Hayanari ra bán đảo Izu. Hayanari là nhân vật còn để lại tên tuổi trong văn hóa sử Nhật Bản. Ông tiêu biểu cho văn hoá thời Kônin- Jôgan (Hoằng Nhân -Trinh Quán, 810-824 và 859-877) [12] vì là một nhà thư đạo lỗi lạc viết chữ theo phong cách đời Đường. Ông đứng ngang hàng với Thiên hoàng Saga và tăng Kuukai (Không Hải), được thiên hạ xưng tụng cùng với hai vị kia là Sanpitsu (Tam bút).Dẹp xong đối lập, Yoshifusa quay sang tìm cách và đưa được cháu ngoại hãy còn thơ ấu (do con gái của mình là Akirakeiko sinh ra) lên ngôi. Đó là Thiên hoàng Seiwa (Thanh Hòa, trị vì 858-876). Yoshifusa trở thành ngoại tổ của thiên hoàng và lợi dụng tuổi trẻ của ấu chúa để, trên thực tế, đóng vai trò nhiếp chính. Chức nhiếp chính (sesshô) thay mặt thiên hoàng lúc hãy còn nhỏ hay trong khi đau ốm để trị nước. Cho đến thời đó, chức sesshô phải do người trong hoàng tộc đảm nhiệm (như trường hợp Thái tử Shôtoku trước đây). Thế rồi, sau cuộc biến loạn mang tên Ôtenmon (vụ cáo buộc phóng hỏa cửa Ứng Thiên Môn, 866), hai ông Tomo no Yoshio và Ki no Toyoki bị tội lưu, Yoshifusa mới chính thức nhậm chức sesshô và là một nhân thần (thần hạ ngoài hoàng tộc, jinshin) đầu tiên nắm chức vụ đó. Nhân đây cũng nên nhắc rằng cuộc biến loạn đã trở thành đề tài cho một tập tranh cuộn (emaki) nhan đề Bandainagon emaki (Tranh cuộn về quan Dainagon Tomo) miêu tả quá trình đưa đến việc ông bị lưu đày. Đến năm 884, nhằm lúc Thiên hoàng Kôkô (Quang Hiếu, tại vị 884-887), ưu đãi con nuôi của Yoshifusa là Fujiwara no Tomotsune (Đằng Nguyên Cơ Kinh) và đưa ông này lên địa vị Kanpaku (Quan bạch). Như thế, thế lực của chi Hokke nhà Fujiwara ngày càng mạnh cực kỳ. Đến nỗi, năm 888 khi Thiên hoàng Uda (Vũ Đa, trị vì 887-897) vừa mới tức vị đã phải rút lại một sắc chiếu chỉ vì gặp sự phản đối của Mototsune. Năm trước (887), thiên hoàng đã cho thảo sắc chiếu bổ nhiệm Mototsune vào địa vị Kanpaku, trong đó có mấy chữ Akô no nin ( trao cho khanh nhiệm vụ của Akô) mà không nói thẳng là trao chức Kanpaku cho rõ ràng. Akô no nin chính ra là cách nói bóng bẩy trong cổ văn về chức tể tướng của Y Doãn (Akô) đời nhà Ân bên Trung Quốc. So với Nhật Bản thì chức này tương xứng với Nhiếp chính - Quan bạch chứ đâu có thua kém. Thế mà sự kiện đã bùng nổ, nghe đâu chỉ vì lời sàm báng của Fujiwara Sukeyo. Cá nhân ông này vốn có hiềm khích với Tachibana no Hiromi, người thảo sắc chiếu đó. Tachibana no Hiromi nhân thế bị quở trách và chính thiên hoàng cũng phải nhìn nhận mình có sai lầm. Điều đó cho ta thấy quyền thế của Mototsune lớn như thế nào.Cuộc "nghị luận về hai chữ Akô" (Akô no fungi) chỉ là dịp để Mototsune thị uy mọi người và qua đó, định nghĩa vai trò chính trị có tính quyết định của chức Kanpaku. Thế nhưng về sau, khi Mototsune chết đi rồi, Thiên hoàng Uda - vốn không có ngoại thích thuộc nhà Fujiwara - đã không đặt ai vào chức Sesshô-Kanpaku nữa. Ông dùng một quí tộc bậc trung là Sugawara no Michizane (Quản Nguyên Đạo Chân) để áp chế cánh Fujiwara. Riêng về Michizane, ông là người được hậu thế xem như vị thần của học vấn. Chính ông là người vào năm 894 (Kanpyô 6) đã dâng sớ xin triều đình đừng gửi sứ tiết sang nhà Đường nữa. Hành động này rất có ý nghĩa và gây được tiếng vang lớn. Cánh nhà Fujiwara nào có chịu thôi. Đến thời Thiên hoàng Daigo, họ dùng mưu lược để loại bỏ Michizane khỏi chính trường. Năm 901 (Engi nguyên niên), chức Tả đại thần là Fujiwara no Tokihira (Đằng Nguyên Thì Bình) vu cho Michizane muốn phế thiên hoàng và lập con rể mình - hoàng thân Tokiyo (Tề Thế) lên ngôi. Do đó mà Michizane bị tá thiên xuống Kyuushuu, làm thủ hiến ở phủ Dazai. Ông đã qua đời ở đấy trong uất hận. Đền Kitano ở Kyôto có Tenmanguu (Thiên Mãn Cung) xưa kia là nơi cúng tế vong hồn của Michizane vì sợ ông trả thù nay là chỗ thờ ông như một vị thần về học vấn. Về sau, trên toàn quốc đều có lập các Tenmanguu tương tự để thờ ông. 2.2 Thời thịnh trị năm Engi và Tenryaku: Vào tiền bán thế kỷ thứ 10, có 3 vị thiên hoàng là Daigo (Đề Hồ, 897-930), Suzaku (Chu Tước, 930-946) và Murakami (Thôn Thượng, 946-967) thay nhau nối ngôi. Trong khoảng thời gian đó, có lúc các thiên hoàng thân chính trở lại. Đời Thiên hoàng Daigo được gọi là Engi no chi (thời thịnh trị năm Engi, 901-923), những năm của Thiên hoàng Murakami có tên là Tenryaku no chi (thời thịnh trị năm Tenryaku, 947-957). Xen vào hai thời kỳ đó là những năm Thiên hoàng Suzaku cai trị. Thế nhưng mấy năm này thì người nắm thực quyền là một Kanpaku thuộc cánh Fujiwara, Fujiwara no Tadahira (Đằng Nguyên Trung Bình). Hai triều Daigo và Murakami thân chính được đánh giá cao cho nên đến đời Nam Bắc Triều (1336-1392) lúc 2 triều Nam Bắc đối lập, các thiên hoàng Go Daigo ( Nam triều, tại vị 1318-1339) và Go-Murakami (Nam triều, tại vị 1339-1368) đều xem Daigo và Murakami như một lý tưởng cho sự độc lập chính trị của hoàng gia để noi theo. Nhân đó, hai ông mới mang danh hiệu (Go =Hậu) như thế. Lý tưởng thiên hoàng thân chính còn có thêm một lý do khác. Đó là sự biểu dương thực lực của thiên hoàng vốn tượng trưng bằng chính trị của nhà nước luật lệnh trung ương tập quyền. Dưới đời Thiên hoàng Daigo, ông đã cho thực hành triệt để chế độ handen, vốn là cột sống của chính trị vương triều qua bộ luật lệnh Engi no shôen seirirei (Diên Hỷ trang viên chỉnh lý lệnh). Không những thế, về mặt văn hóa sử, việc biên soạn Engi Kyakushiki (Diên Hỷ cách thức, 869-907) và Kokin Wakashuu (Cổ kim Hòa ca tập, 905 ?, 914?) cũng là những thành quả có tầm vóc lớn. Thế nhưng lúc ấy đã có dấu hiện rõ ràng là thời đại đang thực sự biến đổi. Tình hình trị an ở kinh đô cũng như địa phương bắt đầu xấu đi. Chế độ luật lệnh không còn được ai tuân theo. Kết cuộc là vào năm 969 (Anna 2), xảy ra Anna no hen (cuộc biến loạn năm An Hòa) làm cho Tả đại thần Minamoto no Takaakira (Nguyên, Cao Minh) bị tá thiên.Từ đó, quyền hành nhà Fujiwara trở nên vững chắc. Chức sesshô được đặt ra thường trực, Fujiwara no Tadahira và con cháu ông thay nhau nắm nó như một tập quán. |
Tiết 3: Chính trị các Nhiếp chính và Quan bạch.Văn hóa quốc phong. |
3.1
Chính trị Nhiếp chính - Quan bạch với Michinaga và Yorimichi:
Từ đây chúng ta sẽ bước vào thời đại toàn thịnh của chính trị sekkan ( chính trị của chức Nhiếp chính và Quan bạch) mà điển hình là hai quyền thần Fujiwara no Michinaga (Đằng Nguyên Đạo Trường) và Yorimichi (Đằng Nguyên Lại Thông). Đó là thời kỳ khai hoa kết trái của các cây bút nữ cung đình như Murasaki Shikibu (Tử, Thức Bộ) với tiểu thuyết trường thiên Genji Monogatari và Sei Shônagon (Thanh, Thiếu Nạp Ngôn) với tập tùy bút Makura no Sôshi. Như đã trình bày, sesshô (nhiếp chính) là chức đại diện thiên hoàng toàn quyền thực thi hành chính cho đến khi tân quân đến tuổi trưởng thành, còn kanpaku (quan bạch) là người trông coi giúp rập thiên hoàng khi ông đã thành nhân rồi. Khoảng thời gian này, cánh nhà Fujiwara đã độc chiếm hai chức vụ ấy và vinh hoa của dòng họ nhờ đó mà lên đến tột đỉnh. Xin mở ngoặc ở đây để nói một chút về nếp sống cung đình. Thuở ấy, trong cung, quan chức nam giới thường mặc lễ phục gọi là sokutai (thúc đới) khá rườm rà trong những dịp lớn lao và ikan (y quan) giản dị hơn vào những ngày thường. Đàn bà như các nữ quan có phòng riêng (nyôbô, nữ phòng) thì mặc juuni hitoe (thập nhị đơn) gồm cả áo choàng ngoài karaginu (đường y) và váy gọi là mo (thường). Áo xống của họ thường làm bằng lụa (kinu), có hình trang trí (mon.yô) và in nhiều màu sắc (haishoku). Nam giới thông thường mặc áo bào đơn (nôshi), áo "phường săn" (kariginu) còn nữ giới thì mặc áo khoác ngắn bên trên (koichigi) với quần phồng có hai ống (hakama). Thưòng dân thì mặc áo khoác ngắn (suikan) trùm lên áo mặc bên trên (hitatare), vận quần hai ống ngắn (kobakama) ở dưới. Muốn nhận ra rõ hơn, phải tham khảo tranh ảnh tư liệu. Dinh cơ quí tộc xây theo lối shindenzukuri Nhà cửa người Nhật lúc đó là loại nhà xây cất theo kiểu tẩm điện (shindentsukuri) nghĩa là lấy phòng ngủ quay về hướng nam làm trung tâm sinh hoạt, cũng là nơi cử hành những nghi thức trọng đại trong gia đình, trên trải chiếu (tatami) và nệm bồ đoàn (warôda) hình tròn để ngồi. Ăn uống khá giản dị, thường ngày chỉ có 2 bữa, vì ảnh hưởng đạo Phật nên thường kiêng thịt và không dùng cả dầu khi nấu nướng. Nói chung họ ăn uống rất lành mạnh.Chúng ta vẫn có thành kiến là quí tộc Heian phong lưu, béo tốt nhưng cứ nhìn vào đồ ăn thức uống của họ thì nhất định là phần đông không thể nào như thế được. Con trái đến tuổi từ 10 đến 15 thì làm lễ genpuku (nguyên phục = bới tóc đội mảo), con gái làm lễ mogi (thường trước = mặc váy) tức là lễ thành nhân. Con trai sau đó sẽ được phong chức tước, ra làm quan (shusshi = xuất sĩ) trong triều. Quí tộc Heian thường sống ở khu phía tả kinh đô (Sakyô). Chức sessho sở hữu một số dinh thự ngay khu trung tâm kinh đô nhưng ngoài việc đi hành hương chùa Hasedera trong vùng Yamato (nghĩa là vùng phụ cận), họ ít khi di chuyển ra khỏi kinh đô. Trở lại lịch sử Heian thì từ thời Fujiwara Saneyori (Đằng Nguyên Thực Lại, 900-970), con cả củaTadahira (và lãnh chức sesshô kanpaku trải 4 triều Daigo, Suzaku, Murakami và Reizei) thì thường chỉ có người trong họ Fujiwara mới có thể nắm được chức vụ quan trọng đó.Năm 969 (Anna 2) xảy ra vụ biến loạn, dòng họ Fujiwara thành công trong việc đuổi được các họ khác và giành sân chơi lấy một mình. Từ đấy câu hỏi đặt ra chỉ là ai trong nhà Fujiwara sẽ ra giữ chức Sesshô-Kanpaku. Nếu có chuyện tranh giành thì cũng là giữa họ với nhau thôi chứ trong triều không còn thế lực nào trụ lại được với họ. Đó là tình hình
từ giữa thế kỷ thứ 10 bước sang thế kỷ 11 nên người
ta gọi giai đoạn này là thời kỳ sekkan (sekkanki = nhiếp
quan kỳ ) và chính trị lúc ấy là chính trị sekkan
(sekkan seiji). Những gia đình nào có người ra làm
sekkan thì gọi là gia đình sekkan (sekkanke ). Thế nhưng
trước khi chào đón thời toàn thịnh với Michinaga và Yorimichi,
họ Fujiwara cũng đã biết đến những xào xáo nội bộ vì
tranh giành quyền bính.
Sau thời của Saneyori (4) thì xảy ra vụ tranh chấp quyền lực giữa hai anh em Kanemichi (6) và Kaneie (8) xong lại đến lượt chú cháu Michinaga (Đạo Trường, 11) và Korechika. Hai cuộc tranh giành đều xảy ra giữa bà con gần, chung một dòng máu. Trong trường hợp thứ hai thì Korechika bị tá thiên vì hành động của em mình, để cho ông chú là Michinaga giành được chức Tả đại thần, chấm dứt tình trạng nồi da xáo thịt của người cùng một chi.Từ đó trở đi, chỉ còn Michinaga là kẻ chỉ đạo tối cao, có thực lực hơn cả. Ông trở thành nhân vật gọi là trưởng tộc (uji no chôja) và có công đưa dòng họ Fujiwara bước vào thời kỳ toàn thịnh. Dầu sao ở đây có một điểm không được sang tỏ. Đó là việc Michinaga chưa từng nắm chức Kanpaku. Cho dù ông được người đời xưng tụng là ngài Midô Kanpaku nhưng thực ra từ năm 995 cho đến 1016, suốt 21 năm trời, ông chỉ được phong chức chính thức là Nairan (Nội lãm) và sau đó lên thẳng Sesshô. Nairan là người ở trong cung kiểm tra tất cả các văn thư trước khi đem trình lên thiên hoàng. Ông không thông qua chức kanpaku trước khi trở thành sesshô nhưng cuốn nhật ký của ông lại có nhan đề là Mido Kanpaku Nikki (Ngự đường quan bạch nhật ký). Còn danh hiệu Midô (Ngự đường) của ông vốn xuất phát từ một danh từ tôn giáo. Đó là chữ được dùng trong Jôdokyô (Tịnh Độ Giáo), một tông phái Phật giáo dạy người ta phải chuyên tâm tu hành trong thời mạt pháp để được vãng sinh cực lạc về cõi Tịnh Độ. Trong tông phái này có những tăng nhân tên tuổi như Kuuya (Không Dã) hay Genshin (Nguyên Tín, người soạn Yôjô yôshô tức Vãng Sinh Yếu Tập) . Genshin còn có tên là Eshin sôzu (Huệ Tâm tăng đô) vì ông là một chức tăng quan cao cấp (tăng đô) tu ở Huệ Tâm Viện (Eishin.in) trên núi Hieizan. Thời kỳ đó trong dân chúng có lưu hành tư tưởng mạt pháp (mappô shisô) coi như lúc đó đã sắp đến ngày tận thế. Giáo lý Tịnh Độ giúp người xa lánh những nỗi bất an của đời này và hướng về hạnh phúc trong cõi đời sau. Nó dễ dàng được tiếp nhận vì đáp ứng đòi hỏi về mặt tinh thần của dân chúng. Đến cuối đời Heian, lại thấy xuất hiện những nhà truyền giáo thường dân mang tên là hijiri (thánh) mở rộng mạng lưới Jôdokyô ra toàn quốc. Tư tưởng mạt pháp đến từ lời tiên tri cho rằng sau khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt, thế gian sẽ trải qua 3 giai đoạn nối tiếp nhau. Đó là các thời kỳ chính pháp (shôbô), tượng pháp (zôhô) và mạt pháp (mappô) và Phật pháp của Thích Ca theo thời gian sẽ mất dần hiệu quả. Người ta tin rằng kể từ năm 1052 (Eijô 7), loài người sẽ bước vào thời mạt pháp. Lúc đó sẽ có những chứng cứ cụ thể về nó: các việc bất tường như đạo tặc, hỏa tai và dịch lệ thi nhau xảy đến. Để thoát ra khỏi ám ảnh bất an của một xã hội như thế thì người dân chỉ còn có cách đặt hy vọng vào cuộc sống tươi đẹp hơn trong một kiếp sau. Cũng trong thời gian nay, giới quí tộc lại có tập quán tin rằng có những điều cấm kỵ (monoimi) và hướng xuất hành xấu tốt (katatagae). Nó vốn có nguồn gốc sâu xa từ âm dương đạo (onmyôdô) tức phép bói toán đến từ Trung Quốc. Theo đó, thời tiết và những hiện tượng tự nhiên đều có ảnh hưởng đến thời may vận rủi của con người. Mỗi ngày, khi hành động phải biết hạn chế một số điều để tránh hung và được kiết.Tránh những điều cấm kỵ và chọn đúng phương hướng mà đi là chuyện phải làm. Tư tưởng mạt pháp và giáo lý tịnh độ đưa người ta đến tín ngưỡng về Phật A Di Đà. Thời đó có những bức tranh vẽ cảnh Đức Phật tiếp độ người được vãng sinh về cõi cực lạc. Loại tranh đó mang tên là Raigôzu (Lai nghênh đồ). Sự liên quan giữa bức tranh và Phật A Di Đà nằm ở chỗ người ta tin rằng Phật A Di Đà là giáo chủ ở cõi Tây Phương cực lạc, mà người tin vào giáo lý Tịnh Độ sẽ được siêu sinh về chốn ấy. Ngoài ra còn thấy có nhiều truyện ký nói về những tấm gương của người được vãng sinh cực lạc ra đời. Chẳng hạn Nihon ôjô kyokurakuki (Nhật Bản vãng sinh cực lạc ký) của Yoshishige no Yasutane (Khánh Từ Bảo Dận) hay Ôjô Yôshuu (Vãng Sinh Yếu Tập) của tăng Genshin (Nguyên Tín), hai tác phẩm đáng đại biểu cho thể loại nói trên. Về tranh thì Shôjuraigôzu (Thánh chúng lai nghênh đồ) trên núi Kôyasan (Cao Dã Sơn) là tác phẩm miêu tả rất sống động, toát ra cái không khí trang nghiêm và vui thỏa khi Đức Phật hiện ra để tiếp dẫn những tín đồ đắc đạo Quyền thần Fujiwara no Michinaga Michinaga cũng sùng bái Jôdokyô. Ông đã phát nguyện xây một tòa kim đường thờ Phật gọi tắt là midô (ngự đường). Thật ra đấy là Amidadô (A Di Đà Đường) ở chùa Hôjôji (Pháp Thành Tự). Chính công trình xây dựng này là nguyên do dẫn đến nhan đề cuốn nhật ký của ông. Cũng thế, Yorimichi (12), người kế nghiệp Michinaga, đã cho xây một kim đường khác, Byôdôin Hôôdô (Bình Đẳng Viện Phượng Hoàng Đường). Đây là một kiến trúc tiêu biểu về phật đường còn tồn tại. Bức tượng Phật A Di Đà Như Lai thờ ở đây là tác phẩm làm theo lối ghép gỗ (yosegi-zukuri) [13] của nghệ nhân nổi tiếng đương thời, Jôchô (Định Triều, ?-1057). Michinaga sở dĩ xây dựng được thời đại toàn thịnh cho dòng họ bởi vì 4 cô con gái của ông kẻ trước người sau đã trở thành chính phi của thái tử hoặc hoàng hậu. Sau đây là quan hệ giữa họ và các thiên hoàng: 1) Shôshi (Chương
tử) = Hoàng hậu (tước Chuuguu) của Thiên hoàng Ichijô.
Nhờ sức các con gái mà Michinaga đã củng cố được quyền uy tuyệt đối giữa triều đình trong suốt cuộc đời chính trị 30 năm. Một khi con gái nhà Fujiwara đã trở thành hoàng hậu, tất nhiên nếu có cháu cháu ngoại trai -con của con gái ông và thiên hoàng - thì cậu bé đó sẽ kế vị thiên hoàng trong tương lai và Michinaga nghiễm nhiên trở thành ngoại tổ của thiên hoàng. Ngoại thích lại là ngoại tổ giàu kinh nghiệm như Michinaga thì việc trở thành nhiếp chính cho tân quân hãy còn trẻ tuổi là chuyện bình thường nếu không nói là cần thiết để dẫn dắt cậu bé ấy từng bước một trong việc trị nước. Như vậy quan hệ ngoại thích là vũ khí số một của Michinaga. Cần nhắc lại là trong xã hội quí tộc Nhật Bản ngày xưa, con cái lúc nào cũng được nuôi dạy ở nhà mẹ, do đó mà liên hệ giữa tân quân với gia đình bên ngoại rất gắn bó. Như thế, thân thích bên ngoại (ông và các cậu) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chăm nom và bảo vệ thiên hoàng mới lên ngôi. Quyền hành của ngoại thích Fujiwara lên đến tuyệt đỉnh khiến cho Michinaga đã bày tỏ niềm tự hào về cuộc sống vinh hoa của mình trong một bài waka chép lại trong Shôyuki (Tiểu hữu ký) của Fujiwara no Sanesuke, nếu dịch ra ngôn ngữ hiện đại thì bài thơ đó ý nói: "Trong cuộc đời này, ta đã được toại nguyện đủ mọi điều, thế gian này coi như đã thuộc về ta vậy". Ông ta tự tín cho rằng phú quí vinh hoa của dòng họ mình đầy đặn chẳng khác nào một vầng trăng tròn (mãn nguyệt = mochizuki)". Tác giả quyển Shôyuki nhắc đến bên trên cũng là một nhân vật thuộc cánh Fujiwara, Hữu đại thần Ononomiya Fujiwara no Sanesuke (Đằng Nguyên Thực Tư, 957-1046), cho nên sách đó mới có nhan đề là Tiểu hữu ký. Ononomiya là tên phủ đệ trước của một thân vương nhưng đã nhượng lại lại từ đời cha ông cho nhà Fujiwara. Hai tác phẩm văn học sau đây đã ghi lại chi tiết sự vinh hoa phú quí của Michinaga. Trước tiên là "Truyện kiếp vinh hoa" (Eiga Monogatari) mà tác giả là bà Akazome Emon, một nữ quan hầu cận thân tín. Cuốn sách này đã khẳng định và cực tả cuộc sống hào nhoáng, đầy vinh quang của ông. Sau mới đến "Kính lớn" (Ôkagami). Quyển sách thứ hai này cùng với "Kính ngày nay" (Imakyô), "Kính nước (Mizukyô) và "Kính thêm" (Masukyô) tạo thành "Tứ kính" (Shikyô) tức 4 pho sách xem như 4 tấm kính phản chiếu lịch sử đương thời. Ôkagami còn có tên là "Chuyện nối dõi" (Yotsugi Monogatari) để cho ta thấy rằng sự vinh hoa đó không chỉ xảy ra trong cuộc đời Michinaga mà thôi. Tượng nữ văn hào Murasaki Shikibu Nếu tóm tắt hơn nữa lược đồ bên trên về liên hệ giữa hoàng gia và con gái nhà Fujiwara thì ta thấy trước tiên, bà Shôshi (Akiko) đã nhập cung Thiên hoàng Ichijô (Nhất Điều), trở thành chánh cung của ông (chuuguu). Bà sinh được 2 con trai, sau này sẽ là Thiên hoàng Go-Ichijô (Hậu Nhất Điều) và Go-Suzaku (Hậu Chu Tước). Bà Kishi (Yoshiko) thành chính phi Thiên hoàng Go-Suzaku, đã sinh cho ông thời còn ở Đông cung một trai, sau này sẽ lên ngôi, hiệu là Go-Reizei (Hậu Lãnh Tuyền). Tóm lại, 3 vị thiên hoàng nói trên đều là cháu ngoại của Michinaga. Con trai và người kế nghiệp Michinaga (30 năm quyền bính) là Yorimichi (Lại Thông) lại giữ chức vụ sesshô kanpaku đầu triều thêm 50 năm nữa trải ba đời Go-Ichijô, Go-Suzaku và Go-Reizei, nối dài chính trị sekkan trên hai thế kỷ (Yoshifusa 857 - Morozane 1094). 3.2 Văn hóa quốc phong khai hoa: Trong giai đoạn cực thịnh của nhà Fujiwara, thử hỏi văn hoá Nhật Bản từ thế kỷ thứ 10 về sau đã có gì tiến triển? Thực ra thời này phải nói là ở đại lục đã có nhiều biến động. Bên Trung Quốc, khí vận nhà Đường bắt đầu gặp những đám mây u ám. Năm 907 (Engi 7), Đường triều đang đứng mấp mé bên bờ vực. Do đó, năm 894 (Kanpyô 6), đại thần và học giả Sugawara no Michizane (Quản Nguyên Đạo Chân) đã dâng kiến nghị lên triều đình yêu cầu ngưng lại tất cả những chuyến đi sứ sang bên đó. Một phần ông tỏ ra lo ngại hành trình đường biển quá nhiều sóng gió nguy hiểm, nhưng một phần cũng có ý chê bai, cho rằng Nhật Bản không còn có gì đáng học hỏi ở nhà Đường nữa. Thế nhưng từ đó về sau , với những tinh hoa hấp thụ từ văn hoá đại lục, người Nhật đã phát triển văn hoá quốc phong, làm cho nền văn hóa sẵn có của họ ngày thêm tinh ròng. Sugawara no Michizane, đại thần và nhà văn hóa Đặc sắc hơn cả
có lẽ là sự ra đời của văn tự kana. Từ thế kỷ 11 trở
đi, hai loại chữ viết hiragana và katagana đã vượt lên xa,
ra ngoài vòng ảnh hưởng của chữ Hán (Kanji). Kết quả là
một nền văn học quốc âm sử dụng kana như phương tiện
truyền đạt chính đã khai hoa rực rỡ. Trừ văn kiện tư
liệu có tính cách hành chính, giới quí tộc cũng đổ xô
sử dụng kana ngay trong cả cuộc sống hằng ngày.
Thể loại văn chương tiêu biểu của thời này là hình thức thi ca gọi là Waka (Hòa ca). Thay vào những thi tập chữ Hán được soạn theo sắc chiếu cho đến lúc đó, năm 905 (Engi 5), Thiên hoàng Daigo (Đề Hồ) ra lệnh soạn thi tập Waka đầu tiên theo chiếu chỉ. Đó là tác phẩm mang tên Kokin Wakashuu (Cổ Kim Hòa Ca Tập) tức tập thơ Waka xưa nay biên tập bởi một nhóm văn nhân dưới sự chỉ đạo của Ki no Tsurayuki. Trong đó ta thấy cả một ca phong tinh tế và kỹ xảo gọi là Kokinchô (Cổ Kim điệu), nó sẽ là mẫu mực lâu dài về sau cho các nhà thơ Nhật Bản. Thế rồi trong khoảng thời gian nó ra đời cho đến tập Shin Kokin (Tân Cổ Kim) của thời Kamakura, đã có tất cả 8 tuyển tập thi ca soạn theo chiếu chỉ của thiên hoàng, gọi chung là hachidaishuu (bát đại tập, 8 tập thơ của 8 đời). Những nhà thơ tượng trưng cho thi phong của thời này đã xuất hiện vào hậu bán thế kỷ thứ 9. Họ là 6 vị được xưng tụng là Rokkasen (Lục ca tiên) tức 6 thi hào, gồm: Sôjô Henjô (Tăng chính Henjô), Ariwara Narihira (vương tử Ariwara Narihira), Onô no Komachi (nữ quan Ono no Komachi), Kisen (nhà sư Kisen), hai ông Bunya no Yasuhide và Ôtomo no Kuronushi. Ngoài ra, việc nhà biên tập Ki no Tsurayuki còn viết Tosa Nikki (Nhật ký Tosa) bằng chữ kana là một chuyện đáng chú ý. Bên cạnh đó, hình thức tiểu thuyết monogartari (truyện kể) đã có những tác phẩm như Taketori Monogatari (Truyện ông lão đốn trúc), uta-monogatari (truyện thơ) thì có Ise Monogatari (Truyện vùng Ise), đó là chưa nói đến tác phẩm Genji Monogatari (Truyện chàng Genji) do nữ quan Murasaki Shikibu sáng tác cho đến này vẫn là một tiểu thuyết trường thiên đáng tự hào của người Nhật. Còn bà Sei Shônagon cũng đã viết tập tùy bút Makura no Sôshi (Ghi nhanh bên gối), vốn được so sánh như một kiệt tác văn học không phải hổ thẹn khi đặt bên cạnh Genji Monogatari. Nữ sĩ Sei Shônagon Về mặt mỹ thuật và công nghệ, với khuynh hướng quốc phong hóa được đẩy mạnh, trong lãnh vực kiến trúc, người Nhật đã sáng tạo ra lối xây cất nhà cửa có tên là shindenzukuri (nhà có trung tâm là tẩm điện) có hai cánh hai bên, với hai đặc điểm là shirogizukuri (vách ván thô không sơn phết) và hiwatabuki (mái lợp vỏ hinoki, một giống bách Nhật Bản) rất đậm đà phong vị. Bên trong căn nhà những fusuma, jôji (cánh cửa kéo ngăn các phòng và phết giấy bồi) và các tấm byôbu (bình phong) đều có trang trí tranh vẽ. Thay vào tranh Karae tức tranh kiểu Trung Quốc là tranh đề tài hoa điểu phong nguyệt theo lối vẽ Yamatoe kiểu Nhật cho nên đường nét rất dịu dàng mà màu sắc lại thanh nhã. Người ta cho rằng ông tổ của tranh Yamatoe là Kose no Kanaoka (Cự Thế, Kim Cương), một họa sư tên tuổi thời Heian mà đời hoạt động đã kéo dài đến khoảng năm 895 (Kanpyô 7). Trong lãnh vực hội
họa thì Yamatoe từ đó về sau, suốt thời insei (viện chính
hay chính trị viện sảnh do các thái thượng hoàng chủ động)
người ta đã thêm vào bên cạnh hình vẽ những lời bàn gọi
là kotobagaki (từ thư). Do đó phát sinh ra hình thức văn nghệ
gọi là emakimono (loại tranh cuộn) không khác chi thủy tổ
những tiểu thuyết bằng tranh về sau.Các tác phẩm đại biểu
phải kể đến Genji Monogatari Emaki (Tranh cuốn thuật truyện
Genji), Bandainagon Emaki (Tranh cuốn thuật truyện qua Dainagon họ
Tomo), Shinkisan Engi Emaki (Tranh cuốn nói về lai lịch núi Shingisan).
Hầu như các kiệt tác trong thể loại này đã xuất hiện
vào cuối thời Heian. Một tác phẩm đáng được kể ra vì
sự hiếm có của nó là Chôshuugiga (Điểu thú hí họa) tương
truyền là của quan tăng chính Toba (hiệu Kakuyuu, 1053-1140, tọa
chủ phái Thiên thai và là một họa tăng được Thái thượng
hoàng Toba sủng ái) bởi vì ông vẽ những động tác của
con người qua hình ảnh các loại động vật như ếch, nhái,
thỏ... một cách rất linh động. Ông còn có những tranh tài
tình vẽ sinh hoạt của tàng lớp bình dân nông thôn các địa
phương với nhan đề Senmen Koshakyô (Phiến diện cổ tả kinh).
Đồ dùng hay vật bày biện trong nhà - gọi là chôdobin (điều độ phẩm) - đã được phát triển theo cách thức độc đáo của Nhật Bản. Thủ pháp makie nghĩa là gieo rắc (maki) kim nhũ ngân nhũ lên mặt tranh trang trí (e) rất thông dụng, có khi bay bướm hoa hòe nhưng có lúc cũng tạo ra một không khí lắng dịu, tao nhã. Cuối cùng, thư đạo cũng chuyển hướng từ thư pháp đời Đường sang dạng thư pháp Nhật gọi là Wayô (Hòa dạng).Ba nhà thư pháp tên tuổi (sanpitsu) mới đã xuất hiện. Đó là Ono no Michikaze (Tiểu Dã Đạo Phong), Fujiwara no Sakemasa (Đằng Nguyên Tá Lý) và Fujiwara no Yukinari (Đằng Nguyên Hành Thành). Thư pháp hoa lệ của họ được áp dụng lên thư tịch, lên bình phong vẽ theo lối Yamatoe cũng như lên các vật bày biện và dùng trong nhà. Nói chung , trên
đây là những thành quả văn hóa mà chính trị sekkan đã đem
lại.
|
Tiết 4: Trang viên và võ sĩ: |
4.1
Vai trò thu thuế của các quan Kokushi địa phương:
Chúng ta hãy còn nhớ rõ là trước khi họ Fujiwara nắm lấy quyền bính và thực hiện chính trị sekkan nghĩa là vào thời điểm trước thế kỷ thứ 10, đã có một giai đoạn hai Thiên hoàng Daigo và Murakami trực tiếp thí chính và đưa Nhật Bản vào một thời kỳ thịnh trị mang tên Engi.Tenryaku no chi. Lý do có được một thời thịnh trị như thế chỉ là vì hai vị vua đó đã rắp tâm tái kiến thể chế luật lệnh trung ương tập quyền. Để làm như vậy, họ đã ra đạo luật Engi no shôen seirirei (Diên Hỷ trang viên chỉnh lý lệnh, 902) bãi bỏ ruộng đất dành cho những giai cấp đưọc ưu đãi mang tên chokushiden (sắc chỉ điền) và shinno shiden (thân vương tứ điền) vốn là sản phẩm của một chế độ bất công. Cũng vào năm 902, thiên hoàng cho áp dụng chế độ handen (ban điền). Thế nhưng tình thực mà nói thì ngay cả thời điểm ấy, thể chế luật lệnh đã không còn giữ được hình dáng ngày xưa và đang trên đường suy vong. Nói cách khác, những qui tắc có tự buổi ban sơ không còn đủ sức để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chánh của nhà nước. Lấy một ví dụ. Theo hộ tịch lúc ấy của làng Tanokami quận Itano địa phương Awanokuni thì trong 435 người dân thuộc 5 hộ, nam đinh chỉ có 59 người trong khi số phụ nữ là 376. Dĩ nhiên tỷ lệ nam nữ như thế là bất thường. Chúng ta đã được nghe giải thích là sự mất thăng bằng đó đến từ việc khai man (ngụy tịch = giseki) vì các suất đinh muốn tránh đóng tô thuế và làm sưu dịch. Cái mà người ta nhận thấy thực ra chỉ là một góc của băng sơn hay nói nôm na, phần rất nhỏ của sự thực. Ví bằng để chuyện ấy lan rộng, nguồn thu hoạch tài chánh quốc gia sẽ tổn thất trầm trọng, thể chế luật lệnh cũng như quyền uy nhà nước không còn gì. Chứng cứ là cuộc cấp phát đất làm nông năm 902 là cuộc cấp phát xảy ra lần cuối. Từ sau đó không còn thấy đâu ghi chép về handen nữa. Sự hỗn loạn về chính trị thời ấy còn để lại dấu vết trong Iken Fuuji Juunikajô (Mười hai ý kiến về sửa đổi chính trị) do Miyoshi no Kiyoyuki (Tam Thiện Thanh Hành), một chức quan cố vấn cho Thiên hoàng Daigo, soạn ra. Nhân vật này ngày xưa lúc ở địa phương Bichuu vốn làm việc rất có hiệu quả. Chẳng hạn ông ta từng huy động được 2 vạn suất đinh trong vùng vào lính. Thế mà bây giờ ở ngay địa phương đó, làm cách gì cũng không tìm ra lấy một người có thể trả thuế điệu, thuế dung. Do đó Miyoshi đã dâng bản điều trần nói trên, đưa ra đề nghị tiết giảm chi tiêu và cải cách chính trị. Trước tình trạng đen tối như thế, nhà cầm quyền phải nghĩ đến việc thay đổi sách lược. Chính phủ chấp nhận không còn mỗi lúc mỗi ra chỉ thị cho các quan ở kokushi (quốc ty) [15] ở địa phương mà ủy thác hẳn việc cai trị cho họ, bù lại họ phải nạp một lượng thuế nào đó. Dưới chế độ luật lệnh, cho đến nay, kokushi khi hành sử quyền hành ở địa phương, thu thuế hay thảo văn thư đều phải chịu sự kiểm soát của trung ương.Thế nhưng theo chủ trương mới thì nội dung công việc của các kokushi đã đổi đi nhiều. Có nghĩa là từ nay quyền hành của họ ở địa phương rất rộng rãi. Nếu nói một cách cụ thể thì sự việc sẽ xảy ra như sau. Dưới chế độ luật lệnh, các thứ thuế tô dung điệu đều được ấn định chặt chẽ. Nay thì khác, nhà nước thu được bao nhiêu thu bấy nhiêu, còn mọi sự tại chỗ, họ phó mặc cho ty kokushi. Trách nhiệm của kokushi với nhà nước chỉ còn là trưng thu làm sao để đủ nộp thuế. Nhằm nâng mức thu nhập, các ty kokushi lại khoán xuống cho những nông dân có thế lực việc canh tác ruộng đất trong một thời hạn nào đó. Thay vì lấy các thứ tô, dung, điệu như cho tới nay thì họ chỉ đòi hỏi những người ấy nộp một món thuế đổ đồng nào đó dưới hai cái tên kanmotsu (tiền nộp cho quan) hay nengu (niên cống) và rinji zôyaku (lâm thời tạp dịch) như kuji (công sự) và buyaku (phu dịch). Như vậy thay cho tô dung điệu, người ta đã tạo ra một phạm trù thuế mới. Còn như về điền địa - đối tượng của thuế khóa - thì từ đó về sau, nó sẽ đi đôi với tên tuổi (myô = danh) của người có nghĩa vụ phụ đảm thuế. Miếng đất đó được gọi là myô (danh) hay myôden (danh điền). Người phụ đảm thuế thì được gọi là tato (điền đổ) [16], một thứ địa chủ. Trong số những anh tato này lại có kẻ biết câu kết với các quan kokushi để mở mang địa phận, lần lượt khai khẩn những vùng đất hoang hay đất tiếp giáp với nông trại của mình. Khi địa phận đã đủ rộng để canh tác đại qui mô thì họ không còn là một tato tầm thường nữa mà được gọi là daimyô tato (đại danh điền đổ). Xin lưu ý danh từ daimyô này. Kết quả là chế độ hộ tịch ghi số các suất đinh để ấn định việc thu thuế thân (nhân đầu thuế) - tượng trưng cho nhà nước luật lệnh - đã hoàn toàn sụp đổ. Một qui chế đánh thuế mới dựa trên cơ sở các myô được thành lập tiếp đó.Myôden thành ra trung tâm tài nguyên của thể chế cho nên cũng có thể nói thể chế myôden trở thành thể chế quốc gia của thời kỳ này. Vì nhà nước bây giờ không còn là nhà nước của chế độ luật lệnh (ritsuryô kokka) nữa, khi nhắc đến nó phải dùng cái tên mới là "nhà nước vương triều" (ôchô kokka). Về phần các quan trong kokushi, họ đã rời ra khỏi guồng máy nhà nước cấp trung ương, ở một chừng mực nào đó đã có quyền tự do đánh thuế dân chúng theo ý mình. Chúng ta có thể tưởng tượng dễ dàng điều này sẽ đưa đến hậu quả ra sao.Dĩ nhiên là sẽ nẩy sinh ra những bạo chúa nho nhỏ, không biết gì hơn là thoả mãn tư lợi tư dục. Thí dụ điển hình hơn cả là sự kiện văn bản mang tên Owari no kunigunji hyakuseira no ge (gọi gọn là Owari koku gebumi) viết năm 988 (Eien 2). Gemon hay gebumi (giải trạng, giải văn) là lời báo cáo của quan cấp dưới lên trung ương. Qua văn bản đó, người ta thấy quan ở kokushi vùng Owari là Fujiwara no Motonaga (Đằng Nguyên Nguyên Mệnh) đã thi hành chính sách hà khắc đối với dân chúng để vét cho đầy túi tham như thế nào.Thời đó, trong tầng lớp các kokushi, những kẻ đứng lợi dụng chức vụ, giữ lập trường đặt ưu tiên cho tư lợi không phải là ít. Lúc đầu, các quan kokushi chỉ là những chức quan địa phương. Quí tộc ở trung ương vốn chẳng cảm thấy thú vị tí nào khi được bổ nhiệm làm chức đó vì phải ra đi đến ở nơi heo hút, không có gì vui. Do đó, dù được lệnh bổ nhiệm làm ở kokushi, có rất nhiều quan kokushi không chịu bước ra khỏi kinh đô. Đi xa gọi là yônin (dao nhiệm) quá phiền hà, nha sở chỉ có những người gọi là mokudai (mục đại) thay họ làm việc tại chỗ. Vùng nào mà nha sở không có các chức quan kokushi cai trị trực tiếp thì đặt ra surudokoro (lưu thủ sở), công việc hành chánh của sở ấy sẽ do các viên chức địa phương tuyển từ đám con nhà hào tộc sở tại đảm đương.Những người này có tên là zaichô (tại sảnh) hay zaichô kanjin (tại sảnh quan nhân). Địa vị của họ truyền theo lối thế tập. Mặt khác, những quan kokushi thực sự chịu đi phó nhậm được gọi là zuryou (thụ lĩnh) vì họ đến lãnh chức vụ thực sự. Fujiwara no Mononaga vừa được nhắc đến cũng thuộc hàng quan lại này. Tập truyện Konjaku Monogatari (Kim tích vật ngữ) kể chuyện xưa nay có thấy chép về quan trấn thủ xứ Shinanolà Fujiwara no Nobutada (Đằng Nguyên Trần Trung). Theo đó, trên đường đáo nhiệm, Nobutada tình cờ bị té ngựa rơi xuống vực sâu mà chỉ lo gom nhặt nấm hiratake như huê lợi tịch thu từ mảnh đất nơi mình rơi xuống. Câu chuyện nhằm châm biếm sự tham lam của các zuryô. Khi đã thành công trong việc thu hoạch của cải nơi phó nhậm, các kokushi mới đem một số tài vật riêng tây tiến cúng vào việc xây cất chùa chiền hoặc dâng cho triều đình tổ chức lễ lạc hội hè. Họ sẽ được đền bù bởi nhà nước bằng chức tước cao hơn hay được bổ nhiệm lâu dài tại một vùng béo bở, ân huệ gọi là chônin (trùng nhiệm). 4.2 Tổ chức của các trang viên "ký tiến": Shôen (trang viên) - nói cách khác là ruộng đất tư hữu - theo thông lệ được phân ra làm 2 loại. Loại thứ nhất gọi là "trang viên thời kỳ đầu" (shoki shôen = sơ kỳ trang viên) đã có lần được nhắc đến, loại thứ hai là loại "trang viên dâng cúng" (nguyên văn kishinchikei shôen = trang viên xây dựng trên đất ký tiến). Khoảng thế kỷ thứ 8 đến thứ 9, dưới chế độ luật lệnh, khi thấy công điền công thổ không có đủ để phân phát thành ruộng khẩu phần cho dân cày, nhà nước nghĩ ra cách khuyến khích bằng cách cho lập những trang viên (trang viên thời kỳ đầu) từ đất đai mà người dân đã khẩn hoang được. Những nông dân đủ tài lực đã đáp lại lời kêu gọi của nhà nước, tự mình ra tay khai khẩn mà thành của mình nên những cơ sở đó mới mang tên "sơ kỳ trang viên" (shoki shôen hay jikonchikei shôen, có nghĩa là trang viên xây dựng trên đất hoang tự khai khẩn). Duy có điều là khi nhà nước luật lệnh suy vong thì chế độ này cũng suy tàn theo. Từ thế kỷ thứ 10 trở đi, tình hình đã đổi khác. Hình thái mới của trang viên là "trang viên ký tiến". Chúng ta sẽ xem loại trang viên này thành hình như thế nào? Trang viên sơ kỳ trước đây vì bối cảnh ra đời của nó là đối tượng thuế khoá. Đất ruộng của nó là loại yusoden (du tô điền), chữ dùng để phân biệt với loại ruộng fuyuso (bất du tô) không bị thuế. Ruộng đất của trang viên sơ kỳ bị đánh thuế là để tăng mức thu nhập tài chính cho quốc gia, hoàn toàn phù hợp với chính sách của nhà nước luật lệnh. Ngược lại, đến khi giới quí tộc và các chùa chiền thần xã lớn ngày càng lấn lướt và quyền lực nhà nước luật lệnh của thiên hoàng chỉ còn là cái bung xung cho các quan sesshô kanpaku thì sự thể đã đổi hướng. Quý tộc và đại tự xã dần dần mạnh ra, gây được áp lực đủ để cho chính quyền trung ương miễn thuế cho họ. Cụ thể mà nói, thời ấy, chính quyền trung ương là ai? Chẳng qua là nhóm đại quí tộc chung quanh tập đoàn Fujiwara vốn là những kẻ chiếm lĩnh ruộng tư hữu (trang viên) nhiều nhất.Mục đích của những người này không phải là sự duy trì chế độ công điền công lãnh để chia cho dân. Họ chỉ muốn đặt ưu tiên số một cho việc bảo vệ lợi ích của cá nhân và tập đoàn. Kết quả là các chức Daijôkan (Thái chính quan, như Thủ tướng) và Minbushô (Dân bộ tỉnh hay Bộ Nội Vụ) có đặc quyền nhìn nhận chủ trang viên nào là người có quyền khỏi đóng thuế (gọi là fuyu no ken = bất du quyền). Từ đó nẩy ra một hình thức trang viên mới . Daijôkan và Minbushô có quyền ban phát các chứng minh thư (gọi là fu = phù) cho nên những trang viên miễn thuế mới có tên kanshôfushô (quan tỉnh phù trang). Thế rồi, tại các địa phương, quyền miễn thuế lọt vào tay các kokushi. Trang viên được lệnh kokushi cho miễn thuế gọi là kokumen no shô (quốc miễn trang). Xin biết là từ hậu bán thế kỷ thứ 10 về sau, những daimyô tato tức địa chủ đã tích cực sử dụng tá điền địa phương (sakunin = tác nhân, genin =hạ nhân) khai thác đất đai. Đến thế kỷ thứ 11 thì những ông chủ này được gọi là kaihatsu ryôshu (khai phát lãnh chủ), nhiều người đã có khả năng chi phối cả một diện tích rộng lớn như đại địa chủ. Trong số đại địa chủ ấy, nhiều người lại tùng sự ở các nha sở trong vùng (kokuga = quốc nha) dây dưa vào cả công việc hành chính. Lại nữa, các đại địa chủ khẩn hoang (kaihatsu ryôshu) khi bị áp lực đánh thuế của kokushi địa phương phải tìm cách bảo vệ ruộng đất mình khai thác được nên mới tìm cách nương tựa vào giới quí tộc trung ương hay các đại tự xã (gọi chung là kenmon seika = quyền môn thế gia, hay cửa quyền) bằng cách trên danh nghĩa dâng cúng (kishin = ký tiến) cho họ. Từ đó, chủ nhân các lãnh địa mới mượn hơi hùm cửa quyền để thoát ra khỏi áp lực và sự kềm kẹp của bọn kokushi. Cách đối phó của giới đại địa chủ phải nói là rất khôn khéo. Quý tộc và tăng lữ đại tự viện chấp nhận đất tiến cúng của các đại địa chủ được gọi là ryôke (lãnh gia). Ryôge dùng quyền uy của mình để bảo vệ đất cát cho đại địa chủ và để đánh đổi lại, nhận từ đại địa chủ một phần thu nhập từ hoa màu. Khi mà đất đai tiến cúng có đối tượng là đại quý tộc hay hoàng tộc vốn nhiều thế lực thì các ông "chủ đất mới" mang tên là honke (bản gia) chứ không phải đơn thuần là ryôke (lãnh gia) nữa. Giữa hai giới này hãy còn có một quan hệ đổi chác (give and take), tất cả đưa đến một hiện tượng lạ lùng là một cuộc đất có khi có rất nhiều ông chủ nằm trùng lên nhau. Nhân đây phải nói rằng trong trường hợp như vậy, người chủ có thực quyền được gọi bằng cái tên là honjo (bản sở). Đương thời, quyền lợi nói trên được mệnh danh là shiki (chức), vì thế đặc quyền của ryôke và honke mới có tên là ryôkeshiki (lãnh gia chức) và honkeshiki (bản gia chức). Còn bọn đại địa chủ trên thực tế khai thác tại chỗ những lãnh địa đó và thay mặt người chủ đất bậc cao kia (ryôke, honke) để quản lý trực tiếp đất đai có danh xưng là geshi (hạ ty) hay shôkan (trang quan) và hưởng phần quyền lợi gọi là geshishiki (hạ ty chức). Như thế, ta đã thấy loại trang viên ký tiến thành hình bằng cách nào. Đến giữa thế kỷ thứ 11 thì hình thức trang viên kiểu này đã lan ra khá rộng. Đất đai trong nước dần dần thoát ra khỏi sự kiểm soát của nhà nước.Chế độ đất đai thời luật lệnh đã chịu một sự thay đổi lớn. Cùng với sự phát triển bên trong nội bộ các trang viên, phạm vi thoát thuế (bất du điền) càng ngày càng rộng và sự xung đột giữa giới chủ đất và các kokushi với thời gian trở nên nghiêm trọng.Giới lãnh chúa trang viên lợi dụng chức quyền ngăn cấm cả bộ hạ của kokushi là những kendenshi (kiểm điền sứ, một thứ thanh tra) đến xem xét vì cảm thấy sự hiện diện của chức thanh tra này rầy rà mắt họ. Họ có cả một đặc quyền gọi là fu.nyuu no tokken (bất nhập đặc quyền). Không đóng thuế, lại cấm được cả người khác vào kiểm tra, với cái đà như thế, cuối cùng nhà nước không còn có thể can thiệp vào việc làm của trang viên nữa. Thể chế bấy giờ có thể gọi là thể chế lãnh chúa thực sự vì cả đất đai và dân cư đều bị một lãnh chúa tư nhân cai quản. Trực diện với tình thế mới, các kokushi cũng muốn nhúng tay chỉnh lý các trang viên cho nên sự đối lập giữa họ và các lãnh chủ (chúa) trang viên trở nên sâu sắc.Thế nhưng ngược lại, có một số kokushi khi sắp mãn nhiệm kỳ cũng dùng quyền cấp giấy phép mở rộng trang viên để đổi lấy một số quyền lợi. Như thế, kể từ thế kỷ thứ 10 trở đi, trang viên do giới quí tộc và các đại tự viện nắm lấy càng ngày càng tăng diện tích nhưng cũng không nên quên rằng, ở mỗi vùng (kuni), ngoài các trang viên , vẫn còn có công điền công thổ mang tên kôryô (công lãnh) hay kokugaryô (quốc nha lãnh) đặt dưới sự giám sát của các quan kokushi. Khi thế lực của hào tộc và các địa chủ tự khai khẩn lan xa như vậy, các kokushi (quốc ty) mới tổ chức lại các đơn vị hành chính trong vùng mình cai quản (kuni =quốc) thành những gun (quận), gô (hương =làng) và ho (bảo =xóm). Họ bổ nhiệm các gunji (quận ty), gôshi (hương ty) và hoshi (bảo ty) phụ trách thu thuế cho mình. Cùng lúc, trong các kokuga (quốc nha) kokushi cũng đặt ra cơ cấu hành chính như tadokoro (điền sở = sở điền địa), saisho (thuế sở = sở thuế) và trên thực tế, gửi người dại diện của mình tức các mokudai (mục đại = ngưòi tai mắt) ra đó chỉ đạo việc làm của các viên quan ấy. Như thế, các gunji, gôshi, hoshi và các quan chức trong nha sở (gọi là zaichô kannin =tại sảnh quan nhân) cùng nhau quản lý các khu vực công điền công thổ (gọi là công lãnh = kôryô). Nhân vì có tình trạng "trang viên ký tiến" xảy ra cho nên hệ thống khu phân hành chính thời ấy đã biến thành hình thức hỗn hợp. Thứ tự koku (quốc), gun (quận), ri (go = lý hay hương) từ trên xuống dưới vào thời luật lệnh trước đây đã biến thành koku (quốc), shô (trang), gun (quận), gô (hương). Như vậy trang viên (đơn vị hành chính tư) được đặt ngang hàng với gun, gô (đơn vị hành chính công) trong thể chế mới. Trong các shôen và kôryô dã thành hình, đất canh tác phần lớn đều là myôden (danh điền) tức đất có tên chủ và được chia cho những tato (điền đổ) nghĩa là nông dân có thế lực (hakushô = bách tính). Từ danh nghĩa một người được chia myôden, họ mang tên là myôshu (danh chủ) và hưởng nhiều quyền lợi. Các myôshu đem một phần myôden chia cho những nông dân lệ thuộc mình, tức là các genin (hạ nhân, shojuu =sở tùng, tay chân) và các nông dân nhỏ khác gọi là sakunin (tác nhân) để họ canh tác cho mình. Myôshu (Danh chủ tức điền chủ) phải cung cấp nengu (niên cống), kuji (công sự) và buyaku (phu dịch) cho ryôshu (lãnh chủ, chúa), đóng vai trò chủ yếu trong đám nông dân. Chính vì có chính sách điền địa đặt trang viên ngang hàng với công lãnh như thế mà chế độ nông nghiệp thời ấy có tên là shôenkôryôsei (trang viên công lãnh chế). Nó đã được duy trì mãi về sau. Tuy hệ thống có phức tạp nhưng xin chú ý đến tính cách nhị trùng của nó : 1) Công và tư, công lãnh và trang viên tồn tại song hành. 2) Danh nghĩa và thực tế, kẻ có quyền sở hữu và người thực sự khai thác. 3) Tầng lớp hưởng
thụ và tầng lớp lao động.
4.3 Phản loạn ở các địa phương. Hai họ Taira và Minamoto lộ diện: Thế kỷ thứ 10 đánh dấu sự suy tàn của nhà nước luật lệnh đưa đến sự biến chất của chính trị địa phương. Cùng với sự lớn mạnh của các tay hào tộc và nông dân có thế lực, để củng cố và phát triển thế lực của mình, việc vũ trang giáo mác cung tiễn, việc sử dụng ngựa chiến là điều không tránh khỏi. Họ đã trở thành những chiến sĩ, có cái tên là bushi (vũ sĩ, võ sĩ). Xã hội càng hỗn loạn, vai trò can thiệp của bushi càng rõ rệt. Dân binh theo các bushi được gọi là tsuwamono (binh). người trong cùng một gia đình thì gọi là ie no ko (gia tử), kéo theo bầu bạn bè lũ họp thành rôtô (lang đảng) hay rôjuu (lang tùng). Họ tụ họp thành đoàn, tranh đoạt và đánh lẫn nhau, có khi chống đối lại quyền lực nhà nước mà điển hình là các quan kokushi. Lần hồi nhóm bushi liên kết chung quanh các hào tộc địa phương. Đặc biệt ở vùng biên cảnh, các tay đại hào tộc sở tại có truyền thống lâu đời đã bắt tay với con cháu những kokushi đã mãn nhiệm kỳ mà chưa muốn rời nhiệm sở, tạo thành những tập đoàn qui mô lớn. Đó là các bushidan (vũ sĩ đoàn, võ sĩ đoàn) vậy. Vùng Kantô tức khoảng từ Hakone trở về Đông, nơi sinh sản ngựa hay, những bushidan nổi tiếng đã thành hình. Dòng họ Kanmu Taira (Hoàn Vũ Bình, vì là họ Taira và xưng là hậu duệ của Thiên hoàng Kanmu) sinh ra được viên tướng dõng mãnh Taira no Masakado (Bình, Tướng Môn, ? - 940). Masakado lấy Sashima thuộc Shimôsa no kuni (phiá bắc tỉnh Chiba bây giờ) làm căn cứ, năm 935 (Jôhei 5) để tập họp thế lực, nhiều lần đã gây chiến giữa họ hàng, giết cả chú mình là Kunika.
Sau đó Masakado vì chống lại kokushi đã kết hợp với các tay hào tộc cùng nhau nổi loạn. Năm 939 ( Tengyô 2), quân Masakado tấn công và hạ được các vùng lân cận như Hitachi, Shimotsuke, Kôzuke, chinh phục hết phân nửa Kantô, tự xưng là hoàng đế mới (Shinnô = Tân hoàng). Dĩ nhiên danh hiệu ấy dùng để chứng minh thế lực đối kháng với thiên hoàng và chủ trương bá quyền ở vùng Kantô nhưng chỉ qua năm sau, Masakado bất ngờ bị hai tướng Taira no Sadamori (Bình, Trinh Thịnh) và Fujihara no Hidesato (Đằng Nguyên, Tú Hương) tấn công, thua chết. Sử chép là Taira no Masakado no ran tức Loạn Taira no Masakado, sau trở thành đề tài cho tác phẩm văn chương chiến ký gọi là Shômonki (Tướng Môn Ký, 940 về sau). Sách chỉ có một quyển, viết bằng chữ Hán nhưng nặng hơi văn Nhật, hình như do một tăng lữ soạn. Lúc ấy, ở miền tây cũng xảy ra một biến cố tương tự. Fujiwara no Sumitomo (Đằng Nguyên Thuần Hữu), một cựu kokushi vùng Iyo, đã dẫn hải tặc khuấy phá một vùng biển nội địa Seto, lại từng công hãm hai phủ Iyo (Ehime) và Dazai (Kyuushuu), làm cho triều đình kinh hoàng. Để dẹp loạn, triều đình phái con cháu họ Seiwa Genji (vì tên là Minamoto và là con cháu Thiên Hoàng Seiwa) là Minamoto no Tsunemoto (Nguyên, Kinh Cơ) và tướng Ono no Yoshifuru (Tiểu Dã, Hiếu Cổ) trấn áp. Hai cuộc loạn này gọi là Shôhei-Tengyô no ran (Loạn năm Shôhei Tengyô, Thừa Bình-Thiên Khánh). Cần chú ý đến tên tuổi hai tướng nhà Taira và Minamoto xuất hiện lần đầu ở đây. Sau này hai dòng họ võ biền đó sẽ đóng vai trò lịch sử trong những chương kế tiếp. Hai cuộc khởi loạn đã xảy ra đồng thời như vậy đã cho ta nhìn thấy được điều gì? Thực ra người được triều đình cử đi dẹp cả hai cuộc nổi dậy này đều là chức Chinh di đại tướng quân Fujiwara no Tadafumi (Đằng Nguyên Trung Văn) thế nhưng khi quân ông vừa chưa đến nơi thì các nhóm bushi sở tại đã dẹp loạn hộ xong rồi. Ý nghĩa lịch sử của hai cái loạn đời Shôhei Tengyô này là nó phơi bày sự yếu kém của thế lực triều đình trong việc chỉ đạo hành chánh và quân sự ở địa phương. Cùng một lúc chứng tỏ giới bushi sở tại đã có thực lực đáng kể. Có lẽ vì hiểu ra được sức mạnh đáng kể của giới bushi mà đến lượt triều đình và quí tộc trung ương thi nhau tìm cách đưa họ vào làm người giúp việc, hầu cận (thị =samurai) mình. Ví dụ nhóm võ sĩ gọi là Takiguchi no bushi (Takiguchi là tên một khu vực trong cung) được mướn để bảo vệ cung cấm, gia đình quí tộc cũng như tuần tra trong thành phố. Họ cũng được lãnh nhiệm vụ lùng bắt, áp giải trộm cướp và giữ trị an như trường hợp các chức suibushi (truy bổ sứ) và ôryuushi (áp lĩnh sứ) Cứ như thế cho
đến thế kỷ thứ 11, khi mà các lãnh địa tư của những
địa chủ khai thác đã mở rộng và có nhu cầu được bảo
vệ thì các bushidan ở địa phương cũng được phát triển
theo, khi thì họ phục vụ giới quí tộc sở tại, khi thì
phục vụ nhóm quan lại đang điều hành các công lãnh. Đến
lượt những nhân vật địa phương có liên hệ huyết thống
với giới quí tộc trung ương cũng tổ chức những bushidan
với qui mô lớn hơn và đứng ra giữ vai trò tôryô (thủ
lãnh, nhưng chữ Hán viết là đống lương trong cái nghĩa
rường cột) và dần dần tạo nên những thế lực đáng kể.
Dòng họ Minamoto con cháu Thiên hoàng Seiwa trú ngụ xứ Settsu được gọi là Seiwa Genji (Gen còn đọc là Minamoto). Tổ của họ là Minamoto no Mitsunaka. Hai con của ông này, Yorimitsu và Yorinobu tiếp cận với gia đình các sekkan, được sự bảo hộ của họ để trở thành thủ lĩnh (tôryô = đống lương) thanh thế lừng lẫy.Năm 1028 (Chôgen 1) Yorinobu thành công trong việc dẹp loạn Taira no Tadatsune (Bình, Trung Thường) ở vùng Kazusa (trung bộ Chiba), đã tạo cơ hội cho họ Minamoto lập được căn cứ địa miền Đông. Ở vùng Tôhoku (Đông Bắc) lúc ấy, hào tộc địa phương là họ Abe (An Bồi) trở nên hùng mạnh. Để đối phó, Minamoto no Yoriyoshi (Nguyên Lại Nghĩa) - con trai Yorinobu (Lại Tín) được triều đình cử ra làm chức trấn thủ vùng Mutsu hay Michinoku (Lục Áo, tức năm địa phương ở bắc Tôhoku). Yoriyoshi cùng Yoshiie [17], con mình, dẫn quân bản bộ là các võ sĩ miền Đông (Tôgoku, chung quanh Tôkyô bây giờ) lên đánh dẹp. Với sự tiếp sức của một hào tộc khác vùng Dewa (Xuất Vũ) gần đó là họ Kiyohara (Thanh Nguyên), ông đã diệt được cánh nhà Abe. Sử chép cuộc chinh phạt dó là Zen kunen no eki ( Chiến dịch chín năm đầu, thực ra kéo dài 12 năm: 1051-1062), nó là nguồn cảm hứng cho bộ tiểu thuyết chiến tranh (gunki monogatari) nhan đề Mutsuwaki (Lục Áo Thoại Ký, 1062, Truyện xứ Mutsu) [18]. Sau đó, dòng họ Kiyohara, tập đoàn quan trọng của một vùng Mutsu-Dewa rộng lớn thấy có dấu hiệu rạn nứt nội bộ. Lúc đó Yoshiie thay cha làm chức trấn thủ xứ Mutsu. Ông đã giúp một người con cháu họ Fujiwara (nhưng mẹ tái hôn với họ Kiyohara) là Fujiwara (Kiyohara) no Kiyohira ( Thanh Hành) bình định được nội loạn. Sử chép đây là Go sanen no eki ( Chiến dịch ba năm sau, 1083-1085). Qua hai chiến dịch đó, dòng họ Minamoto đã thắt chặt được mối quan hệ chủ tớ với bushidan vùng Kantô (Quan Đông) [19] và xác định được vị trí người thống lĩnh (tôryô = đống lương) của mình. Kết quả là kể cả những kẻ trong nhóm bushidan miền Đông cũng tiến dâng đất cho Yoshiie, nhân vật thực lực hơn cả, để mong được ông này che chở. Thấy thế triều đình vội vã tìm đủ cách nghiêm cấm. Sau khi Yoshiie (1039-1106) không còn ở Ôu (Áo Vũ, gồm Mutsu lẫn Dewa) nữa thì Fujiwara no Kiyohira dần dần nới rộng ảnh hưởng.Trải qua 3 đời Kiyohira (1056-1128), Motohira (Cơ Hành, không rõ năm sinh năm mất), Hidehira (Tú Hành, ? - 1187), dòng họ Fujiwara đất Ôu (Ôu Fujiwara shi) rất phồn vinh. Trong 100 năm liên tiếp, ở căn cứ địa Hiraizumu (Bình Tuyền), họ chứa chất đầy vàng bạc, người ngựa, trở nên giàu có, du nhập văn hóa hoa mỹ của Kyôto. Họ thành lập hệ thống mậu dịch với các địa phương miền bắc và tạo cho mình một văn hóa đạc biệt, như thể "triều đình riêng một góc trời". Ngôi điện thờ Chuusonji Konjikidô (Trung Tôn Tự Kim Sắc Đường) thếp toàn vàng ở Hiraizumi và Shiramizu Amidadô (Bạch Thủy A Di Đà Đường) ở Mutsu cùng với Fukiji Ôdô (Phú Quý Tự Đại Đường) ở Bungo (Phong Hậu) đảo Kyuushuu là những kiến trúc A Di Đà Đường do các tay hào tộc địa phương xây dựng có trình độ mỹ thuật Phật giáo tông Tịnh Độ cao. Tóm lại, trên đây chúng ta đã điển qua những nét đặc trưng của chế độ trang viên và giai cấp vũ sĩ tân hưng cũng như liên hệ giữa chúng với nhau. |
Tiết 5: Chính trị "viện sảnh" ra đời. Chính quyền họ Taira. |
5.1
Thái thượng hoàng Go-Sanjô thân chính. Chính trị "viện sảnh"
mở màn:
Đến đây, thời đại chuyển đổi từ cổ đại bước qua trung đại. Đặc điểm của buổi giao thời này là sự phát triển của chính trị viện sảnh, tức insei (viện chính) cũng như sự tập trung quyền lực trung ương vào tay gia đình họ Taira (còn gọi là Heike). Như ta biết chính trị của các nhiếp chính và quan bạch (sekkan seiji = nhiếp quan chính trị) đạt đến đỉnh cao quyền lực với Fujiwara no Michinaga, sau đó được nối tiếp bởi con trai cả của ông là Yorimichi nhưng từ đó về sau, dịp may trở thành ngoại thích của gia đình thiên hoàng không còn nữa. Một phần cũng vì giữa con gái Yorimichi (992-1074) và thiên hoàng không có con trai. Một vị thiên hoàng mà mẹ không xuất thân từ gia đình Fujiwara đã lên ngôi. Đó là Thiên hoàng Go-Sanjô (Hậu Tam Điều, trị vì 1068-1072). Ông tìm cách tự mình đứng ra điều khiển chính sự.Và cũng vì thế mà thời đại mới có sự chuyển hướng. Mẹ Thiên hoàng không sinh ra từ gia đình sekkan. Bà ta là một công chúa tên là Teishi (Trinh tử), con gái Thiên hoàng Sanjo (Tam Điều). Chuyện thiên hoàng trở lại thân chính lúc ấy là lần đầu tiên trong vòng 170 năm, kể từ thời Thiên Hoàng Uda (Vũ Đa, trị vì 887-897). Nói về nhân vật Thiên hoàng Go Sanjô thì người ta biết ông lên ngôi tương đối muộn. Năm 1068, ông đã 34, cái tuổi khá thông hiểu việc đời. Ông lại ấp ủ nhiệt tình đối với việc trị nước và bản thân có cá tính. Ông tự tay tuyển chọn những người có học thức như Ôe no Masafusa (Đại Giang Khuôn Phòng) đưa họ vào chức vụ quan trọng, đứng trước gia đình sekkan thì vẫn không ngần ngại bày tỏ thái độ muốn cải cách quốc chính. Việc cải cách ưu tiên của ông - như đã có lần đề cập ở phần trên - đó là phát lệnh chỉnh lý trang viên Enkyuu no shôen seirirei vào năm Enkyuu (Diên Cữu nguyên niên, 1069). Thiên hoàng đã nhận thấy các trang viên khi phát triển đã xâm lấn vào lãnh địa công cho nên hạ lệnh thiết lập cơ quan gọi là Kirokusho (Ký lục sở). Việc chỉnh lý các trang viên xưa nay vẫn giao cho các quan kokushi ở địa phương thì nay rút về, đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của hai đại thần có khuynh hướng chống gia đình các sekkan là Minamo to no Tsunenaga (Nguyên, Kinh Trường) và Ôe no Masafusa.Cách thức kiểm soát của hai ông là bắt các trang viên phải trình giấy tờ chứng minh đất cát và so sánh giấy tờ ấy với báo cáo của các quan kokushi xem có trùng hợp hay không. Các ông bất kể chúng là trang viên thuộc gia đình sekkan hay không, hể là trang viên chỉ vừa mới ra đời và thiếu giấy tờ, không đúng qui luật là bắt đình chỉ ngay. Phương pháp ấy đã thu lượm được nhiều thành quả. Thái độ cứng rắn của thiên hoàng đã làm cho trưởng tộc nhà Fujiwara lúc bấy giờ là Yorimichi và Iwashimizu Hachimanguu, sở hữu chủ một nhóm trang viên quan trọng, phải thất kinh. Sách Gukanshô (Ngu Quản Sao) [20] của tăng Jien (Từ Viên) đã ghi laị rành mạch phản ứng của Yorimichi lúc đó như sau: "Sau nhiều năm có công phò tá thiên hoàng, các trang chủ người này người nọ ngỏ ý tiến dâng đất đai cho gia đình sekkan chúng thần.Trước hảo ý đó, chúng thần chỉ biết nói "Thế à?" rồi thâu nhận, cho nên làm gì có công văn chứng cứ nó là đất thuộc về mình.Nay nếu thiên hoàng muốn chỉnh lý trang viên thì xin người cứ việc, chẳng cần phải ngần ngại chi cả" Vì ngài Ujidono (tên hiệu của Yorimichi vì ông có biệt thự ở vùng Uji, ngoại ô Kyôto LND) đáp như thế nên câu trả lời lại làm lệch lạc kế hoạch của Thiên hoàng Go Sanjô. Kết cục nhà vua phải đặc cách cho trang viên của Yorimichi là ngoại lệ, không nhất thiết cần chứng minh bằng cớ". Đoạn văn của Jien cho thấy trong cách đối xử, hai bên thiên hoàng lẫn Yorimichi tuy lễ phép với nhau nhưng đều không chịu nhún. Về phần Iwashimizu Hachimanguu, một đền thần đạo, thì trong số 34 trang viên của họ, chỉ có 21 trang được chính quyền nhìn nhận, chứ 13 trang còn lại đã bị tước quyền sở hữu. Cho nên, sắc lệnh chỉnh lý trang viên, ở một chừng mực nào đó, không phải là không được thực thi. Liên quan đến việc chỉnh lý các trang viên, cũng nên nhắc đến văn bản quan trọng có tên Enkyuu no senjimasu tức tuyên cáo (senji) định cách đo lường một thăng (masu) là bao nhiêu ra đời vào năm Enkyuu thứ 4 (1072). Cho đến lúc đó, khi đong thóc, đơn vị masu (thăng) thường được dùng một cách tùy tiện. Như vậy chính phủ đã đặt ra một qui chuẩn (công định thăng) để thống nhất đơn vị đo lường cơ bản trong nông nghiệp. Di chí của Thiên hoàng Go Sanjô được người kế vị là Thiên hoàng Shirakawa (Bạch Hà, trị vì 1072-1086) cũng gọi là Rokujô (Lục Điều) nối tiếp.Thiên hoàng tiếp tục thân chính, thế nhưng ông là người hay có những hành động ngược đời, kể cả việc nhường ngôi cho một người con mới có 8 tuổi, Thiên hoàng Horikawa (Quật Hà, trị vì 1086-1107) vào năm 1086 (Ôtoku 3). Ngược đời nhưng không thiếu tính toán. Thiên hoàng Shirakawa dầu nhường ngôi nhưng vẫn nắm trọn quyền hành với một kiểu chính trị gọi là insei (viện chính) [21] mà chỉ khi trở thành jôkô (thượng hoàng) hay in (viện) ông mới thực hành được. Ông lập một triều đình song song với thiên hoàng, lấy tên là in no chô (viện sảnh). Từ vị trí bên ngoài này và cùng với đám đình thần riêng của mình, ông vẫn có thể trông coi thiên hoàng, xa lánh những người ông không muốn gặp và nắm thực quyền chính trị. Thái thượng hoàng Shirakawa (cũng gọi là Shirakawa-in) kéo về cánh mình những quan kokushi vốn hoan nghênh việc chỉnh lý đến nơi đến chốn hệ thống trang viên đang nằm trong tay hai lớp đại và tiểu quí tộc. Ông cũng tổ chức và vũ trang một busidan giữ vai trò canh giữ biệt điện của ông. Họ là những Hokumen no bushi (Bắc diện vũ sĩ) nôm na là ngự lâm quân được cắt giữ phía bắc cung điện. Như vậy, trên thực chất, ông đã biết củng cố thế lực của viện sảnh. Sau khi Thiên hoàng Horikawa mất vì bệnh (năm 29 tuổi), ông mới chính thức thi hành chính trị mà mình ấp ủ bấy lâu. Nhân đây cũng nên nhắc qua một Hokumen no bushi rất nổi tiếng dưới thời ông. Người ấy là thi tăng Saigyô (Tây Hành, 1118-1190), nhà văn hoá kiệt xuất của Nhật Bản. Về sau, người lính ngự lâm này không biết vì thất tình hay chán đời, đã xuất gia, sống đời ẩn sĩ rày đây mai đó. Trên bước đường phiêu lãng, ông đã viết tập thơ waka nhan đề Sankashuu (Sơn Gia Tập) [22] Sau thời Thiên hoàng Shirakawa nắm thực quyền, tổng cộng 43 năm, viện chính lại được tiếp nối với các 2 vị Thái thượng hoàng khác Toba, Go Shirakawa. Tất cả kéo dài hơn 100 năm. Đó là thời kỳ mà các thiên hoàng điều hành chính sự theo ý mình, không dựa vào luật pháp hay tập tục sẵn có. Sau đây là những nét đặc trưng của văn hóa và xã hội thời viện chính. Ba thái thượng hoàng Shirakawa, Toba và Go-Shirakawa có một điểm chung: ba ông đều dốc lòng kính Phật.Khi một thiên hoàng nhượng vị, thường được mọi người tôn kính gọi là Dajôtennnô (Thái thượng thiên hoàng). Khi gọi ông là Jôkô (Thượng hoàng) tức là đã xóa đi mất mấy chữ. Khi Thượng hoàng xuất gia, ông được gọi là Hôô (Pháp hoàng). Trường hợp này cũng có sự tỉnh lược trong lối xưng hô, thu gọn từ Dajôhôô (Thái thượng pháp hoàng) vậy. Ba vị thượng hoàng nói đến bên trên đều xuất gia và trở thành pháp hoàng. Khi xưng như thế, ý họ đều muốn trị dân trung thực theo lời giáo huấn của nhà Phật. Pháp hoàng Go Shirakawa Thái thượng hoàng Shirakawa đã cho xây Hosshôji (Pháp Thắng Tự) để bày tỏ lòng mộ đạo của mình. Ngoài ra, 6 ngôi chùa được dựng lên trong thời các vị thiên hoàng này, tên đều có chữ "Thắng", thường được gọi chung là Rokushôji (Lục Thắng Tự). Thiên hoàng Horikawa cho xây Sonshôji (Tôn Thắng Tự), Toba xây Saishôji (Tối Thắng Tự), hoàng hậu của ông, bà Taikenmonin (Đãi Hiền Môn Viện) xây Enshôji (Viên Thắng Tự), Thiên hoàng Sutoku (Sùng Đức) xây Jôshôji (Thành Thắng Tự), Thiên hoàng Konoe (Cận Vệ) xây Enshôji (Diên Thắng Tự). Lại nữa, Thái thượng hoàng Shirakawa nhiều lần đi hành hương trong xứ Kii ở vùng Kumano hay núi Kôyasan, những di tích và thắng cảnh có tính tôn giáo, lại tổ chức những trai đàn, pháp hội (hôe). Trong khi cho xây cất những ly cung biệt điện ở ngoại thành Kyôto, để có tiền chi phí, các Thiên hoàng Shirakawa và Toba đã không ngần ngại bán cả chức tước để có đủ ngân sách. Đến đời Pháp hoàng Go Shirakawa, vị vua tài hoa này đã cho thu thập những bài hát dân gian lưu hành đương thời để làm thành ra tập bài ca (kayô) nhan đề Ryôjin Hishô (Lưong Trần Bí Sao) [23] gồm các thể điệu imayô (kim dạng =ca khúc đời mới) hay saibara (thôi mã nhạc) [24] hát đồng ca với nhiều nhạc khí. 5.2 Cơ sở kinh tế của chế độ "viện sảnh": Đến thời kỳ viện sảnh thì cơ sở kinh tế nhà nước dựa trên chế độ gọi là chigyôkoku (tri hành quốc). Chế độ này cho phép viện (từ nay xin hiểu là thái thượng hoàng) thu lợi ích từ những inbunkoku (viện phân quốc). Inbunkoku có nghĩa là những nước (kuni, vùng ở địa phương) mà người cầm đầu (kuni no kami) được viện chỉ định từ hoàng tộc, quí tộc, công khanh hay đại tự xã. Những người này sẽ thay mặt viện để thu huê lợi cho ông. Những kẻ thân cận của viện lúc ấy là gia đình những quan địa phương (zuryô) giàu có, gia đình các hậu phi (kôhi) và các bà nhũ mẫu (meoto). Họ họp lại thành một tập đoàn có tên là in no kinshin hay cận thần của viện, mượn thanh thế của viện để được bổ ra làm quan ở những kokushi (quốc ty) béo bở và bù lại, họ ủng hộ chính quyền viện sảnh. Chính quyền viện sảnh còn có thêm một cơ sở khác là một số lớn trang viên của họ. Đặc biệt dưới thới Thái thượng hoàng Toba, không những con số các trang viên dâng cúng cho viện (Toba) và nữ viện (tức vợ ông) tăng vọt mà số trang viên dâng cúng cho quí tộc có thế lực và các chùa chiền thần xã lớn cũng vậy. Những trang viên có quyền cấm người ngoài xâm nhập (quyền bất du bất nhập = không được thu thuế và không phụ trách an ninh) nhiều ra và sau đó trở thành một qui tắc phổ biến. Quyền này cường điệu sự độc lập của các trang viên đối với các thế lực bên ngoài, ngay cả lực lượng an ninh cảnh sát. Các đại tự viện cũng sở hữu nhiều trang viên và đã tổ chức các tăng lữ thuộc cấp thành một lực lượng zôhei (tăng binh) để tranh chấp với các quan kokushi. Họ vác những biểu tượng tôn giáo tượng trưng cho hình ảnh của thần như shinboku (thần mộc, cây thiêng) hay shinyo (mikoshi, thần dư, kiệu thiêng) đi đằng trước mỗi khi kéo nhau đi khiếu kiện trực tiếp, gây áp lực với chính quyền để mong rằng yêu sách của họ được dễ dàng thỏa mãn. Đương thời, hai chùa nổi tiếng nhất trong những vụ việc như thế này là Kôfukuji (Hưng Phúc Tự) và Enryakuji (Diên Lịch Tự). Người ta gọi gọn hai chùa ấy là Nanto-Hokurei (Nam đô Bắc lĩnh).Kôfukuji nhiều lần cho vác cây thiêng sakaki của đền Kasuga ở Nara ra đối đầu với triều đình. Đền Kasuga này là đền thần đạo thờ tổ tiên dòng họ Fujiwara, còn Kôfukuji lại là ngôi chùa của dòng họ ấy. Gia đình sekkan Fujiwara trước tình thế đó cũng chưng hửng vì bị bất ngờ, không biết phải đối phó làm sao. Trang phục của tăng binh Tăng binh chùa Enryaku lại có hỗn danh là yamahôshi (sơn pháp sư, thầy chùa núi), khi muốn gây áp lực khiếu kiện thì họ thường khiêng theo kiệu thờ của đền thần đạo Hie (Hiyoshi). 5.3 Hai cuộc loạn năm Hôgen và năm Heiji: Thời xã hội công khanh, Nhật Bản đã bước từ chính trị nhiếp chính quan bạch sang chính trị viện sảnh. Trong khoảng thời gian ấy, không thể nói giữa viện (thái thượng hoàng) và triều đình (thiên hoàng) mọi sự dã xảy ra êm thắm cho được.Ngược lại, cuộc tranh chấp không khoan nhượng giữa hai bên cũng như những cuộc phân tranh nội bộ trong gia đình sekkan Fujiwara là sự đối lập song đôi đã đưa đến cuộc biến loạn xảy ra vào năm Hogen (Bảo Nguyên) nguyên niên (1156) mà sử Nhật gọi là Hogen no ran. Cuộc biến loạn này là một sự kiện đã sinh ra từ những phức tạp chồng chất từ thời cổ đại cho đến lúc đó. Chẳng những thế, nó còn kéo theo cuộc loạn năm Heiji (Bình Trị) nữa. Vai trò của nó khá quan trong và ta có thể xem đó là một sự kiện chính trị đã đánh dấu sự cáo chung hoàn toàn của nhà nước luật lệnh cổ đại. Hãy thử mô tả càng gọn càng rõ càng tốt nguyên do, bối cảnh sự bộc phát của hai cuộc loạn này. Thiên hoàng Sutoku (Sùng Đức, 1119-1164, tại vị 1123-1141), con trai cả của Thái thượng hoàng Toba (Điểu Vũ) đột nhiên bị cha mình ép phải nhượng vị cho em trai khác mẹ lúc đó mới có 3 tháng tuổi là hoàng tử Narihito (Thể Nhân).Sự cố này cũng là vì trong hoàng gia có một vụ ngoại tình khá ly kỳ cho nên đã phát sinh ra một cách xử lý mà người thường khó lòng hiểu nổi. Số là có thuyết cho rằng Sutoku không phải là con sinh ra giữa Toba và hoàng hậu của ông, bà Taikenmon Shôshi hay Tamako. Người cha thật lại chính là ông cố nội của Sutoku, Thái thượng hoàng Shirakawa, đã thông dâm với chính hoàng hậu của cháu nội mình (Toba). Cảnh chiến loạn thời Heiji Tuy nhiên , đứng trước sự sỉ nhục này, Thiên hoàng Sutoku cũng đành im lặng nhịn chịu. Ông chỉ đặt điều kiện với Toba là phải hứa rằng sau Narihito (tức Thiên hoàng Konoe, Cận Vệ) sẽ đến phiên con ruột của ông là Hoàng tử Shigehito (Trọng Nhân) được kế vị. Thế nhưng khi Thiên hoàng Konoe (1139-1155, tại vị 1141-1155) chết trẻ vì bệnh hoạn thì Toba lại không đưa con ông lên ngôi mà lập một người em trai khác của ông - Hoàng tử Masahito (tức Thiên hoàng Go-Shirakawa, Hậu Bạch Hà, 1127-1192, tại vị thiên hoàng 1155-1158). Sutoku càng ngày càng đâm ra tức tối. Như thế, nguyên do thứ nhất của cuộc loạn năm Hogen nằm trong bối cảnh đối lập giữa viện sảnh và thiên hoàng, kèm thêm niềm uất hận có tính cá nhân đan tréo giữa cha con Toba-Sutoku. Nguyên do và bối cảnh thứ hai là sự tranh chấp nội bộ trong gia đình Fujiwara. Đó là sự tranh dành chức trưởng tộc (tiếng Nhật gọi là katoku hay gia đốc) giữa Fujiwara no Tadamichi (Đằng Nguyên Trung Thông) và người em trai, Yorinaga (Lại Trường). Ngoài cuộc xào xáo huynh đệ này còn có sự đối lập, tranh quyền giữa hai binh đoàn Taira và Minamoto. Lý do phát xuất từ việc cả viện sảnh lẫn triều đình đều cần lính đánh thuê (yôhei =dung binh) để làm nanh vuốt cho mình và đã lôi cuốn họ vào trong sự đối lập của mình. Nhà Genji (họ Minamoto) thì có Minamoto no Yoshitomo (Nguyên, Nghĩa Triều) theo cánh thiên hoàng (nhưng Yoshitomo cũng đối lập với cha (Tameyoshi, Vi Nghĩa) và em (Tametomo, Vi Triều) bộ hạ của viện sảnh).Còn Heike (họ Taira) thì Tira no Kiyomori (Bình, Thanh Thịnh) theo thiên hoàng trong lúc chú ông, Tadamasa (Trung Chính) lại đứng về phía thái thượng hoàng. Để hiểu phần
nào những tương quan đó, xin tham khảo đồ biểu dưới đây.
Nếu kể lại những gì đã xảy ra thì ta biết Go-Shirakawa đã tổ chức thành công cuộc tập kích vào ban đêm, đánh bại được phe Sutoku, bắt ông lưu đày ở Sanuki (nay là tỉnh Kagawa trên đảo Shikoku). Nhóm Yorinaga và Tameyoshi bị sát hại. Đó là biến cố năm Hogen nguyên niên (1156). Thế nhưng về sau cận thần của Thái thượng hoàng Go Shirakawa trong khi thi hành viện chính lại tranh chấp giữa họ với nhau, dẫn đến cuộc biến động năm Heiji nguyên niên (Bình Trị, 1159), Heiji no ran. Chính là hai đảng
Taira và Minamoto sau khi thắng lợi trong cuộc loạn Hogen đã
đối đấu với nhau.Cận thần của viện là Fujiwara no Michinori
(Đằng Nguyên Thông Hiến) pháp danh Shinzei (Tín Tây) - người
câu kết với Taira Kiyomori -lại làm mất lòng một cận thần
khác cùng họ Fujiwara là Nobuyori (Tín Lại). Ông Fujiwara thứ
hai này kết đảng với Minamoto no Yoshitomo. Trước tiên Nobuyori
và Yoshitomo dấy binh, giết được Shinzei nhưng họ lại thua
kém Kiyomori về lực lượng quân sự nên bè đảng bị Kiyomori
tiêu diệt. Con trai của Yoshitomo là Yoritomo (Lại Triều) được
Kiyomori tha chết nhưng bị đày về vùng Izu. Đó là những
dữ kiện chính của cuộc loạn năm Heiji.
Tuy hai cuộc loạn
này không động viên một quân số đông đảo từ giới bushi
nhưng đã cho thấy có sự can thiệp của bushi vào những cuộc
tranh chấp giữa quí tộc và, với thực lực quân sự, họ
đã có thể giải quyết các xung đột. Điều này có ý nghĩa
rất quan trọng.Nó giúp cho giới bushi có một bàn đạp để
bước vào chính trường. Cụ thể là sự đăng quang của chính
quyền vũ gia nhà Taira khởi đầu bằng sự thăng tiến của
Kiyomori.
5.4 Chính quyền họ Taira thành hình: Giữa hai dòng họ Taira (Heike) và Minamoto (Genji) là một cuộc tranh hùng không khoan nhượng suốt giai đoạn cuối đời Heian.Hai bên đều nhờ có thế lực quân sự nên được chính quyền viện sảnh trọng dụng. Họ cũng phụng sự cả triều đình. Thế nhưng,sau hai cuộc loạn Hogen (niên hiệu Bảo Nguyên) và Heiji (niên hiệu Bình Trị), dòng họ Minamoto là kẻ chiến bại nên suy vong. Cuộc loạn Heiji vừa chấm dứt chưa đầy 10 năm thì Taira no Kiyomori (Bình Thanh Thịnh) đã thăng tiến vượt bực, lên đến chức Daijôdaijin (Thái chính đại thần) đứng đầu trăm quan. Nhân vì Kiyomori
lập phủ đệ ở vùng Rokuhara (Lục Ba La) trong thành phố Kyôto
cho nên chính quyền họ Taira còn gọi là chính quyền Rokuhara.
Không những mỗi cá nhân Kiyomori thăng tiến mà cả dòng họ
ông, vốn có những kẻ có thực lực, ví dụ con trai ông là
Shigemori (Trọng Thịnh). Họ nắm trọn những chức vụ quan
trọng và quyền bính trong giai đoạn ấy .
Như thế, Kiyomori đã có công xây dựng cả một tập đơàn Taira đầy quyền lực như trên. Họ khác với nhà Minamoto ra sao. Đó là điều chúng ta sẽ đề cập đến trong phần sau. Dòng họ Taira sở dĩ phất lên được là vì tổ phụ Kiyomori là Masamori (Chính Thịnh) đã giúp triều đình đánh dẹp Minamoto no Yoshichika (Nguyên Nghĩa Thân), dòng dõi danh tướng Minamoto no Yoshiie, nổi loạn ở Izumo. Trước kia tuy là con cháu nhà thiên hoàng nhưng họ đã sa sút, tầm thường. Sau đó, muốn lập công danh, họ trở thành cận thần của Viện nhờ biết mua lòng bằng cách dâng cúng đất đai lãnh địa cho Thái thượng hoàng Shirakawa. Đến đời Kiyomori, ông thành công trong việc qui tụ các bushidan địa phương dưới trướng mình. Ông nắm các nhóm bushi từ vùng Kinai (quanh kinh đô), biển nội địa Nhật Bản (Seto naikai) cho đến đảo Kyuushuu nghĩa là trọn miền Tây. Họ trở thành kenin (gia nhân) tức thuộc hạ của ông, giữa hai bên có một quan hệ chủ tớ. Sự kiện này có ý nghĩa chính trị rất lớn. Mặt khác, Kiyomori lợi dụng vai trò cận thần của Viện mà gả được con gái là Tokuko (Đức tử) tức bà Kenreimon.in (Kiến Lễ Môn Viện) [26] cho Thiên hoàng Takakura (Cao Thương) làm chính cung. Thời đó, con gái nhập cung thì gọi là koshii (liễn nhập) tức là lên kiệu hoa. Nhân đó, Tokushi (Tokuko) sinh hạ hoàng nam được phong ngay hoàng thái tử (sau này sẽ là Thiên Hoàng Antoku). Antoku (An Đức, trị vì 1180-1185) tức vị năm 1178 (Jishô 2). Kiyomori nghiễm nhiên trở thành ông ngoại của tân vương. Từ đó ngoại thích Taira thành lập được cơ sở vững vàng cho dòng họ. Sách lược nhờ đàn bà để trở thành ngoại thích của hoàng tộc đã có từ xưa. Đó là trường hợp của gia đình sekkan Fujiwara. Song song với tổ chức quân sự, họ Taira tạo lập cho mình một cơ sở kinh tế. Trong thời toàn thịnh, họ đã sở hữu trên 500 trang viên và phân nửa số chigyôkoku (tri hành quốc, nước được viện phong cho) trên toàn cõi Nhật Bản. Như thế, giữa chính quyền họ Taira và chính quuyền sekkan họ Fujiwara lại có thêm một điểm tương đồng thứ hai. Việc họ Taira xây dựng thế lực từ việc tổ chức các bushidan theo mối quan hệ chủ tớ rất quan trọng. Nó đánh dấu thời kỳ quá độ từ cổ đại qua trung đại. Họ Taira đã mô phỏng chính quyền sekkan về cách thức chiếm đoạt quyền hành lẫn việc xây dựng địa bàn kinh tế, cả hai cách đều mang tính cách xử sự của quí tộc. Tính cách quí tộc ấy còn thể hiện qua đền thần đạo họ đã cho xây cất trên đảo Itsukushima [27] ở vùng Aki (nay thuộc Hiroshima) dành cho gia đình và để cầu an ninh trên đường biển. Nơi họ thờ phụng nay đã được thừa nhận như di sản văn hóa thế giới.Cách đây mấy năm, bão tố và triều cường đã tàn phá nhiều nhưng nơi đây vẫn còn bảo tồn được bộ kinh văn Heike nôkyô (Bình gia nạp kinh) do họ tiến cúng, một di sản văn hóa hoa lệ khác thể hiện được tính quí tộc của họ. Taira no Kiyomori (tranh thời Nam Bắc Triều) Kể từ đời Tadamori -cha của Kiyomori - về đối ngoại, họ Taira đã đẩy mạnh mậu dịch Nhật Tống. Từ hậu bán thế 11 trở đi, giao dịch giữa Nhật Bản và Tống, Cao Ly (Kôrai) đã mạnh mẽ rồi. Bước qua thế kỷ 12, Tống triều bị áp lực quân sự của nhà Kim (tộc Nữ Chân ở phương bắc) phải chạy xuống phía Nam. Do đó thương nhân Nam Tống mới tìm cách thông thương với Nhật Bản. Nhằm đáp ứng đòi hỏi đó, Kiyomori mới xây một bến đỗ cho tàu thuyền mang tên Ôwada no tomari (Đại Luân Điền bạc) ở Settsu (nay là thành phố Kobe), lại tìm cách bảo vệ an ninh trên biển nội địa Seto giúp thương nhân Tống có thể di chuyển vào tận vùng Kinai chung quanh kinh đô, làm cho việc trao đổi hàng hóa được dễ dàng. Ta thấy những việc làm của Kiyomori đối với nước ngoài thật khác hẳn với những gì xảy ra trước đó. Thuyền Tống đã đem đến bao nhiêu tài vật quí báu, tiền nhà Tống và sách vở.Cùng với sự phát triển kinh tế là sự phát triển văn hóa.Lợi nhuận thu được từ mậu dịch lại được dùng vào việc xây dựng cơ sở kinh tế cho nhà Taira.
Tuy nhiên họ Taira vì muốn nắm lấy toàn bộ guồng máy hành chánh quốc gia, độc chiếm chức tước để mặc tình thao túng nên đã làm cho những gia đình dòng dõi (cựu gia) bị loại ra bên lề bất mãn đến cùng cực. Đặc biệt, giữa nhà Taira và Pháp hoàng Go Shirakawa cùng đám cận thần viện sảnh của ông đã có sự rạn nứt sâu sắc. Năm 1177 (Jishô 1), nhóm cận thần bênh cạnh Go Shirakawa như Fujiwara no Narichika (Đằng Nguyên Thành Thân), tăng Shunkan (Tuấn Khoan) đã họp nhau ở Shishigatani (Sư tử cốc) vùng ngoại ô Kyôto mưu toan đánh đổ họ Taira. Sử chép đó là Shishitani no inbô (Âm mưu ở Shishinotani). Chuyện bại lộ, năm 1179, Kiyomori bèn thẳng tay đàn áp. Ông giam lỏng Pháp hoàng và xử phạt tạt cả các quan lại đã nhúng vào việc đó, cả các quí tộc từ chức kanpaku trở xuống. Sau vụ đó ông
được (hay tự) luận công và có lúc đã nắm hết gần phân
nữa đất đai toàn quốc. Chế độ độc tài nhà Taira như
thế đã hoàn thành. Thế nhưng sự độc chiếm ấy lại là
cái cớ để các lực lượng đối lập đoàn kết lại và
kết quả là tập đoàn Taira đã tiêu vong.
|
[1]
Niên hiệu Kônin (Hoằng Nhân, 810-824), dưới đời các Thiên
hoàng Saga và Junna. Niên hiệu Jôgan (Trinh Quán, 859-877) dưới
đời các Thiên hoàng Seiwa, Y ôzei và không liên quan gì đến
niên hiệu Trinh Quán đời Đường Thái Tông (627-649).Hai niên
hiệu này đánh dấu thời Heian sơ kỳ.
[2] Thai tạng giới: quá trình con người ta đi đến cảnh giới giác ngộ cũng không khác gì chặng đường một trẻ em phát triển dần dần trong bào thai nơi người mẹ. [3] Emishi là tên cổ, về sau được gọi là Ezo. Cả hai đều viết với hai chữ Hán Hà Di. [4] Năm 810, bà Fujiwara no Kusuko (Đằng Nguyên Dược Tử), một nữ quan được Thái thượng hoàng Heizei sủng ái, đã mưu với người anh là Fujiwara no Nakanari (Đằng Nguyên Trọng Thành) làm cuộc đảo chánh, cướp chính quyền từ người nối ngôi ông là Thiên hoàng Saga để phục vị cho Heizei.Sau thất bại, Kusuko uống thuốc độc tự sát còn Nakanari bị quân đội trung thành với vương thất sát hại. [5] Umehara Takeshi,Nihon Bukkyô wo yuku, sđd, tr. 19. [6] Nam đô lục tông: Tam luận, Thành thực, Pháp tướng, Câu xá, Hoa nghiêm và Luật tông. [7] Thật ra là một chữ Hán hiếm và khó đọc. Từ điển chua cách đọc là đông hay đồng (tinh đông bình) nhưng lại do phiên âm sai từ âm wan trong tiếng Phạn. Xin tồn nghi. [8] Okada Hidehiro, 2008, Nihonshi no tanjô (Khi lịch sử Nhật Bản khai sinh), Chikuma Bunko, Tokyo, tr. 18. [9] Trong xã hội luật lệnh, chính đinh (seitei) là những tráng đinh khỏe mạnh, từ 21 đến 60 tuổi (sau đổi lại thành từ 22 đến 59) có thể phụ đảm các thứ thuế tô, dung điệu và nghĩa vụ quân sự (binh dịch). Còn có từ sejo (chính nữ ) để chỉ những phụ nữ từ 21 đến 60 tuổi. [10] Sesshô (Nhiếp chính) là chức đại thần giúp nhà vua trẻ cho đến lúc trưởng thành. Ở Nhật, thường thay vua điều khiển triều đình.Kanpaku (Quan bạch) cũng thế nhưng vào thời điểm vua đã lớn lên, nhận mọi tâu bẩm và truyền lệnh thay vua.Nhiều khi hai chức do một người nắm.. [11] Xin đừng lầm với Thiên hoàng Heisei hiện tại (2012) cũng là Bình Thành nhưng khác tự dạng. [12] Jôgan (Trinh Quán) là niên hiệu Nhật Bản, không liên quan đến Trinh Quán (627-649) của Đường Thái Tông. [13] Kỹ thuật làm tượng gỗ bằng cách ghép nhiều mẫu gỗ vào nhau khác với kỹ thuật ichiboku-zukuri (nhất mộc) dùng một khối gỗ mà thôi. [14] Chủ yếu dựa vào Monogatari Nihonshi (Kể truyện lịch sử Nhật Bản), quyển I, của Hiraizumi Noboru, sđd). [15] Kokushi (quốc ty) có 4 loại quan tòng sự: thủ (kami), giới (suke), duyện (jô) và sakan (mục). Kami là chức đứng đầu, còn các quan khác phụ tá cho ông.Dưới họ lại có sử sinh (shijô) giống như thong phán. Trụ sở của kokushi gọi là kokuga (quốc nha), đất đặt kokuga gọi là quốc phủ (kokufu). [16] Trong tiếng Hán, đổ có nghĩa là vách ngăn, tường chắn cho nên điền đổ có thể hiểu như một khu vực ruộng đất được khoanh vùng.. [17]Minamoto Yoshiie, 1039-1106, võ tướng xuất sắc và thi nhân waka tài hoa. Nổi tiếng nhờ hai chiến dịch miền Đông Bắc và tạo được cơ sở cho tập đoàn võ sĩ Minamoto ở vùng Quan Đông. [18] Tác phẩm tiên khu của thể loại tiểu thuyết chiến tranh, không rõ tác giả.Viết bằng Hán văn theo thể cách điệu tức nặng về khuôn sáo. [19] Xưa có nghĩa là 9 châu từ đèo Hakone trở về phía đông, nay chỉ sáu tỉnh gồm Tôkyô và vùng phụ cận) để phân biệt với Kansai (Quan Tây) tức vùng Kyôto-Ôsaka. [20] Tập sử luận 7 quyển với một sử quan đặc biệt (chủ trương hoàng gia và vũ gia phải hợp tác thay vì muốn độc chiếm quyền lực), viết về lịch sử Nhật Bản từ đời Jinmu Tennô đến đời Juntoku Tennô (trị vì 1210-1221). Tác phẩm của tăng Jien (Từ Viên, 1155-1225), một quí tộc thuộc gia đình Fujiwara. Xin đừng lầm với Gukanki (Ngu Quản Ký), nhật ký có tính cách công vụ còn giữ được 47 quyển của đại thần Konoe Michitsugu (1332-1387). [21] Thực ra viện chính chỉ là một danh hiệu mới. Cách đứng đằng sau lưng một tân quân để cai trị thực sự có từ đời nữ Thái thượng thiên hoàng Jitô (thế kỷ thứ 7, thời Nara), lúc đứt đoạn, lúc tiếp nối cho đến tận đời thượng hoàng Kôkaku (thế kỷ 19, Edo hậu kỳ). [22] Tập thơ cá nhân (gia tập) còn nghĩa là nhà trong núi (am), gồm 3 tập với 1600 bài, nhuốm màu sắc Phật giáo, lời lẽ bình dị, vịnh thiên nhiên và có tính thuật hoài. [23] Lương trần có nghĩa là "bụi đóng trên kèo nhà". Có chữ "động lương trần" (làm tung bụi trên kèo nhà" ý nói tiếng nhạc lời ca hay làm rúng động không gian. Bí sao là sao chép lại những gì quí hiếm. [24] Saibara (Thôi mã nhạc) nguồn gốc bất minh nhưng là những điệu hát dân gian trong yến tiệc, dựa trên làn điệu gốc Nhật pha trộn với nhạc ngoại quốc (như gagaku, nhã nhạc).Thịnh hành thời Heian, đến thế kỷ 13 thì suy thoái và đến đời Muromachi thì không còn nghe nói có ai hát nữa tuy vẫn còn có nơi tàng trữ nhạc phổ. Về nguyên nghĩa có nhiều thuyết ( khúc hát của người giữ ngựa (mã tử ca) hoặc người dẹp đường (sakibari) khi các quí nhân xuất hành) nhưng tựu trung không lấy gì làm chắc. [25] Sieffert, René, 2007, Le dit de Hogen et le dit de Heiji (Truyện loạn thời Hogen và loạn thời Heiji), Verdier Poche, Pháp (dịch sang Pháp văn Hogen Monogatari và Heiji Monogatari).. [26] Tokuko là tên hồi con gái của bà. Kenreimon là tên lúc bà lên làm hoàng hậu vì Kenreimon là tên một khu vực trong hoàng cung. Danh xưng Viện (In) có ý nói chồng bà (Takakura) sau trở thành Thái thượng hoàng. [27] Đền Itsukushima (Hiroshima) cùng với Matsushima (Sendai) và Amanohashidate (Miyazu) là Nhật Bản tam cảnh (ba phong cảnh đẹp nhất Nhật Bản). [28] The Nikkei Weekly, Feb, 6, 2012, p.29, Was Kiyomori villain, or humanist? (Matsumoto, Haruto, staff writer). |
|
[
trang trước ] / [ trang
sau ]
|